Mô hình trồng Sả lấy tinh dầu tại huyện Ea Súp

Những năm gần đây, một số hộ dân tại xã Ya Tờ Mốt huyện Ea Súp đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sả lấy tinh dầu trên diện tích đất cằn cỗi, khó canh tác các giống cây trồng khác, từ đó mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần làm đổi thay đời sống của người dân nơi đây.

Điển hình trong việc trồng sả lấy tinh dầu là tấm gương của 2 chị Hà Thị Khăm thôn 11 và Vy Thị Mai thôn 12, những người phụ nữ dân tộc thái dám nghĩ dám làm.

Gia đình chị Hà Thị Khăm thôn 11 xã Ya Tờ Mốt huyện Ea Súp

Theo chân chị Dương Thị Ngọc CT hội phụ nữ xã đến thăm gia đình chị Vy Thị Mai tại thôn 12, tiếp chúng tôi trong căn nhà cũ bên cạnh căn nhà đang xây mới, tươi cười chị cho biết để xây được căn nhà mới bên cạnh một phần là từ thành công của việc trồng sả lấy tinh dầu. Chị cho biết thêm cơ duyên để đến với việc trồng sả lấy tinh dầu là do một lần xem trên truyền hình có chương trình làm giàu từ trồng sả lấy tinh dầu tại Tuyên Quang, với suy nghĩ dám nghĩ dám làm để thành công chị mò mẫm tìm hiểu biết được tại xã Ea Tir huyện Ea Hleo cũng có mô hình trồng sả mang lại hiệu quả cao về kinh tế. Giữa năm 2015, chị cất công sang huyện Ea Hleo học hỏi kinh nghiệm rồi trở về mua đầu tư 15 triệu tiền giống trồng sả trên 5 sào đất của nhà, chị nói thêm sả rất dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén đất, ít sâu bệnh, hợp với khí hậu thổ nhưỡng của huyện Ea Súp. Đến khoảng tháng 8 năm 2016 chị gom góp tiền cùng chị Hà Thị Khăm mua lò nấu tinh dầu sả về xây dựng sau nhà hết 150 triệu đồng, sau đó 2 tháng sau chị cho nấu nồi hấp sả lấy tinh dầu đầu tiên thu được 8 mẻ, mỗi mẻ cho thu từ 8 đến 10 lít tinh dầu. Theo giá thị trường mỗi lít chị bán từ 250 đến 300 ngàn đồng được các đầu mối tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đến thu mua tại nhà và bán cho người dân địa phương cũng như trên địa bàn huyện.

Quy trình Chiết xuất lấy tinh dầu sả 

Được chị Mai ra dẫn ra sau nhà thăm khu đất nơi đặt lò nấu tinh dầu sả của gia đình, tại đây chúng tôi được gặp chị Hà Thị Khăm đang cùng người thân trong gia đình vác những bó sả vào nấu để lấy tinh dầu, chị Khăm tươi cười cho biết gia đình đang đưa những bó sả cuối cùng vào nồi hấp, chị chia sẻ thêm cho chúng tôi biết nồi hấp tinh dầu sả này có thể chứa từ 7 đến 1 tấn lá sả, thời gian nấu một nồi từ 6 đến 8 tiếng. Đồng thời, mỗi năm sả cho cắt lá được từ 6 đến 8 lần, cứ 45 ngày lại đi cắt một lần để về hấp lấy tinh dầu, hiên tại diện tích trồng sả của 2 chị rơi vào khoảng hơn 8ha. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí sản xuất, tính bình quân mô hình trồng sả lấy tinh dầu của 2 gia đình cho thu lợi nhuận từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi năm. Nhìn từ thành công của mô hình trồng sả lấy tinh dầu của 2 chị Vi Thị Mai và Hà Thị Khăm, chị Dương Thị Ngọc CT hội Phụ nữ xã Ya Tờ Mốt cho biết; phía Ban chấp hành hội phụ nữ xã đã có những phương án nhằm nhân rộng mô hình của gia đình hai chị, vận động chị em hội viên của các chi hội trong xã chuyển đổi một phần cơ cấu cây trồng của gia đình sang trồng sả để phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao thu nhập từng bước thay đổi diện mạo nông thôn của địa phương.

Với việc trồng sả lấy tinh dầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể thấy đây là mô hình mang lại nhiều triển vọng cho bà con nông dân trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt nói riêng và toàn huyện nói chung. Vì vậy, trong thời gian tới hi vọng các cấp chính quyền cùng người dân sẽ có những chủ trương, chính sách hỗ trợ nhằm nhân rộng mô hình trồng sả lấy tinh dầu ra toàn huyện, góp phần nâng cao đời sống nhân dân thúc, đẩy kinh tê – xã hội của huyện nhà ngày càng phát triển.

Nguồn: Easup.daklak.gov.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sả

Cây sả được trồng trong nhiều gia đình, nhất là ở phía Nam nước ta, dùng làm gia vị và làm thuốc. Trong cây sả có chứa tinh dầu cho mùi thơm nồng ấm, dễ chịu.

Cây Sả thường dùng chế biến các món thịt chó, làm nước chấm. Luộc ốc cho thêm tí sả sẽ thơm ngon. Sả củ băm nhỏ xào với mắm tôm hoặc nước mắm thành món ăn mặn với cơm, nhất là những ngày là lạnh.

1. Đặc tính thực vật của cây sả

Cây sả là cây thân thảo. Cây cao khoảng 1,0 – 1,5m, sống lâu năm, mọc thành bụi, phân nhánh nhiều. Thân rễ ( gọi là củ) màu trắng hoặc hơi tía, có nhiều đốt ngắn. Các bẹ ôm chặt nhau rất chắc. Lá hẹp, dài giống lá lúa, mép lá hơi nhăn, đầu lá thường uốn cong xuống. Rễ phát triển khỏe và nhiều, ăn sâu trong đất tới 25 – 30cm.

Cụm hoa nhiều bông nhỏ khô cây sả có cuống.

Cây sả đẻ chồi từ nách lá tạo thành bụi như bụi lúa, các cây xung quanh là cây non, còn ở giữa bụi là các cây già. Nhờ thân rễ và chùm rễ phát triển nên cây sả có khả năng chịu hạn rất tốt, trong suốt mùa khô dài 4-5 tháng không tưới nước bụi sả vẫn sống.

2. Cách trồng cây sả

– Làm đất:

Cây sả trồng được trên nhiều loại đất, chỉ cần không bị ngập nước, tuy vậy trên đất tơi xốp nhiều mùn cây phát triển tốt hơn. Nếu trồng ít một vài khóm để dùng trong gia đình thì chỉ cần đào từng hố bón phân lót rồi trồng. Nếu trồng để bán thì đất cần cày bừa kỹ, lên luống cao 20 -25cm, rộng 1,0 – 1,5m để trồng.

– Cách trồng:

Sả trồng bằng nhánh, mỗi hố trồng 1 -2 nhánh non, có đủ phần gốc và rễ, bóc bỏ bẹ lá già, cắt các lá còn lại để dài khoảng 20cm, cắt bớt rễ già. Đặt nhánh sả hơi nghiêng, lấp đất kín gốc rồi dùng tay nén chặt và tưới nước đủ ẩm.

Nếu trồng diện tích rộng thì trên luống rạch 2 hàng dọc luống cách nhau 0,8 – 1,0m. Rải phân xuống rãnh rạch, lấp ít đất rồi trồng. Sau trồng nếu tưới đủ ẩm thì khoảng 10 -15 ngày nhánh sả ra rễ, đâm lá non, bắt đầu chăm sóc và trồng dặm nhánh chết.

– Bón phân:

Phân bón lót cho 1ha từ 15 – 20 tấn phân hữu cơ hoai mục + 200 – 300kg phân lân. Rải phân lót xuống rãnh trồng.

Sau khi trồng 20 -25 ngày, cây bắt đầu sinh trưởng mạnh thì bón phân thúc nhẹ khoảng 100 – 150kg phân đạm cho 1ha, kết hợp xới đất vun gốc nhẹ. Một tháng sau bón thúc lần 2 với lượng phân như trên và vun gốc tiếp.

– Chăm sóc:

Trường hợp đất quá khô cần tưới nước . Thường xuyên nhổ cỏ.

Cây sả ít bị bệnh. Thường thấy là bệnh héo vàng làm thối rễ, chết cây. Dùng các thuốc gốc đồng và Bonomyl phun đẫm vào gốc có thể hạn chế bệnh. Nhổ bỏ các cây bệnh nặng tập trung tiêu hủy. Cá biệt có bệnh cháy lá do nấm, phun các thuốc Viben-C, Carbenzim, Dithan –M.

3. Thu hoạch

Nếu trồng cây sả dùng để ăn thì 3 – 4 tháng có thể tỉa các nhánh to rồi vun gốc cho cây tiếp tục ra nhánh mới. Nếu trồng để chiết lấy dầu thì sau trồng 10 -12 tháng khi cây sả đã già, lượng dầu cao thu hoạch là tốt nhất. Cắt cả lá và bẹ, chừa lại 8 – 10 cm cách mặt đất. Sau đó tưới nước, bón phân cây sẽ tiếp tục đâm chồi. Sau 5 -6 tháng sẽ thu hoạch tiếp, như vậy quanh năm sẽ có nguyên liệu để chưng cất dầu.

Mô hình trồng sả trên cát hứa hẹn mang lại thu nhập cao

Mô hình trồng sả trên cát hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cho người dân đồng thời mở ra hướng mới trong sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.

Từ sau sự cố ô nhiễm môi trường biển vào năm 2016 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất của người dân các xã vùng biển trong tỉnh, việc chuyển đổi sinh kế cho người dân được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Mới đây, Công ty Cổ phần Tổng Công ty thương mại Quảng Trị (Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị) đã triển khai dự án trồng sả xuất khẩu, trước mắt thí điểm tại một số xã vùng cát ven biển thuộc ba huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong. Mô hình trồng sả trên cát hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cho người dân đồng thời mở ra hướng mới trong sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.

Cây sả thích nghi và phát triển tốt trên vùng đất cát ven biển

Cây sả vốn là một loại cây dược liệu quen thuộc được người dân trồng nhiều, thích hợp với mọi loại đất vì dễ sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, đối với người dân các xã như Vĩnh Thái ( Vĩnh Linh), Trung Giang, xã Gio Sơn (Gio Linh), Triệu An (Triệu Phong), đây là lần đầu tiên người dân được hướng dẫn triển khai trồng sả trên đất cát với diện tích tương đối lớn. Từ ý tưởng giúp người dân chuyển đổi sinh kế sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, mới đây Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đã triển khai 4 mô hình trồng sả trên cát ở các xã nói trên, mỗi mô hình 1 ha. Theo đó, mỗi héc ta sả được công ty hỗ trợ toàn bộ giống và 7 tấn phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây sả đạt hiệu quả tốt nhất.

Người dân chỉ đầu tư công trồng, chăm sóc theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn và thu hoạch. Ông Dương Minh Quý, ở thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh chia sẻ: “Người dân trong thôn chủ yếu làm nghề biển, gặp rất nhiều khó khăn sau sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua. Với đặc thù đất cát ở địa phương thì việc trồng các loại cây hoa màu cho năng suất cao cũng rất hạn chế. Nay được hỗ trợ trồng cây sả, người dân rất phấn khởi, cố gắng tích cực chăm sóc thật tốt để cho hiệu quả như yêu cầu”. Cây sả hiện được người dân triển khai trồng trên các vùng đất cát trước đây trồng các loại hoa màu khác kém hiệu quả. Với nhiều ưu điểm như là giống cây ngắn ngày, năng suất cao, dễ trồng, chịu được hạn hán và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nên thời gian qua, dù gặp mưa rét kéo dài nhưng hầu hết diện tích sả trên cát vẫn phát triển tốt.

Qua quá trình trực tiếp theo dõi, chị Nguyễn Thị Hồng, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Thái, Vĩnh Linh cho biết thời điểm trước Tết Nguyên đán có mưa nhiều gây ngập úng nên cây sả có phát triển chậm, tuy nhiên từ sau tết đến nay, thời tiết tạnh ráo, người dân tích cực chăm sóc nên cây đã thích nghi và phát triển tốt, tỏ ra thích hợp với vùng đất cát ở địa phương. Đặc biệt, so với các loại cây hoa màu khác, cây sả sinh trưởng và phát triển tốt ngay cả trên vùng đất cát nhiễm mặn ven biển. Ưu điểm này của cây sả khiến người dân vùng cát tự tin phát triển loại cây trồng mới trên những diện tích đất bị nhiễm mặn tưởng chừng không thể canh tác được bất cứ loại cây trồng nào.

Ngoài ra, đầu ra của cây sả cũng thuận lợi bởi vừa là cây màu thực phẩm vừa là cây dược liệu. Các hộ dân tham gia trồng sả cho dự án của Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị được đơn vị cam kết bao tiêu thu mua sản phẩm sau khi thu hoạch. Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng Công ty thương mại Quảng Trị cho biết: “Theo ước tính của chúng tôi, mỗi héc ta đất cát người dân trồng được 2 vụ, mỗi vụ bình quân thu được 10 tấn thành phẩm, mỗi năm một héc ta cho 20 tấn thành phẩm. Công ty sẽ thu mua với giá khoảng 3 triệu một tấn, như vậy với 20 tấn sả trên một héc ta, người dân sẽ thu về được 60 triệu đồng, chưa kể các phụ phẩm như lá sả có thể bán cho những người có nhu cầu mua về sản xuất tinh dầu sả. Hiện chúng tôi đã ký hợp đồng với một đơn vị đối tác nước ngoài để xuất khẩu, như vậy người dân yên tâm về đầu ra sản phẩm. Về lâu dài, mô hình này thành công sẽ được chúng tôi nhân rộng ra 16 xã vùng biển bãi ngang của các huyện, hi vọng góp phần giải quyết việc làm ,nâng cao thu nhập cho người dân vùng biển”.

Với những điều kiện thuận lợi như hiện nay, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, người dân có thể thu hoạch sản phẩm và có nguồn thu nhập tương đối khá từ trồng sả. Phía Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị cũng thường xuyên cử cán bộ cùng với cán bộ phụ trách nông nghiệp tại các địa phương triển khai dự án kiểm tra, theo dõi tiến độ sinh trưởng và phát triển của cây sả để kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh. Mô hình này thành công sẽ góp phần quan trọng thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác cho người dân vùng ven biển.

Nguồn: Báo Quảng Trị được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Độc đáo xen canh keo lai, dưa hấu, mì

Trồng xen kiểu này cây keo và cây mì tốt vượt trội nhờ “ăn theo” phân, nước đầu tư cho cây dưa. Thu nhập từ dưa và mì đủ để đầu tư cho rừng keo những năm tiếp theo mà chủ rừng không cần bỏ thêm vốn.

Mô hình trồng keo xen dưa hấu và mì của ông Đặng Vĩnh Kính thu lợi kép

Xã Bình Tân được đánh giá là địa phương có phong trào trồng rừng mạnh và thành công nhất huyện Tây Sơn (Bình Định). Để tăng thêm hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, nông dân nơi đây đã sáng tạo ra phương pháp xen canh độc đáo: Trồng keo lai xen dưa hấu và mì.

Trồng xen kiểu này cây keo và cây mì tốt vượt trội nhờ “ăn theo” phân, nước đầu tư cho cây dưa. Thu nhập từ dưa và mì đủ để đầu tư cho rừng keo những năm tiếp theo mà chủ rừng không cần bỏ thêm vốn.

Thời gian trước đây, những diện tích đất cát xám, bạc màu ở xã Bình Tân hầu hết được nông dân trồng cây mì. Từ năm 2011 trở về trước, giá mì nguyên liệu khá ổn định nên cây mì còn cho hiệu quả. Về sau, giá mì nguyên liệu trở nên bấp bênh, đời sống của người dân cũng long đong theo. Năm 2007, cây keo lai theo Dự án WB3 về đây cho thấy rất phù hợp trên vùng đất xám bạc màu.

“Trồng keo lai chỉ cần đầu tư phân bón 2 năm đầu, sau 5 năm là cho năng suất 100 tấn/ha. Chỉ cần giá bình quân 1 triệu đồng/tấn gỗ nguyên liệu, sau chu kỳ 5 năm, 1ha keo cho thu nhập 100 triệu đồng, bình quân mỗi năm thu nhập được 20 triệu, hơn hẳn cây mì. Vì vậy từ năm 2011 đến nay, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây mì sang cây keo trên địa bàn phát triển rất mạnh. Đến nay, trên địa bàn xã Bình Tân đã có trên 1.500ha keo, một nửa trong đó thuộc Dự án WB3 đã cho khai thác”, ông Đặng Vĩnh Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân chia sẻ.

Để tăng thu nhập trên cùng diện tích, một số nông dân đã sáng kiến ra phương pháp trồng keo xen dưa hấu và mì cho thấy hiệu quả kép. Là người từng thực hiện mô hình này, ông Đặng Vĩnh Kính kể rành rọt: “Những diện tích keo đến chu kỳ khai thác, thu hoạch keo xong, bà con thuê xe múc với chi phí 5 triệu đồng/ha móc hết gốc keo lên, sau đó cho máy cày đất rồi lên vồng để trồng dưa hấu. Sau khi đất được lên vồng, bà con xuống giống dưa hấu.

Khi dưa hấu đã ra cành ra nhánh, bà con bắt đầu xuống giống keo bên mé ta-luy của vồng đất. Phân bón cho cây dưa hấu, cây keo được ăn theo. Do đó, cây keo sống cạnh dưa hấu chỉ sau 3 tháng đã cao đến gần 1m, bằng cây keo 1 năm tuổi trồng bên ngoài.

“Nhờ khai thác hết tiềm năng của đất bằng phương thức trồng xen canh kể trên nên mức thu nhập của người dân xã Bình Tân được tăng cao trong những năm gần đây. Nếu như vào năm 2010, thu nhập bình quân chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm thì hiện nay đã đạt đến gần 24 triệu đồng/người/năm”, ông Đặng Vĩnh Kính cho biết.
Sau khi thu hoạch dưa hấu, bà con tiếp tục móc đất cho hom mì xuống dọc 2 bên hàng keo. Khi cây mì nảy mầm thì cây keo đã cao gần 1,5m, nên cây mì phát triển cỡ nào cũng không thể lấn keo được, do đó cả keo cả mì đều sinh trưởng, phát triển bình thường”.

Cũng theo ông Kính, với phương thức trồng xen canh như đã kể trên, nhờ ăn theo phân bón, nước tưới, được đầu tư cho cây dưa hấu nên năng suất cây mì cho khá cao.

“Mì trồng xen với dưa hấu và keo cho củ to lắm, bụi mì phải 2 – 3 người nhổ mới lên. Ngoài 1 củ to tướng đóng thẳng xuống đất, còn có 3 củ khác cũng to không kém đóng ngang, nhổ bụi mì lên thấy mất hồn”, ông Kính diễn tả.

Ngoài ra, những diện tích rừng keo trồng xen mì thì không bao giờ bị bò phá. Bởi, nếu bò ăn phải đọt mì là chết ngay. “Nhất là trong mùa nắng nóng, mủ dồn lên đọt mì, con bò to là thế mà chỉ cần ăn chừng 3 đọt mì là ngã ngửa ngay”, ông Kính cho biết thêm.

Theo tính toán, trồng xen canh keo, dưa hấu và mì, nông dân có lợi kép. Riêng cây dưa hấu đạt 40 tấn/ha, cây mì dù trồng mật độ thưa nhưng cũng đạt đến 30 tấn/ha. Khoản thu từ dưa hấu và mì thừa sức đầu tư cho cây keo suốt chu kỳ. Đặc biệt, nhờ ăn theo mức đầu tư của cây dưa nên cây keo chỉ cần 4 năm là có thể thu hoạch với năng suất cầm chắc 100 tấn/ha, rút ngắn chu kỳ cây keo được 1 năm.

Nhờ hiệu quả kinh tế cho thấy nhãn tiền, trong những năm qua, mô hình sáng tạo trồng xen keo với dưa hấu và mì ở xã Bình Tân ngày càng được nhân rộng. Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn cũng phát triển mô hình trên diện tích 10ha rừng keo.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng sắn xen lạc, nông dân thu lợi nhuận gấp đôi

Trung tâm Khuyến nông (KN) tỉnh vừa triển khai thành công mô hình canh tác sắn xen lạc tại các huyện Hướng Hóa và Cam Lộ. Theo đánh giá của nông dân, mô hình này không chỉ tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích mà còn hạn chế hiện tượng xói mòn đất, góp phần đảm bảo canh tác sắn bền vững.

Mô hình trồng sắn xen lạc mang lại hiệu quả cao ở xã Cam Tuyền, Cam Lộ

Mô hình được triển khai trong vụ đông xuân 2016 – 2017 trên diện tích 6 ha tại các xã Tân Lập, Hướng Tân (huyện Hướng Hóa) và Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) với giống lạc L 14 trồng xen giống sắn KM 94 theo quy cách giữa 2 hàng sắn trồng xen 2 hàng lạc. Theo các hộ tham gia thực hiện mô hình, khi canh tác theo phương thức sắn xen lạc không những nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế được tăng lên, mà còn góp phần cải tạo đất. Ông Trần Văn Bình ở tại thôn Tân Quang, xã Cam Tuyền, Cam Lộ, một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình cho biết, gia đình ông có 3 sào đất thực hiện mô hình trồng sắn xen lạc.

Hiện cây lạc đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo tính toán của ông, trung bình 1 sào lạc trồng xen với sắn cho năng suất khoảng 1 tạ lạc/sào, với giá bán hiện nay từ 30.000 – 32.000 đồng/kg thì với 3 sào đất trồng sắn xen lạc đã mang lại cho ông hơn 9 triệu đồng. Sau khi thu hoạch lạc, phần thân và lá được dùng để che phủ gốc sắn nhằm duy trì độ ẩm và tăng chất hữu cơ cho đất. Theo ông Bình, thế mạnh của mô hình này là trên cùng một diện tích canh tác, nông dân thu hoạch được 2 lần, hiệu quả kinh tế mang lại gấp đôi so với trước đây. Theo kỹ sư Dương Hồng Phong, Phó Trạm trưởng Trạm KN huyện Cam Lộ, kết quả việc trồng sắn xen với lạc cho thấy cả 2 loại cây trồng này đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại, ít cỏ dại hơn.

Trong mô hình trồng xen 2 hàng lạc giữa 2 hàng sắn với mật độ 45 cây/m2. Nhờ được hưởng lợi thế khoảng không gian của cây sắn thời kỳ đầu chưa khép tán nên cây lạc có số hạt chắc/cây cao, năng suất thực thu tương đương so với trồng thuần lạc. Trong khi đó nhờ được trồng sớm, cây sắn có đủ thời gian tích lũy (11 – 12 tháng) nên sẽ cho năng suất và hàm lượng tinh bột cao hơn. Chính vì thế thu nhập cao hơn so với mô hình luân canh lạc (đông xuân) – sắn (hè thu) hoặc trồng thuần sắn. Bên cạnh đó, sau khi thu hoạch lạc xong, toàn bộ thân, cành, lá, gốc, rễ của lạc sẽ được vùi lấp xuống đất làm phân xanh, đất sẽ giàu mùn và tơi xốp hơn, độ phì và khả năng giữ ẩm cũng tăng lên, nhất là với đất dốc bạc màu, đất sét pha cát tại các huyện trung du, miền núi.

Qua đánh giá thực tế tại các mô hình trồng sắn xen lạc này, tại huyện Hướng Hóa năng suất lạc đạt từ 12,4 – 13,4 tạ/ha, năng suất sắn đạt từ 25 – 28,7 tấn/ha; còn tại huyện Cam Lộ cây lạc đạt năng suất từ 15 – 20 tạ/ha, năng suất cây sắn dự kiến đạt khoảng 25 – 30 tấn/ha. Như vậy với giá lạc (30.000 – 32.000 đồng/kg) và sắn (1.000 đồng/ kg) như hiện nay, ước tính mỗi héc ta trồng sắn xen lạc cho thu nhập trên 70 triệu đồng, cao gấp 2 – 2,5 lần so với trồng thuần lạc hoặc sắn trên cùng chân đất. Tuy nhiên để trồng lạc xen sắn đạt hiệu quả cao, nông dân cần lưu ý làm đất kỹ, bón phân đầy đủ, nhất là bón lót, lên luống để trồng với khoảng cách và mật độ thích hợp, sao cho mỗi cây trồng đều tận dụng được không gian dinh dưỡng (ánh sáng, không khí, đất) để sinh trưởng và phát triển đạt năng suất cao, chất lượng tốt.

Ông Nguyễn Trung Hậu, Giám đốc Trung tâm KN tỉnh cho biết: “Là một trong bảy loại cây trồng chủ lực của tỉnh, hiện cây sắn không còn là cây lương thực mà đã trở thành nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến. Với diện tích trên 11.000 ha trồng tập trung chủ yếu tại các địa bàn miền núi, trung du như Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Vĩnh Linh… cây sắn không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, năng suất bình quân sắn ở tỉnh chưa cao (khoảng 19 tấn/ha), chất lượng củ thấp và độ đồng đều không cao; nguy cơ bạc màu, xói mòn rửa trôi đất trồng vẫn tiềm ẩn, sản xuất thiếu bền vững, mà nguyên nhân chủ yếu là do kỹ thuật canh tác, đầu tư thâm canh, độ phì đất, giá bán giao động lớn.

Vì vậy với mô hình trồng sắn xen lạc này, ngoài hiệu quả kinh tế thu được, mô hình còn làm thay đổi quan điểm của nông dân về kỹ thuật trồng lạc xen sắn trên vùng đất đồi núi chỉ nhờ nước trời, sử dụng giống lạc có chất lượng cao, có bón phân lân, vôi cho lạc. Bên cạnh đó còn hạn chế xói mòn đất, góp phần bảo vệ tài nguyên đất, giúp quá trình canh tác bền vững hơn. Trên cơ sở này, trong thời gian chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình này ra các vùng trồng sắn trong tỉnh nhằm tạo ra vùng nguyên liệu sắn củ tươi cho các nhà máy trên địa bàn, hạn chế thoái hóa đất, bảo vệ môi trường sinh thái và tăng hiệu quả sản xuất cho người trồng sắn”.

Nguồn: Báo Quảng Trị được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Làm giàu nhờ đưa hoa lily về trồng ở xứ nóng

Ông Trần Văn Phương ở khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp là một trong những người khá thành công với mô hình hoa kiểng Tết. Không những sản xuất các giống hoa truyền thống bán Tết, mấy năm nay ông còn trồng thử nghiệm hoa lily – loài hoa vốn chỉ hợp với khí hậu lạnh. Qua 4 năm gieo ươm, ông đã thành công với mô hình trồng lily trong chậu ở xứ nóng miền Tây.

So với các loại hoa truyền thống ở miền Tây thì lily là loại hoa cao cấp, vốn đầu tư lớn, nên trước khi chọn mô hình này, ông Phương cho biết, đã bỏ thời gian nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nhà vườn. Trong đó, khâu chọn giống khiến ông trăn trở nhiều nhất. Sau nhiều thử nghiệm, cuối cùng ông quyết định không nhập giống ngoại mà lấy giống từ một công ty giống hoa ở Đà Lạt, để thuận lợi hơn trong việc “thuần hóa” giống hoa sang này khi về miền Tây.

Khu trồng hoa ly của ông Trần Văn Phương tại làng hoa Tân Quy Đông, TP. Sa Đéc

Cũng theo ông Phương, Đà Lạt hiện có trên 15 giống lily, ông đã trồng được 7 giống, với đủ loại, từ có hương thơm đến không hương gồm hồng, đỏ, vàng, cam… nhưng phổ biến nhất là hồng Sorbonne và đỏ Sorbonne, trồng từ 60 đến 90 ngày sẽ ra hoa, hoa nở thành chùm 7-10 ngày mới tàn.

Ông cũng chỉ trồng lily để cung ứng cho mùa Tết, với giá bán năm ngoái từ 90.000 đến 120.000 đồng/chậu. Theo ước tính, nếu thời tiết thuận lợi, Tết này ông sẽ giao cho thương lái 8.000 chậu lily, thu về khoảng 800 triệu đồng. Điều khiến lily của ông Phương được chuộng là do ngày Tết, hầu hết hoa lily bán tại miền Tây thường là loại cắt cành. Lily của ông được trồng chậu, lại trồng tại chỗ nên thời gian hoa nở dài ngày. Chính vì vậy mà dù giá cao hơn, nhưng hoa của ông vẫn hút khách.

Thực tế qua 2 năm thử nghiệm, ông Phương cho rằng, lily dù là hoa của vùng lạnh nhưng về xứ nóng cũng phát triển rất tốt. Tuy nhiên, người trồng cần nắm vững kỹ thuật, từ khâu xử lý giống, chọn chất trồng (giá thể) cho đến khâu tưới tiêu, làm mái che, sử dụng phân thuốc, đặc biệt là biết kết hợp ánh sáng và nhiệt độ, để tạo điều kiện cho cây phát triển và ra hoa.

Theo kinh nghiệm của ông, nếu ở Đà Lạt, phần lớn lily được trồng trong nhà kính, với giá thể thường là xơ dừa tự chế biến, thì ở Sa Đéc, ông Phương cũng dùng xơ dừa để trồng, nhưng trộn thêm đất và phân hữu cơ, sao cho thật tơi xốp và dễ thoát nước. Để cây khỏi bệnh, trước khi trồng ông tiến hành xử lý nấm bệnh trên tất cả các chất trồng và củ giống. Ông phải dùng lưới che để điều hòa nhiệt độ, nhưng phải bảo đảm đủ ánh sáng lúc cây bắt đầu ra hoa.

Hoa ly nở đúng vào dịp Tết

Ông Phương chia sẻ thêm, so với các loài hoa truyền thống tại miền Tây, người trồng lily thu lời cao hơn, nhưng vốn đầu tư cũng rất nặng, kỹ thuật cao. Chỉ riêng giống, nếu muốn có 10.000 chậu phải cần đến 30.000 củ giống, với giá 10.000-15.000đồng/củ (tùy kích cỡ).

Bà Phan Thị Hoàng Oanh, chuyên viên phòng Kinh tế thành phố Sa Đéc cho biết; trồng lily vốn đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng xử lý cho hoa nở đúng dịp Tết càng khó. Ông Trần Văn Phương chính là người đầu tiên mang lily về trồng thành công ở xứ hoa Sa Đéc, mở ra hướng sản xuất mới cho thu nhập cao tại địa phương. Trong tương lai, mô hình hình này sẽ được nhân rộng, và không chỉ cung ứng cho thị trường nội địa, lily xứ nóng sẽ hướng đến xuất khẩu.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Trồng sắn trên đất dốc

Miền bắc chủ yếu trồng sắn trên các vùng đất dốc, và kỹ thuật canh tác còn đơn giản nên năng suất sắn đạt rất thấp, Viện KHKT nông nghiệp Việt Nam đã chọn tạo thành công một số giống sắn mới có khả năng khắc phục được hạn chế trên.

Một số giống sắn thích hợp

Viện KHKT nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành chọn tạo và nghiên cứu ra nhiều giống sắn mới phù hợp với điều kiện đất đai này như KM94, KM98-7, KM21-10 và KM21-12.
Trong số các giống sắn trên, KM94 là giống đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều địa phương. KM94 có nguồn gốc từ tập đoàn giống nhập nội CIAT/Thái-lan, thân xanh, hơi cong, ngọn tím, không phân nhánh. Năng suất củ tươi đạt 30-40 tấn/ha, tỷ lệ chất khô trong sắn cao 39-40%, hàm lượng tinh bột 29-30%.

Sắn KM94 rất dễ trồng, thời gian sinh trưởng trung bình (7-12 tháng sau trồng đã có thể thu hoạch). Một trong những giống sắn có nhiều triển vọng khác đang trong quá trình khảo nghiệm hiện nay là giống KM98-7. Đây là giống sắn đa dụng vừa có thể sử dụng ăn tươi, vừa dùng vào chế biến thành tinh bột. Ưu điểm nổi bật của KM98-7 là tính chịu hạn cao, điều này rất phù hợp với khí hậu tại miền núi phía bắc thường hay rơi vào tình trạng khô hạn kéo dài.

KM98-7 có dạng cây đẹp, cao, mầu nâu, lá nhỏ, thích hợp với đất đồi sỏi đá. Thời gian thu hoạch sắn tương đối ngắn (7-8 tháng sau trồng), nhưng năng suất, chất lượng củ vẫn tương đương KM94…

Kỹ thuật canh tác sắn trên vùng đất dốc

Trồng sắn trên đất dốc nếu không có biện pháp chống xói mòn, đất trồng sắn sẽ trở thành đất trống đồi núi trọc, dẫn đến đất mất khả năng sản xuất, năng suất chất lượng giảm. Trước thực tế này, Viện KHKT nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra một số quy trình kỹ thuật cơ bản khi trồng sắn trên đất dốc như sau:

Khâu đầu tiên, phải thiết kế các băng chống xói mòn như cốt khí, cỏ vetiver, cỏ paspalum, dứa… vì những loại cây này có tác dụng giữ đất rất tốt. Nếu đất dốc dưới 15 độ, khoảng cách giữa các băng cây xanh là 8-10m, đất dốc 15-20 độ, khoảng cách dày hơn từ 4-6m.

Các biện pháp kỹ thuật chủ yếu

– Làm đất: ở vùng đất bằng hoặc có độ dốc thấp, cày và lên luống theo đường đồng mức, luống cách luống 1,0m.

– Thời vụ trồng: Thời gian trồng thích hợp nhất khoảng từ tháng 2 đến 15-3 (miền bắc), từ tháng 4 đến tháng 8 (miền nam).Mật độ: Tùy thuộc vào từng loại đất, đất tốt trồng thưa, đất xấu trồng dày, bảo đảm khoảng cách trung bình 1,0 x 0,8 x 1,0m, tức mật độ cây từ 10.000 – 12.500 cây/ha.

– Bón phân: Lượng phân bón cho 1 ha khoảng 10-15 tấn phân chuồng, 110-160kg đạm ure, 220-270kg supe lân, 160-250kg kali, 180 kg phân tổng hợp NPK theo tỷ lệ 60kg N, 40kg P2O5, 80kg K2O. Cách bón, bon lót toàn bộ phân chuồng và phân lân. Bón thúc lần 1 (sau trồng 45 ngày) 50% đạm + 50% kali. Bón thúc lần 2 (sau trồng 3 tháng) toàn bộ lượng phân còn lại kết hợp làm cỏ và vun cao.

Một trong những biện pháp khá hiệu quả chống xói mòn cho đất là trồng xen với các cây họ đậu như lạc, đậu xanh, đậu đen, đậu tương. Kỹ thuật trồng xen tốt nhất là trồng xen hai hàng đậu vào giữa hai hàng sắn, khoảng cách sắn vẫn giữ nguyên. Khi sử dụng biện pháp trồng xen, lượng phân bón cho cây xen cần thiết là 70% lân + 20% đạm + 30% kali trong tổng số phân bón cho sắn cộng thêm 300kg vôi bột để diệt trừ sâu, bệnh.
Phương pháp này hiện đã được ứng dụng ở nhiều nơi như Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Tây, Hòa Bình. Kết quả, lượng đất bị xói mòn đã giảm tới 68-96% so với các chân đất không băng chắn. Năng suất tăng cao hơn, cải tạo cơ bản được độ phì nhiêu của đất.

Nguồn: Vietlinh.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa ly trong chậu nhỏ

Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa ly trong chậu tại nhà cho hoa nở đúng dịp Tết là những yêu cầu không phải đơn giản bởi hoa ly “khó tính” về nhiệt độ.

Hoa ly có vẻ đẹp rực rỡ nên được ưa chuộng trưng vào ngày Tết

Hoa ly không chỉ quyến rũ bởi mùi hương nồng nàn, hoa ly còn rực rỡ về màu sắc và tươi rất lâu. Hoa ly yêu ánh nắng mặt trời, ngay cả khi được trồng trong bóng râm. Hoa ly có nguồn gốc ôn đới nhưng nay đã rất phổ biến tại xứ sở nhiệt đới như Việt Nam. Hoa ly có nhiều màu sắc rực rỡ khác nhau, có 6 cánh và mùi hương nồng nàn lan tỏa.

Cũng chính vì màu sắc và hình dáng hoa ly luôn quyến rũ, đẹp nên hiện nay ở Việt Nam, hoa ly được nhiều gia đình bày trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền. Nhưng để có được chậu hoa ly đẹp chơi Tết là cả quá trình kỹ thuật trồng và chăm sóc một cách công phu và khoa học. Và nếu bạn áp dụng đúng kỹ thuật thì chắc chắn sẽ có một chậu hoa ly như ý muốn.

Thời vụ trồng và chọn giống

Là loại hoa sống ở vùng ôn đới nên hoa ly có thể trồng quanh năm tại những vùng có khí hậu mát mẻ ở Việt Nam như Đà Lạt, Sapa hay Mộc Châu, tại các tỉnh miền Bắc thì vụ thu đông (tháng 10 trở ra) là thời điểm thích hợp để trồng.

Nói đến kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa ly bước đầu tiên phải chú ý tới đó là khâu chọn đất và củ giống. Theo đó đất trồng cần phải có đặc điểm nhiều mùn, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và khả năng thoát nước tốt. Bạn cũng có thể tự trộn giá thể để nuôi hoa ly theo công thức 1:1:2 gồm: đất phù sa – phân chuồng hoai mục – xơ dừa.

Củ giống hoa ly có thể mua ở nhiều nơi được bán nhiều trên thị trường. Củ giống hoa ly chất lượng thường được nhập khẩu từ Hà Lan, đã xử lý mầm bệnh và bảo quản lạnh, to tròn mập mạp.

Nhiệt độ và ánh sáng

Hoa ly là loại cây khá khó tính về nhiệt độ, ngưỡng nhiệt thích hợp cho cây vào ban ngày là từ 19 đến 25 độ C còn ban đêm là từ 12 đến 13 độ C. Nhu cầu về ánh sáng của hoa ly ở mức trung bình, để cây khỏe mạnh thì cường độ chiếu sáng cho cây cần phù hợp. Hoa ly thích hợp sống ở nơi có độ ẩm cao, tốt nhất trong khoảng 80 đến 85%. Tùy từng giống ly mà thời gian sinh trưởng của cây khác nhau nhưng thường dao động từ 100 – 120 ngày. Chiều cao của hoa ly trưởng thành là khoảng 100 – 120cm.

Kỹ thuật trồng hoa ly trong chậu tại nhà

Cây hoa ly ưa ẩm nhưng không chịu được úng, nên đất trồng ly phải chọn những vùng đất cao ráo, thông thoáng và có điều kiện tưới nước. Theo kinh nghiệm thì nên chọn đất ở những vùng núi cao, ven sông, ven hồ hoặc bán đảo là tốt nhất. Đất làm vườn ươm phải là đất nhiều mùn, tơi xốp, thoát nước tốt, luống rộng 100-120cm, đọ dài tùy ý. Trồng với khoảng cách cây 12x15cm. Mỗi luống rạch 5-6 hàng sâu 5-7cm; rạch xong tưới đủ nước, đợi nước ngấm đi rồi đặt củ vào hàng, cách nhau 15cm, sau đó lấp đát dày 5-8cm.

Đổ giá thể đã trộn theo tỷ lệ trên vào ½ chậu. Tiếp theo đặt củ hoa vào trong chậu, mầm hướng lên trên, phủ phần đất còn lại lên bề mặt đến khi gần như kín toàn bộ mầm hoa là được.

Sau khi trồng, bạn cần chú ý tưới nước ngay và tưới hằng ngày để duy trì độ ẩm cho hoa sau đó tưới ít dần. Lượng nước tưới phù hợp nên dựa vào độ ẩm của đất hiện có, khi tưới nên dùng bình tưới hoặc bình phun sương vì chúng có áp lực thấp sẽ giúp cây không bị tổn thương.

Kiểm tra cây sau trồng: Sau trồng 10-12 ngày, bới đất ở phần gốc của một số cây để kiểm tra sự phát triển của rễ. Nếu thấy rễ trắng, ra đều xung quanh gốc là cây sinh trưởng bình thường; ngược lại cần phải xem xét tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp khắc phục ngay lập tức (lúc này cần có sự tư vấn của các nhà khoa học). Đối với trồng chậu, nên kiểm tra để bổ sung giá thể nếu thấy rễ thân bị nhô lên khỏi mặt giá thể.

Kỹ thuật tưới nước và bón phân

Bạn cần nhớ phải luôn giữ ẩm cho đất trong suốt quá trình trồng. Cần tưới cây ở phần gốc, tránh làm lá và nụ bị ướt. Ngoài ra cần sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho ly với chế độ tưới 30 phút/ngày. Đặc biệt, để kiểm tra việc tưới nước đã thực sự đủ chưa bạn cần bóp chặt 1 nắm đất sau khi tưới, không thấy nước rỉ ra ngoài tay, đất nắm thành cục, khi gõ nhẹ vào nắm đất sẽ bị vỡ ra thì đó là lúc bạn nên dừng lại không tưới nữa.

Việc bón phân cho hoa cũng cần tiến thành kịp thời, bạn dùng phân hữu cơ (NPK, lân) để bón từ khi cây được 20 ngày đến khi cây nở hoa với tần suất 10 ngày/lần. Hỗn hợp phân hòa với nước đem tưới đều lên cây, sau đó đem tưới lại bằng nước để rửa phân còn bám trên lá.

Phòng trừ sâu bọ cho cây hoa ly

Các loại sâu và côn trùng như rệp, sán thích tấn công hoa ly vì mùi thơm của hoa. Các loại sâu bọ phá hoại này hút nhựa từ mặt dưới của lá và hoa, gây nên sự hình thành các đốm đen ở mặt trên của lá. Chúng cũng tiết ra một loại chất ngọt, dính nhỏ từ lá xuống đồ gỗ hoặc sàn nhà nơi đặt chậu cây, gây bẩn sàn.

Nhân giống cây hoa ly từ củ

Tách củ là phương pháp nhân giống bằng cách tách củ con được sinh ra từ củ mẹ. Có thể trồng cây chuyên để nhân giống. cũng có thể kết hợp với sản xuất hoa vụ Hè để nhân giống, nhưng do khí hậu nóng nên chất lượng củ loại này kém. Chọn củ không sâu bệnh, đường kính từ 8-10cm ngâm vào dung dịch foocmalin 40% pha theo tỉ lệ 1/80 lần trong 30 phút, lấy ra rửa sạch hong khô.

Chăm sóc hoa ly nở đẹp và bền như ý muốn để chơi Tết

Bí quyết làm sao để hoa ly nở theo ý muốn không hề phức tạp nếu thực sự tâm huyết khi trồng và chăm sóc loại hoa này. Việc bạn cần làm chỉ là kết hợp song song việc điều chỉnh ánh sáng và nhiệt độ của cây. Cây sẽ phát triển tốt hơn nếu được đặt vào nơi ít nắng và hạn chế việc thoát hơi nước của cây.

Khi hoa lan đến thời điểm ra nụ, bạn đem ra ngoài nơi có ánh sáng để cây hấp thụ. Ở điều kiện có nhiều ánh sáng và nhiệt độ ấm thì cây sẽ nhanh nở hoa hơn. Ngược lại hoa ly sẽ chậm nở nếu hạn chế tưới nước và không có nhiều ánh nắng.

Còn nếu muốn giữ hoa ly được tươi lâu trong suốt dịp Tết bạn cần để ý tới các loại ốc sên, đặc biệt là những con ốc sên nhỏ, màu vàng rất thích ăn mầm cây vì vị ngọt và thơm. Ốc sên sinh trưởng nhanh vào những ngày mưa, ẩm ướt, vì thế bạn nên chú ý loại trừ con vật gây hại này.

Để đối phó bạn hãy bê chậu ly vào nhà tắm, sử dụng vòi xịt hoặc vòi hoa sen xịt chúng khỏi lá cây. Lau bụi thường xuyên cho lá cũng là một cách ngăn ngừa nhện, sâu bệnh khỏi xâm nhập vào cây. Những loại sâu này thích các nơi có điều kiện ấm, khô, bụi bặm, một số loài còn giăng mạng khắp giữa các tán lá khiến cây khó sinh trưởng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Cách làm giá đỗ mập bằng tro bếp

Nguyên liệu :

  • 200g đậu xanh.
  • 1 túi tro bếp (loại tro làm từ chấu).
  • 1 cái rổ khoảng 40cm (dùng loại rổ dày, lỗ nhỏ).

Làm giá đỗ bằng tro bếp

Cách làm :

  • Đậu xanh ngâm với nước ấm khoảng 12h (nên ngâm qua đêm) để đậu xanh vừa nhú mầm.
  •  trải 1 lớp tro vào trong rổ, khoảng gần nửa rổ.
  • Tiếp tục  rải lớp đậu xanh đã ngâm lên trên lớp tro.
  • Trải phần tro còn lại lên trên, không nên đổ dày quá. Vì sẽ mất thêm thời gian để xác định giá đỗ đã thu hoạch được chưa.
  • Mỗi ngày tưới nước 1-2 lần, vì tro có độ ẩm khá tốt. Nên để trong tối để giá đỗ không bị biến xanh làm đắng giá.

Như vậy, chỉ cần khoảng 2 ngày là chúng ta đã có một phần giá đỗ ngon, ngọt mà thân giá đỗ mập và khỏe cho gia đình rồi. Lưu ý khi thu hoạch,  bạn nên dùng 1 cái rổ khác để hứng phần tro trấu đó để tiết kiệm dùng cho lần sau. Với cách làm giá đỗ mập bằng tro bếp, chỉ nên dùng cho 2-3 lần trồng để giá đỗ đạt chất lượng tốt nhất.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây Sắn (khoai mì)

Sắn là cây quen thuộc với bà con nông dân bởi vai trò quan trọng trong chăn nuôi và góp phần cải thiện kinh tế. Sau đây, Fman xin giới thiệu cho bà con nông dân kỹ thuật trồng sắn (khoai mì)

1. Thời vụ trồng khoai mì

– Sắn là cây trồng của vùng nhiệt đới ẩm. Sắn cần ánh sáng ngày ngắn để tạo củ. Nhiệt độ trung bình thích hợp cho sắn từ 23 – 27 độ C. Lượng mưa trung bình năm thích hợp đối với sắn trong khoảng 1.000 – 2.000 mm. Thời vụ trồng sắn tùy thuộc nông lịch cụ thể của từng địa phương. Các giống sắn công nghiệp trồng để lấy bột thường thu hoạch 8 – 12 tháng sau trồng. Các giống sắn ngọt trồng để ăn tươi thì có thể thu hoạch rải rác từ 6 – 9 tháng.

– Ở miền Bắc nước ta, sắn trồng tốt nhất là trong tháng 2 vì lúc này có mưa xuân ẩm, trời bắt đầu ấm, thích hợp cho cây sinh trưởng, hình thành và phát triển củ. Trồng muộn vào tháng 4, trời đã nóng, cây sinh trưởng mạnh nhưng không đủ thời gian cho củ phát triển.

– Vùng ven biển miền Trung, sắn được trồng từ tháng 1 đến tháng 2 trong điều kiện nhiệt độ tương đối cao và có mưa ẩm, thu hoạch vào tháng 9, tháng 10 để né tránh bão lụt gây đổ ngã và thối củ ngoài đồng.

– Vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng đất núi Đồng bằng Sông Cửu Long, sắn được trồng vụ chính (70%) từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5 và vụ phụ (30%) từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11. Tục ngữ Việt Nam có câu “nhất thì, nhì thục”. Thời vụ trồng thích hợp là rất quan trọng đối với cây sắn.

2. Chuẩn bị đất trồng khoai mì

– Kỹ thuật làm đất cần phù hợp với từng loại đất: Thông thường, đất được dọn sạch cỏ, cày 1 – 2 lần sâu 20 – 25 cm, bừa 1 – 2 lượt, sau đó lên luống hoặc trồng bằng tùy điều kiện cụ thể và tập quán canh tác của vùng. Đất có độ dốc cao nên cuốc hốc trồng trực tiếp theo đường đồng mức xen các băng cây cốt khí, anh đào, bình linh hoặc cỏ vertiver để chống xói mòn. Đất có độ dốc thấp hoặc đất bằng nên trồng luống cách nhau 1,0 m theo đường đồng mức và chỉ nên cày sâu vừa phải để không làm đảo “tầng đế cày” lên mặt đất. Đất nâu vàng và đất đỏ nên cày sâu 25 – 30 cm để cây sinh trưởng tốt hơn và cho năng suất cao hơn.

– Cày đất bằng xe cơ giới:

+ Lần 1: 3 đĩa cày ở độ sâu càng nhiều càng tốt để cho đất thông thoáng và cây mì phát triển củ

+ Lần 2: 7 đĩa sau cày lần 1 khoảng 10 ngày cho cây cỏ mọc lên sau đó cày lần 2 giúp giảm việc diệt cỏ

+ Lần 3: Tạo luống để trồng, sau khi tạo luống nên trồng mì ngay vì đất đang có độ ẩm phù hợp.

* Lưu ý: trong thời gian chuẩn bị đất nên bón phân chuồng hoặc phân hữu cơ để giúp cải thiện hữu cơ trong đất 3. Chọn giống và xử lý hom giống Cần chọn giống mì phù hợp với vùng đất, yêu cầu sản xuất và thị trường tiêu thụ cũng như thời gian thu hoạch. Mỗi 2 – 3 năm nên đổi giống hoặc mua giống nguyên chủng từ trung tâm để hạn chế việc lây lan và dịch bệnh.

a) Hom giống sắn và kỹ thuật trồng cây khoai mì

– Cần lưu ý chọn giống như: Giống phải khỏe, không bị bệnh (để an toàn bà con nông dân đem giống đi kiểm nghiệm tại các trung tâm có uy tín trước khi sử dụng, để tránh cho cây mì bị nhiễm bệnh bà con cần thay đổi sang giống thuần chủng sau khi trồng được 2 – 3 vụ).

+ Cây có tuổi từ 10 – 14 tháng

+ Cây không nên để quá 45 ngày và đường kính thân 1,5 – 2 cm cắt hom giống.

+ Cây giống cắt bỏ phần ngọn và gốc cây 20 cm (sử dụng phần giữa).

+ Cắt hom thẳng sẽ làm rễ mọc xung quanh và nhiều hơn.

+ Dao cắt phải sắc. + Chiều dài hom 20 – 30 cm. – Xử lý hom giống:

+ Sử dụng chế phẩm ROOT 555 để xử lý hom giống giúp hạn chế lây nhiễm bệnh có sẵn trên cây giống, tăng khả năng sống của cây giống, rễ của cây giống mọc nhanh hơn, nhiều hơn và có năng suất cao hơn, cây trồng hấp thu được tốt hơn và hiệu quả hơn chất dinh dưỡng trong đất, cung cấp một số Amoni acid và vi lượng cần thiết cho cây giống, giúp cây giống phát triển tốt và có sức đề kháng cao.

+ Xử lý ngâm hom từ 20 – 25 phút trước khi trồng.

b. Khoảng cách và mật độ trồng cây khoai mì

– Khoảng cách và mật độ trồng sắn tuỳ theo đất với nguyên tắc chung là “đất tốt trồng thưa, đất xấu trồng dày”.

+ Đất tốt: Khoảng cách trồng 1,20 m x 0,80 m, mật độ 10.417 cây/ha.

+ Đất trung bình: Khoảng cách trồng 1,00 m x 0,80 m, mật độ 12.500 cây/ha.

+ Đất nghèo: Khoảng cách trồng 1,00 m x 0,70 m, mật độ 16.286 cây/ha.

– Khoảng cách trồng 0,80 m x 0,80 m, mật độ 15.620 cây/ha.

– Khi trồng cắm hom thẳng đứng và sâu 10 – 15cm.

– Sau khi cắm hom xong nên phun thuốc diệt cỏ ngay (đối với ruộng xuất hiện cỏ nhiều).

– Khi cây mì được 2 tháng tuổi nên sử dụng thuốc cỏ 1 lần nữa trước khi bón phân. Thời gian này rất quan trọng phải xử lý cỏ triệt để vì nếu không xử lý được cỏ sẽ tranh thức ăn và phân bón của cây mì làm cho năng suất thấp.

– Sau khi xử lý cỏ xong bón phân và giữ độ ẩm phù hợp, bón phân theo gốc cây và lấp lại đất, lượng bón 20g/ cây (liều lượng bón: 200 – 350kg/ ha). 4. Dinh dưỡng khoáng và bón phân cho cây khoai mì

– Để cây mì đạt năng suất cao Công ty Sitto Việt Nam khuyến cáo bà con nông dân áp dụng theo quy trình chăm sóc sau:

+ Bón lót: . PP1: Toàn bộ phân chuồng 2 tấn + 150kg super lân/ha, bón khi cày bừa hoặc bón theo hàng hay hốc trước khi trồng. . PP2: Bón phân hữu cơ chuyên dùng cho khoai mì cùng với 100kg Super lân và 250kg Sitto Phat 16-8-16-12SiO2+TE/ha

+ Bón thúc: Bón một lần duy nhất vào giai đoạn sau trồng 45 – 60 ngày: 300kg Sitto Phat 16-8-16-12SiO2+TE

* Lưu ý: Để phù hợp việc cung cấp dinh dưỡng cho cây mì bà con cần phải mang đất đi phân tích hàm lượng dinh dưỡng để có cách bón phù hợp nhất (vì mỗi năm trên ruộng canh tác của bà con lượng dinh dưỡng trong đất luôn thay đổi).

5. Thu hoạch củ và bảo quản cây sắn

– Thời gian thu hoạch sắn thích hợp trong khoảng 8 – 11 tháng sau trồng (tùy giống). Thu hoạch xong phải vận chuyển ngay đến cơ sở chế biến, tránh phơi nắng lâu ngoài đồng sẽ giảm chất lượng bột.

– Bà con nông dân sau khi thu hoạch xong cần trồng cây họ đậu, họ….. để cải tạo lại đất (để bổ sung lượng N và phân xanh cho đất, tăng độ tơi xốp đất cho vụ sau)..

Nguồn: Tiepthinongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.