Sản xuất nông nghiệp an toàn

Việc áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu thiệt hại cho rau màu, cây ăn trái trong bối cảnh thời tiết bất lợi, áp lực dịch hại gia tăng như hiện nay.

Để sản phẩm nông nghiệp an toàn đến người tiêu dùng cần giảm phân thuốc, và có thời gian cách ly an toàn

PGS.TS Trần Thị Ba, giảng viên Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) cho biết, trái dưa hấu khi trưng tết phải vừa trưng vừa ăn ngon. Để đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn rất khó, thường năng suất cao thì chất lượng kém. Nếu trồng dưa thu hoạch bán trưng tết và dưa ăn thì vấn đề về năng suất hiện tại đã kết thúc, bà con không nên bón thêm phân.

Vào thời điểm tuần cuối thu hoạch dưa, chỉ sử dụng phân kali, không sử dụng kali muối ớt do chất Clo làm cháy lá và ruột bị bầm, sử dụng Kali tan (chỉ có Kali và lưu huỳnh) hoặc Kali Sunphat làm tăng hương vị trái ngon hơn.

Trong thời điểm này không cần quan tâm vấn đề bọ trĩ, sâu vẽ bùa trên vỏ trái, trái nằm trên mặt đất cần dời vị trí dưa để tránh thối phần dưới của trái. “Muốn dưa hấu có chất lượng ngon và an toàn cần giảm lượng đạm, tăng kali. Nếu tăng kali, canxi vừa giúp cây khỏe, độ đỏ trong ruột đậm hơn, ngọt hơn và vỏ sẽ cứng hơn, thời gian bảo quản lâu hơn. Việc giảm sử dụng phân đạm dẫn đến an toàn sức khỏe” PGS.TS Trần Thị Ba nói.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết: Vào dịp tết nhu cầu sử dụng rau màu và trái cây tăng cao. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, có nhiều cơn mưa trái mùa, thậm chí có nhiều đợt mưa lớn liên tục xảy ra làm rau màu, trái cây của nhiều nhà vườn bị ảnh hưởng sản lượng. Nếu chăm sóc tốt thì có thể cho thu nhập cao, do sản lượng giảm nhưng giá bán tăng.

Trong quá trình canh tác bà con cần tiến hành kiểm tra các ruộng rau, vườn trái cây nhiều hơn để có chế độ quản lý tốt. Những sản phẩm thu hoạch trước tết phải ngưng bón phân đạm, để tránh thừa đạm Nitrat trong sản phẩm. Những sản phẩm thu hoạch trong và sau tết nên bón tăng cường thêm phân kali để giúp trái ngọt và bảo quản được lâu hơn.

Ông Liêm cho biết thêm, sản xuất rau màu cũng thế, phải đối phó với nhiều vấn đề từ yếu tố thời tiết, dịch bệnh và giá cả. Riêng dịch bệnh, nhóm sâu hại trong canh tác rau an toàn có nhiều giải pháp, sử dụng thuốc BVTV là biện pháp sau cùng, chọn đúng loại thuốc và sử dụng đúng thời điểm cần có thời gian cách ly để hạn chế tối đa lưu lượng thuốc BVTV tồn dư, gần đến ngày thu hoạch. Nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học.

Ngoài ra, để hạn chế sâu bệnh hại trong ruộng rau màu cần áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp. Canh tác luân canh, vệ sinh đồng ruộng, xử lý bón vôi và phân hữu cơ, trải màng phủ nông nghiệp, bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm, tưới tập trung vào buổi trưa, hạn chế tưới buổi chiều.

Cần áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất

Về dịch hại trên cây khoai lang, một phần là do cách canh tác của bà con. Hiện tại, bà con trồng nhiều vụ trên một nền đất nhiều vụ trên năm, dẫn đến giống dần thoái hóa, dịch bệnh phát triển, đất không còn nhiều dinh dưỡng. Vì vậy, phải luân canh để đảm bảo thời gian cách ly, cho ruộng ngập nước hơn một tháng để diệt mầm bệnh và tích lũy dinh dưỡng. Cần lưu ý khâu chọn giống tốt, đảm bảo cây khoai lang đủ dinh dưỡng, sớm phát hiện để xử lý đất, bệnh.

Đối với bệnh chết dây, đất phải xử lý bằng vôi, nếu phát hiện bệnh sớm phải ngắt bỏ tiêu hủy và rải vôi vào chỗ dây chết hoặc sử dụng thuốc trừ vi khuẩn phun tập trung tại dây bệnh và phun tập trung cả ruộng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phát triển nhiên liệu sinh học không tổn hại nông nghiệp việt nam

“Nhiên liệu sinh học được sản xuất từ sản phẩm nông nghiệp, nhưng lại đang bị tách khỏi nền nông nghiệp. Đất cho vùng nhiên liệu sinh học gần như không còn”. Viện trưởng Viện KH Vật liệu ứng dụng trao đổi về việc thiết lập, bảo tồn mối quan hệ nhiên liệu sinh học – nông nghiệp Việt Nam.

                  Phát triển nhiên liệu sinh học không tổn hại nông nghiệp Việt Nam 

Trao đổi của PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng xung quanh sự nghiệp phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH) ở Việt Nam, đặc biệt là việc thiết lập và bảo tồn mối quan hệ NLSH – nông nghiệp.

PGS.TS Hồ Sơn Lâm cho biết, NLSH (còn gọi là nhiên liệu xanh) được sản xuất từ nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác nhau. Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về mối quan hệ NLSH – nông nghiệp.

Song hành vĩnh cửu

– Là người nghiên cứu lâu năm về NLSH, xin ông cho biết thêm về mối quan hệ giữa NLSH với nông nghiệp?

Mối quan hệ qua lại của tất cả các tác động lên vạn vật bao giờ cũng có hai mặt: Tốt và xấu. Sự khác biệt chỉ là tốt ít hay tốt nhiều, xấu ít hay xấu nhiều. Làm sao cho cái tốt nhiều, giảm thiểu cái xấu đến một mức độ có thể, luôn là mục tiêu của KH&CN.

NLSH cũng vậy, nó cũng có hai mặt. Nếu sử dụng đất nông nghiệp (đất tốt để sản xuất lương thực, thực phẩm) cho mục đích nhiên liệu, thì ta được lợi về mặt nhiên liệu, nhưng phía sau đó là ta phải nhập lương thực, thực phẩm, rau quả. Như vậy, lợi ít mà hại nhiều. Nếu sử dụng đất hoang hóa, đất bị bạc màu để trồng cây lấy dầu thì lợi nhiều mà hại ít. Nếu trên các nương đồi chỉ trồng sắn (củ mỳ), thì ta sẽ được tinh bột cho lương thực và làm nhiên liệu, nhưng ta đang khai tử vùng đất đó. Phải nhiều năm sau, cỏ mới mọc lại trên vùng đất đó, mà chủ yếu là cây cỏ tranh mới đủ sức sống ở đó.

Nông nghiệp trong đó có lúa gạo, khoai sắn, ngô, đậu là nguồn sống chính của người và gia súc. Các dạng thức ăn lên men công nghiệp cho gia súc có thể tăng nhanh số lượng, nhưng kèm theo đó là sự tăng trưởng đến chóng mặt của các loại bệnh lạ, làm hại đến sức khỏe của người. Nếu chúng ta nhớ lại hai, ba chục năm trước đây, khi chưa có thức ăn công nghiệp, gia súc của chúng ta hầu như không có các loại bệnh nan y. Sở dĩ như vậy, vì thức ăn của người và gia súc xuất phát từ nông nghiệp tự nhiên. Cho nên, nếu vì một lý do nào đó mà chúng ta thu hẹp diện tích nông nghiệp tự nhiên, sống dựa vào nền nông nghiệp lai tạo và chất kích thích tăng trưởng, ta sẽ là nạn nhân của chính chúng ta.

– Vậy, việc sử dụng nhiên liệu sinh học ảnh hưởng tới nông nghiệp như thế nào?

NLSH có nghĩa là nhiên liệu được sản xuất ra từ sản phẩm của nền nông nghiệp. Mà sản phẩm của nền nông nghiệp là loại sản phẩm có thể tái tạo. Sự tái tạo ở đây không phải là sự “sống lại”, mà là sự lặp lại chu kỳ sinh trưởng tự nhiên. Do đó, nguyên liệu cho NLSH sống mãi với nền nông nghiệp, không mất đi như dầu mỏ, chỉ mất đi khi nền nông nghiệp bị tiêu diệt! Vì vậy, chiến lược phát triển NLSH phải đi đôi và đồng bộ với chiến lược phát triển nông nghiệp.

Thật phi lý khi bộ Công thương lập chiến lược phát triển NLSH, trong khi Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn, nơi chỉ đạo và QLNN về nền nông nghiệp lại chỉ là cơ quan phối hợp! Điều này chứng tỏ chúng ta chưa thực sự hiểu hết về nhiên liệu sinh học, hay nói cách khác, chúng ta vẫn tách NLSH khỏi nền nông nghiệp. Đây là một sai lầm rất lớn và sẽ phải trả giá, nếu không thay đổi quan điểm.

– Nói như thế có nghĩa là NLSH ở ta chưa thực sự phát triển. Vậy, nguyên nhân chính là do đâu?

Theo tôi, nguyên nhân chính là do cách quản lý và thực hiện của ta có vấn đề. Nếu đọc kỹ đề án phát triển NLSH của Việt nam đến năm 2025, chúng ta sẽ thấy nhiều con số rất ấn tượng. Nhưng các con số này chưa nêu được những biện pháp cụ thể, trong đó, cần chỉ rõ đất ở đâu, vùng nào trồng cây gì… Đất nông nghiệp (tạm xem là đất ở vùng có khả năng cải tạo để sử dụng cho mục đích sản xuất lương thực, thực phẩm) đang dần biến thành khu công nghiệp, sân golf, du lịch sinh thái… Vậy lấy đâu ra đất để qui hoạch vùng NLSH?

Điều các nhà khoa học, các nhà sản xuất NLSH, các doanh nghiệp trồng nguyên liệu quan tâm là ngày nào, tháng nào, năm nào, NLSH sẽ được chính thức hóa ở Việt nam? Cơ quan nào có trách nhiệm kiểm định chất lượng? Cơ quan nào có trách nhiệm cung ứng? Thì không biết đến bao giờ mới có? Nếu không có những căn cứ cụ thể đó, ai dám xây dựng một nhà máy vài trăm tỷ rồi ngồi chờ đến lúc được phép sử dụng! Có những người dám đầu tư hàng trăm ngàn hec ta đất để trồng nguyên liệu, vì họ hiểu rằng, dầu là vàng! Nhiều nước sẵn sàng mua hết, kể cả mỡ cá với giá cao! Không biết đến năm 2025, ta có nguyên liệu để sản xuất NLSH hay không?

Phát triển NLSH: Lắng nghe thiên nhiên, bảo vệ đất

– Chúng ta nên làm gì để có thể phát triển nguồn NLSH một cách bền vững?

Có nhiều cách để phát triển NLSH (cả xăng và dầu diesel sinh học), chứ không chỉ có mía, sắn để làm cồn, đậu tương biến đổi gel để làm dầu… Cần phải lắng nghe và đồng cảm với thiên nhiên của ta. Đừng vội phá hoại nó cho một mục đích trước mắt để tạo ra nhiên liệu sinh học mà phá vỡ đi sự hài hòa của thiên nhiên và nông nghiệp Việt Nam.

Đừng thấy người Brazin trồng nhiều mía và trở thành cường quốc của NLSH, rồi ta cũng phá ruộng trồng mía. Đừng thấy Mỹ trồng bắp lai có năng suất cao rồi ta cũng bắt chước trồng bắp lai. Đừng thấy Ấn Độ trồng jatropha rồi ta cũng chặt cây sở, cây trẩu, cây cao su để trồng jatropha.

Các nhà sinh vật học vẫn cho rằng Việt Nam là một quốc gia đa dạng sinh học. Hãy tôn trọng điều đó và từ đó, tìm cho mình một hướng đi để phát triển NLSH. Tất cả những gì thái quá đến cực điểm, sẽ có mẫu số chung là thảm họa. Nhìn thấy trước thảm họa để tránh, hơn là khắc phục thảm họa.

– Vậy thì, phát triển NLSH nên dựa trên những nguyên tắc nào, theo ông?

Thứ nhất, tất cả các cơ sở sản xuất NLSH phải được xây dựng trên nguyên lý công nghệ không bã thải.

Thứ hai, vùng nguyên liệu mới chỉ nên phát triển ở vùng đất kém hiệu quả kinh tế, đồng thời, phải bố trí đan xen các lọai nguyên liệu khác nhau, không độc canh. Trồng để cải tạo và phát triển chứ không trồng để bóc lột đất.

Thứ ba, hãy tạo điều kiện để tất cả mọi người, đặc biệt nhân dân vùng sâu, vùng xa tham gia sản xuất nguyên liệu cho NLSH. Triết lý “góp gió thành bão” chính là cơ sở lý luận của công nghệ không bã thải.

Thứ tư, luôn nhớ rằng, NLSH có tính nhân văn, không phải để làm giàu, mà để bảo vệ trái đất, để xóa đói giảm nghèo, để trái đất xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn.

Từ những nguyên lý đó, dẫn đến việc bố trí trồng nguyên liệu sao cho phù hợp với từng khu vực và trồng những cây gì để hài hòa sinh thái, để bảo vệ đất. Điều này, các nhà khoa học nông nghiệp hiểu rất rõ.

Việc sử dụng một cách hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên (trong đó có tài nguyên thực vật và sản phẩm nông nghiệp) sẽ tạo ra một mạng lưới nguyên liệu cho NLSH. Chỉ có thể phát triển bền vững, nếu ta kết hợp một cách hài hòa lợi ích của thiên nhiên với lợi ích của con người

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam