Gạo Việt Nam xuất khẩu miệt mài nhưng vẫn chưa đặc tên

Trong khi Thái Lan có thương hiệu gạo thơm Hom Mali, Campuchia gia nhập thị trường xuất khẩu sau cũng đã kịp có tên gạo Phka Romdoul… thì Việt Nam dù đã bền bỉ xuất khẩu gạo nhiều năm nay, thuộc top đầu thế giới vẫn chưa được định vị bằng một cái tên thật sự “danh chính ngôn thuận”.

Chỉ chú ý số lượng

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo liên tục tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,82 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016; trị giá đạt khoảng 2,63 tỷ USD, tăng 22% so với 2016. Còn trong 9 tháng năm 2018, xuất khẩu gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017; trị giá đạt 2,38 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ 2017. Dự kiến, cả năm 2018, xuất khẩu gạo sẽ đạt con số 3,2 – 3,3 tỷ USD.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, tới đây sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định, tăng cường quan hệ hợp tác thương mại gạo cả kênh Chính phủ và doanh nghiệp; đa dạng và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.

Đến nay, Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Gạo Việt Nam có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới. Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cho rằng hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tại hội nghị “Triển vọng sản xuất và thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam” ngày 10.10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những tiến bộ trong sản xuất và cơ cấu giống, mùa vụ, cùng với các biện pháp canh tác thích hợp đã từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam. Đáng chú ý, ngày 15.8.2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018 thay thế Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo, sẽ tiếp tục tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, thương mại gạo.

“Tuy vậy, phải thừa nhận một thực tế, mặt hàng gạo của Việt Nam cần khắc phục và hoàn thiện việc nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, marketing, đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu; các sản phẩm gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng các nước biết đến. Đây là những vấn đề cần được khắc phục thời gian tới” – ông Hải nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết hiện nay cơ cấu chủng loại xuất khẩu gạo trắng cấp thấp, trung bình và gạo trắng phẩm cấp cao của Việt Nam vẫn chiếm gần 40%. Trong khi đó, các thị trường cạnh tranh về xuất khẩu gạo với Việt Nam đang ngày càng đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng gạo.

Trước bối cảnh trên, ông Hải cho hay, định hướng phát triển xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới, ngành lúa gạo sẽ hướng đến sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Xây dựng uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới là những định hướng mà ngành gạo Việt Nam đang triển khai. “Hiện, gạo trắng cấp thấp chiếm hơn 30%. Thời gian tới, sẽ giảm gạo phẩm cấp thấp, nâng cao thị phần gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica” – ông Hải nhấn mạnh.

Xây dựng thương hiệu, cách nào?

Có thể thấy, điểm yếu nhất của gạo Việt hiện nay là chưa có thương hiệu. Theo ông Martin Albani – chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế: Thương hiệu chính là việc xác định hình ảnh. Trong đó, giai đoạn đầu tiên là đưa ra hình ảnh, tiếp đó là phát triển thương hiệu. Việc đưa ra thương hiệu không chỉ tác động đến chủ thương hiệu mà còn tác động đến khách hàng mà còn đối với đối tác.

“Theo khảo sát, người tiêu dùng chấp nhận trả mức giá cao hơn gấp đôi so với sản phẩm thông thường để mua các sản phẩm có nguồn gốc, có chỉ dẫn địa lý” – ông Martin Albani nói.

Lấy thêm ví dụ về Campuchia, theo ông Martin, ngành lúa gạo nước này bắt đầu gần như từ “tay trắng” nhưng nhờ chú trọng nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu, Campuchia đã khiến người tiêu dùng thế giới biết tới gạo của họ.

Bà Nguyễn Thúy Kiều Tiên – Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, các loại giống lúa Japonica, giống lúa theo thực phẩm chức năng, nhóm lúa hạt dài ở Việt Nam vẫn chưa tạo được sự vượt trội về hình dáng, hương vị so với các nước khác. “Muốn xuất khẩu gạo đem lại nhiều giá trị cần phải đặc biệt chú trọng tới giống lúa” – bà Tiên nhấn mạnh.

Trước thực tế trên, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất lúa gạo, định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng gạo xuất khẩu; đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong sản xuất, chế biến lúa gạo; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sâu, bảo quản lúa gạo giảm tổn thất sau thu hoạch.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Gạo Việt NAm có mặt ở 150 thị trường nhưng vẫn ít người biết

Hạn chế về năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường, marketing thương hiệu… nên gạo Việt Nam ít được người tiêu dùng thế giới biết đến.

Những năm gần đây, ngành gạo Việt Nam có bước phát triển và đạt được kết quả tích cực. Năm 2017, Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Tính trong 9 tháng năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo với giá trị khoảng 2,46 tỷ USD, lần lượt tăng 6,7% về lượng và tăng 21,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

15% lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới

Hiện nay, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Gạo Việt hiện đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, bước đầu đã thâm nhập được vào những thị trường có yêu cầu cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những tiến bộ trong sản xuất, cơ cấu giống, mùa vụ cùng với những biện pháp canh tác thích hợp đã từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam. Ngoài ra, các giống lúa thơm, chất lượng cao nhằm phục vụ những phân khúc thị trường cao cấp cũng được quan tâm hơn.

Đặc biệt, để tiếp tục tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy đầu tư

, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, thương mại gạo, ngày 15/8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2018/NĐ-CP7 thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo.

“Một số cơ chế chính sách khác như Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo; Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam sẽ góp phần tăng cường liên kết, gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, xây dựng và khẳng định uy tín thương hiệu gạo Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thắng Hải, mặc dù sản phẩm gạo đã có mặt ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có một số thị tường đòi hỏi chất lượng cao, song xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn cần khắc phục một số điểm yếu.

“Năng lực tiếp cận thâm nhập thị trường, marketing, đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo còn hạn chế. Bởi vậy, sản phẩm gạo chưa gây dựng được thương hiệu nên ít được người tiêu dùng thế giới biết đến”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.

Chú trọng hơn nữa chất lượng và an toàn

Với mục tiêu xây dựng và nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam trong xu thế cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã ngày càng chú trọng hơn vào chất lượng gạo xuất khẩu thay vì sản lượng. Cùng với đó, thời gian qua, các chính sách về xuất khẩu gạo đi vào thực tiễn đã giúp cho hoạt động kinh doanh lúa gạo của các doanh nghiệp trong ngành đi vào nề nếp, bài bản hơn.

Bà Nguyễn Thuý Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết, Viện đã nghiên cứu và đưa ra nhiều giống lúa chất lượng cao để có thể đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu của thị trường. “Hiện nay, Viện lúa ĐBSCL đang nghiên cứu chương trình phát triển giống lúa hạt rất dài, có đặc điểm thơm đậm, gạo trong, dài phù hợp với thị hiếu của thị trường và đó cũng là xu hướng chung của thế giới”, bà Tiên cho hay.

Để nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, bà Tiên cũng đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp cần chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa vào sản xuất những giống lúa chất lượng có thể chịu đựng được điều kiện bất lợi của môi trường, biến đổi khí hậu gia tăng. “Trong dài hạn, các doanh nghiệp cần sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước cho công tác nghiên cứu chọn tạo giống lúa thơm, chất lượng cao tạo lợi thế cho xuất khẩu”, bà Tiên lưu ý.

Nhận thấy những năm gần đây, xu hướng xuất khẩu gạo chạy theo sản lượng của các doanh nghiệp Việt đã thay đổi, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời nhận xét, thế giới ngày nay nhắc đến gạo Việt là nhắc tới chất lượng và sự an toàn và ngành gạo đã có bước chuyển mình ngoạn mục.

Từ kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp, ông Thòn chia sẻ, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần có sự thay đổi lớn để có thể ghi được tên mình vào bản đồ xuất khẩu thế giới.

“Lộc Trời áp dụng phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Khi đó, doanh nghiệp và người dân cùng nhau quy hoạch, tập trung nguyên liệu, sản xuất tập trung theo loại hình “cánh đồng mẫu lớn”, liên kết các hộ sản xuất nhỏ lại thành hộ sản xuất lớn, thành hợp tác xã. Chính nhờ sự liên kết này, câu chuyện sản xuất manh mún, phân tán, không rõ nguồn gốc tại Lộc Trời đã trở thành quá khứ”, ông Thòn nhấn mạnh.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay các quốc gia nhập khẩu đang có những động thái quản lý chặt hơn mặt hàng gạo. Đơn cử, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam đã duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

“Do đó, định hướng phát triển, sản xuất, xuất khẩu gạo thời gian tới cần theo quy trình sạch, tăng cường sản xuất gạo hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo; tổ chức sản xuất gạo theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói… Cùng với đó, cần xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng để tạo dựng uy tín, tạo thương hiệu hạt gạo Việt Nam rõ nét hơn trên thị trường thế giới”, ông Trần Thanh Hải mong muốn.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Chi phí và lợi nhuận cho một vụ Lúa

Trong sản xuất cây lúa hay bất cứ các cây trồng nào khác, muốn có lợi cao, thường phải có năng suất cao và bán được giá lời.

Về năng suất thì phụ thuộc giống tốt hay xấu, kỹ thuật tiên tiến hay lạc hậu, thời tiết có thuận hòa không. Về giá cả thì thường phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng hơn là phụ thuộc vào người sản xuất. Nhưng năng suất và chất lượng của sản phẩm thì chủ yếu là phụ thuộc vào người sản xuất, là yếu tố chủ quan.

Để có được năng suất cây trồng cao cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: cả khách quan và chủ quan…

Về yếu tố khách quan, đó là thời tiết thuận lợi. Yếu tố này là yếu tố vũ trụ, con người khó kiểm soát. Tuy nhiên có kinh nghiệm và có kỹ thuật cao thì con người vẫn có thể khắc phục hay né tránh được các điều kiện khách quan để có được năng suất cây trồng cao và ổn định (trường hợp của Israel sống trên sa mạc mà vẫn sản xuất được mọi loại rau, cây trái năng suất cao, chất lượng tốt).

Về yếu tố lời, lỗ thì vừa phải kết hợp năng suất cao vừa phải kết hợp nguồn chi phí đầu tư hợp lý, bất kể giá bán cao hay thấp. Vậy làm sao để thực hiện được các khoản chi phí thấp mà vẫn đạt được năng suất cao, chất lượng tốt.

Để trả lời câu hỏi này ta hãy tham khảo kết quả chương trình sản xuất lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã thực hiện từ năm 2016 đến 2017.

Các số liệu thu được trong tài liệu này là do các cán bộ khuyến nông các huyện cùng theo dõi, tính toán với người nông dân mà có, vả lại đây là số liệu thu được mỗi vụ từ 65 nông dân thực hiện tại 13 tỉnh ở ĐBSCL, đại diện cho các vùng tiểu sinh thái khác nhau, vì vậy các thông tin này rất đáng tin cậy.

1. Vụ đông xuân năm 2015 – 2016:

Dưới tiêu đề “Từ ruộng vườn đến trường quay”. Vụ này với mục tiêu là biến ruộng đồng thành trường học, cán bộ kỹ thuật và nông dân cùng nhau ra đồng để trao đổi về cách làm lúa có lời cao. Chỉ tiêu chủ yếu trong vụ này là sử dụng loại phân hợp lý, chưa đề cập đến giảm lượng giống sạ, lượng giống sạ giữa mô hình và trong ruộng của dân vẫn 140kg/ha.

Thế nhưng trong mô hình nhờ sử dụng loại phân Đầu trâu có chất lượng cao, đầy đủ dinh dưỡng, nên dù chất N giảm xuống 29%, mà năng suất lúa của mô hình vẫn cao hơn đối chứng 754kg/ha.

Trong vụ này bình quân 65 mô hình có chi phí là 15.172.000đ/ha, còn bình quân ruộng đối chứng có chi phí 16.441.000 đ/ha, cao hơn ruộng mô hình là 1.269.000đ/ha. Nhờ vậy mà tiền lời thu được trong ruộng mô hình cao hơn đối chứng là 7.760.000 đ/ha.

2. Vụ hè thu năm 2016:

Quy mô thực hiện cũng trải khắp 13 tỉnh, 65 nông dân cùng tham gia. Vụ này tiêu chí đặt ra là mô hình phải giảm lượng giống sạ còn 80kg/ha,đồng thời vẫn sử dụng phân Đầu Trâu để giảm số lượng bón. Áp dụng các kỹ thuật làm giảm phèn mặn, quản lý nước và sâu bệnh đồng bộ. Vụ này chi phí của mô hình là 15.947.000 đ, còn ở ruộng đối chứng là 16.958.000 đ, vẫn cao hơn mô hình là 1.101.000 đ/ha. Năng suất ruộng trong mô hình cao hơn đối chứng 496kg thóc/ha. Nhờ vậy làm giá thành cũng hạ hơn đối chứng là 420 đ/kg thóc, nên cuối cùng ruộng mô hình vẫn có lời hơn đối chứng 3.660.000 đ/ha.

3. Vụ đông xuân năm 2016-2017:

Xét về chi phí đầu tư cả mô hình và đối chứng tương đương nhau. Nhưng do mô hình có năng suất lúa cao hơn đối chứng là 775 kg/ha, nên cuối cùng lợi nhuận của mô hình cũng cao hơn đối chứng 4.960.000đ/ha.

4. Vụ hè thu năm 2017:

Về suất đầu tư thì mô hình vẫn giữ mức sạ 80kg, còn đối chứng dân vẫn sử dụng 150kg/ha và phân bón sử dụng cũng cao hơn mô hình, nên tổng chi phí của ruộng đối chứng bình quân 15 địa điểm là 17.551.429 đ, còn ở mô hình chi phí là 15.619.136 đ/ha, thấp hơn ruộng đối chứng là 1.932.293 đ/ha. Trong đó chi cho giống cao hơn mô hình là 676.100 đ, phân bón là 348.350 đ; thuốc bảo vệ thực vật là 1.025.522 đ; chi phí khác là 324.534 đ/ha. Thực tế năng suất lúa khô của mô hình cao hơn đối chứng là 601kg/ha,dẫn đến giá thành hạ là 695 đ/kg thóc nên lợi nhuận của mô hình cao hơn đối chứng 5.792.398 đ/ha.

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Cảnh báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (từ 6-12/3)

Các tỉnh phía Bắc: Ốc bươu vàng, tuyến trùng, bệnh đạo ôn lá, bọ trĩ gây hại tăng. Bọ xít đen, bệnh nghẹt rễ, chuột tiếp tục gây hại. Rầy nâu, rầy lưng trắng

1. Trên lúa

Các tỉnh phía Bắc: Ốc bươu vàng, tuyến trùng, bệnh đạo ôn lá, bọ trĩ gây hại tăng. Bọ xít đen, bệnh nghẹt rễ, chuột tiếp tục gây hại. Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ gây hại với mật độ, tỷ lệ hại thấp.

Các tỉnh Bắc Trung Bộ: Bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh gây hại tăng nhanh trên diện rộng. Chuột hại tăng trên lúa trà sớm ở giai đoạn đẻ nhánh rộ, lúa trà muộn mới gieo. Ốc bươu vàng hại tăng trên lúa mới gieo cấy, hại nặng trên những ruộng gần ao hồ, sông suối, khu đồng trũng ngập nước thường xuyên. Tuyến trùng rễ, bọ trĩ có khả năng gây hại tăng trên các chân ruộng thiếu nước.

Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Bệnh đạo ôn lá, bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng gia tăng gây hại trên lúa trà sớm giai đoạn đòng trỗ – chắc xanh. Bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ phát sinh và gây hại tăng. Sâu đục thân, sâu keo, bọ trĩ, dòi đục nõn gây hại rải rác trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh. Bệnh bạc lá hại cục bộ ở Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Chuột hại diện rộng trên các trà lúa ĐX giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ.

Các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL: Rầy nâu hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Bệnh đạo ôn lá có thể sẽ xuất hiện trên lúa HT sớm 2018 giai đoạn đẻ nhánh ở mức độ nhẹ đến trung bình; Bệnh đạo ôn cổ bông vẫn còn phát triển và gây hại trên các trà lúa trỗ. Sâu năn gây hại trên các giống lúa Jasmin85, OM4900, Đài thơm 8, OM 7347, OM 6162, OM 6976, OM 5451… Nơi gieo sạ lúa HT phải đảm bảo thời gian giãn vụ, cày ải, phơi đất ngay sau khi thu hoạch lúa ĐX 2017-2018 tối thiểu là 15 ngày. Lưu ý bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, chuột gây hại trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ; chuột gây hại trên lúa ở giai đoạn trỗ đến chín.

2. Trên cây trồng khác

– Cây nhãn: Bệnh chổi rồng nhãn tiếp tục gây hại.

– Cây thanh long: Bệnh đốm nâu, ốc sên tiếp tục gây hại.

– Cây có múi: Bệnh greening tiếp tục gây hại.

– Cây hồ tiêu: Tuyến trùng hại rễ và bệnh chết nhanh, chết chậm tiếp tục gây hại.

– Cây điều: Bọ xít muỗi và bệnh thán thư tiếp tục gây hại.

– Cây dừa: Bọ cánh cứng và bọ vòi voi tiếp tục gây hại.

– Cây cà phê: Bệnh khô cành, bệnh gỉ sắt tiếp tục gây hại.

– Cây sắn: Bệnh khảm lá virus tiếp tục hại.

Khuyến cáo

Trên lúa:

+ Để phòng trừ rầy nâu gây hại, sử dụng Applaud 25WP – Giải pháp trừ rầy nâu môi giới truyền bệnh VL-LXL (700g/ha), hoặc sử dụng Wellof 3GR (12-15kg/ha).

+ Đối với sâu cuốn lá nhỏ sử dụng Opulent 150SC (6ml/bình 16 lít, phun 2,5 – 3 bình/1.000 m2) hoặc Wellof 330EC (0,8-1 lít/ha, pha 40-50ml/bình 16 lít nước).

+ Để trừ sâu đục thân, sử dụng Nurelle D 25/2.5EC (1-1,5 lít/ha), phun sau khi bướm nở rộ 5-7 ngày.

+ Để phòng trừ đạo ôn, sử dụng BEAM 75WP – “Cắt ngay cháy lá” (250g/ha).

+ Sử dụng Bonny 4SL (0,75 lít/ha, 30 ml /bình 16 lít nước), lượng nước phun 400 lít/ha.

+ Sử dụng Aviso 350SC (0,35 lít/ha, 14ml thuốc/bình 16 lít nước) để phòng trừ bệnh lem lép hạt.

+ Phối hợp BEAM 75WP (250g/ha) + Bonny 4SL (500ml/ha) + Aviso 350SC (0,35 lít/ha) để phòng trừ bệnh đạo ôn, bạc lá do vi khuẩn và lem lép hạt cùng lúc tấn công cây lúa.

+ Sử dụng Pulsor 23DC (0,22-0,33 lít/ha), Catcat 250EC, Vali 5SL phun khi bệnh vết bệnh khô vằn (trên lúa, ngô) lúc mới xuất hiện.

+ Để kích thích cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tránh nghẹn đòng khi trổ, dùng Dekamon 22.43L (6ml/bình 16 lít nước), phun lên lá, bông 10-15 ngày sau sạ, 40-45 ngày sau sạ và sau khi trổ đều.

Cây rau:

+ Sử dụng Foliar Blend (50ml/16 lít nước) để cung cấp dinh dưỡng vi lượng dễ hấp thụ cho cây trồng.

+ Sử dụng Gekko 20SC với hoạt chất Amisulbrom 200g/l, liều dùng 12-20ml/bình 16 lít nước để phòng trừ bệnh sương mai, giả sương mai trên dưa leo, cà chua.

Cây ngô (bắp):

+ Sử dụng Maxer 660SC (1,25 – 2,5 lít/ha) trừ cỏ giai đoạn 7-20 ngày với ruộng ngô (bắp) biến đổi gen.

Cây tiêu:

+ Đối với bệnh chết nhanh, chết chậm trên tiêu, khuyến cáo phòng bệnh định kỳ. Kết hợp phun phủ trụ Manozeb 80WP (1kg/phuy 200 lít nước) + Bonny 4SL (250ml/phuy 200 lít nước), phun 4-6 lít nước/gốc và kết hợp rải Wellof 3GR (20-25g/gốc) trừ rệp sáp gốc và rễ.

+ Để trừ tốt nấm Phytophthora (nguyên nhân gây ra bệnh chết nhanh cây tiêu), dùng Gekko 20SC – Chứa hoạt chất Amisulbrom (sử dụng 200ml thuốc/200 lít nước), tưới 4-6 lít/gốc để tiêu diệt mầm bệnh.

Cà phê:

+ Phòng bệnh thán thư (khô cành, quả) sử dụng Manozeb 80WP (80g/bình 16 lít nước) kết hợp Aviso (20ml/bình 16 lít nước) để phòng và trị bệnh.

Nguồn: Cục BVTV được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Chuyện lạ: Mạ non đắt như tôm tươi, dân xứ Nghệ kiếm tiền triệu/ngày

Tại Nghệ An, rất ít khi mạ non trở thành món hàng. Nhưng vụ xuân năm nay, nhiều diện tích gieo, cấy bị chết rét, một số hộ đã tỉa thưa mạ để bán, kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Đắt như tôm tươi

Trước tết, bà Lê Thị Minh ở xóm 2, xã Hòa Sơn (huyện Đô Lương) gieo 7 sào lúa Thiên ưu 8. Do gặp rét, 2 sào lúa (500m2/sào) chết hết nên bà phải đi các huyện lân cận để tìm mạ về cấy lại.

“Không có nhân lực nên gia đình tôi phải gieo thẳng. Không ngờ gặp rét, mạ non chết mất 2 sào. Đi một số nơi, họ cho mình vào tỉa thưa rồi lấy mạ, nhiều nơi họ tỉa sẵn, bán 8 – 10 nghìn/nắm nhỏ. Biết đắt nhưng chẳng lẽ bỏ hoang ruộng đành phải mua về cấy khép kín diện tích. Mà cũng có mua được cùng loại mạ đâu, nơi thì mua được giống Thái Xuyên 111, nơi thì Khang dân 18… Chẳng biết khi trỗ có cùng thời điểm hay không?”, bà Minh lo lắng.

Cũng theo bà Minh, tại xã Hòa Sơn, người dân phải xuống các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, ra Yên Thành để mua mạ về cấy. Cả làng sáng sáng kéo nhau đi mua mạ. Có những gia đình gần như mạ bị chết sạch.

Theo tính toán của nông dân, mỗi nắm mạ mua với giá 8 – 10 nghìn đồng, mỗi sào 500m2 cần khoảng 100 nắm mạ mới đủ cấy. Như vậy, tính ra mỗi sào bị hỏng, nếu không thể tự túc mạ, nông dân phải cay đắng bỏ thêm khoản tiền 800.000 – 1 triệu đồng.

Theo quan sát, Quốc lộ 46 đoạn đi qua huyện Thanh Chương, QL 7 đi qua huyện Yên Thành, mạ được bày bán cùng với rau quả bên lề đường, người đến hỏi mua tấp nập. Người bán ra giá bao nhiêu người mua không cần đắn đo, sợ người khác mua mất nên trả tiền tươi lấy liền.

Chúng tôi gặp vợ chồng ông Lê Thế Dũng ở xóm 7, xã Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương) trên cánh đồng sát QL 46. Vụ xuân năm nay, ông Dũng gieo 4 sào lúa Thái Xuyên 111. May mắn sau khi gieo, mạ nảy mầm tốt, đủ nước nên phát triển nhanh. Chỉ qua một ngày tỉa thưa, vợ chồng ông đã bán được hơn 1 triệu đồng.

“Tôi gieo 4 sào lúa Thái Xuyên 111. Theo hướng dẫn thì chỉ gieo 1,8kg/sào nhưng tôi gieo 2kg/sào. Nay lúa phát triển tốt, dày quá, hai vợ chồng tỉa thưa mới 2 sào mà đã bán được hơn 1 triệu đồng. Cứ vừa đưa lên bờ là đã có người đến hỏi mua. Nhiều người chạy xe dọc đường sáng đến tối để gom mạ về cấy. Có nhà bán được hơn 2 triệu tiền mạ rồi. Ở đây có nhiều nhà gieo thẳng cũng bị chết hết nhưng một số chủ động chuẩn bị mạ san nên không phải đi mua. Người mua có cả Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn…”, ông Dũng cho biết.

Trên 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng bởi giá rét

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An, tính đến ngày 20/2/2018, toàn tỉnh đã gieo, cấy được 88.438,9ha lúa/kế hoạch 90.000ha, đạt 98,3%, trong đó có 63.302,9ha lúa cấy. Dù ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo không gieo thẳng nhưng vẫn có 25.136ha được gieo sạ thẳng.

Từ ngày 14/2 đến nay thời tiết ấm nên diện tích lúa đã gieo cấy phát triển bình thường, sâu bệnh chưa có đối tượng nào gây hại đến mức phải phòng trừ. Tại một số huyện, sau vài trận mưa đầu xuân, ốc bươu vàng cũng đã xuất hiện với mật độ thưa gây hại lúa xuân.

Tuy nhiên, bước vào sản xuất vụ xuân 2018, Nghệ An gặp thời tiết bất lợi, rét đậm rét hại xảy ra liên tục. Đặc biệt là trong thời gian gieo cấy lúa, nền nhiệt độ thấp có thời điểm dưới 10 độ C ảnh hưởng không nhỏ đến trồng trọt. Bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương, nông dân vẫn ra đồng gieo cấy. Một số diện tích mạ gieo, lúa mới cấy bị chết khiến nông dân rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt – BVTV Nghệ An, những đợt rét liên tiếp trước tết đã khiến 1.026 ha lúa xuân bị ảnh hưởng. Trong đó có gần 300ha bị chết trên 70%.

Trước diễn biến thời tiết bất thường, Chi cục đã ban hành 3 văn bản về hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng vụ xuân 2018 trong dịp tết.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Các tỉnh phía Bắc còn hơn 300.000 ha chưa gieo cấy

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), kế hoạch vụ đông xuân 2017- 2018, đến nay, diện tích gieo cấy toàn vùng 772 nghìn ha (67.8%).

Nông dân Bắc Giang xuống đồng cấy lúa

Tổng diện tích chưa gieo cấy các tỉnh phía Bắc (gồm các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, ĐBSH và Trung du, miền núi phía Bắc) đến 21/2/2018 khoảng 367.000 ha chưa gieo cấy.

Tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, tổng diện tích gieo cấy khoảng 337.000 ha trong tổng số 541.000ha kế hoạch (tương đương 62,2%), diện tích chưa gieo cấy khoảng 204.000ha. Dự kiến các địa phương kết thúc gieo cấy trong tháng 2.

Còn tại các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc, diện tích gieo cấy đạt 105.000ha trong tổng số 24.000 héc ta kế hoạch (42%), do thời gian qua thời tiết rét đậm, rét hại các địa phương không gieo cấy được; một số địa phương có diện tích gieo cấy nhờ nước trời nên gieo cấy muộn (diện tích chưa gieo cấy 144.000 ha).

Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, tiến độ gieo cấy năm nay bị chậm so với mọi năm. Nguyên nhân là do trước Tết nguyên đán xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ hạ xuống dưới 15oC, Bộ NN-PTNT chỉ đạo các địa phương tạm ngừng gieo cấy. Rất may là sau ngày 23 tháng Chạp, thời tiết ấm dần, nhiệt độ trung bình khoảng 16 – 17oC, bà con xuống đồng tổ chức gieo cấy.

Ông Trần Xuân Định lưu ý, các địa phương cần khẩn trương làm đất gieo cấy nhanh diện tích lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất; kết thúc cấy trong tháng 2, chậm nhất ngày 5/3. Đồng thời cần bón lót sâu, bón trước lúc bừa chan phẳng ruộng; để lắng bùn mới cấy.

Quan điểm là mạ chờ ruộng; sử dụng phân NPK phức hợp hoặc hỗn hợp chuyên lót. Đồng thời phải giữ nước đều trên ruộng và tích nước ở hệ thống kênh mương phục vụ tưới dưỡng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau Xà Lách cho năng suất bội thu

Rau xà lách là loại cây thân thảo. Rau xà lách có nhiều loại như: xà lách mỡ, xà lách xoăn lá lớn, xà lách lô tô xanh, xà lách lô tô tím… Trong đó, loại rau xà lách mỡ với ưu điểm dễ trồng, không cần chăm sóc nhiều, tốn ít chi phí và cho năng suất thu hoạch cao.

Rau xà lách thích hợp với chu kỳ ngày dài. Từ lúc gieo hạt cho đến lúc cho thu hoạch trong khoảng từ 60 – 65 ngày.

Thời vụ gieo trồng rau xà lách

Rau xà lách có thể trồng quanh năm và tốt nhất trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm nay cho đến tháng 4 sang năm đối với loại xà lách trứng và từ tháng 7 đến thoáng 2 đối với loại xà lách li. Nếu gieo từ tháng 3-4 có thể ăn vào mùa hè.

Xử lý hạt giống trước khi gieo trồng

Sử dụng một số giống có năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt như xà lách dún, xà lách búp Mineto…

Xử lý hạt giống tr­ước khi gieo bằng Rorval, Aliette, Benlat C, Viben C. Lư­ợng giống gieo trồng (sau đó nhổ cấy lại) cho 500m2: 300g (600 g/1.000 m2). Sau khi gieo, phủ một lớp đất mỏng đã trộn phân chuồng hoai, phủ một lớp rơm mỏng. Mùa khô cần t­ới đủ ẩm.

Phư­ơng pháp tốt nhất: Xử lý hạt giống bằng chế phẩm Comcat (C.ty Lúa Vàng) sau đó gieo trên khay xốp hoặc khay nhựa, đặt trong vườn ­ươm, chăm bón khi cây đạt tiêu chuẩn cây giống thì chuyển qua ruộng sản xuất.

Chuẩn bị đất trồng rau xà lách

Có thể trồng cải trên nhiều loại đất khác nhau, chủ động t­ưới tiêu. Đất cần đ­ược cày xới, phơi ải 10 ngày- 15 ngày trước khi lên liếp.

Nên xử lý vôi hoặc bột Dolomite, Silibore trư­ớc khi gieo trồng. Lư­ợng bón từ 40kg – 70 kg/ 1.000m2.

Mùa mư­a cần che phủ đất bằng rơm hoặc bạt nilon để hạn chế cỏ dại và rửa trôi phân. Không nên trồng liên tục nhiều vụ rau xà lách trên cùng chân đất (cần luân canh với loại rau có củ hoặc có trái).

Lên luống: cao 15-20cm, rộng 90cm, rãnh 30cm, đất mặt luống phải bằng phẳng, tơi xốp không gồ ghề để dễ phủ bạt nylon và đục lỗ trồng.

Về công đoạn bón lót: Toàn bộ phân chuồng đã ủ hoai mục, bón với l­ượng 500 – 1.000 kg/ 1.000 m2 (hoặc phân hữu cơ chế biến với l­ượng 200kg-500 kg/1000m2). Phân hữu cơ + 50kg phân lân nội địa (lân nung chảy hoặc lân super) trộn đều và bón lót tr­ước khi trang bằng mạt luống.

Phủ bạt: Dùng bạt kích cỡ 90cm, kéo căng, dùng ghim tre ghim thật chặt, hoặc đắp đất cố định bạt.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau xà lách

Về mật độ, khoảng cách trồng thích hợp cho xà lách: Cây cách nhau khoảng 15-20cm; hàng cách hàng khoảng 15-20cm. Mật độ 16.000-17.000cây/ 500m2 (32.000 – 34.000 cây/1 .000 m2).

Khi cây có từ 2 – 3 lá thật, đem ra cấy, nên cấy vào lúc chiều mát. Cấy xong phun n­ước để cây chặt gốc.

Lưu ý: L­ượng cây cần dự trữ khoảng 10% với cây nhổ để cấy lại & và dự trữ khoảng 2 % với cây trồng trong khay để trồng dặm nhằm bảo đảm mật độ.

Trồng dặm: Tiến hành kiểm tra và trồng dặm ngay sau trồng khoảng 2-3ngày cho những cây chết, bị bệnh. Dặm vào lúc chiều mát, dặm xong phải t­ới n­ước ngay.

Kỹ thuật bón phân

Tổng lượng phân cho 1000m2. Phân chuồng ủ hoai 500- 1.000kg (hoặc phân hữu cơ chế biến bón với lư­ợng = 200kg-500kg/1.000 m2); Lân nội địa: 50kg; Ure:12kg; Kali: 12kg; Bánh dầu (nếu có): 30kg.

Bón lót: Toàn bộ phân chuồng hoặc phân hữu cơ 100 % phân lân, Bánh dầu 3kg Ure và 3kg Kali.

Bón thúc:

Lần l: (khi cây có 2 – 3 lá thật): Bón phân ure với l­ượng 3,0 kg

Lần 2: 15 ngày sau gieo (NSG): 3kg ure pha với n­ước t­ưới đều

Lần 3 : (20-25NSG): pha loãng 3,0 kg Ure +3kg Ka li tư­ới đều

Chú ý: Tùy tình hình sinh tr­ưởng của cây có thể tăng hoặc giảm l­ượng phân cho phù hợp và sử dụng thêm phân bón lá NPK(30- 10- 10). Riêng lần thúc 3 thì xịt phân bón lá NPK(12-0-40+ 3ca) hoặc loại NPK(20-20-20).

Tuyệt đối ng­ưng sử dụng phân bón tr­ước khi thu hoạch 8-10 ngày

Biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho rau xà lách

Sâu hại chính trên nhóm cây xà lách chủ yếu là sâu xanh, sâu khoang, sâu tơ, sâu xanh da láng. Với những loại sâu này nên sử dụng thuốc trừ sâu vi sinh phòng trị như BT, VI-BT, Dipel, Delfin, Amectin, Acmenovate;Thiamectin, Centari . . .

Bệnh hại chủ yếu là chết cây con, thối nhũn, đốm vòng nên sử dụng Aliette, COC85, Ridomil, Monceren, Validacine, Physan, Norshel phun phòng trị. Chú ý quan sát sớm. Liều l­ượng phun có ghi trên bao bì sản phẩm, chú ý ngừng phun thuốc tr­ước khi thu hoạch 8 – 10 ngày.

Kỹ thuật thu hoạch và bảo quản

Thu hoạch: Sau khi cấy ra ruộng trồng từ 35-40 ngày có thể thu hoạch, không để quá già làm giảm chất l­ượng sản phẩm, khi thu dùng dao cắt sát gốc.

Bảo quản: Bảo quản cẩn thận, tránh để sản phẩm bị dập nát và bụi bặm bám vào, nên đóng gói tr­ước khi vận chuyển; phải đảm bảo tư­ơi, sạch khi đ­ưa ra tiêu thụ.

Lưu ý: Sau trồng 1 – 2 lứa rau, cần bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây bằng phân hữu cơ vi sinh với lượng 350-400 g/m2 hoặc 80-100 g/ khay kích thước 40x 60cm. Đất trồng tiến hành xới xáo lại và phơi khô trong 2-3 nắng để diệt nấm bệnh sâu hại.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Chi 3 tỷ đồng phát triển 2.000 m2 Xà Lách thủy canh

Để có đủ 3 tỷ đồng vốn đầu tư trồng rau thủy canh công nghệ cao, chị Nguyễn Thị Hoàn không ngần ngại thế chấp nhà cửa, tài sản, đồng thời vay mượn thêm bạn bè và người thân.

Khởi nghiệp từ năm 2012, chị Nguyễn Thị Hoàn – chủ Công ty cổ phần đầu tư Song Hành ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh thu được thành công bước đầu với sản phẩm rau an toàn như rau ăn lá các loại, rau mầm, rau củ, dưa lưới… Khi sản lượng tiêu thụ của cơ sở ngày một tăng, chị bắt đầu thử nghiệm trồng xà lách thủy canh với mục đích đa dạng hóa sản phẩm rau củ quả của cơ sở, đồng thời gia tăng giá trị kinh tế.

Xà lách tại cơ sở của chị Hoàn phát triển đồng đều. Ảnh: Rau sạch Song Hành.
Ban đầu, dù trồng thử nghiệm xà lách thủy canh trên một diện tích nhỏ nhưng chị Hoàn thu được kết quả khá khả quan. Từ đây, chị dự tính đầu tư thêm 2.000 m2 trồng các loại xà lách theo mô hình thủy canh. Tuy nhiên, để hoàn thiện hệ thống của cơ sở, khoản chi phí ban đầu bỏ ra khá lớn.

Theo tính toán của chị Hoàn thời điểm đó, với 1.000 m2 nhà trại, chị cần 1,2 đến 1,5 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, trong đó có cả trang thiết bị ngoại nhập. Do vậy, muốn mở rộng diện tích 2.000 m2 trồng rau thủy canh, chị cần tới 3 tỷ đồng tiền vốn đầu tư. “Không có vốn, không thể đầu tư công nghệ, không thể áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, vậy chúng tôi chẳng khác gì những người làm nông truyền thống trên những thửa ruộng cũ như trước đây”, chị Hoàn chia sẻ.

3 tỷ đồng là khoản chi phí lớn đối với một cơ sở sản xuất còn non trẻ và vốn chưa dày. Chị Hoàn tính tới chuyện vay ngân hàng để tiếp tục hiện thực hóa mô hình xà lách thủy canh. Tuy nhiên, dù “gõ cửa” nhiều ngân hàng nhưng chị đều thất bại vì không có tài sản thế chấp để vay số tiền lớn như thế. Đề xuất vay vốn của chị với gói tín dụng 50.000 tỷ của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ưu tiên cho phát triển nông nghiệp sạch cũng không gặp may mắn. Lý do là phần diện tích một ha làm trang trại rau an toàn mà chị định thế chấp là đất thuê 50 năm của địa phương; 20 ha còn lại lại là đất thuê của dân.

Theo chị Hoàn, muốn phát triển nông nghiệp hiện đại, người nông dân phải có vốn để đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ sản xuất. Ảnh: Rau sạch Song Hành.
Bước đầu gặp khó nhưng chị Hoàn vẫn không nản lòng. Sau khi bị các ngân hàng từ chối, chị xoay vốn bằng cách thế chấp nhà cửa và tài sản để vay mượn ngoài, đồng thời huy động thêm tài chính từ người thân, bạn bè. Có tiền trong tay, chị đầu tư mua sắm thiết bị cho vườn trại, trong đó, một số phải nhập từ Thái Lan. Hạt giống của các loại xà lách được chị mua từ một địa chỉ tin cậy tại Hà Nội.

Với mô hình này, toàn bộ xà lách được trồng trên giàn, với nguồn dinh dưỡng được chuyển trực tiếp qua nguồn nước. Theo chị Hoàn, so với các phương pháp canh tác khác, rau trồng thủy canh sẽ giảm sâu bệnh, nguồn dinh dưỡng cung cấp cho rau cũng được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, do không sử dụng bất kỳ loại phân hóa học nào trong quá trình trồng nên rau thành phẩm luôn được đảm bảo an toàn.

Trồng 2.000 m2 xà lách thủy canh vào cuối năm 2016, dự kiến vào giữa tháng 3 năm nay, cơ sở sẽ tiến hành thu hoạch lứa rau thủy canh đầu tiên. Theo tính toán, sản lượng có thể đạt tới một tạ xà lách các loại mỗi ngày.

Hiện tại, trang thiết bị của vườn thủy canh đã được đầu tư đầy đủ, bài bản. Do vậy, thời gian tới, cơ sở cần sát sao hơn trong việc chọn hạt giống và vận hành đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo sản lượng đề ra.

Chị Hoàn cho biết, chị may mắn vì nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ về vốn của người thân, bạn bè để có được trang trại ngày hôm nay. Theo chị, vốn đầu tư cũng là một bài toán nan giải, cản trở không ít ước mơ của người dân giữa bối cảnh nông nghiệp đòi hỏi công nghệ cao.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Làm giàu từ cây Kiệu trên đất nhiễm phèn

Hơn 20 năm chinh phục vùng đất nhiễm phèn ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp), ông Phạm Hoàng Bộ – ngụ ấp K10 (xã Phú Hiệp) – đang sở hữu hơn 6ha đất chuyên trồng kiệu, thu nhập hơn 1 tỉ đồng/năm…

Bà con thu hoạch kiệu được trồng trên đất nhiễm phèn

Ông Hộ thừa hưởng của cha mẹ hơn 1ha đất chuyên trồng lúa. Tuy nhiên, vùng đất này năng suất lúa không ổn định, giá bán lại bấp bênh. Tìm hướng đi mới, ông Bộ đã từng bước chuyển dần đất trồng lúa sang trồng kiệu. Bước đầu, trồng kiệu gặp nhiều khó khăn do ông Hộ chưa nắm vững kỹ thuật trồng, mùa vụ; lại phát sinh sâu bệnh nên thua lỗ. “Phú Hiệp được ví như “thủ phủ” của cây kiệu, nhưng không phải ai cũng có thể trồng kiệu thành công vì phụ thuộc nhiều yếu tố: Giá cả, tình hình sâu bệnh, năng suất…” – ông Bộ cho biết.

Theo ông Bộ, nếu trồng kiệu đạt năng suất cao, bình quân mỗi công có thể thu lợi nhuận 40 – 50 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu không nắm vững kỹ thuật và phòng trừ sâu, bệnh chưa tốt, bệnh cháy lá, sâu dòi tấn công sẽ tốn nhiều chi phí đầu tư, lợi nhuận giảm, có thể bị thua lỗ… Để trồng kiệu thành công, ông Bộ đã phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Khi đã thành công, mỗi năm ông Bộ cung cấp cho thị trường hơn 250 tấn kiệu các loại, thu về hơn 1 tỉ đồng/năm; giải quyết công việc thường xuyên (thu nhập 3 – 4 triệu đồng/tháng) cho 50 lao động và hơn 200 lao động thời vụ… Ông Bộ còn canh tác hơn 20 công lúa chất lượng cao, mỗi vụ lợi nhuận 20 – 30 triệu đồng…

Ông Nguyễn Đờ Lát – Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Hiệp – nhận xét, ông Bộ là một nông dân tiêu biểu và tiên phong trong phong trào “Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi” của xã, huyện. Ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, đóng góp đáng kể vào phong trào của các cấp hội nông dân và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện (nói chung), xã Phú Hiệp (nói riêng). Ông cũng là nông dân đã nhiều lần được tuyên dương, khen thưởng cấp huyện, tỉnh; gần đây nhất là bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp về thành tích “Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi” cấp tỉnh (giai đoạn 2014 – 2016).

Nguồn: Laodong.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Người nông dân trồng Kiệu vui mừng vì trúng mùa, được giá

Từ cuối tháng 11 âm lịch, người trồng kiệu ở Khánh Hòa bắt đầu bước vào vụ thu hoạch để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán.

Người dân Khánh Hòa hồ hởi thu hoạch Kiệu

Năm nay, nhiều hộ canh tác loại cây này vô cùng phấn khởi vì kiệu vừa được mùa lại được cả giá.

Tìm đến những cánh đồng trồng kiệu ở các huyện Cam Lâm, TP Cam Ranh chúng tôi chứng kiến một không khí vô cùng nhộn nhịp. Hàng chục người dân tay thoăn thoắt trên những luống kiệu để thu hoạch kịp giờ cho thương lái đưa lên xe chở về các tỉnh phía Nam tiêu thụ.

Tiếp chuyện chúng tôi, nông dân Trần Văn Thanh cho biết, năm nay gia đình ông bắt đầu xuống giống cây kiệu từ đầu tháng 6 âm lịch trên diện tích gần 1ha. Kiệu phát triển tốt nên cách đây gần 10 ngày, ông Thanh bắt đầu xuất bán dần. Dự tính, đến gần giữa tháng chạp, toàn bộ ruộng kiệu của gia đình sẽ thu hoạch xong.

“Năm nay thời tiết thuận lợi nên năng suất kiệu cao, hàng lại khan hiếm nên bán rất được giá. Tính trung bình, nếu như năm ngoái mỗi sào kiệu bán được từ 25 – 28 triệu thì năm nay lên tới 32 – 35 triệu đồng/sào. Với diện tích trồng kiệu nhà tôi, sau khi trừ các chi phí và nhân công thì vụ này cũng có lãi gần trăm triệu”, ông Thanh hồ hởi.

Tại TP Cam Ranh, người dân xuống giống muộn hơn nên các ruộng kiệu trên địa bàn mới lác đác vài hộ thu hoạch. Mặc dù vậy, qua tìm hiểu của chúng tôi thì hầu hết các ruộng kiệu đã được thương lái tìm đến và mua kiệu non vì sợ vào thời điểm giáp tết sẽ không có nguồn hàng.

Theo bà Nhung, một thương lái thu mua kiệu thì năm nay nhìn chung các vùng trồng kiệu trên địa bàn Khánh Hòa đều được mùa. Cây kiệu gặp thời tiết thuận lợi nên phát triển tốt, cho củ to, chắc, ít có hiện tượng hư thối.

“Chúng tôi thường thu mua kiệu bắt đầu từ cuối tháng 11 đến ngày 25 tháng chạp và chủ yếu tiêu thụ trên thị trường TP Hồ Chí Minh. Hiện mỗi ngày tôi thu mua được từ 3 – 4 tấn kiệu, so với năm ngoái thì ít hơn nhưng giá lại cao bởi năm nay hàng chất lượng tương đối tốt”, bà Nhung nói.

Đánh giá về mặt hàng kiệu tết năm nay, ông Ngô Văn Nhẹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Nam (TP Cam Ranh) – địa phương có diện tích trồng kiệu lớn nhất Khánh Hòa cho rằng, chưa bao giờ, kiệu lại được mùa, được giá như thế. Một mặt là do thời tiết thuận lợi, mặt nữa là do diện tích trồng kiệu những năm gần đây giảm dần nên hiếm hàng.

Cũng theo ông Nhẹ, các năm trước vì giá cả bấp bênh, nhân công cao nguồn giống khan hiếm nên người dân không mặn mà với cây kiệu và chuyển một diện tích lớn sang trồng các loại cây khác. Chỉ tính riêng trên địa bàn Cam Thành Nam, so với trước đây thì diện tích trồng kiệu chỉ còn 1/6 (còn khoảng trên 10ha).

Giá thu mua kiệu tăng lên từ 3 – 5 triệu đồng/sào so với những năm trước

“Năm nay thấy cây kiệu mang lại hiệu quả chắc chắn người dân sẽ tăng diện tích trồng trở lại. Do đó chúng tôi cũng khuyến cáo bà con là nên trồng ở những diện tích phù hợp với cây kiệu, không nên mở rộng ồ ạt. Ngoài ra, về hiệu quả kinh tế thì bà con chủ động nhận thức và xác định nên trồng hay không. Hội Nông dân sẽ hỗ trợ nguồn vốn vay và hướng dẫn bà con sử dụng các loại thuốc BVTV phòng ngừa sâu bệnh, dịch hại”, ông Nhẹ nói.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.