Tuyệt chiêu cho nhãn ra hoa trái vụ

Trong khi các vườn nhãn trong tỉnh sắp đến kỳ thu hoạch quả thì nhiều cây nhãn của lão nông Hoàng Quang Tuấn ở xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên mới bắt đầu ra hoa giữa mùa hè.

Cuối vụ xuân năm nay, trong khi các trà nhãn trong khu vực đều đã tắt hoa, lộ quả, thì nhiều cây nhãn trong vườn nhà lão nông Hoàng Quang Tuấn mới bắt đầu ra hoa. Có thể coi là trà hoa cực muộn, quý hiếm… Tôi còn chưa hết sự trầm trồ, ông Tuấn đã tiếp lời: “Chưa hết đâu “sếp” ạ!”.

Cây nhãn đã ra quả lại tiếp tục ra hoa giữ mùa hè

Và phải đợi thêm 2 tháng nữa (quá nửa mùa hè), khi các vườn nhãn ở địa phương đang sắp cho thu hoạch quả, ông Tuấn mới lại “nháy máy” cho tôi: “Mời bác đến thăm nhãn ra hoa giữa mùa hè – hoa trái vụ”.

Đi thăm khắp vườn nhãn của gia đình ông Tuấn chúng tôi thấy, bên cạnh gần 500 gốc nhãn đang mang quả đều tăm tắp, lại có cả chục cây nhãn mới bắt đầu ra hoa. Nhãn ra hoa không chỉ ở các cây không ra quả chính vụ, mà nhiều cây nhãn còn vừa mang hoa vừa mang quả.

Để cây nhãn ra hoa cực muộn và ra hoa trái vụ, ông Tuấn vẫn chỉ sử dụng kinh nghiệm khắc phục nhãn ra hoa cách vụ của các nhà nông khi xưa như, chăm bón cho cây phát triển cân đối; phòng trừ sâu bệnh kịp thời; khoanh tiện vỏ thân cây, thân cành…

Nét mới trong cách làm cho nhãn ra cực muộn và ra hoa trái vụ của ông Tuấn là, chọn thời điểm khoanh cây, khoanh cành thích hợp như khoanh tiện vỏ thân cây/cành muộn hơn so với thời điểm khoanh cây cho nhãn ra hoa chính vụ khoảng 1 tháng (để nhãn ra hoa chính vụ cần khoanh tiện vỏ thân cây/cành khoảng tiết Đông chí – giữa tháng 12 DL).

Theo ông Tuấn, nếu không có biến động bất thường về thời tiết, thì trà nhãn trái vụ sẽ cho quả vào mùa đông (khoảng 20 tháng 11 DL). Bởi vì năm 2010 ông đã từng thành công cho nhãn ra hoa giữa mùa hè, thu hoạch quả trong mùa đông, trong khi trọng lượng quả và chất lượng quả không đổi so với trà nhãn ra chính vụ.

Sở dĩ từ năm 2010 tới nay ông Tuấn mới cho nhãn ra hoa trái vụ trở lại, vì quãng thời gian đó anh phải tập trung cho các kế hoạch sản xuất khác.

Hiện trà nhãn ra hoa cực muộn của gia đình ông Tuấn đã khá sai quả, dự kiến sẽ cho thu hoạch muộn hơn so với các trà nhãn muộn ở đây 10 – 15 ngày.

Nếu như những năm trước đây ở một số địa phương có nhãn cho thu hoạch đến giữa tháng 10 đã được coi là của hiếm. Thì nay ông Tuấn có nhãn cho hoạch tới 20 tháng 11, có thể coi là hàng “độc”. Thành công này, sẽ mở ra triển vọng mới cho các nhà vườn chuyên canh nhãn.

Không chỉ là một lão nông lão luyện trong nghề làm vườn, ông Tuấn còn là một cao thủ trong nghề thâm canh cá. Hiện ông đang nuôi thả thường xuyên 3ha cá các loại, trong đó có 1ha cá nuôi thâm canh. Trên diện tích đó, năm 2016 trung bình mỗi mét vuông mặt nước ao nuôi ông thu được hơn 6kg cá thương phẩm, được coi là siêu năng suất, tương đương năng suất nuôi thâm canh cá của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Biết tiếng ông Tuấn, đã có rất nhiều chủ trại nuôi cá khắp các tỉnh thành trên miền Bắc đến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm. Trong đó, khá nhiều trại cá nhờ tư vấn kỹ thuật kịp thời từ ông Tuấn, đã thoát khỏi bờ vực phá sản, chủ trại nuôi cá Vũ Thị Thắm ở xã Hoà Phong, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên là một ví dụ.

Đầu năm 2017 vừa qua, nhà vườn Nguyễn Quang Tuấn đã vinh dự được ông Đỗ Tiến Sĩ, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên đến thăm và khích lệ.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Dự đoán sâu bệnh tổng hợp trong tuần (06.11.2017)

Ở các tỉnh thành phía Nam, dự kiến tuần tới sẽ có đợt rầy cám nở rộ, gây hại chủ yếu ở mức nhẹ – trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, có thể hại nặng cục bộ trên lúa giai đoạn làm đòng trỗ.

1. Trên lúa

1.1. Các tỉnh phía Bắc: 

Rầy, chuột, nhện gié, bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt… hại nhẹ trên lúa mùa muộn tại Nghệ An, Hà Tĩnh.

1.2. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: 

– Bệnh đạo ôn lá, cổ bông, khô vằn, rầy… hại lúa mùa, lúa gieo giai đoạn đòng trỗ – chín. Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân… hại lúa mùa, lúa gieo giai đoạn đòng trỗ. Sâu keo, bọ trĩ… hại chủ yếu lúa lỡ vụ giai đoạn mạ – đẻ nhánh.

– Chuột gây hại cục bộ trên lúa mùa, lúa gieo, lúa lỡ vụ.

– Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước.

1.3. Các tỉnh phía Nam: 

– Dự kiến tuần tới sẽ có đợt rầy cám nở rộ, gây hại chủ yếu ở mức nhẹ – trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, có thể hại nặng cục bộ trên lúa giai đoạn làm đòng trỗ.

– Bệnh đạo ôn lá, bạc lá, đạo ôn cổ bông phát triển thuận lợi trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng và trên lúa giai đoạn trỗ do ảnh hưởng của mưa bão phân bố diện rộng, sáng sớm có sương mù nhẹ.

2. Trên cây trồng khác

– Trên ngô và cây rau màu: Các đối tượng gây hại tiếp tục hại nhẹ – trung bình.

– Cây hồ tiêu: Tuyến trùng rễ giảm; bệnh chết nhanh, chết chậm… gây hại tăng nhẹ.

– Cây cà phê: rệp vảy xanh, rệp sáp, bệnh đốm mắt cua… gây hại nhẹ.

– Cây có múi: Bệnh Greening, sâu đục quả, sâu vẽ bùa… tiếp tục phát sinh gây hại.

– Cây thanh long: Bệnh đốm nâu tăng nhẹ.

– Cây điều: Bọ xít muỗi tiếp tục phát sinh gây hại tăng và bệnh thán thư hại giảm.

– Cây mía: Bệnh chồi cỏ, bệnh trắng lá… gây hại cục bộ mía ở vùng ổ dịch.

– Cây sắn: Nhện đỏ, bệnh chổi rồng, bệnh khảm lá sắn… tiếp tục gây hại.

Nguồn: Cục Bảo vệ thực vật được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Mỗi ha tiêu mất 1 tỉ đồng sau bão số 12

Ngoài hàng trăm ngôi nhà bị sập, tốc mái, đường sá hư hỏng, cơn bão số 12 còn gây thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp cho nông dân ở Gia Lai. Với những người trồng các loại “cây vàng” như cà phê, hồ tiêu thì cơn bão đã  “thổi” bay toàn bộ gia sản mà họ tích cóp hàng chục năm trời mới có được.

Mỗi ha tiêu mất 1 tỷ đồng 

Tiếp xúc với PV Dân Việt chiều 5.11, anh Nguyễn Đức Hùng (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa) thảng thốt nói: “Hết sạch rồi anh ơi!”. Chỉ trong vài giờ cơn bão số 12 càn quét, vườn tiêu 1.200 trụ (tương đương 1,2ha) của gia đình anh đã bị xô ngã gần hết, chỉ còn sót lại khoảng 100 trụ. Chỉ những trụ tiêu xanh tốt, trĩu quả nằm rạp dưới đất, anh Hùng nói như khóc: “Vợ chồng tôi thế chấp toàn bộ tài sản, vay ngân hàng đầu tư hết vào đây, chăm bẵm suốt 3 năm ai nhìn thấy cũng khen. Vậy mà bây giờ còn lại không được một phần mười”.

Hàng nghìn trụ tiêu ở Gia Lai đã gãy đổ do bão

Theo tính toán của anh Hùng, từ khi trồng đến năm thứ ba, 1.200 trụ tiêu đã “ngốn” hết 500 triệu đồng, năm nay cho thu bói khoảng gần 500 triệu (6 – 7 tấn). Như vậy bão số 12 đã “thổi” bay 1 tỷ đồng của gia đình anh, chưa kể tiền lãi ngân hàng.

Quan sát vườn tiêu của anh Hùng, chúng tôi thấy tất cả các trụ tiêu đều được giằng dây thép chống ngã, nhưng đây cũng là một nguyên nhân khiến cả vườn đổ rạp, bởi trụ này ngã sẽ lôi thêm trụ khác. Sau khi ngã, phần lớn cây tiêu đều bị đứt gốc, phơi rễ lên mặt đất.

Cách vườn tiêu anh của Hùng không xa, anh Vũ Văn Sáng đang ngẩn ngơ với 1.500 trụ tiêu xơ xác.  “Tôi đầu tư làm trụ bằng bê tông kiên cố, nên chỉ có 200 trụ bị ngã. Nhưng khổ nỗi tiêu trồng bằng trụ bê tông, nếu đổ ngã thì coi như mất trắng, không thể phục hồi lại được”, anh Sáng cho biết.

Nói về cơn bão số 12, anh Phạm Hồng Vỹ (trú thôn 1, xã Hải Yang) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Chưa bao giờ tôi thấy một cơn bão khủng khiếp như vậy, dường như tất cả các loại cây trồng ở Tây Nguyên đều không chịu đựng nổi với sức gió của nó. Chả trách người ta đặt tên là bão Con Voi”. 

Người trồng cà phê cũng liêu xiêu 

Đến chiều 5.11, các huyện trọng điểm trồng hồ tiêu ở Gia Lai vẫn chưa thống kê hết thiệt hại. Nhưng báo cáo sơ bộ đã có gần 30.000 trụ tiêu bị ngả đổ hoàn toàn, trong đó huyện Chư Pưh gần 18.000 trụ, huyện Đắk Đoa 5.475trụ, huyện Mang Yang 6.000 trụ.

Người dân tìm cách dựng lại các trụ tiêu đã ngã nhằm vớt vát lại phần nào khi mùa thu hoạch sắp tới.

Không chỉ hồ tiêu, người trồng cà phê ở Gia Lai cũng đang khóc ròng vì quả rụng xanh mặt đất, cây bị lay gốc đứt rễ, trong khi thời điểm thu hoạch đã cận kề. Đặc biệt, tại xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang có đến 40% diện tích cà phê bị rụng quả và lay gốc. Vụ cà phê năm nay coi như trắng tay, hàng trăm nông dân ở xã này đang “vắt óc” nhưng chưa nghĩ được cách trả nợ cho các đại lý phân bón, xăng dầu mà họ mua chịu từ đầu năm.

Theo báo cáo chiều 5.11 của Sở NN&PTNT Gia Lai, do ảnh hưởng của bão số 12, huyện Phú Thiện có 286 ngôi nhà bị ngập, 162 con trâu bò bị và gần 1.000 gia cầm bị chết, nhiều km quốc lộ 25 (nối Gia Lai với Phú Yên) và kênh mương thủy lợi bị hư hỏng. Huyện Krông Pa có 38 ngôi nhà sập và tốc mái,  hơn 600 ha cây trồng bị ngập và nhiều bò, dê, lợn bị nước cuốn trôi…

Nguồn: Dân việt được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Ngư dân mất kế sinh nhai vì bão

Trước khi bão số 12 đổ vào Khánh Hòa và Phú Yên, ngư dân Hòa Tâm, vùng đất giáp ranh giữa hai tỉnh đã đưa tất cả tàu thuyền của mình vào neo đậu sâu bên trong sông Bàn Thạch, cách cầu Đà Nông hàng trăm mét để bảo đảm an toàn.

Vậy mà hàng chục chiếc thuyền của bà con thôn Phước Tân neo kỹ trong Cồn Ông vẫn bị những loạt sóng cao hàng chục mét vượt qua cầu xô đẩy mạnh, các thuyền va chạm vào nhau gây nứt, bể, chìm xuống nước. Trong số hàng chục chiếc bị hư hại, nặng nhất là thuyền của các ông Lê Minh Tâm, Trương Tám, Nguyễn Cần… Thuyền của họ bị nứt, vỡ, chìm xuống nước.

Đau xót nhìn tài sản cả đời dành dụm, vay mượn để có phương tiện mưu sinh, họ tìm cách trục vớt chiếc thuyền tan nát của mình lên đưa về nhà mà chẳng biết để làm gì!

Những chiếc tàu của ngư dân Phước Tân bị chìm trong khu vực Cồn Ông

Dùng sức người mà kéo thuyền

Tìm cách trục vớt thuyền lên

Dùng ba-lăng để trợ lực

Vợ con cùng tham gia

Tài sản quý giá nhất trên thuyền là chiếc máy nổ, phải vớt lên, dù bị ngâm nước mặn đã coi như hỏng

Ông Lê Minh Tâm đau xót nhìn đống gỗ vụn được chở về nhà

Theo báo Phú Yên, kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Tan nát hàng ngàn lồng bè thủy sản vùng tâm bão đi qua

Ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa đang chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề của cơn bão số 12. Hàng ngàn lồng bè nuôi tôm cá bị cuốn trôi, bão đánh phá hư hỏng, nhiều hộ dân thiệt hại hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng.
Huyện Vạn Ninh là địa phương có diện tích nuôi thủy, hải sản lớn của tỉnh Khánh Hòa. Theo UBND huyện Vạn Ninh, tính đến nay, bão số 12 đã khiến gần 12.400 lồng bè thủy sản của địa phương này bị thiệt hại hoàn toàn.
Tại xã Vạn Thắng (Vạn Ninh) có hàng chục hộ nuôi tôm hùm với hàng trăm lồng bè bị bão nhấn chìm hoàn toàn. Không giấu được nỗi buồn, anh anh Lê Thanh Bình (trú thôn Quảng Hội 2, Vạn Thắng, Vạn Ninh) cho biết: “Vụ tôm hùm vừa qua tôi thả nuôi 1000 con tôm hùm giống. Tôm nuôi được 7 tháng rồi. Cơn bão ập đến đã cuốn đi tất cả. Tính cả tiền giống, tiền chi phí thức ăn, làm lồng bè thì nhà tôi đã mất khoảng 1 tỷ đồng”.
Tương tự như gia đình anh Bình, năm nay, chị Trần Thị Hoài (thôn Quảng Hội 2, Vạn Thắng) cũng bị bão cuối trôi, phá hủy lồng bè nuôi 5000 con tôm hùm lớn nhỏ, thiệt hại lên đến gần 3 tỷ đồng.
Ở khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh) cũng có hàng trăm hộ dân sinh sống bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy hải sản. Trong đó phần lớn là nuôi tôm hùm và cá chim, cá bớp.

Một số hộ gia đình “may mắn” còn lại xác lồng

Chi sẻ với PV, một người dân thôn Đầm Môn cho biết, gia đình chị vay mượn ngân hàng hơn 300 triệu đồng để nuôi tôm hùm, đến nay cũng được hơn 5 tháng tuổi. Bão đến bất ngờ quá, cuốn hết tất cả. Bây giờ cả gia đình chị không biết trông phải trông cậy vào đâu.
Nói trong cay đắng, ông Tư Bụi (Đầm Môn, Vạn Thạnh) cho biết: “Ngay khi có thông tin bão đổ bộ, cán bộ xã và xóm ngay lập tức đã thông báo với bà con để đưa thuyền vào nơi tránh trú. Tuy nhiên toàn bộ tài sản với gần 80 lồng bè nuôi tôm hùm của tôi bão đập nát, ước tính thiệt hại gần 2 tỷ đồng”.
Theo thống kê sơ bộ của BCH PCTT – TKCN tỉnh Khánh Hòa, ngoài huyện Vạn Ninh toàn tỉnh còn có nhiều địa phương nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng như Nha Trang, Ninh Hòa, Cam Ranh… với 22.700 lồng bè nuôi tôm cá bị trôi hoàn toàn và chưa thể thống kê được mức thiệt hại cụ thể.
Một số hình ảnh ghi lại cảnh tan hoang của những lồng bè thủy sản sau bão Con Voi do bà Phan Thị Vân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thủy sản I cùng các cán bộ của Viện có mặt tại hiện trường ghi được:

Theo NNVN, kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Khánh Hòa: Xót xa nhìn vườn chuối đổ như ngả rạ, nông dân mất tết

Đó là những lời than vãn, nghe rất xót xa của các hộ trồng chuối tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).

Sau cơn bão số 12, PV Dân Việt đã đến khu vực xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, một vùng chuyên trồng chuối và được xem lớn nhất khu vực tỉnh Khánh Hòa. Toàn bộ những vườn chuối hiện đều bị bật gốc và ngã đổ, các cây chuối ngã tính không xuể. Đi đến nhà nào, người dân cũng đều lắc đầu than vãn mất trắng hết rồi chú ơi, chẳng còn gì nữa cả…

Ông Nguyễn Xuân Anh đang chặt các buồng chuối để vứt bỏ

Một buồng chuối bị bùn đất vùi lấp

Đang loay hoay bên vườn chuối 5 sào, ông Nguyễn Xuân Anh (xã Suối Cát, Cam Lâm) cho biết: “Vườn chuối 520gốc này là chuối cấy mô tôi trồng được hơn 1 năm, sau khi chăm sóc đã có trên 80% gốc chuối có buồng. Ông đang mừng thầm vì dự kiến bán vào thời điểm Tết này, mỗi buồng nhẩm tính giá từ 0,8 – 1 triệu đồng. Ai ngờ, cơn bão 12 đi qua đã cuốn sạch, chuối đã bị gãy nữa thân rất nhiều nằm la liệt trong vườn, chỉ còn cách chặt vứt bỏ”.

Ông nói, đau xót hơn là vườn diện tích 2ha chuối và xoài nằm trên đồi, bão qua đã cướp mất. Cả hai ngày nay ông không lên vườn này vì cảm thấy chán nản, bao nhiêu vốn liếng công sức giờ đã trở thành con số không. Gia đình ông thiệt hại ước tính khoảng gần 200 triệu đồng.

Chuối gãy nằm la liệt, tính không xuể

Nằm sát bên cạnh, bà Lê Thị Mai cho hay, gia đình có 3 sào chuối, mỗi năm thu nhập trên 50 triệu đồng. Nhờ nguồn này mà có tiền nuôi con cái ăn học và trang trải trong gia đình. Cơn bão tràn vào đã làm cho vườn chuối hư hết, giờ gia đình không biết lấy nguồn nào để sống…

Bão số 12 đi qua đã làm cho nhiều diện tích chuối của người dân xã Suối Cát thiệt hại nặng

Theo đại diện địa phương cho biết, chuối là một trong những cây chủ lực, bà con có thu nhập chủ yếu từ trồng các giống chuối cau, chuối mốc, chuối mùi hương, với diện tích khoảng 1.000ha chuối. Cơn bão 12 đổ bộ làm cho nhiều hộ bị mất trắng, nhiều hộ lâm vào cảnh lao đao.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng do bão số 12

Cuối ngày 5-11, ông Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ kinh phí khắc phục khẩn cấp thiệt hại do bão số 12 gây ra trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh, bão số 12 đã đổ bộ trực tiếp vào đất liền tỉnh Khánh Hòa từ 4 giờ sáng ngày 4-11 với sức gió cao nhất đạt cấp 12, giật cấp 15 kèm theo mưa lớn với lượng mưa lên đến 200mm đã gây ra thiệt hại nặng nề về người, tài sản.

Đến nay, toàn tỉnh có 27 người chết, 5 người mất tích, 89 người bị thương; trên 10.000 căn nhà bị sập và hư hỏng; 3.826 ha diện tích lúa bị ngập và 6.258 ha diện tích hoa màu các loại bị ngập, hư hại; 44.320 lồng bè bị trôi hoàn toàn; nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, thông tin liên lạc, trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, cơ sở sản xuất và cơ sở hạ tầng kỹ thuật hư hỏng nặng nề… Tổng thiệt hại ước tính trên 7.000 tỷ đồng.

Để kịp thời khắc phục hậu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương và các sở, ban, ngành khẩn trương tổ chức khắc phục. Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ khẩn cấp: 25.000 tấn gạo, 200.000 viên sát khuẩn Aquatabs và 5.000 kg Cloramin B để khử khuẩn, làm sạch nước; 30.000 lít chất sát trùng Hanlodine 10% để khử trùng tiêu độc ở môi trường chăn nuôi, khu vực buôn bán gia súc gia cầm; 50.000 lít hóa chất Chlorine để xử lý mầm bệnh và phòng bệnh các vùng nuôi trồng thủy sản; 15.000 liều vắc-xin tai xanh.

Về hỗ trợ kinh phí, UBND tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 2.855 tỷ đồng, trong đó: kinh phí khôi phục sản xuất nông nghiệp: 255 tỷ đồng; khắc phục, sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi, công trình sạt lở bảo vệ bờ là 1.600 tỷ đồng; kinh phí sửa chữa hư hỏng: công trình y tế, trường học, các trụ sở cơ quan, các công trình hạ tầng kỹ thuật… là 1.000 tỷ đồng .

Với số lượng nhà của người dân bị sập và hư hỏng lớn, hệ thống đường giao thông hư hỏng, dự kiến cần khối lượng vật tư để sửa chữa, xây dựng lại là: 40.000 tấn xi măng, 10 triệu viên gạch xây, 20 triệu viên gói lợp, 10 triệu m2 tôn. Để kịp thời khắc phục nhà ở và giao thông đi lại cho nhân dân, đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, và các tổ chức xã hội kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp chung tay giúp sức cùng với tỉnh để khắc phục kịp thời các thiệt hại.

Nguồn: Baokhanhhoa.com.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Cấp 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão, lụt

Tại hội nghị trực tuyến với một số tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên chiều 6-11, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cấp 1.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do bão số 12 gây ra. Đồng thời, những tỉnh bị thiệt hại nặng như: Khánh Hòa, Phú Yên… sẽ được hỗ trợ ít nhất 500 tấn gạo và thuốc men để phục vụ công tác ứng cứu.

Chiều 6-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Dự họp tại điểm cầu Khánh Hòa có các ông: Lê Thanh Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, bão số 12 đã gây ra thiệt hại nặng nề với 46 người chết, 15 người bị thương. Hơn 1.350 nhà bị sập đổ và 114.860 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Đến nay, đã có hơn 1.280 tàu cá bị chìm, hư hỏng; khoảng 5.300ha lúa, 14.850ha rau màu bị ngập, thiệt hại. Khánh Hòa là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Thủ tướng hỗ trợ thêm lực lượng để các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên khôi phục mạng lưới điện và viễn thông một cách sớm nhất; Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ người dân ở những tỉnh bị thiệt hại nặng.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Đức Vinh cho biết, đến thời điểm này tỉnh Khánh Hòa có 27 người chết. Ngoài ra, còn có 133 người bị thương và 5 người mất tích. Về nhà ở, toàn tỉnh có 993 nhà sập hoàn toàn, 97.851 nhà tốc mái, trong đó tập trung chủ yếu ở TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Về chăn nuôi, có nhiều chuồng trại bị sập, tốc mái, dẫn đến bị cuốn trôi và chết khoảng 241.000 con gia cầm, 400 con heo và 130 con bò. Toàn tỉnh có khoảng 25.311ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó có hơn 3.800ha lúa, 1.317ha rau màu, 2.300ha cây hàng năm, hơn 2.600ha cây ăn quả. Về thủy sản, có hơn 1.200ha đìa tôm, cá bị vỡ, 24.320 lồng nuôi thủy sản bị cuốn trôi, hơn 1.000 tàu thuyền bị đánh chìm. Bên cạnh đó, bão còn làm 28,6km bờ sông bị sạt lở, 12km kênh mương bị đứt gãy, sạt lở khoảng 42km đường giao thông bê tông. Về công nghiệp, có 720 trụ điện bị gãy, hàng trăm kilômet dây truyền tải bị đứt, 50 trạm biến thế bị hư hỏng. Ngoài ra, còn có 79 cơ sở y tế bị tốc mái, hư hỏng trang thiết bị, hàng nghìn cây xanh bị gãy.

Ông Lê Đức Vinh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ khẩn cấp cho Khánh Hòa 25.000 tấn gạo; 200.000 viên sát khuẩn Aquatasbs, 5.000kg Cloramin B để khử khuẩn, làm sạch nước; 30.000 lít chất sát trùng để khử trùng tiêu độc ở môi trường chăn nuôi, khu vực buôn bán gia súc, gia cầm; 50.000 lít hóa chất Chlorine để xử lý mầm bệnh và phòng bệnh các vùng nuôi trồng thủy sản; 15.000 liều vắc xin tai xanh. Về kinh phí, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 1.155 tỷ đồng, trong đó 400 tỷ để sửa chữa các công trình y tế, trường học, trụ sở cơ quan, các công trình hạ tầng kỹ thuật; 500 tỷ đồng để khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi, công trình sạt lở bảo vệ bờ…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, gửi lời chia buồn đến các gia đình có người bị nạn, đồng thời biểu dương các cấp, các địa phương trong việc ứng cứu bão lụt. Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo đồng bộ công tác khắc phục hậu quả của bão để nhân dân không bị đói, không bị màn trời chiếu đất, không bị dịch bệnh. Đảm bảo giao thông đi lại ở các quốc lộ, tỉnh lộ và lượng thuốc men cần thiết. Các địa phương cần giải quyết tốt chế độ cho người dân, không để người dân thiếu ăn và dịch bệnh xảy ra. Tại cuộc họp, Thủ tướng đã quyết định hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho các tỉnh bị thiệt hại do bão số 12; đồng thời hỗ trợ một lượng gạo cần thiết cho các tỉnh, trong đó những tỉnh bị thiệt hại nặng như Khánh Hòa, Phú Yên ít nhất 500 tấn, các tỉnh bị thiệt hại nhẹ hơn 200 tấn.

Nguồn: Baokhanhhoa.com.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Khánh Sơn: Thiệt hại hơn 1.000ha cây trồng

Do không nằm trong tâm bão, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) không có thiệt hại về người, nhưng cơn bão số 12 đã gây hư hại hơn 1.000ha cây trồng tại các xã, thị trấn; hàng trăm căn nhà hư hỏng, đổ sập.

Nhặt nhạnh những thứ còn sót lại trong căn nhà đã bị tốc mái, hư hỏng nặng do cơn bão số 12, anh Cao Hoàng Quốc (thôn Suối Đá, xã Ba Cụm Bắc) không khỏi lo lắng cho cuộc sống của cả gia đình 4 nhân khẩu trong những ngày sắp tới. Anh Quốc thuộc hộ nghèo, bản thân bị thương tật do lao động, không thể làm được việc nặng nên việc khôi phục lại căn nhà nằm ngoài khả năng của gia đình. Hiện tại, gia đình anh Quốc đang phải ở nhờ nhà hàng xóm. “Ngoài không còn nhà để ở, toàn bộ diện tích keo, chuối của tôi bị bão làm hư hại nặng nên gia đình đang rất khó khăn, mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành”, anh Quốc bộc bạch.

Đứng thất thần trước vườn sầu riêng bị đổ rạp, bật tung gốc, ông Lê Đăng Thung (thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp) không thể tin được những cây sầu riêng đã giúp gia đình ông thoát nghèo, vươn lên làm giàu trong mười mấy năm qua, nay chỉ sau một buổi sáng đã bị thiệt hại hoàn toàn. Trong cơn bão số 12 vừa qua, gia đình ông có gần 200 cây sầu riêng đang trong thời kỳ cho trái bị đổ gãy, trong đó có 150 cây từ 15 năm tuổi trở lên. Không thể khôi phục được, gia đình ông đành chặt bỏ. “Gia đình tôi gây dựng cơ ngơi trong suốt 20 năm qua. Vậy mà chỉ qua 2 giờ mưa bão, cả vườn sầu riêng đã đổ gãy hết, thiệt hại lên đến vài tỷ đồng”, ông Thung nói.

Thống kê sơ bộ, đến ngày 6-11, huyện Khánh Sơn đã có 139 căn nhà bị tốc mái, 17 căn bị đổ sập, tập trung ở các xã như: Ba Cụm Bắc, Sơn Bình, thị trấn Tô Hạp… Bên cạnh đó, trên tuyến Tỉnh lộ 9, các tuyến đường liên xã, liên thôn cũng đã có nhiều cây cối bị đổ, ngã, gây cản trở giao thông. Về sản xuất, toàn huyện có khoảng 1.081ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó nhiều nhất là diện tích rừng sản xuất (hơn 470ha), chuối hơn 300ha, 129ha sầu riêng… Tổn thất nặng nề nhất là những hộ trồng sầu riêng, bởi phần lớn diện tích bị đổ gãy là những cây từ 7 đến 8 năm đến hơn 15 năm, đang trong thời kỳ cho thu nhập cao.

“Ngay sau khi cơn bão đi qua, chúng tôi cũng đã huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả. Đến nay, những hộ có nhà và bếp bị hư hỏng nhẹ đã được khắc phục. Các tuyến đường giao thông có cây bị đổ gãy đã được dọn dẹp. Nguồn nước sinh hoạt đã cung cấp đầy đủ cho người dân. Tuy nhiên, một số hộ có nhà bị hư hỏng nặng đang rất cần sự hỗ trợ của cấp trên”, ông Lê Ánh Sáng – Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết.

Công việc khắc phục hậu quả sau bão tại các xã, thị trấn hiện tại gặp không ít khó khăn. Hầu hết những gia đình bị thiệt hại về nhà cửa đều thuộc diện hộ nghèo nên khó có khả năng tự khắc phục, một số hộ có nguy cơ thiếu đói. Ông Đinh Ngọc Bình – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, sáng 6-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã tổ chức họp bàn và triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Huyện chỉ đạo các xã không để hộ nào bị thiếu lương thực, nước uống, thống kê cụ thể những hộ bị thiệt hại về nhà cửa để xem xét hỗ trợ. Trước mắt, huyện sẽ đối ứng ngân sách để hỗ trợ những gia đình có nhà bị sập tối đa 20 triệu đồng/nhà, nhà bị tốc mái tối đa 6 triệu đồng/nhà.

Nguồn: Baokhanhhoa.com.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Bảo vệ thủy sản mùa mưa lũ

Đối với những đối tượng nuôi trong ao , đầm, hồ ( ao nuôi vỗ cá bố mẹ, ao ương giống và ao nuôi thương phẩm )

– Kiểm tra và tu bổ lại bờ ao chắc chắn đảm bảo giữ được nước. Cần phát quang những cành, cây xung quanh bờ, để tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi.
– Tại cống xả tràn đặt lưới chắn hình chữ V để tăng diện tích thoát nước nhằm tránh cá thoát ra ngoài khi có lũ lụt lớn xảy ra.
– Tháo bớt nước trong ao, chuẩn bị đăng chắn, dụng cụ cọc tre, cuốc xẻng để gia cố sửa chữa hệ thống bờ, cống, có lưới chắn phòng tràn bờ gây thất thoát thủy sản nuôi khi mưa to, gió lớn. Rải vôi xung quanh bờ ao phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi.
– Bổ sung vitamin C vào thức ăn để giúp cá, tôm tăng sức đề kháng. Đối với tôm 1 kg Vita – C/ 500 kg thức ăn, đối với cá 2g Vita – C/1kg thức ăn
– Sau mỗi đợt mưa bão cần tiến hành thu dọn kịp thời cành, lá cây trong ao; đồng thời tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như bón vôi (1 – 3 kg/100m2) để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước khi cần thiết.
Những ao nuôi đạt cỡ thương phẩm nên thu hoạch để hạn chế thiệt hại.Đối với những ao nuôi tôm thương phẩm bà con cần chú ý theo dõi và bổ xung oxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm đồng thời tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng điện lưới bị cắt. Bờ ao phải đắp cao hơn mức nước cao nhất ít nhất 0,4-0,5m trở lên, Ao nuôi cần có hệ thống thu gom nước mưa xung quanh, tránh nước mưa xung quanh đổ dồn xuống ao, làm pH giảm đột ngột, có thể làm cá chết hàng loạt.

Đối với những mô hình nuôi cá lúa

– Gia cố bờ ruộng chắc chắn và đắp bờ cao hơn mực nước 0,5 m để vượt lũ, xung quanh ruộng nuôi phải bố trí nhiều cống thoát nước.
– Phải căng lưới bao xung quanh bờ ruộng và thường xuyên kiểm tra để khắc phục trường hợp lưới rách hoặc nước chảy làm trống dưới chân lưới sẽ thất thất thoát
– Thường xuyên kiểm tra lưới, hệ thống cống, bờ và đắp lại những nơi xung yếu chống tránh tình trạng vỡ bờ. Dọn sạch đăng cống, mương rãnh để nước thoát nhanh.
– Chuẩn bị máy bơm tiêu úng khi cần thiết.( chuẩn bị thêm máy phát điện nếu có để đề phòng điện lưới bị mất )
– Phương án phòng tránh lũ lụt cần phải được tính toán cho cả vùng nuôi.

Đối với những mô hình nuôi lồng bè trên sông và hồ nước lớn

– Kiểm tra lại lồng bè, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão làm hỏng lồng
– Trong trường hợp lồng không thể di chuyển cần hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió.
– Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho cá.
– Chuẩn bị thuyền máy, phao cứu sinh hỗ trợ khi cần thiết.
– Đối với người nuôi trồng thủy sản.Tuyệt đối không ở lại chòi canh, lồng bè nuôi khi có mưa bão lớn đổ vào nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người nuôi thủy sản.Có kế hoạch sơ tán dụng cụ thiết bị, vật tư, thức ăn…Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết: mực nước lũ trên các con sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó nhằm bảo vệ thuỷ sản nuôi một cách có hiệu quả.

Đối với nuôi tôm nước lợ

– Những vùng nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh trong vùng đầm hiện nay, người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát sản phẩm.
– Thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi lũ lụt xảy ra.
– Để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước như trước khi mưa to cần phải lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao và để mực nước trong ao cao nhất. Trong khi mưa nên tránh các hoạt động làm xáo trộn nước trong ao nuôi và sau khi mưa cần nhanh chóng rút bớt nước ở tầng mặt của ao bằng cách tháo các cánh phai của cống thoát.
– Những vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến thân thiện môi trường, nuôi theo hình thức đánh tỉa thả bù, người nuôi khẩn trương tận thu các sản phẩm: tôm; cua; cá, tránh thất thoát sản phẩm khi bão lụt xảy ra
– Đối với các vùng đất bị chua phèn, rắc vôi quanh bờ phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi. Đồng thời cần chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất
– Các vùng nuôi tôm trên cát chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão từ biển đổ vào, người nuôi cần phải quan tâm đến việc củng cố ao nuôi vững chắc, chủ động nguồn nước phục vụ cho sản xuất. Tích cực áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho tôm khi thời tiết thay đổi bất thường.

Đối với nuôi thủy sản trên biển

Tiến hành thu hoạch trước mùa mưa lũ nếu cá, tôm đạt kích cỡ thu hoạch. Nếu không thể thu hoạch trước mùa mưa lũ, cần kiểm tra lại lồng bè, tu sửa lại những chỗ xung yếu, củng cố lại các dây neo, tìm vị trí an toàn để di chuyển lồng, bè vào những nơi kín gió, nơi không bị ảnh hưởng nước ngọt, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão gió lớn xô đẩy làm vỡ lồng, bè.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam