Cam, quýt Australia đổ về Việt Nam

Trên thị trường Việt Nam hiện có 3 loại cam, quýt Australia được bán với giá vài trăm nghìn đồng một kg.

Chị Hoa, ở quận Gò Vấp cho biết, gần đây chị chuộng quýt Australia dù giá lên tới 250.000 đồng một kg, đắt gấp 10 lần hàng Việt.

“Loại này vỏ mỏng, trái mọng nước ít bị khô như hàng Việt, được  thông tin là canh tác hữu cơ nên tôi yên tâm”, chị Hoa nói và cho biết, ngoài quýt Australia thì mặt hàng cam của nước này cũng được chị đặt mua thường xuyên.

Khảo sát của VnExpress cho thấy, cam, quýt Australia được bán khắp các chợ, cửa hàng nhập khẩu và siêu thị.

Tại chợ Bà Chiểu (TP HCM), cam quýt của Australia có giá 120.000 – 200.000 đồng một kg. Chị Vân, tiểu thương ở đây cho biết, mặt hàng này bán khá chạy, mỗi ngày cửa hàng của chị bán lẻ 2 – 3 thùng loại 15 kg. “Cứ đến tháng 9, 10 là cam quýt vào mùa. Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn không ngừng được lựa chọn, đặc biệt quýt Australia mới về được một tháng nay nhưng về đến đâu hết đến đó”, chị Vân nói

Không chỉ tại chợ, các hệ thống siêu thị Lottemart, Aeonmall… sản phẩm này cũng được bán với số lượng lớn. Tại Lotte, quýt Australia có giá 180.000 đồng hộp 9 trái nặng gần một kg. Theo nhân viên tại Lottemart Gò Vấp, loại này được siêu thị nhập về bán vài tuần nay, mỗi ngày tiêu thụ cả tạ quýt.

Còn tại các cửa hàng nhập khẩu quýt Australia được bán với giá 250.000 đồng một kg; cam vàng, cam ruột đỏ bán với giá 160.000 đồng một kg.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, hiện nay lượng cam, quýt Australia vào Việt Nam tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu 9 tháng đầu năm cho thấy, giá trị nhập khẩu rau quả từ Australia vào Việt Nam tăng đột biến. Đây là một trong ba thị trường có mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ 2017. Cụ thể, 8 tháng, Việt Nam nhập 70,6 triệu USD rau quả từ Autralia, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 6,2% thị phần tại Việt Nam.

Trước đó, Chính phủ Australia cũng đã mở các chương trình đẩy mạnh xuất khẩu cam vào thị trường Việt Nam thông qua các siêu thị và cửa hàng với số lượng lớn. Bà Yvonne Chan, Tham tán thương mại cấp cao, Cơ quan Thương mại & Đầu tư Chính phủ Australia nhận xét, người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu ngày càng cao với các nguyên liệu tươi, ngon, sạch và tốt cho sức khỏe. Điều này đã giúp cho sản phẩm của Australia có mặt tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là cam, quýt.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Thâm canh cây có múi theo VietGAP

Đó là mục tiêu chính được các đại biểu 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế) tập trung thảo luận tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp về “Giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cây ăn quả có múi” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NN-PTNT Hà Tĩnh vừa tổ chức.

100% sản phẩm vùng tập trung đảm bảo an toàn

Hiện khu vực Bắc Trung Bộ đã phát triển được khoảng 16.279ha cây ăn quả có múi (cam, bưởi, quýt). Nếu so sánh với các vùng khác trong cả nước thì diện tích này không lớn, tuy nhiên những năm gần đây, khi thực hiện chương trình Nông thôn mới thì phong trào sản xuất cây ăn quả có múi tăng mạnh cả về quy mô diện tích, năng suất và hiệu quả kinh tế.

Theo Cục Trồng trọt, toàn vùng Bắc Trung Bộ đang có hơn 9.800ha cam phát triển tốt, tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Những năm gần đây diện tích cam trên cho năng suất, hiệu quả kinh tế khá cao, thương hiệu một số loại “đứng” được trên thị trường trong và ngoài vùng, thậm chí ở các thị trường “khó tính” như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Điển hình là cam Vinh, cam Vân Du, Sông Con (Nghệ An); cam Khe Mây, Thượng Lộc, cam bù Hương Sơn (Hà Tĩnh)…

Đối với cây bưởi, diện tích hiện có là 5.155ha (chiếm 20,6% so với diện tích toàn vùng phía Bắc và 8,6% so với cả nước). Tập trung nhiều ở Hà Tĩnh (khoảng 2.000ha); Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế (hơn 1.000ha/tỉnh) và Nghệ An (730ha). Có 2 thương hiệu bưởi nổi tiếng là Phúc Trạch (Hà Tĩnh) và Thanh Trà (Thừa Thiên – Huế). Còn cây quýt, hiện diện tích đạt khoảng 1.270ha; chủ yếu tập trung ở tỉnh Nghệ An với hơn 900ha.

Mặc dù nằm trong nhóm 15 loài cây trồng có diện tích và sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả của cả nước. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay trong phát triển cây có múi khu vực Bắc Trung Bộ là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán (bình quân phổ biến 0,2 – 0,6ha/vườn hộ) dẫn đến quy cách, mẫu mã, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Bên cạnh đó, tâm lý trồng cây ăn quả theo phong trào, tự phát; năng suất thấp, đầu ra bấp bênh nên không đảm bảo tính ổn định, bền vững.

Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cam và bưởi là 2 cây trồng được tỉnh chọn chủ lực tập trung phát triển thời gian tới

Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các vùng đất đồi khu vực Bắc Trung Bộ, ngành NN-PTNT và các nhà khoa học đang khuyến khích các địa phương tập trung thâm canh, hướng tới mở rộng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Đối với cây cam, quýt, sản xuất tập trung trên 70% diện tích gắn với ngành công nghiệp chế biến; 100% sản phẩm vùng tập trung đảm bảo ATTP. Riêng cây bưởi, chú trọng tại Hà Tĩnh và Thừa Thiên – Huế, trong đó diện tích sản xuất tập trung trên 70% và 100% sản phẩm vùng tập trung đảm bảo ATTP.

Thu 5 tỷ từ cam

Theo đánh giá của nhiều hộ dân, hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả có múi cao hơn nhiều lần so với trồng cây lâm nghiệp và các cây trồng khác. Đặc biệt, ở khu vực Bắc Trung Bộ, diện tích đất đồi núi lớn, nghèo chất dinh dưỡng và thường xuyên phải đối mặt với thời tiết bất thuận thì việc phát triển cây ăn quả là một hướng đi đúng đắn. Vấn đề bà con quan tâm, lo lắng nhất hiện nay là giống và đầu ra sản phẩm.

Ông Đinh Văn Oánh (64 tuổi) ở xã Hương Đô, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nói: “Bây giờ virus gây hại cam rất nhiều do đó để nông dân tiếp cận được nguồn giống tốt, đề nghị các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo các giống cam mới; quản lý chặt chẽ hoạt động cung ứng giống tại các doanh nghiệp, đơn vị”.

Cũng theo ông Oánh, ngoài chất lượng giống thì cần khuyến khích, hỗ trợ người sản xuất tuân thủ quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng trái cam.

Ông Oánh là một nông dân điển hình vùng đất Hà Tĩnh trong sản xuất đặc sản cam Khe Mây (huyện Hương Khê). Năm 1991 ông là người đem những cây cam chanh đầu tiên về trồng trên đất Hương Đô, đến nay diện tích tăng lên đạt 20ha; trong đó, 7ha cho thu hoạch; năng suất bình quân 15 – 20 tấn/ha; doanh thu năm 2017 ước đạt 5 tỷ đồng. Toàn bộ diện tích của ông đều áp dụng quy trình VietGAP.

“Đất Hương Khê là đất cát pha sỏi, cằn cỗi lại hứng nhiều đợt gió nồm, gió lào nên có vị rất riêng, hội tụ đủ 3 vị ngọt, chua, mặn. Với giá trị dinh dưỡng cao đó nên giá bán thường giao động từ 60.000 – 70.000đ/kg, cao hơn các vùng khác từ 20.000 -30.000đ/kg”, ông Đinh Văn Oánh nhấn mạnh.

Nông dân Hà Tĩnh giàu lên nhờ sản xuất cam

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, cam và bưởi đang là 2 cây trồng được tỉnh xác định là cây chủ lực tập trung phát triển tại các huyện có diện tích đất đồi núi lớn như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc, Kỳ Anh. Năm 2017, hơn 1.290ha kinh doanh bưởi Phúc Trạch cho năng suất 10,4 tấn/ha; doanh thu bình quân đạt 500 triệu đồng/ha. Còn cây cam, diện tích đang tăng nhanh theo từng năm, năm 2017 đạt hơn 5.000ha; sản lượng hơn 47.000 tấn; doanh thu bình quân 350 triệu đồng/ha.

“Để gia tăng hiệu quả kinh tế, thời gian tới Hà Tĩnh tiếp tục lồng ghép các chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM để hỗ trợ nông dân; đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị từ cung ứng giống đến bao tiêu đầu ra cho bà con. Trong đó, quan tâm hàng đầu hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nói.

Hàng năm cơ sở Tuyết Hùng, TP Hà Tĩnh bao tiêu hàng trăm tấn cam, bưởi, quýt cho người dân toàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo chị Tuyết, cơ sở của chị là địa điểm thu mua sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ “độc nhất” ở TP Hà Tĩnh. Hơn chục năm qua, cơ sở đã đi tắt đón đầu, hỗ trợ, giúp đỡ người sản xuất trong việc tiêu thụ đầu ra, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao thì cơ sở Tuyết Hùng càng được chọn lựa hàng đầu.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đem cá tươi ủ làm phân bón, kết quả là 2000 gốc cam sai trĩu quả

Mọi người lên thăm vườn cam của lão thì bảo “lão này hâm, cá không có mà ăn lại đem ủ phân bón cho cam”, người thì bịt mũi không chịu được cái mùi hôi thối của cá ủ bốc lên nồng nặc. Nhưng ít ai ngờ đây là chiêu độc mà ông Phạm Bá Tiến, đội 5, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên làm để “sai khiến” gần 2.000 gốc cam của ông vụ nào cũng trĩu quả.Giảm chi phí phân bón

Đã 7 vụ cam, ông Tiến thành công với cách bón phân lạ lùng của mình. Phân bón cam của ông được làm từ cá tươi, ủ với các chế phẩm sinh học. Theo ông Tiến thì chi phí từ việc ủ cá làm phân, thấp hơn nhiều so với đầu tư các loại phân bón khác. Không phải ai làm nghề trồng cây ăn quả cũng biết cách ủ cá làm phân như ông Tiến, vì mọi người vẫn quan niệm phân bón là dùng phân vô cơ, hữu cơ mới tốt.“Lúc đầu, thấy tôi làm như vậy, ai cũng bảo hâm, cá không có mà ăn, lại đem ủ phân bón cho cam, họ chỉ quen dùng các loại phân bón bán trên thị trường. Nhưng tôi ủ cá làm phân không phải chỉ có cá mà tôi còn mua thêm nhiều loại men vi sinh phân hủy trộn lẫn để ủ cá. Nhờ thế chất lượng phân rất tốt mà cây cũng dễ hấp thu” – ông Tiến chia sẻ cách ủ cá làm phân của mình. Khi nước lòng hồ thủy điện Sơn La dâng cao, các loại cá nhỏ được bà con đánh bắt rất nhiều, bán rất rẻ trên thị xã Mường Lay. Ông Tiến đã cất công lên tận Mường Lay để mua cá về ủ phân bón cho cam.

Theo ông Tiến thì chi phí ủ cá bón cho 1.500 gốc cam của ông trung bình mỗi năm hết 20 triệu đồng cả cá và men vi sinh, giảm 1/3 chi phí so với bón các loại phân khác. Cá được ông Tiến mua về, ông đào hố, lót cẩn thận để nước phân không ngấm ra ngoài, ông mua thêm chế phẩm EMUNIV là loại chế phẩm sinh học có chứa nhiều vi sinh vật có tác dụng phân hủy xác, bã hữu cơ và khử mùi hôi. Sau đó cho thêm nước, mật rỉ đường cùng ủ, thời gian ủ khoảng hơn 1 tháng thì bón cho cam.“Cách làm này không mới với bà con vùng trồng cây ăn quả lớn nhưng lại rất mới với bà con nông dân của các vùng quê nghèo như tỉnh Điện Biên. Cả vùng này tôi chưa thấy ai ủ cá làm phân bón như tôi, cách này tôi học được chính là trong chuyến thăm quan vùng trồng cam nổi tiếng – Cao Phong, tỉnh Hòa Bình”. Ông Tiến chia sẻ thêm.

Bón đúng thời điểm cho cam chất lượng

Cách bón phân cá cho cam của ông Tiến cũng rất khoa học, đảm bảo cung cáp đủ dinh dưỡng cho cam, vì thế 7 năm gần đây năm nào vườn cam nhà ông cũng trĩu quả. “Để bón phân hiệu quả nhất, trước đó phải cuốc quanh gốc nhằm làm đứt các rễ già, khi cây ra rễ mới tôi mới bón phân cá cho cam. Sau khi cây ra hoa được hơn 1 tháng tôi lại tiếp tục bón phân cá, như vậy cây sẽ hấp thu được hết các chất dinh dưỡng, cho quả sai và chất lượng cam cũng rất tốt. Khi bón, cần pha loãng phân với nước, tưới đều xung quanh gốc cây với lượng vừa đủ, như thế cây cam sẽ hấp thu hết chất dinh dưỡng” – ông Tiến bảo vậy.Trung bình 1 cây cam của ông Tiến cho thu hoạch hơn 40kg quả, đạt hơn 1 triệu đồng/cây.

Trung bình 1 cây cam của ông Tiến cho thu hoạch hơn 40kg quả, đạt hơn 1 triệu đồng/cây

Những năm nguồn cá làm phân khan hiếm trên thị trường và giá đắt, ông Tiến lại tìm kiếm gom nhiều nguồn cá tạp để làm phân. Năm nay, ông Tiến phải đánh bắt gần 1 tấn cá tạp trong chính ao nhà mình và hàng xóm, chủ yếu là rô phi, để ủ phân bón cam. Theo cách tính của ông thì nếu bán cả tấn cá rô phi may lắm cũng chỉ được 25 triệu đồng, đấy là cá loại to. Nhưng để mua phân bón cho cam thì cả vườn cam nhà ông cũng ngốn ngót nghét cả trăm triệu. Vì thế ông quyết định đầu tư toàn bộ số cá trong ao nhà cho vườn cam.

“Họ bảo tôi hâm chính là thấy tôi bắt cá ủ phân bón cam. Nhưng mọi người có biết đâu, để đầu tư mua phân bón cho vườn cam còn đắt hơn rất nhiều mà chất lượng chưa chắc đã đảm bảo. Họ cũng không biết phân ủ từ cá có nhiều khoáng chất cần thiết cung cấp dinh dưỡng cho cây nên tạo sức phát triển mạnh và tăng tuổi thọ cây trồng. Qua gần chục năm thử nghiệm, tôi đã đúc rút ra bài học ấy cho nghề làm vườn” -ông Tiến khẳng định như vậy.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phân biệt cam Hà Giang và cam Trung Quốc.

Hãy là một nhà tiêu dùng thông thái. Với một thị trường tràn lan các mặt hàng trong và ngoài nước từ có thương hiệu nhãn mác đến hàng giả hàng nhái. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn phân biệt cam Hà Giang và cam Trung Quốc. Từ đó giúp bạn có thể mua được những trái cam một cách chính xác.

Phân biệt.

Thời gian gần đây, tại các chợ dân sinh cũng như vỉa hè Thủ đô xuất hiện rất nhiều điểm kinh doanh “cam Hà Giang”. Loại cam này có đặc điểm vỏ mỏng, màu xanh hoặc xanh ngả vàng, tép cam màu vàng chanh rất bắt mắt, mọng nước và không có hạt.

Một đặc điểm khác nữa rất dễ nhận dạng là dẫu bị phơi nắng cả ngày nhưng cam vẫn tươi xanh như vừa mới hái. Đây chính là cam của Trung Quốc. Cam Việt Nam kể cả cam Hà Giang hay cam sành thì đều có vỏ sần sùi và dày vỏ hơn, vỏ hay bị nám và xấu hơn. Và cam Việt Nam thì loại nào cũng có hạt. Cam Hà Giang có hạt, khi chín quả màu vàng, cùi dày, vị ngọt thơm.

Cam Hà Giang còn khác cam Trung Quốc ở đặc điểm lá. Người tiêu dùng có thể quan sát lá quả cam trước khi quyết định mua. Do có thể ngâm thuốc bảo quản và thuốc phát triển nhanh, lá cam Trung Quốc thường rất non, trong khi cam Hà Giang đúng vụ thu hoạch lá sẽ rất già, có màu hơi rám sẫm thậm chí có thể hơi úa vàng.

Nếu là cam xuất xứ từ Trung Quốc, tép rất mọng nước, màu vàng chanh và đặc biệt không có hạt. Cam Hà Giang khi chín quả sẽ có cùi dày, vị ngọt thơm và đương nhiên có hạt, một số quả chín chưa tới có vị hơi chua mát. Cam Trung Quốc luôn có vị ngọt sắc.

Phân biệt qua giá cả. 

cam Hà Giang chỉ bắt đầu thu hoạch vào tháng 12 dương lịch hằng năm. Vào mùa thu hoạch, giá cam Hà Giang được bán tại vườn khoảng 15.000 đồng/kg (chưa tính công hái, cước phí vận chuyển) và giá cao nhất lên đến 50.000 đồng/kg vào cuối vụ. Bởi vậy, nếu là cam Hà Giang xịn thì không thể có mức giá rẻ như vậy. Cam Trung Quốc được bày bán đại trà, mức giá khoảng 12.000 – 15.000 đồng/kg; loại quả nhỏ, mẫu mã kém, giá khoảng 8.000 đồng/kg.

Nguồn: Vietq.vn tổng hợp lại bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng cam năng suất cao.

Cây cam có tên tiếng anh là Orange tree, đây là cây nhỏ, có cành gai và lá thường xanh dài khoảng 4-10 cm. Cam bắt nguồn từ Đông Nam Á.

Chọn giống.

Chọn giống từ những trung tâm giống cây trồng uy tín, chất lượng như: trung tâm hạt giống cây trồng miền bắc, gian hàng cây giống học viện nông nghiệp.

Đất trồng.

Đất phải được dọn sạch cỏ, cày bừa kĩ, chia lô, rạch hàng, đào hố (hoặc làm mô trồng) và bón phân lót trước khi trồng khoảng 30 ngày. Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, người ta thương làm mô để trồng cam. Để đắp thành mô, tốt nhất dùng đất ao, nương vườn cũ đất mặt ruộng hay đất bãi bồi ven sông, phơi khô.

Mô có kích thước rộng 60-80cm, cao 20-30cm. Hoặc có thể trồng bằng hố với kích thước hố đào 40x40x40 hoặc 60x60x60. Ở vùng đồi núi cao cần đào hố sâu hơn, rộng hơn 70x70x70.

Kỹ thật trồng và chăm sóc.

 Kỹ thuật trồng. 

Các loại cam ghép gốc nhân vô tính (Chiết ghép), có thể trồng với mật độ dày hơn 800-1200 cây/ha.

Trước khi trồng một tháng, đất phải được dọn sạch cỏ, cày bừa kĩ, chia lô, rạch hàng, đào hố bón phân lót.

 Chăm sóc. 

Thời kỳ kiến thiết cơ bản cây cam chưa có quả cần chú ý xen tỉa cành tạo tán cho cây. Người ta cắt tỉa bớt các cành nhỏ, cành vợt và cành mọc sâu trong tán. Đặc biệt cần tỉa bỏ những cành nhánh bị sâu gây hại. Công việc tỉa cành, tạo tán cũng cần được tiến hành thường xuyên hàng năm sau mỗi mùa thu hái quả. Cần cắt bỏ những cành khô, cành tăm, cành quả mọc yếu và những cành bị sâu bệnh gây hại nhằm tạo tán cây thông thoáng, loại bỏ một phần sâu bệnh hại.

Hoa cây ăn quả có múi thường rất nhiều, nhưng tỉ lệ đậu quả thường thấp, chỉ vào khoảng 2-8% tùy thuộc vào điều kiện thời tiết chăm bón và đặc điểm giống, loài. Do đó thời kì nụ, hoa, quả non, người ta thường tỉa bớt các hoa dị hình, nhưng hoa quả non ra muộn và ở các vị trí không thích hợp cho việc hình thành và phát triển quả. Công việc này có thể được thực hiện bằng cách phun các chất điều hòa sinh trưởng.

Việc tỉa cành, tạo tán cũng cần được tiến hành thường xuyên hàng năm sau mỗi mùa thu hoạch. Cần cắt bỏ những cành khô, cành tăm, cành quả mọc yếu và những cành bị sâu bệnh gây hại nhằm tạo tán cây thông thoáng loại bỏ một phần sâu bệnh hại.

Bón phân.

Tùy vào tuổi của cây, điều kiện tự nhiên, khí hậu mà tiến hành bón phân cho vườn cam có khác nhau.
Cây cam từ 1-3 tuổi cần lượng phân bón cho 1 cây: 70-300g ure; 100-300g DAP và 100g clorua kali (KCl).

Cây 4-6 tuổi bón: 350-450g ure; 450-550g DAP và 250g clorua kali/cây.

Cây 7-9 tuổi bón: 600-750g ure; 650-850gDAP; 350g clorua kali/cây

Cây 10 tuổi bón: 800-1700g ure; 900-1100g DAP, 450g clorua kali/cây.

Xử lý ra hoa cho cây cam.

Ngưng tưới và rút nước mương khoảng 2-4 tuần cho đến khi cây vừa “xào lá” khi lá hơi héo vào buổi chiều nhưng sáng mai không tươi lại hoàn toàn. Sau đó tưới nước đẫm lại ba ngày liền, ngày tưới hai lần. Ngày thứ tư thì tưới mỗi ngày/lần.

Sau khi tưới nước lại bộ lá tươi trở lại, phun thuốc kích thích ra hoa HVP-AUXIN ORGANIC , phun sương đều tán cây và trong thân cây hai lần (5 ngày/lần) thúc ra hoa đồng loạt, sau khi cây ra đọt non tưới hai ngày/lần.

Phòng trừ sâu bệnh cho cây cam. 

Có một số loại sâu, bệnh thường gặp ở cây cam như:

Sâu vẽ bùa hay đục vào lá gây nên những đường ngoằn ngoèo, thường đi chung với bệnh loét gây nên. Phòng trừ bằng cách tỉa cành, bón phân hợp lý, điều khiển sự ra chồi đồng loạt để hạn chế sư lây nhiễm liên tục trong năm và phun thuốc sớm ngay từ giai đoạn cây ra lộc non .

Sử dụng 1 trong các loại thuốc: Phosphomidon, Dimethoate, Trigard, Abamectin và Dimilin có hiệu quả phòng trị tốt sâu vẽ bùa. Bên cạnh các loại thuốc hóa học thì hiệu quả của dầu khoáng đối với sâu vẽ bùa cũng đã được khẳng định.

Thu hoạch và bảo quản.

Khi quả già, vỏ quả hơi vàng màu đặc trưng của giống thì thu hoạch. Nên thu hái vào lúc trời râm mát, khô ráo. Quả thu hái về cần phân loại. Nếu vận chuyển đi xa khi đóng vào sọt hoặc thùng không quá 5 lớp (đóng sọt phải có lót rơm hoặc giấy giữa các lớp quả). Sau khi thu hoạch vệ sinh xung quanh tán cây, cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh và tiếp tục chăm sóc.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Chăm sóc cây bưởi, cam, quýt sau khi thu hoạch.

Cam, quýt sau thu hoạch cần được chăm sóc, vệ sinh, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh để cây tiếp tục phát triển và cho mùa bội thu sau.

– Tiến hành làm sạch cỏ dại, sau 25 – 30 ngày thu hoạch cắt tỉa các cành sâu bệnh, cành tược, khô héo, cành tăm hương, mọc không đúng hướng…

– Quét vôi vào gốc cây ngăn sự cư trú của sâu bệnh.

– Phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp: bón phân đầy đủ, cân đối, kịp thời, bón đúng kỹ thuật, phun thuốc đúng lúc, đúng cách.

Với một số sâu bệnh hại như: sâu vẽ bùa, đục thân, sâu bướm, sâu nhớt, nhện đỏ, nhện vàng, nhất là bệnh vàng lá greening… phải thường xuyên theo dõi, quan sát phát hiện sớm để kịp thời ngăn chặn. Khi cây đã bị bệnh cần phải đào, đốt hủy, rắc vôi bột vào gốc cây bị hại.

Cắt tỉa cành

Bón phân phục hồi và tưới nước: Đối với cây từ 3- 4 năm tuổi, bón 1 – 2kg AT1/gốc, cây 5- 6 năm tuổi bón 2- 3kg AT1/gốc, phân hữu cơ bón 20-50kg. Bón ngay sau khi thu hoạch, càng sớm càng tốt. Trước khi bón, đào đất chung quanh gốc tạo thành đường vành khuyên rộng 20-30cm, sâu 30-40cm theo đường chiếu vành tán cây, rải đều phân xuống và lấp đất lại.

– Thời kỳ kiến thiết (1-4 năm): Bón tập trung 1 đợt vào tháng 12 hoặc tháng 1 với lượng phân 20 – 25kg phân hữu cơ + 0,2kg sun phát đạm + 0,5kg super lân + 0,2kg kali sun phát.

– Vào thời kỳ thu quả: Bón 50kg phân chuồng + 1kg đạm + 1,2kg super lân + 0,5kg kali, chia ba lần bón:

+ Sau thu hoạch quả tháng 12 sang tháng 1: 50kg phân hữu cơ + 0,25kg super lân + 0,1kg kali.

+ Bón đón lộc xuân tháng 2 – 3: 0,6kg đạm + 0,6kg super lân + 0,25kg kali.

+ Bón thúc cành thu và nuôi quả tháng 6-7: 0,4kg đạm + 0,35kg super lân + 0,15kg kali.

– Cách bón:

+ Lần 1 (sau khi thu hoạch): bón theo vành mép tán, đào rãnh sâu 20cm, rộng 30cm. Các loại phân trộn đều cho vào rãnh lấp kín đất, tủ rơm giữ ẩm.

+ Bón thúc vào lần 2 và 3: trộn đều các loại phân hóa học rải đều trong vòng tán cây, với đảo sâu 4-5cm vùi đất lấp kín, tủ rơm rác giữ ẩm.

Bón phân xong tưới nước đều đặn, vừa phải cho phân tan để cây hấp thụ từ từ. Chú ý không nên tưới quá nhiều nước cho cây vì nếu thừa nước cây sẽ ra đọt non ảnh hưởng đến việc xử lý ra hoa.

– Cách tỉa cành và vệ sinh vườn : Cắt bỏ những cành già, cành sâu bệnh, cành vượt nằm bên trong tán, cành mọc sà dưới đất và cả những đoạn cành đã mang trái (dài 10-15cm). Cắt ngắn cỏ, chừa cỏ lại che phủ đất (hoặc che phủ bằng rơm rạ). Nếu trồng sát gốc cây thì dọn sạch cỏ, lá cây để mô được khô ráo. Cần tránh phủ sơ dừa sát gốc cây có múi để tránh lây lan bệnh Phytophthora. Các cành lá tỉa bỏ, trái hư, cỏ dại phải thu gom lại chôn lấp hoặc đốt bỏ.

– Nuôi dưỡng và bảo vệ : Định kỳ khoảng 10-15 ngày/lần, phun các chế phẩm HVP theo tỷ lệ: 30-10-10 (15g/8 lít nước) hoặc chế phẩm dưỡng lá (35ml/8 lít nước). Có thể pha chung với thuốc trừ sâu bệnh để phun xịt. Dưới gốc dùng vôi quét gốc, quét cao khoảng 1-1,5 m và rải vôi chung quanh các gốc cây, nhất là những cây bị bệnh. Nếu rễ cây bị tuyến trùng, rệp sáp tấn công có thể dùng Nokapd, Vimoca tưới vào gốc diệt, đồng thời pha thêm bột tốt rễ F.Bo để phục hồi bộ rễ nhanh, giúp cây sinh trưởng sung tốt trở lại.

Quét vôi gốc cây

Xử lý ra hoa

– Bón phân đón ra hoa, tạo mầm hoa: Trước thời điểm cho cây ra hoa 5-6 tuần, bón phân đón ra hoa (khoảng 200g DAP + 50KCL hoặc 400g AT 2/gốc 4-5 tuổi) và phun chế phẩm giúp cây tạo mầm hoa (phun F.Bo: 15g/8 lít, phun hai lần, cách nhau 4-5 ngày) trước khi ngưng tưới một tuần.

– Bắt cây cảm ứng ra hoa: Ngưng tưới và rút nước mương (nếu có) khoảng 2-4 tuần cho đến khi cây vừa “xào lá” (lá hơi héo vào buổi chiều nhưng sáng mai không tươi lại hoàn toàn). Sau đó tưới nước đẫm lại ba ngày liền, ngày tưới hai lần. Ngày thứ tư thì tưới mỗi ngày/lần.

– Phun thuốc thúc ra hoa đồng loạt: Sau khi tưới nước lại 2-3 ngày, bộ lá tươi lại, pha 35ml RA HOA C.A.T + 15g F.Bo/8 lít phun sương đều tán cây và trong thân cây hai lần (5 ngày/lần) thúc ra hoa đồng loạt, sau khi cây ra đọt non tưới hai ngày/lần.

Nguồn :Nông thôn ngày nay, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam