An toàn sinh học trong nuôi tôm

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, trong đó đáng chú ý là các bệnh do virus. Do đó việc đảm bảo An toàn sinh học trong nuôi tôm là thực sự cần thiệt nhằm giảm thiểu tác hại dịch bệnh.

Vai trò An toàn sinh học trong nuôi tôm

Dịch bệnh bùng phát là một trong những vấn đề đáng lo ngại cho phát triển NTTS bền vững. Trong nhiều thập kỉ, các mầm bệnh trên tôm đã và đang gây thiệt hại lớn cho các trại nuôi. Các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh, nhằm kiểm soát dịch bệnh trên tôm. An toàn sinh học trong nuôi tôm là một khái niệm mới, thường đề cập đến các biện pháp quản lý bảo vệ đàn khỏi sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, đồng thời giảm thiểu sự lây lan và các tác động bất lợi đối với đối tượng nuôi.

Trong nuôi tôm, ATSH liên quan đến các biện pháp để giảm tác động và khả năng lây của mầm bệnh. Hiện nay, người nuôi vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc áp dụng các biện pháp ATSH, do nhiều nguyên nhân bao gồm: thiếu kinh nghiệm, tốn chi phí, và chưa thấy được lợi ích thực tiễn của việc áp dụng ATSH trong mô hình nuôi.

Đảm bảo an toàn sinh học trong nuôi tôm

Việc thực hiện các quy trình ATSH đòi hỏi mức độ nhận thức và kỷ luật cao, và sự cam kết mạnh mẽ, cùng với tính bền vững của ban quản lý và cả người thực hiện.

Áp dụng ATSH để quản lý các tác nhân gây bệnh chủ yếu phải phòng ngừa bao gồm: thu mẫu động vật và xét nghiệm nghiêm ngặt; các quy trình xử lý cho động vật và nhân viên, các quy trình làm sạch, khử trùng, và các biện pháp khác được áp dụng để loại bỏ tối đa các tác nhân gây bệnh. Đối với EMS, cần hạn chế sự tích tụ của thức ăn dư thừa cũng như các chất hữu cơ – đây là nguyên nhân cho sự phát triển của tác nhân gây bệnh Vibrio parahaemolyticus.

Trong ngành công nghiệp tôm, các biện pháp an ninh sinh học bao gồm: các vật nuôi được kiểm nghiệm, kiểm dịch, các rào cản vật lý, xử lý nước, sử dụng tôm sạch bệnh (Specific pathogen-free – SPF) và tôm kháng bệnh (Specific athogen-resistant – SPR) (Lightner 2003; Horowitz và Horowitz 2003).

Việc áp dụng ATSH trong nuôi tôm phải đảm bảo lợi ích kinh tế, bao gồm các yếu tố sau: thiết kế mô hình nuôi, thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập và phát triển của các tác nhân gây bệnh, nguồn tôm bố mẹ và chất lượng con giống. Nguồn tôm bố mẹ phải được chọn lọc sạch bệnh, có khả năng kháng bệnh và tăng trưởng tốt. Mô hình nuôi hạn chế tối đa sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bao gồm: xác định mùa vụ thả nuôi, hạn chế tối đa việc thay nước, quản lý cho ăn hiệu quả, bổ sung cho tôm ăn các chất kích thích miễn dịch nhằm tăng sức đề kháng của vật nuôi.

Vị trí trại nuôi và thiết kế mô hình nuôi đóng vai trò rất quan trọng cho thành công của vụ nuôi. Điều này ít được trại nuôi quan tâm trong việc thiết kế ban đầu. Điều này đóng vai trò quan trọng trong phòng bệnh.

Hạn chế thay nước và trao đổi nước là một trong những mô hình nuôi được phát triển trong những năm gần đây. Hạn chế thay nước qua đó ngăn ngừa khả năng xâm nhập của các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, đồng thời tránh được sự biến động của các yếu tố môi trường thường là nguyên nhân gây stress cho vật nuôi. Ở nhiều nước đã áp dụng rất thành công mô hình này trong đó tiêu biểu là mô hình nuôi khép kín theo công nghệ biofloc.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Một vài lưu ý đến bà con nuôi tôm khi thời tiết có áp thấp nhiệt đới

Khi thời tiết có áp thấp nhiệt đới, thì kèm theo đó là có một đợt không khí lạnh, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và miền Bắc có khi nhiệt độ không khí xuống rất thấp dẫn đến nhiệt độ nước ao nuôi tôm cũng hạ theo. Vì thế trong thời gian này tôm nuôi rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh đốm trắng gây thiệt hại cho bà con nuôi tôm rất lớn.

Để giảm thiệt hại trong những lúc thời tiết xấu như thế này, bà con cần thực hiện một số lưu ý sau:

Tôm bị đốm trắng

Kiểm tra mực nước ao

Không nên để mực nước ao quá cạn (thấp hơn 1m), vì trong điều kiện thời tiết ấm thì mực nước thấp tôm có thể phát triển tốt được, nhưng khi áp thấp nhiệt đới thì thời tiết chuyển lạnh, nếu mực nước ao nuôi thấp thì nhiệt độ nước tầng đáy sẽ hạ theo rất nhanh, làm cho tôm nuôi dễ phát bệnh, vì thế cần giữ mực nước ao tối thiểu là 1,2m trở lên.

Lưu ý: cũng không nên nâng mực nước ao quá sâu, vì khi áp thấp nhiệt đới thì thời tiết âm u kết hợp theo mưa, do đó hàm lượng oxy hòa tan từ không khí xuống ao nuôi tôm rất thấp, nếu oxy xuống mức quá thấp có thể làm cho tôm chết, tùy theo mật độ tôm nuôi mà bà con có thể nâng lên ở mức hợp lý, nhưng khuyến cáo bà con không nên nâng nước ao nuôi tôm quá 1,6m.

Kiểm tra các yếu tố môi trường

Khi thời tiết có áp thấp nhiệt đới thường kèm theo mưa, kéo theo các yếu tố môi trường sẽ thay đổi, đặc biệt là pH có xu hướng giảm. Vì thế bà con cần sử dụng vôi để giữ ổn định pH.

Quản lý cho ăn

Khi điều kiện thời tiết bất lợi, thì chắc chắn tôm sẽ giảm ăn, vì vậy trong giai đoạn thời tiết áp thấp nhiệt đới thì bà con nên giảm lượng thức ăn cho tôm, nhằm tránh hiện tượng thừa thức ăn, gây lãng phí và ảnh hưởng xấu đến môi trường ao nuôi tôm, làm phát sinh nhiều khí độc ảnh hưởng đến phát triển của tôm nuôi.

Cho tôm ăn

Tăng sức đề kháng của tôm

Tôm là động vật bậc thấp biến nhiệt, do đó thời tiết (cụ thể là nhiệt độ nước) thay đổi thì nhiệt độ cơ thể tôm sẽ thay đổi theo, vì thế nếu tôm đang yếu kết hợp với thời tiết bất lợi thì đó là lúc tôm dễ bị phát bệnh nhất, do đó trong giai đoạn này bà con nên tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách trộn vào khẩu phần thức ăn của tôm các nhóm Vitamin, đặc biệt là Vitamin C rất cần trong giai đọan này.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Những Việc Cần Làm Khi Nuôi Tôm Vào Mùa Mưa

Các yếu tố ở môi trường ao nuôi dễ thay đổi đột ngột mỗi khi vào mùa mưa khiến tôm dễ bị sốc và phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, người nuôi cần xử lý và có biện pháp chăm sóc phù hợp cho tôm ở thời điểm này.

Quản Lý Thức Ăn

Người nuôi cần chú ý khi trời mưa cần phải giảm lượng thức ăn cho tôm.

Nên tránh lượng thức ăn dư thừa trong ao bởi thức ăn thừa sẽ khiến pH nước ao giao động mạnh và thường gây ra hiện tượng tôm đóng rong, lục tảo phát triển mạnh.

Mật Độ Thả Thích Hợp

Trong mùa  mưa việc nuôi thả tôm cần tránh mật độ dày, nên thả với mật độ vừa phải (<25 con/ m2), vì:

  • Mùa mưa hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp.
  • Các yếu tố môi trường dễ biến động ( độ pH, độ kiềm, độ mặn…)

 Ao Nuôi

– Người nuôi tôm có thể nuôi thay đổi ao sau từng vụ.

– Cần cung cấp nước đầy đủ khi cần thiết.

– Việc xử lý và lắng nước cần thực hiện theo đúng quy trình.

Tăng Cường Hệ Thống Quạt Nước, Oxy Đáy Ao

–  Các chuyên gia thủy sản cho rằng cứ 1 cánh quạt cung cấp đầy đủ oxy cho 2.800 con tôm từ lúc mới thả đến khi thu hoạch.

– Người nuôi cần lắp cánh quạt theo đúng yêu cầu kỹ thuật:

+ Để mùn bã hữu cơ được gom vào giữa thì khi vận hành quạt nước phải được xoáy vào giữa ao.

+ Vận tốc của guồng quạt phải đạt từ 80-85 vòng/ phút.

+ Cách thử: Có thể đổ xuống ao từ 5-10 kg saponin, sau đó cho quạt chạy, nếu bọt nước tập trung ở giữa ao là lắp quạt đúng.

– Tăng cường hệ thống oxy đáy ao nếu có thể.

– Người nuôi cần làm hệ thống lưới đáy ao giúp hạn chế phù sa và tăng thêm diện tích cho tôm ở.

Tăng Cường Bón Vôi Trong Ao Nuôi

Trong ao nuôi pH luôn phải đạt từ 7,5-8,5, sau khi mưa một lượng a-xít trong nước mưa sẽ làm pH giảm xuống và có thể gây sốc cho tôm, do đó:

– Để giúp tôm không bị sốc sau khi mưa cần bón vôi bổ sung cho ao nuôi (tùy theo độ pH để bón).

– Để tránh hiện tượng phân tầng nước, người nuôi cần chú ý kết hợp quạt nước.

– Trước khi có dấu hiệu của những cơn mưa cần rải vôi dọc bờ ao.

 Giải Quyết Nước Đục Trong Ao

– Nước trong ao đục chủ yếu do hạt sét gây nên. Tuy không gây ảnh hưởng trực tiếp cho tôm nhưng gây ra một số ảnh hưởng sau:

+ Làm tảo không quang hợp được dẫn đến thiếu oxy trong ao, hàm lượng CO2 quá cao làm tôm ngạt thở.

+ Tôm hay bị sưng hoặc vàng mang do phù sa bám vào.

– Để khắc phục hiện tượng nước đục sau khi mưa, có thể sử dụng 1 trong những cách sau đây để giải quyết cho ao 5.000m3 nước:

+ Dùng 125kg rơm khô thả dọc bờ ao và kết hợp 10 kg BLUEMIX. Rơm được bó thành từng bó khoảng 3-5 kg thả xuống ao, khi thấy nước tiết ra có màu đỏ thì vớt lên và lặp lại 2-3 lần.

+ Dùng 150 kg thạch cao, nếu sau 2 lần đánh mà nước vẫn chưa trong thì nên tăng nồng độ ở lần thứ 3. Chú ý trước khi sử dụng thạch cao phải nâng độ kiềm của ao lên 100 ppm rồi mới sử dụng.

Sau khi sử dụng 1 trong 2 phương pháp trên mà không có hiệu quả thì chúng ta sử dụng phương pháp sau:

+ Dùng sun-phát nhôm Al2(SO4)3.14 H2O với liều lượng 50 kg. Khi sử dụng phương pháp này chú ý phải tăng pH và độ kiềm của ao .Đây là biện pháp cuối cùng, chỉ sử dụng khi không còn làm được cách khác vì rất nguy hiểm.

Khi nước đã giảm đục cần phải gây màu nước bằng cách dùng BLUEMIX với liều lượng 2-3 kg/1.000m3 nước.

 Thường Xuyên Kiểm Tra Hoạt Động Của Tôm Và Môi Trường Nước Sau Mưa

– Người nuôi cần kiểm tôm nuôi (các đặc điểm hình dáng bên ngoài, màu sắc, phản xạ, kiểm tra đường ruột của tôm, thức ăn trong nhá…)

– Kiểm tra các yếu tố môi trường ao như:  pH, độ kiềm, độ đục, độ mặn.

Gây nuôi thức ăn tự nhiên theo công nghệ copefloc cho năng suất cao

Copefloc sử dụng copepods (giáp xác chân chèo), các hạt biofloc và các động vật thân mềm sống đáy (giun nhiều tơ,…) như là một nguồn thức ăn chính yếu cho tôm nuôi và hoàn toàn không sử dụng thức ăn viên công nghiệp.

Công nghệ Copefloc – công nghệ gây nuôi thức ăn tự nhiên

Để gây nuôi thức ăn tự nhiên theo công nghệ Copefloc cho năng suất cao, sau khi lấy nước vào ao nuôi từ ao lắng (nước được xử lý, lắng lọc ở ao lắng trong một thời gian dài) đến khi đạt độ sâu từ 1.2 – 1.5 m, tiến hành gây nuôi copepods, các loài phiêu sinh động vật, giáp xác nhỏ khác (krill) và động vật thân mềm sống đáy (barnacle, giun nhiều tơ, các loài hai mảnh vỏ, và các loài động vật thân mềm sống đáy khác) bằng cách dùng cám gạo lên men với chế phẩm sinh học (probiotics).

Tuyệt đối không cung cấp nguồn copepods hay các sinh vật khác từ bên ngoài vào ao nuôi để tránh trường hợp chúng mang mầm bệnh vào ao nuôi, tất cả các loài thức ăn tự nhiên có trong hệ thống nuôi tự nó sẽ phát triển khi có các điều kiện thích hợp. Cám gạo được cho vào trong chậu (bể) lớn, cho nước ao nuôi và chế phẩm sinh học vào và sụt khí mạnh trong 24 – 48 giờ.

        Giun nhiều tơ và các loài động vật thân mềm sống đáy trong ao nuôi copefloc

Sau đó cho hỗn hợp cám gạo lên men vào trong túi vải dài (dạng giống như ống bơm nước), chuyển xuống ao nuôi và thường xuyên đảo túi vải để dịch cám gạo lên men với probiotic lan tỏa khắp ao nuôi. Ao nuôi được sụt khí liên tục trong thời gian từ 7 – 10 ngày trước khi thả giống tôm.

Sử dụng cám gạo lên men ban đầu với liều lượng khoảng 300 kg hoặc 30 ppm trên 1 hecta để gây tạo thức ăn tự nhiên trong ao. Cám gạo lên men sẽ là nguồn thức ăn cho copepod, động vật thân mềm và các loài sinh vật khác trong ao.

Trong quá trình nuôi không cần cho ăn; thay vào đó người nuôi phải quản lý, duy trì quần thể và mật độ thức ăn tự nhiên, lượng biofloc trong ao nuôi. Thu mẫu và tính toán mật độ copepod hằng ngày bằng cách dùng xô, chậu lấy 50 – 100 lít nước ở các vị trí khác nhau trong ao nuôi.

     Đây là nguồn dinh dưỡng tự nhiên rất tốt cho tôm nuôi. 

Sau đó lọc qua lưới phiêu sinh, kích thước mắt lưới 50 – 70 µm, cho vào lọ 60 ml, cố định bằng formol 2 – 4%. Dùng pipet lấy 1 ml và đếm dưới kính hiển vi ở độ phóng đại 10X, 40X, bằng phương pháp di chuyển buồng đếm theo tọa độ. Từ đó tính toán được mật độ của copepod và điều chỉnh lượng chế phẩm sinh học bón xuống ao làm thức ăn cho copepod và sinh vật trong ao nuôi.

Để kích thích sự hình thành và duy trì tính ổn định của biofloc, cần bổ sung biofloc mồi và bổ sung nguồn cacbon vào hệ thống nuôi. Có rất nhiều nguồn cung cấp cacbon: bột ngũ cốc, mật rỉ đường, bột bã mía, rơm, cỏ. Duy trì hàm lượng biofloc < 1 ml/l trong suốt chu kỳ nuôi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Làm giàu từ mô hình nuôi sò huyết trong ao tôm

Mô hình này đã mang lại nguồn lợi lớn, giúp các hộ dân thoát nghèo và hiện tại đang được nhân rộng ở các tỉnh phía Nam, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

                                                sò huyết của bà con nông dân

Hộ anh Nguyễn Quốc Trạng ở ấp Kênh Lớn, xã Đông Thới (Cái Nước, Cà Mau) có hơn 1 ha đất vuông tôm. Đầu năm, anh thả hơn 300 kg sò giống (chi phí 27 triệu đồng). Sau 9 tháng nuôi thu được 137 triệu, trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu.

Không riêng gì gia đình anh Trạng, rất nhiều bà con trong vùng có nguồn thu nhập cao nhờ nuôi sò. Có hộ nuôi thành công nhiều năm nay và được bà con địa phương đặt cho cái biệt danh thật thân thương gắn liền với con sò.

Ông Tám “sò” (ông Nguyễn Văn Tám, một trong những người nuôi sò đầu tiên ở Cái Nước) đã xây được nhà cửa khang trang. Cũng nhờ nuôi sò, ông mua thêm được 5 công đất.

Ông Tám chia sẻ, nhiều năm trước, bà con sống chủ yếu dựa vào con tôm, con cua nhưng chỉ đủ ăn. Khi mô hình nuôi sò trong vuông tôm hình thành, nhiều hộ phất hẳn lên. Có của ăn của để, còn mua thêm được đất.

“Hồi đó thấy sò huyết sinh sống và phát triển tốt ở các cửa biển rồi vào cả các tuyến kênh nối biển. Nhiều bà con khai thác kiếm thêm thu nhập. Nhưng những con sò nhỏ bán không ai mua, mang về ăn thì phí quá. Một vài hộ thả đại xuống vuông tôm nhà mình, sống chết mặc bay, không ngờ mang lại hiệu quả”, ông Tám “sò” hồi tưởng.

Từ thành công của bà con ở Cái Nước, Đầm Dơi (Cà Mau) mô hình nuôi sò tràn sang huyện bạn Đông Hải (Bạc Liêu). Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, bà con vùng này còn có nguồn thu nhập cao hơn cả nơi “đất tổ” của mô hình nuôi sò.

Theo số liệu thống kê từ Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải, diện tích nuôi sò trong mô hình “Nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp thả ghép sò huyết” của huyện đã tăng lên 578 ha chỉ hơn 100 ha), chủ yếu tập trung ở xã An Phúc, An Trạch A và Long Điền Tây dọc theo tuyến kênh sáng Gành Hào – Hộ Phòng. Ước lợi nhuận bình quân đạt từ 100 – 200 triệu đồng/ha.

Anh Trang Minh Cảnh, ngụ ấp 2, xã An Trạch A (Đông Hải) cho biết: “Sò rất dễ nuôi, không có quá nhiều rắc rối về kỹ thuật. Chỉ cần mua giống về quăng xuống, trông coi. Sau gần 1 năm trên 4 ha thử nghiệm  tôi thu gần 100 triệu đồng”.

Theo kinh nghiệm nuôi sò của bà con xã An Trạch A không phải vùng nào nuôi sò huyết cũng thuận. Nuôi con sò phải đảm bảo lấy được nước ra vào thường xuyên để cải tạo môi trường.

Đặc biệt cần chú ý vuông tôm nào mà có rong sống dưới đáy thì không thể nuôi sò được, thả giống xuống là chết hết, cũng chưa rõ tại sao sò lại kỵ rong đến như vậy. Còn theo sự tích góp kinh nghiệm cả chục năm nay của ông Tám “sò”.

Sò huyết ăn phù sa, vì vậy chúng phù hợp với nơi có thủy triều lên xuống. Càng gần cửa biển, càng dễ nuôi. Trên địa bàn xã Đông Thới vùng thích hợp nuôi sò, nhất là các vuông tôm dọc theo tuyến kênh Đông Hưng dài khoảng 9 km.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Lưu ý yếu tố môi trường khi thả tôm sú giống

Việc đảm bảo tỷ lệ sống của tôm giai đoạn mới thả là rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả quá trình sinh trưởng, phát triển, năng suất sau này của tôm nuôi. Vì vậy, cần điều chỉnh các yếu tố môi trường ở mức tối ưu khi thả giống.

Màu nước, độ trong

Màu nước và độ trong là hai chỉ tiêu đánh giá tình trạng môi trường sống của tôm nuôi; đồng thời là căn cứ để theo dõi và điều chỉnh chất lượng nước phù hợp tôm giống khi thả. Nếu độ trong quá cao (> 50 cm), ao nuôi sẽ rất nghèo dinh dưỡng, không đủ lượng thức ăn tự nhiên cho tôm. Hơn nữa, chất lượng nước không ổn định, pH thấp, rong và tảo đáy phát triển mạnh, tôm giống dễ bị sốc và chậm lớn. Nếu độ trong quá thấp do mật độ tảo dày dễ làm cho độ pH trong ao nuôi tăng cao (pH > 9) vào buổi trưa và chiều. Khi thả tôm giống, độ trong của nước thấp do mật độ tảo lớn, chu kỳ nở hoa của tảo trong ao nuôi sẽ xảy ra sau khi phát triển đến đỉnh sau khi nuôi trong thời gian ngắn. Cần có biện phắp khắc phục để giảm mật độ tảo trước khi thả giống. Cùng với độ trong, màu nước là yếu tố vật lý người nuôi cần quan tâm trước khi thả giống. Nên thả giống khi thấy nước có màu xanh nõn chuối hay màu nâu và độ trong 30 – 40 cm.

pH

Có thể thả tôm giống khi pH 7,5 – 8,5 (tốt nhất là 7,8 – 8), dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5. Khi pH quá cao hoặc quá thấp so với mức thích hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự duy trì cân bằng pH của máu trong cơ thể tôm, rất dễ gây sốc cho tôm giống, tôm giống chết khi pH < 4 và pH > 11, ở mức pH 4 – 7 và 9 – 11 tôm rất chậm lớn, dễ cảm nhiễm bệnh. Hơn nữa pH thấp có thể làm tổn thương phần phụ, mang, ảnh hưởng đến quá trình lột xác và cứng vỏ. Ngoài ra còn làm tăng khả năng gây độc của khí H2S và làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, làm cho mang tôm tiết ra nhiều chất nhầy, giảm sức đề kháng của tôm. Khi pH tăng cao (> 9) sẽ làm cho các tế bào ở mang và các mô của tôm bị phá hủy; đồng thời làm tăng tính độc của khí amoniac (NH3) trong môi trường nước.

Độ kiềm

Độ kiềm giữ vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hệ đệm của hệ sinh thái ao nuôi. Đây được xem là một trong những chỉ tiêu quan trọng có tác dụng làm giảm sự biến động của pH nước, hạn chế tác hại các chất độc có sẵn trong nước tránh gây sốc bất lợi cho tôm nuôi. Độ kiềm thích hợp trong nuôi tôm là 80 – 120 mg/l, cũng là mức thích hợp khi thả tôm giống. Khi độ kiềm thấp hơn mức này thì pH dễ biến động, tôm bị mềm vỏ; nhưng khi độ kiềm cao quá thì tôm khó lột xác.

Nhiệt độ

Nhiệt độ thích hợp cho tôm là 28 – 320C; nhưng chỉ nên thả giống khi nhiệt độ dưới 300C, lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tôm sú là động vật biến nhiệt (nhiệt độ cơ thể luôn thay đổi theo nhiệt độ môi trường sống), chúng không có khả năng ổn định nhiệt độ trong cơ thể; sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng bắt mồi, làm mất cân bằng pH trong máu, thay đổi chức năng điều hoà áp suất thẩm thấu, làm rối loạn hô hấp và quá trình chuyển hoá vật chất bên trong cơ thể của nó, sinh lý bị rối loạn biểu hiện bên ngoài là cong thân, đục cơ, tôm ít hoạt động, nằm im và tăng cường hô hấp, rất dễ nhiễm bệnh, rủi ro sẽ rất lớn.

  thả tôm sú giống

Khi thả tôm, cần thả cả bao tôm giống xuống ao nuôi 15 – 20 phút khi nhiệt độ trong bao vận chuyển giống bằng với nhiệt độ ngoài môi trường nuôi. Sau đó bắt đầu mở bao tôm giống ra, tạt nước ngoài môi trường vào bao, rồi từ từ thả tôm giống ra ngoài ao nuôi.

Độ mặn

Độ mặn thích hợp nhất cho tôm sú là 8 – 20‰. Độ mặn giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa áp suất thẩm thấu giữa nguyên sinh chất của tôm sú và nước. Độ mặn vượt ra ngoài giới hạn thích ứng của tôm nuôi sẽ gây ra các phản ứng sốc cho cơ thể, làm giảm khả năng kháng bệnh của chúng. Độ mặn còn ảnh hưởng đến độ kiềm và độ pH, khả năng sinh trưởng của tôm. Đối với những vùng có độ mặn cao hơn 25‰ không phù hợp cho phát triển của tôm nuôi và dễ xảy ra dịch bệnh, cần chủ động bổ sung nguồn nước ngọt để có độ mặn phù hợp trước khi thả tôm giống. Vùng không có điều kiện thì hạn chế thả tôm giống hoặc thả vào thời điểm đón mùa mưa.

Trong ao nuôi tôm, độ mặn có thể tăng nhanh do hiện tượng bốc hơi nước (thường vào mùa khô) hoặc có thể giảm cục bộ do mưa (thường vào mùa mưa). Vì vậy trước khi thả tôm giống cần đo độ mặn để lên kế hoạch thuần tôm cho phù hợp.

Ôxy hòa tan

Hàm lượng ôxy hòa tan ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ sống của tôm nuôi ngay trong 10 ngày đầu. Sau khi thả giống, tôm thường bị yếu hơn do vận chuyển và phải thích nghi môi trường sống mới. Vì vậy, cần chạy máy quạt nước trước khi thả tôm giống khoảng 8 giờ, đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan được bão hòa, và tắt quạt nước trước khi thả tôm 1 giờ mà hàm lượng ôxy hòa tan lúc thả tối thiểu đạt 4 mg/lít.

Hàm lượng khí độc

Trước khi thả tôm giống cần đo hàm lượng khí độc trong ao nuôi. Chỉ thả giống khi hàm lượng H2S < 0,01 mg/lít và NH3 < 0,1 mg/lít. Khi hàm lượng khí độc cao quá mức cho phép, dễ gây sốc cho tôm giống, thậm chí có thể gây chết hàng loạt.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Hạn chế stress trên tôm

Trong nuôi tôm, có rất nhiều yếu tố tác động đến quá trình sinh trưởng và phát triển, gây tình trạng stress ở tôm và làm ảnh hưởng đến năng suất vụ nuôi. Do đó, thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế stress cho tôm là vô cùng quan trọng.

  1. Khái niệm

Stress là trạng thái mất cân bằng nội mô của cơ thể, là một trạng thái sinh lý không bình thường gây ra do tác động của các yếu tố bất lợi của môi trường ngoài hay trong cơ thể. Các yếu tố này gọi là tác nhân stress. Khi điều kiện ngoại cảnh thay đổi, có tác nhân stress mà cơ thể không duy trì được cân bằng nội mô thì con vật sẽ lâm vào trạng thái stress và phải trải qua quá trình stress để tiến tới thích nghi với ngoại cảnh mới. Đây chỉ là một quan điểm, vì định nghĩa chính xác về stress vẫn còn vượt quá sự hiểu biết của các nhà khoa học, mặc dù đã có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này.

kiểm tra tôm trong quá trình nuôi

Thế nhưng, không phải loại tác nhân gây stress nào cũng có hại, trong thực tế sản xuất, con người đã lợi dụng, khai thác các yếu tố stress để kích thích vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhiều, đẻ sớm, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm như bổ sung thêm các loại thuốc bổ, premix khoáng, acid amin… sử dụng chế độ màu sắc, cường độ ánh sáng phù hợp, tăng thời gian chiếu sáng để vật nuôi nhanh lên giống, tăng tỷ lệ trứng rụng… Ngày nay trong chăn nuôi công nghiệp, các yếu tố stress có lợi này đang được khai thác áp dụng rất nhiều để nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh.

  1. Tác nhân và ảnh hưởng

Trong nuôi tôm, các tác nhân gây stress bao gồm: thay đổi thời tiết, khí hậu, thay đổi thức ăn đột ngột, nuôi ghép, vận chuyển, nuôi nhốt, dùng thuốc quá liều quy định, chất lượng nước kém…. tất cả những yếu tố đó đều gây bất lợi cho con vật hay còn gọi là con vật bị stress làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển bình thường. Cụ thể, đối với tôm nuôi, các yếu tố có thể gây stress trong ao nuôi như: Sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, pH, độ mặn, mưa liên tục, nắng nóng kéo dài; quá trình vận chuyển tôm giống, sang tôm; mật độ thả tôm dày; thiếu ôxy, nồng độ CO2 cao; NH3, H2S cao; chất rắn lơ lửng, hàm lượng kim loại nặng trong ao cao; độc tố do nấm, vi khuẩn; thuốc trừ sâu; tôm thường xuyên bị thiếu dinh dưỡng; quá trình lột xác; Xử lý nước bằng hóa chất quá liều hoặc hóa chất gây độc cho tôm; tôm bị nhiễm bệnh do ký sinh trùng, vi khuẩn hay virus…

Tôm bị stress có thể giảm ăn đôi khi bỏ ăn, màu sắc cơ thể bất thường như hồng nhạt, tím nhạt hoặc sẫm màu hơn so với bình thường; tôm dễ bị cong thân, đục cơ. Stress xảy ra phổ biến ở tất cả các ao tôm, đặc biệt là nuôi thâm canh. Stress gây hại thầm lặng nhưng nguy hiểm bởi khi tôm bị stress, trao đổi chất bị rối loạn dẫn đến mất khoáng, giảm hấp thu dưỡng chất, tiêu hóa giảm; bơi lội kém, giảm bắt mồi; tăng trưởng chậm, giảm sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh và tệ hại hơn là tôm bị chết.

  1. Biện pháp hạn chế

Tôm có thể bị stress từ bất cứ tác nhân nào trong quá trình nuôi. Do đó, chủ động thực hiện biện pháp phòng bệnh bằng các phương pháp nuôi an toàn sinh học ngay từ ban đầu là giải pháp cơ bản và mang lại hiệu quả tốt nhất cho tôm nuôi. Trong đó, phòng bệnh trong quá trình nuôi bao gồm: thực hiện tốt việc quản lý con giống, thức ăn, nguồn nước và theo dõi sức khỏe tôm nuôi. Các biện pháp như:  Chọn tôm giống sạch bệnh, đã qua kiểm dịch; Thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật trong nuôi tôm; Hạn chế các tác động xấu từ môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm như biến đổi của các yếu tố thủy lý, thủy hóa, sự gia tăng của mầm bệnh trong ao; Ngăn ngừa các nguy cơ gây bệnh từ nguồn giống không đảm bảo, chất lượng nước cấp không đạt yêu cầu, quá trình xâm nhập của mầm bệnh từ bên ngoài do vệ sinh ao nuôi, trang trại chưa phù hợp…; Áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp quản lý việc sử dụng thuốc và hoá chất: Chỉ sử dụng khi thật cần thiết, không lạm dụng; Chỉ sử dụng thuốc, hóa chất được phép; Cần bảo quản thuốc, hóa chất đúng cách; Ghi chép cẩn thận mọi thông tin liên quan đến việc sử dụng thuốc, hóa chất; Quan sát hoạt động của tôm trong ao, biểu hiện của tôm vào sàng ăn, các dấu hiệu cảm quan như tình trạng thức ăn trong ruột, các dấu hiệu bên ngoài khác…

Bên cạnh đó, theo dõi dấu hiệu lột xác để kiểm soát chặt chẽ độ kiềm của nước, đảm bảo chất lượng nước để tôm phát triển tốt, tăng trọng tối đa và hình thành vỏ mới sau mỗi lần lột xác, đồng thời tăng khối lượng, chất lượng tôm trước khi thu hoạch; Định kỳ dùng chế phẩm vi sinh, quản lý tốt màu nước ao; Tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của tôm bằng quản lý môi trường tốt và bổ sung một số sản phẩm như beta – glucan, Vitamin C, A, E… vào thức ăn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Dùng cá rô phi để lọc nước cho ao nuôi tôm

Với cơ chế hút thức ăn trong môi trường nước, cá rô phi được mệnh danh là “máy lọc nước sinh học”. Do đó, loại cá này được tận dụng thả trong ao lắng, lọc lấy nước sạch để bơm vào bể nuôi tôm.

nuôi cá rô phi lọc nước cho ao tôm

Cá rô phi có thể sống ở cả môi trường nước ngọt, nước lợ lẫn nước mặn. Thức ăn chủ yếu của chúng là các loại thực vật gồm tảo sợi, tảo đơn bào, rong cỏ, mùn bã hữu cơ và một số động vật nhỏ. Điểm đặc biệt của loại cá này là phần mang tiết ra nhiều chất nhầy để bắt các hạt lơ lửng trong nước, tạo thành cục nhầy dính đầy tảo, động vật phù du, thức ăn hữu cơ… làm thức ăn.

Với cơ chế hút thức ăn trong môi trường nước, rô phi được mệnh danh là “máy lọc nước sinh học”. Dựa vào đặc tính này, các nhà khoa học đã phát kiến ra biện pháp thả cá rô phi trong ao lắng để nuôi tôm, hay còn gọi là biện pháp nuôi tôm nước xanh. Cách làm này vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa tạo ra nguồn nước sạch cho nuôi trồng thủy sản.

Cụ thể, các điểm nuôi tôm sẽ được thiết kế theo mô hình tuần hoàn gồm: ao nuôi tôm, ao chứa nước thải và ao lắng. Nước bơm trực tiếp từ các nguồn tự nhiên như ao, hồ, sông… sẽ được trữ trong ao lắng. Tại đây, người dân tiến hành thả cá rô phi trong khoảng một tháng. Trong suốt thời gian này, cá không được cho ăn, thay vào đó, chúng sẽ sử dụng nguồn thức ăn là xác tôm, cá, động vật thủy sản chết và các loại tảo có trong nước. Việc làm này giúp tạo ổn định cho môi trường nước, hạn chế sự phát tán của các sinh vật gây bệnh từ bên ngoài.

Nước sau khi lọc được bơm vào ao nuôi tôm. Trong quá trình nuôi, người dân bổ sung nguồn nước từ ao lắng vào ao nuôi định kỳ một lần mỗi tuần. Khi nước ở ao nuôi tôm có dấu hiệu chuyển màu, người nuôi tiến hành bơm nước ra ao thải. Tại đây, nước được lắng cặn một phần rồi cho chảy sang ao lắng thả cá rô phi. Cứ như vậy, nước được tuần hoàn và tái sử dụng, hạn chế việc xả ra môi trường.

Ở nước ta, mô hình nuôi cá rô phi trong ao lắng xuất hiện từ năm 2010 tại một số tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu… Phương pháp này giúp cải thiện môi trường ao nuôi, giảm thiểu dịch bệnh; giúp tôm sinh trưởng và phát triển ổn định. Ngoài ra, cá rô phi sau khi nuôi một thời gian có thể cho thu hoạch, giúp bà con tăng thêm thu nhập. Như vậy, mô hình nuôi cá rô phi trong ao lắng không chỉ giúp tăng năng suất tôm mà còn mang lại lợi nhuận kinh tế kép cho bà con.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam