Vài bước chăm sóc hoa Hồng trồng chậu để hoa nở đúng dịp Tết

Kỹ thuật trồng hoa hồng trong chậu là bước quan trọng đầu tiên nhưng yếu tố quyết định tới sự phát triển của cây hoa lại phải dựa vào cách chăm sóc hoa hồng một cách khoa học nhất.

Hoa hồng từ xưa đến nay vẫn là loài hoa được yêu thích nhất không chỉ bởi hình dáng sang trọng, xinh đẹp mà còn có hương thơm và nở hoa nhiều lần trong năm nên nó luôn là loài hoa được trồng phổ biến ở khắp nơi.

Kỹ thuật trồng hoa hồng trong chậu không khó nhưng cách chăm sóc hoa hồng trồng chậu mới là bước cực kỳ quan trọng giúp cây sinh trưởng, phát triển và cho hoa nở đẹp quanh năm. Dưới đây là cách chăm sóc hoa hồng trồng chậu nở đúng vào dịp Tết.

Tưới nước cho hoa hồng trồng chậu

Nước là yếu tố không thể thiếu với bất cứ loại cây trồng nào. Tùy từng loại cây sẽ có nhu cầu tưới nước khác nhau. Riêng đối với hoa hồng trồng chậu không cần tưới quá nhiều nhưng phải đủ cây mới phát triển tốt. Cũng cần phân loại các kiểu trồng để tưới nước một cách hợp lý.

Cây hoa hồng cần đủ nước để lá quang hợp, nếu cây khô thiếu nước sẽ xuất hiện nhện đỏ hại cây, vàng lá và rụng lá. Do đó cần phải tưới thường xuyên mỗi ngày 1 lần đối với hoa hồng trồng dưới đất còn trồng chậu cần 2 lần/ngày. Cần hạn chế tưới nước vào buổi tối vì nước sẽ đọng trên lá cây khiến lá cây dễ bị nấm bệnh.

Cung cấp dinh dưỡng cho hoa hồng trồng chậu

Dinh dưỡng chính là yếu tố quan trọng tiếp theo khi trồng hoa hồng cần phải biết. Có dinh dưỡng mới giúp cây phát triển tốt, cho ra nhiều hoa, hoa có to và rực rỡ hay không đặc biệt là khi bạn trồng hoa hồng trong chậu. Vì thế khi cây có biểu hiện gầy, cao, lá không xanh đậm chính là lúc cần phải bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho cây. Lúc này hãy kết hợp phân bón lá và bón gốc xen kẽ, định kỳ 1 tháng 1 lần.

Khi cây ra ngọn, lá non bón bổ sung phân hạt Dynamic, phân dơi quanh gốc cây rồi tưới nước giúp cây hấp thu tốt dinh dưỡng. Ngoài ra cũng cần pha phân NPK hay DAP nông nghiệp tưới lên lá thân và gốc.

Thời điểm cây nhú nụ hoặc chuẩn bị nở hoa bón thêm kali sẽ giúp hoa có màu sắc đặc trưng đậm đà. Nhưng lưu ý lúc cây ra hoa không tưới phân vì sẽ làm hỏng hoa.

Khi bón phân cho hoa hồng cần quan sát nếu cây cho nhánh mới có màu đỏ tía đậm và cành mập mạp báo hiệu cây được cung cấp đủ dinh dưỡng. Ngược lại cây hoa hồng cho nhánh ốm yếu vống cao thì cần tăng cường chăm sóc cho kỳ cắt tỉa nhánh lần sau.

Cắt tỉa cành cho cây hoa hồng trồng chậu nở hoa đúng dịp Tết

Trồng hoa hồng thì việc cắt tỉa cực kỳ quan trọng giúp hoa nở to, mập và tươi lâu. Do đó cần thường xuyên cắt tỉa những cành nhánh đã già, cành yếu, không cần thiết, tạo tán cho cây, để kích thích cho cây ra nhiều mầm, ngọn của các mầm chính là nụ hoa.

Tuy nhiên cần lưu ý trước khi cắt cành 3 ngày ta cần bón phân NPK. Sau khi cắt cành, bón phân xong cách bốn ngày phun thuốc dưỡng rễ, dưỡng chồi một lần, cho đến khi cây hoa hồng lên chồi đỏ. Sau đó ta phun kali sữa dưỡng hoa to cho cây hoa hồng.

Chăm sóc hoa hồng cần phải tính toán từ yếu tố nước, cắt tỉa sao cho đúng kỹ thuật hoa mới nở như ý muốn. Ảnh minh họa

Cách cắt tỉa như sau: Mỗi cành cắt bỏ từ 4 – 6 mắt lá, tính từ ngọn xuống phía gốc. Nếu cắt gần ngọn hơn thì hoa hồng cho ra hoa sớm hơn và ngược lại. Nếu cây hoa hồng có ít lá thì dùng cọc để buộc níu những cành thấp hơi trĩu xuống dưới trong 30 – 40 ngày, làm cho các cành tược mới sẽ mọc ra để cho hoa. Những giống có đặc điểm khi cành vươn dài mới ra hoa thì cần cắt cành trước Tết khoảng trên dưới 1,5 tháng là được.

Nguồn: Baomoi.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mê mẩn trong sắc hoa đỗ quyên Fansipan ở độ cao 3.000m

Những ngày tháng 4, trên con đường “chinh phục” đỉnh núi Fansipan (Sa Pa, Lào Cai), du khách được ngắm thỏa thích những cây đỗ quyên hàng trăm tuổi ở độ cao 2.200 – 3.200m đang đơm sắc rực rỡ, tô điểm cho núi rừng bạt ngạt.

Rừng Hoàng Liên là địa danh phát hiện nhiều loài hoa đỗ quyên mọc tự nhiên nhất Việt Nam. Từ độ cao 2.200m, du khách bắt đầu bắt gặp những cây hoa đỗ quyên cổ thụ. Cây hoa đỗ quyên mọc tự nhiên ở đây rất đa dạng về kích cỡ gồm các cây kiểu khóm bụi mọc bám vào vách đá cheo leo đến những cây đường kính 20-25cm, cao tới 15-16m.

Sự kết hợp của những vạt màu hoa đỗ quyên đỏ và hoa đỗ quyên vàng tạo thành những gam màu rất đẹp trong mắt du khách

Nơi đây còn được mệnh danh là “vương quốc” hoa đỗ quyên của Việt Nam bởi có tới gần 40 loài hoa đỗ quyên mang nhiều sắc màu khác nhau đua nở hoa tuyệt đẹp mỗi khi xuân về. Cây đỗ quyên nở hoa gần như quanh năm, nhưng mùa có nhiều loài cùng nở hoa và cũng là khi hoa đỗ quyên nở đẹp nhất là vào dịp giữa mùa xuân đầu mùa hè hàng năm. Đây là điểm đến khám phá không thể thiếu của nhiều du khách trẻ mỗi khi du xuân Tây Bắc.

Giữa rừng núi bạt ngạt, những cây hoa đỗ quyên vươn mình khoe sắc.

Những bông hoa đỗ quyên vàng đang khoe sắc rực rỡ trên con đường “chinh phục” Fansipan của du khách.

Thân cây đỗ quyên cổ thụ vươn dài ra xa vách núi…

Sắc vàng của cây hoa đỗ quyên cổ thụ tô điểm cho hương sắc núi rừng Tây Bắc.

Những bông hoa đỗ quyên khoe sắc trên nền trời xanh.

Hoa đỗ quyên “tạo dáng” bên núi rừng hùng vĩ.

Hoa của 30 loài hoa đỗ quyên phát hiện trong rừng Hoàng Liên khá đa dạng về màu sắc và kích thước. Trong đó kích thước hoa thường đạt từ 2-15 cm và hoa gồm có 5 màu chủ đạo là vàng, trắng, hồng, đỏ, tím. Đặc sắc hơn cả là có 6 loài cho hoa màu trắng, 7 loài cho hoa màu trắng hồng, 5 loài cho hoa màu trắng vàng, 4 loài cho hoa màu hồng đỏ, 6 loài cho hoa màu vàng, 2 loài cho hoa màu tím.

Bên cạnh hoa đỗ quyên vàng, tại vùng núi này còn xuất hiện sắc tím của hoa đỗ quyên.

Đây là một trong 2 loại hoa đỗ quyên có màu tím.

Hoa mọc trên vách núi, bên cạnh lối đường mòn

Giữa những cung đường hiểm trở, sắc hoa đỗ quyên như làm cho du khách quên đi mệt mỏi, căng thẳng.

Như một quy luật tất yếu, hoa đỗ quyên nở và sắc hoa lại phủ kín mặt đất khi hoa tàn.

Năm 2014, Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận quần thể cây hoa đỗ quyên cành thô trên độ cao 2.200m có độ tuổi 300 tuổi là Cây Di sản Việt Nam. Hiện nay Vườn đang lập hồ sơ tiếp tục đề nghị cây hoa đỗ quyên quang trụ là Cây Di sản Việt Nam, đồng thời làm một phim tài liệu khoa học về các loài hoa đỗ quyên trên rừng tự nhiên Sa Pa.

Nguồn: Kenh14 được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nhân giống Hoa Đỗ Quyên bằng phương pháp gieo hạt

Cây đỗ quyên lai giống tự nhiên cho rất ít hạt, nên cần phải thụ phấn nhân tạo.

Phương pháp như sau: khi hoa đỗ quyên nở, chọn cây khỏe hoa đẹp vào nhà kính, mỗi chậu chọn 3-4 bông, hái nhị và chồi mới gần hoa, để tập trung dinh dưỡng, chờ khi nhụy có chất nhầy tiết ra thì dùng bút lông quét mấy lần phấn hoa lên nhụy.

Sau khi thụ phấn 1 tuần đem chậu hoa di chuyển ra ngoài, tăng cường tưới nước, bón phân quản lý, qua 6 tháng sinh trưởng và phát triển, đến tháng 11-12 là có quả, quả biến từ xanh đến nâu. Sau khi thuhais tiến hành hong khô nơi thoáng gió. Hạt đỗ quyên rất nhỏ, không nên cất trữ lâu, nên hái xong gieo ngay, nếu là loài hoa đỗ quyên rụng lá thì có thể cất đến mùa xuân năm sau mới gieo.

Chậu gieo hạt nên dùng chậu sành nông, đất gieo hạt nên là đất bề mặt sườn núi hướng dương (đông nam), tốt nhất dùng formalin 40% pha loãng 100 lần phun lên đất để khử trùng, sau đó hong khô, hoặc hấp 15-2 phút, chờ khô để dùn. Trước lúc gieo bỏ vào đáy chậu 1 lớp than gỗ 2cm, sau đó phủ lên một lớp đất khử trùng dày 5-6cm,cào bằng và gieo hạt, nén nhẹ ròi dẫn nước vào đáy chậu, không nên tưới. Khi đất chậu khô có thể tưới nước, nhưng không tưới nhiều.

Sau khi gieo 5-6 tuần là có thể nảy mầm, khi cây con có 2-3 lá, nhổ cây bằng kẹp tre rồi cấy vào chậu, không nên cấy dày quá. Sau 2 năm cây con mọc cao 10cm, có thể tách cây đem trồng, đến năm thứ 3 cây con mọc được 20cm, nếu nuôi tốt một số cây con đã có hoa.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nhân giống Hoa Đỗ Quyên

Đỗ Quyên là một trong những loại hoa đang được ưa chuộng trên thị trường do có màu sắc đa dạng và giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay việc sản xuất hoa Đỗ Quyên còn ở qui mô nhỏ do chưa có các kỹ thuật nhân giống phù hợp.

Trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh đã nghiên cứu, xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống hoa Đỗ Quyên, với một số lưu ý sau:

1. Kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp giâm cành:

– Thời vụ giâm cành: Vụ Xuân (tháng 3) và vụ Thu (tháng 9).

– Chọn cắt cành giâm và kỹ thuật giâm cành: Cành mẹ 3 tháng tuổi, cành dài 7-10cm, có 3-4 lá, nhúng vào dung dịch IBA nồng độ 1500-2000ppm, rồi giâm vào giá thể gồm 2/3 đất bùn ao+1/3 xỉ than. Cắm cành đứng thẳng, sâu từ 1,5-2,0cm, khoảng cách giâm từ 4-5cm là phù hợp cho sự ra rễ của cành giâm.

– Kỹ thuật chăm sóc cành giâm: Nhặt bỏ những cành lá úa. Tưới phun nhẹ nhàng. Sau 2-3 tuần, phun Atonik 1,8% DD với liều lượng 10ml/bình 8 lít và phân bón lá AT vi sinh 0,1%, định kỳ 10 ngày/lần, để cành mau ra rễ, bật lộc sớm, tỷ lệ xuất vườn cao.

2. Kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp chiết cành:

– Thời vụ chiết cành: Tháng 3 và tháng 4, cành chiết nhanh ra rễ và cho tỷ lệ sống cao.

– Giá thể và chọn cắt cành chiết: 2/3 đất bùn ao+1/3 rơm mục. Bầu chiết có đường kính 5-6cm, trọng lượng 100-200g, chiều cao bầu 8-10cm. Cành chiết lấy từ cây mẹ 24 tháng tuổi, chiều cao cành 30-35cm, có 2 nhánh, đường kính 0,5-0,7cm.

– Kỹ thuật chiết cành và chăm sóc cành chiết: Cách gốc cành 6-8cm, dùng dao sắc cắt một khoanh vỏ rộng khoảng 1cm, cạo sạch vỏ, dùng bông nhúng vào dung dịch IBA nồng độ 3000ppm, bôi vào vết cắt khoanh vỏ rồi bó bầu. Khi chỗ chiết ra rễ có màu vàng là cắt đem trồng. Trước khi hạ bầu chiết cần cắt bớt cành lá rườm rà, bị sâu bệnh, sau đó đưa cành chiết vào vườn ươm hoặc vào chậu để thuận tiện cho việc chăm sóc.

Nguồn:  Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh – Viện Nghiên cứu Rau quả -Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phòng trừ sâu hại trên Hoa Đỗ Quyên

Hoa đỗ quyên là loài hoa cảnh được nhiều người ưa chuộng bởi màu sắc đẹp và dễ trồng. Hoa đỗ quyên là loài cây lâu năm, sống khỏe nên ít khi bị bệnh. Tuy nhiên, khi trồng cảnh, chúng vẫn có xuất hiện một số sâu bệnh hại sau:

– Nhện đỏ: Gây hại chủ yếu trên hoa. Khi bị nhiễm nhện có thể dùng các loại thuốc như DDVP 0,1% để phun trừ hoặc dùng nước ngâm lá trúc đào, thanh hao pha loãng để phun.

– Rệp ống: Gây hại trên lá, cành non và hoa. Đối với loại này cần chú ý đến việc diệt trứng của chúng qua đông bằng hợp chất lưu huỳnh vôi 5%. Trong thời kỳ rệp gây hại thì có thể dùng thuốc Rogor 0,1%.

– Nhện râu ngắn: Loại nhện này gây hại trên lá, cành non và phát sinh mạnh vào mùa hè. Có thể dùng Sumithion 0,2% phun diệt.

– Bệnh thối rễ: Bệnh làm cho cây khô héo. Bệnh phát sinh mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao, độ ẩm lớn. Để hạn chế bệnh cần phải xử lý đất khi thay chậu. Khi phát hiện bệnh cần xử lý cây và đất kịp thời bằng thuốc tím 0,1% hoặc sunfat sắt 2%. Có thể dùng Topxin 0,1% phun vào chậu cũng có hiệu quả.

– Bệnh đốm nâu: Đây là loại bệnh gây hại chính trên cây Đỗ quyên và gây hại chủ yếu trên lá, làm ảnh hưởng tới hoa. Để phòng trừ bệnh cần chú ý để cây vào nơi thông thoáng, cần tăng cường bón phân tổng hợp. Khi phát hiện cây nhiễm bệnh cần nhanh chóng phun Boođo 1% để trừ bệnh.

– Bệnh lá vàng do thiếu sắt: Bệnh này thường xuất hiện ở cây trồng trên đất kiềm. Với loại bệnh này thì chỉ cần bổ sung thêm sắt sunfat là được. Có thể bổ sung theo 2 cách là tưới hoặc phun.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc Hoa Đỗ Quyên mùa Tết

Hoa đỗ quyên là loại hoa cảnh được nhiều người yêu thích và lựa chọn của các gia đình trong mỗi dịp tết đến xuân về. Để có được một chậu đỗ quyên đẹp, người trồng cần nắm được những kỹ thuật trồng cây và chăm sóc để giúp chậu hoa tỏa sắc lung linh.

Hoa đỗ quyên hay còn gọi là sơn trà hoa hay mãn sơn hồng là một trong những loại hoa cảnh được yêu thích ở nhiều nơi trên thế giới bởi vẻ đẹp dịu dàng của nó. Ngày Tết người ta cũng hay để một vài chậu đỗ quyên trong nhà với ý nghĩa sung túc. Chỉ cần chú ý một chút tới kỹ thuật trồng cây và chăm sóc, những chậu hoa đỗ quyên sẽ nở không chỉ đẹp trong tết mà còn cả sau Tết.

Các bước trồng hoa đỗ quyên

Chọn giống

Trên thị trường hiện nay sử dụng rộng rãi giống hoa đỗ quyên Bỉ. Đây là giống đỗ quyên cây nhỏ, sai hoa, hoa to, đa dạng có cây còn cho cả hai màu. Phương pháp trồng có thể là gieo hạt, giâm cành hoặc chiết. Phương pháp giâm và chiết có thể cho thành phẩm nhanh hơn phương pháp gieo hạt.

Đất trồng

Đất trồng đối với giống cây đỗ quyên Bỉ là đất chua, nếu trồng trong đất kiềm có thể làm chết cây. Đất trồng hoa đỗ quyên phải đảm bảo đủ các yếu tố sau: Đất tơi xốp, thoát nước, thông thoáng gió, nhiều mùn, đủ phân bón. Độ pH khoảng từ 4 – 5 là phù hợp nhất. Để tọa ra loại đất tốt nhất cho cây đỗ quyên thì nên trộn đất với mùn của các loại lá cây họ thông, tùng mục.

Chọn chậu

Chọn chậu cân đối với cây, chậu to đất nhiều, nước sẽ nhiều. Chậu có lỗ ở đáy to, miệng rộng để bốc hơi và thoát nước nhanh.Căn cứ vào dạng thân và tán để quyết định chậu trồng. Đỗ quyên là loài mọc cạn vì vậy nên chọn chậu nông tốt hơn là chậu cao. Khi trồng vào chậu, nên dùng chậu có lỗ ở đáy, dùng lưới nilon lót dưới đáy chậu sau đó dùng mấy viên gạch vụn và sỏi xếp lên trên, dày khoảng 2-3cm.

Đổ đất vào khoảng 1/2- 2/3 chậu, chú ý để bộ rễ tự do rồi bỏ thêm đất vào và lấy tay nén nhẹ.Thay chậu khi thấy rễ cây ăn ra đáy chậu, thì thay chậu to hơn, kết hợp là thay đất đã chuẩn bị như đất trồng.

Kỹ thuật tưới nước cho cây hoa đỗ quyên

Cây đỗ quyên có bộ rễ rất mạnh nên nó rất sợ hạn và không chịu ngập úng lâu. Nếu hạn hoặc úng quá đều khiến cây sinh trưởng, phát triển kém, lá vàng, hoa rủ. Chính vì vậy, cần căn cứ vào điều kiện thời tiết để có chế độ tưới cho phù hợp. Thời gian tưới tốt nhất là vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Vào thời kỳ cây sinh trưởng, ra nụ, hoa cần tưới nước nhiều hơn. Trong những ngày trời hanh khô cần phun nước nhiều xung quanh lá, hoa, chậu và mặt đất để tăng độ ẩm không khí.

Nguyên tắc tưới, sau khi trồng và chăm sóc cho cây lên chồi, búp mới thì đất mặt chậu không khô không tưới, tưới chỉ đủ ẩm. Cứ 10 – 15 ngày lại tưới một lần giấm ăn pha loãng 10%, nếu không thì dùng nước gạo vo, nước đậu chua pha loãng mà tưới. 5 – 10 ngày tưới nước giải ngấu pha loãng một lần. Kết hợp mỗi tháng một lần tưới sunfat sắt pha loãng 0,5 – 1%, cây sẽ không bị bệnh vàng lá. Không có sunfat sắt thì dùng sắt gỉ ngâm nước pha loãng tưới cũng được.

Cần căn cứ vào điều kiện thời tiết để có chế độ tưới cho phù hợp

Kỹ thuật bón phân cho hoa đỗ quyên

Đỗ quyên không phải loại cây phàm ăn, chính vì vậy cần chú ý khi bón phân. Nếu bón nhiều phân quá, bón phân quá đặc thì còn gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Để có hoa to và đẹp thì cần bón một lượng phân phù hợp, cách bón phân hợp lý mà theo kinh nghiệm của các nhà vườn là: Phân khô bón ít, phân nước pha loãng.

Thông thường chỉ bón phân với các cây từ 2 năm tuổi trở lên. Đối với cây 2-3 năm tuổi thì chỉ bón từ cuối xuân đầu hè, cứ 10-15 ngày bón một lần phân loãng. Đối với cây từ 4 năm trở lên, mỗi năm bón 2 lần phân khô vào mùa xuân và mùa thu, giữa tháng 6 thì bón một lần phân P, K. Sau tháng 6 thì ngừng bón phân, đến khi tàn, cây mọc cành mới có thể bón nước phân loãng.

Để có hoa to và đẹp thì cần bón một lượng phân phù hợp

Một số chú ý khi bón phân:

Không nên bón nhiều phân vào mùa hè để tránh vàng lá, rụng lá.

Nếu mùa hè, cây sinh trưởng bình thường và đang bước vào giai đoạn sinh trưởng thực thì có thể bón 1-2 lần Ca3(PO4)2 + Ca(HPO3) để thúc đẩy ra nụ hoa.

Sau mỗi lần bón phần cần tăng cường tưới nước và xới xáo.

Sau mùa đông không cần bón phân.

Cách chăm sóc hoa đỗ quyên

Tỉa cành: Cắt tỉa cành bị sâu bệnh, cành yếu, khô, hay các cành mọc dày kết hợp với việc cắt tỉa tạo tán để cây sinh trưởng, phát triển theo ý muốn. Thời gian cắt tỉa tạo hình có thể chia ra làm 2 giai đoạn: mùa sinh trưởng và kỳ ngủ nghỉ. Mùa sinh trưởng: ngắt ngọn, uốn cành, chỉnh dày thưa,…

Kỳ ngủ nghỉ: chủ yếu là cắt cành sâu bệnh và cành yếu. Nên cắt những cành già và ngắn để mọc ra cành mới.

Nuôi cây thời kỳ đặt trong nhà: Khi trưng bày trong phòng phải chú ý để nơi có ánh sáng, thoáng gió. Hằng ngày phải chuyển chậu hoa ra ngoài, để qua đêm. Trong kỳ ra hoa phải chú ý không được tưới vào hoa. Thời gian trưng bày trong phòng không được để quá lâu, trong vòng khoảng 1 tháng phải thay đổi đưa chậu ra vườn để chăm sóc.

Điều chỉnh thời kỳ ra hoa:

Điều kiện ra hoa ( ánh sáng và nhiệt độ): Ban ngày > 27oC, ban đêm > 18oC thì mới ra hoa nhiều. Nụ hoa cũng yêu cầu chiếu sáng từ 5-16h/ngày.

Sự phân hoá chồi hoa và hoa nở: Chịu ảnh hưởng của đặc tính từng loài.

Phương pháp xử lý để hoa nở sớm: Tăng cường chăm sóc, cho các cành mới mọc nhanh. Đến khi cây hoàn thành việc phân hoá chồi hoa thì bắt đầu ít tưới nước lại, chiếu sáng nhẹ, hạ thấp nhiệt độ, bảo đảm đất trồng ẩm vừa phải…

Nguồn: Vietq được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

“Đại gia hoa quỳnh” trên đất Mỹ chỉ cách trồng hoa nhật quỳnh từ lá

Sở hữu hơn 60 giống hoa quỳnh Nam Mỹ, “đại gia hoa quỳnh” trên đất Mỹ chỉ cho bạn đọc Dân Việt trồng cách trồng nhật quỳnh từ lá.

Cách trồng nhật quỳnh từ lá.

Chia sẻ với Dân Việt về cơ duyên đến với hoa quỳnh anh Thiên cho biết: “Cách đây đã 4 năm, một người chị thân quen từ California gửi cho tôi một cây nhật Quỳnh màu hồng.

Vào đầu mùa Xuân, thì thấy những nụ nẩy giữa kẻ lá rồi thì những hoa quỳnh màu hồng bắt đầu nở giống hoa sen (cho nên nhiều người Việt gọi là Quỳnh sen). Thấy hoa dễ nở, quá đẹp, không tốn nhiều thời gian chăm sóc thế là tôi bắt đầu nghiên cứu về loại hoa này”.

“Qua hơn 4 năm nghiên cứu, học hỏi về giống nhật Quỳnh từ Nam Mỹ, hiện tại tôi có hơn 60 giống quỳnh. Có loại có hương thơm và lâu tàn như Quỳnh tên Cream and Gold, hoặc loại một hoa có nhiều màu như Quỳnh tên Clown.

Vì là ở xứ lạnh (Oregon), nên đến mùa Đông tôi phải đem tất cả Quỳnh vào nhà kính, chờ cho đến giữa tháng tư, thì đem ra ngoài vườn, thì Quỳnh bắt đầu ra hoa từ tháng 5 cho đến tháng 7. Nếu ai ở vùng ấm như Cali, Florida , Arizona, hay Việt Nam thì rất thích hợp cho Quỳnh” – Anh Thiên cho biết thêm.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Ý nghĩa hoa Quỳnh

Vì kiếp hoa sớm nở chóng tàn, nên hoa được ví như một cuộc tình mong manh lơ lửng trên cánh gió, nhưng đó là cuộc tình đẹp nhẹ nhàng và thanh tao.

Hoa quỳnh thuộc chi quỳnh với tên khoa học là Epiphyllum, thuộc họ xương rồng.
Có nguồn gốc từ Mỹ là cây thân bụi, mọc vươn dài hay sống dựa, gồm thân hình trụ, thân mọng nước cao từ 2 – 3 m. Hoa có mùi hương nhẹ nhàng thanh tao, nồng nàn và quyến rũ, cho ra những bông hoa rất đẹp với màu trắng tinh khôi nhưng chỉ nở được hai tiếng là hoa sẽ tàn và đó là phút giây đẹp nhất của nó.

Hoa quỳnh loài hoa được mệnh danh Nữ hoàng của bóng đêm

Chi Quỳnh (danh pháp khoa học: Epiphyllum), là một chi thực vật gồm khoảng 19 loài thuộc họ Xương rồng (Cactaceae), có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Tên gọi chung của chúng trong tiếng Việt là quỳnh, hoa được gọi là hoa Quỳnh. Các loài quỳnh thường được trồng để làm cảnh và hoa nở về đêm. Thân và lá một số loài quỳnh cũng được thêm vào trong một số dạng của loại đồ uống gây ảo giác ở khu vực rừng mưa Amazon là ayahuasca.
Ý nghĩa hoa Quỳnh

Một món quà thanh tao của tạo hóa, đem lại cho những ai luôn say mê tìm kiếm khám phá, thưởng thức cái đẹp. Mang đến những giây phút dịu dàng êm ái khi thưởng ngoạn , tô điểm cho cuộc sống thường ngày vốn dĩ tất bật, bon chen.

Bông quỳnh e ấp, dịu dàng 

Không phải ai cũng có thể chiêm ngưỡng và tận hưởng vẻ đẹp mà loài hoa này mang đến. Bởi vì chúng xuất hiện vô cùng kín đáo và ngắn ngủi, hoa chỉ nở một lần rồi tàn. Thế giới ban đêm của loài hoa kỳ diệu là thế đó, thi nhau đua nở, tỏa hương thơm ngát, trong lúc phần đông chúng ta đang chìm đắm trong giấc ngủ. Được mệnh danh là “ Nữ
Có thể nói hoa mang đến cho tâm hồn con người ta sự thanh thản, bình yên, niềm tin yêu và hi vọng.

Hoa tượng trưng cho ” vẻ đẹp chung thủy”, vì hoa chỉ nở một lần rồi tàn, cũng như một tình yêu đầu tiên nguyên thủy và duy nhất dâng hiến cho người tình.

Hoa tượng trưng cho những gì đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi: sớm nở, chóng tàn.

Hoa còn mang trên mình vẻ đẹp e ấp, dịu dàng, thanh khiết của người thiếu nữ.
Hoa khiêm nhường nở về đêm và chỉ dành cho những tâm hồn thanh tao biết đợi chờ.”
Vì kiếp hoa sớm nở chóng tàn, hoa được ví như một cuộc tình mong manh lơ lửng trên cánh gió, nhưng đó là cuộc tình đẹp nhẹ nhàng và thanh tao.
Và có khi Hoa Quỳnh là biểu tượng của kiếp hồng nhan bạc mệnh.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Hoa quỳnh nở ban đêm vào mùa nào?

Quỳnh nở hoa vào cuối mùa hè và đầu mùa thu. Hoa quỳnh thường nở ban đêm vào khoảng 8-9h tối. Nhưng “vì sao hoa quỳnh nở ban đêm” lại là một câu hỏi của rất nhiều người.

Thông tin trên báo Kiến Thức, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Lý, Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết: Hoa quỳnh nở vào cuối hè và đầu thu, thời gian hoa nở thường vào khoảng 8 – 9h tối. Khi hoa nở, cánh hoa trắng như tuyết và có mùi thơm tao nhã, hương thơm lan tỏa rộng.

Tuy nhiên, hoa chỉ tồn tại 3 – 4 tiếng là héo ngay. Điều này do hoa quỳnh có nguồn gốc từ Mexico, là loài hoa chịu khô hạn tốt nhưng lá của nó đã bị thoái hóa. Thân cây dẹt, vỏ cây tiến hành quá trình quang hợp và chế tạo chất dinh dưỡng thay cho lá cây. Ở lớp vỏ ngoài của thân cây có một lớp sáp giúp giảm bớt sự bốc hơi nước.

Hoa quỳnh nở vào buổi tối là để tránh ánh nắng gay gắt của mặt trời. Thời gian tồn tại ngắn ngủi do cần giảm sự bốc hơi nước. Vì vậy, chúng ta thường thấy hoa nở rồi lại tàn ngay, đó cũng là đặc tính thích nghi với điều kiện sống của chúng.

Một số hình ảnh tuyệt đẹp về hoa quỳnh:


Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kinh nghiệm trồng hoa quỳnh cho hoa nở quanh năm

Quỳnh là loài hoa được nhiều người yêu thích nhờ vẻ đẹp cùng hương thơm của nó. Sau đây, Khoa học & Phát triển sẽ hướng dẫn các bạn cách trồng hoa quỳnh đơn giản.

Những chậu quỳnh giống.

1. Dụng cụ trồng và đất trồng

Dụng cụ trồng: Bạn có thể tận dụng bao xi măng, bao tải, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng hoa quỳnh. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.

Đất trồng: Đất trồng hoa quỳnh phải tơi xốp, dễ thoát nước, cần nhiều chất hữu cơ. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 15 – 20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Cây quỳnh trồng bằng chậu treo

2. Chọn giống và trồng cây

Chọn những cành quỳnh bánh tẻ (không quá giá hoặc quá non) hoặc cành già dài khoảng 20 – 30cm. Để ở chỗ mát khoảng 10 ngày cho vết cắt khô. Bạn có thể bôi vào vết cắt nước vôi pha loãng.

Sau đó, cắm cành quỳnh giống sâu khoảng 1 – 2cm (sâu đủ cho nhánh quỳnh đứng được) vào trong chậu đất đã chuẩn bị sẵn. Cắm nọc trụ buộc cho nhánh quỳnh tựa vào giúp cố định nhánh ra rễ. Sau đó, trùm bao nilon lên trên (không phủ kín hoàn toàn) và để chỗ mát 1 tuần, sau đó mở bao nilong và đưa ra nắng từ từ.

Không tưới nước trong vòng 1-2 tuần đầu. Sau đó, tưới dần dần sau đó (giữ cho đất ẩm cho cây không bị khô, tránh để sũng nước gây thối gốc.

Cây quỳnh nở hoa rực rỡ

3. Chăm sóc

Tưới nước cho chậu quỳnh từ 1 – 2 lần/tuần.

Cây quỳnh thường trồng ở chỗ có nhiều nắng chiếu vào nhưng tránh ánh nắng trực tiếp, mô phỏng môi trường sống tự nhiên của nó.

Mỗi năm, thay đất cho quỳnh 1 lần vào khoảng tháng 10.

Muốn quỳnh ra hoa, phải để đất của chậu quỳnh khô kiệt hẳn một thời gian, ngưng tưới nước trong vòng từ 3-4 tuần (tùy theo địa phương) có thể lâu hơn, chủ yếu để đất trong chậu quỳnh khô hẳn nước. Tạo tình trạng khô hạn như các cây xương rồng trong sa mạc, nhưng không để cây bị héo.

Cây quỳnh không cần bón phân nhiều. Tuy nhiên, bạn có thể tưới loại phân bón Peters 20-20-20, Miracle Gro hoặc Super Bloom. Mỗi tháng một cốc nhỏ ( bón từ tháng 4-9), không nên dùng những loại phân bón có nồng độ nitơ cao.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.