Nuôi Tôm kết hợp trồng Rong Câu

Có một vấn đề rất nan giải, mà bấy lâu nay đã làm “đau đầu” tất cả các nhà nuôi tôm-đó là chất thải và nước thải từ các ao nuôi gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây về ứng dụng một số loài rong câu (như Gracilaria spp, Gracilariales, Rhodophyta) trong xử lý môi trường nuôi tôm, được các nhà khoa học thủy sản tiến hành tại Viện Hải dương học Nha Trang, cho thấy vấn đề này đã có hướng giải quyết.

Các tác giả tiến hành phương pháp nuôi tôm thâm canh kết hợp trồng rong câu trong hệ tuần hoàn kín. Trong đó, sử dụng ao rong câu mật độ cao đóng vai trò bể lọc sinh học (để làm sạch nước thải).

Nghiên cứu dựa trên cơ sở ứng dụng các tác động tương hỗ giữa thực vật (rong biển) và động vật (tôm) với các yếu tố môi trường. Cụ thể ở đây là: rong câu tạo ra ôxy hòa tan-tôm tiêu thụ nó, rong câu tiêu thụ CO2 và các mối dinh dưỡng-do tôm sản sinh ra nó; rong câu làm giảm a xít trong môi trường nước-tôm làm tăng tính axít… Sự hoạt động cân bằng này cho phép giữ ổn định môi trường nuôi tôm.

Hệ thống ao nuôi kiểu mới này được bố trí, gồm: Ao lắng và tiệt trùng (chiếm 21% tổng diện tích cả hệ thống). Ao nuôi tôm (chiếm 62%). Ao trồng rong câu (hay còn gọi ao xử lý sinh học, chiếm 17%). Nước sử dụng cho quá trình nuôi được lấy vào cả ba ao ngay từ đầu và sử dụng chung cho cả vụ nuôi.

Với quy trình tuần hoàn vận hành như sau: Nước được khử trùng ngay trong ao lắng trước khi bơm vào ao nuôi tôm. Rồi nước thải từ ao nuôi tôm được bơm dần (mỗi lần khoảng 15-20%) sang ao trồng rong câu và lưu lại đây ba ngày. Sau đó, bơm trở lại ao lắng và tiến hành xử lý hóa học, xong cho lưu lại đây ba, bốn ngày. Tiếp đến, lại bơm vào ao nuôi tôm-bắt đầu một vòng tuần hoàn mới. Trong quá trình nuôi, có một lượng nước bị mất đi do thẩm thấu và bốc hơi sẽ được bổ sung từ nguồn nước bên ngoài vào. Bằng cách sử dụng nguồn nước như thế, sẽ hạn chế tối đa sự tiếp xúc hoặc trao đổi với nguồn nước bên ngoài, do đó hạn chế được những ảnh hưởng của trại nuôi tôm với môi trường chung quanh và ngược lại.

Mặc dù một số tính chất vật lý của nước như độ mặn, tăng dần theo các tháng trong vụ tôm (thay đổi từ 2,1% đến 3,5%) do nước bốc hơi. Nhưng cả tôm nuôi và rong câu đều cùng phát triển tốt, mà lại thêm nguồn lợi thu được từ rong câu khá lớn.

Trong hai tháng đầu vụ nuôi (từ tháng 2 đến tháng 4) mật độ rong câu trung bình 500g/m2, tốc độ tăng trưởng đạt 2,8%. Đến tháng thứ 3, rong đã có mật độ đạt 2kg/m2 và đã bắt đầu thu tỉa được với khối lượng 170-200g/m2. Từ tháng thứ 5 độ tăng trọng chỉ đạt 1,3%, nhưng đến khi thu hoạch tôm thì rong đã có sinh lượng tích lũy 4kg/m2. Sản lượng rong câu tươi trên một ha ao thí nghiệm đạt tới 6 tấn/tháng.

Hơn nữa, phương pháp nuôi tôm thâm canh kết hợp trồng rong câu trong hệ tuần hoàn khép kín kiểu này, đặc biệt có lợi cho môi trường. Kết quả thí nghiệm qua một vụ tôm đã cho thấy rõ, rong câu có tác dụng làm thay đổi đáng kể các chỉ số yếu tố môi trường nước đối với nguồn nước đi ra từ ao rong. Chỉ với một ao rong có diện tích bằng 17% tổng diện tích cả hệ thống ao nuôi kết hợp kể trên, thì với vai trò là bể lọc sinh học, nó đã cải thiện tốt chất lượng nước của ao nuôi tôm: Làm tăng 5% pH, tăng 49% ôxy, đồng thời làm giảm 60,3% nitơ vô cơ hòa tan, 38,1% phospho, 66% chlorophyll, 56% chất lơ lửng từ nguồn của ao nuôi tôm.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, nuôi kết hợp tôm-rong câu không chỉ làm cho những thông số về chất lượng nước trong ao nuôi tôm tốt hơn, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường chung quanh trại nuôi, mà còn làm giảm chi phí sản xuất. Giảm thiểu sử dụng chất và thuốc phòng trị bệnh cho tôm. Vì thế, sẽ có sản phẩm tôm thương phẩm sạch hơn, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Nghiên cứu này cần được khảo sát tiếp trong mùa mưa để kiểm tra về hiệu quả cải thiện chất lượng nước thải, xác định thời gian lưu giữ nước và độ sâu mực nước trong ao rong câu.

Nguồn: 2lua.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng Rong Câu Chỉ Vàng

Rong câu chỉ vàng Gracilaria asiatica Chang et Xia (tên khoa học cũ là Gracilaria verrucosa (Huds.) Papenf.)

1. Yêu cầu về địa điểm và điều kiện môi trường

Ðịa điểm

– Ðầm hoặc ao nước lợ đang trồng quảng canh rong câu hoặc chưa trồng nhưng có rong câu tự nhiên phân bố.

– Nơi ít sóng gió, giao thông thuận tiện.

Ðiều kiện môi trường

– Vùng nước lợ không bị ô nhiễm và có khả năng thay nước thuận lợi.

– Ðáy là bùn, hoặc bùn cát, cát bùn. Tốt nhất là đáy bùn cát, có tỷ lệ bùn/cát từ 70/30 đến 80/20.

– Mặt đáy đầm/ao tương đối bằng phẳng. Mỗi chu kỳ thuỷ triều đảm bảo đầm/ao được ngập nước 0,6 – 1,0 m trong 5 – 7 ngày.

– Ðộ pH của nước 7,0 – 8,5; độ pH của đáy không nhỏ hơn 6,0.

– Ðộ muối của nước 5 – 30 %0 (tốt nhất 10 – 20 %0).

– Ðộ trong của nước từ 0,4 m trở lên.

Yêu cầu về xây dựng đầm/ ao

Diện tích và mặt đáy

– Ðầm/ao có diện tích 1 – 5 ha; đầm có diện tích lớn phải chia thành nhiều ao nhỏ.

– Ðáy đầm/ao tương đối bằng phẳng, dốc về phía cống 2 – 30 .

Bờ đê

Ðê bao quanh và bờ ngăn phải đủ vững để giữ được nước và bảo đảm an toàn cho sản xuất. Kích thước đê, bờ phụ thuộc vào loại đất đắp, biên độ thuỷ triều và mức sóng gió ở từng nơi. Kích thước thông thường như sau:

– Ðê bao quanh: chân 4,0 – 5,0m; mặt 1,0m; cao 1,5 – 2,0m.

– Bờ ngăn trong đầm: chân 3,0 – 4,0m; mặt 1,0m; cao 1,0 – 1,5m.

Cống

Mỗi ao cần 1 cống xây bằng gạch hoặc đá hoặc làm bằng tre, gỗ. Khẩu độ cống tuỳ theo diện tích ao:

– Với ao có diện tích từ 1 đến 2 ha, khẩu độ là 0,6 – 0,8 m.

– Với ao có diện tích từ 3 đến 5 ha, khẩu độ là 1,0 – 1,2 m.

Kỹ thuật trồng

Thời vụ trồng

– Ven biển miền Bắc: Từ cuối tháng 10, tháng 11 năm trước đến tháng 6, tháng 7 năm sau. Riêng vùng đảo và vùng sát biển có độ muối tương đối cao, thời vụ trồng từ tháng 4 đến tháng 9, tháng 10.

– Ven biển miền Trung: Từ cuối tháng 12 năm trước hoặc tháng 1, tháng 2 đến cuối tháng 8, tháng 9, tháng 10 hàng năm. Thời vụ trồng rong câu chậm dần vào phía Nam.

Chuẩn bị đầm/ ao

  • Dọn đáy

Trước mỗi vụ trồng rong câu, phải tiến hành dọn đáy đầm/ao với các biện pháp như sau:

– Dọn sạch rong tạp và cỏ dại trên mặt đáy, cắt cỏ ven bờ.

– Bừa đáy tạo ra một lớp bùn trên mặt đáy.

  •  Khử chua

– Thay nước liên tục 4 – 5 ngày để rửa đáy.

– Sau đó rút cạn nước, rải vôi bột với lượng 0,1 – 0,3 kg/m2.

  • Bón lót

– Phân chuồng (phân gia súc, gia cầm ủ) với lượng 0,6 – 1,0 kg/ m2.

– Lân (lân vô cơ) với lượng 0,03 – 0,06 kg/ m2.

Rải đều phân chuồng và phân lân trên bề mặt đáy. Sau khi bón lót phân, trong khoảng thời gian 7 – 10 ngày tiếp theo không được thay nước cho đầm/ao.

  •  Lấy nước

Chuẩn bị đầm/ao xong, đợi khi có con nưốc triều tiến hành lấy nước mới vào và giữ mức nước 0,3 m, sau 5 – 7 ngày giữ mức nước tới 0,5m để chuẩn bị thả rong giống.

Chọn giống và rải giống

  • Chọn giống

Chất lượng rong giống phải theo đúng qui định tại Ðiều 2.1 của 28TCN108:1998 (Rong biển – Giống rong câu chỉ vàng – Yêu cầu kỹ thuật).

  • Xử lý giống

Khi độ muối nơi lấy giống và nơi rải giống chênh lệch lớn hơn 8 %0, phải xử lý giống theo qui định tại Ðiều 2.3.4 của 28TCN109:1998 (Quy trình sản xuất giống rong câu chỉ vàng).

  • Rải giống: Mật độ giống rải là 500 g/ m2.
  • Cách rải giống

– Tách nhỏ các tản rong rồi rải đều trên mặt đáy đầm/ao.

– Thời gian rải rong giống vào lúc trời râm mát, gió nhẹ.

– Sau khi rải giống, trong thời gian 15 – 20 ngày đầu không thay nước cho đầm/ao.

 Chăm sóc và quản lý

Thay nước

– Mỗi chu kỳ thuỷ triều, phải thay nước cho đầm/ao liên tục trong 5 – 7 ngày, mỗi ngày thay 1/3 – 1/2 lượng nước cũ.

– Khi gặp mưa lớn kéo dài, phải thay nước mới ngay cho đầm/ao. Nếu khi đó nước thuỷ triều thấp, phải dùng máy bơm để thay nước mới cho kịp thời.

– Sau khi thay nước, giữ mức nước cho đầm/ao trong khoảng 0,4 – 0,5 m.

 Bón phân

– Phân chuồng: Bón 2 lần/năm, trong đó lần 1 bón vào tháng thứ 3, lần 2 bón vào tháng thứ 5 sau khi rải giống. Mỗi lần bón với lượng 0,3 – 0,5 kg/ m2.

– Phân lân: Phân lân được bón vào tháng thứ 3 hoặc tháng thứ 4 sau khi rải giống. Mỗi lần bón với lượng 0,02 – 0,03 kg/ m2.

 Hạn chế rong tạp

Hạn chế sự phát triển của rong tạp bằng các biện pháp sau:

– Luôn duy trì rong câu chỉ vàng ở mật độ cao. Thấp nhất, rong cũng phải đạt được mật độ là 400 g/ m2.

– Không để mức nước đầm/ao cạn dưới 0,30 m.

– Khi phát hiện có rong tạp, phải vớt ngay và không để rong tạp trôi nổi khắp đầm/ao. Ðồng thời, phải thay nước nhiều hơn và giữ mức nước ở độ sâu 0, 50 – 0, 60 m.

Ðiều chỉnh mật độ rong

Sau mỗi lần thu hoạch hoặc sau những ngày có sóng gió lớn làm rong câu bị dồn tụ lại, phải vớt rong ở chỗ mật độ quá cao rải đều ra khắp đáy đầm/ao.

Thu hoạch rong

Chỉ tiêu rong thu hoạch

Sau khi rải giống 40 – 50 ngày, có thể tiến hành thu hoạch rong câu lần đầu. Sau đó cứ từ 30 đến 35 ngày, tiến hành thu hoạch 1 lần. Trong một vụ trồng rong câu, có thể thu hoạch được từ 5 đến 7 lần. Chỉ tiến hành thu hoạch rong câu khi đủ các điều kiện sau:

– Các tản rong đã sinh trưởng chậm dần, chiều dài tản rong đạt 20 – 30 cm.

– Rong phát triển đạt mật độ bình quân trên 1 kg/ m2.

Cách thu hoạch

– Dùng thuyền, cào thưa, te, lưới hoặc dùng tay để thu hoạch rong. Thu lần lượt diện tích từng khu vực để tránh bỏ sót diện tích cần thu.

– Không được thu toàn bộ số rong trên diện tích cần thu, mà phải để lại rong với mật độ là 400 – 600 g/ m2.

2. Sơ chế và bảo quản rong khô

Sơ chế rong câu

Với rong khô chưa rửa muối: Rong câu tươi khi thu lên, phải loại bỏ rong tạp và cỏ rác, rồi rửa sạch bùn đất bằng nước ngay tại đầm /ao đã trồng. Sau đó, rải đều rong lên sân phơi (sân gạch, sân bê tông hoặc sân đất). Trong quá trình phơi, phải lật trở nhiều lần cho rong khô đều.

Với rong khô đã rửa muối: Rong khô chưa rửa muối sau khi sơ chế như qui định , phải rửa lại 1 lần nữa bằng nước ngọt (nước giếng hoặc nước máy) rồi phơi khô trên sân (sân gạch hoặc sân bê tông). Cách phơi rong như qui định .

Bảo quản rong khô

– Rong câu khô phải được bảo quản trong điều kiện khô ráo, thoáng mát.

– Kho bảo quản rong câu phải chắc chắn, không bị dột.

– Khi bảo quản phải xếp rong câu từng lớp trên sàn kho. Sàn kho phải để cách tường từ 0,3 đến 0,4 m và cách nền kho từ 0,20 m trở lên.

– Trong quá trình bảo quản, phải thường xuyên kiểm tra chất lượng rong. Nếu thấy rong ẩm hoặc mốc phải đưa ra sân phơi lại.

Nguồn: Tổng  hợp bởi Farmtech VietNam.

Bước đột phá trong công nghệ chọn giống rong biển

Hiệp Hội Khoa Học Biển Scottland (SAMS) đã trở thành tổ chức đầu tiên sử dụng một thiết bị công nghệ cao để chọn lọc ra giống rong biển có khả năng kháng bệnh, tạo nên bước đột phá trong ngành công nghiệp nuôi trồng rong biển.

Với sự hỗ trợ kiến thức chuyên môn từ giáo sư Claire Gachon, công ty BMG LABTECH đã tung ra thị trường thiết bị NEPHELOstar. Dựa trên nguyên lý phân tán ánh sáng mà thiết bị này sẽ phát hiện được các hạt vật chất không hòa tan trong mẫu rong biển, từ đó sẽ xác định được mức sinh khối cũng như phát hiện ra được loại rong biển có khả năng kháng được nhiều bệnh, và cuối cùng là chọn ra giống rong biển có khả năng kháng bệnh tốt nhất.

Dr. Gachon chia sẻ: “Chúng tôi sẽ sử dụng thiết bị hiện đại để chọn ra loại rong biển kháng bệnh và sau đó sẽ kết hợp với dữ liệu về gen để chọn ra giống rong biển phù hợp nhất để nhân giống. Nghiên cứu này rất quan trọng trong ngành nuôi trồng công nghiệp rong biển toàn cầu,vì nó có thể loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh trong hệ thống sản xuất ngay từ đầu”. Với ưu điểm là không gây hại đến cơ thể động vật thí nghiệm, Dr. Gachon tin tưởng công nghệ này không chỉ được sử dụng cho rong biển mà còn có thể được sử dụng rộng rãi cho động vật thủy sản.

Nghiên cứu tiên phong này là một phần trong dự án GENIALG, mục tiêu của dự án là cải thiện chất lượng nguồn gen và tìm ra nguồn giống tốt phục vụ các trang trại nông nghiệp trên khắp châu Âu.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng rong nho – nhàn như… đi tắm biển

Trồng rong nho vừa nhàn, đầu tư thấp lại cho năng suất cao. Nhờ rong nho, nhiều hộ dân tại phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa đang có thu nhập khá ổn định, từ 5 – 10 triệu đồng/tháng.

Rong nho là một loại rong biển, do hình dạng hạt rong giống quả nho nên được gọi là rong nho. Trong tự nhiên, chúng thường được phân bố tại các vùng biển ấm. Tại Việt Nam, các nhà khoa học cho rằng vùng biển Khánh Hòa có tiềm năng phát triển rong nho đạt năng suất cao nhất thế giới.

Rong nho có đặc điểm mềm, giòn, ngon, được thị trường ưa chuộng như một loại rau xanh cao cấp. Đây là một sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.

Để trồng rong nho, ông Đặng Ngọc Minh (phường Ninh Hải, TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) chỉ phải bỏ chi phí 150 triệu đồng cho việc mua vật liệu, giống và đầu tư trang thiết bị. Số tiền này sẽ được ông thu hồi sau một năm nuôi trồng và bắt đầu từ năm thứ 2 trở đi sẽ có nguồn lợi nhuận ổn định từ mô hình này.

Theo ông Minh, rong nho phát triển rất nhanh, từ khi trồng đến thu hoạch chỉ khoảng 1 tháng. Trong khoảng thời gian này, người trồng hầu như không phải đầu tư chi phí chăm sóc mà vẫn có thu nhập ổn định.

“Cái này ai làm cũng được. Không phải làm gì nặng nhọc cả, khi thu hoạch chỉ xuống nước nhặt như mình đi tập thể thao, đi tắm biển vậy…”, ông Minh chia sẻ.

Theo Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh Khánh Hòa, nghề nuôi trồng rong nho được phổ biến tại địa phương từ năm 2004. Qua thời gian nuôi trồng thử nghiệm, ngành nuôi trồng địa phương nhận thấy, Khánh Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình này. Chính vì vậy, từ 1-2 ha ban đầu, đến nay diện tích trồng rong nho tại địa phương đạt gần 100 ha.

Nguồn : báo Dân Việt, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Quy trình nuôi ghép tu hài, ốc hương và rong câu

Việc nuôi ghép các đối tượng này trong ao đầm nước mặn vừa đa dạng hóa đối tượng nuôi vừa hạn chế rủi ro dịch bệnh và nâng cao thu nhập cho người dân. Quy trình này đang được nhân rộng tại các vùng ven biển miền Trung.

Chuẩn bị ao nuôi

Khu vực nuôi là ao, đầm nguồn nước có độ mặn từ 25‰ trở lên trong suốt thời gian nuôi (8 tháng). Diện tích tối thiểu từ 3.000 m2 trở lên, trong đó, diện tích nuôi tu hài và rong câu ở giữa phải chiếm 30 – 50% tổng diện tích ao nuôi. Ao có bờ bao chắc chắn và cống cấp, thoát nước đảm bảo gần nguồn nước để thuận tiện thay nước. Chất lượng nước có pH 7,5 – 8, đáy cát bùn (cát nhiều hơn bùn, không nhiễm phèn và ít mùn bã hữu cơ).

Tháo cạn nước ao, đầm dọn sạch các loại rong, rêu, san hô, cây cỏ… tu sửa bờ ao, cống, nếu bùn đáy dày thì có thể nạo vét bớt, san bằng đáy, tạo dốc về phía cống thoát.

Dùng vôi nông nghiệp (CaO) rải xuống đáy ao, liều lượng 500 – 700  kg/ha để vệ sinh, sát trùng đáy ao. Nếu đáy ao không bằng phẳng cần rải vôi tập trung ở những vùng trũng, nhiều bùn. Xung quanh bờ ao phải vây lưới cước quanh bờ, sát mép nước (cỡ mắt lưới a = 0,3 cm) để ngăn không cho ốc bò lên bờ.

Khu vực nuôi tu hài và rong câu ở giữa ao được vây chắn lưới xung quanh với diện tích 1.000 – 2.000 m2 (dài 40 – 50 m và rộng 25 – 40 m). Đào rãnh sâu 15 – 20 cm, rộng 20 cm, cắm cọc đỡ lưới (đường kính cọc 5 – 7 cm, cao 1 m, khoảng cách 2 m/cọc), sau đó, đưa lưới xuống rãnh phủ đất và lèn chặt chân.

Cấp nước sạch cho ao vào kỳ triều cường, nước được lọc qua hệ thống đăng lưới chắn để ngăn rác, cá tạp và các loại địch hại khác vào ao. Duy trì mực nước 0,8 – 1,2 m trong ao và lắp quạt khí để đảo nước và tăng cường ôxy hòa tan trong ao khi ốc lớn, mật độ nuôi cao (2 dàn quạt/3.000 m2).

Nuôi ghép Tu hài, Ốc hương và Rong câu cho hiệu quả cao

Thả giống và chăm sóc

Thả giống

Giống ốc hương: được mua về cỡ 15 – 20 mm (4.000 – 6.000 con/kg), vận chuyển bằng bao nilon bơm ôxy, đóng kín vào thùng xốp, giữ nhiệt độ 24 – 250C hoặc đóng khô, giữ nhiệt độ 24 – 250C trong suốt quá trình vận chuyển. Ốc khoẻ mạnh, màu sắc tươi sáng, bò lên nhanh khi cho ăn và vùi toàn bộ xuống cát khi ăn xong. Không có các biểu hiện nhiễm bệnh như trắng vỏ, gãy đỉnh vỏ, sưng vòi…

Giống tu hài: có thể mua từ trại giống sản xuất nhân tạo hoặc giống thu gom từ tự nhiên, giống thường có kích cỡ 1.500 – 3.000 con/kg, giống phải khỏe mạnh không bị sứt sát, màu sắc tươi sáng và vòi không bị sưng. Mật độ thả 7 – 8 con/m2 ghép với trồng rong câu (0,5 kg/m2). Rong và tu hài được trồng và nuôi trong đăng chắn ở giữa ao.

Ốc hương: nuôi làm 2 giai đoạn: Giai đoạn ương (1 tháng đầu), thả 800 – 1.000 con/m2, nuôi trong đăng chắn với diện tích 200 m2. Nuôi lớn: Sau 1 tháng nuôi, ốc đạt cỡ 700 – 900 con/kg, mở lưới đăng và san thưa ốc trong ao (khu vực nuôi ốc) để nuôi lớn, mật độ 30 – 40 con/m2.

Chăm sóc, quản lý

Thức ăn cho ốc hương bao gồm cá tạp, tôm, tép…; cho ăn 1 – 2 lần/ngày, lượng thức ăn chiếm 10% trọng lượng thân và được điều chỉnh hàng ngày theo sức ăn của ốc. Nên sử dụng thức ăn tươi, không cho ốc ăn thức ăn ôi thiu. Có thể căn cứ vào điều kiện môi trường nước ao nuôi cùng với tốc độ sinh trưởng và mật độ ốc thả mà có thể san thưa để đảm bảo ốc sinh trưởng tốt. Cùng đó, có thể kết hợp tháo cạn nước, vệ sinh ao để san thưa sang ao và đăng nuôi khác nếu môi trường đáy ao có nhiều bùn và rong.

Trong quá trình nuôi thường xuyên quan sát hoạt động ăn mồi của ốc, kiểm tra sự dò rỉ nước ao, kịp thời phát hiện địch hại để diệt trừ. Theo dõi lượng thức ăn thừa hàng ngày để điều chỉnh cho phù hợp. Thay nước định kỳ 3 – 5 ngày/lần, mỗi lần 20 – 30% lượng nước ao. Luôn phải giữ cho môi trường ao nuôi trong sạch, tránh ô nhiễm làm ốc bị nhiễm bệnh. Duy trì mực nước trong ao 0,8 – 1,2 m để ổn định nhiệt độ, hạn chế rong đáy phát triển. Ốc hương thường vùi mình trong bùn và sống chủ yếu dưới tầng đáy, do vậy để tránh ô nhiễm đáy cần vớt hết thức ăn thừa. Vận hành quạt khí liên tục từ tháng thứ 2 trở đi nhằm cung cấp ôxy hòa tan và gom tụ chất thải vào giữa ao làm thức ăn cho tu hài. Cùng đó, nguồn dinh dưỡng sinh ra trong quá trình phân hủy mùn bã hữu cơ, bài tiết của ốc sẽ được rong câu hấp thụ, vừa làm trong nước ao vừa hạn chế được tảo và vi khuẩn gây bệnh phát triển. Trong vụ nuôi, cần hạn chế sự biến động lớn của độ mặn (không quá 5‰), để tu hài, rong câu, ốc hương phát triển tốt cần định kỳ thay nước ao đầm (15 – 20‰) vào kỳ con nước có độ mặn cao để cung cấp thêm nguồn thức ăn cho tu hài và làm trong nước, giúp ốc hương và rong câu phát triển tốt.

Ổn định các yếu tố môi trường trong suốt vụ nuôi như nhiệt độ nước: 27 – 300C; độ trong 30 – 35 cm, pH 7,5 – 8,5, độ kiềm 100 – 120 mg/l kiềm, ôxy hòa tan trên 4 mg/l, độ mặn 25 – 30‰; H2S < 0,01 mg/l; NO2 và NO3 < 0,1 mg/l. Cần kiểm tra chất đáy định kỳ (tháng/lần), nếu chất đáy có mùi hôi thối, chuyển sang màu đen thì tiến hành cào đáy, quạt và thay nước. Ngoài ra có thể bổ sung thêm cát sạch dày khoảng 2 cm.

Thu hoạch

Sau 5 – 6 tháng nuôi, khi ốc hương đạt kích cỡ lớn 25 – 30 con/kg con thì thu hoạch bằng cách dùng bẫy, lồng nhử mồi hoặc vợt để thu tỉa những con to, con nhỏ để lại nuôi tiếp. Sau 8 tháng nuôi trở lên có thể thu hoạch tu hài bán nếu đạt kích thước thương phẩm 30 – 40 con/kg.

Rong câu sau 2 tháng nuôi có thể tiến hành thu tỉa (tháng/lần) và luôn đảm bảo mật độ rong 0,5 – 1 kg/m2.

Nguồn : thuysanvietnam, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Mô hình nuôi tôm sú sạch kết hợp rong nho và hải sâm

Mô hình nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm và rong nho do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận thực hiện thí điểm thành công trên diện tích 2 ha tại xã Phương Hải, huyện Ninh Hải.

Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông -Khuyến ngư Ninh Thuận, cho biết mật độ thả nuôi tôm sú 20 con/m2; hải sâm 1 con/m2; rong nho 0,05 kg/m2. Mô hình này được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng kháng sinh, chủ yếu dùng chế phẩm vi sinh để bảo vệ môi trường. Theo đó, các hộ tham gia dự án được cán bộ của trung tâm tập huấn kỹ thuật nuôi, cách thiết lập hồ sơ, ghi chép nhật ký để theo dõi quá trình sinh trưởng của tôm, hải sâm và rong nho.


Mô hình nuôi kết hợp tôm sú – hải sâm – rong nho ở tỉnh Ninh Thuận đã thành công bước đầu và chuẩn bị được nhân rộng

Sau gần 9 tháng, kể từ ngày thả nuôi các giống thủy sản nói trên, tỉ lệ sống của tôm và hải sâm đạt trên 70% (cao hơn 15% so với nuôi thuần chủng). Sản lượng thu hoạch tôm trên 3,6 tấn/ha, hải sâm gần 2,6 tấn/ha, rong nho 3 tấn/ha, kích cỡ rong nho thu hoạch 3 kg/bụi rong. Sau khi trừ chi phí, 3 hộ nông dân tham gia lãi hơn 600 triệu đồng, cao trên 30% so với nuôi tôm sú thuần chủng.

Ông Nguyễn Văn Long, một trong 3 hộ nói trên, cho biết lúc mô hình mới triển khai, ông rất bỡ ngỡ nhưng ngay vụ đầu đã thấy hiệu quả vì môi trường nước sạch hơn, tôm và hải sâm không dịch bệnh. Nhờ sản phẩm sạch, các cơ sở thu mua giá cao hơn, từ 3.000 đến 7.000 đồng/kg (tôm, hải sâm, rong nho).

Theo đánh giá của các chuyên viên thủy sản, lợi ích lớn nhất của mô hình này là giảm tối đa lượng thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi, đồng thời thức ăn được kiểm soát tốt, không để dư thừa nên môi trường nước rất sạch, không gây bệnh cho vật nuôi.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đang lập kế hoạch để nhân rộng mô hình nuôi thủy sản này trên địa bàn.

Theo báo Người lao động, tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Vì sao rong nho không được nuôi trồng đại trà như các loại rau khác?

Rong nho ở Việt Nam vốn được biết như một món rau sống ăn kèm rất ngon và bổ dưỡng, trồng phổ biến tại Khánh Hòa và một vài tỉnh khác. Tuy nhiên người ta không dễ dàng thấy rong nho được bày bán đại trả như các loại rau phổ thông khác, vì sao lại có sự khác biệt như vậy?

Môi trường sống của rong nho

Rong nho là một loại rong sống ở vùng biển ấm Thái Bình Dương như Philippin, Indonexia, Việt Nam,… Trong những vũng, vịnh kín sóng, nước trong sạch, nền đáy bằng phẳng, nhiệt độ tốt nhất cho sự phát triển của rong nho là khoảng 25 – 30 độ C. Nếu thấp hơn nhiệt độ này rong nho sẽ lớn chậm hoặc ít tăng trưởng. Rong nho màu xanh đậm, sinh sản chủ yếu là sinh sản sinh dưỡng, thường phân bố từ vùng triều thấp đến sâu 8m, có nơi nước trong rong nho có thể phân bố sâu đến 40m.

Môi trường càng giàu dinh dưỡng rong càng phát triển mạnh. Vì vậy hàm lượng các chất dinh dưỡng trong nước là yếu tố quan trọng để rong nho phát triển tốt. Các yếu tố môi trường khác tác động lên rong nho như độ mặn thay đổi từ 30 – 35%, nhiệt độ nước biển hạ thấp quá hoặc cao quá cũng làm chúng tăng trưởng chậm hoặc ngừng tăng trưởng.

Một số hình thức nuôi trồng rong nho

Trên thế giới và ở Việt Nam, rong nho được trồng theo nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện địa lý và môi trường như trồng đáy, trồng treo hoặc nuôi lồng nhưng cũng đều phải đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật chăm sóc và duy trì, thu hoạch và bảo quản.

Sơ chế và bảo quản rong nho biển tươi

Rong nho biển được thu hoạch hằng ngày theo nhu cầu và theo tuổi của chúng, nếu không khai thác kịp rong nho sẽ già và kém chất lượng, phải nhổ bỏ. Sau khi thu hoạch, rong nho được rửa thật sạch bằng nước biển để loại bỏ bùn và tạp chất bám trên thân. Rong được cắt khỏi thân thường phải sục khí trong 24h và có ánh sáng tự nhiên rọi vào làm lành vết cắt, sau đó rong nho được vớt lên để ráo và bảo quản ở nhiệt độ thường trong các thùng xốp đậy kín hoặc túi nylon. Tuy nhiên để rong nho có thể bảo quản và sử dụng được lâu hơn người ta cần áp dụng nhiều những kỹ thuật tiên tiến khác.

Với những điều kiện đòi hỏi kén chọn về địa lý, địa hình, nhiệt độ và môi trường sống, phương pháp nuôi trồng và bảo quản cần áp dụng đúng kỹ thuật, nên rong nho ở Việt Nam hiện tại chỉ được nuôi ở các tỉnh như Ninh Thuận, Nha Trang, Khánh Hòa … với mật độ ít.

Nguồn: Ijpou được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Rong nho Khánh Hòa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản

Nhờ nuôi trồng trong môi trường sạch, an toàn, rong nho Khánh Hòa cho năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Rong nho có màu xanh tươi với những quả nhỏ tròn căng bóng mịn kết lại thành chùm dài, vị mặn kết hợp vị chua thanh nhẹ mà giòn mát. Theo phân tích của Viện hóa hữu cơ và Viện sinh biển Viễn Đông năm 2006, rong nho có chứa nhiều dưỡng chất, vitamin (A, C) và có khả năng giúp phòng chống xương khớp, cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường… Hương vị cùng giá trị dinh dưỡng giúp rong nho được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Loại rong này thích hợp với môi trường sống ở vùng biển ấm và có độ mặn cao như vùng biển Thái Bình Dương, đặc biệt phân bố nhiều ở Philippines. Tại Nhật Bản, rong nho được nuôi trồng tại vùng biển Okinawa theo phương pháp trồng tiếp đáy, treo lơ lửng trong nước biển hoặc các bể, hồ xi măng chứa nước biển. Tuy nhiên, các phương pháp này cho năng suất rong nho thấp, chỉ khoảng 10 tấn một ha mỗi năm và chiều dài cọng rong chỉ đạt 6-7cm.

Tại Việt Nam, năm 2004, từ 200gram rong nho giống mang về Nhật, anh Lê Bền ở xã Ninh Hải, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa – Phó giám đốc Công ty TNHH Trí Tín đã tiến hành nuôi trồng rong thử nghiệm trong các đìa tôm sú bỏ hoang. Qua thời gian nghiên cứu, rút kinh nghiệm, năm 2007, anh Bền đã tìm ra cách nuôi mới cải tiến từ phương pháp của người Nhật. Cách làm này không chỉ cho năng suất cao hơn mà chất lượng tốt nên sản phẩm xuất khẩu trở lại Nhật Bản.

Cụ thể, anh Bền nuôi rong trong những khay nhựa, đáy có lót ni lông để chứa mùn cát và chất dinh dưỡng, rồi chúng được đặt trên kệ hoặc sạp đóng bằng tre, gỗ, gạch, đá nằm chìm dưới đáy ao nuôi.

Nước trồng rong nho phải được xử lý và lọc sạch để loại bỏ các kim loại nặng, vi sinh vật có hại, vi khuẩn gây bệnh… Bên trên ao nuôi sử dụng lưới tạo mái che nhằm chủ động điều tiết ánh sáng và nhiệt độ của nước biển.

Phương pháp này giúp rong nho có thể hấp thu chất dinh dưỡng một cách tốt nhất, ít lẫn có tạp chất và năng suất thu hoạch đạt tới 20 tấn một ha mỗi năm và chiều dài có thể đạt 9-10cm. Đồng thời, thời gian thu hoạch rong ngắn chỉ trong vòng 15-20 ngày một vụ.

Theo anh Bền, để rong nho đủ tiêu chuẩn đi Nhật, không chỉ khâu nuôi trồng, quy trình chế biến rong nho cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm HACCP với 4 công đoạn công phu. Ngay sau khi thu hoạch, rong được làm sạch cơ học trong các bể nước biển đã qua lọc và khử trùng bằng Ozone. Công đoạn này giúp rong sạch tạp chất và loại bỏ được hết các sinh vật lạ bám dính trên cọng rong, đồng thời, rong được phân loại luôn theo độ dài.

Tiếp theo, rong nho sẽ được nuôi lại trong các bể nhựa ở điều kiện lý tưởng. Trong giai đoạn này, rong vẫn sống, hấp thụ thêm các dưỡng chất, các nguyên tố đa lượng, vi lượng đồng thời giải phóng các kim loại nặng độc hại nếu có. Theo anh Bền, đây cũng là giai đoạn để các vết cắt tự “làm lành”, nhờ đó quá trình bảo quản sản phẩm đảm bảo hơn. Sau đó, rong được đưa vào làm ráo nước bằng máy ly tâm và đóng gói sản phẩm cung cấp ra thị trường.

Phương pháp trồng cải tiến này được áp dụng rộng rãi và diện tích trồng rong nho tiếp tục mở rộng hơn 300 ha tại các huyện Cam Lâm, Cam Ranh và Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Nhật Bản.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng rong nho biển trong ao

Rong nho biển (tên khoa học Caulerpa lentillifera), thuộc ngành tảo lục (Chlophyta). Do rong nho có hình dạng hạt giống quả nho nên gọi là rong nho. Từ lâu, rong nho được sử dụng như là một loại thực phẩm tươi sống (salad) ở các nước Nhật Bản, Philippines…

Rong nho biển – Món quà ý nghĩa từ thiên nhiên

Ở Việt Nam, từ năm 2004, phòng Thực vật biển – Viện Hải Dương học đã có những nghiên cứu đầu tiên về các đặc tính sinh học và kỹ thuật trồng rong nho biển trong điều kiện thí nghiệm với đề tài “Nghiên cứu các đặc trưng sinh lý, sinh thái của loài rong nho biển Caulerpa lentillifera (J.Agardh, 1873) có nguồn gốc nhập nội từ Nhật Bản làm cơ sở kỹ thuật cho nuôi trồng”. Tiếp theo đó viện Hải Dương học cũng đã thực hiện đề tài “Trồng rong nho biển Caulerpa lentillifera (J.Agardh, 1873) làm thực phẩm”. Kết quả của đề tài đã cho thấy rong nho biển có thể sống quanh năm ở nhiều vùng biển Việt Nam trong các điều kiện nuôi trồng trong bể xi măng hoặc composite, trong ao, đìa, vùng triều, ven triều nơi có độ mặn cao và ổn định.

Dưới đây là một số kinh nghiệm về kỹ thuật trồng rong nho để bà con biết và tham khảo:

1. Lựa chọn địa điểm trồng rong nho

Nơi trồng rong nho phải có nguồn nước không bị ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và tránh xa nguồn nước ngọt từ các sông suối đổ vào, thuận tiện trong việc cấp thoát nước. Chất đáy cát bùn là tốt nhất. Nhiệt độ môi trường nước ổn định, pH 7,9 – 8,5; độ mặn 30-33‰.

2. Lựa chọn rong nho

Chọn rong nho giống có màu xanh sáng bóng, mềm và mọng nước, nhánh thân đứng dài trên 5cm, các quả trên thân đứng mọc dầy, sắp xếp đều đặn và không lẫn tạp chất và các sinh vật sống bám trên rong.

Rong nho giống

3. Chuẩn bị ao, vật tư và tiến hành trồng rong nho

Với ao mới đào cần cải tạo kỹ. Cho nước vào ao ngâm 2-3 ngày sau đó tháo rửa xả hết nước ao từ 2-3 lần. Rải vôi khắp đáy ao và bờ để khử chua, vôi sử dụng là CaO, lượng vôi trung bình từ 300 – 1.000kg/ha tùy thuộc pH đất. Sau khi rải vôi, kiểm tra pH đất. Phơi đáy ao 7-10 ngày rồi lấy nước vào ao chuẩn bị thả giống nho.

Với ao cũ đã trồng rong; sau khi thu hoạch, tháo kiệt nước, nạo vét lớp bùn đáy, dọn sạch cỏ rác và các sinh vật đáy nếu có.

Chuẩn bị ao trồng rong nho

Đóng cọc tre xung quanh vùng nuôi trong ao, giăng dây nilon, che lưới lan đen để hạn chế bớt ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp xuống cây rong.

Chuẩn bị khung trồng rong: Dùng ống nhựa (ống nước) ф 27mm, 4 góc kết nối bằng co nhựa loại 3 góc, thanh giữa kết nối bằng chữ T để chịu lực khi di chuyển. Dùng lưới nhựa đen lỗ lớn hình lục giác che phần trên khung, để rong phát triển trái; phần dưới khung che bằng lưới xanh, mắt lưới khoảng 0,8 cm, để rong phát triển rễ bám xuống mặt đất.

Rong giống được xếp nhẹ nhàng vào khung nhựa phần gốc được đặt phía lưới xanh, phần ngọn lên trên lưới đen. Mật độ rong 4kg/khung.

Sau khi cấy rong nho vào khung, các khung rong nho được chuyển xuống ao và được xếp thành hàng cách nhau 1m.

4. Chăm sóc rong nho

Hàng ngày tiến hành chăm sóc ao trồng rong, dọn sạch rác, vệ sinh ao, thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu môi trường như nhiệt độ, độ mặn pH, cường độ ánh sáng để có biện pháp xử lý, đặc biệt trong lúc trời mưa nhiều, nắng gắt.

Định kỳ thay nước mới vào ao khoảng 2 – 3 ngày một lần, nếu thấy rong kém phát triển vì thiếu dinh dưỡng thì có thể bón thêm phân vô cơ hoặc hữu cơ làm từ bột cá.

5. Phòng ngừa dịch hại

Rong nho có thể bị gây hại bởi các đối tượng:

Động vật ăn rong nho biển: Nhiều loài cá rất thích ăn rong nho biển như cá đối, cá dìa, thỏ biển… Cần có lưới chặn ở cống cấp nước để phòng tránh, nếu thấy chúng xuất hiện trong ao phải vớt bỏ.

Động vật sống bám: Một số động vật thường theo nguồn nước vào ao và sống bám trên rong nho như hải quỳ, trùng vôi nên phải thường xuyên ngắt bỏ những đoạn rong nho có hải quỳ hoặc trùng vôi bám.

Rong phụ sinh: Rong nho biển có kích thước khá lớn nên là giá thể tốt cho nhiều loại rong phụ sinh sống bám lên trên. Cần chăm sóc tốt để rong nho phát triển mạnh khỏe và thường xuyên thay nước sẽ hạn chế được các loại rong phụ sinh này. Nếu ít thay nước hoặc rong nho già yếu, rong phụ sinh sẽ phát triển nhiều và bám trên rong nho.

6. Thu hoạch rong nho

Sau thời gian trồng khoảng 1,5 đến 2 tháng, tiến hành thu hoạch lứa rong nho lần đầu. Thu những cọng rong dài trên 5cm, thao tác cần nhẹ nhàng, tránh dập nát.

Thu hoạch rong nho

Rong được thu hoạch phải luôn để trong môi trường nước biển, tránh để rong bị xẹp do mất nước.

Rong nho chỉ cần trồng một lần rồi thu hoạch liên tục trong mấy tháng hoặc quanh năm, khoảng cách giữa các lần thu hoạch khoảng 15 ngày.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

 

Tối ưu hóa sơ chế rong nho (Caulerpa lentillifera) sau thu hoạch

Rong nho (Caulerpa lentillifera) là loài rong có giá trị dinh dưỡng cao được nhiều nước ưa chuộng nên có tiềm năng xuất khẩu cao. Rong nho sau khi thu hoạch được sơ chế để bảo quản tươi hoặc làm thành rong nho khô để bảo quản nhằm tăng thời gian sử dụng.

Tuy nhiên, ở Việt Nam qua khảo sát thực tế cho thấy, thời gian bảo quản rong nho tươi khá ngắn. Nếu rong nho bảo quản trong môi trường không khí bình thường, sau 01 ngày nhanh chóng bị hư hỏng. Nếu rong nho được bảo quản trong hộp xốp, bao màng polyvinyl chloride theo cách thông thường của các loại rau quả khác, sau 3 ngày cũng nhanh chóng bị hư hỏng. Nếu bảo quản rong nho trong bao bì polypropylen như các cơ sở kinh doanh rong nho tươi hiện nay trên địa bàn Khánh Hòa thì có thời gian bảo quản cũng chỉ từ 5 đến 7 ngày. Nguyên nhân của sự nhanh chóng hư hỏng này một phần do đặc điểm của rong nho khá mọng nước, cấu trúc rong nho mềm, lỏng lẻo, dễ tổn thương, gây hư hỏng bởi các tác nhân bên ngoài, một phần do quá trình sơ chế rong nho sau thu hoạch chưa phù hợp, ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguyên liệu rong nho ban đầu nên rong nho nhanh chóng bị hư hỏng khi bảo quản.

Nghiên cứu “tối ưu hóa sơ chế rong nho (Caulerpa lentillifera) sau thu hoạch” của Lê Thị Tưởng và Nguyễn Thị Mỹ Trang được thực hiện nhằm ổn định chất lượng nguyên liệu ban đầu, giúp kéo dài thời gian bảo quản, góp phần làm tăng giá trị kinh tế cho rong nho.

 

Rong nho sau thu hoạch có nhiều tạp chất vô cơ và hữu cơ cũng như vi sinh vật bám trên rong, vì vậy rong nho sau thu hoạch cần phải rửa nhằm loại bỏ các tạp chất và vi sinh vật bám trên bề mặt của rong, giảm nguy cơ gây hư hỏng rong khi bảo quản.

Sau đó rong nho được chuyển sang bể nước sạch có sục khí để nuôi lại. Mục đích của quá trình nuôi lại rong nho nhằm tạo điều kiện cho rong lành các vết thương và phục hồi sức khỏe sau thu hoạch, vận chuyển và rửa rong nho. Vì vậy, điều kiện môi trường phù hợp cho rong sinh trưởng, phát triển cũng là điều kiện phù hợp cho rong lành các vết thương và phục hồi sức khỏe.

 

Rong nho bị tiết nhớt sau thu hoạch       Rong lành vết thương sau khi sơ chế

Kết quả nghiên cứu cho thấy điều kiện tối ưu công đoạn rửa rong nho là lượng nước rửa: 15 lít/kg; thời gian rửa: 7 phút/lần, số lần rửa: 3 lần. Điều kiện tối ưu công đoạn nuôi lại rong nho là mật độ rong: 1 kg/40lít; thời gian nuôi: 3 ngày và lượng oxy hòa tan: 7ppm. Với điều kiện tối ưu này, thu được chất lượng cảm quan và độ sáng của rong nho cao nhất với lượng vi sinh vật còn bám trên rong không đáng kể.

Màu sắc rong nho trước khi sơ chế              Màu sắc rong nho sau khi sơ chế

Nguồn: TapchikhoahocvacongnghetruongdaihocCanTho được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.