Độc đáo xen canh keo lai, dưa hấu, mì

Trồng xen kiểu này cây keo và cây mì tốt vượt trội nhờ “ăn theo” phân, nước đầu tư cho cây dưa. Thu nhập từ dưa và mì đủ để đầu tư cho rừng keo những năm tiếp theo mà chủ rừng không cần bỏ thêm vốn.

Mô hình trồng keo xen dưa hấu và mì của ông Đặng Vĩnh Kính thu lợi kép

Xã Bình Tân được đánh giá là địa phương có phong trào trồng rừng mạnh và thành công nhất huyện Tây Sơn (Bình Định). Để tăng thêm hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, nông dân nơi đây đã sáng tạo ra phương pháp xen canh độc đáo: Trồng keo lai xen dưa hấu và mì.

Trồng xen kiểu này cây keo và cây mì tốt vượt trội nhờ “ăn theo” phân, nước đầu tư cho cây dưa. Thu nhập từ dưa và mì đủ để đầu tư cho rừng keo những năm tiếp theo mà chủ rừng không cần bỏ thêm vốn.

Thời gian trước đây, những diện tích đất cát xám, bạc màu ở xã Bình Tân hầu hết được nông dân trồng cây mì. Từ năm 2011 trở về trước, giá mì nguyên liệu khá ổn định nên cây mì còn cho hiệu quả. Về sau, giá mì nguyên liệu trở nên bấp bênh, đời sống của người dân cũng long đong theo. Năm 2007, cây keo lai theo Dự án WB3 về đây cho thấy rất phù hợp trên vùng đất xám bạc màu.

“Trồng keo lai chỉ cần đầu tư phân bón 2 năm đầu, sau 5 năm là cho năng suất 100 tấn/ha. Chỉ cần giá bình quân 1 triệu đồng/tấn gỗ nguyên liệu, sau chu kỳ 5 năm, 1ha keo cho thu nhập 100 triệu đồng, bình quân mỗi năm thu nhập được 20 triệu, hơn hẳn cây mì. Vì vậy từ năm 2011 đến nay, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây mì sang cây keo trên địa bàn phát triển rất mạnh. Đến nay, trên địa bàn xã Bình Tân đã có trên 1.500ha keo, một nửa trong đó thuộc Dự án WB3 đã cho khai thác”, ông Đặng Vĩnh Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân chia sẻ.

Để tăng thu nhập trên cùng diện tích, một số nông dân đã sáng kiến ra phương pháp trồng keo xen dưa hấu và mì cho thấy hiệu quả kép. Là người từng thực hiện mô hình này, ông Đặng Vĩnh Kính kể rành rọt: “Những diện tích keo đến chu kỳ khai thác, thu hoạch keo xong, bà con thuê xe múc với chi phí 5 triệu đồng/ha móc hết gốc keo lên, sau đó cho máy cày đất rồi lên vồng để trồng dưa hấu. Sau khi đất được lên vồng, bà con xuống giống dưa hấu.

Khi dưa hấu đã ra cành ra nhánh, bà con bắt đầu xuống giống keo bên mé ta-luy của vồng đất. Phân bón cho cây dưa hấu, cây keo được ăn theo. Do đó, cây keo sống cạnh dưa hấu chỉ sau 3 tháng đã cao đến gần 1m, bằng cây keo 1 năm tuổi trồng bên ngoài.

“Nhờ khai thác hết tiềm năng của đất bằng phương thức trồng xen canh kể trên nên mức thu nhập của người dân xã Bình Tân được tăng cao trong những năm gần đây. Nếu như vào năm 2010, thu nhập bình quân chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm thì hiện nay đã đạt đến gần 24 triệu đồng/người/năm”, ông Đặng Vĩnh Kính cho biết.
Sau khi thu hoạch dưa hấu, bà con tiếp tục móc đất cho hom mì xuống dọc 2 bên hàng keo. Khi cây mì nảy mầm thì cây keo đã cao gần 1,5m, nên cây mì phát triển cỡ nào cũng không thể lấn keo được, do đó cả keo cả mì đều sinh trưởng, phát triển bình thường”.

Cũng theo ông Kính, với phương thức trồng xen canh như đã kể trên, nhờ ăn theo phân bón, nước tưới, được đầu tư cho cây dưa hấu nên năng suất cây mì cho khá cao.

“Mì trồng xen với dưa hấu và keo cho củ to lắm, bụi mì phải 2 – 3 người nhổ mới lên. Ngoài 1 củ to tướng đóng thẳng xuống đất, còn có 3 củ khác cũng to không kém đóng ngang, nhổ bụi mì lên thấy mất hồn”, ông Kính diễn tả.

Ngoài ra, những diện tích rừng keo trồng xen mì thì không bao giờ bị bò phá. Bởi, nếu bò ăn phải đọt mì là chết ngay. “Nhất là trong mùa nắng nóng, mủ dồn lên đọt mì, con bò to là thế mà chỉ cần ăn chừng 3 đọt mì là ngã ngửa ngay”, ông Kính cho biết thêm.

Theo tính toán, trồng xen canh keo, dưa hấu và mì, nông dân có lợi kép. Riêng cây dưa hấu đạt 40 tấn/ha, cây mì dù trồng mật độ thưa nhưng cũng đạt đến 30 tấn/ha. Khoản thu từ dưa hấu và mì thừa sức đầu tư cho cây keo suốt chu kỳ. Đặc biệt, nhờ ăn theo mức đầu tư của cây dưa nên cây keo chỉ cần 4 năm là có thể thu hoạch với năng suất cầm chắc 100 tấn/ha, rút ngắn chu kỳ cây keo được 1 năm.

Nhờ hiệu quả kinh tế cho thấy nhãn tiền, trong những năm qua, mô hình sáng tạo trồng xen keo với dưa hấu và mì ở xã Bình Tân ngày càng được nhân rộng. Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn cũng phát triển mô hình trên diện tích 10ha rừng keo.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Vào vụ dưa hấu Tết

Năm nay, vùng chuyên canh dưa hấu xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau xuống giống vụ dưa phục vụ Tết Nguyên đán được 73 ha, tăng 13 ha so với năm trước. Vùng xuống giống tập trung chủ yếu ở các ấp: Thạnh Điền, Bào Sơn, Bà Điều và ấp Chánh.

Nhiều thuận lợi

Năm nay, những giống dưa được người dân đưa vào canh tác như Hương nông, Trung nông, An Tiêm, dưa vỏ vàng, dưa Mỹ, dưa hạt lép, không hạt, đây là những giống dưa cho năng suất và chất lượng cao. Đồng thời, người dân cũng sử dụng màng phủ sinh học để hạn chế cỏ dại và giảm chi phí công tưới nước, giúp dưa hấu phát triển tốt hơn.

Có kinh nghiệm trồng dưa hấu hơn 20 năm, là một trong những người tiên phong trồng dưa hấu tại địa phương, ông Lê Văn Thanh (ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm) chia sẻ: “Trồng dưa hấu đươc xem là nghề “hốt bạc” dịp Tết vì điều kiện đất đai ở đây phù hợp với loại dưa này. Vài năm trở lại đây, dưa hấu đem lại lợi nhuận khá cao, nhất là vào dịp Tết nên bà con rất phấn khởi và yên tâm mở rộng diện tích”.

Hiện số hộ tham gia trồng dưa hấu tại vùng chuyên canh xã Lý Văn Lâm tăng lên 108 hộ. Hội Nông dân cũng mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật như: xử lý hạt giống, bón phân, tạo mầm hoa, chọn trái, nuôi trái… giúp nông dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất đạt hiệu quả.

Năm nay, giá giống, phân bón và giá nhân công khá ổn định nên người trồng dưa cũng yên tâm về các yếu tố đầu vào. Cộng thêm thời tiết đầu vụ khá thuận lợi, mưa rào nhẹ, tạo điều kiện cho ruộng dưa phát triển tốt.

Ông Lê Văn Đa (ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm) cho biết: “Năm rồi tôi trồng 3 công, năm nay có kỹ sư vô hướng dẫn kỹ thuật nên tôi trồng thêm 3 công nữa. Lúc mới xuống giống nước dâng cao, tôi cố gắng be bờ, giữ được nước nên dưa rất tốt, ít sâu rầy. Mỗi công dưa cho trên 3 tấn trái. Nếu giá cả ổn định và thời tiết thuận lợi đến khi thu hoạch thì mỗi công có thể thu lời trên 20 triệu đồng”.

Anh Nguyễn Văn Phong (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) cho biết: “Vào vụ dưa hấu đi làm công một ngày được 200.000 đồng, làm suốt 3 tháng cũng có tiền trang trải trong gia đình, sắm sửa chuẩn bị Tết”.

Tăng nhanh diện tích trồng dưa chuẩn VietGAP

Để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau phối hợp Phòng Kinh tế TP Cà Mau triển khai thí điểm Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất dưa hấu đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau”. Đây là mô hình thí điểm trồng dưa đạt tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên tại tỉnh Cà Mau. Dự án triển khai thực hiện năm 2016 với diện tích ban đầu là 4 ha, đến nay đã nhân rộng thêm 17 ha với 21 hộ dân tham gia.

Ươm hạt giống dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP để chuẩn bị đưa xuống ruộng.
Ông Nguyễn Đông Dương, Giám đốc HTX Lý Văn Lâm, cho biết: “Trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón, góp phần giảm thiểu chi phí đầu vào. Đặc biệt là phải đạt tiêu chuẩn từ khâu chọn giống, chăm sóc nên dưa VietGAP sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, sản phẩm đảm bảo an toàn so với dưa hấu trồng theo cách truyền thống, được đưa vào siêu thị với giá 10.000 đồng/kg. Với diện tích dưa hấu VietGAP được mở rộng, năm nay sản lượng sẽ cao gấp 3-4 lần so với năm trước”.

Hiện Hội Nông dân xã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau tích cực hỗ trợ người dân kỹ thuật chăm sóc ruộng dưa, chủ động đủ nguồn nước tưới tiêu và thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, nhằm giúp ruộng dưa phát triển tốt, đạt năng suất cao.

Ông Nguyễn Văn Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm, phấn khởi: “Trồng dưa hấu được xem là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây trồng này. Vụ dưa này trung bình mỗi công chi phí đầu tư từ 4-5 triệu đồng, nếu giá cả bình ổn như mọi năm thì người trồng dưa có thể thu lời trên 15 triệu đồng/công, không chỉ giúp thương hiệu dưa hấu Lý Văn Lâm ngày càng phát triển mà còn giúp người dân đón Tết sung túc hơn”.

Nguồn: Báo Cà Mau được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

 

Bệnh hại trên cây dưa hấu

Chết héo cây con

– Tác nhân gây hại: do nấm Rhizoctonia solani
– Triệu chứng:
Nấm xâm nhập vào cổ rễ cây con chỗ giáp mặt đất, vết bệnh có màu nâu đen, bệnh tấn công làm cổ rễ teo tóp lại và thối cổ rễ, lá vẫn còn xanh sau héo dần, cây ngã ngang và chết. Bệnh thường phát sinh gây hại chủ yếu ở giai đoạn cây con.
Nấm tồn lại trên tàn dư cây trồng và trong đất trong vài năm, khi gặp điều kiện thuận lợi nấm sẽ xâm nhập vào gốc cây và gây hại. Điều kiện thời tiết nóng, ẩm độ cao rất thích hợp cho nấm phát triển mạnh.


Bệnh chết héo cây con

– Biện pháp phòng trị:
+ Vệ sinh đồng ruộng, cày phơi đất và xử lý đất, thu gom và tiêu hủy các tàn dư thực vật trước khi gieo trồng.
+ Luân canh với các loại cây trồng khác họ
+ Khi phát hiện bệnh, có thể phun các loại thuốc sau: DITHANE M45 80WP, MANTHANE M46- 80WP, CHAMPION 77WP, HECWIN 5SC, JACK M9 72WP. . .

Bệnh nứt thân chảy nhựa (bệnh bả trầu)

Bệnh bã trầu

– Tác nhân gây hại: do nấm Mycosphaerella melonis
– Triệu chứng:
+ Trên lá: vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu nâu nằm thành từng đám như bị phun cổ trầu lên lá, bệnh thường xuất hiện từ bìa lá lan vào theo những mảng hình vòng cung, trên đó có các ổ bào tử màu đen, lá bị cháy, khô rụng.
+ Trên thân: nhất là nhánh thân, đốm bệnh có hình bầu dục, màu xám trắng, hơi lõm, làm khuyết thân hay nhánh nơi bị bệnh. Trên vết bệnh nhựa cây ứa ra thành giọt, sau đó đổi thành màu nâu đen và khô cứng lại, vỏ thân nứt ra. Bệnh làm héo dây và nhánh.
+ Trên trái: lúc đầu có những đốm nhũn nước, sau đó đốm bệnh khô, có màu nâu và bị nứt nẽ. Ngoài ra bệnh còn gây hại trên cuống trái làm cho trái không phát triển được hoặc bị rụng.
Nấm tồn tại trong tàn dư cây bệnh, lây lan bằng bào tử. Thời tiết nóng và mưa nhiều thích hợp cho bệnh phát triển. Bệnh lây lang nhanh, nếu không phòng trị kịp thời có thể làm thất thu.
– Biện pháp phòng trị:
+ Thu gom và tiêu hủy tàn dư cây trồng
+ Bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm
+ Kiểm tra ruộng dưa thường xuyên, khi phát hiện bệnh tiến hành phun ướt đều hai mặt lá bằng các loại thuốc phòng trị sau: DITHANE M45 80WP, MANTHANE M46- 80WP, CHAMPION 77WP, SUPER ONE 300EC, JACK M9 72WP. . .

Bệnh đốm phấn

Bệnh đóm phấn

– Tác nhân gây hại: do nấm Pseudoperonospora cubensis
– Triệu chứng:
Bệnh gây hại chủ yếu trên lá. Ở mặt trên lá, đốm bệnh lúc đầu nhỏ, có màu xanh nhạt, sau đó biến dần sang màu vàng rồi màu nâu nhạt và thường bị giới hạn giữa các gân phụ của lá, nên đốm bệnh có dạng hình góc cạnh.
Trong điều kiện ẩm ướt, nấm tạo ra lớp phấn màu xám đậm hoặc tím đỏ ở mặt dưới lá nơi có vết bệnh. Lá bị vàng khi có nhiều đốm, các đốm này sẽ liên kết lại tạo thành những vùng cháy màu nâu nhạt và chổ bệnh dễ bị rách. Cây nhiễm nặng có thể chết và cho trái kém giá trị.
Trái ít bị tấn công, nhưng trái sẽ nhỏ và có vị nhạt.
– Biện pháp phòng trị:
+ Thu dọn tàn dư cây trồng đem tiêu hủy
+ Ngắt bỏ các lá bị bệnh
+ Phun ngừa bằng các loại thuốc sau: DITHANE M45 80WP, MANTHANE M46- 80WP, CHAMPION 77WP, SUPER ONE 300EC, JACK M9 72WP. . .

Bệnh thán thư:

Bệnh thán thư

– Tác nhân gây hại: do nấm Colletotrichum lagenarium
– Triệu chứng:
+ Bệnh gây hại chủ yếu trên lá, thường xuất hiện ở các lá già bên dưới trước, vết bệnh lúc đầu hình tròn nhỏ, màu xanh xám, sau lớn lên, xung quanh màu nâu vàng, ở giữa vết bệnh màu nâu đậm hơn và có các đường vòng đồng tâm. Nếu trời ẩm, sẽ thấy lớp mốc màu hồng nơi vết bệnh, vết bệnh khô và rách.
+ Trên thân: vết bệnh có màu nâu xám, hơi lõm, bệnh nặng làm cho thân cháy khô và teo lại.
+ Trên trái: đốm bệnh tròn, úng nước, màu nâu đen đến đen, lõm vào vỏ, giữa vết bệnh nứt ra và cũng có lớp mốc hồng nơi vết bệnh. Bệnh nặng các vết bệnh liên kết thành mảng lớn gây thối quả, nhũn nước.
Nấm bệnh lưu tồn trên tàn dư cây bệnh và hạt giống truyền bệnh sang năm sau. Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng, mưa nhiều, khi cây dưa đã lớn đến thu hoạch.

– Biện pháp phòng trị:
+ Xử lý đất bằng cách bón vôi trước khi trồng
+ Luân canh với các cây trồng khác họ bầu bí dưa
+ Tiêu hủy các tàn dư thực vật từ vụ trước
+ Bón phân cân đối, tránh bón quá nhiều phân đạm, tăng cường phân kali
+ Phun ướt đều cả 2 mặt lá bằng thuốc đặc trị: ZIFLO 76WG, NOVA 70WP, DITHANE M45 80WP, MANTHANE M46- 80WP, SUPER ONE 300EC . . .

Bệnh héo vàng

Bệnh héo vàng

– Tác nhân gây hại: do nấm Fusarium oxysporium
– Triệu chứng:
Nấm xâm nhập phá hại gốc cây làm gốc và rễ bị thối đen. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là dây dưa bị héo rũ vào buổi trưa nắng và tươi tỉnh lại vào buổi chiều hay sáng sớm. Cây héo từng phần xảy ra trong vài ngày rồi lan ra cả cây, làm cây chết. Trước khi héo, cây có triệu chứng sinh trưởng kém, sau đó các lá biến vàng từ gốc trở lên. Khi chẻ dọc phần thân thấy mạch dẫn bên trong bị thâm đen, có sọc nâu chạy dọc theo mạch nhựa.
Nấm tồn tại ở trong đất ở dạng sợi và bào tử. Trong đất nấm sống rất lâu tới vài năm.
– Biện pháp phòng trị:
+ Xử lý đất bằng cách bón vôi trước khi trồng
+ Luân canh với các cây trồng khác họ bầu bí dưa
+ Nhổ bỏ và tiêu hủy cây bị bệnh
+ Tránh để ruộng dưa bị ngập úng, phòng trừ tuyến trùng gây hại rễ bằng các sản phẩm thuốc rãi như: TASODANT 12G, NOKAPH 10GR.
+ Phun phòng trị bệnh bằng các sản phẩm sau: DITHANE M45 80WP, MANTHANE M46- 80WP, CHAMPION 77WP, SUPER ONE 300EC, JACK M9 72WP. . .

Bệnh héo xanh

Bệnh héo xanh

– Tác nhân gây hại: do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra
– Triệu chứng:
Vi khuẩn trong đất xâm nhập vào rễ cây rồi phát triển rất nhanh trong các mạch dẫn, ngăn cản sự hấp thu vận chuyển nước làm cây bị héo.
Triệu chứng điển hình nhất là cây đang sinh trưởng bình thường thì đột ngột bị héo rũ trong khi các lá vẫn còn xanh. Ban ngày khi trời nắng cây héo, ban đêm cây xanh lại, sau 2- 3 ngày cây không hồi phục nữa và chết. Cắt ngang gốc thân cây bị bệnh, thấy các mạch dẫn bị nâu đen, ấn mạnh vào chỗ gần mặt cắt sẽ thấy chất dịch vi khuẩn màu trắng đục chảy ra.
– Biện pháp phòng trị:
+ Giử cho đất luôn ráo nước, tránh bị ngập úng trong mùa mưa
+ Xử lý đất thật kỹ trước khi trồng, lưu ý phòng trừ tuyến trùng gây hại rễ bằng các sản phẩm thuốc rãi như: TASODANT 12G, NOKAPH 10GR.
+ Nhổ bỏ và tiêu hủy các cây bị bệnh để tránh lây lang
+ Phun ngừa bệnh bằng thuốc CHAMPION 77WP hoặc phun thuốc đặc trị vi khuẩn LOBO 8WP.

Bệnh bướu rễ

Bệnh bướu rễ

– Tác nhân gây hại: do tuyến trùng Meloidogyne sp gây ra
– Triệu chứng:
+ Tuyến trùng sống trong đất, chích vào rễ cây tạo thành các u bướu, sống và phát triển trong đó.
+ Biểu hiện của bệnh bướu rễ là trên rễ xuất hiện các khối u bướu màu trắng hoặc vàng nhạt, kích thước và hình dạng không cố định tùy theo số lượng tuyến trùng nhiều hay ít. Rễ phát triển kém làm cây cằn cỗi, lá nhỏ, vàng và rụng, bị hại nặng cây có thể chết.
Tuyến trùng phát triển thích hợp trong đất cát hơn trong đất thịt, tuyến trùng có thể sống từ 1- 2 năm trong đất.
– Biện pháp phòng trị:
+ Cày ải phơi đất, xử lý đất thật kỹ trước khi trồng
+ Luân canh với những cây trồng trồng khác họ
+ Thu gom và tiêu hủy tàn dư thực vật của vụ trước
+ Nhổ bỏ các cây bị bệnh nặng
+ Sử dụng thuốc trừ tuyến trùng TASODANT 12G, NOKAPH 10GR.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Sâu hại trên cây dưa hấu

Bọ trĩ


Bọ trĩ có kích thước rất nhỏ, con trưởng thành có màu vàng nhạt hay vàng đậm, cuối bụng thon. Bọ non không cánh, hình dạng giống trưởng thành, màu xanh vàng nhạt. Cả con trưởng thành và con non sống tập trung chủ yếu ở đọt non hoặc mặt dưới lá non. Bọ trưởng thành di chuyển nhanh, đẻ trứng trong mô mặt dưới lá.

Bọ trĩ gây hại nặng từ giai đoạn cây con đến ra hoa, đậu trái. Bọ trĩ hút nhựa làm đọt và lá non xoăn lại. Mật độ cao làm cây cằn cỗi không phát triển được, đọt dưa chùn lại, lá vàng và khô, hoa rụng, không đậu trái hoặc trái không lớn. Bọ trĩ gây hại nặng làm đọt non sượng, ngóc đầu lên cao, hiện tượng này nông dân gọi là dưa “đầu lân” hay “bắn máy bay”. Bọ trĩ cũng là môi giới lan truyền bệnh khảm cho cây dưa.
Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô, có tính kháng thuốc cao. Gặp điều kiện thích hợp, bọ trĩ phát triển rất nhanh, dễ gây thành dịch, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và năng suất dưa hấu.

– Biện pháp phòng trừ:
+ Nên trồng luân canh với những loại cây trồng khác (trừ họ bầu, bí, dưa)
+ Sử dụng màng phủ nông nghiệp trồng dưa
+ Bón phân, tưới nước đầy đủ cho dưa sinh trưởng tốt
+ Khi phát hiện có bọ trĩ có thể phun các loại thuốc sau: JUST 050EC, DIRECTOR 70EC, SILSAU 5.5EC, SILSAU SUPER 3EC, CHIEF 520WP, VITASHIELD GOLD 600EC, TASODANT 600EC, RAMBO 5SC, . . .
Chú ý nên phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát vì lúc này bọ trĩ bò ra ngoài nên thuốc dễ dàng tiếp xúc và cho hiệu quả cao, đồng thời cũng nên phun luân phiên các loại thuốc khác nhau để tránh hiện tượng bọ trĩ kháng thuốc.

Bọ dưa

+ Thành trùng có cánh màu vàng nâu, mắt đen, râu dài rất linh động, trứng được đẻ trong đất, gần gốc cây hay trong rơm rạ.
+ Trứng rất nhỏ, màu vàng xanh khi mới đẻ và màu vàng nâu khi sắp nở. Ấu trùng mới nở màu trắng sữa, sau thành màu vàng nâu, đầu màu nâu.
+ Nhộng màu nâu nhạt, được hình thành trong đất, bên ngoài bao phủ bằng một kén tơ rất dày.
Thành trùng hoạt động mạnh vào ban ngày, nhất là khi có nắng lên. Thành trùng cạp lớp biểu bì và phần mô diệp lục mặt trên lá thành một đường vòng, sau đó, phần bị cạp ăn sẽ đứt lìa khỏi lá. Thành trùng thường tấn công cây con khi có hai lá đơn đầu tiên, nếu mật số cao có thể ăn rụi hết lá lẫn đọt non. Cây trồng trong mùa nắng bị thiệt hại nhiều hơn trong mùa mưa.
Ấu trùng sau khi nở ăn rễ cây và đục vào gốc làm cây bị vàng héo, chậm phát triển hoặc chết đột ngột. Các vết ăn phá của ấu trùng trên rễ, gốc cây còn là nơi xâm nhập của vi khuẩn hay nấm làm dây dưa bị chết.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Vệ sinh ruộng dưa sạch sẽ trước khi trồng, tiêu hủy tàn dư của vụ trước.
+ Có thể dùng vợt hoặc bắt bang tay vào sáng sớm nếu mật số thấp.
+ Dùng thuốc sâu dạng rãi như RAMBO 800WG, TASODANT 12G . . . rãi quanh gốc dưa để diệt ấu trùng bọ dưa.
+ Phun thuốc hóa học vào sáng sớm hoặc chiều mát để diệt thành trùng bọ dưa bằng các loại thuốc sau: DIRECTOR 70EC, CHIEF 520WP, TASODANT 600EC, VITASHIELD GOLD 600EC, RAMBO 5SC, SOUTHSHER 10EC, . . .

Rầy mềm

Con trưởng thành có hai dạng:
+ Dạng không cánh: Toàn thân màu xanh đen, xanh thẩm và có phủ sáp, một ít cá thể có dạng màu vàng xanh.
+ Dạng có cánh: Đầu và ngực màu nâu đen, bụng màu vàng nhạt, xanh nhạt, có khi xanh đậm, phiến lưng ngực trước màu đen. Mắt kép to. Ống bụng đen.

Cả ấu trùng và thành trùng tập trung mặt dưới lá, nhất là đọt non, bông, chồi hút nhựa của cây làm lá bị quăn queo và phân tiết ra thu hút nhiều nấm đen bao quanh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trái. Trong giai đoạn có hoa nếu bị rầy tấn công với mật số cao thì hoa dễ bị rụng, nhất là vào thời kỳ cho trái non, gây hiện tượng rụng trái hay trái bị méo mó.
Ngoài ra, rầy còn là tác nhân truyền bệnh virus cho cây. Sau cùng làm cây bị mất sức, lùn và chết.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Thu gom và tiêu hủy các phần bị rầy mềm gây hại
+ Thường xuyên kiểm tra ruộng dưa để phát hiện sớm và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Khi phát hiện rầy mềm gây hại có thể phun các loại thuốc sau: JUST 050EC,
DIRECTOR 70EC, SILSAU 5.5EC, SILSAU SUPER 3EC, CHIEF 520WP, TASODANT 600EC, VITASHIELD GOLD 600EC, SOUTHSHER 10EC, RAMBO 5SC

Nhện đỏ

+ Thành trùng hình bầu dục, thành trùng đực có kích thước nhỏ, toàn thân phủ lông lưa thưa và thường có màu xanh, trắng hay đỏ với đốm đen ở 2 bên thân mình. Nhện có 8 chân, thành trùng cái màu vàng nhạt hay hơi ngả sang màu xanh lá cây.
+ Trứng rất nhỏ, hình cầu, bóng láng và được gắn chặt vào mặt dưới của lá, thường là ở những nơi có tơ do nhện tạo ra trong khi di chuyển.

Cả ấu trùng và thành trùng nhện đỏ đều chích hút mô của lá cây làm cây bị mất màu xanh và có màu vàng, sau cùng lá sẽ bị khô đi. Màu vàng của lá dễ nhìn thấy nhất là ở mặt dưới lá, làm giảm phẩm chất và năng suất trái.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Kiểm tra ruộng dưa thường xuyên, nếu mật số nhện ít không cần phun thuốc vì có rất nhiều loài thiên địch ngoài tự nhiên có thể tiêu diệt nhện đỏ như loài Bù lạch 6 chấm Scolothrips sexmaculatus, Bọ rùa Stethorus sp, Bọ xít nhỏ Orius tristicolor và Chysoperla carnea.
+ Khi phát hiện nhện gây hại nên dùng thuốc đặc trị nhện để phun như: MAY 050SC, DIRECTOR 70EC, SILSAU 5.5EC, SILSAU SUPER 3EC, VITASHIELD GOLD 600EC. . . nên phun ướt đều 2 mặt lá và sử dụng luân phiên các loại thuốc để tránh hiện tượng nhện kháng thuốc.

Sâu ăn tạp

+ Bướm cánh trước màu nâu vàng, giữa cánh có vân trắng, cánh sau màu trắng óng ánh. Trứng có hình bán cầu, trứng mới nở có màu trắng vàng, sau chuyển thành màu vàng tro, lúc sắp nở có màu tro đậm.
+ Ấu trùng:  nhỏ có màu xanh lục, càng lớn sâu chuyển dần thành màu nâu đậm. Trên cơ thể có một sọc vàng sáng chạy ở hai bên hông từ đốt thứ nhất đến đốt thứ tám của bụng, mỗi đốt có một chấm đen rõ nhưng hai chấm đen ở đốt thứ nhất to nhất. Sâu càng lớn, hai chấm đen ở đốt thứ nhất càng to dần và gần như giao nhau tạo thành khoang đen trên lưng nên sâu ăn tạp còn được gọi là “sâu khoang”.
+ Nhộng:  có màu xanh đọt chuối, rất mềm ngay khi mới được hình thành, sau đó chuyển dần sang màu vàng xanh, cuối cùng có màu nâu, thân cứng dần và có màu nâu đỏ. Khi sắp vũ hoá, nhộng có màu nâu đen, các đốt cuối của nhộng có thể cử động được.

– Điều kiện phát sinh, gây hại:
Sâu cắn phá mạnh vào lúc sáng sớm nhưng khi có ánh nắng sâu chui xuống dưới tán lá để ẩn nắp. Chiều mát sâu bắt đầu hoạt động trở lại và phá hại suốt đêm.
Sâu tuổi 1- 2 chỉ ăn gặm phần diệp lục của lá và chừa lại lớp biểu bì trắng, từ tuổi 3 trở đi sâu ăn phá mạnh cắn thủng lá và gân lá. Ở tuổi lớn khi thiếu thức ăn, sâu còn tập quán ăn thịt lẫn nhau và không những ăn phá lá cây mà còn ăn trụi cả thân, cành, trái non. Khi làm nhộng, sâu chui xuống đất làm thành một khoang và nằm yên trong đó hoá nhộng.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Cày xới phơi đất hay cho đất ngập nước và xử lý đất trước khi trồng bằng thuốc rãi như: RAMBO 800WG, TASODANT 12G. . .để diệt nhộng và sâu non trong đất.
+ Thường xuyên kiểm tra ruộng dưa
+ Phun trừ sâu bằng các loại thuốc sau: DIRECTOR 70EC, SILSAU 5.5EC, SILSAU SUPER 3EC, CHIEF 520WP, VITASHIELD GOLD 600EC, SOUTHSHER 10EC, RAMBO 5SC, . . .

Sâu xanh ăn lá

+ Bướm nhỏ, màu nâu, khi đậu có hình tam giác, cánh trước màu trắng bạc, hoạt động vào ban đêm và đẻ trứng rời rạc trên cả 2 mặt lá, nhất là các đọt non và trái non.
+ Trứng rất nhỏ, màu trắng đục, trước khi nở chuyển thành màu trắng hơi ngả vàng.
+ Sâu nhỏ, màu xanh lục, có 2 sọc trắng chạy dọc cơ thể rất rõ.
+ Nhộng màu nâu nhạt khi mới hình thành, vài ngày sau chuyển thành màu nâu đen. Thời gian nhộng từ 6 – 7 ngày.

Sâu có tập quán là dùng tơ cuốn các đọt non lại và ở bên trong ăn phá hoặc cạp vỏ trái non làm cho trái bị thối và rụng. Khi sâu lớn có thể cắn trụi cả lá và chồi ngọn của đọt non. Khi trái lớn sâu thường ẩn ở mặt dưới, nơi phần trái chạm mặt đất và cạp lớp da bên ngoài làm trái bị lép nơi đó và da trái bị loang lổ. Sâu làm nhộng trong các lá non cuốn lại.
– Biện pháp phòng trừ:
Phun trừ sâu bằng các loại thuốc: DIRECTOR 70EC, SILSAU 5.5EC, SILSAU SUPER 3EC, CHIEF 520WP, VITASHIELD GOLD 600EC, RAMBO 5SC, SOUTHSHER 10EC . . .

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng dưa hấu

Dưa hấu là một trong những cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, từ trồng đến thu quả dao động từ 60 đến 75 ngày. Năng suất cao, trung bình 1 sào Bắc bộ đạt từ 1,0 đến 1,2 tấn  quả, thu nhập từ 2,5 đến 3,0 triệu đồng. Vì vậy có thể nói dưa hấu là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng cánh đồng 50 – 100 triệu đồng/ha.

CHỌN ĐẤT

Đất trồng dưa hấu cần cao ráo, bằng phẳng, tưới và tiêu thoát nước dễ dàng, pH = 6-7.

Đất trồng dưa phải được luân canh với lúa hoặc cây trồng khác. Không nên trồng trên những ruộng vừa được trồng cây họ bầu bí.

CHỌN GIỐNG

Trong sản xuất chủ yếu trồng các  giống dưa hấu lai F1 nhập nội từ Mỹ, Thái Lan, Đài Loan…và Việt nam, các giống này có ưu điểm sinh trưởng khỏe, kháng được một số sâu bệnh nguy hiểm, năng suất, chất lượng sản phẩm tốt như giống Siêu Nhân, Hoa sen (VL 64 ,VL 68), Trang Nông (TN010, TN012, TN308…), Simeli (S&G 221, SS 1900, S&G 227…), Long Hoàng Gia, Kim Cô Lương….

THỜI VỤ GIEO TRỒNG

Miền Bắc có các vụ trồng chủ yếu:

  • Vụ Xuân: trồng đầu tháng 2 thu hoạch vào cuối tháng 4 (80-85 ngày)
  • Vụ Hè trồng từ đầu tháng 4 thu hoạch cuối tháng 5 (55-60ngày).
  • Vụ Hè – Thu trồng từ đầu tháng 6 thu hoạch cuối tháng 7 (55-60ngày).
  • Vụ Thu -Đông trồng từ đầu tháng 8 thu hoạch cuối tháng 9 (55-60ngày).
  • Có thể trồng Vụ Đông từ đầu tháng 10 thu hoạch cuối tháng 11 (nếu thời tiết ấm)

KỸ THUẬT TRỒNG

1. Chuẩn bị hạt giống và cây con

Để trồng 1 sào Bắc bộ ( 360 m2 ) cần 20 gam hạt giống (1 vỉ hạt giống 20g ).

Xử lý hạt giống: Trước khi ngâm hạt giống cần phơi lại dưới nắng nhẹ 2 – 3 giờ sau đó ngâm hạt trong nước ấm 40ºC từ 10 đến 12 giờ tuỳ theo thời vụ. Vớt ra rửa sạch, để ráo nước. Bọc hạt trong khăn sạch ẩm rồi cho vào túi nilon cột chặt miệng ủ ấm ở nhiệt độ 28 – 30o C trong vòng 30 – 36 giờ. Kiểm tra thấy hạt nứt nanh (nhú mầm trắng) đem gieo ngay.

Gieo hạt: Nên gieo hạt đã nảy mầm vào bầu bằng lá chuối  hoặc bầu nilon 5cm x10 cm.(bầu nilon phải đục lỗ xung quanh và dưới đáy để thoát nước). Hỗn hợp đất làm bầu gồm: 2/3 đất tơi xốp không có mầm bệnh, 1/3 phân chuồng hoai mục và 10 kg lân vi sinh/m3 hỗn hợp. Cần 360-400 bầu để trồng cho một sào (360 m2).

Trước khi gieo tưới ướt bầu. Đặt mầm rễ xuống dưới sâu khoảng 1 cm, phủ đất bột cho kín hạt. Trong 3 -4 ngày đầu tưới nước giữ ẩm (phun bằng bình phun thuốc trừ sâu 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát; các ngày sau có thể dùng ô doa để tưới).  Khi cây có 1-2 lá thật (12-15 ngày tuổi với vụ xuân và  5-7 ngày tuổi các vụ khác) đem trồng ra ruộng.

2.  Bón phân, lên luống, trải màng phủ nông nghiệp

Lên luống và trải màng phủ nông nghiệp

Chọn đất thịt nhẹ, cát pha chủ động nước, cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ. Lên luống cao 30 – 40 cm, rộng 2,5 – 2,8 m. Trồng cây phía mép trong 2 luống liền kề, mép ngoài 2 luống  là rãnh tiêu thoát nước . Cây cách cây 35 – 40 cm. Mỗi sào Bắc bộ trồng 380 – 420 cây.
Sau khi lên luống và bón lót tiến hành phủ vải nhựa, mặt bạc hướng lên trên, mặt đen xuống dưới, dùng đất lấp lên 2 mép để tránh bị gió lật. Trước khi trồng đục lỗ theo khoảng cách cây, đường kính lỗ khoảng 10cm.

Phân bón cho 1 sào Bắc bộ (360 m2): Kỹ thuật bón phân (tính cho 1 sào Bắc Bộ 360m2)

Sử dụng phân bón thâm canh:  3-5 tạ phân chuồng + 30 kg phân lân + 25 kg phân lân vi sinh sông giang + 14,0 kg đạm ure + 12 kg kali. Ph­ương pháp bón:
Lót 100%  phân chuồng + 100% phân lân + 10 kg đạm + 9 kg kali
Thúc nhử lần 1 sau trồng 3 ngày 0,5 kg đạm
Thúc nhử lần 2 sau trồng 7 ngày 1,5 kg đạm
Thúc nhử lần 3 sau khi định trái 2,0 kg đạm + 3,0 kg kali

Sử dụng phân bón tổng hợp NPK 12:8:13 con cò (Việt-Pháp):  3-5 tạ phân chuồng + 15-20 kg phân lân vi sinh sông giang + 30-32kg phân NPK Con cò. Ph­ương pháp bón:
Lót 100%  phân chuồng và phân lân vi sinh sông giang + 30 kg phân NPK Con cò 13:8:12
Thúc nhử lần 1 sau trồng 3 ngày 0,5 kg đạm
Thúc nhử lần 2 sau trồng 7 ngày 1,5 kg đạm
Thúc nhử lần 3 sau khi định trái  2kg urê + 3,0 kg kali

Chú ý:

Bón lót phân chuồng hoai mục và phân con cò phải được bón sâu 5 – 7 cm trước khi tiến hành trải màng phủ nông nghiệp.
Không tưới trực tiếp vào  thân và lá của cây, để tránh chết sót cây non và xém thân lá.

3.  Chế độ tưới nước cho dưa

Dưa hấu là cây chịu được hạn, rất sợ úng,  tuy nhiên dưa hấu cần nhiều nước là lúc cây bắt đầu lan dây, ngả ngọn và cần nhiều hơn khi cây ra hoa đậu quả. Đặc biệt là thời kỳ nuôi quả. Khi dưa nuôi quả không được để thiếu nước.

Khi tưới cần lưu ý, lúc ruộng ngấm đủ nước cần tháo ngay. Không được ngâm nước thường xuyên trong ruộng quá cao dễ bị mắc bệnh. Trước khi thu hoạch 5 – 7 ngày phải dừng tưới nước để nâng cao chất lượng và vận chuyển dễ dàng.

4.  Tỉa nhánh, sửa dây, bấm ngọn

Khi cây có 5 – 6 lá thật tiến hành bấm ngọn, tạo 2  cành cấp 1 sát gốc, khi dưa bò từ trên 0,6m thì tiến dùng dây dưa để đè dây dưa khỏi bị gió lật dây. Khi dưa ngả ngọn để dưa bò theo chiều ngang của luống.

5.  Chọn nụ, thụ phấn, tuyển quả

Thụ phấn và bấm ngọn:

Khi dưa hấu được 4-5 lá phải tiến hành bấm ngọn, sau đó chỉ để hai cành cấp 1 khoẻ đối xứng hai bên, còn các cành khác phải ngắt bỏ.

Khi bắt đầu ra hoa cái, loại bỏ hết hoa cái số 1 và số 2 chỉ lấy hoa cái số 3 trở ra (cách gốc 1,5m trở lên); mỗi dây lấy 1 quả, sau khi quả đậu, phải loại bỏ hết các hoa cái khác trên dây và bấm ngọn ngay. Thời tiết nắng ấm vào buổi sáng từ 7h-9h là điều kiện tốt nhất để tiến hành thụ phấn; nếu buổi sáng thời tiết không tốt thì có thể thụ vào buổi chiều có nắng.

Mỗi cây phải thụ ít nhất từ hai quả trở nên; trên 1 dây hoặc trên hai dây/gốc có hai hoa cái ra cùng một lúc và cùng số thì phải thụ cả hai.

Định quả và loại bỏ quả:

Sau khi quả đậu to bằng ngón chân cái thì phải tiến hành định quả ngay. Loại bỏ những quả ngắn, tròn, méo, vẹo, dị dạng. Chỉ lấy những quả thuôn dài, mỡ màng, màu non, dạng quả đẹp.

Trên 1 gốc: Về nguyên tắc chỉ lấy 1 quả thuôn dài, mỡ màng, màu non, dạng quả đẹp. Tuy nhiên có thể lấy hai quả trên gốc (mỗi dây 1 quả) khi hai dây có hai quả cùng số (ở cùng vị trí trên thân) và thụ cùng ngày (quả dài, đẹp và to gần bằng nhau) thì lấy cả hai quả khi cây đó to mập lá đẹp không sâu bệnh.

Trên 1 dây, nếu có 2 quả (Q2 và Q3) thì ưu tiên lấy quả 3 nếu hai quả đẹp hoặc xấu gần bằng nhau; Trên dây có hai quả cùng số và thụ cùng ngày (quả dài, đẹp và to gần bằng nhau) thì lấy cả hai quả khi dây đó to mập lá đẹp không sâu bệnh.

Nếu trên 1 dây có 2 quả (Q1 và Q2 hoặc Q2 và Q3), nếu Q1 đẹp thì loại bỏ Q2; nếu Q1 và Q2 (xấu, đẹp) gần tương đương nhau thì lấy Q2.

6. Phòng trừ sâu bệnh hại

Sâu hại

Sâu vẽ bùa : Thường xuất hiện gây hại trên lá, nhất là vào Vụ xuân, dùng Mã Lực (TQ) hoặc Song mã nồng độ 0,15 – 0,2% để phun ngay sau khi xuất hiện.
Sâu xám, sâu khoang, sâu ăn lá và các loại sâu khác (kể cả bọ xít, rày, rệp…) dùng thuốc Actara 5S hoặc Tiper Anpha 5SC 0,20-0,25% (20-30ml/bình 10 lít) + Dipterec 0,25% (25 gam/bình 10 lít).

Rệp, sau ăn lá, ruồi đục quả: dùng Marshel 200SC 0,2% Sherpa (0,2-0,3%); trừ bọ phấn dùng Butyl  + Conphai phun 0,1% -0,15%.

Bệnh hại dưa

Bệnh đốm lá gốc và nứt thân chảy mủ: Bệnh dễ lây lan khi bón nhiều phân đạm và sau những trận mưa. Phòng trị: Dùng Derosal, Scor,  Aliett 80 WP, Tilsuper 300DD.

Bệnh thối rễ héo dây: Dưa héo vào buổi trưa, tươi lại vào buổi sáng và chiều tối . Sau 5 – 7 ngày dưa chết, khi tách phía gốc thân ra thấy mạch dẫn bị đen. Phòng trị: Dùng Kasumin 1 gói + 1 gói lục phong pha cho 1 bình (mỗi sào cần 2 bình).

Bệnh Mốc sương: Phòng trừ tốt nhất bằng thuốc Ridomil MZ 72WP, Dithane M-45 80WP  Một sào phun 2 bình (25-30g thuốc/10 lít), vào lúc trời nắng ráo, phun đều trên 2 mặt lá

Bênh đốm lá, quả, thán thư..: dùng Bellkute 40EC phun với nồng độ 0,1%; Ridomil MZ 72WP phun nồng độ 0,25%; hoặc Dithane M-45 80WP  0,25%, phun 2 lần khi đậu quả, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày. Sau khi định quả xong nếu thời tiết không thuận (mưa nhiều) thì dùng Rampart (8 gam/bình 10lít)hoặc Validacin 0,3% phun để hạn chế bệnh phun để hạn chế đốm và thối quả (nếu thân lá quá tốt và làm cây cằn lại).

Chú ý: Phòng bệnh cho dưa tốt nhất là dùng nhiều phân chuồng hoai mục, tưới nước hợp lý không để độ ẩm quá cao trong ruộng. Nếu bón phân đơn thì hạn chế dùng đạm.

THU HOẠCH

 Sau khi đậu quả khoảng 28-30 ngày với vụ xuân và 24-25 ngày đối với vụ hè, thu-đông và vụ đông, khi quả dưa hấu đã to và chuyển màu là có thể thu hoạch được.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

 

Kỹ thuật trồng cây dưa hấu không hạt cho lợi nhuận cao

Dưa hấu (tên khoa học: Citrullus lanatus) là một loài thực vật trong họ bầu bí (Cucurbitaceae), một loại trái cây có vỏ cứng, chứa nhiều nước, có nguồn gốc từ miền nam châu phi và là loại quả phổ biến nhất trong họ bầu bí. Dưa hấu có tính hàn có thể dùng làm thức ăn giải nhiệt trong những ngày hè nóng nực.

Kỹ thuật trồng.

Dưa hấu là loại cây thân mềm, leo giàn hoặc bò dưới đất. Do đó, người trồng không nên áp dụng phương pháp triết hay dâm cành, nên gieo hạt thì năng suất hơn. Với những vùng có khí hậu ấm áp, người trồng có thể gieo trực tiếp hạt giống ở ngoài trời nhưng cần phải đợi cho tới khí nhiệt độ ngoài trời khoảng 70-90 độ.
Còn nếu vùng có khí hậu sương lạnh, người trồng cần đợi sương giá qua đi, mới cho gieo trồng. Nếu miền nhiệt độ mát, hạt giống cần được bảo quản trong nhà khoảng một tháng trước khi cấy ghép hay gieo trồng. Tiếp nữa, trước khi gieo hạt, người trồng cần thực hiện các kỹ thuật canh tác đất như phơi đất, ủ phân….Dưa hấu thích hợp với độ pH có trong đất từ 6 tới 6.8.

Đất trồng.

Cây dưa hấu không hạt rất thích với những nơi có đất sét, đặc biệt có hệ thống thoát nước tốt. Thêm nữa, người trồng dưa nên gieo hạt theo hàng và đặt khoảng cách giữa các hạt là 183cm.

Chăm sóc.

Để cây dưa hấu không hạt phát triển tốt, người trồng cần phủ rơm xung quang lên cây. Bởi cách này không những giúp giữ được độ ẩm cho đất, cản trở sự phát triển của cỏ dại vừa giúp trái cây phát triển quả sạch.
Thêm nữa, người trồng nên tưới nước thường xuyên và đều đặn cho cây từ lúc bắt đầu hình thành. Đặc biệt, khi dưa đang tong thời kỳ phát triển mạnh, chúng cần từ 0,01-0,03 lít nước mỗi tuần. Tuy nhiên, người trồng cần nhớ rằng, không để cây bị úng nước. Hơn nữa, nên tưới nước vào buổi sáng, không tưới từ trên cao xuống, tránh làm ướt lá dưa. Dưa ngọt nhất là khi thời tiết khô.
Nếu người trồng muốn cây phát triển nhanh và tốt, hãy bón phân nito nhiều hơn là phân kali, phốt pho. Sau khi cây bắt đầu ra hoa, hãy sử dụng một lượng phân bón nhất định nhưng có ít đạm.

Kỹ thuật trồng cây dưa hấu không giống như cây hồng không hạt, chúng cần được tỉa nhiều. Thế nhưng, dưa hấu lại ngược lại, chúng không cần cắt tỉa nhiều, nhưng người trồng vẫn phải cắt và bỏ lá ở phần gốc chính. Khi cây còn nhỏ thì chỉ cần cắt tỉa lá ở cuối để cây hấp thụ năng lượng ánh sáng tốt nhất. Khi cây trưởng thành, có quả, người trồng có thể cắt bớt một số loại hoa để năng lượng tập trung vào phát triển quả đạt năng suất hơn.
Khi màu quả chín tới, để ngăn hiện tượng thối diễn ra, người trồng nên nhẹ nhàng nhấc quả đặt nên rơm hay chỗ đất khô để quả cho năng suất hơn.

Thu hoạch.

Dưa hấu không hạt sẽ chín trong 2 tuần, do đó việc thu hoạch như thế nào để quả luôn được tươi ngon và đảm bảo dinh dưỡng là rất quan trọng.
Lấy tay đập vào quả dưa hấu, nếu có âm thanh rỗng, chúng sẽ chưa chín. Tiếp đến, nhìn màu sắc trên đỉnh quả dưa, nếu dưa chín thì màu của nó ít tương phản với các đường gân trên quả. Ngoài ra, người trồng có thể nhìn vào màu sắc ở dưới đáy quả, nếu dưa chín thì đáy có màu vàng, còn chưa chính sẽ có màu trắng, nhợt.

Nguồn: Baomoi.com, Biên soạn lại bởi Farmtech Viet Nam.

 

Những hình ảnh cho thấy chúng ta đã ăn ngô, dưa hấu biến đổi gen từ cả nghìn năm nay

Trước khi có thuyết tiến hóa của Darwin thì người nông dân đã biết lựa chọn những đặc tính riêng để lai tạo ra những giống mới mà mình mong muốn.

Bạn có bao giờ thắc mắc về tổ tiên của chúng trước đây như thế nào không? Những hình ảnh sau chắc chắn sẽ khiến bạn không khỏi ngạc nhiên và thích thú.

Dưa hấu

2.000 năm TCN, dưa hấu được phát hiện ra ở vùng đông bắc Châu Phi sau đó lan dần sang Địa Trung Hải. Theo các sách cổ miêu tả lại: Lúc chín, ruột dưa có màu vàng cam, sau đó bằng cách lai giống chọn lọc, kết hợp gen màu đỏ và gen quyết định lượng đường mà mà ruột dưa đã dần chuyển sang màu đỏ như ngày nay.

Chuối

Lịch sử của chuối có thể từ 7.000 đến 10.000 năm trước đây tại khu vực Đông Nam Á. Chuối ngày nay có nguồn gốc từ chuối rừng và chuối hột , quả ngắn và hạt to cứng hơn bây giờ.

Cà rốt

Cà rốt được tìm thấy lần đầu tiên ở Ba Tư và Tiểu Á vào thế kỷ 10. Lúc đầu, nó được cho là có màu tím hoặc trắng với gốc nhỏ, bị tách đôi. Dần dần nó mất sắc tố và chuyển thành màu vàng, củ phình to, mọng nước hơn.

Cà tím

Cà tím ngày nay có tổ tiên là những quả tròn màu vàng, xanh, trắng, tím và có gai. Chúng được trồng rất sớm bởi những người Trung Quốc và hiện nay phiên bản cà tím đã hoàn toàn khác xa với tổ tiên chúng.

Bắp ngô

Tiền thân là cây teosinte hầu như không ăn được nhưng nhờ lai tạo được bởi những người Bắc Mỹ 7.000 năm TCN.

Kích thước ngô ngày nay gấp 1.000 lần và dễ dàng bóc hạt hơn, ngoài ra nó cũng chứa 6.6% lượng đường, cao hơn hẳn so với ngô tự nhiên chỉ có 1.9%.

Hình dáng cây cũng khác nhau

Bắp cải, súp lơ, su hào có nguồn gốc từ cây mù tạt dại

Trước khi có thuyết tiến hóa của Darwin thì người nông dân đã biết lựa chọn những đặc tính riêng để lai tạo ra những giống mới mà mình mong muốn.

Do vậy, từ một cây mù tạt hoang dã, họ đã cho ra thành công các loại súp lơ, cải xoăn, cải bắp và su hào như hiện nay.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Kỹ thuật trồng dưa hấu tháp bầu

Tháp bầu là ghép trên gốc cây bầu, cho hiệu quả cao. Việc sử dụng biện pháp kỹ thuật ghép trên gốc của một số họ bầu, bí… nói chung, sẽ phòng ngừa được bệnh chết héo do nấm Fusarium gây ra một cách hữu hiệu. Với cách làm cũng đơn giản, bà con có thể tự sản xuất giống dưa hấu tháp bầu.

GHÉP DƯA HẤU LÊN GỐC BẦU

Từ nhiều năm nay, cứ gần đến Tết, ông Nguyễn Văn Long, quê ở Tiền Giang lại lên An Ngãi, huyện Long Điền thuê đất trồng dưa hấu bán Tết. Khác với nhiều người, ông Long chỉ thuê đất cố định một chỗ để trồng dưa. Theo nhiều người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng dưa, cách làm này rất dễ bị thất bại do dưa bị bệnh. Nhưng thật bất ngờ, những năm dưa hấu bị thất mùa do bị chạy dây (bệnh héo dây) thì ruộng dưa của ông Long vẫn xanh tốt, không một dây dưa nào bị bệnh, thậm chí cho năng suất rất cao, bình quân mỗi năm ông thu hoạch từ 40 – 45 tấn dưa/ha, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 100 triệu đồng. Bí quyết của ông Long là dùng giống dưa hấu ghép lên gốc bầu, trước khi xuống giống ông đã cùng vài người khác thuê hẳn một nhân công từ Long An lên chuyên ghép ngọn dưa vào gốc bầu. Theo nhiều người trồng dưa hấu, đa phần các hộ trồng dưa lại là những người đi thuê đất nên tâm lý chung là ít đầu tư, khi đất bị nhiễm bệnh họ chỉ cần bỏ đất và đi thuê đất nơi khác là tránh được bệnh này. Ngoài ra họ cũng ít chọn phương pháp ghép vì sợ tốn công và tăng chi phí.

Chị Trần Thị Đèo (Thạnh Phú, Bến Tre) đang ghép cây dưa hấu trên gốc cây bầu

Theo tính toán của ông Long, chi phí ươm bầu và ghép ngọn dưa đến khi đem trồng tốn khoảng 1.500 đồng/cây con giống, chi phí này cao hơn cách làm bình thường không ghép khoảng 900 đồng/cây. Nếu tính ra trên 1 ha chi phí tăng thêm từ 7,2 – 8 triệu đồng, nhưng chắc ăn vì dưa hấu kháng hoàn toàn bệnh chạy dây, năng suất ruộng dưa cao hơn trước đây từ 6 – 7 tấn/ha do gốc bầu mạnh, hấp thu nhiều dinh dưỡng hơn. “Điều quan trọng là trồng theo cách này, người trồng dưa hoàn toàn yên tâm với bệnh chạy dây do nấm Fusarium hoành hành như hiện nay. Nhờ vậy, bảo tồn được đồng vốn, luôn có lãi hơn so với cách trồng dưa hấu không ghép” – ông Long khẳng định.

Kỹ thuật ghép: Dùng lưỡi dao lam sắc cắt bỏ ngọn cây bầu phía trên 2 lá mầm khoảng 2mm, đồng thời cắt xiên lấy ngọn dưa hấu cách 2 lá mầm khoảng một cm về phía dưới. Dùng một chiếc ghim tre vót hơi dẹp nhọn xiên chéo sát bên lá mầm cây bầu khoảng 4 – 5mm rồi cắm ngọn cây dưa vào đó. Chú ý đường kính cây ghim tre chỉ lớn vừa bằng thân cây dưa hấu khi để vào để chúng tiếp hợp tốt thì tỷ lệ ghép sống mới cao, đồng thời khi đặt ngọn dưa hấu vào ghép phải chọn sao cho hai lá mầm của ngọn dưa hấu nằm chéo hình chữ thập với hai lá mầm gốc bầu. Sau đó, các bầu cây đã ghép được đặt trong trại che kín gió 2 – 3 ngày. Hàng ngày, tưới nhẹ, giữ đủ ẩm cho ngọn dưa hấu không bị héo. Khi cây dưa hấu đã liền sẹo, vén mái che kín dần dần lên để đưa cây ra thích nghi với ánh sáng và nắng cho đến khi có 2 – 3 lá thật thì đem ra ruộng trồng. Thời gian từ ngâm ủ hạt cho tới khi bầu dưa hấu đạt tiêu chuẩn trồng khoảng 18 – 20 ngày. Chỉ nên ghép vào lúc trời mát, không mưa, và cứ ghép 5 – 10 cây thì nhúng dao lam, ghim tre vào dung dịch Benlat 1% để khử trùng, tránh nhiễm khuẩn từ cây này sang cây khác trong khi ghép. Với kỹ thuật ghép này, mỗi ngày có thể ghép được khoảng 2.000 – 2.500 cây dưa hấu giống.

DỄ LÀM, HIỆU QUẢ CAO

Theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư: Cách ghép dưa lên gốc bầu rất đơn giản, người trồng dưa chỉ cần tham gia một lớp tập huấn ngắn hạn là có thể ghép được. Điều quan trọng là phải chịu khó thực hành để quen tay và mạnh dạn đầu tư. Nếu bà con tự ghép chi phí này sẽ thấp hơn nhiều.

Mô hình trồng dưa hấu tháp bầu

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, dưa hấu là cây trồng rất nhạy cảm với dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh: héo dây, thối rễ…, dẫn đến thất thoát lớn và mất thu nhập. Dưa trồng trên những chân đất đã có mầm bệnh nếu cứ tiếp tục trồng mầm bệnh tích lũy trong đất ngày càng cao, tỷ lệ dưa bị thiệt hại do bệnh tăng lên đến 60 – 70%. Vì vậy, muốn dưa hấu đạt được kết quả cao cần chú ý chọn giống kháng bệnh, chọn thời điểm xuống giống thích hợp, nắm vững quy trình chăm sóc, đặc biệt phải ghép trên gốc bầu để kháng bệnh héo dây chứ không cần phải thay đổi đất như cách suy nghĩ của nhiều người. Ngoài ra, thị trường dưa hấu hiện nay rất chú trọng đến sản phẩm sạch, do vậy cũng phải tổ chức sản xuất theo quy trình GAP… để sản phẩm sản xuất ra đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như đạt chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng dưa hấu vụ Tết

Dưa hấu là loại trái cây thường dùng quanh năm và cũng là loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả chưng tết theo phong tục của ông bà ngày xưa, với mong muốn năm mới luôn có những điều tốt đẹp, may mắn đến với gia đình. Vì vậy, ngoài chất lượng thơm ngon, người tiêu dùng còn quan tâm đến vẻ đẹp bên ngoài của dưa. Để có trái dưa hấu to tròn, ngon và đẹp, thu hoạch đúng dịp Tết, nông dân cần chú ý đến nhiều yếu tố trong kỹ thuật canh tác dưa hấu.

Dưa hấu là loại màu ngắn ngày dễ trồng, có thể trồng quanh năm; Tuy nhiên với điều kiện tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, dưa hấu có thể trồng từ cuối mùa mưa cho đến hết mùa nắng (khoảng tháng 10 – tháng 4 âm lịch), chia làm 3 vụ là vụ dưa sớm, dưa Tết và dưa lạc hậu, trong đó dưa tết là vụ chính trong năm thường được trồng từ giữa tháng 10 âm lịch, thu hoạch trước Tết nguyên đán vài ngày. ÔngTrương Minh Chiến, ở Ấp Béc Tôn, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú cho biết: “Thường khoảng rằm tháng 10 âl là tiến hành xuống giống vụ dưa tết, đến khảng 25 tết cắt bán, vụ dưa tết đa số người trồng thường chọn trái tròn cao, xanh bóng”.

Chăm sóc dưa hấu vụ Tết

Ngoài đạt năng suất, trồng dưa hấu tết cần nhất là mẫu mã đẹp, trái to tròn đều, dòn ngọt. Để đạt được điều này việc chọn giống là rất quan trọng ; Theo kinh nghiệm của nông dân thì trồng vụ tết nên chọn các giống như dưa hấu An Tiêm có sức sinh trưởng mạnh, dễ ra hoa, đậu trái, năng suất cao và phẩm chất tốt, trọng lượng trái 3 – 6 kg, năng suất 25 – 45 tấn/ha, hiện nay đã có các giống An Tiêm 94, An Tiêm 95, An Tiêm 98, An Tiêm 100; Hay như giống Tiểu Hắc Long vỏ đen, hạt lép, chất lượng ngon, ngọt, chưng lâu không bị úng, mỗi trái nặng từ 3 – 8kg nên được người trồng và người tiêu dùng ưa chuộng; Giống Hồng Cúc vỏ vàng thích hợp để người trồng sáng tạo nhiều hình dạng đẹp mắt, phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.

Về mật độ trồng, do dưa hấu là loại thân thảo, thân chính dài từ 1 – 6 m, nên khoảng cách giữa các liếp trồng từ 5 – 6m, bề rộng liếp từ 1 – 1,1 m, mật độ giữa cây với cây phải thưa để tiện lợi cho dây dưa bò và các công đoạn sửa dây tuyển trái sau này, liếp trồng cao 30 – 40m, đảm bảo thoát nước tốt vì dưa hấu chịu úng rất kém. Về chế độ chăm sóc sau khi gieo hạt, kỹ sư Thạch Lai – Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Từng giai đoạn cây dưa hấu cần lượng nước khác nhau, từ giai đoạn xuống giống đến khi ra hoa, từ khi gieo hạt đến 20 – 25 ngày sau nên tưới nước thật đều, đối với những ruộng khôngcó màng phủ thì ngày tưới 2 lần. Giai đoạn dưa mang trái thì tăng lượng nước lên và tùy vào điều kiện từng vùng. Về phân bón, nếu có màng phủ nên bón phân lót liếp, ví dụ chúng ta sử dụng 100kg phân tổng hợp NPK, thì bón lót trước 50kg, còn lại thì bón thúc cho trái phát triển”.

Sửa dây là một kỹ thuật cần thiết trong việc trồng dưa hấu, bà con cần điểu chỉnh cho các dây bò song song nhau theo thứ tự thẳng góc với hàng trồng, không để dây quấn chồng lên nhau, gây khó khăn trong việc tuyển trái và ảnh hưởng khả năng quang hợp của cây, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển.

Hằng năm Sóc Trăng trồng khoảng 400 ha dưa hấu, tập trung nhiều ở các xã Phú Tân, Phú Tâm huyện Châu Thành, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú và xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên;  Một số nơi trong tỉnh, bà con còn áp dụng thành công mô hình trồng dưa hấu dưới ruộng thay cho làm lúa vụ 3 do chủ động được nguồn nước.

Thu hoạch dưa hấu

Hiện tại các rẫy dưa đang kỳ cho trái, đây là thời gian bà con bắt đầu công đoạn tuyển trái, để cho trái dưa to, tròn đều thì mỗi dây chỉ để lại một trái trên dây chính. Việc tuyển trái sẽ được tiến hành khoảng 40 – 45 ngày sau khi gieo hạt. Đây là công đoạn quan trọng, quyết định đến chất lượng mẫu mã của trái dưa hấu tết. Kỹ sư Thạch Lai – Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Ở giai đoạn khi trái bằng trái chanh hoặc lớn hơn, khoảng 30 – 35 ngày sau khi trồng, đây là giai đoạn quyết định để tuyển trái. Cách chọn là khi dưa hâu chấm nụ, bà con nên để lại 2 trái/dây, khi trái bằng trái chanh thì tuyển lại lấy 1 trái/dây, tránh trường hợp mình để trái lớn quá mình tuyển thì làm yếu dây dưa. Chọn trái xong cần chỉnh sửa cho trái nằm ngay ngắn, lót bên dưới trái bằng rơm hoặc lá chuối, giai đoạn trái khoảng 2 – 3 kg mình sửa thêm lần nữa, thì sẽ có được trái dưa hấu như ý”.

Theo các nhà khoa học khuyến cáo dưa hấu được thu hoạch khi có độ chín 80-90%, tức là khoảng 60-70 ngày sau khi trồng, tuỳ điều kiện vận chuyển đến thị trường tiêu thụ xa hay gần. Cần ngưng nước 4-5 ngày trước khi thu hoạch giúp dưa ngon ngọt, để được lâu và ít bị bể khi vận chuyển. Việc ngưng tưới phân và phun thuốc 10 ngày trước khi thu hoạch nhằm bảo đảm phẩm chất dưa sạch cho người tiêu dùng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam