Kính nể lão nông ‘nghiệp dư’ nuôi Cá lồng kết hợp Trai lấy ngọc, thành công bất ngờ

Ông Hạnh kết hợp với Cty TNHH Thảo Vân triển khai thêm mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Những con trai đã cấy nhân để tạo ngọc được treo bên cạnh lồng cá sẽ giúp thanh lọc nguồn nước tại chỗ. Ông đầu tư hơn 400 triệu để nuôi 50.000 con trai lấy ngọc…

Dù có hoàn cảnh kinh tế khá giả, lại đã được nghỉ hưu nhưng ông Lưu Văn Hạnh (xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) lại chọn cho mình một công việc mới vô cùng vất vả và nhiều bất trắc.

Quyết định táo bạo

Đầu năm 2016, khi nghe Thạc sỹ thủy sản Trần Viết Vinh (Đại học Nông lâm Thái Nguyên) nói về triển vọng, hiệu quả của việc nuôi cá lồng, ông Hạnh đã bị mê hoặc về ý tưởng đó.

Ông Lưu Văn Hạnh chăm sóc cá lồng

Cất công về thành phố tìm gặp thạc sỹ Vinh, ông trình bày ý tưởng để được hướng dẫn. Về nhà, ông viết dự án để trình Phòng NN-PTNT huyện Đại Từ phê duyệt. Tháng 4/2016, ông thành lập Cty TNHH Việt Nhật để thực hiện dự án, đầu tư ghép 30 lồng cá quy chuẩn trên hồ Gò Miếu (thuộc xã Ký Phú, huyện Đại Từ).

Người thân lo lắng phân trần, đã 60 tuổi, Nhà nước cho nghỉ lại còn lao đầu vào núi. Các con ông đều đã trưởng thành cả cũng lựa lời, điều kiện kinh tế có thiếu thốn gì mà bố lại một thân, một mình lên non.

Khi công nhân tiến hành ghép các lồng bè trên mặt hồ thì chính người dân bản địa cũng lo sợ vì nước hồ nơi này thiêng lắm. Người dân Ký Phú từ người già đến con trẻ đều lưu truyền và biết về sự tích thần hồ Gò Miếu.

Hồ Vai Miếu (người địa phương gọi là Gò Miếu) được xây dựng ở thượng nguồn nên nước đổ vào hồ là nước tinh khiết, trong xanh, sạch sẽ và mát rượi, vì thế hồ còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Đi thuyền trên mặt hồ, du khách sẽ đến một vùng đá lô nhô ngâm mình trong dòng nước trong vắt. Sắc xanh của Tam Đảo, của cây rừng ven hồ soi bóng xuống đáy nước, tạo ra một cảnh sắc huyền diệu. Ông Hạnh nuôi cá lồng trên hồ liệu có làm thần núi, thần nước quở báng mà vật chết?

Quyết định đã được đưa ra và không có đường lùi. Ông Hạnh ngày đêm ở hẳn trên mặt hồ để chỉ đạo thi công. Sau gần 1 tháng xây dựng, tháng 5/2016, ông đầu tư mua cá giống về nuôi.

Thành quả bất ngờ

Dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn hoạt bát, gần 2 năm sống trên mặt nước hồ nên ông Hạnh có nước da cháy sạm. Ông lái thuyền máy đưa chúng tôi lượn một vòng quanh hồ. Sinh ra và lớn lên ngay dưới chân hồ nên từng khe suối, từng lối mòn của đồng bào đi lấy măng, lấy củi ông đều đã nằm lòng.

Cấy ghép ngọc trai tại lồng bè của Cty TNHH Việt Nhật

Một đòi hỏi quan trọng của việc nuôi cá lồng là nguồn nước phải sạch và lưu thông. Chính từ yêu cầu đó mà ông Hạnh đã nghĩ đến hồ Gò Miếu và được chấp thuận ngay. Ông cho nuôi 10 loại cá như lăng đen, lăng chấm, chiên, trắm đen, nheo, điêu hồng, chép… Cá lớn rất nhanh lại không bị bệnh gì.

Ông Hạnh lý giải, nhờ thiên nhiên Tam Đảo ban phát, nguồn nước sạch vô biên thượng nguồn đã giúp cho cá khỏe mạnh, chóng lớn. Ông đã về tận Nam Sách (Hải Dương) để học kỹ thuật thì thấy người chăn nuôi tốn rất nhiều tiền mua thuốc men để phòng và trị bệnh cho cá. Nhưng vì cá ở đây được nuôi sống trong nguồn nước trong sạch nên mỗi lứa ông chỉ mất 2 triệu tiền mua tỏi về để cho cá ăn. Tỏi được nghiền trộn cùng thức ăn sẽ giúp cá tăng sức đề kháng, phòng một số bệnh.

Thức ăn của cá ngoài cám, ông còn cho thu mua cá vụn, cá tép dầu được người dân bán lại. Chỉ sau 3 tháng, có vài loại cá đã được thu hoạch như cá điêu hồng, rô phi. Thống kê sau một năm nuôi thành công, Cty TNHH Việt Nhật của Giám đốc Lưu Văn Hạnh đã xuất bán được xấp xỉ 100 tấn cá.

Ông Hạnh cho biết, hiện trong 30 lồng cá đang nuôi của ông có khoảng 90 tấn cá. Gồm 30 tấn cá lăng đen, 30 tấn điêu hồng, 2 tấn cá chiên, 10 tấn chép…

Tháng 5/2017, ông Hạnh kết hợp với Cty TNHH Thảo Vân triển khai thêm mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Những con trai đã cấy nhân để tạo ngọc được treo bên cạnh lồng cá sẽ giúp thanh lọc nguồn nước tại chỗ. Ông đầu tư hơn 400 triệu để nuôi 50.000 con trai lấy ngọc.

Bà Cao Thị Thanh Dần (chuyên gia kỹ thuật của Cty TNHH Hồng Ngọc Pearl, Ninh Bình – đơn vị chuyển giao kỹ thuật nuôi trai nước ngọt lấy ngọc) nhận xét, mô hình chăn nuôi thủy sản kết hợp của Cty TNHH Việt Nhật được đầu tư bài bản và quy chuẩn. Điều kiện sinh thái tại hồ Gò Miếu đặc biệt thuận lợi và tiềm năng vẫn còn rất nhiều.

Mô hình nuôi cá lồng kết hợp nuôi trai lấy ngọc của Việt Nhật đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Chị Nguyễn Thị Hằng (xóm Chuối, xã Ký Phú) cho biết, sau khi được tuyển dụng vào làm công nhân của công ty, người lao động được cho đi học tập kỹ thuật nuôi cá lồng, cấy ghép nhân và nuôi trai lấy ngọc. Triển vọng lớn của công ty mang lại niềm vui, sự yên tâm cống hiến của công nhân.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Quan tâm hơn đến giống thủy sản truyền thống

Các loại thủy sản truyền thống như mè, trôi, trắm, chép… được xác định là những loài nuôi nhiều ở nước ta và được sản xuất giống nhân tạo. Sản lượng đáp ứng đủ nhu cầu, song vẫn chưa mở rộng phạm vi, quy mô sản xuất các loài có giá trị. Do đó, đã đến lúc chạy nước rút để tăng tốc.

Nhiều địa phương đẩy mạnh nuôi các đối tượng thủy sản truyền thống

Có thể sản xuất theo nhu cầu

Tính đến năm 2010, cả nước 416 trại sản xuất giống thủy sản truyền thống, với năng lực sản xuất trên 15 tỷ cá giống mỗi năm. Hầu hết, các trại sản xuất giống thủy sản truyền thống, các cơ sở ương nuôi giống nằm ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu cá giống cho các vùng nuôi trong cả nước.

Những thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống bằng phương pháp nhân tạo đã là động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất giống phát triển. Việc ứng dụng các công nghệ mới, quy trình sản xuất giống ngày càng hoàn thiện phù hợp với điều kiện nông hộ, hoặc cơ sở sản xuất để đưa năng suất cá bột ngày càng cao, giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho người sản xuất.

Ngoài ra, việc cải tiến, nâng cao chất lượng thức ăn phù hợp cho cá ương nuôi ở từng giai đoạn, cải tiến quản lý môi trường ao ương nuôi, ứng dụng và cải tiến công nghệ trong vận chuyển cá bột, cá giống cũng là yếu tố nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất giống. Hiện nay, về cơ bản các đối tượng thủy sản truyền thống đã có công nghệ sản xuất giống ổn định. Các cơ sở sản xuất giống đều nắm chắc kỹ thuật và dễ dàng sản xuất theo nhu cầu.

Vẫn còn nhiều bất cập

Với mục tiêu đẩy mạnh ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa một cách hiệu quả và bền vững, những năm qua Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo hoạt động sản xuất, cung ứng giống thủy sản truyền thống phải đảm bảo chất lượng, đúng mùa vụ, giá hợp lý… và bước đầu gặt hái được một số thành công. Tuy nhiên hoạt động này vẫn tồn tại nhiều bất cập. Công tác quản lý chất lượng giống thủy sản truyền thống còn chưa được chú trọng. Đàn thủy sản bố mẹ nhiều nơi chưa đảm bảo chất lượng, cận huyết; Cá bố mẹ ngày càng nhỏ, phát dục sớm, nhất là những đối tượng nhập nuôi từ lâu như cá chép, mè trắng, trắm cỏ… Tình trạng cung vượt cầu trong khâu sản xuất cá bột ở các tỉnh đồng bằng gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các trại cá, dẫn đến tình trạng để giảm giá bán đã dùng cá bố mẹ không đủ trọng lượng, thúc cá đẻ sớm, cho cá đẻ tái phát dục nhiều lần trong năm… làm chất lượng giống giảm trầm trọng.

Cơ cấu giống nghèo nàn, chậm được bổ sung, có nhập nội một số đối tượng mới nhưng hiệu quả thấp. Trong nhiều năm nay đối tượng sản xuất giống vẫn chỉ là mè, trôi trắm, chép… mà chưa mở rộng được phạm vi, quy mô sản xuất các loài cá có giá trị như cá vền, nheo, lăng, chiên, bỗng, rầm xanh, anh vũ… ở miền Bắc; Cá duồng, lăng, dảnh, chạch lấu… ở miền Nam. Giá cá giống, nhất là các loại đặc sản còn cao, chưa đảm bảo chất lượng giống đúng yêu cầu và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, việc lưu thông phân phối cá bột cá giống hiện nay chủ yếu là hoạt động tư nhân do thị trường quyết định nên công tác quản lý lưu thông giống còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng giống vận chuyển không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không kiểm dịch vẫn còn phổ biến.

Đẩy mạnh giống giá trị cao

Phát triển nuôi các đối tượng thủy sản truyền thống đang trở thành hướng phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản ở nhiều tỉnh, thành, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, các đối tượng nuôi truyền thống như cá chép, trê, lóc, trắm cỏ, mè… hiệu quả kinh tế vẫn chưa cao, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Trong khi nhu cầu, đời sống ngày càng cao, yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm là tất yếu. Điều đó thôi thúc ngành thủy sản từng bước phải nghiên cứu, sản xuất thí điểm thành công nhiều loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao.
Con giống đóng vai trò quan trọng, vì thế nâng cao hiệu quả của việc sản xuất giống là điều cần thiết. Phải tăng cường nghiên cứu khoa học, trước hết tập trung vào khâu sản xuất giống. Nhập công nghệ sản xuất giống mới, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản, ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến vào sản xuất con giống…

Ngoài ra, cũng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất giống trong nước, cơ sở hạ tầng, hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Bảo đảm điều kiện sản xuất, kinh doanh, có hồ sơ theo dõi quá trình nuôi theo đúng kỹ thuật. Sản xuất con giống phải có nguồn gốc xuất xứ. Nếu phát hiện cơ sở nào không bảo đảm chất lượng, nhắc nhở nhưng không khắc phục cần có những biện pháp xử lý mạnh tay.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.