Nuôi trồng thủy sản ứng phó biến đổi khí hậu

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) cần được ngành, các địa phương tăng cường nguồn lực để nhân rộng.

Nuôi cá lồng bè vượt lũ trên hồ thủy lợi Khe Ngang

Các đợt mưa lớn, kể cả những trận lũ cuối năm 2017 vừa qua không gây thiệt hại đến NTTS tại xã Hương Phong (TX. Hương Trà) nhờ hệ thống ao hồ nuôi tôm, cua, cá được người dân tôn cao bờ bao, chắn thêm lưới bao quanh để bảo vệ.

Ông Đặng Duy Đấu ở xã Hương Phong nhìn nhận, BĐKH trong những năm gần đây thể hiện rất rõ nét. Triều cường ngày càng dâng cao, mưa lũ thất thường với cường độ lớn hơn. Nhiều vụ nuôi thủy sản phải thu hoạch non, bán giá rẻ. Một số vụ không thu hoạch kịp thời bị lũ cuốn trôi. Từ 3 năm trở lại đây, ông Đấu cũng như nhiều hộ dân ở Hương Phong không còn lo lắng mỗi khi triều cường, hay nước lũ dâng cao nhờ phương án ứng phó lũ lụt là tôn cao bờ bao, vây lưới chắn quanh ao hồ cao 1-1,5m.

Ông Phan Hữu Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Phong đánh giá, từ khi triển khai mô hình ứng phó BĐKH, tình hình NTTS trên địa bàn xã Hương Phong khá ổn định. Các mùa bão lũ hằng năm, thủy sản được bảo vệ an toàn, nuôi đảm bảo kích cỡ mới thu hoạch bán với giá cao. Nhiều hộ lãi bình quân từ 50-100 triệu đồng/vụ. Trong các đợt lũ cuối năm 2017, ngoài các ao hồ đã thu hoạch, số còn lại đều được bảo vệ an toàn.

Tại xã Quảng Công (Quảng Điền), người dân cũng triển khai mô hình NTTS thích ứng BĐKH mang lại hiệu quả kinh tế. Bà Lê Thị Khoa ở thôn 14 có hơn 30 năm trong nghề NTTS cho hay, 5 năm trở lại đây, nhờ mô hình ứng phó BĐKH bằng cách tôn cao bờ bao, chắn lưới quanh ao hồ đã bảo vệ an toàn, có thể nuôi thủy sản quanh năm mà tránh được thiệt hại do thiên tai.

Người dân xã Quảng Công còn đào đắp hệ thống kênh mương, ao chứa nước ngọt, đầu tư thêm giếng bơm, máy bơm nước dự phòng. Khi triều cường, xâm nhập mặn, người dân kịp thời vận hành máy móc, bơm bổ sung nguồn nước ngọt sẵn có để ổn định độ mặn, độ PH trong ao nuôi.

Mô hình NTTS ứng phó BĐKH tại xã Hương Phong

Ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, toàn xã có khoảng 126 ha NTTS của 225 hộ nuôi các loại. Để bảo vệ sản xuất, người dân có ý tưởng vây chắn lưới quanh ao hồ, tôn cao bờ bao, ứng phó nước lũ dâng. Mô hình này phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả kinh tế.

Ngoài các biện pháp vây chắn lưới, tôn cao bờ bao, thời gian qua một số hộ nuôi đã chọn đối tượng thủy sản phù hợp, thích ứng BĐKH. Tại xã Hải Dương (TX. Hương Trà), trong khi nhiều hộ nuôi cá mú, hồng, vẩu… bị thiệt hại hoàn toàn trong các đợt lũ cuối năm 2017 thì hộ ông Phan Hạnh nuôi cá chẽm đã bảo vệ an toàn, lãi khá cao.

Sau nhiều vụ nuôi, ông Hạnh nhận thấy cá chẽm thích nghi tốt với nguồn nước lũ bạc đầu nguồn đổ về, trong khi đó cá vẩu, cá hồng, cá mú thường bị chết. Mới đây nhất trong các đợt lũ tháng 12/2017 vừa qua, các loại cá đều chết sạch do nước bạc, duy chỉ cá chẽm sống sót.

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (CCTS) tỉnh cho rằng, những mô hình NTTS ứng phó BĐKH ở Hương Phong, Hải Dương, Quảng Công tuy không khó thực hiện nhưng chưa phổ biến.

Sắp đến, CCTS phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự bỏ vốn đầu tư mua sắm lưới để vây chắn quanh ao hồ, tôn cao bờ bao nhằm đảm bảo NTTS quanh năm, mang lại hiệu quả kinh tế. CCTS tiếp tục nghiên cứu, chọn các đối tượng thủy sản thích hợp để người dân đưa vào sản xuất trong điều kiện BĐKH.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Tỉnh An Giang đang tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu bền vững dựa trên thế mạnh về lúa và cá tra, đồng thời phát triển ngành du lịch xanh…

An Giang đang tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Ông Thiều Vĩnh An, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh An Giang cho biết, ước tính tổng diện tích trồng lúa năm 2017 của tỉnh đạt gần 649.200ha, giảm gần 20.000ha, trong đó các  vụ ĐX, HT và TĐ đều giảm diện tích. Đồng thời diện tích hoa màu gieo trồng được hơn 60.000ha, tăng nhẹ so cùng kỳ. Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, diện tích gieo trồng cây lúa giảm do chuyển dịch sang cây trồng và nuôi thủy sản khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tổng sản lượng lúa cả năm đạt xấp xỉ 4 triệu tấn, giảm gần 40.000 tấn, nhưng giá trị SX tăng, ước tính giá trị SX nông nghiệp bình quân đạt mức 160 triệu đồng/ha.

Nông nghiệp An Giang đang hướng tới SX bền vững. Ngoài kế hoạch SX lúa hàng năm để đảm bảo kế hoạch lương thực, xu hướng chuyển dịch sang các cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nông dân áp dụng.

Tỉnh chú trọng SX lúa gạo an toàn, nâng cao chất lượng, tăng diện tích lúa nếp để đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm 2017, riêng sản lượng lúa nếp đã đạt gần 1,1 triệu tấn, tăng 271.500 tấn so năm trước. Tuy nhiên để đảm bảo SX bền vững, tỉnh đã quy hoạch vùng SX lúa nếp tại huyện Phú Tân, và thường xuyên kiểm soát các địa phương “xé rào” SX do sức hút của thị trường.

Trong SX cây lúa hàng năm, xu hướng hình thành chuỗi liên kết SX từ khâu cung cấp giống chất lượng cao đến khâu thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, chế biến xay xát và xuất khẩu đang được nhiều nông dân lựa chọn. Theo thống kê mỗi năm trên địa bàn tỉnh có  trên 35.400ha đất SX 2 vụ thực hiện chuỗi liên kết SX mang lại hiệu quả cao cho nông dân.

Ngành nông nghiệp An Giang đang tổ chức thực hiện liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để xây dựng thương hiệu lúa gạo của tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sản phẩm lúa gạo ra thị trường ngoài nước.  Trong nhiều năm qua tại tỉnh An Giang, Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng và vận hành hai nhà máy chế biến xay xát gạo với công suất là 200.000 tấn/năm/nhà máy.

Các nhà máy gắn liền với vùng nguyên liệu tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành và xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn cùng các địa phương khác gần nhà máy với phương thức: Tập đoàn Lộc Trời liên kết SX với hộ nông dân để cung cấp sản phẩm cho nhà máy. Tập đoàn cung cấp cho nông dân giống lúa tốt để áp dụng quy trình SX an toàn cho sản phẩm gạo sạch…

Trong các năm qua, nông nghiệp An Giang đánh dấu bước chuyển biến từ chuyển dịch diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn trái, mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Năm 2017 tổng diện tích cây ăn trái trên 15.800ha, tăng 19,2% (tương đương tăng 2.552ha so cùng kỳ), trong đó diện tích cây ăn trái tăng chủ yếu trên địa bàn huyện Chợ Mới. Diện tích cây ăn trái đã cho thu hoạch sản phẩm trên 11.700ha.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới cho rằng, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang hình thành vùng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái là hướng đi đúng của huyện. Chợ Mới đang hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững bằng hình thành các HTX  trồng xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tưới nhỏ giọt. Hiện toàn huyện đã hình thành các vùng trồng xoài tập trung, với các giống chất lượng cao như xoài Đài Loan, xoài Cát Hòa Lộc. Kế hoạch nâng diện tích xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP đến năm 2018 là 500ha.

Tri Tôn là huyện miền núi có đông bà con dân tộc Khmer sinh sống, với điều kiện đất đai khí hậu có 6 tháng mùa mưa và 6 tháng là mùa nắng nóng. Kinh tế của huyện trước đây chỉ trông chờ vào trồng lúa, nuôi bò với quy mô nhỏ lẻ, bấp bênh. Năm 2017 đánh dấu bước chuyển tích cực của huyện, khi có nhiều DN đầu tư chăn nuôi gia súc với quy mô lớn bằng công nghệ tiên tiến. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho huyện Tri Tôn trong phát triển nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích tích cực cho bà con.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi tôm ứng phó với biển đổi khí hậu: Nhiều mô hình quảng canh hiệu quả

Ba huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Nhiều nông dân chuyển đổi từ nuôi tôm biển thâm canh sang quảng canh hoặc quảng canh cải tiến. Đặc biệt, có một số nông dân đã áp dụng công nghệ cao chuyển sang nuôi tôm biển thâm canh 2 giai đoạn. Cùng với việc trúng mùa, giá tôm nguyên liệu thời gian qua luôn duy trì ở mức cao, người nuôi có lãi.

Nhờ mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn áp dụng công nghệ cao nên lần đầu tiên tại Thạnh Phú tôm biển đạt năng suất đến hơn 90 tấn/héc-ta/vụ.
Giá cao, Người nuôi có lãi

Từ đầu năm 2017 đến nay, ao nuôi tôm sú quảng canh rộng 3,5ha của ông Nguyễn Văn Yêm ở xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú đã mang về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Đây là năm thứ 5 liên tiếp ao tôm đã mang về lợi nhuận như thế. Theo ông Yêm, nuôi tôm sú quảng canh rất… nhàn nhã, vì ban ngày chăm sóc tôm, chiều tối chèo xuồng đi đặt lú. “Nhiều người khuyên tôi nên chuyển qua nuôi tôm thâm canh cho mau giàu. Nhưng tôi nghĩ nuôi tôm thâm canh mà không đủ tiền đầu tư tới nơi tới chốn sẽ dễ bán đất. Sống ở đây hơn 50 năm, tôi đâu còn lạ gì khí hậu thất thường, lắm rủi ro ở xứ biển mình”, ông Yêm chia sẻ.

Không xổ cống vào 2 con nước rằm và 30 như nhiều người nuôi tôm biển quảng canh ở đây, ông Yêm chọn cách đóng chặt cống và đặt lú đều đặn mỗi ngày để thu hoạch tôm sú. Ông Yêm nói: “Mình chủ động chọn độ to nhỏ của lưới để phù hợp với con tôm thiên nhiên hay con tôm sú ở những kích cỡ khác nhau. Làm như vậy sẽ giữ được nguồn nước an toàn cho tôm, vì xung quanh cũng còn không ít người nuôi tôm thâm canh xả nước mang mầm bệnh ra sông. Ngoài ra, con tôm thu hoạch bằng lú sẽ còn sống, bán được cho các quán ăn, nhà hàng với giá đôi khi cao gấp đôi con tôm sú ướp đá”.

Trong khi đó, những nông dân có diện tích đất dưới 1ha tại vùng biển thường áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ quảng canh cải tiến. Bởi, chi phí đầu tư ít hơn so với nuôi thâm canh, khi thành công thì lợi nhuận cao hơn. Đầu năm 2017, anh Võ Văn Thật ở xã An Điền, huyện Thạnh Phú đầu tư hơn 100 triệu đồng để cải tạo 5 vuông nuôi tôm quảng canh thành quảng canh cải tiến. Anh Thật thả với mật độ hơn 200

con/m2. Hai vụ thu hoạch mang về lợi nhuận gần 1 tỷ đồng. “Nuôi tôm quảng canh cải tiến không phải đầu tư nhiều vốn, diện tích đất ít cũng làm được, chỉ cần chịu khó chạy quạt và thu gom thức ăn như cá phân, ốc… có tại địa phương, cùng với ít thức ăn công nghiệp là nuôi được” – anh Thật chia sẻ.

Cùng với việc trúng mùa, năm nay giá tôm biển luôn duy trì ở mức cao. Tôm sú ướp đá cỡ 30 con/kg ở mức hơn 230 ngàn đồng/kg; 40 con/kg hơn 180 ngàn đồng/kg. Riêng tôm sú còn sống loại 30, 40 con/kg giá thường cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với tôm ướp đá; tôm cỡ 50 – 60 con/kg giá luôn trên 125 ngàn đồng/kg, loại 100 con/kg giá trên 100 ngàn đồng/kg. Người nuôi có lãi cao.

Nuôi tôm “sạch”

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú, toàn huyện hiện có trên 18 ngàn héc-ta nuôi tôm biển, trong đó khoảng 1,5 ngàn héc-ta nuôi tôm biển thâm canh và hơn 1,5 ngàn héc-ta nuôi tôm càng xanh xen trong ruộng lúa. Mô hình nuôi tôm quảng canh thích ứng với biển đổi khí hậu đã đạt hơn 220kg/công/năm, tăng hơn 20% so với các năm trước. Năm nay, trên 90% diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện trúng mùa. Bà con đã theo khuyến cáo trở về với các mô hình có khả năng ứng phó tốt với biến đổi khí hậu như nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, luân canh lúa trong ao tôm. Đặc biệt, trong năm nay, có khoảng 100 héc-ta nuôi tôm thâm canh thông thường chuyển sang nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn áp dụng công nghệ cao thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. 3 vụ nuôi trong năm 2017, nhiều hộ dân đã thành công, năng suất đều trên 90 tấn/héc-ta.

Trong vài năm gần đây, diện tích nuôi tôm thâm canh đầu tư giản đơn tại huyện Thạnh Phú giảm đáng kể. Cụ thể, từ diện tích trên 5 ngàn héc-ta của năm 2013 đã giảm xuống còn khoảng 1,5 ngàn héc-ta vào năm nay. Đây là tín hiệu lạc quan, kiểm soát dịch bệnh tại các vùng nuôi được tốt hơn. Chính quyền đã hỗ trợ người dân tiến hành xây dựng nhãn hiệu cho con tôm biển bằng các khuyến cáo không sử dụng thuốc kháng sinh thay vào đó sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, hữu cơ nhằm phát triển thương hiệu cùng với lúa sạch Thạnh Phú. Huyện cũng hỗ trợ người dân phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các vùng nuôi tôm sạch, góp phần tăng thu nhập cho người nuôi. Cũng thông qua mô hình này, huyện quảng bá nhãn hiệu lúa sạch cũng như du lịch sinh thái.

“Việc áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất tôm quảng canh là một nhiệm vụ quan trọng của ngành thủy sản trong thời gian tiếp theo. Vì điều đó chẳng những làm cho môi trường nuôi luôn giữ được sức đề kháng cao trước dịch bệnh, thời tiết khó lường hiện nay, mà còn là một tiêu chí quan trọng để các nhà đầu tư hướng đến xây dựng nhà máy chế biến có quy mô lớn tại Bến Tre. Có nhà máy chế biến tại chỗ thì giá trị thu được của người nuôi chắc chắn sẽ nhiều hơn và việc xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị liên kết đối với con tôm biển sẽ sớm thành công. Ngoài ra, sử dụng vùng nguyên liệu sạch trên cơ sở phát triển tài nguyên bản địa trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung để phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác phát triển du lịch cộng đồng cũng là một nhiệm vụ quan trọng mà ngành nông nghiệp đang thực hiện”, ông Bùi Văn Lâm – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Nguồn: Báo Đồng khởi được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Biến đổi khí hậu làm tăng độc tố trong thực phẩm

Do phải vật lộn để tồn tại trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên một số cây lương thực có thể sản sinh ra nhiều độc tố có hại cho người và vật nuôi.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hạn hán và nhiệt độ cao gây ra sự tích tụ của các thành phần độc hại tiềm ẩn trong cây trồng – tương tự khi con người bị stress.

Báo cáo nhận định và đề xuất các giải pháp cho các vấn đề đang nổi lên trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm độc tính theo mùa vụ, các bệnh lây từ động vật và ô nhiễm do nhựa công nghiệp gây ra.

Cây lương thực đang chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu. Cây lương thực đang chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu. 

Theo báo cáo trên, lúa mì, lúa mạch, ngô và kê là những loại cây trồng dễ tích lũy nitrat, do hậu quả của hạn hán kéo dài. Ở động vật, ngộ độc nitrate cấp tính có thể gây sẩy thai, ngạt thở và thậm chí tử vong. Nó cũng có thể hủy hoại cuộc sống và sinh kế của nông dân và người chăn nuôi.

Mưa lớn sau một đợt hạn hán kéo dài cũng có thể dẫn đến sự tích tụ của hydrogen cyanide hoặc axit prussic trong hạt ngô, lúa, táo, anh đào và một số loài cây trồng khác.

Độc tố vi nấm aflatoxin cũng có thể được sản sinh trong quá trình các cây ngũ cốc chống chọi với biến đổi khí hậu. Loại nấm này gây bệnh ung thư ở người và cản trở sự phát triển của thai nhi.

Bà Jacqueline McGlade, nhà khoa học của UNEP cho biết, khoảng 4,5 tỷ người ở các nước đang phát triển phải tiếp xúc với aflatoxin mỗi năm, mặc dù con số thực tế có thể cao hơn.

“Theo một nghiên cứu gần đây, các độc tố aflatoxin cũng được coi như một mối đe dọa an toàn thực phẩm của châu Âu, đặc biệt là trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu đang tăng dần lên” – bà McGlade cho biết.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Lương thực nghèo chất dinh dưỡng do tình trạng ấm lên toàn cầu

Trong một nghiên cứu công bố ngày 2/8, các nhà khoa học cho biết lượng COtrong không khí tăng sẽ làm cho lượng protein trong các loại lương thực thiết yếu như gạo và lúa mì giảm, điều này đe dọa sự phát triển thể chất và giảm tuổi thọ của con người.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Environmental Research Letters, đến năm 2050 sẽ có 150 triệu người trên toàn thế giới có nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu protein liên quan trực tiếp tới sự gia tăng lượng khí CO2 trong khí quyển.

Nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học đến từ Đại học Harvard đứng đầu đã tiến hành nhiều thí nghiệm trên các cánh đồng rộng lớn, trong đó các cây lương thực được đặt trong môi trường có nồng độ CO2 cao hơn bình thường.

Kết quả cho thấy với mức tăng CO2 dự tính từ nay tới năm 2050, thì hàm lượng protein ở lúa mạch giảm 14,6%, ở lúa gạo giảm 7,6 % và ở lúa mì là 7,8% trong khi khoai tây là 6,4%.

Nông dân Nhật Bản làm việc trên một cánh đồng ở Chiba.Lương thực nghèo chất dinh dưỡng do tình trạng ấm lên toàn cầu

Sau đó, các nhà khoa học dựa trên các khuyến cáo của Liên hợp quốc về chế độ dinh dưỡng để tính toán mức độ ảnh hưởng đối với những người có nguy cơ thiếu protein.

Không chỉ ảnh hưởng tới hàm lượng protein, tình trạng gia tăng CO2 trong khí quyển có thể khiến các khoáng chất quan trọng như sắt, kẽm trong các loại lượng thực thiết yếu suy giảm và khiến tình trạng thiếu dinh dưỡng toàn cầu càng trở nên nghiêm trọng hơn, bởi có tới 76% dân số thế giới phụ thuộc vào các loại lương thực này để có đủ lượng protein hàng ngày, đặc biệt là ở các khu vực nghèo đói.

Theo nghiên cứu này, nếu lượng CO2 tăng đúng như tính toán thì tới giữa thế kỷ, dân số của 18 quốc gia trên thế giới sẽ mất hơn 5% lượng protein cần thiết trong thực đơn hàng ngày do lượng protein trong gạo và các lương thực thiết yếu giảm.

Nghiên cứu cũng chỉ ra những khu vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất sẽ là châu Phi hạ Sahara và khu vực Nam Á, nơi gạo và lúa mì là những loại lương thực không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày.

Các phương án khắc phục được đề xuất gồm cắt giảm CO2, đa dạng hóa chế độ ăn hàng ngày, tăng hàm lượng dinh dưỡng của các loại lương thực thiết yếu hoặc trồng các loại cây lương thực ít chịu sự tác động của CO2.

Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá ảnh hưởng của tình trạng ấm lên toàn cầu đối với hàm lượng protein trong các loại lương thực.

Các tác giả cho biết họ vẫn chưa lý giải được vì sao lượng khí thải CO2 lại có thể làm giảm hàm lượng protein hay các thành phần dinh dưỡng khác của các loại lương thực, nhưng hiện tượng này có thể để lại những hậu quả nguy hiểm trên toàn cầu bởi không có protein, quá trình phát triển thể chất sẽ bị ức chế, bệnh tật nhiều hơn và tuổi thọ sẽ giảm đi.

Giả thiết thuyết phục nhất cho tới nay là CO2 khiến lượng tinh bột trong các loại lương thực tăng nên giảm hàm lượng protein và các chất dinh dưỡng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam