Công nghệ chế biến nâng cao giá trị trái cây Việt

Ngày 21/11, Bộ NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội rau quả Việt Nam, Rieckermann Việt Nam và các chuyên gia trong ngành chế biến tổ chức Hội thảo “Cơ hội và giải pháp – Vì sao doanh nghiệp Việt Nam nên tham gia thị trường chế biến trái cây lúc này”.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cùng với sự tăng về diện tích, sản lượng, giá trị xuất khẩu (XK) trái cây Việt Nam liên tục tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Từ con số vài trăm triệu USD/năm, đến năm 2016 đã đạt con số 2,45 tỷ USD, trong đó ước tính các sản phẩm cây ăn quả chiếm hơn 80% giá trị XK. Riêng 10 tháng đầu năm 2017, giá trị XK rau quả của Việt Nam đạt 2,48 tỷ USD, tăng hơn 47,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu XK dưới dạng trái cây tươi nên giá trị gia tăng thấp và bị tác động bởi các rào cản kỹ thuật như: Kiểm dịch thực vật, chất lượng trái cây giảm nhanh, thời gian bảo quản ngắn do chưa có các công nghệ bảo quản tiên tiến và các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, hiện nay, ngành sản xuất cây ăn quả Việt Nam đứng trước không ít khó khăn, thách thức như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chất lượng quả chưa cao, năng suất thấp, các sản phẩm qua chế biến còn ít…

Một trong những thách thức mà ngành công nghiệp chế biến trái cây đang phải đối mặt là công nghệ chế biến chưa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo ra lợi nhuận bền vững. Giải pháp hàng đầu được các chuyên gia đưa ra chính là áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến nhằm tăng tính hiệu quả và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Tại hội thảo, Rieckermann Việt Nam – nhà cung cấp giải pháp công nghiệp hàng đầu đã mang đến 2 công nghệ tiên tiến nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận gần hơn với thị trường chế biến trái cây như hiện nay. Chia sẻ về công nghệ chế biến trái cây nhiệt đới từ năm 1936, ông Roberto Benvenuti, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh và Marketing Bertuzzi Food Processing (Italia) cho biết: Công nghệ của Bertuzzi giúp tăng chất lượng sản phẩm và hiệu suất thu hồi thông qua việc sử dụng các máy móc và thiết bị chuyên dụng phù hợp với từng loại trái cây.

Đối với công nghệ chế biến nước quả áp suất cao, ông Jorge Marraud Pascual, Chuyên gia công nghệ thực phẩm, Giám đốc kỹ thuật bán hàng châu Á Hiperbaric (Tây Ban Nha) cho hay, có mặt tại thị trường từ năm 1999, cho đến nay, các máy công nghệ của Hiperbaric đã được lắp đặt tại 36 quốc gia và 5 châu lục. Một trong những công nghệ phát triển thành công nhất hiện nay là công nghệ xử lý nước ép bằng áp lực áp suất cao, đảm bảo giữ nguyên vẹn dinh dưỡng cũng như hương vị của nước ép trái cây nguyên chất và tăng hạn sử dụng cho sản phẩm.

Việt Nam xác định trái cây là ngành hàng còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển. Định hướng chung toàn ngành đặt ra là: Tiếp tục tập trung đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào khâu sản xuất cây ăn quả nhằm tăng năng suất, sản lượng và nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, tăng cường phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm từ cây ăn quả với các sản phẩm chế biến chính gồm các loại quả đông lạnh, đóng hộp, sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc… nhằm gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường, tăng kim ngạch XK.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Triển vọng thuỷ sản xuất khẩu sang Canada

Mặc dù Canada là nước sản xuất thủy sản lớn trên thế giới, tuy nhiên hiện nay, nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam, nhất là tôm thẻ, tôm sú vẫn được các DN Canada nhập khẩu với số lượng đáng kể từ thị trường Việt Nam và dư địa thị trường này còn rất lớn.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam sang thị trường Canada đạt hơn 183 triệu USD, đứng đầu trong nhóm các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Canada. 10 tháng đầu năm 2017, XK thủy sản sang Canada đã tiếp tục tăng khá với tổng kim ngạch hơn 186 triệu USD.

Tôm thẻ, tôm sú vẫn được các DN Canada nhập khẩu với số lượng đáng kể

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) đánh giá: Canada là nước có yêu cầu khắt khe vào diện bậc nhất thế giới về điều kiện nông sản NK, nhất là thủy sản. Vì vậy, đây cũng là thị trường giá trị cao, và khi nông sản Việt Nam đã XK được vào nước này, sẽ tạo ra điều kiện rất lớn để XK được sang các nước khác. Đối với thủy sản, ông Tiệp đánh giá các mặt hàng tôm của Việt Nam có cơ hội hơn cả để XK sang Canada do nhu cầu của nước này khá lớn. Bên cạnh đó, điều kiện của nhiều DN nuôi và chế biến tôm của Việt Nam về cơ bản đã có thể đáp ứng được yêu cầu của Canada. Tuy nhiên đối với vùng nuôi, Việt Nam vẫn cần hoàn thiện thêm mới có thể đáp ứng được yêu cầu.

Cụ thể, Canada đã chuyển sang cơ chế quản lí từ gốc. Theo đó, không chỉ các DN chế biến phải chịu kiểm tra mà cả các vùng nuôi nguyên liệu cũng phải được các cơ quan có thẩm quyền của Canada trực tiếp sang Việt Nam đánh giá, đạt yêu cầu mới có thể được cấp phép XK. Để thúc đẩy XK tôm của Việt Nam sang thị trường này, Canada thời gian qua cũng đã trực tiếp hỗ trợ cho Việt Nam dự án hỗ trợ kỹ thuật để các DN và nông dân tự cải thiện nâng cấp để tự kiểm soát về ATTP. Hiện một dự án giá trị 15 triệu USD do Canada tài trợ với mục tiêu giúp Việt Nam cải thiện ATTP trong nuôi trồng thủy sản sẽ được triển khai trong năm 2017.

Nói về triển vọng thương mại nông sản và hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Canada, ông Nguyễn Đức Hòa, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Canada cho biết: Canada là quốc gia có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho nông nghiệp, nhất là đất đai rộng, công nghệ về nông nghiệp hàng đầu thế giới. Vì vậy, kể cả trong hợp tác để trực tiếp đầu tư SX nông nghiệp của Việt Nam tại Canada trong thời gian tới là rất khả quan, hiện một số DN cũng đã và đang sang Canada thuê đất đầu tư nông nghiệp.

Ngoài ra, qua tìm hiểu, các DN tại Canada cũng rất quan tâm tới Việt Nam về nông nghiệp, trong đó có cả vấn đề kinh nghiệm của nền nông nghiệp Việt Nam trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo ông Hòa, hạn chế lớn nhất về thị trường Canada đó là thông tin và sự hiểu biết hai chiều giữa các DN Việt Nam và Canada còn khiêm tốn.

Theo ông Hòa, thời gian tới, Bộ NN-PTNT nên tổ chức các đoàn DN có thế mạnh của Việt Nam trực tiếp sang Canada để cùng gặp gỡ với các DN nước bạn. Phía Đại sứ quán Việt Nam tại Canada sẽ hỗ trợ để các DN hai bên gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác cụ thể.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Cấp bách xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nông sản Việt

Thực tiễn của các nước trên thế giới đã chỉ ra, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, được đăng ký bảo hộ sẽ có “giá” hơn rất nhiều sản phẩm không có chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.

Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với các địa danh. 

Chiếm tỷ lệ quá ít

Việt Nam là một nước nông nghiệp nhiệt đới dồi dào, phong phú các loại trái cây, cây nông nghiệp, thủy hải sản. Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với các địa danh như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, chè Thái Nguyên, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn… Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay có khoảng hơn 900 sản phẩm gắn với 700 địa danh khác nhau trên toàn quốc.

Ở trong nước, con đường tiêu thụ các sản phẩm này chủ yếu là đi từ người sản xuất ra chợ truyền thống. Dưới góc độ quốc gia, nông sản Việt Nam chủ yếu được XK bằng con đường vận chuyển từ miền Nam ra miền Bắc để XK. Gần đây, một số ít các loại hoa quả được một số thị trường khó tính cho phép NK. Hiện, nhiều mặt hàng của Việt Nam còn đứng top XK lớn nhất thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu…, nhưng có một nghịch lý là nông sản Việt ít được người tiêu dùng thế giới biết đến.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, có tới 90% nông sản Việt Nam XK dưới nhãn hiệu của nước ngoài, mới có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Bổ sung thêm thông tin, PGS.TS Lê Thị Thu Hà, Đại học Ngoại thương cho hay, có 9/11 tổng công ty của Bộ NN&PTNT đã đăng ký thương hiệu cho 107 mặt hàng nhưng chỉ mới có 3 thương hiệu được đăng ký ở nước ngoài; mới có 15/58 hội viên của Hiệp hội Trái cây Việt Nam đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước.

Không chỉ dừng ở đó, bà Hà còn bổ sung, không thể tìm thấy những loại hoa quả có gắn nhãn trên thị trường trong nước, còn ở thị trường thế giới, có đến 95% nông sản XK dưới dạng nguyên liệu, dạng thô mà chưa có thương hiệu. Đơn cử như cà phê, 95% XK dưới dạng nguyên liệu, chiếm 40% thị phần XK cà phê thế giới nhưng giá trị chỉ chiếm 2% bởi Việt Nam chỉ có 3 thương hiệu cà phê hòa tan và 20 thương hiệu cà phê rang xay. Trong khi đó, so sánh với các quốc gia có tỷ lệ XK cao như Brazil, có đến 20% thương hiệu cà phê hòa tan và 3.000 thương hiệu cà phê rang xay. Tương tự, mặt hàng gạo, chè cũng vậy.

Thua thiệt

Do chưa được xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý nên hàng hóa Việt Nam bị thua thiệt rất nhiều, ít được người tiêu dùng thế giới biết đến. Ví dụ, cùng là sản phẩm chè Việt Nam chỉ XK được với giá 50 USD/kg trong khi sản phẩm chè của Ấn Độ bán với giá 200 USD/kg. Đây là một khoảng cách vô cùng lớn được tạo ra bởi thương hiệu của sản phẩm.

Một dẫn chứng khác được ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Chủ tịch CMO Council Wordwide tại Việt Nam nêu ra, trong khi Trung Đông bán vài USD/kg thanh long thì thanh long của Việt Nam chỉ bán được vài nghìn đồng/kg, bày bán tràn lan trên khắp các vỉa hè Hà Nội. Hiệp hội Thanh long của Bình Thuận chỉ có vài chục DN tham gia, dẫn tới thương hiệu thanh long Bình Thuận rất ít người biết tới. “Thử hỏi làm sao sản phẩm Việt có đủ sức cạnh tranh với nước ngoài. Tôi cho rằng, trước khi nghĩ tới chuyện xúc tiến ra thế giới, chúng ta cũng cần trả lời câu hỏi xúc tiến trong nước trước đã. Làm sao để người Việt yêu thích các sản phẩm của Việt Nam hơn hàng hoá của thế giới mới là vấn đề. Còn hiện nay, người Việt vẫn chuộng gạo Campuchia, Thái Lan hơn gạo Việt, chuộng mít Thái hơn mít Việt”, ông Nhất nêu vấn đề.

Theo bà Hà, việc khai thác thị trường thông qua chỉ dẫn địa lý trong nước và nước ngoài ở Việt Nam còn hạn chế, gần như mới chỉ dừng lại ở việc công nhận một tên gọi được định danh trên thị trường, chưa xây dựng được quy chế bảo hộ địa lý và truy xuất nguồn gốc sản xuất. Để xảy ra tình trạng trên, theo ông Toản, có nguyên nhân từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, năng lực hiệu quả hoạt động của các DN còn thấp, sự liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân và DN chưa chặt chẽ, kỹ năng thương mại và tiếp thị, phát triển sản phẩm của người sản xuất còn hạn chế, mang tính tự phát.

Chính quyền cơ sở và người nông dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển thị trường, xây dựng và đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu nông sản. Bên cạnh đó, chi phí bảo hộ tốn kém cũng ảnh hưởng đến quyết định đăng ký bảo hộ của DN. Thực tiễn triển khai ở địa phương hiện nay, việc xây dựng 1 bộ hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý rất phức tạp vì liên quan đến vấn đề kỹ thuật, pháp lý và nhiều yếu tố khác mà không phải địa phương nào cũng sẵn sàng triển khai được.

Dựa vào yếu tố khác biệt

Trên thực tế, chỉ dẫn địa lý mang lại lợi ích cho những nhà sản xuất kinh doanh và cho nền kinh tế. Nghiên cứu của Đại học Harvard đã chỉ ra, nhờ vào sản phẩm duy nhất của Colombia đã thay đổi cả nền kinh tế. Cụ thể, những năm 1960, 87% cà phê tiêu thụ ở thị trường Mỹ có nguồn gốc từ Colombia nhưng người tiêu dùng Mỹ hầu như không biết đến nguồn gốc của loại sản phẩm này. Chỉ có 4% người tiêu dùng biết sản phẩm này có nguồn gốc từ Colombia. Nhưng sau hơn 60 năm xây dựng và phát triển thương hiệu này, độ nhận biết sản phẩm trên thị trường Mỹ từ 4% lên 80%, một vài quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha con số này là 95%. Nhờ có thương hiệu mà giá trị của sản phẩm cà phê Colombia tăng đáng kể.

Trong khi đó, xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ. Theo bà Hà, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để mua một sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thương hiệu uy tín. Nghiên cứu tại Liên minh châu Âu cho thấy, 43% người tiêu dùng Liên minh châu Âu (khoảng 159 triệu người) sẵn sàng trả thêm 10% cho sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, 8% (khoảng 29,6 triệu người) thậm chí sẵn sàng trả thêm 20%. 3% (khoảng 11 triệu người) trả tới 30% cho các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Do đó, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, việc tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm là vấn đề cấp bách.

Ông Nhất cho rằng, đến thời điểm này, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng để phát triển thị trường, sau khi có thương hiệu cần xây dựng và phát triển để tăng giá trị thương hiệu. Trước tiên, Việt Nam cần phải xây dựng được thương hiệu trong nước rồi mới tính đến chuyện đem thương hiệu đó đi XK, khắc phục tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” đã diễn ra trong thời gian qua. Để làm được điều này, chúng ta phải định vị, xác định được vị trí, đối thủ. Ví dụ, muốn làm thương hiệu du lịch, Việt Nam cần nhìn từ Thái Lan, Malaysia. “Có đến 80% khách du lịch khi đến Thái Lan đều muốn quay trở lại, còn Việt Nam tại sao không. Chúng ta phải tìm ra sự khác biệt để xây dựng thương hiệu”, ông Nhất nói.

Cùng quan điểm này, bà Hà cho biết thêm, việc xây dựng thương hiệu nông sản dựa vào chiến lược cạnh tranh, dựa vào năng lực cạnh tranh dẫn đầu, năng suất, sự khác biệt. Bản chất của quá trình xây dựng thương hiệu chính là tạo ra sự khác biệt, tìm ra năng lực cạnh tranh cốt lõi. “Ở Việt Nam có đặc điểm là, nhiều địa phương có ranh giới giáp nhau có sự tương đồng văn hóa, nhiệm vụ của người xây dựng thương hiệu là phải chỉ ra được thương hiệu cốt lõi, sự khác nhau của sản phẩm, ví dụ chè Tân Cương, chè San Tuyết và chè Hà Giang”, bà Hà chia sẻ.

Nguồn: Baohaiquan.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tìm hiểu về rau tiến vua

Rau tiến vua còn gọi là rau cần biển hay rau cần khô, thường mọc ở vùng ven biển. Rau tiến vua là đặc sản của tỉnh An Huy (Trung Quốc), đa phần rau trên thị trường hiện nay đều nhập khẩu từ đây. Rau tiến vua có thân lá đôi. Tức là lá và thân là một và luôn chỉ có hai nhánh, có hình như một loại rễ củ. Thân lá mềm nhưng dai, có kích cỡ thường bằng ngón tay út hoặc có thể to hơn.

Rau có vị giòn, ngọt, thanh mát. Điểm độc đáo của loại cây này là khi đem phơi khô cho teo tóp lại, bảo quản kỹ, có thể để cả năm, khi cần dùng đem ngâm nước từ vài giờ đến nửa ngày, rau khô sẽ nở ra lớn gần bằng kích thứơc ban đầu của rau tươi, nhưng dĩ nhiên màu sắc rau không thể đẹp như rau tươi. Rau tiến vua phổ biến thị trường luôn ở dạng đã được phơi khô. Theo những người chuyên buôn rau củ qua biên giới Trung – Việt loại rau này trước khi phổ biến ở bếp núc gia đình hay nhà hàng của dân thành phố thì nhiều dân tộc ở các vùng cao từ lâu đã dùng rau tiến vua như một loại thực phẩm dự trữ quanh năm, làm lương khô đi đường và còn là loại thực phẩm rất ưa chuộng trong những môi trường sống ít có rau xanh như đảo xa, hoang mạc hay trên những chuyến tàu hải hành lâu ngày.

Rau tiến vua xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2000, ngày nay có thể tìm mua ở nhiều nơi nhưng giá khá đặt và mau hết hàng. Rau có thể chế biến nhiều món ngon và bổ dưỡng. Trong rau chứa nhiều chất xơ, nước, các khoáng chất và vitamin trong khi hàm lượng calo lại thấp.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Tổng hợp giá tôm trên thị trường trong nước tháng 10/2017

Tháng 10/2017, đang chính vụ xuất khẩu tôm, nguồn tôm nguyên liệu rất hút kéo theo giá tôm tăng mạnh. Dưới đây là chi tiết giá tôm các loại trong tháng :

Giá tôm nhìn chung tăng cao trong tháng vừa rồi, trung bình tăng khoảng 10% so với 2 tháng trước và tăng 15% so với cùng ký năm ngoái. Dự báo trong tháng tiếp theo giá tôm vẫn có thể duy trì ở mức này.

Tuy nhiên, hiện tại là là mùa tôm nghịch vụ, lượng mưa lớn, thời tiết thất thường nên bà con nên cẩn trọng trong việc thả nuôi. Giá tôm tăng cao, kích thích người dân xuống giống nhưng lượng mưa lớn làm biến động môi trường, khiến người nuôi tôm phải hết sức chú ý đến khâu chăm sóc. Đặc biệt, những vùng có điều kiện bất lợi, thường xuyên mưa lũ, bà con nên hạn chế thả tôm, đợi đến chính vụ mới bắt đầu thả. Đối với nuôi quảng canh cần lưu ý, khi độ mặn dưới 7‰ bà con nên dừng thả tôm mà tập trung chăm sóc đàn tôm đang có, mặt khác cũng chú ý đến các yếu tố môi trường dễ biến động trong mùa mưa như pH, độ kiềm, rong tảo. Còn đối với nuôi thâm canh và siêu thâm canh, bà con cũng nên thả với mật độ thưa để dễ chăm sóc và giảm rủi ro.

Hiện nay giá tôm tăng do nguồn cung cho thị trường dịp lễ sắp tới

Hiện nay, thị trường EU và Mỹ đang nhập mạnh mặt hàng tôm để chuẩn bị cho dịp lễ, tết cuối năm dẫn đến giá tôm tăng mạnh. Tuy nhiên, thông thường chỉ đến khoảng cuối tháng 11 nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường này sẽ giảm mạnh và giá tôm khó duy trì. Chính vì vậy, người nuôi tôm cần cân nhắc xuống giống vụ mới khi điều kiện nuôi hiện nay không thật sự thuận lợi và một vụ tôm kéo dài ít nhất 2 tháng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Hướng đến sản xuất nông nghiệp hiện đại

Nhờ các cảm biến ghi nhận dữ liệu tự động và cập nhật qua internet, các trang trại nuôi tôm sẽ không cần loay hoay đo độ pH, oxy hòa tan… mỗi ngày. Chỉ cần cầm trên tay một chiếc smartphone, chủ trang trại có thể cập nhật nhanh chóng tình hình ao nuôi dù đang ở bất cứ nơi nào.

Chiều 14-10, vòng chung kết cuộc thi IoT Startup 2017 đã diễn ra tại TPHCM với sự tham dự của 10 dự án tập trung vào giải pháp thiết kế hệ thống quản lý vận hành trên nền tảng công nghệ Internet of Things (Internet kết nối vạn vật-IoT). Trong số các dự án này, có khá nhiều giải pháp hướng tới việc ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa việc quản lý các hệ thống sản xuất, chiếu sáng, môi trường…

Theo Ban tổ chức, các dự án này sau giai đoạn phát triển ý tưởng, xây dựng sản phẩm… đều phải trải qua thời gian triển khai giải pháp trong thực tế mới đủ điều kiện tham gia vòng chung kết. Tại vòng chung kết, các dự án đã cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, trình diễn kết quả thử nghiệm trong thực tế và thuyết trình về chiến lược kinh doanh sản phẩm, giải pháp.

Các dự án tham gia vòng chung kết IoT Startup 2017 đã đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn của ngành nông nghiệp, giao thông, môi trường.

Giải thưởng cao nhất thuộc về dự án chuyên giám sát, quản lý ao nuôi trồng thủy sản bằng các thiết bị IoT cũng đã triển khai mô hình thực tế ở các hộ nuôi thủy sản. Các ao nuôi thủy sản thay vì hàng ngày phải đo các chỉ số môi trường theo hình thức thủ công; thông qua giải pháp này cùng với cảm biến (gắn dưới ao) sẽ tự động đo các chỉ số và gửi dữ liệu tới máy tính hoặc điện thoại thông minh (smartphone).

Farmtech Vietnam đạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi IoT Startup 2017

IoT Startup 2017 là cuộc thi thường niên do Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC) tổ chức. Mục tiêu của cuộc thi là kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp, xã hội với các nghiên cứu, phát triển các sản phẩm trên nền tảng IoT (Internet of Things) cũng như ươm tạo và hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Theo TBKTSG Online & Farmtech Vietnam

Cây Nho và Du Lịch Sinh Thái.

Với xu thế hiện đại hóa công nghiệp hóa đã dần làm mất đi diện tích cây xanh xung quanh chúng ta từ đó du lịch sinh thái ra đời nhằm đưa con người gần gũi với thiên nhiên hơn.

Vài năm trở lại đây, trên địa bàn Tỉnh Ninh Thuận đã đưa một số loại hình mới phục vụ hoạt động du lịch. Trong đó, mô hình trồng nho gắn với du lịch sinh thái đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nho và mở ra hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế ở địa phương.

Để đưa mô hình du lịch sinh thái vườn nho phát triển, thì cần một số lượng lớn người dân trồng nho theo mô hình nhà vườn thích hợp cho du lịch. Bên cạnh đó cần sự giúp sức của các cơ quan địa phương, nhằm tuyên truyền quảng bá, quản lý cây nho và các sản phẩm từ nho đến tay người tiêu dùng.
Đồng thời, thành lập tổ hợp tác chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm nho phục vụ khách tham quan, đẩy mạnh việc kết nối các tour du lịch đến các điểm trồng nho ở địa phương…

Đưa ra những bằng chứng khoa học về nguồn dinh dưỡng và tác dụng của nho nhằm thúc đẩy du lịch.

Tăng cường sức đề kháng.

Chống lão hóa, tốt cho tim mạch, có tác dụng thải độc tố… từ lâu nho đã được chứng minh là một loại quả chứa nhiều chất bổ có lợi cho sức khỏe.

Cứ 100g thịt quả nho sẽ cho 71 calo, 10 – 12g đường dễ hấp thụ, 11mg vitamin C ( 18% nhu cầu hàng ngày). Nếu chỉ nhằm cung cấp sinh tố C từ nho thì mỗi ngày phải ăn khoảng 500g. Thịt quả nho ăn dễ tiêu, giải khát, thông tiểu và lợi mật. Trong quả nho có chứa polyphenol có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào và các nguyên sinh chất trong cơ thể, chống lại sự hình thành các gốc tự do. Vì vậy ăn nho giúp con người trẻ lâu, làm giảm nếp nhăn, tăng sức đề kháng, chống lại sự xâm nhập của các loại virus. Ngoài ra trong quả nho còn chứa nhiều đường gluco và fructose dễ hấp thụ, các vitamin và khoáng chất có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Tác dụng thải độc.

Đặc biệt, nho còn có tác dụng đào thải chất độc trong cơ thể. Nho giúp gan quét đi lượng độc tố có hại trong cơ thể, đồng thời có ích cho quá trình tái tạo máu. Lượng nước, kali cao (có tác dụng lợi tiểu), giàu chất xơ (thúc đẩy quá trình tiêu hóa) làm tăng khả năng thải độc của loại quả giàu dinh dưỡng này. Vì vậy, nếu có điều kiện, mỗi tuần bạn nên ăn nho một lần để làm sạch cơ thể. Nho là loại quả giàu năng lượng nên rất tốt cho trẻ em, thanh thiếu niên, người chơi thể thao – những người cần nhiều năng lượng.

Tác dụng làm đẹp.

Nghiền nát 10 trái nho chín đã tách hạt trộn đều với 2 thìa sữa chua không đường, 1 thìa nước ép cà rốt tươi, 1 thìa dầu dừa được 1 hỗn hợp đồng nhất. Thoa hỗn hợp này lên mặt kết hợp massage nhẹ nhàng trong 30 phút rồi rửa mặt sạch với nước lạnh vừa có tác dụng dưỡng ẩm làm đẹp da vừa giúp da se khít lỗ chân lông cực kỳ hiệu quả.

Đắp mặt nạ bằng nho chín giúp làm đẹp da.

Mặt nạ nho chín + sữa tươi giúp dưỡng trắng da, sử dụng 2 thìa nho chín nghiền nhuyễn tộn đều với 3 thìa sữa tươi không đường và một vài giọt chanh tươi rồi massage nhẹ nhàng lên da, thưc gian 20 phút sau đó rửa mặt sạch với nước ấm, thực hiện đều đặn 2-3 lần/ 1 tuần làn da bạn sẽ trắng mịn, hồng hào lên sau mỗi lần thực hiện.

 

 

 

Nguồn: Tổng hợp lại bởi Farmtech VietNam.

Ngư dân Nha Trang trúng mùa cá cơm

Các ngư dân tại Hòn Rớ, Nha Trang – Khánh Hòa phấn khởi cho biết mùa cá cơm năm nay đạt sản lượng cao hơn năm ngoái, thu nhập của bạn ghe (người đi biển cùng chủ ghe) từ 6 -8 triệu đồng/10 ngày.

Tháng 6 và tháng 7 Âm lịch được xem là tháng cao điểm thu hoạch cá cơm, sản lượng cá bắt đầu thưa dần cho đến tháng Chạp. Thông thường, các ghe sẽ rời cảng từ 1 – 2 giờ sáng để ra hòn Nội, hòn Ngoại cách bờ biển Nha Trang khoảng 10 hải lý để đánh bắt và trở về cảng vào khoảng 8 giờ sáng. Trung bình mỗi chuyến đi ghe cá thu hoạch khoảng 800kg đến 1 tấn vào giai đoạn này.

Hiện tại khu vực Hòn Rớ có khoảng 25 ghe chuyên đánh bắt cá cơm.


Khi ghe vào bờ, các ngư dân sẽ dùng thanh tre nhỏ phía đầu có gắn xốp đập mạnh vào lưới, cá rớt xuống tấm mành để thu hoạch.


Cá cơm dính lưới bị hất tung khi bị thanh tre đập mạnh.


Do cá được đánh bắt trong buổi sáng nên tươi rói, cong cứng. Nhiều con vẫn khỏe búng tách tách.

Hiện giá cá cơm bán tại cảng tầm 16 -18 nghìn đồng/kg.


Theo các ngư dân, các đầu nậu thu mua cá chủ yếu sấy khô để bán, chỉ một số ít làm nước mắm.


Một số ít người mua cá tại cảng để về bán lẻ ở các chợ. Giá bán cá cơm lẻ từ 20 – 22 nghìn đồng/kg


Ông Kiệt, một ngư dân tại đây cho biết, mùa cá cơm năm nay có sản lượng cao hơn năm ngoái nên ai cũng phấn khởi.

Vào mùa này, ghe “no” có thể thu hoạch trên 1 tấn, ghe “đói” cũng vài tạ.

Các ngư dân kỳ vọng mùa cá cơm năm nay sẽ đem lại cho họ cuộc sống tốt hơn.


Công việc rũ cá thường kết thúc vào khoảng 10h30, sau khoảng thời gian này các ngư dân vá lưới, rửa ghe để chuẩn bị cho chuyến đi vào sớm mai.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Dịch bệnh ở Phúc Kiến và Quảng Đông ngập tràn thị trường tôm hạ giá

Theo nguồn tin của Seafoodnews cho biết tôm ở Phúc Kiến và Quảng Đông của Trung Quốc xảy ra dịch bệnh và tôm giá rẻ tràn ngập thị trường.

Dịch bệnh ở Phúc Kiến và Quảng Đông ngập tràn thị trường tôm hạ giá

Tôm bị dịch bệnh do thời tiết thay đổi thất thường nhất là ở Phúc Kiến, tôm bệnh đã tràn ngập thị trường với số lượng lớn, làm giảm giá trong nước xuống từ 2 đến 3 Nhân dân tệ / tuần (0,60 – 0,90 USD / kg Mỹ) trong tuần này.

Một lượng lớn ao tôm ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc bị nhiễm phân trắng. Do dịch bệnh phân trắng diễn ra gây thiệt hại nặng nề nên người dân tiến hành rút ngắn thời gian nuôi bằng cách thu tôm sớm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Giống lúa mới: ít nước hơn, sản lượng cao hơn

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế vừa sản xuất được một loại lúa có thể trồng tốt hơn và sử dụng nước hiệu quả hơn những giống lúa khác. Giáo sư Andy Pereira thuộc Viện Virginia Bioinformatics VBI đang thực hiện nghiên cứu với các đồng nghiệp ở Ấn Độ, Indonesia, Israel, Ý, Mexico và Hà Lan để xác định và sử dụng một gen có tên là HARDY, gen có khả năng cải thiện các đặc điểm chính của giống ngũ cốc quan trọng này.

Nghiên cứu hiện được đăng trong tạp chí Proceedings của viện hàn lâm khoa học Mỹ, đã chứng minh được gen HARDY góp phần vào việc sử dụng nước hiệu quả ở lúa, nguồn thực phẩm chính cho hơn nữa dân số thế giới.

Lúa là loại cây hút nước rất nhiều so với các giống cây khác. Nó sử dụng nước gấp 3 lần các cây thực phẩm khác như ngô hoặc lúa mì và tiêu thụ khoảng 30% lượng nước ngọt sử dụng cho các loại cây trồng trên thế giới. Trong điều kiện nước hiếm, việc trồng các loại cây có khả năng tạo ra Biomass (năng lượng sinh khối, hay năng lượng từ vật liệu hữu cơ) một cách hiệu quả mà chỉ sử dụng một khối lượng nước hạn chế là rất quan trọng.

                             Giống lúa mới: Ít nước hơn, sản lượng cao hơn

Lúa HARDY cho thấy có sự gia tăng biomass đáng kể trong cả điều kiện khô hạn và không khô hạn. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, năng lượng biomass của lúa HARDY tăng khoảng 50% trong điều kiện thiếu nước (khô hạn) so với giống lúa cùng loại chưa được biến đổi gen.

Tiến sĩ Andy Pereira, giáo sư viện VBI phát biểu: “Dự án nghiên cứu xuyên ngành bao gồm việc nghiên cứu hai loại cây. Đầu tiên, chúng tôi sử dụng một kỹ thuật kiểm tra sự đột biến làm tăng chức năng để nghiên cứu một số lượng lớn các cây Arabidopsis, một loại cây mù tạt thuộc họ cải có thể mang những đặc điểm có lợi đối với sự kháng nước và chống lại khô hạn. Các xác định phân tử và sinh lý học cho thấy rằng hiệu quả sử dụng nước được cải thiện có liên quan đến gen HARDY”.

Tiến sĩ Aarati Karaba nhận xét: “Bước tiếp theo là cấy gen HARDY vào lúa và kiểm tra các đặc điểm nảy sinh từ sự biến đổi này”.

Ở lúa, HARDY dường như hoạt động theo cách hơi khác so với ở Arabidopsis, nhưng nó vẫn cải thiện hiệu quả sử dụng nước và tăng biomass. Các nghiên cứu sâu hơn đã chứng minh được HARDY làm tăng đáng kể khả năng quang hợp của lúa trong khi cùng lúc làm giảm sự mất nước từ cây.

Tiến sĩ Andy Pereira nói thêm: “Phân tích gen chip (DNA microarray) cho phép chúng tôi nghiên cứu các kiểu biểu hiện do gen HARDY điều chỉnh. Chúng tôi tập trung cụ thể vào các gen có tên gen ontology (GO), là những gen được cộng đồng khoa học cho là có quá trình hoặc chức năng sinh học cụ thể. Chúng tôi xác định tập hợp gen đã biết được điều chỉnh bởi gen HARDY, gen có mức độ thay đổi trong điều kiện cây thiếu nước. Chúng tôi còn nhận thấy sự thay đổi rõ rệt ở các tập hợp gen có liên quan đến sự chuyển hóa các protein và carbohydrate then chốt, điều này có lẽ giải thích được một số sự khác biệt về đặc điểm mà chúng tôi đã phát hiện ra trong cây Arabidopsis và lúa.”

Các nhà khoa học đã theo dõi cải thiện về hiệu quả sử dụng nước và phát hiện một loại phân tử cụ thể, phân tử này được biết đến như là yếu tố sao mã giống với AP2/ERF. Các yếu tố sao mã (transcription factors) là các protein kiểm soát sự biểu hiện gen và gen HARDY giải mã một protein thuộc vào loại các yếu tố sao mã giống với AP2/ERF.

Shital Dixit, sinh viên sau đại học tại Viện Nghiên Cứu Thực Vật Quốc Tế Wageningen (Hà Lan), nhận xét: “Tại thời điểm này, chúng tôi chưa biết chức năng chính xác của yếu tố sao mã này mặc dù nghi ngờ rằng nó ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành có liên quan đến sự làm khô của mô. Nhưng điều rõ ràng là lúa HARDY cải thiện hiệu quả sử dụng nước và có khả năng chống khô hạn ở lúa và có lẽ ở các cây ngũ cốc và cây hạt khác. Điều này sẽ góp phần duy trì sản lượng cao một cách bền vững trong điều kiện lượng nước cung cấp hạn chế.”

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam