Nhiều hộ đổi đời nhờ mận xanh đường

Nông dân phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đang tích cực chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập.


Chính quyền địa phương rất quan tâm hỗ trợ bà con cải tạo vườn cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Điển hình là ông Nguyễn Văn Quyên, 50 tuổi, ngụ tại khóm Đông Bình đã mạnh dạn chuyển đổi 9 công vườn cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng mận xanh đường. Mỗi năm trừ hết các chi phí còn lời trên 300 triệu đồng, gấp hai, ba lần làm vườn tạp (chưa kể tiền bán nhãn và bưởi trồng xen trong vườn mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng).

Ông Quyên giới thiệu những trái mận được bọc kín bằng bao nilon

Ông Quyên cho biết, ưu điểm của mận xanh đường là ruột đặc, trái to (10 trái/kg), da màu xanh, thịt mềm và ngọt như đường nên được nhiều người ưa chuộng. Theo ông, giống mận này đã xuất hiện tại phường Đông Thuận cách nay hơn 20 năm do ông Ba Cắc mang về nhân giống. Khi mận ra những chùm trái đầu tiên, nhiều người trong xóm ăn thử mới phát hiện đây là giống mận quý hiếm, vượt trội các giống mận hồng đào và An Phước.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người xin chiết nhánh nhân giống. Lúc đầu chỉ một vài người trồng, dần dần cả xóm cùng đào mương lên liếp nhân giống đại trà. Đến nay toàn phường có trên 56ha mận xanh đường, chỉ riêng khóm Đông Bình có gần 100 hộ trồng.

Vườn mận của ông Quyên được sản xuất sạch, mỗi trái đều được bao bằng bọc nilon từ khi còn nhỏ. Ngoài bao trái ông còn dùng biện pháp sử dụng màn lưới trùm lên toàn bộ khu vườn (mận “ngủ mùng”) nhằm ngăn chặn ruồi vàng đục trái và các loài bướm đến đẻ trứng. Nhờ vậy mà ít sử dụng đến thuốc trừ sâu, bảo đảm an toàn.

Cũng theo ông, mận vừa bao lưới (trùm mùng) vừa bao trái sẽ ngọt lịm, mùi vị thơm ngon hơn hẳn trái không bọc nilon. Đặc điểm của mận xanh đường là mùa nắng sẽ ngon ngọt hơn mùa mưa vì mùa mưa trái nhiều nước.

Vườn mận được bao lưới (trùm mùng)

Ông Quyên chia sẻ: Mận xanh đường nếu trồng đúng kỹ thuật, bón phân hợp lý, thường xuyên cắt cành, tạo tán sau mỗi lần thu hoạch và xử lý cho cây ra hoa mùa nghịch, mỗi năm sẽ thu hoạch ba vụ, mỗi vụ bán được 30 triệu đồng/công. Thông thường 1 cây mận trưởng thành sẽ cho năng suất khoảng 120kg/năm. Đặc biệt vườn mận của ông không trồng thuần mận mà trồng xen canh cả bưởi và nhãn.

Bà Lê Thị Phương Lan, người gắn bó sản xuất giống mận này trên 15 năm cho biết, mận xanh đường tiêu thụ rất mạnh, giá cả dao động từ 10.000 – 13.000đ/kg tùy theo mùa thuận, nghịch chứ ít khi nào tuột giá như các giống mận khác.

Ông Nguyễn Chí Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Thuận cho biết, đặc sản mận xanh đường là tiềm năng lớn của địa phương, giúp bà con nông dân có nguồn thu nhập ổn định. Ngoài sản xuất kinh doanh, nhiều chủ vườn còn giúp bà con ở địa phương có việc làm như bao trái, bao lưới, thu hoạch, vận chuyển và nhiều dịch vụ khác. Tỉnh Vĩnh Long đã chọn Đông Thuận làm thí điểm để nhân rộng mô hình…

Bà Lê Thị Phương Lan chăm sóc mận

Ngoài cây mận, ông Quyên còn thuê thêm 7 công đất khác để trồng cam xoàn, bưởi và nhãn Idor đang cho trái chín. Hy vọng một hai năm nữa ông sẽ vươn lên thành “tỷ phú miệt vườn”.

Với thành quả nêu trên, ông đã nhận được bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Long về thành tích SXKD giỏi và nhiều giấy khen của UBND TX Bình Minh.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng quýt hồng Lai Vung chuẩn GlobalGAP, chờ thu bộn tiền vụ Tết

 Đã trở thành thông lệ, cứ đến thời điểm cận tết là lúc trái quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) có mặt ở khắp nơi phục vụ người tiêu dùng, vì nó chỉ trồng một vụ vào mùa tết. Chính vì lẽ đó, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến tết nên các vườn trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) nhộn nhịp hẳn lên.

Trồng quýt hồng ở Lai Vung – Đồng Tháp

Đến Lai Vung những ngày này, đi đâu cũng nghe bà con kể nhau hứa hẹn sẽ cho một vụ mùa quýt bội thu. Mặc dù giá VTNN năm nay tăng cao, thời tiết bất lợi nhưng theo đánh giá của nhiều người mùa quýt năm nay thành công nhất của người dân ở Lai Vung. Chẳng hạn như ở xã Long Hậu (một xã có diện tích quýt hồng lớn nhất so với các xã khác trong huyện Lai Vung) có 449 ha cho trái, năng suất trung bình từ 40-60 tấn/ha.

Anh Trần Việt Thắng, một người dân trồng quýt hồng lâu năm ở Long Hậu với diện tích gần 1ha, cho biết: Năng suất năm nay tăng hơn nhiều so với năm trước, trừ các khoản chi phí vật tư, với khoảng 7 công quýt chắc chắn cho lãi hơn 150 triệu đồng. Anh Thắng cũng cho biết thêm, nếu năm nào quýt cũng cho năng suất như năm nay, cộng với việc giá quýt ổn định như hiện tại thì năm sau anh sẽ cải tạo lại 3 công đất trồng màu để trồng quýt phục vụ tết.

Cũng ở xã Long Hậu này, lần đầu tiên thành lập được Tổ trồng quýt hồng theo hướng GlobalGAP phục vụ thị trường tết năm nay, có 10 thành viên với tổng diện tích 3,1ha. Sau hơn một năm thực hiện những kỹ thuật trồng theo hướng GlobalGAP, đến nay tính ưu việt của mô hình SX này đã được chứng minh. Từ ứng dụng khoa học của chương trình IPM đến sản xuất theo hướng GAP, nay lại đến GlobalGAP, nhà vườn chỉ cần thực hiện thêm tiêu chí đảm bảo vệ sinh vườn quýt, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Cụ thể, phải thường xuyên làm cỏ, cắt tỉa cành, tỉa bớt trái, nhất là những trái dị dạng hoặc bị côn trùng phá hại để khu vườn luôn sạch sẽ, thoáng đãng.

Quýt hồng trong trong dịp Tết hứa hẹn một vụ mùa bội thu và được giá

Bao thuốc, chai thuốc sau khi sử dụng phải được thu gom và tiêu hủy đúng cách, không quăng xuống mương vườn làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nhà vườn còn xây dựng nhà kho tại vườn để chứa các vật tư như phân bón, thuốc BVTV, các dụng cụ phục vụ SX, bảo hộ lao động. Ngay từ đầu vụ, các thành viên trong Tổ đều áp dụng đúng kỹ thuật, phương pháp và quy trình đã đề ra, theo từng giai đoạn phát triển của cây, vì vậy khi thu hoạch, năng suất quýt khá cao.

Chị Nguyễn Thị Lệ Hồng, thành viên của tổ cho biết: SX theo hướng GlobalGAP, một năm giảm được 6 lần phun xịt thuốc. Trước đây, mỗi năm phun xịt 26 lần thì nay chỉ còn 20 lần, chi phí đầu tư nhờ đó cũng giảm đáng kể.

Theo chị Hồng, SX quýt theo hướng GlobalGAP, mỗi nhà vườn phải thực hiện nhật ký ghi chép, sổ sách đầy đủ nhất là chi phí đầu tư, thời gian phun xịt, bón phân, thuốc BVTV đã sử dụng, mua từ đại lý nào, thời điểm phun xịt lần cuối cùng đến khi thu hoạch… Nhà vườn dễ dàng trong hạch toán giá thành và rút ra kinh nghiệm trong sản xuất cho vụ mùa năm kế tiếp. Vụ quýt hồng năm qua, Tổ trồng quýt hồng GlobalGAP thu được sản lượng gần 200 tấn quýt, trung bình mỗi ha đạt trên 60 tấn, cao gần gấp đôi so với sản lượng quýt hồng trung bình của cả huyện. Với cách mới, ngoài thu được năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn, các thành viên trong tổ GlobalGAP còn ý thức được vấn đề an toàn sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất, an toàn môi trường xung quanh, an toàn cho người tiêu dùng.

Còn anh Lưu Văn Tín, ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu nhiều năm SX quýt hồng đạt hiệu quả cao thu nhập mỗi năm lên hàng tỷ đồng nhờ áp dụng VietGAP cho cây quýt hồng nên anh đã nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong SX nông nghiệp.

Anh Tín cho biết, vụ quýt tết năm nay thời tiết không thuận lợi mấy, nhưng nhờ kinh nghiệm và tận dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên 6,5 công quýt hồng vẫn đạt chất lượng và sản lượng, ước tính khoảng 60 tấn trái (cao hơn vụ trước 10 tấn). Giá quýt hồng được các thương lái từ TPHCM, các tỉnh ĐBSCL đến mua tại vườn từ 22.000 – 30.000 đồng/kg, với giá này giúp gia đình thu nhập khoảng 1,3 – 1,4 tỷ đồng/năm, cao gấp nhiều lần so trồng lúa.

Theo anh Tín: “Cái khó của cây quýt hồng là rất dễ bị bệnh vàng lá và khi vườn cây nào bị bệnh này thì xem như phá bỏ, bởi dù có trị tốn kém nhiều tiền nhưng vẫn không hết bệnh. Bên cạnh đó, quýt hồng mỗi năm chỉ thu hoạch được một vụ, trong khi chi phí đầu tư rất cao; vì vậy nếu thiếu vốn, không vững kỹ thuật… sẽ không trồng được. Bù lại, do quýt hồng bán vào dịp tết nên được giá cao. Phân tích kỹ những hạn chế cũng như ưu điểm của cây quýt hồng, anh Tín chủ động từ việc thiết kế khu vườn hợp lý, trồng giống sạch bệnh, chăm sóc chu đáo. Ngoài ra, anh còn gắn kết chặt với ngành nông nghiệp địa phương, các nhà khoa học ở Trường ĐH Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam… để học hỏi phương pháp phòng trừ bệnh vàng lá; học cách xử lý ra hoa, đậu trái, xử lý màu cho trái quýt đẹp hơn…

Ông Mai Quốc Hậu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lai Vung cho biết, thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp cho phát triển cây có múi, địa phương cần phải có những định hướng, chiến lược lâu dài trong việc quy hoạch và tổ chức lại SX cho nông dân. Việc thay đổi tập quán SX của nhà vườn hướng đến sản xuất theo quy trình an toàn (VietGap, GlobalGap) và tổ chức liên kết tiêu thụ là vấn đề mà địa phương đang rất quan tâm thực hiện. Hiện tại, đặc sản quýt hồng đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa; sắp tới địa phương sẽ tiến hành xin cấp nhãn hiệu hàng hóa cho quýt đường và cam xoàn. Đây là định hướng quan trọng để nhà vườn tổ chức lại SX theo hướng liên kết, bền vững, để cây có múi của huyện vượt trội về chất lượng trong khu vực.

Hiện nay huyện đang vận động, hướng dẫn nông dân quy hoạch lại vườn trồng cây có múi chủ lực, trồng tập trung theo từng loại phù hợp với thổ nhưỡng đã được xác định và SX theo các quy trình an toàn (Viet Gap, GlobalGap), bởi đây là điều kiện tất yếu để được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời xây dựng được HTX quýt hồng Lai Vung với mục tiêu là phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ nông sản cho nhà vườn. Đây cũng là tiền đề để nhà vườn học tập kinh nghiệm tổ chức lại SX một cách bền vững trong thời gian tới.

Hiện toàn huyện có trên 2.700 ha trồng cây có múi có giá trị kinh tế cao, trong đó có trên 1.100 ha quýt hồng (loại trái cây đặc sản), gần 1.000 ha quýt đường và trên 600 ha cam các loại. Riêng cây quýt hồng cho trái vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, hầu hết các nhà vườn trong huyện đều khá và giàu lên từ cây quýt hồng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

An Giang: Nông dân chế tạo bình xịt điện năng lượng mặt trời

Hiện nay, thị trường có nhiều loại bình để phun xịt thuốc trên ruộng lúa, hoa màu và cây ăn trái như bình xịt gạt tay, bình xịt bằng máy xăng, bình xịt sử dụng điện của bình ắc quy…

Các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi nhưng cũng có nhiều hạn chế như hao tốn nhiên liệu, thời gian sử dụng điện ắc-quy không lâu, trọng lượng nặng. Thấy được khuyết diểm đó, anh Trần Trung Hiếu ở xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành tỉnh An Giang đã nghiên cứu chế tạo bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời. Sáng chế này đã đạt giải Nhì trong Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh An Giang lần X (năm 2017).

Gia đình anh Hiếu làm ruộng và trồng vườn để phát triển kinh tế. Do thường xuyên phun xịt thuốc bằng máy phun sử dụng động cơ xăng, anh nhận thấy máy gây ô nhiễm môi trường, tiếng động ồn ào, tốn kém nhiên liệu mà đeo vác cũng mệt nên anh Hiếu đã nghiên cứu chế tạo bình xịt theo nguyên tắc sử dụng điện năng lượng mặt trời để thay thế và tiết kiệm nhiên liệu xăng. Bình xịt điện năng lượng do Hiếu sáng chế có trọng lượng nhẹ hơn bình xịt động cơ xăng từ 4 đến 6 kg, hoạt động theo nguyên lý sử dụng điện từ tấm pin năng lượng mặt trời tích điện cho ắc-quy để nạp năng lượng liên tục cho động cơ hoạt động thời gian dài.

Bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời do anh Hiếu chế tạo

Với bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời này, thay vì phải dùng 100 bình xịt động cơ xăng để xịt thuốc cho 6 hecta ruộng, thì nay anh chỉ cần sử dụng phân nửa số bình xịt điện năng lượng mặt trời; 3 công đất trồng cam của gia đình giờ chỉ cần 7 bình xịt điện năng mặt trời trong khi trước đây phải tốn đến 15 bình xịt dùng động cơ xăng. Điểm nổi bật của sáng chế bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời là hạn chế tối thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường, các loại rầy bị tiêu diệt nhanh vì tốc độ phun rất đều và mịn.

Hiện nay Trần Trung Hiếu đã mở cơ sở sản xuất ngay tại nhà và được khách hàng nhiều nơi đặt hàng. Sản phẩm này cũng đang chờ công nhận bản quyền do Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học Công nghệ cấp.

Nguồn: Khuyennong.gov được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Quýt vàng Bắc Sơn được công nhận Nhãn hiệu tập thể

Hội làm vườn huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) vừa chính thức đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Quýt vàng Bắc Sơn” từ Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ông Trần Lê Hồng – Chánh văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Quýt vàng Bắc Sơn” cho Hội làm vườn Bắc Sơn. 

Được biết, quýt Bắc Sơn là loại cây bản địa, được đồng bào Kinh, Tày, Nùng, Dao trồng trên các lân, lũng, núi cao. Quýt khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, ít xơ, vị ngọt đậm, thơm. Đây được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc. Mùa quýt chín vào khoảng cuối tháng 11 dương lịch đến tháng 1 năm sau, cũng là thời điểm giáp Tết Âm lịch. Sản phẩm quýt Bắc Sơn chủ yếu bán cho các thương lái đi tiêu thụ trong tỉnh và các vùng lân cận.

Sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ tại Quyết định số 73864/QĐ-SHTT ngày 24/10/2017. Việc được cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể chính là một bước ngoặt quan trọng trong phát triển cây quýt vàng đặc sản của huyện. Đồng thời mở ra hướng phát triển, liên kết sản xuất mới cho bà con nhân dân trong huyện.

Những trái quýt vàng căng mọng.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Hà – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn nhấn mạnh: “Nhãn hiệu tập thể Quýt vàng Bắc Sơn được bảo hộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tạo cơ sở để quả quýt vàng của huyện có sức cạnh tranh và mở rộng thị trường; thúc đẩy phát triển kinh tế của người sản xuất, kinh doanh quýt vàng Bắc Sơn. Sản phẩm Quýt vàng Bắc Sơn là sản phẩm đầu tiên trên địa bàn huyện được cấp văn bằng bảo hộ. Đây là tiền đề để huyện Bắc Sơn tiếp tục xây dựng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản khác có thế mạnh của huyện”.

Quýt của Bắc Sơn có hai loại là quả tròn và quả dẹt. Quýt quả tròn khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, dóc vỏ, ít xơ, vị ngọt đậm, thơm, trọng lượng 80-150g, khi bóc có lỗ rỗng ở giữa quả.

Quýt Bắc Sơn được trưng bày đẹp mắt với hình dáng độc đáo.

Hiện nay, toàn huyện Bắc Sơn có trên 490ha quýt, trong đó diện tích cho sản phẩm trên 362ha, sản lượng năm 2016 gần 1.500 tấn.

Cây quýt tập trung nhiều ở xã Đồng Ý, Bắc Sơn, Chiến Thắng, Tân Lập, Nhất Hòa… Năm 2017, dự kiến sản lượng quýt đạt 2.000 tấn. Với giá 20.000 đồng/kg đang được các thương lái lùng tận vào các lân, lũng để mua. Giờ đây, có nhãn hiệu tập thể, trái quýt Bắc Sơn sẽ có nhiều cơ hội mới để phát triển và mở rộng thị trường hơn.

Nguồn: Báo Khoa học và phát triển được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nghệ An: Chính thức dãn nhãn tem truy xuất điện tử cho cam vinh

Thông tin từ Sở KH&CN Nghệ An cho biết, đã có 120 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh được HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tấn Thanh và HTX sản xuất dịch vụ cam Phùng Huyền đăng ký để dán lên sản phẩm, bán ra thị trường.

Thông tin từ Sở KH&CN Nghệ An cho biết, đã có 120 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh được HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tấn Thanh và HTX sản xuất dịch vụ cam Phùng Huyền trên địa bàn xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp đăng ký để dán lên sản phẩm, bán ra thị trường.


Qua tem điện tử, khách hàng có thể tra cứu nguồn gốc sản phẩm qua điện thoại thông minh.

Thông qua nhãn tem này, khi người tiêu dùng kiểm tra truy xuất điện tử sẽ cho thông tin: Tên sản phẩm, giống cam, quy cách đóng gói, bảo quản, ngày thu hoạch; hạn sử dụng; phân loại chất lượng, thông tin cảnh báo; quy trình sản xuất, địa chỉ sản xuất, diện tích, số lượng, thời gian gieo trồng; Tên tổ chức, cá nhân đại diện, địa chỉ giao dịch, điện thoại giao dịch, email và thông tin phân phối cũng được đơn vị chức năng tiến hành thẩm định, in đầy đủ trên mỗi nhãn tem Cam Vinh.

Quy trình thẩm định, cấp phép in ấn tem truy xuất điện tử cam Vinh sẽ được giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Nguồn: Báo Khoa học và phát triển được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Vào vụ dưa hấu Tết

Năm nay, vùng chuyên canh dưa hấu xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau xuống giống vụ dưa phục vụ Tết Nguyên đán được 73 ha, tăng 13 ha so với năm trước. Vùng xuống giống tập trung chủ yếu ở các ấp: Thạnh Điền, Bào Sơn, Bà Điều và ấp Chánh.

Nhiều thuận lợi

Năm nay, những giống dưa được người dân đưa vào canh tác như Hương nông, Trung nông, An Tiêm, dưa vỏ vàng, dưa Mỹ, dưa hạt lép, không hạt, đây là những giống dưa cho năng suất và chất lượng cao. Đồng thời, người dân cũng sử dụng màng phủ sinh học để hạn chế cỏ dại và giảm chi phí công tưới nước, giúp dưa hấu phát triển tốt hơn.

Có kinh nghiệm trồng dưa hấu hơn 20 năm, là một trong những người tiên phong trồng dưa hấu tại địa phương, ông Lê Văn Thanh (ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm) chia sẻ: “Trồng dưa hấu đươc xem là nghề “hốt bạc” dịp Tết vì điều kiện đất đai ở đây phù hợp với loại dưa này. Vài năm trở lại đây, dưa hấu đem lại lợi nhuận khá cao, nhất là vào dịp Tết nên bà con rất phấn khởi và yên tâm mở rộng diện tích”.

Hiện số hộ tham gia trồng dưa hấu tại vùng chuyên canh xã Lý Văn Lâm tăng lên 108 hộ. Hội Nông dân cũng mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật như: xử lý hạt giống, bón phân, tạo mầm hoa, chọn trái, nuôi trái… giúp nông dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất đạt hiệu quả.

Năm nay, giá giống, phân bón và giá nhân công khá ổn định nên người trồng dưa cũng yên tâm về các yếu tố đầu vào. Cộng thêm thời tiết đầu vụ khá thuận lợi, mưa rào nhẹ, tạo điều kiện cho ruộng dưa phát triển tốt.

Ông Lê Văn Đa (ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm) cho biết: “Năm rồi tôi trồng 3 công, năm nay có kỹ sư vô hướng dẫn kỹ thuật nên tôi trồng thêm 3 công nữa. Lúc mới xuống giống nước dâng cao, tôi cố gắng be bờ, giữ được nước nên dưa rất tốt, ít sâu rầy. Mỗi công dưa cho trên 3 tấn trái. Nếu giá cả ổn định và thời tiết thuận lợi đến khi thu hoạch thì mỗi công có thể thu lời trên 20 triệu đồng”.

Anh Nguyễn Văn Phong (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) cho biết: “Vào vụ dưa hấu đi làm công một ngày được 200.000 đồng, làm suốt 3 tháng cũng có tiền trang trải trong gia đình, sắm sửa chuẩn bị Tết”.

Tăng nhanh diện tích trồng dưa chuẩn VietGAP

Để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau phối hợp Phòng Kinh tế TP Cà Mau triển khai thí điểm Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất dưa hấu đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau”. Đây là mô hình thí điểm trồng dưa đạt tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên tại tỉnh Cà Mau. Dự án triển khai thực hiện năm 2016 với diện tích ban đầu là 4 ha, đến nay đã nhân rộng thêm 17 ha với 21 hộ dân tham gia.

Ươm hạt giống dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP để chuẩn bị đưa xuống ruộng.
Ông Nguyễn Đông Dương, Giám đốc HTX Lý Văn Lâm, cho biết: “Trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón, góp phần giảm thiểu chi phí đầu vào. Đặc biệt là phải đạt tiêu chuẩn từ khâu chọn giống, chăm sóc nên dưa VietGAP sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, sản phẩm đảm bảo an toàn so với dưa hấu trồng theo cách truyền thống, được đưa vào siêu thị với giá 10.000 đồng/kg. Với diện tích dưa hấu VietGAP được mở rộng, năm nay sản lượng sẽ cao gấp 3-4 lần so với năm trước”.

Hiện Hội Nông dân xã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau tích cực hỗ trợ người dân kỹ thuật chăm sóc ruộng dưa, chủ động đủ nguồn nước tưới tiêu và thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, nhằm giúp ruộng dưa phát triển tốt, đạt năng suất cao.

Ông Nguyễn Văn Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm, phấn khởi: “Trồng dưa hấu được xem là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây trồng này. Vụ dưa này trung bình mỗi công chi phí đầu tư từ 4-5 triệu đồng, nếu giá cả bình ổn như mọi năm thì người trồng dưa có thể thu lời trên 15 triệu đồng/công, không chỉ giúp thương hiệu dưa hấu Lý Văn Lâm ngày càng phát triển mà còn giúp người dân đón Tết sung túc hơn”.

Nguồn: Báo Cà Mau được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

 

Mùa kiệu Tết: Cung thấp, cầu cao

Những ngày này, về các vùng trồng kiệu tại huyện Cam Lâm hay TP. Cam Ranh, không còn thấy những ruộng kiệu bạt ngàn như những năm trước.

Ông Lê Văn Bông – Khuyến nông viên xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm) cho hay, nông dân không mặn mà với việc trồng cây kiệu. Trên địa bàn xã diện tích kiệu giảm mạnh, hiện nay chỉ còn vài sào so với khoảng trên dưới 20ha những năm trước. Tại vùng Đồng Bà Thìn, diện tích kiệu lâu nay khoảng 15ha nhưng năm nay chỉ còn vài sào.

Sản xuất kiệu tại Cam Thành Nam, Cam Ranh.

Tại thị trấn Cam Đức (Cam Lâm), diện tích trồng kiệu cũng không như những năm trước đây. “5 – 6 năm trước, diện tích kiệu lên tới 25ha. Năm nay chỉ đạt khoảng 12ha”, ông Nguyễn Văn Thư – cán bộ nông nghiệp thị trấn Cam Đức xác nhận.

Tại xã Cam Thành Nam (Cam Ranh) – trọng điểm kiệu của tỉnh – bây giờ tìm “đỏ mắt” mới thấy được mảnh ruộng trồng kiệu. Ông Ngô Văn Nhẹ – Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Có nhiều lý do khiến diện tích giảm mạnh: đất trồng nhiễm sâu bệnh phải luân chuyển cây khác, giá giống cao (35.000 – 38.000 đồng/kg), công lao động tăng (hiện nay 200.000 đồng/công), giá cả bấp bênh… Vì thế, tổng diện tích kiệu toàn xã chỉ còn dưới 10ha, trong khi những năm trước lên đến 50 – 60ha.

Lãnh đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cam Lâm cho rằng, ngoài những nguyên nhân trên thì tâm lý nông dân ngại mưa lũ nên cũng không phát triển thêm diện tích. Năm nay, diện tích kiệu toàn huyện giảm 15ha so với năm 2016, chỉ còn 148ha.

Tuy vậy, tình hình cây kiệu lại rất khả quan cho nông dân. Ông Trần Văn Ân – chủ cơ sở chế biến Ngọc Thưởng (thôn Quảng Phúc, Cam Thành Nam) cho biết, từ tháng 6 âm lịch (thời điểm xuống giống) tới nay, kiệu phát triển tốt; năng suất cao hơn năm trước, có thể đạt 1,2 tấn/sào; sâu bệnh cũng giảm nên chi phí phun xịt thuốc bảo vệ giảm nhiều. Hơn tháng trước, cơn bão số 12 khủng khiếp là vậy nhưng lại không ảnh hưởng đến các ruộng kiệu.

Còn một tháng nữa mới tới vụ thu hoạch nhưng ngay từ bây giờ, nhiều nông dân trồng kiệu đã thu tiền bán kiệu sớm. Ông Trần Văn Ân cho hay, theo dự báo, giá kiệu Tết thu mua sẽ cao hơn từ 5 đến 7 triệu đồng/sào. Hiện nay, các thương lái đã tìm đến các ruộng kiệu ngã giá và đưa tiền trước; căn cứ vào dự đoán năng suất mà chốt giá mức 27 – 35 triệu đồng/sào, thậm chí còn cao hơn.

Ông Ngô Văn Nhẹ cho biết, đầu mùa, người dân không đầu tư trồng kiệu nhiều nên diện tích sụt giảm. Giảm cung ắt tăng cầu. Chuyện các thương lái thu mua kiệu sớm khẩn trương như hiện nay là điều bình thường vì nếu không nhanh thì đến mùa, có tiền chưa chắc đã mua được. Năm nay, nhờ mã kiệu đẹp thương lái trả giá rất cao. Kiệu đang thời kỳ tích lũy tinh bột, củ to, chắc, dự báo được mùa, năng suất, sản lượng có thể tăng 20 – 25% so với mọi năm.

Còn ông Nguyễn Văn Thao – người trồng kiệu nhiều kinh nghiệm tại thôn Quảng Phúc, Cam Thành Nam cho hay, kiệu Tết năm nay năng suất dự báo có thể đạt 1,5 tấn/sào, cao nhất từ trước tới nay. Hiện nay, các thương lái đã đặt mua kiệu non với giá 34 triệu đồng/sào, cao nhất từ trước tới nay so với giá kiệu sớm 25 – 27 triệu đồng/sào cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cánh đồng rau VietGap tỏa hương thơm, nông dân thu nhập cao ở Tân Minh

Nhiều năm nay, xã Tân Minh (huyện Thường Tín) được coi là vùng chuyên trồng các loại rau gia vị lớn nhất TP.Hà Nội. Nhờ sản xuất theo hướng an toàn, việc trồng rau gia vị của người dân tại đây ngày càng phát triển, đem lại thu nhập ổn định cho bà con.

Có mặt trên cánh đồng xã Tân Minh, chúng tôi không khỏi choáng ngợp khi đứng trước những vườn rau kinh giới, mùi tàu, húng, tía tô xanh tốt và tỏa hương thơm ngào ngạt. Bà Đàm Thị Dung (thôn Phúc Trại) đang thu hoạch rau ngổ cho biết, rau ngổ là một trong những loại rau dễ trồng, dễ chăm sóc, lại ít sâu bệnh nên hầu như không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lại nhanh cho thu hoạch (chỉ khoảng 50 ngày).

Mỗi lần trồng nếu chăm sóc tốt, bà con có thể thu hoạch liền trong vòng 6 tháng mới phải trồng lại. Bên cạnh đó, chu kỳ thu hoạch chỉ khoảng 12 – 15 ngày/lứa nên người trồng rau thơm có thể thu quanh năm.

Nông dân xã Tân Minh chăm sóc ruộng rau thơm. 

“Gia đình tôi trồng 4 sào rau thơm các loại, mỗi tháng thu hoạch đều trong 20 ngày, đem bán cho các thương lái đổ buôn tại chợ đầu mối. Ngày ít cũng được vài trăm ngàn đồng, ngày nhiều có thể thu được tiền triệu nên lúc nào cũng “rủng rỉnh” tiền trong túi ” – bà Dung vui vẻ cho biết.

Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Mai cũng ở thôn Phúc Trại đang chăm sóc ruộng rau tía tô. Chị vui vẻ cho biết: “Mùa này không cần chăm sóc nhiều, rau tía tô vẫn lên ầm ầm. Nếu thời tiết ẩm thì 2 ngày mới phải tưới một lần, còn hanh khô thì ngày nào cũng phải tưới. Hiện nay gia đình nào cũng đầu tư giếng khoan và bể lọc ngay cạnh ruộng, một số gia đình còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động nên sản xuất nhẹ nhàng lắm. Gia đình tôi có hơn 2 sào trồng rau thơm, thu nhập bình quân gần 50 triệu đồng/năm, cao gấp 5 – 7 lần so với cấy lúa”.

Nông dân xã Tân Minh chăm sóc rau trồng theo mô hình VietGAP.

Hiện nay, ngoài các hộ chuyên sản xuất, tại địa bàn xã Tân Minh còn hình thành một đội ngũ chuyên thu gom hàng giao cho các chợ đầu mối. Người dân chỉ cần thu hoạch rau lên đầu bờ là đã có người tới thu mua. Toàn xã hiện có hơn 30 ôtô bán tải và vài trăm chiếc xe máy tham gia vận chuyển rau.

Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn xã Tân Minh hiện có hơn 4.000 hộ trồng rau gia vị các loại. Mỗi ngày đều có hàng chục ô tô, xe máy của tư thương đến thu mua và chở rau phân phối ra khắp các chợ đầu mối quanh khu vực Hà Nội.

Chị Vũ Thị Hằng, một hộ trồng rau ở đây cho biết, gia đình chị trồng rau gia vị với diện tích hơn 1 sào, chủ yếu là rau kinh giới, tía tô, thơm Láng… Bình quân mỗi tháng, gia đình chị thu lãi khoảng 3 triệu đồng (khi giá thị trường bình ổn). Riêng dịp cuối năm, bao giờ giá rau cũng cao gấp 2, gấp 3 lần giá ngày thường.

Chị Hằng cho biết, thời gian gần đây, với sự giúp đỡ của HTX Tân Minh, gia đình chị được hướng dẫn trồng rau theo mô hình cộng đồng, nhờ vậy rau thơm cho năng suất cao hơn, giá bán tốt hơn. Đặc biệt các hộ tham gia mô hình đều yên tâm khi rau trồng đúng quy trình, thu hoạch đúng cách, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.

“HTX phân công các nhóm trưởng trực tiếp quản lý rau của các hộ trong nhóm. Điều này giúp mỗi hộ có ý thức tự giác trong việc trồng rau an toàn và đảm bảo chất lượng. Nhờ đó, rau gia vị Tân Minh ngày càng có uy tín, thương lái thu mua với giá tốt” – chị Hằng nói.

Tuân thủ nghiêm quy trình VietGAP

Cán bộ HTX Tân Minh hướng dẫn trồng và quản lý rau theo mô hình cộng đồng.

Năm 2017, thực hiện nhiệm vụ của Sở NNPTNT Hà Nội, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phối hợp với các địa phương xây dựng 20 mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại 20 xã, phường, thị trấn thuộc 14 quận, huyện, thị xã, với tổng diện tích 1.138,7ha. HTX Tân Minh là một trong những mô hình phát huy hiệu quả rất tích cực.

Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Minh Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ, rau thơm đang được xem là cây trồng chủ lực của địa phương với thu nhập bình quân 20 triệu đồng/sào/năm. Trung bình mỗi năm, địa phương xuất ra thị trường 50 – 60 tấn rau. Đặc biệt, xã đã có 90ha trồng rau thơm được công nhận là vùng sản xuất rau an toàn.

Để thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX thường xuyên tập huấn và nâng cao ý thức về trồng rau an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, HTX đã thành lập 33 tổ giám sát, mỗi tổ có từ 30 – 35 người, chịu trách nhiệm trực tiếp giám sát quá trình sản xuất của bà con. HTX còn liên kết với một số công ty về trực tiếp thu mua hàng, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, nhờ đó giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao giá trị sản phẩm.

“Địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn bà con sản xuất an toàn để ổn định đầu ra cho sản phẩm và xây dựng được thương hiệu rau thơm Tân Minh trên thị trường” – ông Thắng nói.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hoa nội ‘đẩy lùi’ hoa ngoại

Lan hồ điệp nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc thường bị “mù” nụ hoa đầu cành, độ bền của cành hoa chỉ bằng 2/3 hoa cùng loại sản xuất trong nước, giá bán cũng đắt hơn đáng kể.

Trong nhiều năm qua, Trung tâm Nghiên cứu & phát triển hoa – cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học nông nghiệp VN) luôn là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển hoa cây cảnh phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngoài nghiên cứu quy trình công nghệ SX và chọn tạo giống hoa cây cảnh mới, trung tâm còn đóng vai trò nòng cốt trong chuyển giao TBKT vào SX hoa cây cảnh cho các địa phương…


Nhân giống lan hồ điệp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào tại Viện Nghiên cứu Rau quả

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết: Trong các loại hoa phổ biến trên thị trường hiện nay, thì lan hồ điệp được coi là hoa cao cấp cho hiệu quả SX lớn nhất (thu nhập có thể đạt 25 tỷ đồng/ha canh tác/năm). Hiện SX trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa, còn lại phải nhập khẩu khoảng 1 triệu cây hoa/năm (năm 2017). Tuy nhiên SX hoa lan hồ điệp cần vốn đầu tư khá lớn, yêu cầu kỹ thuật chăm sóc khắt khe, cây giống phải trồng trên giá thể, trong nhà kính/nhà màng, có thiết bị điều khiển nhiệt độ, ẩm độ và ánh sáng chủ động, cây lan mới có thể ra hoa được.

Sớm nắm bắt được các yêu cầu thực tế đặt ra, ngay từ những năm 2005 – 2008 Trung tâm Nghiên cứu & phát triển hoa – cây cảnh đã nghiên cứu xây dựng thành công quy trình SX hoa lan hồ điệp quy mô công nghiệp. Quy trình đã được tặng cúp Vàng hội chợ Asean + 3 và giải thưởng Bông lúa vàng. Được các địa phương trong nước áp dụng phổ biến trong SX.

Theo thống kê, năm 2017 toàn miền Bắc đã xây dựng được 88.300m2 nhà màng hiện đại, SX được gần 1.300.000 cành lan hồ điệp thương phẩm (tăng 87.100m2 nhà màng và 1.248.000 cành lan hồ điệp so với năm 2005). Đáp ứng được hơn 50% nhu cầu hoa lan hồ điệp cho thị trường nội địa. Cơ bản “đẩy lùi” được hoa ngoại nhập vào nước ta qua con đường tiểu ngạch.

Nhà màng trồng lan hồ điệp của Viện Nghiên cứu Rau quả

Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, trung tâm còn lai tạo thành công một số giống lan hồ điệp chất lượng cao, phù hợp điều kiện khí hậu miền Bắc. Đồng thời xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống lan hồ điệp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào. Đã đảm bảo được 20,3% nhu cầu cây giống lan hồ điệp cho các nhà vườn trồng lan miền Bắc. Đây là những kết quả rất quan trọng để trong thời gian tới, nước ta hoàn toàn tự chủ được nhu cầu cây giống cho SX hoa trong nước, tiến tới xuất khẩu lan hồ điệp sang thị trường các quốc gia khu vực.

Ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) cho biết, trên địa bàn xã có một số nhà vườn, mỗi năm nhập khẩu tiểu ngạch hàng chục nghìn cành lan hồ điệp từ Trung Quốc để xuất bán ra thị trường khu vực. Do hoa Trung Quốc hình thức khá bắt mắt nên dễ bán được giá cao, nhưng sau sử dụng các nụ hoa đầu cành thường bị mù (không nở), độ bền của cành hoa cũng chỉ bằng 2/3 hoa cùng loại SX trong nước.

Trước thực trạng đó, UBND xã Xuân Quan đã phối hợp với Sở KH – CN Hưng Yên và Trung tâm Nghiên cứu & phát triển hoa – cây cảnh xây dựng phòng nuôi cấy mô để ứng dụng các TBKT nhân giống một số loại lan quý hiếm. Bước đầu đã tạo cho ra hàng ngàn cây giống lan đai châu, địa lan, hồ điệp đáp ứng cho nhu cầu phát triển SX tại chỗ.

PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết thêm: Tiềm năng SX hoa – cây cảnh nói chung, hoa lan hồ điệp nói riêng ở nước ta còn rất lớn. Vì chúng ta có thị trường tiêu thụ nội địa lớn, có nguồn lao động rẻ, người dân có ý chí vươn lên làm giàu, cán bộ khoa học có trình độ cao, và có một số vùng khí hậu ôn đới như Mộc Châu, Sa Pa rất phù hợp cho cây lan hồ điệp phân hóa mầm hoa tự nhiên.

Trước những thuận lợi trên Viện Nghiên cứu Rau quả đã và đang tập trung đầu tư lai tạo các giống hoa mới, nâng cao quy trình công nghệ SX hoa thương phẩm, hình thành một số cơ sở nhân giống lan hồ điệp công nghiệp, đảm bảo đủ nguồn giống tốt, giá thành hạ cho nhu cầu SX hoa quanh năm trong nước. Xúc tiến thành lập Câu lạc bộ Hoa lan hồ điệp Việt Nam, là cầu nối cho sự liên kết “4 nhà”, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ cho cán bộ nghiên cứu và cán bộ kỹ thuật.

Sản xuất lan hồ điệp tại Viện Nghiên cứu Rau quả

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Xử lý nghịch vụ cây ăn trái

TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, để đảm bảo vườn cây trong giai đoạn mang trái đầy đủ dinh dưỡng, cần hạn chế bón nhiều phân đạm trong mùa mưa, lũ.

Nguyên nhân là trong nước mưa có chứa khí nitơ (78%) kết hợp với khí oxi (21%) tạo ra dạng đạm rơi xuống.

Theo tính toán, 10ha đất sẽ nhận được lượng đạm từ nước mưa vào khoảng 10 – 84kg đạm/năm. Chính vì vậy trong nước mưa có đạm, nếu bà con bón thêm đạm sẽ gây hiện tượng thừa, làm cho cây ra đọt non, trong giai đoạn cây có trái non, sẽ dẫn hiện tượng rụng trái. Ngược lại, trên sầu riêng, hoặc trái đang phát triển sẽ xảy ra hiện tượng trái bị sượng.

Để nuôi trái trong giai đoạn này, TS Võ Hữu Thoại khuyến cáo, cần sử dụng phân NPK, đặc biệt các loại phân chuyên dụng phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây, bón với liều lượng vừa đủ. Khi trái non rụng nhiều, bà con nên bổ sung các loại phân bón lá chứa các nguyên tố vi lượng phun lên để hỗ trợ dinh dưỡng, cung cấp các dưỡng chất cho cây.

Tăng cường bón phân cung cấp các dưỡng chất cho cây

PGS.TS Phạm Văn Kiêm, nguyên giảng viên Khoa Nông nghiệp – Sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) nhận định, đối với bệnh thối rễ của các loại cây ăn trái nói chung từ sầu riêng, cam, quýt… và những loại cây trồng cạn trên rẫy như ớt, khổ qua… đều có thể bị bệnh thối rễ. Tất cả các loại cây này đều bị ảnh hưởng bởi nấm Fusarium gây hại rễ.

Trong đất ở vùng ĐBSCL, đều xuất hiện loại nấm Fusarium ở trong đất. Đối với loại nấm này, cần điều kiện để phát triển, nếu hệ vi sinh vật trong đất phong phú thì có thể ức chế nấm Fusarium gây thoái rễ. Nhưng, khi hệ vi sinh vật trong đất cạn kiệt, khi đó trong đất chỉ còn duy nhất nấm Fusarium, dẫn đến nấm Fusarium ăn rễ cây, phát triển mạnh dẫn đến thối rễ.

Mặt khác, điều kiện làm cho hệ vi sinh vật trong đất ít đi là do phân hữu cơ bị vi sinh vật ăn và phân hủy hết, đến lúc cạn kiệt nguồn thức ăn, dẫn đến vi sinh vật chết dần, dẫn đến nấm hại phát triển, tấn công rễ. Do đó, bên cạnh bón phân hóa học, bà con cần phải bón nhiều phân hữu cơ cho đất vườn, nuôi hệ vi sinh vật ngoại sinh này, ức chế bệnh thoái rễ.

Đối với bệnh thối rễ, nếu tưới  Benomyl chỉ giúp vườn cây khá lên khoảng 3 tháng, khi hết thuốc dẫn đến cây càng kiệt quệ nhanh hơn. Vì vậy, chỉ có cách tạo hệ vi sinh vật có sẵn trong đất, bằng cách bón phân hữu cơ cho cây.

Trên thị trường có nhiều loại phân hữu cơ để bón cho cây, nhưng có thể sử dụng cách thả lục bình vào mương nước trong vườn cây, đợi lục bình mọc dày, kéo lên tủ gốc, sau đó tưới Trychoderma lên để lục bình phân hủy nhanh, tạo thành phân hữu cơ cung cấp cho đất.

Kỹ sư Phạm Văn Quy, đại diện Cty Beymer (Đức) cho biết, vào mùa mưa, rất dễ gây ảnh hưởng đến quá trình xử lý trái non, đất dễ đi đọt sẽ gây rụng trái. Trong quá trình này, sau khi đậu trái non, nên sử dụng các dòng phân bón. Thứ nhất, về phân bón gốc, sử dụng các dòng có kali để hạn chế quá trình ra đọt và có thêm thành phần trung, vi lượng để đảm bảo bộ lá dày hơn. Beymer có đưa ra thị trường dòng sản phẩm Nitrofoska Perfect 15-5-20, bên cạnh thành phần kali 20%, có thêm vi lượng là Mg 2% giúp bộ lá xanh hơn. Dòng sản phẩm này còn có thêm thành phần Boron để tăng tỷ lệ đậu trái. Dòng sảng phẩm thứ hai, được sử dụng trong giai đoạn sau khi đậu trái non này là dòng kali Boron, gồm 40% kali, 6% Mg, Boron 0,8%.

Theo liều lượng khuyến cáo sử dụng, trong giai đoạn cây từ 4 – 6 năm tuổi, bà con nên bón thành phần Nitrofoska Perfect khoảng từ 400 – 500 gram/gốc; cây từ 6 – 8 năm tuổi trở lên, bón khoảng 600 – 700 gram/gốc. Cây từ 10 năm tuổi trở lên, bón khoảng 1kg phân/gốc. Bên cạnh quá trình bón phân dưới gốc đảm bảo có thành phần kali để hạn chế hiện tượng ra đọt gây rụng trái, Beymer cũng có dòng sản phẩm Basfolia Boron và sản phẩm kết hợp để phun lên trái và mặt lá là sản phẩm Basfolia Combi-Stipp.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.