Luân canh lúa – khoai lang tím Nhật xuất khẩu

Khoai lang tím Nhật là một giống cây trồng từng giúp cho nhiều nông dân trở nên khá giả, trong đó không ít người vươn lên hàng tỷ phú. Tuy nhiên, lắm lúc cũng khiến cho người trồng điêu đứng do giá cả biến động bất thường, đầu ra không ổn định.

Khoai lang tím Nhật

Ông Võ Văn Tước, 49 tuổi, quê ở ấp Tân Dương, xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long là một nông dân đã từng trải nghiệm với nhiều giống khoai, thành công cũng có, thất bại cũng nhiều. Từ những thất bại cay đắng, ông đã cần cù học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm, đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để dần dần trở thành một nông dân sản xuất giỏi.

Từ những thành quả lao động miệt mài, ông là người duy nhất ở Vĩnh Long đã đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017” do Hội Nông dân Việt Nam công bố.

Ông Tước kể, trước đây ông được cha mẹ cho 10 công đất gồm 6 công ruộng và 4 công vườn. Lúc đầu ông cuốc đất trồng khoai nhưng vì không có bờ bao nên khoai lúc trúng, lúc thua. Thế nhưng, sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm, dự các lớp tập huấn và được nhiều cán bộ nông nghiệp hướng dẫn nên năng suất ngày càng cao.

Nhờ tích lũy vốn liếng, mỗi năm sau mùa thu hoạch ông lại mua thêm đất canh tác. Tính đến nay, ông đã sở hữu gần 3ha đất vừa trồng khoai vừa cấy lúa theo mô hình luân canh. Lúc khởi nghiệp, ông trồng đủ các loại khoai lang nhưng hiệu quả không cao. Kể từ năm 2013, ông chuyển sang trồng khoai tím Nhật kết hợp với cấy lúa gia đình ông mới khá lên.

Là một nông dân tiêu biểu thời hội nhập, ông Tước không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động ở địa phương và hết lòng hỗ trợ khoai giống, đồng thời san sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật cho những hộ mới vào nghề.
Là một nông dân năng động, luôn tìm tòi suy nghĩ phải làm thế nào để nâng cao giá trị sản phẩm. Từ ý tưởng đó, ông Tước đã mạnh dạn trồng khoai vụ nghịch để bán với giá cao hơn. Thường mỗi năm ông xuống giống vụ I vào nửa tháng 7 âm lịch thu hoạch vào rằm tháng Chạp; tiếp theo là vụ II thu hoạch vào cuối tháng 6 âm lịch. Thu hoạch khoai xong ông bắt đầu sạ lúa.

Ông chia sẻ, sở dĩ ruộng khoai của ông trúng mùa, củ to, năng suất, chất lượng cao là nhờ có đê bao khép kín, chủ động được nguồn nước, không sợ ngập úng vào mùa mưa và khô hạn vào mùa nắng. Nhờ vậy mà sản lượng bình quân mỗi vụ trên 50 tạ/công (tạ = 60kg). Cá biệt năm 2016 tăng lên gấp đôi.

“Vua khoai lang” Võ Văn Tước

Ngoài ra, ông còn tích cực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, đặc biệt là cách diệt côn trùng phá hoại dây, lá và củ. Nhờ cần cù sáng tạo và làm ăn có hiệu quả cao nên nhiều bạn bè con ở Bình Tân thường gọi ông là “vua khoai lang”.

Ông Tước phấn khởi cho biết lợi thế của khoai lang tím Nhật là dễ dàng xuất khẩu sang nhiều nước do chất lượng thơm ngon, màu sắc đẹp, độ dinh dưỡng cao. Hiện có giá dao động từ 450.000 – 500.000 đồng/tạ (cao gấp 4 lần các loại khoai lang khác). Ngoài 2 vụ lúa – khoai, ông còn trồng thêm rau màu trên bờ đê, mé ruộng, thu nhập cũng khá cao. Tính bình quân mỗi năm, sau khi trừ hết các chi phí ông Tước còn lời trên 1 tỉ đồng.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Trồng cà chua thân gỗ tại nhà

Cà chua thân gỗ hay còn có tên gọi là Tamarillo, có xuất xứ từ Ecuador và đã được trồng thành công tại Việt Nam, hiện đang là loại quả khiến các bà nội trợ tích cực săn lùng.

Loại cà chua thân gỗ này có nhiều thịt hơn, thơm hơn và có vị chua ngọt. Không chỉ sử dụng trong nấu ăn, cà chua thân gỗ còn được dùng chủ yếu để làm salad, hoặc ăn trực tiếp như hoa quả bình thường, làm nước ép trái cây vì rất giàu các vitamin và khoáng chất. Quả Cà chua thân gỗ – Tamarillo thường có màu cam hoặc màu đỏ, quả hình elip. Quả cà chua thân gỗ này cũng rất giống với cà chua thường mà chúng ta vẫn hay sử dụng, nhưng mức giá thì lại đắt gấp gần 50 lần.

Hãy cùng tìm hiểu cách trồng loại cà chua đang làm mưa làm gió này cho khu vườn nhà bạn thôi để khỏi xót tiền mỗi lần phải mua chúng.

Thời điểm gieo hạt thích hợp nhất là mùa xuân, khi thời tiết mát mẻ. Bạn có thể tìm mua hạt giống ở các cửa hàng có bán với giá khoảng 30.000đ/gói (4 hạt) và gieo như cách gieo hạt cà chua đỏ thông thường ở Việt Nam.

Sau khi cây ra lá và đủ lớn thì bạn chuyển chúng ra đất trồng. Tuy nhiên cần lưu ý, đây là giống thân gỗ và tán lớn, cho nên chỉ có thể trồng ngoài vườn hoặc trong bồn lớn mà không nên trồng trong chậu hoặc thùng xốp để cây có thể phát triển tốt nhất.

Thời gian ra quả sau gần một năm tính từ khi trồng cây con. Cây con khỏe mạnh, phát triển nhanh và có sức đề kháng tốt, thích hợp trồng ở môi trường Việt Nam. Cây có thể ra quả quanh năm, và có thể thọ đến 20 năm tuổi.

Tuy nhiên, giống như các giống cây cà thông thường, thân cây cà chua rất giòn và dễ gãy, cho nên thường người ta sẽ kết hợp với giàn đỡ để cây không bị quá nặng, vì mỗi một đợt ra quả, cây có thể cho thu hoạch từ 40-60kg.

Theo như những người đã trồng thành công cây cà chua thân gỗ này thì cây cà chua nhà chị không thấy bị sâu bệnh và cũng không cần chăm bón quá nhiều như các loại quả và rau khác. Bạn cũng có thể dùng phân hữu cơ, phân gà, phân vi sinh để bón cho cây.

Loại cà chua này đang được bán trên thị trường với giá từ khoảng 500.000đ – 1.000.000đ, và thường không có sẵn mà phải đặt trước nhiều ngày rồi nhập khẩu về.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Cà chua trái cây được trồng từ sữa và trứng

Giống cà chua trái cây có nguồn gốc từ nước Nhật, chỉ là cà chua bình thường. Tuy nhiên, quy trình chăm sóc và tưới tắm lại đặc biệt không giống bất kỳ loại cây ăn quả nào. Đó là phân bón được thay bằng hỗn hợp sữa và trứng gà

Một người phụ nữ tên Phạm Thị Xuân Thủy ở Lâm Đồng là người tiên phong trong việc áp dụng cách trồng trọt của người Nhật vào Việt Nam.

Đầu tiên, một hệ thống nhà kính được lắp đặt với khung sắt không gỉ. Ngoài ra, còn lắp thêm hệ thống tưới tiêu tự động nhỏ giọt để tạo độ đồng đều chăm bón. Sau đó, sẽ chọn giống cà chua thường trước khi ghép với giống cà chua Nhật.

Cà chua sẽ được trồng bình thường đến khi nó trổ hoa thì bắt đầu áp dụng phương pháp tưới tiêu đặc biệt. Hỗn hợp sữa bò, sữa bột, trứng gà và mật mía được lên men trong một tuần và tiến hành tưới tiêu đều cho các cây.

Công thức pha trộn cũng được điều chỉnh để hợp hơn với khí hậu và thời tiết Việt Nam. Kết quả thu hoạch được khoảng 8-10kg mỗi cây và cứ 50-60 ngày cây bắt đầu cho trái.

Mục đích của hỗn hợp tưới tiêu trứng sữa này là cà chua sẽ hạn chế hết mức bị sâu bệnh phá hoại và có vị ngọt thanh chứ không chua như cà chua thường. Đặc biệt hơn nữa là, khi ăn có mùi thơm từ trứng sữa và không hề tanh.

Hỗn hợp này có giá thành khá cao và đòi hỏi kỳ công, vì thế mà cà chua trái cây đắt gấp nhiều lần các giống cà chua khác là điều dễ hiểu. Mỗi cân có giá lên đến 100 ngàn đồng

Ngoài việc mang lại vị giác tươi mới, giống cà chua này cũng đặc biệt chứa hàm lượng oxy hóa cao, ngăn ngừa ung thư nhất là ung thư tuyến tiền liệt.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Tỏi voi Nhật Bản trồng được ở “Vương quốc tỏi” Lý Sơn

Đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh một doanh nghiệp Nhật Bản muốn đưa loại tỏi voi ra trồng ở “vương quốc tỏi” Lý Sơn…

Một doanh nghiệp của Nhật Bản vừa làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn về việc thông qua dự án phát triển và tiêu thụ giống tỏi voi của Nhật Bản trên huyện đảo Lý Sơn. Theo doanh nghiệp này, nếu trồng tỏi voi, người dân sẽ nâng cao ý thức phân loại rác thải để chế biến phân hữu cơ đạt chất lượng và mang đến Quảng Ngãi mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu Nhật Bản tại Việt Nam.

Tỏi Lý Sơn vang danh không chỉ trong nước sẽ gặp khó với tỏi Nhật Bản?

Doanh nghiệp muốn trồng tỏi là Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering và Công ty CAN Holdings (Nhật Bản). 2 doanh nghiệp này giới thiệu về sản phẩm tỏi voi và lĩnh vực sản xuất kinh doanh. CAN Holdings là Công ty chuyên sản xuất phân hữu cơ để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, tỏi voi là một trong những sản phẩm được Công ty sản xuất tại Nhật Bản.

Theo lời giới thiệu của CAN Holdings tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỏi voi giống tỏi có năng suất, chất lượng, giá trị cao và tốt cho sức khỏe. Để sản xuất 100m² tỏi voi cần khoảng 1 tấn phân bón hữu cơ. Sản lượng đạt 4,5 tấn/ha. Ở Nhật trị giá 1kg tỏi voi có giá khoảng 180.000 đồng/kg. Do đó, để sản xuất giống tỏi này đạt chất lượng cần chi phí lớn, đòi hỏi phân hữu cơ đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rác thải làm phân hữu cơ không có kim loại và chất độc.

Nông dân trồng tỏi ở Lý Sơn

Được biết, nếu dự án thành hiện thực, 2 công ty này, sẽ mang giống tỏi voi sang trồng tại đảo Lý Sơn để xuất khẩu sang Nhật Bản.

Được biết, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã mang mẫu tỏi voi tới Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn để giới thiệu, mặc dù vậy, một số người dân Lý Sơn cho rằng, nếu trồng tỏi voi trên đảo, thương hiệu tỏi Lý Sơn vang danh bấy lâu nay sẽ bị ảnh hưởng.

Khí hậu và thổ nhưỡng cho phép Lý Sơn được mệnh danh là “vương quốc tỏi”

Đảo Lý Sơn được mệnh danh là “vương quốc tỏi” bởi khí hậu, thổ nhưỡng của hòn đảo này cho phép người nông dân trồng được loại tỏi tép nhỏ, thơm, nhiều chất dinh dưỡng mà lại không quá cay nồng. Tỏi Lý Sơn không chỉ là một nông sản vang tiếng trong nước mà còn được bạn bè quốc tế ưa chuộng. Hiện nhiều doanh nghiệp tỏi cũng đang xuất khẩu tỏi Lý Sơn qua các nước như Quata, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan và cả… Nhật Bản

Nguồn: Danviet.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Bộ cảm biến ngăn chặn lãng phí nước trong tưới tiêu cây trồng

Một kỹ thuật mới do các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học Nông nghiệp bang Pennsylvania của Mỹ sáng chế sẽ hỗ trợ một cách hiệu quả người nông dân trong việc tưới tiêu, ngăn chặn sự lãng phí nước và tránh cho cây thiếu nước. Đó là các bộ cảm biến thực vật đo độ dày và điện dung của lá.

Kiểm soát sự căng thẳng về nước của cây trồng đặc biệt quan trọng ở những khu vực khô cằn thường được thực hiện bằng cách đo độ ẩm của đất hoặc xây dựng các mô hình nhằm tính toán tổng lượng nước bốc hơi ở mặt đất và sự thoát hơi nước của cây trồng.

Bộ cảm biến cung cấp nước cho cây trồng

Tuy nhiên, một kỹ thuật mới do các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học Nông nghiệp bang Pennsylvania của Mỹ sáng chế sẽ hỗ trợ một cách hiệu quả người nông dân trong việc tưới tiêu, ngăn chặn sự lãng phí nước và tránh cho cây thiếu nước. Đó là các bộ cảm biến thực vật đo độ dày và điện dung của lá.

Công trình thử nghiệm được thực hiện trên cây cà chua trong một nhà kính với nhiệt độ không đổi và chu kỳ sáng tối 12 giờ trong 11 ngày. Môi trường tăng trưởng là một hỗn hợp đất, than bùn với lượng nước được ghi nhận bằng một cảm biến đo độ ẩm đất.

Hàm lượng nước trong đất được duy trì ở mức tương đối cao trong ba ngày đầu và sau đó được phép khử nước, trong thời gian 8 ngày. Các nhà nghiên cứu chọn ngẫu nhiên sáu chiếc lá đã được tiếp xúc trực tiếp với nguồn ánh sáng và gắn cảm biến vào chúng, tránh các gân lá chính và các cạnh. Họ ghi lại các số liệu trong khoảng năm phút một lần.

Sự thay đổi độ dày của lá hằng ngày là không đáng kể khi độ ẩm của đất dao động từ cao đến điểm héo. Tuy nhiên, sự thay đổi đã được ghi nhận ở ẩm độ đất thấp hơn điểm héo và độ dày này ổn định trong hai ngày cuối cùng của thí nghiệm khi hàm lượng hơi nước đạt 5%.

Điện dung ở lá gần như không đổi ở một giá trị tối thiểu trong suốt thời kỳ tối và tăng nhanh trong thời kỳ sáng, cho thấy nó phản ánh hoạt động quang hợp. Các biến thể điện dung hằng ngày biến đổi khi độ ẩm của đất dưới điểm héo và hoàn toàn giảm xuống dưới mức dung lượng nước 11%, cho thấy ảnh hưởng của áp suất nước lên điện dung đã được quan sát qua ảnh hưởng của nó đối với quang hợp.

Nhà khoa học Amin Afzal, thuộc Đại học bang Pennsylvania, thành viên nhóm nghiên cứu nói: “Độ dày của lá giống như một quả bóng – nó phồng lên do sự hydrat hóa và co lại bởi sự căng thẳng của nước, hay mất nước”.

Cơ chế đằng sau mối quan hệ giữa điện dung của lá và nước là phức tạp. Điện dung của lá thay đổi để đáp ứng sự thay đổi tình trạng nước của cây trồng và ánh sáng xung quanh.Vì vậy, việc phân tích chiều dày lá và biến thể điện dung cho thấy tình trạng nước của cây được cung ứng tốt hay là bị khô hạn.

Nghiên cứu này cũng nhằm phát triển một hệ thống mà các cảm biến gắn trên lá sẽ gửi thông tin chính xác về độ ẩm thực vật tới một đơn vị trung tâm ở cánh đồng, sau đó truyền thông theo thời gian thực cùng hệ thống tưới tiêu để tưới cho cây trồng. Các cảm biến có thể được cung cấp điện không dây với pin hoặc pin mặt trời.

Trong một nghiên cứu tiếp theo, Afzal vừa hoàn thành việc đánh giá cảm biến lá trên cây cà chua trong nhà kính. Ngoài ra, ông đang phát triển một thuật toán để chuyển biến dạng độ dày và điện dung của các lá phiếu sang các thông tin có ý nghĩa về tình trạng nước cây.

Nguồn: Dwrm.gov.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nông sản Việt “hái” tiền đô nhờ công nghệ Nhật

Sản xuất, chế biến theo công nghệ Nhật Bản giúp nông sản Việt Nam dễ dàng chinh phục các thị trường khó tính.

Từ sự hợp tác tận tình của đối tác Nhật Bản trong chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn công nghệ của Nhật và gặt hái thành công.

Trồng hoa xuất sang Nhật bằng… cảm biến

Nắm thông tin về thị trường tiêu thụ hoa khổng lồ của Nhật Bản với 9 tỉ USD mỗi năm từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), Công ty Pan Saladbowl đã chọn hoa cúc với 40 giống có màu sắc và kiểu hoa khác nhau làm sản phẩm chiến lược để đầu tư công nghệ Nhật, xuất khẩu sang Nhật. Đây là một trong những thị trường khắt khe nhất và khó nhằn với bất kỳ doanh nghiệp xuất khẩu nào.

Theo bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch HĐQT Công ty Pan Saladbowl, không phải tự nhiên Pan Saladbowl đi vào con đường khó mà có sự tính toán rất chi tiết và cẩn trọng. “Tại điểm khởi đầu, công ty đã tìm hiểu các cơ hội, nắm bắt nhu cầu thị trường, có đối tác cam kết tiêu thụ đầu ra, rồi mới tiến hành xây dựng nhà kính, đầu tư máy móc, công nghệ. Cách làm này sẽ không đặt doanh nghiệp vào thế rủi ro do đầu tư quá lớn nhưng không bán được hàng hóa” – bà My chia sẻ.

Một nhóm chuyên gia Nhật đã hỗ trợ Pan Saladbowl từ phân tích vùng trồng, thổ nhưỡng cho đến tư vấn kỹ thuật sản xuất. Theo đó, toàn bộ diện tích hoa trồng trong nhà kính với khả năng kiểm soát môi trường và khí hậu tối đa cho cây trồng thông qua các cảm biến và hệ thống máy tính tự động.

Quy trình trồng, chế biến chuối theo công nghệ Nhật được theo dõi rất chặt chẽ. Có khi chỉ một vài trái xấu phải bỏ cả nải chuối.

Một công nghệ hiện đại của Nhật Bản được công ty ứng dụng là sử dụng công nghệ IT, điện thoại thông minh vào quản lý, sản xuất nông nghiệp. Với việc áp dụng công nghệ này, người quản lý không cần ra đồng vẫn nắm bắt, biết được công nhân đang làm gì và hiệu quả công việc ra sao. Mỗi công nhân được trang bị một điện thoại thông minh đã cài sẵn chương trình quản lý.

Ví dụ, khi bắt đầu công việc thì nhấn vào nút bắt đầu, như bắt đầu lên luống hoặc tra hạt, chăm sóc… đến khi dừng công việc thì ấn vào nút kết thúc. Tất cả thông tin về quy trình đó sẽ lập tức được gửi về máy chủ và người quản lý sẽ biết được các công việc hay tình hình đang diễn ra.

“Suất đầu tư lên đến 10 tỉ đồng cho 1 ha nhà kính nhưng đổi lại, mô hình này đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật, đảm bảo hoa đạt chất lượng đồng đều, màu sắc, trọng lượng, tuổi thọ kéo dài 6-7 tuần” – bà My tiết lộ.

Hiện nay, Pan Saladbowl sản xuất một năm hơn bảy triệu cành hoa cúc và cẩm chướng, xuất khẩu hết sang thị trường Nhật. “Các đối tác Nhật cho biết nếu công ty tăng thêm sản lượng gấp 2-3 lần thì thị trường Nhật vẫn bao tiêu hết” – bà My chia sẻ tin vui.

Khổ trước nhưng sướng sau

Không chỉ hoa mà gần đây, nhiều trang trại, doanh nghiệp Việt đã áp dụng thành công công nghệ Nhật để trồng rau, quả… Là đơn vị đầu tiên và duy nhất hiện nay xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản, ông Khưu Nhon Hiếu, Tổng Giám đốc Koyu&Unitek, cho biết để có kết quả này công ty đã phải trải qua các điều kiện, thủ tục thú y mất gần ba năm.

“Đặc biệt, công ty phải bỏ ra 6 triệu USD nhập dây chuyền máy móc, công nghệ từ Nhật Bản để xây dựng nhà máy có công suất chế biến 50.000 con gà/ngày” – ông Hiếu cho hay.

Ông Nguyễn Minh Kha, chủ trang trại gà đang cung ứng gà cho Công ty Koyu&Unitek, cho biết thêm để xuất khẩu được hàng đi Nhật cần tuân thủ các điều kiện rất khắt khe về chất lượng. Theo đó, toàn bộ gà giống phải được nhập khẩu từ Pháp và Mỹ.

“Trong quá trình nuôi không được xảy ra các dịch bệnh cúm gia cầm, bệnh dịch tả và không tồn dư kháng sinh. Ngay cả một số kháng sinh mà Việt Nam cho phép dùng trong chăn nuôi, Nhật cũng không cho sử dụng” – ông Kha kể.

Thành công với việc xuất khẩu thương hiệu chuối Fohla sang Nhật, Hàn Quốc và Singapore, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, chia sẻ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, thất bại nhiều lần mới đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính này vì trước đây doanh nghiệp chủ yếu xuất dễ sang Trung Quốc.

Ông Huy nhấn mạnh: “Dù khó khăn nhưng khi đã áp dụng theo các tiêu chuẩn, quy trình công nghệ Nhật thì doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm được chi phí nhân công, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm hư hỏng nông sản sau thu hoạch… Quan trọng nhất là uy tín, chất lượng, thương hiệu được bảo đảm”.

Lợi cho nông dân

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, cho rằng nông nghiệp Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng với công nghệ hiện đại, sản xuất sạch. Những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật đang chọn Việt Nam nơi có điều kiện thổ nhưỡng tương đồng, thích hợp để hợp tác đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp. Đây cũng là hướng phát triển mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới, hợp tác trực tiếp với Nhật để làm theo đơn đặt hàng.

Tuy vậy, theo GS Xuân, ngoài áp dụng công nghệ Nhật thì cần phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp như Nhật với khả năng thực hiện đa nhiệm vụ. Cụ thể, một hợp tác xã có thể kinh doanh hàng loạt dịch vụ kinh tế-xã hội như cung cấp nguyên liệu đầu vào, tổ chức thị trường đầu ra, cho vay tín dụng, cung cấp dịch vụ bảo hiểm, phân phối hàng tiêu dùng…“Hợp tác xã kiểu Nhật cũng là đầu mối áp dụng khoa học kỹ thuật hợp tác chuyển giao với các doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra, bảo vệ quyền lợi cho nông dân” – GS Võ Tòng Xuân gợi ý.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng lời giải việc tăng giá trị nông sản, mang lại lợi nhuận cao nằm ở việc phát triển công nghệ trong nông nghiệp. Câu chuyện hàng Việt áp dụng công nghệ Nhật là kinh nghiệm tốt. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết hiện nay Bộ đang phối hợp với bộ, ngành liên quan đẩy nhanh các mô hình liên kết nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực rau quả nói riêng, trồng trọt nói chung phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nguồn: Tintucnongnghiep.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa: Thủ phủ hoa cúc Ninh Giang căng mình phục hồi sau bão

Thủ phủ hoa cúc Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) không chỉ cung ứng hoa cho các tỉnh thành trong cả nước, mà còn xuất bán sang Campuchia trong dịp tết. Tuy nhiên, cơn bão số 12 đi qua đã gây thiệt hại nặng nề cho người trồng hoa nơi đây.

Phường Ninh Giang có khoảng 300 hộ trồng hoa, mỗi nhà trồng bình quân từ 200 – 1.000 chậu. Cơn bão số 12 đi qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và tình hình sản xuất của bà con nông dân của phường. Bão đổ bộ, nước lũ dâng cao khiến một số diện tích hoa bị ngập úng; số khác bị đổ ngã, hư hỏng do gió bão kèm mưa lớn. Tuy đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ hoa nhưng làng hoa vẫn bị thiệt hại khoảng 30%, ước tính hơn 1 tỉ đồng.

Nông dân làng hoa cúc Ninh Giang đang nỗ lực hết sức để phục hồi cho cây hoa sau bão. 

Về làng hoa sau một tuần cơn bão đi qua, chúng tôi bắt gặp những diện tích hoa bị đổ, ngã, hư hỏng và bị vàng lá khá nhiều. Hiện nay, người dân đang tất bật khắc phục hậu quả sau bão. Những chậu cúc ngã đổ trong mưa bão đang được người dân dựng lại, uốn nắn và chăm sóc.

Không chỉ tốn công khắc phục những cây bị lỏng gốc sau bão, nông dân còn phải căng mình để phục hồi diện tích hoa bị bệnh vàng lá do ngập lụt. Người dân cho biết tuy có thể phục hồi sức sống cho hoa nhưng không thể bằng lúc trước, khiến giá trị cây hoa bị giảm sút.

Mưa bão đã làm một số chậu hoa bị bể, hư hỏng hoàn toàn.

Ông Trần Minh Tự – người trồng hoa ở phường Ninh Giang – cho biết: “Sau bão lại bị mất điện nên chúng tôi phải thuê máy phát điện với giá 300.000 đồng và tốn 10 lít xăng cho một đêm để chong đèn cho hoa. Nhưng nếu không chong đèn, hoa vào nụ sớm thì nông dân sẽ đứng trước nguy cơ trắng tay”.

Cây hoa cúc bị đổ ngã, xiêu vẹo trong gió bão khiến chậu hoa mất dáng được tạo trước đó. 

Ngoài ra, các chủ vườn hoa còn tốn thêm các kinh phí khắc phục, thuê nhân công để uốn lại nhánh, bơm xịt thuốc trừ sâu bệnh để hạn chế thiệt hại. Anh Thanh Nhàn – phường Ninh Giang – cho hay, những chậu hoa trước bão đã được cắm cây, tạo dáng nhưng sau bão bị đổ ngã, siêu vẹo nên phải dựng và chống đỡ lại cho từng cây.

Nhiều cây bị chết, héo úa. 

Những cây bị gãy, buộc phải cắt bỏ, chỉ còn trơ lại gốc.

Nông dân làng hoa còn phải căng mình khắc phục diện tích bị vàng lá do ngập lụt.

Dù trước đó đã được cắm cây, tạo dáng, nhưng sau bão, hoa bị ngã đổ, siêu vẹo nên nông dân phải thực hiện chống đỡ lại cho cây.

Nguồn: Báo Lao động được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Bệnh mốc sương cà chua

Trong điều kiện độ ẩm cao, nhiều đám mốc trắng bắt đầu xuất hiện trên mặt các vết này. Khi khô, các vết đó sẽ biến màu nâu như màu gan và dễ vỡ khi va chạm nhẹ.

Các vết màu nâu đậm cũng có thể được hình thành từ ban đầu trên thân, cuống lá và quả cà chua. Sau đó, chúng chuyển qua màu nâu đen. Những tổn thương thường xuất hiện sớm trên quả non. Khi quả chín, để lại những vết nâu như màu sô cô la trên bề mặt quả.

Bệnh mốc sương cà chua

Nguyên nhân gây bệnh

Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây bệnh ban đầu là các sợi nấm của các vụ trước còn sót lại trong đất. Khi gặp điều kiện thuận lợi, bào tử nang hình thành trên các vết thương tổn và sản sinh ra các động bào tử nấm bệnh. Nhờ nước tự do, các động bào tử xâm nhập vào trong cây qua lỗ khí khổng hoặc các vết thương.

Bệnh xuất hiện và phát triển trên đồng ruộng khi có nhiệt độ thấp (khoảng 20 độ C) và độ ẩm cao. Ở thời gian vụ ĐX, nhiệt độ thấp lại thường có mưa phùn kéo dài trong nhiều ngày là điều kiện lý tưởng để bệnh mốc sương phát sinh. Dưới điều kiện thích hợp, có thể xảy ra nhiều đợt bùng phát bệnh trong một vụ do giai đoạn ủ bệnh ngắn.

Khi chuẩn bị trồng cần vệ sinh đồng ruộng bằng cách dọn sạch hoàn toàn các cây bị bệnh và phần còn lại của chúng từ các vụ trước. Kế đó là việc chọn giống. Trong những giống có năng suất cao, nên chọn trồng các loại có khả năng kháng bệnh tốt, theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Độ ẩm trên ruộng cũng nên giữ ở mức thấp trong chừng mực có thể, bằng cách điều chỉnh việc tưới nước.

Nhiệt độ thấp lại thường có mưa phùn kéo dài trong nhiều ngày là điều kiện lý tưởng để bệnh mốc sương phát sinh

Nên trồng luân canh các loại cây khác nhau, vụ này cây này, vụ sau cây khác. Đặc biệt sau vụ có bệnh bùng phát mạnh. Do bệnh mốc sương gây hại cả trên cà chua và khoai tây, nên lưu ý nếu thấy những ruộng khoai tây gần đó bị bệnh này thì nên phun thuốc phòng.

Phòng trị bệnh

Các thuốc hoá học thường dùng có khá nhiều như các hoạt chất Chlorothalonil (Daconil 500SC…), Folpet (Folpan 50WP…), Mancozeb (Manozeb 80WP…), Metalaxyl+Mancozeb (Ricide 72WP…). Tốt nhất, nên phun thuốc phòng tối thiểu một lần trước khi bệnh xuất hiện. Điều này rất đáng lưu ý trong phòng trừ bệnh nói chung. Sau đó có thể phun từng đợt, cách nhau 7 – 14 ngày, tùy theo điều kiện thời tiết và mật độ vết bệnh phát hiện trên ruộng.

Thường xuyên thăm đồng, nếu thấy vết bệnh xuất hiện thì phun thuốc càng sớm càng tốt, không nên để bệnh nặng mới đi phun. Việc phun liên tiếp một loại thuốc trừ bệnh trong nhiều lần có thể dẫn đến sự kháng thuốc của mầm bệnh, vì thế làm giảm hiệu lực phòng trừ. Để tránh điều này, nên sử dụng đảo các loại thuốc với nhiều kiểu tác động khác nhau (tiếp xúc, nội hấp…) trong một chu kỳ phun.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

7 loại thuốc trừ sâu thiên nhiên có thể tự chế tại nhà

1. Nước cây xoan (cây sầu đâu)

Người Ấn Độ cổ đại rất coi trọng chất dầu từ cây xoan bởi tác dụng đuổi các loài gây hại cho côn trùng. Thực tế, nước từ quả xoan và lá cây còn có thể làm dung dịch trừ sâu bởi chất đắng chứa bên trong.

Dầu từ cây xoan bởi tác dụng đuổi các loài gây hại cho côn trùng

Cụ thể, người dùng hòa 15 ml dầu xoan và một phần thìa cà phê nước rửa bát vào khoảng 1,9 lít nước ấm, khuấy đều rồi cho vào bình xịt. Dầu xoan có thể thay bằng dung dịch nước từ quả hoặc lá xoan phơi khô, nghiền nhỏ. Dung dịch này có hiệu quả với hầu hết các loại sâu, rệp.

2. Dầu khoáng nông nghiệp

Dầu khoáng được chưng cất từ dầu mỏ ở 30-40 độ C có khả năng trừ sâu mà không làm cháy lá cây. Để làm dung dịch diệt trừ sâu bọ, người dùng trộn khoảng 5-10 ml dầu khoáng với một lít nước, khuấy đều rồi cho vào bình xịt. Đây là thuốc trừ sâu hiệu quả với những loại côn trùng và trứng của chúng. Cụ thể, dầu giúp bịt các lỗ thở, làm sâu ngạt thở và chết, làm trứng sâu bị ung, đồng thời hạn chế sâu hại tìm đến cây chủ.

Nông dân thường dùng dầu khoáng để diệt trừ nhện hại, rầy, rệp, bọ trĩ và hạn chế ruồi, sâu đục quả. Tuy nhiên, người dùng không phun dầu khoáng trong giai đoạn cây ra hoa hoặc dưới trời nắng nóng.

3. Dung dịch từ ớt và tỏi, gừng

Các loại củ, quả như ớt, tỏi, gừng… chứa hàm lượng axit lớn, tác động đến các bộ phận như mắt, da của các sâu bọ và côn trùng hại. Để làm dung dịch này, người dùng băm nhỏ ớt, tỏi, gừng theo tỷ lệ 1: 1: 1, sau đó thêm khoảng 3 lít rượu vào hỗn hợp và để ngâm trong khoảng 15 ngày.

Các loại củ, quả như ớt, tỏi, gừng… chứa hàm lượng axit lớn, tác động đến các bộ phận như mắt, da của các sâu bọ và côn trùng hại

Khi phun, dung dịch được hòa với nước theo tỷ lệ 200ml tỏi gừng ót với 12 lít nước cho một sào. Loại thuốc trừ sâu thảo mộc này có thể để tới 4, 5 tháng.

4. Trà hoa cúc

Hoa cúc chứa một thành phần hóa học thực vật mạnh có tên gọi pyrethrin. Chất này sẽ xâm chiếm hệ thần kinh của côn trùng và làm chúng không hoạt động được.

Có thể chế tạo dung dịch thuốc trừ sâu từ hoa cúc

Người dùng có thể tự chế dung dịch thuốc trừ sâu từ hoa cúc bằng cách đun sôi 100 gram hoa cúc phơi khô với một lít nước trong vòng 20 phút, sau đó, lọc lấy nước, để nguội rồi cho vào bình xịt. Loại thuốc này hiệu quả đối với động vật có máu lạnh, côn trùng và động vật không xương sống. Nước hoa cúc giữ được tới 2 tháng. Người dùng có thể trộn thêm với dầu cây xoan để tăng hiệu quả.

5. Dung dịch từ thuốc lào

Dung dịch từ thuốc lào từng được sử dụng để tiêu diệt sâu hại, nhộng bướm, rệp và các loài nhuyễn thể như sên. Để điều chế, người dùng trộn thuốc lào hoặc lá, thân của cây thuốc lá đã phơi khô với 3,7 lít nước và ngâm hỗn hợp qua đêm. Sau 24 giờ, hỗn hợp ngâm có màu nâu nhạt, nếu dung dịch quá sẫm màu, người dùng nên thêm nước. Thời điểm thích hợp để phun dung dịch này là khi nhiệt độ khoảng trên 30 độ C. Hỗn hợp có thể dùng cho hầu hết các loại thực vật ngoại trừ các cây thuộc họ cà như cà chua, ớt, cà tím…

6. Cây ruốc cá

Cây ruốc cá (cây dây mật) được sử dụng để diệt trừ sâu bọ, côn trùng, rầy xanh, rệp bông… Tại một số vùng ở nước ta, người dân hái cây duốc cá tươi, làm thành vòng treo trên sừng những con trâu bị dòi hay có ký sinh.

Để điều chế thuốc trừ sâu rầy từ cây ruốc cá, bạn ngâm rễ cây rồi giã, vắt lấy nước, sau đó đem phun. Ngoài ra, hạt cây khi rang lên, giã thành bột cũng có thể đem ngâm nước rồi phun. Khoảng 7kg bột cây ruốc cá có thể ngâm với 400 – 500 lít nước và phun cho khoảng một ha.

Thuốc bảo vệ thực vật từ cây ruốc cá cho hiệu quả 70-80% với sâu ba ba hại rau muống, rầy xanh hại chè, rầy bông, tuy nhiên không độc với bọ rùa, ong mắt đỏ.

7. Cây nghể răm

Cây nghể răm không độc với người nhưng độc với các loài nhuyễn thể, giun, sán, rệp muội, các loại sâu ăn lá nên loại cây này còn được dùng để trị các bệnh về giun sán và tiêu hóa.

Người dùng lấy cây nghể răm giã nhuyễn, ngâm với khoảng 3 lít nước ấm (tỷ lệ pha 3 sôi : 2 lạnh) sau đó lọc, pha lại với 8 lít nước để phun cho diện tích 500m².

Ngoài ra, bạn có thể đun 4kg cây nghể răm trong 8 lít nước, sau khi sôi khoảng 20 phút thì tắt bếp để ngâm qua đêm, sau đó lọc và đem phun cho 500m2 ruộng. Để tăng hiệu quả, người dùng có thể pha thêm với dung dịch thuốc lào.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Giải mã giống lúa nước mặn của Trung Quốc

Lần đầu tiên, lúa trồng trên nước biển pha loãng ở quy mô thương mại đã được sử dụng trong các bữa ăn hằng ngày của người Trung Quốc. Điều như không tưởng đã trở thành sự thật…

Loại lúa được trồng ở khu vực nước mặn

Điều đặc biệt, loại gạo này không được trồng theo cách truyền thống ở những cánh đồng nước ngọt, mà nó sinh trưởng trong môi trường nước mặn, cụ thể là khu vực bờ biển Hoàng Hải tại thành phố Thanh Đảo, Sơn Đông.

Trung Quốc có khoảng 1 triệu km diện tích đất lãng phí, nơi cây cối rất khó phát triển bởi độ mặn hoặc độ kiềm cao trong đất. Do đó, nhà khoa học nông nghiệp Yuan Longping (87 tuổi), được mệnh danh là “cha đẻ của các giống lúa lai”, đã tìm ra cách trồng lúa trong điều kiện đất đai hạn chế. Ông cho hay, 1/10 diện tích nêu trên dùng để trồng lúa chịu mặn thì tổng sản lượng gạo của Trung Quốc sẽ tăng lên gần 20%. Họ có thể sản xuất 40 tấn lương thực, đủ để nuôi sống 200 triệu người với diện tích đất ấy.

Ông Yuan Longping (ở giữa) và nhóm nghiên cứu đi khảo sát tại cánh đồng lúa nước mặn ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

Vào giai đoạn giữa những năm 1970, lo lắng về việc làm thế nào để cung cấp lương thực cho một quốc gia tăng trưởng nhanh và đông dân nhất thế giới, Trung Quốc đã bắt đầu cho nghiên cứu một loại lúa có thể sống được trên những cánh đồng nước mặn.

Những phát hiện ban đầu trong lĩnh vực này thuộc về nhà nghiên cứu Chen Risheng ở tỉnh Quảng Đông khi ông vô tình tìm thấy một loại lúa dại màu đỏ trong rừng ngập mặn tại huyện Toại Khê, thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông.

Sau nhiều thập kỷ tiến hành lựa chọn tính trạng, lai giống và sàng lọc di truyền, các nhà nghiên cứu đã phát triển được ít nhất 8 giống lúa có thể trồng trên nước mặn, nhưng năng suất của chúng vẫn thấp, chỉ 2 tấn/hecta, bằng 1/3 năng suất gạo thông thường, nên không đủ để trồng trên diện rộng.

Mới đây, tại cánh đồng lúa nước mặn lớn nhất Trung Quốc ở Thanh Đảo, thành quả từ đội nghiên cứu của ông Yuan tỏ ra rất khả quan khi thu hoạch về 4,5 tấn gạo/hecta đất.

Lúa nước mặn được thu hoạch

Công nghệ Sinh học Yuan Ce, một công ty khởi nghiệp tại Thanh Đảo, đối tác của nhóm nghiên cứu khoa học của ông Yuan, đã mở một cửa hàng gạo điện tử và đặt tên “Yuan Mi” cho sản phẩm của mình để vinh danh thành tựu của “cha đẻ” dự án.

Loại gạo được bày bán hiện tại được thu hoạch từ năm ngoái. Vụ mùa năm nay sẽ chính thức bắt đầu vào tháng tới. Mỗi kilo-gram gạo Yuan Mi có giá 7,5USD (tương đương 170.000 đồng), cao hơn 8 lần so với giá gạo thông thường. Tháng trước, gần 1.000 người đã đặt mua loại gạo này và cửa hàng Yuan Ce cho tới nay đã bán được 6 tấn gạo nước mặn kể từ tháng Tám.

“Mục tiêu doanh số bán hàng của chúng tôi là 10 triệu nhân dân tệ (34,3 tỷ đồng) vào cuối năm nay”, người phụ trách kinh doanh của Yuan Ce nói.

Giáo sư Huang Shiwen dẫn đầu một đội nghiên cứu các loại bệnh dịch trên lúa gạo tại viện Nghiên cứu Gạo Quốc gia Trung Quốc ở Hàng Châu, Chiết Giang cho biết, nước biển là một chất làm sạch tự nhiên, có thể làm giảm hoặc loại trừ sự lây truyền một số bệnh do vi khuẩn gây ra.

“Để tồn tại được trong môi trường khắc nghiệt, dòng lúa mới phải có một số gene “cứng rắn” giúp nó kháng cự tốt hơn với các cuộc tấn công của bệnh dịch hoặc các loài sâu bọ, đặc biệt là những bệnh ở gốc hoặc phần thân dưới của cây”, Giáo sư nói.

Giống lúa được phát triển bởi ông Yuan và các nhóm khoa học khác trước đó không phải được trồng hoàn toàn trên nước biển mà nó sẽ được hòa lẫn với nước ngọt để giảm nồng độ muối xuống còn 6 gram trên mỗi lít nước. Thông thường, trung bình mỗi lít nước biển chứa khoảng 30 gram muối.

Các nhà nghiên cứu cho hay sẽ mất nhiều năm nữa mới có thể phát triển giống lúa trồng được trên nước biển nguyên chất.

Nguồn: Nguoiduatin.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.