8 giống hoa tulip phù hợp trồng vụ đông miền Bắc

Các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Rau quả đã nghiên cứu tuyển chọn được một số giống hoa tulip nhập nội từ Hà Lan, thích hợp trồng trong vụ đông ở miền Bắc nước ta.

Giống AdRem:

Thời gian sinh trưởng 35 – 40 ngày. Mức độ sinh trưởng, trung bình. Chiều cao cây hoa 42 – 45cm. Màu sắc hoa, đỏ cà rốt. Độ bền bông hoa: 10 – 12 ngày.

Giống Ile De France:

Thời gian sinh trưởng 30 – 35 ngày. Mức độ sinh trưởng, trung bình. Chiều cao cây hoa 45 – 48cm. Màu sắc hoa, đỏ nhung. Độ bền bông hoa: 8 – 10 ngày.

Giống Kung Fu:

Thời gian sinh trưởng 28 – 33 ngày. Mức độ sinh trưởng, chậm. Chiều cao cây 47 – 50cm. Màu sắc hoa, đỏ viền trắng. Độ bền bông hoa: 8 – 10 ngày.

Giống Lalibela:

Thời gian sinh trưởng 28 – 33 ngày. Mức độ sinh trưởng, nhanh. Chiều cao cây 47 – 50cm. Màu sắc hoa, đỏ cờ. Độ bền bông hoa: 8 – 10 ngày.

Giống Negrita:

Thời gian sinh trưởng 30 – 35 ngày. Mức độ sinh trưởng, trung bình. Chiều cao cây 45 – 48cm. Hoa màu tím. Độ bền bông hoa: 8 – 10 ngày.

Giống Purple Flag:

Thời gian sinh trưởng 47 – 32 ngày. Chiều cao cây 45 – 48cm. Hoa màu tím. Độ bền bông hoa: 10 – 12 ngày.

Giống Strong Gold:

Thời gian sinh trưởng 30 – 35 ngày. Mức độ sinh trưởng, trung bình. Chiều cao cây 47 – 52cm. Hoa màu vàng. Độ bền bông hoa: 13 – 15 ngày.

Giống Barcelona:

Thời gian sinh trưởng 35 – 40 ngày. Mức độ sinh trưởng, chậm. Chiều cao cây 45 – 48cm. Màu sắc hoa tím cẩm. Độ bền bông cây hoa: 10 – 12 ngày.

* Một số chú ý khi trồng hoa tulip:

– Tulip là cây chịu rét khá, chịu nóng kém. Ưa khí hậu mát ẩm và ánh sáng trung bình yếu. Thích hợp nhiệt độ ban ngày 16 – 20oC, ban đêm 10 – 15oC. Dưới 5oC và trên 25oC cây sinh trưởng kém, hoa bị mù.

– Nên trồng tulip trong giá thể. Hỗn hợp giá thể tốt nhất gồm 2/3 mùn cưa, 1/3 phân chuồng hoai mục, pH từ 5,5 – 6,5 và phải thoát nước tốt.

– Chọn củ giống kích thước đồng đều (chu vi 10/12cm hoặc 12/14cm), không bị trầy xước, bầm giập và đã bật mầm. Trước khi trồng bóc sạch lớp vỏ cứng bên ngoài, sau ngâm củ vào dung dịch nước xử lý nấm (10g Ridomil gold hoặc Daconil/10 lít nước) khoảng 15 phút rồi vớt ra đem trồng.

– Cần căn cứ thời gian sinh trưởng của giống và nhu cầu thị trường tiêu thụ để xác định thời vụ trồng tulip hợp lý. Miền núi phía Bắc có thể trồng từ 01 – 15/11 (âm lịch). Đồng bằng sông Hồng trồng từ 15 – 30/11 âm lịch. Bắc Trung bộ trồng từ 28/11 – 10/12 âm lịch.

– Trồng tulip cho mục đích thương mại cần có mái che và hệ thống bao quanh để hạn chế mưa, nắng nóng và gió rét. Đảm bảo nhiệt độ trong nhà trồng tulip khoảng 10 – 25ºC.

– Lượng phân bón cho 1 sào Bắc bộ là 7kg Supe lân, 5kg Kali Nitơrat và 4kg Urê, kết hợp với bón lá Atonik, Đầu trâu và các chế phẩm vi lượng giàu Ca, Mg, Mn.

– Trong tuần đầu trồng tulip không cần bón phân, chỉ tưới nước cho giá thể hoặc đất luôn đủ ẩm, sau đó giảm dần lượng nước tưới. Khi tulip cao 10 – 12cm mới tiến hành bón thúc định kỳ 7 – 10 ngày/1 lần (pha loãng phân ở nồng độ 5% để tưới).

– Điều khiển sinh trưởng cho Tulip: Để tăng tốc độ sinh trưởng và phát dục, đưa các cây vào điều kiện nhiệt độ cao hơn (không quá 25oC) và kéo dài thời gian chiếu sáng bằng thắp bóng đèn điện. Để giảm tốc độ sinh trưởng và phát dục, đưa cây vào điều kiện nhiệt độ thấp hơn (không thấp dưới 5oC), kết hợp che giảm ánh sáng bằng lưới đen.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Thu 3 tỷ đồng/năm nhờ mô hình trồng các loại rau màu

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã và đang trở thành hướng phát triển giúp nhiều người dân vươn lên làm giàu.

Ông Lưu Văn Nhanh, ấp Phú An B, xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu – An Giang đã ứng dụng cách này trong việc ươm giống cây rau màu thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Ông Lưu Văn Nhanh cho biết, gia đình ông đã hơn 20 năm gắn bó với nghề ươm giống rau màu. Trước đây, gia đình có 2 công đất vườn tạp nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, không ươm rau màu thì không biết lấy gì chi phí sinh hoạt hàng ngày. Từ đó, ông đã gắn bó với nghề ươm cây giống rau màu. Ban đầu ông ươm theo kiểu truyền thống, quy mô nhỏ, tỷ lệ cây chết cao nên thu nhập không ổn định.

Trồng rau màu giúp gia đình ông Nhanh trang trải chi phí sinh hoạt gia đình

Với suy nghĩ, phải có kỹ thuật để tránh rủi ro và có thu nhập ổn định hơn, năm 2005, ông quyết định vay vốn ngân hàng chính sách. Ông đầu tư 4.000 m² nhà phủ bạt để ươm cây giống rau màu theo công nghệ cao.

Sau năm đầu tiên áp dụng rất hiệu quả, cây giống phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh, tránh được mưa, gió. Cây giống của ông được khách hàng đánh giá cao, mỗi ngày, cơ sở của ông cung cấp ra thị trường khoảng 50.000 cây giống rau màu các loại. Sau khi trừ tất cả chi phí, ông thu lãi khoảng 2-4 triệu đồng/ngày, nhờ đó đời sống gia đình từng bước được ổn định.

Mấy năm gần đây, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây rau màu phát triển mạnh, nên nhu cầu về cây giống càng nhiều. Do đó lãnh đạo địa phương rất quan tâm mô hình ươm rau màu của ông Nhanh.

Năm 2014, được Sở KH&CN An Giang tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ hơn 300 triệu đồng để ông hoàn thiện hệ thống nhà màng che phủ, dàn kệ để khay xốp, máy đóng bầu đất, máy gieo hạt chân không, quạt thông gió, hệ thống tưới phun sương tự động… Đây cũng là điều kiện để ông mở rộng sản xuất đáp ứng thị trường.

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, cùng với số tiền  được hỗ trợ, ông Nhanh đã vay thêm từ ngân hàng Nông nghiệp – PTNT tỉnh, mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, lên đến hơn 12.000 m² ươm các loại cây giống rau màu áp dụng công nghệ cao trong nhà lưới. Từ đó đã giúp tăng công suất gieo ươm cây giống, giảm công lao động, giảm hao hụt cây con từ tại khâu gieo ươm; góp phần hạ giá thành sản xuất, chất lượng cây giống vẫn đảm bảo nên được khách hàng rất tin tưởng.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở của ông Nhanh cung cấp ra thị trường khoảng 100.000 cây giống rau màu các loại. Chỉ tính riêng năm 2016, thu nhập từ ươm giống cây rau màu, đã mang lại thu nhập gần 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên tại địa phương, với mức lương từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Phú Vĩnh cho biết, mô hình ươm cây giống của ông Lưu Văn Nhanh, hiệu quả kinh tế rất cao. Đồng thời hàng ngày cơ sở ông còn giúp cho địa phương là giải quyết số lao động nhàn rỗi từ 50-60 người có công ăn việc làm ổn định.

Sản phẩm ươm cây giống của ông Nhanh mang lại hiệu quả cao, chất lượng, có uy tín cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh lân cận như Kiên Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ…không dừng ở đó ông Nhanh còn xuất khẩu sang Campuchia và Lào.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

12 cách người Israel thay đổi nền nông nghiệp thế giới (P2)

Từ tưới nhỏ giọt đến thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cuộc cách mạng nông nghiệp của Israel đang mang đến những phương thức mới để thay đổi bộ mặt của sản xuất nông nghiệp.

7. Công nghệ tưới nước nhỏ giọt từ không khí

Tal-Ya là công nghệ tưới nước bằng khay nhựa dùng nhiều lần để thu thập sương, hơi nước từ không khí, giúp giảm lượng nước phải tưới cho cây trồng, nó có thể tiết kiệm lên đến 50% lượng nước tưới. Mấu chốt của công nghệ là các khay vuông có răng cưa, được làm từ nhựa tái chế với các bộ lọc tia cực tím, nó sẽ bao quanh gốc cây.

Với sự thay đổi nhiệt độ ngày – đêm, hơi nước bốc lên và sương đêm buông xuống sẽ đọng lại trên cả hai bề mặt của khay Tal-Ya, theo phễu sương và tưới thẳng vào rễ cây. Nếu trời mưa, các khay này sẽ hứng nước mưa và tưới cho cây, nó làm tăng hiệu quả hiệu quả tưới của mỗi milimet nước mưa lên 27 lần.

Ngoài ra các khay cũng còn hạn chế ánh mặt trời để cỏ dại không thể bén rễ, và bảo vệ thực vật khỏi sự thay đổi nhiệt độ khắc nghiệt tại các vùng sa mạc, đất cằn, đồng thời cũng làm giảm sự ô nhiễm nước ngầm.

8. Công nghệ bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường

Để giải quyết vấn đề bảo vệ thực vật mà vẫn thân thiện với môi trường, công ty chuyển giao công nghệ của Đại học Hebrew hợp tác với Makhteshim Agan, công ty hàng đầu thế giới về các sản phẩm bảo vệ cây trồng đã phát triển và thương mại hóa các sản phẩm thuốc diệt cỏ chậm phát tán vào đất và thuốc trừ sâu không gây tổn hại cho côn trùng có ích.

Cách tiếp cận của Israel là sản xuất các túi thuốc diệt cỏ có tính chất vật lý giống đất sét, mang điện tích âm để cho phép phát tán vào đất chậm và có thể kiểm soát, làm giảm thẩm thấu vào các lớp đất sâu hơn trong khi vẫn duy trì tác động diệt cỏ trên lớp đất bề mặt.

Điều này làm tăng hiệu quả diệt cỏ và giảm liều lượng cần thiết. Với thuốc trừ sâu, các kỹ sư Israel chế tạo ra các loại thuốc đặc chủng chỉ tác động đến 1 hoặc một số loài sâu bệnh trong khi đó không có tác dụng đến các loài khác, điều này làm giảm tác động của thuốc trừ sâu đến các côn trùng có ích, đảm bảo đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.

9. Nuôi cá trong sa mạc

Đánh bắt quá mức là một mối đe dọa nghiêm trọng đến việc duy trì sản lượng các loại cá, cá là nguồn chính cung cấp protein cho hàng trăm triệu người trên thế giới. Rất nhiều quốc gia đang đau đầu vì muốn phát triển nguồn cung cấp cá trong nước, nhưng điều kiện về diện tích nuôi trồng lại bị giới hạn bởi điều kiện tự nhiên và nguồn nước. Những lo lắng đó có thể được giải quyết với một công nhệ của Israel khi cho phép cá có thể được nuôi tại hầu như bất cứ nơi nào, ngay cả trong sa mạc.

Đó là hệ thống GFA (Grow Fish Anywhere). Hệ thống nuôi cá này là một khu vực nuôi cá được khép kín và có thể đặt ở bất cứ đâu, không phụ thuộc vào các điều kiện về điện, nguồn nước cũng như môi trường bên ngoài, nó cho phép loại bỏ các vấn đề về làm sạch môi trường trong nuôi cá thông thường, và không phụ thuộc vào nguồn nước sẵn có. Đặc biệt, hệ thống sử dụng các vi khuẩn được phát triển làm sạch bể nuôi cũng như mầm bệnh ở cá khiến cho hầu như không có chất thải trong ao nuôi và không cần thay nước.

10. Sản xuất thực phẩm từ khí nhà kính

Công nghệ nuôi tảo từ khí thải nhà kính của các nhà máy

Khí nhà kính – CO2 là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, nhưng nếu nó được sử dụng để nuôi trồng thì sao? Đó là điều mà công nghệ seambiotic của Israel mang lại. Từ lâu con người đã biết tảo là loài thưc vật có thể mang lại giá trị cao gấp 30 lần so với bất kỳ loại cây trồng nào từng được biết đến, và nó cũng là nhân tố chủ chốt trong việc tạo ra phần lớn lượng Ôxy cho chúng ta hít thở hàng ngày. Thức ăn chính của tảo là gì? Chính là CO2 và ánh sáng, và hệ thống seambiotic sẽ đem CO2 được phát thải từ các nhà máy biến thành nguồn cung cấp thức ăn cho tảo.

Tại các vùng châu Phi và Trung Đông, thứ không bao giờ thiếu đó là ánh sáng mặt trời, với thời gian có ánh sáng hàng năm cao nhất thế giới, hai khu vực này chính là thiên đường cho việc nuôi tảo. Còn gì tuyệt với hơn khi một công nghệ vừa có thể giải quyết vấn đề phát thải CO2 ra không khí lại vừa đem lại giá trị kinh tế cao, đó là điều tuyệt vời mà người Israel đã mang lại cho thế giới.

11. Nhân giống cá chép châu Phi

Nửa thế kỷ trước, trong khu vực hồ Victoria, cá chép châu Phi là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của người dân Uganda gần đó. Nhưng khi cá rô sông Nile xâm nhập được vào hồ, nó đã cạnh tranh và tàn sát hầu hết các loài cá trong hồ, kể cả cá chép châu Phi. Cư sân xung quanh đó không có dụng cụ cũng như kỹ thuật đánh bắt cá rô sông Nile cũng như không có kỹ thuật nhân giống và nuôi cá nên đã xảy ra tình trạng thiếu hụt thực phẩm trầm trọng. Từ đó chế độ dinh dưỡng của cư dân bị suy giảm, các vấn đề sức khỏe đã xảy ra.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung, Giáo sư Berta Sivan của Đại học Hebrew đã thực hiện một dự án kéo dài nhiều năm để giúp đỡ các gia đình châu Phi. Nhóm nghiên cứu của bà đã áp dụng các kỹ thuật nhân giống, lai tạo cũng như nuôi trồng được phát triển qua nhiều năm cho người nuôi Israel để giải quyết vấn đề này.

Qua nhiều năm, dự án đã mang lại sự thay đổi to lớn cho Uganda, không chỉ nhân giống được các loại cá chép châu Phi để nuôi tại các trang trại cá Uganda, mà nó còn cung cấp các khóa đào tạo về làm thế nào để khai thác và nuôi trồng giống cá này với quy mô nhỏ. Bây giờ trẻ em địa phương có một nguồn cung cấp dồi dào protein cùng với trái cây và rau quả của họ, vấn đề dinh dưỡng đã căn bản được giả quyết.

12. Hạt giống chất lượng cao cho mùa vụ bội thu

Tại Đại học Hebrew, các nhà khoa học nông nghiệp Ilan Sela và Haim D. Rabinowitch đã phát triển công nghệ TraitUP, một công nghệ cho phép cấy ghép vật liệu di truyền vào hạt giống mà không sửa đổi cấu trúc DNA gốc của chúng. Phương pháp này đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng hạt giống cây trồng ngay trước khi chúng được gieo trồng. Với công nghệ này, các nhà khoa học có thể đưa các đặc tính về kháng sâu bệnh, tăng cường các đặc điểm thích nghi với thổ nhưỡng và khí hậu vào các hạt giống để nâng cao chất lượng cây trồng về sau.

Công nghệ này mở ra các cơ hội cho việc phát triển các giống cây trồng chuyên biệt cho từng vùng khí hậu, thổ nhưỡng nhằm tối đa hóa năng suất, đảm bảo chất lượng. Điều này mang đến cơ hội cho các quốc gia đang phát triển trong việc nang cao năng suất và chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

12 cách người Israel thay đổi nền nông nghiệp thế giới (P1)

Từ tưới nhỏ giọt đến thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cuộc cách mạng nông nghiệp của Israel đang mang đến những phương thức mới để thay đổi bộ mặt của sản xuất nông nghiệp.

An ninh lương thực đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu cho mọi quốc gia trong bối cảnh dân số không ngừng phát triển hiện nay. Khi mà tài nguyên đang dần cạn kiện trong khi dân số vẫn không ngừng tăng lên, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực bền vững đang là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng khao khát. Và cho đên nay, chưa từng có một quốc gia nào có các điều kiện canh tác nông nghiệp khó khăn hàng đầu thế giới có thể đóng góp các thành tựu để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp thế giới tốt hơn Israel.

Từ những năm 1950, người Israel không những chỉ tìm ra phương thức tuyệt với để phủ xanh cho những sa mạc mà họ đã chia sẻ, chuyển giao những sáng kiến này đến các quốc gia khác thông qua các tổ chức hợp tác quốc tế của họ một cách rộng rãi. Và dưới đây là 12 thành tựu của người Israel đã mang đến cho nhân loại, giúp thay đổi bộ mặt của nền sản xuất nông nghiệp toàn cầu, đem đến phương thức sản xuất hiệu quả và là cách thức để giải quyết vấn đề an ninh lương thực hiện nay.

1. Công nghệ tưới nhỏ giọt

Hình: Nông dân Senegal và hệ thống tưới nhỏ giọt Tipa

Có lẽ không có thành tựu nào có được sự ảnh hưởng to lớn đến nền nông nghiệp Israel cũng như cả thế giới như phát minh này. Khái niệm tưới nhỏ giọt đã có từ trước khi nhà nước Israel ra đời, nhưng nó chỉ được thực sự trở thành cuộc cách mạng với sự phát hiện của kỹ sư tài nguyên nước Israel – Simcha Blass, người tình cờ phát hiện ra rằng sự nhỏ giọt chậm và đều đặn dẫn đến khả năng kích thích tăng trưởng đáng kể trên thực vật. Từ phát hiện trên, ông đã chế tạo ra một loại ống dẫn nước có các đầu tưới từ từ nhỏ từng giọt nước theo tỷ lệ tối ưu nhất cho từng loại cây trồng.

Từ đó đến nay, công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel và các giải pháp tưới tiêu vi thủy lợi nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới. Chúng liên tục được phát triển, làm cho tốt hơn, các mô hình tưới nhỏ giọt mới nhất là công nghệ tự làm sạch đường ống và duy trì tốc độ dòng chảy thống nhất bất kể chất lượng nước và áp suất nước trong hệ thống tưới.

Một ví dụ rất nhỏ để thấy được ý nghĩa của công nghệ này đến nền nông nghiệp của các quốc gia là hệ thống Tipa, có nghĩa là “nhỏ giọt”, một sản phẩm của Israel phát triển cho thị trường nước ngoài đã cho phép 700 hộ nông dân ở Senegal có thể canh tác ba vụ một năm thay vì chỉ một vụ mỗi năm vào mùa mưa, đối với cả những vùng đất tưởng chừng không thể trồng trọt được. Các kết quả tương tự ở Kenya, Nam Phi, Benin và Nigeria có thể chứng minh hiệu quả của hệ thống này.

2. Kén tồn trữ lương thực

 Kén tồn trữ lương thực

Người Israel đã thiết kế sản phẩm kén tồn trữ lương thực nhằm đưa ra một giải pháp đơn giản, rẻ tiền cho các nông dân châu Á và châu Phi để tồn trữ lương thực sau thu hoạch một cách hiệu quả nhất.

Sản phẩm này chỉ đơn giản là một chiếc túi khổng lồ – được thiết kế bởi Giáo sư công nghệ thực thẩm quốc tế Shlomo Navarro – giúp lương thực tránh được việc tiếp xúc với không khí và độ ẩm. Nó đang được sử dụng rộng rãi ở các nước đang phát triển tại châu Phi, Trung Đông và cả những quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Israel như Pakistan.

Với các phương pháp tồn trữ lương thực truyền thống, 50 % lượng ngũ cốc thu hoạch được và 100% sản lượng đậu bị tổn thất là do côn trùng và ẩm mốc. Tại các quốc gia đang phát triển, nông dân chỉ tồn trữ lương thực họ thu hoạch được bằng các phương tiện thô sơ như giỏ, bồ, túi, bao tải, những thứ không thể bảo vệ lương thực của họ thoát khỏi sự đói khát của côn trùng và các tác nhân gây hại từ bên ngoài. Và sản phẩm kén tồn trữ lương thực sinh ra để giải quyết các vấn đề đó, đặc biệt là sức nóng và độ ẩm cao.

3. Kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học

Các kỹ sư Israel đã lai tạo ra các giống côn trùng có ích nhằm giải quyết vấn đề kiểm soát sâu bệnh tuân theo các nguyên lý sinh thái học tự nhiên, đồng thời họ cũng lai tạo các giống công trùng chuyên biệt như giống ong vò vẽ chuyên thực hiện thụ phấn tự nhiên trong môi trường nhà kính.

Theo Tiến sĩ Shimon Steinberg của cơ quan ISRAEL21c, việc sử dụng giống nhện kích thước chỉ dài 2mm hình quả lê màu cam hiện đang là giải pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tình trạng bọ ký sinh trên cây trồng, kể cả các loại bọ tàn phá cây trồng nông nghiệp rất khó bị loại trừ bằng các phương pháp hóa học. Ông cho biết: “60% sản lượng dâu tây của California từ năm 1990 đến nay đã được cứu bằng các giống nhện ăn thịt bọ ký sinh từ Israel”, ông cũng cho biết, tại Israel, các sản phẩm sinh học đã cho phép nông dân giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học đi 75% trong canh tác.

4. Công nghệ chăn nuôi bò sữa công nghiệp

Israel là quốc gia đã phát triển các công nghệ chăn nuôi bò sữa tập trung theo quy mô công nghiệp đầu tiên trên thế giới, đây là những hệ thống cho phép người chăn nuôi có thể quản lý, theo dõi, giám sát và cho ăn đàn gia súc tập trung thông qua các thiết bị máy tính. SAE Afikim là một trong 10 công ty của Israel đã tham gia vào dự án 5 năm trong việc phát triển đàn bò sữa trị giá 500 USD tại Việt Nam, đó là sự án chăn nuôi lớn nhất thế giới mà họ tham gia. Trong dự án này các hoạt động sẽ bao gồm phát triển đàn bò 30.000 con tại 12 vùng chuyên canh chăn nuôi – sản xuất sữa tập trung với sản lượng 300 triệu lít mỗi năm và tăng dần qua các năm. Đến cuối năm 2012, 500.000 lít sữa đã được sản xuất hàng ngày.

5. Nông nghiệp trực tuyến

Đó là Hệ thống Kiến thức nông nghiệp trực tuyến (Agricultural Knowledge On-Line (AKOL), đây là một hệ thống tương tác trực tuyến trên toàn cầu, nó liên kết kho dữ liệu về kiến thức nông nghiệp, các chuyên gia và nông dân để giải quyết bất cứ một vấn đề gì trong nông nghiệp. Mọi nông đân giờ đây có thể truy cập vào hệ thống này, học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm và yêu cầu sự giúp đỡ, tư vấn phương pháp, giải pháp nông nghiệp từ các chuyên gia hàng đầu, các nhà sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp về vấn đề của họ.

6. Giống khoai tây có thể trồng ở những nơi khắc nghiệt

Phải mất gần 30 năm nghiên cứu, Giáo sư David Levy developedstrains của Đại học Hebrew mới lai tạo được giống khoai tây có thể phát triển mạnh trong khí hậu nóng, khô, và có thể được tưới bằng nước mặn. Đây là giải pháp trồng trọt vô cùng hiệu quả và mang lại lối thoát cho việc canh tác tại các vùng cát sa mạc, ven biển.

Khoai tây là một trong những nguồn lương thực chính của hàng triệu người trên thế giới, nhưng trước đây người ta không thể trồng được một củ khoai tây nào trong các vùng sa mạc như Trung Đông. Bây giờ nông dân ở các khu vực này có thể phát triển khoai tây là một loại cây trồng đem lại lợi ích kinh tế lớn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Thanh long Bình Thuận sụt giá kỷ lục

Bình Thuận là địa phương có diện tích trồng cây thanh long lớn nhất cả nước với trên 27.000 ha, sản lượng hằng năm trên 500.000 tấn. Hiện tại, phần lớn sản lượng loại trái cây này được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Thanh long Bình Thuận đang vào đợt thu hoạch trái vụ. Chi phí trồng thanh long mùa này rất cao vì người dân phải chong đèn suốt đêm trong thời gian dài để kích thích cây ra hoa. Do đó, giá bán phải đạt khoảng 14.000 – 15.000 đồng/kg thì người trồng mới có lời. Thế nhưng, hiện tại thương lái thu mua tại các nhà vườn ở mức giá chừng 6.000 – 8.000 đồng/kg, đây là mức giá giảm sâu kỷ lục trong nhiều năm qua.

Hàng tấn thanh long Bình Thuận đang rớt giá trầm trọng

Theo nhiều người dân nơi đây, cứ 1 tấn thanh long bị loại 1 tạ hàng dạt. Tổng mức đầu tư cho lứa thanh long chong đèn mất khoảng 25 – 30 triệu đồng/1.000 trụ nhưng số tiền bán thanh long hiện nay dao động 6.000 – 8.000 đồng/kg chỉ thu được xấp xỉ 15 triệu đồng khiến người trồng thua lỗ.

“Gần 1.000 trụ thanh long chong đèn cho ra khoảng hơn 3,5 tấn trái. Trong vòng 3 tháng chăm sóc cùng với tiền điện, tiền phân tro đầu tư cao nhưng nếu bán với giá hiện tại tính ra lỗ rất lớn. Nhưng không bán thì không được vì đã đến thời điểm thu hoạch, để lâu thanh long sẽ bị hỏng” – một nhà vườn chuyên canh tác thanh long ở thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), chua xót nói.

Người dân lao đao vì thanh long sụt giá

Theo một số thương lái, nguyên nhân giá thanh long giảm mạnh là do thời tiết hiện tại của Trung Quốc đang lạnh, tuyết rơi nhiều nên việc vận chuyển, tiêu thụ loại trái cây này gặp nhiều khó khăn.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Ưu điểm của nông trại gieo trồng thẳng đứng

Công nghệ canh tác nông trại theo chiều thẳng hứa hẹn tạo ra một cuộc cách mạng nông nghiệp trong tương lai gần.

Cấu trúc của một trang trại thẳng đứng

Ưu điểm của nông trại thẳng đứng là sử dụng hiệu quả không gian đô thị. Các loại cây xếp trồng lên nhau trong tòa nhà để tiết kiệm diện tích.

Nông trại này có thể canh tác quanh năm, thậm chí cả khu vực phi nhiệt đới.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Robot nhỏ này sẽ cách mạng hóa ngành nông nghiệp

Theo các chuyên gia, robot có thể giúp giảm bớt các chất thải nguy hại từ hoạt động canh tác như thuốc trừ sâu và giúp thu hoạch mùa màng, tuy nhiên chúng sẽ không sớm có bản thương mại trong vài năm tới.

Lợi ích từ việc sử dụng robot trong nông nghiệp từ lâu đã được khẳng định khi nó giải phóng sức lao động, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và giúp giảm xả thải phụ phẩm ra môi trường.

Tại Anh, một loại robot phun thuốc trừ sâu đang được phát triển, có thể sẽ trở thành một công cụ nhằm cách mạng hóa ngành nông nghiệp khi chính thức được đưa vào sử dụng trên diện rộng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết sản phẩm của họ hiện khó có thể thương mại hóa và kịch bản tốt nhất thì cũng phải tới 3 năm nữa mới có robot ra đồng trên diện rộng.

Robot phun thuốc trừ sâu tại Anh

Loại robot phun thuốc trừ sâu mới đang được phát triển có kích thước nhỏ, phù hợp với những cánh đồng nhỏ ít có ngân sách để đầu tư cho công nghệ cao. Ngoài ra, robot này còn cách mạng hóa hoạt động phun thuốc trừ sâu vốn đang được thực hiện theo kiểu “phun rồi cầu nguyện” được sử dụng lâu nay.

Kiểu phun thuốc trừ sâu vô tội vạ, không tập trung, thiếu chính xác hiện nay khiến từ 95 đến 99% thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ trên thực tế là lãng phí, gây ô nhiễm môi trường. Không chỉ gây ô nhiễm, việc phun thuốc bảo vệ thực vật diện rộng thúc đẩy sự gia tăng đề kháng của các loài sâu bệnh và cỏ dại làm cho các loại hóa chất bảo vệ thực vật nhanh chóng không còn hiệu quả, khiến người nông dân phải tăng lượng chất độc sử dụng trong nông nghiệp.

Một số thuốc trừ sâu được phun theo kiểu “phun rồi cầu nguyện” cũng khiến những loài sinh vật thụ phấn như ong và bướm vô tình trở thành nạn nhân và bị cấm sử dụng để bảo vệ môi trường ở một số nước.

“Nông dân trong nhiều năm qua phải chịu nhiều áp lực và phải phun thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều. Một số phun thuốc trong sự tuyệt vọng. Một số thuốc bảo vệ thực vật mà họ sử dụng đã bị các loài thiên địch kháng thuốc, họ sẽ không giết được chúng khi phun thuốc nhưng lại giết những loài côn trùng khác như những loài thụ phấn”, Toby Bruce giáo sư chuyên về Sinh thái, Hóa học côn trùng tại Đại học Keele, nói.

Giáo sư Simon Blackmore, người đứng đầu nhóm nghiên cứu chế tạo robot phun thuốc trừ sâu mới, cho biết là với việc dùng thuốc ít hơn, trực tiếp phun thẳng vào chỗ cần tiêu diệt với sự điều khiển 100% của robot sẽ giúp cách mạng hóa ngành nông nghiệp. Việc dùng robot phun thuốc như vậy sẽ làm giảm số lượng thuốc bảo vệ thực vật dùng khi canh tác, ngăn côn trùng tấn công hoa màu, tránh tiêu diệt loài thụ phấn và giảm khả năng các loài gây hại kháng thuốc.

Không chỉ phun thuốc, robot này còn phát hiện ra các loại rau quả bị biến dạng, chậm lớn… giúp người nông dân chủ động loại bỏ những sản phẩm thừa này trước khi thu hoạch, qua đó tăng cao chất lượng sản phẩm cũng như gia tăng năng suất thu hoạch được.

Nguồn: Motthegioi được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Rau hữu cơ Định Trung khẳng định thế mạnh OCOP

Cây rau ở xã Định Trung (TP Vĩnh Yên) lúc đầu chỉ có một vài hộ làm theo kiểu tự cung tự cấp. Dần dà, đây là hướng đi mới để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, quy hoạch vùng trồng rau. Phối hợp với ngành NN-PTNT tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, hỗ trợ giống, vốn, VTNN và bao tiêu một phần rau xanh cho nông dân…


Để rau Định Trung có đầu ra ổn định, khẳng định được chỗ đứng, với sự giúp đỡ của các cấp, ngành năm 2012, “Liên kết nhóm” trồng rau an toàn, theo hướng hữu cơ được hình thành. Ban đầu có 19 hộ tham gia với 1,5ha. Công ty CP XNK&SX nông sản sạch VietGarden trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu 50% sản phẩm.

Tháng 5/2017, HTX SX và TM Định Trung (HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc) thành lập với 25 hội viên, là những nông dân trồng rau hữu cơ tại xã Định Trung. HTX hợp tác với các DN, nhằm liên kết, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình SX rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, giám sát SX để có những sản phẩm đạt VSATTP, từng bước hỗ trợ SX và tiêu thụ rau hữu cơ cho bà con với giá cao hơn, hoặc ít nhất bằng giá thị trường.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng rau hữu cơ, bà Nguyễn Thị Hương Hồi, PGĐ kỹ thuật HTX cho biết, để rau, củ, quả hữu cơ, an toàn, bà con tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “5 không”, gồm không dùng phân hóa học; không dùng chất biến đổi gen; không dùng chất kích thích sinh trưởng để phun, tưới; không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu.

Thay vào đó, bà con dùng ớt, tỏi, gừng giã nhuyễn ngâm với rượu rồi phun lên rau hoặc dùng phương pháp dẫn dụ bắt thủ công. Để bổ sung dinh dưỡng cho cây thì dùng đu đủ chín, mướp đắng, chuối chín, cá trộn với đường (mùa đông 21 ngày, mùa hè 15 ngày) sau đó lọc lấy nước phun. Hiện tại HTX có 3 ha đang SX tại cánh đồng Đường Hiên, mỗi ngày làm ra từ 400 – 800kg rau, củ, quả…

Còn theo bà Hoàng Thị Tám, PGĐ HTX phụ trách thị trường, hiện tại rau HTX đã được tiêu thụ rộng rãi, tại nhiều của hàng và công ty như: Công ty CP XNK&SX nông sản sạch VietGarden (Hà Nội), Cửa hàng thực phẩm sạch Bảo Phúc, Cửa hàng thực phẩm sạch Tĩnh Liên (khu chung cư Vinaconex Xuân Mai, phường Liên Bảo), Thực phẩm sạch T-Food (Trần Phú, Liên Bảo), Sông Hồng thủ đô… Tuy nhiên lượng tiêu thụ qua HTX chỉ đạt 40 – 50%, còn lại các hộ vẫn phải tự lo đầu ra.

Vừa tranh thủ chăm sóc ruộng bắp cải, bà Trịnh Thị Vinh ở thôn Đậu, xã Định Trung, xã viên HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc cho biết: “Gia đình tôi có 3 sào bắp cải, su hào, cà chua theo hướng hữu cơ. Với 1 sào bắp cải trên 1.000 cây, trồng 2,5 đến 3 tháng cho thu hoạch, giá hiện tại 10.000 đồng/cây, trừ chi phí cũng thu được 7 triệu/đợt/sào. Tuy nhiên giá còn bấp bênh, như tầm này năm trước, mỗi cây bắp cải chỉ 2.000- 3.000 đồng, phải bán tống, bán tháo hoặc chặt cho bò, lợn, cá ăn”.

Còn theo chị Nguyễn Thị Hải ở thôn Gò, gia đình chị có 2 sào trồng rau, khi chưa thành lập HTX thì rau làm ra khó tiêu thụ, giá trị không cao. Khi vào HTX, các xã viên cùng chịu trách nhiệm nên chất lượng rau nâng lên, thu nhập tăng theo, bình quân 1 sào khoảng 30 – 35 triệu đồng/năm, cao hơn cây trồng khác. Tuy nhiên lượng tiêu thụ qua HTX còn thấp, hộ gia đình vẫn phải tự lo đầu ra 50% sản phẩm.

Với phương châm “Sạch từ tâm, ngon xứng tầm”, chị Đặng Thị Bảo Yến, chủ cửa hàng thực phẩm Bảo Phúc (khu chung cư Vinaconex Xuân Mai, phường Liên Bảo) cho biết, hàng ngày của hàng tiêu thụ trực tiếp khoảng 80kg rau, củ, quả của HTX. Ngoài bán trực tiếp, cửa hàng còn nhận giao hàng tận nơi khách hàng yêu cầu.

Nhanh tay chọn cho mình những túi rau tươi ngon mang nhãn hiệu HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc, chị Phan Thị Minh Thu ở khu 10, phường Liên Bảo tâm sự: “Tôi thường xuyên mua rau cửa hàng Bảo Phúc vì rau ở đây tươi ngon, sạch, được chứng nhận đảm bảo VSATTP, hơn nữa giá cả hợp lý”.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng vú sữa có thể thu nhập 200 – 300 triệu/ha/năm

Theo tính toán của các nhà vườn, trong các loại cây đặc sản, vú sữa được xếp vào nhóm cây có giá trị kinh tế cao, bền, chắc và khai thác được lâu dài.

Huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ được coi là một trong những vựa cây trái nổi tiếng nhất ĐBSCL. Toàn huyện hiện có trên 10.500ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 6.500ha cây ăn trái. Riêng loại cây trái ngon và cây đặc sản như dâu hạ châu, nhãn, xoài riêng, măng cụt, mít, vú sữa… chiếm hơn nửa diện tích, đặc biệt có tới 800ha vú sữa. Những nơi phát triển rầm rộ là thị trấn Phong Điền, xã Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Giai Xuân và Mỹ Khánh.

Vú sữa tím Phong Điền

Thời gian qua, tuy phải ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán kéo dài nhưng nhiều nhà vườn đã áp dụng tốt những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đạt năng suất cao, chất lượng bảo đảm, mức thu nhập bình quân từ 200 – 300 triệu/ha/năm.
Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phong Điền cho biết, việc cải tạo, nâng chất vườn cây ăn trái có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, nổi tiếng nhất là dâu hạ châu, nhãn, xoài riêng, măng cụt, vú sữa các loại…
Theo tính toán của các nhà vườn, trong các loại cây đặc sản, vú sữa được xếp vào nhóm cây có giá trị kinh tế cao, bền, chắc và khai thác được lâu dài. Một người trồng đúng kỹ thuật, biết xử lý cho cây ra trái mùa nghịch có thể thu hoạch 500 triệu đ/ha/năm.

Vú sữa tím Phong Điền (giống mới)

Ông Nguyễn Hoàng Ân ở ấp Nhơn Thọ 1A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền có 7 công đất trồng vú sữa đủ loại, mỗi năm thu nhập trên 250 triệu đồng. Ông Trần Văn Vui ở ấp Trường Trung B, xã Tân Thới có 4 công vườn trồng toàn vú sữa lò rèn được 4 năm tuổi, cứ mỗi tuần hái trái một lần, mỗi lần vài trăm ký, bán tại chỗ với giá 15.000 đ/kg. Nếu cho trái ra mùa nghịch giá sẽ cao gấp đôi. Sau khi trừ hết các chi phí, mỗi vụ ông còn lời trên 100 triệu đồng. Ông cho biết vú sữa càng lâu năm trái càng sai và càng ngọt.
Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ nhiệm CLB làm vườn ấp Nhơn Thọ 1A, bà con nông dân Phong Điền hiện trồng nhiều loại vú sữa khác nhau như bơ hồng, bơ trắng, lò rèn, tím, cà na, tứ quý… Thường vú sữa bơ hồng chín sớm từ tháng 11 âm lịch nên giá rất cao. Các loại khác kéo dài từ trước tết cho đến tháng hai âm lịch. Do vậy mà mùa thu hoạch kéo dài giúp cho bà con nông dân có thu nhập ổn định.
Ngoài các vườn cây ăn trái, Phong Điền còn có trên 20 nhà vườn làm du lịch sinh thái, thu hút nhiều khách tham quan, giúp cho đầu ra được thuận lợi và dễ dàng. Hiện nay tuy vú sữa ở cuối mùa nhưng thị trường tiên thụ rất mạnh, thậm chí có nhiều thương lái đến tận vườn thu mua, đóng thùng chở đi các nơi tiêu thụ.

Bà con chất vú sữa vào thùng chuẩn bị vận chuyển đi xa

Các nhà vườn đánh giá, hiện nay vú sữa bơ hồng và vú sữa tứ quý là các giống có triển vọng với các ưu điểm trái to, bóng, đẹp và ngọt lành. Theo Hiệp hội Trái cây Việt Nam (Vinafruit) vú sữa là một trong 11 chủng loại có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam được Bộ NN-PTNT khuyến cáo phát triển hướng đến xuất khẩu.
Ông Trương Văn Phong, cán bộ khuyến nông xã Nhơn Ái cho biết, ở Nhơn Ái nhà vườn nào cũng trồng vú sữa, trong đó có trên 3,5ha vú sữa bơ hồng đang ra trái, vừa được mùa vừa trúng giá, bà con ai cũng phấn khởi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Thâm canh cây có múi theo VietGAP

Đó là mục tiêu chính được các đại biểu 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế) tập trung thảo luận tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp về “Giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cây ăn quả có múi” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NN-PTNT Hà Tĩnh vừa tổ chức.

100% sản phẩm vùng tập trung đảm bảo an toàn

Hiện khu vực Bắc Trung Bộ đã phát triển được khoảng 16.279ha cây ăn quả có múi (cam, bưởi, quýt). Nếu so sánh với các vùng khác trong cả nước thì diện tích này không lớn, tuy nhiên những năm gần đây, khi thực hiện chương trình Nông thôn mới thì phong trào sản xuất cây ăn quả có múi tăng mạnh cả về quy mô diện tích, năng suất và hiệu quả kinh tế.

Theo Cục Trồng trọt, toàn vùng Bắc Trung Bộ đang có hơn 9.800ha cam phát triển tốt, tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Những năm gần đây diện tích cam trên cho năng suất, hiệu quả kinh tế khá cao, thương hiệu một số loại “đứng” được trên thị trường trong và ngoài vùng, thậm chí ở các thị trường “khó tính” như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Điển hình là cam Vinh, cam Vân Du, Sông Con (Nghệ An); cam Khe Mây, Thượng Lộc, cam bù Hương Sơn (Hà Tĩnh)…

Đối với cây bưởi, diện tích hiện có là 5.155ha (chiếm 20,6% so với diện tích toàn vùng phía Bắc và 8,6% so với cả nước). Tập trung nhiều ở Hà Tĩnh (khoảng 2.000ha); Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế (hơn 1.000ha/tỉnh) và Nghệ An (730ha). Có 2 thương hiệu bưởi nổi tiếng là Phúc Trạch (Hà Tĩnh) và Thanh Trà (Thừa Thiên – Huế). Còn cây quýt, hiện diện tích đạt khoảng 1.270ha; chủ yếu tập trung ở tỉnh Nghệ An với hơn 900ha.

Mặc dù nằm trong nhóm 15 loài cây trồng có diện tích và sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả của cả nước. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay trong phát triển cây có múi khu vực Bắc Trung Bộ là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán (bình quân phổ biến 0,2 – 0,6ha/vườn hộ) dẫn đến quy cách, mẫu mã, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Bên cạnh đó, tâm lý trồng cây ăn quả theo phong trào, tự phát; năng suất thấp, đầu ra bấp bênh nên không đảm bảo tính ổn định, bền vững.

Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cam và bưởi là 2 cây trồng được tỉnh chọn chủ lực tập trung phát triển thời gian tới

Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các vùng đất đồi khu vực Bắc Trung Bộ, ngành NN-PTNT và các nhà khoa học đang khuyến khích các địa phương tập trung thâm canh, hướng tới mở rộng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Đối với cây cam, quýt, sản xuất tập trung trên 70% diện tích gắn với ngành công nghiệp chế biến; 100% sản phẩm vùng tập trung đảm bảo ATTP. Riêng cây bưởi, chú trọng tại Hà Tĩnh và Thừa Thiên – Huế, trong đó diện tích sản xuất tập trung trên 70% và 100% sản phẩm vùng tập trung đảm bảo ATTP.

Thu 5 tỷ từ cam

Theo đánh giá của nhiều hộ dân, hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả có múi cao hơn nhiều lần so với trồng cây lâm nghiệp và các cây trồng khác. Đặc biệt, ở khu vực Bắc Trung Bộ, diện tích đất đồi núi lớn, nghèo chất dinh dưỡng và thường xuyên phải đối mặt với thời tiết bất thuận thì việc phát triển cây ăn quả là một hướng đi đúng đắn. Vấn đề bà con quan tâm, lo lắng nhất hiện nay là giống và đầu ra sản phẩm.

Ông Đinh Văn Oánh (64 tuổi) ở xã Hương Đô, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nói: “Bây giờ virus gây hại cam rất nhiều do đó để nông dân tiếp cận được nguồn giống tốt, đề nghị các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo các giống cam mới; quản lý chặt chẽ hoạt động cung ứng giống tại các doanh nghiệp, đơn vị”.

Cũng theo ông Oánh, ngoài chất lượng giống thì cần khuyến khích, hỗ trợ người sản xuất tuân thủ quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng trái cam.

Ông Oánh là một nông dân điển hình vùng đất Hà Tĩnh trong sản xuất đặc sản cam Khe Mây (huyện Hương Khê). Năm 1991 ông là người đem những cây cam chanh đầu tiên về trồng trên đất Hương Đô, đến nay diện tích tăng lên đạt 20ha; trong đó, 7ha cho thu hoạch; năng suất bình quân 15 – 20 tấn/ha; doanh thu năm 2017 ước đạt 5 tỷ đồng. Toàn bộ diện tích của ông đều áp dụng quy trình VietGAP.

“Đất Hương Khê là đất cát pha sỏi, cằn cỗi lại hứng nhiều đợt gió nồm, gió lào nên có vị rất riêng, hội tụ đủ 3 vị ngọt, chua, mặn. Với giá trị dinh dưỡng cao đó nên giá bán thường giao động từ 60.000 – 70.000đ/kg, cao hơn các vùng khác từ 20.000 -30.000đ/kg”, ông Đinh Văn Oánh nhấn mạnh.

Nông dân Hà Tĩnh giàu lên nhờ sản xuất cam

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, cam và bưởi đang là 2 cây trồng được tỉnh xác định là cây chủ lực tập trung phát triển tại các huyện có diện tích đất đồi núi lớn như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc, Kỳ Anh. Năm 2017, hơn 1.290ha kinh doanh bưởi Phúc Trạch cho năng suất 10,4 tấn/ha; doanh thu bình quân đạt 500 triệu đồng/ha. Còn cây cam, diện tích đang tăng nhanh theo từng năm, năm 2017 đạt hơn 5.000ha; sản lượng hơn 47.000 tấn; doanh thu bình quân 350 triệu đồng/ha.

“Để gia tăng hiệu quả kinh tế, thời gian tới Hà Tĩnh tiếp tục lồng ghép các chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM để hỗ trợ nông dân; đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị từ cung ứng giống đến bao tiêu đầu ra cho bà con. Trong đó, quan tâm hàng đầu hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nói.

Hàng năm cơ sở Tuyết Hùng, TP Hà Tĩnh bao tiêu hàng trăm tấn cam, bưởi, quýt cho người dân toàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo chị Tuyết, cơ sở của chị là địa điểm thu mua sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ “độc nhất” ở TP Hà Tĩnh. Hơn chục năm qua, cơ sở đã đi tắt đón đầu, hỗ trợ, giúp đỡ người sản xuất trong việc tiêu thụ đầu ra, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao thì cơ sở Tuyết Hùng càng được chọn lựa hàng đầu.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.