Chế phẩm sinh học và thảo dược là tương lai của chăn nuôi

Những sản phẩm này không chỉ giúp tăng chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh mà còn xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch.

Giữa bối cảnh có nhiều bê bối về dư lượng hóa chất trong thực phẩm khiến cho con người ngày càng có biểu hiện kháng kháng sinh, nhiều bệnh truyền nhiễm trước đây có thể chữa trị trở nên kháng trị và lây lan thì việc sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược là tương lai của ngành chăn nuôi, thủy sản.

Đi theo xu hướng ấy, mới đây tại huyện Ứng Hòa, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong Chăn nuôi, Thủy sản trên địa bàn Hà Nội”.

 

Các mô hình nổi bật

Phát biểu tại hội thảo, bà Vũ Thị Hương– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, năm 2019, đơn vị đã triển khai mô hình sử dụng thảo dược trong nuôi gà thả vườn và 3 dạng mô hình thủy sản là nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, áp dụng công nghệ sông trong ao và nuôi chạch thương phẩm.

Phát biểu của Bà Vũ Thị Hương– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

 

Các mô hình đều hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh tạo ra sản phẩm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn, Trung tâm đã cấp 50.000 con gà mía 1 ngày tuổi (trong đó ngân sách Thành phố hỗ trợ 50%, 50% người dân đối ứng), hỗ trợ 50% thức ăn và 50% thảo dược (250 lít). Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách dùng thảo dược cho các hộ chăn nuôi.

Đến nay, sau 3 tháng nuôi, đàn gà khỏe mạnh, lông mượt, mã đẹp, tỷ lệ nuôi sống trung bình 95%, trọng lượng 1,7 – 1,8 kg/con, dự kiến đến lúc xuất bán gà đạt trọng lượng từ 2,1 – 2,2 kg/con. Với giá bán gà thảo dược từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân của 1.000 con gà đạt khoảng 60 triệu đồng.

Mô hình Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP có quy mô 25ha với số lượng 375.000 con cá chép giống (trong đó hỗ trợ 50%, 50% người dân đối ứng), hỗ trợ 50% thức ăn và 50% chế phẩm sinh học (Aquaclear – S). Sau 5 tháng nuôi, cá trung bình đạt từ 0,7 – 1,5 kg/con, tỷ lệ sống đạt 81%. Năng suất dự kiến khi thu hoạch đạt hơn 12 tấn/ha, cho lãi 80 triệu đồng/ha, cao hơn 20% so với nuôi thông thường.

Đại diện cho các hộ nuôi thủy sản theo mô hình “Ứng dụng công nghệ sông trong ao” tại huyện Ứng Hòa, ông Đặng Văn Duân cho biết: “Trước đây, gia đình nuôi các loài cá truyền thống nhưng năng suất không cao. Môi trường ô nhiễm, thời tiết không thuận lợi, cá nuôi xuất hiện nhiều bệnh, thậm chí chết hàng loạt gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Với quy mô 1 ha, chúng tôi được hỗ trợ 50% con giống, thức ăn và chế phẩm sinh học. Đặc biệt, gia đình đã sử dụng chế phẩm sinh học vào việc xử lý môi trường và ủ men tỏi cho cá ăn định kỳ nhờ đó chúng ăn khỏe, lớn nhanh, đều con và hệ số tiêu tốn thức ăn ít hơn…”.

Bà Vũ Thị Hương khẳng định, việc ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của nông nghiệp Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời, đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục nhu cầu tiêu dùng.

“Nông nghiệp sạch giúp nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững. Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm sinh học và thảo dược vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sử dụng chưa đồng bộ và triệt để, giá cả chưa cao, chưa tạo được lòng tin của người tiêu dùng…

Vì vậy, người nuôi cần chú trọng đầu tư chuồng trại, ao nuôi đảm bảo. Các hộ cần nắm vững một số kiến thức cơ bản về môi trường nuôi, cách kiểm tra các chỉ số môi trường, kỹ thuật nuôi hiện đại. Đồng thời, tuân thủ nghiêm túc quy trình sử dụng các chế phẩm sinh học và thảo dược trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản”, bà Hương khuyến cáo.

 

Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

Tại buổi hội thảo, bàn về giải pháp chăn nuôi bền vững, TS. Vũ Ngọc Sơn – nguyên GĐ Trung tâm Bảo tồn vật nuôi – Viện Chăn nuôi khẳng định, chăn nuôi bền vững là chăn nuôi an toàn sinh học đi đôi với sử dụng hợp lý chế phẩm sinh học.

Nuôi lợn an toàn sinh học

 

Chăn nuôi an toàn sinh học là áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh của vật nuôi cũng như sự lây lan mầm bệnh của ổ dịch. Sử dụng chế phẩm sinh học giúp vật nuôi tiêu hóa thức ăn tốt hơn, giảm lượng kháng sinh, cải thiện môi trường chuồng nuôi sạch sẽ. Từ đó, tạo ra nguồn thực phẩm sạch và an toàn.

Hiện nay, tổng giá trị GDP của ngành nông nghiệp ở Hà Nội chiếm 2,5%. Thu nhập mỗi năm hơn 40 nghìn tỷ. Nông nghiệp có sự chuyển dần sang chăn nuôi với tỷ lệ chiếm 55%. Trên cả nước, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về chăn nuôi.

Tuy nhiên, tính bền vững chưa cao, còn nhiều vấn đề cần giải quyết như các dịch bệnh như dịch tai xanh, dịch tả châu Phi ở lơn, dịch cúm ở gia cầm… Chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Lý giải cụ thể về việc sử dụng chế phẩm sinh học giải quyết các vấn đề không an toàn trong chăn nuôi, TS. Vũ Ngọc Sơn cho rằng: Căn nguyên cơ bản nhất làm vật nuôi giảm sức đề kháng là ô nhiễm tiểu khí hậu chuồng nuôi khiến con vật ngạt thở, dẫn tới viêm đường hô hấp. Khi sử dụng chế phẩm sinh học sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm chuồng nuôi.

Đồng thời, việc sử dụng thuốc thú ý để phòng và chữa bệnh cho vật nuôi cũng trở thành nguy cơ gây mất an toàn. Theo khảo sát, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi chiếm 8 – 10%, trong khi chăn nuôi an toàn chỉ được phép chiếm 2 – 3%. Điều này gây ra sự tồn dư các chất kháng sinh trong thịt vượt mức cho phép. Do đó, sử dụng các hoạt chất sinh học sẽ thay thế dần kháng sinh trong chăn nuôi.

Ngoài ra, nếu muốn chăn nuôi sản phẩm hữu cơ, các hộ dân không được sử thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh, thuốc kích thích tăng trưởng dụng để làm thức ăn chăn nuôi. Thức ăn chăn nuôi không sử dụng sản phẩm biến đổi gen, thức ăn có nguồn đạm động vật như bột xương, bột thịt cá…

Hội thảo còn có tham luận của TS. Nguyễn Văn Năm, Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Việt Nam về vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học.

TS. Nguyễn Văn Năm chia sẻ: Chế phẩm sinh học chứa các họa chất tăng cường miễn dịch tự nhiên giúp vật nuôi khỏe mạnh. Các kháng sinh thảo dược có nguồn gốc tự nhiên như Curcumin (chiết xuất nghệ), Allicin (chiết xuất tỏi, Berberin (cây Hoàng Liên, Hoàng Đằng) có tác dụng ức chế nhiều loại virus. Thay vì áp dụng các phương pháp mạnh như tiêu độc khử trùng bằng hóa chất, kháng sinh thì sử dụng chế phẩm sinh học hướng đến nền chăn nuôi và tiêu dùng an toàn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao Biosipec

Dự án nuôi tôm thẻ siêu thâm canh kết hợp công nghệ cao (Biosipec) không chỉ giúp làm tăng mạnh sản lượng tôm thẻ trong một vụ nuôi, làm tăng số vụ trong năm, mà còn giảm đáng kể tác động tới môi trường.

 Ao ương giai đoạn 2 trong hệ thống Biosipec

Theo ông Thomas Raynaud, GĐ Kỹ thuật và Marketing thủy sản của Neovia Việt Nam, Biosipec áp dụng rất nhiều công nghệ cải tiến, tiêu biểu như: Hệ thống xử lý nước để tăng cường an toàn sinh học (ATSH) và ngăn ngừa dịch bệnh; hệ thống sục khí đặc biệt để giảm chi phí năng lượng nhưng tối ưu hóa lượng oxy cung cấp; hệ thống cho ăn tự động với cảm biến âm thanh giúp cung cấp thức ăn theo nhu cầu của tôm, qua đó làm giảm chỉ số tiêu tốn thức ăn.

Khác với việc nuôi tôm thẻ theo cách thông thường chỉ có 1 giai đoạn (con giống mua về được thả thẳng xuống ao nuôi), Biosipec gồm 3 giai đoạn nuôi: 2 giai đoạn ương và 1 giai đoạn nuôi thương phẩm. Theo đó, hệ thống Biosipec được thiết kế tới 3 ao, gồm 1 ao ương giai đoạn 1, 1 ao ương giai đoạn 2 và 1 ao nuôi thương phẩm.

Ngoài ra còn có 1 ao chứa và 1 hệ thống xử lý nước. Các ao ương giai đoạn 1 và 2 được đặt trong nhà màng, trong đó, ao ương giai đoạn 1 là bể xi măng, ao ương giai đoạn 2 là dạng ao đất. Còn ao nuôi thương phẩm là ao ngoài trời.

Khi tôm giống mới đưa từ trại giống về, sẽ được thả vào ao ương giai đoạn 1. Do ở giai đoạn này, tôm rất nhạy cảm với môi trường, nên nước trong ao được xử lý tiệt trùng toàn bộ, không còn mầm bệnh. Nhờ đó, dù thả với mật độ tôm giống cao từ 5.000 – 12.000 con/m2, những sau khi kết thúc ương giai đoạn 1 (4 tuần ương), tỷ lệ tôm sống vẫn rất cao đạt tới trên 80%, kích cỡ tôm từ 250 – 500 mg/con.

Kết thúc ương giai đoạn 1, tôm sẽ theo dòng chảy tự nhiên sang ao ương giai đoạn 2. Với cách di chuyển này, tôm sẽ không bị stress, tránh bị lây nhiễm mầm bệnh… Ở giai đoạn ương này, mật độ tôm giống từ 300 – 500 con/m2, thời gian nuôi 6 tuần. Kết thúc ương giai đoạn 2, tôm đạt kích cỡ 5 – 6g/con, tỷ lệ sống cũng rất cao trên 80%.

Với việc ương 2 giai đoạn như trên, khi được đưa tới ao nuôi thương phẩm, tôm đã đạt kích cỡ của tôm giống lớn, có sức đề kháng tốt nhất, tỷ lệ sống cao nhất. Tạo ao nuôi thương phẩm, tôm được nuôi với mật độ 180 – 250 con/m2, thời gian nuôi 6 tuần, khi thu hoạch đạt 12 – 16 g/con, tỷ lệ sống 85%. Đặc biệt trong giai đoạn nuôi thương phẩm, Biosipec áp dụng hệ thống cho ăn tự động với cảm biến âm thanh giúp cung cấp thức ăn theo nhu cầu thực tế của tôm dưới ao nuôi.

Với 3 giai đoạn ương và nuôi như trên, cộng với việc áp dụng các công nghệ cao, Biosipec giúp cho tôm nuôi đạt tỷ lệ sống chung cho cả quá trình sản xuất đạt mức cao là trên 80%, trong khi nuôi thông thường chỉ đạt tỷ lệ sống bình quân 30 – 50%.

Nhờ nuôi mật độ cao và đạt tỷ lệ sống như trên, năng suất tôm nuôi theo hệ thống Biosipec có thể đạt tới 30 tấn/ha (nuôi thông thường 5 tấn/ha). Với thiết kế chia thành 3 ao với 3 giai đoạn ương, nuôi, hệ thống Biosipec giúp người nuôi tôm quay vòng vụ nhanh và có thể nuôi tới 5/vụ năm (tổng sản lượng 150 tấn/ha/năm). Còn nuôi thông thường vì chỉ có 1 giai đoạn nên chỉ được khoảng 2-3 vụ/năm.

Đó là hiệu quà kinh tế? Còn môi trường? Hệ thống Biosipec giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước sử dụng trong quá trình nuôi tôm, vì không cần thay nước trong cả 2 giai đoạn ương và giai đoạn nuôi thương phẩm; giảm chi phí năng lượng nhờ hệ thống sục khí đặc biệt…

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

An toàn sinh học trong nuôi tôm

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, trong đó đáng chú ý là các bệnh do virus. Do đó việc đảm bảo An toàn sinh học trong nuôi tôm là thực sự cần thiệt nhằm giảm thiểu tác hại dịch bệnh.

Vai trò An toàn sinh học trong nuôi tôm

Dịch bệnh bùng phát là một trong những vấn đề đáng lo ngại cho phát triển NTTS bền vững. Trong nhiều thập kỉ, các mầm bệnh trên tôm đã và đang gây thiệt hại lớn cho các trại nuôi. Các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh, nhằm kiểm soát dịch bệnh trên tôm. An toàn sinh học trong nuôi tôm là một khái niệm mới, thường đề cập đến các biện pháp quản lý bảo vệ đàn khỏi sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, đồng thời giảm thiểu sự lây lan và các tác động bất lợi đối với đối tượng nuôi.

Trong nuôi tôm, ATSH liên quan đến các biện pháp để giảm tác động và khả năng lây của mầm bệnh. Hiện nay, người nuôi vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc áp dụng các biện pháp ATSH, do nhiều nguyên nhân bao gồm: thiếu kinh nghiệm, tốn chi phí, và chưa thấy được lợi ích thực tiễn của việc áp dụng ATSH trong mô hình nuôi.

Đảm bảo an toàn sinh học trong nuôi tôm

Việc thực hiện các quy trình ATSH đòi hỏi mức độ nhận thức và kỷ luật cao, và sự cam kết mạnh mẽ, cùng với tính bền vững của ban quản lý và cả người thực hiện.

Áp dụng ATSH để quản lý các tác nhân gây bệnh chủ yếu phải phòng ngừa bao gồm: thu mẫu động vật và xét nghiệm nghiêm ngặt; các quy trình xử lý cho động vật và nhân viên, các quy trình làm sạch, khử trùng, và các biện pháp khác được áp dụng để loại bỏ tối đa các tác nhân gây bệnh. Đối với EMS, cần hạn chế sự tích tụ của thức ăn dư thừa cũng như các chất hữu cơ – đây là nguyên nhân cho sự phát triển của tác nhân gây bệnh Vibrio parahaemolyticus.

Trong ngành công nghiệp tôm, các biện pháp an ninh sinh học bao gồm: các vật nuôi được kiểm nghiệm, kiểm dịch, các rào cản vật lý, xử lý nước, sử dụng tôm sạch bệnh (Specific pathogen-free – SPF) và tôm kháng bệnh (Specific athogen-resistant – SPR) (Lightner 2003; Horowitz và Horowitz 2003).

Việc áp dụng ATSH trong nuôi tôm phải đảm bảo lợi ích kinh tế, bao gồm các yếu tố sau: thiết kế mô hình nuôi, thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập và phát triển của các tác nhân gây bệnh, nguồn tôm bố mẹ và chất lượng con giống. Nguồn tôm bố mẹ phải được chọn lọc sạch bệnh, có khả năng kháng bệnh và tăng trưởng tốt. Mô hình nuôi hạn chế tối đa sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bao gồm: xác định mùa vụ thả nuôi, hạn chế tối đa việc thay nước, quản lý cho ăn hiệu quả, bổ sung cho tôm ăn các chất kích thích miễn dịch nhằm tăng sức đề kháng của vật nuôi.

Vị trí trại nuôi và thiết kế mô hình nuôi đóng vai trò rất quan trọng cho thành công của vụ nuôi. Điều này ít được trại nuôi quan tâm trong việc thiết kế ban đầu. Điều này đóng vai trò quan trọng trong phòng bệnh.

Hạn chế thay nước và trao đổi nước là một trong những mô hình nuôi được phát triển trong những năm gần đây. Hạn chế thay nước qua đó ngăn ngừa khả năng xâm nhập của các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, đồng thời tránh được sự biến động của các yếu tố môi trường thường là nguyên nhân gây stress cho vật nuôi. Ở nhiều nước đã áp dụng rất thành công mô hình này trong đó tiêu biểu là mô hình nuôi khép kín theo công nghệ biofloc.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam