Kiên Giang: Năm nào cũng “đào” được 300 triệu từ khoai lang Bông Súng

Với 1ha đất trồng khoai lang Bông Súng, mỗi năm lão nông Huỳnh Văn Thơm (Mười Thơm), ngụ khu phố 6, thị trấn Giồng Riềng (Giồng Riềng, Kiên Giang) thu nhập hơn 300 triệu đồng, trừ chi phí làm bờ bao, lên liếp, phân bón, lợi nhuận gần 150 triệu đồng. Trong khi đó, ở nhiều địa phương người trồng khoai lang năm được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa…

Với 1ha đất trồng khoai lang, mỗi năm lão nông Huỳnh Văn Thơm (Mười Thơm), ngụ khu phố 6, thị trấn Giồng Riềng (Giồng Riềng, Kiên Giang) thu nhập hơn 300 triệu đồng, trừ chi phí làm bờ bao, lên liếp, phân bón, lợi nhuận gần 150 triệu đồng.

Nhiều người tò mò trong khi giá khoai lang trên thị trường nhiều năm gần đây rất bấp bênh, nhiều gia đình bán đất , sang ruộng vì giá khoai lao dốc, nhưng ông Mười Thơm vẫn sống khỏe với loài cây trồng đã có mặt ở khu phố 6 từ mấy chục năm nay.

“Kinh nghiệm của tôi là canh thời điểm xuống giống khoai lang lúc ít nơi trồng được, để không bị dội chợ và bán được giá cao. Ngoài ra, kỹ thuật làm đất trồng khoai lang cũng cực kỳ quan trọng, quyết định vụ khoai thất bại hay thắng lợi” – ông Mười Thơm thiệt thà nói.

Ông Mười Thơm, thị trấn Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang bên luống khoai lang giống Bông Súng đang được ươm mới

Với kinh nghiệm theo dõi thị trường của mình, ông Mười Thơm nhận thấy, thông thường mùa nước nổi các vùng trồng khoai lang lớn trong vùng ĐBSCL sẽ ít trồng được khoai lang do ảnh hưởng lũ lên. Nhất là những nơi mực nước lũ cao, không có đê bao kiên cố sẽ không thể trồng khoai lang được. Vậy là cứ khoảng tháng 7 âm lịch ông Mười Thơm lại âm thầm thuê người cuốc dòng, lên luống rồi giâm dây khoai lang xuống.

Cứ như thế, mỗi năm ông Mười Thơm trồng được 2 vụ khoai lang Bông Súng. Để giữ gien giống khoai lang địa phương có từ thời cha ông để lại, cứ khoảng tháng 2 âm lịch hàng năm, ông lại chọn những luống khoai có củ sai, to, trọng lượng khoảng 500gr/củ, cuống nhỏ để ương lấy dây làm dây khoai giống.

Nhờ nhiều năm kinh nghiệm, ông Mười Thơm, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang vẫn thu lãi 150 triệu đồng/năm từ khoai lang Bông Súng

Theo ông Mười Thơm, mỗi củ khoai giống khi ương có thể cho 25-50 chồi. Với 20 củ khoai giống, ông có thể nhân ra được 400 dây giống, sau đó tiếp tục trồng ở một khu vực riêng để trồng làm dây giống phục vụ ruộng khoai của gia đình và chia cho bà con trong ấp cùng trồng.

Ở tuổi 70, với 50 năm kinh nghiệm trong nghề trồng khoai lang Bông Súng, ông Mười Thơm cho biết: “Trồng khoai lang sợ nhất là khoai bị sùng. Để hạn chế việc sử dụng thuốc hóa học ngừa sâu, hà gây hại ruộng khoai lang, kinh nghiệm của tôi là sau khi thu hoạch khoai xong sẽ ban luống khoai cho bằng phẳng lại, rồi cho nước vào ngập ruộng ngâm suốt trong 15 ngày để diệt mầm bệnh trên ruộng khoai”.

Ngoài ra, trước khi cuốc giòng, ông Mười Thơm xử lý vôi bột trên mặt luống để hạ phèn, giúp khoai sinh trưởng tốt. Với những kinh nghiệm này đã giúp năng suất ruộng khoai lang nhà ông Mười Thơm luôn mức 12-15 tấn/ha.

Có lẽ vì điều kiện đồng đất của thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang cùng với nguồn nước ngọt mát lành quanh năm từ kênh Bông Súng hiền hòa, sự cần mẫn tâm huyết của những lão nông gắn bó nhiều năm với củ khoai như ông Mười Thơm đã góp phần làm nên hương vị đặc trưng của củ khoai lang Bông Súng, ít nơi nào sánh được.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Sản xuất nông nghiệp an toàn

Việc áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu thiệt hại cho rau màu, cây ăn trái trong bối cảnh thời tiết bất lợi, áp lực dịch hại gia tăng như hiện nay.

Để sản phẩm nông nghiệp an toàn đến người tiêu dùng cần giảm phân thuốc, và có thời gian cách ly an toàn

PGS.TS Trần Thị Ba, giảng viên Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) cho biết, trái dưa hấu khi trưng tết phải vừa trưng vừa ăn ngon. Để đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn rất khó, thường năng suất cao thì chất lượng kém. Nếu trồng dưa thu hoạch bán trưng tết và dưa ăn thì vấn đề về năng suất hiện tại đã kết thúc, bà con không nên bón thêm phân.

Vào thời điểm tuần cuối thu hoạch dưa, chỉ sử dụng phân kali, không sử dụng kali muối ớt do chất Clo làm cháy lá và ruột bị bầm, sử dụng Kali tan (chỉ có Kali và lưu huỳnh) hoặc Kali Sunphat làm tăng hương vị trái ngon hơn.

Trong thời điểm này không cần quan tâm vấn đề bọ trĩ, sâu vẽ bùa trên vỏ trái, trái nằm trên mặt đất cần dời vị trí dưa để tránh thối phần dưới của trái. “Muốn dưa hấu có chất lượng ngon và an toàn cần giảm lượng đạm, tăng kali. Nếu tăng kali, canxi vừa giúp cây khỏe, độ đỏ trong ruột đậm hơn, ngọt hơn và vỏ sẽ cứng hơn, thời gian bảo quản lâu hơn. Việc giảm sử dụng phân đạm dẫn đến an toàn sức khỏe” PGS.TS Trần Thị Ba nói.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết: Vào dịp tết nhu cầu sử dụng rau màu và trái cây tăng cao. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, có nhiều cơn mưa trái mùa, thậm chí có nhiều đợt mưa lớn liên tục xảy ra làm rau màu, trái cây của nhiều nhà vườn bị ảnh hưởng sản lượng. Nếu chăm sóc tốt thì có thể cho thu nhập cao, do sản lượng giảm nhưng giá bán tăng.

Trong quá trình canh tác bà con cần tiến hành kiểm tra các ruộng rau, vườn trái cây nhiều hơn để có chế độ quản lý tốt. Những sản phẩm thu hoạch trước tết phải ngưng bón phân đạm, để tránh thừa đạm Nitrat trong sản phẩm. Những sản phẩm thu hoạch trong và sau tết nên bón tăng cường thêm phân kali để giúp trái ngọt và bảo quản được lâu hơn.

Ông Liêm cho biết thêm, sản xuất rau màu cũng thế, phải đối phó với nhiều vấn đề từ yếu tố thời tiết, dịch bệnh và giá cả. Riêng dịch bệnh, nhóm sâu hại trong canh tác rau an toàn có nhiều giải pháp, sử dụng thuốc BVTV là biện pháp sau cùng, chọn đúng loại thuốc và sử dụng đúng thời điểm cần có thời gian cách ly để hạn chế tối đa lưu lượng thuốc BVTV tồn dư, gần đến ngày thu hoạch. Nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học.

Ngoài ra, để hạn chế sâu bệnh hại trong ruộng rau màu cần áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp. Canh tác luân canh, vệ sinh đồng ruộng, xử lý bón vôi và phân hữu cơ, trải màng phủ nông nghiệp, bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm, tưới tập trung vào buổi trưa, hạn chế tưới buổi chiều.

Cần áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất

Về dịch hại trên cây khoai lang, một phần là do cách canh tác của bà con. Hiện tại, bà con trồng nhiều vụ trên một nền đất nhiều vụ trên năm, dẫn đến giống dần thoái hóa, dịch bệnh phát triển, đất không còn nhiều dinh dưỡng. Vì vậy, phải luân canh để đảm bảo thời gian cách ly, cho ruộng ngập nước hơn một tháng để diệt mầm bệnh và tích lũy dinh dưỡng. Cần lưu ý khâu chọn giống tốt, đảm bảo cây khoai lang đủ dinh dưỡng, sớm phát hiện để xử lý đất, bệnh.

Đối với bệnh chết dây, đất phải xử lý bằng vôi, nếu phát hiện bệnh sớm phải ngắt bỏ tiêu hủy và rải vôi vào chỗ dây chết hoặc sử dụng thuốc trừ vi khuẩn phun tập trung tại dây bệnh và phun tập trung cả ruộng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.