IRRI phát triển thành công giống lúa siêu chịu mặn

Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), có trụ sở ở Philippines, cho biết các nhà khoa học của viện này đã phát triển thành công giống lúa siêu chịu mặn, có thể giúp người nông dân trồng lúa tại các khu vực duyên hải đang bị bỏ hoang do sự xâm lấn của nước biển.

Theo IRRI, các nhà khoa học đang trong quá trình phát triển hoàn thiện giống lúa trước khi đem trồng thử nghiệm một cách rộng rãi.

Giống lúa mới này có khả năng chịu mặn cao gấp hai lần so với các giống lúa khác và dự kiến sẽ đến tay người nông dân trong vòng từ 4 đến 5 năm nữa.

Giống lúa chịu mặn này được lai giữa các giống lúa dại ngoại lai được tìm thấy tại các khu vực nước lợ với một giống lúa được phát triển trong viện (IR56). Kết quả là “giống lúa mới có thể đào thải chất mặn từ dưới đất thông qua việc tiết muối ra ở trên lá.”

Các nhà khoa học hy vọng giống lúa này sẽ giúp người nông dân tận dụng được các khu vực đất nhiễm mặn bị bỏ hoang để trồng trọt.

Cùng với lúa mì và ngô, lúa gạo được coi là một trong ba loại lương thực thiết yếu, cung cấp thức ăn cho con người trên khắp thế giới.

Hiện các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu nhằm tạo ra các giống lúa cho năng suất cao.

Nguồn: Khoahoc.tv được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Trung Quốc tạo giống lúa cao hơn đầu người cho năng suất lớn

Giống lúa có tên gọi “lúa khổng lồ” được các chuyên gia ở Viện nông nghiệp cận nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc lai tạo với hy vọng có thể cung cấp lương thực cho nhiều người hơn, theo China’s People’s Daily. Giống lúa mới được chính thức giới thiệu hôm 16/10 sau 10 nghiên cứu, có năng suất cao hơn 50% so với các giống lúa thông thường.

Nhóm nghiên cứu đã trồng thử cây lúa khổng lồ và thu hoạch trên một cánh đồng nằm ở thị trấn Jinjing thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Thân cây lúa cao trung bình 1,8 mét, những cây lớn nhất cao tới 2,2 mét.

Xia Xinjie, một nhà nghiên cứu trong dự án, cho biết năng suất dự kiến có thể đạt trên 11,5 tấn/hecta. Số hạt có thể thu hoạch từ một gốc lúa là hơn 500 hạt.

Các nhà khoa học Trung Quốc sử dụng một loạt công nghệ mới để tạo ra giống lúa mới, bao gồm đột biến gây tạo (mutation induction) và lai giống giữa nhiều loại lúa dại. Lúa khổng lồ có thể đem lại lợi ích lớn cho Trung Quốc, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nông dân và dân số ngày càng tăng.

“Lượng thóc lúa cần sản xuất thêm vào năm 2030 cao hơn 60% so với năm 1995. Hiện nay, một hecta đất trồng lúa cung cấp đủ thức ăn cho 27 người. Vào năm 2050, mỗi hecta phải đáp ứng nhu cầu lương thực cho 43 người”, Yuan Longping, nhà nông nghiệp học nổi tiếng ở Trung Quốc, nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.

Nguồn: VnExpress được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Chọn tạo giống lúa mới, năng suất cao

Tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai (Viện Cây lương thực, thực phẩm thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp) cho biết đã chọn, tạo được giống lúa mới cho năng suất cao.

                                        Chọn tạo giống lúa mới, năng suất cao

Giống lúa mới có tên gọi HTY100, cho gạo ngon, cơm mềm, có mùi thơm nhẹ, đã được đăng ký thương hiệu độc quyền Thiên Hương HYT100.

Đặc biệt, giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 125–130 ngày vụ xuân muộn; 105–110 ngày với vụ mùa sớm. Chiều cao của cây là 95–100cm, đẻ nhánh khoẻ, bộ lá xanh vừa, góc lá đứng, khả năng chống đổ, chịu rét và chống sâu bệnh khá tốt, năng suất cao: vụ xuân 75–90 tạ/ha; vụ mùa 65–70 tạ/ha.

Được biết, giống lúa mới HYT100 được công nhận là giống lúa tạm thời từ năm 2005, hiện đã được trồng khảo nghiệm ở các địa phương như: Thanh Hóa, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Yên Bái, Hải Dương.

Kết quả khảo nghiệm tại các vùng trên cho thấy, giống lúa nói trên cho năng suất cao, chất lượng hạt đều.

Theo PGS, TS Nguyển Trí Hoàn – Viện trưởng Viện Cây lương thực và thực phẩm thì việc phát triển và nhân rộng giống lúa lai 3 dòng HYT100 đã và đang góp phần vào việc phát triển thị trường lúa gạo, đảm bảo hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác của người nông dân và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Trong thời gian tới giống lúa lai 3 dòng HYT100 sẽ được nhân rộng chủ yếu là vùng Đồng bằng sông Hồng và trong tương lai sẽ nghiên cứu thổ nhưỡng của các vùng miền khác để đưa giống lúa vào gieo trồng” . PGS, TS Nguyển Trí Hoàn cho biết.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam