Hà Giang xây dựng chuỗi giá trị cam sành

Cam sành là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và là đặc sản của Hà Giang. Cây cam sành được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên.

Cam sành là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao ở Hà Giang

Trong niên vụ cam 2017 – 2018, tổng diện diện tích cam sành của Hà Giang đạt khoảng 8.850ha, trong đó có trên 4.500ha cho thu hoạch, tổng sản lượng ước đạt 48.000 tấn.

Để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cam sành góp phần thúc đẩy tiềm năng đối với cây ăn quả đặc sản của địa phương; thu hút đầu tư từ các nguồn lực, tạo mối liên kết thị trường, góp phần tăng thu nhập và ổn định cho người SX, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng và 3 huyện trồng cam thực hiện các chương trình, dự án nhằm không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm.

Điển hình là chương trình “Cải tạo và phục hồi cây cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP”, chương trình “Mở rộng và nâng cao chất lượng của sản phẩm cam sành”… Cho tới thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã có gần 3.000ha cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, hàng năm vào đầu vụ thu hoạch, UBND tỉnh đều phối hợp với các huyện tổ chức Hội thi sản phẩm cam sành. Hiện sản phẩm cam sành Hà Giang đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Cam sành trồng theo chuẩn VietGap 

Xác định cam sành là một trong những cây trồng chủ lực (gồm cam, chè và cây dược liệu), HĐND tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND về các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển cây trồng và vật nuôi chủ lực, trong đó có cây cam sành.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay để thâm canh cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 50 triệu đồng/ha; riêng đối với vườn cam có xây dựng đường giao thông, hệ thống tưới, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 80 triệu đồng/ha, thời gian hỗ trợ 24 tháng.

Các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến cam sành sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/dự án, thời gian hỗ trợ 36 tháng.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Lợi ích kép từ trồng cây ăn trái xen canh cà phê

Sau hơn 10 năm trồng thử sức với mô hình cây ăn trái xen canh trong vườn cà phê, ông Phạm Đình Dũng (thôn Đăk Kđem, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã và đang được hưởng những trái ngọt khi thu về hiệu quả kinh tế cao. Trên một diện tích nhưng ông trồng được cả cà phê, sầu riêng, bơ đã cho thấy hiệu quả kép của mô hình này.

Trước đây, cũng như nhiều hộ nông dân trong làng, gia đình ông Phạm Đình Dũng chỉ trồng thuần cà phê trên diện tích hơn 3.000m2. Năm 2005, khi giá cà phê xuống thấp, ông đã nghĩ đến việc chuyển đổi trồng cây ăn trái thay cho cà phê. Tuy nhiên, chặt cà phê thì tiếc, ông tính cứ trồng xen canh rồi sau này cây lớn sẽ quyết định.

Vậy là ông gửi người mua 11 cây sầu riêng cơm vàng hạt lép ở tận Bến Tre về trồng. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, tìm hiểu, ông Dũng nhận thấy cây sầu riêng không làm ảnh hưởng gì tới sự phát triển của cây cà phê, vì vậy ông quyết định giữ lại cả hai loại cây trồng. Đáng nói hơn, cả hai loại cây đều cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, mang lại lợi ích kinh tế kép cho gia đình ông Dũng.

Việc xen canh sầu riêng không làm ảnh hưởng tới suất năng của cà phê.

Ông Phạm Đình Dũng chia sẻ: Lúc đầu, tôi chỉ tìm thử một loại cây trồng mới xem sao thôi. Không ngờ, cây hợp đất nên phát triển rất tốt, 4 năm sau, những cây sầu riêng bắt đầu cho trái bói, đến năm thứ 5 cho thu quả ổn định. Tuy nhiên, do ban đầu chưa nắm rõ kỹ thuật nên mặc dù cây ra rất nhiều trái nhưng tỷ lệ đậu quả không cao, khi chín bị sượng và chỉ chín ồ ạt vào giữa mùa nên không bán được giá. Đến năm 2011, tôi nhờ con trai lên internet tìm hiểu các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây, cách can thiệp để quả ra sớm, đậu nhiều, chín đều… và áp dụng vào quá trình chăm sóc. Từ đó, vườn sầu riêng cho ra quả nhiều, quả nhỏ cũng được vài ký, quả to lên tới 5-6kg, sầu riêng chín sớm nên bán rất được giá. Năm ngoái, giá bán bình quân 45.000 đồng/kg, tôi thu về hơn 80 triệu đồng tiền sầu riêng; năm nay, giá bán thấp nhất 45.000 đồng/kg, giá cao nhất tới 90.000 đồng/kg, tôi bán được 120 triệu. Cá biệt, có một cây thương lái mua trọn gói 20 triệu đồng.

Mấy năm nay, tên tuổi sầu riêng nhà ông Dũng được nhiều người sành ăn biết đến. Nhiều người tìm đến tận nhà ông mua hoặc gọi điện thoại đặt hàng rồi ông Dũng mang giao tận nơi. Điều đặc biệt khiến sầu riêng nhà ông Dũng được nhiều người nhớ tới đó là ông luôn để sầu riêng chín rụng tự nhiên, không bao giờ cắt sớm; ông cũng chỉ bán khi quả chín vừa đủ.

Dẫn tôi thăm vườn cà phê trĩu quả xen lẫn những cây sầu riêng to bự, cao vút bắt đầu ra trái non đầy cành, ông Dũng chỉ: Cô thấy không, cà phê không những không bị ảnh hưởng mà còn nhiều quả hơn khi trồng độc canh vì chúng được hưởng cả phần dinh dưỡng khi bón cho sầu riêng. Những cây sầu riêng cũng được hưởng lợi khi mình chăm sóc cà phê nên có thể nói việc xen canh là nhất cử lưỡng tiện. Với tôi, sầu riêng là cây xen canh nhưng giờ lại là cây cho thu nhập chính, hiệu quả gấp 2- 3 lần so với cà phê.

Với thành công từ vườn sầu riêng xen canh, từ năm 2012- 2013, ông Phạm Đình Dũng mạnh dạn tiếp tục mở rộng mô hình xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê của gia đình mình. Tuy nhiên, dù sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao nhưng ông không chăm chăm vào một loại cây, mà lần này ông Dũng lại thử sức với cây bơ sáp trên diện tích hơn 4.000m2 cà phê. Năm ngoái, những cây bơ đầu tiên đã cho thu bói; năm nay, hầu hết vườn bơ đều cho thu quả.

Ông Dũng chia sẻ kinh nghiệm: Để xen canh có hiệu quả thì phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu cắt tỉa cành, phân chia ánh sáng hợp lý cho tất cả các loại cây. Cà phê là cây thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình, vì vậy, khi trồng xen sầu riêng, bơ với tỷ lệ phù hợp sẽ không khó trong việc điều chỉnh ánh sáng hài hòa cho cả 3 loại cây. Trong đó, cây sầu riêng, cây bơ sẽ giúp chắn gió và che bóng cho cà phê; tiết kiệm được lượng nước tưới trong mùa khô. Song điều quan trọng nhất trong việc trồng xen này là giúp cho mình tránh được thua lỗ khi độc canh một loại cây trồng, phòng trường hợp giá cà phê xuống thấp mình vẫn có nguồn thu từ các loại cây trồng khác. Hơn nữa, hiện nay, giá các loại trái cây sầu riêng, bơ, luôn khá cao và ổn định nên thu nhập còn vượt trội hơn nhiều.

Thấy được hiệu quả kinh tế của việc xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê của cha mình, chị Phạm Thị Lượm – con gái ông Dũng cũng học tập và làm theo. Tuy nhiên, điểm khác của vườn cà phê trồng xen cây ăn trái của nhà chị Lượm là trong cùng vườn cà phê, chị trồng xen cả sầu riêng và bơ chứ không chỉ xen 1 loại bơ hoặc sầu riêng như của ông Dũng. Với khoảng 20 cây sầu riêng năm nay cho thu bói, chị Lượm cũng đã thu về gần 30 triệu đồng, từ sang năm, bơ cũng bắt đầu cho thu quả.

Có thể nói, trồng cây ăn trái xen trong vườn cà phê là một phương thức đa dạng hoá cây trồng hay, tiết kiệm đất canh tác, cho hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là một trong những hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp giúp người nông dân giảm thiểu nguy cơ mất mùa do độc canh một loại cây trồng, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi tôm, cá, kết hợp trồng rau màu

Ðể tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, từ năm 2012 đến nay, nhiều hộ nông dân Tân Thành đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình liên kết sản xuất nuôi tôm, cá, kết hợp trồng màu và du lịch sinh thái cho lợi nhuận mỗi năm từ 300 triệu đến 500 triệu đồng.

Trồng rau màu trên bờ liếp nuôi tôm được nhiều bà con nông dân lựa chọn nhằm tăng năng suất và tận dụng diện tích canh tác.

Ðiển hình như lão nông Nguyễn Hữu Ánh nuôi cá chình – bống tượng kết hợp trồng cây ăn trái, cây kiểng; nông dân Phạm Văn Hiệp nuôi cá kết hợp với trồng rau màu trên bờ ao; nhà nông trẻ Phạm Ngọc Tuấn nuôi cá sấu, cá bống tượng, tôm công nghiệp; hay nông dân Cao Văn Hiệu nuôi cá, trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch – dịch vụ,…

Nổi bật là mô hình đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, lấy ngắn nuôi dài nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích của gia đình nông dân Cao Văn Dũng, chỉ trong một thời gian ngắn từ năm 2012 đến 2016 đã cho lợi nhuận gần bốn tỷ đồng.

Anh Dũng cho biết, năm 2012, gia đình anh đã tận dụng đất trống trên bờ ao trồng các loại rau đắng, ổi, cốc, sa bô, vú sữa, xoài dưới ao thì thả nuôi các loại cá bống tượng, cá chình, trừ chi phí còn lợi nhuận gần 670 triệu đồng/năm.

Năm nay, anh Dũng vận động bốn hộ nông dân có cùng ngành nghề, sở thích xây dựng khu du lịch miệt vườn rộng gần 5 ha phục vụ khách tham quan, giải trí, với tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng. Tại đây du khách được câu cá, mua trái cây do tự tay mình hái, vừa có thể thưởng thức hương vị tươi ngon tại chỗ, vừa có thể mua về làm quà cho người thân. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018.

Anh Dũng và những cộng sự hy vọng, với những mô hình tôm, cá, kết hợp trồng cây màu và du lịch sinh thái, trong tương lai không xa, Tân Thành sẽ trở thành địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn cho du khách khi đến Cà Mau nói chung và phường Tân Thành nói riêng, đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân vùng đất mũi.

Nguồn: Báo Nhân dân được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Táo bạo: Cô gái 8x “biến” cây tầm bóp dại thành sữa chua, dược phẩm

Lúc nhỏ thường cùng các bạn bứt trái tầm bóp ở những cánh đồng lúa gần nhà, lớn lên, cô gái Bùi Thị Nga, sinh năm 1989, đã biến loại cây dại này thành một dự án kinh doanh khá lạ: trồng cây tầm bóp thương phẩm.

Hẳn trong ký ức tuổi thơ của nhiều người, cây tầm bóp không xa lạ gì. Bùi Thị Nga cũng có một tuổi thơ lam lũ ở vùng quê Cát Tiên, Lâm Đồng. Nga tâm sự cô cùng đám bạn thường bứt trái tầm bóp ở những cánh đồng lúa gần nhà và đã nung nấu ý định biến loại trái này thành thương mại từ khi còn là học sinh trên ghế nhà trường.

Tuy nhiên, mãi đến năm 2016, trải qua bốn năm học đại học Nông lâm TP.HCM, đi làm thêm một vài công ty liên quan đến nông nghiệp, có chút kiến thức, Nga mới bắt tay vào nghiên cứu kỹ hơn về cây tầm bóp.

Cây tầm bóp vẫn đang trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín.

Nga lao vào tìm kiếm các thông tin và được biết thế giới cũng đang ứng dụng rộng rãi những lợi ích từ cây này, nên càng vững tin hơn để thử nghiệm.

“Ở nước ngoài, ngành công nghiệp thực phẩm đã sử dụng quả tầm bóp trong các sản phẩm khác nhau, như ngoài làm trái cây tráng miệng nó còn được chế biến ra thức uống, sữa chua, sấy và mứt một cách phổ biến. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì chưa có một sản phẩm tốt như thế này để phục vụ người dân”, Nga tâm sự.

Sau hơn một năm tìm tòi, thử nghiệm qua các loại giống trong nước và ngoài nước, nhóm đã chọn được một nguồn giống tốt từ Viện Nghiên cứu nông nghiệp miền Nam nước Pháp, loại Physalis Peruviana để tiếp tục trồng khảo nghiệm tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Các đợt cây giống mà Nga nghiên cứu đã phát triển khá thuận lợi ở giai đoạn đầu, tuy nhiên, khó khăn là giống Việt Nam có vòng sinh trưởng hoàn toàn khác cây Nam Mỹ và năng suất cũng thấp, nên cô phải rất cố gắng điều chỉnh để có được độ tương thích tối ưu.

Đến tháng 10.2017, Nga và cộng sự đã có được những trái thành phẩm thử nghiệm đầu tiên của cả giống Việt Nam và giống Nam Mỹ. Và định hướng sẽ đưa trái tươi ra thị trường vào giữa năm 2018.

“Hiện tại vẫn trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng, lựa chọn giống và liên kết với các đơn vị khác để nghiên cứu về các ứng dụng từ chiết xuất thành dược phẩm”, Nga nói thêm về tương lai dự án.

Nguồn: Danviet.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Sơn La lần đầu tiên xuất khẩu chanh leo tươi sang Pháp

Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc là đơn vị trực tiếp xuất khẩu chanh leo sang Pháp bằng đường hàng không.

Đóng hộp chanh leo trước khi xuất khẩu

Hai tấn chanh leo quả tươi đầu tiên được công ty cổ phần Nafood xuất khẩu sang các siêu thị của nước Pháp. Để xuất khẩu, những quả chanh leo phải đạt tiêu chuẩn trọng lượng 12 quả/kg và phải được trồng, chăm sóc và thu hoạch theo tiêu chuẩn Globalgap – tiêu chuẩn xuất khẩu của Châu Âu.

Những trái chanh leo đều tăm tắp

Hiện nay, Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc là đơn vị được tỉnh Sơn La cấp phép đầu tư trồng và chế biến chanh leo. Vùng nguyên liệu của công ty hiện nay có trên 500 ha tập trung chính ở hai huyện Mộc Châu và Thuận Châu.

Vườn chanh leo sai trĩu quả ở Sơn La

Dự kiến, sản lượng thu hoạch năm nay đạt trên 12.000 tấn quả tươi. Với giá bán bình quân 15.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi ha chanh leo cho thu lãi khoảng 200 triệu.

Chanh leo có nhiều công dụng đối với sức khỏe

Việc xuất khẩu chanh leo sang thị trường Pháp góp phần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh có lợi thế về điều kiện sản xuất, khí hậu, thổ nhưỡng, nhằm tăng nhanh sản lượng sản phẩm có chất lượng và không ngừng gia tăng giá trị sản phẩm.

Đây là lần đầu tiên Sơn La xuất khẩu chanh leo tươi sang Pháp

Tỉnh Sơn La đã có các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường ngoài nước như chè, mận hậu, xoài, mật ong… Việc xuất khẩu chanh leo ra thị trường nước ngoài nói riêng và các mặt hàng nông sản của Sơn La nói chung, sẽ làm đa dạng hóa được thị trường tiêu thụ, có tác dụng tương hỗ trong việc tiêu thụ hàng hóa, để tránh bị ép cấp, ép giá các sản phẩm hàng hóa nông sản trong xu hướng hội nhập.

Nguồn: VOV.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cảnh báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (28/11 – 4/12)

Bọ trĩ, sâu năn, dòi đục nõn hại chủ yếu trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Rầy, sâu đục thân, bạc lá hại lúa Mùa giai đoạn chín – thu hoạch.

1. Các tỉnh phía Bắc

Cây ngô: Sâu đục thân, bắp, rệp, chuột tiếp tục tăng.

Rau màu: Bọ nhảy, sâu ăn lá, rệp tiếp tục phát sinh gây hại.

Cây mía: Bệnh chồi cỏ tiếp gây hại và có xu hướng tăng.

Cây cam, chanh, bưởi: Bệnh chảy gôm, loét, sẹo, ruồi đục quả tiếp tục gây hại các vườn cây già cỗi.

Cây nhãn: Nhện lông nhung tiếp tục phát sinh gây hại.

Cây sắn: Nhện đỏ, rệp sáp, bọ phấn gây hại cục bộ trên đồng ruộng. Châu chấu lưng vàng tiếp tục gây hại tại Nghệ An, Thanh Hóa.

2. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Cây lúa: Bọ trĩ, sâu năn, dòi đục nõn hại chủ yếu trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Rầy, sâu đục thân, bạc lá hại lúa Mùa giai đoạn chín – thu hoạch. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước .

Cây ngô và rau màu: Sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy hại rải rác; bệnh xoăn lá cà chua tiếp tục gây hại.

Cây cà phê: Rệp sáp, rệp vảy, khô cành tiếp tục gây hại.

Cây tiêu: Rệp sáp, bệnh chết chậm tiếp tục gây hại.

Cây điều: Sâu đục thân, bọ xít muỗi, bệnh nấm hồng tiếp tục gây hại.

Cây mía: Bệnh trắng lá do phytoplasma,… gây hại cục bộ mía vùng ổ dịch.

3. Các tỉnh phía Nam

Cây lúa: Rầy nâu phổ biến tuổi 4,5, trưởng thành, cần theo dõi diễn biến của rầy nâu trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với những diện tích chuẩn bị xuống giống lúa Đông Xuân khuyến cáo vệ sinh tốt đồng ruộng, làm đất kỹ, gia cố bờ bao, tăng cường bơm rút nước, đặc biệt phải theo dõi bẫy đèn để tập trung xuống giống đồng loạt, né rầy. Bệnh đạo ôn lá và bệnh bạc lá tiếp tục phát triển ở nhiều địa phương trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ.

Cây thanh long: Bệnh đốm nâu tăng diện tích nhiễm.

Cây hồ tiêu: Bệnh chết nhanh và chết chậm tăng diện tích nhiễm.

Cây điều: Diện tích nhiễm bọ xít muỗi tăng.

Cây dừa: Diện tích nhiễm bọ cánh cứng và diện tích nhiễm bọ vòi tăng.

Cây cà phê: Rệp sáp tăng nhẹ diện tích nhiễm.

Nguồn: Cục bảo vệ thực vật được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Dự báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (20.11.2017)

Ở các tỉnh thành phía Nam, rầy nâu phổ biến tuổi 3 – 5, rải rác có rầy trưởng thành di trú do lúa thu đông đang thu hoạch rộ.

Bệnh đạo ôn phát triển, có thể gia tăng nhiễm trên trà lúa đông xuân giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ. Ngoài ra, cần lưu ý ốc bươu vàng đối với các trà lúa mới gieo sạ, bệnh bạc lá ở giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng.

1. Các tỉnh phía Bắc

– Cây ngô, rau màu: Các đối tượng gây hại phát sinh nhẹ đến trung bình.

– Cây mía: Bệnh chồi cỏ có xu hướng tăng.

– Cam, chanh, bưởi: Bệnh chảy gôm, loét, sẹo… gây hại các vườn cây già cỗi, chăm sóc kém.

– Cây nhãn: Nhện lông nhung tiếp tục gây hại.

– Cây sắn: Nhện đỏ, rệp sáp, bọ phấn… hại cục bộ trên đồng ruộng.

2. Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên

– Cây lúa: Trên lúa đông xuân cực sớm, lúa mùa đẻ nhánh – làm đòng, bệnh đạo ôn hại lúa nhẹ. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước và gây hại diện rộng sau mưa lũ.

– Cây trồng khác: Cây cà phê rệp sáp, rệp vảy, bệnh khô cành, gỉ sắt, đốm mắt cua,… hại tăng. Cây tiêu: Rệp sáp, bệnh chết chậm… hại tăng. Cây điều: Sâu đục thân, bọ xít muỗi, nấm, thán thư… tiếp tục gây hại. Cây mía: Bệnh trắng lá do phytoplasma… hại cục bộ vùng ổ dịch. Cây dừa: Bọ cánh cứng, đốm lá, thối nõn… tiếp tục gây hại. Cây sầu riêng: Bệnh nứt thân xì mủ, nấm hồng, thán thư… tiếp tục gây hại.

3. Các tỉnh phía Nam

– Cây lúa: Rầy nâu phổ biến tuổi 3 – 5, rải rác có rầy trưởng thành di trú do lúa thu đông đang thu hoạch rộ. Bệnh đạo ôn phát triển, có thể gia tăng nhiễm trên trà lúa đông xuân giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ. Ngoài ra, cần lưu ý ốc bươu vàng đối với các trà lúa mới gieo sạ, bệnh bạc lá ở giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng.

– Cây trồng khác: Cây thanh long bệnh đốm nâu tăng diện tích nhiễm. Cây hồ tiêu: Tuyến trùng hại rễ, bệnh chết nhanh và chết chậm tăng diện tích nhiễm. Cây điều: Bệnh thán thư tăng. Cây cà phê: Rệp sáp tăng nhẹ diện tích nhiễm.

Nguồn: Cục bảo vệ thực vật được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Cân bằng độ pH đất trồng bưởi sau mưa

1. Mưa lớn làm ảnh hưởng cây bưởi

Cây bưởi ưa đất trung tính hơi kiềm, có độ pH cao thường là 5,5 – 6,5. Mưa lớn khiến lớp rễ tơ của bưởi, rễ ăn màng trên lớp đất mặt bị hư hại đã ảnh hưởng lớn đến sức hấp thu dinh dưỡng, gây thiếu ăn cục bộ, đặc biệt những cây ra sai quả còn bị sốc dinh dưỡng, làm nhiều quả bị chín ép, chín non.

Mặt khác, cuối đông, đầu xuân tới được dự báo rét hơn nhiều năm gần đây sẽ kìm hãm sinh trưởng thân rễ cây trồng, như vậy là thuận lợi cho quá trình phân hóa mầm hoa vụ tới.

Nếu giai đoạn sau thu hoạch, bộ rễ cây bưởi không được hồi phục nhanh sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp dinh dưỡng nuôi hoa quả vụ tới, dẫn tới hiện tượng quả non bị rụng nhiều. Lường trước những khó khăn trên, việc chủ động chăm sóc cây bưởi giai đoạn sau thu hoạch cần hết sức quan tâm:

Trước hết, dùng kéo cắt bỏ triệt để những cành bị sâu bệnh, cành không có lá, cành trong tán cây, cành vượt và những cành cuống quả mới thu hoạch. Khi cắt phải cắt sát không để lại đoạn cành để hạn chế một số sâu bệnh xâm nhiễm gây hại.

Xới xáo lớp đất mặt vườn tạo độ thông thoáng giúp bổ rễ phát triển khỏe. Đồng thời bón phân hữu cơ và phân khoáng giúp cây hồi phục sau thu hoạch. Trong các loại phân vô cơ trên thị trường hiện nay, phân lân nung chảy Văn Điển và phân đa yếu tố NPK Văn Điển chứa nhiều nhất các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng.

Phân lân nung chảy Văn Điển chứa nhiều chất dinh dưỡng, trong đó P2O5 15 – 19%, MgO 15 – 18%, SiO2 24 – 32%, CaO 28 – 34% và nhiều chất vi lượng khác như Fe, Mn,Cu,Z, Bo, Mo… Phân bón đa yếu tố NPK 5.10.3 dạng viên (N = 5%; P2O5 = 10%; K2O = 3%; S = 2%; MgO = 9%; CaO = 15%; SiO2 = 14%; ngoài ra có các chất vi lượng như B, Mn, Zn, Cu, Co… mà các loại phân bón khác không có.

Việc cân bằng độ pH là một trong những yếu tố quyết định năng suất bưởi

Lân tạo bộ rễ khỏe, hồi phục nhanh, tạo dựng bộ thân cành cứng cáp, nâng đỡ tán cây và giàn quả, giúp cây chống chịu tốt với mưa gió. Được bón đủ lân cây bưởi có bộ rễ chắc, khỏe; bộ lá to, dày, hiệu suất quang hợp tăng; nhiều hoa, sai quả, đặc biệt hiện tượng rụng quả non đợt đầu giảm rất rõ.

Canxi giúp khử chua cho đất, điều chỉnh độ pH thích hợp cho cây bưởi phát triển. Canxi giúp làm cứng thành vách tế bào. Trong dịch bào, canxi hoạt hóa nhiều enzim cần thiết cho quá trình phân chia tế bào, nhất là ở mô phân sinh đỉnh.

Magie và lưu huỳnh có vai trò nâng cao hiệu suất quang hợp của bộ lá, chuyển hóa các loại đường, tổng hợp dinh dưỡng tích lũy và nuôi thân, cành, rễ…

Các nguyên tố vi lượng (sắt, bo, đồng, kẽm, magan) tham gia hầu hết các loại men giúp quá trình đồng hóa các khoáng chất nhanh hơn, tạo điều kiện cho quá trình phân hóa mầm hoa và đậu quả.

2. Bón phân cho cây bưởi sau thu hoạch

Lượng bón nhiều hay ít phụ thuộc vào đất, tuổi cây, cũng như năng suất đã thu hoạch và tiềm năng của cây bưởi. Thường vào tháng 11 – 12 sau thu hoạch khoảng 15 – 20 ngày. Bón 10 – 20kg phân hữu cơ ủ hoai mục + khoảng 5 – 10kg phân lân nung chảy và 4 – 5kg phân NPK 5.10.3 cho mỗi gốc, giúp cho cây bưởi nhanh hồi phục sau thu hoạch, đặc biệt giúp cho bộ rễ phát triển khỏe, tạo điều kiện cho vụ xuân ra nhiều hoa, đậu nhiều quả và hạn chế hiện tượng rụng sinh lý. Đào rãnh xung quanh tán, trộn đều và bón theo rãnh đào rồi dùng đất lấp kín phân; sử dụng các loại tàn dư thực vật, cây phân xanh, rơm rạ mục tủ gốc giữ ẩm cho cây.

Lưu ý: không được tưới nước vào giai đoạn này nhằm khống chế lứa lộc đông hoặc xuân sớm. Chỉ khi xuất hiện nụ, hoa mới tưới và bón phân đón hoa. Những cây quả ít, thân lá phát triển mạnh cần phải kìm hãm sinh trưởng để kích thích phân hóa mầm hoa, bằng cách cuốc sâu và phơi khô đất vùng xung quanh gần tán cây, cách gốc khoảng 0,5 – 1,0m tùy độ rộng tán cây.

Theo Trạm Khuyến nông Phúc Thọ, toàn huyện có 600ha bưởi Diễn. Những năm trước bón phân đơn đạm, lân, kali riêng rẽ cho bưởi nhiều đợt rất tốn công. Bón nhiều đạm urê làm cho đất ngày càng chua, lá xanh đen, cành, cây dễ bị gẫy, hoa không sai, tỷ lệ đậu quả thấp, quả chín không chắc, thịt quả nhão, ăn nhạt, không thơm ngon. Bón như vậy là thiếu các chất vi lượng cây dễ sinh bệnh, do vậy cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân nên bón phân NPK Văn Điển để nâng cao năng suất, chất lượng.

Bón phân cung cấp đầy đủ các yếu tố cần thiết giúp cây tăng trưởng mạnh hơn

Điển hình nông dân trồng nhiều bưởi Diễn và có kinh nghiệm lâu năm của huyện Phúc Thọ là ông Nguyễn Văn Mỡ, thôn Kim Lũ, xã Thượng Cốc. Gia đình ông có 4 sào bưởi Diễn tuổi cây 17 – 18 năm, ông cũng có lời khen về phân bón Văn Điển: “Những năm trước khi chưa bón NPK Văn Điển, bón thừa phân chuồng, phân đạm, lá xanh đen, cành cây rậm rạp hay bị sâu đục thân gây hại, gió to cành cây dễ gẫy, ít quả nhưng quả to, vỏ dày, hay bị nhám đen, ăn nhạt. Bón NPK Văn Điển cây cành khỏe, lá màu xanh sáng, hoa nhiều, tỷ lệ đậu quả cao, khi chín vỏ quả mỏng nhẵn, màu da đồng, nặng tay, tôm vàng óng mọng nước và tăng hương vị ngọt thanh, thời gian bảo quản được lâu hơn”.

Về phía Nam Hà Nội, huyện có nhiều bưởi Diễn là Chương Mỹ với diện tích trên 500 ha. Khác với huyện Phúc Thọ đất trồng bưởi của Chương Mỹ chủ yếu tập trung ở vùng đồi Xuân Mai. Nơi đây đất chua, nghèo dinh dưỡng nhất là thiếu các chất vi lượng nên bón phân Văn Điển cho bưởi Diễn càng có hiệu quả.

Do đất Chương Mỹ là vùng đồi nghèo mùn, kết cấu dời dạc do có nhiều sỏi đá lên khả năng hấp thụ và lưu giữ phân kém. Phân lân Văn Điển hoặc NPK Văn Điển có loại lân chậm tan, lân không hòa tan trong nước, cây cần đến đâu phân hòa tan đến đó nên hạn chế bị rửa trôi. Ngoài ra, trong phân còn có tỷ lệ canxi (vôi) khá và đầy đủ các chất vi lượng nên càng phù hợp với đất trồng bưởi Diễn ở Chương Mỹ”.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kiếm tiền tỷ từ thu hoạch xoài trái mùa

Những ngày này vườn xoài Úc rộng đến 12ha của ông Trong đã bắt đầu ra hoa sum xuê. Đây là kết quả của việc điều khiển xoài ra hoa theo ý muốn của ông, chứ theo lẽ tự nhiên, sau Tết Nguyên đán xoài mới đơm hoa kết trái.

Nhìn vườn xoài ra năm nay ra hoa nhiều hơn mọi năm ông Trong dự kiến sản lượng đạt trên 50 tấn, hứa hẹn sẽ cho bội thu trong dịp tết sắp tới.

Theo ông Trong, mặc dù điều khiển xoài ra dịp tết tuy cho sản lượng không cao bằng vụ đầu hè, nhưng giá bán cao gấp đôi, trên 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông thu lãi trên 1 tỷ đồng/vụ.

Tôi hỏi, “bí kíp” làm xoài ra trái nghịch vụ? Ông Trong chia sẻ, muốn làm xoài trái vụ, đến đầu tháng 8 ÂL, dùng các phương pháp “kích” cho xoài ra hoa. Tuy nhiên để cho xoài ra hoa thì phải làm cho xoài ra đọt non, sau đó phun thuốc kích thích nhằm tạo mầm ở đọt.

Bên cạnh đó việc bón phân đúng cách và đúng thời điểm cũng rất quan trọng, không chỉ giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, mà còn thuận lợi cho việc điều khiển. Theo đó, một năm vườn xoài nhà ông bón ba lần, cụ thể bón sau mỗi lần thu hoạch, khi xoài chuẩn bị ra hoa và khi xoài đã có quả cỡ vừa.

“Qua nhiều năm tôi trồng xoài đúc kết, nếu bón phân không đúng cách hoặc bón khi quả xoài còn nhỏ, thì sẽ gây rụng trái. Ngoài ra dịch bệnh, nhất là bọ trĩ – đối tượng gây hại nguy hiểm nhất trên xoài cũng gây rụng trái hàng loạt, do đó nếu người trồng không phòng trừ thì sẽ thiệt hại, giảm thu nhập”, ông Trong nói.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn xoài, ông Trong còn chia sẻ thêm về kỹ thuật làm cho quả xoài vỏ đẹp, sáng sạch để bán được giá cao. Muốn vậy, khi quả xoài đạt cỡ trung bình, cần tỉa cành lá xung quanh cho ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào quả xoài. Cách làm này không chỉ giúp quả xoài không bị trầy xước, mà hạn chế được sâu bệnh. Do đó, quả xoài Úc của vườn ông trồng luôn đạt yêu cầu có trọng lượng từ 0,7 – 1kg, vỏ có màu hồng đỏ, hạt nhỏ, thịt vàng có mùi thơm béo, vị ngọt thanh và rất ít xơ.

Xoài sai quả cho dù được trồng nghịch vụ

Ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây cho biết, với cách làm xoài sáng tạo mang lại hiệu quả của ông Trong hiện nhiều bà con trong vùng học hỏi và đã thu trái ngọt. Ngoài ra, ông Trong còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 10 – 15 lao động với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trong cho biết, trước đây, ông trồng xoài Canh nông, sau đó chuyển sang xoài cát Hòa Lộc, tuy nhiên do hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên vài năm trở lại đây ông chuyển sang trồng xoài Úc. Tuy nhiên giá trị của xoài Úc là khi thu trái nghịch. Do đó để điều khiển thành công, ông đã phải đi nhiều nơi học hỏi, mặc dù kỹ thuật này rất khó, nhất là khi thời tiết diễn biến phức tạp.

Để vườn xoài phát triển tốt, cho năng suất cao, ổn định, việc có kinh nghiệm không thôi là chưa đủ, mà cần đầu tư khoa học kĩ thuật. Hiện vườn xoài nhà ông Trong còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, đặt ngầm dưới 3.500 gốc xoài với kinh phí 500 triệu đồng. Nhờ hệ thống này mà những năm hạn vừa qua vườn xoài không bị áp lực về nguồn nước tưới, tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Trồng thanh long công nghệ mới Israel, năng suất có thể đạt 80 – 100 tấn/ha

Một số nông dân ở vùng chuyên canh thanh long huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) và huyện Châu Thành (Long An) mạnh dạn đầu tư SX thanh long theo công nghệ Israel nhằm tiết kiệm diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng trái hướng tới xuất khẩu sang thị trường khó tính…Thanh long leo giàn sắt

Chợ Gạo thời điểm này đang mùa xông đèn thanh long. Anh Nguyễn Hữu Phúc ở ấp An Thị, xã Mỹ Tịnh An chia sẻ: “Trồng thanh long theo phương pháp truyền thống bằng trụ bê tông mỗi trụ cách nhau tới 3m, nay áp dụng kỹ thuật mới trồng theo giàn chữ T, mỗi gốc chỉ cách nhau 0,4m, vừa tiết kiệm diện tích đất lại giảm công chăm sóc”.

Áp dụng biện pháp bao trái thanh long nhằm tránh sâu bệnh hại

Theo anh Phúc, mô hình trồng thanh long theo giàn được Viện Cây ăn quả miền Nam hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật. Trước đó, với mỗi công đất (1.000m2) trồng trụ bê tông chỉ trồng được khoảng 440 hom. Nay áp dụng phương pháp mới có thể trồng được tới 1.170 hom/công. Hơn nữa, cùng diện tích này trồng kiểu truyền thống chỉ thu lãi khoảng 5 triệu/công, còn trồng giàn cho lãi 12 triệu đồng/công.

Ưu điểm của mô hình trồng thanh long kiểu chữ T có sự khác biệt so với kiểu trồng truyền thống là hệ thống cành phân tán đều, ít bệnh hơn. Lượng hom giống ban đầu gấp đôi so với bình thường nên cành nhiều hơn, năng suất cũng cao hơn. Ước tính ban đầu đạt khoảng 80 tấn/ha/năm.

Do mô hình trồng thanh long leo giàn mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh Phúc tiếp tục mở rộng thêm 2.500m2 trồng thanh long ruột đỏ và cải tiến kỹ thuật phù hợp hơn nhằm tiết kiệm chi phí.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở ấp Long Hòa, xã Long Trì, huyện Châu Thành cũng trồng thanh long ruột đỏ (685 trụ) trên diện tích 5.000m2, trong đó 2.000m2 áp dụng công nghệ giàn sắt.

Ông Minh giới thiệu về giàn sắt hình chữ A sau khi cải tiến từ giàn chữ T trồng thanh long

Ông Minh tâm sự: “Lúc đầu tôi cũng chỉ trồng theo kiểu truyền thống nhưng sau khi tham khảo phương pháp trồng mới, tôi đã quyết định đầu tư áp dụng theo công nghệ giàn sắt và lắp đặt hệ thống phun tưới tự động nhỏ giọt bằng đường ống”.

Từ mô hình trồng thanh long bằng trụ bê tông và giàn sắt hình chữ T, ông Minh đã tự điều chỉnh thiết kế bằng giàn sắt hình chữ A cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội, năng suất cao hơn so với trồng trụ, hạn chế sâu bệnh, thu hoạch thuận tiện hơn và tránh được bão gió.

Hướng sản xuất mới

Một trong những mô hình mới đang được nông dân quan tâm là trồng thanh long ruột đỏ bằng giàn theo công nghệ Israel.

Vườn thanh long của gia đình ông Minh lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm

Hàng chục năm nay, với 16.000m2 đất, ông Trần Văn Năm ở xã Long Trì, huyện Châu Thành chỉ tập trung canh tác thanh long ruột trắng. Gần đây thanh long ruột trắng giá thấp, đầu ra bấp bênh nên ông mạnh dạn chuyển hơn 6.000m2 sang trồng thanh long ruột đỏ theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel.

Ông Năm cho biết, đến nay toàn bộ diện tích thanh long ruột đỏ của gia đình đều được áp dụng công nghệ tưới phân, nước nhỏ giọt tự động có kiểm soát. Trên vườn mỗi trụ cho từ 30 – 35 trái. Mùa vụ vừa qua, thanh long ruột đỏ có giá 45.000 đồng/kg cho gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng, gấp đôi so với thanh long ruột trắng.

SX thanh long CNC là hướng đi mới

Ông Nguyễn Văn Đà ở ấp Long Thuận, xã Long Trì có 7.000m2 trồng thanh long (khoảng 1.000 trụ thanh long ruột trắng) tâm sự: “Công nghệ cao làm giàn sắt đầu tư kinh phí khá cao nên chờ thêm thời gian xem hiệu quả thực tế ra sao thì bà con mới dám làm”.

Tuy nhiên, Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo, nếu nông dân mạnh dạn áp dụng mô hình này thì khả năng sẽ cho năng suất cao hơn từ 2 – 3 lần so với trồng trụ bê tông, có thể đạt từ 80 – 100 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Hôn, cán bộ UBND thị trấn Tầm Vu cho biết: “Địa phương đang khuyến khích nông dân trồng thanh long theo công nghệ mới, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng những thị trường khắt khe về chất lượng. Việc quy hoạch vùng trồng, áp dụng công nghệ cao SX thanh long leo giàn sắt đang mở ra hướng sản xuất mới, giúp nông dân thu nhập khá hơn”.

Ông Minh điều khiển hệ thống tưới tự động cho vườn thanh long

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.