Bệnh thường gặp trên cây chuối

Nhóm bệnh do vius gây ra

 Bệnh chùn đọt chuối, bệnh khảm lá chuối, bệnh sọc chuối. Đối với nhóm bệnh này hiện không có thuốc trị, thời gian từ khi cây chuối bị nhiễm bệnh đến khi phát hiện bệnh ra bên ngoài kéo dài 3 – 4 tháng nên khi phát hiện bệnh cần phải đào bỏ ngay và xử lý đất thật cẩn thận (đào hố chôn rồi rắc vôi, đem đốt bỏ …) trước khi trồng lại phải rắc vôi xử lý sau 1 tháng mới trồng lại.
Bệnh chùn đọt (Bunchy top virus): Cây bị bệnh lá mọc chụm lại ở ngọn thân giả, lá nhỏ, bìa bị vàng, mép lá uốn cong, cuống lá ngắn lại. Trên phiến lá có các sọc xanh lợt chạy song song với các gân phụ.
Bệnh chùn đọt chuối
Bệnh khảm lá (CMV: Cucumber Mosai Virus): Bệnh do virus gây hại. Cây bị bệnh lá có sọc vàng từ ngoài bìa lá vào cuống lá, cây phát triển kém, khi phát hiện cây bị bệnh cần phải đào bỏ và xử lý ngay để tránh lây nhiễm.
Bệnh sọc lá chuối (CSV)Bệnh do virus gây hại. Các bệnh do virus gây hại đều có khả năng truyền từ cây này sang cây khác, bệnh lây lan trực tiếp qua con giống và trung gian truyền bệnh như rầy mềm sống ở các bẹ lá chuối, tuyến trùng trong đất truyền virus từ cây này sang cây khác hoặc trong quá trình đánh tỉa con chuối, cắt lá chuối…
Phòng trừ: Trong trường hợp vườn chuối đã bị bệnh và đang có chiều hướng lây lan rộng, cần tiến hành ngay một số biện pháp sau:
– Vệ sinh vườn sạch sẽ tạo độ thông thoáng cho vườn chuối, cắt bỏ và thu gom các lá già để tiêu hủy, không tủ vào gốc.
– Đào bỏ các cây bị bệnh nặng, nhặt hết cả củ để tiêu huỷ đồng thời phun trừ rệp bằng các loại thuốc Sherpa, Pyrinex, Fenbis, Sago super. Phun ướt đều lá, thân và gốc cây chuối.
– Không sử dụng cây con ở vườn đã bị bệnh để làm giống.
– Nếu vườn bị bệnh nặng nên phá bỏ và trồng cây khác trong khoảng 1 năm sau mới trồng lại chuối được.

Nhóm bệnh do vi khuẩn

Bệnh đốm lá hay bệnh cháy lá
Do nấm Sigatoka vàng (Mycosphaerella musicola) và Sigtoka đen (Mycosphaerella fijiensis), bệnh gây hại trên lá tạo ra những hình bầu dục có màu nâu với viền vàng rất rõ (Sigatoka vàng). Đối với Sigatoka đen những đốm bệnh có màu sậm hơn và xuất hiện ở mặt dưới của lá. Bệnh phát triển mạnh vào những tháng mùa mưa và mùa có sương, ẩm ướt, bệnh nặng ảnh hưởng tới năng suất cây.
Bệnh đôm lá
Biện pháp phòng trị: Vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt tỉa lá già và lá bị bệnh đem đốt, thoát nước tốt cho vườn chuối trong mùa mưa. Phun các thuốc gốc đồng hay Benomyl, macozeb, Zineb, Kocide, Tilt, Score, Anvil… phun từ 2 – 4 lần trong mùa mưa.
Bệnh héo rũ Panama ( Fusarium oxysporumf)
Cây chuối bị nhiễm bệnh Panama thường có hiện tượng vàng từ lá già lên các lá non. Triệu chứng vàng phát triển từ bìa lá và lan vào hướng gân lá. Lá bị bệnh thường héo, cuống gãy và lá treo trên thân giả, đôi khi cuống lá cũng bị gãy ở phần giữa phiến lá. Trên các lá già bị héo khô quanh thân giả, chỉ còn một số lá đọt xanh và mọc thẳng, các lá đọt này có màu xanh nhạt hơi vàng hoặc bị méo mó, nhăn nheo, cuối cùng khô héo. Cây bị bệnh chết nhưng thân không ngã đổ, các bẹ ngoài bị nứt dọc, các chồi con vẫn phát triển xung quanh nhưng sau đó cũng bị héo rụi. Cắt ngang thân giả sẽ thấy các bó mạch có màu nâu vàng, cắt ngang thân thật (củ chuối) các mạch có màu đỏ nâu và bốc mùi hôi. Nấm bệnh lưu tồn trong đất và các cây bệnh. Nấm có thể sống hoại sinh trong củ chuối và các bộ phận khác một thời gian dài, lây lan chủ yếu theo cây chuối con và đất có mang mầm bệnh. Nấm bệnh xâm nhập chủ yếu qua chóp rễ hoặc qua vết thương ở rễ. Sau khi xâm nhập, nấm sẽ phát triển trong mạch mọc làm cho cây bị vàng héo.
Bệnh Panama
Biện pháp phòng trị: Thường xuyên kiểm tra vườn và vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt bỏ những lá bệnh đem đốt, thoát nước tốt. Phun các thuốc gốc đồng hay Benomyl, macozeb, Zineb, Kocide, Tilt, Score, Anvil….vào mùa mưa thì 2 – 4 tuần phun 1 lần.
– Nên chọn đất có độ pH hơi kiềm để trồng chuối.
– Không dùng chuối con ở các vườn bị bệnh làm giống, gọt sạch rễ và đất ở gốc trước khi trồng.
– Nên bón vôi vào các hố trồng, có thể nhúng gốc chuối con vào dung dịch Bordeaux hay các thuốc gốc đồng như: Funguran, COC 85, Kocide…
– Khi phát hiện cây bệnh nên đào bỏ các gốc bệnh và rải vôi khử đất.
– Nếu vườn chuyên canh chuối mà bị bệnh nặng nên ngưng canh tác, cho ngập nước từ 2-3 tháng để diệt mầm bệnh.
– Tưới thuốc vào đất ở các vườn chuối con bằng các loại thuốc như Benomyl, macozeb, Zineb, Kocide, Tilt, Score, Anvil…

Nhóm bệnh trên quả chuối

Gồm bệnh đốm đen (Fruit Freckle) và bệnh chấm đen (Deigh toniella speckle), bệnh rỉ nước ở quả chuối.
Bệnh đốm đen và bệnh chấm đen thường xảy ra cùng 1 lúc trên cùng một buồng chuối. Bệnh lây nhiễm từ lá mang bệnh truyền qua buồng chuối. Vào mùa mưa khi ẩm độ không khí cao bệnh phát triển mạnh.
Những đốm đen trên quả chuối dân thường gọi là đốm trứng cuốc nhưng thực tế là do nấm bệnh, bệnh này không ảnh hưởng tới chất lượng quả chuối nhưng làm mất vẻ đẹp thẩm mỹ của quả chuối nên không xuất khẩu được.
Nguồn : Khuyến nông Lâm Đồng, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Phòng trừ sâu bệnh trên bắp cải

Thời tiết mưa nắng đan xen tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển các loại rau, trong đó có cây cải bắp. Bà con nông dân cần chú ý cách phòng trừ.

Các loài sâu gây hại

– Sâu tơ: thường tập hợp ở mặt dưới lá.

– Sâu xanh bướm trắng: thường ẩn nấp mặt dưới lá.

– Bọ nhảy sọc cong vỏ lạc: gây hại nặng nhất ở thời kỳ cây con mới mọc nếu mật độ 1 – 2 con/cây kết hợp trưởng thành hại lá có thể làm cây chết.

Sâu tơ hại bắp cải.

Phòng trừ:

– Biện pháp canh tác: Thu dọn tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch. Cuốc lật đất cày sâu 10 – 15 cm, phơi ải từ 10 – 15 ngày trước khi trồng (hoặc lên luống rồi phủ ni-lông trên bề mặt từ 3 – 5 ngày để diệt ấu trùng sau đó gieo trồng bình thường). Bón phân đầy đủ và cân đối, sử dụng phân hữu cơ hoai mục. Thường xuyên luân canh với các cây khác họ. Gieo trồng tập trung đúng thời vụ.

-Biện pháp hoá học:

+ Đối với sâu tơ: Khi mật độ sâu trên 20 con/m2 (giai đoạn cây con) và trên 30 con/m2 (cây lớn) thì sử dụng thuốc: Oncol 20EC, Cyperkill 10EC, 25EC, 5EC, Pegasu 500SC, Reasgant 1,8EC, 3,6EC, Sokupi 0,36AS, Catex 1,8EC, 3,6 E…

+ Đối với sâu xanh bướm trắng: Khi mật độ sâu non trên 6 con/m2 sử dụng thuốc Ratoin 10EC, Delfin WG (32BIU), Biocin 16WP, Cymerin 10EC…

+ Bọ nhảy: Khi mật độ trên 20 con/m2 sử dụng thuốc Actara 25WG, Sokupi 0,36 AS, 0,5AS….

Chú ý: Khi phòng trừ phải phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì, tuân theo nguyên tắc “4 đúng”, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học và thuốc thảo mộc và bảo đảm đúng thời gian cách ly.

Bệnh thối nhũn

Có 2 nguyên nhân gây ra ( do nấm thối hạch và do vi khuẩn thối nhũn gây ra). Cần nhận biết và phân biệt rõ vỡi những triệu chứng sau:

Thối nhũn do nấm

– Do nấm tồn tại trong đất trồng, tàn dư gây ra.

– Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ, mất màu sau đó nhũn ra.

– Bệnh gây thối từng lớp lá từ trên xuống dưới.

– Gặp độ ẩm không khí cao thấy có lớp tơ màu trắng bao phủ vết bệnh. Không có mùi khẳn.

– Thuốc trị bệnh: Validacin3L, Rovral50WP, Anvil5SC, Bennomyl 50WP…

Bắp cải bị thối nhũn

Thối nhũn do vi khuấn

– Do vi khuẩn tồn tại trong đất trồng, tàn dư gây ra

– Lúc đầu thấy xuất hiện một số lá bị héo vào buổi trưa, tươi lại buổi chiều.

– Bệnh làm thối mềm phần trong của cây (lõi) rồi sau đó làm thối nhũn cả bắp.

– Độ ẩm cao, thối nhũn càng nặng và ngửi vết bệnh thấy có mùi khẳn đặc trưng của hiện tượng thối nhũn do vi khuẩn.

– Không có thuốc trị bệnh mà chỉ có thuốc phòng: Kasumin 2L, Starner 20WP, New Kasuran 16,2 WP, Rovral 50WP.

Chú ý: Khi gặp thời tiết có mưa, để phòng bệnh thối nhũn cải bắp, người trồng không nên xới xáo làm đứt rễ cây hoặc vặt lá gốc cây. Đồng thời, cần trừ sâu ăn lá (sâu xanh) nếu có sâu gây hại. Khi ruộng bị nhiễm bệnh, không nên tưới nước vào chiều mát.

Bệnh đốm lá do nấm

Vết bệnh hình tròn, có màu tím đậm sau chuyển nâu có viền vàng hoặc nâu đen. Vết bệnh già có màu đen, đôi khi thấy có một lớp bột màu đen che phủ lên bề mặt vết bệnh. Vết bệnh điển hình nhìn như đốm mắt cua.

Bệnh đốm lá

Thuốc phòng và trị bệnh: Score, Anvil 5SC, Antracol 70WP, Rovaral 50WP…

Bệnh cháy lá bã trầu do vi khuẩn

Vết bệnh có màu đỏ, ẩm thì nhũn ra, khô hanh thì giòn. Cây bị bệnh thường các lá bị cháy từ bìa lá cháy vào. Vết bệnh thường có hình tam giác mà đỉnh là gân lá.

Vi khuẩn tồn tại trong hạt giống và xác cây bị bệnh, không tồn tại trong đất trồng. Các vết thương như các sẹo lá, vết thương do côn trùng, vết thương cơ học, vết bệnh do các mầm bệnh khác,… là các cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập.

Bệnh cháy lá bã trầu

Bệnh nhiễm nặng hơn trong điều kiện có mưa và nhiệt độ cao và có thể lây nhiễm từ cây bệnh sang cây mạnh trong khi vận chuyển sau thu hoạch hoặc trong khi tồn trữ.

Bệnh sưng rễ

Trồng bắp cải chỉ sau 3 tuần bắt đầu tạo củ – đây là bệnh gây sưng rễ cải bắp.
Triệu chứng:
Bệnh sưng rễ cải bắp (hay còn gọi là bệnh nốt sần rễ cải bắp) là một trong những đối tượng bệnh nguy hiểm. Bệnh không chỉ gây hại trên cải bắp mà còn gây hại trên cả su hào, cải bẹ, cải củ và các cây rau họ thập tự khác. Đặc điểm của bệnh là tạo thành các nốt sần, các u bướu trên rễ cây. Các cây bị bệnh lá héo vàng, bắp không phát triển hoặc không hình thành bắp.

A : Bệnh sưng rễ. B : vườn bắp cải bị sưng rễ

Nguyên nhân:
Gây sưng rễ cải bắp được xác định là do nấm Plasmodiophora brassicae Wor. Nấm gây bệnh là một loại ký sinh chuyên tính và chỉ phát triển trong tế bào cây đang sống. Bào tử ngủ nghỉ ở trong đất, đến khi gặp điều kiện thuận lợi thì phát triển thành các du động bào tử có một lông roi ở phía đầu. Các du động bào tử này xâm nhập vào cây qua các lông rễ để gây bệnh. Sau khi xâm nhập vào rễ cây các du động bào tử biến thành các khối chất nguyên sinh hình cầu, sau đó các khối này lại phân chia thành nhiều du động bào tử đơn bội thể giao phối với nhau và tạo thành các khối nhị bội thể. Vào cuối giai đoạn sinh trưởng của cây, dưới tác động của các vi sinh vật trong đất, các nốt sần ở rễ cây vỡ ra, bào tử nấm rơi vào đất và là nguồn lây bệnh cho vụ sau.
Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh:
Bào tử nấm nảy mầm trong phạm vi nhiệt độ từ 6 – 28 C, độ ẩm đất vào khoảng 50 – 97%; nhưng nhiệt độ thích hợp cho bào tử nảy mầm là từ 18 – 25 C và ẩm độ đất là từ 75 – 90%. Trong đất không phải tất cả các bào tử đều nảy mầm một lúc; khả năng sống của bào tử nấm từ 6 – 7 năm. Nấm lan truyền từ ruộng này sang ruộng khác cùng với cây giống, cũng có thể qua dòng nước tưới, qua giun và các loại côn trùng sống trong đất.
Biện pháp phòng trừ bệnh:
+ Gieo trồng các giống cây chống bệnh.
+ Không trồng cải bắp và cây họ hoa thập tự 2 – 3 năm liên tiếp trên cùng mảnh ruộng.
+ Loại bỏ cây con bị bệnh trước khi mang ra ruộng trồng.
+ Trên chân đất chua cần bón bổ sung vôi.
+ Vun gốc cho cải bắp sau mỗi lần bón thúc và tưới nước để cải bắp ra thêm rễ mới giúp cây phát triển tốt hơn.
+ Tích cực diệt trừ cỏ dại đặc biệt là cỏ dại họ hoa thập tự vì nấm có thể tích luỹ ở rễ các loại cây này.
+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện cây bệnh kịp thời nhổ bỏ cả cây lẫn rễ và mang tiêu huỷ.
+ Có thể sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma trộn với phân chuồng khô từ 10 – 15 ngày sau đó bón vào rãnh trước khi trồng cây.

Tổng hợp bởi Farmtrch Vietnam