Sự tích lũy manganese trong hệ thống nuôi tôm Biofloc

Nghiên cứu này nhằm chứng minh sự tích lũy chất độc hại là manganese (Mn) và ảnh hưởng của nó đến tôm nuôi trong hệ thống Biofloc.

Trong hệ thống nuôi tôm tuần hoàn sẽ có sự mất mát các chất dinh dưỡng và tích lũy các chất độc hại. 

Nuôi tôm theo công nghệ Biofloc ngày càng phổ biến ở nước ta do nhiều ưu điểm như tiết kiệm nước, tỉ lệ sống cao, năng suất cao gấp nhiều lần nuôi bình thường, chất lượng thủy sản nuôi được đảm bảo và không gây ô nhiễm môi trường.

Nhưng do sự trao đổi nước thấp của những hệ thống này dẫn đến việc thiếu hụt yếu tố dinh dưỡng hoặc tích lũy các chất độc hại.

Sự tích tụ Mn (SBR) là nguyên nhân làm chậm quá trình phát triển của tôm nuôi. Do nước nuôi tôm có hàm lượng Mn cao chứa trong các hạt biofloc, các hạt biofloc này là thức ăn bổ sung cho tôm nuôi. Về cơ bản SBR có nhiều trong nước thải từ hệ thống nuôi tôm. Vật liệu flocs còn sót lại từ các lần xử lý nước trước còn gọi là “nước bẩn” . Các floc này trộn lẫn với các hạt floc mới và nó được dùng làm thức ăn bổ sung vào thức ăn cho tôm.

Thí nghiệm đánh giá tác động của Mn với tôm nuôi

Hai thử nghiệm được tiến hành như sau:

(i) Thử nghiệm thức ăn đầu tiên là một thí nghiệm kéo dài 6 tuần để xác định độc tính của mangan đối với tôm (Litopenaeus vannamei) trong khẩu phần không có bioflocs.

(ii) Thử nghiệm cho ăn thứ hai (5 tuần) là được thực hiện với các biofloc nói trên với hàm lượng mangan cao.

SBR được sử dụng đối với tôm nuôi trong giai đoạn khoảng 30 ngày tuối, ở giai đoạn này chất lượng nước nuôi tương đối tốt.
Nước sử dụng sau khi tách các hạt floc được sử dụng ngược lại vào hệ thống RAS và các hạt floc được sử dụng bổ sung cùng với thức ăn viên cho thấy tăng trưởng của tôm nhanh hơn so với chỉ đơn thuần dùng thức ăn viên.

Tuy nhiên, đến giai đoạn nuôi khoảng 60 ngày khi này chất lượng nước trở nên xấu hơn, do đó khi bổ sung các hạt floc vào thức ăn làm giảm tăng trưởng của tôm khoảng 30% so với việc không bổ sung.

Giai đoạn nuôi từ 60 ngày trở đi cho thấy hàm lượng Mn tích lũy dao động trong khoảng 0.9 – 1.1%, tương đương hàm lượng Mn có thể có trong thức ăn tôm khoảng 0.1 – 0.3% tùy thuộc vào lượng biofloc tạo thành.

Kết luận.

Mn đóng cai trò quan trọng trong nuôi tôm, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy hàm lượng Mn trong thức ăn tôm càng cao thì tôm càng chậm lớn, và hàm lượng này không được vượt quá 0.02%.

Sự tích lũy Mn trong nước nuôi tôm theo hệ thống Biofloc làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tôm nuôi. Do đó cần cân nhắc cẩn thận đối với các cấp độ tiềm tàng của các nguyên tố vi lượng trong biofloc.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Văn bản hóa quy trình nuôi tôm siêu thâm canh chuẩn

Sau khi kết thúc chuyến kiểm tra thực tế các hộ nuôi tôm siêu thâm canh tại xã Tân Hưng, huyện Cái Nước vào ngày 13/12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo ngành nông nghiệp trong tuần này phải hoàn thành văn bản chi tiết về quy trình nuôi tôm siêu thâm canh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử (bìa trái) trao đổi cùng hộ ông Trần Văn Cương, ấp Tân Thuận, xã Tân Hưng về quy định của nuôi tôm siêu thâm canh.

Đến thời điểm này, huyện Cái Nước có hơn 23 ha nuôi tôm siêu thâm canh với 109 hộ dân tham gia. Trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Tân Hưng Đông 20 hộ và Tân Hưng 19 hộ nuôi.

Qua kiểm tra, rà soát về quy trình nuôi, chỉ có 50 hộ nuôi đạt tiêu chuẩn quy định, còn lại 59 hộ nuôi không có ao lắng, ao xả thải và hệ thống dây dẫn điện không an toàn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử trao đổi, hướng dẫn hộ ông Lê Văn Đạt, ấp Tân Hòa về thiết kế ao lắng, lọc tuần hoàn nước cho mô hình này, tránh xả thải trực tiếp ra môi trường bên ngoài.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về rà soát, thẩm định quy trình nuôi tôm siêu thâm canh, UBND huyện đã tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, ghi biên bản đề nghị hộ nuôi khắc phục hệ thống lưới điện và phải có ao xử lý nguồn nước thải, không xả thải trực tiếp ra kinh rạch.

Qua báo cáo của địa phương và kiểm tra thực tế 3 hộ nuôi tại xã Tân Hưng, đoàn nhận thấy, tại các hộ này đã hứa khắc phục nhưng thực tế vẫn không làm. Hệ thống lưới điện được kéo tạm bợ, thả dưới đất rất nguy hiểm. Ao xả thải không thiết kế ngăn lắng, lọc và tuần hoàn nước, vẫn còn xả thẳng ra môi trường bên ngoài.

Qua kiểm tra, trao đổi với người dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng người dân chưa nắm được, chưa hiểu được nội dung cũng như ý nghĩa của các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh về nuôi tôm siêu thâm canh. Các đoàn thẩm định trước đây vẫn chưa chi tiết được, chưa thể hiện được hết ý nghĩa và hướng dẫn cụ thể cho người dân. Còn huyện nói có tập huấn quy trình nuôi cho người dân nhưng kiểm tra thực tế người dân vẫn chưa được tập huấn…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đề nghị Văn phòng UBND tỉnh tham mưu văn bản đánh giá sau chuyến khảo sát này; giao Sở NN&PTNT khẩn trương triển khai tổ kiểm tra môi trường nuôi trồng thủy sản và thẩm định quy trình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Qua đó cũng kiểm tra ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh đã được triển khai cụ thể đến từng hộ dân hay chưa. Phải hướng dẫn dân chi tiết về thiết kế ao nuôi, quy hoạch và xử lý môi trường vụ nuôi. Phải thể hiện thời gian khắc phục, thời gian kiểm tra lại và phải đảm bảo mọi người dân tham gia nuôi phải biết quy định này.

Về phía huyện phải hoàn thành văn bản chi tiết nội dung của biên bản về thẩm định quy trình nuôi tôm siêu thâm canh trong tuần này, tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp trong tuyên truyền cho người dân nuôi tôm. Làm thế nào cho mọi người đang nuôi tôm cũng như chuẩn bị nuôi nắm được quy định trên, có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng gây ô nhiễm môi trường như hiện nay.

Nguồn: Báo Cà Mau được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nhân rộng lót lưới mành thay cho lót bạt trong ao nuôi tôm

HTX Nuôi thủy sản năng suất cao Tân Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đã đưa ra sáng kiến lót lưới mành đáy ao thay cho lót bạt trong nuôi tôm.

Nhân rộng lót lưới mành thay cho lót bạt trong ao nuôi tôm

Cách đây 1 năm, HTX Nuôi thủy sản năng suất cao Tân Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) vẫn còn khoảng 90% thành viên thiếu vốn sản xuất; thì sau vụ nuôi năm 2017, nhiều thành viên đã có trong tay bạc tỷ, nhờ hợp tác hỗ trợ nhau cùng áp dụng mô hình nuôi tôm tiên tiến.

Thành công vượi trội

Ngày 19/11, HTX Tân Hưng đang thu hoạch ao tôm thẻ chân trắng (TTCT) cuối cùng sử dụng sáng kiến lót lưới mành đáy ao của Giám đốc Huỳnh Xuân Diện. Dù thời gian nuôi (kể cả giai đoạn ương 20 ngày) chỉ mới 75 ngày, nhưng tôm đã đạt kích cỡ 54 con/kg, nhưng Giám đốc Diện vẫn còn thấy tiếc: “Do độ mặn hiện tại chỉ còn khoảng 4 – 5‰, nên buộc phải thu hoạch vì tôm bắt đầu chậm lớn, nếu không, chỉ khoảng 2 tuần nữa thôi là có thể thu tôm cỡ 30 con/kg”.

Thay vì nuôi bạt đáy như mọi năm, năm nay, anh Diện có sáng kiến thử nghiệm thay bạt đáy bằng loại lưới mành để giảm chi phí và cả 3 ao (1.600 m2/ao) đều thành công lớn. Anh Diện chia sẻ: “Nếu sử dụng bạt đáy, mỗi ao tốn khoảng 60 triệu đồng, còn sử dụng loại lưới mành này chỉ tốn 16 triệu đồng, nhưng mật độ thả nuôi, tốc độ tăng trưởng và năng suất thì vẫn như nhau”. Chỉ ao tôm đang thu hoạch, anh Diện cho biết: “Như ao này, mặc dù độ mặn xuống thấp, nhưng cũng chỉ 75 ngày tôm đã vào cỡ 54 con/kg, sản lượng ước tính nếu kéo hết cũng khoảng từ 4 tấn trở lên”.

Cũng theo anh Diện, HTX hiện có 60 thành viên, với 60 ha mặt nước nuôi TTCT thâm canh và bán thâm canh với mật độ thả nuôi 200 – 250 con/m2, tất cả đều nuôi 2 giai đoạn, có ao ương riêng và sang ao bằng kỹ thuật sang khô. “Nhờ nuôi 2 giai đoạn, nên chỉ cần 75 ngày là tôm thu hoạch đạt cỡ 50 – 60 con/kg, do đó mỗi năm có thể thả nuôi đến 4 vụ. Theo tổng kết sơ bộ, năm nay hầu hết người nuôi đều có lời, người lời cao nhất trên 800 triệu đồng/vụ, còn người thấp nhất khoảng 200 triệu đồng/vụ” – anh Diện phấn khởi chia sẻ thêm.

Liên kết cùng phát triển

Khi thành lập vào tháng 10/2016, các thành viên HTX Tân Hưng đều là những người nuôi tôm có kinh nghiệm, kỹ thuật lâu năm, nên việc tiếp cận, cập nhật mô hình nuôi mới cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, do từ năm 2015 trở về trước, tình hình nuôi không mấy khả quan, nên có nhiều thành viên HTX thiếu vốn, khiến cho việc huy động vốn làm dịch vụ còn khó. Mặt khác, nguồn điện ở đây rất kém, nên việc triển khai nuôi thâm canh, mật độ cao, nhất là nuôi theo công nghệ Biofloc còn khó và chi phí cao.

Điểm mới trong mô hình nuôi là HTX thử nghiệm thành công trên 3 ao nuôi bằng phương pháp lót lưới mành toàn bộ ao nuôi thay cho lót bạt. Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí đầu tư theo anh Diện, hình thức nuôi này còn giúp cho ao không bị đục do tôm không thể sục xuống bùn đáy ao để tìm kiếm thức ăn. “Ngoài tiết kiệm chi phí, ao nuôi không bị đục, qua thử nghiệm 3 vụ nuôi, tôi thấy tôm cũng rất mau lớn và màu sắc đẹp, đại lý thu mua rất thích, sẵn sàng trả giá cao”. Mặt khác, do không sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm, nên giá bán tôm luôn cao hơn bên ngoài khoảng 3.000 đồng/kg.

Trong vụ nuôi vừa qua, dù nguồn vốn hạn chế, nhưng HTX cũng hỗ trợ được cho thành viên của mình mua con giống, thức ăn đến cuối vụ mới trả, nhưng vẫn rẻ hơn bên ngoài 1.000 đồng/kg đối với thức ăn và 10 – 15% đối với con giống. Ngoài ra, con giống cũng được phía doanh nghiệp cung ứng bảo hành trong 30 ngày, nếu có thiệt hại sẽ được phía doanh nghiệp hoàn trả 100%.

Trao đổi về tình hình liên kết trong cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, Giám đốc HTX Huỳnh Xuân Diện cho biết: “Cũng có nhiều doanh nghiệp tìm đến muốn liên kết với HTX, nhưng qua tìm hiểu, thấy rằng, hầu hết các doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhỏ. Do đó, HTX cũng có trao đổi với UBND tỉnh để tranh thủ sự hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX được liên kết với các doanh nghiệp lớn trong cung ứng đầu vào lẫn đầu ra trong thời gian tới”. Hiện nay, vụ nuôi năm 2017 đã kết thúc, các thành viên HTX tranh thủ cải tạo lại ao nuôi, chờ con nước có độ mặn cao tới là thả nuôi vụ mới.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

 

Chế phẩm vi sinh từ nuôi cho đến bảo quản

Ở Quảng Nam mô hình sử dụng chế phẩm sinh học EM chuối và chế phẩm dịch chiết gừng bảo quản sản phẩm tôm đã chứng minh tính thiết thực và hiệu quả cao có thể hướng đến nhân rộng để ngành sản xuất tôm bền vững.

EM chuối trộn vào thức ăn tăng cường sức đề kháng cho tôm.

Nuôi tôm cho sản lượng cao, an toàn

Lâu nay, nông dân Nguyễn Xuân Cần (thôn Kỳ Trần, xã Bình Hải, Thăng Bình) nuôi tôm không nhiều nhưng được những hộ khác khâm phục vì các vụ nuôi luôn thành công. Ở vụ vừa qua, với 6 ao nuôi có tổng diện tích 18.000m2, ông Cần thu hoạch 10 tấn tôm, bán được 1,6 tỷ đồng, qua đó thu lợi 1 tỷ đồng.

Bí quyết thành công của nông dân này là ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm. “Sử dụng hóa chất và kháng sinh không phải là giải pháp nuôi tôm bền vững vì gây hại môi trường và sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thay vào đó tôi sử dụng chế phẩm sinh học EM chuối – sản phẩm độc đáo xuất xứ từ Nhật Bản” – ông Cần chia sẻ.

Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm và bảo quản sản phẩm tôm nuôi đang là lựa chọn hiệu quả và hướng đến bền vững.

Chế biến EM chuối theo cách ông Cần hướng dẫn cũng khá đơn giản: xay nhuyễn 1kg chuối tây đã lột vỏ rồi khuấy đều với 1 lít EM trong bình có nắp đậy chặt. Sau 24 giờ có thể sử dụng 1 lít chế phẩm sinh học EM chuối trộn với 10kg thức ăn nuôi tôm. Nguyên tắc sử dụng chế phẩm sinh học của ông Cần là sử dụng đúng liều lượng, thời gian sử dụng vào buổi sáng, khoảng 8 – 10 giờ, lúc nắng ấm là phù hợp nhất vì hàm lượng ô xy hòa tan cao. Chế phẩm EM chuối có tác dụng tăng cường sức đề kháng và khả năng chống chịu của tôm nuôi khi có các điều kiện ngoại cảnh bất lợi, tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn cho tôm. Bên cạnh đó, EM chuối còn giúp tiêu diệt vi sinh vật có hại, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Nuôi tôm ở vùng triều có nhiều hạn chế về nguồn nước, nhưng cũng nhờ sử dụng chế phẩm sinh học, hộ các ông Nguyễn Nam, Đỗ Văn Lành (khối phố Phú Sơn, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) vẫn thu được sản lượng lớn, lãi hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ nuôi.

Ông Nguyễn Nam cho biết, ông sử dụng chế phẩm sinh học trong toàn bộ quá trình nuôi tôm, từ giai đoạn cải tạo ao nuôi đến khi thu hoạch. “Ban đầu tôi nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hình thức quảng canh vì vùng triều ven sông không có lợi thế về quản lý môi trường nuôi tôm như trên cát. Sau đó, tôi đã chuyển sang thâm canh nhờ sử dụng chế phẩm sinh học có tính tương thích cao nên nuôi tôm rất trúng vụ” – ông Nam nói.

Ông Đỗ Văn Lành cho biết thêm, thời tiết càng khắc nghiệt nông dân càng nên dùng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm. Như chuẩn bị cho vụ nuôi mới năm 2018, ông sẽ dùng chế phẩm sinh học để xử lý bùn đáy hồ bằng cách pha với nước phun tiêu độc trong vòng 10 ngày. Tùy theo từng vụ nuôi, ông dùng các loại chế phẩm sinh học khác nhau phù hợp, được kiểm chứng kỹ càng.

Hiệu quả bảo quản

Mới đây, cơ sở thu mua tôm thương phẩm Thúy Ty (xã Tam Anh Bắc, Núi Thành) tiến hành thu mua tôm thẻ chân trắng ở ao nuôi của bà Nguyễn Thị Luận (xã Tam Hải, Núi Thành). Thay vì chỉ dùng đá ướp lạnh như mọi khi, doanh nghiệp này đã sử dụng chế phẩm sinh học gồm 50% dịch chiết gừng trong cồn 50%, cùng 50% dịch chiết riềng trong cồn 60% và các phụ gia an toàn là nisin nồng độ 200ppm, chitosan có nồng độ 0,5% để bảo quản sản phẩm theo tỷ lệ 1 lít chế phẩm sinh học pha với 2 lít nước biển và 7kg nước đá để bảo quản cho 10kg tôm thương phẩm.

Kết quả là tôm không có điểm đen nào trên thân; không bị rách vỏ; thịt tôm có màu sắc đặc trưng, săn chắc; đầu tôm dính chặt vào thân và không dập nát. Cơ sở Thúy Ty cho biết, nếu bảo quản bằng nước đá đơn thuần, chỉ sau 2 ngày tôm sẽ suy giảm chất lượng, giá bán ra bị giảm đến 30%. Trong khi đó, bảo quản bằng chế phẩm sinh học, thời gian giữ chất lượng sản phẩm tôm lâu hơn.

Nguồn: Báo Quảng Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm “nước sạch”

Ứng dụng mô hình nuôi tôm bằng nguồn nước từ nuôi cá diêu hồng là mô hình mới đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được hộ ông Nguyễn Phước ở xã Phú Thuận (Phú Vang) triển khai.

Ao hồ nuôi tôm của ông Phước

Ba ao hồ nuôi tôm trên cát ven biển của ông Phước được rào chắn bằng lưới thép, bao phủ xung quanh bằng dương liễu, hạn chế tối đa người và động vật ra vào. Tất cả các quy trình nuôi tôm đều khép kín. Từ khi áp dụng mô hình nuôi tôm nói trên, nhiều vụ liên tiếp ông Phước thu lãi trên dưới 1,5 tỷ đồng.

Ông Phước nuôi trên cát từ hơn 10 năm qua, nhưng chỉ một vài vụ đầu có lãi, nhiều vụ sau liên tục xảy ra dịch bệnh, thua lỗ.

Một lần đọc trên báo, thấy mô hình nuôi tôm “nước sạch” của Philippines ít xảy ra dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao, ông Phước tìm tòi, tra cứu trên mạng về kỹ thuật nuôi tôm mới này.

“Mô hình cơ bản không khác mấy so với nuôi tôm trên cát thông thường, quy trình kỹ thuật nuôi cũng đơn giản, lại hạn chế tối đa chi phí đầu tư”, ông Phước nói.
Thay vì lấy nước từ biển và nguồn nước ngọt trực tiếp đưa vào nuôi thì mô hình mới này phải qua bể lắng. Điều khác là bể lắng này trước khi đưa nước vào ao hồ để nuôi phải thả nuôi cá diêu hồng trong thời gian một tháng (cá diêu hồng được xem là “máy lọc sinh học”, ăn tất cả các tạp chất, côn trùng, làm sạch môi trường nước) mới đưa vào ao nuôi và thả tôm giống.

Sau khi thu hoạch tôm, kết thúc vụ nuôi thì nước trong ao hồ lại được chuyển sang bể lắng (đang nuôi cá diêu hồng), sau đó đưa vào nuôi vụ tiếp theo. Việc tận dụng nguồn nước vụ trước không chỉ giảm chi phí đầu tư (khoảng 30 triệu đồng/vụ) mà còn không thải ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường.

Nói về hiệu quả mô hình, ông Phước cho biết: “Tui chỉ nuôi 3 hồ tôm. Năng suất bình quân mỗi hồ thường đạt từ 8-10 tấn. Trừ thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển, còn lại hầu như vụ nào cũng có lãi. Vụ lãi cao khoảng 500 triệu đồng/hồ, còn vụ thấp cũng vài trăm triệu đồng. Mỗi năm có thể nuôi 2-3 vụ, nhưng vụ sau tết thường là vụ chính, từ tháng 9 trở đi cũng thích hợp cho nuôi tôm chân trắng, còn vụ hè chỉ nuôi phụ, mật độ thả thấp. Ngoài ra tui còn thu lãi từ cá diêu hồng, mỗi năm vài trăm triệu đồng”.

Ông Phước thừa nhận, trong quá trình nuôi có sử dụng kháng sinh nhưng rất hạn chế, chỉ khi cần thiết, như tôm có dấu hiệu bị dịch. Ngoài ra còn sử dụng thêm chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng cho tôm. Thức ăn hoàn toàn công nghiệp, mua từ các công ty có thương hiệu, uy tín.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận đánh giá cao mô hình nuôi trồng thủy sản của ông Phước. Chính quyền địa phương đang vận động người dân địa phương học tập mô hình của ông Phước để ứng dụng, nhân rộng trên địa bàn.

TS. Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản-Trường đại học Nông lâm Huế đánh giá cao mô hình nuôi tôm mới của ông Phước. Khoa đã cử giảng viên, sinh viên nghiên cứu mô hình và xác định hiệu quả của mô hình. Đây là quy trình nuôi mới thích hợp với điều kiện nuôi tôm trên cát không chỉ ở Phú Thuận. Mô hình vừa bền vững, ít dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu mô hình của ông Phước để nhân rộng nhằm mang lại hiệu quả nuôi tôm trên cát trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, mô hình nuôi tôm chân trắng của ông Nguyễn Phước theo công nghệ của Philippine. Đây là mô hình đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng hiệu quả. Tại Thừa Thiên Huế, đây là mô hình mới, lần đầu tiên được ứng dụng chỉ trong vài năm gần đây và đã khẳng định hiệu quả. Sắp đến, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiếp tục nghiên cứu, phổ biến kiến thức, khuyến khích người dân nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh…

Theo ông Nguyễn Phước, mỗi ao hồ nuôi thông thường có diện tích 2.000-3.000m2/hồ, mật độ thả nuôi khoảng 300 con tôm chân trắng/m2. Mỗi ao nuôi tôm phải có 3-4 dàn quạt nổi và 1 dàn quạt đáy để tạo Oxy. Mỗi ao lắng nuôi cá hồng có một ao lắng từ 500-1.000m2, mật độ thả nuôi 50 con cá/m2.

Nguồn: Vietlinh.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Những khoáng chất nào cần cho tôm?

Khoáng có vai trò hết sức quan trọng đối với động vật thủy sản, vì nó tham gia trực tiếp vào các quá trình sinh tổng hợp diễn ra bên trong cơ thể vật nuôi.

Do đó, làm thế nào để giúp động vật thủy sản hấp thu đủ lượng khoáng, luôn là vấn đề quan tâm của người nuôi. Khoáng là một nhóm các chất cần thiết và vật nuôi chỉ cần một lượng nhỏ, nhưng nếu thiếu chúng sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của vật nuôi. Hiện nay, người ta đã xác định được 16 nguyên tố khoáng đa lượng (Cu, Fe, Mn, Zn, Sn…) và 6 nguyên tố khoáng vi lượng (Ca, Mg, P, Na, K, Cl). Do động vật thủy sản sống trong môi trường nước, có thể hấp thu khoáng qua mang hoặc da, nên rất khó xác định chính xác nhu cầu khoáng. Tuy nhiên, nhu cầu khoáng của động vật thủy sản phụ thuộc vào 3 yếu tố:

• Tình trạng dinh dưỡng  của vật nuôi

• Thành phần và hàm lượng khoáng trong thức ăn

• Nồng độ khoáng trong môi trường nước.

Vai trò một số nguyên tố  Khoáng đối với động vật thủy sản

Trong nuôi trồng thủy sản, nhu cầu về các nguyên tố khoáng Sắt (Fe), Đồng (Cu), Kẽm (Zn), Canxin (Ca), Magie (Mg), Phosphorus (P) được quan tâm nhiều hơn.

Fe

Là thành phần cấu tạo nên Hemoglobin, đóng vai trò vận chuyển máu và hô hấp trên cá. Cá có thể hấp thu Fe qua môi trường, còn nếu bổ sung nên chọn muối có chứa ion Fe 2+ vì sẽ giúp cá dễ  hấp thu hơn. Thiếu sắt sẽ làm số lượng tế bào hồng cầu giảm, gan cá bị vàng. Các loại muối Fe được dùng phổ biến là Sắt (II) choloride (FeCl2), Sắt (II) Sulfat (FeSO4).

Cu

Là thành phần cấu tạo nên Hemocyanin, đóng vai trò vận chuyển máu và hô hấp trên Tôm, góp phần hình thành nên sắc tố melanin.Thiếu Cu tôm sẽ giảm sinh trưởng, giảm lượng Cu trong máu và gan tụy. Tôm có thể hấp thu Cu qua môi trường nước và trong bột cá. Loại muối bổ sung Cu được dùng phổ biến là CuSO4.

Zn

Kẽm giúp tăng khả năng vận chuyển CO2 trên động vật thủy sản, kích thích tiết acid chlohyride (HCl). Thiếu kẽm vật nuôi sẽ giảm sinh trưởng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Loại muối thường dùng để bổ sung Zn là ZnSO4.

Ca

Là thành phần chủ yếu hình thành nên khung xương cá , duy trì áp suất thẩm thấu, tham gia cấu tạo vào chất dẫn truyền thần kinh. Cá có thể hấp thu Ca từ nước qua mang da, thiếu Ca sẽ làm giảm chức năng sinh sản trên cá. Cùng với Mg, Ca tham gia vào quá trình lột xác của tôm, nếu thiếu thì sẽ dẫn đến tôm không lột xác được, chậm lớn. Các muối thường dùng để bổ sung Ca là Calcium lactate (C6H10O6), Tri basic Calcium phosphate (Ca3(PO4)2), Calcium Cacbonate (CaCO3)…

Mg

Là chất xúc tác trong một số phản ứng quan trọng trong hệ thống enzyme. Tôm cá biển dễ hấp Mg từ môi trường nước. Thiếu Mg vật nuôi sẽ giảm ăn, tỉ lệ chết cao. Người ta sử dụng các muối MgSO4.7H2O, K2SO4.2MgSO4 để bổ sung khoáng cho vật nuôi.

P

Tham gia vào quá trình trao đổi năng lượng, sinh trưởng, sinh sản và duy trì sự ổn định của pH trong ao nuôi. Cá tôm không thể hấp thu P qua môi trường nước mà hấp thu trực tiếp từ thức ăn. Khi thiếu P, vật nuôi sẽ giảm sinh trưởng, giảm hiệu quả sử dụng thức ăn, và làm tôm bị mềm vỏ. Do đó người nuôi hết sức lưu ý để bổ sung đủ lượng P cho tôm, cá. Các muối thường dùng để bổ sung P là: KH2PO4, NaH2PO4.

Kết luận

Tùy vào từng giai đoạn phát triển của vật nuôi mà nhu cầu khoáng cho từng giai đoạn sẽ khác nhau. Người nuôi cần chú ý sử dụng các muối có chứa các nguyên tố khoáng ở dạng dễ tan, để giúp vật nuôi hấp thu tốt hơn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Viet Nam.

5 sai lầm thường gặp nhất khi nuôi tôm

Trong thực tiễn sản xuất, nhiều hộ nuôi tôm theo đuổi mục tiêu sản lượng cao trong khi đầu tư không đúng mức dẫn đến tôm phát triển chậm, bệnh nhiều, tỷ lệ hao hụt cao.

1. Chất lượng giống thấp

Chất lượng tôm giống đóng vai trò tiên quyết đến sự thành bại của vụ nuôi, nhưng đến nay, nhiều người vẫn chủ quan trong khâu lựa chọn tôm giống chất lượng đưa vào sản xuất. Với những lý do ngại liên hệ với những cơ sở sản xuất giống uy tín, phải chờ đợi giống, và giá thành đắt hơn 2 – 3 lần so với giá tôm đại trà. Để tránh thiệt hại do tôm giống kém chất lượng, cần lựa chọn tôm giống có ngoại hình đẹp, khỏe mạnh, ở những địa chỉ uy tín, đã được kiểm dịch. Nếu có điều kiện thì nên kiểm tra, nếu âm tính với những mầm bệnh nguy hiểm thì đưa vào thả nuôi.

2. Nuôi với mật độ quá cao

Mật độ của tôm nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của tôm nuôi và cỡ thu hoạch. Tôm nuôi ở mật độ thấp có tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống cao hơn so với nuôi ở mật độ cao. Khi nuôi tôm với mật độ quá cao mà không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật sẽ dẫn đến hiện tượng tôm chậm lớn, hệ số chuyển hóa thức ăn cao, hao hụt nhiều do thiếu ôxy hòa tan, là yếu tố có thể làm cho vụ nuôi bị thất bại . Nuôi tôm thẻ chân trắng thông thường nên nuôi với mật độ 60 – 80 con/m2, tôm sú nuôi với mật độ 15 – 25 con/m2.

3. Không tuân thủ kỹ thuật nuôi

Việc định hướng quy trình kỹ thuật trong nuôi tôm là việc làm hết sức quan trọng, quyết định rất lớn đến khả năng tự kháng bệnh của tôm và tác động đến môi trường nuôi. Để hạn chế những sự cố có thể xảy ra trong quá trình nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm, cần tuân thủ thực hiện các khâu kỹ thuật như chuẩn bị, cải tạo ao, phương pháp cho ăn, phòng bệnh chủ động cho tôm nuôi…

4. Chế độ dinh dưỡng không được quan tâm đúng mức

Trong môi trường công nghiệp với mật độ cao, hàm lượng ôxy hòa tan khó đảm bảo tối ưu thì việc hỗ trợ tiêu hóa và quá trình hấp thụ thức ăn rất quan trọng, vì nó quyết định được hệ số chuyển đổi thức ăn, quyết định chi phí nuôi tôm. Thực tế áp dụng cho thấy, việc bổ sung thêm men tiêu hóa, vi sinh sẽ tăng quá trình chuyển hóa và hấp thụ thức ăn. Cùng đó, một số sản phẩm khoáng vi lượng và các loại vitamin có tác dụng tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho tôm, là giải pháp hữu hiệu giúp phòng bệnh cho tôm nuôi. Tuy nhiên, hiện nhiều người nuôi vẫn không chú ý đến nhu cầu và chế độ bổ sung các hàm lượng dinh dưỡng cho tôm.

5. Lạm dụng vôi

Việc sử dụng vôi trong nuôi tôm là rất cần thiết trong cải tạo ao, duy trì chất lượng nước trong ao hoặc để khắc phục hiện tượng pH xuống thấp. Tuy nhiên, cần tuân thủ đúng liều lượng, nếu sử dụng quá nhiều xuống ao, hàm lượng Ca2+ tăng làm cho quá trình sinh hoá và hoá lý trong ao giảm dẫn đến là giảm hàm lượng vi sinh vật có lợi, tôm kém phát triển. Khi cải tạo ao, lượng vôi bón phụ thuộc vào độ pH đất. pH đất từ 4,5 – 5,5, bón với lượng 1,5 – 2,5 tấn/ha; pH từ 5,1 – 6, bón vôi với lượng 1 – 1,5 tấn/ha; pH từ 6,1 – 6,5, bón vôi với lượng 0,5 – 1 tấn/ha. Trong quá trình nuôi, để duy trì chất lương nước, định kỳ 10 ngày/lần, bón vôi vào lúc 21 – 22 giờ, liều lượng 10 – 20 kg/1.000 m3 nước, tùy theo tình hình thực tế môi trường ao nuôi để điều chỉnh, khi pH thấp hơn 7,5 cần bón vôi CaCO3 hoặc Dolomit với liều 15 – 20 kg/1.000 m3 nước.

Nguồn: Thuysanvietnam.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

An toàn sinh học trong nuôi tôm

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, trong đó đáng chú ý là các bệnh do virus. Do đó việc đảm bảo An toàn sinh học trong nuôi tôm là thực sự cần thiệt nhằm giảm thiểu tác hại dịch bệnh.

Vai trò An toàn sinh học trong nuôi tôm

Dịch bệnh bùng phát là một trong những vấn đề đáng lo ngại cho phát triển NTTS bền vững. Trong nhiều thập kỉ, các mầm bệnh trên tôm đã và đang gây thiệt hại lớn cho các trại nuôi. Các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh, nhằm kiểm soát dịch bệnh trên tôm. An toàn sinh học trong nuôi tôm là một khái niệm mới, thường đề cập đến các biện pháp quản lý bảo vệ đàn khỏi sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, đồng thời giảm thiểu sự lây lan và các tác động bất lợi đối với đối tượng nuôi.

Trong nuôi tôm, ATSH liên quan đến các biện pháp để giảm tác động và khả năng lây của mầm bệnh. Hiện nay, người nuôi vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc áp dụng các biện pháp ATSH, do nhiều nguyên nhân bao gồm: thiếu kinh nghiệm, tốn chi phí, và chưa thấy được lợi ích thực tiễn của việc áp dụng ATSH trong mô hình nuôi.

Đảm bảo an toàn sinh học trong nuôi tôm

Việc thực hiện các quy trình ATSH đòi hỏi mức độ nhận thức và kỷ luật cao, và sự cam kết mạnh mẽ, cùng với tính bền vững của ban quản lý và cả người thực hiện.

Áp dụng ATSH để quản lý các tác nhân gây bệnh chủ yếu phải phòng ngừa bao gồm: thu mẫu động vật và xét nghiệm nghiêm ngặt; các quy trình xử lý cho động vật và nhân viên, các quy trình làm sạch, khử trùng, và các biện pháp khác được áp dụng để loại bỏ tối đa các tác nhân gây bệnh. Đối với EMS, cần hạn chế sự tích tụ của thức ăn dư thừa cũng như các chất hữu cơ – đây là nguyên nhân cho sự phát triển của tác nhân gây bệnh Vibrio parahaemolyticus.

Trong ngành công nghiệp tôm, các biện pháp an ninh sinh học bao gồm: các vật nuôi được kiểm nghiệm, kiểm dịch, các rào cản vật lý, xử lý nước, sử dụng tôm sạch bệnh (Specific pathogen-free – SPF) và tôm kháng bệnh (Specific athogen-resistant – SPR) (Lightner 2003; Horowitz và Horowitz 2003).

Việc áp dụng ATSH trong nuôi tôm phải đảm bảo lợi ích kinh tế, bao gồm các yếu tố sau: thiết kế mô hình nuôi, thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập và phát triển của các tác nhân gây bệnh, nguồn tôm bố mẹ và chất lượng con giống. Nguồn tôm bố mẹ phải được chọn lọc sạch bệnh, có khả năng kháng bệnh và tăng trưởng tốt. Mô hình nuôi hạn chế tối đa sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bao gồm: xác định mùa vụ thả nuôi, hạn chế tối đa việc thay nước, quản lý cho ăn hiệu quả, bổ sung cho tôm ăn các chất kích thích miễn dịch nhằm tăng sức đề kháng của vật nuôi.

Vị trí trại nuôi và thiết kế mô hình nuôi đóng vai trò rất quan trọng cho thành công của vụ nuôi. Điều này ít được trại nuôi quan tâm trong việc thiết kế ban đầu. Điều này đóng vai trò quan trọng trong phòng bệnh.

Hạn chế thay nước và trao đổi nước là một trong những mô hình nuôi được phát triển trong những năm gần đây. Hạn chế thay nước qua đó ngăn ngừa khả năng xâm nhập của các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, đồng thời tránh được sự biến động của các yếu tố môi trường thường là nguyên nhân gây stress cho vật nuôi. Ở nhiều nước đã áp dụng rất thành công mô hình này trong đó tiêu biểu là mô hình nuôi khép kín theo công nghệ biofloc.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam