Cách làm giàu từ chăn nuôi do Bill Gates khuyến cáo

Sáng lập gia của hãng Microsoft, tỷ phú hàng đầu thế giới Bill Gates với khối tài sản lên tới 92,1 tỷ USD đặt ra giả định rằng nếu một ngày phải sống dưới 2 USD thì ông sẽ nuôi gà để thoát nghèo.

Mô hình nuôi gà an toàn sinh học 

Sống dưới 2 USD mỗi ngày ấy là chuẩn của mức nghèo và cùng cực, hiện trên thế giới có gần 1 tỷ người như vậy. Vị tỷ phú nổi tiếng tin rằng nuôi gà có thể giúp cho gần 1 tỷ người này thoát nghèo.

Ông lập luận gà và trứng là nguồn dinh dưỡng quan trọng với các gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn đồng thời cũng là loại thực phẩm có nhu cầu cao ở mọi vùng miền nên có thể tiêu thụ sản phẩm một cách khá dễ dàng. Với giá trung bình của một con gà được 5 USD, bán một vài con là người dân có thể đủ để sinh hoạt hằng ngày hay phòng thân trong những trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, vị tỷ phú chỉ chuyên kiếm tiền từ lĩnh vực tin học không hề biết những ngóc ngách của nghề nuôi gia cầm vốn rủi ro khá cao.

Thứ nhất là tiêu tốn nhiều tiền cho thức ăn. Khác với các gia súc như trâu, bò, dê, cừu hay nhiều loại thủy sản ăn cỏ, ăn lá nếu không có tiền mua thức ăn thì người dân đi kiếm cỏ, lá cây cho ăn, nuôi gia cầm ở nhiều thời điểm thị trường xuống thấp sẽ là “Một tiền gà ba tiền thóc”.

Không chỉ có thế, gia cầm còn có thể dễ dàng bị mắc những bệnh truyền nhiễm gây chết một cách rất nhanh chóng. Bởi vậy, muốn thành công từ vật nuôi mà Bill Gates khuyến cáo, ngoài nhanh nhạy về thị trường còn phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc an toàn sinh học theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.

1. Quy định về việc cách ly

Người và phương tiện nếu không có nhiệm vụ không được vào khu chuồng trại chăn nuôi. Cán bộ kỹ thuật, công nhân vào làm việc trong khu chuồng nuôi phải tắm gội, thay quần áo bảo hộ đã được giặt sạch và xông khử trùng. Tất cả mọi người đều phải đi ủng qua hố sát trùng trước khi vào chuồng nuôi. Cán bộ kỹ thuật, công nhân không được đi từ khu chuồng này sang khu chuồng khác khi chưa tắm gội thay bảo hộ mới hoặc sát trùng. Chuồng trại chăn nuôi gà cần được xây dựng biệt lập cách xa khu dân cư, nhà kho, trạm ấp trứng… và xử lý phân phải cách xa chuồng nuôi và phải ở cuối hướng gió, xa nguồn nước.

Có hàng rào hoặc tường bao chắn xung quanh khu vực chăn nuôi, cổng ra vào có hố sát trùng, có nhà tắm thay quần áo bảo hộ trước khi vào khu chăn nuôi. Xe chuyên chở dụng cụ chăn nuôi, xe chở thức ăn và nguyên liệu thức ăn từ bên ngoài vào phải được phun thuốc sát trùng bên ngoài và bên trong toàn bộ phương tiện trước khi vào khu chăn nuôi.

2. Vệ sinh khử trùng và để trống chuồng

Vệ sinh khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, trang thiết bị dụng cụ chăn nuôi là rất cần thiết để đảm bảo phòng chống dịch bệnh cho đàn giống, làm giảm sự lây nhiễm chéo và khả năng phát sinh bệnh tật, giúp tăng năng suất. Chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Khi kết thúc một chu kỳ nuôi, để đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng cho đàn được nuôi tiếp theo cần phải thực hiện những bước sau đây:

– Phun sát trùng bằng dung dịch thuốc sát trùng lên chất độn chuồng, khu vực xung quanh chuồng và dụng cụ chăn nuôi ngay sau khi chuyển hoặc loại thải đàn.

– Đưa toàn bộ dụng cụ chăn nuôi máng ăn, máng uống, ổ đẻ và các vật dụng khác ra ngoài và được xử lý ngâm trong dung dịch chất tẩy rửa sạch vài giờ, cọ rửa tráng nước sạch và để ráo trước khi cho vào kho.

– Chuyển toàn bộ chất độn chuồng ra ngoài khu chứa phân để xử lý theo quy định.

– Vệ sinh phun rửa toàn bộ nền, tường, trần nhà bằng vòi phun cao áp. Sát trùng bằng nước nóng hoặc dung dịch thuốc sát trùng với nồng độ phù hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Thực hiện chương trình diệt chuột, côn trùng theo kế hoạch bên trong và bên ngoài khu chuồng nuôi.

– Vệ sinh xung quanh chuồng nuôi, dọn cỏ, phát quang cây cối bụi rậm, khơi thông cống rãnh thoát nước, hành lang, rắc vôi bột định kỳ. Phun khử trùng toàn bộ khu vực xung quanh chuồng nuôi.

Thời gian để chống chuồng tối thiểu 2 – 3 tuần sau khi hoàn tất các bước trên mới đưa đàn gà khác vào nuôi.

3. Vệ sinh thú y trước mỗi đợt nuôi

Trước khi nuôi gà phải tẩy rửa vệ sinh toàn bộ khu vực chăn nuôi, phun thuốc sát trùng (có thể dùng: formol 2%, Virkon 0,5%, BKA 0,3%…) quét vôi tường, nền và hành lang chuồng nuôi. Để khô và phun thuốc sát trùng trước khi thả gà vào nuôi 1 ngày. Phải có thời gian để trống chuồng ít nhất là 2 tuần (Sau khi đã dọn rửa phun khử trùng và quét vôi) mới đưa gà vào nuôi.

Các dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, máng uống, cót quay… phải được rửa lại, phun thuốc sát trùng và phơi nắng. Chất độn chuồng phải khô, không mốc được phun hoặc xông sát trùng bằng thuốc tím và formol.

Chuẩn bị quây úm: Rải chất độn chuồng, bật thiết bị sưởi, đặt máng ăn, máng uống có nước ấm ở trong quay trước khi thả đàn mới nở vào nuôi. Xung quanh chuồng cần chuẩn bị hệ thống bạt che, các bạt này cũng phải được phun khử trùng hoặc xông thuốc tím và formol trước khi đưa vào sử dụng.

Lối ra vào chuồng nuôi phải có hố hoặc khay đựng thuốc sát trùng như Crezin 3%, formol 2% hoặc vôi bột để sát trùng phương tiện trước khi vào chuồng nuôi.

Phát quang cây cối xung quanh khu vực chăn nuôi để hạn chế sự tập trung chim hoang dã, vệ sinh cỏ, rác, khơi thông cống rãnh và rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi. Diệt chuột và các loại côn trùng khu vực xung quanh và chuồng nuôi.

4. Vệ sinh thú y

Nước cho gà uống phải là nước sạch, không cho uống nước ao hồ chưa qua lọc. Không được cho gà ăn những thức ăn ôi mốc, không đạt tiêu chuẩn về vi sinh vật, nấm mốc, kim loại nặng. Làm sạch máng ăn trước khi cho gà ăn.

Định kỳ phun thuốc sát trùng trong chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi và các khu vực xung quanh. Thường xuyên quét mạng nhện, bụi bẩn bám vào chuồng nuôi. Có kế hoạch diệt chuột, côn trùng ở khu vực chăn nuôi, làm cỏ, phát quang cây cối quanh khu vực chuồng nuôi để hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài vào cho đàn gia cầm.

Định kỳ dọn phân và bổ sung chất độn mới, nếu chuồng trại ẩm ướt thì phải dọn phân ngay, đảm bảo chuồng nuôi luôn khô ráo. Cuốc đất, phun sát trùng, rắc vôi các khu vực xung quanh trại định kỳ 2 – 3 tháng 1 lần.

Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho người chăn nuôi, vật nuôi sẽ đạt được năng suất đúng bản chất của giống, giảm chi phí sản xuất, đồng thời cũng giảm thiểu những rủi ro dịch bệnh, hạn chế việc lây lan bệnh từ vùng này sang vùng khác, từ trại này sang trại khác và cuối cùng là tạo ra được những sản phẩm từ chăn nuôi an toàn cho người tiêu dùng.

5. Kiểm tra sức khỏe đàn gà

Thường xuyên kiểm tra đàn gà vào đầu giờ sáng hàng ngày, quan sát dáng đi, tiếng kêu, mắt, mũi, trạng thái phân dưới nền chuồng, tình trạng ăn uống. Cách ly kịp thời những con có biểu hiện khác thường, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết. Thực hiện nghiêm túc lịch phòng bệnh bằng vaccine cho đàn gà. Phải có sổ ghi chép đầy đủ về đầu con, thức ăn, các loại thuốc và vaccine đã sử dụng, thời gian, ngày, giờ sử dụng các loại vaccine.

6. Xử lý gia cầm ốm, chết

Nếu có gà bị ốm, chết không được bán hoặc ăn thịt mà phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở. Khi chôn gà chết phải vùi sâu, trước khi lấp đất phải rắc vôi bột lên trên. Thường xuyên phun thuốc sát trùng khu vực này, không được sử dụng thức ăn thừa của những đàn gà bị bệnh cho đàn gà khác.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Một số lưu ý khi úm gia cầm trong mùa lạnh

Gia cầm non dễ bị tổn thương, đặc biệt thời tiết lạnh làm chậm hoặc không tiêu túi lòng đỏ, gây viêm, ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm sức đề kháng, kế phát nhiều bệnh gây tăng tỷ lệ chết, giảm năng suất, chất lượng đàn gia cầm. Vì vậy để hạn chế các tác động có hại đến gia cầm non, khi úm cần chú ý một số vấn đề sau đây:

1. Quây úm

Để tập trung nguồn nhiệt, tránh gió lùa, trong thời gian úm nên sử dụng các tấm cót quây với chiều cao 50 cm, thường quây hình tròn hoặc hình ê-líp để nguồn nhiệt tỏa đều trong quây. Mỗi quây có đường kính 1,5 – 2 (m) nuôi úm 120 – 200 con. Chất độn chuồng nên đổ dày đều 5 – 7 cm để giữ ấm cho gia cầm. Từ ngày thứ 5 tăng diện tích quây để gà có thể di chuyển dễ dàng đến máng ăn, máng uống. Gia cầm non cần được đưa vào khu vực nuôi úm ngay sau khi xuống chuồng, phân bổ số lượng gia cầm đồng đều vào các quây úm.

Gia cầm non cần được đưa vào khu vực nuôi úm ngay sau khi xuống chuồng

2. Nhiệt độ chuồng nuôi úm

Việc giữ ấm cho gia cầm con theo nhu cầu sinh lý trong các tuần tuổi đầu (đặc biệt là 2 tuần đầu) mới xuống chuồng rất quan trọng. Nếu không đảm bảo đủ nhiệt độ, tỷ lệ nuôi sống, khả năng sinh trưởng sẽ bị ảnh hưởng các bệnh hô hấp, tiêu hoá dễ phát sinh.

Từ ngày 22 – 28 cần chú ý đến tốc độ mọc lông ở gia cầm để điều chỉnh nhiệt độ cho thích hợp.

Trong quá trình nuôi phải quan sát phản ứng của gia cầm đối với nhiệt độ:

+ Nếu gia cầm tập trung gần nguồn nhiệt, chen lấn chồng đống lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt độ gia cầm bị lạnh.

+ Nếu gia cầm tản xa nguồn nhiệt nháo nhác, khát nước, há mỏ để thở là bị quá nóng cần phải điều chỉnh giảm nhiệt độ.

+ Nếu gia cầm tụm lại một phía là bị gió lùa rất nguy hiểm cần phải che kín hướng gió thổi.

+ Khi đủ nhiệt gia cầm vận động ăn uống bình thường ngủ, nghỉ tản đều.

Cần quan sát kỹ các biểu hiện của gia cầm trong giai đoạn nuôi úm bởi vì đây là chỉ dẫn tốt nhất về nhiệt độ hợp lý.

Thiết bị sưởi ấm: có thể dùng bóng điện, bóng hồng ngoại ở những nơi có điện hoặc đèn thắp sáng, lò ủ trấu, đốt củi khô ở vùng sâu vùng xa (có ống thoát khói cao, không để khói ảnh hưởng đến gia cầm). Vị trí đặt thiết bị sưởi ấm trong quây hay trong ô chuồng cao hay thấp tuỳ thuộc vào yêu cầu về nhiệt độ ở từng giai đoạn.Chú ý khi dùng bóng hồng ngoại để sưởi ấm, nếu để bóng thấp, nhiệt độ quây úm cao dễ gây khô chân, khô niêm mạc của gia cầm.

Yêu cầu về nhiệt độ (0C) đối với gà:

Ngày tuổi

Nhiệt độ tại quây úm

Nhiệt độ chuồng nuôi

0-3

37

31 – 32

4-7

35

31 – 32

8-14

32

29 – 30

15-21

29

28 – 29

22-35

21 – 28

Yêu cầu về nhiệt độ (0C) đối với vịt, ngan:

+ Ngày tuổi 1 – 3: 32 – 33oC

+ Ngày tuổi 4 – 5: 29 – 31oC

+ Ngày tuổi 6 – 14: 25 – 28oC

+ Từ 15 ngày tuổi: 24 – 25oC

3. Độ thông thoáng

Gia cầm non cần phải được nuôi dưỡng trong điều kiện nhiệt độ phù hợp có đủ không khí sạch. Tuy nhiên chuồng úm gia cầm 1 ngày tuổi phải che kín, sự thay đổi không khí gần như bằng không nhưng vần đủ không khí cung cấp cho gà.

Khoảng 3 ngày sau cần phải thay đổi không khí với tốc độ 0,2 m/giây để tránh bị ẩm thấp, ngột ngạt làm gia cầm chậm phát triển. Điều kiện ngột ngạt, ẩm thấp có thể làm cho bệnh tật phát sinh, các bệnh ký sinh trùng, bệnh cầu trùng và nhiều bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh. Gia cầm càng lớn, lượng thức ăn, nước uống tiêu thụ càng nhiều, lượng chất thải lớn do đó không khí chuồng nuôi chứa nhiều khí độc như NH3, H2S, nếu không đủ thông thoáng dễ phát sinh các bệnh đường hô hấp….

4. Mật độ

Tuỳ thuộc vào điều kiện chuồng nuôi, thời tiết, khí hậu mà quyết định mật độ nuôi. Trong điều kiện tất cả các yếu tố khác là thích hợp thì mật độ phù hợp sẽ cho khả năng tăng trưởng càng cao và tỷ lệ nhiễm bệnh càng thấp.

Mật độ nuôi vận dụng cho nuôi nền sử dụng chất độn:

Gà lông màu: 20 – 40 con/ m2

Mật độ nuôi vận dụng trên sàn:

Gà lông màu: 25-50 con/ m2

Ngan, vịt siêu thịt 1 tuần tuổi: 15 – 20 con/m2 nền chuồng, 2 tuần tuổi: 8 – 10 con/m2 nền chuồng, từ 3 – 8 tuần tuổi: 6 – 8 con/m2 nền chuồng. Từ 9 – 25 tuần tuổi: 5 – 6 con/m2 nền chuồng.

5. Chăm sóc nuôi dưỡng:

– Kỹ thuật cho uống:

Nước là nhu cầu đầu tiên của gia cầm khi mới xuống chuồng. Nước cung cấp cho gia cầm uống phải đảm bảo vệ sinh, không được lạnh, tốt nhất là hơi ấm trong 2 ngày đầu. Để tăng sức đề kháng trong những ngày đầu có thể pha vào nước vitamin C hoặc vitamin tổng hợp, liều theo hướng dẫn sử dụng.

Vị trí đặt máng uống phải bố trí cho gia cầm con dễ tiếp cận không bị máng ăn che khuất.

Chú ý đặt máng uống cân và độ cao phù hợp để gia cầm non dễ uống nhưng không nhảy vào máng hoặc vảy nước làm ướt nền chuồng sẽ gây ướt lông làm gia cầm bị lạnh.

– Thức ăn và kỹ thuật cho ăn:

Thức ăn đảm bảo giá trị dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng giống gia cầm.

+ Máng ăn: 1-3 ngày đầu có thể dùng giấy xi măng, giấy báo cũ trải lên chất độn chuồng để gia cầm dễ ăn. Trong 1-3 tuần đầu sử dụng khay ăn bằng tôn, nhựa với kích thước 3 x 50 x 80 cm cho 100 gia cầm con. Sau 3 tuần nên thay máng ăn dài hoặc máng P50 cho hợp vệ sinh.

Khi dùng máng treo cần phải thường xuyên điều chỉnh độ cao ngang vai gia cầm để ăn dễ dàng và tránh bị rơi vãi thức ăn.

+ Kiểm soát thức ăn

Thức ăn nuôi gia cầm con phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Sử dụng các nguyên liệu mới, chất lượng tốt, không nấm mốc.

+ Kỹ thuật cho ăn

Sau khi gia cầm đã được uống nước thì cho chúng ăn.

Đối với gia cầm con: Cần cho gia cầm ăn nhiều lần trong ngày. Lượng thức ăn mỗi lần cân đối đủ theo nhu cầu để thức ăn luôn được mới, sạch sẽ, kích thích tính thèm ăn của gia cầm. Mỗi lần cho ăn cần loại bỏ chất độn chuồng và phân lẫn trong máng để tận dụng cám cũ.

Chỉ nên cung cấp một lượng thức ăn nhỏ và sẽ cấp bổ sung khi gia cầm ăn hết thức ăn. Tránh cấp lượng thức ăn lớn gia cầm không ăn hết dẫn đến ẩm, hôi làm mất tính thèm ăn của gia cầm. Hơn nữa thức ăn cho nhiều dẫn đến rơi vãi lẫn với chất độn chuồng, gây nấm mốc, khi gia cầm ăn vào sẽ độc hại, ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng hoặc hít bào tử nấm vào phổi sẽ gây nấm phổi.

6. Thú y phòng bệnh

+ Thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng bệnh: đảm bảo yếu tố cách ly, vệ sinh thức ăn, nước uống, chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Thường xuyên quan sát, theo dõi sức khỏe đàn gia cầm.

+ Dùng vắc-xin phòng bệnh: Thực hiện tốt lịch phòng bệnh cho gia cầm bằng vắc-xin, tuy nhiên, với những ngày quá lạnh, nên tiêm hoặc nhỏ vắc-xin cho gia cầm vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, thao tác phải nhanh, đảm bảo nhiệt độ quây úm duy trì ổn định. Trước và sau khi dùng vắc-xin 2-3 ngày, bổ sung vitamin tổng hợp để tăng sức khỏe cho gia cầm và đáp ứng miễn dịch tốt hơn.

Với những ngày quá lạnh, nên tiêm hoặc nhỏ vắc-xin cho gia cầm vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cầu kỳ trang trại nuôi Gà hướng tới đẻ trứng Omega 3

Cơ thể con người không thể tự sản xuất ra Omega 3 mà phải nhờ nguồn thực phẩm bên ngoài bổ sung vào. Đây cũng chính là lý do và mục tiêu mà HTX Chăn nuôi tổng hợp Thạch Tiến hướng tới nuôi gà đẻ trứng Omega 3.

Chuồng nuôi giống gà Brown Nick đẻ trứng Omega 3

Được thành lập năm 2015, HTX Chăn nuôi tổng hợp xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh có tổng diện tích đất SX 4.500 m2 được quy hoạch 3 khu chuồng trại nuôi gà tập trung.

Đến cuối năm 2015, HTX nuôi tổng cộng 19.000 con gà, trong đó có gần 10.000 gà Ai Cập đẻ trứng, còn lại là gà ri lai thương phẩm và gà con. Mỗi ngày HTX thu được 6.000 – 7.000 quả trứng, đưa về nguồn thu gần 10 triệu đồng/ngày, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động.

Có được kết quả đó, HTX đã đầu tư trên 5 tỷ đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại theo tiêu chuẩn VietGAP đồng thời đào tạo đội ngũ kỹ thuật, công nhân bài bản.

Không chỉ dừng lại ở đó, giữa năm 2016, sau khi tìm hiểu thị trường về trứng gà Omega 3, chị Lê Thị Hiền, Giám đốc HTX quyết định đầu tư nuôi 5.000 con gà Brown Nick, là giống có nguồn gốc từ dòng gà trứng cao sản của Mỹ được nhập về Việt Nam từ năm 1993. Bằng việc bổ sung thêm các chất dinh dưỡng qua đường thức ăn của gà mái kết hợp công nghệ nuôi tiên tiến chính là cách mà HTX Chăn nuôi tổng hợp Thạch Tiến đã áp dụng đối với gà Brown Nick để hướng tới gà đẻ trứng Omega 3.

Đầu tiên phải kể đến chế độ dinh dưỡng của gà đẻ trứng Omega 3, khá cầu kỳ và tốn kém. Khẩu phần thức ăn của gà chứa loại axit béo này gồm những nguyên liệu cơ bản được phối trộn với nhau theo tỷ lệ thích hợp, có thêm thảo dược, tảo biển, dầu cá…

Điều khác biệt nữa là HTX không sử dụng chất kháng sinh, thay vào đó là cho gà uống vitamin C để tăng sức đề kháng. Ngoài chế độ ăn cám như gà đẻ trứng thông thường, chị Hiền cho công nhân đi lấy bèo tây về, xay nhỏ, trộn thêm mật mía và men vi sinh. Sau khi trộn đều, đem ủ hỗn hợp trên 4 – 5 ngày rồi mới cho gà ăn.

Xay bèo tây ủ mềm làm thức ăn cho gà

Khi cho gà ăn, trộn thêm dầu cá biển, tảo biển vào để mùi vị hấp dẫn. Với thức ăn chế biến thêm này, gà được ăn 1 ngày 1 lần vào buổi trưa. Cho ăn như vậy để vừa tăng thêm chất xơ cho gà, tiêu hóa tốt, phân không hôi và quan trọng nhất là tăng thêm hàm lượng Omega 3 trong trứng gà.

Bên cạnh đó, yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng trứng cũng quyết định bởi điều kiện sinh sống của gà mái. Để đảm bảo cho đàn gà khỏe mạnh, dãy chuồng được HTX thiết kế hệ thống hút đẩy không khí tuần hoàn luân chuyển khiến chuồng trại luôn sạch sẽ, thoáng mát, nhiệt độ giữ ổn định ở mức 25 – 26 độ C, sử dụng bóng điện thắp sáng thường xuyên. Phân gà thải ra được tưới thêm men vi sinh, mỗi tuần dọn một lần nên phân khô và không hôi thối.

Theo anh Nguyễn Thái Học, kỹ sư phụ trách kỹ thuật của HTX: “Một tháng trung bình một con gà đẻ khoảng 20 – 24 trứng gà. Thông thường, gà đẻ suốt một năm khoảng hơn 250 quả, có sổ ghi chép theo dõi vì nếu con nào một tuần đẻ từ 5 – 6 trứng nhưng giảm còn khoảng 3 – 4 trứng sẽ bị loại”.

Sau khi thu hoạch, trứng gà Omega 3 được làm sạch, đóng dấu và đóng vỉ. Do cách bảo quản phải theo đúng quy trình kỹ thuật như vậy nên HTX chỉ sản xuất cung cấp cho siêu thị Metro tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An và một số cửa hàng thực phẩm sạch chứ không bán ra thị trường chợ, tránh tình trạng bị trứng thường trà trộn hoặc không bảo đảm chất lượng do cách bảo quản kém.

Thu hoạch trứng gà

Vì áp dụng quy trình chăn nuôi phức tạp và chi phí đầu vào cao nên giá trứng gà Omega 3 bán đắt hơn so với trứng thường, trứng gà bình thường được nhập với giá 3.000 – 3.500đ/quả, trứng gà Omega 3 nhập với giá 4.500 – 5.000đ/quả. Tuy nhiên, nếu so về giá trị dinh dưỡng thì trứng gà Omega 3 không quá đắt vì hàm lượng của nó mang lại gấp 2 – 3 lần so với trứng gà ta. Và chỉ bằng cách đem xét nghiệm mới phân biệt được trứng gà Omega 3 và trứng thường cũng như để biết hàm lượng chất dinh dưỡng trong quả trứng. Theo cảm quan, người mua có thể cảm nhận trứng gà này qua mùi vị ăn thơm, ngon, béo và lượng lòng đỏ trong trứng gà Omega 3 nhiều hơn trứng thường, đặc biệt là khi bể trứng cũng không tanh.

Mô hình nuôi gà đẻ trứng theo hướng Omega 3 của HTX Chăn nuôi tổng hợp Thạch Tiến đã làm phong phú, đa dạng các mô hình sản xuất ở nông thôn, kích thích cho nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư tìm hướng làm ăn mới, góp phần không nhỏ giải quyết việc làm cho số lao động nông nhàn.

Là HTX nuôi gà tập trung lớn nhất ở Hà Tĩnh áp dụng công nghệ cao để sản xuất ra sản phẩm tiên tiến, trong thời gian tới HTX sẽ không ngừng đầu tư cải tiến kỹ thuật hơn nữa để nâng cao hàm lượng Omega3 trong trứng gà, đảm bảo chất lượng, số lượng cung cấp cho thị trường.

Nguồn: Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nông nghiệp 4.0: Đưa máy bay không người lái, robot vào … trồng rau

“Công nghiệp 4.0” và “Nông nghiệp 4.0” đã và đang tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến lĩnh vực nông nghiệp trên quy mô toàn cầu. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam đổi mới công nghệ và tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên cần có cách tiếp cận hợp lý và giải pháp tổng thể để phát huy những lợi thế…

Cơ hội và thách thức nhìn lại lịch sử, khoa học và công nghệ (KHCN) đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam. Từ thập niên 50 của thế kỷ XX, những tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, bảo vệ thực vật và công nghệ sinh học đã tạo nền tảng cho nông nghiệp công nghệ cao. Giai đoạn từ năm 1969 tới nay, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục được phát triển nhờ ứng dụng công nghệ số, công nghệ sinh học, và các công nghệ tiên tiến khác.

Dây chuyền tự động phân loại củ, quả trị giá 3,5 triệu USD của Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng).

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 70 – 75% lao động sẽ mất việc làm bởi ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0. Với Việt Nam, khoảng 20 – 30 triệu lao động ngành dệt may, lắp ráp, nông nghiệp sẽ thất nghiệp. Vì vậy, cần sớm có những giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Kết quả, từ một nền nông nghiệp lạc hậu, tự cung tự cấp, đến nay Việt Nam đã trở thành 1 trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu ổn định ở mức 30 tỷ USD/năm. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD. Nội hàm của cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp là sự kết nối mạng lưới bên trong và bên ngoài của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo đó, các thông tin số hóa được sử dụng trong toàn bộ quá trình sản xuất, kết nối với các đối tác và người tiêu dùng. Quá trình phân tích, xử lý thông tin chủ yếu được thực hiện tự động.

Để xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, phải số hóa dữ liệu và tự động hóa quy trình sản xuất sản phẩm.Thực tế, Việt Nam đã có thể ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) với hàng loạt hệ thống cảm biến (sensor), giúp phân tích, kết nối dữ liệu đất đai, dinh dưỡng, sinh lý, sinh trưởng cây trồng… Đồng thời ứng dụng các công nghệ nông nghiệp chính xác để tự động hóa và tưới cây, bón phân đúng thời điểm với lượng cần thiết vừa đủ cho cây.

Chúng ta cũng đã ứng dụng công nghệ đèn Led canh tác trong nhà, công nghệ thông tin, thiết bị bay không người lái (drones), thủy canh, người máy (robot) tích hợp các bộ phân tích hoặc các phần mềm hỗ trợ phân tích có thể thay thế con người.

Một số doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới và thu được những kết quả đáng ghi nhận, có thể kể đến các trang trại bò sữa ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH True Milk và Công ty Vinamilk; các vùng sản xuất rau an toàn của VinEco; hay Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu tại Hà Nội.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa thuận lợi. Hạ tầng cơ sở để ứng dụng IoT của nước ta cũng chưa đồng bộ…

Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng công nghệ

Anh Nguyễn Tiến Thắng (xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) nuôi gà trong phòng lạnh và áp dụng thụ tinh nhân tạo.

Về mặt pháp lý, hiện Việt Nam đã có Luật KHCN, Luật Chuyển giao công nghệ. Trong Luật Chuyển giao công nghệ, có riêng một điều về chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp. Ngoài ra, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp cũng được Chính phủ tập trung chỉ đạo tại các Nghị quyết 35, 63 và 64 năm 2016 và các Nghị quyết 01, 19 và 27 năm 2017.

Nhà nước cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu phát triển và hoàn thiện công nghệ. Trong đó, có lĩnh vực nông nghiệp như: Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025; Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia… Ngoài ra, còn có các quỹ phát triển KHCN như Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KHCN quốc gia và một số quỹ khác của địa phương.

Các chương trình, hoạt động trên đã mang lại hiệu quả và tạo tác động tích cực đối với sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung. Các doanh nghiệp, cá nhân đã có điều kiện tiếp cận các thông tin về công nghệ, thiết bị trong và ngoài nước. Nhiều dự án nghiên cứu phát triển đã được triển khai, nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng và thương mại hóa thành công, đáp ứng phần nào nhu cầu của sản xuất.

Chuẩn bị gì cho nông nghiệp 4.0?

Về mặt chính sách, cần hoàn thiện hệ thống chính sách về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, xây dựng mạng lưới và nâng cao năng lực các tổ chức trung gian về KHCN. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước.

Với các chính quyền địa phương, đây là giai đoạn phải cụ thể hóa các chính sách, quy định của T.Ư thông qua các cơ chế, chương trình hành động chi tiết, phù hợp với địa phương mình. Cụ thể, các địa phương nên tổ chức các diễn đàn công nghệ, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật để kết nối nhà nông với doanh nghiệp và nhà khoa học trong hoạt động sản xuất và quản lý.

Với doanh nghiệp và người nông dân, cần khẳng định mình chính là chủ thể quyết định của quá trình sản xuất. Người nông dân và doanh nghiệp cần chủ động kết nối với các cá nhân, tổ chức KHCN, các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế để có thêm cơ hội tiếp cận và cập nhật công nghệ.

Với các tổ chức trung gian và tổ chức hỗ trợ như vườn ươm, trung tâm hỗ trợ công nghệ, các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm cần tăng cường phối hợp trong việc tạo ra hệ sinh thái hoàn thiện để các sáng chế, ý tưởng có điều kiện phát triển, ứng dụng vào thực tế sản xuất hoặc trở thành các sản phẩm có khả năng thương mại hóa.

6 kiến nghị, đề xuất

Thứ nhất, cần sớm quan tâm tới vấn đề đào tạo và chuyển dịch cơ cấu lao động. Về đổi mới chương trình đào tạo từ bậc đại học, bậc phổ thông. Thậm chí, ngay từ cấp tiểu học. Ngoài ra, phải lấy KHCN làm nền tảng, trụ cột trong chương trình đào tạo, tập trung truyền đạt tri thức, khuyến khích tính sáng tạo, phát triển trí tuệ, trang bị kiến thức và các kỹ năng khoa học.

Thứ hai, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước liên kết nhiều hơn, tốt hơn với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức KHCN trong nước và nước ngoài. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, học tập, chuyển giao, phát triển công nghệ… phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, Nhà nước cần một hệ thống pháp luật chặt chẽ, đồng bộ, tạo điều kiện cho nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng phát triển. Sự bình đẳng, tính minh bạch sẽ thúc đẩy sức sáng tạo, hỗ trợ đúng mức cho các doanh nghiệp đang ứng dụng, đổi mới, chuyển giao và phát triển công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ.

Thứ tư, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, tăng cường các hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ, thông tin KHCN cũng như tổ chức các diễn đàn KHCN khác.

Thứ năm, cần đầu tư hạ tầng KHCN. Đặc biệt, xây dựng trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ hoàn thiện và phát triển công nghệ.

Thứ sáu, hoàn thiện và thực thi tốt chính sách về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.Với các giải pháp tổng thể từ trung ương tới địa phương, cùng hệ thống chính sách thân thiện và phát huy tốt các nguồn lực xã hội, KHCN sẽ là đòn bẩy để nông nghiệp Việt Nam nâng cao vị thế trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình chăn nuôi gà thịt trên nền đệm lót sinh học

Để góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015-2020 và làm phong phú, đa dạng thêm giống gà nuôi trong tỉnh, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã phối hợp với UBND xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình xây dựng mô hình “Chăn nuôi gà thịt giống Minh Dư trên đệm lót sinh thái”.

Mô hình có quy mô 400 con được thực hiện tại hộ ông Mai Xuân Vinh ở thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình với hình thức hỗ trợ 100% con giống và 50% vật tư (thức ăn, vắc-xin, hóa chất sát trùng, chế phẩm xử lý mùi hôi…).

Sau 3 tháng thực hiện mô hình, hộ thực hiện đã áp dụng các chỉ tiêu kỹ thuật được tập huấn về chăn nuôi gà thịt Minh Dư trên đệm lót sinh thái. Gà thịt giống Minh Dư được mua tại Công ty TTHH giống gia cầm Minh Dư ở thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước,tỉnh Bình Định. Gà giống khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông bông, bụng gọn, không khèo chân, không vẹo mỏ đủ tiêu chuẩn làm giống. Chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng đúng định kỳ, thay trấu đệm lót đảm bảo đúng kỹ thuật. Thời gian từ tuần đầu đến hết tuần 4, chiếu sáng 100% để đảm bảo duy trì nhiệt độ phù hợp sao cho đàn gà lúc nào cũng tản đều trong quây úm. Từ tuần thứ 5 trở đi chỉ chiếu sáng về đêm còn ban ngày tùy thuộc vào thời tiết. Về thức ăn, từ tuần 1 đến hết tuần 4 cho ăn thức ăn hỗn hợp đảm bảo độ đạm là 21%, từ tuần thứ 5 cho ăn thức ăn có độ đạm là 19%, từ tuần thứ 7 thả gà ra vườn, từ tuần thứ 10 trở đi cho ăn thức ăn phối trộn giữ thức ăn hỗn hợp và cám ngô, gạo… Cho gà uống đủ nước sạch, thuốc úm và bố trí các máng ăn máng uống phù hợp theo lứa tuổi.

Đàn gà giống Minh Dư lúc 04 tuần tuổi

Công tác thú y được tuân thủ nghiêm ngặt. Thường xuyên cọ rửa máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi, định kỳ phun tiêu độc khử trùng, kịp thời thay đệm lót khi bị bẩn ướt, xử lý chế phẩm khử mùi hôi đúng thời điểm, tiêm phòng và xử lý các loại vắc-xin đúng và đầy đủ theo quy trình kỹ thuật.

Sau khi áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật cho thấy đàn gà tăng trọng nhanh, tỉ lệ nuôi sống ở 90 ngày tuổi đạt 99,75%, tiêu tốn thức ăn: 2,65 kg/1kg tăng trọng. Trọng lượng bình quân gà lúc 90 ngày tuổi đạt 2,0 kg/con đảm bảo chỉ tiêu của mô hình. Khi dùng chế phẩm vi sinh Balasa No1 xử lý trên đệm lót, giúp phân hủy phân, giảm mùi hôi thối và khí độc chuồng nuôi, tạo môi trường trong lành cho vật nuôi phát triển tốt, giảm tỉ lệ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy, bệnh CRD, lông gà tơi xốp, mượt, sạch đẹp hơn, bán có giá cao hơn trước đây. Mô hình đã được hộ tham gia mô hình và các hộ dân vùng lân thăm quan học tập cận đánh giá cao và có khả năng nhân ra diện rộng.

Từ thực tế triển khai mô hình tại xã Phú thịnh cho thấy, nuôi gà thịt giống Minh Dư trên đệm lót sinh thái giảm đáng kể các chi phí đầu tư, kể cả công chăm sóc so với hình thức nuôi truyền thống trước đây. Lợi nhuận thu được từ 400 con gà sau hơn 3 tháng nuôi là trên 10 triệu đồng.

Đàn gà giống Minh Dư 10 tuần tuổi

Ông Mai Xuân Vinh hộ tham gia mô hình cho biết thêm, quá trình triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt giống Minh Dư trên đệm lót sinh thái đã giảm 25% chi phí điện úm gà con, 40% công lao động và 30% thuốc thú y. Đặc biệt là chi phí công quét dọn phân hàng ngày với lượng trấu phải thay thường xuyên như trước đây đã giảm đáng kể. Mô hình đã giúp giảm đáng kể mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Từ đó, góp phần định hướng phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung, an toàn, bền vững và quản lý tốt dịch bệnh, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dung.

Mô hình chăn nuôi gà thịt giống Minh Dư được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái thực hiện tại xã Phú Thịnh sẽ là cơ sở để các hộ chăn nuôi trong vùng đến thăm quan học tập làm theo.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Giống gà lương phượng

Gà Lương Phượng (Lương Phượng hoa) là một phẩm giống mới, nuôi chăn thả lấy thịt đã nhà được các nhà tạo giống gà tại Nam Ninh (Quảng Tây-Trung Quốc) nghiên cứu và chọn lọc trong thời gian trên 10 năm.

Gà Lương Phượng yêu cầu thức ăn không cao, quản lý nuôi dưỡng đơn giản

Về đặc điểm ngoại hình, Gà Lương Phượng rất giống với thể hình gà đia phương: mào, tích, tai đều màu đỏ. Gà trống có mào cờ đứng, ngực rộng dài, lưng phẳng, chân cao trung bình, lông đuôi vểnh lên. Gà mái đầu thanh tú, thể hình chắc, rắn, chân thẳng, nhỏ. Màu lông đa phần ma hoàng, lông cú sẫm, số ít màu sẫm điểm lông đen rất hấp dẫn với người chăn nuôi và tiêu dùng. Gà giết mổ, da vàng, thịt ngon, đậm đà như thịt gà địa phương.
Gà Lương Phượng yêu cầu thức ăn không cao, quản lý nuôi dưỡng đơn giản. Do được chọn lọc theo hướng tăng sức đề kháng, chống đỡ bệnh tật nên gà dễ thích nghi nuôi trong điều kiện sinh thái nóng ẩm. Tỷ lệ gà thương phẩm xuất chuồng đều đạt 95% trở lên. Tốc độ sinh trưởng nhanh, khối lượng cơ thể lúc 70 tuần tuổi đạt 1,5-1,6 kg. Tiêu tốn thức ăn /kg tăng trọng là 2,4-2,6 kg.
Khả năng sinh sản của gà Lương Phượng rất tốt. Tuổi vào đẻ là 24 tuần, khối lượng cơ thể gà mái đạt 2.100 g, gà trống đạt 2.700 g. Sản lượng trứng/66 tuần đẻ đạt khoảng 171 quả, tỷ lệ phôi đạt 92%.
Với phẩm chất ưu việt như trên, gà Lương Phượng hiện nay đang là giống chủ đạo được ưa chuộng và phát triển nuôi rộng rãi khắp mọi vùng ở nước ta.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kinh nghiệm nuôi gà quý phi

Gà Quý phi có sức đề kháng tốt, hình thái đẹp, thịt ngon, giá bán cao nên giống này đang trở nên “thịnh” ở Hải Phòng”.

“Gà Quý phi có sức đề kháng tốt, hình thái đẹp, thịt ngon, giá bán cao nên giống này đang trở nên “thịnh” ở Hải Phòng”, ông Nguyễn Quốc Nhật, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tràng Cát (quận Hải An, TP Hải Phòng) nói như vậy khi giới thiệu về mô hình nuôi gà Quý phi của gia đình ông Đặng Lợi Quang (đội 2, phường Tràng Cát).

Gia đình ông Quang có thâm niên mấy chục năm nuôi và bán gà cảnh. Vài năm trước đây, ông nhờ người quen là thuyền viên trên tàu biển mua giống gà Quý phi ở Hồng Kông mang về nuôi làm cảnh, với giá 1 triệu đồng một con gà hơn nửa tháng tuổi.

                                                   Gà Quý phi trưởng thành.

Gà Quý phi có bộ lông mượt mà màu đen – trắng hoặc biếc, mắt đỏ, chân hồng trông rất đẹp mắt. Đặc biệt chúng có nhúm lông trên đầu nhô lên như vương miện (nên được gọi là gà “Quý phi”).

Ông Quang cho biết, ông rất thích giống gà này vì hình thái đẹp, lạ. Mới đầu nhập giống về chỉ định nuôi gà cảnh, về sau thấy thịt gà rất ngon, bán được giá cao nên mới phát triển đàn lên. Lúc đầu con gà chưa quen môi trường mới nên nuôi rất vất vả, vừa “rón rén” chăm sóc vừa theo dõi sát sao quá trình chúng sinh trưởng để rút kinh nghiệm. Trang trại của ông Quang cũng là nơi đầu tiên nuôi gà Quý phi tại Hải Phòng.

Đến nay, ông Quang đã có đàn gà Quý phi thuần thục với khí hậu địa phương. Hiện ông duy trì đàn khoảng 200 con gà bố mẹ, 200 gà thịt. Ông có lò ấp để sản xuất gà giống, mỗi tháng cung cấp cho thị trường Hải Phòng và một số địa phương lân cận khoảng 500 con gà giống. Gà giống trong vòng 1 tuần tuổi là ông tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đến 2 tuần tuổi là xuất bán, giá 50 nghìn đồng, lúc cao điểm là 80 nghìn đồng/con.

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đàn gà thịt của ông cũng bán hết veo với giá 400 – 500 nghìn đồng/kg. Trong đó, hầu hết khách hàng phải đăng ký trước mới mua được. Hiện ông đang gây đàn mới.

Ông Quang chia sẻ, ông nuôi giống này cũng tương tự như gà thường. Lúc gà 1 – 2 tuần tuổi, chỉ ăn thức ăn công nghiệp, có thể trộn thêm chút rau, bèo. Gà lớn hơn thì ăn cám ngô, thóc. Khi gà 6 tháng tuổi, con trống nặng khoảng 2kg, con mái chừng 1,3 – 1,4kg là có thể bán thịt. Về mùa lạnh cần chú ý che chắn kỹ chuồng nuôi, thắp đèn cho gà ấm.

Được hỏi về chi phí, ông Quang nói: “Chi phí nuôi gà Quý phi chủ yếu là mua con giống và thức ăn, thực sự không đáng kể, tính cao nhất là 20%”.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Tràng Cát đánh giá, trong bối cảnh chăn nuôi hiện nay khó khăn, đầu ra đầu vào không ổn định, mô hình nuôi gà Quý phi của ông Quang là việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi đúng hướng, từ loại con giống thường sang con giống chất lượng cao. Phường cũng tạo điều kiện về mặt bằng, vắc xin tiêm phòng, thuốc khử trùng… cho trang trại tiếp tục phát triển mô hình này. Ngoài ra, Hội Nông dân phường cũng bố trí cho một số hộ dân tham quan, học tập mô hình.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Các biện pháp phòng trị bệnh đầu đen trên gà nuôi

Bệnh đầu đen hay bệnh kén ruột, bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm ở gà, bệnh kén ruột thừa do một loại đơn bào có tên khoa học là Histomonas Meleagridis ký sinh ở gan, dạ dày và ruột thừa (manh tràng) gây ra.

                                                    bệnh đầu đen trên gà

Bệnh có tỷ lệ chết cao và ảnh hưởng lớn đến năng suất chăn nuôi, và xảy ra chủ yếu trên gà, gà tây nuôi chăn thả, bán chăn thả và một số loài chim.

Nguyên nhân

Tác nhân gây bệnh có 4 dạng tồn tại: Dạng xâm nhiễm ở manh tràng (ruột thừa) có thể phân lập. Dạng sinh dưỡng ở các tổn thương ruột, gan (có thể phân lập và giao tử). Dạng lưới thường dính với nhau tạo ra các thể lưới và hợp bào ở gan. Dạng hình thoi trong lòng ruột thừa và nga ba hồi manh tràng.

Vì là bệnh do Histomonas gây ra nên có tên khoa học là Histomonosis, cũng vì các biến đổi đặc trưng tập trung song hành ở gan và ruột và bệnh lại có tính lây lan nhanh, nên bệnh còn có tên là bệnh viêm hoại tử ruột gan (Infectious Enterohepatitis).

Ở Việt Nam do các biến đổi đặc trưng tạo kén ở ruột thừa nên người chăn nuôi thường gọi là bệnh kén ruột.

Phương thức lây truyền

Bệnh lây lan chủ yếu qua đường miệng, ăn uống phải trứng giun kim (Heterakis Gallinae) có chứa Histomonas.

– Bệnh lây truyền qua đường ăn uống bởi thức ăn, nước uống, chất độn, môi trường bị nhiễm trứng giun kim Heterakis Gallinae đã chứa mầm bệnh, sau khi gà bị nhiễm và qua quá trình phát triển gà lại thải mầm bệnh ra môi trường bên ngoài qua 2 cách: Qua trứng giun kim và trực tiếp qua phân.

– Ra môi trường bên ngoài trứng giun kim lại bị giun đất ăn và căn nguyên được bảo tồn trong giun đất rất lâu, gà lại ăn giun đất và lại tái nhiễm. Đây là nguyên do sâu xa để bệnh đầu đen lưu cữu trong thời gian rất dài tại cơ sở chăn nuôi, là lý do cơ bản để gà bị tái nhiễm và bệnh cứ lặp đi lặp lại sau khi đã được điều trị khỏi.

Đặc điểm dịch tễ

– Gà từ 2 – 3 tuần tuổi đến 3 – 4 tháng dễ bị bệnh nhất, nhưng gà lớn hơn vẫn có thể bị bệnh.

– Bệnh thường nổ ra vào những tháng nóng ẩm cuối xuân, hè và đầu thu, nhưng gà lớn bệnh nổ ra cả trong mùa đông.

– Tất cả các loại giống gà đều có thể mắc bệnh, gà tây mẫn cảm nhất.

Triệu chứng

– Gà đột nhiên sốt rất cao 43 – 44 độ C, nhưng lại cảm thấy rét nên đứng im, rụt cổ, dạng rộng chân, mắt nhắm nghiền, xù lông và run rẩy. Nhiều gà giấu đầu vào nách cánh, tìm chỗ đứng có ánh sáng mặt trời hoặc dưới bóng điện để sưởi.

– Giảm ăn, uống nhiều nước, tiêu chảy phân loãng vàng trắng hoặc vàng xanh. Khi sắp chết thì bỏ ăn, mào thâm tím.

– Mào thâm tím, da mép và da vùng đầu xanh xám thậm chí xanh đen, nên bệnh có tên là bệnh đầu đen.

– Bệnh kéo dài 10 – 20 ngày nên gà rất gầy. Trước khi chết thân nhiệt gà giảm xuống tới 39 – 38 độ C.

– Gà bệnh chết rải rác và thường chết về ban đêm, mức độ chết không ồ ạt nhưng sự chết kéo dài lê thê, gây cho người chăn nuôi cảm giác bệnh không nguy hiểm lắm. Thực chất cuối cùng gà chết đến 85 – 95%.

Bệnh tích

Bệnh tích tập trung ở gan và manh tràng

– Gan sưng to gấp 2 – 3 lần, bị viêm xuất huyết hoại tử, lúc đầu trên bề mặt gan có các đốm đỏ thẫm làm cho gan lổ đổ như đá hoa cương, sau đó biến thành ổ hoại tử màu trắng hình hoa cúc như ổ lao hoặc như khối u của Marek.

– Ruột thừa (manh tràng) bị viêm sưng, thành ruột thừa bị dày lên gấp nhiều lần. Trong chất chứa có thấy lẫn máu nhớt như máu cá hoặc màu nâu giống như bệnh cầu trùng hoặc tạo thành kén rắn chắc màu trắng. Từ đấy người chăn nuôi gọi là bệnh kén ruột.

Nhiều trường hợp thấy ruột thừa phình rất to dính chặt vào cá cơ quan nội tạng khác, đôi khi còn thấy manh tràng bị viêm loét thủng rò rỉ chất chứa vào lòng bụng gây nên viêm phúc mạc nặng khiến gà chết nhanh.

Bệnh đầu đen dễ bị bội nhiễm với bệnh cầu trùng, viêm ruột hoại tử và bệnh ký sinh trùng máu do Leucocytozoone.

Phòng bệnh

Không nuôi chung gà tây với gà ta và không nuôi nhiều lứa gà trong cùng 1 cơ sở chăn nuôi. Không thả gà ra vườn trong những ngày mưa, gió to. Từ 20 ngày tuổi trở lên cho gà uống Sulfat đồng hoặc uống thuốc tím.

* Cách làm:

– Cứ 7 – 10 ngày thì cho uống 1 lần. Mỗi 1 lần cho gà uống 1gr thuốc tím, hoặc 2 gr sulfat đồng pha với 10 lít nước trong 1 – 2 giờ, sau đó nếu thừa thì đổ đi.

– Hằng tuần cần phu thuốc khử trùng và cuốc xới sân vườn rồi rắc vôi bột.

Điều trị

Bệnh đầu đen dễ dàng được điều trị khỏi bằng một trong các phác đồ sau:

Phác đồ 1: Phải tiến hành đồng thời hai việc sau đây cùng một lúc:

– Tiêm bắp vào nách cánh T.Avibrasin 1 ml/5 kg gà/lần/ngày x 3 ngày.

– Cho uống T. cúm gia súc 20 gr, Hepaton hoặc T. Flox.C 20 gr, bổ gan TA.Sorbitol + B12 là 40 gr, Gluco.K.C.B2 là 100 gr.

Các loại thuốc trên pha vào 15 – 20 lít nước cho 100 kg gà uống cả ngày, dùng liên tục 4 ngày là khỏi.

Bước 2: Cho uống T. cúm gia súc 2 gr, T. Coryzin 1,5 – 2 gr, Super Vitamin 2g. Cả 3 loại trên pha vào 1 lít nước cho gà uống liên tục 3 – 4 ngày đêm là khỏi.

Phác đồ 2: Làm 2 việc sau đây cùng một lúc:

– Tiêm bắp Macavet hoặc Flodovet 1 ml/7 kg P/lần/ngày x 3 ngày.

– Cho uống: T. cúm gia súc 20 gr, Hepaton hoặc Anti-protozon hoặc Anti-CRD.LA 20 gr, bổ gan – thận – lách. TA 40 gr, Gluco.C 100 gr.

4 loại thuốc trên pha chung vào 15 – 20 lít nước cho 100 kg gà uống trong 1 ngày, dùng 4 ngày là khỏi.

Phác đồ 3: Dành cho những đàn gà có số lượng quá ít.

– Hepaton hoặc Anti – CRD.LA 15 gr.

– T. Flox.C 15 gr.

– T. cúm gia súc hoặc Anti-Gum 20 gr.

– Bổ gan – lách – thận TA 40 gr.

4 loại thuốc trên pha chung vào 15 – 20 lít nước hoặc cho 100 kg gà uống cả ngày, dùng liên tục 4 ngày là khỏi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Cách phòng bệnh giun đũa cho gà

  1. Giới thiệu

Giun đũa là một loại giun tròn thường ký sinh ở ruột non và gây bệnh cho hầu hết các loại gia cầm và thủy cầm.

  1. Nguyên nhân

Giun đũa có tên khoa học là Ascaridia galli thuộc ngành giun tròn Nematheminthes, lớp Nematoda, họ Ascarid loài Ascaridia galli, chúng có kích thước lớn, con đực 2-7cm, cuối đuôi có cánh đuôi vào 10 đôi gai chồi, trước hậu môn có 1 vòi hút tròn, 2 gai giao hợp nhọn bằng nhau, con cái 3- 11cm, lỗ sinh dục ở giữa thân, hậu môn ở cuối thân.

bệnh giun đũa ở gà

Giun đũa gà có màu vàng nhạt, trên thân có vân ngang, quanh miệng có ba môi, trên mỗi môi có răng, con cái trưởng thành đẻ 50- 72.000 trứng mỗi ngày.

  1. Loài gia cầm mắc bệnh

Gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng và hoang cầm.

  1. Tuổi gia cầm mắc bệnh

Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc mắc bệnh, tuy nhiên bệnh nặng thường thấy ở gia cầm chưa trưởng thành, gia cầm còn non, đang trong thời kỳ lớn mạnh nhất- 4 tháng tuổi.

  1. Phương thức truyền lây

Chủ yếu qua đường ăn uống

Giun cái đẻ 50-57.000 trứng theo phân ra ngoài, ở môi trường tự nhiên sau 5- 25 ngày trong trứng đã hình thành ấu trùng cảm nhiễm, gia cầm ăn, uống trứng cảm nhiễm và khi vào đến dạ dày cúng nở ra và di hành xuống ruột non, sau 1-2 ngày chúng chiu vào tuyến gọi là Lieberkhul để phát triển ở trong đó khoảng 19 ngày, rồi quay về loàng ruột hoàn thành vòng đời mất 35- 38 ngày. Tại ruột chúng sống trong ruột non 9- 14 tháng để gây bệnh.

  1. Mùa phát bệnh

Quanh năm

  1. Triệu chứng

7.1. Bệnh nhẹ

Các biểu hiện chung chung, không rõ ràng như: gia cầm vẫn ăn tốt, nhưng gầy, xù lông, chậm lớn, đôi khi tiêu chảy vô cớ.

7.2. Bệnh nặng

Ăn kém, thiếu máu, mào tích mỏ, niêm mạc nhợt nhạt, bước đi không chắc chắn, hay nằm, lười vận động, sã cánh và bị tiêu chảy, xung quanh lỗ huyệt có nhiều phân bám dính, nếu không điều trị ta sẽ thấy các triệu chứng thần kinh, liệt hoặc bán liệt chân cánh, ở gia cầm đẻ thấy sản lượng trứng giảm 10-20% mà không rõ nguyên nhân. Đôi khi một số con chết đột tử hoặc do tắc ruột, thủng ruột.

  1. Mổ khám

– Thể trạng gầy, còi cọc.

– Thiếu máu.

– Có nhiều giun đũa trong ruột non, từ 2-7cm thậm chí 11cm.

– Nếu nhiều giun có thể thấy cả búi giun, kèm viêm xuất huyết ruột non.

  1. Điều trị

Điều trị giun chỉ ở thủy cầm rất dễ bằng một trong các cách sau:

Tiêm thẳng 1ml 1% PVPiodine vào tâm u bướu/ lần ( nếu u bướu tập trung ở hầu và cổ)

Tiêm 1-2ml 5% dung dịch muối NaCl vào tâm u bướu/ lần

Tiêm thuốc tím 0,5%  1-2 ml vào tâm u bướu hoặc dùng Leva-20 (loại tiêm) tiêm dưới da 1ml/kgP/lần, hoặc có thể tiêm thẳng vào u bướu nếu số lượng đó ít và tập trung ở hầu, cổ.

Hoặc ta có thể dùng Leva- 20 loại bột uống cho ăn : 20g/100kgP/lần/ngày và chỉ dùng duy nhất 1 lần.

Hoặc dùng dao mổ đã khử trùng rạch đôi u bướu, sau đó bôi cồn iod 10% PVP iodine, nếu số u bướu ít và to ta có thể bóc tách ra khỏi cơ thể, sát trùng lại bằng cồn 96% hoặc 10% PVP iodine và khâu lại.

  1. Phòng bệnh

– Chủ động quan sát vịt, ngan, ngỗng dưới 2 tháng tuổi để kịp thời phát hiện u bướu, nếu thấy xuất hiện dù chỉ 1 con thì điều trị ngay cho cả đàn bằng uống Leva- 20.

– Giữ gìn vệ sinh chăn nuôi thú y thật tốt.

– Hạn chế thả vịt, ngan, ngỗng ra ngoài đồng có nước tù đọng và có nhiều giáp xác.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Liệu có nên sử dụng máy ấp trứng?

Bài viết này, máy ấp trứng Ánh Dương sẽ giúp bà con phân biệt được lợi ích của các phương pháp ấp trứng giữa truyền thống và bằng máy ấp để bà con có cái nhìn tổng quan trong việc chọn lựa phương pháp tốt nhất cho mình.

Phương pháp ấp trứng truyền thống

Đây là một phương pháp truyền thống lâu đời, cách làm nhanh chóng và không phụ thuộc đến các yếu tố kỹ thuật của máy móc. Phương pháp này phù hợp với tình hình chăn nuôi hiện nay ở nước ta, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng hẻo lánh chưa tiếp cận được với khoa học kỹ thuật chăn nuôi.      máy ấp trứng gà

Tuy nhiên, có những vấn đề phát sinh khi sử dụng phương pháp này vì tỷ lệ ấp trứng có thể hên xui vì do con mái có thể quá vụng về trong việc ấp trứng, hay do điều kiện thời tiết thay đổi thường xuyên dẫn đến môi trường ấp trứng không phù hợp để phôi phát triển. Ngoài ra, việc ấp trứng truyền thống khiến con mái giống giảm tỷ lệ đẻ trứng do kiệt sức. Khi ấp trứng truyền thống cũng sẽ khiến cho gà con nở ra không đồng đều, sức khỏe kém, tỷ lệ gà con chết cao hoặc mắc một số bệnh tật bẩm sinh.

Phương pháp ấp trứng bằng máy ấp trứng

Sử dụng máy ấp trứng trong chăn nuôi nở rộ trong khoảng thời gian gần đây bởi những lợi ích mà máy ấp trứng mang lại, có thể nói ưu điểm của máy ấp trứng hoàn toàn phù hợp cho tình hình hiện tại, bởi việc kỹ thuật hóa trong chăn nuôi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ưu điểm khi sử dụng máy ấp trứng

Tăng tỷ lệ nở tự nhiên đến 90%

Máy ấp trứng loại bỏ rủi ro gà mái giẫm vỡ trứng, tạo môi trường phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của phôi trứng, gia tăng tỷ lệ trứng nở đạt đến 90% so với phương pháp ấp trứng truyền thống.

Bảo vệ sức khỏe gà mái, tăng năng suất trong chăn nuôi

Sau mỗi chu kì ấp trứng, gà mái giống thường giảm đi năng suất đẻ, vì vậy khi sử dụng máy ấp trứng sẽ thay thế khoảng thời gian ấp trứng của gà, tăng năng suất đẻ trứng, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam