Trồng Mướp bền cây, sai quả

Mướp có nhiều loại: Mướp trâu, mướp hương. Thời vụ gieo từ tháng 2 – 6, có thể gieo liền chân hoặc gieo ở vườn ươm, đến khi cây có 2 – 3 lá thật thì bứng đem trồng.

Làm đất kỹ, lên luống rộng 2,5m, bón lót 18 – 20 tấn phân chuồng, 120kg lân và 30kg kali/ha. Rạch hàng trên luống (mỗi luống chỉ trồng 1 hàng) rồi tra hạt, cách 30cm tra một khóm 2 – 3 hạt, sau tỉa đi để lại một khóm 2 cây, giữ mật độ 7.000 – 10.000 cây/ha.

Tỉa cây, bón thúc, xới vun, tận dụng đất hợp lý từ khi lên luống và tra hạt, cho đến lúc mướp leo kín giàn khoảng 2 tháng. Vì thế để tận dụng đất hợp lý có thể đồng thời tra hạt mướp với gieo hạt rau dền. Một tháng hoặc tháng rưỡi sau thu hoạch rau dền (nhổ cả cây), lúc đó vun xới xáo lại đất kết hợp tỉa cây cho mướp.

Chỉ bón thúc cho mướp khi cây sinh trưởng xấu, kém vì mướp rất hay bị lốp phân, tức là chỉ leo kín giàn mà không cho quả. Lượng phân bón thúc cho 1ha mướp gồm: NPK 300kg, urê 200kg và kali 30kg. Chia đều lượng phân cho nhiều lần bón. Khi cây được 20 ngày thì bón thúc bằng nước phân pha loãng. Sau đó cứ 20 ngày lại bón thúc một lần nhằm đúng vào quãng thời gian ở giữa hai kỳ hoa tạo điều kiện cho cây có sức ra được nhiều hoa quả. Khi mướp mọc được 2 – 3 lá thật thì phải chuẩn bị làm giàn cho mướp. Cây cao 20cm phải cắm mỗi hốc 1 cây dóc để mướp leo lên giàn. Giàn mướp nên làm kiểu mái bằng. Hệ thống giàn vững chắc, giàn cao 2 m, bắt dây bò đều trên giàn. Khi mướp đã lên giàn thì tỉa bỏ hết lá gốc cho thoáng.

Trước khi cho mướp leo giàn cần khoanh 1 – 2 vòng (có đường kính 30 – 40cm), thân mướp vùi vào đất để mướp ra thêm nhiều rễ phụ, cây sinh trưởng khoẻ, bền cây, cho thu hoạch nhiều ngày.

Nếu mướp bị lốp lá xanh đen, ít quả do thừa đạm: Lấy mũi dao sạch rạch đôi đoạn thân cách mặt đất 1m, dùng mảnh sành (mảnh thủy tinh) sạch cài vào hoặc cuốc lật đất sâu 20cm, cách gốc 1m, bón mỗi gốc 1 – 2kg kali clorua, mướp sẽ bị chột và sai hoa, nhiều quả sau khi xử lý 20 – 30 ngày.

Từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch từ 80 – 100 ngày, thời gian thu hoạch kéo dài cho đến tháng 9. Năng suất trung bình của mướp từ 40 – 50 tấn/ha. Để giống phải chọn quả to, không sâu bệnh, từ quả thứ 2 – 3 trở lên, để quả già trên cây như bầu, sau trẩy về phơi thêm rồi gác lên gác bếp, tới vụ sau bóc ra lấy hạt đem gieo.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng Mướp rắn

Với hương vị thơm ngon và thanh mát đặc biệt với lớp vỏ rất giòn, mướp rắn ngày càng được trồng rộng rãi ở nhiều nơi để cung cấp cho nhiều người sành ăn trên khắp cả nước.

1. Hạt giống:

Mướp rắn được trồng hoàn toàn bằng hạt. Thông thường những người trồng lâu năm thường giữ lại những quả to mùa thứ nhất để làm giống cho các vụ sau. Chọn những quả to đều để cho chín già trên cây rồi mới hái xuống đem phơi khô và lấy hết hạt bên trong. Những hạt được chọn sẽ là những hạt to tròn mẩy sờ chắc hạt. Với những người mới trồng lần đầu thì nên mua hạt giống mướp tại các cửa hàng bán hạt giống.

Cũng giống các loại cây họ bầu, mướp rắn yêu cầu lượng nước không quá nhiều. Chúng không chịu được đất ngập úng vì hay bị thối rễ. Do đó nên trồng mướp trên những khu vực đất cao và dễ thoát nước. Loại đất thích hợp trồng cho cây là đất cát pha có thành phần cơ giới nhẹ.

2. Gieo hạt:

Sau khi đã có được hạt giống chất lượng bạn cần xử lý trước khi đem gieo. Vì hạt giống mướp có lớp vỏ khá dày và cứng nên bạn cần ngâm chúng trong nước ấm 4 đến 5 tiếng cho hạt ngấm nước nở to lên. Sau đó đem ủ hạt giống vào khăn ẩm qua đêm cho hạt nứt rồi sau đó mới đem gieo xuống đất.

Bạn có thể gieo trực tiếp hạt giống mướp xuống đất hoặc gieo ươm hạt trong khay hoặc túi bầu khi thành cây con mới trồng sang nơi mới đã được chuẩn bị sẵn. Khi cây còn non bạn nên chú ý giữ ẩm cho đất che chắn cẩn thận khỏi côn trùng hoặc động vật. Khi cây con ra được 4 đến 5 lá thật nên tưới nước nhiều hơn và bón lót cho chúng một chút phân bên dưới.

Bước 3 : Làm giàn cho mướp rắn

Khi cây được khoảng 3 tuần, lúc này cây mướp đã đạt chiều cao 30 cm và ra rất nhiều lá và nhánh. Lúc này đã đến thời điểm tạo cho chúng một bộ khung vững chắc.

Giàn cho mướp giống như những loại giàn cho bầu hoặc bí khác. Bạn có thể làm giàn bằng lưới thép hoặc làm bằng gỗ đều được. Tạo cho cây một giá thể vững chãi cho chúng leo cũng giúp mướp tạo được nhiều quả hơn sau này và cũng tiện cho việc thu hoạch. Chọn ra khoảng 4 cây mọc khỏe nhất làm cây chính cho leo giàn. Một giàn chỉ cần từ 3 đến 4 cây là đủ.

Khi cây bắt đầu bám giàn cũng là lúc cây phát triển nhanh và mạnh nhất. Lúc này bạn duy trì chế độ tưới nước cho cây một ngày một lần vào chiều mát. Nên bón cho cây thêm phân chuồng hoai mục để cây phát triển cành non và lá. Chú ý bón phân cho cây vào thời kỳ ra hoa và đậu quả sẽ giúp cây tạo được nhiều quả to đẹp và cho thời gian ra quả kéo dài hơn.

Khi giàn leo mướp dài khoảng 2m đến 3m lúc này cây đã gần như phủ kín cả giàn. Lá và các ngọn đâm ra tua tủa khiến toàn bộ giàn được phủ một màu xanh mướt. Chỉ khoảng vài ngày nữa, những dấu hiệu nở hoa đầu tiên bắt đầu xuất hiện.

Hoa mướp mọc ra từ phần chồi nách của thân. Hoa nhỏ có màu trắng tinh khiết trông rất đẹp. Khi nở năm cánh bung tỏa cùng những sợi tơ trắng dài li ti xòe rộng trông không khác gì những vũ công đang múa. Lúc này trên khắp giàn mướp được điểm xuyết thêm một màu trắng của những bông hoa nở. Vẻ đẹp của chúng cũng thu hút rất nhiều loài ong bướm đến hút mật thụ phấn.

Vì là loại cây lưỡng tính nên trên một cây mướp bạn sẽ bắt gặp cả hoa đực và hoa cái. Hoa đực thường nhỏ và không có phần bầu hơi phình phía dưới cuống như hoa cái. Hoa cái khi nở sẽ to hơn và phía cuống hoa thường sẽ có một chỗ hơi phình to ra sau này khi hoa tàn chỗ đó sẽ hình thành quả.

Hoa mướp cái nở hoa to và đẹp hơn đồng thời cũng lâu tàn hơn hoa đực.

Để giúp cây đậu nhiều trái hơn thì ngoài biện pháp thụ phấn tự nhiên nhờ ong bướm thì bạn cũng có thể tự tay thụ phấn cho cây. Ngay khi những bông hoa đực chưa tàn bạn dùng tay ngắt chúng rồi đem tìm những bông hoa cái ấn nhẹ phần phấn vào bầu noãn của bông hoa cái. Như thế sau này bông hoa đó sẽ chắc chắn ra quả.

Tự tay thụ phấn cho cây giúp cây đậu quả 

Sau khi thụ phấn cho cây một vài ngày. Hoa cái sẽ héo và tàn dần để lại một sự sống mới phát triển sau đó. Từ phần cuống hoa cái lúc này bạn sẽ thấy chúng phồng to lên chứng tỏ quả đã bắt đầu phát triển. Lúc này bạn nên tỉa bớt lá gần những quả non giúp chúng đón được nhiều ánh sáng hơn để phát triển.

Khi nhận được nguồn dinh dưỡng từ đất dồi dào cùng ánh nắng quả mướp Nhật sẽ lớn rất nhanh. Chỉ khoảng 1 tuần từ khi ra quả lúc này quả mướp đã đạt kích thước chiều dài khoảng 7 đến 10 cm và đường kính khoảng 5 cm. Nhiều quả sẽ xoắn lại với những hình dáng như con rắn đang cuộn trên cây. Nhiều người trồng có kinh nghiệm đã có một cách giúp quả mướp mọc dài và thẳng hơn. Chỉ đơn giản buộc thêm ở phần dưới cuống quả một hòn đá giúp giữ cho chúng thẳng không bị xoắn lên trên. Với mẹo này khi thu hoạch bạn sẽ có được những quả mướp dài và thẳng trông bắt mắt hơn.

Bước 4: Thu hoạch mướp rắn

Sau khoảng hơn 2 tháng kể từ khi gieo hạt qua nhiều giai đoạn thì lúc này là lúc tận hưởng thành quả của bạn có được. Trái mướp của bạn đã có thể cho thu hoạch. Quả trưởng thành có hình dáng dài với thân láng có những vân sọc trắng xung quanh. Đường kính trung bình khoảng 7 cm và kích thước mỗi quả có thể đến 200g. Giống với các loại cây thân leo khác, mướp có thể cho quả liên tục trong vòng 3 tháng. Do vậy bạn hoàn toàn có thể yên tâm thu hái mướp rắn dần dần để thưởng thức đến hết mùa hè này.

Với thành quả là những quả mướp rắn ngon lành này bạn có thể chế biến ra rất nhiều món ăn ngon miệng để đổi khẩu vị cho cả gia đình. Đơn giản nhất bạn có thể luộc mướp lên ăn chấm với muối vừng hoặc có thể xào chung với thịt lợn hoặc thịt bò đều rất ngon. Với hương vị ngon ngọt và rất thanh mát. Mướp rắn sẽ là một thực phẩm ngon lành mà bạn không thể bỏ qua giúp giải nhiệt trong mùa hè oi nóng này.

Nguồn: Khoa học và phát triển được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thụ phấn bổ sung cho na sai quả

Muốn cho na sai quả, quả to, không bị lép, chất lượng tốt, bán được giá cao thì cần phải thụ phấn bổ sung bằng tay cho na.

Về Việt Dân, một xã nghèo của huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh hiện đang được coi là điểm sáng của chủ trương chuyển dịch cơ cấu SXNN thành công của tỉnh, lần này Cận tôi học được cách thụ phấn bổ sung cho na sai quả, quả to và quả không bị lép, xin ghi lại để bà con các nơi tham khảo, áp dụng.

Theo anh Nguyễn Xuân Long ở thôn Khê Thượng, xã Việt Dân nếu chăm sóc tốt cây na ra rất nhiều hoa nhưng tỷ lệ đậu quả thấp vì nhị đực và nhụy cái thường nở lệch pha nhau. Thường thì nhị đực nở trước, tung phấn rất lâu sau đó nhụy cái mới nở nên rất khó tự thụ phấn, nếu có thụ phấn được thường do gió hoặc côn trùng nên tỷ lệ đậu quả thấp, nhiều quả có tỷ lệ múi lép cao do thụ phấn không hoàn toàn. Muốn cho na sai quả, quả to, không bị lép, chất lượng tốt, bán được giá cao thì cần phải thụ phấn bổ sung bằng tay cho na.

Cách lấy phấn hoa: Chọn ngày nắng ráo, hái những hoa ở gần ngọn, đầu cành các cành nhỏ (thường những hoa này không đậu quả) để lấy phấn. Chọn hái những hoa sắp nở: cánh đã dài, màu trắng vàng, các cánh đã bắt đầu tách khỏi nhau, nhị đực đã bắt đầu chuyển sang màu trắng kem, bao phấn sắp nứt. Thời gian hái hoa tốt nhất là vào buổi chiều, từ 3 đến 6 giờ. Hái xong cho hoa vào túi giấy đậy kín, để qua đêm cho hoa nở và phấn chín hoàn toàn. Sáng hôm sau đổ hoa ra đĩa khô, sạch, bỏ hết cánh hoa, rũ cho hạt phấn rơi ra, thu gom cho vào lọ thủy tinh hoặc đĩa petri có phủ vải lên trên để giữ ẩm rồi đem đi thụ phấn cho na.

Cách thụ phấn: Dùng bàn tay trái đỡ nhẹ đế hoa, cuống hoa lọt giữa ngón trỏ và ngón giữa bàn tay trái và lấy ngón tay cái cũng của bàn tay trái tách nhẹ cánh hoa ra trong khi tay phải cầm bút lông hoặc que tăm có quấn bông gòn chấm vào lọ hạt phấn rồi phết nhẹ và xoay đều cho phấn dính vào bó nhụy cái giữa lòng hoa. Thời gian thụ phấn tốt nhất là từ 8-10 giờ sáng, hoa nào nở trước thụ phấn trước, hoa nở sau tiếp tục thụ phấn các lần tiếp theo.

Kinh nghiệm cho thấy nếu có điều kiện nên thụ phấn bổ sung cho na 2 lần cách nhau 1 ngày và chọn hoa để thụ phấn sao cho số hoa cách đều trên cành thì tỷ lệ đậu quả mới cao, quả sẽ to và sẽ ít bị rụng quả sau này. Theo anh Long, nếu làm thành thạo 1 người có thể thụ phấn cho 800-1.000 hoa/ngày. Khoảng 3-4 ngày thụ phấn 1 lần cho 1 cây và cả mùa na cũng chỉ thụ phấn 8-10 lần khi cây ra nhiều hoa nhất.

Trong thời gian thụ phấn bổ sung không nên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, hạn chế tưới nước. Khi hoa đã đậu, quả bắt đầu lớn thì cần tăng cường bón phân, tưới nước, chăm sóc, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đầy đủ, kịp thời để nuôi quả lớn.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cách trẻ hóa vườn na

Vừa rồi chúng tôi lên Lạng Sơn học được cách thức “cải lão hoàn đồng” cho những vườn na dai già cỗi, sâu bệnh, ít quả…

Vừa rồi chúng tôi lên Lạng Sơn học được cách thức “cải lão hoàn đồng” cho những vườn na dai già cỗi, sâu bệnh, ít quả năm ngoái thành những vườn na khỏe mạnh, xanh tốt, sai quả và quả to vụ na năm nay như một phép lạ của bà con vùng trồng na nổi tiếng xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng.

Đây là kết quả chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật do Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với HTX Dịch vụ và Phát triển na Chi Lăng triển khai thực hiện thành công trong 2 năm gần đây, xin mách nước lại cho bà con.

1. Đốn tỉa và “lùn hóa” vườn na:

Công việc này được tiến hành ngay sau vụ thu hoạch, khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch kết hợp với việc bón phân cơ bản hàng năm cho na.

– Với những cây già, yếu, nhiều sâu bệnh, cây mọc quá cao… dùng cưa hoặc dao sắc đốn cách gốc 80-100cm (phía trên các chạc 2, chạc 3 khoảng 20cm) với một vết cắt nghiêng 45o, sắc gọn, không xơ xước. Cắt xong dùng dung dịch boóc đô 3% quết lên vết cắt vừa để hạn chế cây bốc hơi nước, vừa để chống nhiễm khuẩn cho cây nhanh liền sẹo. Bón nhiều phân chuồng hoặc phân hữu cơ, các loại phân khoáng theo qui trình, tủ kỹ gốc, tưới đủ ẩm sang xuân cây sẽ bật chồi, hình thành bộ tán mới. Với cách làm này chúng ta sẽ tạo được bộ tán mới khỏe mạnh, sung sức, thấp cây tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch sau này và cây sẽ cho nhiều quả, quả to, chất lượng tốt trong những vụ thu hoạch tiếp theo.

– Với những cây na đang thời kỳ sung sức nhưng phát triển quá rậm rạp, ít quả thì cắt bỏ toàn bộ những cành nhỏ mọc trong tán, chừa lại những cành to bằng ngón tay út trở lên và trên những cành ấy cắt bỏ tất cả ngọn ở nơi tiếp giáp giữa cành bánh tẻ và cành non. Sau khi cắt, ta có một bộ tán trụi lá toàn cành hữu hiệu, sẵn sàng đâm chồi mới và ra hoa. Kinh nghiệm ở Chi Lăng cho thấy sau khi chặt tỉa bớt các cành già, cành yếu kết hợp tăng cường bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời thì na ra hoa, đậu quả ngay, cho quả to (3-4 quả/kg, to hơn vụ trước).

2. Bón phân, chăm sóc:

– Ngay sau khi cắt tỉa, bón 5kg phân hữu cơ + 1-2 kg NPK 16-16-8 + 0,4 kg vôi/cây. Cuốc xới đất, vùi đất kỹ, tủ gốc, tưới nước giữ ẩm cho cây để chuẩn bị phân hóa mầm hoa và ra hoa tốt.

– Muốn cho na ra hoa sớm hoặc rải vụ thì áp dụng kỹ thuật tuốt lá: pha 800g urê trong bình 8 lít nước rồi phun ướt đẫm cây làm rụng lá già, số lá còn lại thì tuốt bỏ luôn.

– Kinh nghiệm của nhiều nhà vườn cho thấy: sau khi cắt tỉa 10 ngày, trên mỗi cành sẽ mọc ra nhiều chồi, nên tỉa bớt chỉ chừa lại 4-6 chồi khỏe mạnh được phân đều về các hướng. Pha 35ml RA HOA C.A.T + 15g F.Bo trong bình 8 lít phun sương đều các cành mới này 2 lần cách nhau 5 ngày để kích thích cho hoa ra và nở đều.

– Khi thấy quả to bằng ngón tay út bà con bón thêm 1kg NPK 16-16-8 + 1kg vôi cho 1 cây. Trong quá trình quả lớn, nếu có điều kiện thì phun thêm các loại phân bón qua lá để giúp quả to, màu sắc đẹp hơn.

– Khi quả to bằng quả trứng chim cút, tỉa bỏ bớt quả nhỏ, các cành lá vướng quả rồi tiến hành phun thuốc ngừa sâu bệnh gây hại. Sau đó 1 ngày dùng túi nilon hoặc túi giấy kích thước 16 x 20cm bao kín lại giúp bảo vệ được quả an toàn, mã quả đẹp, chất lượng tốt bán được giá cao.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng Na bằng hạt

Na là một loại cây có khả năng thích nghi tốt với các điều kiện thời tiết khác nhau. Vị na rất ngọt ngào, pha chút vị chua chứ không lạt, thoang thoảng mùi thơm của hoa hồng. Vậy kỹ thuật trồng na bằng hạt như thế nào? Chắc các bạn cũng rất tò mò muốn biết.

Na trồng phù hợp nhất là vào tháng 8 tháng 9. Loại cây này có đặc tính thích nghi tốt ở những nơi đất thoáng cây sẽ phát triển rất. Chăm sóc cây từ khi cây mới ngoi lên mặt đất như vậy cây mới cho trái ngon.

1. Cách nhân giống na bằng hạt

– Với cách nhân giống này khi ăn na ta giữ lại hạt của những cây có trái to ít hạt, hạt bé và có vị ngọt cao.

– Do hạt na có vỏ rất cứng, sẽ khiến cho các bạn thấy rất khó để tách vỏ. Tuy nhiên cũng có một vài cách để tách vỏ na, ta có thể để na vào lồng sắt hoặc giỏ đựng cá, hoặc đơn giản chỉ là chiếc hộp nhựa. Sau đó xóc để cho hạt na bung vỏ ra.

– Sau khi hạt na đã bong được lớp vỏ bên ngoài, ta xử lý hạt bằng cách dùng axit sunfuric, ngâm với nước nóng 55 – 60oC trong 15 – 20 phút, hạt sẽ nảy mầm sau 2 tuần. Khi ấy ta có thể mang hạt na trồng trực tiếp xuống đất, hoặc cẩn thận và để đảm bảo chất lượng hơn ta có thể đóng bầu, rồi trồng mầm hạt na vào bầu, đợi cây lớn hơn một chút mới trồng xuống đất.

2. Cách chăm sóc na

Khi mới hạt na nảy mần, vẫn cần duy trì việc tưới nước cho cây và buổi sáng và chiều tối.

Quy trình bón phân:

– Lúc cây còn bé cho 20- 30 kg phân chuồng cho mỗi cây ngay sau khi trồng.

– Khi cây trưởng thành bón 20 kg phân chuồng/năm, sau đó từ năm thứ ba trở đi 30 kg/năm( trước mùa mưa và sau khi hái quả). Cho thêm với phân chuồng, năm đầu bón phân NPK 16-16- 8: 0,5 kg cho từng cây. Từ năm thứ hai cứ thêm 1 năm, bón thêm 0,5 kg. Khi cây được 10 năm thì dừng việc bón phân.

3. Cách phòng trừ sâu bệnh cho na.

– Na là loại cây rất ít bị sâu bệnh. Tuy nhiên biến ở các vườn ít chăm sóc cây thường bị rệp sáp. Và những căn bệnh này ta không thể xem thường.
Bệnh gây hại nhất là bệnh thán thư nấm (loại nấm Colletotrichum gloesporivides) gây hại hoa. Với bệnh này ta có thể trị bằng các loại thuốc sau: Kasuran BTN, Benlat C, Zincopper, Aliette 80 BTN.

– Tiếp theo là bệnh sáp rệp, với loại bệnh này khi có dấu hiệu của bệnh bà con cần phun thuốc ngay. Dùng các loại thuốc sau Applaud, Mpc 25 BTN, Bi 58 ND, BAM 50 ND, Polysulfur Calci….

Cách phun thuốc cho na bị bệnh cũng thực hiện như cách phun loại cây khác, hòa thuốc với nước (theo tỷ lệ pha thuốc ghi trên nhãn của nhà sản xuất) rồi dùng bình xịt, xịt khắp thân và ngọn cây.

4. Thu hoạch:

– Dấu hiệu khi na chín sẽ chuyển sang màu trắng và mắt na mở to hơn và thường sẽ suất hiện những vết nứt ở da, vỏ sẽ rất mềm khi ta chạm vào

– Khi hái nên nhẹ tay, tránh làm nát quả.

– Khi hái xong cần tiêu thụ ngay vì na rất khó bảo quản.

5. Cách bảo quản.

Do hô hấp mạnh nên na chín nhanh, vậy nên chỉ cần hạ thấp nhiệt độ xuống.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

‘Lập trình’ cho na ra quả theo ý muốn

Nông dân huyện Lục Nam (Bắc Giang) có “tuyệt chiêu” bắt cây na ra hoa, đậu quả ở bất kỳ vị trí nào trên thân, cành và bất cứ thời điểm nào.

Vườn na nhà ông Hiến sai trĩu, quả mọc theo trục thân cây rất độc đáo

Ra quả từ thân

Chưa bao giờ, nông dân xã Huyền Sơn thấy phấn khích với cây na như lúc này. Bởi theo ông Bùi Văn Quang, Giám đốc HTX Na dai Lục Nam: Một là, giá na rất cao. Hai là, trồng na không bao giờ sợ mất mùa.

Cái thông tin phía sau chữ “hai là…” ấy khiến tôi choáng. Nghĩ thầm, chắc vị này “chém gió” cho vui. Nhưng, đó là sự thực.

Hồi ông Quang còn bé, đã thấy cây na đứng chân ở vùng đồi núi Huyền Sơn. Mỗi nhà chỉ trồng 2 – 3 cây, ăn chơi ăn bời trong gia đình là chính. Từ năm 1995, nhờ có thương lái miền xuôi làm “cầu nối”, thức quả đặc sản này đã đến được bàn ăn của người dân Thủ đô. Một làn na khoảng 50 quả bán được 260.000 đồng (tương đương 2/3 chỉ vàng thời bấy giờ). Thấy lợi nhuận khủng, các đại gia vác tiền về đây mua đất, trồng na.

Tuy nhiên, do không được chăm sóc đúng cách, na cho năng suất thấp và bấp bênh. Có năm, chỉ sau trận bão quét qua, quả rụng đầy gốc. Nguyên do bởi trong điều kiện tự nhiên, na thường ra hoa, đậu quả ở đầu cành nên dễ bị gió quật. Cũng có năm, na chín rộ chỉ trong 3 – 4 ngày, chủ vườn không cắt kịp, trái lìa cành rơi bình bịch xuống đất, vỡ nát.

Nắm thóp những điểm yếu trên, người trồng na mày mò cách hoá giải. Trung tuần tháng 11/2013, một nông dân xóm Khuyên, xã Huyền Sơn thử nghiệm cắt cành để cho cây thấp bớt, tránh gió bão. Nhưng khổ nỗi, sang xuân, cây chỉ chồi lộc ở thân chứ không ra hoa. Nguy cơ mất mùa hiện rõ. Chủ vườn tiếp tục đánh liều, cắt cụt ngọn cành non mới mọc ra từ thân cây. Bất ngờ, sau 20 – 25 ngày, từ những kẽ lá của cành cây cụt đua nhau nhú hoa, đậu quả.

Quả na hút dinh dưỡng trực tiếp từ thân cây nên căng mọng, ngọt lịm và nhiều nước. Dù ra hoa chậm hơn 1 tháng, nhưng năng suất vườn na diện tích 3 sào của ông vẫn đạt 2,1 tấn (tương đương 20 tấn/ha). Một thành tích mơ ước người trồng na.

Ép hoa nở bất cứ lúc nào

“Kỹ nghệ” trồng na độc nhất vô nhị này được phổ biến ra toàn vùng. Nhờ đó, người ta có thể điều khiển cây na chín sớm, chín muộn hay chín đúng vụ tùy thích bằng cách… cắt cành. Từ trung tuần tháng 6 âm lịch, thương lái đã đánh xe tải lên Lục Nam mua na, trong khi ở các vựa na khác như Chi Lăng (Lạng Sơn), Chí Linh (Hải Dương), quả na vẫn xanh lét. Giá bán na đầu mùa bao giờ cũng đắt (45.000 – 50.000 đồng/kg), thậm chí có thời điểm lên tới 60.000 đồng/kg.

Ngay trong vùng na dai Lục Nam, cùng một thời điểm, khi quả na vườn nhà này đã to bằng quả trứng gà, chủ vườn bên cạnh mới bắt đầu thụ phấn cho hoa để đón vụ na chín muộn, bán giá cao. Nhờ đó, na Lục Nam có thể rải vụ hơn 4 tháng (từ trung tuần tháng 6 đến hết tháng 10 âm lịch).

Na không chín rộ trong thời gian ngắn, nghĩa là không có chuyện ứ hàng. Và tất nhiên, cánh thương lái không thể ép giá. Thậm chí, thương lái ở Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế kéo đến tận vườn để đặt cọc. Hiện tại, giá na loại 1 khoảng 28.000 – 30.000 đồng/kg, khá cao.

Điểm khác biệt nhất của na dai Lục Nam nằm ở màu sắc vỏ sáng bóng và độ bền của quả. Dù đặt trên bàn thờ cả tuần, quả na cũng không bị thâm vỏ như các loại na trồng ở vùng đất khác. Bởi, na Lục Nam được trồng ở những vùng đất rất khác biệt: Địa hình cao, ráo nước nhưng chất đất giàu dinh dưỡng, màu đen như kiểu mùn giun.

Ông Quang bên một cây na ra quả từ thân

Nông dân Lục Nam tuyệt đối không bón phân hóa học cho vườn na, thay vào đó là phân bón hữu cơ gồm phân trâu (hoặc phân gà) trộn lẫn tro rơm ủ hoai mục trong 8 tháng. Trong tro rơm có nhiều kali nên quả ngọt, rất bền và cây khỏe mạnh, đủ dưỡng chất nên gần như không có sâu bệnh.

Cá biệt, thu 800 triệu đồng/ha

Trước đây, nông dân để vườn na thụ phấn tự nhiên nhờ côn trùng. Buổi sáng, chiều tối con ong đi ăn phấn của hoa già. Khi trời nắng, chúng chui vào bông hoa non mới hé để trú ngụ vô tình thụ phấn cho hoa, nhưng phấn dính trên chân lông con ong không đều dẫn đến quả tròn quả vẹo, tỷ lệ đậu quả không cao.

Thấy thế, bà con tự thụ phấn bằng cách gom phấn hoa già sau đó thụ phấn cho hoa non, quả non lớn lên rất đẹp mã. Nếu phát hiện quả nào còi cọc, méo mó, chủ vườn có thể cắt bỏ đi và cho ra hoa lứa khác để lấy quả đẹp hơn.

Hộ ông Trần Văn Báo (xóm Khuyên) chỉ có 5 sào trồng na. Lão nông này rải vụ na ra làm hai đợt. Riêng đợt 1 đã thu được 100 triệu nhưng chưa cắt hết quả. Còn vụ na đợt 2 dự kiến thu được 50 triệu nữa. Như vậy, nếu diện tích trồng na của nhà ông Báo là 1ha, thì số tiền thu được sẽ là trên 830 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư phân bón khoảng 50 triệu đồng, lợi nhuận mà nông dân thu được rất lớn.

Những hộ gia đình có vườn na cho năng suất thuộc loại trung bình như ông Phương Minh Hiến (xóm Khuyên) cũng đạt năng suất từ 18 – 20 ha/vụ. Mặc dù vừa thu hoạch xong lứa na thứ nhất (bắt đầu từ 25/6 – 24/8), thu 260 triệu đồng. Tuy nhiên, ông vẫn còn lứa na thứ hai, dự kiến trung tuần tháng 10 sẽ bắt đầu cho thu, giá trị 200 triệu nữa.
Để có na chín thường xuyên, bí quyết của ông Phương Minh Hiến là: Từ tháng giêng trở đi, mỗi ngày ông phương chỉ cắt cành khoảng 10 gốc na. Nếu là cây khỏe, đúng 20 ngày sau chúng sẽ ra hoa, còn cây yếu hơn là 25 ngày. Như vậy, hoa được thụ phấn theo từng đợt, rải đều trong nhiều tháng và quả chín từ từ

Được biết, hiện toàn huyện Lục Nam có hơn 1.700ha na, doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Để xây dựng và phát triển thương hiệu na dai Lục Nam, trước mắt, UBND huyện đã hỗ trợ cho HTX Na dai Lục Nam chi phí về túi ni lông (có in địa chỉ và hình ảnh của vùng na Lục Nam) để phát không cho thương lái (tương ứng với số lượng na bán ra), từ đó dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, huyện cũng đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ một phần phân bón và các loại thuốc BVTV cho nông dân theo đúng quy trình sản xuất VietGAP.

Nguồn: Hội nông dân được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật ươm giống cây Măng tây

Măng tây là thực phẩm vàng cho sức khỏe. Trong măng tây có chứa nhiều chất đạm, chất xơ, chất khóang, canxi…và nhiều loại vitamin như vitamin A, vitamin C…Măng tây chứa nhiều chất xơ rất cần thiết cho hệ tiêu hóa, phòng trị các bệnh tiểu đường, bệnh ung thư, bệnh tim mạch rất hữu hiệu. Ngoài ra, măng tây còn có khả năng tăng cường sinh lực, chống béo phì và chống lão hóa da.

1. Kỹ thuật ươm cây giống măng tây bằng bầu nilon

– Bầu ươm cây giống măng tây có đường kính 6-8cm cao 10-15cm có đục lỗ sẵn.

– Giá thể làm bầu gồm 1/3 đất + 1/3 cát sạch + 1/3 phân hữu cơ ủ hoai.

– Phơi hạt măng tây 2 giờ để kích thích mọc mầm, ngâm nước 12 giờ, vớt ra rửa sạch và gieo hạt vào giữa bầu có giá thể, chiều sâu gieo hạt 1,5cm (1 đốt tay) sau đó phủ kín hạt.

– Hạt giống đã xử lý thuốc thì không cần phải ngâm ủ mà gieo trực tiếp.

– Tưới nước giữ ẩm hàng ngày, che chắn khỏi gia súc hay chim phá hoại.

– Từ khi gieo đến mọc mầm là 12-15 ngày, chăm sóc tiếp tục đến 60 ngày tuổi thì đem trồng ra ruộng sản xuất.

2. Kỹ thuật làm luống chìm ươm cây giống măng tây trên đất cát

– Chuẩn bị đất 1 tháng trước khi trồng: dọn sạch cỏ dại, cày phơi ải và bón phân hữu cơ (ủ hoai) trước khi gieo hạt.

– Làm luống chìm tương tự ươm hạt giống rau, kích thước luống 0,8m, bờ rộng 0,2m cao 0,2m. Dùng cây cỡ kéo hàng gieo hạt khoảng cách hàng 10cm.

– Phơi hạt măng tây 2 giờ để kích thích mọc mầm, ngâm nước 12 giờ, vớt ra rửa sạch và gieo hạt vào rãnh khoảng cách gieo hạt (hàng x cây) 10cm x 6cm, sâu 1cm (1 đốt tay) và lấp kín hạt bằng trang gỗ.

– Hạt giống đã xử lý thuốc thì không cần phải ngâm ủ mà gieo trực tiếp.

– Tưới nước giữ ẩm hàng ngày bằng hình thức tưới rãnh, không dùng vòi phun và không nên tưới bằng hệ thống phun mưa vì cây non rất yếu dễ bị đổ rạp chết cây.

Làm luống và tạo rãnh gieo hạt măng tây tại An Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận

Gieo hạt măng tây trong vườn ươm.

Tưới nước và phòng trừ dế nhũi hại cây con măng tây

3. Kỹ thuật làm luống nổi ươm cây giống măng tây trên đất thịt pha cát

– Chọn đất làm vườn ươm giống như ươm hạt giống cây rau.

– Đất cày bừa kỹ, sạch cỏ dại, bón phân hữu cơ ủ hoai trước khi gieo hạt tối thiểu 30 ngày.

– Lên luống nổi: rộng 1m, cao 0,3m, rãnh rộng 0,4m.

– Dùng cây tròn hay cây vuông đường kính 20mm dập trên mặt luống thành các hàng cách nhau 10cm, sâu 2cm để tạo hàng gieo hạt.

– Phơi hạt 2 giờ để kích thích mọc mầm, ngâm nước 12 giờ, vớt ra rửa sạch và gieo ngay.

– Gieo hạt khoảng cách (hàng x cây): 10cm x 6cm, lấp đất xốp dày 1cm để phủ kín hạt.

– Tủ một lớp rơm mỏng để tưới nước không bị kết váng bề mặt, sau 15 ngày cây măng bắt đầu mọc thì dỡ bỏ hết lớp rơm để cây con mọc bình thường.

– Tưới nước giữ ẩm hàng ngày bằng bình ô doa (bình hoa), không dùng vòi phun và không nên tưới bằng hệ thống phun mưa vì cây non rất yếu dễ bị đổ rạp chết cây.

4. Phòng trừ sâu bệnh, dịch hại cho cây giống măng tây

+ Trừ dế nhũi trước khi gieo hạt và xử lý thuốc sâu 1 tuần/lần bằng thuốc Sherpa.

+ Trừ bệnh chết cây con, bệnh đốm tím, … bằng thuốc Alliette hoặc Monceren.

+ Phòng trừ chim sẻ cắn cây bằng lưới chim loại sợi 0,85mm, mắt 3cm, cao 5m, dài 20m.

5. Bón phân cho cây giống măng tây

+ Từ khi gieo hạt đến mọc mầm 15 ngày không bón phân.

+ Sau gieo 30 ngày tưới phân bón lá Humix liều dùng theo khuyến cáo.

+ Sau gieo 45 ngày tưới phân DAP (ngâm và tưới theo nước) pha loãng 1-2kg/1000m2.

+ Sau gieo 60 ngày tưới phân DAP, liều lượng như trên.

+ Sau gieo 75 ngày tưới phân DAP, dừng tưới phân trước khi nhổ cây 15 ngày.

– Nhổ cây con đem trồng ra ruộng sản xuất sau khi cây đủ 90 ngày tuổi.

Nguồn: linhdangroup.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cách thu hoạch và phân loại Măng tây

Măng tây là thực phẩm tương đối phổ biến và có lợi cho sức khỏe.  Măng tây sau khi thu hoạch, cần có biện pháp bảo quản thích hợp để giữ được độ tươi ngon tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng.

1. Cách thu hoạch sản phẩm rau Măng tây xanh:

Việc thu hoạch sản phẩm rau Măng tây khá đơn giản, chỉ cần giật hái bằng tay như thu hoạch hoa huệ. Thời gian thu hoạch rau Măng tây thông thường từ 5g30 – 8g30 sáng mỗi ngày, trước khi mặt trời mọc, khi Măng chưa tiếp xúc với ánh nắng để tránh bị héo, mềm yểu nhanh sau thu hoạch. Từ năm thứ 4-5 trở đi, khi đã có nhiều sản lượng thì có thể tổ chức thu hoạch thêm vào buổi chiều sau khi trời đã tắt nắng và đã tưới hạ nhiệt rẫy trồng Măng.

Trước khi thu hoạch Măng sáng hay chiều, cần tiến hành tưới nhẹ cho rẫy Măng để bổ sung nước chống sốc cho Măng sau khi thu hái khỏi vườn trồng, giữ tươi lâu cho Măng thương phẩm, để Măng thương phẩm có chất lượng non mềm, tươi dòn, ngon ngọt đặc trưng.

Khi các chồi Măng to đường kính giữa thân măng lớn hơn >10 mm (cỡ gần bằng các ngón tay) nhô lên cao khỏi mặt đất #19-21-23 cm (#1 gang tay) là lúc cần phải thu hoạch ngay để có được sản phẩm Măng non mềm, tươi giòn, chất lượng cao (lúc đó chồi Măng mới có 1 đêm tuổi nên chưa kịp kéo xơ, già hoá). Chọn các chồi Măng có phần thân xanh nhú trên mặt đất cao #19-23 cm (#1 gang tay), lá đài non (đầu bông) còn ôm sát dính liền thân Măng, dùng tay nắm chặt sát gốc nghiêng 300C xoay và giật nhẹ lên, chồi Măng sẽ tách rời khỏi rễ trụ cây Măng ở dưới đất rất dễ dàng mà không để lại vết thương. Cách thu hoạch bằng tay có lợi hơn là dùng dao cắt vì dao bén sẽ vô tình làm tổn thương các chồi Măng lân cận, để lại các vết thương thối hỏng ở gốc các chồi Măng dưới mặt đất có thể tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm hại bộ rễ !

Chồi Măng thu hoạch sớm, dù cọng Măng ngắn (chỉ cao #19-23 cm như tiêu chuẩn nước ngoài) nhưng sẽ có đường kính thân Măng to hơn 10 mm, non mềm giòn rụm, không có xơ, có vị ngọt và mùi thơm đặc trưng, chất lượng cao hơn Măng thu hoạch trễ có cọng Măng dài/cao hơn (25-30-35 cm) nhưng đường kính gốc/thân Măng nhỏ hơn 8 mm, thân Măng có thể kéo xơ già hoá, chất lượng Măng sẽ kém hơn.

Rau Măng tây sau khi thu hoạch cần phải đem ngay vào nơi thoáng mát, tránh không để tiếp xúc với ánh nắng, rồi nhanh chóng tiến hành sơ chế phân loại Măng loại 1 và Măng loại 2 theo yêu cầu của đơn vị thu mua: Rửa sạch đất, cát nhưng tuyệt đối không được để ướt đầu Măng vì nước ứ đọng sẽ làm thối hỏng lá đài, hư hỏng đầu bông chồi Măng (nếu lỡ để ướt đầu bông chồi Măng thì phải giũ sạch nước, làm khô bằng máy sấy tóc phụ nữ), cắt cỡ, xử lý khử trùng qua thuốc tím, rồi dùng loại dây không có hoá chất độc hại cột thành bó 0,25 – 0,50 – 1kg, dùng giấy chuyên dùng hoặc giấy báo sạch (giấy trắng không có mực in càng tốt) gói bảo vệ đầu bông bó Măng, rồi xếp thẳng đứng vào thùng carton 5-7 lớp sóng cứng hoặc két/giỏ nhựa, thùng xốp ở đáy có lót nước đá gel/nước đá khô hoặc 1 lớp xốp mềm (dùng cắm hoa) tẩm nước sạch giữ ẩm để chống sốc, chống hốc và giữ tươi Măng trong quá trình vận chuyển, khẩn trương chuyển giao ngay cho đại lý thu mua trong vòng 4-6-8-10 giờ để họ còn kịp thời gian chế biến, bảo quản lạnh, phân phối ra thị trường hoặc xuất khẩu.

Rau Măng tây nếu chưa kịp sơ chế hoặc sử dụng ngay thì cần phải nhanh chóng đưa vào nơi thoáng mát để giải nhiệt rồi kích đông nhanh IQF và bảo quản mát trong tủ lạnh ở nhiệt độ #2-50C + độ ẩm >50-70% (nếu đông lạnh dưới 00C mà không ổn định và không đủ -200C, rau Măng tây sẽ bị tổn thương lạnh); hoặc tạm cắm chân Măng vào 1-2 cm nước sạch #1-2 tiếng đồng hồ rồi lấy ra để nơi thoáng mát.

Chồi Măng sau khi thu hoạch vẫn còn “sống” chứ chưa “chết” hẳn, nếu cắm vào 1-2 cm nước sạch để qua đêm sẽ phát triển thêm chiều cao #2-5-10 mm, đường kính thân Măng sẽ ốm bớt #0,1-0,5 mm. Nếu cắm chân Măng vào nước lâu quá >12-24 giờ, chân Măng sẽ ngả vàng như đóng phèn hoặc bị thối nhũn rỗng ruột, đầu măng ối nước sẽ thối hỏng bốc mùi khó chịu, thân Măng sẽ bị kéo xơ già hoá, làm giảm hương vị và tính chất tươi giòn, ngon ngọt đặc trưng của rau Măng tây.

Lưu ý: Măng tây thành phẩm chuyển về đơn vị thu mua tuyệt đối không được ngâm nước vì Măng sẽ nhanh chóng thối nhũn gốc rỗng ruột thân Măng và thối nhũn đầu bông bốc mùi hôi thối khó chịu.

Tiếp tục thu hoạch Măng mỗi ngày cho đến cuối mỗi chu kỳ thu hoạch Măng 2,5-3 tháng, khi thấy đường kính thân Măng nhỏ hơn điếu thuốc lá <8 mm + cây mẹ già có dấu hiệu vàng úa lá (lão hoá) thì phải ngưng thu hoạch ngay, rồi tiến hành trẻ hoá rẫy Măng bằng cách chọn giữ lại 3-5 chồi Măng khoẻ mạnh, sạch bệnh ở mỗi gốc để dưỡng làm cây mẹ trẻ thay thế, bỏ nón chụp đầu Măng ra.

Ở nước ngoài, việc trẻ hoá rẫy Măng thường được thực hiện đồng loạt tập trung khoảng 1 tháng sau mỗi chu kỳ thu hoạch (sau 2,5-3 tháng thu hoạch Măng thì nghỉ dưỡng cây #1 tháng) để người trồng xử lý thuốc bảo vệ thực vật, khử tuyến trùng, nấm bệnh và côn trùng.

Ở nước ta, ngay trong lúc thu hoạch ở mỗi chu kỳ thu hoạch Măng, người trồng có thể chọn giữ lại 3-5 chồi Măng khoẻ mạnh, sạch bệnh ở từng gốc/bụi Măng để dưỡng làm cây mẹ trẻ, sẵn sàng thay thế ngay khi các cây mẹ già vàng úa không còn khả năng cung cấp Măng. Cách dưỡng cây mẹ trẻ riêng lẻ cục bộ từng gốc/bụi có thể giúp vườn trồng cho Măng thu hoạch quanh năm mà không cần phải nghỉ tập trung.

Khi cây mẹ trẻ thay thế vừa đủ lớn, đường kính gốc đạt >10-12 mm, bắt đầu bung tàn cành lá thì tiến hành tỉa bỏ cây mẹ già cũ vàng úa, cây bị sâu bệnh, cây nhỏ và cành lá phát sinh ở phần gốc #50 cm để thông gió phòng bệnh, xới xáo đất mặt, làm sạch cỏ non, tuyệt đối không để cỏ già rơi hạt tái sinh cỏ mới, đồng thời bón thúc 400 kg NPK 15-15-15 + phân dơi/cá + trung vi lượng, vun đất cao 5 cm đậy gốc bảo vệ cổ rễ cây Măng và giữ mặt liếp đất trồng ở độ cao >60-80 cm so với mặt đất tự nhiên, giữ cây đứng thẳng lấy nắng quang hợp với bộ lá, phun thuốc ngừa tuyến trùng, nấm bệnh, côn trùng hại cây, chuẩn bị chu kỳ thu hoạch mới.

2. Cách phân loại sản phẩm rau Măng tây xanh:

Đầu bông non ốp sát dính liền thân Măng, đường kính thân Măng và độ dài chồi Măng là các tiêu chuẩn cơ bản phân loại rau Măng tây :

– Rau Măng tây loại 1: Đường kính bình quân giữa thân măng >09-12 mm, dài #19-21-23 cm, không có chân trắng ở gốc măng, cọng măng non mềm và tươi dòn, không có dư lượng thuốc BVTV, không có tạp chất và bùn đất, thân măng thẳng không dị dạng cong vẹo, lá đài non (đầu bông) còn ôm sát dính liền thân Măng, không trổ tay kéo xơ già hoá, đạt tiêu chuẩn rau sạch an toàn Viet-GAP & Global-GAP.

– Rau Măng tây loại 2: Đường kính bình quân giữa thân măng >06-09 mm, dài #19-21-23 cm, không có chân trắng ở gốc măng, cọng măng non mềm và tươi dòn, không có dư lượng thuốc BVTV, không có tạp chất và bùn đất, thân măng thẳng không dị dạng cong vẹo, lá đài non (đầu bông) còn ôm sát dính liền thân Măng, không trổ tay kéo xơ già hoá, đạt tiêu chuẩn rau sạch an toàn Viet-GAP & Global-GAP.

– Rau Măng tây loại 3: Đường kính bình quân giữa thân măng <03-06 mm, dài ngắn bất kỳ từ >17-23 cm do bắt buộc phải thu hoạch không để cạnh tranh dinh dưỡng với các chồi Măng khác hoặc phát triển thành cây lớn cạnh tranh với các chồi Măng khoẻ mạnh đang dưỡng làm cây mẹ thay thế. Người trồng có thể cung cấp Măng loại 3 cho các quán ăn nhỏ lẻ ở địa phương, hoặc sử dụng làm rau tươi trong bữa ăn hàng ngày rất có lợi cho sức khoẻ người thân trong gia đình.

3. Cách thu hoạch sản phẩm rau Măng tây trắng:

Bản thân mầm chồi Măng non khi sinh ra từ bộ rễ cây Măng dưới mặt đất khởi đầu có màu trắng (Măng tây trắng). Khi trồi lên khỏi mặt đất, thông qua tiếp xúc với tia tử ngoại ánh nắng mặt trời chiếu xạ sẽ làm phát triển nhiều diệp lục tố khiến chồi măng chuyển thành màu xanh (hiện tượng lục hoá sinh học thực vật trong tự nhiên), và trở thành Măng tây xanh.

Từ đặc điểm sinh học này, người trồng có thể tổ chức canh tác và thu hoạch sản phẩm Măng tây trắng từ cây Măng đã đủ 3 năm tuổi trở lên để làm phong phú mặt hàng phục vụ thị trường tiêu dùng và đóng hộp xuất khẩu bằng cách xử lý lấp đất/compost phủ kín chồi măng hoặc dùng màng phủ có tráng nhôm(alluminium foil) ngăn cản ánh nắng mặt trời chiếu xạ vào chồi măng cho đến khi chồi Măng đạt chiều cao thương phẩm >19-21-23 cm với đường kính giữa thân măng >8-10 cm thì tiến hành thu hoạch lấy sản phẩmMăng tây trắng.

@ Trong điều kiện khí hậu ôn đới, nhờ có nhiệt độ bình quân trong chân đất trồng thấp hơn <28°C vào mùa đông nên bộ rễ cây Măng tây có thể tự tích trữ lưu giữ được đầy đủ lượng dưỡng chất Carbohydrates (#chất đường) để cây có đủ năng lượng cho Măng vào mùa xuân. Để thu hoạch Măng tây trắng, ở những rẫy Măng tây đã đủ 3 năm tuổi trở lên, từ mùa đông người ta tiến hành cắt bỏ sát gốc rễ toàn bộ số cây trồng trên mặt đất chỉ giữ lại bộ rễ trong đất (lúc này trên rẫy trồng Măng trông giống như một bãi đất trống) rồi dùng bạt đen có tráng màng nhôm aluminium foil phủ kín toàn bộ liếp trồng để ngăn không cho ánh nắng chiếu xạ làm xanh (lục hoá) chồi Măng non.

Để có Măng tây trắng chất lượng cao, người trồng cần phải khẩn trương tiến hành việc thu hoạch vào lúc sáng sớm khi mặt trời chưa mọc để tránh ánh nắng chiếu xạ thành Măng tây xanh. Măng tây trắng thu hoạch xong cần phải cẩn thận tránh không để tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong suốt quá trình lưu thông phân phối, hoặc phải đóng hộp.

@ Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, chân đất trồng cây Măng tây thường có nhiệt độ bình quân cao hơn >28°C nên bộ rễ cây Măng tây không thể tự lưu trữ được dưỡng chất Carbohydrates (#chất đường), do đó người trồng cần phải duy trì việc chăm sóc tốt cây mẹ trên đất trồng để lấy nắng quang hợp với bộ lá cung cấp năng lượng hữu cơ thiên nhiên cho sự tăng trưởng của bộ rễ và của các chồi Măng, nên ở nước ta không thể cắt bỏ hoàn toàn cây mẹ trên đất trồng được.

+ Chú ý: Măng tây tím khi qua khâu chế biến thực phẩm, phục vụ ẩm thực chỉ nên làm chín nhẹ, nếu nấu quá chín Măng tím sẽ tự động chuyển thành màu xanh trông như rau Măng tây xanh.

Nguồn: Mangtay.net được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng măng tây tím

Bạc Liêu không phải là tỉnh đầu tiên trồng thành công măng tây, cũng không phải là nơi có diện tích măng tây lớn nhất cả nước. Tuy nhiên măng tây Bạc Liêu được biết đến bởi chất lượng mà khó nơi nào có được.

Măng tây tím trên đất Bạc Liêu

Theo ông Lư Cẩm, GĐ Cty Măng tây Cẩm Hon, đơn vị đầu tiên đưa măng tây về Bạc Liêu thì măng tây được trồng tại đây rất giòn, ngọt hơn măng tây trồng ở các vùng khác.

Cách đây vài năm cũng có một số Cty có ý định xuất khẩu măng tây sang thị trường Nhật Bản – một trong những thị trường rất khó tính, sau khi đem mẫu măng tây trồng tại Bạc Liêu đi phân tích thì phía đối tác đã chấp nhận sản phẩm này.

Tuy nhiên do phía Cty xuất khẩu và nông dân không thống nhất được về giá cả cũng như quy cách sản phẩm nên sản phẩm không xuất khẩu được.

Trải qua gần 10 năm trên vùng đất Bạc Liêu, cây măng tây xanh cũng đã qua nhiều thăng trầm, diện tích trồng tăng giảm liên tục và mang lại nhiều cảm xúc khác nhau cho nông dân. Có người vui mừng phấn khởi khi trồng thành công măng tây, cải thiện đời sống, có người cũng chua chát nhổ bỏ.

Trong số những nông dân trồng măng tây tại Bạc Liêu thì ông Trần Chí Quang ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu là một trong những nông dân trồng măng tây đầu tiên cũng là người có thâm niên trồng măng tây lâu nhất đến thời điểm này. Ông cũng là người đầu tiên trong tỉnh thử nghiệm thành công cây măng tây tím.

Sản phẩm măng tây tím

Cuối năm 2015 ông có ý định trồng thử măng tây tím. Được sự khuyến khích của cán bộ địa phương, ông nhờ người thân ở nước ngoài mang giống về gieo và trồng thử khoảng 500m2, sau gần 6 tháng trồng đến nay cây măng tây tím đã bắt đầu thu hoạch.

Măng tây tím là một trông 3 loại măng tây được trồng nhiều nhất trên thế giới (măng tây trắng, xanh và tím) chất lượng cao hơn măng tây xanh và là loại măng có chất chống oxy cao nhất nên có khả năng ngăn ngừa ung thư cao nhất.

Theo đánh giá của ông Quang thì măng tây tím ông trồng ăn ngọt và giòn hơn măng tây xanh, màu rất đẹp và bắt mắt bán giá cao hơn măng tây xanh, song măng ra hơi ít và đang tiếp tục theo dõi.

Thời gian tới sau khi đánh giá được sản lượng thì măng tây tím sẽ là một trong những đối tượng được quan tâm nhân rộng vì chất lượng và giá trị cao hơn hẳn măng tây xanh.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng măng tây xanh

 

Măng Tây: tên khoa học là Asparagus – thuộc dạng cây trồng lâu năm, dạng bụi, thân thảo.

Có 3 loại là: măng tây tím, măng tây trắng và măng tây xanh, phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ 20-30 ºC. Tốt nhất là 25 ºC.

Măng tây có khả năng chịu được rét, nhưng dưới 15 ºC chúng ngừng sinh trưởng và trồng được cả ở vùng đồng bằng và miền núi. Ở độ cao 600-900m so với mực nước biển, măng cho năng suất cao hơn.

Măng tây có thể trồng bằng rễ và trồng bằng hạt. Sau đây chúng tôi xin trình bày kỹ thuật trồng măng tây bằng cây con và bằng hạt:

I. Kỹ thuật trồng măng tây bằng hạt:

1. Ươm cây giống:

Bước 1: Trước hết, chọn hạt giống có nguồn gốc nhập khẩu xác nhận được, rồi tiến hành cân chia đều 1 kg = 1.000 grs hạt giống Măng tây ra thành:
20 phần 50 grs = # 2.000-2.200 hạt = trồng được 1 sào Nam bộ = 1.000 m2;
2. hoặc 60 phần 16,5 grs = # 700-800 hạt = trồng được 1 sào Bắc bộ = 360 m2.

Bước 2: Đem số lượng hạt giống cần ủ (ví dụ: 1 sào Bắc bộ = 16,5 grs = # 750 hạt; hoặc 1 sào Nam bộ = 50 grs = # 2.000 hạt) ra phơi nắng buổi sáng khoảng 2 tiếng đồng hồ từ 9 đến 11 giờ để hạt giống đạt độ háo nước nhiều nhất và cho tỉ lệ nảy mầm cao nhất.

Bước 3: Cho hạt giống vào 1 cái rây bằng inox mắc nhuyễn # 0,5 mm để chà rửa thật sạch hạt giống (có thể chà rửa hạt giống trực tiếp dưới một vòi nước hoặc thay 3-5 lần nước sạch chứa và rửa trong 1 cái chậu/bát/tô lớn vừa đủ dùng).
cac-loai-hat-giong-mang-tay-xanh-3

Bước 4: Cho hạt giống đã rửa sạch vào một cái bát hoặc một cái hộp nhựa đường kính # 10cm (hộp nhựa thường dùng đựng cơm, cháo). Dùng 100% nước lạnh sạch (hoặc nước ấm như nước trà uống được # 300C) để ngâm hạt giống từ 1-2 ngày cho đến khi thấy hạt giống ngậm nước trương nở to hơn bình thường. Vỏ hạt đã mềm (đôi khi cũng có hạt đã nảy nanh mầm trắng) thì lấy hạt giống ra. Vớt bỏ những hạt lép hoặc bị nấm mốc nổi trên mặt nước rồi đem hạt giống ra chà rửa nhiều lần cho thật sạch mùi chua, nước nhớt để chống nấm mốc làm thối hỏng hạt giống.

Trong thời gian ngâm hạt giống 1-2 ngày, cứ 1/2 ngày một lần phải tiến hành rửa hạt giống và thay nước mới, đây cũng là lúc để hạt giống có thời gian trao đổi dưỡng khí (thở) để kích thích tỉ lệ nảy mầm cao (hạt giống ngâm nước lâu cần phải có thời gian lấy ra khỏi nước để thở/hô hấp, không để mầm hạt bị “chết ngộp”).

Bước 5: Sau 1, hoặc 2 ngày ngâm hạt giống, lấy hạt giống ra chà rửa thật sạch rồi ngâm hạt giống # 30 phút vào dung dịch GA3, hoặc WEHG, hoặc AUXIN, hoặc WEVIRO , hoặc NAA, hoặc ATONIK, … pha tỉ lệ theo hướng dẫn với nước để kích thích tỉ lệ nảy mầm, rồi rửa sạch, cho hạt giống vào một cái khăn vải vuông dày ẩm 50% (bên trong có lót một lớp khăn lạnh thường dùng ở quán ăn, đã được xử lý khử trùng qua nước sôi để tránh rễ hạt giống bám dính vào khăn lông) hoặc cũng có thể thay thế bằng 5-10 lớp khăn giấy ẩm vuông 30cm, gói kín hạt giống lại, cho vào cái bát hoặc hộp nhựa sạch và khô ráo, đậy kín nắp hộp cho vào nơi tối (có thể úp/chụp hộp hạt giống bằng một miếng vải dày, màu tối hoặc một cái chậu nhựa để ngăn ánh sáng).

Bước 6: Thời gian ủ hạt giống thường kéo dài từ 3-4 ngày (có thể là 10 ngày) để hạt giống nảy mầm dần dần, nhớ mỗi ngày phải chọn lấy những hạt đã nảy mầm đem ra gieo (có thể gieo trực tiếp ra đất vườn ươm hoặc gieo qua trung gian vào khay/vĩ khoảng 60-90 ngày để lấy cây giống con cấy ra đất vườn ươm), những hạt còn lại tiếp tục chà rửa thật sạch, đồng thời giặt sạch 2 cái khăn ủ ẩm bằng nước sôi, để nguội rồi vắt ráo 50% nước để gói, ủ hạt giống cho ngày kế tiếp.

2. Ươm trong bầu măng tây:

Chúng ta phải chuẩn bị đất trước khi ươm 3 ngày. Chúng ta chuẩn bị 3 phần đất 1 phần trấu hun và phân vi sinh hoặc phân chuồng ủ hoại mục. 5~6kg super lân cho 1m³ giá thể ươm và thêm chế phẩm sinh học trichoderma.

Tất cả được đảo đều và tưới ẩm 65~70%. Chúng ta chuẩn bị túi nilon màu đen chuyên cho bầu ươm rộng 9~11cm và cao 12~15cm.

Tiến hành đóng bầu ươm phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:

Cho giá thể vào bầu và lắc đều để đảm bảo độ nèn của giá thể, bầu ươm không bị nếp nhăn. Giá thể trong bầu ươm cách mép túi bầu ươm 1cm.

Xếp bầu ươm vào trong nhà lưới theo hàng để thuận tiện cho việc ươm và chăm sóc. Sau đó tiến hành gieo hạt trong bầu ươm chúng ta tiến hành như sau: Khi các hạt nứt nanh ta dùng chiếc đũa tạo thành 1 lỗ xâu khoảng 0.5~1cm ở giữa bầu ươm rồi tiến hành bỏ hạt vào lỗ và lấp đất (có thể dùng trực tiếp ngón tay chỏ đục lỗ để ươm, chiều sâu nửa đốt ngón tay).

Chú ý không nên trồng hạt sâu quá sẽ làm hạt bị thối. Cứ tiếp tục tiến hành như vậy cho đến khi trồng hết hạt vào bầu ươm, cuối cùng chúng ta tiến hành lấp đất và tưới ẩm.

Ta lên tưới dạng phun mưa để đất không bị nén chặt (chúng ta có thể sử dụng bình xịt thuốc sâu nhưng phải rửa sạch rồi tiến hành tưới phun sương).

3. Ươm trực tiếp trên vườn ươm:

Chuẩn bị đất vườn ươm: Đất được cày bừa kỹ và bón lót 150kg phân vi sinh hoặc phân chuồng ủ hoại mục trên 100m2. 4~5kg lân và nấm đối kháng trichoderma…( tìm mua tricoderma) 7~8kg vôi được cày bừa kỹ rồi tiến hành lên luống cao 20~25cm rông 1m.

Ta tiến hành tạo rạch theo chiều ngang luống trồng sâu 1~1.5cm, rạch cách rạch 15cm. Hạt nứt nanh ta tiến hành trồng với khoảng cách hạt cách hạt 10cm rồi lấp đất. Sau đó tiến hành rắc chấu đã qua xử lý trên mặt luống rồi tiến hành tưới ẩm dùng bình phun tưới cho hạt không bị xê dịch hoặc hệ thống tưới phun mưa.

4. Chăm sóc cây sau khi ươm:

Sau khi ươm bằng bầu hoặc trực tiếp trong vườn ươm ta tiến hành chăm sóc như sau:

Khi ươm 3 ngày cây măng bắt đầu mọc lên khỏi mặt đất ta luôn giữ ẩm cho đất bằng cách tưới vào buổi sáng sớm và chiều tối.

Khi cây mọc được 15 ngày ta tiến hành nhặt cỏ, tiến hành bón thúc ure 1% để kích thích cây phát triển. Cứ sau 15 ngày tiến hành nhặt cỏ và bón thúc cho cây 1 lần.

Sau khi cây mọc 30~35 ngày ta bón phân vi sinh, phun thuốc bón lá cho cây cứng cáp. Đến thời kỳ này cây phát triển có 3~4 nhánh trong bầu ươm ta có thể đem cây trồng ra ngoài đất.

5. Đưa cây từ vườn ươm ra trồng ngoài đất:

Đối với ươm trong bầu ta chuẩn bị liếp trồng giống như trồng bằng rễ.

Tiến hành đưa bầu ra trồng tránh làm vỡ bầu, dùng tay nhẹ nhàng xé giấy nilon dọc bầu ươm và dùng bàn tay đỡ dưới đáy bầu ươm rồi nhẹ nhàng loại bỏ túi nilon.

Chú ý tại đáy bầu ươm rất nhiều rễ chúng ta phải thật nhẹ nhàng hạn chế làm đứt rễ của măng

Đưa cây xuống hố sao cho mặt bầu ươm bằng mặt đất nền rồi tiến hành cho đất vào hố giữ cây trồng ngay thẳng và cho thêm đất vào gốc cây 3 ~ 5 cm để tránh tưới nước bị đọng. Sau đó ta có thể dùng rơm, bèo tây hoặc chấu đã qua xử lý phủ xung quanh gốc cây rồi tiến hành tưới đẫm để cho chắc gốc cây.

– Đối với cây được ươm trong vườn ươm đưa ra trồng thì trước 2 ngày. Chuẩn bị đưa ra trồng ta tiến hành tưới đẫm vườn ươm rồi dùng thuổng đào từng gốc mang ra trồng.

tuy nhiên sẽ có bị ảnh hưởng và không tốt bằng bầu nhưng trồng với quy mô lớn thì đây là một phương pháp giảm nhiều công và chi phí mà vẫn đảm bảo

Tuy nhiên ta có thể ươm cây 6 tháng nếu không gặp vào mùa rét với khu vực miền bắc thì bộ rễ mẳng phát triển rất tốt. Ta có thể trước khi trồng cắt toàn bộ thân măng cách mặt đất 7~10cm rồi tiến hành đào gốc từ vườn ươm rũ đất và tiến hành trồng như kỹ thuật trồng bằng rễ.

II. Kỹ Thuật trồng măng tây bằng cây con (bộ rễ đã ươm hạt giống).

1.Điều kiện vườn trồng:

Đất trồng cây Măng tây cần cải tạo bằng phẳng, có độ dốc nhẹ <5- 10% đế dễ dàng tưới thấm qua rãnh và thoát nước tốt. Cần phải trồng cây chắn gió + đào mương thoát nước bao quanh đất trồng để chống giông gió, mưa to hay triều cường. Khi cần phải có máy bơm công suất lớn tháo nước, không để ngập úng chân đất quá >8 giờ sẽ làm mất năng suất Măng sáng ngày hôm sau và những ngày sau đó.

1.1 Chuẩn bị đất:

Do bộ rễ cây Măng tây trải rộng 50-70 cm và ăn sâu 30-50 cm tràn đầy trong chân đất sau 1-2-3 năm trồng không thể dùng cuốc xẻng can thiệp làm tơi xốp đất được nữa, và do nước ta có 6 tháng mưa, đôi khi kéo dài nhiều ngày khiến đất trồng dễ bị ngậm nước và ngập úng làm mất dưỡng khí, người trồng phải cải tạo đất, thiết lập tầng canh tác tơi xốp như một lớp giá thể dày #20-30cm, lên liếp đất trồng cao #20- 30 cm, đáy liếp (cũng là đáy của 80% bộ rễ hút dinh dưỡng của cây Măng) phải cao hơn mực nước ngầm #30-50 cm; rãnh thoát nước sâu 20-30 cm tuỳ theo độ ăn sâu của rễ; quanh rẫy phải đào mương thoát nước rộng 1-2 mét, sâu 1-2 mét đề phòng mưa to, triều cường gây ngập úng bất ngờ, có kết hợp trồng cây để chắn giông gió lớn.

Có thế chuẩn bị làm luống/liếp đất trồng cây Măng tây như sau:

[1]. Trước tiên, tiến hành làm cỏ và xử lý thuốc diệt mầm cỏ, dung SPS clean hoặc ONECIDE 15EC (nặng),… Tiếp theo khử tuyến trùng, nấm bệnh, côn trùng, vi sinh vật có hại; dùng Sincocin 0.56SL (nặng-hóa chất) hoặc 5-7 lít EMZ (vi sinh).

Bổ sung; rồi bón lót thêm #20-50 tấn phân xanh (vỏ/bã thực vật các loại cây họ đậu, lục bình, trấu mục, rơm rạ, mùn cưa, 20% tro trấu,…), phân chuồng ủ hoai (có xử lý Trichoderma), phân trùn quế, phân hữu cơ tổng hợp và phân vi sinh hữu ích thành 1 lớp phân xanh + phân hữu cơ dày #10 cm; rồi dùng cuốc xẻng, máy cày, máy cuốc đảo trộn đều 10 cm lớp cát + 10 cm phân xanh, phân chuồng + lớp đất mặt dày #10 cm thành một lớp đất cát pha tơi xốp giàu dinh dưỡng hữu cơ dày #30 cm [a] (Đất trồng là đất cát pha 50/50 thì không cần bổ sung thêm cát đen san nền nữa).

[2]. Chọn hướng đông – tây để cây trồng lấy được nắng sáng + nắng chiều để phòng ngừa dịch bệnh, rồi xẻ rãnh thoát nước rộng 20- 40 cm, sâu 20-30 cm lấy được một lóp đất phủ lên mặt liếp dày #10 cm, bổ sung thêm một lớp cát đen san nền dày #10 cm rồi bón thêm 12-15 lít Nano R011 khử phèn kết hợp với xử lý thuốc diệt cỏ phổ rộng và côn trùng, nấm bệnh, tuyến trùng.

Bón thêm #10 tấn phân xanh (tro trấu, vỏ hoặc bã thực vật các loại cây họ đậu; lục bình, vụn xơ dừa,…) + 10 tấn phân chuồng ủ hoai (có xử lý Trichoderma), phân trùn quế, phân hữu cơ tổng hợp, phân vi sinh hữu ích thành một lớp phân xanh, phân trùn quế, phân chuồng dày #10 cm; sau đó dùng cuốc xẻng, máy cày, máy xới đảo trộn đều thành một lớp đất cát pha tơi xốp giàu dinh dưỡng hữu cơ dày #20-30 cm [b].

Cộng [a] + [b], ta có tầng canh tác dày # 50-60 cm (30cm nổi + 30cm chìm dưới mặt đất) hoàn toàn tơi xốp, giàu dinh dưỡng, có rãnh thoát nước sâu 20-30 cm sẵn sàng trồng cây Măng tây mà không sợ bộ rễ bị nhiễm phèn hay đất bị ngậm nước và ngập úng nước.

Sau khi đã cải tạo xong tầng đất canh tác như lớp giá thể dày #30- 50 cm nêu trên ta làm như sau:

Cần tiến hành tạo mặt phẳng đất trồng với độ dốc <5- 10%, rồi tùy theo mật độ trồng cây đã định trước. Căng dây lấy mực cho thẳng để chỉnh sửa ngay ngắn các rãnh thoát nước rộng 20-40 cm X sâu 20-30 cm để thoát nước trời mưa lớn, định hình liếp đất trồng cao 20-30 cm X rộng 100 cm (trồng 1 hàng đơn cây cách cây 50 cm, mật độ 18.500 cây/ha) hoặc rộng 150 cm (trồng hàng đôi so le hình nanh sấu, cầy cách cây 50 cm, mật độ 20-26.500 cây/ha) rồi phơi nắng 1 tháng 15 ngày, tháng xử lý mầm cỏ, tuyến trùng, nấm bệnh, côn trùng, sâu bọ hại cây.

Trong thời gian 2,5 – 3 tháng chờ ươm giống cây Măng tây, người trồng có thể trồng cây Sunhem hoặc tỉa một vụ cây họ đậu để cải tạo đất và lấy thân cây lá vùi làm phân xanh bổ sung thêm đạm hữu cơ thực vật dinh dưỡng cho đất (có thể bố sung lục bình, rơm rạ, xơ dừa, trấu, vỏ cà phê, mùn cứa (không dùng gỗ cao su), 20% tro trấu,…).

@ Nếu đất trồng có tầng sét, tầng phèn và mực nước ngầm nông/cạn <50 cm dưới mặt đất tự nhiên thì cần phải tôn cao đáy liếp đất trồng (cũng là đáy bộ rễ cầy Măng) cao hơn tầng sét, tầng phèn và mực nước ngầm khoảng >30-50 cm không để bộ rễ cây Măng bị ngập úng và nhiễm phèn. Cách trồng trên liếp cao 20-30 cm có lợi thế là sẽ dễ dàng kiểm soát, xử lý nấm bệnh và độ ẩm 50-60% trong chân đất, nhưng có hạn chế là trong mùa nắng phải bảo đảm cung cấp nước tưới liên tục và nhiều hơn vì độ bốc thoát hơi nước rất cao.

@ Nếu đất trồng có tầng sét, tầng phèn và mực nước ngầm sâu >1-2-3,… mét dưới mặt đất tự nhiên thì chỉ cần lên liếp cao 10-20 cm, hoặc cũng có thể xẻ rãnh trồng cây Măng tây âm trong rãnh chìm sâu 10-20 cm. Cách trồng âm trong rãnh chìm có lợi thế là mùa nắng sẽ giữ được độ ẩm trong chân đất rất tốt, nhưng đến mùa mưa lại có hạn chế là chân đất sẽ rất dễ bị ngậm nước và ngập úng, rất khó kiểm soát độ ẩm trong đất và khó xử lý nấm bệnh phát sinh ở bộ rễ.

1.2 Tiến hành trồng:

-Chuẩn bị gốc măng:

Thông thường, cây Măng tây trồng hàng cách hàng 120-150 cm X cây cách cây 45-50 cm = mật độ 18.500 cây/ha (trồng hàng đơn) hoặc mật độ 20.000-26.500 cây/ha (trồng hàng đôi).

Cẩn thận chuyển cây giống hoặc các bầu ươm giống đến vị trí đất trồng, nắn nhẹ quanh bầu giống rồi trút lấy cây giống ra, giữ nguyên bầu giá thể, đặt cây con ngay ngắn vào hố trồng, cây cách cây 45-50 cm, mặt bầu ngang mặt đất trồng (không được làm tổn thương rễ).

Cũng có thể đặt cổ bộ rễ cây Măng tây sâu dưới mặt liếp đất trồng # 10-15-20 cm. Nếu trồng cạn/nông, cây sẽ mau lớn và mau cho Măng, nhưng Măng sẽ có nhiều xơ ở 10 cm phần gốc. Nếu trồng sâu #20 cm, cây sẽ cho Măng to hơn và ít hoặc không có xơ ở 10cm phần gốc, đồng thời cây cũng sẽ có tuổi thọ cao hơn. Trồng cạn hay sâu sẽ ảnh hưởng rất lớn việc chăm sóc cây (tưới nước, bón phân, tưới thuốc) về sau này.

Đặt gốc măng tây chính giữa mô đất đã được chuẩn bị sẵn rồi dùng tay khéo léo:

Tránh làm đứt rễ trải đều rễ về 2 phía của mô đất. Rồi tiến hành lấp đất đầy vào rãnh trồng măng và cao hơn 5cm so với mặt liếp để đảm bảo không bị đọng nước mưa, nước tưới tại rãnh măng sau khi trồng.

Sau đó tiến hành tưới đẫm và giữ ẩm cho đất, luôn giữ đất ẩm. Độ ẩm được kiểm tra bằng cách đào xuống sâu khoảng 20 ~30 cm ngang tầm với bộ rễ, rồi dùng tay nắm chặt lại và khi bỏ tay ra thấy nước rịn theo các khe tay là đạt yêu cầu.

Chú ý: nên trồng khoảng cách hàng cách hàng >90cm và cây cách cây 45cm. với khoảng cách >90cm. Ta có thể dùng máy xới cỏ mini để đưa vào giữa 2 hàng tiến hành xới đất làm cỏ để giảm chi phí cho sản xuất.

Sau khi trồng 1 tuần các mầm măng sẽ mọc lên khỏi mặt đất lúc này ta vẫn luôn chú ý giữ ẩm cho cây. Đến tuần thứ 2 cây bắt đầu bung tán. Ta tiến hành xới đất phá váng trên mặt đất để tốt cho quá trình trao đổi không khí. Để bộ rễ thuận tiện phát triển và tiến hành vun thêm 3~5cm đất vào gốc.

Sau 4 tuần chúng ta tiến hành bón phân chuồng hoại mục có bổ sung thêm chế phẩm trichoderma vào gốc. Tiến hành xới đất cho thoáng khí và diệt cỏ dại. Chu kỳ xới xáo và bón phân theo tháng 1 lần.

Chú ý khi thời tiết giao mùa đặc biệt là mùa mưa chúng ta cung cấp thêm các loài nấm đối kháng để phòng chống cho cây không bị các loại nấm gốc tấn công (phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh).

Hàng tháng chúng ta tiến hành kiểm tra cây mẹ già sẽ cắt bỏ để thay thế cây mẹ (khi cây mẹ chuyển từ màu xanh sang màu vàng). Thông thường cây mẹ có chu kỳ từ 35~40 ngày, chọn mỗi gốc măng từ 3~5 cây mẹ và luôn duy trì số cây mẹ trên bụi.

Như chúng ta biết thân măng tây rất yếu nên chúng ta tiến hành chống đỡ cho cây bằng cách cắm cọc tre ở 2 đầu rãnh trồng. Điểm thêm cọc vào giữa rãnh trồng măng khoảng cách giữa các cọc từ 5~7m, đường kính cọc từ 5~7cm và chiều cao phía trên mặt đất từ 70~90cm.

Tiến hành dùng dây kẹp thành hàng đôi và cho thân măng kẹp ở giữa với mục đích giữ thẳng thân măng không bị đổ để cây có điều kiện quang hợp là tốt nhất.

1.3 Chăm Sóc Và Thu hoạch măng:

Điều đầu tiên chăm sóc măng phải đúng quy trình và phải có cách làm khoa học. Để phục vụ cho chúng ta có một vườn măng tốt chúng ta chuẩn bị 1 máy đo PH đất và độ ẩm đất ( máy đo PH DM 15 xuất xứ Nhật Bản).

Chúng ta thường xuyên phải kiểm tra độ PH của đất trước khi trồng và trong quá trình trồng ít nhất 1 tháng 1 lần. Vì theo thói quen của người dân chúng ta thường sử dụng phân bón hóa học nhiều hơn phân bón hữu cơ.

– Tác dụng của việc kiểm soát được độ PH của đất và nước: Như chúng ta biết với PH 6.5-7.5 là khoảng tốt nhất cho cây phát triển cũng như các loài vi sinh vật có lợi cho cây phát triển. Vì vậy trước khi trồng và trong quá trình trồng chúng ta thường xuyên canh lại PH của đất và sử lý nước để đạt độ PH tốt nhất cho cây.

Giai đoạn 1:

– Sau khi trồng 15 ngày (0,5 tháng): xới xáo đất mặt, làm sạch cỏ non không để cỏ già rơi hạt tái sinh cỏ mới. Bón thúc 30 kg NPK 15-15-15 + 3-5 lít phân EMZ – USA+ NANO R011 (1 lít dùng cho 1.000m2). Vun đất cao 3-5 cm đậy gốc (không đế phần trắng chân Măng cao >5cm làm mất giá trị thương phẩm), giữ mặt liếp đất trồng cao 20-30 cm so với mặt đất tự nhiên, vệ sinh vườn trồng, phun thuốc ngừa tuyến trùng, nấm bệnh và sâu bọ hại cây. Dưỡng bộ rễ khoẻ mạnh và bộ lá sum suê, giữ cây đứng thẳng quang hợp với nắng tạo năng lượng hữu cơ tổng hợp nuôi dưỡng cây.

Để chống gió xô đổ ngả cây mới trồng, chen giữa hàng cây Măng đã trồng, tiến hành cắm các cọc chăng đều dây 10 cm vuông sâu 50 cm, cao 100-120 cm (để không bị hư, mục) cách nhau 4 mét, dùng dây điện thoại cũ hoặc cước nilon 2-3 mm (chịu được mưa nắng) giăng 1 hàng đôi cao hơn mặt liếp 20-30 cm, kẹp lỏng cây Măng vào giữa đôi dây để giữ cây đứng thẳng, rồi sau đó tuỳ theo tuổi lớn của cây măng mà nâng đôi dây cao dần lên 50-70 cm (hoặc giăng thêm 1 hàng dây đôi khác).

Cây dưới 5-6 tháng tuổi chưa thu hoạch Măng, để hạn chế cỏ dại có thể dùng màng phủ, trồng cây họ đậu, rau ăn lá hoặc phủ vỏ & dây đậu, rơm rạ, xơ dừa, lục bình, mùn cưa, tro trấu,… đã xử lý nấm bệnh.

Giai đoạn 2:

– Sau khi trồng 30 ngày (1 tháng): Cây phát triển nhiều thân mới. Xới xáo đất mặt, làm sạch cỏ non không để cỏ già rơi hạt tái sinh. Bón thúc 35 kg NPK 16-16-8 + 3-4 lít hữu cơ vi sinh EMZ – USA. Vun đất cao #3-5 cm đậy gốc (không để phần trắng chân Măng >5 cm), giữ mặt liếp cao #20-30 cm so với mặt đất tự nhiên, vệ sinh vườn trồng, phun thuốc ngừa tuyến trùng, nấm bệnh.

Chú ý: phun trước và sau khi sử dụng phân bón từ 6 – 10 ngày.

Giai đoạn 3:

– Sau khi trồng 45 ngày (1,5 tháng): Tiến hành cẳt tỉa bỏ toàn bộ đời cây thứ 1 có đường kính thân từ 1-2mm trên vườn trồng để thay thế bằng đời cây thứ 2 có đường kính thân từ 3-4mm rồi xới xáo đất mặt, làm sạch cỏ non không để cỏ già rơi hạt tái sinh cỏ mới. Làm vệ sinh vườn trồng, phun thuốc phòng ngừa tuyến trùng, nấm bệnh, côn trùng hại cây. Bón thúc 15 tấn phân Trùn quế + 2-4 lít hữu cơ vi sinh EMZ – USA+ NANO R011 (1 lít dùng cho 1.000 m2). Vun đất cao #3-5 cm đậy gốc cây Măng, giữ mặt liếp đất trồng cao #20-30 cm so với mặt đất tự nhiên. Dưỡng bộ rễ khoẻ mạnh và bộ lá sum suê, giữ cây đứng thẳng quang hợp với nắng tạo ra năng lượng tổng hợp nuôi dưỡng cây.

Sau khi măng trồng được 90 ngày ta tiến hành xới mặt liếp, xới rãnh sau đó bón phân chuồng hoại mục và NPK 10kg/sào vào rãnh rồi lấp đất. Tiến hành cắt tỉa măng để trên cây 4~6 thân mẹ, tiến hành phun phân bón lá bổ sung thêm trichoderma.

Giai đoạn 4:

– Sau khi trồng 60 ngày (2 tháng): Cây phát triển nhiều thân mới. Ở mỗi gốc chọn giữ lại 3-5 cây mẹ + 3-5 chồi Măng non mới đường kính khoảng 4 mm sạch bệnh to khoẻ nhất, tiến hành tỉa bỏ những cây bị sâu bệnh, cây yếu cổ rễ đổ nghiêng ngả, cây già đời trước và cây nhỏ. Xới xáo đất mặt, làm sạch cỏ non. Bón thúc 10 kg NPK 16-16-8 + 2-3 lít hữu cơ vi sinh EMZ – USA. Vun đất cao #3-5 cm đậy gốc, giữ mặt liếp cao #20-30 cm so với mặt đất tự nhiên, vệ sinh vườn trồng, phun thuốc ngừa tuyến trùng, nấm bệnh, sâu bọ hại cây. Dưỡng bộ rễ khoẻ mạnh và bộ lá sum suê, giữ cây đứng thẳng quang hợp với nắng tạo ra năng lượng tổng hợp nuôi dưỡng cây.

Giai đoạn 5:

– Sau khi trồng 75 ngày (2,5 tháng): cây phát triển nhiều thân mới. ở mỗi gốc chọn giữ lại 3-5 cây mẹ + 3-5 chồi Măng non mới đường kính #5mm sạch bênh to khoẻ nhất, tiến hành tỉa bỏ những cây bị sâu bệnh, cây yếu cổ rễ đổ nghiêng ngả, cây già đời trước và cây nhỏ. Xới xáo đất mặt, làm sạch cỏ non, tuyệt đối không để cỏ già tái sinh cỏ mới. Bón thúc 35 kg NPK 15-15-15 + 3-4 lít hữu cơ vi sinh EMZ – USA + NANO R011. Vun đất cao 3-5 cm đậy gốc, giữ mặt liếp cao #20-30 cm so với mặt đất tự nhiên, vệ sinh vườn trồng. Dưỡng bộ rễ khòẻ mạnh và bọ lá sum suê, giữ cây đứng thẳng quang hợp với nắng tạo ra năng lượng nuôi dưỡng cây.

Giai đoạn 6:

– Sau khi trồng 90 ngày (3 tháng): Tiến hành cắt tỉa bỏ toàn bộ đời cây thứ 2 có đường kính thân #3-4mm trên vườn trồng để thay thế bằng đời cây thứ 3 có đường kính thân #5-6mm rồi xới xáo đất mặt, làm sạch cỏ non không để cỏ già rơi hạt tái sinh cỏ mới. Làm vệ sinh vườn trồng, phun thuốc phòng ngừa tuyến trùng, nấm bệnh, sâu bọ côn trùng hại cây. Bón thúc 15-20 tấn Trùn quế+ 2-3 lít hữu cơ vi sinh EMZ – USA + 2 lít hữu cơ đạm cá Eco Hydro. Vun đất cao #3-5 cm đậy gốc, giữ liếp đất trồng cao #20-30 cm so với mặt đất tự nhiên. Dưỡng bộ rễ khoẻ mạnh và bộ lá sum suê, giữ cây đứng thẳng quang hợp với nắng tạo ra năng lượng tổng hợp nuôi dưỡng cây.

Giai đoạn 7:

– Sau khi trồng 105 ngày (3,5 tháng): cây phát triển nhiều thân mới. ở mỗi gốc chọn giữ lại 3-5 cây mẹ + 3-5 chồi Măng non mới đường kính # 6 mm sạch bênh to khoẻ nhất, tiến hành tỉa bỏ những cây bị sâu bệnh, cây yếu cổ rễ đổ nghiêng ngả, cây già đời trước và cây nhỏ. Xới xáo đất mặt, làm sạch cỏ non không để co già rơi hạt tái sinh. Bón thúc 30 kg NPK 15-15-15 + 4 lít hữu cơ vi sinh EMZ – USA + 2 lít Eco Hydro. Vun đất cao 3-5 cm đậy gốc, giữ mặt liếp cao 20-30 cm so với mặt đất tự nhiên, vệ sinh vườn trồng, phun thuốc phòng ngừa tuyến trùng, nấm bệnh, sâu bọ hại cây. Dưỡng bộ rễ khoẻ mạnh và bộ lá sum suê, giữ cây đứng thẳng quang hợp với nắng tạo năng lượng nuôi dưỡng cây.

Giai đoạn 8:

– Sau khi trồng 120 ngày (4 tháng): cây phát triển nhiều thân mới. Ở mỗi gốc chọn giữ lại 3-5 cây mẹ + 3-5 chồi Măng non mởi đường kính #7mm sạch bệnh to khoẻ nhất, tiến hành tỉa bỏ những cây bị sâu bệnh, cây yếu cổ rễ đổ nghiêng, cây già đời trước và cây nhỏ. Xới xáo đất mặt, làm sạch cỏ non không đẽ cỏ già tái sinh cỏ mới. Bón thúc 40 kg NPK 16-16-8 + 3 lít hữu cơ vi sinh EMZ – USA. Vun đất cao từ 3-5cm đậy gốc cây Măng, giữ mặt liếp đất trồng cao từ 20-30cm. Vệ sinh vườn trồng, phun thuốc ngừa nấm bệnh, sâu bọ hại cây. ( lưu ý khi phun thuốc bảo vệ thực vật phải cách 7 – 10 ngày trước và sau khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh và hữu cơ cao cấp EMZ và Eco.) Giữ cây đứng thẳng quang hợp với nắng tạo năng lượng hữu cơ tống hợp nuôi dưỡng cây.

Giai đoạn 9:

Sau khi trồng 135 ngày (>4,5 tháng): Tiến hành cắt tỉa bỏ toàn bộ đời cây thứ 3 có đường kính thân #5-6mm trên vườn trồng để thay thế bằng đời cây thứ 4 có đường kính thân #7-8mm rồi xới xáo đất mặt, làm sạch cỏ non không để co già rơi hạt tái sinh cỏ mới. Làm vệ sinh vườn trồng, phun thuốc phòng ngừa tuyến trùng, nấm bệnh, sâu bọ côn trùng hại cây. Bón thúc 10-20 tấn phân Trùn quế/phân xanh/phân chuông ủ hoai mục + 4 lít hữu cơ vi sinh EMZ – USA + 50 kg NPK 15-15-15+ NANO R011. Vun đất cao 3-5 cm đậy gốc bảo vệ cổ rễ cây Măng, giữ mặt liếp cao #20-30 cm so với mặt đất tự nhiên. Dưỡng bộ rễ khoẻ mạnh và bộ lá sum suê, giữ cây đứng thẳng quang hợp với nắng tạo năng lượng hữu cơ tổng hợp nuôi dưỡng cây.

Giai đoạn 10:

Sau khi trồng 150 ngày (>5 tháng): Cây phát triển thêm nhiều thân mới. Ở mỗi gốc chọn giữ lại 3-5 cây mẹ + 3-5 chồi Măng non mới kính #8mm sạch bệnh to khoẻ nhất, tiến hành tỉa bỏ những cây bị sâu bệnh, cây yếu cổ rễ đổ nghiêng, cây già đời trước và cây nhỏ. Xới xáo đất mặt, làm sạch cỏ non không để cỏ già rơi hạt tái sinh. Bón thúc 40 kg NPK 16-16-8 + 4 lít hữu cơ vi sinh EMZ – USA. Vun đất cao 3-5 cm đậy gốc, giữ mặt liếp cao #20-30 cm. Vệ sinh vườn trồng, phun thuốc ngừa nấm bệnh, sâu bọ hại cây. Giữ cây đứng thẳng quang hợp với nắng tạo năng lượng tổng hợp nuôi cây.

Giai đoạn 11:

Sau khi trồng 165 ngày (>5,5 tháng): Nếu chăm sóc đủ dinh dưỡng và đúng kỹ thuật, từ giai đoạn này cây sẽ bắt đâu trổ Măng tơ. Đón đầu lứa Măng tơ này, khi quan sát thấy cây mẹ phát triển tốt, đường kính thân cây mẹ đạt 9 mm (lớn cỡ ngón tay) + lá chuyển sang màu xanh đậm thì chọn giữ lại 3-5 cây mẹ + 3-5 chồi Măng non to, khoẻ, tiến hành tỉa bỏ cây bị sâu bệnh, cây già đời trước, cây nhỏ và cành nhánh phát sinh ở phần gốc # 50 cm để thông gió phòng tránh côn trùng, nấm bệnh hại cây + cắt hạ bớt ngọn cây Măng ở độ cao không thấp hơn 1,20-1,40m để kích thích cây trổ Măng + Xới xáo đất, làm sạch cỏ non, bón thúc 60kg NPK 21-7-14 + 4 lít hữu cơ vi sinh EMZ – USA + 3 lít hữu cơ bón gốc đạm cá Eco Hydro + NaNO R011. Vun đất cao #3-5 cm đậy gốc bảo vệ cổ rễ cây Măng, giữ mặt liếp đất trồng cao #20-30 cm so với mặt đất tự nhiên, vệ sinh vườn trồng, phun thuốc phòng ngừa tuyến trùng, nấm bệnh và côn trùng hại cây. Duững bộ rễ khoẻ mạnh và bộ lá sum suê, giữ cây đứng thẳng quang hợp với nắng tạo năng lượng hữu cơ tổng hợp nuôi cây.

Khoảng 5-10 ngày sau khi cắt hạ ngọn, cây bẳt đầu trổ Măng tơ. Tiến hành thu hái cho bằng hết lứa Măng tơ này bất kể đạt hay không đạt chất lượng để dồn dinh dưỡng cho cây mẹ và để gốc Măng có chỗ trống cho ra đời lứa Măng kế tiếp nhiều hơn và khoẻ mạnh hơn. Thu hoạch Măng tơ được 12-15 ngày thì bón thúc 70 kg NPK 21-7- 144 + 4 lít hữu cơ vi sinh EMZ – USA. Thu hoạch tiếp khoảng 12-15 ngày nữa thì Phải Ngưng Thu Hoạch (Không Nên Thu Hoạch Lứa Măng Tơ Quá 1 Tháng), tránh không để cây mất sức, làm ảnh hưởng năng suất, chất lượng của các đời cây/lứa măng sau.

Giai đoạn 12:

– Sau khi trồng 180 ngày (>6 tháng): Tiến hành cắt tỉa bỏ toàn bộ đời cây thứ 4 có đường kính thân #7-8mm trên vườn trồng để thay thế bằng đời cây thứ 5 có đường kính thân #9-10mm rồi xới xáo đất mặt, làm sạch cỏ non không để cỏ già rơi hạt tái sinh cỏ mới. Làm vệ sinh vườn trồng, phun thuốc phòng ngừa tuyến trùng, nấm bệnh, sâu bọ côn trùng hại cây. Bón thúc 10-20 tấn phân Trùn quế/Phân Xanh/Phân chuồng + 3 – 5 lít hữu cơ vi sinh EMZ – USA. Vun đất cao #3-5 cm đậy gốc, giữ mặt liếp đất trồng cao #20-30 cm so với mặt đất tự nhiên. Dưỡng bộ rễ khoẻ mạnh và bộ lá sum suê, giữ cây đứng thẳng quang hợp với nắng tạo năng lượng hữu cơ tổng hợp nuôi dưỡng cây.

Khi cây trưởng thành và đã bắt đầu cho Măng thu hoạch, chỉ nên dùng rơm, trấu mục, bã vụn xơ dừa, bã vụn vỏ cà phê, lục bình, tro trấu, các loại phân xanh, hoặc trồng cây họ đậu, cỏ lạc dại để phủ gốc ngăn cỏ dại; tuyệt đối không nên phủ bạt nilon để khử cỏ dại nữa vì làm như vậy vô tình sẽ tạo ra nơi ẩn nấp cho sâu bọ, côn trùng; cỏ sẽ không mọc được nhưng đồng thời cũng

phong toả luôn cả sự hô hấp của bộ rễ cây Măng tây, cản trở sự phát triển của các chồi Măng, kiềm hãm sự phát triển bình thường của bộ rễ, cây Măng và cả các lứa Măng về sau này mà trước mắt ta chưa thể thấy ngay hạu quả nặng nề của nó.

Giai đoạn 13: Tiến hành thu hoạch

Thu hoạch lần 1:

Trong 1 chu kỳ thu hoạch Măng kéo dài 2-3 tháng (#75- 90 ngày): Cần bón thúc 20 ngày/lần với 40-50 kg NPK 21-7-14 + 5 lít hữu cơ vi sinh EMZ – USA + NANO R011. Tuỳ theo sự phát triển của cây, có thể dùng thêm các loại chế phẩm sinh học bón gốc và bón lá để kích thích cây phát triển, cho nhiều chồi Măng có năng suất và chất lượng tốt hơn. Lượng phân bón sẽ tăng dần theo sức lớn lên từng năm tuổi của cây.

Người trồng có thể xẻ rãnh 2 bên mép liếp, đào lỗ hoặc rãnh (sâu 10-15 cm, bán kính #20-25 cm) quanh gốc để bón phân. Cũng có thể bổ sung nước tưới + phân dinh dưỡng pha loãng vào đất trồng thông qua 2-3-4 khúc “ty” ống tưới (đường kính 21mm, sâu 30cm, khoan nhiều lỗ 2-3mm và bịt đáy ống) cắm đứng theo bán kính 20-25 cm quanh gốc hoặc dùng vòi xịt áp lực mạnh cắm sâu xuống đất 10-20 cm.

Thu hoạch lần 2:

Trong 1 chu kỳ nghỉ dưỡng cây mẹ trẻ đời sau thay thê cây mẹ già đời trước kéo dài từ 40-45 ngày: Bón thúc với 10-15 tấn phân trùn quế + 2 lít hữu cơ vi sinh EMZ – USA đồng thời 20 ngày/lần bón thúc 50-80 kg NPK 15-15-15 + 2 – 4 lít hữu cơ vi sinh EMZ – USA + NANO R011. Lượng phân bón thúc này sẽ tăng dần theo sức lớn của các lứa tuổi cây sẽ cho Măng lớn hơn, nhiều hơn ở các năm sau.

Sau khi tạm ngưng thu hoạch lứa Măng tơ 12-15 ngày, khi quan sát thấy 3-5 cây mẹ trẻ đời sau vừa đủ lớn, bắt đầu bung tàn cành lá thì tiến hành tỉa bỏ 3-5 cây mẹ già đời trước đã vàng úa, hết khả năng cung cấp Măng, cây bị sâu bệnh, cây yếu cổ rễ đố nghiêng ngả, cây nhỏ và cành lá phát sinh ở phần gốc # 40-50 cm để thông gió phòng tránh côn trùng, nấm bệnh xâm hại. Xới xáo đất mặt, làm sạch cỏ non, tuyệt đổi không đế cỏ già rơi hạt tái sinh cỏ mới, tiến hành bón thúc 4 lít hữu cơ vi sinh EMZ – USA + 60-80 kg NPK 16-16-8.

Vun đất cao 3-5 cm đậy gốc bảo vệ cổ rễ cây Măng (không để phần trắng chân Măng >5 cm), giữ mặt liếp cao #30 cm so với mặt đất tự nhiên, vệ sinh vườn trồng, phun thuốc phòng ngừa tuyến trùng, sâu, bệnh. Dưỡng bộ rễ khoẻ mạnh và bộ lá sum suê, giữ cây đứng thẳng quang hợp với nắng tạo năng lượng hữu cơ tổng hợp nuôi dưỡng cây.

Khoảng 15-20 ngày sau, khi thấy đường kính thân cây mẹ trẻ đời sau đạt >10 mm + bộ lá chuyển sang màu xanh đậm thì tiến hành cắt hạ bớt ngọn cây Măng ở độ cao không thấp hơn 1,20 – 1,40 mét , bón thúc thêm 60-80 kg NPK 21-7-14 + 3 lít hữu cơ vi sinh EMZ – USA + NANO R011 cùng bộ lá sum suê để kích thích cây trổ Măng. Tiến hành vệ sinh vườn trồng, xới xáo đất mặt, làm sạch cỏ non, tuyệt đối không để cỏ già rơi hạt tái sinh. Vun đất cao #3-5 cm đậy gốc (không để phần trắng chần Măng cao quá >5 cm làm mất năng suất, giảm giá trị thương phẩm).

Khoảng 5-10 ngày sau khi cắt hạ ngọn còn 1,20-1,40m, cây sẽ cho lứa Măng mới, bắt đầu thu hoạch lúa Măng thứ hai kéo dài khoảng 2 tháng; sau đó nghỉ dưỡng cây mẹ thay thế #40-45 ngày, rồi thu hoạch lứa Măng thứ ba kéo dài #2,5-3 tháng. Rồi sau đó cứ thế tiếp tục dưỡng cây mẹ đời sau và thu hoạch các lúa Măng tiếp theo.

III. Cách xư lý vườn măng tây khi bị bênh nặng (nấm, rỉ sắt,…):

Bước 1: Tiến hành cắt toàn bộ cây bệnh. Dùng 1 lít Nano R011 để rửa sạch đất cho 1500m2 trong 1 tuần

Bước 2: Sau 1 tuần, dùng phân hữu cơ vi sinh EMZ để cải tạo đất và diệt môi trường nấm bệnh. Dùng 1 lít EMZ cho 1500m2 để trong vòng 20-25 ngày. Ta tiến hành dọn cỏ thường xuyên

Bước 3: Sử dụng phân bón gốc sinh học: Eco hydro + EMZ + NEREO. 1 lít ECO hydro dùng cho 5.000 m2, 1 lít EMZ dùng cho 2.000m2, 1 lít NEREO dùng cho 7.000m2 đến 10.000m2.

Chú ý: khi nấm bệnh phát triển quá mạnh thì có thể dùng chế phẩm: NANOGOLD R003 hoặc CHITOSAN

Sau 7-10 ngày: bón NPK 16-16-8 với 35-45kg/1ha. Tùy từng điều kiện khí hậu thổ nhưỡng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.