Trồng bưởi da xanh cho ra trái quanh năm

Hiện nay, bưởi da xanh là loại đặc sản rất được ưa chuộng bởi chất lượng độc đáo: vị thanh, không hạt, nước vừa phải, múi màu hồng, dễ lột,…

Bưởi da xanh

Không những vậy, bưởi da xanh còn có cách trồng rất đơn giản. Dưới đây là một số kỹ thuật trồng bưởi da xanh xin mời bà con cùng tham khảo

Chuẩn bị

Giống: Chỉ nên chọn một loại giống duy nhất là bưởi da xanh, không trồng xen với các loại cây có múi khác để tránh thụ phấn chéo. Nên trồng cây bưởi chiết, vì rễ ăn ngang tránh gặp tầng sinh phèn; mau ra trái, bảo đảm chất lượng giống hệt cây mẹ. Cây bưởi chiết có tuổi thọ khá cao.

Đất: Cải tạo địa hình tương đối bằng phẳng, hơi cao ở giữa để thoát nước nhanh. Cần phân tích chất đất để có chế độ bón phân phù hợp, cân đối. Nơi nào đất trũng, thấp, thường bị ngập úng vào mùa mưa thì đắp mô cao lên 20 – 30 cm so với mực nước mưa và triều cường.

Nơi nào đất cao thì đào hố. Hố trồng đào tròn hoặc vuông 1,2m x 1,2m, sâu 30 cm. Đào sâu quá gặp tầng sinh phèn, cây bưởi khó sống. Mỗi hố trồng rải 5 – 6 kg vôi bột, 2 bao phân chuồng đã hoai trộn thêm tro trấu, xơ dừa, rơm rạ mục và phủ lên một lớp đất mỏng trước khi trồng.

Trồng và chăm sóc

Mật độ: Mỗi ha trồng khoảng 500 – 600 cây. Cây cách cây 4m; hàng cách hàng 4m. Đặt cây bưởi giống vào giữa hố, lấp đất phủ kín gốc, hơi lõm ở giữa để sau này bón thêm phân hữu cơ và tiết kiệm nước tưới, phủ quanh gốc các loại phân xanh, rơm rạ cho mát gốc.

Thời điểm trồng: tốt nhất là cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Qua mùa mưa cây bưởi phát triển khá tốt nhờ nguồn nước trời. Lặt bỏ tất cả trái non trong năm đầu, năm thứ hai có thể chừa mỗi cây 1 trái, năm thứ ba giữ trái vừa phải; số trái giữ lại, tăng dần vào những năm sau.

Chăm sóc cây sau khi trồng

Thường xuyên giữ ẩm cho cây. Tưới phân bón lá Lay-O, Combi-5,komix…và bón định kỳ thường xuyên 1-2 lần/tháng. Cắt tỉa tạo tán 50cm để cành cấp I, 30cm để cành cấp II và 20cm để cành cấp III. Tạo cho cây có bộ khung cành , tán rộng tốt cho quang hợp.

Bón cho cây chưa có quả, trước mỗi đợt lộc bón một lần thường năm có 3 đợt lộc vào mùa xuân, hạ, thu. Khi cây có quả: bón 4 đợt/ năm. Thời kỳ sau thu hoạch quả, bón phân hữu cơ + lân 100%, đạm 20% vôi 100%. Thời kỳ chuẩn bị ra hoa bón đạm, ka li,ZinC. Thời kỳ hạn chế dụng quả giúp quả lớn nhanh bón đạm, kali, boron. Thời kỳ trước thu hoạch 1 tháng bón kali, sungar.

Phòng chống sâu bệnh

Sâu vẽ bùa: Phá hoại mạnh ở thời kỳ cây còn nhỏ, chúng gây hại trên lá non, cành non, tạo vết thương cho cây, bệnh loét xâm nhập và phát triển, thời gian gây hại chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 11 trong năm.

Phòng trừ: dùng thuốc Polytin 0.2%, slrespa 0.2%. Sâu đục thân cành: dùng thuốc  O fatox 0.1%, Symi sidin 0.2% phun và bơm vào lỗ sâu đục. Phòng trừ: Vệ sinh vườn, quét vôi gốc, bắt diệt xén tóc.

Bệnh thán thư: Thường xuyên thăm vườn, phát hiện bệnh sớm sử dụng một trong các loại thuốc sau (phun khi bệnh mới chớm): Mancozeb 80WP, Daconil 75WP, Antracol 70WP,… Bệnh loét lá và bệnh sẹo: gây hại trên cành, lá, quả: dùng Boocdo. Bệnh chảy gôm: dùng Boocdo, Benlat , Alliette.

Kích thích ra hoa, đậu trái

Bưởi da xanh ra hoa, trái quanh năm. Do đó để có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường vào thời điểm giá cả có lợi cho người sản xuất, nên kích thích ra hoa, đậu trái từ 7 đến 8 tháng trước ngày thu hoạch, nhưng nếu lưu trái nhiều quá sẽ làm suy cây.

Thu hoạch

Nên thu hoạch khi bưởi vừa chín tới, da căng láng, cắt luôn cả cuốn trái. Không hái trái khi chưa chín tới hoặc hái quá trễ, chất lượng không tốt. Bưởi da xanh dễ trồng, hiệu quả kinh tế khá cao, thị trường ưa chuộng là loại cây trồng phù hợp với định hướng nông nghiệp ở nhiều nơi.

Vẻ hấp dẫn của bưởi da xanh

Theo vietq.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Tuyệt chiêu cho nhãn ra hoa trái vụ

Trong khi các vườn nhãn trong tỉnh sắp đến kỳ thu hoạch quả thì nhiều cây nhãn của lão nông Hoàng Quang Tuấn ở xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên mới bắt đầu ra hoa giữa mùa hè.

Cuối vụ xuân năm nay, trong khi các trà nhãn trong khu vực đều đã tắt hoa, lộ quả, thì nhiều cây nhãn trong vườn nhà lão nông Hoàng Quang Tuấn mới bắt đầu ra hoa. Có thể coi là trà hoa cực muộn, quý hiếm… Tôi còn chưa hết sự trầm trồ, ông Tuấn đã tiếp lời: “Chưa hết đâu “sếp” ạ!”.

Cây nhãn đã ra quả lại tiếp tục ra hoa giữ mùa hè

Và phải đợi thêm 2 tháng nữa (quá nửa mùa hè), khi các vườn nhãn ở địa phương đang sắp cho thu hoạch quả, ông Tuấn mới lại “nháy máy” cho tôi: “Mời bác đến thăm nhãn ra hoa giữa mùa hè – hoa trái vụ”.

Đi thăm khắp vườn nhãn của gia đình ông Tuấn chúng tôi thấy, bên cạnh gần 500 gốc nhãn đang mang quả đều tăm tắp, lại có cả chục cây nhãn mới bắt đầu ra hoa. Nhãn ra hoa không chỉ ở các cây không ra quả chính vụ, mà nhiều cây nhãn còn vừa mang hoa vừa mang quả.

Để cây nhãn ra hoa cực muộn và ra hoa trái vụ, ông Tuấn vẫn chỉ sử dụng kinh nghiệm khắc phục nhãn ra hoa cách vụ của các nhà nông khi xưa như, chăm bón cho cây phát triển cân đối; phòng trừ sâu bệnh kịp thời; khoanh tiện vỏ thân cây, thân cành…

Nét mới trong cách làm cho nhãn ra cực muộn và ra hoa trái vụ của ông Tuấn là, chọn thời điểm khoanh cây, khoanh cành thích hợp như khoanh tiện vỏ thân cây/cành muộn hơn so với thời điểm khoanh cây cho nhãn ra hoa chính vụ khoảng 1 tháng (để nhãn ra hoa chính vụ cần khoanh tiện vỏ thân cây/cành khoảng tiết Đông chí – giữa tháng 12 DL).

Theo ông Tuấn, nếu không có biến động bất thường về thời tiết, thì trà nhãn trái vụ sẽ cho quả vào mùa đông (khoảng 20 tháng 11 DL). Bởi vì năm 2010 ông đã từng thành công cho nhãn ra hoa giữa mùa hè, thu hoạch quả trong mùa đông, trong khi trọng lượng quả và chất lượng quả không đổi so với trà nhãn ra chính vụ.

Sở dĩ từ năm 2010 tới nay ông Tuấn mới cho nhãn ra hoa trái vụ trở lại, vì quãng thời gian đó anh phải tập trung cho các kế hoạch sản xuất khác.

Hiện trà nhãn ra hoa cực muộn của gia đình ông Tuấn đã khá sai quả, dự kiến sẽ cho thu hoạch muộn hơn so với các trà nhãn muộn ở đây 10 – 15 ngày.

Nếu như những năm trước đây ở một số địa phương có nhãn cho thu hoạch đến giữa tháng 10 đã được coi là của hiếm. Thì nay ông Tuấn có nhãn cho hoạch tới 20 tháng 11, có thể coi là hàng “độc”. Thành công này, sẽ mở ra triển vọng mới cho các nhà vườn chuyên canh nhãn.

Không chỉ là một lão nông lão luyện trong nghề làm vườn, ông Tuấn còn là một cao thủ trong nghề thâm canh cá. Hiện ông đang nuôi thả thường xuyên 3ha cá các loại, trong đó có 1ha cá nuôi thâm canh. Trên diện tích đó, năm 2016 trung bình mỗi mét vuông mặt nước ao nuôi ông thu được hơn 6kg cá thương phẩm, được coi là siêu năng suất, tương đương năng suất nuôi thâm canh cá của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Biết tiếng ông Tuấn, đã có rất nhiều chủ trại nuôi cá khắp các tỉnh thành trên miền Bắc đến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm. Trong đó, khá nhiều trại cá nhờ tư vấn kỹ thuật kịp thời từ ông Tuấn, đã thoát khỏi bờ vực phá sản, chủ trại nuôi cá Vũ Thị Thắm ở xã Hoà Phong, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên là một ví dụ.

Đầu năm 2017 vừa qua, nhà vườn Nguyễn Quang Tuấn đã vinh dự được ông Đỗ Tiến Sĩ, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên đến thăm và khích lệ.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Làm giàu từ bưởi da xanh ruột hồng VietGAP

Ghé thăm vườn bưởi của gia đình anh Đặng Tuấn Thành ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, một trong những vườn bưởi kiểu mẫu có quy mô nhất xã. Anh Thành nói: “Ngày mai tôi sẽ hái nốt lứa bưởi rải vụ này (khoảng 1 tấn) rồi sẽ tập trung vào đợt bón thúc lứa bưởi tết cho kịp thời vụ. Năm nay do thời tiết không được thuận lợi, mưa nhiều khiến sâu bệnh phát triển mạnh, nên cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng trái; nhưng bù lại giá bưởi vẫn giữ được ổn định ở mức cao…”.

Sức hấp dẫn của bưởi da xanh ruột hồng VietGAP

Tổng diện tích vườn của gia đình anh Thành khoảng 1,5ha, với trên 600 gốc bưởi trồng theo quy trình VietGAP; trong đó khoảng 180 cây bưởi (8 năm tuổi) đang cho thu hoạch. Do anh đã nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc cho cây ra bông và đậu trái rải vụ nên vườn cho trái quanh năm. Tuy nhiên, để có được những trái bưởi chất lượng đảm bảo an toàn, anh hạn chế tối đa việc sử dụng phân, thuốc hóa học và bảo đảm thời gian cách ly. Từ đầu năm đến nay anh đã thu hoạch được khoảng 27 tấn trái.

Nhìn những gốc bưởi thẳng hàng đeo trĩu trịt trái, hứa hẹn một mùa bội thu, anh Thành bảo, thường vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán giá bưởi cao chót vót, có khi tới gần trăm ngàn đồng/kg. Vườn nhà nào có nhiều trái bung ra bán sẽ thu lời bộn. Tuy nhiên, không phải ai cũng xử lý vườn được chuẩn và còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu không chăm sóc tốt sâu bệnh phát triển. Chính vì thế nhà vườn, dù đầy kinh nghiệm, anh cũng không dám rời bỏ vườn tới nửa ngày…

Chăm sóc tốt sẽ có được những quả bưởi rất đẹp

Cầm trên tay những trái bưởi vừa hái, anh Thành cười vui: “Để có được trái tròn mọng đẹp như vậy, nhà vườn chúng tôi đã tốn biết bao công sức, từ lúc cây ra bông đến khi đậu trái, hàng ngày hàng giờ chăm sóc nâng niu tới mấy tháng trời mới có được nó đấy”.

Thông thường, ngay cả sau tết giá bưởi vẫn rất cao vì bắt đầu vào mùa lễ hội. Vào lúc cao điểm nhất của năm nay (từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch), anh Thành bán được giá 52.000 đồng/kg, hiện tại giá cũng đạt tới 34.000 đồng/kg. “Chỉ cần giá bưởi khoảng 20.000 đồng/kg thì nhà vườn đã có lời rồi”, anh Thành vui vẻ nói.

Tương tự, nhiều nhà vườn trồng bưởi da xanh ruột hồng trên địa bàn xã Bảo Quang cũng đang bắt đầu xử lý vườn cây hướng đến mùa tết. Điển hình một trong số nhiều hộ trồng bưởi thành công ở đây là gia đình anh Huỳnh Văn Hoàng (tổ 8, ấp Ruộng Tre, xã Bảo Quang). Với kinh nghiệm xử lý hiệu quả, vườn bưởi của anh cũng cho thu hoạch quanh năm.

Gặp chúng tôi anh Hoàng tâm sự: “Mỗi trái bưởi đến thời kỳ thu hoạch phải nặng từ 2kg trở lên, bán với giá từ 35.000 đồng/kg. Tôi đang tập trung chăm sóc vườn cho mùa tết hy vọng sẽ cho thu hơn năm ngoái. Thời gian từ lúc cho trái đến thu hoạch khoảng 6 tháng nên để kịp mùa tết thì ngay lúc này mọi người phải bắt tay vào “trực chiến”.

Bà Trần Thị Lệ Như, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Quang cho biết, toàn xã có khoảng 50 hộ trồng bưởi da xanh ruột hồng với diện tích 80ha, so với năm ngoái thì năm nay đã tăng 35ha. Nhiều hộ cũng đang tiếp tục chuyển đổi dần những cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi. Tuy nhiên, do giá bưởi da xanh ruột hồng hiện vẫn rất ổn định trên thị trường nên nhà vườn đang rất hào hứng đầu tư canh tác theo VietGAP. Do giá bán luôn ổn định, những năm gần đây cây bưởi da xanh đã mang lại hiệu quả kinh tế hấp dẫn người trồng.

Nhìn những quả bưởi ruột hồng sau thu hoạch vô cùng mọng nước

Theo nongnghiep.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Dự đoán sâu bệnh tổng hợp trong tuần (06.11.2017)

Ở các tỉnh thành phía Nam, dự kiến tuần tới sẽ có đợt rầy cám nở rộ, gây hại chủ yếu ở mức nhẹ – trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, có thể hại nặng cục bộ trên lúa giai đoạn làm đòng trỗ.

1. Trên lúa

1.1. Các tỉnh phía Bắc: 

Rầy, chuột, nhện gié, bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt… hại nhẹ trên lúa mùa muộn tại Nghệ An, Hà Tĩnh.

1.2. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: 

– Bệnh đạo ôn lá, cổ bông, khô vằn, rầy… hại lúa mùa, lúa gieo giai đoạn đòng trỗ – chín. Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân… hại lúa mùa, lúa gieo giai đoạn đòng trỗ. Sâu keo, bọ trĩ… hại chủ yếu lúa lỡ vụ giai đoạn mạ – đẻ nhánh.

– Chuột gây hại cục bộ trên lúa mùa, lúa gieo, lúa lỡ vụ.

– Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước.

1.3. Các tỉnh phía Nam: 

– Dự kiến tuần tới sẽ có đợt rầy cám nở rộ, gây hại chủ yếu ở mức nhẹ – trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, có thể hại nặng cục bộ trên lúa giai đoạn làm đòng trỗ.

– Bệnh đạo ôn lá, bạc lá, đạo ôn cổ bông phát triển thuận lợi trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng và trên lúa giai đoạn trỗ do ảnh hưởng của mưa bão phân bố diện rộng, sáng sớm có sương mù nhẹ.

2. Trên cây trồng khác

– Trên ngô và cây rau màu: Các đối tượng gây hại tiếp tục hại nhẹ – trung bình.

– Cây hồ tiêu: Tuyến trùng rễ giảm; bệnh chết nhanh, chết chậm… gây hại tăng nhẹ.

– Cây cà phê: rệp vảy xanh, rệp sáp, bệnh đốm mắt cua… gây hại nhẹ.

– Cây có múi: Bệnh Greening, sâu đục quả, sâu vẽ bùa… tiếp tục phát sinh gây hại.

– Cây thanh long: Bệnh đốm nâu tăng nhẹ.

– Cây điều: Bọ xít muỗi tiếp tục phát sinh gây hại tăng và bệnh thán thư hại giảm.

– Cây mía: Bệnh chồi cỏ, bệnh trắng lá… gây hại cục bộ mía ở vùng ổ dịch.

– Cây sắn: Nhện đỏ, bệnh chổi rồng, bệnh khảm lá sắn… tiếp tục gây hại.

Nguồn: Cục Bảo vệ thực vật được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Mắc màn cho cam – hiệu quả bất ngờ

Vợ chồng anh Đặng Văn Thắng ở xóm 26/3, Tổng đội Thanh niên xung phong 2, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã mắc màn cho cam – một phương pháp bảo vệ cây trồng mới, đem lại hiệu quả bất ngờ trong sản xuất.

Những hàng cam dài được phủ màn tuyn trắng như “cây tuyết” từ ngọn đến gốc

Anh Thắng cho biết, nhà anh có 8ha vườn đồi, trồng nhiều loại cây, trong đó, cam và quýt khoảng 1.000 gốc. Năm nay, những hàng cam Xã Đoài trồng từ năm 2012 đã cho quả bói, nên từ tháng 5 hai vợ chồng đã bàn bạc tìm cách đối phó với nạn sâu bọ, nhất là loại “bướm ma mắt đỏ”, “đốt đâu rụng đó”. Ở địa phương, những người trồng cam đã dùng nhiều phương cách để bảo vệ cây nhưng vẫn không đem lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều diện tích cam của các hộ lân cận bị sâu bọ chích rụng hàng tạ quả, khiến vợ chồng anh càng lo lắng hơn.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, tính toán, anh Thắng đã nảy ra ý tưởng sẽ bảo vệ cam bằng 1 cái lồng. Lúc đầu anh nghĩ sẽ bọc những cây cam bằng lưới thép, nhưng làm lưới thép chi phí khá cao, lại không bền với mưa nắng, sau anh liên tưởng đến cách chống muỗi khi ngủ của người và nghĩ đến việc mua màn về mắc cho cam. Hai vợ chồng thống nhất và quyết định đi chợ Vinh mua màn. Lúc đem màn về, cả nhà hí hoáy đi ướm từng hàng cam để may. Anh Thắng nói vui: “Người thì đang nằm màn rách, cây lại được giăng màn mới toanh. Dễ mà bị thiên hạ cười lắm”.

Cây cam được mắc màn xung quanh

Số màn này được phủ lên cây cam khi quả cam đã gần chín, đã tỏa mùi thơm. Đây là lúc nhiều loại côn trùng tụ tập về vườn cam để hút chích. Việc phủ màn lên cam, lúc đầu đã gây nên sự chú ý đặc biệt của những người trồng cam trong xã. Ai cũng thấy lạ lẫm vì từ xưa tới nay, người dân địa phương chỉ bảo vệ cam bằng cách bắt sâu thủ công, phun thuốc sâu, thắp bóng điện, bọc quả cam bằng túi ni lông… chứ chưa ai mắc màn cho cam cả.

Lần đầu tiên, làm chuyện “quái dị”, vợ chồng anh Thắng không dám “bọc màn” cho toàn bộ số cam trong vườn, mà chỉ làm thí điểm một phần diện tích. 5 cuộn màn mua về, chỉ bọc 100 gốc cam, số còn lại đang cất trong nhà. Anh Thắng cho biết, chi phí ban đầu để mắc màn cho cam khoảng 150 – 200 nghìn đồng/cây. Sau khi làm xong, cả nhà hồi hộp theo dõi sự phát triển của những cây cam “bọc màn”.

Rất mừng là những hàng cam này vẫn xanh tốt bình thường. Các loại sâu bướm phá hoại thường gặp không thể chui vào trong cam để chích quả được. Sau 3 tháng, lứa cam “đội màn” đầu tiên với mùa quả bói đã cho thu hoạch hơn 1 tấn quả. “Chất lượng cam rất tốt. Màu quả đẹp, vẫn thơm ngon như những cây cam khác”, anh Thắng chia sẻ.

Chất lượng cam rất tốt khi được mắc màn

Chị Phan Thị Lai – vợ anh Thắng cho biết, khi thu hoạch cam cứ việc giơ màn lên, chui vào hái quả. Cam hái hết đến đâu thì cuốn màn đến đó. Số màn này sẽ được thu dọn, giặt sạch, cất cho mùa cam năm sau. Dự định một lần mua màn sẽ dùng được 3 – 4 năm. Như vậy tính ra chi phí mắc màn cho mỗi gốc cam cũng chỉ 50 – 70 nghìn đồng.

Hiện cam trên vườn đã thu hoạch gần xong, anh Thắng quả quyết: “Đến giờ, tôi dám khẳng định hiệu quả của việc phủ màn cho cam là thành công ngoài mong đợi. Cam phủ màn, số quả từ lúc mắc màn tồn tại cho đến lúc thu hoạch gần 100%. Quả cam không bị cháy xém hay bị sâu chích. Người trồng không phải mệt mỏi vì chuyện bắt sâu cả đêm, hay lọc cọc mang bình phun thuốc vừa mệt, vừa độc. Ngoài ra, cam phủ màn là cam sạch “chính hiệu” được người tiêu dùng ưa chuộng. Người mua đăng ký khá nhiều nhưng nhà tôi không có cam để bán”.

Theo nongnghiep.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Khánh Hòa: Xót xa nhìn vườn chuối đổ như ngả rạ, nông dân mất tết

Đó là những lời than vãn, nghe rất xót xa của các hộ trồng chuối tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).

Sau cơn bão số 12, PV Dân Việt đã đến khu vực xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, một vùng chuyên trồng chuối và được xem lớn nhất khu vực tỉnh Khánh Hòa. Toàn bộ những vườn chuối hiện đều bị bật gốc và ngã đổ, các cây chuối ngã tính không xuể. Đi đến nhà nào, người dân cũng đều lắc đầu than vãn mất trắng hết rồi chú ơi, chẳng còn gì nữa cả…

Ông Nguyễn Xuân Anh đang chặt các buồng chuối để vứt bỏ

Một buồng chuối bị bùn đất vùi lấp

Đang loay hoay bên vườn chuối 5 sào, ông Nguyễn Xuân Anh (xã Suối Cát, Cam Lâm) cho biết: “Vườn chuối 520gốc này là chuối cấy mô tôi trồng được hơn 1 năm, sau khi chăm sóc đã có trên 80% gốc chuối có buồng. Ông đang mừng thầm vì dự kiến bán vào thời điểm Tết này, mỗi buồng nhẩm tính giá từ 0,8 – 1 triệu đồng. Ai ngờ, cơn bão 12 đi qua đã cuốn sạch, chuối đã bị gãy nữa thân rất nhiều nằm la liệt trong vườn, chỉ còn cách chặt vứt bỏ”.

Ông nói, đau xót hơn là vườn diện tích 2ha chuối và xoài nằm trên đồi, bão qua đã cướp mất. Cả hai ngày nay ông không lên vườn này vì cảm thấy chán nản, bao nhiêu vốn liếng công sức giờ đã trở thành con số không. Gia đình ông thiệt hại ước tính khoảng gần 200 triệu đồng.

Chuối gãy nằm la liệt, tính không xuể

Nằm sát bên cạnh, bà Lê Thị Mai cho hay, gia đình có 3 sào chuối, mỗi năm thu nhập trên 50 triệu đồng. Nhờ nguồn này mà có tiền nuôi con cái ăn học và trang trải trong gia đình. Cơn bão tràn vào đã làm cho vườn chuối hư hết, giờ gia đình không biết lấy nguồn nào để sống…

Bão số 12 đi qua đã làm cho nhiều diện tích chuối của người dân xã Suối Cát thiệt hại nặng

Theo đại diện địa phương cho biết, chuối là một trong những cây chủ lực, bà con có thu nhập chủ yếu từ trồng các giống chuối cau, chuối mốc, chuối mùi hương, với diện tích khoảng 1.000ha chuối. Cơn bão 12 đổ bộ làm cho nhiều hộ bị mất trắng, nhiều hộ lâm vào cảnh lao đao.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Khánh Sơn: Thiệt hại hơn 1.000ha cây trồng

Do không nằm trong tâm bão, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) không có thiệt hại về người, nhưng cơn bão số 12 đã gây hư hại hơn 1.000ha cây trồng tại các xã, thị trấn; hàng trăm căn nhà hư hỏng, đổ sập.

Nhặt nhạnh những thứ còn sót lại trong căn nhà đã bị tốc mái, hư hỏng nặng do cơn bão số 12, anh Cao Hoàng Quốc (thôn Suối Đá, xã Ba Cụm Bắc) không khỏi lo lắng cho cuộc sống của cả gia đình 4 nhân khẩu trong những ngày sắp tới. Anh Quốc thuộc hộ nghèo, bản thân bị thương tật do lao động, không thể làm được việc nặng nên việc khôi phục lại căn nhà nằm ngoài khả năng của gia đình. Hiện tại, gia đình anh Quốc đang phải ở nhờ nhà hàng xóm. “Ngoài không còn nhà để ở, toàn bộ diện tích keo, chuối của tôi bị bão làm hư hại nặng nên gia đình đang rất khó khăn, mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành”, anh Quốc bộc bạch.

Đứng thất thần trước vườn sầu riêng bị đổ rạp, bật tung gốc, ông Lê Đăng Thung (thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp) không thể tin được những cây sầu riêng đã giúp gia đình ông thoát nghèo, vươn lên làm giàu trong mười mấy năm qua, nay chỉ sau một buổi sáng đã bị thiệt hại hoàn toàn. Trong cơn bão số 12 vừa qua, gia đình ông có gần 200 cây sầu riêng đang trong thời kỳ cho trái bị đổ gãy, trong đó có 150 cây từ 15 năm tuổi trở lên. Không thể khôi phục được, gia đình ông đành chặt bỏ. “Gia đình tôi gây dựng cơ ngơi trong suốt 20 năm qua. Vậy mà chỉ qua 2 giờ mưa bão, cả vườn sầu riêng đã đổ gãy hết, thiệt hại lên đến vài tỷ đồng”, ông Thung nói.

Thống kê sơ bộ, đến ngày 6-11, huyện Khánh Sơn đã có 139 căn nhà bị tốc mái, 17 căn bị đổ sập, tập trung ở các xã như: Ba Cụm Bắc, Sơn Bình, thị trấn Tô Hạp… Bên cạnh đó, trên tuyến Tỉnh lộ 9, các tuyến đường liên xã, liên thôn cũng đã có nhiều cây cối bị đổ, ngã, gây cản trở giao thông. Về sản xuất, toàn huyện có khoảng 1.081ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó nhiều nhất là diện tích rừng sản xuất (hơn 470ha), chuối hơn 300ha, 129ha sầu riêng… Tổn thất nặng nề nhất là những hộ trồng sầu riêng, bởi phần lớn diện tích bị đổ gãy là những cây từ 7 đến 8 năm đến hơn 15 năm, đang trong thời kỳ cho thu nhập cao.

“Ngay sau khi cơn bão đi qua, chúng tôi cũng đã huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả. Đến nay, những hộ có nhà và bếp bị hư hỏng nhẹ đã được khắc phục. Các tuyến đường giao thông có cây bị đổ gãy đã được dọn dẹp. Nguồn nước sinh hoạt đã cung cấp đầy đủ cho người dân. Tuy nhiên, một số hộ có nhà bị hư hỏng nặng đang rất cần sự hỗ trợ của cấp trên”, ông Lê Ánh Sáng – Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết.

Công việc khắc phục hậu quả sau bão tại các xã, thị trấn hiện tại gặp không ít khó khăn. Hầu hết những gia đình bị thiệt hại về nhà cửa đều thuộc diện hộ nghèo nên khó có khả năng tự khắc phục, một số hộ có nguy cơ thiếu đói. Ông Đinh Ngọc Bình – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, sáng 6-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã tổ chức họp bàn và triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Huyện chỉ đạo các xã không để hộ nào bị thiếu lương thực, nước uống, thống kê cụ thể những hộ bị thiệt hại về nhà cửa để xem xét hỗ trợ. Trước mắt, huyện sẽ đối ứng ngân sách để hỗ trợ những gia đình có nhà bị sập tối đa 20 triệu đồng/nhà, nhà bị tốc mái tối đa 6 triệu đồng/nhà.

Nguồn: Baokhanhhoa.com.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Chưng cất rượu từ trái thanh long ruột đỏ

Việc nghiên cứu thành công quy trình sản xuất rượu chưng cất từ trái thanh long đã góp phần giải quyết lượng thanh long hàng dạt, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của trái thanh long Bình Thuận.

Riêng đối với nguyên liệu là trái thanh long, chủ yếu được sử dụng để sản xuất rượu vang trái cây (tức là rượu chưa qua chưng cất). Hiện nay, trên thị trường cũng chưa thấy xuất hiện sản phẩm rượu chưng cất từ thanh long, chỉ có một số sản phẩm rượu vang thanh long như của Công ty TNHH công nghệ thực phẩm Nhật Hồng, Công ty TNHH MTV Sản xuất rượu vang thanh long, HTX thanh long Hàm Đức…

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu thanh long tại Bình Thuận, đặc biệt là hàng không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tương đối nhiều lại ít có giá trị trên thị trường. Vì vậy, thời gian qua Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Bình Thuận (Trung tâm) đã nghiên cứu sản xuất rượu chưng cất từ nguyên liệu trái thanh long. Qua nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, Trung tâm đã cho ra các dòng sản phẩm rượu thanh long, rượu thanh long – linh chi và rượu thanh long – tỏi đen với chất lượng cao, mang hương vị đặc trưng và thuần khiết.

Tháng 5/2017, sản phẩm rượu được chưng cất từ trái thanh long mang nhãn CISTI BÌNH THUẬN sẽ được bày bán tại cửa hàng của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bình Thuận – C1 Võ Văn Kiệt, Phan Thiết, Bình Thuận.

Các dòng sản phẩm rượu thanh long gồm: rượu thanh long nguyên chất, rượu thanh long – linh chi, rượu thanh long – tỏi đen.

Thanh long được ủ với men rượu có bổ sung đường và nếp với tỷ lệ nhất định và cho lên men ở điều kiện nhiệt độ phòng trong vòng 2 tuần. Sau khi lên men 2 tuần, rượu thanh long được lọc ra và đem đi chưng cất. Sau khi chưng cất, cho sản phẩm rượu thanh long không màu, mùi thơm nhẹ, đặc trưng, có độ rượu 29,5%.

Việc nghiên cứu thành công quy trình sản xuất rượu chưng cất từ trái thanh long đã góp phần giải quyết lượng thanh long hàng dạt, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của trái thanh long, góp phần đa dạng hóa sản phẩm từ trái thanh long, nâng cao giá trị sử dụng của trái thanh long, giúp nông dân giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu trái tươi như hiện nay.

Đặc biệt, đây là sản phẩm rượu chưng cất từ thanh long đặc trưng của mảnh đất Bình Thuận, thủ phủ thanh long, có thể được dùng làm sản phẩm quà biếu phục vụ du lịch Bình Thuận.

Cách làm rượu thanh long ruột đỏ tại nhà:

Nguyên liệu:

  • Thanh long đỏ 600g.
  • đường phèn 250g.
  • rượu 600g.
  • Bình ngâm rượu: bình  thủy tinh hoặc bình sành

Cách làm:

  • Thanh long rửa sạch, để khô ráo, sau đó gọt vỏ, thái thành miếng nhỏ. Cho vào lọ thủy tinh, cứ một lớp thanh long lại thêm một lớp đường phèn.
  • Đổ rượu vào ngâm, sau đó bịt kín lắp bình.
  • Đặt bình rượu vào chỗ mát, 3 tháng sau có thể dùng.
    Sau khi thanh long đã thành rượu, sẽ nghe mùi thơm dịu nhẹ, đem lược bỏ xác, đổ rượu vô chai đậy kỹ để dùng.
  • Ngon hơn khi để trong tủ lạnh và uống hằng ngày.

Chú ý:

  • Những người bị tiểu đường hạn chế dùng rượu thanh long
  • Phụ nữ mang thai và trẻ nhoe tuyệt đối không dùng rượu thanh long
  • Không lạm dụng rượu thanh long. Tốt nhất  50ml/ 1 ngày

Đây là thức uống tốt cho tim mạch.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Thất vọng vì chuối Nam Mỹ ở Đắk Lắk không được xuất khẩu

Việc chưa áp dụng đúng và đủ quy trình kỹ thuật đã khiến lứa chuối Nam Mỹ thu hoạch đầu tiên ở Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk không đạt giá trị như mong đợi.

Cách đây gần 1 năm, cây chuối Nam Mỹ được đưa vào trồng ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk theo đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương với mục tiêu chủ yếu là xuất khẩu. Tuy nhiên, ngay vụ  thu hoạch đầu tiên, sản phẩm chuối buồng chỉ có thể tiêu thụ nội địa chứ không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu dù doanh nghiệp sẵn sàng bao tiêu sản phẩm.

Gia đình ông Nguyễn Đức Buông, ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk là một trong những hộ đầu tiên ký hợp đồng với Công ty Cổ phần đầu tư Chuối Việt (thành phố Hồ Chí Minh) trồng 1,3 hachuối Nam Mỹ xuất khẩu.

Ông Buông cho biết, ông được Phòng Nông nghiệp huyện Buôn Đôn hỗ trợ một nửa giá cây giống, cán bộ chuyển giao kỹ thuật công ty thường xuyên thăm vườn và hướng dẫn chăm sóc theo quy trình.

Sau gần 1 năm chăm bón, chuối đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tuy nhiên, theo đánh giá, thành phẩm chuối của ông Buông chỉ đạt loại B, nghĩa là chỉ tiêu thụ nội địa chứ không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, do có những đốm nâu trên quả.

Cũng như gia đình ông Buông, gia đình ông Nguyễn Trung Thành, ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn hợp đồng với công ty Chuối Việt trồng 1 ha chuối Nam Mỹ. Sau những háo hức mong đợi thì ngay lứa thu hoạch đầu tiên, chuối chỉ được thu mua theo giá loại B khiến ông cảm thấy chán nản và có ý định từ bỏ cây chuối mặc dù theo hợp đồng thì thời gian trồng và thu hoạch chuối lên tới 5 năm.

Theo hợp đồng, khi trồng đúng theo quy trình thì các vườn có thể đạt 90% chuối loại A trở lên (giá thu mua là 5.000 đồng/kg); chỉ có khoảng 10% chuối loại B (giá 3.000 đồng/kg). Tuy nhiên thực tế tại huyện Buôn Đôn, trong số gần 30 ha chuối đã cho thu hoạch thì không có vườn nào đạt được loại A.

Ông Hoàng Thế Hiền, cán bộ chuyển giao kỹ thuật công ty cổ phần đầu tư Chuối Việt cho biết, dù đã được hướng dẫn chặt chẽ từng giai đoạn, nhưng người dân chưa thực sự làm đủ và đúng theo quy trình hướng dẫn. Do đó, thành phẩm chuối không đạt tiêu chuẩn như quy định, nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy được. Trong khi đây là sản phẩm xuất khẩu nên yêu cầu về chất lượng  rất ngặt nghèo.

Theo ông Hiền, người dân chưa áp dụng theo quy trình, chưa đầu tư sâu vào cây chuối nên tính chuyên nghiệp chưa cao. Vì thế, chuối không xuất khẩu được do làm sai quy trình, chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.

Mặc dù chuối đã thu hoạch chỉ đạt loại B nhưng theo hợp đồng, công ty vẫn đảm bảo thu mua toàn bộ sản lượng chuối. Và với mức giá và năng suất như hiện tại thì người trồng chuối vẫn có thể thu lãi từ 50 – 60 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận, việc chưa áp dụng đúng và đủ quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn đã khiến lứa chuối thu hoạch đầu tiên ở huyện Buôn Đôn không đạt giá trị như mong đợi. Đây cũng là bài học kinh nghiệm với nông dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm sao đem lại hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Nguồn: VOV được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Dừa sáp hấp dẫn đến mức nào?

Dừa sáp còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem, makapuno là một phân loài dừa có quả đặc ruột, cơm dừa dày, mềm dẻo và béo hơn trái dừa thường, nước dừa đặc lại trong veo như sương sa.

Cơm dừa sáp dày, đặc và mềm dẻo hấp dẫn

Dừa sáp là đặc sản duy nhất của quê hương Trà Vinh, nổi tiếng nhất là tại huyện Cầu Kè, được mệnh danh là “Làng triệu phú dừa sáp” cũng nhờ vào bán được giá mà nhiều người trồng dừa sáp vùng này thoát nghèo.

Lạ, ngon và đắt là ba từ ngắn gọn đầy ý nghĩa mà người dân vẫn hay nói mỗi khi nhắc đến nó.

1. Lạ

Dừa sáp có cùi rất dày, ngoài lớp cơm dừa giống như dừa bình thường, dừa còn có một lớp “sáp” chính là lớp cơm dừa dày ra bám lấy nước dừa tạo thành sáp xôm xốp, deo dẻo.

 Nước dừa sền sệt đặc biệt của dừa sáp

Có những quả dừa sáp khi bổ ra lớp cơm trắng ngần lan hết quả dừa, chỉ còn sót lại một ít nước sền sệt y như quả dừa xiêm người ta làm thạch. Đây chính khác biệt quan trọng nhất giữa dừa sáp và dừa thường, và chữ “lạ” được đặt cho dừa sáp là do đây. Người ta cũng dựa vào đặc điểm này để đặt tên cho loại dừa đặc biệt này là dừa sáp hay dừa đặc ruột.

2. Ngon

Dừa sáp với lớp cùi dừa đặc hoàn toàn từ thiên nhiên rất lạ mắt mà ăn dừa sáp lại rất ngon, béo ngậy. Nói thì đơn giản, nhưng để thưởng thức món dừa sáp đúng cách không phải ai cũng không biết.

Dừa sáp không dành để giải khát, không dành cho những ai đang khát cháy cổ thèm nước uống để giải tỏa cơn khát.

Cách thưởng thức dừa sáp

Món này muốn ngon nhất phải nạo ra làm sinh tố. Phải thêm ít đường, ít sữa, ít đá bào vào thì thôi rồi, nó tuyệt ngon. Theo nhiều du khách đã ăn qua thì khi hút hết ngụm đầu tiên của món sinh tố dừa sáp này đầu lưỡi tê đi vì vị mát, cuống họng thì ngọt lịm, còn mũi thì như… nức ra bởi mùi thơm ngào ngạt, beo béo.

Món sinh tố dừa sáp hấp dẫn

Ngoài ra bạn cũng có thể trộn thêm nhiều loại hoa quả vào ăn cùng món dừa sáp, bạn sẽ có món trái cây dầm ngon tuyệt với dừa sáp.

Rất nhiều khách du lịch Miền Tây sông nước, sau khi được thưởng thức món sinh tố dừa sáp hay món trái cây dầm dừa sáp giá chỉ 20.000 VNĐ đã không ngần ngại mang về một trái dừa sáp đắt gấp cả chục lần cốc sinh tố để làm quà, chia sẻ với họ hàng người thân về loại dừa đặc sản này.

3. Đắt

Với 2 đặc điểm trên chắc hẳn hiểu được phần nào tại sao dừa sáp lại đắt. Một đặc điểm nữa giải thích cho điều này: Dừa sáp cũng là một giống dừa riêng biệt, tuy nhiên, không phải nơi đâu, đất nào cũng trồng được dừa sáp, ở nước ta dừa sáp được phát hiện đầu tiên tại Trà Vinh, tại đây dừa sáp vẫn là ngon nhất.

Cây dừa sáp với trái nặng trĩu

Và một điều khác lạ nữa là không phải quả của cây dừa sáp nào cũng đặc ruột, một buồng dừa sáp trên mười trái thì chỉ có khoảng 2-3 trái dừa sáp là “sai’ quả rồi. Mặc dù được trồng khá rộng rãi nhưng vì cả cây dừa mới có vài trái lên sáp dày nên trái dừa sáp thành ra rất độc đáo và quý hiếm. Không phải lúc nào cũng có thể mua được. Do vậy, giá của trái dừa sáp này cũng tương đối đắt, rơi vào khoảng 200.000 VNĐ đến 300.000 VNĐ/trái.

Như vậy có thể thấy, dừa sáp là một trong những loại quả được thiên nhiên ban tặng mang lại một món ăn đầy bổ dưỡng và đặc biệt cho người dân Trà Vinh cũng như người dân Việt Nam và khách du lịch.

Tổng hợp từ Farmtech Vietnam.