Rau cải cao 1,5m, ăn nửa năm chưa hết ở Đà Lạt

Khác hoàn toàn các giống rau cải ở Việt Nam, cây cải siêu lạ Kale thân cao đến 1,5m, cành lá xoăn tít, cho thu hoạch lá liên tục trong vòng nửa năm. Hiện được các nhà vườn đua nhau trồng bởi giá của loại rau này hiện nay lên đến 70.000-80.000 đồng/kg.

Anh Thanh Tùng, một đầu mối chuyên buôn bán các loại rau củ quả lạ ở Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, loại cải xoăn có thân cao đến 1,5m hoặc trên 1,5m, được gọi là cải xoăn Kale. Giống rau cải này được nhập từ Mỹ về Việt Nam từ năm 2015. Sau đó, giống rau được các nhà vườn trồng thử nghiệm trên vùng Đà Lạt. Hiện nay, rau cải đã cho thu hoạch lá để bán.

Theo anh Tùng, rau cải xoăn Kale khác hoàn toàn với rau cải của Việt Nam. Cụ thể, rau cải của Việt Nam trồng đến lúc thu hoạch chỉ được một lần là hết (nhổ cả cây). Còn rau cải xoăn Kale chỉ thu hoạch lá. Cây ra lá đến đâu thu hoạch đến đó. Theo đó, cây để trồng càng lâu, thân phát triển càng cao.

Vườn rau cải xoăn Kale ở Đà Lạt

“Từ lúc bắt đầu trồng đến lúc phá vườn, các chủ vườn được thu hoạch lá liên tục (ngày nào cũng được hái lá bán) trong vòng 6 tháng hoặc lâu hơn nữa nếu chủ vườn chăm sóc tốt”, anh Tùng chia sẻ.

Do thị trường khá chuộng loại rau xoăn Kale nên rất nhiều nhà vườn ở Đà Lạt, kể cả nhà vườn ở Mộc Châu (Sơn La) đang tiến hành trồng loại cải xoăn này để cung cấp rau ra thị trường được nhiều hơn, anh Tùng chia sẻ.

Tương tự, các nhà vườn khác cũng cho biết, giống cải xoăn Kale khổng lồ này hiện đang là mặt hàng rau được bà nội trợ săn mua về làm thực phẩm ăn hàng ngày. Đặc biệt, các chị em còn đua nhau đặt mua loại cải này về làm sinh tố uống với mục đích chăm sóc sắc đẹp.

Hiện trên thị trường, lá của cây rau cải xoăn Kale khổng lồ đang được bán với mức giá từ 70.000-80.000 đồng/kg. Khách muốn mua đều phải đặt hàng trước.

Dưới đây là những hình ảnh về loại rau cải khổng lồ được trồng tại Đà Lạt:

Những cây cải xoăn cao đến trên 1,5m

Loại rau cải khổng lồ này đang được trồng tại một số nhà vườn ở Đà Lạt

Rau cải xoăn Kale hiện có 4 loại thể hiện qua các màu sắc lá khác nhau

Điểm chung là chúng sẽ cho thu hoạch lá liên tục trong vòng 6 tháng hoặc hơn


Các chủ vườn cho biết, ngày nào họ cũng được hái lá rau cải này bán cho đến khi cây già, năng suất thấp đi thì họ mới phá bỏ

Lá của loại rau cải này đang được các bà nội trợ săn mua về ăn với giá từ 70.000-80.000 đồng/kg.

Nguồn: Vietnamnet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình trồng sả trắng xuất khẩu ở Mỹ An (An Giang)

Sau nhiều năm đê bao khép kín, đất sản xuất của xã Mỹ An (huyện Chợ Mới – An Giang) bắt đầu có dấu hiệu bạc màu. Trong lúc chờ địa phương tìm hướng giải quyết, người dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mô hình trồng sả, vừa cho thu nhập khá, vừa tốn ít công chăm sóc trên diện tích đất bạc màu.

Ông Trần Văn Tuồn, một trong những nông dân đầu tiên ở địa phương, vừa thu hoạch 5,5 công đất trồng sả cho biết: “Tui vừa bán 5 công rưỡi sả, sản lượng 3 tấn/công với giá bao tiêu 4.500 đồng/kg theo đúng hợp đồng bao tiêu với Công ty Sông Ngân (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, P.V). Trừ hết chi phí, vụ sả vừa qua gia đình thu về khoảng 90 triệu đồng”. Đây là vụ đầu tiên, bà con ở xã Mỹ An chuyển đổi trồng cây sả trắng xuất khẩu.

Nhận thấy hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng gia đình ông Tuồn (thành viên Câu lạc bộ Bắp nù xanh) đã mạnh dạn đăng ký trở thành điểm sản xuất mẫu cho bà con trong xã làm theo. Anh Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết thêm: “Trước đây, chúng tôi đã nhiều lần xuống các xã lân cận như Hội An, Hòa Bình, Hòa An gom sả về bán lại cho phía Công ty Sông Ngân nên phần nào thấy được hiệu quả của cây sả. Bên cạnh đó, thấy được mô hình chuyển đổi từ các loại rau màu khác sang cây sả của ông Tuồn đạt hiệu quả, nên lãnh đạo câu lạc bộ bàn nhau thuê vài công đất trồng thí điểm. Đến nay diện tích trồng phát triển rất tốt. Dự kiến, qua Tết Nguyên đán sẽ thu hoạch với giá bao tiêu ngay từ đầu vụ là 6.000 đồng/kg”. Dẫn chúng tôi đi thăm diện tích đất thuê trồng sả thử nghiệm tại khu vực thị trấn Mỹ Luông (Chợ Mới). Hai công sả chuẩn bị thu hoạch phát triển rất tốt. Bụi to, cây khỏe. Anh Bình cho hay: “Cây sả được lợi thế phát triển tốt ngay trên diện tích đất bạc màu. Hầu như đất cả vùng này bắt đầu có dấu hiệu cằn cỗi trở lại do đã nhiều năm đê bao chưa xả lũ. Do vậy, trồng những loại cây khác tốn nhiều chi phí phân thuốc, nhất là nước tưới mà hiệu quả bấp bênh. Với cây sả này, đầu ra ổn định do đã có hợp đồng bao tiêu ký kết đàng hoàng mà những chi phí chăm sóc, bệnh (chủ yếu bệnh rệp sáp, P.V) rất ít xảy ra”. Về tiêu chuẩn cây sả, theo bà con ở đây, sả đúng chuẩn đạt cao 5 tấc (từ củ đến thân), độ mập củ đạt từ 2 đến 3 phân trở lên.

Còn tại gia đình ông Lê Phước Thạnh (ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An) có 5 công sả đang phát triển rất tốt cho biết: “Trồng sả trắng ngoài cái lợi về phát triển tốt trên đất bạc màu, không cần lên liếp còn có cái lợi khác là trồng xen những loại cây khác, nhất là cây đậu. Do sả là cây sinh trưởng dài ngày, trung bình khoảng từ 5 đến 6 tháng mới cho thu hoạch, nên trồng xen cây đậu 2,5 tháng rất thích hợp”. Trên diện tích 5 công sả, gia đình ông Thạnh trồng xen cây đậu xanh. Hiện cây đậu xanh vừa mới thu hoạch với lợi nhuận gần 5 triệu đồng/công đậu mà cây sả vẫn phát triển khá. Tết này gia đình ông có thêm trên 20 triệu đồng ăn Tết từ diện tích trồng sả bao tiêu.

Anh Trần Thanh Bình chủ nhiệm Câu lạc bộ Bắp nù xanh giới thiệu ruộng sả trồng thử nghiệm.

Anh Võ Ngọc Phi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ An (Chợ Mới) đánh giá: “Việc bà con chuyển đổi sang mô hình trồng sả ở địa phương thời gian gần đây cho thấy tín hiệu vui. Do đặc điểm thổ nhưỡng và điều kiện canh tác hiện nay đang gặp khó nên việc bà con chủ động chuyển đôi giống cây trồng và nhất là tự tìm đơn vị đối tác bao tiêu sản phẩm là cách làm ăn mới, theo đúng xu thế phát triển. Góc độ địa phương, chúng tôi hoan nghênh và tạo điều kiện về mặt chủ trương và chứng thực cho các hợp đồng giữa công ty và bà con”. Còn phía Công ty Sông Ngân, ông Nguyễn Hùng Sinh, đại diện công ty tại An Giang nói: “Trước đây chúng tôi đã có quan hệ làm ăn với bà con với việc liên kết bao tiêu cây bắp nù (giống bắp truyền thống địa phương, P.V) nên việc chuyển sang bao tiêu cây sả trắng cũng rất dễ. Một điểm khác là thổ nhưỡng ở khu vực này giúp cây sả có độ tinh đầu rất tốt, cây khỏe, đẹp nên rất dễ tiêu thụ. Mặt khác, hiện phía đối tác xuất khẩu rất cần mặt hàng sả trắng nên chúng tôi mạnh dạn thu gom và liên kết trồng, bao tiêu đầu ra theo đúng giá thị trường thời điểm thu hoạch. Nếu có điều kiện, chúng tôi dự tính mở rộng với hợp đồng bao tiêu đầy đủ lên vài chục thậm chí khoảng 100 héc-ta diện tích trồng sả trắng”.

Tuy mô hình trồng sả trắng ở Mỹ An chỉ mới dừng ở giai đoạn thử nghiệm, bước đầu thành công đã mở ra hướng đi đúng và phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Nguồn: Việt Linh được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Độc đáo xen canh keo lai, dưa hấu, mì

Trồng xen kiểu này cây keo và cây mì tốt vượt trội nhờ “ăn theo” phân, nước đầu tư cho cây dưa. Thu nhập từ dưa và mì đủ để đầu tư cho rừng keo những năm tiếp theo mà chủ rừng không cần bỏ thêm vốn.

Mô hình trồng keo xen dưa hấu và mì của ông Đặng Vĩnh Kính thu lợi kép

Xã Bình Tân được đánh giá là địa phương có phong trào trồng rừng mạnh và thành công nhất huyện Tây Sơn (Bình Định). Để tăng thêm hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, nông dân nơi đây đã sáng tạo ra phương pháp xen canh độc đáo: Trồng keo lai xen dưa hấu và mì.

Trồng xen kiểu này cây keo và cây mì tốt vượt trội nhờ “ăn theo” phân, nước đầu tư cho cây dưa. Thu nhập từ dưa và mì đủ để đầu tư cho rừng keo những năm tiếp theo mà chủ rừng không cần bỏ thêm vốn.

Thời gian trước đây, những diện tích đất cát xám, bạc màu ở xã Bình Tân hầu hết được nông dân trồng cây mì. Từ năm 2011 trở về trước, giá mì nguyên liệu khá ổn định nên cây mì còn cho hiệu quả. Về sau, giá mì nguyên liệu trở nên bấp bênh, đời sống của người dân cũng long đong theo. Năm 2007, cây keo lai theo Dự án WB3 về đây cho thấy rất phù hợp trên vùng đất xám bạc màu.

“Trồng keo lai chỉ cần đầu tư phân bón 2 năm đầu, sau 5 năm là cho năng suất 100 tấn/ha. Chỉ cần giá bình quân 1 triệu đồng/tấn gỗ nguyên liệu, sau chu kỳ 5 năm, 1ha keo cho thu nhập 100 triệu đồng, bình quân mỗi năm thu nhập được 20 triệu, hơn hẳn cây mì. Vì vậy từ năm 2011 đến nay, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây mì sang cây keo trên địa bàn phát triển rất mạnh. Đến nay, trên địa bàn xã Bình Tân đã có trên 1.500ha keo, một nửa trong đó thuộc Dự án WB3 đã cho khai thác”, ông Đặng Vĩnh Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân chia sẻ.

Để tăng thu nhập trên cùng diện tích, một số nông dân đã sáng kiến ra phương pháp trồng keo xen dưa hấu và mì cho thấy hiệu quả kép. Là người từng thực hiện mô hình này, ông Đặng Vĩnh Kính kể rành rọt: “Những diện tích keo đến chu kỳ khai thác, thu hoạch keo xong, bà con thuê xe múc với chi phí 5 triệu đồng/ha móc hết gốc keo lên, sau đó cho máy cày đất rồi lên vồng để trồng dưa hấu. Sau khi đất được lên vồng, bà con xuống giống dưa hấu.

Khi dưa hấu đã ra cành ra nhánh, bà con bắt đầu xuống giống keo bên mé ta-luy của vồng đất. Phân bón cho cây dưa hấu, cây keo được ăn theo. Do đó, cây keo sống cạnh dưa hấu chỉ sau 3 tháng đã cao đến gần 1m, bằng cây keo 1 năm tuổi trồng bên ngoài.

“Nhờ khai thác hết tiềm năng của đất bằng phương thức trồng xen canh kể trên nên mức thu nhập của người dân xã Bình Tân được tăng cao trong những năm gần đây. Nếu như vào năm 2010, thu nhập bình quân chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm thì hiện nay đã đạt đến gần 24 triệu đồng/người/năm”, ông Đặng Vĩnh Kính cho biết.
Sau khi thu hoạch dưa hấu, bà con tiếp tục móc đất cho hom mì xuống dọc 2 bên hàng keo. Khi cây mì nảy mầm thì cây keo đã cao gần 1,5m, nên cây mì phát triển cỡ nào cũng không thể lấn keo được, do đó cả keo cả mì đều sinh trưởng, phát triển bình thường”.

Cũng theo ông Kính, với phương thức trồng xen canh như đã kể trên, nhờ ăn theo phân bón, nước tưới, được đầu tư cho cây dưa hấu nên năng suất cây mì cho khá cao.

“Mì trồng xen với dưa hấu và keo cho củ to lắm, bụi mì phải 2 – 3 người nhổ mới lên. Ngoài 1 củ to tướng đóng thẳng xuống đất, còn có 3 củ khác cũng to không kém đóng ngang, nhổ bụi mì lên thấy mất hồn”, ông Kính diễn tả.

Ngoài ra, những diện tích rừng keo trồng xen mì thì không bao giờ bị bò phá. Bởi, nếu bò ăn phải đọt mì là chết ngay. “Nhất là trong mùa nắng nóng, mủ dồn lên đọt mì, con bò to là thế mà chỉ cần ăn chừng 3 đọt mì là ngã ngửa ngay”, ông Kính cho biết thêm.

Theo tính toán, trồng xen canh keo, dưa hấu và mì, nông dân có lợi kép. Riêng cây dưa hấu đạt 40 tấn/ha, cây mì dù trồng mật độ thưa nhưng cũng đạt đến 30 tấn/ha. Khoản thu từ dưa hấu và mì thừa sức đầu tư cho cây keo suốt chu kỳ. Đặc biệt, nhờ ăn theo mức đầu tư của cây dưa nên cây keo chỉ cần 4 năm là có thể thu hoạch với năng suất cầm chắc 100 tấn/ha, rút ngắn chu kỳ cây keo được 1 năm.

Nhờ hiệu quả kinh tế cho thấy nhãn tiền, trong những năm qua, mô hình sáng tạo trồng xen keo với dưa hấu và mì ở xã Bình Tân ngày càng được nhân rộng. Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn cũng phát triển mô hình trên diện tích 10ha rừng keo.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng sắn xen lạc, nông dân thu lợi nhuận gấp đôi

Trung tâm Khuyến nông (KN) tỉnh vừa triển khai thành công mô hình canh tác sắn xen lạc tại các huyện Hướng Hóa và Cam Lộ. Theo đánh giá của nông dân, mô hình này không chỉ tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích mà còn hạn chế hiện tượng xói mòn đất, góp phần đảm bảo canh tác sắn bền vững.

Mô hình trồng sắn xen lạc mang lại hiệu quả cao ở xã Cam Tuyền, Cam Lộ

Mô hình được triển khai trong vụ đông xuân 2016 – 2017 trên diện tích 6 ha tại các xã Tân Lập, Hướng Tân (huyện Hướng Hóa) và Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) với giống lạc L 14 trồng xen giống sắn KM 94 theo quy cách giữa 2 hàng sắn trồng xen 2 hàng lạc. Theo các hộ tham gia thực hiện mô hình, khi canh tác theo phương thức sắn xen lạc không những nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế được tăng lên, mà còn góp phần cải tạo đất. Ông Trần Văn Bình ở tại thôn Tân Quang, xã Cam Tuyền, Cam Lộ, một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình cho biết, gia đình ông có 3 sào đất thực hiện mô hình trồng sắn xen lạc.

Hiện cây lạc đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo tính toán của ông, trung bình 1 sào lạc trồng xen với sắn cho năng suất khoảng 1 tạ lạc/sào, với giá bán hiện nay từ 30.000 – 32.000 đồng/kg thì với 3 sào đất trồng sắn xen lạc đã mang lại cho ông hơn 9 triệu đồng. Sau khi thu hoạch lạc, phần thân và lá được dùng để che phủ gốc sắn nhằm duy trì độ ẩm và tăng chất hữu cơ cho đất. Theo ông Bình, thế mạnh của mô hình này là trên cùng một diện tích canh tác, nông dân thu hoạch được 2 lần, hiệu quả kinh tế mang lại gấp đôi so với trước đây. Theo kỹ sư Dương Hồng Phong, Phó Trạm trưởng Trạm KN huyện Cam Lộ, kết quả việc trồng sắn xen với lạc cho thấy cả 2 loại cây trồng này đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại, ít cỏ dại hơn.

Trong mô hình trồng xen 2 hàng lạc giữa 2 hàng sắn với mật độ 45 cây/m2. Nhờ được hưởng lợi thế khoảng không gian của cây sắn thời kỳ đầu chưa khép tán nên cây lạc có số hạt chắc/cây cao, năng suất thực thu tương đương so với trồng thuần lạc. Trong khi đó nhờ được trồng sớm, cây sắn có đủ thời gian tích lũy (11 – 12 tháng) nên sẽ cho năng suất và hàm lượng tinh bột cao hơn. Chính vì thế thu nhập cao hơn so với mô hình luân canh lạc (đông xuân) – sắn (hè thu) hoặc trồng thuần sắn. Bên cạnh đó, sau khi thu hoạch lạc xong, toàn bộ thân, cành, lá, gốc, rễ của lạc sẽ được vùi lấp xuống đất làm phân xanh, đất sẽ giàu mùn và tơi xốp hơn, độ phì và khả năng giữ ẩm cũng tăng lên, nhất là với đất dốc bạc màu, đất sét pha cát tại các huyện trung du, miền núi.

Qua đánh giá thực tế tại các mô hình trồng sắn xen lạc này, tại huyện Hướng Hóa năng suất lạc đạt từ 12,4 – 13,4 tạ/ha, năng suất sắn đạt từ 25 – 28,7 tấn/ha; còn tại huyện Cam Lộ cây lạc đạt năng suất từ 15 – 20 tạ/ha, năng suất cây sắn dự kiến đạt khoảng 25 – 30 tấn/ha. Như vậy với giá lạc (30.000 – 32.000 đồng/kg) và sắn (1.000 đồng/ kg) như hiện nay, ước tính mỗi héc ta trồng sắn xen lạc cho thu nhập trên 70 triệu đồng, cao gấp 2 – 2,5 lần so với trồng thuần lạc hoặc sắn trên cùng chân đất. Tuy nhiên để trồng lạc xen sắn đạt hiệu quả cao, nông dân cần lưu ý làm đất kỹ, bón phân đầy đủ, nhất là bón lót, lên luống để trồng với khoảng cách và mật độ thích hợp, sao cho mỗi cây trồng đều tận dụng được không gian dinh dưỡng (ánh sáng, không khí, đất) để sinh trưởng và phát triển đạt năng suất cao, chất lượng tốt.

Ông Nguyễn Trung Hậu, Giám đốc Trung tâm KN tỉnh cho biết: “Là một trong bảy loại cây trồng chủ lực của tỉnh, hiện cây sắn không còn là cây lương thực mà đã trở thành nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến. Với diện tích trên 11.000 ha trồng tập trung chủ yếu tại các địa bàn miền núi, trung du như Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Vĩnh Linh… cây sắn không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, năng suất bình quân sắn ở tỉnh chưa cao (khoảng 19 tấn/ha), chất lượng củ thấp và độ đồng đều không cao; nguy cơ bạc màu, xói mòn rửa trôi đất trồng vẫn tiềm ẩn, sản xuất thiếu bền vững, mà nguyên nhân chủ yếu là do kỹ thuật canh tác, đầu tư thâm canh, độ phì đất, giá bán giao động lớn.

Vì vậy với mô hình trồng sắn xen lạc này, ngoài hiệu quả kinh tế thu được, mô hình còn làm thay đổi quan điểm của nông dân về kỹ thuật trồng lạc xen sắn trên vùng đất đồi núi chỉ nhờ nước trời, sử dụng giống lạc có chất lượng cao, có bón phân lân, vôi cho lạc. Bên cạnh đó còn hạn chế xói mòn đất, góp phần bảo vệ tài nguyên đất, giúp quá trình canh tác bền vững hơn. Trên cơ sở này, trong thời gian chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình này ra các vùng trồng sắn trong tỉnh nhằm tạo ra vùng nguyên liệu sắn củ tươi cho các nhà máy trên địa bàn, hạn chế thoái hóa đất, bảo vệ môi trường sinh thái và tăng hiệu quả sản xuất cho người trồng sắn”.

Nguồn: Báo Quảng Trị được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng sắn trên đất dốc

Miền bắc chủ yếu trồng sắn trên các vùng đất dốc, và kỹ thuật canh tác còn đơn giản nên năng suất sắn đạt rất thấp, Viện KHKT nông nghiệp Việt Nam đã chọn tạo thành công một số giống sắn mới có khả năng khắc phục được hạn chế trên.

Một số giống sắn thích hợp

Viện KHKT nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành chọn tạo và nghiên cứu ra nhiều giống sắn mới phù hợp với điều kiện đất đai này như KM94, KM98-7, KM21-10 và KM21-12.
Trong số các giống sắn trên, KM94 là giống đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều địa phương. KM94 có nguồn gốc từ tập đoàn giống nhập nội CIAT/Thái-lan, thân xanh, hơi cong, ngọn tím, không phân nhánh. Năng suất củ tươi đạt 30-40 tấn/ha, tỷ lệ chất khô trong sắn cao 39-40%, hàm lượng tinh bột 29-30%.

Sắn KM94 rất dễ trồng, thời gian sinh trưởng trung bình (7-12 tháng sau trồng đã có thể thu hoạch). Một trong những giống sắn có nhiều triển vọng khác đang trong quá trình khảo nghiệm hiện nay là giống KM98-7. Đây là giống sắn đa dụng vừa có thể sử dụng ăn tươi, vừa dùng vào chế biến thành tinh bột. Ưu điểm nổi bật của KM98-7 là tính chịu hạn cao, điều này rất phù hợp với khí hậu tại miền núi phía bắc thường hay rơi vào tình trạng khô hạn kéo dài.

KM98-7 có dạng cây đẹp, cao, mầu nâu, lá nhỏ, thích hợp với đất đồi sỏi đá. Thời gian thu hoạch sắn tương đối ngắn (7-8 tháng sau trồng), nhưng năng suất, chất lượng củ vẫn tương đương KM94…

Kỹ thuật canh tác sắn trên vùng đất dốc

Trồng sắn trên đất dốc nếu không có biện pháp chống xói mòn, đất trồng sắn sẽ trở thành đất trống đồi núi trọc, dẫn đến đất mất khả năng sản xuất, năng suất chất lượng giảm. Trước thực tế này, Viện KHKT nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra một số quy trình kỹ thuật cơ bản khi trồng sắn trên đất dốc như sau:

Khâu đầu tiên, phải thiết kế các băng chống xói mòn như cốt khí, cỏ vetiver, cỏ paspalum, dứa… vì những loại cây này có tác dụng giữ đất rất tốt. Nếu đất dốc dưới 15 độ, khoảng cách giữa các băng cây xanh là 8-10m, đất dốc 15-20 độ, khoảng cách dày hơn từ 4-6m.

Các biện pháp kỹ thuật chủ yếu

– Làm đất: ở vùng đất bằng hoặc có độ dốc thấp, cày và lên luống theo đường đồng mức, luống cách luống 1,0m.

– Thời vụ trồng: Thời gian trồng thích hợp nhất khoảng từ tháng 2 đến 15-3 (miền bắc), từ tháng 4 đến tháng 8 (miền nam).Mật độ: Tùy thuộc vào từng loại đất, đất tốt trồng thưa, đất xấu trồng dày, bảo đảm khoảng cách trung bình 1,0 x 0,8 x 1,0m, tức mật độ cây từ 10.000 – 12.500 cây/ha.

– Bón phân: Lượng phân bón cho 1 ha khoảng 10-15 tấn phân chuồng, 110-160kg đạm ure, 220-270kg supe lân, 160-250kg kali, 180 kg phân tổng hợp NPK theo tỷ lệ 60kg N, 40kg P2O5, 80kg K2O. Cách bón, bon lót toàn bộ phân chuồng và phân lân. Bón thúc lần 1 (sau trồng 45 ngày) 50% đạm + 50% kali. Bón thúc lần 2 (sau trồng 3 tháng) toàn bộ lượng phân còn lại kết hợp làm cỏ và vun cao.

Một trong những biện pháp khá hiệu quả chống xói mòn cho đất là trồng xen với các cây họ đậu như lạc, đậu xanh, đậu đen, đậu tương. Kỹ thuật trồng xen tốt nhất là trồng xen hai hàng đậu vào giữa hai hàng sắn, khoảng cách sắn vẫn giữ nguyên. Khi sử dụng biện pháp trồng xen, lượng phân bón cho cây xen cần thiết là 70% lân + 20% đạm + 30% kali trong tổng số phân bón cho sắn cộng thêm 300kg vôi bột để diệt trừ sâu, bệnh.
Phương pháp này hiện đã được ứng dụng ở nhiều nơi như Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Tây, Hòa Bình. Kết quả, lượng đất bị xói mòn đã giảm tới 68-96% so với các chân đất không băng chắn. Năng suất tăng cao hơn, cải tạo cơ bản được độ phì nhiêu của đất.

Nguồn: Vietlinh.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây Sắn (khoai mì)

Sắn là cây quen thuộc với bà con nông dân bởi vai trò quan trọng trong chăn nuôi và góp phần cải thiện kinh tế. Sau đây, Fman xin giới thiệu cho bà con nông dân kỹ thuật trồng sắn (khoai mì)

1. Thời vụ trồng khoai mì

– Sắn là cây trồng của vùng nhiệt đới ẩm. Sắn cần ánh sáng ngày ngắn để tạo củ. Nhiệt độ trung bình thích hợp cho sắn từ 23 – 27 độ C. Lượng mưa trung bình năm thích hợp đối với sắn trong khoảng 1.000 – 2.000 mm. Thời vụ trồng sắn tùy thuộc nông lịch cụ thể của từng địa phương. Các giống sắn công nghiệp trồng để lấy bột thường thu hoạch 8 – 12 tháng sau trồng. Các giống sắn ngọt trồng để ăn tươi thì có thể thu hoạch rải rác từ 6 – 9 tháng.

– Ở miền Bắc nước ta, sắn trồng tốt nhất là trong tháng 2 vì lúc này có mưa xuân ẩm, trời bắt đầu ấm, thích hợp cho cây sinh trưởng, hình thành và phát triển củ. Trồng muộn vào tháng 4, trời đã nóng, cây sinh trưởng mạnh nhưng không đủ thời gian cho củ phát triển.

– Vùng ven biển miền Trung, sắn được trồng từ tháng 1 đến tháng 2 trong điều kiện nhiệt độ tương đối cao và có mưa ẩm, thu hoạch vào tháng 9, tháng 10 để né tránh bão lụt gây đổ ngã và thối củ ngoài đồng.

– Vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng đất núi Đồng bằng Sông Cửu Long, sắn được trồng vụ chính (70%) từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5 và vụ phụ (30%) từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11. Tục ngữ Việt Nam có câu “nhất thì, nhì thục”. Thời vụ trồng thích hợp là rất quan trọng đối với cây sắn.

2. Chuẩn bị đất trồng khoai mì

– Kỹ thuật làm đất cần phù hợp với từng loại đất: Thông thường, đất được dọn sạch cỏ, cày 1 – 2 lần sâu 20 – 25 cm, bừa 1 – 2 lượt, sau đó lên luống hoặc trồng bằng tùy điều kiện cụ thể và tập quán canh tác của vùng. Đất có độ dốc cao nên cuốc hốc trồng trực tiếp theo đường đồng mức xen các băng cây cốt khí, anh đào, bình linh hoặc cỏ vertiver để chống xói mòn. Đất có độ dốc thấp hoặc đất bằng nên trồng luống cách nhau 1,0 m theo đường đồng mức và chỉ nên cày sâu vừa phải để không làm đảo “tầng đế cày” lên mặt đất. Đất nâu vàng và đất đỏ nên cày sâu 25 – 30 cm để cây sinh trưởng tốt hơn và cho năng suất cao hơn.

– Cày đất bằng xe cơ giới:

+ Lần 1: 3 đĩa cày ở độ sâu càng nhiều càng tốt để cho đất thông thoáng và cây mì phát triển củ

+ Lần 2: 7 đĩa sau cày lần 1 khoảng 10 ngày cho cây cỏ mọc lên sau đó cày lần 2 giúp giảm việc diệt cỏ

+ Lần 3: Tạo luống để trồng, sau khi tạo luống nên trồng mì ngay vì đất đang có độ ẩm phù hợp.

* Lưu ý: trong thời gian chuẩn bị đất nên bón phân chuồng hoặc phân hữu cơ để giúp cải thiện hữu cơ trong đất 3. Chọn giống và xử lý hom giống Cần chọn giống mì phù hợp với vùng đất, yêu cầu sản xuất và thị trường tiêu thụ cũng như thời gian thu hoạch. Mỗi 2 – 3 năm nên đổi giống hoặc mua giống nguyên chủng từ trung tâm để hạn chế việc lây lan và dịch bệnh.

a) Hom giống sắn và kỹ thuật trồng cây khoai mì

– Cần lưu ý chọn giống như: Giống phải khỏe, không bị bệnh (để an toàn bà con nông dân đem giống đi kiểm nghiệm tại các trung tâm có uy tín trước khi sử dụng, để tránh cho cây mì bị nhiễm bệnh bà con cần thay đổi sang giống thuần chủng sau khi trồng được 2 – 3 vụ).

+ Cây có tuổi từ 10 – 14 tháng

+ Cây không nên để quá 45 ngày và đường kính thân 1,5 – 2 cm cắt hom giống.

+ Cây giống cắt bỏ phần ngọn và gốc cây 20 cm (sử dụng phần giữa).

+ Cắt hom thẳng sẽ làm rễ mọc xung quanh và nhiều hơn.

+ Dao cắt phải sắc. + Chiều dài hom 20 – 30 cm. – Xử lý hom giống:

+ Sử dụng chế phẩm ROOT 555 để xử lý hom giống giúp hạn chế lây nhiễm bệnh có sẵn trên cây giống, tăng khả năng sống của cây giống, rễ của cây giống mọc nhanh hơn, nhiều hơn và có năng suất cao hơn, cây trồng hấp thu được tốt hơn và hiệu quả hơn chất dinh dưỡng trong đất, cung cấp một số Amoni acid và vi lượng cần thiết cho cây giống, giúp cây giống phát triển tốt và có sức đề kháng cao.

+ Xử lý ngâm hom từ 20 – 25 phút trước khi trồng.

b. Khoảng cách và mật độ trồng cây khoai mì

– Khoảng cách và mật độ trồng sắn tuỳ theo đất với nguyên tắc chung là “đất tốt trồng thưa, đất xấu trồng dày”.

+ Đất tốt: Khoảng cách trồng 1,20 m x 0,80 m, mật độ 10.417 cây/ha.

+ Đất trung bình: Khoảng cách trồng 1,00 m x 0,80 m, mật độ 12.500 cây/ha.

+ Đất nghèo: Khoảng cách trồng 1,00 m x 0,70 m, mật độ 16.286 cây/ha.

– Khoảng cách trồng 0,80 m x 0,80 m, mật độ 15.620 cây/ha.

– Khi trồng cắm hom thẳng đứng và sâu 10 – 15cm.

– Sau khi cắm hom xong nên phun thuốc diệt cỏ ngay (đối với ruộng xuất hiện cỏ nhiều).

– Khi cây mì được 2 tháng tuổi nên sử dụng thuốc cỏ 1 lần nữa trước khi bón phân. Thời gian này rất quan trọng phải xử lý cỏ triệt để vì nếu không xử lý được cỏ sẽ tranh thức ăn và phân bón của cây mì làm cho năng suất thấp.

– Sau khi xử lý cỏ xong bón phân và giữ độ ẩm phù hợp, bón phân theo gốc cây và lấp lại đất, lượng bón 20g/ cây (liều lượng bón: 200 – 350kg/ ha). 4. Dinh dưỡng khoáng và bón phân cho cây khoai mì

– Để cây mì đạt năng suất cao Công ty Sitto Việt Nam khuyến cáo bà con nông dân áp dụng theo quy trình chăm sóc sau:

+ Bón lót: . PP1: Toàn bộ phân chuồng 2 tấn + 150kg super lân/ha, bón khi cày bừa hoặc bón theo hàng hay hốc trước khi trồng. . PP2: Bón phân hữu cơ chuyên dùng cho khoai mì cùng với 100kg Super lân và 250kg Sitto Phat 16-8-16-12SiO2+TE/ha

+ Bón thúc: Bón một lần duy nhất vào giai đoạn sau trồng 45 – 60 ngày: 300kg Sitto Phat 16-8-16-12SiO2+TE

* Lưu ý: Để phù hợp việc cung cấp dinh dưỡng cho cây mì bà con cần phải mang đất đi phân tích hàm lượng dinh dưỡng để có cách bón phù hợp nhất (vì mỗi năm trên ruộng canh tác của bà con lượng dinh dưỡng trong đất luôn thay đổi).

5. Thu hoạch củ và bảo quản cây sắn

– Thời gian thu hoạch sắn thích hợp trong khoảng 8 – 11 tháng sau trồng (tùy giống). Thu hoạch xong phải vận chuyển ngay đến cơ sở chế biến, tránh phơi nắng lâu ngoài đồng sẽ giảm chất lượng bột.

– Bà con nông dân sau khi thu hoạch xong cần trồng cây họ đậu, họ….. để cải tạo lại đất (để bổ sung lượng N và phân xanh cho đất, tăng độ tơi xốp đất cho vụ sau)..

Nguồn: Tiepthinongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình 3 trong 1 nuôi cua đồng cá chạch đồng trong ruộng lúa

Mô hình nuôi cua đồng và chạch đồng trong ruộng lúa đã chứng minh hiệu quả tại nhiều địa phương. Bài xin đề cập một số lưu ý khi nuôi mô hình 3 trong 1 này.

Một số lưu ý khi nuôi cua đồng cá chạch đồng trong ruộng lúa. 

* Ruộng nuôi:

+ Bờ ruộng cần chắc chắn và được che chắn bằng nilon, lưới cước hoặc prô xi măng chôn sâu xuống 30 – 40 cm và cao lên 40 – 50 cm tính từ mặt bờ ruộng đồng thời hơi nghiêng vào trong ruộng một góc 45 độ để tránh khi có sấm chớp hoặc trời mưa, cua, chạch sẽ bò ra khỏi ruộng nuôi.

+ Mặt ruộng cần hơi dốc để thuận tiện cho việc thoát nước và thu hoạch.

+ Đào mương chạy xung quanh ruộng nuôi với kích thước sâu 60 – 80 cm, rộng 0,8 – 1m, cứ cách 50 – 70m đào một hố khoảng 5 – 10 m2, sâu 1m. Mục đích của đào mương để tạo chỗ trú cho cua, chạch sau khi gặt xong và thuận tiện cho chăm sóc và thu hoạch.

+ Trong ruộng nuôi thiết kế các ụ giả kích cỡ 50x20x30 cm để tạo chỗ cho cua đào hang và chui rúc. Ruộng nuôi nên thiết kế theo dạng hình xương cá là lý tưởng nhất.

+ Tại điểm lấy nước vào và tháo nước ra cần có lưới chắn với kích thước mắt lưới nhỏ để tránh cua, chạch thoát ra ngoài ruộng.

* Con giống:

Do nguồn giống cua và chạch đồng chủ yếu phụ thuộc vào giống tự nhiên là chính nên khi thả cần lựa chọn kích cỡ giống đồng đều để tránh chúng ăn thịt lẫn nhau. Không mua con giống khi bị đánh điện hoặc xây xát, gãy càng.

* Mùa thả giống:

Thích hợp là từ tháng 4 – tháng 8 hàng năm, do giai đoạn này mưa nhiều nên dễ kiếm con giống.

* Mật độ thả:

Cua giống

Cá chạch bùn giống

Mật độ thả giống: 30 – 45 con/m2 (trong đó chạch có thể thả từ 20 – 30con/m2, cua thả 10 – 15 con/m2).

* Cho ăn:

+ Thức ăn tự nhiên của cua và chạch chủ yếu là rong tảo, giun cỡ nhỏ, động vật phù du… Thức ăn nhân tạo gồm bột ngô, cám gạo, bột sắn, bột đậu tương hoặc cá tạp xay nhỏ.
+ Lượng cho ăn: cho ăn từ 3 – 5% trọng lượng thân, ngày cho ăn 2 lần. Lưu ý đối với cua khi mới thả giống nên cho nhịn đói 2 – 3 ngày sau đó mới bắt đầu cho ăn.

* Quản lý ruộng nuôi

+ Cua, chạch đều là loài sống chui rúc nên nhu cầu hàm lượng oxy không cần cao. Mực nước trong ruộng nuôi nên duy trì từ 10 – 15cm, tại mương nuôi từ 60 – 70cm. Một tuần đến nửa tháng nên tháo cạn và phơi ruộng cho xe mặt khoảng 2 – 3 ngày sau đó mới cấp nước mới vào. Mục đích giúp cua lột vỏ và phòng bệnh cho chạch không bị các mầm bệnh tấn công.

+ Định kỳ 7 đến 10 ngày dùng 1.5 – 2 kg vôi tạt cho 100m2 mương nuôi.

* Thu hoạch:

– Sau thời gian nuôi 9 – 12 tháng, chạch có thể đạt kích cỡ 100 – 150 con/kg, cua đạt 60 – 70 con/kg và có thể thu tỉa dần.

Do tập tính sống chui dúc sâu dưới bùn và đào hang là chính nên việc thu hoạch sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn các đối tượng nuôi khác.

Đối với chạch đồng: Trước khi thu hoạch cần tháo cạn ruộng nuôi cũng như mương và để từ 3 đến 4 ngày cho mặt ruộng và mương cứng lại. Sau đó sẻ một rãnh dọc ruộng hoặc sẻ theo hình xương cá. Tiếp theo bắt đầu thêm nước mới vào để cho chạch vào rạch theo nước mới từ đó ta chỉ việc tiến hành thu. Trong quá trình thu có thể dùng lưới có mắt lưới tùy theo cỡ chạch cần thu để ta lọc bỏ những con bé hoặc những con đang mang trứng để dùng làm chạch bố mẹ hoặc chạch giống cho vụ sau.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô Hình Nuôi Cá Chạch Ở Ruộng Lúa

Chạch nuôi ở ruộng n­ước là nghề phụ của nhà nông, nghề nuôi cá ruộng nếu có môi tr­ường tốt cũng đem lại hiệu quả khá cao.

Cá chạch ruộng, ngoài việc tăng thêm thư­ơng phẩm còn làm cho đất ruộng thêm tơi xốp, cá ăn các loại sâu, bọ, phân cá đ­ược phân hủy tăng độ màu mỡ cho đất ruộng, lúa tốt, thóc nhiều, năng suất tăng.

Nuôi cá ruộng “nhất cử l­ưỡng tiện” là như­ vậy.

+ Ph­ương pháp nuôi cá ruộng kết hợp với trồng lúa n­ước:

  • Với mục đích nuôi cá ở ruộng để cải tạo, nâng cao độ màu mỡ của đất, nên chọn những nơi đất có độ chua ít, chất đất không thoát n­ước, giữ đ­ược n­ước lâu làm nơi nuôi cá.
  • Sau khi tu sửa lại, đắp bờ ruộng cho vững (chống vỡ bờ) cao hơn mặt nư­ớc 30-50cm, mở ra một rãnh rộng 30-50cm, sâu 30cm, giữa ruộng, bố trí vài hố 4-6m2, sâu 30-50cm (chiếm khoảng 5% diện tích ruộng) làm nơi cho cá ăn, tránh nắng, tập trung cá cao cho dễ bắt.
  • Nếu điều kiện cho phép, tốt nhất tại bờ ruộng nên chặn thêm một miếng ván gỗ hoặc tấm chắn bằng nhựa cứng, phía d­ưới chặn bằng một gò đất cao 30cm làm cửa cho việc cấp, thoát nước (có đặt l­ới, chống cá bơi mất).
  • Th­ường, sau khi gặt xong lúa là phải hoàn chỉnh ruộng nuôi vào thời điểm giao nhau của vụ xuân hè năm sau. Khi cấy xong lúa nước, lúa xanh tốt thì tháo hết n­ước ruộng ra, phơi nắng 3-4 ngày, rải 20-25kg cám gạo với 50kg phân chuồng cho 100m2 ruộng.
  • Theo dõi thấy phân đã hoai (thối rữa hết) thì tháo n­ước vào ruộng, giữ n­ước ở độ sâu 15-30cm, thả 10-15kg cá chạch, thân dài 5cm cho 100m2 ruộng lúa.
  • Ruộng thả cá kết hợp với trồng lúa kiểu này không nên quấy nhiều, tuần đầu ch­a cần cho cá ăn thêm thức ăn.
  • Một tuần lễ sau, cứ cách 3-4 ngày, cho cá ăn thêm ít cám, mạch trộn lẫn với bột nhộng. Đem thức ăn rải đều trên mặt ruộng rồi thu nhỏ vào một chỗ. Từ đó trở đi, chỉ cho thức ăn vào một nơi cố định, tạo thói quen cá tập trung ăn, vào giờ nhất định trong ngày, tới mùa đông thu hoạch dễ bắt.
  • Đồng thời với việc cho cá ăn, cứ cách một tháng, cho thêm vào ruộng 50kg phân chuồng, cho thêm ít lân, canxi, sinh vật phù du nuôi vớt đư­ợc.
  • Cho ăn như­ bình th­ường, chủ yếu dùng thức ăn dễ kiếm, giá thành hạ, cá thích ăn nh­ư cám gạo, bã đậu, giun và thức ăn hỗn hợp, mỗi ngày một lần vào buổi sáng lúc 8-9 giờ, l­ượng thức ăn khoảng 3-5% tổng thể trọng cá đem nuôi. Tới hạ tuần tháng 11, khi trời trở lạnh, ngừng cấp thức ăn cho cá.
  • Ruộng nuôi cá kết hợp với trồng lúa kiểu này th­ường gọi là ruộng tinh dưỡng, không được dùng thuốc trừ sâu và thuốc nông nghiệp khác.
  • Cá chạch nuôi trong ruộng lúa lớn rất nhanh, có thể đánh bắt khi mùa đông tới. Cá thu hoạch th­ường có thể trọng 10g trở lên, cho 30-50kg cá chạch trong 100m2 ruộng lúa.

+ Ph­ương pháp nuôi thô (tạp):

  • Ruộng phục vụ cho ph­ương pháp nuôi thô đơn giản hơn, chỉ cần chú ý khâu không để cá bơi mất, cần làm tốt công tác bảo vệ tại ruộng.
  • Bờ ruộng nên đắp cao, vững chắc, cửa cấp thoát n­ước có vật cản, l­ới chắn.
  • Trong ruộng không đào hố cá, không thả thức ăn cho cá.
  • Khi đ­ưa n­ước vào ruộng, cấy lúa xong, mạ lên xanh tốt, giữ nư­ớc ruộng ở mức 10-20cm, thả khoảng 5kg cá giống cho 100m2 ruộng.
  • Tuy không cho thức ăn vào ruộng nh­ưng vẫn phải cho phân nuôi phù du, sinh vật làm thức ăn cho cá.
  • Qua một vụ lúa, có thể thu đư­ợc 10-15kg cá trên 100m2 ruộng

    Nguồn: 2lua.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lúa khổng lồ Trung Quốc đạt 15 tấn/ha

Năng suất cao song chất lượng thấp, hoặc chất lượng tốt nhưng năng suất thấp, là cửa ải khó khăn với các nhà nghiên cứu lúa Trung Quốc. Bài toán đó được giải nhờ phát minh “lúa khổng lồ”, đạt năng suất 15 tấn/ha.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Hạ Tân Giới (Xia Xinjie), nhà khoa học phát minh ra “lúa khổng lồ” nói ông tin rằng giống mới này sẽ được trồng khắp Đông Nam Á và các quốc gia nằm trên sáng kiến Vành đai, Con đường, do Trung Quốc đưa ra, giúp giảm bớt lo ngại về an ninh lương thực, theo Xinhua. Ông Hạ được coi là “Đạo Vương”, tức vua lúa, người kế cận cha đẻ lúa lai Trung Quốc Viên Long Bình.

Vua lúa Trung Quốc hiện là nhà nghiên cứu hàng đầu thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết giống lúa khổng lồ sẽ thích nghi tốt hơn với các điều kiện thay đổi khí hậu, so với các giống đang được sử dụng. Lúa khổng lồ có thể đạt chiều cao tới 2 mét, cao gấp đôi so với các giống lúa thông thường, và có vòng sinh trưởng dài hơn. Một cuộc thử nghiệm ở tỉnh Hồ Nam hồi tháng 10/2017 cho thấy giống lúa này cho năng suất 15 tấn trên mỗi ha, đuổi sát kỷ lục 17 tấn/ha của giống lúa lai mới nhất.

Lúa khổng lồ có thể đạt chiều cao tới 2 mét

Ông Hạ tự tin rằng giống lúa mới sẽ sớm vượt qua lúa lai. “Lúa lai đã gần như đạt năng suất tối đa, tuy nhiên lúa khổng lồ đang tạo ra con đường mới hướng tới việc phá kỷ lục năng suất, bằng cách gia tăng sinh khối hoặc trọng lượng”, ông Hạ nói.

Chiều cao nổi trội của cây lúa cũng giúp nông dân nuôi thêm các loài thủy sản trong đồng, tăng thu nhập, vua lúa Trung Quốc tuyên bố. “Với các cây lúa thông thường, mực nước thấp khiến không gian nuôi trồng thủy sản bị hạn chế. Đôi khi, thủy sản nhiều lại làm giảm bớt năng suất lúa. Song với cây lúa cao hơn, 300.000 con ếch có thể sống thoải mái trong một ha, và mang lại khoảng 300.000 nhân dân tệ (45.000 USD) cho nông dân”, ông Hạ nói.

Tuy nhiên, sau một số thông tin lạc quan về cây lúa khổng lồ của ông Hạ, có ý kiến lo ngại về hiệu quả thực sự của nó, cũng như việc phải tăng lượng phân bón cho lúa.  Một người dùng trên trang Zhihu, trang web hỏi đáp nổi tiếng Trung Quốc, cho rằng “chiều cao vượt trội của cây lúa khiến nó cần có các máy gặt thế hệ mới, và đương nhiên cần nhiều phân bón hơn, ảnh hưởng đến tính hiệu quả trên thực tế”.

Tuy nhiên, ông Hạ tuyên bố cây lúa khổng lồ có thể được gặt bằng máy thông thường, mặc dù “nó có thể gây lãng phí đôi chút”.

Ông vua lúa Trung Quốc nói thêm rằng nếu được trồng với quy mô lớn, giống lúa mới sẽ cần đến “một số cải tiến” từ máy gặt thông thường. Đối với lo ngại về tăng lượng phân bón, ông Hạ khẳng định điều này là đúng, song nông dân không cần bón thêm. “Các ruộng đồng hiện nay đang đối mặt tình trạng dư thừa phân bón trong đất. Cây lúa mới vẫn có thể đạt chiều cao 2 mét, mặc dù nông dân không cần tăng lượng phân bón, do việc này sẽ được các loài thủy sinh vật đảm nhiệm. Chúng sẽ cung cấp lượng phân bón tự nhiên”.

Hạ Tân Giới cho biết ông bắt đầu nghiên cứu giống lúa mới từ năm 2006, lấy cảm hứng từ những thành tựu của ông vua lúa lai Trung Quốc Viên Long Bình trong việc phát triển giống lúa lai siêu năng suất. “Tôi đã làm việc cho một công ty sinh học nông nghiệp ở Mỹ. Sau đó, tôi xem một chương trình TV giới thiệu về giống lúa lai siêu năng suất của ông Viên. Tôi cảm thấy được cổ vũ bởi thành tựu này và muốn trở lại Trung Quốc, tiếp tục các nghiên cứu trước kia về cây lúa”, Hạ kể.

Sau khi liên tục lựa chọn và nhân giống nhằm tạo ra giống lúa mới có thân cao hơn, nhiều hạt gạo hơn và bông lúa lớn hơn, ông Hạ bắt đầu trồng thử nghiệm vào năm 2014. “Giống lúa của tôi hoàn toàn không phải sản phẩm biến đổi gien”, ông Hạ khẳng định.

“Hàng chục triệu nhân dân tệ đã được đầu tư cho cuộc nghiên cứu này. Một số nhà đầu tư đề nghị tham gia dự án từ đầu, song nhiều người cũng đã rút lui do quá trình nghiên cứu, trồng trọt quá lâu và kết quả không chắc chắn”, Hạ Tân Giới nói về những khó khăn khi nghiên cứu.

Ông Hạ và các cộng sự Trung Quốc sử dụng một loạt công nghệ mới để tạo ra giống lúa mới, bao gồm đột biến gây tạo (mutation induction) và lai giống giữa nhiều loại lúa dại.

Nhà nghiên cứu này cho biết vào năm 2030, Trung Quốc cần nhiều hơn 60% lượng thóc so với năm 1995. Theo các số liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, hiện tại mỗi ha lúa của nước này cung cấp gạo đủ ăn cho 27 người. Đến năm 2050, để giải quyết bài toán an ninh lương thực, mỗi ha lúa Trung Quốc cần đáp ứng nhu cầu cho 43 người.

Ông Hạ có kế hoạch mở rộng diện tích gieo trồng lúa khổng lồ lên hơn 130 ha vào năm nay, nếu được chính quyền cho phép. Hiện tại, giống lúa này chỉ được trồng với diện tích khoảng vài chục ha ở tỉnh Hồ Nam.

Theo nhanong.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kính nể lão nông ‘gàn’ lên núi trồng rau công nghệ cao

Mới nghe chuyện có người lên núi trồng rau công nghệ cao, tôi cứ ngỡ ấy là việc làm của chàng thanh niên gàn dở nào đấy, không ngờ nhân vật đó lại là một nông dân đã chạm tuổi “cổ lai hy”!

Đã gần 70 tuổi, nhưng qua cuộc trò chuyện, tôi cảm nhận từ ông toát ra sự năng động hừng hực. Ông nói về chuyện trồng rau công nghệ cao như một “ma men” nói đến rượu ngon.

Ông Ba Thành nói chuyện trồng rau CNC như “ma men” nói đến rượu ngon

Ông họ Ba tên Thành, ở thôn Diễn Khánh, xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn, Bình Định).

Lên núi kiếm cơm

Nhà nghèo, con đông, vốn liếng có mấy sào ruộng, vợ chồng ông Ba Thành dù có cố đến mấy cũng không thể nuôi nổi 5 đứa con ăn học. Bàn đi tính lại miết, cuối cùng vợ chồng ông Ba Thành dắt díu con cái rời nơi chôn nhau cắt rốn là thôn Lại Đức, kéo nhau lên vùng đồi núi quanh năm không bóng người, nằm trên địa bàn thôn Diễn Khánh ở xã Hoài Đức để bày cuộc làm ăn.

Đó là vào năm 1990. Khi ấy, con cái còn nhỏ, vợ chồng ông Ba Thành ngày đêm gắn với cây cuốc cái rựa để phát dọn, biến vùng đồi hoang vu ngày nào thành 6 sào đất bằng phẳng nhìn mát mắt.

Vốn con nhà nông, đi đến đâu ông Ba Thành cũng nghĩ đến cây lúa. Ngày ấy, cái đói luôn ám ảnh, nên cây lúa nhanh chóng xuất hiện trên vùng đất mới của ông Ba Thành. Nước tưới đã có những con suối từ trên núi chảy xuống cung cấp. Nhưng vì nằm cạnh núi, nên vùng đất ông Ba Thành khai hoang chẳng mầu mỡ gì mấy.

Lại thêm nạn chuột. Vào mùa mưa lũ, lũ chuột ở đồng bằng “sơ tán” hết lên núi ẩn nấp. Lũ qua, chúng kéo xuống cả đoàn, vậy là những ruộng lúa xanh mướt của ông Ba Thành trở thành nơi “chè chén” của chúng.

Không chỉ có chuột, những con thú trong rừng lâu lâu “đổi gió” xuống đồng cũng “góp tay” phá nát những đám lúa của ông. Đến mùa, số lúa thu hoạch được chẳng bõ công vợ chồng Ba Thành bỏ ra suốt mấy tháng trời.

Khó khăn kích thích năng động. Trồng lúa không hiệu quả, ông Ba Thành chuyển sang trồng cỏ nuôi trâu, bò. Phương án này hiệu quả trông thấy, vợ chồng ông rủng rỉnh tiền cho con đi đại học. Đến bây giờ, ông Ba Thành vẫn không dấu được tự hào khi nói: “Chính lũ trâu lũ bò ngày ấy đã nuôi ba đứa con lớn của tui học hành đến nơi đến chốn, giờ một đứa thành bác sĩ, một đứa giáo viên và một đứa đang làm trong ngành vật tư nông nghiệp TP.HCM”.

Khi đã có thu nhập ổn định từ chăn nuôi, năm 2005, ông Ba Thành bắt tay đầu tư trồng cây lâu năm với 150 gốc bưởi da xanh và 150 gốc cam sành. Những loại cây ông chọn trồng cách đây hơn 10 năm bây giờ trở thành loại cây “thời thượng” trong bảng “xếp hạng” các loại cây ăn quả ở Bình Định.

Vườn bưởi da xanh của ông Ba Thành sẽ “hốt tiền” trong dịp Tết Mậu Tuất 2018

Ghé thăm trang trại của ông Ba Thành vào những ngày cuối năm 2017, đi dạo vườn, mắt tôi không thể rời những cây bưởi da xanh lúc lỉu quả non. Ông bảo, lứa bưởi này kịp bán Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Chừng này bưởi bán vào dịp tết để người ta chưng mâm ngũ quả là hốt tiền!

Khi đã có của ăn của để, và có thêm chân thêm tay của 2 người con trai nhỏ theo nghề nông của cha đỡ đần công việc, ông Ba Thành mở rộng quy mô chăn nuôi. Bò đã có 30 con, ông Thành xây dựng mấy dãy chuồng kiên cố để nuôi heo. Bây giờ, góc đồi hoang vắng ngày xưa thêm rộn ràng bởi tiếng kêu của 100 con heo thịt và 50 heo nái sinh sản, nhất là đến giờ chúng đòi ăn.

“Bén duyên” rau công nghệ cao

Dường như một việc làm hoài khiến ông buồn hay sao mà ông Ba Thành không để cái đầu ngơi nghỉ. Lần này, ông nghĩ đến cái điều mà tôi dám chắc, chưa một nông dân nào ở Bình Định dám nghĩ tới, đó là trồng rau công nghệ cao. Vốn liếng trong tay có 6 sào đất (500 m2/sào), bưởi cam chuồng heo chuồng bò chiếm mất 2 sào, còn lại 4 sào ông “quăng trất” vào công cuộc trồng rau công nghệ cao.

Tôi hỏi: “Điều gì dẫn dắt chú đến với rau công nghệ cao?”. “Từ báo chí. Tui mê nghề nông nên hễ báo chí nói gì đến nông nghiệp là tui đọc tuốt. Có bữa tui vớ phải tờ báo có bài viết về làm rau công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng), tui đọc ngấu đọc nghiến. Đọc xong bài báo ấy thì chuyện trồng rau công nghệ cao cứ ám ảnh miết trong đầu. Ngủ mơ cũng thấy nhà màng, béc phun. Vậy là tui ghim trong ruột chuyện đó, quyết tâm sẽ có ngày mình làm!”, ông Ba Thành bộc bạch.

Những nhà kính trồng rau bề thế của ông Ba Thành trên ngọn đồi hoang vắng

Đi theo sau sự quyết tâm là cả chuỗi ngày dài tìm tòi học hỏi. Ở Bình Định chưa có nông dân nào làm, ông đành học từ các phương tiện truyền thông. Tivi thì xem chương trình nói về rau công nghệ cao, báo chí thì đọc những bài viết về rau công nghệ cao. Sợ mình tuổi già lú lẫn tiếp thu không hết, ông Ba Thành còn nhờ người con trai ở TP.HCM lên Đà Lạt học hỏi trực tiếp nông dân làm rau trên ấy rồi về truyền đạt lại. Cách làm nhà màng trồng rau như thế nào, con trai ông vừa quan sát vừa chụp ảnh, mang về diễn giải lại cho cha.

Tháng 5/2017, ông Ba Thành quyết định thực hiện ước mơ. Chỉ trong một thời gian ngắn, vùng đồi núi heo hút ngày nào mọc lên 4 nhà kính có tổng diện tích 2.000m2 bề thế với khoản đầu tư trên 500 triệu đồng. Nếu quy số tiền này ra heo ra bò thì không biết bao nhiêu con, nhưng đã “lỡ mê” là ông Ba Thành làm tới.

“Toàn bộ vườn rau của tôi được bao bọc kỹ bằng màn nhà kính do hãng Ginegar của Israel sản xuất. Nhà kính vừa ngăn côn trùng xâm nhập vào vườn gây hại rau, vừa đảm bảo những điều kiện cần thiết về độ ẩm, ánh sáng; bên cạnh đó hệ thống tưới nước tự động giúp rau sinh trưởng, phát triển tốt”, ông Ba Thành hồ hởi khoe.

Để đảm bảo đầu ra, ông Ba Thành trồng nhiều loại rau: Cải cay, cải ngọt, rau muống, xà lách, khổ qua, dưa leo, bầu, bí, cà tím… các loại rau ăn lá. Mỗi thứ một ít diện tích, theo kiểu cuốn chiếu để thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Để có được nguồn nước tưới rau, ông Thành phải đào giếng. Do là vùng đất đồi núi nên giếng ông đào phải sâu đến 70m mới có nước. Nước được bơm từ giếng lên chiếc bồn có dung tích chứa 7.000 lít đặt trên cao rồi được xả xuống hệ thống tưới tự động trong các vườn rau.

Hiện bình quân mỗi ngày vườn rau của ông Ba Thành cung ứng cho người tiêu dùng khoảng 200kg rau các loại. Ngoài cửa hàng rau do con ông mở bán tại thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), rau của ông Ba Thành còn đi vào bệnh viện, các trường học. Tuy giá cả có đắt hơn rau ngoài thị trường, nhưng rau của ông Ba Thành vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Nhân viên siêu thị cũng đã ghé thăm vườn rau của ông đặt vấn đề thu mua, nhưng rau của ông không đủ bán. Ngoài vợ chồng và mấy đứa con suốt ngày lúc thúc trong những vườn rau, ông Ba Thành còn thuê thêm 3 lao động làm việc thường xuyên, với mức lương ổn định gần 4 triệu đồng/người/tháng.

Cái máu tìm tòi luôn “sôi” trong người, nên ông Ba Thành không ngừng “săn lùng” những giống rau mới mang về trồng. Ngoài những giống rau bản địa, hiện trong vườn rau của ông Ba Thành còn xuất hiện những dây dưa leo giống mới, nhập ngoại, cứ mỗi mắc đã cho 1 quả mà theo ông Thành, loại dưa này trồng chỉ 25 ngày là đã cho thu hoạch và giống dưa hấu Nam Mỹ.

Ông Ba Thành nói về những giống rau mới

“Ở Bình Định chắc chưa có ai trồng hai loại cây này, tôi bảo con trai mua giống về trồng thử nghiệm, nếu hiệu quả thì tui sẽ nhân rộng trong những năm tới”, ông Ba Thành nói.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.