Khánh Hòa: Thủ phủ hoa cúc Ninh Giang căng mình phục hồi sau bão

Thủ phủ hoa cúc Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) không chỉ cung ứng hoa cho các tỉnh thành trong cả nước, mà còn xuất bán sang Campuchia trong dịp tết. Tuy nhiên, cơn bão số 12 đi qua đã gây thiệt hại nặng nề cho người trồng hoa nơi đây.

Phường Ninh Giang có khoảng 300 hộ trồng hoa, mỗi nhà trồng bình quân từ 200 – 1.000 chậu. Cơn bão số 12 đi qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và tình hình sản xuất của bà con nông dân của phường. Bão đổ bộ, nước lũ dâng cao khiến một số diện tích hoa bị ngập úng; số khác bị đổ ngã, hư hỏng do gió bão kèm mưa lớn. Tuy đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ hoa nhưng làng hoa vẫn bị thiệt hại khoảng 30%, ước tính hơn 1 tỉ đồng.

Nông dân làng hoa cúc Ninh Giang đang nỗ lực hết sức để phục hồi cho cây hoa sau bão. 

Về làng hoa sau một tuần cơn bão đi qua, chúng tôi bắt gặp những diện tích hoa bị đổ, ngã, hư hỏng và bị vàng lá khá nhiều. Hiện nay, người dân đang tất bật khắc phục hậu quả sau bão. Những chậu cúc ngã đổ trong mưa bão đang được người dân dựng lại, uốn nắn và chăm sóc.

Không chỉ tốn công khắc phục những cây bị lỏng gốc sau bão, nông dân còn phải căng mình để phục hồi diện tích hoa bị bệnh vàng lá do ngập lụt. Người dân cho biết tuy có thể phục hồi sức sống cho hoa nhưng không thể bằng lúc trước, khiến giá trị cây hoa bị giảm sút.

Mưa bão đã làm một số chậu hoa bị bể, hư hỏng hoàn toàn.

Ông Trần Minh Tự – người trồng hoa ở phường Ninh Giang – cho biết: “Sau bão lại bị mất điện nên chúng tôi phải thuê máy phát điện với giá 300.000 đồng và tốn 10 lít xăng cho một đêm để chong đèn cho hoa. Nhưng nếu không chong đèn, hoa vào nụ sớm thì nông dân sẽ đứng trước nguy cơ trắng tay”.

Cây hoa cúc bị đổ ngã, xiêu vẹo trong gió bão khiến chậu hoa mất dáng được tạo trước đó. 

Ngoài ra, các chủ vườn hoa còn tốn thêm các kinh phí khắc phục, thuê nhân công để uốn lại nhánh, bơm xịt thuốc trừ sâu bệnh để hạn chế thiệt hại. Anh Thanh Nhàn – phường Ninh Giang – cho hay, những chậu hoa trước bão đã được cắm cây, tạo dáng nhưng sau bão bị đổ ngã, siêu vẹo nên phải dựng và chống đỡ lại cho từng cây.

Nhiều cây bị chết, héo úa. 

Những cây bị gãy, buộc phải cắt bỏ, chỉ còn trơ lại gốc.

Nông dân làng hoa còn phải căng mình khắc phục diện tích bị vàng lá do ngập lụt.

Dù trước đó đã được cắm cây, tạo dáng, nhưng sau bão, hoa bị ngã đổ, siêu vẹo nên nông dân phải thực hiện chống đỡ lại cho cây.

Nguồn: Báo Lao động được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sản xuất giống thủy sản ở Ninh Hòa (Khánh Hòa): Khó gượng dậy sau bão

Trong cơn bão số 12, các vùng sản xuất giống thủy sản ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) với hàng trăm trại ương nuôi bị tàn phá hoàn toàn. Các chủ trại như đang ngồi trên đống lửa khi của cải bị mất hết, con giống chết và đối mặt với cảnh nợ nần.

Thôn Ninh Tịnh (xã Ninh Phước) là vùng sản xuất giống thủy sản chủ lực của thị xã Ninh Hòa. Toàn vùng có khoảng 140 trại sản xuất con giống ốc hương và ngao để cung cấp cho các cơ sở nuôi trong và ngoài tỉnh. Sau bão, bên cạnh hàng trăm hộ nhà bị tốc mái, thì cả một vùng sản xuất giống thủy sản đã bị xóa sổ hoàn toàn. Ông Ngô Đình Đức – chủ một trại sản xuất giống ốc hương cho biết: “Nhà tôi có 5 trại giống bị thiệt hại hoàn toàn. Riêng cơ sở vật chất thiệt hại 1 tỷ đồng, cùng với 15 triệu con ốc giống chưa kịp bán bị cuốn trôi, ước thiệt hại 750 triệu đồng”. Trại sản xuất giống của ông Ngô Văn Huân gần đó cũng bị bão đánh tan tành. Ông Huân là hộ bị thiệt hại nhiều nhất trong vùng với 7 trại sản xuất bị đổ sập, hơn 10 triệu con ốc giống bị chết, ước thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng.

Vùng sản xuất giống thủy sản thôn Ninh Tịnh tan hoang sau bão

Ở vùng ương nuôi cá bớp giống tại thôn Tân Thành và thôn Tân Đảo (xã Ninh Ích), hàng chục cơ sở sản xuất cũng rơi vào cảnh hoang tàn. Ông Nguyễn Văn Tình – chủ một cơ sở cho biết, khi bão vào, ao ương bị sạt lở, máy móc thiết bị bị bão cuốn bay. Mưa lớn khiến cho nước trong đìa ương bị ngọt hóa đột ngột nên toàn bộ cá giống hơn 20.000 con gần xuất bán bị chết, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ông Phạm Ngọc Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết: “Trên địa bàn có 30 hộ ương nuôi cá bớp giống. Các cơ sở này đều bị thiệt hại hoàn toàn sau bão. Một vấn đề đặt ra đối với công tác khôi phục sản xuất của các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn là ngoài lồng bè bị đánh tan, ao đìa bị sạt lở nghiêm trọng, các hộ khôi phục xong cũng không tìm đâu ra giống để tái sản xuất”.

Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã Ninh Hòa cho biết: “Cơn bão số 12 đã khiến cho ngành Thủy sản Ninh Hòa bị thiệt hại nặng. Về diện tích nuôi trồng có 856ha, chủ yếu nuôi tôm, cá, ốc hương bị thiệt hại; 166 bè nuôi thủy sản bị đánh tan; 240 chiếc tàu thuyền bị chìm. Riêng đối với sản xuất giống, trên địa bàn thị xã có 110 cơ sở sản xuất ốc hương giống, 35 trại sản xuất tôm giống, 30 cơ sở sản xuất cá bớp giống, 2 cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt, tất cả đều tan hoang sau bão. Giống ương nuôi, chuẩn bị xuất bán gặp mưa, bão đã chết sạch. Việc khôi phục sản xuất của các cơ sở nói riêng và khôi phục sản xuất thủy sản trên địa bàn thị xã nói chung phải mất một thời gian dài nữa mới hồi phục”.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chủ cơ sở sản xuất giống cho biết, tuy thiệt hại nặng nề nhưng họ vẫn phải gắng gượng, dọn dẹp những gì tan hoang sau bão để tổ chức lại sản xuất. Khó khăn hiện nay là nhân công, vật tư để xây dựng lại các trại khan hiếm, điện để chạy máy chưa có nên trước mắt chưa thể tổ chức sản xuất được. Các cơ sở sản xuất giống đang rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Nguồn: Vietlinh.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Ngổn ngang… sầu riêng sau bão số 12

Sau cơn bão số 12, hàng trăm héc-ta sầu riêng đang cho thu hoạch ổn định trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị gió lốc quật gãy. Nhiều hộ đang có cuộc sống sung túc nhờ loại trái cây đặc sản này bỗng chốc trở nên trắng tay. Buồn trước cảnh vườn cây tan hoang đã đành, nhưng người nông dân còn nhiều nỗi lo phía trước.

Các vườn tan hoang

Đến thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp) những ngày sau bão, chúng tôi thấy một không khí trầm buồn, xót xa. Những cây sầu riêng ngã đổ, lá đã úa màu. Gặp chúng tôi, ông Luân Trung Thắng cố nén tiếng thở dài: “Bây giờ các chú đừng hỏi tôi về sầu riêng. Tôi cũng không muốn ra vườn, bởi cây cối ngổn ngang thế kia lòng tôi chịu không được. Vườn sầu riêng là nguồn thu chính của gia đình, bây giờ bị như thế này…”. Được biết, vườn nhà ông Thắng có 250 gốc sầu riêng có tuổi từ 15 đến 20 năm. Mùa sầu riêng vừa qua, bình quân mỗi cây cho thu nhập 6 triệu đồng. Đặc biệt, có những cây 20 năm tuổi cho thu nhập gấp đôi. Cơn bão đi qua đã làm cây ngã đổ la liệt, gây thiệt hại hoàn toàn 60 gốc sầu riêng. Đó là chưa kể còn một lượng cây khá lớn bị nghiêng gốc, khả năng phục hồi cũng rất thấp.

Vườn sầu riêng nhà ông Trương Nguyên Quốc Việt ở xã Sơn Hiệp cây ngã đổ chỏng chơ, lác đác một vài cây đã được ông Việt cho người cưa dọn. Vườn sầu riêng của ông Việt từng là mô hình điểm trồng xen sầu riêng, cà phê, hồ tiêu từ cách đây gần 30 năm. Với diện tích 2ha vườn, hơn 100 gốc sầu riêng cho thu hoạch từ 10 năm trở lên, nhưng nay bị đổ gần hết. “Mùa vừa qua, gia đình tôi không tốn công chăm sóc nhưng vườn sầu riêng vẫn thu được 120 triệu đồng. 2 tháng trước tôi thuê kỹ sư về chăm sóc, đầu tư hơn 30 triệu đồng mua phân, thuốc để dưỡng cây chuẩn bị cho vụ năm sau. Lúc cây đã đâm nhiều chồi non, hứa hẹn một vụ mùa năng suất thì bão ập đến”, ông Việt tâm sự.

Thôn Liên Hòa và thôn Xóm Cỏ ở xã Sơn Bình lâu nay vẫn nổi danh với tên gọi “làng trang trại”. Bởi nơi đây tập trung khá nhiều trang trại trồng sầu riêng cho năng suất, sản lượng cao. Cơn bão đi qua, hơn 10ha trồng sầu riêng trong vùng với khoảng 2.000 cây cho thu hoạch từ 4 năm nay bị thiệt hại hoàn toàn. Trang trại của ông Đậu Dương Trần Nguyễn (thôn Liên Hòa) có khoảng 1.700 cây sầu riêng giống Mong Thoong đã cho thu hoạch cũng đã có tới 400 cây bị ngã đổ hoàn toàn. Một lượng khá lớn khác bị nghiêng, nhiều khả năng cũng bị chết trong những ngày tới. “Hầu hết những cây đổ là cây lớn, chủ lực trong vườn. Mùa vừa qua, những cây này năng suất bình quân đạt từ 2,5 đến 3 tạ/cây. Với giá bán khoảng 45.000 đồng/kg thì giá trị kinh tế của mỗi cây là rất lớn”, ông Nguyễn cho biết. Ông Nguyễn cũng đã đầu tư 200 triệu đồng mua phân, thuốc, thuê 6 nhân công từ tỉnh Tiền Giang ra và 5 nhân công địa phương chăm sóc cây trong vòng gần 1 tháng trước bão. Việc dưỡng sức cho cây vừa hoàn tất thì bão đến, cây đã bị gió, lốc quật đổ. Cây đổ còn đè lên mấy trăm cây măng cụt, tăng thêm thiệt hại.

Gắng gượng cho những mùa sau

Theo ông Nguyễn Quốc Thái – Chủ tịch UBND thị trấn Tô Hạp, mấy ngày vừa qua, một số hộ có sầu riêng bị ngã đổ đã bắt đầu cắt cành, dựng lại những cây nghiêng 45 độ. Nhưng cách làm này cũng không hiệu quả, vì sầu riêng ra trái bằng cành mà bây giờ cắt cành đi rồi chỉ giúp cây sống lại. “Rất may, không có hộ nào phải vay nợ vì các diện tích sầu riêng này đã cho thu nhập ổn định từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, với những thiệt hại to lớn về cây sầu riêng đã làm nhiều người không còn dám đầu tư trở lại. Nhìn chung, sẽ rất khó khăn và mất nhiều năm để có thể khôi phục lại được diện tích cây sầu riêng như trước đây”, ông Thái nhận định.

Ông Đậu Dương Trần Nguyễn chuyển giống cây sầu riêng để chuẩn bị trồng mới

Quả thật, việc khôi phục lại vườn sầu riêng của những hộ bị thiệt hại trong thời điểm này gặp khá nhiều khó khăn. “Tôi muốn dọn những cây bị ngã đổ để có thể trồng lại, nhưng tiền công thợ cao quá, đến 300.000 đồng/người/ngày. Không có tiền thuê nhân công dọn cây, cho người ta cưa lấy củi mà họ cũng không mặn mà. Bên cạnh đó, hiện nay, giống cây vừa hiếm vừa cao giá. Trước đây cây sầu riêng giống đẹp, đốt đều, chiều cao khoảng 60cm có giá 100.000 đồng/cây. Nhưng hiện nay giống không đẹp, chiều cao 40cm giá đã là 120.000 đồng/cây. Tôi đã đến xã đăng ký mua cây giống, nhưng phải đợi đến tháng Tư năm sau mới có”, ông Việt nói. May mắn hơn ông Việt, hộ ông Nguyễn đã mua được 300 cây giống sầu riêng có xuất xứ từ Bến Tre. Tuy nhiên, nhìn vào chất lượng cây giống với số tiền đã bỏ ra thì ông Nguyễn cũng không mấy hài lòng. “Mình đã thiệt hại, bây giờ muốn khắc phục sớm mà khó khăn về giống. Bây giờ mình cần thì phải mua chứ giống này không được tốt. Với những cây giống này, nếu trồng và chăm sóc tốt thì cũng phải đến 5 năm nữa mới cho trái bói”, ông Nguyễn chia sẻ.

Bên những gốc sầu riêng bị đổ do bão đã có những cây giống mới trồng

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Sau bão, toàn huyện có hơn 110ha sầu riêng bị thiệt hại hoàn toàn, chiếm hơn 20% tổng diện tích. Trong đó, những địa phương bị thiệt hại nặng là: thị trấn Tô Hạp 47ha, Sơn Lâm 24ha, Ba Cụm Bắc 12ha, Sơn Bình 10ha …

Về vấn đề hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại cây sầu riêng do bão, đến thời điểm hiện tại ở Khánh Sơn vẫn chưa có phương án cụ thể. “Theo chế độ hiện hành về việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại nông nghiệp do thiên tai, bão lũ đối với các diện tích bị thiệt hại từ 70% trở lên là 4 triệu đồng/ha. Trong khi giống cây sầu riêng tương đối cao, nên nếu có thì sự hỗ trợ đó cũng không đáng kể”, ông Nguyễn Quốc Thái chia sẻ. Còn ông Trần Tấn Chóng – Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết, xã đang cho cán bộ chuyên môn đến từng nhà để người dân đăng ký mua giống. Nhưng việc có cây giống để cung ứng cho người dân cũng phải chờ đến quý I/2018. Còn những hộ nào muốn trồng sớm thì phải tự túc nguồn giống.

Trao đổi với ông Đinh Ngọc Bình – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, chúng tôi được biết, huyện đang thống kê, kiểm đếm lại diện tích sầu riêng bị thiệt hại sau bão một cách cụ thể. Trên cơ sở đó, sẽ có công văn để trình tỉnh có chính sách hỗ trợ, bởi huyện không chủ động được nguồn kinh phí. Về nguồn giống cung ứng cho người dân cũng phải chờ chính sách của tỉnh, nhưng tiêu chuẩn năm nay đã hết, nên chắc phải chờ đến năm sau mới có thể có giống để cung ứng cho người dân tái sản xuất.

Nguồn: Baokhanhhoa.com.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

“Thủ phủ” tôm hùm tan tác

Thiệt hại nặng nhất về tài sản do cơn bão số 12 phải kể đến những người nuôi tôm hùm. Chỉ riêng 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, hàng ngàn tỉ đồng của bà con đã bị cuốn trôi ra biển

Ông Võ Hoàn Hải – Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa – ngày 11-11 cho biết hàng ngàn hộ nuôi tôm hùm ở đây đã trắng tay chỉ sau 1 đêm bão số 12 đổ bộ. Toàn huyện với trên 12.400 lồng nuôi tôm hùm, trên 350 ha nuôi thủy sản giờ chỉ như một bãi chiến trường trên nước.

Nợ nần, trắng tay…

“Ngư dân nuôi tôm chưa bao giờ rơi vào cảnh khốn đốn như lúc này. Đa số tôm hùm, hải sản đều chuẩn bị thu hoạch, vậy mà tan nát hết. Hộ ít thì vài trăm triệu, hộ nhiều đến vài chục tỉ…, số tiền thiệt hại ước khoảng 3.888 tỉ đồng. Đó là chưa kể số tàu bè chìm, hư hỏng” – ông Hải chua xót.

Người dân huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bán tháo tôm hùm với giá chỉ bằng 1/3-1/2 so với ngày thường.

Chúng tôi đã không cầm được nước mắt khi đến xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh – nơi bị thiệt hại nặng nề về người và cả tài sản trong cơn bão vừa qua. Một phụ nữ ôm đứa con nhỏ vào lòng ngồi thất thần bên thềm nhà giờ đã tan hoang. Một người trong xóm bảo đó là vợ anh Lê Hồng Linh, một trong những người tử nạn trong cơn bão số 12.

“Gia đình ấy cũng khá, dồn hết vốn liếng, vay thêm ngân hàng đầu tư cho bè tôm hùm trị giá hàng tỉ đồng. Tôm chuẩn bị thu hoạch lấy tiền trả nợ nhưng không ngờ tai ương ập đến, tài sản thì mất hết, còn chồng thì cũng mất… Chỉ một đêm, gia đình tan nát” – một phụ nữ cám cảnh.

Nhiều hộ nuôi tôm hùm với số lượng lớn, ước thiệt hại hơn 100 tỉ đồng như gia đình ông Tám Tuân (Vạn Giã), ông Dương, ông Nhà, Mười Châu (xã Vạn Hưng)… Khuôn mặt thất thần, bà Nguyễn Thị Loan (thị trấn Vạn Giã) nghẹn ngào: “Gần 14.000 con tôm chuẩn bị thu hoạch đã trôi ra biển, thiệt hại gần 30 tỉ đồng. Bây giờ gia đình tay trắng, nợ nần chồng chất”.

Tại Phú Yên, 2 “thủ phủ” tôm hùm lớn nhất là thị xã Sông Cầu và Vũng Rô (huyện Đông Hòa) cũng tan tác trong bão số 12. Trong đó, nặng nhất là vùng Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. Những ngày này, khi về Vịnh Hòa, chúng tôi cứ nghe tiếng rưng rức khóc từ đầu đến cuối xóm. Không còn cảnh táo tác chạy bão, những bóng người chúng tôi gặp trên đường cứ liêu xiêu, uể oải, lặng lẽ như vô hồn. Tài sản của họ – cả những khoản nợ khổng lồ từ người thân, ngân hàng – đều đã bị cuốn trôi theo bão.

Khó khăn lắm mới có một người chịu nói chuyện. Chị là Trần Thị La, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Thịnh. “Cả làng này xem như trắng tay. Mất hết rồi anh à…” – chị vỡ òa trong nước mắt. Chị La kể riêng vợ chồng chị đã đổ hết vốn, vay nợ thêm hơn 1 tỉ đồng để thả nuôi 49 lồng tôm hùm, trong đó 19 lồng đã đến kỳ thu hoạch nhưng không còn được 1 con. “Ngay khi bão vừa tan, chồng tôi ra kiểm tra. Không còn lồng nào. Không còn con tôm nào sống hết…” – chị La lấy tay quệt nước mắt.

Dự kiến khoanh nợ 5-7 năm

Những ngày qua, tại thị trấn Vạn Giã, hàng chục ngư dân, chủ bè vớt vát số tôm hùm chết hoặc yếu bán chạy lỗ. Giá tôm hùm giờ chỉ còn 150.000 – 800.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3-1/2 so với ngày thường.

Theo ông Võ Hoàn Hải, huyện Vạn Ninh đang kiểm đếm, thống kê các trường hợp thiệt hại, đồng thời sẽ làm việc với các ngân hàng đề nghị có kế hoạch khoanh nợ, giãn nợ giúp người dân. “Với số lượng lồng bè thiệt hại, vựa tôm hùm Vạn Ninh gần như xóa sổ. Rất khó để phục hồi được trong thời gian tới, do đó ngư dân rất cần tỉnh, bộ, ngành có kế hoạch, chính sách hỗ trợ tái sản xuất” – ông Hải bày tỏ.

Theo thống kê bước đầu của thị xã Sông Cầu, hơn 3.900 lồng với gần 900.000 con tôm hùm ở đây đã mất sạch, thiệt hại ước tính trên 175 tỉ đồng. “Nói về giá trị thiệt hại thì ở Phú Yên, có lẽ Sông Cầu là nặng nhất. Tuy nhiên, khổ một điều là thiệt hại về tôm hùm và tài sản nói chung khó lay động lòng người như thiệt hại về nhân mạng…”- ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, nhìn nhận.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, cho biết tỉnh đang thống kê thiệt hại của người nuôi tôm hùm. “Chỉ mới bước đầu đã thấy thiệt hại quá lớn. Chúng tôi đang thống kê để đề nghị trung ương hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ. Đối với ngân hàng, chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ có chỉ đạo giãn nợ, khoanh nợ giúp người nuôi tôm hùm gượng dậy chứ năm nay thiệt hại quá” – ông Phương băn khoăn.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoài Chiểu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Khánh Hòa, cho rằng nếu các tổ chức tín dụng chỉ giãn nợ, giảm lãi suất thì khó mà giúp doanh nghiệp và người dân gượng dậy được sau bão. “Ngày 14-11, chúng tôi sẽ triệu tập các ngân hàng để lấy ý kiến, tìm phương án giúp đỡ đồng bào. Chúng tôi dự kiến sẽ thống nhất khoanh nợ 5-7 năm cho các cá nhân, tổ chức vay vốn ngân hàng bị thiệt hại. Tuy nhiên, việc khoanh nợ phải xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Chúng tôi sẽ có tờ trình kiến nghị các giải pháp sau khi bàn bạc thống nhất” – ông Chiểu nói.

Hiện 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vẫn chưa thống kê hết con số thiệt hại từ người nuôi tôm hùm nhưng ước tính lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Nguồn: Báo Người lao động được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Người dân trồng mía Khánh Hòa trắng tay sau bão

Hàng ngàn ha mía ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) đổ rạp, gãy ngọn, bật gốc sau bão 12 đi qua. Một vụ mía trắng tay.

Đã nhiều năm, người trồng mía Khánh Hòa mới chịu thiệt hại nặng nề đến như thế. Nhiều người thua lỗ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Đổ rạp, bật gốc toàn bộ

Là địa phương có diện tích mía lớn của tỉnh Khánh Hòa, khi cơn bão số 12 đi qua, hầu hết các cánh đồng mía ở TX Ninh Hòa đều bị hư hại. Thống kê sơ bộ, có 7.768ha mía chịu thiệt hại do bão. Trong đó, nhiều địa phương như Ninh Thượng, Ninh Tây, Ninh Sim… diện tích thiệt hại trên 1.000ha.

Sau bão, diện tích trồng mía trên địa bàn TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) chịu thiệt hại nặng nề

Ông Lê Thiện Nhất, Phó chủ tịch xã Ninh Sim, cho biết, trên địa bàn có khoảng 1.800ha mía gãy đổ, bật gốc. “Tùy từng cây ở độ tuổi nào mà chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau. Những cây lớn thường bị gãy ngọn, thân, còn  cây nhỏ thì đổ rạp, bật gốc. Nói chung là tỷ lệ diện tích thiệt hại lên đến 100%. Chắc chắn năng suất mía sẽ giảm khoảng 50%”, ông Nhất nói.

Được biết, vụ thu hoạch mía tại Ninh Hòa sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 cho đến tháng 5 năm sau. Qua quan sát, hầu như toàn bộ những cây mía lớn, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là thu hoạch đều bị gió bẻ gãy ngang thân, ngọn đứt lìa. “Năng suất sẽ giảm khoảng 50 – 70% vì cây đã gãy như thế thì không phát triển được nữa”, ông Cao Văn Cảnh (Ninh Sim) – một người dân trồng mía cho biết.

Vụ mía này, ông Cảnh canh tác diện tích 20ha. Tính tất cả chi phí đầu tư, phân bón, nhân công… ông đã bỏ ra khoảng 800 triệu đồng. Bình thường với diện tích này mỗi năm sẽ đem lại cho ông khoảng 200 – 300 triệu tiền lời thì năm nay, gia đình ông sẽ thua lỗ với con số tương tự.

Trắng tay sau bão

Cũng giống như ông Cảnh, do ảnh hưởng của bão, toàn bộ 57ha mía của gia đình ông Nguyễn Hữu Điền (Ninh Xuân, Ninh Hòa) cũng thiệt hại hoàn toàn. Ông Điền nghẹn ngào: “Còn gì đâu mà nhắc đến nữa. Tôi bỏ ra hơn 2 tỷ đồng đầu tư cho đồng mía giờ toàn bộ vốn liếng gần như đi sạch. Dù có vớt vát lại cũng phải lỗ gần cả tỷ đồng rồi. Số tiền lỗ còn có thể hơn nữa vì năm nay, mía đổ nghiêng ngả nên thu hoạch khó. Tiền công chặt năm ngoái trung bình 200.000 đồng mỗi tấn chứ năm nay có thể lên đến 300.000 đồng, càng thêm lỗ”.

Những cây mía sắp đến thời kỳ thu hoạch đều bị gió bão làm gãy ngọn

Đau xót không kém là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Được (Ninh Tây). Mấy ngày nay, dù căn nhà của ông bị đổ sập, mọi thứ còn ngổn ngang chưa dọn dẹp nhưng vì quá buồn bã ông cứ đi loanh quanh khắp nơi cho khuây khỏa. Toàn bộ diện tích 45 ha mía của ông đều bị bão tàn phá hư hại.

“Mất sạch rồi chú à. Mấy ngày nay người trồng mía chúng tôi đã khóc cạn nước mắt. Trồng mía ở đây mấy chục năm chưa có năm nào cây mía bị tàn phá hoàn toàn như thế. Trong 6 tiếng đồng hồ, bao nhiêu tiền bạc, vốn liếng ra đi sạch”, ông Được nói.

Lặng lẽ đi vào ruộng mía, ông Được cho biết thêm, với cây mía đã ngã đổ thì người dân chỉ biết để vậy chứ không có cách nào khắc phục. Khi nào thu hoạch chặt được chừng nào hay chừng đó. “Mía chưa phát triển tối đa đã gãy đổ thì tỷ lệ chữ đường cũng thấp, giá bán thấp hơn. Những cây mía còn nhỏ, khoảng 6 – 7 tháng nữa mới thu hoạch giờ bị ngã như thế chỉ bỏ luôn chứ làm gì được. Tính ra năm nay nhà tôi thua lỗ gần 700 triệu đồng”, ông Được nói.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tái thiết vùng nuôi thủy sản sau bão

Nhiều vùng biển từng san sát lồng bè, sau bão giờ chỉ còn là vùng biển trống, kéo theo những khoản nợ chất chồng lan rộng ở nhiều gia đình.

Ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa đang chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề của cơn bão 12

Phải nhanh chóng tái thiết sau bão là yêu cầu bức bách bởi tái thiết nhanh chóng mới ổn định lâu dài đời sống của người dân vùng bão. Tuy nhiên, tái thiết như thế nào khi bão đã lấy đi nguồn lực tài chính của nhiều gia đình.

Ở các vùng nuôi thủy sản, lúc này nhiều gia đình không biết phải bắt đầu từ đâu để phục hồi vùng sản xuất sau khi hơn 24 ngàn lồng bè thủy sản bị bão phá hủy, gây tổn thất nặng nề.

Nhiều vùng biển từng san sát lồng bè, giờ chỉ còn là vùng biển trống, kéo theo những khoản nợ chất chồng lan rộng ở nhiều gia đình. Đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản đang khảo sát tại ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Thực tế chung của những vùng biển sau bão là nguy cơ khó phục hồi các vùng nuôi thủy sản. Nguồn lực tài chính của các gia đình không còn để tái đầu tư, chưa kể những khoản nợ.

Chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do bão số 12 đã có. Vấn đề đặt ra là việc thống kê phải kịp thời, đầy đủ, sát thực tế. Đây là công việc không dễ với tình hình hiện nay ở các địa phương còn thiếu hồ sơ kê khai lồng bè. Việc khôi phục các vùng nuôi thủy sản sau bão sẽ được gắn với tổ chức lại sản xuất vùng nuôi theo hướng tuân thủ quy hoạch, đảm bảo tính bền vững.

Nguồn: VTV được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mỗi ha tiêu mất 1 tỉ đồng sau bão số 12

Ngoài hàng trăm ngôi nhà bị sập, tốc mái, đường sá hư hỏng, cơn bão số 12 còn gây thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp cho nông dân ở Gia Lai. Với những người trồng các loại “cây vàng” như cà phê, hồ tiêu thì cơn bão đã  “thổi” bay toàn bộ gia sản mà họ tích cóp hàng chục năm trời mới có được.

Mỗi ha tiêu mất 1 tỷ đồng 

Tiếp xúc với PV Dân Việt chiều 5.11, anh Nguyễn Đức Hùng (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa) thảng thốt nói: “Hết sạch rồi anh ơi!”. Chỉ trong vài giờ cơn bão số 12 càn quét, vườn tiêu 1.200 trụ (tương đương 1,2ha) của gia đình anh đã bị xô ngã gần hết, chỉ còn sót lại khoảng 100 trụ. Chỉ những trụ tiêu xanh tốt, trĩu quả nằm rạp dưới đất, anh Hùng nói như khóc: “Vợ chồng tôi thế chấp toàn bộ tài sản, vay ngân hàng đầu tư hết vào đây, chăm bẵm suốt 3 năm ai nhìn thấy cũng khen. Vậy mà bây giờ còn lại không được một phần mười”.

Hàng nghìn trụ tiêu ở Gia Lai đã gãy đổ do bão

Theo tính toán của anh Hùng, từ khi trồng đến năm thứ ba, 1.200 trụ tiêu đã “ngốn” hết 500 triệu đồng, năm nay cho thu bói khoảng gần 500 triệu (6 – 7 tấn). Như vậy bão số 12 đã “thổi” bay 1 tỷ đồng của gia đình anh, chưa kể tiền lãi ngân hàng.

Quan sát vườn tiêu của anh Hùng, chúng tôi thấy tất cả các trụ tiêu đều được giằng dây thép chống ngã, nhưng đây cũng là một nguyên nhân khiến cả vườn đổ rạp, bởi trụ này ngã sẽ lôi thêm trụ khác. Sau khi ngã, phần lớn cây tiêu đều bị đứt gốc, phơi rễ lên mặt đất.

Cách vườn tiêu anh của Hùng không xa, anh Vũ Văn Sáng đang ngẩn ngơ với 1.500 trụ tiêu xơ xác.  “Tôi đầu tư làm trụ bằng bê tông kiên cố, nên chỉ có 200 trụ bị ngã. Nhưng khổ nỗi tiêu trồng bằng trụ bê tông, nếu đổ ngã thì coi như mất trắng, không thể phục hồi lại được”, anh Sáng cho biết.

Nói về cơn bão số 12, anh Phạm Hồng Vỹ (trú thôn 1, xã Hải Yang) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Chưa bao giờ tôi thấy một cơn bão khủng khiếp như vậy, dường như tất cả các loại cây trồng ở Tây Nguyên đều không chịu đựng nổi với sức gió của nó. Chả trách người ta đặt tên là bão Con Voi”. 

Người trồng cà phê cũng liêu xiêu 

Đến chiều 5.11, các huyện trọng điểm trồng hồ tiêu ở Gia Lai vẫn chưa thống kê hết thiệt hại. Nhưng báo cáo sơ bộ đã có gần 30.000 trụ tiêu bị ngả đổ hoàn toàn, trong đó huyện Chư Pưh gần 18.000 trụ, huyện Đắk Đoa 5.475trụ, huyện Mang Yang 6.000 trụ.

Người dân tìm cách dựng lại các trụ tiêu đã ngã nhằm vớt vát lại phần nào khi mùa thu hoạch sắp tới.

Không chỉ hồ tiêu, người trồng cà phê ở Gia Lai cũng đang khóc ròng vì quả rụng xanh mặt đất, cây bị lay gốc đứt rễ, trong khi thời điểm thu hoạch đã cận kề. Đặc biệt, tại xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang có đến 40% diện tích cà phê bị rụng quả và lay gốc. Vụ cà phê năm nay coi như trắng tay, hàng trăm nông dân ở xã này đang “vắt óc” nhưng chưa nghĩ được cách trả nợ cho các đại lý phân bón, xăng dầu mà họ mua chịu từ đầu năm.

Theo báo cáo chiều 5.11 của Sở NN&PTNT Gia Lai, do ảnh hưởng của bão số 12, huyện Phú Thiện có 286 ngôi nhà bị ngập, 162 con trâu bò bị và gần 1.000 gia cầm bị chết, nhiều km quốc lộ 25 (nối Gia Lai với Phú Yên) và kênh mương thủy lợi bị hư hỏng. Huyện Krông Pa có 38 ngôi nhà sập và tốc mái,  hơn 600 ha cây trồng bị ngập và nhiều bò, dê, lợn bị nước cuốn trôi…

Nguồn: Dân việt được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Làng hoa miền trung “mất tết” vì lũ

Được mệnh danh là vựa hoa xuân của miền Trung, nhưng hiện tại, người dân các làng hoa tết Quảng Ngãi khóc nức nở khi bao nhiêu công sức đã bị nước lũ cuốn đi.

Chiều 6-11, khi chúng tôi vào vùng rốn lũ dọc sông Vệ, người dân những làng hoa tết Nghĩa Mỹ, Nghĩa Hiệp, TT Sông Vệ (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) khóc ròng vì cơn lũ dữ đã cướp đi hơn 200.000 chậu hoa tết.

Tại các làng hoa, nước lũ đã nhấn chìm toàn bộ những diện tích trồng hoa. Người dân cho biết nước lũ về quá nhanh, trở tay không kịp nên chẳng cứu được chậu hoa nào, chỉ lo tháo chạy.

Ông Huỳnh Bảy (thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ) trồng 1.000 chậu hoa cúc Tết. Thời điểm cây sắp cho nụ thì lũ lớn đột ngột, càn qua vườn hoa khiến cây ngập đầy bùn.

Cũng như bao hộ dân trồng hoa khác, ông Bảy không kịp cứu một chậu hoa nào. Chưa kể công sức bỏ ra, ông Bảy đã thiệt hại 60 triệu đồng.

“Chậu hoa bị cuốn trôi một phần, một phần bị bể, số khác đầy bùn, nhìn xót lắm mà không biết làm gì được. Nước lên nhanh quá không ai dám ra vườn hết”, ông Bảy trầm tư.

Theo kinh nghiệm của người dân thì hoa ngập trong lũ coi như hỏng hoàn toàn. Sau lũ dù có cứu cách nào thì hoa cũng sẽ rụng lá và chết dần.

Ông Phạm Dư, nước mắt ngắn dài, cố dội nước rửa bùn trên những chậu hoa còn “ngóc đầu” bảo: “Coi như cả làng tết này đói chắc. Ai mà ngờ lũ về nhanh vậy.”

Ông Trần Thiên Thanh, trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tư Nghĩa, cho biết: “Lũ trên sông Vệ ngang với đỉnh lũ lịch sử năm 2013 và lên quá nhanh, chỉ trong một đêm đã cô lập các vựa hoa. Người dân đành bất lực. Huyện cũng đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Ngãi báo cáo sơ bộ tình hình và mong tỉnh có phương án hỗ trợ người dân trồng hoa.”

“Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có khoảng trên 200.000 chậu hoa các loại bị hư hại do lũ. Người trồng hoa đang nỗ lực cứu vườn hoa của mình. Dù biết tỷ lệ sống rất thấp nhưng họ vẫn nuôi hi vọng. Còn nước thì còn tát”, ông Thanh nói.

Không phải năm nay vựa hoa xuân của miền Trung mới xảy ra lũ tàn phá, nhưng những năm trước, người dân còn cứu được ít diện tích. Năm nay thì không cứu được bất kỳ chậu hoa nào. Họ ngậm ngùi khóc hoa…

Nhiều cây hoa chìm hoàn toàn trong nước

Lũ vừa giảm xuống người dân đã lo “tắm rửa” cho hoa dù biết không cứu được là bao

Cố gắng cứu những chậu hoa còn ngoi đầu lên trước lũ

Nguồn: Báo tuổi trẻ được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Ngư dân mất kế sinh nhai vì bão

Trước khi bão số 12 đổ vào Khánh Hòa và Phú Yên, ngư dân Hòa Tâm, vùng đất giáp ranh giữa hai tỉnh đã đưa tất cả tàu thuyền của mình vào neo đậu sâu bên trong sông Bàn Thạch, cách cầu Đà Nông hàng trăm mét để bảo đảm an toàn.

Vậy mà hàng chục chiếc thuyền của bà con thôn Phước Tân neo kỹ trong Cồn Ông vẫn bị những loạt sóng cao hàng chục mét vượt qua cầu xô đẩy mạnh, các thuyền va chạm vào nhau gây nứt, bể, chìm xuống nước. Trong số hàng chục chiếc bị hư hại, nặng nhất là thuyền của các ông Lê Minh Tâm, Trương Tám, Nguyễn Cần… Thuyền của họ bị nứt, vỡ, chìm xuống nước.

Đau xót nhìn tài sản cả đời dành dụm, vay mượn để có phương tiện mưu sinh, họ tìm cách trục vớt chiếc thuyền tan nát của mình lên đưa về nhà mà chẳng biết để làm gì!

Những chiếc tàu của ngư dân Phước Tân bị chìm trong khu vực Cồn Ông

Dùng sức người mà kéo thuyền

Tìm cách trục vớt thuyền lên

Dùng ba-lăng để trợ lực

Vợ con cùng tham gia

Tài sản quý giá nhất trên thuyền là chiếc máy nổ, phải vớt lên, dù bị ngâm nước mặn đã coi như hỏng

Ông Lê Minh Tâm đau xót nhìn đống gỗ vụn được chở về nhà

Theo báo Phú Yên, kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Khánh Hòa thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng do bão số 12

Cuối ngày 5-11, ông Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ kinh phí khắc phục khẩn cấp thiệt hại do bão số 12 gây ra trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh, bão số 12 đã đổ bộ trực tiếp vào đất liền tỉnh Khánh Hòa từ 4 giờ sáng ngày 4-11 với sức gió cao nhất đạt cấp 12, giật cấp 15 kèm theo mưa lớn với lượng mưa lên đến 200mm đã gây ra thiệt hại nặng nề về người, tài sản.

Đến nay, toàn tỉnh có 27 người chết, 5 người mất tích, 89 người bị thương; trên 10.000 căn nhà bị sập và hư hỏng; 3.826 ha diện tích lúa bị ngập và 6.258 ha diện tích hoa màu các loại bị ngập, hư hại; 44.320 lồng bè bị trôi hoàn toàn; nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, thông tin liên lạc, trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, cơ sở sản xuất và cơ sở hạ tầng kỹ thuật hư hỏng nặng nề… Tổng thiệt hại ước tính trên 7.000 tỷ đồng.

Để kịp thời khắc phục hậu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương và các sở, ban, ngành khẩn trương tổ chức khắc phục. Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ khẩn cấp: 25.000 tấn gạo, 200.000 viên sát khuẩn Aquatabs và 5.000 kg Cloramin B để khử khuẩn, làm sạch nước; 30.000 lít chất sát trùng Hanlodine 10% để khử trùng tiêu độc ở môi trường chăn nuôi, khu vực buôn bán gia súc gia cầm; 50.000 lít hóa chất Chlorine để xử lý mầm bệnh và phòng bệnh các vùng nuôi trồng thủy sản; 15.000 liều vắc-xin tai xanh.

Về hỗ trợ kinh phí, UBND tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 2.855 tỷ đồng, trong đó: kinh phí khôi phục sản xuất nông nghiệp: 255 tỷ đồng; khắc phục, sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi, công trình sạt lở bảo vệ bờ là 1.600 tỷ đồng; kinh phí sửa chữa hư hỏng: công trình y tế, trường học, các trụ sở cơ quan, các công trình hạ tầng kỹ thuật… là 1.000 tỷ đồng .

Với số lượng nhà của người dân bị sập và hư hỏng lớn, hệ thống đường giao thông hư hỏng, dự kiến cần khối lượng vật tư để sửa chữa, xây dựng lại là: 40.000 tấn xi măng, 10 triệu viên gạch xây, 20 triệu viên gói lợp, 10 triệu m2 tôn. Để kịp thời khắc phục nhà ở và giao thông đi lại cho nhân dân, đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, và các tổ chức xã hội kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp chung tay giúp sức cùng với tỉnh để khắc phục kịp thời các thiệt hại.

Nguồn: Baokhanhhoa.com.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.