Trồng dâu tây “hái” ra tiền.

“Nếu so sánh về đơn vị quy mô diện tích thì hiện nay không có cây trồng nào cho thu nhập cao như dâu tây”, ông Nguyễn Đình Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thảo (Sơn La), chia sẻ.

Du khách trải nghiệm hái và mua dâu tây tại các nhà vườn ở H.Mộc Châu.

Hợp tác xã Tân Thảo nằm ở bản Tân Quế, xã Cò Nòi (H.Mai Sơn, Sơn La) hiện có 7 ha trồng dâu tây. Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ bán cây dâu tây làm cảnh. Cận tết cũng là thời điểm nhiều nhà vườn bắt đầu có dâu tây chín. Dâu tây loại có vị chua được bán với giá 80.000 – 150.000 đồng/kg; loại ngọt giá cao hơn, từ 250.000 – 300.000 đồng/kg và hái đến đâu đều có khách đặt mua đến đấy.

Cho thu nhập quanh năm

Ông Nguyễn Đình Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thảo, cho biết trong số 7 ha dâu tây thì có khoảng 3 ha người dân trồng bán làm cây cảnh chơi tết. Sau 10 năm dâu tây được trồng tại Sơn La, nhiều xã ở H.Mai Sơn có khí hậu trong lành, mát mẻ đang là mảnh đất giúp dâu tây trở thành cây trồng mới đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Cũng theo ông Lâm, dâu tây hiện được trồng theo diện tích mỗi ruộng khoảng 1.000 m² để phù hợp đầu tư hệ thống nhà lưới, tưới nước tự động. Chi phí ban đầu mỗi ruộng khoảng 100 triệu đồng nhưng bù lại, cây dâu tây cho nguồn thu nhập rất đa dạng. “Bắt đầu từ tháng 11, nhà vườn bán cây dâu tây làm cảnh, từ tháng 12 đến tháng 5 thì bán quả chín, còn lại thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 có thể bán cây làm giống”, ông Lâm giải thích.

Ông Lâm cho biết, dâu tây trồng tại H.Mai Sơn hiện có năng suất khá cao, mỗi cây có thể cho thu hoạch 0,4 – 0,5 kg quả, tính ra mỗi ruộng có thể đạt năng suất trên 1,6 tấn quả, chỉ bán tươi đã có thu nhập trên 100 triệu đồng. “Nếu cộng cả chi phí bán giống, bán cây cảnh và quả tươi thì mỗi ruộng dâu 1.000 m² hiện đang cho thu nhập từ 200 – 250 triệu đồng. So sánh về quy mô diện tích thì không có cây trồng nào ở địa phương cho thu nhập nhiều, nhanh hồi vốn như dâu tây”, ông Lâm quả quyết.

Quả dâu tây đang mang lại cho người nông dân nguồn thu nhập cao.

Còn tại xã Đông Sang (H.Mộc Châu, Sơn La), trang trại dâu tây Chimi, mô hình khởi nghiệp của chàng trai Vũ Văn Lực (29 tuổi), là địa chỉ không thể bỏ qua của nhiều khách du lịch khi đến Mộc Châu. Vườn dâu tây tại đây rộng 4 ha, nằm giữa những vạt rừng thông mơ mộng. Những ngày trước và sau tết, mỗi ngày nhà vườn đón hàng ngàn khách đến thăm. Du khách được phát giỏ mây rồi vào vườn hái quả theo sự hướng dẫn của nhân viên, mỗi ki lô gam dâu tây ở đây có giá 350.000 đồng nhưng khách đều vui vẻ móc hầu bao khi lần đầu tiên được trải nghiệm tự mình hái những quả dâu tươi đỏ mọng, chụp ảnh với vườn dâu.

Cũng ở trang trại này, ngoài dâu tây tươi, nhóm của anh Lực tổ chức chế biến nhiều sản phẩm bánh dâu tây, nước ép dâu tây, mứt dâu tây, dâu tây sấy dẻo… để du khách có nhiều lựa chọn mua hàng. Theo một nhân viên thu ngân, doanh thu mỗi ngày lễ, tết ở trang trại này không dưới 100 triệu đồng. Dâu tây cũng khiến lượng khách tìm về khu du lịch rừng thông Bản Áng trên địa bàn xã Đông Sang tăng vọt.

Tiềm năng còn rất lớn

Quê ở Ninh Bình, tốt nghiệp đại học tại Hà Nội nhưng anh Vũ Văn Lực chọn Mộc Châu làm điểm khởi nghiệp trồng dâu tây sau chuyến học tập kinh nghiệm ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Theo anh Lực, khí hậu Mộc Châu khá tương đồng với Đà Lạt nhưng nếu có kỹ thuật chăm sóc tốt, quả dâu tây ở Mộc Châu thậm chí còn có năng suất, chất lượng tốt hơn. Khởi nghiệp từ năm 2015 nhưng hiện dâu tây từ trang trại của anh đã có lượng khách quen tiêu thụ quả tươi rất lớn. Ngay từ ban đầu, anh Lực định hướng mô hình của mình chủ động chế biến quả dâu tây thành nhiều sản phẩm, tạo nhiều kênh phân phối, bán hàng khác nhau. Nhờ đó, diện tích trồng dâu tây năm 2015 chỉ có 2.000 m² thì nay đã tăng lên 4 ha vẫn đảm bảo thị trường tiêu thụ. Chỉ sau vài năm khởi nghiệp, mô hình đã cho doanh thu tiền tỉ và hiện đang giải quyết việc làm trực tiếp cho 40 lao động địa phương.

Theo ông Nguyễn Đình Lâm, khoảng 80% sản lượng dâu tây của Hợp tác xã Tân Thảo được bán quả tươi, 20% còn lại đưa vào chế biến. Trong đó, phần lớn khách hàng cá nhân, một số ít đưa vào chuỗi cửa hàng bán lẻ. Với diện tích hiện tại, Hợp tác xã Tân Thảo chưa có đủ sản lượng để cung ứng vào siêu thị nên dâu tây còn tiềm năng rất lớn để phát triển, mở rộng diện tích.

Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La cho thấy cây dâu tây trồng đầu tiên tại cao nguyên Mộc Châu vào khoảng năm 2012 do một số hộ dân mang giống từ Đà Lạt (Lâm Đồng) ra trồng. Cho đến năm 2014, nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng trồng dâu tây với giống dâu Nhật Bản. Có giá trị kinh tế cao nên trong khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích dâu tây ở Sơn La không ngừng tăng lên. Cho đến cuối năm 2018, diện tích dâu tây toàn tỉnh Sơn La đạt 43,3 ha với tổng sản lượng ước đạt 593 tấn. Dâu tây trồng chủ yếu ở các huyện Mộc Châu, Mai Sơn và Vân Hồ. Ngay trong tháng 1 vừa qua, UBND tỉnh Sơn La tổ chức lễ hội dâu tây tại Hà Nội để giới thiệu và quảng bá thương hiệu cho loại quả này.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thành Công, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, cho biết hàng tấn quả dâu tây đã được tiêu thụ tại Hà Nội bước đầu cho thấy loại quả này được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận. Giá bán dâu tây trung bình trong khoảng 200.000 – 300.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa dâu tây nhập khẩu từ Hàn Quốc, Mỹ, Úc nhưng chất lượng tương đương sẽ là lợi thế lớn cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

“Dù là cây trồng mới và đang được nhân rộng diện tích nhưng dâu tây với lợi thế diện tích trồng nhỏ, cho thu nhập lớn đang là cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất hiện nay. UBND tỉnh Sơn La cũng đặc biệt quan tâm đến cây trồng này bằng cách hỗ trợ về cơ chế chính sách, Sở NN-PTNT tỉnh hỗ trợ tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng này khi sản lượng dâu tây hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Công nói.

Nguồn: tintucnongnghiep.com được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Bí quyết trồng dâu tây trong chậu sai, quả to

Theo các chuyên gia, tháng 9-10 là khoảng thời gian tốt nhất để bắt đầu trồng loại cây này.

Chuẩn bị:

– Mua hạt giống (tốt nhất là chọn dâu New Zealand hoặc dâu Nhật bởi chúng thích hợp với trồng chậu để làm cảnh…)

– Đất hữu cơ, nên dùng loại đất tơi xốp, có thể là đất thịt và trộn thêm phân bón và xơ dừa, chấu để đất tơi xốp

– Chậu nhỏ có lỗ thoát nước tốt. Dâu tây thích nghi tốt và phát triển mạnh mẽ trong chậu có đường kính tối thiểu 12-15cm, lý tưởng nhất là 20 cm.

– Phân bón hữu cơ dạng hạt, nước biển/tảo rong.

Gieo hạt:

– Ngâm hạt khoảng 10 phút, để ráo trước quạt, chú ý hạt nhỏ nên để xa, vì hạt rất dễ bị bay đi

– Trộn đất tơi lên và làm ẩm, gieo hạt đều tay.

– Hàng ngày tưới bằng bình xịt vào buổi sáng với độ ẩm vừa phải, không nên tưới cây vào buổi tối vì rất dễ bị thối hạt.

Khoảng 3 tuần là hạt nảy mầm. Khi hạt nảy, vài ngày đầu, không nên di chuyển chậu, không bón phân vội, chỉ tưới nước bình thường, khoảng 3-4 cm, các bạn hãy bón chút ít phân.

Trồng cây:

– Khi dâu tây phát triển thành cây con nên ra bầu, chậu hay chuyển ra diện tích rộng hơn, chú ý không để cây bị đứt rễ non hay đoạn sát rễ bị tổn thương

– Khi trồng dâu tây không nên vùi cây quá sâu gây thối búp, không trồng cây cao quá lộ rễ, bệnh cây.

– Trồng xong có thể phủ rơm trên mặt để đỡ quả tránh côn trùng hại quả, vừa tránh côn trùng vừa đỡ quả khi kết trái

– Tùy theo kích thước chậu mà ta có thể trồng từ 1 hoặc nhiều cây

Chăm sóc:

Dâu tây là loại cây ưu ẩm nên chỉ cần nắng một buổi là đủ. Để cây phát triển tốt nhất là trồng ở nơi nào chỉ có nắng trực tiếp vào nửa ngày. Vì thế dâu tây rất được ưa chuộng trồng trong chậu treo để ban công. Tưới nước cho cây 2 lần vào sáng và chiều khi hết nắng.

Trồng dâu tây ở những nơi có ánh sáng đủ để cây phát triển tốt nhất

Tưới đều ẩm đất, sử dụng các loại nước sạch tránh nguồn nước mương suối dễ gây sâu bệnh, tránh tưới nhiều nước đất úng làm chết cây.

Thu hoạch:

Trong giai đoạn thu hoạch, để trái lớn đều nên cân đối giữa khả năng phát triển của khung tán và số lượng hoa trái trên cây nếu nụ, hoa, trái ra nhiều cần tỉa bớt những nụ, hoa, trái dị dạng và sâu bệnh. Thường xuyên tỉa tót các lá già sâu bệnh.

Những quả dâu tây căng mọng hấp dẫn khi được chăm sóc tốt

Chú ý: Khi mới trồng dâu tây, 2 ngày đầu nên che cây để cây hồi phục sau khi mới trồng hoặc vận chuyển đường xa. Cây có thể có hiện tượng héo viền lá nên chăm sóc hồi phục cây rồi tỉa dần bớt những lá bị cháy, nếu cây mất cân bằng dinh dưỡng thì bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng phân bón, hoặc dung dịch thủy canh là tốt nhất. Khi dâu tây bắt đầu ra bông hoa đầu tiên các bạn nên ngắt hoa đó đi để ức chế giúp cây dâu tây ra nhiều hoa hơn và tỷ lệ kết trái nhiều hơn.

Trong thời gian cây phát triển cần thường xuyên bón phân cho cây bằng một số loại phân hữu cơ hoặc phân lân, ka li… Cần chú ý diệt kiến vì chúng tấn công cây rất nhanh, ăn hết quả kể cả khi quả còn xanh. Nếu trồng bằng chậu dài nên hướng cho quả ra phía thành chậu, quả sẽ phát triển đều và dễ theo dõi tránh sâu bọ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỳ vọng nông nghiệp công nghệ cao

Hiroki Iwasa, một doanh nhân công nghệ thông tin 40 tuổi với bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA), đang có trong tay 7 ngôi nhà kính trồng dâu bằng kỹ thuật công nghệ cao.

Ở đó, các máy tính tự đặt nhiệt độ và độ ẩm để tối ưu các điều kiện phát triển và bảo đảm các hàng rào được phun nước vào những thời điểm chính xác… Iwasa đã tiếp thị thương hiệu dâu mang tên “Migaki Ichigo” trực tiếp đến các cửa hàng bách hóa ở Tokyo, cũng như đến các khách hàng ở Hồng Công, Singapore, Đài Loan và Thái Lan.
Trang trại dâu của anh Iwasa nằm ở quê nhà Yamamoto ven biển ở vùng Đông Bắc tỉnh Miyagi, nơi từng bị ảnh hưởng sóng thần tháng 3-2011. Sau thảm họa đó, anh đã nghĩ đến một cơ hội kết hợp kỹ năng công nghệ với bí quyết chuyên môn trồng dâu của nông dân địa phương. Bằng cách thuê lại đất đai xung quanh, Iwasa đã mở rộng trang trại của anh đến 2ha, gấp 10 lần kích thước trung bình của một trang trại trồng dâu ở Nhật Bản. Giờ đây, anh là chủ Công ty GRA Inc, có 20 nhân viên toàn thời gian và 50 nhân viên bán thời gian. Theo Iwasa, trực giác và kinh nghiệm của người nông dân không phải lúc nào cũng mang đến kết quả thu hoạch tốt. Vì thế, điều quan trọng là phải nắm bắt được vững kiến thức về công nghệ và tự động hóa để sử dụng nó tăng năng suất.
Theo Kazunuki Ohizumi, Giáo sư danh dự của Đại học Miyagi, người đã nghiên cứu xu hướng nông nghiệp Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua, những doanh nghiệp nông nghiệp với quy mô lớn như vậy sử dụng công nghệ chính là tương lai của nông nghiệp Nhật Bản. “Những người nông dân quy mô lớn” là những người có thể tái tạo, phục dựng nền nông nghiệp Nhật Bản và sẽ thay đổi đáng kể. Nhật Bản đang có sự thay đổi hướng đến các trang trại có công ty quản lý. Số lượng này đã tăng từ 8.700 trong năm 2005 lên đến 20.800 trong năm ngoái.
Tất nhiên, số lượng thanh niên làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang tăng. Giáo sư Ohizumi dự đoán, doanh số từ các trang trại quy mô lớn – trên 50 triệu yên – sẽ tăng được 3/4 vào năm 2030, tức tăng 41% từ năm2015. Đặc biệt, trong vòng hai năm trở lại đây, hàng loạt công ty danh tiếng trong ngành công nghệ cao và sản xuất máy móc công nghiệp tại Nhật Bản đã đồng loạt tham gia lĩnh vực nông nghiệp như nhà sản xuất đồ điện tử Nhật Bản Fujitsu đã tạo nên bước đột phá trong công nghệ trồng rau siêu sạch, khi cải tạo một nửa nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở tỉnh Fukushima thành nhà máy trồng rau…

Nhật Bản là một nước công nghiệp, tuy nhiên Thủ tướng Shinzo Abe trong chính sách phát triển kinh tế đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và gấp đôi thu nhập của nông dân Nhật Bản trong vòng 10 năm cũng như đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Những thay đổi như vậy đã góp phần thúc đẩy cải cách nền “nông nghiệp ẩn náu” của Nhật, nơi mà chỉ phát triển ưu thế ở các khu đất nhỏ và những người nông dân có độ tuổi trung bình trên 66 tuổi và sự đóng góp của ngành này cho nền kinh tế đã giảm đến 25% kể từ khi lên đến đỉnh điểm vào năm 1984. Nông dân Nhật Bản tin rằng công nghiệp hóa ồ ạt sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trên phạm vi toàn cầu và với việc đầu tư vào nông nghiệp ngay lúc này, Nhật Bản có thể chuẩn bị cho những kịch bản xấu trong các thập kỷ sắp tới.

Nguồn: Báo Saigongiaiphong được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Dâu tây trên xơ dừa thu bạc tỷ

Tự thử nghiệm và nhân rộng thành công kỹ thuật trồng dâu tây New Zealand trên giá thể thuần xơ dừa, nông dân Nguyễn Thanh Trúc ở Phường 11, Đà Lạt đang thu lãi bạc tỷ mỗi năm trên diện tích đất chưa đến một hecta.

Trồng dâu tây trên xơ dừa

Lãi ban đầu 2,5 tỷ đồng/9.000 m²/năm

Kết thúc tháng 7/2017, vườn dâu tây của nông dân Nguyễn Thanh Trúc (sinh năm 1975, ngụ tại Phường 11, Đà Lạt) thu hoạch hơn 1 tấn/5.000 m². Vườn dâu tây này tọa lạc ở thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt, cách Quốc lộ 20 chỉ hơn nửa cây số nên người tham quan dễ dàng tìm đến nơi. Mới 9 giờ sáng mỗi ngày, vườn dâu đã thu hoạch và đóng gói hơn 30kg trái, chuyển đi tiêu thụ theo đơn hàng ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trúc cho biết: “Đây là vườn dâu tây thứ 3 của hộ gia đình chúng tôi chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước đó, năm 2013 và 2014, chúng tôi đã trồng 2 vườn dâu tây ở Phường 10 và Phường 11, Đà Lạt, mỗi vườn có diện tích 2.000 m², cũng đang vào thời kỳ kinh doanh, tổng sản lượng trung bình 12 tấn/năm. Cả 3 vườn dâu tây đều sản xuất trong nhà kính công nghệ cao và đều đạt tiêu chuẩn VietGAP…”.

Trúc “thuyết minh” thêm: Đà Lạt vào thời điểm giữa mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 10, vườn dâu của Trúc đạt sản lượng bằng khoảng 60-70% những tháng đầu mùa mưa và những tháng mùa khô còn lại trong năm. Nguyên nhân mùa mưa dài ngày thường xuất hiện sâu bệnh nhiều, chênh lệch biên độ nhiệt độ ngày và đêm khá lớn, dẫn đến dâu tây ra hoa đậu trái ít hơn mùa khô với thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, nếu thống kê trong một năm vừa qua, 3 vườn dâu tây diện tích 9.000 m² của nông dân Nguyễn Thanh Trúc đạt tổng sản lượng 25 tấn, một con số phấn đấu của những vườn dâu tây công nghệ cao ở Đà Lạt. Với giá bán cố định 200.000 đồng/kg, chủ vườn Nguyễn Thanh Trúc đạt doanh thu 5 tỷ đồng. Trừ 50% tất cả mọi chi phí, còn lại thực lãi 2,5 tỷ đồng.

Khách hàng mua dâu tây của Nguyễn Thanh Trúc gồm: khách du lịch tham quan, hái dâu thưởng thức và mua tại chỗ; các chợ đầu mối và các cửa hàng rau sạch ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Dâu tây của Trúc thu hái và đóng gói chuyển đến khách mua ngay trong ngày bằng phương tiện đường bộ và đường hàng không. Nhờ lợi thế chất lượng đặc trưng, dâu tây New Zealand của Nguyễn Thanh Trúc đến thời điểm cuối tháng 7/2017 vẫn không cung cấp đầy đủ theo nhu cầu sản lượng đặt hàng.

Mới giải quyết 60% yêu cầu kỹ thuật

Khám phá một vòng vườn dâu tây 5.000 m² ở Lộc Quý, Xuân Thọ, Đà Lạt với quy trình khác biệt. Nguyên khu vườn này với chất đất thịt pha trộn phần lớn chất cát cao lanh, trồng cà phê phát triển èo uột, nông dân Nguyễn Thanh Trúc đã bỏ ra gần 1 tỷ đồng mua về và đầu tư hơn 1 tỷ đồng nữa mới chuyển đổi sang trồng dâu tây New Zealand từ tháng 2/2017. Toàn bộ diện tích 5.000 m² được thiết kế hoàn chỉnh, đưa vào canh tác dâu tây gồm: nhà kính khung sắt, trong đó khép kín hệ thống tưới nước, bón phân nhỏ giọt; nguồn nước sạch được bơm lên từ 3 chiếc giếng ngầm; hệ thống máng chứa giá thể thuần xơ dừa treo lên cách mặt đất 1,3-1,5 m, trên đó trồng dâu tây với mật độ 8.000 cây/1.000 m²; những chiếc quạt gió và máy đo nhiệt độ trong nhà kính…

Tương tự, 2 khu vườn dâu tây với tổng diện tích 4.000 m² ở Phường 10 và Phường 11, Đà Lạt nêu trên, đã được chủ nhân Nguyễn Thanh Trúc mạnh dạn đầu tư khép kín quy trình sản xuất với nguồn vốn cũng gần cả tỷ đồng. Và tính chung trên tổng diện tích 9.000 m² dù đang đạt lợi nhuận 2,5 tỷ đồng/năm, nhưng anh Nguyễn Thanh Trúc vẫn chia sẻ rằng chỉ mới giải quyết 60% yêu cầu kỹ thuật. Còn lại 40% quy trình cung cấp dinh dưỡng chưa đáp ứng khả năng hấp thu hiệu quả nhất của cây. Đánh giá này dựa trên kết quả tự nghiên cứu, đối chiếu từ nhật ký sản xuất tương ứng với năng suất và chất lượng dâu tây New Zealand thu hoạch trong nhiều năm liên tục của chủ vườn Nguyễn Thanh Trúc.

Dâu tây New Zealand trồng trên giá thể thuần xơ dừa của chủ nhân Nguyễn Thanh Trúc ở Đà Lạt thu lãi 2,5 tỷ đồng/9.000 m²/năm.

Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2017, Nguyễn Thanh Trúc sẽ bổ sung 40% yêu cầu kỹ thuật còn lại trên 9.000 m² vườn dâu tây Đà Lạt của mình. Giải pháp cụ thể là điều chỉnh liều lượng nước tưới, phân bón phù hợp với từng thời điểm, từng thời gian vận hành, nhằm chăm sóc tốt nhất trong mọi giai đoạn sinh trưởng, đơm hoa kết trái của cây dâu tây. Bởi theo Trúc, khi cây dâu tây nuôi sống bằng chất lượng dinh dưỡng tối ưu nhất thì sẽ nâng cao khả năng đề kháng các loại bệnh hại phát sinh, đồng thời tăng lên sản lượng thu hoạch vượt trội hàng năm.

Thiết nghĩ, ngành nông nghiệp và tổ chức hội nông dân các cấp ở Đà Lạt nên đưa 3 vườn dâu tây trồng thuần xơ dừa của nông dân Nguyễn Thanh Trúc vào chương trình tổ chức tham quan, trao đổi, thậm chí hội thảo đầu bờ để hoàn thiện và nhân rộng nhiều hơn nữa mô hình dâu tây quy mô hộ gia đình nông dân ở địa phương.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Cách trồng và chăm sóc dâu tây tại nhà

Dâu tây là loại trái cây được nhiều người ưa chuộng. Với nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch như hiện nay thì cách trồng dâu tây tại nhà là rất cần thiết cho mỗi người.

Trồng dâu tây trong chậu Cách trồng và chăm sóc dâu tây tại nhà

Không thể không kể đến sự ưu chuộng của việc trồng dâu tây tại nhà hiện nay, với việc quả đỏ tươi ngon, cây có thể sử dụng làm cây cảnh khiến nhiều người quan tâm tới cây dâu tây. Để trồng dâu tây tại nhà không hề khó khăn, dưới đây chia sẻ cách trồng dâu tây và chăm sóc cây tại tại nhà.

Chọn chậu và giống cây

Chọn chậu

Loại thích hợp: chậu dài, máng dài để có thể lên luống nhỏ và dài; chậu treo. Quả dâu sẽ được thả sang hai bên chậu, không tiếp xúc với mặt đất, chất lượng và màu sắc quả sẽ tốt hơn.

Nên trồng dâu tây vào máng, chậu
Nên trồng dâu tây vào máng, chậu

Dễ trồng, chăm sóc và tưới bón. Thuận tiện cho dâu phát triển và đẻ nhánh (dâu tây là giống cây chia nhánh bẵng cách ra các mầm lan mặt đất và ra rễ). Có thể tận dụng được những diện tích nhỏ khi treo lên theo diện tích thẳng đứng thì cùng một diện tích có thể bố trí từ 4 – 5 chậu.

Giống cây

Mọi người có thể trồng cây bằng cách tự ươm hạt hoặc mua sẵn cây con về trồng. Lựa chọn hạt giống dâu tây chất lượng có tỷ lệ nảy mầm cao ( tốt nhất lên lựa chọn những hạt giống còn hạn sử dụng, bao bì vẫn còn nguyên, không rách, ẩm…)

Chọn giống dâu tây tốt sẽ thu được hiệu quả cao
Chọn giống dâu tây tốt sẽ thu được hiệu quả cao

Giá hạt giống dâu tây từ 25.000 đồng/ túi khoảng 30 hạt. Cây con khoảng 80.000 đồng/ cây giống Nhật hoặc New Zealand. Bạn có thể mua hạt và cây con ở các shop online hay các viện nghiên cứu. Nếu chọn giống dâu tây chọn cây từ 10 – 15cm cây chắc khỏe, không sâu bệnh, cây phát triển đều.

Đất trồng dâu tây

Mọi người nên dùng loại đất tơi xốp, có thể dùng đất thịt và thỉnh thoảng xới đất cho cây. Có thể dùng đất tribat hoặc dùng đất thường trộn thêm phân bón và xơ dừa, chấu để đất tơi xốp lâu, luôn luôn ẩm, giữ ẩm tốt, nhiều chất dinh dưỡng, có thể bón phân bổ sung.

Cách trồng dâu tây đúng cũng cần phụ thuộc vào cách lựa chọn đất
Cách trồng dâu tây đúng cũng cần phụ thuộc vào cách lựa chọn đất

Do tính chất ưa ẩm của cây dâu và quả thường mọc thấp nằm trên mặt đất nếu ta trồng bằng chậu tròn nên có thể phủ lên 1 lớp rơm trên bề mặt xung quanh gốc và phía dưới quả. Điều này sẽ giữ ẩm tốt vừa nâng đỡ cho quả.

Kĩ thuật trồng dâu tây trong chậu

Gieo hạt

Qua 2 bước trước tiến hành gieo hạt vào đất sạch và ẩm. Chậu hay khay đựng hạt cần được để khô ráo thoáng mát, có nắng tốt. Tưới nước một ngày một lần vào buổi chiều tối.

Chăm sóc

Dâu tây là loại cây ưu ẩm nển chỉ cần nắng một buổi là đủ. Để cây phát triển tốt nhất là trồng ở nơi nào chỉ có nắng trực tiếp vào nửa ngày. Vì thế dâu tây rất được ưa chuộng trồng trong trậu treo để ban công.

Sau khoảng 2 tháng là có thể thu hoạch những trái dâu chín mọng đầu tiên
Sau khoảng 2 tháng là có thể thu hoạch những trái dâu chín mọng đầu tiên

Tưới nước cho cây 2 lần vào sáng và chiều khi hết nắng. Tưới đều ẩm đất, sử dụng các loại nước sạch tránh nguồn nước mương suối dễ gây sâu bệnh, tránh tưới nhiều nước đất úng làm chết cây.

Khi chuyển từ khay ươm sang chậu/luống để trồng cây sẽ có hiện tượng héo rũ do rễ bị đứt nếu chuyển không khéo. Trong 2 đến 3 ngày đầu nên che nắng cho cây, tưới nước đều cây sẽ phát triển bình thường trở lại.

Thường xuyên xới đất cho đất được tơi xốp thoáng cây. Để cây dâu sinh trưởng mạnh và ổn định trong giai đoạn đầu nên ngắt bỏ chùm hoa bói đầu tiên để tăng cường sinh trưởng và ức chế phát dục.

Trong giai đoạn thu hoạch, để trái lớn đều nên cân đối giữa khả năng phát triển của khung tán và số lượng hoa trái trên cây nếu nụ, hoa, trái ra nhiều cần tỉa bớt những nụ, hoa, trái dị dạng và sâu bệnh. Thường xuyên tỉa tót các lá già sâu bệnh.

Trong thời gian cây phát triển cần thường xuyên bón phân cho cây bằng một số loại phân hữu cơ hoặc phân lân, ka li… Cần chú ý diệt kiến vì chúng tấn công cây rất nhanh, ăn hết quả kể cả khi quả còn xanh. Nếu trồng bằng chậu dài nên hướng cho quả ra phía thành chậu, quả sẽ phát triển đều và dễ theo dõi tránh sâu bọ.

Cuối cùng, hãy thưởng thức những quả dâu tây chín mọng, ngon và siêu sạchCuối cùng, hãy thưởng thức những quả dâu tây chín mọng, ngon và siêu sạch

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kiếm 5 tỷ đồng mỗi năm nhờ học trồng dâu tây trên internet

Sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, ông Nguyễn Thanh Trúc đã gắn bó với nghề nông hơn 30 năm. Trước đây, ông trồng hoa cúc, ớt… song giá bán bấp bênh, lợi nhuận thu về không cao. Ngay cả khi thành công với dâu tây, ông cũng từng lao đao khi dâu tây Đà Lạt phải cạnh tranh gay gắt với loại quả giá rẻ Trung Quốc trà trộn vào năm 2014.

“Tôi không từ bỏ, vì tôi nghĩ mình đã dám đầu tư tiền tỷ vào mô hình này thì phải kiên trì cho đến khi mang lại hiệu quả”, ông Trúc nói. Lão nông không chỉ dồn toàn bộ vốn liếng dành dụm của hai vợ chồng vào vườn dâu này, mà còn bỏ không ít tâm sức để mày mò kỹ thuật trồng thủy canh bằng tiếng Anh qua Internet.

Được người em trai gợi ý và hỗ trợ, đầu năm 2013, vợ chồng ông Trúc quyết định trồng thử 500m2 dâu tây để cải thiện kinh tế. Khi đó, Đà Lạt đã có nhiều nông dân trồng dâu tây thành công, hai phương pháp phổ biến là dùng đất và giá thể xơ dừa. Tuy nhiên, ông Trúc lại quyết định theo đuổi phương pháp thủy canh cho sản phẩm sạch và năng suất cao.

                          Kiếm 5 tỷ đồng mỗi năm nhờ học trồng dâu tây trên Internet

Trồng thủy canh không hồi lưu (thủy canh tĩnh) chỉ sử dụng xơ dừa làm giá thể, đặt cách mặt đất ít nhất 1m. Toàn bộ chất dinh dưỡng được cung cấp trực tiếp qua nguồn nước nhập về từ Isarel, Đức, Hà Lan… Thay vì chọn giống dâu Nhật, Mỹ hay Pháp như các vườn khác, ông Trúc trồng thử nghiệm giống dâu New Zealand cho quả to hơn và thơm.

Tuy nhiên, sau 5 tháng đầu tiên, những cây dâu đang lên mắc bệnh. Bao nhiêu công sức, vốn liếng đầu tư mà vợ chồng gom góp được từ khi ra ở riêng có nguy cơ đổ sông bỏ bể. Áp lực trắng tay khiến đầu ông Trúc bạc hơn nửa.

“Cái khó nhất là phải điều chỉnh lượng dinh dưỡng hợp lý, nếu không sản lượng không cao, dâu cũng không ngon”, ông Trúc nhớ lại.

Không thấy khó mà nản, ông Trúc tìm tài liệu cách trồng dâu New Zealand qua Internet. Em trai ông, một người trồng thành công dâu tây theo phương pháp thủy canh chuyển cho ông tài liệu hướng dẫn kỹ thuật do người bạn từ Mỹ gửi về. Để hiểu tài liệu, ông Trúc chịu khó tra từ điển suốt 6 tháng. Cuối cùng, ông cũng chinh phục được loại dâu nhập ngoại này.

500m2 đầu tiên của ông Trúc cho năng suất cao gấp đôi cách trồng thông thường. Ngoài ra, chất lượng dâu ngon, ngọt, thơm và đạt tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng nên bán được giá từ 180.000 đến 250.000 đồng mỗi kg. Giữa năm 2013, ông Trúc mạnh dạn nhân rộng diện tích vùng trồng dâu tây lên 4.000m2. Đầu ra ổn định, dâu tây sạch của ông được nhiều siêu thị và cửa hàng đặt mua.

 

Song đến giữa năm 2014, thị trường bất ổn, dâu Trung Quốc trà trộn vào và đội lốt dâu Đà Lạt khiến giá giảm mạnh. Chi phí bỏ ra nhiều mà thu về ít, nông dân lỗ nặng. Tuy nhiên, ông Trúc vẫn quyết bám vườn dâu. Tới cuối năm 2014, giá tăng lại khoảng 200.000-250.000 đồng mỗi kg không phụ lòng người trồng trọt.

Bên cạnh đó, ông Trúc còn mở cửa cho khách du lịch đến tham quan miễn phí và mua dâu tây tại vườn để quảng bá sản phẩm. Gia đình bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà không thông qua thương lái, giảm được chi phí trung gian.

Hiện vườn dâu có sản lượng khoảng 30 tấn mỗi năm, mang về thu nhập 5 tỷ đồng cho gia đình ông Trúc. Thị trường tiêu thụ ban đầu ở Lâm Đồng, sau đó mở rộng ra TP HCM, Huế, Hà Nội.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam