Những điểm nhấn ngành nông nghiệp 10 tháng đầu năm

10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục được mở rộng thị trường và duy trì đà tăng trưởng về kim ngạch XK nông lâm thủy sản; dịch tả lợn Châu Phi bước đầu được kiểm soát; sẵn sàng các điều kiện chuẩn bị gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản…

 

Sẵn sàng đón Đoàn thanh tra EC

Theo Bộ NN-PTNT, từ ngày 5-14/11/2019, Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ có chuyến làm việc tại Việt Nam để đánh giá nhằm đưa ra quyết định tiếp theo về “thẻ vàng” của EU đối với thủy sản Việt Nam.

Bộ NN-PTNT đã sẵn sàng công tác chuẩn bị nhằm gỡ “thẻ vàng” cho ngành Thủy sản Việt Nam.

 

Theo đó, Bộ NN-PTNT, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU đã xây dựng kế hoạch chi tiết đón đoàn thanh tra của EC đối với các Bộ, ngành, địa phương và hướng dẫn các địa phương, DN triển khai. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các thông tin, tài liệu, hồ sơ để phục vụ Đoàn thanh tra EC…

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tin tưởng: Với sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và kết quả thực hiện thời gian qua, Việt Nam có thể kỳ vọng phía EC sẽ xem xét sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” cho hàng thủy sản từ khai thác của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thủy sản, đến thời điểm này, Tổng cục đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều công tác nhằm đáp ứng các yêu cầu của EC về chống khai thác IUU.

Cụ thể, đã chỉ đạo, tổ chức triển khai và vận hành thí điểm hệ thống giám sát tàu cá, đảm bảo quy mô giám sát được 31.541 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên.

Hiện nay, có 7 đơn vị (VNPT, Viettel, Zunibal, Vishipel, Bình Anh, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Blue Tracker) cung cấp thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá.

Số lượng tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cụ thể đến nay như sau: Nhóm tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên: 2.019/2.618 tàu cá (chiếm 77,1%); nhóm tàu cá từ 15 mét đến dưới 24 mét: 4.996/28.923 tàu cá (chiếm 17,3%)

Tổng cục Thủy sản cũng đã triển khai quy định về quy trình kiểm soát tàu nước ngoài tại cảng Việt Nam theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP.

Theo đó, đã công bố 7 cảng biển cho tàu nước ngoài cập cảng để thực hiện việc nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu hoặc quá cảnh thủy sản từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam; ban hành Quy trình kiểm soát tàu nước ngoài tại cảng Việt Nam…

Về tổ chức thực thi pháp luật, từ tháng 1/2019 đến nay, cả nước đã không phát hiện trường hợp tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Tổng cục Thủy sản đã lập và công bố công khai danh sách tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài lên cổng thông tin điện tử của Tổng cục.

Từ tháng 1/2019 đến nay, cả nước đã không phát hiện trường hợp tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

 

Theo đó từ ngày 1/01/2019 đến tháng 10/9/2019, đã công bố công khai 118 tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản (đang xác minh 69 tàu)…

Hiện 8 tỉnh (Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang) đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp để thực hiện chống khai thác IUU, ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân cố tình vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. 27/28 tỉnh ven biển đã thành lập Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại 60 cảng cá

Về truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, Bộ NN-PTNT đã công bố 4 đợt cho 60 cảng cá thực hiện xác nhận thủy sản từ khai thác; công bố danh sách 70 cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng. Công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác dần đi vào nề nếp, hỗ trợ và tạo điều kiện nhiều cho các DN trong quá trình XK…

 

Tích cực khôi phục, tái đàn lợn có điều kiện

Theo Bộ NN-PTNT, trong những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, do thời tiết thay đổi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi.

Việc gia tăng đàn vật nuôi, vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật tăng mạnh nên nguy cơ các loại dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng trong thời gian tới là rất cao. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị các bộ ngành, địa phương phối hợp thực hiện nghiêm một số giải pháp nhằm phòng chống dịch bệnh.

10 tháng đầu năm 2019, ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là khó khăn, thách thức lớn của toàn ngành nông nghiệp. Với các giải pháp triển khai phòng chống đồng bộ, quyết liệt của toàn ngành nông nghiệp, từ tháng 6/2019, tình hình DTLCP đã có chiều hướng đi xuống.

DTLCP đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2019 (Trong ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra trại giống lợn phục vụ tái đàn tại tỉnh Hưng Yên).

 

Cụ thể đến hết tháng 10/2019, số lợn buộc tiêu hủy giảm hơn 60% so với tháng 5/2019 (tháng cao điểm). Đến thời điểm này, đã có hơn 45% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó 22 tỉnh, thành phố có trên 50% số xã và chỉ còn 9 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày. Riêng tỉnh Hưng Yên (bùng phát dịch đầu tiên cả nước) hiện đã hết dịch.

Thời gian qua, với định hướng đẩy mạnh áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH), đại đa số người chăn nuôi đã quan tâm, áp dụng có hiệu quả các biện pháp ATSH và vệ sinh phòng bệnh, trong đó nhiều trang trại chăn nuôi đã đẩy mạnh các biện pháp ATSH, sử dụng chế phẩm tăng cường sức đề kháng, do đó hạn chế hoặc không bị nhiễm bệnh DTLCP.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo an ninh cho nguồn lợn giống đã được triển khai chặt chẽ. Cụ thể, đã lưu giữ được khoảng gần 110 nghìn con (90%) lợn cụ kỵ, ông bà chưa bị dịch bệnh. Đây là điều kiện quan trọng nhằm bảo đảm việc cung cấp lợn giống tái đàn tại các địa phương trong tình hình DTLCP đang giảm.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, công tác chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là DTLCP hiện còn tồn tại rất nhiều bất cập tại các địa phương do việc sắp xếp lại hệ thống thú y, nhất là việc sáp nhập Trạm Thú y với các ngành khác và chuyển thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (DVNN) thuộc UBND cấp huyện.

Theo đó, nhiều địa phương không bố trí nhân viên thú y xã. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng số người làm công tác thú y cấp xã đến cấp tỉnh đã bị cắt giảm, nghỉ việc đến thời điểm này đã lên tới 5.342 người.

Việc sáp nhập hệ thống thú y cũng khiến công tác đào tạo, tập huấn cho các cán thú y tuyến cơ sở về công tác phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn, nhiều nơi đã không còn thực hiện được do không còn hệ thống thú y các cấp.

Ở một số địa phương, chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, cấp huyện chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo và triển khai quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN-PTNT; chưa tổ chức thông tin, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…

 

Mở rộng thị trường xuất khẩu

10 tháng đầu năm 2019, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh việc mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông thủy sản XK.

Ảnh hưởng từ những khó khăn của thị trường Trung Quốc, tuy nhiên 10 tháng đầu năm 2019, XK nông lâm thủy sản vẫn duy trì tốt đà tăng trưởng.

Theo đó, đã gia tăng số DN được phép XK thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ả rập Xê út, với tổng số 13 DN tiếp tục được XK cá da trơn vào Hoa Kỳ.

Đồng thời, mở rộng XK nông sản sang một số thị trường mới, đặc biệt là việc đàm phán, mở cửa cho măng cụt, sữa được XK sang thị trường Trung Quốc trong tháng 10/2019 theo kế hoạch đề ra… Nhờ đó, tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản 9 tháng đầu năm 2019 đạt 30,2 tỷ USD (tăng 2,7% so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ NN-PTNT cũng đã hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hồng Kông (Trung Quốc) để XK thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang Hồng Kông.

 

Đối với thủy sản, bên cạnh việc duy trì ở những thị trường XK chủ lực, khó tính như EU, Mỹ, Hàn Quốc…, đến nay, riêng thị trường Trung Quốc đã chấp thuận NK từ Việt Nam 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến…

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nam Trung Bộ khẩn trương bảo vệ lồng bè nuôi trồng thủy sản

Trong khi cơn bão đang hình thành trên biển Đông, những hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè ở các tỉnh Nam Trung Bộ đang cấp tập triển khai các giải pháp bảo vệ tài sản…

 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay trên vùng biển phía Đông đảo Pa-La-Oan (Philippines) có 1 vùng áp thấp đang hoạt động. Vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 10,0 – 11,0 độ vĩ Bắc; 120,0 – 121,0 độ kinh Đông, cách phía Bắc đảo Pa-La-Oan (Philippines) khoảng 100km về phía Đông.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20km/h, đi vào biển Đông và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Trong 24 – 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển rất nhanh về hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 – 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Chủ nuôi tôm hùm lồng trên vịnh Xuân Đài ở TX Sông Cầu (Phú Yên) đang giằng chống, gia cố lồng bè đối phó với bão.

 

Trước dự báo trên, ngành chức năng ở “thủ phủ” tôm hùm Sông Cầu (Phú Yên) đang cấp tốc triển khai phương án bảo vệ lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó phòng Kinh tế TX Sông Cầu, hiện chủ nuôi của hơn 70.000 lồng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đã giằng chống kỹ lưỡng lồng bè của mình để tránh thiệt hại khi bão xảy ra.

“Đặc biệt, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành mệnh lệnh khi có thông báo của ngành chức năng, tất cả những người đang có mặt trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản phải lập tức di dời vào đất liền, nếu ai bất tuân mệnh lệnh sẽ bị ngành chức năng cưỡng chế đưa vào bờ, để tránh thiệt hại về người”, ông Nguyễn Thái Hải Anh nói.

Lồng bè nuôi cá ở khu vực Hải Minh, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn, Bình Định) đã được giằng chống, gia cố chắc chắn.

 

Ở Bình Định, công tác bảo đảm an toàn cho người nuôi và các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn cũng đã được triển khai quyết liệt. Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hiện trong khu vực Hải Minh thuộc phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) đang có 107 hộ nuôi các loại cá chẽm, cá bớp, cá điêu hồng, cá mú, cá hồng Mỹ… với trên 1.266 lồng nuôi, 188 bè nuôi. Còn ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) cũng đang có 61 hộ chuyên nuôi tôm hùm thương phẩm đã thả nuôi niên vụ 2019 – 2020 với 70.000 con tôm giống trên 34 bè nuôi.

Trước dự báo cơn bão đang hình thành trên biển Đông, những hộ nuôi trồng thủy sản ở Bình Định hiện đã giằng chống, gia cố tất cả các lồng bè để đối phó với bão. Đồng thời ngành chức năng tỉnh này cũng đã khuyến cáo chủ các hộ nuôi phải di dời vào bờ an toàn khi có bão đến.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam

Thu nhập cao nhờ trồng Mít Thái kết hợp chăn nuôi Dê

Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Long Tân, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã chuyển đổi từ trồng tiêu sang trồng mít Thái, tre lấy măng, nhãn, bơ… kết hợp chăn nuôi dê, bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là hộ ông Lê Văn Vàng (ấp Tân Thuận) với mô hình trồng mít Thái, tận dụng lá mít làm nguồn thức ăn để phát triển đàn dê, cho thu nhập khá.

Trồng Mít Thái kết hợp chăn nuôi Dê

 

Ông Lê Văn Vàng (ấp Tân Thuận, xã Long Tân) đã tận dụng lá mít Thái để chăn nuôi đàn dê của gia đình, ổn định về kinh tế.

Trong căn nhà khang trang, nằm xen giữa màu xanh của những bụi tre cao vút và những cây mít trĩu quả, nhâm nhi ly trà nóng, chỉ tay ra phía sau vườn, ông Vàng vui vẻ cho biết: “Có được cơ ngơi như hôm nay cũng nhờ đàn dê và vườn mít Thái. Dê dễ nuôi, ít tốn công, thức ăn chủ yếu từ cây cỏ tự nhiên và lá mít có sẵn trong vườn”.

Theo ông Vàng, nhờ nguồn nước từ hồ Suối Môn, năm 2015, ông đã đầu tư trồng thử 100 cây mít Thái trên diện tích 1 sào, cho trái hơn 60kg/cây. Với giá hơn 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi gần 100 triệu đồng/năm từ loại cây ăn trái dễ trồng này.

“Các thương lái đến tận vườn của gia đình tôi thu mua. Nhờ cây mít Thái, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập hàng năm. Hiện nay, tôi đã mở rộng thêm diện tích 1ha, trồng 1.000 cây mít Thái. Vừa cắt tỉa được lá để nuôi dê, vừa tăng thêm nguồn thu nhập của gia đình”, ông nói.

Ông Vàng cho biết, ông chọn nuôi dê bách thảo và dê boer lai (nguồn gốc Nam Phi) vì dễ nuôi, lớn nhanh, khoảng 5 tháng là sinh sản. Lứa đầu mỗi dê mẹ sinh 1 con, từ lứa thứ 2 trở đi sẽ sinh từ 2-3 con. Dê con sau 4 tháng nuôi có trọng lượng khoảng 25kg là có thể bán. Giá dê giống từ 180-200 ngàn đồng/kg, dê thịt từ 130-145 ngàn đồng/kg hơi. Do biết cách chăm sóc nên đàn dê của gia đình ông không ngừng sinh sản, phát triển, đến nay đã có hơn 10 dê mẹ và đàn dê thịt hơn 30 con. Bình quân mỗi tháng ông Vàng thu hơn 10 triệu đồng từ bán dê thịt. “Thời gian tới, gia đình tôi sẽ nhân đàn lên 20 con dê sinh sản, liên kết với các cơ sở mua bán dê giống, dê thịt ở trong và ngoài tỉnh nhằm tạo đầu ra ổn định”, ông Vàng cho biết thêm.

Để thành công như hôm nay, ông Vàng không chỉ cần cù, chịu khó trong lao động mà còn là người tích cực tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt do Hội Nông dân các cấp tổ chức.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Long Tân cho biết: Hiện nay tổng đàn dê của xã có khoảng 672 con, tập trung nhiều nhất ở ấp Tân Thuận. Nhiều nông dân đã biết tận dụng mô hình trồng trọt và chăn nuôi kết hợp, điển hình như ông Vàng. Nhờ tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào như lá mít, lá keo, cỏ để nuôi dê mà nhiều hộ dân đã cải thiện được cuộc sống, vươn lên làm giàu… Thực tế, mô hình này cần được nhân rộng vì phát huy hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít và thị trường tiêu thụ khá dễ dàng.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền

Thương mại kết nối thị trường cho sản phẩm đặc trưng vùng miền và giao thương tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn năm 2019.

 

Tinh dầu Khánh Đan, sản phẩm từ vùng đất Yên Bái

 

Đó là chủ đề hội thảo do Vụ Thị trường trong nước và Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Trong bối cảnh yêu cầu đổi mới của đất nước, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, với Việt Nam, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những lĩnh vực có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển đồng bộ nông nghiệp, nông thôn, được triển khai hiệu quả, mang lại giá trị thiết thực và đi vào cuộc sống mà điển hình như chương trình nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020, chương trình khuyến công hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển…

Trong đó, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo Quyết định  964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ là một trong những chương trình trọng tâm được thực hiện trên phạm vi địa bàn 287 huyện có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở các địa bàn khu vực này.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, khó khăn, trở ngại trong quá trình phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền; các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, đưa ra những yêu cầu từ thị trường với các sản phẩm đặc trưng vùng miền; một số biện pháp nhằm phát triển thương hiệu đặc sản cho Việt Nam; kết nối thương mại cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, HTX… sản xuất, phân phối sản phẩm đặc trưng vùng miền với các đối tác, chuỗi phân phối. Quảng bá thương mại sản phẩm đặc trưng vùng miền, góp phần đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền đến với khách hàng trong và ngoài nước.

Hội thảo tạo ra các cơ hội phát triển, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền góp phần giúp người dân sống được với nghề, giữ gìn và phát triển nghề, giữ đất giữ làng nhất là các sản phẩm đặc trưng của bà con vùng cao gắn với núi rừng. Những sản phẩm đặc trưng vùng miền ngày càng được biết đến nhiều hơn nhờ các chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ, các kênh thông tin quảng bá cũng như hỗ trợ từ Chính phủ đến các bộ, ngành…

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Công nghệ chế biến nông sản Việt Nam ở mức trung bình của thế giới

Hội thảo “Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và Cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” diễn ra tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam chiều 26/9 cho biết, từ 2018 đến nay có 30 dự án lớn đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng.

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đặc biệt nhấn mạnh vài trò của công nghiệp chế biến và công nghệ sau thu hoạch với nền nông nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập

 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, nhờ công nghiệp chế biến tăng trưởng, phát tiển mạnh nên trong những năm vừa qua Việt Nam tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt trên 40 tỷ USD, tăng 9,6% so với 2017.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, tương lai nông sản Việt Nam có thắng trên thị trường thế giới hay không phụ thuộc rất lớn vào công nghiệp chế biến và công nghệ sau thu hoạch.

Theo ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, thời gian qua công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của cả nước có nhiều kết quả to lớn, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định kinh tế, xã hội.

Cụ thể, giai đoạn từ 2013 – 2018 công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh mẽ trên cả quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước (giai đoạn 2007 – 2012), tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt khoảng 5 – 7%. Nhờ công nghiệp chế biến nông sản tăng trưởng mạnh mà các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng bình quân khoảng 8 – 10%/năm trong hai năm qua.

Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, hiện Việt Nam đã bước đầu hình thành được hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn xuất khẩu. Ngoài ra, còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp các địa bàn làm nhiệm vụ sơ chế, chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa.

Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp, thống kê từ 2018 đến nay có 30 dự án đầu tư lớn vào chế biến sản phẩm nông nghiệp đã hoạt động, triển khai trên cả nước với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng. Điển hình như các doanh nghiệp Masan, Doveco, Dabaco, TH Group, Vinamilk, Minh Phú, Ba Huân, Nafood, Lenger Seafood, Angfish… hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ.

Tuy nhiên, về mặt công nghệ chế biến và chất lượng sản phẩm, nhìn chung trình độ công nghệ chế biến nông sản Việt Nam so với thế giới mới đạt mức độ trung bình đến trung bình khá, chỉ có một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực, thế giới như: chế biến hạt điều, chế biến lúa gạo, chế biến tôm và cá tra…

 

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản trong GDP của ngành nông nghiệp đạt trên 30%.

Từ thực trạng, lợi thế, khó khăn, thách thức, nhất là thách thức từ biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế, ngành nông nghiệp Việt Nam mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông sản có đủ năng lực chế biến đảm bảo đầu ra cho sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, công nghệ chế biến đạt trình độ công nghệ từ trung bình tiên tiến trở lên, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN, một số ngành hàng dẫn đầu thế giới. Các sản phẩm sau chế biến phải đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, góp phần tăng nhanh giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản trong GDP của ngành nông nghiệp đạt trên 30%. Tốc độ giá trị hàng hóa nông sản qua chế biến đạt 7 – 8%/năm. Trên 50% số cơ sở chế biến mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Tốc độ năng suất lao động đạt trên 7%/năm. Mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 90 – 100%. Công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 4-5,5HP/ha (hiện nay 2,2HP/ha).

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Doveco sẽ thu mua hàng trăm ngàn tấn rau quả mỗi năm ở Tây Nguyên

Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai đi vào hoạt động không chỉ thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mà còn đưa Tây Nguyên trở thành một trong những trung tâm chế biến rau quả chất lượng cao của cả nước

Khánh thành trung tâm chế biến rau quả Doveco tại Huyện Mang Yang, Gia Lai

 

Chế biến hơn 500 tấn rau quả mỗi ngày

 

Sau hơn một năm xây dựng, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) chính thức đi vào hoạt động tại huyện Mang Yang, Gia Lai.

Doveco Gia Lai với tổ hợp nhà máy chế biến rau quả hiện đại công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm. Có 3 dây chuyền sản xuất tự động hóa gồm: Dây chuyền sản xuất nước quả cô đặc và nước quả tự nhiên, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đông lạnh, công suất 22.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đồ hộp, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm.

Từ tháng 4/2019 đến nay, Doveco đã đưa vào vận hành, chạy thử với những lô hàng đầu tiên sản xuất ra đã được xuất khẩu sang thị trường các nước Châu Âu, Israel, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…

Với các tổ hợp sản xuất này, mỗi năm, nhà máy sẽ thu mua hàng trăm ngàn tấn rau quả các loại để chế biến và xuất tươi nhiều dòng sản phẩm rau củ quả như: chuối, dứa, thanh long, chanh dây, bơ, xoài, sầu riêng, rau chân vịt, đậu tương rau, bắp ngọt, khoai lang Nhật, bí Nhật của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, khi nhà máy đi vào hoạt động, chúng tôi kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt khoảng 100 triệu USD/năm, tổng doanh thu hàng năm có thể đạt 2.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hàng năm từ 100 đến 150 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Doveco có điều kiện giới thiệu sản phẩm rau quả đặc sản của Tây nguyên như chanh dây, bơ, chuối, sầu riêng… ra thị trường thế giới.

Theo ông Khuê, với quy mô chế biến 500 tấn nguyên liệu mỗi ngày, Doveco sẽ góp phần tạo đầu ra ổn định cho rau quả nông sản khu vực Tây Nguyên, nâng cao giá trị gia tăng, giá trị sản xuất và nâng cao đời sống của người dân tỉnh Gia Lai và khu vực Tây Nguyên.

Trong khi đó, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, Doveco Gia Lai đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết trên 500 lao động ở địa phương và hàng chục ngàn nông dân tham gia sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông sản.

Ông Thành cũng kỳ vọng, Doveco sẽ mở đầu cho thời kỳ bùng nổ về phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn, thu hút các nhà đầu tư mới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Doveco là một trong những doanh nghiệp đầu tiên phát triển chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực của Việt Nam. Từ việc chủ động tạo ra giống mới cho năng suất cao, Doveco có công nghệ chế biến, xuất khẩu một cách bền vững.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Doveco tiếp tục phát huy truyền thống và thế mạnh của mình, tiếp tục đồng hành cùng người dân Tây Nguyên để chế biến và tiêu thụ nhằm năng cao giá trị sản phẩm nông sản, đặc biệt là các loại cây đặc sản như chanh dây, bơ, chuối và sầu riêng.

 

Đòn bẩy để nông nghiệp Tây Nguyên phát triển

 

Hiện nay, sản phẩm của Doveco xuất khẩu đến 50 quốc gia, tập trung chủ yếu vào thị trường các nước như: Nhật Bản Mỹ Israel, EU… Các sản phẩm xuất khẩu chiến lược của Doveco chủ yếu là: dứa lạnh dứa hộp, nước dứa cô đặc, nước chanh dây cô đặc, vải lạnh, mơ lạnh, rau chân vịt… Còn với thị trường trong nước, sản phẩm của Doveco đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn nhỏ và đang chiếm một thị phần lớn.

Ông Kenichiro Nakano, đại diện công ty Tokai Denpun Nhật Bản cho biết, những năm gần đây, Doveco đã xuất khẩu sang Nhật Bản, thị trường khắt khe về chất lượng sản phẩm và giá bán. Nhờ sự hợp tác và chia sẻ công nghệ sản xuất, kỹ năng quản lý, Doveco đã tạo được niềm tin của khách hàng tại Nhật Bản.

Nhằm đưa Doveco Gia Lai trở thành trung tâm chế biến rau qua lớn nhất Tây Nguyên, Doveco đã có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu bền vững trên địa bàn tỉnh Gia Lai và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Đến nay, Doveco đã phát triển vùng nguyên liệu dứa tại các địa phương như: Phú Thiện, Kông Chro, Ia Pa (Gia Lai) với diện tích 2.000 ha; phát triển vùng chuối nguyên liệu tại thị xã An Khê, huyện Ia Pa, Đak Pơ, Kông Chro, Mang Yang (Gia Lai) và tỉnh Đăk Lăk, Kon Tum với diện tích 1.000 ha; phát triển vùng nguyên liệu chanh dây tại các địa phương của tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum với diện tích 2.000 ha. Theo kế hoạch đến năm 2020, vùng nguyên liệu của Doveco sẽ đạt từ 22.000 ha đến 25.000 ha.

Chanh dây của Doveco được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc

Ông Đinh Gia Nghĩa, Giám đốc Doveco Gia Lai cho biết, việc hợp tác, liên kết giữa Doveco với nông dân sản xuất nguyên liệu bước đầu đã có kết quả tốt, tạo tiền đề cho việc xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao tại khu vực Tây Nguyên.

Theo ông Nghĩa, Doveco ký hợp đồng với chính quyền địa phương để thuê đất của dân nhằm chủ động trong việc tổ chức sản xuất. Sau khi người dân cho thuê đất, Doveco tạo điều kiện thuê làm nhân công lao động ngay tại vùng nguyên liệu.

Doveco sẽ thực hiện đầu tư ban đầu cho bà con nông dân như: cung cấp giống, vật tư phân bón đảm bảo chất lượng, chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời, theo dõi, giám sát, hướng dẫn quá trình sản xuất đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn từ khâu sản xuất cho đến chế biến và xuất khẩu.

“Ngoài việc tiêu thụ nông sản, chúng tôi cũng góp phần tạo việc làm ổn định cho khoảng 5.500 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng” – ông Nghĩa chia sẻ.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi FarmTech Vietnam

Phát triển thương hiệu Bưởi Da Xanh Khánh Vĩnh

Là một trong bốn loại cây trồng chủ lực của huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, cây bưởi da xanh không chỉ giúp người trồng thoát nghèo mà còn là sinh kế bền vững.

Bưởi Khánh Vĩnh được chứng nhận tiêu chuẩn VietGap

Sau một thời gian “bưởi da xanh Khánh Vĩnh” được công nhận là nhãn hiệu tập thể, nông dân Khánh Vĩnh đang phấn đấu đưa bưởi da xanh tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường tiêu thụ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, huyện có hơn 500 ha bưởi da xanh được cấp thương hiệu, tập trung ở các xã Khánh Đông, Khánh Nam, Khánh Bình, Khánh Trung. Song song với việc xây dựng thương hiệu, huyện Khánh Vĩnh cũng phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền nông dân sản xuất theo hướng an toàn VietGAP.

Ông Phùng Văn Thông, xã Khánh Nam là một trong những nông dân trồng bưởi da xanh có năng suất và chất lượng cao của huyện. Ban đầu ông chỉ trồng xen canh bưởi với các loại cây ăn trái khác, nhưng càng về sau, cây bưởi cho giá trị thu nhập cao, ông đã phát triển vườn bưởi của mình lên đến 2 ha với khoảng 1.000 gốc bưởi da xanh. Sau khi trừ chi phí, kết thúc thu hoạch ông Thông lãi khoảng 400 triệu đồng/năm.

Không chỉ có ông Thông, ông Nguyễn Xuân Long, Tổ trưởng Tổ hợp sản xuất trái cây an toàn Khánh Vĩnh, một trong những người đầu tiên trồng bưởi da xanh tại đây cho biết, từ năm 2005 khi có chương trình bán hỗ trợ cây giống của huyện, gia đình ông đã mua 20 cây bưởi da xanh về trồng.

Thời tiết thuận lợi cộng thêm được hướng dẫn cách canh tác hiệu quả, 6 năm sau, cây cho quả và bán được 20 triệu đồng/năm. Kể từ đó, ông tích lũy vốn liếng và đầu tư mở rộng diện tích trồng. Đến nay gia đình ông có 2 ha bưởi da xanh. Bình quân mỗi năm thu hoạch khoảng 10 tấn bưởi/ha, trừ chi phí lãi 300 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Xuân Long cho rằng: “Sau khi có được thương hiệu sẽ là cơ hội lớn để sản phẩm bưởi da xanh Khánh Vĩnh mở rộng thị trường, người tiêu dùng biết đến nguồn gốc sản xuất bưởi của địa phương, từ đó mở rộng cơ hội tiêu thụ. Đầu tiên là người nông dân, sau đó là các tổ hợp tác, do đó, Hợp tác xã của chúng tôi xác định cần tiếp tục sản xuất theo đúng quy trình mà nhà nước hướng dẫn, đảm bảo chất lượng bưởi da xanh khi đưa ra thị trường”.

Còn ông Thông thì khẳng định, thương hiệu bưởi da xanh Khánh Vĩnh sẽ giúp người trồng như ông có thể bán được giá hơn, mặc khác khi gắn với thương hiệu, vai trò, trách nhiệm sản xuất nông sản sạch của nông dân cũng được đề cao hơn.

“Do đó, không chỉ bản thân tôi áp dụng quy trình trồng VietGAP mà rất nhiều hộ khác đều chủ động tham gia, nhằm đưa đến người tiêu dùng những quả bưởi ngon và an toàn nhất”, ông Thông chia sẻ.

Ông Lương Nguyễn Nhật Trường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết, mới đây, Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 3 cấp giấy chứng nhận VietGAP đã cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP đối với các sản phẩm bưởi da xanh, cam xoàn, xoài cho 54 hộ với vùng trồng rộng 85 ha.

Đây là kết quả nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả Khánh Vĩnh. Do đó, trong thời gian tới, các ban ngành chức năng của huyện xác định thực hiện nhiều giải pháp để phát triển được thương hiệu bưởi da xanh Khánh Vĩnh. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất theo hướng an toàn; tiếp tục nghiên cứu sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng.

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Khánh Vĩnh, định hướng đưa bưởi da xanh Khánh Vĩnh có chỗ đứng vững chắc không chỉ nhắm đến thị trường trong nước mà còn ở nước ngoài. Để phát triển bưởi da xanh vào các thị trường khác, các hộ đang áp dụng quy trình VietGAP cần tuyên truyền, vận động thêm bà con xung quanh phát triển VietGAP để phát triển vùng trồng rộng lớn hơn.

Các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cần tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ nông dân các tiến bộ, khoa học kĩ thuật trong việc truy xuất nguồn gốc điện tử về: vùng trồng, mã số vườn theo tiêu chuẩn của các nước trên thế giới, có như vậy bưởi da xanh Khánh Vĩnh mới rộng đường xuất khẩu ra nước ngoài.

Nguồn: Tổng hợp và kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam

Chính thức: Lô xoài Việt Nam đầu tiên đi máy bay sang Mỹ

Sau 10 năm đàm phán, xoài Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Theo đó, tỉnh Đồng Tháp là nơi có lô xoài đầu tiên được xuất khẩu.

Sáng nay (18.4), tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Các đại biểu làm nghi thức chào mừng lô xoài đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ

Xoài là loại quả tươi thứ 6 của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, trước đó là thanh long (2008), chôm chôm (2011), nhãn và vải (2014), vú sữa (2017).

Để trái xoài vào Hoa Kỳ, Cục Bảo vệ thực vật đã nộp hồ sơ xin mở cửa thị trường từ năm 2009. Đến ngày 18.2.2019 vừa qua, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Văn phòng của Cục Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) tổ chức “Lễ công bố xuất khẩu xoài của Việt Nam sang Hoa Kỳ”.

Xoài Đồng Tháp được xuất sang Hoa Kỳ

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đơn vị xuất khẩu lô hàng xoài đầu tiên này là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đơn vị nhập khẩu là Công ty Trái cây nhiệt đới Đại Tân, đơn vị cung ứng sản phẩm xoài là Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh).

“Sau hơn 10 năm đàm phán, chúng tôi rất mừng khi xoài Việt Nam, trong đó có Đồng Tháp được xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đây là kết quả nỗ lực rất lớn của Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, cơ quan chức năng phía Hoa Kỳ đồng ý nhập khẩu xoài Việt Nam. Có thị trường đã khó, giữ thị trường càng khó khăn hơn vì vậy, người dân sản xuất xoài, đơn vị xuất khẩu phải đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn” – ông Hùng nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, Đồng Tháp có diện tích trồng xoài lớn nhất khu vực ĐBSCL với khoảng 9.300 ha. Theo đó, 2 giống xoài chủ lực đã đăng ký nhãn hiệu hàng hoá của địa phương này là xoài Cao Lãnh và xoài cát chu Cao Lãnh.

Đến nay, xoài Việt Nam đã được xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới, trong đó có châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand… Các giống xoài được xuất khẩu là xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, xoài tượng da xanh, xoài keo,…

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Cả ngành rau quả Việt Nam xuất khẩu thua trái kiwi của New Zealand

Trong 10 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỉ USD. So với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng khoảng 15,4 %.

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruits), 10 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỉ USD (tháng 10 ước đạt 330 triệu USD). So với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng khoảng 15,4 %. Như vậy, tốc độ xuất khẩu của rau quả Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại khi các năm trước đây thường tăng khoảng 30-40% so với cùng kỳ.

Theo Vinafruits, so với các mặt hàng nông sản khác, tỉ lệ tăng trưởng trên 15% vẫn còn khá cao. Tốc độ tăng đang có sự suy giảm là do giá trị mặt hàng này đã khá lớn (trên 3 tỉ USD) nên không thể giữ ở mức tăng trưởng cao mãi như khi giá trị còn thấp.

Xét về giá trị xuất khẩu, so với cùng kỳ đã tăng tới gần 500 triệu USD, tức gần 50 triệu USD mỗi tháng. Để có thể tăng trưởng nhanh hơn nữa, các doanh nghiệp cần chuẩn bị rất lớn cho tiếp thị mở rộng thị trường, lên kế hoạch mở rộng vùng sản xuất để cung cấp nguyên liệu.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết dư địa cho xuất khẩu của trái cây Việt Nam còn rất lớn, quan trọng cần có chiến lược phát triển ở tầm quốc gia và định hướng của các doanh nghiệp trong nước.

Nhìn vào kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc với trên 70%, 9 thị trường cao cấp tiếp theo chiếm khoảng 15%. Nếu các doanh nghiệp tập trung làm hàng chất lượng cao cho Mỹ, Eu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… thì giá trị sẽ tăng lên nhiều.

Sơ chế xoài xuất khẩu sang Nhật Bản

Còn theo ông Mai Xuân Thìn, CEO của Red Dragon, năm 2017 chỉ một trái kiwi của New Zealand đã có giá trị xuất khẩu 3,5 tỉ USD, bằng xuất khẩu của cả ngành rau quả Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng khoảng 20-30% thì trái kiwi của New Zealand đã tăng trên 89%. Như vậy, trái kiwi đã bứt phá lên trên và nếu giữ tốc độ trên, năm nay loại trái cây này sẽ vượt cả ngành rau của Việt Nam về giá trị xuất khẩu một khoảng cách không nhỏ.

Xuất khẩu rau quả trong 9 tháng đầu năm 2018

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Giá cau cao kỷ lục, người dân ở Huế thu nhập tiền tỷ

Năm nay, cau đầu mùa đạt giá kỷ lục, hơn 30.000 đồng/kg khiến người dân ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) rất phấn khởi.

Đến các miền quê tỉnh Thừa Thiên-Huế vào những ngày này, rất dễ trông thấy cảnh nhộn nhịp thu mua cau tươi. Tại huyện miền núi Nam Đông, các nhà vườn phấn khởi vì giá cau tươi cao kỷ lục từ trước tới nay.

Ông Nguyễn Thành Dũng, người dân trồng cau ở thôn 11, xã Hương Hòa, huyện Nam Đông cho biết: gia đình ông trồng cau đã 10 năm nay, những năm trước người dân để cau đến thời điểm Tết nguyên đán mới bán được giá.

Năm nay, mới đầu mùa, cau đã được giá nên bà con tranh thủ bán: “3 năm trở lại đây giá cau trên thị trường nhích lên, dân trồng cau của Nam Đông thu nhập ổn định. Vườn nhà tôi hiện tại trồng 180 cây, trong đó cho thu hoạch khoảng 120 cây. Năm nay thu hoạch hiệu quả, ước tính thu nhập khoảng 60 triệu”.

Mặc dù mới đầu mùa, nhưng cau đã có giá dao động từ 27.000-30.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất thương lái mua đến 32.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay. Sau khi thu mua, cau được đưa về tại cơ sở tập kết để sấy khô rồi phân loại, đóng bao xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo tính toán của người dân ở huyện Nam Đông, 1ha cây cau cho năng suất cao, thì mức thu nhập từ 700 triệu – 1 tỷ đồng/năm. Huyện Nam Đông chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện tiếp tục tổ chức tập huấn cho bà con cách phòng chống các bệnh như: nấm rễ, bọ cánh cứng ăn đọt, vàng lá… Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu ổn định để nâng cao hơn nữa giá thành cho sản phẩm.

Ông Phan Gia Điền, Chủ tịch UBND xã Hương Hòa, huyện Nam Đông cho biết: “Năm nay, giá cau lên tới 30.000 đồng/kg kể cả cành và quả. Một cây cho năng suất 20-25kg, một ha khoảng 1.400 cây, nếu đảm bảo yêu cầu thì thu nhập khoảng 1 tỷ đồng, đời sống người dân ngày càng cải thiện. Ngoài thu nhập từ cây cam, cây cao su thì nay có thêm cây cau… Đây là loại cây nổi trội hơn các loại cây khác”.

Người dân phấn khởi khi giá cau tươi tăng cao.

Đến thời điểm này, cây cau là một trong những cây trồng cho thu nhập ổn định đối với người nông dân Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Hiện diện tích trồng cau trên địa bàn huyện Nam Đông khoảng 200 ha, tập trung ở các xã Hương Lộc, Hương Hòa, Hương Giang và thị trấn Khe Tre.

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, giá cau cao do nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc lớn. Tuy nhiên, đây là thị trường không ổn định nên huyện Nam Đông chỉ đạo các địa phương duy trì diện tích chứ không phát triển ồ ạt diện tích cau tập trung.

“Huyện cũng chỉ đạo các địa phương vận động người dân cố gắng duy trì chăm sóc vườn cau hiện tại và phát triển diện tích theo mức độ nhất định. Đặc biệt, thị trường cau thường không ổn định, thời gian tới huyện chỉ vận động nhân dân chăm sóc và phát triển cây cau trong vườn chứ không phát triển thành những vườn cau tập trung”.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam