Kính nể lão nông ‘nghiệp dư’ nuôi Cá lồng kết hợp Trai lấy ngọc, thành công bất ngờ

Ông Hạnh kết hợp với Cty TNHH Thảo Vân triển khai thêm mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Những con trai đã cấy nhân để tạo ngọc được treo bên cạnh lồng cá sẽ giúp thanh lọc nguồn nước tại chỗ. Ông đầu tư hơn 400 triệu để nuôi 50.000 con trai lấy ngọc…

Dù có hoàn cảnh kinh tế khá giả, lại đã được nghỉ hưu nhưng ông Lưu Văn Hạnh (xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) lại chọn cho mình một công việc mới vô cùng vất vả và nhiều bất trắc.

Quyết định táo bạo

Đầu năm 2016, khi nghe Thạc sỹ thủy sản Trần Viết Vinh (Đại học Nông lâm Thái Nguyên) nói về triển vọng, hiệu quả của việc nuôi cá lồng, ông Hạnh đã bị mê hoặc về ý tưởng đó.

Ông Lưu Văn Hạnh chăm sóc cá lồng

Cất công về thành phố tìm gặp thạc sỹ Vinh, ông trình bày ý tưởng để được hướng dẫn. Về nhà, ông viết dự án để trình Phòng NN-PTNT huyện Đại Từ phê duyệt. Tháng 4/2016, ông thành lập Cty TNHH Việt Nhật để thực hiện dự án, đầu tư ghép 30 lồng cá quy chuẩn trên hồ Gò Miếu (thuộc xã Ký Phú, huyện Đại Từ).

Người thân lo lắng phân trần, đã 60 tuổi, Nhà nước cho nghỉ lại còn lao đầu vào núi. Các con ông đều đã trưởng thành cả cũng lựa lời, điều kiện kinh tế có thiếu thốn gì mà bố lại một thân, một mình lên non.

Khi công nhân tiến hành ghép các lồng bè trên mặt hồ thì chính người dân bản địa cũng lo sợ vì nước hồ nơi này thiêng lắm. Người dân Ký Phú từ người già đến con trẻ đều lưu truyền và biết về sự tích thần hồ Gò Miếu.

Hồ Vai Miếu (người địa phương gọi là Gò Miếu) được xây dựng ở thượng nguồn nên nước đổ vào hồ là nước tinh khiết, trong xanh, sạch sẽ và mát rượi, vì thế hồ còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Đi thuyền trên mặt hồ, du khách sẽ đến một vùng đá lô nhô ngâm mình trong dòng nước trong vắt. Sắc xanh của Tam Đảo, của cây rừng ven hồ soi bóng xuống đáy nước, tạo ra một cảnh sắc huyền diệu. Ông Hạnh nuôi cá lồng trên hồ liệu có làm thần núi, thần nước quở báng mà vật chết?

Quyết định đã được đưa ra và không có đường lùi. Ông Hạnh ngày đêm ở hẳn trên mặt hồ để chỉ đạo thi công. Sau gần 1 tháng xây dựng, tháng 5/2016, ông đầu tư mua cá giống về nuôi.

Thành quả bất ngờ

Dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn hoạt bát, gần 2 năm sống trên mặt nước hồ nên ông Hạnh có nước da cháy sạm. Ông lái thuyền máy đưa chúng tôi lượn một vòng quanh hồ. Sinh ra và lớn lên ngay dưới chân hồ nên từng khe suối, từng lối mòn của đồng bào đi lấy măng, lấy củi ông đều đã nằm lòng.

Cấy ghép ngọc trai tại lồng bè của Cty TNHH Việt Nhật

Một đòi hỏi quan trọng của việc nuôi cá lồng là nguồn nước phải sạch và lưu thông. Chính từ yêu cầu đó mà ông Hạnh đã nghĩ đến hồ Gò Miếu và được chấp thuận ngay. Ông cho nuôi 10 loại cá như lăng đen, lăng chấm, chiên, trắm đen, nheo, điêu hồng, chép… Cá lớn rất nhanh lại không bị bệnh gì.

Ông Hạnh lý giải, nhờ thiên nhiên Tam Đảo ban phát, nguồn nước sạch vô biên thượng nguồn đã giúp cho cá khỏe mạnh, chóng lớn. Ông đã về tận Nam Sách (Hải Dương) để học kỹ thuật thì thấy người chăn nuôi tốn rất nhiều tiền mua thuốc men để phòng và trị bệnh cho cá. Nhưng vì cá ở đây được nuôi sống trong nguồn nước trong sạch nên mỗi lứa ông chỉ mất 2 triệu tiền mua tỏi về để cho cá ăn. Tỏi được nghiền trộn cùng thức ăn sẽ giúp cá tăng sức đề kháng, phòng một số bệnh.

Thức ăn của cá ngoài cám, ông còn cho thu mua cá vụn, cá tép dầu được người dân bán lại. Chỉ sau 3 tháng, có vài loại cá đã được thu hoạch như cá điêu hồng, rô phi. Thống kê sau một năm nuôi thành công, Cty TNHH Việt Nhật của Giám đốc Lưu Văn Hạnh đã xuất bán được xấp xỉ 100 tấn cá.

Ông Hạnh cho biết, hiện trong 30 lồng cá đang nuôi của ông có khoảng 90 tấn cá. Gồm 30 tấn cá lăng đen, 30 tấn điêu hồng, 2 tấn cá chiên, 10 tấn chép…

Tháng 5/2017, ông Hạnh kết hợp với Cty TNHH Thảo Vân triển khai thêm mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Những con trai đã cấy nhân để tạo ngọc được treo bên cạnh lồng cá sẽ giúp thanh lọc nguồn nước tại chỗ. Ông đầu tư hơn 400 triệu để nuôi 50.000 con trai lấy ngọc.

Bà Cao Thị Thanh Dần (chuyên gia kỹ thuật của Cty TNHH Hồng Ngọc Pearl, Ninh Bình – đơn vị chuyển giao kỹ thuật nuôi trai nước ngọt lấy ngọc) nhận xét, mô hình chăn nuôi thủy sản kết hợp của Cty TNHH Việt Nhật được đầu tư bài bản và quy chuẩn. Điều kiện sinh thái tại hồ Gò Miếu đặc biệt thuận lợi và tiềm năng vẫn còn rất nhiều.

Mô hình nuôi cá lồng kết hợp nuôi trai lấy ngọc của Việt Nhật đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Chị Nguyễn Thị Hằng (xóm Chuối, xã Ký Phú) cho biết, sau khi được tuyển dụng vào làm công nhân của công ty, người lao động được cho đi học tập kỹ thuật nuôi cá lồng, cấy ghép nhân và nuôi trai lấy ngọc. Triển vọng lớn của công ty mang lại niềm vui, sự yên tâm cống hiến của công nhân.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá nheo Mỹ trên 0.5ha cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng

Ông Đỗ Văn Nên ở thôn Cáp Trên, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đã nuôi thử nghiệm 7650 con cá nheo Mỹ với giá cả như hiện nay gia đình có thu nhập hơn 1 tỷ đồng…

Ông Đỗ Văn Nên cho biết, năm 2016, gia đình tham gia nuôi thử nghiệm 7.650 con cá nheo Mỹ thương phẩm. Thực tế cho thấy, sau 14 tháng , cá nheo Mỹ cho thu hoạch với trọng lượng trung bình 2,5 kg/con, sản lượng đạt gần 18 tấn, với giá thị trường khoảng 75.000-80.000 đồng/kg như hiện nay gia đình có thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Ở Việt Nam có nhiều loài thuộc bộ Cá da trơn như cá trê, cá nheo, cá bông lau, cá ba sa, cá tra v.v. Đại đa số chúng sinh sống tự nhiên trong các ao, đầm, sông, hồ. Chỉ đến gần đây, khi nhu cầu tiêu thụ loại cá này dưới dạng thực phẩm tăng lên một cách đột biến, một số loài cá thuộc bộ này bắt đầu được các chủ trại nuôi cá ở Việt Nam chăn nuôi.

Cá nheo Mỹ (danh pháp hai phần: Ictalurus punctatus) là một loài cá thuộc chi Ictalurus. Nó là cá chính thức của Missouri, Iowa, Nebraska, Kansas, và Tennessee, và tên trong tiếng Anh không chính thức là “channel cat”. Tại Hoa Kỳ chúng là đối tượng là đánh bắt loài cá da trơn với khoảng 8 triệu người đi câu nhắm vào nó mỗi năm.

Theo báo Bắc Ninh, để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, từ tháng 7 năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Ninh triển khai mô hình: “Thử nghiệm nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp” tại các huyện: Gia Bình và Lương Tài. Sau hơn 1 năm triển khai, có thể khẳng định nuôi cá nheo Mỹ là hướng đi mới giúp cho người nuôi trồng thủy sản nâng cao thu nhập, hiệu quả kinh tế…

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 5.350 ha mặt nước đủ điều kiện nuôi trồng thuỷ sản. Để khai thác tốt tiềm năng, những năm qua, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh xây dựng mô hình, đưa giống thuỷ sản mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào nuôi trồng như: nuôi cá rô phi đơn tính, nuôi lươn không bùn, nuôi ếch, ba ba…

Tháng 7/2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình “Thử nghiệm nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp” tại các huyện Gia Bình và Lương Tài. Mô hình được triển khai với quy mô 9.000 m2, thả 15.300 con giống tại 2 hộ thuộc xã Bình Dương (Gia Bình) và Trung Kênh (Lương Tài). Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các xã khảo sát chọn hộ tham gia; kiểm tra công tác chuẩn bị ao nuôi, xử lý ao trước khi thả giống; tập huấn kỹ thuật cho hộ dân xây dựng mô hình và cung ứng con giống, thức ăn theo mức hỗ trợ.

Ông Đỗ Văn Nên ở thôn Cáp Trên, xã Trung Kênh (Lương Tài), một trong 2 hộ tham gia mô hình cho biết: “Với diện tích 4.500 m2 mặt nước, gia đình từng nuôi nhiều loại cá truyền thống như cá trôi, mè, chim, rô phi…nhưng hiệu quả kinh tế không cao, mỗi năm chỉ cho thu nhập khoảng 70-80 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 30 triệu đồng.

Năm 2016, gia đình Ông Nên tham gia nuôi thử nghiệm 7.650 con cá nheo Mỹ thương phẩm. Thực tế sản xuất cho thấy, cá Nheo Mỹ dễ nuôi, ít bị nhiễm bệnh, tỷ lệ sống đạt từ 90% trở lên. Sau 14 tháng nuôi, cá nheo cho thu hoạch với trọng lượng trung bình 2,5 kg/con, sản lượng đạt gần 18 tấn, với giá thị trường khoảng 75.000-80.000 đồng/kg như hiện nay gia đình có thu nhập hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí cho thu lãi hơn 100 triệu đồng, gấp 3-4 lần so với nuôi các giống cá truyền thống”.

Cá nheo là loài cá nước ngọt, giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, có khả năng thích nghi với sự biến đổi của môi trường, chúng ăn các loại thức ăn phụ phẩm từ các lò mổ gia súc, gia cầm, tôm, tép, cá tạp, ốc bươu vàng, , giun…, nếu dùng thức ăn công nghiệp thì lượng đạm trên 35% và canxi là 0.45 % mới đảm bảo cho cá phát triển bình thường.

Ông Vũ Thái Ninh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Cùng với mô hình nuôi lươn không bùn, nuôi cá trắm đen, kết quả khả quan của mô hình nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp đã mở ra triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập có giá trị, mô hình còn bổ sung cơ cấu giống thuỷ sản của tỉnh, hướng tới mục tiêu đa dạng nguồn hàng hoá thương phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân…”.

Từ hiệu quả của mô hình thử nghiệm cần khuyến khích người dân đẩy mạnh khai thác mặt nước để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là với các loại cá đặc sản như cá nheo Mỹ, cá lăng để tăng thu nhập cho người chăn nuôi, đồng thời tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Theo ông Vũ Thái Ninh, cá nheo Mỹ cũng là nguồn tạo ra sản phẩm có ý nghĩa xã hội cao, nguồn thực phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và có giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, nuôi cá nheo Mỹ cần vốn đầu tư lớn cho con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất… vì vậy, để nhân rộng mô hình, ngoài việc cung ứng con giống tốt, khỏe mạnh, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc nuôi trồng, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi.

Nguồn: Báo thương hiệu và pháp luật được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.