Mô hình trồng sả trắng xuất khẩu ở Mỹ An (An Giang)

Sau nhiều năm đê bao khép kín, đất sản xuất của xã Mỹ An (huyện Chợ Mới – An Giang) bắt đầu có dấu hiệu bạc màu. Trong lúc chờ địa phương tìm hướng giải quyết, người dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mô hình trồng sả, vừa cho thu nhập khá, vừa tốn ít công chăm sóc trên diện tích đất bạc màu.

Ông Trần Văn Tuồn, một trong những nông dân đầu tiên ở địa phương, vừa thu hoạch 5,5 công đất trồng sả cho biết: “Tui vừa bán 5 công rưỡi sả, sản lượng 3 tấn/công với giá bao tiêu 4.500 đồng/kg theo đúng hợp đồng bao tiêu với Công ty Sông Ngân (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, P.V). Trừ hết chi phí, vụ sả vừa qua gia đình thu về khoảng 90 triệu đồng”. Đây là vụ đầu tiên, bà con ở xã Mỹ An chuyển đổi trồng cây sả trắng xuất khẩu.

Nhận thấy hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng gia đình ông Tuồn (thành viên Câu lạc bộ Bắp nù xanh) đã mạnh dạn đăng ký trở thành điểm sản xuất mẫu cho bà con trong xã làm theo. Anh Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết thêm: “Trước đây, chúng tôi đã nhiều lần xuống các xã lân cận như Hội An, Hòa Bình, Hòa An gom sả về bán lại cho phía Công ty Sông Ngân nên phần nào thấy được hiệu quả của cây sả. Bên cạnh đó, thấy được mô hình chuyển đổi từ các loại rau màu khác sang cây sả của ông Tuồn đạt hiệu quả, nên lãnh đạo câu lạc bộ bàn nhau thuê vài công đất trồng thí điểm. Đến nay diện tích trồng phát triển rất tốt. Dự kiến, qua Tết Nguyên đán sẽ thu hoạch với giá bao tiêu ngay từ đầu vụ là 6.000 đồng/kg”. Dẫn chúng tôi đi thăm diện tích đất thuê trồng sả thử nghiệm tại khu vực thị trấn Mỹ Luông (Chợ Mới). Hai công sả chuẩn bị thu hoạch phát triển rất tốt. Bụi to, cây khỏe. Anh Bình cho hay: “Cây sả được lợi thế phát triển tốt ngay trên diện tích đất bạc màu. Hầu như đất cả vùng này bắt đầu có dấu hiệu cằn cỗi trở lại do đã nhiều năm đê bao chưa xả lũ. Do vậy, trồng những loại cây khác tốn nhiều chi phí phân thuốc, nhất là nước tưới mà hiệu quả bấp bênh. Với cây sả này, đầu ra ổn định do đã có hợp đồng bao tiêu ký kết đàng hoàng mà những chi phí chăm sóc, bệnh (chủ yếu bệnh rệp sáp, P.V) rất ít xảy ra”. Về tiêu chuẩn cây sả, theo bà con ở đây, sả đúng chuẩn đạt cao 5 tấc (từ củ đến thân), độ mập củ đạt từ 2 đến 3 phân trở lên.

Còn tại gia đình ông Lê Phước Thạnh (ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An) có 5 công sả đang phát triển rất tốt cho biết: “Trồng sả trắng ngoài cái lợi về phát triển tốt trên đất bạc màu, không cần lên liếp còn có cái lợi khác là trồng xen những loại cây khác, nhất là cây đậu. Do sả là cây sinh trưởng dài ngày, trung bình khoảng từ 5 đến 6 tháng mới cho thu hoạch, nên trồng xen cây đậu 2,5 tháng rất thích hợp”. Trên diện tích 5 công sả, gia đình ông Thạnh trồng xen cây đậu xanh. Hiện cây đậu xanh vừa mới thu hoạch với lợi nhuận gần 5 triệu đồng/công đậu mà cây sả vẫn phát triển khá. Tết này gia đình ông có thêm trên 20 triệu đồng ăn Tết từ diện tích trồng sả bao tiêu.

Anh Trần Thanh Bình chủ nhiệm Câu lạc bộ Bắp nù xanh giới thiệu ruộng sả trồng thử nghiệm.

Anh Võ Ngọc Phi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ An (Chợ Mới) đánh giá: “Việc bà con chuyển đổi sang mô hình trồng sả ở địa phương thời gian gần đây cho thấy tín hiệu vui. Do đặc điểm thổ nhưỡng và điều kiện canh tác hiện nay đang gặp khó nên việc bà con chủ động chuyển đôi giống cây trồng và nhất là tự tìm đơn vị đối tác bao tiêu sản phẩm là cách làm ăn mới, theo đúng xu thế phát triển. Góc độ địa phương, chúng tôi hoan nghênh và tạo điều kiện về mặt chủ trương và chứng thực cho các hợp đồng giữa công ty và bà con”. Còn phía Công ty Sông Ngân, ông Nguyễn Hùng Sinh, đại diện công ty tại An Giang nói: “Trước đây chúng tôi đã có quan hệ làm ăn với bà con với việc liên kết bao tiêu cây bắp nù (giống bắp truyền thống địa phương, P.V) nên việc chuyển sang bao tiêu cây sả trắng cũng rất dễ. Một điểm khác là thổ nhưỡng ở khu vực này giúp cây sả có độ tinh đầu rất tốt, cây khỏe, đẹp nên rất dễ tiêu thụ. Mặt khác, hiện phía đối tác xuất khẩu rất cần mặt hàng sả trắng nên chúng tôi mạnh dạn thu gom và liên kết trồng, bao tiêu đầu ra theo đúng giá thị trường thời điểm thu hoạch. Nếu có điều kiện, chúng tôi dự tính mở rộng với hợp đồng bao tiêu đầy đủ lên vài chục thậm chí khoảng 100 héc-ta diện tích trồng sả trắng”.

Tuy mô hình trồng sả trắng ở Mỹ An chỉ mới dừng ở giai đoạn thử nghiệm, bước đầu thành công đã mở ra hướng đi đúng và phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Nguồn: Việt Linh được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình trồng Sả lấy tinh dầu tại huyện Ea Súp

Những năm gần đây, một số hộ dân tại xã Ya Tờ Mốt huyện Ea Súp đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sả lấy tinh dầu trên diện tích đất cằn cỗi, khó canh tác các giống cây trồng khác, từ đó mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần làm đổi thay đời sống của người dân nơi đây.

Điển hình trong việc trồng sả lấy tinh dầu là tấm gương của 2 chị Hà Thị Khăm thôn 11 và Vy Thị Mai thôn 12, những người phụ nữ dân tộc thái dám nghĩ dám làm.

Gia đình chị Hà Thị Khăm thôn 11 xã Ya Tờ Mốt huyện Ea Súp

Theo chân chị Dương Thị Ngọc CT hội phụ nữ xã đến thăm gia đình chị Vy Thị Mai tại thôn 12, tiếp chúng tôi trong căn nhà cũ bên cạnh căn nhà đang xây mới, tươi cười chị cho biết để xây được căn nhà mới bên cạnh một phần là từ thành công của việc trồng sả lấy tinh dầu. Chị cho biết thêm cơ duyên để đến với việc trồng sả lấy tinh dầu là do một lần xem trên truyền hình có chương trình làm giàu từ trồng sả lấy tinh dầu tại Tuyên Quang, với suy nghĩ dám nghĩ dám làm để thành công chị mò mẫm tìm hiểu biết được tại xã Ea Tir huyện Ea Hleo cũng có mô hình trồng sả mang lại hiệu quả cao về kinh tế. Giữa năm 2015, chị cất công sang huyện Ea Hleo học hỏi kinh nghiệm rồi trở về mua đầu tư 15 triệu tiền giống trồng sả trên 5 sào đất của nhà, chị nói thêm sả rất dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén đất, ít sâu bệnh, hợp với khí hậu thổ nhưỡng của huyện Ea Súp. Đến khoảng tháng 8 năm 2016 chị gom góp tiền cùng chị Hà Thị Khăm mua lò nấu tinh dầu sả về xây dựng sau nhà hết 150 triệu đồng, sau đó 2 tháng sau chị cho nấu nồi hấp sả lấy tinh dầu đầu tiên thu được 8 mẻ, mỗi mẻ cho thu từ 8 đến 10 lít tinh dầu. Theo giá thị trường mỗi lít chị bán từ 250 đến 300 ngàn đồng được các đầu mối tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đến thu mua tại nhà và bán cho người dân địa phương cũng như trên địa bàn huyện.

Quy trình Chiết xuất lấy tinh dầu sả 

Được chị Mai ra dẫn ra sau nhà thăm khu đất nơi đặt lò nấu tinh dầu sả của gia đình, tại đây chúng tôi được gặp chị Hà Thị Khăm đang cùng người thân trong gia đình vác những bó sả vào nấu để lấy tinh dầu, chị Khăm tươi cười cho biết gia đình đang đưa những bó sả cuối cùng vào nồi hấp, chị chia sẻ thêm cho chúng tôi biết nồi hấp tinh dầu sả này có thể chứa từ 7 đến 1 tấn lá sả, thời gian nấu một nồi từ 6 đến 8 tiếng. Đồng thời, mỗi năm sả cho cắt lá được từ 6 đến 8 lần, cứ 45 ngày lại đi cắt một lần để về hấp lấy tinh dầu, hiên tại diện tích trồng sả của 2 chị rơi vào khoảng hơn 8ha. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí sản xuất, tính bình quân mô hình trồng sả lấy tinh dầu của 2 gia đình cho thu lợi nhuận từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi năm. Nhìn từ thành công của mô hình trồng sả lấy tinh dầu của 2 chị Vi Thị Mai và Hà Thị Khăm, chị Dương Thị Ngọc CT hội Phụ nữ xã Ya Tờ Mốt cho biết; phía Ban chấp hành hội phụ nữ xã đã có những phương án nhằm nhân rộng mô hình của gia đình hai chị, vận động chị em hội viên của các chi hội trong xã chuyển đổi một phần cơ cấu cây trồng của gia đình sang trồng sả để phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao thu nhập từng bước thay đổi diện mạo nông thôn của địa phương.

Với việc trồng sả lấy tinh dầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể thấy đây là mô hình mang lại nhiều triển vọng cho bà con nông dân trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt nói riêng và toàn huyện nói chung. Vì vậy, trong thời gian tới hi vọng các cấp chính quyền cùng người dân sẽ có những chủ trương, chính sách hỗ trợ nhằm nhân rộng mô hình trồng sả lấy tinh dầu ra toàn huyện, góp phần nâng cao đời sống nhân dân thúc, đẩy kinh tê – xã hội của huyện nhà ngày càng phát triển.

Nguồn: Easup.daklak.gov.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sả

Cây sả được trồng trong nhiều gia đình, nhất là ở phía Nam nước ta, dùng làm gia vị và làm thuốc. Trong cây sả có chứa tinh dầu cho mùi thơm nồng ấm, dễ chịu.

Cây Sả thường dùng chế biến các món thịt chó, làm nước chấm. Luộc ốc cho thêm tí sả sẽ thơm ngon. Sả củ băm nhỏ xào với mắm tôm hoặc nước mắm thành món ăn mặn với cơm, nhất là những ngày là lạnh.

1. Đặc tính thực vật của cây sả

Cây sả là cây thân thảo. Cây cao khoảng 1,0 – 1,5m, sống lâu năm, mọc thành bụi, phân nhánh nhiều. Thân rễ ( gọi là củ) màu trắng hoặc hơi tía, có nhiều đốt ngắn. Các bẹ ôm chặt nhau rất chắc. Lá hẹp, dài giống lá lúa, mép lá hơi nhăn, đầu lá thường uốn cong xuống. Rễ phát triển khỏe và nhiều, ăn sâu trong đất tới 25 – 30cm.

Cụm hoa nhiều bông nhỏ khô cây sả có cuống.

Cây sả đẻ chồi từ nách lá tạo thành bụi như bụi lúa, các cây xung quanh là cây non, còn ở giữa bụi là các cây già. Nhờ thân rễ và chùm rễ phát triển nên cây sả có khả năng chịu hạn rất tốt, trong suốt mùa khô dài 4-5 tháng không tưới nước bụi sả vẫn sống.

2. Cách trồng cây sả

– Làm đất:

Cây sả trồng được trên nhiều loại đất, chỉ cần không bị ngập nước, tuy vậy trên đất tơi xốp nhiều mùn cây phát triển tốt hơn. Nếu trồng ít một vài khóm để dùng trong gia đình thì chỉ cần đào từng hố bón phân lót rồi trồng. Nếu trồng để bán thì đất cần cày bừa kỹ, lên luống cao 20 -25cm, rộng 1,0 – 1,5m để trồng.

– Cách trồng:

Sả trồng bằng nhánh, mỗi hố trồng 1 -2 nhánh non, có đủ phần gốc và rễ, bóc bỏ bẹ lá già, cắt các lá còn lại để dài khoảng 20cm, cắt bớt rễ già. Đặt nhánh sả hơi nghiêng, lấp đất kín gốc rồi dùng tay nén chặt và tưới nước đủ ẩm.

Nếu trồng diện tích rộng thì trên luống rạch 2 hàng dọc luống cách nhau 0,8 – 1,0m. Rải phân xuống rãnh rạch, lấp ít đất rồi trồng. Sau trồng nếu tưới đủ ẩm thì khoảng 10 -15 ngày nhánh sả ra rễ, đâm lá non, bắt đầu chăm sóc và trồng dặm nhánh chết.

– Bón phân:

Phân bón lót cho 1ha từ 15 – 20 tấn phân hữu cơ hoai mục + 200 – 300kg phân lân. Rải phân lót xuống rãnh trồng.

Sau khi trồng 20 -25 ngày, cây bắt đầu sinh trưởng mạnh thì bón phân thúc nhẹ khoảng 100 – 150kg phân đạm cho 1ha, kết hợp xới đất vun gốc nhẹ. Một tháng sau bón thúc lần 2 với lượng phân như trên và vun gốc tiếp.

– Chăm sóc:

Trường hợp đất quá khô cần tưới nước . Thường xuyên nhổ cỏ.

Cây sả ít bị bệnh. Thường thấy là bệnh héo vàng làm thối rễ, chết cây. Dùng các thuốc gốc đồng và Bonomyl phun đẫm vào gốc có thể hạn chế bệnh. Nhổ bỏ các cây bệnh nặng tập trung tiêu hủy. Cá biệt có bệnh cháy lá do nấm, phun các thuốc Viben-C, Carbenzim, Dithan –M.

3. Thu hoạch

Nếu trồng cây sả dùng để ăn thì 3 – 4 tháng có thể tỉa các nhánh to rồi vun gốc cho cây tiếp tục ra nhánh mới. Nếu trồng để chiết lấy dầu thì sau trồng 10 -12 tháng khi cây sả đã già, lượng dầu cao thu hoạch là tốt nhất. Cắt cả lá và bẹ, chừa lại 8 – 10 cm cách mặt đất. Sau đó tưới nước, bón phân cây sẽ tiếp tục đâm chồi. Sau 5 -6 tháng sẽ thu hoạch tiếp, như vậy quanh năm sẽ có nguyên liệu để chưng cất dầu.

Mô hình trồng sả trên cát hứa hẹn mang lại thu nhập cao

Mô hình trồng sả trên cát hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cho người dân đồng thời mở ra hướng mới trong sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.

Từ sau sự cố ô nhiễm môi trường biển vào năm 2016 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất của người dân các xã vùng biển trong tỉnh, việc chuyển đổi sinh kế cho người dân được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Mới đây, Công ty Cổ phần Tổng Công ty thương mại Quảng Trị (Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị) đã triển khai dự án trồng sả xuất khẩu, trước mắt thí điểm tại một số xã vùng cát ven biển thuộc ba huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong. Mô hình trồng sả trên cát hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cho người dân đồng thời mở ra hướng mới trong sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.

Cây sả thích nghi và phát triển tốt trên vùng đất cát ven biển

Cây sả vốn là một loại cây dược liệu quen thuộc được người dân trồng nhiều, thích hợp với mọi loại đất vì dễ sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, đối với người dân các xã như Vĩnh Thái ( Vĩnh Linh), Trung Giang, xã Gio Sơn (Gio Linh), Triệu An (Triệu Phong), đây là lần đầu tiên người dân được hướng dẫn triển khai trồng sả trên đất cát với diện tích tương đối lớn. Từ ý tưởng giúp người dân chuyển đổi sinh kế sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, mới đây Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đã triển khai 4 mô hình trồng sả trên cát ở các xã nói trên, mỗi mô hình 1 ha. Theo đó, mỗi héc ta sả được công ty hỗ trợ toàn bộ giống và 7 tấn phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây sả đạt hiệu quả tốt nhất.

Người dân chỉ đầu tư công trồng, chăm sóc theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn và thu hoạch. Ông Dương Minh Quý, ở thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh chia sẻ: “Người dân trong thôn chủ yếu làm nghề biển, gặp rất nhiều khó khăn sau sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua. Với đặc thù đất cát ở địa phương thì việc trồng các loại cây hoa màu cho năng suất cao cũng rất hạn chế. Nay được hỗ trợ trồng cây sả, người dân rất phấn khởi, cố gắng tích cực chăm sóc thật tốt để cho hiệu quả như yêu cầu”. Cây sả hiện được người dân triển khai trồng trên các vùng đất cát trước đây trồng các loại hoa màu khác kém hiệu quả. Với nhiều ưu điểm như là giống cây ngắn ngày, năng suất cao, dễ trồng, chịu được hạn hán và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nên thời gian qua, dù gặp mưa rét kéo dài nhưng hầu hết diện tích sả trên cát vẫn phát triển tốt.

Qua quá trình trực tiếp theo dõi, chị Nguyễn Thị Hồng, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Thái, Vĩnh Linh cho biết thời điểm trước Tết Nguyên đán có mưa nhiều gây ngập úng nên cây sả có phát triển chậm, tuy nhiên từ sau tết đến nay, thời tiết tạnh ráo, người dân tích cực chăm sóc nên cây đã thích nghi và phát triển tốt, tỏ ra thích hợp với vùng đất cát ở địa phương. Đặc biệt, so với các loại cây hoa màu khác, cây sả sinh trưởng và phát triển tốt ngay cả trên vùng đất cát nhiễm mặn ven biển. Ưu điểm này của cây sả khiến người dân vùng cát tự tin phát triển loại cây trồng mới trên những diện tích đất bị nhiễm mặn tưởng chừng không thể canh tác được bất cứ loại cây trồng nào.

Ngoài ra, đầu ra của cây sả cũng thuận lợi bởi vừa là cây màu thực phẩm vừa là cây dược liệu. Các hộ dân tham gia trồng sả cho dự án của Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị được đơn vị cam kết bao tiêu thu mua sản phẩm sau khi thu hoạch. Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng Công ty thương mại Quảng Trị cho biết: “Theo ước tính của chúng tôi, mỗi héc ta đất cát người dân trồng được 2 vụ, mỗi vụ bình quân thu được 10 tấn thành phẩm, mỗi năm một héc ta cho 20 tấn thành phẩm. Công ty sẽ thu mua với giá khoảng 3 triệu một tấn, như vậy với 20 tấn sả trên một héc ta, người dân sẽ thu về được 60 triệu đồng, chưa kể các phụ phẩm như lá sả có thể bán cho những người có nhu cầu mua về sản xuất tinh dầu sả. Hiện chúng tôi đã ký hợp đồng với một đơn vị đối tác nước ngoài để xuất khẩu, như vậy người dân yên tâm về đầu ra sản phẩm. Về lâu dài, mô hình này thành công sẽ được chúng tôi nhân rộng ra 16 xã vùng biển bãi ngang của các huyện, hi vọng góp phần giải quyết việc làm ,nâng cao thu nhập cho người dân vùng biển”.

Với những điều kiện thuận lợi như hiện nay, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, người dân có thể thu hoạch sản phẩm và có nguồn thu nhập tương đối khá từ trồng sả. Phía Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị cũng thường xuyên cử cán bộ cùng với cán bộ phụ trách nông nghiệp tại các địa phương triển khai dự án kiểm tra, theo dõi tiến độ sinh trưởng và phát triển của cây sả để kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh. Mô hình này thành công sẽ góp phần quan trọng thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác cho người dân vùng ven biển.

Nguồn: Báo Quảng Trị được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cách làm giá đỗ mập bằng tro bếp

Nguyên liệu :

  • 200g đậu xanh.
  • 1 túi tro bếp (loại tro làm từ chấu).
  • 1 cái rổ khoảng 40cm (dùng loại rổ dày, lỗ nhỏ).

Làm giá đỗ bằng tro bếp

Cách làm :

  • Đậu xanh ngâm với nước ấm khoảng 12h (nên ngâm qua đêm) để đậu xanh vừa nhú mầm.
  •  trải 1 lớp tro vào trong rổ, khoảng gần nửa rổ.
  • Tiếp tục  rải lớp đậu xanh đã ngâm lên trên lớp tro.
  • Trải phần tro còn lại lên trên, không nên đổ dày quá. Vì sẽ mất thêm thời gian để xác định giá đỗ đã thu hoạch được chưa.
  • Mỗi ngày tưới nước 1-2 lần, vì tro có độ ẩm khá tốt. Nên để trong tối để giá đỗ không bị biến xanh làm đắng giá.

Như vậy, chỉ cần khoảng 2 ngày là chúng ta đã có một phần giá đỗ ngon, ngọt mà thân giá đỗ mập và khỏe cho gia đình rồi. Lưu ý khi thu hoạch,  bạn nên dùng 1 cái rổ khác để hứng phần tro trấu đó để tiết kiệm dùng cho lần sau. Với cách làm giá đỗ mập bằng tro bếp, chỉ nên dùng cho 2-3 lần trồng để giá đỗ đạt chất lượng tốt nhất.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Cách làm giá đỗ mập bằng cát

Nguyên liệu :

  • Cát ( cát đã qua sàng để loại sỏi đá).
  • 200g đậu xanh.
  • 1 cái chậu nhựa (đường kính 40cm).

Trồng giá đỗ bằng cát

Cách làm :

  • Đậu xanh ngâm với nước ấm (38-40 độ C) khoảng 8-10h.
  • Cát đổ 1 phần vào chậu, sau đó dội nước lên, và gạn nước đi để cát có độ ẩm vừa đủ.
  • Sau đó lấy đậu đã ngâm, đổ lên trên chậu cát và rải đều đậu xung quanh.
  •  tiếp tục lấy cát còn   đổ lên trên lớp đậu xanh. Lưu ý lớp cát trên đổ khoảng 1-2cm thôi nhé. Để đậu xanh nảy mầm và chồi lên trên được.
  •  đem chậu cát vào trong bóng râm. Không để tiếp xúc với nắng hoặc ánh sáng để không làm hỏng giá.
  • Một ngày tưới nước 2 lần vào buổi sáng và chiều. Khi tưới nước xong dùng tay khỏa đều để cát không dồn và để nước thấm xuống lớp đậu.

Như vậy, hai đến 3 ngày sau là sẽ có một rổ giá đỗ mập, sạch, ngon ngọt. Với cách làm giá đỗ mập bằng cát,   có thể tái sử dụng cát trong khoảng 4-5 lần trồng rồi mới nên thay cát mới. Cách này cũng khá tiết kiệm chi phí cho ban và gia đình.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng đậu xanh

Đậu xanh là cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 60-70 ngày. Trồng đậu xanh có ưu điểm tiết kiệm được nguồn nước tưới nên phù hợp với những vùng có nguy cơ bị hạn. Ngoài ra, trồng đậu xanh xen canh hoặc luân canh còn giúp cải tạo tăng độ phì cho đất. Đậu xanh tuy dễ trồng, song để có năng suất, chất lượng cao, nông dân áp dụng một số biện pháp kỹ thuật vào trong trồng và chăm sóc.

Hạt đậu xanh

1/Chọn giống 

– Giống V 87-13: Giống này có chiều cao trung bình từ 50 -60cm, phân cành tốt, khả năng tái tạo bộ lá mạnh, vì vậy, sau khi thu hoạch nếu cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, cây đậu xanh sẽ cho thêm một đợt bông thứ hai với năng suất vào khoảng 50-60% đợt đầu. Giống V87-13 có hạt đóng kín khá đều, tương đối lớn, màu xanh thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng và xuất khẩu. Năng suất trung bình vào khoảng 1,2 tấn/hécta. Đậu xanh tốt có thể đạt 2 tấn/hécta. Khả năng chống chịu đối với bệnh khảm vàng do virus và bệnh đốm lá ở mức trung bình. 

– Giống HL89 E3: Đây là giống có tính thích nghi rộng thích hợp trên nhiều chân đất, hạt đóng khít, dạng hình oval, màu xanh mỡ rất đẹp. Trọng lượng 1.000 hạt khoảng 50 – 53g. Đặc điểm của 2 giống V87-13 và HL89 E3 là hạt không bị chuyển màu nếu gặp mưa trong quá trình thu hái. 

– Giống 91-15: Giống này cây cao trung bình khoảng 60 – 65cm, phơi bông nên rất thuận tiện cho công tác phòng trừ sâu hại, hạt có dạng hình trụ, màu xanh mỡ được người tiêu dùng ưa thích. Tỷ lệ hái đợt đầu vào khoảng 70 – 80%. Giống này chống chịu bệnh khảm vàng và đốm lá ở mức trung bình.

– Giống V94-208: là giống có năng suất cao, trung bình từ 1,4-1,5 tấn/hécta, có những nơi đạt 2,8 tấn/hécta. Đặc điểm nổi bật của giống V94-208 cao 75cm, thân to, lá rộng, quả nằm trên mặt lá, hạt to, hình trụ màu xanh đậm, bóng. Tuy nhiên, loại giống này có nhược điểm hạt đóng không khít trong trái, vì vậy khi gặp điều kiện dinh dưỡng không tốt các hạt sẽ không đều. Đồng thời, hạt đậu V94-208 rất dễ đổi màu khi thu hái gặp trời mưa hoặc phơi không kịp và dễ bị mọt. Khả năng chống chịu bệnh khảm vàng của giống ở mức trung bình – yếu cho nên chỉ gieo trồng trong vụ đông-xuân. 

2/ Làm đất trồng 

– Đất trồng đậu xanh yêu cầu phải làm tơi xốp nên cày bừa kỹ và làm sạch cỏ. Cây đậu xanh không chịu ngập úng, tùy địa thế mà chọn biện pháp làm đất như là đánh luống hoặc tỉa lan. Nhưng nên gieo đậu xanh theo hàng để thuận tiện cho việc chăm sóc. Ở các chân đất không bằng phẳng nên chú ý làm rãnh thoát nước.

3/ Gieo hạt 

– Hạt đậu xanh nảy mầm khỏe nếu đảm bảo được 2 yếu tố nhiệt và ẩm. Để đảm bảo đầy đủ nhiệt cho hạt nảy mầm, nhiều nông dân có tập quán gieo đón mưa. Nếu gặp năm mưa thuận thì năng suất rất cao, nhưng đa số các cơn mưa đầu vụ thất thường, nhiều vụ gieo đi gieo lại 2-3 lần rất tốn kém. Để giảm sự bấp bênh ở khâu gieo hạt, bà con cần chú ý phần dự báo thời tiết trên các phương tiện truyền thông. Đậu xanh có thể gieo sạ theo hàng, gieo hốc. Tùy theo phương thức gieo mà lượng giống thay đổi, thông thường là lượng giống sử dụng ít nhất từ 15-16 kg/hécta. 

4/ Phân bón và chăm sóc 

– Lượng phân bón thích hợp cho 1 hécta đậu xanh trên vùng đất đỏ Đông Nam bộ là 90kg urê, 300kg super lân và 90kg kali và chia làm 3 lần để bón. 

– Lần thứ nhất: Bón toàn bộ lân, 1/3 đạm, 1/3 kali. 

– Lần thứ hai: Bón thúc đợt 1 khi cây được 3 lá thật. Lượng phân bón là 1/3 urê và 1/3 kali. Do đậu xanh có số lá ít, vì vậy nên kết hợp bón thúc đợt 1 với làm cỏ lần đầu 

– Lần thứ 3 sau khi gieo 25 ngày, ta tiến hành bón thúc toàn bộ lượng phân còn lại và kết hợp với làm cỏ, vun gốc.

– Đậu xanh là cây trồng chịu hạn tốt, trồng vào mùa khô chỉ tưới 2-3 lần/tuần. Sử dụng cây tưới phun để tưới cho đậu xanh vừa tiết kiệm nước và tránh bật gốc làm ảnh hưởng đến phát triển sinh trưởng của cây. 

5/ Thu hoạch 

– Đậu xanh trồng được khoảng 45 – 50 ngày bắt đầu cho thu hoạch. Khi thu hoạch chỉ hái những quả chín chuyển màu nâu, nên thu trái vào buổi chiều, tránh thu vào buổi trưa những quả chín khô sẽ bị bung ra làm tỷ lệ hao hụt cao.

– Quả đậu xanh sau khi thu hoạch về đem phơi nắng khoảng 3-4 ngày đập tách lấy hạt làm sạch bụi, phơi tiếp 1-2 ngày và cho vào bao để bảo quản.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Quy trình sản xuất rau sup lơ an toàn

Rau súp lơ là một loại thực phẩm có giá trị kinh tế cao. Để nâng cao giá trị cũng như tăng tính an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật sản xuất rau súp lơ an toàn

1.Giống trồng

Nguồn giống: Sử dụng các giống chất lượng cao được cung ứng từ các Công ty có
uy tín và một số giống địa phương trong nước. Nên sử dụng các giống lai F1 để cây khỏe, hoa đều và năng suất cao.

2. Vườn ươm

Gieo hạt trên luống đất: 

– Đất được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại. Xử lý đất bằng Mocab (20 ml/8 lít) và
Sincosin (30 ml/8 lít) tưới hoặc phun đều trước khi phay đất để hạn chế tuyến trùng. 1ha cải bắp cần 200 – 250 m2 vườn ươm. Lên luống cao 25 – 30 cm, rộng 80 – 100 cm.

– Lượng phân bón lót cho 1 m2 vườn ươm là: 1,5 kg phân chuồng, 150 gam phân
lân super, 100 gam kali.

– Cách bón: Rải phân đều trên mặt luống, đảo đều đất và phân, vét đất ở rãnh phủ
lên mặt luống dày 1,5 – 2,0 cm.

– Lượng hạt cần cho 1 ha là 400 – 600 gam, lượng hạt gieo cho 1 m2 vườn ươm là
1,5 – 2,0 gam.

– Cách gieo hạt: hạt giống nên ngâm trong nước ấm 54 ºC trong thời gian 20 phút
trước khi gieo. Hạt gieo đều trên mặt luống, sau khi gieo phủ 1 lớp trấu hoặc rơm rạ chặt
ngắn 5 – 10 cm, sau đó dùng ô roa tưới đẫm nước. Trong 3 – 5 ngày sau gieo tưới nước 1-2 lần/ngày, khi hạt đã nảy mầm nhô lên khỏi mặt đất ngừng tưới 1 – 2 ngày, sau đó cứ 2 ngày tưới 1 lần. Khi cây được 2 – 3 lá thật tỉa bỏ cây bệnh, cây dị dạng, để khoảng cách
cây x cây 3 – 4 cm/cây. Tuyệt đối không tưới phân đạm trong giai đoạn vườn ươm.

– Vườn ươm gieo cây con nên có mái che mưa bằng nilon hoặc tốt nhất gieo trong
nhà lưới sáng để giữ cho cây không bị ảnh hưởng bởi mưa hoặc nắng quá.

Gieo hạt vào khay bầu:

– Để tiết kiệm hạt giống, công chăm sóc cây giai đoạn đầu và tăng độ đồng đều cây,
nên sản xuất cây con trong khay xốp hoặc khay nhựa có kích thước 60 x 45 cm với 40
hốc/khay.

– Vật liệu làm bầu: gồm 40% đất, 30% trấu hun hoặc mùn mục và 30% phân
chuồng mục. Các thành phần trên được trộn đều và đổ đầy các hốc trên khay, ấn nhẹ, rồi xếp khay trên giá cao cách mặt đất ít nhất 50 cm trong nhà lưới có che mái bằng vật liệu sáng.

– Tiêu chuẩn cây giống tốt: phiến lá tròn, đốt ngắn, cây mập, lùn. Cây có 5 – 6 lá
thật thì nhổ trồng. Sau khi gieo hạt 20 – 25 ngày cây con sẽ đạt tiêu chuẩn xuất vườn.

3 Chuẩn bị đất trồng

– Vị trí đất trồng: Khu vực trồng phải cách ly với khu vực bị ô nhiễm, không bị ảnh
hưởng trực tiếp từ các nguồn chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt từ các khu dân cư, bệnh viện, các lò giết mổ, nghĩa trang, đường giao thông lớn.

– Đất trồng nên chọn khu vực đất cao, dễ thoát nước nhưng chủ động nguồn nước
tưới, có tầng canh tác dày 20 – 30 cm. Đất thịt nhẹ hoặc cát pha có độ pH từ 6- 6,5. Nếu
pH thấp hơn thì dùng vôi bột để tăng pH.

– Ngoài ra, đất phải được xác định hàm lượng một số kim loại nặng trước khi sản
xuất và trong quá trình sản xuất đảm bảo không vượt quá ngưỡng cho phép.

– Nên chọn đất luân canh với cây lúa nước hoặc các cây trồng khác… để tránh sâu
bệnh tồn dư, lây nhiễm…

– Đất trồng cần được cày bừa kỹ, làm nhỏ, tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại, nên xử lý sâu
bệnh bằng vôi bột (500 – 1.000 kg/ha)

– Làm đất kỹ, tơi nhỏ; lên luống cao 25 – 30 cm, mặt luống rộng từ 0,9 – 1,0 m (vụ
sớm mặt luống làm kiểu mui rùa để tránh ngập úng khi gặp mưa, chính vụ làm mặt luống bằng phẳng dễ thoát nước).

4. Kỹ thuật trồng

4.1 Thời vụ trồng

– Vụ sớm gieo từ tháng 7 – 8, trồng tháng 8 – 9.

– Chính vụ gieo từ tháng 9 -10, trồng tháng 10 – 11.

– Vụ muộn gieo từ tháng 12, trồng tháng 1 – 2 năm sau.

4.2 Cách trồng

Nhẹ nhàng nhấc cây ra khỏi khay bầu, hoặc nhổ cây tại luống đã tưới nước đủ ẩm.
Đặt cây con vào hốc, vùi kín bầu cây dưới đất và tưới thấm gốc để cho chặt gốc.
Trồng hàng ba với khoảng cách 30 x 35 cm, mật độ 55.000 cây/ha, trồng buổi
chiều, trồng xong tưới duy trì đủ ẩm sau khi trồng để cây bén rễ tốt.

4.3 Tưới nước và chăm sóc

– Sau khi trồng, mỗi ngày tưới đủ ẩm 1 lần. Khi cây hồi xanh 2 -3 ngày tưới một
lần; có thể tưới rãnh cho cây, khi đủ ẩm phải tháo hết nước ngay.

– Nếu có điều kiện nên tưới phun mưa vào các buổi chiều tối sẽ có tác dụng rửa trôi
bớt trứng, sâu non sâu tơ và hạn chế bướm sâu tơ đến đẻ trứng.

– Che đậy hoa: Che hoa là một biện pháp kỹ thuật cần thiết nhằm bảo vệ hoa, hạn
chế bệnh. Sau trồng 40 – 50 ngày (giai đoạn nụ hoa có đường kính 4 – 5 cm) có thể bẻ lá già để che hoa.

5 Phân bón

Chỉ sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục, tuyệt đối không dùng phân tươi, nước
phân tươi, nước giải tươi để bón và tưới cho rau. Bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học. Lượng bón và phương pháp bón như sau:

Chú ý: Đảm bảo thời gian cách ly với phân đạm urê ít nhất 10 – 14 ngày trước khi
thu hoạch.

6. Phòng trừ sâu bệnh

6.1 Biện pháp canh tác, thủ công, sinh học

– Nên chọn các loại đất luân canh với cây trồng khác rau họ Thập tự; đối với các
vùng không chuyên rau nên luân canh với cây lúa nước nhằm hạn chế nguồn sâu bệnh
chuyển tiếp.

– Dùng biện pháp thủ công: ngắt ổ trứng, bắt giết sâu non khi mật độ sâu thấp (áp
dụng với sâu xám, sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, sâu khoang); phát hiện và nhổ bỏ những cây bị bệnh héo xanh đem tiêu huỷ.

– Sử dụng bẫy pheromone để bắt trưởng thành sâu tơ từ đầu đến cuối vụ.

6.2 Biện pháp sử dụng thuốc BVTV

Xử lý cây giống trước khi trồng: Nên xử lý cây giống bằng cách phun thuốc hóa học có hiệu lực cao, kéo dài (Regent 800 WG, Rambo 800 WG, Match 50 EC …) lên cây giống trong vườn ươm trước khi nhổ trồng từ 2 – 3 ngày để hạn chế sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, sâu khoang, rệp muội…

Giai đoạn đầu vụ (sau trồng – trải lá bàng): 

– Cần chú ý các đối tượng: sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, sâu khoang, sâu xám, bọ
nhảy sọc cong, rệp, bệnh héo xanh … Riêng đối tượng rệp, bọ nhảy cần kiểm tra và xử lý
triệt để tránh lây lan và phát sinh mạnh ở các giai đoạn sau.

– Sử dụng thuốc BVTV thế hệ mới để phòng trừ khi mật độ sâu bệnh cao.

+ Sâu tơ: Mật độ 7 – 10 con/m2, sâu xanh bướm trắng, sâu khoang, sâu xám: > 2
con/m2, có thể dùng các loại thuốc có hoạt chất Lufenuron; Indoxacarb…

+ Rệp muội: > 20% cây bị cấp 1 – 2 có thể dùng các loại thuốc có hoạt
chất Imidacloprid; Fipronil…

+ Bọ nhảy: Mật độ 15 – 20 con/m2, có thể dùng các loại thuốc có hoạt
chất Acetamiprid; Nereistoxin…

+ Bệnh thối gốc, thối lá: > 15% tỷ lệ cây, lá bị bệnh có thể dùng các loại thuốc có
hoạt chất Metalaxyl; Validamycin…

Giai đoạn giữa vụ (trải lá bàng – nụ nhỏ):

– Chú ý các đối tượng: sâu tơ, sâu xanh bướm trắng và sâu khoang.

– Sử dụng các loại thuốc nguồn gốc sinh học để phòng trừ khi mật sâu bệnh cao
như: sâu tơ > 30 con/m2; sâu xanh, sâu khoang ≥ 4 con/m2 có thể dùng thuốc có hoạt
chất Emamectin benzoate; Abamectin…

Giai đoạn cuối vụ (15 – 20 ngày trước thu hoạch): 

– Chú ý các đối tượng: Sâutơ, sâu xanh bướm trắng, sâu khoang và bệnh thối hoa.

– Khi mật độ sâu cao (sâu tơ > 60 con/m2; sâu xanh, sâu khoang: > 5con/m2) có thể
dùng thuốc thảo mộc có hoạt chất Matrine, thuốc sinh học Bt và các loại thuốc nguồn gốc sinh học tương tự như giai đoạn giữa vụ để phòng trừ.

– Đối với bệnh thối lá, hoa lơ khi tỷ lệ bệnh phát sinh > 5% có thể dùng các loại
thuốc có hoạt chất Acrylic, Streptomycin sulfate, Validamycin…

Chú ý: Đảm bảo thời gian cách ly đối với từng loại thuốc theo hướng dẫn trên nhãn
thuốc.

7. Thu hoạch

Khi tuổi hoa lơ được 15 – 20 ngày, xung quanh mặt hoa có hiện tượng rão là thu
hoạch tỉa (cây lớn trước, cây bé sau). Loại bỏ lá gốc chỉ để một số lá sát hoa. Chú ý không rửa, đưa hoa lơ vào bao bì để vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Nguồn: tuaf.edu.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phát triển cây súp lơ xanh Nhật Bản trên vùng đất Măng Đen

Măng Đen (Kon Plông) là vùng đất có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại rau hoa xứ lạnh, trong đó có cây súp lơ xanh Nhật Bản.

Để giúp người dân từng bước làm quen với các loại rau hoa xứ lạnh, năm nay Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh đã hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho 21 hộ dân ở thôn Tu Rằng, xã Măng Cành trong vùng quy hoạch phát triển rau hoa xứ lạnh Măng Đen trồng thử nghiệm 1ha súp lơ xanh Nhật Bản.

Theo đánh giá từ các hộ dân tham gia thực hiện mô hình, mặc dù là vùng đất mới được khai hoang, lớp mùn trên bề mặt của đất san ủi không đều, khâu cải tạo nâng cao độ mùn của đất chưa có thời gian hoàn thiện, nhưng cây súp lơ xanh Nhật Bản sinh trưởng và phát triển tốt.

Ông Nguyễn Hoàng Khương – người thực hiện mô hình cho biết, mặc dù mới trồng thử nghiệm, kinh nghiệm chưa nhiều, nhưng cây súp lơ Nhật Bản đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Theo quy trình kỹ thuật, mật độ trồng 30.000 cây/ha, trừ khoảng 10% cây hao hụt (cây trồng bị chết hoặc sinh trưởng kém), còn lại khoảng 27.000 cây/ha cho thu hoạch. Bình quân mỗi cây súp lơ cho khoảng 0,5kg. Với giá bán từ 20-25 nghìn đồng/kg, tính ra 1ha súp lơ cho thu nhập từ 270-300 triệu đồng/lứa.

Theo các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư, để trồng súp lơ cho năng suất cao, người trồng cần nắm vững kỹ thuật. Về đặc tính sinh học, súp lơ có bộ rễ ăn nông (ở lớp đất 10 – 15 cm) và ít lan rộng, bán kính hoạt động của bộ rễ chỉ 35 – 50cm. Nhiệt độ thích hợp nhất cho súp lơ sinh trưởng và phát triển là 150 – 180C. Từ 250C trở lên cây mọc kém, chậm, mau hóa già, hoa súp lơ bé và dễ nở. Nếu độ ẩm không khí thấp, đất lại không đủ ẩm thì hoa súp lơ bé, chóng già, năng suất thấp. Ngược lại, nếu độ ẩm không khí cao (trên 90%) kết hợp với nhiệt độ cao thì hoa dễ thối. Độ ẩm thích hợp để súp lơ sinh trưởng tốt là 50 – 80%. Trồng súp lơ là để thu hoạch bộ phận hoa chưa nở dùng làm thực phẩm. Bộ phận này mềm, xốp ít chịu được mưa nắng.

Cây súp lơ xanh Nhật Bản phát triển tốt trên vùng đất Măng Đen.

Về đất trồng, súp lơ ưa đất thịt nhẹ, nhiều mùn, có độ pH = 6,0. Súp lơ cần lượng phân bón gấp đôi so với cây cải bắp, 70 – 75% lượng chất dinh dưỡng tập trung vào thời kỳ làm hoa. Vì thế, bà con coi trọng việc bón thúc cho súp lơ trong thời kỳ súp lơ gần ra hoa.

Cũng theo Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư, thời vụ gieo trồng súp lơ chia làm 2 vụ. Vụ sớm: gieo tháng 7, tháng 8, trồng tháng 8 – 9. Vụ chính: gieo tháng 10 – tháng 12, trồng tháng 11 – 12. Trước khi đem gieo, bà con ngâm hạt vào nước nóng 500C trong 25 – 30 phút để diệt các nấm bệnh bám ở vỏ hạt giống, đồng thời tăng tỷ lệ mọc của hạt khi gieo. Lượng hạt gieo trên 1m2 khoảng 3,5 – 4g (1 ha gieo 400g đến 600g). Sau khi gieo hạt phải tưới giữ ẩm từ 65 – 70% (chú ý che mưa nắng cho cây giống). Riêng đối với súp lơ vụ sớm, sau khi cây con mọc được 15 – 18 ngày thì phải đem giâm.

Đất giâm súp lơ vụ sớm cũng làm luống như lúc gieo hạt, cây cách cây 5 – 6 cm theo hình nanh sấu. Cây súp lơ cần giâm vào buổi chiều để cây đỡ héo, mau bén rễ. Giâm xong, tưới nước giữ ẩm ngay. Cây giống giâm được 20 – 25 ngày thì nhổ đem trồng. Vụ sớm làm luống cao; vụ chính làm luống thấp và phẳng. Lượng phân bón lót cho 1 ha súp lơ cần 40 tấn phân chuồng, 50 kg urê, 25 kg lân, 70 kg ka li. Các loại phân trộn đều nhau rồi bón theo hốc trồng. Việc bón thúc dùng phân urê (20 kg/ha) pha loãng/kỳ tưới. Bón thúc kỳ 1 sau khi trồng súp lơ độ 15 ngày; kỳ 2 sau kỳ 1 từ 10 – 12 ngày; kỳ 3 khi cây đã chéo nõn.

Trong quá trình chăm sóc, bón phân và tưới nước bà con cũng có thể lựa chọn các dòng phân bón sinh học để bón qua lá nhằm tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm chi phí về phân bón hóa học cũng như thuốc bảo vệ thực vật tạo ra dòng nông sản an toàn. Một trong những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu đó chính là chế phẩm sinh học Vườn Sinh Thái- được sản xuất theo công nghệ nano tiên tiến kết hợp với công nghệ sinh học hiện đại. Chế phẩm sinh học này được coi là một giải pháp toàn diện cho nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Nguồn: Báo Kontum được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng và bón phân cho cây Súp lơ

Súp lơ ( Brasica cauliflora L.) là loại rau dễ tiêu thụ, giá bán tương đối cao nên được nhiều nông dân chọn trồng trong vụ đông.

Bộ phận của cây súp lơ được làm thực phẩm là toàn bộ phần hoa chưa nở. Bộ phận này mềm, xốp nên không chịu được mưa nắng.  Súp lơ có bộ phận lá rất phát triển so với su hào, nhưng bộ rễ phát triển kém hơn nhiều, ăn nông (ở lớp đất 10 – 15 cm) và ít lan rộng, bán kính hoạt động của bộ rễ chỉ 35 – 50 cm. Vì vậy, cây súp lơ chịu hạn, chịu nước kém.

Để giúp nông dân trồng súp lơ hiệu quả, chúng tôi xin giới thiệu một số kỹ thuật cơ bản trồng và chăm sóc loại rau này.

1. Thời vụ

Súp lơ là loại cây chịu được lạnh, nhiệt độ thích hợp 15 – 180C.

– Vụ sớm: gieo tháng 7 – đầu tháng 8, trồng tháng 8 – 9. Vụ này nên sử dụng các giống chịu nhiệt, chín sớm.

– Vụ chính: gieo tháng 9 – 10, trồng tháng 10 – 11.

– Vụ muộn: gieo tháng 11, trồng vào tháng 12. Vụ này không dùng giống chín sớm, nên sử dụng các giống chịu rét, chín muộn.

Tuổi cây giống súp lơ đem trồng tốt nhất có 4 – 5 lá thật. Trồng cây giống quá tuổi sẽ cho ngù hoa nhỏ, năng suất thấp.

2. Làm đất và bón phân lót

Sau khi đất đã được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại thì lên luống rộng 0,9-1 m, cao 18-20 cm, rãnh rộng 25-30 cm. Vụ sớm làm luống cao, hình mui luyện; vụ chính và vụ muộn làm luống thấp và phẳng.

Bón phân lót cho 1000m2 như sau:

– Phân hữu cơ sinh học Hiếu Giang Better HG 01: từ 1,5 – 2 tấn.

– Phân Better NPK 16-12-8-11+TE: 100kg

Trộn đều phân hữu cơ và NPK rồi bón theo hốc trồng là tốt nhất. Bón xong đảo đất cho đều.

3. Mật độ trồng

Trồng hàng kép nanh sấu trên luống với khoảng cách 60 x 50 cm hoặc 40 x 50 cm (mật độ 21.000 – 23.000 cây trên 1 ha). Đối với giống chín sớm và giống trung ngày trồng với mật độ dày hơn. Đối với các giống chín muộn và giống có bọ lá lớn thì mật độ trồng thưa hơn.

Tiêu chuẩn cây giống tốt: có 4-5 lá thật, cây to, mập, lá xanh, gốc đỏ, không bị dị hình.

4. Chăm sóc

– Thời kỳ hồi xanh: Sau khi trồng phải tưới nước giữ ẩm thường xuyên, tưới 1-2 lần/ngày tùy theo thời tiết. Kiểm tra đồng ruộng để kịp thời cấy dặm những cây bị chết. Sau trồng 10-15 ngày thì xới phá váng, xới sâu, xới rộng giúp đất tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại.

– Thời kỳ chải lá: Tưới bằng phương pháp tưới rãnh, trung bình 7-10 ngày tưới 1 lần. Xới nông, vun đất vào gốc. Dùng 4-5 kg Better NPK 16-12-8-11+TE hòa nước tưới gốc cho 1000m2, tưới 2-3 lần, cách nhau 4-5 ngày để thúc cho cây nhanh phát triển. Cũng có thể bón khô cách gốc 7-10 cm, sau đó đưa nước vào rãnh, dùng gáo tưới nước hoà tan phân đạm.

– Thời kỳ ra ngù hoa, thu hoạch: Tiếp tục tưới nước, tưới thúc dùng 10kg 12-12-17-9+TE hòa nước tưới gốc khi cây đã có ngù hoa, trước khi thu hoạch ngừng tưới nước 1 tháng; sau đó cách 7-10 ngày, tưới thúc Better NPK 12-12-17-9+TE khoảng 2-3 lần cho tới khi thu hoạch. Chú ý không để phân và nước tưới rơi trên lá và ngù hoa. Khi cây bắt đầu có ngù hoa ở trong lá nõn thì phải che đậy ngay.

Việc che đậy này phải làm cho tới khu thu hoạch hoa lơ. Lúc đầu hoa lơ còn bé, có thể bẻ gập 1-2 lá trong lại để đậy (chú ý không bẻ rời hẳn mà chỉ bẻ gẫy gân chính của lá). Khi hoa đã lớn thì ngắt bỏ các lá ngoài (lấy khoảng 1/3 phiến lá phần đầu lá) để đậy cho hoa, cứ thấy lá đậy hoa hơi héo là phải thay đổi lá đậy khác ngay để nước khỏi dột vào ngù làm thối rữa hoa.

5. Phòng trừ sâu bệnh

Súp lơ thường bị bệnh thối cổ rễ và bệnh thối đen. Bệnh chủ yếu lây lan qua hạt giống và phát triển mạnh khi độ ẩm đất quá cao (trên 90%). Vì vậy, nhất thiết phải xử lý hạt giống trước khi gieo và tránh tưới nước quá ẩm.

Áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp cho cây (IPM), thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, có chế độ luân canh hợp lý giữa cây trồng cạn và cây trồng nước, giữa các cây trồng khác họ.

Khi cây có hoa chỉ nên dùng các loại thuốc trừ sâu sinh học.

Ngừng phun thuốc 15 ngày trước khi thu hoạch.

6. Thu hoạch súp lơ

Phải thu hoạch khi hoa còn non, hoa chưa nở mới đảm bảo được năng suất và phẩm chất của hoa lơ. Từ khi ngù hoa xuất hiện đến khi thu hoạch khoảng 15 – 20 ngày tuỳ theo giống và điều kiện thời tiết. Lúc này mặt hoa lơ bắt đầu gồ ghề, có hiện tượng rão ở xung quanh hoa thì phải thu hoạch ngay.

Dùng dao sắc cắt ngang cây, chỉ để lại 4-5 lá để bảo vệ hoa. Sau khi thu hoạch cần phải tiêu thụ sản phẩm ngay.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.