Tin vắn ngành thủy sản địa phương trong tuần 10 năm 2018

Đồng Nai: Quy hoạch nuôi thủy sản tập trung tại Nhơn Trạch

Những tin chính bao gồm: Bạc Liêu: Tăng cường kiểm tra chất lượng tôm giống, Bạc Liêu: Chọn 30 cơ sở cung cấp giống post nuôi phục vụ tôm xuất khẩu, Đồng Nai: Quy hoạch nuôi thủy sản tập trung tại Nhơn Trạch.

Bạc Liêu: Tăng cường kiểm tra chất lượng tôm giống

Hiện nay, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang tích cực triển khai những khâu cuối để chuẩn bị thả tôm vụ mới. Nhằm đảm bảo vụ mùa thành công, ngành chức năng cũng tích cực vào cuộc với những đợt thanh, kiểm tra quy mô lớn.

Theo đó, ngay từ trước Tết, Sở NN&PTNT Bạc Liêu kết hợp với các lực lượng khác tổ chức kiểm tra, kiểm dịch 90 xe nhập tỉnh với gần 819 triệu tôm post; kiểm dịch 944 triệu con giống sản xuất trong tỉnh, không phát hiện tình trạng nhiễm bệnh. Qua đó, cấp 1.714 giấy kiểm dịch cho các lô tôm giống.

Cùng đó, ngành chức năng tỉnh cũng tiến hành kiểm tra 865 con tôm giống bố mẹ nhập khẩu, tất cả đạt yêu cầu; giám sát thời gian sinh của hơn 3.600 tôm bố mẹ tại các cơ sở sản xuất giống; hủy 1.300 con tôm bố mẹ không đạt yêu cầu.

Mặt khác, thực hiện thu 28 mẫu tôm sú, 28 mẫu tôm thẻ chân trắng thương phẩm, 2 mẫu nước ương tôm giống để gửi kiểm tra, phân tích để kiểm soát dư lượng; xét nghiệm mẫu tôm giống, tôm thịt, mẫu nước… Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư, thuốc thú y thủy sản để tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lọt ra ngoài thị trường…

Bạc Liêu: Chọn 30 cơ sở cung cấp giống post nuôi phục vụ tôm xuất khẩu

Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh vừa tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch giám sát dịch bệnh trên tôm phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chi cục đang phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát chọn 30 cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng, đảm bảo các tiêu chí để tham gia chương trình cung cấp giống tôm pots nuôi phục vụ xuất khẩu.

Đồng Nai: Quy hoạch nuôi thủy sản tập trung tại Nhơn Trạch
Chương trình này nằm trong dự án “Quy hoạch chi tiết khu nuôi thủy sản tập trung huyện Nhơn Trạch giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030” mà tỉnh Đồng Nai vừa ký quyết định ban hành.

Mục đích của Quy hoạch này nhằm phát triển nghề nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh. Dự án chú trọng phát triển theo chiều sâu gắn với quản lý chặt chẽ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hai đối tượng chính nằm trong chương trình này là tôm thẻ chân trắng và hàu nước lợ. Cụ thể, diện tích nuôi tôm thể chân trắng đến năm 2020 là khoảng 360 ha, đến năm 2030 là 682 ha (trong đó, 602 ha nuôi tôm công nghệ cao). Sản lượng giai đoạn 1 trên 16.000 tấn và giai đoạn 2 là 30.600 tấn; Với hàu nước lợ, giữ ổn định 21 ha (khoảng 343 bè nuôi), sản lượng trên 2.000 tấn.

Dự án được chia làm 7 tiểu vùng, mỗi tiểu vùng tối thiểu 50 ha; dự kiến tổng vốn đầu tư trên 4.400 tỷ đồng; trong đó, vốn thu hút đầu tư chiếm 99,6%.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Giấc mơ làm giàu từ Hàu Thái Bình Dương


Vùng biển Vân Đồn hiện là trung tâm nuôi hàu Thái Bình Dương lớn nhất toàn quốc với diện tích hàng ngàn ha, sản lượng trên dưới 400.000 tấn/năm. Hàu Thái Bình Dương đã mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm cho người nuôi.

Ước tính trung bình mỗi ngày người dân Vân Đồn xuất gần 10.000 tấn hàu Thái Bình Dương. 

Có được thành công đó, vai trò tiên phong thuộc về doanh nghiệp vô cùng to lớn. Câu chuyện “nông sản tiền tỷ” của hàu Thái Bình Dương thực sự đã truyền cảm hứng cho giấc mơ nâng tầm tới nhiều nông sản khác…

Câu chuyện của những người tiên phong

Qua nghiên cứu cho thấy, trong con hàu có chứa rất nhiều protein, kẽm và các vi chất có lợi khác, không chỉ được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực mà còn được coi là “Viagra thủy sản”, hỗ trợ sức khỏe sinh sản của đàn ông. Tuy nhiên, dù hàu Thái Bình Dương thời điểm đó đã nổi tiếng ở nhiều quốc gia, được nuôi tại nhiều vùng biển trên thế giới, thì tại Việt Nam vẫn còn khá xa lạ. Chính vì vậy, năm 2006, doanh nhân Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Tập đoàn BIM là người đầu tiên đưa con hàu Thái Bình Dương từ Đài Loan về phát triển tại Vân Đồn (Quảng Ninh). Do điều kiện nuôi ở vùng biển Vân Đồn tốt nên những dây hàu sống khỏe, lớn nhanh, ruột to, béo, ngọt và hàm lượng dinh dưỡng cao vượt ngưỡng. Vụ thu hoạch đầu tiên, năm 2007, đã đạt gần 500 tấn hàu, 5 năm tiếp theo đạt trung bình 700 tấn/năm.

Giai đoạn đầu, trong khi khâu nuôi trồng thuận lợi bao nhiêu thì khâu tiêu thụ lại khó khăn bấy nhiêu. Vốn là đối tượng nuôi ngoại lai, hàu Thái Bình Dương có nét khác biệt rất lớn đối với những loại hàu hà bản địa, chính bởi vậy người tiêu dùng rất e dè, thậm chí “ghẻ lạnh”.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc dự án hàu Thái Bình Dương, Tập đoàn BIM, nhớ lại giai đoạn khó khăn khi hàu Thái Bình Dương tiếp cận thị trường: Chúng tôi phải chia quân đưa hàu đến các chợ, nhà hàng trên địa bàn TP Hạ Long với giá rẻ như cho, hy vọng đây là vùng đất của biển cả, người dân quen với các đồ hải sản và cũng là trung tâm du lịch thì sức mua sẽ tốt. Thế nhưng, lợi thế nhiều sản vật của biển ở Hạ Long có lẽ chính là một bất lợi đối với đối tượng lạ lẫm, chưa quen mặt, biết tên như hàu Thái Bình Dương. Ngay cả khi chúng tôi đưa hàu vào hệ thống các siêu thị lúc đó cũng không được chấp nhận. Liên tục trong 5 năm đầu, những lần chúng tôi phải thu dọn đống hàu chết thối tại các chợ do bán ế hay không thu hoạch, để mặc cho hàu già chết hàng loạt hoặc rụng xuống biển là rất thường xuyên.

Những tưởng “một vốn, bốn lời”, dự án nuôi hàu Thái Bình Dương của Tập đoàn BIM trở thành “một vốn, bốn lỗ”, doanh thu mỗi năm đạt dưới 2 tỷ đồng trong khi chi phí đầu vào lên đến 6-7 tỷ đồng.

Nuôi hàu Thái Bình Dương tại xã Bản Sen, huyện Vân Đồn.

Không vì thất bại mà nản, Tập đoàn BIM kiên trì mở rộng các hoạt động tiếp cận thị trường cho con hàu Thái Bình Dương, trong đó bám sát thị trường tại chỗ, tổ chức các buổi nếm thử, trình diễn nấu các món ăn từ hàu… đầu tư công nghệ sơ chế tiên tiến nhằm đảm bảo VSATTP. Chính nhờ đó, kể từ năm 2012, sản phẩm hàu Thái Bình Dương nguyên vỏ, tách ruột tươi của BIM đã dần được người tiêu dùng chấp nhận, vào được hệ thống các siêu thị, sức mua trên thị trường cả phân khúc bình dân và cao cấp đều tăng.

Kể từ thời điểm đó, BIM đã lấy thu bù chi, đến năm 2017 thì có lãi lớn. Theo thống kê của Tập đoàn, năm 2017, sản lượng đạt trên 2.000 tấn, doanh thu gần 40 tỷ đồng, cao gấp 25 lần so với giá trị doanh thu năm đầu tiên. Năm 2018, dự kiến sản lượng tiêu thụ 3.000 tấn; doanh thu 70 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác cũng đi lên từ sản phẩm hàu Thái Bình Dương. Năm 2014, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh tham gia hoạt động chế biến đồ ăn liền từ nguyên liệu hàu Thái Bình Dương. Mặc dù con hàu Thái Bình Dương lúc này đã được thị trường đón nhận, tuy nhiên, đa số hàu tiêu thụ nguyên con, không qua chế biến. Trong khi, đơn vị lại đi sâu vào ngành hàng chế biến nguyên liệu từ hàu; quá trình chế biến không dùng phụ gia, kể cả mì chính, thành phẩm vẫn có mùi tanh, khá khó dùng. Chính vì thế nên lượng tiêu dùng sản phẩm rất chậm, Công ty đứng trước nguy cơ thua lỗ.

Để khắc phục tình trạng này, Công ty đã đầu tư nguồn kinh phí lớn để nghiên cứu, hoàn thiện các sản phẩm chế biến từ con hàu theo khẩu vị người tiêu dùng.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty cho biết: Tôi từng có nhiều dự án nghiên cứu về con hàu Thái Bình Dương, hiểu rất rõ ưu thế vượt trội về chất lượng của chúng, rất mong muốn được đưa chúng vào bàn ăn của người dân. Tôi tin đầu tư cho hàu Thái Bình Dương là đúng đắn, vì đã là sản phẩm tốt thật sự thì sẽ có chỗ đứng, quan trọng là doanh nghiệp phải có hướng đi phù hợp. Bởi vậy, nếu nói là chúng tôi đã mạo hiểm khi bỏ tiếp vốn đầu tư cho hàu là không đúng, đây hoàn toàn là chiến lược lâu dài của Công ty.

Chế biến ruốc hàu ở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh. 

Được biết, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh đã phát triển được hàng chục sản phẩm chế biến từ hàu Thái Bình Dương để đưa ra thị trường. Các sản phẩm liên tục được cải tiến về mẫu mã, khẩu vị, do đó đã được người tiêu dùng chấp nhận, trong đó sản phẩm chính là ruốc hàu, nem hàu, tinh chất bột hàu phục vụ sản xuất dược liệu, bánh hải sản các loại… Từ đầu năm 2017 đến nay, Công ty xuất trên 6.000 sản phẩm đồ ăn liền, 120.000 cái nem, 450kg tinh chất bột hàu, tổng doanh thu gần 15 tỷ đồng, đã đủ bù chi, chính thức cắt được lỗ. Riêng sản phẩm tinh chất bột hàu, trong năm 2017 mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu của khách hàng, năm 2018 này nếu không mở rộng quy mô sẽ chỉ đáp ứng được 40% đơn hàng của khách.

Trợ lực cho doanh nghiệp

Mặc dù chưa phải là đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh, tuy nhiên trước sự phát triển mạnh mẽ cũng như tiềm năng to lớn của con hàu Thái Bình Dương, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã dành những chương trình hỗ trợ rất thiết thực cho loại thủy sản này. Đơn cử như chương trình quan trắc môi trường nuôi; giám sát VSATTP trong thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; chương trình OCOP…

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc dự án hàu Thái Bình Dương, Tập đoàn BIM, khẳng định: Các chương trình trên là sự nâng đỡ đúng cách, đúng lúc và hiệu quả của nhà nước dành cho doanh nghiệp, có thể bảo lãnh cho sản phẩm, gắn kết doanh nghiệp sản xuất đối với các kênh phân phối và người tiêu dùng.

Được biết, chương trình quan trắc môi trường và giám sát thu hoạch nhuyễn thể đều được cơ quan chuyên môn uy tín là Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản Miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1) thực hiện theo phương pháp rất sát thực là lấy mẫu để kiểm tra chất lượng môi trường nuôi, các chỉ tiêu bất lợi trong sản phẩm như tảo độc, độc tố sinh học biển, vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng, thuốc trừ sâu gốc chlor hữu cơ…

Các kết quả thường kỳ trong chương trình liên tục được gửi về các đơn vị chuyên môn và các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm, đối tác của doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến hàu Thái Bình Dương. Riêng chương trình giám sát VSATTP trong thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ còn đồng thời thực hiện giám sát thu hoạch và cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng để các đơn vị doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm, nhất là sang những thị trường khó tính như Mỹ, EU.

Sản phẩm ruốc hàu được bày bán tại các kỳ hội chợ OCOP của tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng. 

Có thể thấy từ các chương trình quan trắc, giám sát VSATTP đã khiến con hàu Thái Bình Dương và vùng nuôi hàu Thái Bình Dương tại Vân Đồn được đánh giá cao, chiếm ưu thế cạnh tranh, thuận lợi hơn khi vào các kênh phân phối uy tín. Nhiều siêu thị bán hàng đã chủ động liên hệ với doanh nghiệp để nhập sản phẩm.

Riêng đối với chương trình OCOP, doanh nghiệp được hưởng lợi cả giá trị hiện hữu và vô hình. Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh cho biết: Chúng tôi không chỉ được tiếp cận vốn vay, hỗ trợ lãi suất vốn vay, hỗ trợ đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ… mà quan trọng hơn được xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, vốn là nền tảng để doanh nghiệp phát triển lâu bền và mạnh mẽ. Thực tế các sản phẩm khi nằm trong hệ thống sản phẩm OCOP sẽ được hỗ trợ đánh giá chất lượng sản phẩm, dán tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc, được quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại…

Bà Hiền khẳng định, nếu không có sự hỗ trợ từ chương trình OCOP, doanh nghiệp sẽ phải bỏ chi phí không nhỏ cho các hoạt động này, quan trọng hơn kết quả cũng sẽ không được toàn diện, lan tỏa như hiện nay. Từ sự hỗ trợ của nhà nước, bà Hiền tự tin khẳng định sẽ phát triển trở thành doanh nghiệp sản xuất đồ thủy sản ăn liền quy mô lớn của toàn quốc, trong đó ưu tiên cho các sản phẩm từ con hàu Thái Bình Dương.

Có thể thấy từ một đối tượng nuôi ngoại lai, không có nhiều ưu thế cạnh tranh nhưng với những nỗ lực không mệt mỏi, sự tự thân đáng khâm phục của doanh nghiệp và sự hỗ trợ đúng cách của cơ quan quản lý nhà nước, con hàu Thái Bình Dương đã ghi điểm trên thị trường, tìm được chỗ đứng vững chắc cho mình. Điều này cho thấy với bất kỳ nông sản nào, nhất là các nông đặc sản bản địa, vốn mang lợi thế về sự khác biệt, riêng có, nếu có sự đầu tư bài bản, chiến lược rõ ràng, cái “bắt tay” chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà nước thì hành trình đi đến thành công chắc chắn rất rộng mở…

Nguồn: Báo Quảng Ninh được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Điểm sáng sản xuất giống thủy sản

Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định) đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

Cán bộ Trạm TNNTTS Cát Tiến chăm sóc hàu giống

Mặc dù phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng vô cùng khó khăn, nhưng với lòng đam mê nghề nghiệp, những cán bộ của Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) đã lặng lẽ nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, giúp người nuôi nâng cao hiệu quả SX.

Khó khăn không cản được bước tiến

Cách đây gần 10 năm, trong dịp về công tác tại Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định), tôi đã thật sự thấy choáng với hệ thống cơ sở vật chất quá xập xệ. Bây giờ về lại, đổi thay duy nhất mà tôi nhận ra là cơ sở hạ tầng ấy càng xuống cấp hơn.

Tuy nhiên, trong chừng ấy năm, Trạm đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

“Trạm được thành lập vào năm 2004, cơ sở hạ tầng được tận dụng từ xí nghiệp SX tôm giống để lại, từ đó đến nay chưa được sửa sang gì nên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù vậy, Trạm vẫn được đánh giá là một trong số ít đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trên cả nước”, ông Nguyễn Thế Vũ, GĐ Trung tâm Giống thủy sản Bình Định tự hào.

Ba năm sau ngày thành lập, Trạm đã tạo được tiếng vang khi thành công nhân giống cua xanh, một sản vật của đầm Thị Nại đã dần vắng bóng do khai thác quá mức. Từ công nghệ nuôi cua xanh tại Viện Nghiên cứu NTTS III (Khánh Hòa), những cán bộ của trạm đã SX được giống cua này, để trở thành 1 trong 5 đơn vị trong nước SX được giống cua xanh.

Hàu Thái Bình Dương đang được nuôi mạnh tại Bình Định

Ba năm sau, Trạm tiếp tục thành công với giống hàu Thái Bình Dương. Cũng học hỏi kinh nghiệm từ Viện Nghiên cứu NTTS III, bên cạnh thực hiện quy trình kỹ thuật được chuyển giao, các cán bộ của trạm vẫn thể hiện được dấu ấn sáng tạo của mình. Tùy theo thực tế về môi trường, thời tiết, khí hậu, đặc điểm sinh học, những cán bộ của Trạm có những điều chỉnh phù hợp. Quy trình kỹ thuật dần ổn định, mang lại hiệu quả cao. Hiện mỗi tháng trạm SX ít nhất 70.000 hàu giống, lúc cao điểm lên đến 200.000 con.

Ngoài cung cấp cho người nuôi trồng trong tỉnh, con giống cua xanh, cá chẽm, cá bớp, hàu, tôm của trạm còn “xuất ngoại” ra các tỉnh duyên hải miền Trung và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bây giờ, giống hàu Thái Bình Dương của Trạm có thể cạnh tranh ngang ngửa với con giống của các đơn vị NTTS lớn trong nước.
Bên cạnh cua xanh, cá chẽm, hàu Thái Bình Dương, Trạm còn SX được nhiều giống thủy sản quý, như ốc hương, tôm sú, chình bông, tu hài. Trạm cũng góp phần lưu giữ nhiều loại giống đặc hữu của địa phương, như cá măng Phù Mỹ.

“Điểm tựa” của người nuôi trồng thủy sản

Mấy chục năm gắn với nghề NTTS trên đầm Đề Gi, nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), ông Thái Văn Triên từng nuôi thử nghiệm đủ con giống trên diện tích 1ha mặt nước, nhưng cuối cùng ông đã “mê tít” giống hàu. Đều đặn mỗi năm ông thả 3 lứa, mỗi lứa 70.000 – 80.000 hàu giống.

“Giống này phát triển tốt lắm, nhanh thu hoạch, giá giống rẻ hơn mua từ nơi khác. Hàu nuôi khoảng 4 tháng rưỡi là đạt 8 – 9 con/kg. Đây là con giống thủy sản phù hợp để phát triển ở vùng này”, ông Triên bộc bạch.

Trạm còn “nuôi mộng” xây dựng mô hình liên kết nuôi hàu theo chuỗi để làm cầu nối tiêu thụ cho người nuôi hàu thương phẩm. Trạm sẽ mua gom hàu thương phẩm của bà con nuôi từ con giống có xuất xứ từ trạm, xử lý bằng nước sạch và tia cực tím để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị để nâng cao giá trị.

Cán bộ Trạm Cát Tiến phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng xập xệ

Theo ông Nguyễn Thế Vũ, hiện cua xanh và cá chẽm cũng được người NTTS trong tỉnh phát triển rất mạnh theo phương pháp quảng canh ở vùng nước lợ và diện tích mặt nước trong vùng hạ và trung triều với khoảng 1.500ha. Tuy nhiên, dù năng lực có thừa, nhưng Trạm Cát Tiến chỉ có thể SX mức độ do điều kiện cơ sở hạ tầng không cho phép. Do đó, con giống thủy sản của Trạm không đủ cung ứng cho người nuôi trồng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tình hình sản xuất và cung ứng giống nhuyễn thể

Đối tượng nhuyễn thể đang được phát triển nuôi chủ yếu là ngao (nghêu Bến Tre), hàu Thái Bình Dương, tu hài, ốc hương, vẹm xanh, sò huyết… Đây là những đối tượng đã có công nghệ sản xuất giống.

Nghêu, ngao

Nuôi nghêu Bến Tre đang phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển phía Nam, nhất là Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và một số tỉnh ven biển phía Bắc như Thái Bình, Nam Định. Nguồn con giống cung cấp chủ yếu từ khai thác tự nhiên. Nhiều địa phương như Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh đã thực hiện được quy chế quản lý bãi nghêu giống. Lượng ngao, nghêu giống cỡ nhỏ (nghêu cám) tự nhiên của Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau cung cấp cho các địa phương phía Bắc đã hình thành nghề ương nghêu giống trong ao ở Thái Bình, Nam Định, mang lại hiệu quả cao và góp phần tích cực cho việc giải quyết giống nuôi. Hiện nay, một số địa phương đang tiếp nhận công nghệ sản xuất giống nghêu từ các viện nghiên cứu bước đầu khá tốt như Tiền Giang, Bến Tre, Thái Bình, Nam Định.

Ốc hương

Ốc hương được nuôi ở các tỉnh ven biển miền Trung và giống được sản xuất chủ yếu ở các tỉnh Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên và Ninh Thuận. Nhu cầu mỗi năm khoảng trên 10 – 20 triệu giống và tăng dần vì phần lớn diện tích ao nuôi tôm không hiệu quả ở vùng ven biển đã chuyển sang nuôi ốc hương. Tuy nhiên, sản xuất giống ốc hương chưa được quan tâm kiểm soát, chưa có tiêu chuẩn chất lượng.

Sò huyết

Nuôi sò huyết phát triển khá mạnh ở vùng ĐBSCL, tuy vậy con giống vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, chưa sản xuất giống nhân tạo. Một số vùng nuôi cũng bắt đầu khoanh vùng bảo vệ các bãi sò huyết phân bố tự nhiên, cấm khai thác trong mùa sinh sản như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Phú Yên, Bình Định.

Trai ngọc

Trai ngọc được phát triển nuôi ở vùng biển Đông Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng) và đang được phát triển nuôi ở Kiên Giang do những công ty có vốn đầu tư lớn nuôi với mục đích cấy ngọc. Do nuôi ở vùng biển xa, đầu tư lớn, thị trường tiêu thụ hẹp có tính chất chuyên sâu nên mức độ nuôi còn rất hạn chế, con giống nuôi do các công ty nuôi tự sản xuất giống.

Tu hài

Nuôi tu hài phát triển mạnh ở vùng vịnh Bái Tử Long (Vân Đồn, Quảng Ninh) và đang nuôi ở một số tỉnh ven biển miền Trung. Hiện nay, sản xuất giống đã hoàn thiện công nghệ và chủ động cung cấp đủ giống, đáp ứng nhu cầu.

Hàu Thái Bình Dương

Nuôi hàu đang được phát triển ở nhiều địa phương ven biển và có triển vọng khả quan về thị trường tiêu thụ. Vùng nuôi tập trung nhất ở Quảng Ninh. Hiện đã sản xuất được giống bằng sinh sản nhân tạo nhưng số lượng chưa nhiều. Công nghệ sản xuất giống hầu tam bội được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III nhập và đang triển khai ứng dụng sẽ góp phần tạo được giống có chất lượng và chủ động sản xuất giống cho nhu cầu nuôi.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Vỏ nhuyễn thể nguồn vật liệu sinh học bền vững

Hơn 7 triệu tấn vỏ nhuyễn thể bị bỏ đi bởi ngành công nghiệp hải sản mỗi năm, phần lớn đều vứt trong bãi rác hoặc đổ xuống biển.

Các nhà nghiên cứu đang xem xét các lựa chọn bền vững về mặt môi trường và kinh tế cho các vật liệu sinh học này. Tiến sĩ Morris cho biết “Hầu hết vỏ các loài nhuyễn thể được đánh bắt hoặc khai thác bởi ngành công nghiệp hải sản, chúng được xem là chất thải khó xử lý và phần lớn phải xử lý ở các bãi chôn lấp. Đây không chỉ là thực tế tốn kém màn còn có hại cho môi trường sinh thái và gây ra sự lãng phí khổng lồ các vật liệu sinh học hữu ích.

Một trong những ứng dụng thú vị nhất được đề xuất bởi tiến sĩ Morris là sử dụng phế thải để khôi phục các rạn san hô bị hư hỏng và nuôi dưỡng sự phát triển của những con hàu mới. Việc khôi phục các rạn san hô này chỉ đòi hỏi ít tiền và công sức, nhưng có thể có những lợi thế sinh thái rất lớn. Tiến sĩ Morris giải thích “Những quần thể động vật có vỏ có sức khoẻ có thể có nhiều lợi ích cho môi trường: làm sạch nước, cung cấp ngôi nhà cho các sinh vật khác, và cũng đóng vai trò như là một cấu trúc bảo vệ bờ biển.

Sử dụng vỏ sò làm thức ăn cho gà

Vỏ nhuyễn thể bao gồm hơn 95% canxi cacbonat, được sử dụng trong nhiều ứng dụng nông nghiệp và kỹ thuật. Các vỏ nghiền được dùng trong nông nghiệp và thủy sản để kiểm soát độ acid của đất hoặc làm thức ăn cho gà đẻ trứng như một chất bổ sung canxi. Canxi cacbonat cũng là một thành phần phổ biến trong hỗn hợp xi măng và đã tìm ra cách sử dụng bổ sung để xử lý hiệu quả nước thải. Thật không may, phần lớn canxi cacbon trên thế giới xuất phát từ khai thác đá vôi có hại về mặt sinh thái và không bền vững.

“Tái sử dụng vỏ nhuyễn thể là một ví dụ hoàn hảo của nền kinh tế , đặc biệt là vỏ sò là một vật liệu sinh học có giá trị, nó không chỉ cải thiện tính bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản mà còn chuyển tiếp trở lại, nhưng nó cũng có thể mang lại lợi ích kinh tế thứ cấp cho người nuôi trồng và chế biến , “Tiến sĩ Morris nói.

Bằng cách nghiên cứu cách các vỏ nhuyễn thể có thể hoạt động như một nguồn canxi cacbonat thứ cấp, Tiến sĩ Morris và nhóm của ông hy vọng sẽ đưa ra một phương pháp thay thế bền vững hơn đối với đá vôi được khai thác. Ông hy vọng công việc của ông sẽ nhấn mạnh đến giá trị kinh tế của việc tái chế những vỏ thải bỏ này trở lại sử dụng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Hiệu quả mô hình nuôi hàu bám đơn

Từ năm 2003 – 2004, TS Lê Minh Viễn – Giám đốc công ty Nuôi trồng thủy sản và thương mại Viễn Thành – đã nghiên cứu thành công đề tài “sản xuất Hàu giống bám đơn bằng sinh sản nhân tạo và nuôi hàu thương phẩm” . Đề tài đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM nghiệm thu trong năm 2004. Đây là công nghệ tiên tiến được một vài quốc gia trên thế giới ứng dụng thành công chỉ trong vài thập niên gần đây. Điểm mấu chốt của phương pháp này là dựa vào đặc tính sinh học sinh sản độc đáo của loài Hàu khi biến thái từ cuộc sống ấu trùng bơi lội sang hạ đáy bám giá thể, loài Hàu chỉ bám một lần và sống tại giá thể đó đến suốt đời (tức là không thay đổi giá thể). Lợi dụng đặc tính này, thay vì cho bám lên các vật bám có kích thước lớn như ngoài môi trường tự nhiên, tác giả đã cho ấu trùng bám lên các loại hạt chuyên dùng được chế tạo đặc biệt có kích thước từ 300 – 600 micron, tạo ra những con Hàu giống bám rời, khác với tập quán Hàu bám chùm ngoài thiên nhiên thường gặp, nhằm chủ động đáp ứng nguồn giống phục vụ nghề nuôi hàu khu vực phía nam.

Hàu bám đơn

Phương pháp này cho ra những con hàu có thân hình gọn, đẹp, dễ coi, sâu lòng, đồng kích cỡ, vỏ mỏng, tỷ lệ thịt/ vỏ cao (25%) và mức hao hụt khi khai thác Hàu thương phẩm thấp (3 -5%). Hàu bám đơn ra đời nhằm giải quyết những yêu cầu thực tế sau:

  • Đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng: Hàu chủ yếu được sử dụng dưới dạng ăn uống cùng với Wasabi hoặc đút lò chín tái nửa mảnh vỏ nên cần dạng Hàu có tên gọi làHàu sữa, tức khi con Hàu được nuôi khoảng 12 tháng tuổi, tuyến sinh dục căng phồng có màu trắng sữa, chuẩn bị đẻ, thịt hàu lúc bấy giờ có vị béo, mùi thơm, thịt nhiều, màu sắc đẹp, kích thước vừa phải, đồng cỡ, hình dạng bên ngoài gọn, đẹp, hấp dẫn và bắt mắt khi bày lên bàn tiệc. Do đó, để có nguồn Hàu sữa sử dụng quanh năng nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng chỉ có thể bằng cách người nuôi Hàu chủ động được nguồn giống nuôi gối đầu qua từng tháng theo tiến độ mỗi tháng xuống giống một lần.
  • Yêu cầu về vệ sinh thực phẩm:  Ở các nước tiên tiến, đối với những loại thực phẩm có liên quan đến việc sử dụng dạng sống hoặc tái chín, bắt buộc nhà sản xuất phải đưa toàn bộ sản phẩm qua hệ thống xử lý sạch, có quy trình khử trùng nghiêm ngặt trước khi xuất bán cho người tiêu dùng. Song theo tập quán nuôi Hàu ở nước ta cho đến nay, chưa có nơi nào thực hiện công đoạn này trước khi đưa Hàu ra thị trường. Hơn nữa, đại bộ phận giá thể dùng cho ấu trùng Hàu thiên nhiên bám hiện nay đều được người dân tận dụng từ những  tấm lợp Fibro phế thải – một vật liệu đáng lẽ không được dùng do có thành phần Amiant độc hại, nguy cơ gây bệnh ung thư cao, đã cấm sử dụng trên thế giới  – nên khi tách Hàu thương phẩm thường còn dính theo các mảnh vỡ Fibro hoặc vỏ nhuyễn thể gây trở ngại cho quá trình vệ sinh xử lý sạch qua khe.
  • Tiết kiệm chi phí vận chuyển: Nhờ vỏ mỏng nên việc vận chuyển hàu đơn ít tốn kém hơn, tiết kiệm được từ 15 – 20% chi phí so với hàu bám chùm. Lợi ích này càng rõ nét khi thực hiện vận chuyển bằng đường hàng không.
  • Giảm tỷ lệ hao hụt trong khai thác chỉ còn từ 3 – 5%: Hàu đơn thương phẩm khắc phục được tình trạng ghè tách trong khai thác, theo số liệu thống kê đối với Hàu bám, tỷ lệ hao hụt qua ghè tách vào khoảng 40 – 50%.

Hàu bám đơn

Hiện nay, công ty TNHH NTTS và TM Viễn Thành đang xây dựng một trung tâm sản xuất giống theo ông nghệ sinh sản nhân tạo với đầy đủ trang thiết bị trên một khuôn viên rộng 2,3 h tại vùng nước Long Sơn thuộc tỉnh bà Rịa – Vũng Tàu. Giá bán con giống dao động từ 150 – 450 đồng/ con tùy thuộc kích cỡ con giống. Công ty cũng dự kiến triển khai cung cấp con giống và thu mua lại với giá từ 1.000 – 1.200 đồng/ con tương phẩm. Hy vọng trong tương lai, nơi đây có thể là địa điểm tin cậy để cung cấp giống Hàu nuôi đơn chất lượng cao phục vụ cho khu vực phía nam.

Nguồn : Sở nông nghiệp TPHCM, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Dinh dưỡng từ Hàu biển

Dưỡng chất có trong Hàu

Trên toàn thế giới có khoảng 100 giống hàu khác nhau, mỗi địa phương khai thác, mỗi ngư trường sinh sống tạo nên dinh dưỡng hàu cũng khác nhau.

Theo y học cổ truyền, thịt hàu có vị ngọt hơi mặn, tính mát, không độc, tác dụng tráng dương, bổ tinh, tư âm dưỡng huyết, ăn vào trị được chứng mất ngủ do nhiệt, người nóng khô khát, hoa mắt, chóng mặt, phụ nữ rối loạn tiền mãn kinh, phụ nữ sau sinh thiếu sữa, thiếu máu ăn hàu rất tốt, nam giới có chứng di mộng tinh, hoạt tinh, yếu sinh lý, liệt dương, hiếm muộn.

Sức hấp dẫn từ thịt Hàu

Hàu được xem như là một món ăn cao cấp với một lượng dinh dưỡng khá cao, chẳng hạn như:

  • Kẽm

Hàu biển là loại động vật có chữa hàm lượng kẽm nhiều nhất, trong mỗi 100g hàu tươi có chứa đến 47.8mg kẽm, trong khi đó lượng kẽm có trong 100 g thịt chỉ là 5,2mg và 0,8mg trong 100g cá tươi

  • Calo, protein, vitamin, chất béo, carbohydrates

Trong 100g hàu có chứa: 1,5g chất béo, 10,9g protein,  carbohydrates  và nguồn vitamin dồi dào như: A, B1, B2, B3, C, D (tăng khả năng chống viêm của cơ thể, giúp chống lại mệt mỏi, và tăng cường quá trình trao đổi chất). Lượng cholesterol trong hàu rất thấp, thích hợp cho những người đang ăn kiêng vì chỉ có khoảng 70 calo trong 100g hàu.

  • Khoáng chất

Hàu rất giàu vitamin và các khoáng chất khác. Trong 100g hàu có chứa: 5,5mg sắt, 11,5mg đồng, 375mg kali, 100mg phốt-pho và 10mg Magiê: chi phối hoạt động của hơn 300 enzyme, giải phóng năng lượng có thể sử dụng chất dinh dưỡng, chuyển hóa kali, canxi và vitamin D.

Các món ăn bổ dưỡng từ Hàu

1. Canh hàu rau hẹ

Thịt hàu 150g, rau hẹ 60 – 120g, thêm gia vị, nấu canh ăn. Dùng cho các trường hợp lao phổi suy nhược, ho khan ít đờm, mồ hôi trộm (đạo hãn), bệnh đái tháo đường.

Canh Hàu

2. Hàu luộc

Hàu luộc chín, ăn với ớt tiêu gia vị thường ngày có tác dụng bổ âm thanh nhiệt lợi tiểu tán kết. Dùng cho các trường hợp vàng da phù nề, sưng hạch, bướu cổ, khí hư, huyết trắng, bệnh đái tháo đường.

Hàu luộc

3. Cháo hàu

Thịt hàu 50g, thịt trai 50g, gạo tẻ 100g. Nấu nhừ, ăn 2 lần trong ngày. Chữa tăng huyết áp, nhức đầu chóng mặt, gan suy.

Cháo hàu

Qua đó có thể thấy, hàu là một trong những loại có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích, bổ dưỡng cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, cần có sự chọn lọc để đảm bảo an toàn thực phẩm cho cả gia đình, khuyến khích các hộ nuôi gia đình phát triển các mô hình nuôi hàu tự nhiên.

Tổng hợp bởi Farm tech Viet Nam

Kỹ thuật sản xuất hàu giống.

Hàu là động vật thân mềm hai mảnh vỏ, với hàng trăm loài khác nhau hiện đang được nuôi rộng rãi trên thế giới. Ở Việt Nam, hàu được nuôi ở các cửa sông, có kích thước lớn, phân bố rộng, và cũng được nuôi khá phổ biến.

Nuôi vỗ đàn bố mẹ

Hàu bố mẹ

– Chọn những cá thể lớn, kích thước từ 15-20cm, khối lượng thân từ 800-1.500g, vỏ không bị dập vỡ để nuôi tạo đàn bố mẹ. Nuôi treo trong đầm, nơi có độ mặn tương đối ổn định từ 15-20‰ và giàu thức ăn.

– Trước khi cho đẻ, hàu bố mẹ được nuôi vỗ từ 5-10 ngày trong bể xi-măng, ít thay nước (20% thể tích bể/ngày), thức ăn là các loại vi tảo.

Cho đẻ và ương ấu trùng

Kích thích hàu đẻ bằng cách thay đổi nhiệt độ nước của môi trường nuôi từ 3- 40C để gây sốc kích thích hàu đẻ trứng, phóng tinh. Tỷ lệ đực cái là 4:6. Trứng thụ tinh ngay sau khi đẻ và được lọc qua lưới với kích thước mắt lưới 40mm và chuyển sang bể ương ấp.

– Mật độ ương ban đầu là 20-25 tế bào/ml. Sau 24 giờ lọc thu ấu trùng đỉnh vỏ thẳng và chuyển ương trong bể mới có dung tích 2-3m3 với mật độ 10-15 con/ml.

Chăm sóc và quản lý ấu trùng

– Hằng ngày thay 1/2 thể tích nước trong bể ương. Thay toàn bộ nước, vệ sinh bể và chuyển ấu trùng sang bể ương mới 2 ngày/lần.

– Cho ăn bằng vi tảo mật độ 1.000 – 5.000 tế bào/ml vào buổi sáng và chiều.- Sục khí 24/24 giờ; độ mặn là 8-20‰; nhiệt độ nước 24-300C; pH 7,8-8; nồng độ O2 từ 4-6mg/lít. Thấy ấu trùng phân tán đều trong bể là được.

Thu ấu trùng

Trong điều kiện bình thường, thời gian ương kéo dài từ 20-25 ngày. Khi ấu trùng đạt kích thước 250-350μm chúng xuất hiện chân bò và chuyển sang trạng thái sống bám cố định vào giá thể. Đây là giai đoạn để thu con giống.

– Thu ấu trùng bám vào giá thể bằng các loại vật bám khác nhau như vỏ hàu, vỏ sò, ngói vỡ, tấm nhựa… để phục vụ nuôi treo.

– Thu ấu trùng ở dạng đơn: con giống bám vào vật bám với kích thước nhỏ (25μm) như: bột xi-măng, bột vỏ hầu phục vụ cho kiểu nuôi khay. Xu thế hiện nay là sử dụng con giống dạng đơn để nuôi khay.

Hàu giống

Nuôi thành con giống

Ấu trùng sau khi bám 2 ngày, đưa ra ngoài môi trường tự nhiên nuôi thành con giống. Nuôi treo hoặc nuôi khay trong thời gian 2 tháng, kích thước thu được từ 2-3cm chiều cao vỏ.

Nguồn : Nông thôn ngày nay, được kiểm duyệt bởi FMAN

Các phương pháp nuôi hàu phổ biến

Nuôi hàu ở Việt Nam trước đây chủ yếu sử dụng phương pháp nuôi đá, cọc tre, ngói mái là chính. Ngày nay, phương pháp nuôi đã được cải tiến, từ công nghệ nuôi bãi, trở thành công nghệ nuôi giàn treo, nuôi bè, nuôi cọc xi măng là chính. Sau đây là một số phương pháp nuôi hàu phổ biến tại Việt Nam.

Phương pháp nuôi này phụ thuộc con giống tự nhiên, chi phí xây dựng cơ bản thấp, chi phí sản xuất hạn chế, nhưng hiệu quả tương đối cao. Có rất nhiều loại đá khác nhau để làm vật bám tùy thuộc vào từng địa phương như đá vôi làm vật bám rất tốt, đá cuội, đá san hô… Kích cỡ đá trung bình 2-4 kg/hòn và dao động từ 1-10 kg/hòn. Đá được chuyên chở bằng thuyền hoặc ghe rải đều trên bãi có hàu giống xuất hiện. Năng suất đạt 0,5-1,5 kg hàu nguyên con/hòn đá.

Nuôi hàu bằng cọc

Nguyên vật liệu làm cọc chủ yếu đúc bằng xi măng, cọc gỗ, cọc tràm, cọc tre… được cắm thành từng hàng vùng cửa sông hay trên vùng triều. Cọc có chiều dài 2m (chiều dài hữu dụng khoảng 1 – 1,5m). Loại hình này nuôi chủ yếu ở vùng đầm phá thuộc khu vực miền Trung như đầm Lăng Cô – Thừa Thiên Huế, hay khu vực huyện Cần Giờ – TP Hồ Chí Minh. Năng suất nuôi khoảng 2-6 kg hàu nguyên con/cọc.

Nuôi hàu bằng lốp cao su

Nguyên liệu làm vật bám cho hàu là các giá thể bằng lốp ô tô, xe máy, xe đạp đã qua sử dụng, cho xuống các vùng ao đầm tự nhiên, khu vực đầm phá nơi có dòng nước thủy triều kém để thu giống tự nhiên và sử dụng nó làm giá thể cho hàu nuôi lớn đến lúc đạt kích cỡ hàu thương phẩm. Phương pháp nuôi này chủ yếu ở khu vực Cần Giờ – TP Hồ Chí Minh, các đầm phá thuộc ven biển miền Trung.

Nuôi hàu bằng giàn

Nguyên vật liệu làm giàn là các cọc hình trụ đúc xi măng với chiều dài trung bình khoảng 1,2 – 1,8m, chiều rộng bề mặt khoảng 0,1m. Trọng tâm của mỗi trụ có một thanh sắt và trên đầu mỗi trụ có lỗ để xâu dây treo vào giàn và các giàn treo được cấu tạo bởi các thanh gỗ cứng đóng thành giàn hình chữ nhật hay hình vuông với chiều dài mỗi giàn trung bình 6,5-7,5 m, giàn bé thường có kích cỡ 4-5 m và giàn lớn có chiều dài 9-10 m, chiều cao mỗi giàn khoảng 5-6 m được chôn sâu từ 1 -2 m (vì khu vực nuôi thường có nền đáy bùn). Mỗi giàn được đặt cách mặt nước 0,5 cm lúc triều xuống. Do đó hàu nuôi luôn chìm sâu trong nước. Lồng nhỏ treo từ 32 – 40 trụ xi măng, lồng lớn có thể treo khoảng 200 trụ. Sản lượng nuôi khoảng 2 – 6 tấn hàu nguyên con/giàn. Phương pháp nuôi này phổ biến ở đầm Lăng Cô – Thừa Thiên Huế.

Nuôi hàu trong các lồng treo trên giàn

Cấu tạo giàn nuôi tương tự như giàn nuôi trên các cọc đúc xi măng. Hàu giống thu từ tự nhiên cho vào các lồng lưới có đường kính miệng lồng và đường kính đáy từ 0,4 – 0,5 m, chiều dài mỗi lồng khoảng 0,4m, kích cỡ mắt lưới 2a = 2 cm. Mỗi một lồng nuôi thả mật độ hàu giống trung bình khoảng 5 kg hàu, kích cỡ giống khoảng 3- 4 cm.

Sau thời gian nuôi khoảng 5 tháng đạt năng suất trung bình 15 kg hàu thương phẩm/lồng. Như vậy là bằng phương pháp nuôi này chỉ sau 5 tháng nuôi hàu đạt sinh trưởng tăng gấp 3 lần. Phương pháp nuôi này chủ yếu tập trung từ Thừa Thiên Huế trở vào đến TP Hồ Chí Minh, đặc biệt các vùng nuôi thuộc đầm Lăng Cô.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Cận cảnh quá trình nuôi hàu sữa ít người biết

Hàu sữa là một trong những món ăn được nhiều người tiêu dùng yêu thích và lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày, trong đó có thể kể tới món hàu sữa sống. Tuy nhiên, quá trình nuôi loại thực phẩm này thì không phải người nào cũng có thể hiểu rõ.

Tại bãi nuôi hàu ở Vân Đồn, Quảng Ninh, các vỏ hàu giống được công nhân đưa vào dây treo. Số lượng và tỷ lệ khoảng cách giữa các vỏ hàu được kiểm soát kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng hàu thương phẩm.

Không chỉ vậy, nguồn thức ăn của hàu phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng môi trường biển khu vực nuôi, nguồn nước đảm bảo, lượng sinh vật phù du lớn thì hàu sẽ sinh trưởng tốt, giàu dinh dưỡng và đảm bảo an toàn. Do đó, dù khu vực nuôi đã cách xa khu dân cư, tránh nguồn gây ô nhiễm nhưng cơ quan chức năng vẫn tiến hành kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng nước, khoảng 6 tháng/lần. Hàu thương phẩm sẽ được thu hoạch sau 6 – 8 tháng nuôi.

Nguồn: baodientuVTV được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.