Tìm hướng đi mới cho nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên

Để phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững thì phải có quy hoạch chi tiết và quản lý quy hoạch này; không để xảy ra việc nuôi tự phát của người dân.

Trước tình trạng vùng nuôi tôm hùm liên tục bị thiệt hại thời gian qua do ô nhiễm, ngày 16.8, tại TP.Tuy Hòa, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo bàn giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm bền vững ở địa phương.

Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên phát triển từ những năm 1990, từ năm 2000 tỉnh đã đưa vào quy hoạch phát triển nghề nuôi trồng này và TX.Sông Cầu được xem là vùng nuôi tôm hùm trọng điểm. Ông Lương Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND TX.Sông Cầu, cho biết hiện ở địa phương có hơn 2.142 hộ nuôi tôm hùm với khoảng 16.000 lồng nuôi tôm thương phẩm, sản lượng hơn 600 tấn/năm với doanh thu khoảng 500 – 600 tỉ đồng. Nghề nuôi này đã đóng góp đáng kể vào nền kinh tế – xã hội của địa phương.

Nuôi tôm hùm ở Sông Cầu, Phú Yên

Quản lý lỏng lẻo

Tuy nhiên, vùng nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương và Xuân Yên (TX.Sông Cầu) liên tiếp 2 năm liền bị chết, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm. Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, mật độ nuôi ở đây gấp 4 lần so với quy định. “Đó là do chúng ta không quản lý, thả lỏng việc nuôi tôm hùm ở vùng này”, ông Phương nói và thừa nhận về quản lý chỉ mới khoanh vùng, chứ chưa giao mặt nước cho người dân. Trong khi đó, những tồn tại hiện nay của nghề nuôi tôm hùm tại Phú Yên là nguồn giống vẫn khai thác tự nhiên nên không đủ cung cấp, phải nhập tôm hùm giống nước ngoài nhưng kiểm soát không tốt; thức ăn chính từ nguồn khai thác cá tạp tươi, ốc, sò, cua ghẹ… góp phần gây ra ô nhiễm môi trường; thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc.

Ông Trần Minh Phương ở xã Xuân Cảnh (TX.Sông Cầu) khẳng định nghề nuôi tôm hùm đã tạo ra nguồn thu lớn, thay đổi đời sống nhưng rủi ro nghề này càng ngày càng tăng cao vì phụ thuộc vào thị trường và tôm chết bất ngờ. Hơn nữa, người dân phát triển lồng nuôi tôm hùm rất nhanh, dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường. Vì vậy, đề nghị chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ.

Ô nhiễm từ cách nuôi

Ông Võ Minh Khôi, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết khi đi khảo sát vùng tôm chết tại P.Xuân Yên và xã Xuân Phương (TX.Sông Cầu) thì thấy nghịch lý là tôm đang chết nhưng người dân vẫn đưa lồng ra vịnh Xuân Đài để thả mới. “Đây là vấn đề nan giải”, ông Khôi lo lắng.

Về nguyên nhân gây ra tôm hùm chết trong tháng 6 vừa qua, theo ông Phan Hữu Đức, Phó giám đốc thú y Vùng 4, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), là do ô nhiễm chất hữu cơ, dẫn đến làm giảm hàm lượng ô xy hòa tan ở cả tầng mặt nước và tầng đáy khu vực nuôi. Cũng do ô nhiễm chất hữu cơ đã tạo thuận lợi cho vi khuẩn, sinh vật phù du phát triển mạnh. “Số lượng lồng nuôi quá nhiều so với quy hoạch do người dân tự phát. Mật độ nuôi dày, lượng thức ăn tươi sống mỗi ngày đổ xuống vịnh từ 15 – 20 xe container (tương đương 400 tấn thức ăn tươi sống là cá giã cào, ốc, cua, ghẹ…) liên tục trong thời gian dài dẫn đến môi trường ô nhiễm nặng, nhiều chỉ tiêu thủy hóa vượt ngưỡng cho phép”, ông Đức nói, đồng thời chỉ ra việc quy hoạch chưa sát với thực tế nên vị trí quy hoạch làm vùng nuôi thì người dân không nuôi vì cho rằng không thích hợp với dòng chảy, vị trí không quy hoạch thì người dân lại đem lồng đến nuôi.

PGS-TS Nguyễn Phú Hòa, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết đã tiến hành khảo sát vùng nuôi tôm hùm vịnh Xuân Đài (vùng nuôi tôm bị ô nhiễm nặng vừa qua) thì phát hiện nước thải từ các hồ nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi ốc hương, rác thải sinh hoạt của người dân đều đưa xuống vịnh Xuân Đài. Về lượng thức ăn cung cấp, nếu 8 kg thức ăn cho 1 lồng/ngày thì riêng ở xã Xuân Phương là 49 tấn/ngày, còn P.Xuân Yên khoảng 50 tấn/ngày… Thức ăn thừa trong lồng đều đổ xuống vịnh Xuân Đài. “Như vậy, vịnh Xuân Đài đã oằn mình gánh một lượng chất thải kinh khủng mỗi ngày”, bà Hòa nói.

Tôm hùm chết hàng loạt

Cần kiểm soát toàn diện

Ông Võ Minh Khôi cho biết nghề nuôi tôm hùm phát triển chủ yếu ở Khánh Hòa, Phú Yên. Số lượng lồng tăng 1,5 lần, nhưng nghịch lý là sản lượng giảm. Hiện nay có 4 loại tôm hùm, nhưng người dân nuôi chủ yếu là tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Ông Khôi xác định việc phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm có nhiều yếu tố, đó là con giống, môi trường vùng nuôi, thị trường.

Vẫn theo ông Khôi, hiện nhu cầu tôm hùm giống hằng năm ở VN khoảng 24 triệu con, nguồn tôm tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 9 triệu con nên phải nhập tôm hùm giống nước ngoài về qua đường tiểu ngạch. “Qua tìm hiểu, chưa có cơ sở nào đăng ký nguồn tôm hùm giống. Nếu quản lý tốt sẽ tránh trường hợp tôm hùm giống trôi nổi. Nếu không kiểm soát được thì nguy cơ dịch bệnh rất cao, chất lượng tôm sẽ ảnh hưởng”, ông Khôi nói. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ tôm hùm tương đối bấp bênh. Khi thị trường Trung Quốc “ăn” thì giá cao, ngược lại là giá rớt thê thảm. Giá trị xuất khẩu từ tôm hùm khoảng 40 triệu USD/năm. Quy hoạch đã có nhưng chưa đầy đủ, giám sát chưa sâu sát nên gây ra yếu tố ô nhiễm cục bộ, khiến tôm hùm chết.

PGS-TS Nguyễn Phú Hòa cho biết muốn vùng nuôi tôm hùm không bị ô nhiễm thì thức ăn thừa trong lồng, bè phải thu gom, đem vào bờ xử lý. “Nếu người dân đưa toàn bộ thức ăn thừa vào thì chứa ở đâu. Đây là chuyện địa phương phải tính đến”, bà Hòa nói. Bà Hòa cũng khuyến cáo không nên nuôi vẹm xanh ở khu vực nuôi tôm hùm vì như thế sẽ dẫn đến cạnh tranh về ô xy, khiến tôm hùm thiếu ô xy, đặc biệt là vào ban đêm hay thời tiết bất thường theo hướng tiêu cực. Ngoài ra, tôm thẻ chân trắng cũng là nguy cơ lây nhiễm bệnh cần lưu ý. “Nếu tôm thẻ chân trắng nhiễm bệnh thì phải xử lý triệt để trong hồ không được xả ra bên ngoài”, bà Hòa nói.

Quy hoạch nuôi tôm gắn với du lịch

Ông Lương Minh Sơn, Phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, cho biết những vùng biển ở các huyện ven biển Phú Yên có nhà cao tầng, đó là nhờ nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, trong đó có nghề nuôi tôm hùm. Tuy nhiên, hiện các vùng nuôi này ô nhiễm nên đề nghị các ngành chức năng đề xuất giải pháp làm sao giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường vùng nuôi tôm hùm ở Phú Yên, quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch, vì những vùng nuôi này đều là danh lam, thắng cảnh quốc gia. Làm sao có cơ chế quản lý, có quy hoạch chi tiết cho ngành nuôi tôm hùm ở Phú Yên.

Đảo Bình Ba, Khánh Hòa là nơi từng thực hiện thành công mô hình nuôi tôm hùm kết hợp du lịch

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nâng cao năng suất tôm hùm nuôi thương phẩm

Các chế độ chăm sóc, quản lý, thiết kế lồng nuôi và chọn mật độ thả thích hợp là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến vụ nuôi. Sau đây là một số lưu ý nhằm giúp tăng năng suất trong nuôi tôm hùm thương phẩm…

Lồng nuôi: 

Để tận dụng tối đa diện tích thì lồng nên có dạng hình khối hộp vuông, vì hình vuông có diện tích lớn nhất, đồng thời lưu thông nước ở từng vị trí đặt lồng nuôi không theo hướng dẫn nhất định. Tùy theo quy mô nuôi, điều kiện chăm sóc quản lý và nguyên vật liệu làm lồng mà sử dụng kích thước lồng khác nhau.

Tuy nhiên, lồng càng lớn khả năng lưu thông nước bên trong và ngoài lồng càng giảm, đồng thời năng suất tôm hùm nuôi lồng tỉ lệ nghịch với độ lớn của lồng. Người nuôi nên dùng loại lồng 16-20m2 là phù hợp với quy mô hộ gia đình và năng suất tôm hùm nuôi.

Làm lồng nuôi tôm hùm

Vị trí đặt lồng:

Nên đặt lồng nuôi ra vùng xa bờ để trao đổi nước tốt hơn. Độ sâu mức nước nơi đặt lồng tối thiểu khi triều thấp là 4m (đối với nuôi lồng găm), từ 4–8m (đối với nuôi lồng sắt) và hơn 8m (đối với lồng nổi). Đáy lồng cách đáy biển hơn 0,5m là tốt nhất. Nơi đặt lồng nuôi phải đảm bảo cách bờ hơn 1.000m. Nền đáy là cát hoặc cát pha bùn có lẫn san hô gạc nai và không bị ô nhiễm.

Môi trường nước vùng nuôi tôm hùm phải đảm bảo các chỉ tiêu: nhiệt độ từ 24-31 độ C; pH: 7,5–8,5; độ muối từ 30–35‰; ôxy hòa tan: 6,2–7,2mg/l.

Mật độ thả: 

Mật độ ương nuôi tôm hùm tùy thuộc vào kích cỡ của tôm giống. Cỡ giống tôm trắng: 30-40 con/m2 lồng; Cỡ giống 1,5-4,0g/con thả 25-30 con/m2 lồng; Cỡ giống 4-10g/con thả 15-20 con/m2 lồng; Cỡ giống 10-50g/con thả 10-15 con/m2 lồng; Cỡ giống 50-200g/con thả 7-10 con/m2 lồng; Cỡ giống hơn 200g/con trở lên thả 3–5 con/m2 lồng.

Khoảng cách giữa các lồng nuôi:

 Khoảng cách giữa các lồng nuôi cần bố trí phù hợp để đảm bảo sự lưu thông nước tốt. Đối với các vùng nuôi nhiều nên duy trì 30–60 lồng/ha mặt nước.

Thức ăn cho tôm: 

Thức ăn chủ yếu là thức ăn tươi sống bao gồm các loại động vật giáp xác (tôm, cua, ghẹ…), động vật thân mềm (sò lông, sò đá, ốc bươu vàng…), các loài cá tạp (cá sơn, cá liệt, cá mối, cá chuồn…). Trong đó, thức ăn là giáp xác đóng vai trò quyết định trong thành phần dinh dưỡng của tôm hùm nuôi vì loại thức ăn này có hàm lượng axit béo không no phức hợp và axit béo không no cao phân tử (chiếm 6,1%) cao vượt trội hơn so với thức ăn là cá và thân mềm. Tuy nhiên, nếu kết hợp ba loại thức ăn tươi là cá, giáp xác và thân mềm theo một tỉ lệ nhất định ở từng thời kỳ phát triển của tôm nuôi là một giải pháp tối ưu về giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế trong tôm hùm nuôi lồng. Công thức cho ăn: 1 phần giáp xác + 1 phần thân mềm + 2 phần cá, tôm sẽ có tốc độ sinh trưởng nhanh, hệ số thức ăn thấp. Đây là thức ăn kết hợp có hiệu quả cao nhất và tiết kiệm được chi phí thức ăn so với việc sử dụng các loại thức ăn khác.

Tôm hùm nuôi lồng

Quản lý và chăm sóc tôm:

 Đối với tôm cỡ ≥ 200g/con, cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối, lượng cho ăn vào chiều tối chiếm 70% lượng thức ăn trong ngày. Thức ăn cho tôm có thể để nguyên con hoặc cắt nhỏ. Tùy loại thức ăn mà xác định lượng cho ăn hợp lý, khẩu phần ăn hàng ngày bằng khoảng 15-17% khối lượng tôm thả. Hàng ngày nên kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe, hoạt động của tôm và mức độ sử dụng thức ăn để có điều chỉnh hợp lý. Loại bỏ thức ăn thừa, vỏ lột xác; định kỳ vệ sinh lồng nuôi tránh bị rong rêu bám làm bít lỗ lưới. Đối với các lồng nuôi tôm hùm con, do có mắt lưới nhỏ nên thường bị sun, hà bám vì vậy cần vệ sinh định kỳ để tạo sự lưu thông nước tốt, hạn chế ô nhiễm. Khi tôm đạt cỡ 500-600g/con nên san thưa tôm với mật độ 4-5 con/m2 lồng. Sau 20-24 tháng nuôi có thể thu hoạch tôm hùm thương phẩm.

Trong quá trình nuôi nếu thấy chất đáy có màu nâu và sinh vật đáy chủ yếu là nhuyễn thể thì đó là dấu hiệu tốt. Nếu chất đáy có màu đen đậm, mùi khó chịu và sinh vật đáy chủ yếu là giun nhiều tơ thì đó là những dấu hiệu không tốt, không nên tiến hành vụ nuôi. 

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Sản xuất thành công thức ăn công nghiệp cho tôm hùm

Ngày 21-7, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lại Văn Hùng, Trưởng bộ môn nuôi thủy sản nước mặn, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) cho biết, ông và các cộng sự đã sản xuất thành công thức ăn công nghiệp cho tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Đó là kết quả của dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm bông (Panulirus ornatus) và tôm hùm xanh (Panulirus homarus)”. Dự án thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011 – 2015, do Trường Đại học Nha Trang chủ trì và Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lại Văn Hùng làm chủ nhiệm.

Tôm hùm bông sử dụng thức ăn công nghiệp.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lại Văn Hùng, thức ăn dự án sản xuất có hàm lượng protein chiếm 55-56%, lipid 8-9%, hệ số thức ăn (FCR) 4,5-4,6 đối với tôm hùm bông giai đoạn giống và thương phẩm; protein 52-53%, lipid 8-9%, hệ số thức ăn là 4,3-4,4 đối với tôm hùm xanh giống và thương phẩm. Qua quá trình nuôi thử nghiệm tôm hùm bằng thức ăn công nghiệp cho thấy tôm hùm sử dụng thức ăn tốt, đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, hệ số thức ăn thấp, tỷ lệ sống cao; các chỉ số đều tốt hơn so với thức ăn truyền thống (cá tạp) đang được sử dụng hiện nay. Thức ăn công nghiệp đã được các hộ nuôi tôm hùm Khánh Hòa cũng như một số tỉnh Nam Trung Bộ sử dụng và đánh giá cao.

Việc sản xuất thành công thức ăn công nghiệp cho tôm hùm của dự án sẽ mở ra triển vọng sử dụng thức ăn công nghiệp cho tôm hùm thay thế nguồn thức ăn cá tạp, từ đó, góp phần phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững tại Việt Nam.

Quá trình sản xuất thức ăn viên cho tôm hùm

Dự án trên kế thừa kết quả đã đạt được từ đề tài “Nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng, công thức và công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh” được thực hiện trước đó.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật khai thác và vận chuyển tôm hùm giống.

Tôm hùm hiện chưa thể sản xuất giống nhân tạo nên việc cung cấp con giống phụ thuộc hoàn toàn vào đánh bắt tự nhiên. Để khai thác và vận chuyển tôm có hiệu quả, cần thực hiện đúng kỹ thuật.

Kỹ thuật khai thác và vận chuyển tôm hùm giống

Khai thác bằng lưới:

Ngư cụ khai thác là lưới trủ: Mắt lưới có kích cỡ 5mm (2a =5mm). Kích thước lưới phụ thuộc vào quy mô khai thác. Ðộ dài lưới dao động khoảng 100 – 150m, độ cao 4 – 6m.

Các hoạt động khai thác được tiến hành vào ban đêm .Sử dụng ánh sáng đèn neon có cường độ khoảng 1000 – 2000W.

Lưới được giăng xuống biển bằng thuyền vào khoảng 8 giờ tối, sau 4 – 5 tiếng (vào khoảng 12 – giờ khuya) lưới được kéo lên thuyền lần thứ nhất để thu gom những con tôm hùm giống dính lưới. Ngay sau đó, lưới được giăng tiếp xuống biển, vào khoảng 4 giờ sáng lưới được kéo lên lần 2. Một đêm khai thác thường kết thúc vào khoảng 5 giờ sáng của ngày hôm sau.

Những tôm hùm giống mắc lưới được gỡ ra rất nhanh và được lưu giữ trong các thùng nhựa tròn có thể tích 4 lít, khoảng 100-150 con/thùng và máy sục khí. Kích cỡ tôm giống thu được khá đồng đều, chúng trong suốt và chiều dài giáp đầu ngực chỉ dao động từ 7 – 8mm/con và trọng lượng từ 0,25 – 0,35 g/con.

Khi thuyền cập bến, tôm hùm giống được chuyển sang các thùng xốp với nước biển sạch. Kích thước của thùng là 30 x 50 x 25 cm, dưới đáy rải một lớp cát mỏng 5 -7mm. Mật độ lưu giữ khoảng 200 – 300 con/thùng và có sục khí liên tục. 

Tôm hùm giống mới nở

Khai thác bằng bẫy:

Loại bẫy được làm bằng lưới thường có chiều dài 60cm và đừơng kính khoảng 40cm. Riêng san hô được sử dụng làm bẫy có nhiều kích cỡ khác nhau tuỳ thuộc vào từng loại san hô. Ða số san hô tảng được chọn là những khối có trọng lượng khoảng 2-5kg, các lỗ trên bền mặt được khoan cách nhau khoảng 10 – 15cm, kích thước mỗi lỗ từ 2 – 2,5cm. Ðối với bẫy được làm bằng những gỗ cây cũng được khoan lỗ tương tự như đối với san hô.

Các loại bẫy được thả xuống nước ở độ sâu khoảng 4-5 m vào tháng 11 hàng năm, nghĩa là vào thời gian xuất hiện tôm hùm giống. Sau khoảng 3-5 ngày, khi bẫy đã ổn định ngư dân sẽ thu bắt tôm hùm hàng ngày vào các buổi sáng bằng cách giũ bẫy vào trong vợt lưới hoặc bắt chúng ra bằng tay từ các lỗ đã khoan. Kích cỡ con giống thu được khoảng 7,5 – 10 mm CL/con và trọng lượng xấp xỉ  0,3 – 1 g/con. Vào cuối tháng 5 bẫy cũng được thu lên bờ và cất giữ ở nơi thoáng mát để sử dụng cho mùa khai thác năm sau.

Với cách khai thác này, trong một diện tích thả bẫy khoảng 50 x 100m có thể thu gom được khoảng 50 – 200 con/ngày vào những tháng đỉnh cao như tháng 1 hoặc tháng 2 trong năm. Và tôm giống cũng được giữ trong các thùng xốp hoặc xô nhựa với nước biển có sục khí.

 Khai thác bằng lặn bắt:

Ðây là loại hình khai thác truyền thống của ngư dân miền Trung. Năm 1998 trở về trước, tôm hùm giống được khai thác chỉ bằng lặn bắt. Hình thức này đảm bảo con giống khỏe, với kích cỡ lớn từ 12 – 15 mm CL/con và trọng lượng 7 – 9 g/con. Song số lượng con giống được khai thác mỗi ngày tối đa chỉ được 100 – 150 con/thuyền/10 ngày/5 người vào mùa khai thác chính trong năm. Vào các tháng sau số lượng khai thác chỉ đạt 3 – 10% so với vụ chính.

Ngư dân khai thác và bán tôm hùm giống

Kỹ thuật vận chuyển tôm hùm giống:

Tôm hùm giống đã được vận chuyển bằng nhiều phương pháp khác nhau từ các vùng khai thác đến các vùng nuôi dọc ven biển miền Trung. Từ những số liệu điều tra cho thấy các hình thức vận chuyển đều đảm bảo tỷ lệ sống trong vận chuyển đạt khoảng trên 80%

Phương pháp vận chuyển khô:

Thường được sử dụng để vận chuyển con giống lớn khoảng 30 – 100 g/con. Dụng cụ vận chuyển là các thàng xốp có kích thước 30 x 40 x 25 cm; hoặc 60 x 70 x 45 cm tùy thuộc vào số lượng giống cần vận chuyển. Mật độ tôm vận chuyển khoảng 150 – 300 con/thùng xốp. Thời gian vận chuyển khoảng 3 – 7 giờ với nhiệt độ được duy trì 21 – 22 0C bằng đá cây lạnh giữ trong các hộp nhựa hoặc túi ni-lon kín. Tôm được giữ độ ẩm của nước biển bằng rong hoặc bằng khăn vải dày và chuyên chở bằng xe máy hoặc xe ôtô. Tỷ lệ sống trong vận chuyển đạt 90 – 95%.

Phương pháp vận chuyển nước

Ðược sử dụng để vận chuyển con giống nhỏ, từ post-puerulus (tôm trắng) đến juveniles (tôm bò cạp). Trọng lượng của cỡ giống này chỉ xấp xỉ 0,25 – 1 g/con, và rất nhạy cảm với sự thay đổi đột ngột của môi trường sống.

Dụng cụ vận chuyển cũng là các thùng xốp có kích cỡ 30 x 50 x 25 cm hoặc 45 x 60 x 35 cm. Dưới đáy thùng được phủ một lớp rong câu tươi hoặc một lớp cát dày 0,5 – 1cm. Ðổ nước biển sạch vào thùng xốp cao ngập cát hoặc rong khoảng 5 -7cm và sục khí trong suốt thời gian vận chuyển. Nhiệt độ nước được duy trì 21 – 220C với thời gian vận chuyển từ 5 – 15 giờ; và khoảng 23 – 25 0C với thời gian vận chuyển 3 – 5 giờ bằng đá cây lạnh giữ trong các hộp nhựa hoặc túi ni – lon kín.

Tôm giống được đưa vào thùng xốp với mật độ 300 – 400 con/thùng nhỏ hoặc 700-1000 con/thùng lớn. Song hầu hết các phương tiện vận chuyển bằng xe máy thường sử dụng các thùng nhỏ vì tính gọn, nhẹ và dễ dàng xử lý trên đường vận chuyển. Thùng lớn được sử dụng khi chuyển giống với số lượng lớn bằng xe ô tô. Tỷ lệ sống trong vận chuyển thường đạt 95 – 97%.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Mô hình nuôi tôm hùm bằng chế phẩm sinh học

Tôm hùm là loài có FCR (tỷ lệ chuyển đổi thức ăn thành trọng lượng cơ thể) cao. Do đó, nuôi tôm hùm tốn rất nhiều chi phí cho thức ăn. Mặt khác, lượng thức ăn dư thừa trong lồng nuôi có thể làm môi trường nước bị ô nhiễm, gây bệnh cho tôm. Để khắc phục tình trạng này, nên kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học với thức ăn giúp tôm chuyển hóa thức ăn tốt hơn và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Mô hình nuôi tôm hùm bằng chế phẩm sinh học

Chuẩn bị lồng nuôi

Vệ sinh lồng, kiểm tra khung sắt, lưới bọc khung trong, ngoài, sau đó di chuyển đến vị trí nuôi, là nơi kín gió, nguồn nước trong sạch, không bị ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, nước lưu thông tốt, chất đáy là cát, cát bùn có lẫn đá san hô nhỏ, vỏ động vật thân mềm. Sau đó đặt lồng trên nền đáy đã được dọn sạch, bằng phẳng.

Vùng nuôi có độ sâu: 7 m.

Độ mặn ổn định, dao động trong khoảng 30 – 350/00.

Lồng đặt cách đáy: 3 m.

Chọn giống:

Tôm hùm giống mới nở (tôm trắng)

Tôm trắng phải được kiểm tra kỹ, chọn mua ở nơi uy tín, nguồn giống khai thác tại địa phương nhằm tránh sự khác biệt về điều kiện môi trường, con giống chính vụ, khoẻ mạnh, bơi búng nhanh nhẹn, vỏ sáng bóng, có đầy đủ râu, chân và các phụ bộ khác, phát triển cân đối, đều cỡ, vì đây là giai đoạn tôm rất nhạy cảm với môi trường, sức đề kháng yếu, nếu chọn giống loài xoài, các đại lý thu gom nhiều ngày, lưu dưỡng cho đủ lượng để xuất bán thì sau này ương nuôi sẽ rất khó, tôm phát triển chậm, tỷ lệ sống thấp.

Vận chuyển giống:

Buổi sáng sớm, dùng thùng xốp, kích cỡ 30 x 20 x 25 (cm), cho nước biển sạch vào 2/3 thùng, cho vào thùng 500 – 1.000 con, sục khí, vận chuyển đến vùng nuôi.

Xuống giống:

Khi tôm vận chuyển đến lồng nuôi, tiến hành thuần nhiệt độ cho đến khi gần bằng với nhiệt độ môi trường nuôi bằng cách cho dần dần nước từ môi trường nuôi vào thùng chứa tôm, sau 30 – 60 phút, tôm hồi phục sức khỏe hoàn toàn, tiến hành thả tôm ra lồng nuôi.

Mật độ ương nuôi:

Đối với tôm trắng: 90 con/m2. Sau 60 ngày, san thưa tôm với mật độ: 20 – 30 con/m2. Sau 90 ngày, san thưa tôm với mật độ: 15 – 20 con/m2.

Khi san thưa mật độ đồng thời phải phân đều theo cỡ tôm.

Quản lý, chăm sóc

Mỗi ngày cho tôm ăn 1 lần thức ăn + chế phẩm sinh học E.M trùn (E.M trộn với trùn) vào buổi sáng. Lượng cho ăn 01 ngày: 15 – 20% trọng lượng đàn tôm (5 – 7 g/100 con tôm mới thả nuôi). Thành phần thức ăn: cá tạp, giáp xác (tôm, cua): 100%.

Chế phẩm sinh học E.M

Trộn đều 25 – 50 ml E.M trùn với 1 kg thức ăn cắt nhỏ, để 15 – 20 phút cho thuốc thấm đều vào thức ăn, sau đó cho tôm ăn.

Hàng ngày lặn xuống kiểm tra lồng, tình trạng hoạt động, sức khỏe tôm, kiểm tra lượng thức ăn thừa hay thiếu để có hướng xử lý kịp thời.

Định kỳ 7 – 10 ngày vệ sinh lồng nuôi một lần đảm bảo môi trường nuôi sạch sẽ, thông thoáng.

nuôi tôm hùm, nuôi tôm hùm bằng chế phẩm sinh học, dùng chế phẩm sinh học nuôi tôm, nuôi tôm, kỹ thuật nuôi tôm

Chuẩn bị thức ăn cho tôm hùm nuôi

Thu hoạch

Sau 3 tháng ương nuôi, tôm trắng chuyển sang giai đoạn tôm bò cạp, (tôm hùm xanh đạt 50 – 60 g/con, tôm hùm bông đạt 100 – 150 g/con), tổ chức thu hoạch chuyển qua lồng nuôi thương phẩm.

Thực hiện quy trình, khi cho tôm ăn “Thức ăn + chế phẩm sinh học E.M trùn” các phản ứng chủ yếu làm sạch môi trường, tối ưu hóa sức đề kháng cho tôm hùm nuôi xảy ra như sau: Phản ứng E.M trùn làm sạch môi trường, tăng sức đề kháng cho tôm nuôi; Phản ứng phân hủy khí độc NH3 làm sạch môi trường. Như vậy, chế phẩm sinh học E.M trùn vừa làm sạch môi trường, biến chất độc thành chất không độc, có lợi, vừa giúp tôm tăng sức đề kháng, ăn mạnh, lớn nhanh, không bị bệnh, quá trình nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phòng trị bệnh cho tôm hùm nuôi

Nuôi tôm hùm thương phẩm đang gặp một số bệnh làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và sinh trưởng. Nắm vững các biện pháp phòng, trị bệnh cho tôm hùm để kịp thời hạn chế thiệt hại kinh tế cho người nuôi, là rất cần thiết.

Phòng trị bệnh cho tôm hùm nuôi

Phòng bệnh tổng hợp

Để quản lý môi trường người nuôi cần chọn địa điểm nuôi thích hợp, xa các nguồn nước thải, nền đáy không bị ô nhiễm, không đặt lồng sát đáy. Vệ sinh lồng nuôi thường xuyên để tăng lưu lượng dòng chảy. Định kỳ treo các túi vôi quanh lồng nuôi, nhất là khi xuất hiện bệnh. Loại bỏ thức ăn thừa ra khỏi lồng nuôi. Về vấn đề kiểm soát tác nhân gây bệnh, người nuôi nên chú ý tránh các xây xát cơ học như vận chuyển, đánh bắt, chuyển lồng… và phòng tránh ký sinh trùng gây hại. Chọn tôm hùm giống chất lượng tốt, khỏe mạnh; thời gian lưu trữ tôm giống không quá 48 giờ từ khi khai thác ở biển đến lúc thả ương nuôi. Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có tôm bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh, nhằm hạn chế lây lan.

Thức ăn tươi được bảo quản tốt, được sát trùng bằng thuốc tím trước khi cho ăn. Thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm, loại bỏ các cá thể yếu, vỏ lột xác và điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp từng thời điểm. Bổ sung Vitamin C liều 5 – 10 g/kg thức ăn, acid amin, khoáng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.

Trị một số bệnh

Bệnh đỏ thân.

Bệnh đỏ thân ở tôm hùm

Nguyên nhân gây bệnh là do nước và đáy khu vực lồng bè bị ô nhiễm nặng, thức ăn thừa nhiều, vệ sinh kém, gây nhiễm khuẩn Vibrio. Mang tôm và thân tôm đều chuyển sang màu hồng. Tôm bỏ ăn, kém hoạt động, giảm tăng trưởng, chết hàng loạt. Bệnh xuất hiện ở tôm con và tôm trưởng thành.

Trị bệnh bằng cách tắm cho tôm trong dung dịch Oxytetracyline 0,5 – 2 g/m3 nước. Tắm trong 15 phút, liên tục 5 – 7 ngày. Hoặc trộn Docyxyline vào thức ăn được bao dầu với lượng 3 – 7 g/kg thức ăn trong 5 – 7 ngày.

Bệnh đen mang.

Tôm hùm bị đen mang

Bệnh do nấm Fusarium gây ra khi lồng nuôi bẩn, môi trường nước bị ô nhiễm. Làm cho mang bị tổn thương chuyển thành màu đen và khi bệnh nặng toàn bộ tơ mang bị phá hủy. Bệnh thường xảy ra ở tôm hùm giai đoạn trưởng thành.

Có thể tắm cho tôm bằng Formalin nồng độ 10 – 20 ml/mtrong 5 – 10 phút, trong 2 – 4 ngày để trị bệnh. Lưu ý, tôm bệnh sau khi xử lý thuốc cần được thả nuôi ở lồng khác.

Bệnh trắng râu.

Râu 1 chuyển từ màu nâu sang màu vàng, hồng rồi sang trắng. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở tôm con, làm cho tôm chết hàng loạt. Nguyên nhân là do tôm bị nhiễm nấm Lagenidium sp, Fusarium sp.

Trị bệnh bằng việc tắm cho tôm bằng dung dịch Formalin nồng độ 15 – 25 ml/m3 nước, sục khí trong 15 phút, liên tục 5 – 7 ngày. Đồng thời, treo các túi vôi giữa các lồng nuôi.

Bệnh đóng rong.

Ðộ trong của nước cao làm khả năng xuyên sâu ánh sáng lớn khiến rong tảo phát triển mạnh.Tôm ít hoạt động, kém ăn chậm lớn, chu kỳ lột xác chậm.

Trị bệnh: bắt những con tôm bệnh tắm bằng formol với nồng độ 100 – 200ppm (1 -2 ml formol/10 lít nước), trong thời gian từ 5 – 10 phút.

bệnh sữa

Tôm hùm bị bệnh sữa

Bệnh sữa ở tôm hùm do vi khuẩn Rickettsia – like là tác nhân chính; ngoài ra còn do vi khuẩn V. fluvialis, V.alginolyticus và một số ký sinh trùng.

Khi phát hiện tôm bị bệnh, tiến hành tiêm thuốc cho toàn bộ tôm trong lồng nuôi bằng Oxytetracyline 20% chứa LA và nước cất để pha. Với tôm hùm < 500 g/con, pha thuốc chứa 1ml Oxytetracyline 20% + 9ml nước muối sinh lý (hoặc nước cất), lắc đều, liều tiêm là 0,1ml thuốc đã pha/100g tôm. Với tôm > 500 g/con thì pha thuốc chứa 2ml Oxytetracyline 20% + 8ml nước muối sinh lý (hoặc nước cất), liều tiêm là 0,05ml thuốc đã pha/100g tôm. Sau khi tiêm thuốc tiến hành ghi chép và theo dõi 2 lần/ngày khả năng bắt mồi cùng với dấu hiệu lâm sàng của bệnh sữa trong đàn tôm.

Ngoài ra, tôm hùm còn có thể mắc một số bệnh khác (bệnh to đầu, bệnh mềm vỏ, bệnh phồng mang, bệnh đóng hàu, sụn…). Bệnh chủ yếu phát sinh do môi trường ô nhiễm, tôm suy dinh dưỡng, kém ăn, khó lột xác. Những bệnh trên tỷ lệ xuất hiện không cao, tôm chết rải rác, không gây thiệt hại cho người nuôi; nếu biết ngăn ngừa, kiểm soát và thực hiện tốt khâu phòng bệnh tổng hợp thì sẽ tránh được các bệnh này.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật nuôi Tôm hùm bông trong bể

Tôm hùm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, giá thị trường hiện tại khoảng 1250000đ/kg. Ở nước ta tôm hùm được nuôi nhiều ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Tôm hùm có nhiều hình thức nuôi, phổ biến là nuôi trong lồng và nuôi trong bể.

Nuôi tôm hùm bông trong bể là mô hình nuôi tiên tiến, năng suất có thể đạt 5kg/m2, tỉ lệ sống trên 80% và có thể kiểm soát được các bệnh nguy hiểm gây chết hàng loạt như bệnh sữa, đỏ thân, hoại tử…

Tôm hùm bông

Kỹ thuật nuôi tôm hùm bông trong bể

Chọn địa điểm nuôi

Địa điểm nuôi đảm bảo chủ động được nguồn nước biển để nuôi tôm hùm bông phải có độ mặn ổn định quanh năm 30-35‰, nước không bị nhiễm bẩn chất thải công nghiệp, thuốc trừ sâu hay hóa chất độc hại khác, các chỉ tiêu thủy hóa phù hợp điều kiện sống của tôm hùm bông (độ cứng < 5, pH 7 – 8; NH3  < 0,01 mg/lít; NO2  < 0,05 mg/lít; Fe2+ khoảng 0,1 mg/lít; nhiệt độ < 310C).

Vị trí xây dựng trại nuôi tôm hùm thuận lợi về giao thông, điện, gần vùng có nguồn tôm giống phong phú để dễ khai thác và vận chuyển về cơ sở nuôi. Xây trại nuôi tôm hùm nơi có cấu tạo địa chất ổn định, không bị lún, sạt lở, địa hình bằng phẳng để thuận tiện khi cấp và tiêu nước, bơm nước biển dễ dàng.

Hệ thống bể nuôi

Bể nuôi tôm hùm có diện tích đáy 100 m2. Bể nuôi có dạng hình tròn đường kính 5,7 m, sâu 1,6 m hoặc dạng hình vuông có mỗi cạnh 10 m; mặt đáy nghiêng 5% về phía lỗ thoát nước, ống thoát nước có kích thước 114 mm nằm giữa bể.

Trong hệ thống nuôi tôm hùm thiết kế bể lọc sinh học tuần hoàn và bể ly tâm. Bể lọc sinh học tuần hoàn có 4 ngăn dạng hình chữ nhật, kích thước ngăn thứ nhất: 1,5m x 5 m x 1,6 m; 3 ngăn còn lại có kích thước 1,5 m x 5 m x 0,8 m. Bể ly tâm có đường kính 2 m; cao 1,6 m.

Bể chứa nước đã lọc qua hệ thống lọc sinh học tuần hoàn có thể tích từ 4 đến 30 m3.Bơm trực tiếp nước biển có độ mặn 30 – 35‰ vào bể chứa nước ngoài trời. Xử lý diệt khuẩn mầm bệnh có thể có trong nước biển bằng Chlorine, nồng độ 30 – 40 ppm. Sục khí mạnh liên tục 48 – 72 giờ. Tắt sục khí và kiểm tra nồng độ Cl  dư thừa, dùng thiosunphat để trung hoà Cl  trong trường hợp dư Cl.

Bơm nước đã xử lý vào hệ thống bể nuôi tôm hùm (bể nuôi, bể chứa và bể lọc sinh học) ở trong nhà, mức nước cấp 1,4 m.

Vận hành 2 máy bơm nước được lắp đặt ở bể chứa nước đã qua bể lọc tuần hoàn. Do chênh lệch thế năng, nước tự chảy từ bể nuôi tôm hùm về bể ly tâm để tham gia chu kỳ tuần hoàn nước.

Nuôi tôm hùm bông trong bể

Chọn và thả tôm hùm giống

Chọn mua tôm giống nơi gần nhất với trại nuôi và thả tôm hùm giống có cùng ngày tuổi (cùng giai đoạn phát triển).

Vận chuyển tôm hùm giống từ nơi mua về cở sở nuôi bằng phương pháp vận chuyển hở có sục khí, sử dụng thùng xốp kích thước 0,4 m x 0,4 m x 0,6 m để vận chuyển, mật độ khoảng 500 con/thùng.

Mật độ tôm giống thả nuôi 10 con/m2.

Thức ăn và cách cho ăn

Hiện nay chưa có thức ăn công nghiệp dành cho tôm hùm nên phải dùng thức ăn tự nhiên để nuôi tôm. Để hạn chế chất thải trong bể nuôi, cần sơ chế như sau :

Cá tạp : rửa sạch cá bằng nước mặn rồi cắt cá theo chiều ngang thân, kích thước lát cắt 1 – 2 cm. Làm sạch cá đã cắt bằng nước ngọt nhiều lần; sau đó cấp đông để cho ăn trong nhiều ngày.

Tách vỏ ghẹ, cắt bỏ phần phần mang (cơ quan hô hấp) và phần bụng, cắt ghẹ làm 2 hoặc 4 phần; sau đó rửa sạch ghẹ bằng nước ngọt nhiều lần rồi cấp đông để cho tôm ăn trong nhiều ngày. Loại bỏ vỏ sò và xoang màng áo; sau đó rửa sạch thịt sò bằng nước ngọt nhiều lần rồi cấp đông cho tôm hùm ăn.

Chuẩn bị thức ăn cho tôm hùm

Đối với tôm hùm còn ở giai đoạn con giống, thức ăn phải được sơ chế bằng cách chỉ lấy phần thịt của cá, ghẹ, sò đem cắt nhỏ; sau đó rửa sạch bằng nước ngọt rồi cấp đông cho tôm hùm giống ăn nhiều lần.

Cho tôm ăn 3 lần/ngày, lượng thức ăn cho tôm ăn trong 2 tháng đầu từ 20 đến 30% trọng lượng thân. Những tháng nuôi sau giảm còn 15 – 20% trọng lượng thân. Sau khi cho ăn 1 – 2 giờ thì kiểm tra lượng thức ăn thừa, nếu còn thì vớt ra hết.

Quản lý và chăm sóc

Hằng ngày đo các yếu tố môi trường (nhiệt độ nước, pH, O­2 hoà tan, NH3, NO2 và NO3, H2S).

Định kỳ 15 – 30 ngày thay nước 1 lần, mỗi lần thay 50 – 70% nước cũ và bổ sung nước mới; 60 – 90 ngày thay 100% nước cũ, vệ sinh đáy bể nuôi và bổ sung nước mới.

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi qua việc quan sát tôm sử dụng thức ăn, để xử lý kịp thời.

Thời gian nuôi và thu hoạch

Giống như nuôi tôm hùm ngoài biển, thời gian nuôi tôm hùm trong bể 18 – 20 tháng, tôm đạt khối lượng 0,7 – 1,3 kg/con thì thu hoạch; có thể thu những con lớn trước nhỏ sau hoặc thu toàn bộ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam