Phòng trừ sâu bệnh trên bắp cải

Thời tiết mưa nắng đan xen tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển các loại rau, trong đó có cây cải bắp. Bà con nông dân cần chú ý cách phòng trừ.

Các loài sâu gây hại

– Sâu tơ: thường tập hợp ở mặt dưới lá.

– Sâu xanh bướm trắng: thường ẩn nấp mặt dưới lá.

– Bọ nhảy sọc cong vỏ lạc: gây hại nặng nhất ở thời kỳ cây con mới mọc nếu mật độ 1 – 2 con/cây kết hợp trưởng thành hại lá có thể làm cây chết.

Sâu tơ hại bắp cải.

Phòng trừ:

– Biện pháp canh tác: Thu dọn tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch. Cuốc lật đất cày sâu 10 – 15 cm, phơi ải từ 10 – 15 ngày trước khi trồng (hoặc lên luống rồi phủ ni-lông trên bề mặt từ 3 – 5 ngày để diệt ấu trùng sau đó gieo trồng bình thường). Bón phân đầy đủ và cân đối, sử dụng phân hữu cơ hoai mục. Thường xuyên luân canh với các cây khác họ. Gieo trồng tập trung đúng thời vụ.

-Biện pháp hoá học:

+ Đối với sâu tơ: Khi mật độ sâu trên 20 con/m2 (giai đoạn cây con) và trên 30 con/m2 (cây lớn) thì sử dụng thuốc: Oncol 20EC, Cyperkill 10EC, 25EC, 5EC, Pegasu 500SC, Reasgant 1,8EC, 3,6EC, Sokupi 0,36AS, Catex 1,8EC, 3,6 E…

+ Đối với sâu xanh bướm trắng: Khi mật độ sâu non trên 6 con/m2 sử dụng thuốc Ratoin 10EC, Delfin WG (32BIU), Biocin 16WP, Cymerin 10EC…

+ Bọ nhảy: Khi mật độ trên 20 con/m2 sử dụng thuốc Actara 25WG, Sokupi 0,36 AS, 0,5AS….

Chú ý: Khi phòng trừ phải phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì, tuân theo nguyên tắc “4 đúng”, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học và thuốc thảo mộc và bảo đảm đúng thời gian cách ly.

Bệnh thối nhũn

Có 2 nguyên nhân gây ra ( do nấm thối hạch và do vi khuẩn thối nhũn gây ra). Cần nhận biết và phân biệt rõ vỡi những triệu chứng sau:

Thối nhũn do nấm

– Do nấm tồn tại trong đất trồng, tàn dư gây ra.

– Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ, mất màu sau đó nhũn ra.

– Bệnh gây thối từng lớp lá từ trên xuống dưới.

– Gặp độ ẩm không khí cao thấy có lớp tơ màu trắng bao phủ vết bệnh. Không có mùi khẳn.

– Thuốc trị bệnh: Validacin3L, Rovral50WP, Anvil5SC, Bennomyl 50WP…

Bắp cải bị thối nhũn

Thối nhũn do vi khuấn

– Do vi khuẩn tồn tại trong đất trồng, tàn dư gây ra

– Lúc đầu thấy xuất hiện một số lá bị héo vào buổi trưa, tươi lại buổi chiều.

– Bệnh làm thối mềm phần trong của cây (lõi) rồi sau đó làm thối nhũn cả bắp.

– Độ ẩm cao, thối nhũn càng nặng và ngửi vết bệnh thấy có mùi khẳn đặc trưng của hiện tượng thối nhũn do vi khuẩn.

– Không có thuốc trị bệnh mà chỉ có thuốc phòng: Kasumin 2L, Starner 20WP, New Kasuran 16,2 WP, Rovral 50WP.

Chú ý: Khi gặp thời tiết có mưa, để phòng bệnh thối nhũn cải bắp, người trồng không nên xới xáo làm đứt rễ cây hoặc vặt lá gốc cây. Đồng thời, cần trừ sâu ăn lá (sâu xanh) nếu có sâu gây hại. Khi ruộng bị nhiễm bệnh, không nên tưới nước vào chiều mát.

Bệnh đốm lá do nấm

Vết bệnh hình tròn, có màu tím đậm sau chuyển nâu có viền vàng hoặc nâu đen. Vết bệnh già có màu đen, đôi khi thấy có một lớp bột màu đen che phủ lên bề mặt vết bệnh. Vết bệnh điển hình nhìn như đốm mắt cua.

Bệnh đốm lá

Thuốc phòng và trị bệnh: Score, Anvil 5SC, Antracol 70WP, Rovaral 50WP…

Bệnh cháy lá bã trầu do vi khuẩn

Vết bệnh có màu đỏ, ẩm thì nhũn ra, khô hanh thì giòn. Cây bị bệnh thường các lá bị cháy từ bìa lá cháy vào. Vết bệnh thường có hình tam giác mà đỉnh là gân lá.

Vi khuẩn tồn tại trong hạt giống và xác cây bị bệnh, không tồn tại trong đất trồng. Các vết thương như các sẹo lá, vết thương do côn trùng, vết thương cơ học, vết bệnh do các mầm bệnh khác,… là các cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập.

Bệnh cháy lá bã trầu

Bệnh nhiễm nặng hơn trong điều kiện có mưa và nhiệt độ cao và có thể lây nhiễm từ cây bệnh sang cây mạnh trong khi vận chuyển sau thu hoạch hoặc trong khi tồn trữ.

Bệnh sưng rễ

Trồng bắp cải chỉ sau 3 tuần bắt đầu tạo củ – đây là bệnh gây sưng rễ cải bắp.
Triệu chứng:
Bệnh sưng rễ cải bắp (hay còn gọi là bệnh nốt sần rễ cải bắp) là một trong những đối tượng bệnh nguy hiểm. Bệnh không chỉ gây hại trên cải bắp mà còn gây hại trên cả su hào, cải bẹ, cải củ và các cây rau họ thập tự khác. Đặc điểm của bệnh là tạo thành các nốt sần, các u bướu trên rễ cây. Các cây bị bệnh lá héo vàng, bắp không phát triển hoặc không hình thành bắp.

A : Bệnh sưng rễ. B : vườn bắp cải bị sưng rễ

Nguyên nhân:
Gây sưng rễ cải bắp được xác định là do nấm Plasmodiophora brassicae Wor. Nấm gây bệnh là một loại ký sinh chuyên tính và chỉ phát triển trong tế bào cây đang sống. Bào tử ngủ nghỉ ở trong đất, đến khi gặp điều kiện thuận lợi thì phát triển thành các du động bào tử có một lông roi ở phía đầu. Các du động bào tử này xâm nhập vào cây qua các lông rễ để gây bệnh. Sau khi xâm nhập vào rễ cây các du động bào tử biến thành các khối chất nguyên sinh hình cầu, sau đó các khối này lại phân chia thành nhiều du động bào tử đơn bội thể giao phối với nhau và tạo thành các khối nhị bội thể. Vào cuối giai đoạn sinh trưởng của cây, dưới tác động của các vi sinh vật trong đất, các nốt sần ở rễ cây vỡ ra, bào tử nấm rơi vào đất và là nguồn lây bệnh cho vụ sau.
Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh:
Bào tử nấm nảy mầm trong phạm vi nhiệt độ từ 6 – 28 C, độ ẩm đất vào khoảng 50 – 97%; nhưng nhiệt độ thích hợp cho bào tử nảy mầm là từ 18 – 25 C và ẩm độ đất là từ 75 – 90%. Trong đất không phải tất cả các bào tử đều nảy mầm một lúc; khả năng sống của bào tử nấm từ 6 – 7 năm. Nấm lan truyền từ ruộng này sang ruộng khác cùng với cây giống, cũng có thể qua dòng nước tưới, qua giun và các loại côn trùng sống trong đất.
Biện pháp phòng trừ bệnh:
+ Gieo trồng các giống cây chống bệnh.
+ Không trồng cải bắp và cây họ hoa thập tự 2 – 3 năm liên tiếp trên cùng mảnh ruộng.
+ Loại bỏ cây con bị bệnh trước khi mang ra ruộng trồng.
+ Trên chân đất chua cần bón bổ sung vôi.
+ Vun gốc cho cải bắp sau mỗi lần bón thúc và tưới nước để cải bắp ra thêm rễ mới giúp cây phát triển tốt hơn.
+ Tích cực diệt trừ cỏ dại đặc biệt là cỏ dại họ hoa thập tự vì nấm có thể tích luỹ ở rễ các loại cây này.
+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện cây bệnh kịp thời nhổ bỏ cả cây lẫn rễ và mang tiêu huỷ.
+ Có thể sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma trộn với phân chuồng khô từ 10 – 15 ngày sau đó bón vào rãnh trước khi trồng cây.

Tổng hợp bởi Farmtrch Vietnam

Phòng trị bệnh cho tôm hùm nuôi

Nuôi tôm hùm thương phẩm đang gặp một số bệnh làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và sinh trưởng. Nắm vững các biện pháp phòng, trị bệnh cho tôm hùm để kịp thời hạn chế thiệt hại kinh tế cho người nuôi, là rất cần thiết.

Phòng trị bệnh cho tôm hùm nuôi

Phòng bệnh tổng hợp

Để quản lý môi trường người nuôi cần chọn địa điểm nuôi thích hợp, xa các nguồn nước thải, nền đáy không bị ô nhiễm, không đặt lồng sát đáy. Vệ sinh lồng nuôi thường xuyên để tăng lưu lượng dòng chảy. Định kỳ treo các túi vôi quanh lồng nuôi, nhất là khi xuất hiện bệnh. Loại bỏ thức ăn thừa ra khỏi lồng nuôi. Về vấn đề kiểm soát tác nhân gây bệnh, người nuôi nên chú ý tránh các xây xát cơ học như vận chuyển, đánh bắt, chuyển lồng… và phòng tránh ký sinh trùng gây hại. Chọn tôm hùm giống chất lượng tốt, khỏe mạnh; thời gian lưu trữ tôm giống không quá 48 giờ từ khi khai thác ở biển đến lúc thả ương nuôi. Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có tôm bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh, nhằm hạn chế lây lan.

Thức ăn tươi được bảo quản tốt, được sát trùng bằng thuốc tím trước khi cho ăn. Thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm, loại bỏ các cá thể yếu, vỏ lột xác và điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp từng thời điểm. Bổ sung Vitamin C liều 5 – 10 g/kg thức ăn, acid amin, khoáng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.

Trị một số bệnh

Bệnh đỏ thân.

Bệnh đỏ thân ở tôm hùm

Nguyên nhân gây bệnh là do nước và đáy khu vực lồng bè bị ô nhiễm nặng, thức ăn thừa nhiều, vệ sinh kém, gây nhiễm khuẩn Vibrio. Mang tôm và thân tôm đều chuyển sang màu hồng. Tôm bỏ ăn, kém hoạt động, giảm tăng trưởng, chết hàng loạt. Bệnh xuất hiện ở tôm con và tôm trưởng thành.

Trị bệnh bằng cách tắm cho tôm trong dung dịch Oxytetracyline 0,5 – 2 g/m3 nước. Tắm trong 15 phút, liên tục 5 – 7 ngày. Hoặc trộn Docyxyline vào thức ăn được bao dầu với lượng 3 – 7 g/kg thức ăn trong 5 – 7 ngày.

Bệnh đen mang.

Tôm hùm bị đen mang

Bệnh do nấm Fusarium gây ra khi lồng nuôi bẩn, môi trường nước bị ô nhiễm. Làm cho mang bị tổn thương chuyển thành màu đen và khi bệnh nặng toàn bộ tơ mang bị phá hủy. Bệnh thường xảy ra ở tôm hùm giai đoạn trưởng thành.

Có thể tắm cho tôm bằng Formalin nồng độ 10 – 20 ml/mtrong 5 – 10 phút, trong 2 – 4 ngày để trị bệnh. Lưu ý, tôm bệnh sau khi xử lý thuốc cần được thả nuôi ở lồng khác.

Bệnh trắng râu.

Râu 1 chuyển từ màu nâu sang màu vàng, hồng rồi sang trắng. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở tôm con, làm cho tôm chết hàng loạt. Nguyên nhân là do tôm bị nhiễm nấm Lagenidium sp, Fusarium sp.

Trị bệnh bằng việc tắm cho tôm bằng dung dịch Formalin nồng độ 15 – 25 ml/m3 nước, sục khí trong 15 phút, liên tục 5 – 7 ngày. Đồng thời, treo các túi vôi giữa các lồng nuôi.

Bệnh đóng rong.

Ðộ trong của nước cao làm khả năng xuyên sâu ánh sáng lớn khiến rong tảo phát triển mạnh.Tôm ít hoạt động, kém ăn chậm lớn, chu kỳ lột xác chậm.

Trị bệnh: bắt những con tôm bệnh tắm bằng formol với nồng độ 100 – 200ppm (1 -2 ml formol/10 lít nước), trong thời gian từ 5 – 10 phút.

bệnh sữa

Tôm hùm bị bệnh sữa

Bệnh sữa ở tôm hùm do vi khuẩn Rickettsia – like là tác nhân chính; ngoài ra còn do vi khuẩn V. fluvialis, V.alginolyticus và một số ký sinh trùng.

Khi phát hiện tôm bị bệnh, tiến hành tiêm thuốc cho toàn bộ tôm trong lồng nuôi bằng Oxytetracyline 20% chứa LA và nước cất để pha. Với tôm hùm < 500 g/con, pha thuốc chứa 1ml Oxytetracyline 20% + 9ml nước muối sinh lý (hoặc nước cất), lắc đều, liều tiêm là 0,1ml thuốc đã pha/100g tôm. Với tôm > 500 g/con thì pha thuốc chứa 2ml Oxytetracyline 20% + 8ml nước muối sinh lý (hoặc nước cất), liều tiêm là 0,05ml thuốc đã pha/100g tôm. Sau khi tiêm thuốc tiến hành ghi chép và theo dõi 2 lần/ngày khả năng bắt mồi cùng với dấu hiệu lâm sàng của bệnh sữa trong đàn tôm.

Ngoài ra, tôm hùm còn có thể mắc một số bệnh khác (bệnh to đầu, bệnh mềm vỏ, bệnh phồng mang, bệnh đóng hàu, sụn…). Bệnh chủ yếu phát sinh do môi trường ô nhiễm, tôm suy dinh dưỡng, kém ăn, khó lột xác. Những bệnh trên tỷ lệ xuất hiện không cao, tôm chết rải rác, không gây thiệt hại cho người nuôi; nếu biết ngăn ngừa, kiểm soát và thực hiện tốt khâu phòng bệnh tổng hợp thì sẽ tránh được các bệnh này.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam