Phương pháp phát hiện sớm bệnh trên tôm với chi phí rẻ

Một công ty công nghệ sinh học Nhật Bản đang hợp tác với các nhà nghiên cứu tại Đại học Tohoku để phát triển một giải pháp có thể phát hiện nguyên nhân gây hội chứng tử vong sớm (EMS) ở tôm nuôi và các bệnh khác trên tôm. Được thực hiện tại ao, nhanh chóng và chính xác nhưng chi phí cực kỳ hợp lý.

Tohoku Bio-Array, còn được gọi là Công ty TBT và Đại học Tohoku ở thành phố Sendai, Nhật Bản, sẽ cùng nhau phát triển xét nghiệm di truyền để cho phép phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm trong tôm nuôi, được báo cáo trên Nippon Keizai Shimbun vào ngày 5/6 vừa qua. Mục đích chính của phương pháp này là nhanh chóng phát hiện ngay tại ao nuôi tôm.

Để sử dụng bộ kit, tôm được nghiền sau đó pha trộn rồi đưa qua phản ứng PCR được gắn nhãn để khuếch đại gen của virut. PCR là một kỹ thuật sao chép một vài bản sao của một đoạn DNA, để sản xuất hàng ngàn (hoặc hàng triệu bản sao). Sau đó, một dải thử nghiệm – một màng có dãy DNA in trên nó – được nhúng trong dung dịch, và một đường màu xanh xuất hiện nếu kết quả dương tính, và có thể được xác nhận trực quan. Các xét nghiệm cho ba hoặc bốn bệnh, bao gồm cả EMS, có thể được bao gồm bằng 1 xét nghiệm duy nhất.

Một máy xử lý là cần thiết để khuếch đại gen, nhưng giá mỗi lần xét nghiệm dự kiến sẽ chỉ khoảng 5-10 USD (từ 4,50 đến 9 EUR). Việc chẩn đoán có thể được thực hiện trong khoảng một giờ để nông dân có cơ hội thu hoạch ao sớm hoặc dừng ao nuôi mới nhằm giảm tổn thất nếu có kết quả dương tính.

Xét nghiệm di truyền chuẩn đoán bệnh trên tôm không phải là mới. Nó đã có thể được thực hiện với chi phí cao hơn một chút so với các thử nghiệm này. Và phương pháp thông thường vận chuyển mẫu đến phòng thí nghiệm để thử nghiệm thì nông dân phải đợi ít nhất vài ngày mới có kết quả.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Những khoáng chất nào cần cho tôm?

Khoáng có vai trò hết sức quan trọng đối với động vật thủy sản, vì nó tham gia trực tiếp vào các quá trình sinh tổng hợp diễn ra bên trong cơ thể vật nuôi.

Do đó, làm thế nào để giúp động vật thủy sản hấp thu đủ lượng khoáng, luôn là vấn đề quan tâm của người nuôi. Khoáng là một nhóm các chất cần thiết và vật nuôi chỉ cần một lượng nhỏ, nhưng nếu thiếu chúng sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của vật nuôi. Hiện nay, người ta đã xác định được 16 nguyên tố khoáng đa lượng (Cu, Fe, Mn, Zn, Sn…) và 6 nguyên tố khoáng vi lượng (Ca, Mg, P, Na, K, Cl). Do động vật thủy sản sống trong môi trường nước, có thể hấp thu khoáng qua mang hoặc da, nên rất khó xác định chính xác nhu cầu khoáng. Tuy nhiên, nhu cầu khoáng của động vật thủy sản phụ thuộc vào 3 yếu tố:

• Tình trạng dinh dưỡng  của vật nuôi

• Thành phần và hàm lượng khoáng trong thức ăn

• Nồng độ khoáng trong môi trường nước.

Vai trò một số nguyên tố  Khoáng đối với động vật thủy sản

Trong nuôi trồng thủy sản, nhu cầu về các nguyên tố khoáng Sắt (Fe), Đồng (Cu), Kẽm (Zn), Canxin (Ca), Magie (Mg), Phosphorus (P) được quan tâm nhiều hơn.

Fe

Là thành phần cấu tạo nên Hemoglobin, đóng vai trò vận chuyển máu và hô hấp trên cá. Cá có thể hấp thu Fe qua môi trường, còn nếu bổ sung nên chọn muối có chứa ion Fe 2+ vì sẽ giúp cá dễ  hấp thu hơn. Thiếu sắt sẽ làm số lượng tế bào hồng cầu giảm, gan cá bị vàng. Các loại muối Fe được dùng phổ biến là Sắt (II) choloride (FeCl2), Sắt (II) Sulfat (FeSO4).

Cu

Là thành phần cấu tạo nên Hemocyanin, đóng vai trò vận chuyển máu và hô hấp trên Tôm, góp phần hình thành nên sắc tố melanin.Thiếu Cu tôm sẽ giảm sinh trưởng, giảm lượng Cu trong máu và gan tụy. Tôm có thể hấp thu Cu qua môi trường nước và trong bột cá. Loại muối bổ sung Cu được dùng phổ biến là CuSO4.

Zn

Kẽm giúp tăng khả năng vận chuyển CO2 trên động vật thủy sản, kích thích tiết acid chlohyride (HCl). Thiếu kẽm vật nuôi sẽ giảm sinh trưởng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Loại muối thường dùng để bổ sung Zn là ZnSO4.

Ca

Là thành phần chủ yếu hình thành nên khung xương cá , duy trì áp suất thẩm thấu, tham gia cấu tạo vào chất dẫn truyền thần kinh. Cá có thể hấp thu Ca từ nước qua mang da, thiếu Ca sẽ làm giảm chức năng sinh sản trên cá. Cùng với Mg, Ca tham gia vào quá trình lột xác của tôm, nếu thiếu thì sẽ dẫn đến tôm không lột xác được, chậm lớn. Các muối thường dùng để bổ sung Ca là Calcium lactate (C6H10O6), Tri basic Calcium phosphate (Ca3(PO4)2), Calcium Cacbonate (CaCO3)…

Mg

Là chất xúc tác trong một số phản ứng quan trọng trong hệ thống enzyme. Tôm cá biển dễ hấp Mg từ môi trường nước. Thiếu Mg vật nuôi sẽ giảm ăn, tỉ lệ chết cao. Người ta sử dụng các muối MgSO4.7H2O, K2SO4.2MgSO4 để bổ sung khoáng cho vật nuôi.

P

Tham gia vào quá trình trao đổi năng lượng, sinh trưởng, sinh sản và duy trì sự ổn định của pH trong ao nuôi. Cá tôm không thể hấp thu P qua môi trường nước mà hấp thu trực tiếp từ thức ăn. Khi thiếu P, vật nuôi sẽ giảm sinh trưởng, giảm hiệu quả sử dụng thức ăn, và làm tôm bị mềm vỏ. Do đó người nuôi hết sức lưu ý để bổ sung đủ lượng P cho tôm, cá. Các muối thường dùng để bổ sung P là: KH2PO4, NaH2PO4.

Kết luận

Tùy vào từng giai đoạn phát triển của vật nuôi mà nhu cầu khoáng cho từng giai đoạn sẽ khác nhau. Người nuôi cần chú ý sử dụng các muối có chứa các nguyên tố khoáng ở dạng dễ tan, để giúp vật nuôi hấp thu tốt hơn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Viet Nam.

Thành công với mô hình nuôi tôm sú kết hợp với tôm càng xanh

Đây là bài báo cáo về một nông dân Ấn Độ nuôi thành công tôm sú (Penaeus monodon) và tôm càng xanh nước ngọt (Macrobrachium rosenbergii).

Trang trại sử dụng giống tôm sông hoang dã, nuôi ở mật độ tương đối thấp và cho ăn thức ăn viên dành cho tôm càng xanh mà tôm sú cũng chấp nhận.

Từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2013, Sri Mrityunjoy Bal đã nuôi của cả hai loài này với nhau.  Ông lựa chọn con giống M. rosenbergii (5-8mm, cỡ hạt thóc) và P. monodon (PL15 kích thước 14-15mm) từ trại giống chuyên nghiệp.

Ương giống

Trong một  ao nuôi ương 400m: 10.000 con giống tôm càng xanh và 20.000 giống tôm sú cùng nhau trong 35-45 ngày, trong đó M. rosenbergii và P. monodon đạt 3,9-5cm và 7,7-9cm (3g) trọng lượng cơ thể.

Mặc dù là thức ăn dành cho tôm càng xanh nhưng, nó được dùng cho cả hai loài và tôm sú cũng chấp nhận nó. Cách cho ăn: 80-100g mỗi ngày trong 10 ngày đầu tiên, cho ăn 100-140g trong 10 ngày thứ hai, 140-480g trong 10 ngày thứ ba và 480-880g mỗi ngày trong suốt 10 ngày thứ tư (tức là cho đến ngày thứ 40).

Giai đoạn 2 thức ăn viên với đường kính 1.5-2.0mm được cung cấp cho cả tôm càng và tôm sú trong ao bốn lần một ngày; Một lịch trình cho ăn nghiêm ngặt được duy trì bắt đầu với việc áp dụng thức ăn 7% mỗi ngày vào tuần đầu tiên.

Quy trình cân tôm và cho tôm ăn theo tỉ lệ mà Sri Mritunjoy sử dụng

– Cân 2,5-3,0g trọng lượng cơ thể trung bình (abw)) dùng 6% thức ăn mỗi ngày trong tuần lễ thứ hai của quá trình nuôi.

– 4-5g abw cho ăn 5% thức ăn mỗi ngày trong tuần thứ ba

– 6-7g abw trong tuần thứ 4

– Kết thúc với 1,5% thức ăn mỗi ngày trong tuần thứ 13 và khi đạt 35-37g Abw

– 38-40g abw cho ăn 1,2% thức ăn mỗi ngày trong tuần lễ thứ 14

Lịch trình cuối cùng được duy trì

Thức ăn viên đường kính 1-2mm để làm thức ăn cho tôm càng xanh và Tôm sú có kích thước 25gm và thức ăn 2-3mm Pellet được sử dụng cho đến thời điểm thu hoạch.

M. rosenbergii bắt đầu nuôi từ tháng 3 và thu hoạch vào cuối tháng 1 năm sau trong khoảng thời gian nuôi là bảy tháng.

Trong quá trình nuôi họ sử dụng máy bơm oxy để cung cấp oxy cho nước ao, họ đã không phải đối mặt với bất kỳ vấn đề nào của nhiễm virus (WSSV hoặc MBV) khi nuôi tôm sú trong ao nuôi nước ngọt của mình trong ba năm.

Sự bùng nổ của các bệnh do virus gây ra ở tôm sú khi nuôi trong điều kiện nước ngọt ở mật độ thấp và sử dụng con giống thu được từ các vùng của sông Rupnarayan có độ mặn nước dưới 4-5ppt.

Mô hình nuôi tôm càng xanh và tôm sú được thực hiện bởi Sri Mrityunjoy Bal sẽ khuyến khích người dân nuôi tôm sú trong các hệ thống nước ngọt có độ mặn và mật độ thấp để giảm nguy cơ và các vấn đề về virut.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thủy sản đơn tính

Ở một số loài thủy sản nước ngọt, giới tính đực hoặc cái sẽ có kích thước và chất lượng vượt trội hơn hẳn giới tính cò lại. Tuy nhiên, khi đưa vào nuôi thương phẩm thì đa số thường nghiêng về giới tính bất lợi cho người nuôi. Vì vậy, người nuôi có xu hướng tạo vật nuôi đơn tính toàn đực hoặc toàn cái nhằm tăng hiệu quả kinh tế.

Hiện nay, có khá nhiều phương pháp được ứng dụng trong thực tế như: lai xa, xử lý bằng hormon sinh dục, kỹ thuật nhiễm sắc thể, thông qua con siêu đực, siêu cái hoặc kết hợp giữa nhiều phương pháp với nhau.

Cá rô phi

Cá rô phi là loài thuộc chi Oreochromis, có số lần sinh sản trong năm tới 12 – 13 lần, vì vậy, nếu trong đàn cá nuôi có số lượng con cái quá nhiều thì sản lượng thu hoạch sẽ thấp. Nguyên nhân, do các con cái phải tích lũy chất dinh dưỡng để phát triển buồng trứng nhằm đáp ứng nhiều lần sinh sản trong năm, do đó tốc độ tăng trưởng giảm khiến sản lượng thấp.

Cá Rophi đực có kích thước vượt trội

Phương pháp dùng hormone chuyển đổi giới tính: Người nuôi có thể trộn hormone vào thức ăn cho cá; ngâm (tắm) cá vào dung dịch trộn hormone hoặc tiêm hormone vào cơ thể. Phương pháp này được ứng dụng trên khá nhiều loài rô phi khác nhau để tạo đàn toàn đực. Kết quả từ phương pháp này cho thành công tới 95 – 97%. Hormone sử dụng trong phương pháp này gồm hai nhóm: Androgen chuyển giới tính từ cá cái thành cá đực và Oestrogen chuyển từ đực thành cái. Với nhóm Androgen, người nuôi có thể sử dụng hormone 19-nor-ethynylestotestosteron (thuộc nhóm mạnh nhất) hoặc Methytestosteron được tổng hợp nhân tạo có hiệu lực không thua kém và cũng có hiệu quả đối với nhiều loài cá, trong đó có cá rô phi. Nhóm Oestrogen có 2 loại phổ biến: Oestradiol-17b và Ethynyloestradiol. Phương pháp được tiến hành theo sơ đồ sau:

Cá bột => Oestrogen trộn vào thức ăn => cá cái

Cá bột => Androgen trộn vào thức ăn => cá đực

Phương pháp lai xa: Dựa trên việc xác định thành công giới tính, từ đó tiến hành lai hai loài cá rô phi thuộc hai nhóm khác nhau sẽ thu được ở thế hệ con lai F1 có 100% cá đực. Với phương pháp này, cá bố mẹ sau thời gian nuôi vỗ khoảng 45 – 60 ngày, bắt cá đực và cái mổ kiểm tra mức độ thành thục của tuyến sinh dục đực và cái. Mức độ thành thục khoảng 70% trên tổng số quần đàn, tiến hành ghép cá bố mẹ phục vụ cho sinh sản. Trong thời gian cá bố mẹ sinh sản, người nuôi sẽ tiến hành thu và vớt trứng. Tùy thuộc vào nhiệt độ nước của ao trong quá trình sản xuất giống mà xác định lịch thu trứng. Nhiệt độ nước 20 – 23oC thì chu kỳ thu trứng là 10 – 12 ngày; nhiệt độ nước 27oC trở lên thì chu kỳ thu trứng chỉ là 7 ngày.

Cá rô đồng

Cá rô đồng thuộc chi Anabas, con cái thường có tốc độ tăng trưởng vượt trội so con đực vì sinh sản ít lần trong năm, tích lũy nhiều mỡ và khối lượng buồng trứng rất lớn, chứa nhiều dinh dưỡng làm trọng lượng con cái lớn hơn con đực rất nhiều.

Cá rô đồng đực (dưới) có kích thước lớn hơn so với cá cái (trên)

Trước đây, người nuôi đã áp dụng phương pháp thủ công bằng hình thức lọc đàn cá thông qua mắt lưới (còn gọi là chặt đầu con), tuyển lại những con có kích thước lớn hơn để nuôi riêng. Đa số những con lớn đều là những con cái, có tốc độ phát triển nhanh hơn và quá trình tuyển lựa này phải được thực hiện 2 – 3 lần trong 1 chu kỳ nuôi, tỷ lệ con cái sẽ đạt 65 – 70%. Mới đây, một nghiên cứu đã thành công trong  sản xuất giống cá rô đồng toàn cái bằng phương pháp tạo cá đực đặc biệt. Giải pháp này nhằm tạo ra những cá đực đặc biệt, mang bộ nhiễm sắc thể cái (XX). Phương pháp cho thế hệ cá con với tỷ lệ cá cái 75 – 92%, trong khi ở điều kiện sản xuất bình thường, tỷ lệ cá cái chỉ khoảng 40%.

Tôm càng xanh

Ở loài tôm càng xanh (tên khoa học Macrobranchium rosenborgii) do con cái thường phải ôm trứng nhiều lần trong chu kỳ sống, ngay cả khi trọng lượng cơ thể còn nhỏ chúng đã tham gia sinh sản và phải sử dụng nhiều chất dinh dưỡng nuôi buồng trứng. Nhưng do điều kiện môi trường không phù hợp (tôm càng xanh đẻ trứng và trứng phải nở trong môi trường nước mặn) nên trứng dần thoái hóa và thải ra môi trường bên ngoài mang theo nhiều dinh dưỡng.

Tôm càng xanh đực (trên) có kích thước lớn hơn hẳn so với con cái (dưới)

Hiện, có 2 phương pháp sản xuất đàn giống tôm càng xanh toàn đực: Phương pháp vi phẫu tạo con cái giả và phương pháp tiêm sợi đôi iRNA chuyển giới tính tôm đực. Đối với phương pháp vi phẫu: Cắt tuyến sinh dục đực của 1 con tôm đực trưởng thành; sau đó, cho giao phối với một con tôm đực khác có ngoại hình tốt và tốc độ tăng trọng nhanh để sản xuất ra 1 đàn giống tôm càng xanh toàn đực. Phương pháp tiêm sợi đôi iRNA: Ở tôm càng xanh và các đối tượng giáp xác khác, sự biệt hóa của tuyến đực có liên quan gen Insulin-like. Gen này điều khiển sự phát triển và biệt hóa tôm con thành con đực. Nguyên tắc của tiêm iRNA là tạo liên kết bất hoạt gen này, do đó tuyến đực không thể hoạt động để chuyển tôm con thành con đực mà sẽ phát triển thành con cái. Với công nghệ này, sau khi tôm chuyển cái thì tỷ lệ thành thục là 95% và số tôm thành thục này tham gia sinh sản đạt 98 – 100%.

Cá chình

Cá chình (Anguilla sp) loài loài thủy sản di cư sinh sản phức tạp nên chưa thể sản xuất giống nhân tạo được. Cá cái có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn và kích thước cơ thể lớn hơn cũng như chất lượng thịt thơm ngon hơn so với cá chình đực.

Công ty nuôi trồng thuỷ sản mới NovaEel  đã thành công trong việc biến cá chình thủy tinh đực thành cá cái, và nuôi chúng ở mật độ cao, các sản phẩm này không gây nguy hại cho sức khoẻ con người. Phương pháp chuyển đổi giới tính trên cá chình bằng cách sử dụng một loại estrogen có tên là estradiol có thể cái hóa này ngay cả trước khi cá chình phát triển bất cứ đặc điểm sinh dục nào có thể nhìn thấy. Điều quan trọng hơn là sau vài ngày hàm lượng estradiol của chình trở lại bình thường,không để lại dư lượng nào trong mô nên đặc biệt an toàn với người tiêu dùng.

Hiện phương pháp này mới chỉ có công ty nuôi trồng thuỷ sản mới NovaEel áp dụng thành công và ở Việt Nam chưa có công nghệ này.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

 

Khả năng kháng virus bệnh đốm trắng WSSV của tôm càng xanh là do đâu?

Bệnh đốm trắng (WSSV) là vi-rút có khả năng gây chết rất nghiêm trọng ở những loài tôm biển nhất là tôm thẻ, là một trong những nguyên nhân gây thiệt hại chính cho nghề nuôi tôm. Tuy nhiên, tôm càng xanh lại miễn nhiễm với bệnh này.

WSSV xuất hiện ở Đông Á vào năm 1992 (Wang et al., 1996; Chou et al., 1995) và đến nay vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Tuy nhiên, WSSV lại không gây chết tôm càng xanh (Hameed et al., 2000; Sarathi et al., 2008). Vậy cơ chế nào đã giúp tôm càng xanh có khả năng đó?

Dịch bệnh trên tôm nuôi, nhất là bệnh do vi-rút đang là mối nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nghề nuôi tôm. Những bệnh do vi-rút như: vi-rút gây bệnh đốm trắng (White spot syndrome virus – WSSV), vi-rút gây bệnh đầu vàng (Yellow head virus – YHV), vi-rút gây bệnh còi (Monodon baculorvirus – MBV) trên tôm sú hay vi-rút gây bệnh trắng đuôi/đục cơ (white tail/white muslce) trên tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) đã gây nhiều thiệt hại cho người nuôi. Khả năng gây bệnh của vi-rút trên tôm có sự khác biệt theo loài tôm.

Hệ thống miễn dịch của giáp xác nói chung và của tôm nói riêng chủ yếu vẫn dựa vào đáp ứng miễn dịch tự nhiên, do tôm chưa có hệ thống miễn dịch đặc hiệu phát triển. Việc đề kháng với các mầm bệnh ở tôm chủ yếu nhờ vào các đáp ứng miễn dịch tự nhiên như: hoạt tính của phenoloxidase (PO), khả năng tạo ra hợp chất kháng khuẩn superoxide anion ( hay hoạt tính respiratory burst) và superoxide dismutase (Ourth và Renis, 1993; Munoz et al., 2000; Sarathi et al., 2008). Những biện pháp có thể hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh do vi-rút trên tôm nuôi hiện nay là tăng cường đề kháng cho tôm dựa trên những cơ chế đáp ứng miễn dịch của chúng.

Bệnh đốm trắng do WSSV (White Spot Syndrome Virus) gây ra là bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng cho nghề nuôi tôm biển trên thế giới (Chou et al., 1995). Không có loài tôm he nào có thể đề kháng WSSV (Lotz, 1997). Theo báo cáo của Hameed et al. (2000) và Sarathi et al. (2008) thì WSSV cũng nhiễm trên tôm càng xanh nhưng nó không gây chết tôm mà nhiễm một thời gian, sau đó không còn phát hiện WSSV trên tôm càng xanh nữa.

Sự mẫn cảm của tôm càng xanh Macrobrachium rosenbergii đối với virus đốm trắng (WSSV) đã được kiểm nghiệm bằng phương pháp ngâm, qua đường cho ăn và phương pháp tiêm vào cơ. Khả năng mẫn cảm của các tôm này đối với virus đốm trắng được so sánh với tôm thẻ đuôi đỏ (Penaeus indicus) và tôm sú (P. monodon). Virus đốm trắng gây chết 100% tôm thẻ đỏ đuôi và tôm sú khi tiêm virus vào cơ của tôm. Trong khi không có cá thể tôm càng xanh M. rosenbergii nào bị chết sau 5 ngày tiêm WSSV vào cơ thể. Tôm sắp chết được thu để đánh giá sự hiện diện của virus đốm trắng trên tôm bằng phương pháp nhuộm hoặc mô bệnh học.

Kết quả cho thấy rằng các loài tôm nước ngọt và lợ mặn này đều nhiễm virus đốm trắng, ngoại trừ tôm càng xanh M. rosenbergii. Virus đốm trắng không gây chết tôm càng xanh bằng bất kỳ phương pháp gây cảm nhiễm nào.

Cơ chế chính thức về khả năng đề kháng của tôm càng xanh đối với virus đốm trắng theo Johanson et al. (2000) thì ngoài vai trò trong melanin hóa của Phenoloxidase, các thành phần của hệ thống hoạt hóa prophenoloxidase còn kích thích các phản ứng bảo vệ tế bào bao gồm cả thực bào, hình thành hạch, phong tỏa và vận động bạch cầu. Kết quả trên cho thấy rằng ban đầu Phenoloxidase gia tăng sau 1 ngày tiêm là do bạch cầu giải phóng prophenoloxidase để đáp ứng lại với WSSV nhằm bảo vệ tế bào của tôm càng xanh. Sau 5 ngày khi tôm trở lại bình thường thì PO giảm và trở lại bình thường là do bạch cầu ngưng giải phóng ProPO.

Nguồn: Baomoi.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Thiết kế công trình nuôi thương phẩm tôm càng xanh trong ruộng lúa

Thủy sản là một trong những ngành mũi nhọn trong nền kinh tế của nước ta hiện nay. Vì thế các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao đang được người dân chú trọng đầu tư và phát triển.Tôm càng xanh cũng là một trong những đối tượng đó.

Tôm càng xanh Macrobrachium rosenberggi sống trong môi trường nước ngọt, có thể nuôi trong ao, ruộng cấy lúa, là sản phẩm thuỷ sản có giá trị kinh tế, có nhu cầu ở thị trường trong và ngoài nước.

Mô hình nuôi Tôm càng xanh trong ruộng lúa

Việc nuôi Tôm càng xanh trong ruộng lúa cần phải có sự chuẩn bị về mô hình nuôi một cách khoa học và phải đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Cơ cấu chất đất phải giữ được nước.
  • Gần nguồn nước ngọt tốt để có thể cấp tiêu nước dễ dàng. Tốt nhất là có thể trao đổi nước theo thuỷ triều.
  • Đất không bị nhiễm phèn, độ pH của nước từ  6,5 trở lên
  • Không bị ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp và nước bẩn
  • Tiện đi lại và chăm sóc quản lý
  • Diện tích ruộng nuôi dao động từ  0,5 – 5,0 ha tuỳ theo từng điều kiện cụ thể.
  • Ruộng nuôi phải có đê bao kiên cố để đảm bảo giữ được mức nước tối thiểu trên mặt ruộng là 0,6 m. Mặt bờ đê rộng 1,2 – 1,5 m, chân bờ rộng 3,0 – 4,0 m, cao 1,2 m. Vào mùa lũ nên chắn lưới quanh bờ để ngăn không cho tôm ra ngoài khi mức nước cao hơn bờ đê.
  • Ruộng phải có mương bao rộng 3,0 – 4,0 m, sâu 0,8-1 m so với mặt ruộng. Mặt đáy của mương bao có độ nghiêng về phía cống thoát nước. Diện tích mương bao chiếm khoảng 20 – 25 % tổng diện tích.
  • Ruộng nuôi nên thiết kế cống cấp và thoát riêng.

Việc chọn nuôi tôm càng xanh của  bà con nông dân mặc dầu gặp khá     nhiều khó khăn tuy nhiên nếu áp dụng quy trình nuôi một cách khoa học, hợp lý chắc chắn sẽ giúp bà con đạt được năng suất nuôi hiệu quả nhất.

Chúc bà con thành công!

 Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

 

Nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa

Tôm càng xanh nuôi trên ruộng lúa là mô hình đang cho thấy hiệu quả về kinh tế, nông dân nhiều nơi trong tỉnh muốn mở rộng diện tích nuôi đối tượng dễ tính và nhiều hấp dẫn này. Tuy nhiên bà con nên tìm hiểu rõ thêm về đời sống của tôm càng xanh để có sự chăm sóc tốt nhằm tăng năng suất.

nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa

Theo các tài liệu, trong tự nhiên, vòng đời của tôm càng xanh có 4 giai đoạn rõ ràng là trứng, ấu trùng, hậu ấu trùng và tôm trưởng thành. Tôm trưởng thành sống ở vùng nước ngọt, nhưng sau đó chúng di cư ra vùng nước lợ đẻ (có độ mặn 6 – 18‰) và ấu trùng nở ra sống phù du trong nước lợ. Khi hoàn thành 11 lần lột xác để thành tôm con thì tôm di chuyển dần vào trong vùng nước ngọt.

Về môi trường sống, tôm càng xanh là loài thích nghi với biên độ nhiệt rộng từ 18 – 34oC, nhiệt độ tốt nhất là 26 – 31oC; cần ánh sáng vừa phải, ánh sáng cao sẽ ức chế hoạt động của tôm, do vậy ban ngày tôm xuống đáy thủy vực trú ẩn, ban đêm hoạt động tìm mồi; mức pH thích hợp nhất là 6.5 – 8.5, pH dưới 5 thì tôm hoạt động yếu và chết sau 6 giờ. Khi gặp môi trường có pH thấp, tôm sẽ nổi đầu, dạt vào bờ, mang đổi màu, mang và các phụ bộ bị lở loét, tôm bơi lội chậm chạp và chết sau đó. Môi trường sống phải có ôxy hòa tan > 3 mg/l, dưới mức này tôm hoạt động yếu, tập trung ven bờ, nổi đầu và chết sau vài giờ. Tôm cũng thích hợp ở nồng độ muối từ 0 – 16‰, tôm trưởng thành sinh trưởng tốt ở vùng cửa sông, ven biển.

Về giới tính, tôm đực có kích cỡ lớn hơn tôm cái, đầu ngực to hơn và khoang bụng hẹp hơn. Đôi càng thứ hai to, dài và thô. Ở con đực còn có nhánh phụ đực mọc kế nhánh trong của chân bụng thứ hai. Nhánh phụ đực bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn ấu niên khi tôm đạt kích cỡ 30mm và hoàn chỉnh khi tôm đạt 70mm. Ngoài ra, ở giữa mặt bụng của đốt bụng thứ nhất còn có điểm cứng. Cơ quan sinh dục trong của con đực gồm một đôi tinh sào, một đôi ống dẫn tinh và đầu mút. Tôm cái thường mang trứng sớm, ít ăn, chậm lớn nên có kích cỡ nhỏ hơn tôm đực, phần đầu ngực nhỏ và đôi càng thon, có 3 tấm bụng đầu tiên rộng và dài tạo thành khoang bụng rộng làm buồng ấp trứng.

Về tập tính ăn, tôm càng xanh xác định thức ăn bằng mùi và màu sắc, tìm thức ăn bằng cơ quan xúc giác (râu). Là loài ăn tạp nghiêng về động vật, thức ăn tự nhiên của chúng là các loại nguyên sinh động vật, giun nhiều tơ, giáp xác, côn trùng, nhuyễn thể, các mảnh cá vụn, các loài tảo, mùn bã hữu cơ và cát mịn. Hình dạng và mùi vị thức ăn đóng vai trò quan trọng trong việc hướng tôm đến bắt mồi, nên điều này rất quan trọng trong việc chế biến thức ăn cho tôm.

Tôm thường bò trên mặt đáy ao, bắt mồi nhiều vào chiều tối và sáng sớm, dùng càng nhỏ đưa mồi vào miệng. Trong thời gian ấp trứng, tôm cái có thể nhịn ăn vài ba ngày. Tôm càng xanh có đặc tính loài đáng lưu ý là nếu không đủ thức ăn, chúng hay ăn thịt lẫn nhau khi lột xác, nên khi nuôi tôm thương phẩm phải đề phòng hiện tượng này để có giải pháp thích hợp.

Tôm càng xanh trưởng thành thường kiếm ăn ở tầng đáy, tìm thức ăn bằng cơ quan xúc giác, chúng dùng râu quét ngang dọc phía trước hướng di chuyển. Trong quá trình tìm thức ăn, tôm có tính tranh giành cao, cá thể nhỏ thường tránh xa đàn hay khi tìm được một miếng thức ăn thì di chuyển đi nơi khác, trong khi đó con lớn vẫn chiếm chỗ và đánh đuổi tôm nhỏ. Ngoài ra, tôm còn ăn đồng loại khi thiếu thức ăn hay bị mềm yếu nên trong vùng nuôi cần có những bó chà để tôm trú ngụ khi lột.

Về lột xác, giống như các loài giáp xác khác, để sinh trưởng, tôm càng xanh đều phải lột vỏ theo chu kỳ, sau mỗi lần lột xác là sự gia tăng đột ngột về kích thước và trọng lượng. Tốc độ sinh trưởng của tôm đực và cái gần như tương đương nhau, cho tới khi chúng đạt kích cỡ 35 – 50g, sau đó khác nhau rõ theo giới tính, tôm đực sinh trưởng nhanh hơn tôm cái và đạt trọng lượng có thể gấp đôi tôm cái trong cùng một thời gian nuôi, nên có hiện tượng thường thấy trong nuôi tôm càng xanh là sự phân đàn khá rõ, kể cả trong cùng một nhóm giới tính. Đây là ưu điểm của tôm càng xanh toàn đực.

Chu kỳ lột xác của tôm càng xanh sẽ tùy thuộc vào giai đoạn sinh trưởng, tình trạng sinh lý, điều kiện dinh dưỡng, điều kiện môi trường… Khi tôm tích lũy đầy đủ chất dinh dưỡng, năng lượng và tới chu kỳ lột xác thì lớp vỏ mới hình thành dần dưới lớp vỏ cũ, lớp này rất mỏng, mềm. Khi lớp vỏ mới phát triển đầy đủ thì tôm tìm nơi vắng và giàu ôxy để lột vỏ. Khi lớp vỏ cũ lột đi, vỏ mới còn mềm và co giãn được. Dưới áp lực của khối mô cơ lâu ngày bị ép bởi lớp vỏ cũ, cơ thể tôm bấy giờ giãn nở, lớn lên nhiều và khác hẳn với lúc trước khi lột xác. Lớp vỏ mới cứng dần sau 3 – 6 giờ và tôm sẽ hoạt động lại bình thường sau đó.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam