Cà Mau: Xây dựng mô hình trồng chuối già Philippines để xuất khẩu

Cà Mau chú trọng trồng chuối già Philippines chất lượng cao, phấn đấu tới năm 2020 đạt tới 6000 ha trồng chuối.

6.000 cây chuối già Philippines nuôi cấy mô sạch bệnh được triển khai trên quy mô 100ha đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là mục tiêu của dự án: “Ứng dụng khoa học công nghệ cấy mô sản xuất giống cũng phát triển mô hình trồng chuối cho năng suất cao và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại vùng U Minh Hạ” thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2016 -2025 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt triển khai tại Cà Mau từ năm 2017.

Trồng chuối giống mới ở Cà Mau.

Theo Ban quản lý dự án Chuối già Philippines có tên gọi là Cavendish (còn gọi chuối già Nam Mỹ) là loại chuối cho cho buồng, trái to. Từ nuôi cấy mô sạch bệnh, 6000 cây chuối này sẽ được trồng và hoàn thiện quy trình nhân chuối ở Cà Mau với năng suất dự kiến đạt khoảng 30 tấn/năm/ha. Theo tính toán, mỗi hécta chuối cho lợi nhuận hơn 150 triệu đồng, góp phần tạo ra thu nhập ổn định cho những người dân sống ở miệt rừng Cà Mau.

Được biết hiện tỉnh Cà Mau đang thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp tới năm 2020. Ngoài giống lúa và một số sản phẩm nông nghiệp khác, Cà Mau chú trọng trồng chuối già Philippines chất lượng cao, phấn đấu tới năm 2020 đạt tới 6000 ha trồng chuối.

Nguồn: Khoahocvaphattrien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

“Dị nhân” nặn dừa hồ lô lạ mắt bán Tết, bỏ ăn, bỏ ngủ suốt ngày trên cây

Có biệt tài nặn dừa hồ lô, dịp Tết này để có những trái dừa hồ lô độc, lạ, “dị nhân” U60 Nguyễn Hoàng Phúc ở Cần Thơ thường xuyên bỏ ăn, bỏ ngủ “treo mình” lên những cây dừa.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc bên trái dừa hồ lô của mình.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc (55 tuổi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cho biết, sau hơn một năm nghiên cứu, ông đã có thể tạo được thành công sản phẩm dừa hồ lô trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

“Để nâng cao giá trị trái dừa, tôi quyết tâm ngày đêm nghiên cứu tạo hình hồ lô trên trái dừa. Qua khá nhiều lần thất bại, trái nứt, rơi rụng (từ 40-50 trái), cuối cùng tôi cũng đã làm được” – ông Phúc chia sẻ.

Theo ông Phúc, những ngày đầu làm thử nghiệm, vườn dừa của ông bị hỏng từ buồng này đến buồng khác, từ cây này sang cây nọ. Tuy nhiên, càng thất bại thì ý chí càng thúc giục ông phấn đấu làm tiếp, khi nào thành công mới thôi. Thậm chí, có những hôm, ban đêm, ông vẫn lọ mọ mở đèn pin trèo lên cây xem trái dừa mình đang “nặn” phát triển như thế nào.

Ông Phúc thường xuyên bỏ ăn, bỏ ngủ “treo mình” lên những cây dừa.

Ông Phúc nói thêm: “Nhiều lúc vợ nói làm dừa hồ lô phí công cực khổ, không có thời gian nghỉ ngơi, hơn nữa tuổi cũng đã cao. Khi đó tôi trả lời, cái này là sở thích nên không thấy mệt. Nhiều khi “bỏ ăn, bỏ ngủ” ngồi ở trên cây dừa, gia đình đi kiếm mãi không thấy…”.

Dipk Tết năm nay, dừa tạo hình hồ lô của ông Phúc đã có khách đặt 100 cặp để đưa ra Hà Nội. Trong thời gian tới, ông Phúc sẽ mở rộng mô hình, thuê vườn của anh em hoặc hàng xóm để làm dừa tạo hình.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nhiều hộ đổi đời nhờ mận xanh đường

Nông dân phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đang tích cực chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập.


Chính quyền địa phương rất quan tâm hỗ trợ bà con cải tạo vườn cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Điển hình là ông Nguyễn Văn Quyên, 50 tuổi, ngụ tại khóm Đông Bình đã mạnh dạn chuyển đổi 9 công vườn cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng mận xanh đường. Mỗi năm trừ hết các chi phí còn lời trên 300 triệu đồng, gấp hai, ba lần làm vườn tạp (chưa kể tiền bán nhãn và bưởi trồng xen trong vườn mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng).

Ông Quyên giới thiệu những trái mận được bọc kín bằng bao nilon

Ông Quyên cho biết, ưu điểm của mận xanh đường là ruột đặc, trái to (10 trái/kg), da màu xanh, thịt mềm và ngọt như đường nên được nhiều người ưa chuộng. Theo ông, giống mận này đã xuất hiện tại phường Đông Thuận cách nay hơn 20 năm do ông Ba Cắc mang về nhân giống. Khi mận ra những chùm trái đầu tiên, nhiều người trong xóm ăn thử mới phát hiện đây là giống mận quý hiếm, vượt trội các giống mận hồng đào và An Phước.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người xin chiết nhánh nhân giống. Lúc đầu chỉ một vài người trồng, dần dần cả xóm cùng đào mương lên liếp nhân giống đại trà. Đến nay toàn phường có trên 56ha mận xanh đường, chỉ riêng khóm Đông Bình có gần 100 hộ trồng.

Vườn mận của ông Quyên được sản xuất sạch, mỗi trái đều được bao bằng bọc nilon từ khi còn nhỏ. Ngoài bao trái ông còn dùng biện pháp sử dụng màn lưới trùm lên toàn bộ khu vườn (mận “ngủ mùng”) nhằm ngăn chặn ruồi vàng đục trái và các loài bướm đến đẻ trứng. Nhờ vậy mà ít sử dụng đến thuốc trừ sâu, bảo đảm an toàn.

Cũng theo ông, mận vừa bao lưới (trùm mùng) vừa bao trái sẽ ngọt lịm, mùi vị thơm ngon hơn hẳn trái không bọc nilon. Đặc điểm của mận xanh đường là mùa nắng sẽ ngon ngọt hơn mùa mưa vì mùa mưa trái nhiều nước.

Vườn mận được bao lưới (trùm mùng)

Ông Quyên chia sẻ: Mận xanh đường nếu trồng đúng kỹ thuật, bón phân hợp lý, thường xuyên cắt cành, tạo tán sau mỗi lần thu hoạch và xử lý cho cây ra hoa mùa nghịch, mỗi năm sẽ thu hoạch ba vụ, mỗi vụ bán được 30 triệu đồng/công. Thông thường 1 cây mận trưởng thành sẽ cho năng suất khoảng 120kg/năm. Đặc biệt vườn mận của ông không trồng thuần mận mà trồng xen canh cả bưởi và nhãn.

Bà Lê Thị Phương Lan, người gắn bó sản xuất giống mận này trên 15 năm cho biết, mận xanh đường tiêu thụ rất mạnh, giá cả dao động từ 10.000 – 13.000đ/kg tùy theo mùa thuận, nghịch chứ ít khi nào tuột giá như các giống mận khác.

Ông Nguyễn Chí Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Thuận cho biết, đặc sản mận xanh đường là tiềm năng lớn của địa phương, giúp bà con nông dân có nguồn thu nhập ổn định. Ngoài sản xuất kinh doanh, nhiều chủ vườn còn giúp bà con ở địa phương có việc làm như bao trái, bao lưới, thu hoạch, vận chuyển và nhiều dịch vụ khác. Tỉnh Vĩnh Long đã chọn Đông Thuận làm thí điểm để nhân rộng mô hình…

Bà Lê Thị Phương Lan chăm sóc mận

Ngoài cây mận, ông Quyên còn thuê thêm 7 công đất khác để trồng cam xoàn, bưởi và nhãn Idor đang cho trái chín. Hy vọng một hai năm nữa ông sẽ vươn lên thành “tỷ phú miệt vườn”.

Với thành quả nêu trên, ông đã nhận được bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Long về thành tích SXKD giỏi và nhiều giấy khen của UBND TX Bình Minh.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng quýt hồng Lai Vung chuẩn GlobalGAP, chờ thu bộn tiền vụ Tết

 Đã trở thành thông lệ, cứ đến thời điểm cận tết là lúc trái quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) có mặt ở khắp nơi phục vụ người tiêu dùng, vì nó chỉ trồng một vụ vào mùa tết. Chính vì lẽ đó, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến tết nên các vườn trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) nhộn nhịp hẳn lên.

Trồng quýt hồng ở Lai Vung – Đồng Tháp

Đến Lai Vung những ngày này, đi đâu cũng nghe bà con kể nhau hứa hẹn sẽ cho một vụ mùa quýt bội thu. Mặc dù giá VTNN năm nay tăng cao, thời tiết bất lợi nhưng theo đánh giá của nhiều người mùa quýt năm nay thành công nhất của người dân ở Lai Vung. Chẳng hạn như ở xã Long Hậu (một xã có diện tích quýt hồng lớn nhất so với các xã khác trong huyện Lai Vung) có 449 ha cho trái, năng suất trung bình từ 40-60 tấn/ha.

Anh Trần Việt Thắng, một người dân trồng quýt hồng lâu năm ở Long Hậu với diện tích gần 1ha, cho biết: Năng suất năm nay tăng hơn nhiều so với năm trước, trừ các khoản chi phí vật tư, với khoảng 7 công quýt chắc chắn cho lãi hơn 150 triệu đồng. Anh Thắng cũng cho biết thêm, nếu năm nào quýt cũng cho năng suất như năm nay, cộng với việc giá quýt ổn định như hiện tại thì năm sau anh sẽ cải tạo lại 3 công đất trồng màu để trồng quýt phục vụ tết.

Cũng ở xã Long Hậu này, lần đầu tiên thành lập được Tổ trồng quýt hồng theo hướng GlobalGAP phục vụ thị trường tết năm nay, có 10 thành viên với tổng diện tích 3,1ha. Sau hơn một năm thực hiện những kỹ thuật trồng theo hướng GlobalGAP, đến nay tính ưu việt của mô hình SX này đã được chứng minh. Từ ứng dụng khoa học của chương trình IPM đến sản xuất theo hướng GAP, nay lại đến GlobalGAP, nhà vườn chỉ cần thực hiện thêm tiêu chí đảm bảo vệ sinh vườn quýt, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Cụ thể, phải thường xuyên làm cỏ, cắt tỉa cành, tỉa bớt trái, nhất là những trái dị dạng hoặc bị côn trùng phá hại để khu vườn luôn sạch sẽ, thoáng đãng.

Quýt hồng trong trong dịp Tết hứa hẹn một vụ mùa bội thu và được giá

Bao thuốc, chai thuốc sau khi sử dụng phải được thu gom và tiêu hủy đúng cách, không quăng xuống mương vườn làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nhà vườn còn xây dựng nhà kho tại vườn để chứa các vật tư như phân bón, thuốc BVTV, các dụng cụ phục vụ SX, bảo hộ lao động. Ngay từ đầu vụ, các thành viên trong Tổ đều áp dụng đúng kỹ thuật, phương pháp và quy trình đã đề ra, theo từng giai đoạn phát triển của cây, vì vậy khi thu hoạch, năng suất quýt khá cao.

Chị Nguyễn Thị Lệ Hồng, thành viên của tổ cho biết: SX theo hướng GlobalGAP, một năm giảm được 6 lần phun xịt thuốc. Trước đây, mỗi năm phun xịt 26 lần thì nay chỉ còn 20 lần, chi phí đầu tư nhờ đó cũng giảm đáng kể.

Theo chị Hồng, SX quýt theo hướng GlobalGAP, mỗi nhà vườn phải thực hiện nhật ký ghi chép, sổ sách đầy đủ nhất là chi phí đầu tư, thời gian phun xịt, bón phân, thuốc BVTV đã sử dụng, mua từ đại lý nào, thời điểm phun xịt lần cuối cùng đến khi thu hoạch… Nhà vườn dễ dàng trong hạch toán giá thành và rút ra kinh nghiệm trong sản xuất cho vụ mùa năm kế tiếp. Vụ quýt hồng năm qua, Tổ trồng quýt hồng GlobalGAP thu được sản lượng gần 200 tấn quýt, trung bình mỗi ha đạt trên 60 tấn, cao gần gấp đôi so với sản lượng quýt hồng trung bình của cả huyện. Với cách mới, ngoài thu được năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn, các thành viên trong tổ GlobalGAP còn ý thức được vấn đề an toàn sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất, an toàn môi trường xung quanh, an toàn cho người tiêu dùng.

Còn anh Lưu Văn Tín, ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu nhiều năm SX quýt hồng đạt hiệu quả cao thu nhập mỗi năm lên hàng tỷ đồng nhờ áp dụng VietGAP cho cây quýt hồng nên anh đã nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong SX nông nghiệp.

Anh Tín cho biết, vụ quýt tết năm nay thời tiết không thuận lợi mấy, nhưng nhờ kinh nghiệm và tận dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên 6,5 công quýt hồng vẫn đạt chất lượng và sản lượng, ước tính khoảng 60 tấn trái (cao hơn vụ trước 10 tấn). Giá quýt hồng được các thương lái từ TPHCM, các tỉnh ĐBSCL đến mua tại vườn từ 22.000 – 30.000 đồng/kg, với giá này giúp gia đình thu nhập khoảng 1,3 – 1,4 tỷ đồng/năm, cao gấp nhiều lần so trồng lúa.

Theo anh Tín: “Cái khó của cây quýt hồng là rất dễ bị bệnh vàng lá và khi vườn cây nào bị bệnh này thì xem như phá bỏ, bởi dù có trị tốn kém nhiều tiền nhưng vẫn không hết bệnh. Bên cạnh đó, quýt hồng mỗi năm chỉ thu hoạch được một vụ, trong khi chi phí đầu tư rất cao; vì vậy nếu thiếu vốn, không vững kỹ thuật… sẽ không trồng được. Bù lại, do quýt hồng bán vào dịp tết nên được giá cao. Phân tích kỹ những hạn chế cũng như ưu điểm của cây quýt hồng, anh Tín chủ động từ việc thiết kế khu vườn hợp lý, trồng giống sạch bệnh, chăm sóc chu đáo. Ngoài ra, anh còn gắn kết chặt với ngành nông nghiệp địa phương, các nhà khoa học ở Trường ĐH Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam… để học hỏi phương pháp phòng trừ bệnh vàng lá; học cách xử lý ra hoa, đậu trái, xử lý màu cho trái quýt đẹp hơn…

Ông Mai Quốc Hậu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lai Vung cho biết, thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp cho phát triển cây có múi, địa phương cần phải có những định hướng, chiến lược lâu dài trong việc quy hoạch và tổ chức lại SX cho nông dân. Việc thay đổi tập quán SX của nhà vườn hướng đến sản xuất theo quy trình an toàn (VietGap, GlobalGap) và tổ chức liên kết tiêu thụ là vấn đề mà địa phương đang rất quan tâm thực hiện. Hiện tại, đặc sản quýt hồng đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa; sắp tới địa phương sẽ tiến hành xin cấp nhãn hiệu hàng hóa cho quýt đường và cam xoàn. Đây là định hướng quan trọng để nhà vườn tổ chức lại SX theo hướng liên kết, bền vững, để cây có múi của huyện vượt trội về chất lượng trong khu vực.

Hiện nay huyện đang vận động, hướng dẫn nông dân quy hoạch lại vườn trồng cây có múi chủ lực, trồng tập trung theo từng loại phù hợp với thổ nhưỡng đã được xác định và SX theo các quy trình an toàn (Viet Gap, GlobalGap), bởi đây là điều kiện tất yếu để được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời xây dựng được HTX quýt hồng Lai Vung với mục tiêu là phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ nông sản cho nhà vườn. Đây cũng là tiền đề để nhà vườn học tập kinh nghiệm tổ chức lại SX một cách bền vững trong thời gian tới.

Hiện toàn huyện có trên 2.700 ha trồng cây có múi có giá trị kinh tế cao, trong đó có trên 1.100 ha quýt hồng (loại trái cây đặc sản), gần 1.000 ha quýt đường và trên 600 ha cam các loại. Riêng cây quýt hồng cho trái vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, hầu hết các nhà vườn trong huyện đều khá và giàu lên từ cây quýt hồng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Quýt vàng Bắc Sơn được công nhận Nhãn hiệu tập thể

Hội làm vườn huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) vừa chính thức đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Quýt vàng Bắc Sơn” từ Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ông Trần Lê Hồng – Chánh văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Quýt vàng Bắc Sơn” cho Hội làm vườn Bắc Sơn. 

Được biết, quýt Bắc Sơn là loại cây bản địa, được đồng bào Kinh, Tày, Nùng, Dao trồng trên các lân, lũng, núi cao. Quýt khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, ít xơ, vị ngọt đậm, thơm. Đây được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc. Mùa quýt chín vào khoảng cuối tháng 11 dương lịch đến tháng 1 năm sau, cũng là thời điểm giáp Tết Âm lịch. Sản phẩm quýt Bắc Sơn chủ yếu bán cho các thương lái đi tiêu thụ trong tỉnh và các vùng lân cận.

Sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ tại Quyết định số 73864/QĐ-SHTT ngày 24/10/2017. Việc được cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể chính là một bước ngoặt quan trọng trong phát triển cây quýt vàng đặc sản của huyện. Đồng thời mở ra hướng phát triển, liên kết sản xuất mới cho bà con nhân dân trong huyện.

Những trái quýt vàng căng mọng.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Hà – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn nhấn mạnh: “Nhãn hiệu tập thể Quýt vàng Bắc Sơn được bảo hộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tạo cơ sở để quả quýt vàng của huyện có sức cạnh tranh và mở rộng thị trường; thúc đẩy phát triển kinh tế của người sản xuất, kinh doanh quýt vàng Bắc Sơn. Sản phẩm Quýt vàng Bắc Sơn là sản phẩm đầu tiên trên địa bàn huyện được cấp văn bằng bảo hộ. Đây là tiền đề để huyện Bắc Sơn tiếp tục xây dựng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản khác có thế mạnh của huyện”.

Quýt của Bắc Sơn có hai loại là quả tròn và quả dẹt. Quýt quả tròn khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, dóc vỏ, ít xơ, vị ngọt đậm, thơm, trọng lượng 80-150g, khi bóc có lỗ rỗng ở giữa quả.

Quýt Bắc Sơn được trưng bày đẹp mắt với hình dáng độc đáo.

Hiện nay, toàn huyện Bắc Sơn có trên 490ha quýt, trong đó diện tích cho sản phẩm trên 362ha, sản lượng năm 2016 gần 1.500 tấn.

Cây quýt tập trung nhiều ở xã Đồng Ý, Bắc Sơn, Chiến Thắng, Tân Lập, Nhất Hòa… Năm 2017, dự kiến sản lượng quýt đạt 2.000 tấn. Với giá 20.000 đồng/kg đang được các thương lái lùng tận vào các lân, lũng để mua. Giờ đây, có nhãn hiệu tập thể, trái quýt Bắc Sơn sẽ có nhiều cơ hội mới để phát triển và mở rộng thị trường hơn.

Nguồn: Báo Khoa học và phát triển được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nghệ An: Chính thức dãn nhãn tem truy xuất điện tử cho cam vinh

Thông tin từ Sở KH&CN Nghệ An cho biết, đã có 120 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh được HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tấn Thanh và HTX sản xuất dịch vụ cam Phùng Huyền đăng ký để dán lên sản phẩm, bán ra thị trường.

Thông tin từ Sở KH&CN Nghệ An cho biết, đã có 120 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh được HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tấn Thanh và HTX sản xuất dịch vụ cam Phùng Huyền trên địa bàn xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp đăng ký để dán lên sản phẩm, bán ra thị trường.


Qua tem điện tử, khách hàng có thể tra cứu nguồn gốc sản phẩm qua điện thoại thông minh.

Thông qua nhãn tem này, khi người tiêu dùng kiểm tra truy xuất điện tử sẽ cho thông tin: Tên sản phẩm, giống cam, quy cách đóng gói, bảo quản, ngày thu hoạch; hạn sử dụng; phân loại chất lượng, thông tin cảnh báo; quy trình sản xuất, địa chỉ sản xuất, diện tích, số lượng, thời gian gieo trồng; Tên tổ chức, cá nhân đại diện, địa chỉ giao dịch, điện thoại giao dịch, email và thông tin phân phối cũng được đơn vị chức năng tiến hành thẩm định, in đầy đủ trên mỗi nhãn tem Cam Vinh.

Quy trình thẩm định, cấp phép in ấn tem truy xuất điện tử cam Vinh sẽ được giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Nguồn: Báo Khoa học và phát triển được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Niềm vui làng cúc Ninh Giang

Kể từ ngày 7-12, hoa cúc Ninh Giang chính thức được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nghề trồng cúc phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.

Vững vàng cúc Ninh Giang

Những người trồng hoa cúc ở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa cho biết, gần 20 năm nay, hoa cúc Ninh Giang đã dần trở thành cụm từ quen thuộc trên thương trường vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Từ chỗ dăm ba hộ trồng với số lượng ít, quy mô nhỏ, những đóa hoa cúc nơi đây ngày càng tươi thắm hơn, vươn xa hơn, được nhiều người biết đến hơn. Đến nay, toàn phường có gần 300 hộ trồng hoa cúc, đưa ra thị trường hơn 150.000 chậu cúc lớn nhỏ vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Theo ông Trần Ngọc Hiếu – Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang: “Với chất lượng ngày càng được nâng lên, màu sắc, dáng thế có phần đặc trưng nên hàng năm, có đến 70% số chậu cúc trồng nơi đây được các thương lái ở một số tỉnh bạn đến mua tận vườn. Số còn lại bán trong tỉnh”.

Ông Trịnh Xuân Thanh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Ninh Giang cho biết, những năm qua, phường đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân phát triển ngành nghề trồng hoa cúc. Nhất là trong 2 năm gần đây, tình hình thời tiết có phần không thuận lợi cho người trồng hoa, phường đã tạo điều kiện bằng cách tạo mặt bằng, cho người dân thuê với giá rẻ. Bất kể hộ nào có nhu cầu đều được lãnh đạo phường xem xét giải quyết. Trong tương lai, phường tiếp tục tạo mặt bằng thuận tiện về giao thông, thủy lợi tại khu vực núi Sầm rộng từ 4 đến 5ha để phục vụ nhu cầu mặt bằng cho người dân trồng hoa cúc. Phường đặt tham vọng biến khu vực này trở thành nơi giao thương, quảng bá sản phẩm hoa cúc Ninh Giang.

Gặp gỡ một hộ đang chăm sóc hoa cúc tại Tổ dân phố Tân Châu, ông Hồ Hiệp cho biết: “Năm nay nhà tôi trồng 500 chậu cúc. Xuống giống từ tháng 8 âm lịch, gặp cơn bão số 12 có ảnh hưởng ít nhiều, nhưng may là thời điểm bão vào cây còn nhỏ, nên chủ yếu bị nghiêng, đổ chậu, có thể phục hồi. Cũng như năm trước, năm nay, tình hình thời tiết khá thất thường, nên việc tính toán chăm sóc cây sinh trưởng đúng thời vụ của người dân có phần khó khăn hơn. Nhưng đã là nghề gắn bó nhiều năm nên tôi không thể bỏ được. UBND phường cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi thuê khu đất này để đặt chậu”. Trên mảnh đất rộng chừng 4ha là khu vực đang được quy hoạch xây dựng trụ sở mới của UBND phường Ninh Giang, chúng tôi được biết khu vực này có hơn 20 hộ đang trồng hơn 10.000 chậu cúc lớn nhỏ để phục vụ Tết Nguyên đán.

Nâng tầm một sản phẩm

Không phải đơn thuần mà hoa cúc Ninh Giang được đưa vào Chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của Khánh Hòa giai đoạn 2016 – 2020. Toàn tỉnh chỉ có 6 sản phẩm được đưa vào chương trình này. Và với đặc trưng của mình, hoa cúc Ninh Giang đã có thể sánh ngang với những “tên tuổi” đặc trưng nhất của tỉnh gồm: yến sào Nha Trang, nước mắm Nha Trang, xoài Cam Lâm, sầu riêng Khánh Sơn, dừa xiêm Ninh Đa.

Nhãn hiệu tập thể “Hoa cúc Ninh Giang” đã được pháp luật bảo hộ độc quyền

Theo lãnh đạo Hội Nông dân phường Ninh Giang, ngoài cây lúa chiếm hơn 300ha, Ninh Giang còn là thủ phủ của nghề chế tác đá mỹ nghệ. Làng chế tác đá mỹ nghệ Phong Phú 1 là làng nghề truyền thống duy nhất của tỉnh. Ngoài ra, gần 40 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, hàng trăm hộ trồng rau màu với diện tích hơn 17ha và hàng chục hộ chuyên trồng nấm rơm cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Việc cấp nhãn hiệu tập thể sẽ khẳng định thương hiệu cho cúc Ninh Giang, góp phần thúc đẩy ngành nghề này phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hẳn nhiên, việc xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu là bước tiến quan trọng trong quá trình bảo vệ, phát triển thương hiệu và giá trị sản phẩm hoa cúc Ninh Giang. Tuy nhiên, với đặc trưng là một sản phẩm chỉ làm ra trong một thời điểm nhất định, đó là Tết Nguyên đán, hình thức canh tác vẫn còn mang tính thời vụ, chủ yếu được trồng trên đất vườn qua cải tạo và thuê mướn một số khu đất trống, bằng phẳng để trồng. Những năm gần đây yếu tố thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng và hiệu quả của loại cây trồng này. Vì vậy, theo lãnh đạo Hội Nông dân phường Ninh Giang, trong thời gian tới, cùng với việc chuyển đổi một số diện tích đất lúa ở những nơi có chân đất cao, kém hiệu quả sang trồng hoa cúc, hoạt động trồng các loại hoa cúc quanh năm để phục vụ vào các dịp lễ, ngày rằm, cuối tháng… đã được tính đến. Về vấn đề này, ông Huỳnh Kỳ Hạnh cho biết thêm, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp nói chung là hoạt động hết sức quan trọng, có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng của cây trồng. Đối với hoa cúc, việc tính toán thời điểm ra hoa rộ nhất càng đòi hỏi phải áp dụng tối đa các giải pháp kỹ thuật. Vì vậy, đơn vị quản lý nhãn hiệu “Hoa cúc Ninh Giang” cần có mối liên kết chặt chẽ với các nhà chuyên môn, nhà khoa học để tìm kiếm và triển khai nhiều hơn các giống cúc, kỹ thuật canh tác quy mô, hiện đại nhằm nâng cao hơn nữa thương hiệu này.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Giống xoài Úc Khánh Hòa: 3 năm liền được tôn vinh là sản phẩm tiêu biểu

Vừa qua, tại thủ đô Hà Nội, giống xoài Úc của Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Khánh Hòa được bình chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016. Đây là năm thứ 3 liên tiếp giống xoài Úc Khánh Hòa được tôn vinh.

Hoạt động tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông tổ chức. Qua đó, có 157 sản phẩm trong cả nước được công nhận danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016. Hoạt động này nhằm tôn vinh tài năng, công sức, sáng tạo của nông dân và doanh nghiệp trong việc làm ra sản phẩm có thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chất lượng đảm bảo, được người tiêu dùng tin cậy và đánh giá cao.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục mới

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ước tính hết tháng 11/2017, giá trị xuất khẩu nông sản đã đạt 33,14 tỷ USD, tăng tới 13,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Đóng góp vào mức tăng trưởng kỷ lục này là nhờ các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực là thủy sản, rau quả, gạo, cao su…

Trong đó, rau quả có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất. Theo báo cáo, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 11 tháng năm 2017 ước đạt 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ riêng tháng 11, giá trị xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 292 triệu USD.

Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017 với thị phần lần lượt là 75,6%, 3,6%, 2,9%, và 2,6%. Trong 10 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Nhật Bản (67,6%), Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (56,9%) và Trung Quốc (52,7%).

Gạo cũng là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 năm 2017 ước đạt 389.000 tấn với giá trị đạt 192 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 5,49 triệu tấn và 2,48 tỷ USD, tăng 23,4% về khối lượng và tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017 với 39,8% thị phần.

Còn với mặt hàng cao su, do giá cao su tăng mạnh (giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2017 đạt 1.680,4 USD/tấn, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016), nhu cầu tăng nên khối lượng xuất khẩu cao su 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,21 triệu tấn và 2,01 tỷ USD, chỉ tăng 8,2% về khối lượng nhưng tăng tới 38,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Chỉ riêng tháng 11, khối lượng xuất khẩu cao su ước đạt 143.000 tấn với giá trị đạt 210 triệu USD, đưa. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017, chiếm thị phần lần lượt 63,1%, 5,7% và 4,0%.

Mặt hàng thủy sản cũng là một điểm sáng của xuất khẩu khi giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11 năm 2017 ước đạt 728 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 7,57 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017, chiếm 58,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 10 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (67,9%), Hà Lan (47,5%), Anh (35%), Hàn Quốc (29,5%), Nhật Bản (22,2%) và Canada (22,7%).

Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam cũng có mức tăng nhẹ là chè (tăng 10,2% về khối lượng, 8,9% về giá trị ), hạt điều (tăng 1% về khối lượng, 23,2% về giá trị), gỗ (tăng 10,5%).

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

“Đột nhập” trang trại rau sạch

Trang trại trồng rau rộng hơn 4.000m2 nhưng chỉ có 2 công nhân phụ trách chăm sóc, thu hoạch; muốn vào thăm phải qua nhiều lớp cửa, phải khử trùng giày dép bằng vôi bột; vừa tham quan vừa vặt rau, trái thưởng thức ngay tại vườn, không cần rửa… Đó là những trải nghiệm của chúng tôi sau một ngày ở Trang trại trồng rau sạch công nghệ cao Vifarm (48, đường en Biển, phường 12, TP.Vũng Tàu).

Anh Cao Xuân Mạnh, một trong hai người đồng sáng lập Vifarm kiểm tra chỉ số dinh dưỡng cung cấp cho rau cải.

Ăn rau không cần rửa

Theo đúng hẹn, 7 giờ 30, chúng tôi có mặt tại Vifarm. Chị Trần Ngọc Trinh, kỹ sư của Vifarm dẫn chúng tôi đi qua 3 lớp cửa – trong đó có một đoạn rắc vôi bột – mới vào được nơi trồng rau. Chị Trinh giải thích, vôi bột để diệt vi khuẩn, mầm bệnh từ ngoài theo giày, dép của khách vào. Bình thường, trang trại có 2 công nhân đảm nhận các khâu chăm sóc, thu hoạch rau, nhưng hôm chúng tôi đến, chỉ có một người làm vì khoảng 1/3 diện tích đang trong giai đoạn khử trùng để chuẩn bị cho mùa rau Tết.
Trước mắt chúng tôi là hệ thống 52 giàn chữ A trồng rau thủy canh hồi lưu. Mỗi giàn đều có bảng ghi đầy đủ thông tin như: tên cây trồng, xuất xứ, ngày ngâm hạt, ngày gieo, ngày lên giàn (dự kiến), ngày thu hoạch (dự kiến), mã vạch truy xuất… Chị Trinh cẩn thận kiểm tra từng giàn cây, ghi chép các thông số vào sổ. Thấy một cây xà lách Ý có biểu hiện sâu trên lá, chị Trinh lật qua lật lại lá rau và bắt được con sâu gần bằng đầu đũa rồi chị tách cây riêng ra vị trí khác để theo dõi. Sau đó, chị cẩn thận lật từng lá của những cây xà lách xung quanh để kiểm tra đến khi thấy “an toàn” mới thôi.

Chị Nguyễn Thị Tài thu hoạch dưa leo tại trang trại Vifarm.

Sau khi thăm quan khu vực trồng rau thủy canh, chúng tôi đến khu vực trồng rau theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Khoảng 100 gốc dưa leo Hà Lan và 500 gốc cà chua bi đang ra trái. Dưa leo đã trồng được hơn 1 tháng, nhiều cây trĩu quả, đạt trọng lượng chừng hơn 200 gram/trái. Chị Nguyễn Thị Tài, công nhân của trang trại cho biết, nếu để thêm vài ngày nữa khi hoa ở cuống trái rụng, dưa leo có thể đạt trọng lượng 300 gram/trái. Tuy nhiên, thời điểm này trang trại đã thu hoạch vì dưa đang rất ngon. Chị Tài mời tôi nếm thử một số rau, trái trong vườn mà không cần rửa. Thấy khách chần chừ, chị Trinh đưa trái dưa leo lên ăn trước, như để chứng minh cho khách rằng rau, quả ở đây bảo đảm an toàn tuyệt đối. Xong, chị bốc nắm đất trồng cải cầu vồng để kiểm tra độ ẩm. “Trồng theo phương pháp tưới nhỏ giọt, cải cầu vồng phát triển tốt hơn, năng suất cao hơn và nhìn bắt mắt hơn. Chúng tôi tiếp tục thử nghiệm để đưa ra phương án trồng tốt nhất”, chị Trinh vừa ghi vào cuốn sổ tay vừa cho biết.

Học sinh tham quan trang trại Vifarm.

Hướng đến thị trường xuất khẩu

Khác với cách trồng rau thông thường, ở Vifarm, rau được trồng trong nhà lưới, nhà màng với hệ thống tưới tiết kiệm bán tự động bằng công nghệ của Israel. Rau được trồng trên giá thể xơ dừa hoặc thủy canh hồi lưu, không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất nào. Việc bổ sung dinh dưỡng cho rau được tính toán trên máy vi tính, căn cứ vào công thức đã tính toán xong, kỹ thuật viên mới đưa dưỡng chất vào nước cung cấp cho rau. Thời gian từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch rau từ 30-60 ngày như phương pháp trồng rau truyền thống. Trồng rau công nghệ cao có mức đầu tư ban đầu khá cao, nhưng bù lại, năng suất ổn định, ít bị sâu bệnh, được giá và dễ tiêu thụ. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, 3 cơ sở của Vifarm cung cấp 10 tấn rau, trái cho 500 khách hàng, là các hộ gia đình tại BR-VT và một số công ty cung cấp suất ăn chất lượng cao, nhà hàng tại TP.Hồ Chí Minh. Không tiết lộ tổng chi phí đầu tư ban đầu, nhưng anh Cao Xuân Mạnh, một trong hai người đồng sáng lập Vifarm lạc quan, sau 2 năm trang trại có thể thu hồi vốn và bắt đầu có lãi.
Anh Mạnh chia sẻ, vì lo ngại trước tình trạng thực phẩm bẩn ngày càng gia tăng, năm 2015, anh cùng người bạn là Cao Nhật Anh Tú – kỹ sư của một công ty dầu khí – rủ nhau làm trang trại trồng rau sạch để sử dụng trong gia đình. Sau nhiều ngày tìm hiểu, bàn thảo, hai người quyết định chọn công nghệ trồng rau của Israel, đặt mua hệ thống thiết bị tự động điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, tưới tự động và nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Vũng Tàu. Xơ dừa được mua từ các tỉnh miền Tây, một số loại hạt giống của Việt Nam, còn lại đa số phân vi sinh và hạt giống đều được nhập khẩu. Anh cũng thuê kỹ sư nông nghiệp phụ trách kỹ thuật. Vừa làm vừa học hỏi và tự rút kinh nghiệm nên việc trồng rau của các anh khá thuận lợi. “Ban đầu, chúng tôi trồng thử nghiệm một số loại rau để xem có phù hợp với điều kiện tự nhiên hay không, có đạt năng suất như kỳ vọng hay không, khi thấy hiệu quả mới mở rộng và trồng đại trà”, anh Mạnh chia sẻ. Từ ý tưởng ban đầu là trồng rau sạch tự cung tự cấp cho gia đình, anh Mạnh và anh Tú đã quyết định mở rộng diện tích trồng rau để cung cấp cho thị trường. Theo đó, năm 2016, họ đã mở thêm cơ sở tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu (2ha) và năm 2017 mở thêm cơ sở tại tỉnh Kon Tum (30ha, đang canh tác 2.600m2).
Trồng rau hiệu quả, anh Mạnh, anh Tú cũng chủ động thuê người quản lý và giới thiệu, bán sản phẩm qua mạng Internet. Ngoài facebook, zalo, Vifarm còn có website riêng: vifarm.org, giới thiệu quy trình trồng rau, các sản phẩm hiện có và giá thành của hơn 20 sản phẩm trên các trang web này để người tiêu dùng nắm được và đặt hàng. “Các sản phẩm của Vifarm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn rau an toàn, được kiểm nghiệm và xác nhận bởi Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.Hồ Chí Minh và Sở NN-PTNT. Sản phẩm có mã vạch để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc và quá trình tăng trưởng của cây. Chúng tôi đang làm thủ tục để sản phẩm của Vifarm được cấp chứng nhận GlobalGAP (bộ tiêu chuẩn về Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu). Chúng tôi đã làm việc với các đối tác tại Singapore, Nhật Bản, Mỹ để sau khi được cấp chứng nhận GlobalGAP, sẽ xuất khẩu rau ra nước ngoài”, anh Mạnh cho biết.
Giá rau của Vifarm từ 35.000-100.000 đồng/kg, tùy loại. Một số mặt hàng đã có thương hiệu như: cải bó xôi, cải Kale, cải cầu vồng, xà lách Ý, cà chua bi socola, cà chua đen… Ngoài cung ứng rau, Vifarm còn nhận lắp đặt giàn rau thủy canh hồi lưu, hệ thống trồng tưới nhỏ giọt cho rau, cây ăn trái cho các hộ gia đình. Đặc biệt, chỉ cần liên hệ trước, các cơ quan, đơn vị, trường học, có thể đến thăm quan, tìm hiểu mô hình trồng rau theo công nghệ tiên tiến tại Vifarm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam