Chăn nuôi gà an toàn sinh học

Chăn nuôi gà an toàn sinh học là việc áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa gia cầm và mầm bệnh, đảm bảo cho gia cầm được khỏe mạnh, không dịch bệnh…

Chăn nuôi gà an toàn sinh học

Người nuôi gia cầm nói chung và gà nói riêng rất dễ rơi vào tình trạng thua lỗ nếu để gia cầm mắc bệnh mà nguy hiểm nhất hiện nay là dịch cúm H5N1. Chính vì vậy, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn khuyến nông và công nghệ “Chăn nuôi gà an toàn sinh học” tại Hải Dương, thu hút sự quan tâm của hơn 160 nhà khoa học, nhà quản lý và nông dân các tỉnh phía Bắc.

Nguyên tắc cơ bản trong thực hành chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học là đàn gia cầm phải được nuôi trong một môi trường được bảo vệ, được chăm sóc tốt và tất cả mọi sự di chuyển ra vào trại, giữa các khu vực trong trại đều phải được kiểm soát. Vị trí xây dựng chuồng trại gia cầm an toàn phải xa khu dân cư, bệnh viện, trường học, chợ… tránh xây trại ở những nơi gần sông, suối, kênh mương, đảm bảo có nước sạch thường xuyên.

  • Nuôi khép kín với từng trại (trong mỗi trại chỉ có một giống gia cầm và cùng độ tuổi. Đối với gia cầm giống nên có các khu vực nuôi dành cho các lứa tuổi khác nhau);
    Kiểm soát dịch bệnh theo từng khu vực trong trại. Sử dụng con giống an toàn.
    – Nuôi cách ly gia cầm mới nhập trại (trong trường hợp nuôi nhiều đàn, nhiều lứa).
    – Phòng bệnh bằng vắc xin. Xét nghiệm định kỳ, giám sát sự lưu hành các loại mầm bệnh.
    – Vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại trong thời gian nuôi và sau mỗi đợt nuôi.
    – Xử lý chất thải (bằng bigogas hoặc ủ), tiêu hủy gia cầm ốm, chết. Kiểm soát chặt chẽ sự di chuyển ra vào trại.
    –  Chống sự xâm nhập của động vật bên ngoài.

Diễn đàn trở nên sôi nổi ở phần hỏi đáp trực tiếp giữa nông dân và các nhà khoa học về nuôi gà an toàn sinh học. Chị Hoàng Thị Ngọc Kiều ở Nam Sách (Hải Dương) hỏi về bệnh viêm đường hô hấp trên gà và được PGS Phạm Sỹ Lăng trả lời: “Biện pháp phòng bệnh bằng tiêm phòng và tiêm nhắc lại là cần thiết. Quan trọng hơn phải vệ sinh định kỳ trong chuồng trại vì viêm đường hô hấp còn gọi là bệnh do ô nhiễm. Điều trị mà không có những biện pháp vệ sinh an toàn kèm theo bệnh vẫn tái phát đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa”.

Chị Nguyễn Thị Uyển ở Tiên Lãng (Hải Phòng) băn khoăn về chuyện H5N1 lây sang người theo cơ chế nào, tại sao có người tiếp xúc trực tiếp với gà bệnh lại không bị và ngược lại. Câu hỏi trên được TS Nguyễn Tiến Dũng giải đáp: “Có người tiếp xúc với gà cúm mà không phát bệnh nhưng kiểm tra máu vẫn thấy kháng thể đối với loại virus này. Kiểm tra máu những người nuôi gà ở Thái Bình phát hiện khoảng 20% có kháng thể. Còn trường hợp một bệnh nhân nhiễm H5N1 ở nước ngoài, lúc đầu không tìm thấy nguyên nhân lây do anh ta không ăn thịt gia cầm cũng không có tiếp xúc với gia cầm nhưng tìm hiểu kỹ mới biết vườn nhà người này có nhiều chim hoang cư trú”.

Một nông dân hỏi về tình trạng đại đa số bà con nuôi 100-1.000 gia cầm, nuôi trong khu dân cư vậy biện pháp nào để đạt được an toàn sinh học? TS Nguyễn Tiến Dũng trả lời: “Cứ nuôi gà cạnh khu dân cư rất nguy hiểm nhưng chuyển đi đâu lại rất khó. Đây là quá trình dài và không dễ dàng vì nó phụ thuộc vào đất đai, quy hoạch và nhiều vấn đề phức tạp khác”.

Một chủ trại gia cầm khác lại quan tâm đến sử dụng thức ăn như thế nào để đảm bảo an toàn sinh học và được ông Hoàng Văn Lộc hướng dẫn: “Bà con cần quan tâm đến chất lượng thức ăn vì thức ăn chiếm thành phần lớn trong cấu thành giá sản phẩm. Thức ăn cần không bị mốc, mọt, mở bao bì thức ăn phải có vị thơm đặc trưng và không có màu sắc bất thường. Tốt nhất bà con chọn những hãng có uy tín”.

Có ý kiến lại muốn hỏi chi tiết về giá thành cho công thức sử dụng thuốc trong nuôi gà an toàn sinh học của Công ty thuốc thú y Minh Dũng và được đại diện của đơn vị này trả lời: “Nuôi 100 con gà thịt dùng thuốc thông thường mất khoảng 200.000 đồng nhưng nuôi công thức và dùng thuốc của Công ty hết 300-350.000 đồng nên nhiều bà con băn khoăn. Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì nuôi gà dùng công thức thuốc của Công ty rút ngắn được thời gian nuôi từ 5-7 ngày, giảm tỷ lệ chết, giảm ô nhiễm chuồng trại vì đó là thuốc thảo dược và thực phẩm ra đảm bảo sạch, an toàn”…

Thời gian của cuộc diễn đàn hạn chế nhưng sự quan tâm và những ý kiến của những người chăn nuôi vẫn không dứt khiến cho nó lại kéo dài thêm trong sự sôi nổi…

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Làm giàu từ mô hình nuôi gà thả vườn

1. Quan tâm đến điều kiện nuôi

ga-tha-vuongà thả vườn

Với mô hình gà thả vườn, trước khi bắt tay vào thực hiện, bạn cần phải chuẩn bị một số điều kiện vật chất như chuồng nuôi, thức ăn, thuốc cần thiết….

– Về điều kiện chuồng nuôi: Bạn nên thiết kế sao cho đảm bảo thoáng mát mùa hè, kín ấm vào mùa đông. Nền chuồng phải cao, có khả năng thoát nước khi làm vệ sinh. Sau đó, bạn nên rải trấy, rơm vào nền chuồng để gà được giữ ấm.

Khi xây dựng mô hình nuôi gà thả vườn, chuồng cần phải xây ở chỗ cao, theo hướng Đông hoặc Đông Nam là tốt nhất bởi đây sẽ là nơi tránh mưa nắng và ngủ đêm cho gà. Chuồng nên có mật độ ít nhất 1 con/m2.

– Về điều kiện chăn thả: Bạn có thể thả gà trong vườn rộng. Nếu vườn còn trồng trọt một số loại cây trồng, bạn nên quây riêng khu vực nuôi để đảm bảo gà không phá hoại rau màu.

– Máng ăn, máng uống: Với mô hình gà thả vườn, máng ăn và máng uống có thể được đặt ở góc vườn. Ngoài ra, bạn cũng nên thiết kế thêm máng ăn treo ở chuồng, giúp cung cấp thức ăn cho gà trong những ngày điều kiện thời tiết xấu.

2. Chọn giống gà

Mô hình gà thả vườn không kén chọn giống kỹ như mô hình nuôi công nghiệp. Nếu có ý định nuôi gà thịt, bạn hãy lựa chọn các giống gà như Tam Hoàng, gà Tàu vàng, gà Đông Cảo, gà Nòi, gà Lương Phượng.

Với một số gia đình muốn nuôi gà lấy trứng thì lựa chọn hàng đầu sẽ là gà Tàu Vàng, gà Tam Hoàng, gà BT1, gà Ri….

Khi chọn mua gà con, bạn nên chọn gà với kích thước càng đồng đều càng tốt. Đó phải là những con nhanh nhẹn, mắt sàng, chân to. Ngược lại, gà con khô chân, vẹo mỏ, khoèo chân,… đều là những lựa chọn không tốt.

3. Chăm sóc nuôi dưỡng

Khi chọn gà để nuôi theo mô hình gà thả vườn, bạn nên bắt gà vào những thời điểm như sáng sớm hoặc chiều mát. Tùy vào gà lớn hay bé mà các bạn có cách chăm sóc sao cho phù hợp.

Với gà còn quá nhỏ, bạn không nên thả vườn ngay, thay vào đó hãy cho gà vào chuồng úm, ăn tấm nấu hoặc tấm bắp nhuyễn cũng như cho gà uống thêm nước pha Electrotyle hoặc Vitamine C. Sau đó, khi gà lớn hơn, bạn có thể thả gà để gà tự tìm kiếm thức ăn.

4. Thức ăn cho gà

Đối với mô hình gà thả vườn, bạn chỉ cần cho gà ăn thêm rau xanh bởi vấn đề khoáng và vitamine không quan trọng, chúng sẽ tự mình tìm kiếm theo nhu cầu của cơ thể. Điều đặc biệt là bạn cần cho gà uống nước sạch và cung cấp đầy đủ nước.

5. Vệ sinh phòng bệnh

Để gà khỏe mạnh, sinh trưởng nhanh, chuồng và vườn thả phải luôn khô ráo, sạch sẽ, tránh tình trạng ao tù nước đọng trong khu vườn thả. Bên cạnh đó, bạn cần cung cấp cho gà nguồn thức ăn tốt, nước sạch. Nếu gà có dấu hiệu mắc bệnh, bạn cần cho gà uống thuốc để tránh lây lan.

Trên đây là một số lưu ý cơ bản khi bạn sử dụng mô hình nuôi gà thả vườn. Về cơ bản, mô hình này phù hợp nhất nếu bạn chăn nuôi gà thịt bởi chất lượng thịt thường cao, thịt chắc và ngon. Tuy nhiên, bạn cũng có thể nuôi gà đẻ theo ý muốn của mình.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam