Đột phá giống thủy sản

Năm 2017, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ khó khăn… nhưng ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Nghệ An vẫn đạt và vượt kế hoạch. Thành công trên được xác định ở khâu đột phá về giống.

Tính đến cuối năm 2017, diện tích nuôi trồng thuỷ sản tại Nghệ An đạt 21.333ha bằng 102% kế hoạch và bằng 103% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó diện tích nuôi nước ngọt 18.926ha, nuôi mặn lợ 2.408ha.

Nuôi tôm thắng lớn

Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 50.253 tấn bằng 101% kế hoạch và bằng 105% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, sản lượng nuôi ngọt 39.626 tấn, sản lượng nuôi mặn lợ 10.627 tấn.

Diện tích nuôi tôm đạt 2.119ha, trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) 2.072ha, tôm sú 27ha, chủ yếu là thâm canh, bán thâm canh. Sản lượng tôm 6.582 tấn, bằng 120% kế hoạch và bằng 108% năm 2016, năng suất bình quân 4,5 tấn/ha.

Trong năm 2017, ngành thủy sản Nghệ An triển khai 3 mô hình nuôi TTCT thâm canh không sử dụng kháng sinh, không sử dụng hóa chất, áp dụng VietGAP; 2 mô hình nuôi TTCT thâm canh tuần hoàn khép kín áp dụng VietGAP. Các tổ chức quản lý cộng đồng tại các vùng nuôi tiếp tục được củng cố; nhiều tiến bộ KHKT được người nuôi áp dụng.

Hiện toàn tỉnh có 7 vùng (240ha) nuôi tôm nước lợ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; 5/7 vùng nuôi tôm an toàn sinh học được đánh giá và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều hộ nuôi trồng áp dụng quy trình sản xuất VietGAP cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với các vùng khác từ 20 – 25%. Nhiều vùng nuôi đạt hiệu quả cao như Nam Tiến, Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) với 90% hộ nuôi có lãi từ từ 200 triệu – 2,5 tỷ đồng/hộ. Vùng nuôi Quỳnh Dị, Quỳnh Xuân (TX Hoàng Mai), Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) khoảng 80% số hộ có lãi, mức lãi từ 100 – 500 triệu/hộ, có một số hộ mức lãi từ 1 – 5 tỷ đồng…

Tổng giá trị sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản Nghệ An năm 2017 ước đạt 2.626 tỷ đồng, bằng 129% so cùng kỳ năm 2016.
Nhờ thời tiết thuận lợi, diện tích nuôi cá – lúa đạt 4.511ha bằng 101% so cùng kỳ năm 2016. Nhiều hộ dân ứng dụng lồng nuôi công nghệ vào nuôi cá lồng trên sông, hồ đập mặt nước với trên 70% số lồng nuôi. Số lượng lồng nuôi toàn tỉnh năm 2017 là 696 chiếc, tăng 246 chiếc so năm 2016, tập trung tại các huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu… Các lồng nuôi phát triển mới trong năm đều lắp đặt theo công nghệ cải tiến.

Toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở sản xuất giống thủy sản mặn lợ; 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá giống, trong đó 15 cơ sở xếp loại A, 11 cơ sở xếp loại B. Năm 2017 đã có 15.073 con cá; 1.700 con TTCT; 100% số tôm sú bố mẹ được kiểm tra, đạt chất lượng. Toàn tỉnh sản xuất, ương dưỡng được 1.535 triệu con TTCT; 184 triệu tôm sú giống; 31 triệu con cua giống; 1 triệu con cá hồng mỹ, cá bống bớp, cá chim, cá đối. Việc sản xuất ương dưỡng giống thủy sản ở Nghệ An cơ bản đáp ứng được nhu cầu nuôi trên địa bàn và xuất bán các tỉnh lân cận.

Kiểm tra tôm giống TTCT tại Cty Hải Tuấn, phường Quỳnh Dị, TX Hoàng Mai

Trên địa bàn có 6 trại sản xuất cá giống cấp 1 và 7 cơ sở sản xuất giống cấp 2. Đối tượng sản xuất chủ yếu là các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, rô phi. Tổng số lượng cá bố, mẹ đưa vào sinh sản năm 2017 là 15.073 con, gồm 8.809 cá cái, 6.264 cá đực, tổng khối lượng 15.918kg; cá bố mẹ đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Sản lượng cá giống sản xuất được năm 2017 đạt 704 triệu con cá bột, 54.885kg cá hương, 312.585kg cá giống.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kinh nghiệm đo độ kiềm (KH) trong ao nuôi tôm cá

Trong nuôi tôm, độ kiềm là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất tôm nuôi. Kiểm tra độ kiềm hàng tuần là cần thiết trong quản lý ao nuôi tôm. Bài viết cung cấp kinh nghiệm đo độ kiềm trong ao nuôi tôm cá.

Kinh nghiệm đo độ kiềm (KH) trong ao nuôi tôm cá

Độ kiềm trong nước là gì?

Độ kiềm là thước đo khả năng trung hòa acid của nước. Trong nuôi trồng thủy sản độ kiềm chỉ hàm lượng các ion HCO3-, CO32-, OH- trong nước, đơn vị là mg CaCO3/L .

Tầm quan trọng độ kiềm trong nước

Độ kiềm trong nước ít có tác động trực tiếp đến đời sống của các loài thủy sản nhưng lại tác động lên các yếu tố có liên quan như sự phát triển của thủy thực vật (tảo), ảnh hưởng tới pH, ảnh hưởng đến mức độ độc hại của khí độc và kim loại nặng trong nước. Năng suất sơ cấp (tảo) của ao nuôi tỉ lệ thuận với độ kiềm, vì vậy ao nuôi có độ kiềm cao dễ gây tảo hơn.

Nhiều người nuôi tôm mặc định là khi trời mưa phải bón vôi nhưng chưa thật sự hiểu được ý nghĩa thật sự của nó. Nước mưa mang theo lượng lớn acid chúng làm trung hòa lượng bicarbonate làm độ kiềm giảm kéo theo pH giảm đột ngột. Kiềm và pH giảm cùng lúc ảnh hưởng xấu đến tôm nếu không có biện pháp ngăn ngừa kịp thời tôm nuôi sẽ gặp sự cố ngay.

Lưu ý khi đo độ kiềm

Vì độ kiềm đặc biệt quan trọng trong nuôi tôm do đó người nuôi tôm thường phải đo độ kiềm ít nhất 1 lần trong ngày. Để đo độ kiềm người ta thường sử dụng 3 cách:

– Phương pháp chuẩn độ: Dùng khi cần độ chính xác cao và trong phòng thí nghiệm.

– Sử dụng máy đo: Máy đo hiện tại vẫn chưa tiện dụng nên vẫn cần những thao tác phức tạp và chi phí khá cao.

– Sử dụng bộ test kít: Đây là phương pháp được nhiều sự lựa chọn bởi thao tác thực hiện đơn giản, giá rẻ có thể áp dụng nhanh trong nuôi trồng thủy sản hiện nay.

Một số lưu ý giúp bạn đo độ kiềm ao nuôi chính xác hơn:

– Lựa chọn loại Test kít uy tín dựa trên độ chính xác và độ đơn giản thao tác: Bộ Test kH được sử dụng nhiều hiện nay là bộ test kH của Sera (Đức) với ưu điểm kiểm tra nhanh, thao tác dễ dàng và độ tin cậy cao (Bạn có thể tham khảo tại đây).

– Đọc kỹ hướng dẫn thao tác kèm theo bộ Test và thao tác đúng quy trình đó để có kết quả tốt nhất.

– Luôn bảo quản thuốc thử nơi khô ráo thoáng mát và theo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất. Nghi ngờ thuốc thử hỏng phải dùng mẫu mới kiểm tra đối chiếu.

– Khui nắp: Nếu nắp đậy lọ thuốc thử có đầu kim thì dùng đầu kim này để chích vào nắp nhỏ giọt. Nếu không thì dùng dao cắt lỗ nhỏ sao cho thuốc thử không tự chảy ra khi úp ngược lọ mẫu.

– Ống nghiệm luôn phải được vệ sinh bằng nước sạch trước và sau khi sử dụng.

– Lắc kỹ thuốc thử trước khi kiểm tra.

– Tuân thủ nguyên tắc lấy mẫu như: mẫu mang tính đại diện vị trí lấy mẫu phải lấy ở tầng giữa cách mặt nước 50cm, dụng cụ thu mẫu, bảo quản và vẫn chuyển mẫu phải đảm bảo sạch.

– Không thu mẫu ngay sau khi xử lý hóa chất xuống ao.

– Mẫu nước đưa lên phải được đo ngay khi có thể hoặc mẫu phải được chuyển ngay đến phòng thí nghiệm. Việc đo các thông số của mẫu nước sẽ ít sai số hơn khi thực hiện đo nhanh trong vòng 30 phút kể từ khi lấy mẫu nước.

Độ kiềm phù hợp trong ao nuôi trồng thủy sản 75mg/l – 200mg/l với tôm thẻ chân trắng độ kiềm thích hợp là 120 – 150 mg CaCO3/l, với tôm sú độ kiềm thích hợp là 80 – 120 mg CaCO3/L.

Độ kiềm trong ao nuôi tôm thấp thường do: độ mặn thấp, ao bị phèn, thực vật phù du (tảo) phát triển mạnh, 2 mảnh vỏ ốc quá nhiều. Để tăng kiềm tốt nhất kết hợp loại bỏ các tác nhân này kết hợp bón vôi CaCO3 hoặc sử dụng Sodium bicarbonate (soda), liều soda 1,68mg/l để phục hồi 1mg/L kiềm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Góc chuyên gia: Nâng cao hiệu quả sản xuất giống động vật thân mềm

Động vật thân mềm (ĐVTM) hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao, giàu chất dinh dưỡng được nhiều người ưa chuộng. Do có nhiều ưu việt hơn một số đối tượng thủy sản khác như dễ nuôi, chi phí thấp, thời gian nuôi ngắn, xác suất rủi ro ít, lợi nhuận cao… nên những năm gần đây việc sản xuất giống và nuôi thương phẩm ĐVTM hai mảnh vỏ rất phát triển.

Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi một số đối tượng thủy sản khác như tôm hùm, TTCT, cá bớp, ốc hương… đang gặp khó khăn do thời tiết, thiên tai, môi trường…
Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số lưu ý cũng như kinh nghiệm trong sản xuất giống nhân tạo ĐVTM hai mảnh vỏ.

Kích thích sinh sản

Có nhiều biện pháp kích thích sinh sản như: Kích thích khô, bằng dòng chảy, kích thích khô kết hợp dòng chảy, bằng giới tính, tiêm trực tiếp Serotonin vào phần cơ, bằng thay đổi pH, bằng sự thay đổi chu kỳ chiếu sáng, bằng Hormone… Trong đó, phương pháp phơi khô 30 – 40 phút và kết hợp dòng chảy là phổ biến và cho kết quả tương đối tốt. Tuy nhiên, với phương pháp này những đối tượng vỏ mỏng dễ phun nước ra khỏi cơ thể như tu hài, phi, móng tay, điệp… thì tỷ lệ hao hụt sau khi cho đẻ cao. Nhằm hạn chế tỷ lệ hao hụt và giữ cho chúng khỏe để tiếp tục nuôi vỗ tái phát dục thì người nuôi có thể sử dụng biện pháp hạ nhiệt độ bằng cách: Chọn giống bố mẹ rửa sạch bằng nước biển đưa vào thau nhựa, cấp nước đầy, hạ nhiệt độ xuống thấp hơn nhiệt độ nước trong bể đẻ 150C ngâm 60 phút sau đó cho vào bể đẻ, cấp nước tạo dòng chảy nhẹ và sục khí đều.

Mật độ

Với ấu trùng kích cỡ khoảng 50 – 80 µm nên nuôi với mật độ 10 – 12 triệu con/bể (bể có thể tích 5m3).

Quản lý, chăm sóc ấu trùng

Thức ăn của ĐVTM hai mảnh vỏ chủ yếu là các loài tảo đơn bào như Nannochloropsis sp; Chaetoceros sp; Platymonas sp, Isochrysis sp…

Cho ăn: Đối với ĐVTM hai mảnh vỏ việc cho ấu trùng ăn là khâu cực kỳ quan trọng. Dù cho ăn ít hay quá nhiều cũng làm ảnh hưởng đến ấu trùng, có thể dẫn đến chết. Trong quy trình, các tài liệu hướng dẫn mật độ tảo cho ăn tăng dần từ 3.000 – 15.000 tb/ml giai đoạn đầu. Giai đoạn xuống đáy 250.000 – 300.000 tb/ml… Tuy nhiên, trên thực tế, để dễ áp dụng, người nuôi nên cho ăn 1,5 lít tảo/bể (5 m3) (đối với tảo xanh màu tảo như màu lá chuối và màu trà đối với tảo khuê) trong 3 ngày đầu sau đó tăng lên 2 – 3 lít.
Chế độ thay nước: Hạn chế thay nước trong giai đoạn ấu trùng sống trôi nổi. Tuy nhiên, nếu phát hiện nước có dấu hiệu chuyển màu đục nước gạo thì tiến hành lọc ấu trùng chuyển sang bể khác.

Cho ấu trùng xuống đáy: Khi ấu trùng đến cuối hậu kỳ (đối với tu hài, sò, điệp, móng tay…) nên thử nước mới. Để tránh ấu trùng bị sốc nước nên trộn lẫn 50% nước mới và 50% nước trong bể nuôi ấu trùng, sau đó lọc ấu trùng sang.

Nguồn: ThS Trần Trung Thành – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III 

Nuôi sò huyết trong vuông tôm

Nhiều nông dân ở xã Hòa Tân (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) khẳng định, mô hình nuôi sò huyết xen canh trên đất nuôi tôm, cua giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện toàn xã có trên 30 hộ đang đầu tư làm theo mô hình này.

Nhiều bà con thoát nghèo nhờ nuôi sò huyết trong vuông tôm

Bà Lê Thị Tới ở ấp Cái Nai kể, một lần tình cờ xem ti vi, bà phát hiện mô hình nuôi sò huyết cho thu nhập cao. Để thử nghiệm, bà tìm mua sò giống ở đầm Thị Tường về thả xen canh trên diện tích 0,2ha mặt nước nuôi tôm, cua. Thấy hiệu quả nên mở rộng và duy trì mô hình cho đến nay.

Theo kinh nghiệm của bà Tới, sò huyết là loài hải sản rất khỏe, ít bệnh, không tốn công chăm sóc. Ăn thức ăn tự nhiên có trong vuông nên sò lớn nhanh. Sau 6 tháng thả nuôi, sò đạt trọng lượng 70 – 100 con/kg, giá bán mỗi kg dao động từ 70.000 – 100.000 đồng.

Từ 10 triệu đồng ban đầu, qua 3 vụ thả nuôi, bà Tới đã tích lũy được nguồn vốn trên 150 triệu đồng và xây cất được nhà khang trang. Hiện, 600kg sò giống trong vuông tôm của gia đình bà đang phát triển rất tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Theo Tới, cái lợi của nghề nuôi sò huyết là cứ bỏ ra 1 đồng vốn thì 6 tháng sau thu vào được 3 đồng lời. Lại thêm, nuôi sò huyết xen canh với các đối tượng cua, tôm trên cùng đơn vị diện tích thì cả 3 đối tượng nuôi đều trúng so với nuôi độc canh.

Tuy nhiên, trước mỗi vụ nuôi, người nuôi cần cải tạo ao từ 15-30 ngày. Sau đó, tiến hành bón vôi từ 10 – 15kg/1.000m² đáy ao, để hạn chế trứng các sinh vật gây hại sò huyết xâm nhập vào ao nuôi, đảm bảo ao nuôi duy trì mực nước với độ sâu từ 0,4 – 0,6m, các yếu tố môi trường như độ pH, nhiệt độ, độ mặn phù hợp.

Thời điểm thả giống nuôi sò huyết lý tưởng là từ tháng 9 – 10 dương lịch. Trong quá trình nuôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra khả năng phát triển của sò để thay nước, bổ sung nguồn nước đảm bảo độ sâu phù hợp.

Nuôi sò huyết khá đơn giản nhưng mang lại lợi nhuận sao

Sò huyết là đối tượng có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi nên nông dân nuôi thủy sản rất hào hứng với vật nuôi này. Từ một vài hộ nuôi ban đầu, đến nay toàn tỉnh có khoảng 600 hộ nuôi sò huyết xen canh trong ao tôm, với diện tích hơn 450ha.

Bà Đặng Kim Chung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Tân đánh giá: “Sò huyết nuôi xen canh trong vuông nuôi tôm góp phần đa dạng đối tượng nuôi, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Theo kế hoạch, đầu năm 2018, Hội Phụ nữ xã sẽ vận động hội viên thành lập thêm hợp tác xã nuôi sò huyết tại ấp Xóm Chùa để liên kết sản xuất, tạo đầu ra thuận lợi cho sản phẩm”.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Phòng trừ dịch bệnh thuỷ sản sau bão, lũ

Sau khi lũ chấm dứt, cần thu gom lượng tôm, cá nuôi sót lại. Xử lý môi trường (thủy sản chết, rác thải nếu có) đúng theo quy định; tuyệt đối không vứt xác thủy sản chết, rác thải gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh.

1. Ổn định môi trường

Đối với các ao nuôi không bị sạt lở và vỡ bờ, người nuôi cần xả bớt lượng nước tầng mặt trong ao để duy trì mực nước thích hợp và chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh. Khi xả nước cần phải lưu ý để tránh làm giảm độ mặn đột ngột (trong ao nuôi tôm), tránh tràn bờ, vỡ cống (do lượng nước sau mưa bão là rất lớn). Thường xuyên theo dõi mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh.

Cần đảm bảo môi trường ao nuôi cho cá, tôm ổn định bằng các biện pháp như sử dụng vôi nước bón định kỳ cho ao nuôi để điều chỉnh pH. Khi kiểm tra pH trong ao nếu chỉ số chưa đạt ngưỡng thích hợp cần bón CaCO3 với lượng 15 – 20 kg/100 m². Ngoài ra, người nuôi còn phải kiểm tra các yếu tố khác như lượng khí độc trong ao để có biện pháp xử lý kịp thời. Sau khi ổn định được độ trong, cần tiến hành gây lại màu nước cho ao nuôi để đảm bảo sự phát triển ổn định của vật nuôi.

Xử lý ao nuôi bằng vôi

Đối với ao tôm, hạn chế tối đa việc sử dụng trực tiếp nguồn nước ngoài sông, rạch đưa vào nuôi. Nước cần được lấy qua ao lắng và xử lý trước khi bơm vào ao.

2. Chăm sóc

Thường xuyên quan sát tình trạng cá, tôm bơi lội trong ao. Khi có hiện tượng cá, tôm nổi đầu cần xác định nguyên nhân, nếu là do thiếu ôxy, cần tăng quạt nước hoặc phun nước, thay một phần nước ao, hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ. Nếu tôm, cá có các biểu hiện bất thường, người nuôi cần liên hệ với cán bộ khuyến nông cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh thiệt hại.

Cần theo dõi tình hình thời tiết để điều tiết lượng thức ăn cho động vật nuôi; sau khi mưa lũ chấm dứt hoàn toàn mới cho thủy sản ăn trở lại nhưng chỉ cho ăn với lượng 30 – 50% so lúc bình thường. Cần cho tôm, cá ăn đầy đủ, tránh những thức ăn bị hư, thối. Đồng thời bổ sung Vitamin C, khoáng trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Liều lượng tùy theo đối tượng nuôi, ví dụ như rô phi là 50 – 60 mg/kg cá/ngày. Hoặc dùng chế phẩm sinh học và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Người nuôi có thể sử dụng dầu mực để bao bọc thức ăn và thuốc, tránh tan rữa nhanh trong môi trường nước. Tạo mùi hấp dẫn cho cá, tôm bắt mồi nhiều. Liều dùng 10 g/kg thức ăn.

Thường xuyên theo dõi tình hình của các động vật nuôi

Đối với các loài nhuyễn thể nuôi (ngao/nghêu, hầu, sò huyết…), ngoài vấn đề kiểm tra các yếu tố môi trường cơ bản (như pH, nhiệt độ, độ mặn…), người nuôi cần tiến hành vệ sinh bãi nuôi sạch sẽ, chủ động san thưa, không để mật độ nuôi quá dày, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản, cần kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi, đảm bảo nằm trong ngưỡng cho phép. Cùng đó, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Sử dụng chất khử trùng (có thể treo túi vôi hoặc viên TCCA) treo trong lồng/bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi.

Thời điểm này, tôm cá thường dễ bị bệnh do các yếu tố thay đổi thất thường, nhất là thủy sản nuôi lồng bè. Một số bệnh thường gặp chủ yếu là do ký sinh trùng (trùng mỏ neo, trùng bánh xe…), vi khuẩn (Aeromonas, Vibrio…) gây ra. Phòng trị bệnh bằng cách cho ăn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, dùng thuốc hoặc hóa chất tắm cho cá trong ao nuôi như muối ăn 2 – 4%, CuSO4 2 – 5%, Formaline 25 – 30 ppm hoặc phun trực tiếp xuống ao với liều lượng nhỏ hơn 10 lần.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Sản xuất giống thủy sản ở Ninh Hòa (Khánh Hòa): Khó gượng dậy sau bão

Trong cơn bão số 12, các vùng sản xuất giống thủy sản ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) với hàng trăm trại ương nuôi bị tàn phá hoàn toàn. Các chủ trại như đang ngồi trên đống lửa khi của cải bị mất hết, con giống chết và đối mặt với cảnh nợ nần.

Thôn Ninh Tịnh (xã Ninh Phước) là vùng sản xuất giống thủy sản chủ lực của thị xã Ninh Hòa. Toàn vùng có khoảng 140 trại sản xuất con giống ốc hương và ngao để cung cấp cho các cơ sở nuôi trong và ngoài tỉnh. Sau bão, bên cạnh hàng trăm hộ nhà bị tốc mái, thì cả một vùng sản xuất giống thủy sản đã bị xóa sổ hoàn toàn. Ông Ngô Đình Đức – chủ một trại sản xuất giống ốc hương cho biết: “Nhà tôi có 5 trại giống bị thiệt hại hoàn toàn. Riêng cơ sở vật chất thiệt hại 1 tỷ đồng, cùng với 15 triệu con ốc giống chưa kịp bán bị cuốn trôi, ước thiệt hại 750 triệu đồng”. Trại sản xuất giống của ông Ngô Văn Huân gần đó cũng bị bão đánh tan tành. Ông Huân là hộ bị thiệt hại nhiều nhất trong vùng với 7 trại sản xuất bị đổ sập, hơn 10 triệu con ốc giống bị chết, ước thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng.

Vùng sản xuất giống thủy sản thôn Ninh Tịnh tan hoang sau bão

Ở vùng ương nuôi cá bớp giống tại thôn Tân Thành và thôn Tân Đảo (xã Ninh Ích), hàng chục cơ sở sản xuất cũng rơi vào cảnh hoang tàn. Ông Nguyễn Văn Tình – chủ một cơ sở cho biết, khi bão vào, ao ương bị sạt lở, máy móc thiết bị bị bão cuốn bay. Mưa lớn khiến cho nước trong đìa ương bị ngọt hóa đột ngột nên toàn bộ cá giống hơn 20.000 con gần xuất bán bị chết, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ông Phạm Ngọc Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết: “Trên địa bàn có 30 hộ ương nuôi cá bớp giống. Các cơ sở này đều bị thiệt hại hoàn toàn sau bão. Một vấn đề đặt ra đối với công tác khôi phục sản xuất của các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn là ngoài lồng bè bị đánh tan, ao đìa bị sạt lở nghiêm trọng, các hộ khôi phục xong cũng không tìm đâu ra giống để tái sản xuất”.

Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã Ninh Hòa cho biết: “Cơn bão số 12 đã khiến cho ngành Thủy sản Ninh Hòa bị thiệt hại nặng. Về diện tích nuôi trồng có 856ha, chủ yếu nuôi tôm, cá, ốc hương bị thiệt hại; 166 bè nuôi thủy sản bị đánh tan; 240 chiếc tàu thuyền bị chìm. Riêng đối với sản xuất giống, trên địa bàn thị xã có 110 cơ sở sản xuất ốc hương giống, 35 trại sản xuất tôm giống, 30 cơ sở sản xuất cá bớp giống, 2 cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt, tất cả đều tan hoang sau bão. Giống ương nuôi, chuẩn bị xuất bán gặp mưa, bão đã chết sạch. Việc khôi phục sản xuất của các cơ sở nói riêng và khôi phục sản xuất thủy sản trên địa bàn thị xã nói chung phải mất một thời gian dài nữa mới hồi phục”.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chủ cơ sở sản xuất giống cho biết, tuy thiệt hại nặng nề nhưng họ vẫn phải gắng gượng, dọn dẹp những gì tan hoang sau bão để tổ chức lại sản xuất. Khó khăn hiện nay là nhân công, vật tư để xây dựng lại các trại khan hiếm, điện để chạy máy chưa có nên trước mắt chưa thể tổ chức sản xuất được. Các cơ sở sản xuất giống đang rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Nguồn: Vietlinh.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Bảo vệ thủy sản mùa mưa lũ

Đối với những đối tượng nuôi trong ao , đầm, hồ ( ao nuôi vỗ cá bố mẹ, ao ương giống và ao nuôi thương phẩm )

– Kiểm tra và tu bổ lại bờ ao chắc chắn đảm bảo giữ được nước. Cần phát quang những cành, cây xung quanh bờ, để tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi.
– Tại cống xả tràn đặt lưới chắn hình chữ V để tăng diện tích thoát nước nhằm tránh cá thoát ra ngoài khi có lũ lụt lớn xảy ra.
– Tháo bớt nước trong ao, chuẩn bị đăng chắn, dụng cụ cọc tre, cuốc xẻng để gia cố sửa chữa hệ thống bờ, cống, có lưới chắn phòng tràn bờ gây thất thoát thủy sản nuôi khi mưa to, gió lớn. Rải vôi xung quanh bờ ao phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi.
– Bổ sung vitamin C vào thức ăn để giúp cá, tôm tăng sức đề kháng. Đối với tôm 1 kg Vita – C/ 500 kg thức ăn, đối với cá 2g Vita – C/1kg thức ăn
– Sau mỗi đợt mưa bão cần tiến hành thu dọn kịp thời cành, lá cây trong ao; đồng thời tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như bón vôi (1 – 3 kg/100m2) để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước khi cần thiết.
Những ao nuôi đạt cỡ thương phẩm nên thu hoạch để hạn chế thiệt hại.Đối với những ao nuôi tôm thương phẩm bà con cần chú ý theo dõi và bổ xung oxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm đồng thời tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng điện lưới bị cắt. Bờ ao phải đắp cao hơn mức nước cao nhất ít nhất 0,4-0,5m trở lên, Ao nuôi cần có hệ thống thu gom nước mưa xung quanh, tránh nước mưa xung quanh đổ dồn xuống ao, làm pH giảm đột ngột, có thể làm cá chết hàng loạt.

Đối với những mô hình nuôi cá lúa

– Gia cố bờ ruộng chắc chắn và đắp bờ cao hơn mực nước 0,5 m để vượt lũ, xung quanh ruộng nuôi phải bố trí nhiều cống thoát nước.
– Phải căng lưới bao xung quanh bờ ruộng và thường xuyên kiểm tra để khắc phục trường hợp lưới rách hoặc nước chảy làm trống dưới chân lưới sẽ thất thất thoát
– Thường xuyên kiểm tra lưới, hệ thống cống, bờ và đắp lại những nơi xung yếu chống tránh tình trạng vỡ bờ. Dọn sạch đăng cống, mương rãnh để nước thoát nhanh.
– Chuẩn bị máy bơm tiêu úng khi cần thiết.( chuẩn bị thêm máy phát điện nếu có để đề phòng điện lưới bị mất )
– Phương án phòng tránh lũ lụt cần phải được tính toán cho cả vùng nuôi.

Đối với những mô hình nuôi lồng bè trên sông và hồ nước lớn

– Kiểm tra lại lồng bè, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão làm hỏng lồng
– Trong trường hợp lồng không thể di chuyển cần hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió.
– Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho cá.
– Chuẩn bị thuyền máy, phao cứu sinh hỗ trợ khi cần thiết.
– Đối với người nuôi trồng thủy sản.Tuyệt đối không ở lại chòi canh, lồng bè nuôi khi có mưa bão lớn đổ vào nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người nuôi thủy sản.Có kế hoạch sơ tán dụng cụ thiết bị, vật tư, thức ăn…Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết: mực nước lũ trên các con sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó nhằm bảo vệ thuỷ sản nuôi một cách có hiệu quả.

Đối với nuôi tôm nước lợ

– Những vùng nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh trong vùng đầm hiện nay, người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát sản phẩm.
– Thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi lũ lụt xảy ra.
– Để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước như trước khi mưa to cần phải lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao và để mực nước trong ao cao nhất. Trong khi mưa nên tránh các hoạt động làm xáo trộn nước trong ao nuôi và sau khi mưa cần nhanh chóng rút bớt nước ở tầng mặt của ao bằng cách tháo các cánh phai của cống thoát.
– Những vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến thân thiện môi trường, nuôi theo hình thức đánh tỉa thả bù, người nuôi khẩn trương tận thu các sản phẩm: tôm; cua; cá, tránh thất thoát sản phẩm khi bão lụt xảy ra
– Đối với các vùng đất bị chua phèn, rắc vôi quanh bờ phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi. Đồng thời cần chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất
– Các vùng nuôi tôm trên cát chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão từ biển đổ vào, người nuôi cần phải quan tâm đến việc củng cố ao nuôi vững chắc, chủ động nguồn nước phục vụ cho sản xuất. Tích cực áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho tôm khi thời tiết thay đổi bất thường.

Đối với nuôi thủy sản trên biển

Tiến hành thu hoạch trước mùa mưa lũ nếu cá, tôm đạt kích cỡ thu hoạch. Nếu không thể thu hoạch trước mùa mưa lũ, cần kiểm tra lại lồng bè, tu sửa lại những chỗ xung yếu, củng cố lại các dây neo, tìm vị trí an toàn để di chuyển lồng, bè vào những nơi kín gió, nơi không bị ảnh hưởng nước ngọt, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão gió lớn xô đẩy làm vỡ lồng, bè.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Vỏ nhuyễn thể nguồn vật liệu sinh học bền vững

Hơn 7 triệu tấn vỏ nhuyễn thể bị bỏ đi bởi ngành công nghiệp hải sản mỗi năm, phần lớn đều vứt trong bãi rác hoặc đổ xuống biển.

Các nhà nghiên cứu đang xem xét các lựa chọn bền vững về mặt môi trường và kinh tế cho các vật liệu sinh học này. Tiến sĩ Morris cho biết “Hầu hết vỏ các loài nhuyễn thể được đánh bắt hoặc khai thác bởi ngành công nghiệp hải sản, chúng được xem là chất thải khó xử lý và phần lớn phải xử lý ở các bãi chôn lấp. Đây không chỉ là thực tế tốn kém màn còn có hại cho môi trường sinh thái và gây ra sự lãng phí khổng lồ các vật liệu sinh học hữu ích.

Một trong những ứng dụng thú vị nhất được đề xuất bởi tiến sĩ Morris là sử dụng phế thải để khôi phục các rạn san hô bị hư hỏng và nuôi dưỡng sự phát triển của những con hàu mới. Việc khôi phục các rạn san hô này chỉ đòi hỏi ít tiền và công sức, nhưng có thể có những lợi thế sinh thái rất lớn. Tiến sĩ Morris giải thích “Những quần thể động vật có vỏ có sức khoẻ có thể có nhiều lợi ích cho môi trường: làm sạch nước, cung cấp ngôi nhà cho các sinh vật khác, và cũng đóng vai trò như là một cấu trúc bảo vệ bờ biển.

Sử dụng vỏ sò làm thức ăn cho gà

Vỏ nhuyễn thể bao gồm hơn 95% canxi cacbonat, được sử dụng trong nhiều ứng dụng nông nghiệp và kỹ thuật. Các vỏ nghiền được dùng trong nông nghiệp và thủy sản để kiểm soát độ acid của đất hoặc làm thức ăn cho gà đẻ trứng như một chất bổ sung canxi. Canxi cacbonat cũng là một thành phần phổ biến trong hỗn hợp xi măng và đã tìm ra cách sử dụng bổ sung để xử lý hiệu quả nước thải. Thật không may, phần lớn canxi cacbon trên thế giới xuất phát từ khai thác đá vôi có hại về mặt sinh thái và không bền vững.

“Tái sử dụng vỏ nhuyễn thể là một ví dụ hoàn hảo của nền kinh tế , đặc biệt là vỏ sò là một vật liệu sinh học có giá trị, nó không chỉ cải thiện tính bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản mà còn chuyển tiếp trở lại, nhưng nó cũng có thể mang lại lợi ích kinh tế thứ cấp cho người nuôi trồng và chế biến , “Tiến sĩ Morris nói.

Bằng cách nghiên cứu cách các vỏ nhuyễn thể có thể hoạt động như một nguồn canxi cacbonat thứ cấp, Tiến sĩ Morris và nhóm của ông hy vọng sẽ đưa ra một phương pháp thay thế bền vững hơn đối với đá vôi được khai thác. Ông hy vọng công việc của ông sẽ nhấn mạnh đến giá trị kinh tế của việc tái chế những vỏ thải bỏ này trở lại sử dụng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Liều dùng và vai trò của Vitamin C trên cá

Một nghiên cứu đầu tiên từ trước đến nay về hàm lượng Vitamin C (Ascorbic acid) bổ sung vào thức ăn cá chạch bùn giúp nâng cao hiệu suất tăng trưởng, hệ thống miễn dịch và hoạt tính enzyme chống oxy hóa.

Vitamin C với động vật thủy sản

Động vật thủy sản thường phải chịu sự căng thẳng từ các yếu tố vượt quá khả năng của chúng về sự chịu đựng, chẳng hạn như mật độ nuôi cao, chất lượng nước kém, nhiệt độ cao và sự xâm nhập của vi khuẩn và virus. Tất cả những yếu tố bất lợi này có thể gây ra phản ứng sốc cho cá, dẫn đến năng suất thấp.

Đối với nuôi trồng thủy sản, để giảm phản ứng căng thẳng nhiều tác đã bổ sung vào thức ăn các chất chống oxy hóa (ví dụ như vitamin C và vitamin E), probiotic, prebiotic, B-glucans và các chất kích thích miễn dịch khác, có thể giúp cá giảm sự nhạy cảm đối với những yếu tố gây căng thẳng.

Vitamin C (acid L-ascorbic, ASA) đóng một vai trò quan trọng trong các chức năng sinh lý bình thường và kích thích phản ứng miễn dịch của cá (Lim & Lovell 1978), và nó là một chất chống oxy hóa tan trong nước quan trọng. Vitamin C cũng tăng cường hiệu ứng trên hoạt tính diệt khuẩn ở huyết thanh (Ren, Koshio & Uyan 2008), hoạt động thực bào (Misra, Das & Mukherjee 2007), nồng độ kháng thể (Misra et al. 2007) và chất nhầy trong phản ứng miễn dịch (Roosta, Hajimoradloo & Ghorbani 2014).

Trong nuôi trồng thủy sản, vitamin C thường được sử dụng với mức độ cao khi bổ sung vào thức ăn. Tuy nhiên, những ảnh hưởng ở liều cao của việc bổ sung vitamin C  vào thức ăn trên cá vẫn chưa được xác định chắc chắn.

Nghiên cứu liều lượng bổ sung Vitamin C vào cá chạch bùn

Cá chạch bùn (Misgurnus anguillicaudatus) là một cá sống tầng đáy phân bố rộng rãi ở Châu Á. Trong những năm gần đây, giá trị của chúng trên thị trường đã tăng lên bởi vì giá trị dinh dưỡng và dược liệu cao được công nhận bởi người tiêu dùng (Wang, Hu & Wang 2010;. Gao et al 2012). Cho đến nay, không có nghiên cứu nào về nhu cầu vitamin C trên cá chạch bùn được thực hiện. Do đó, nghiên cứu này được tiến hành để làm rõ những ảnh hưởng của chế độ ăn khác nhau có bổ sung vitamin C đối với về hiệu suất tăng trưởng, đáp ứng miễn dịch từ chất nhầy, hoạt tính của enzyme chống oxy hóa và biểu hiện gen chống oxy hóa trên cá chạch bùn.

Một thử nghiệm cho ăn trong 60 ngày đã được tiến hành để xác định những ảnh hưởng của vitamin C ở chế độ ăn khác nhau về hiệu suất tăng trưởng, đáp ứng miễn dịch và khả năng chống oxy hóa của cá chạch bùn.

Sáu mức độ Vitamin C bổ sung vào thức: 0 mg/kg (VC0), 100mg/kg (VC100), 200mg/kg (VC200), 500mg/kg (VC500), 1000mg/kg (VC1000) và 5000 mg/kg (VC5000) của VC (35% acid ascorbic) với ba lần lặp lại. Kết quả cho thấy cá ăn với mức độ  VC200 cho sự tăng trưởng tối ưu và có tác dụng ngăn ngừa sự oxy hóa cao (cụ thể là hơn 207,4 mg/kg), đồng thời hệ miễn dịch của cá chạch bùn hoạt động mạnh mẽ hơn rất nhiều. Hơn nữa, liều cao của việc bổ sung VC không cho thấy bất kỳ tác động bất lợi đến hiệu suất tăng trưởng của cá chạch bùn.

Do đó, thí nghiệm của nhóm nghiên cứu gợi ý rằng bổ sung từ 200 mg/kg Vitamin C là điều cần thiết để gia tăng sự tăng trưởng và miễn dịch của cá chạch bùn, mức độ này cao hơn nhiều so với hầu hết các loài cá khác, ví dụ 47,6 mg/kg đối với cá chẽm Nhật Bản – Lateolabrax japonicus (Ai, Mai, Zhang, Xu, Duan & Tân 2004), 23,8 mg/kg  cho cá đù vàng lớn – Pseudosciaena crocea (Ái, Mai, Tân, Xu, Zhang, Ma & Liufu 2006) và 35,7 mg/kg đối với cá Cirrhinus mrigala (Zehra & Khan năm 2012). Điều này có thể gợi ý rằng các chạch bùn là loài nhạy cảm hơn nhiều với các yếu tố stress so với các loài cá khác.

Lưu ý khi sử dụng Vitamin C

Mặc dù Vitamin C là một chất chống oxy hóa, nó có thể tạo điều kiện cho quá trình oxy hóa trong điều kiện nhất định (Hininger et al. 2005). Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng Vitamin C gây độc với một số loại tế bào (Bhat, Azmi, Hanif & Hadi 2006; Ullah, Khan & Zubair 2011). Thêm vào đó, Vitamin C ở mức cao sẽ ức chế mạnh mẽ của sự hấp thụ Đồng hoặc các enzym phụ thuộc vào Đồng và dễ bị ngộ độc sắt (Prasad 1978). Vì thế khi bổ sung Vitamin C vào thức ăn cá chạch bùn cần phải cân nhắc ở mức hợp lý.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Công nghệ mới cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản

Tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra nghiêm trọng trong nuôi trồng thủy sản do phần lớn các chất hữu cơ dư thừa từ thức ăn, phân và các rác thải khác, kết hợp lượng dư thừa các hóa chất, kháng sinh được sử dụng trong quá trình nuôi đọng lại ở đáy ao nuôi không được xử lý.

Trước thực trạng đó, Tiến sĩ Lê Quang Tiến Dũng và các cộng sự thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã nghiên cứu thành công giải pháp “Điều chế vi bọt khí sử dụng công nghệ điện hóa, siêu âm và ứng dụng trong xử lý nước nuôi trồng thủy sản”. Nghiên cứu này đã mở ra một hướng mới trong việc khử trùng, cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản.

Hướng đi mới đầy tiềm năng

Theo Tiến sỹ Lê Quang Tiến Dũng, trên thực tế có rất nhiều phương pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi, xử lý nguồn bệnh trong môi trường nuôi. Nhiều vùng nuôi trồng thủy sản, hộ nuôi khi gặp phải những vấn đề trên đã phải bỏ ra chi phí lớn từ vài triệu đến vài chục triệu đồng để xử lý môi trường ao nuôi nhưng không đem lại hiệu quả cao như mong muốn.

Mặt khác, việc sử dụng tràn lan các hóa chất để khử trùng nước như Chlorine, Iodin, thuốc tím, Formaline… có thể dẫn đến những hậu quả làm suy thoái môi trường và gây ra hiện tượng nhờn thuốc của các loại vi khuẩn, vi rút, vi sinh vật gây bệnh như: khuẩn Vibrio spp., Aeromonas, Ecoli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus… Do đó, việc nghiên cứu tìm các biện pháp làm giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản được xem là nhiệm vụ rất cấp thiết.

Với ý tưởng tăng hiệu suất diệt khuẩn của dung dịch anolyte sau điện hóa thành các vi bọt khí bằng cách cho nổ tung bọt khí sau điện hóa sử dụng siêu âm công suất cao để xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản, nhóm tác giả đã mở ra hướng mới trong việc khử trùng, cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản. Dung dịch hoạt hóa điện hóa anolyte hay còn được gọi là nước oxy hóa điện ly được kỹ sư người Nga V. Bakhir phát hiện năm 1972.

Dung dịch anolyte là một tác nhân khử trùng có nhiều tính ưu việt, hiệu quả khử trùng cao, diệt nhanh nhiều loại vi khuẩn, dễ sản xuất, giá thành rẻ, thân thiện với môi trường. Các nước trên thế giới đặc biệt là Nga, Nhật, Đức, Mỹ, Hàn Quốc… đã đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo thiết bị sản xuất dung dịch anolyte và ứng dụng công nghệ này trong đời sống và sản xuất như y tế, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm… Trong nước, việc nghiên cứu ứng dụng dung dịch anolyte để khử trùng trong y tế, chế biến và bảo quản nông sản đã được thực hiện từ năm 2001.

Năm 2002, dung dịch anolyte được sử dụng dung để bảo quản vải thiều, thanh long, nho… Trong chăn nuôi gà, vịt, heo, dung dịch anolyte được sử dụng để phòng ngừa các bệnh đường ruột đạt kết quả tốt. Trong những năm gần đây, dung dịch anolyte này được nghiên cứu ứng dụng để thay thế các hóa chất thường dùng trong việc xử lý, khử trùng môi trường nước nuôi trồng thủy sản.

Dung dịch anolyte được điều chế bằng phương pháp điện hóa có nhiều ưu việt trong khử trùng môi trường nước. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là hiệu suất diệt khuẩn vẫn chưa tối ưu, tính ứng dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản vẫn còn một số hạn chế. Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một giải pháp có tính kế thừa và có tính mới nâng cao hiệu quả diệt khuẩn bằng phương pháp công nghệ điện hóa – siêu âm kết hợp chuyển hóa mật độ bọt khí của dung dịch anolyte thành vi bọt khí có hiệu suất diệt khuẩn rất cao, phân hủy các chất hữu cơ và các khí độc.

Kết quả khi sử dụng dung dịch anolyte để xử lý khuẩn Vibrio spp. với nồng độ muối 5g/L, hiệu suất đạt 54,8 %; tăng nồng độ muối lên 30g/L, hiệu suất đạt 96,4 % theo tỉ lệ dung dịch anolyte: khuẩn (1:1). Điều này chứng tỏ rằng, nếu càng tăng nồng độ muối NaCL, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. càng tăng. Khi kết hợp siêu âm – điện hóa, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp được nâng cao và có thể điều chế được dung dịch vi bọt khí.

Khi sử dụng dung dịch vi bọt khí được điều chế từ siêu âm- điện hóa kết hợp khảo sát theo nồng độ muối NaCl với điện áp cố định 4V , hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. đạt 77,7% nồng độ Nacl 5g/L. Với nồng độ NaCl 20g/L, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. đạt 100% với tỉ lệ dung dịch vi bọt khí : khuẩn (1:1). Dung dịch vi bọt khí có khả năng phân hủy xanh methylene và xử lý khuẩn Vibrio spp. tốt hơn so với khi sử dụng dung dịch anolyte được điều chế từ bộ điện hóa.

Cần ứng dụng rộng rãi

Về hiệu quả kinh tế, bằng việc kết hợp với Trường Đại học Khoa học trong việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ điện hóa- siêu âm, Công ty Huetronics đã tiến hành triển khai chế tạo và thương mại hóa thiết bị xử lý nước sử dụng công nghệ điện hóa- siêu âm với công suất lớn, cấp nước vào ao hoặc cấp nước tuần hoàn trong suốt vụ nuôi mà không dùng bất kỳ sản phẩm diệt khuẩn truyền thống nào.

Về hiệu quả kỹ thuật, theo đánh giá của các hộ nuôi tôm ở Thừa Thiên Huế, ứng dụng giải pháp thiết bị điện hóa – siêu âm xử lý nước tuần toàn tại ao nuôi giá thành thấp, quy trình sản xuất đơn giản phù hợp với các vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn. Đặc biệt, dung dịch vi bọt khí có tính năng ưu việt như có khả năng xử lý khuẩn Vibrio spp đạt hiệu quả cao, không độc hại, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, thân thiện với môi trường. Cụ thể, đã giảm chi phí rất lớn về xử lý nước trong quá trình nuôi, chỉ tiêu tốn khoảng 700 đồng/m3 so với 2.000 đồng/m3 khi sử dụng các hóa chất để xử lý. Nâng tỷ lệ thành công các vụ nuôi trồng thủy sản rất lớn cho các hộ nuôi so với trước đây.

Giáo sư Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đánh giá: Nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị điều chế vi bọt khí sử dụng công nghệ điện hóa kết hợp siêu âm công suất của Tiến sĩ Lê Quang Tiến Dũng đặc biệt có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội lớn đã góp phần quan trọng trong việc chủ động phát triển các loại sản phẩm công nghệ cao, giá thành thấp, mang thương hiệu Việt.

Kết quả nghiên cứu không chỉ được ứng dụng hiệu quả cho các vùng nuôi tôm ở Thừa Thiên Huế mà thiết bị điện hóa – siêu âm vi bọt khí còn được tín dụng cao ở các vùng nuôi tôm trọng điểm miền Nam như Gò Công, Tiền Giang, Bạc Liêu…Với những thành quả về mặt kinh tế, kỹ thuật và xã hội, đề tài đã đoạt giải Ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ toàn quốc (VIFOTEC) năm 2016 trong lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên.

Hy vọng trong thời gian không xa, thiết bị này được ứng rộng rãi trong cả nước để mang lại hiệu quả cao cho người nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường và phát triển nuôi trồng thủy sản một cách bền vững.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.