Hướng đến sản xuất nông nghiệp hiện đại

Nhờ các cảm biến ghi nhận dữ liệu tự động và cập nhật qua internet, các trang trại nuôi tôm sẽ không cần loay hoay đo độ pH, oxy hòa tan… mỗi ngày. Chỉ cần cầm trên tay một chiếc smartphone, chủ trang trại có thể cập nhật nhanh chóng tình hình ao nuôi dù đang ở bất cứ nơi nào.

Chiều 14-10, vòng chung kết cuộc thi IoT Startup 2017 đã diễn ra tại TPHCM với sự tham dự của 10 dự án tập trung vào giải pháp thiết kế hệ thống quản lý vận hành trên nền tảng công nghệ Internet of Things (Internet kết nối vạn vật-IoT). Trong số các dự án này, có khá nhiều giải pháp hướng tới việc ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa việc quản lý các hệ thống sản xuất, chiếu sáng, môi trường…

Theo Ban tổ chức, các dự án này sau giai đoạn phát triển ý tưởng, xây dựng sản phẩm… đều phải trải qua thời gian triển khai giải pháp trong thực tế mới đủ điều kiện tham gia vòng chung kết. Tại vòng chung kết, các dự án đã cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, trình diễn kết quả thử nghiệm trong thực tế và thuyết trình về chiến lược kinh doanh sản phẩm, giải pháp.

Các dự án tham gia vòng chung kết IoT Startup 2017 đã đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn của ngành nông nghiệp, giao thông, môi trường.

Giải thưởng cao nhất thuộc về dự án chuyên giám sát, quản lý ao nuôi trồng thủy sản bằng các thiết bị IoT cũng đã triển khai mô hình thực tế ở các hộ nuôi thủy sản. Các ao nuôi thủy sản thay vì hàng ngày phải đo các chỉ số môi trường theo hình thức thủ công; thông qua giải pháp này cùng với cảm biến (gắn dưới ao) sẽ tự động đo các chỉ số và gửi dữ liệu tới máy tính hoặc điện thoại thông minh (smartphone).

Farmtech Vietnam đạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi IoT Startup 2017

IoT Startup 2017 là cuộc thi thường niên do Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC) tổ chức. Mục tiêu của cuộc thi là kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp, xã hội với các nghiên cứu, phát triển các sản phẩm trên nền tảng IoT (Internet of Things) cũng như ươm tạo và hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Theo TBKTSG Online & Farmtech Vietnam

Kỳ vọng nông nghiệp công nghệ cao

Hiroki Iwasa, một doanh nhân công nghệ thông tin 40 tuổi với bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA), đang có trong tay 7 ngôi nhà kính trồng dâu bằng kỹ thuật công nghệ cao.

Ở đó, các máy tính tự đặt nhiệt độ và độ ẩm để tối ưu các điều kiện phát triển và bảo đảm các hàng rào được phun nước vào những thời điểm chính xác… Iwasa đã tiếp thị thương hiệu dâu mang tên “Migaki Ichigo” trực tiếp đến các cửa hàng bách hóa ở Tokyo, cũng như đến các khách hàng ở Hồng Công, Singapore, Đài Loan và Thái Lan.
Trang trại dâu của anh Iwasa nằm ở quê nhà Yamamoto ven biển ở vùng Đông Bắc tỉnh Miyagi, nơi từng bị ảnh hưởng sóng thần tháng 3-2011. Sau thảm họa đó, anh đã nghĩ đến một cơ hội kết hợp kỹ năng công nghệ với bí quyết chuyên môn trồng dâu của nông dân địa phương. Bằng cách thuê lại đất đai xung quanh, Iwasa đã mở rộng trang trại của anh đến 2ha, gấp 10 lần kích thước trung bình của một trang trại trồng dâu ở Nhật Bản. Giờ đây, anh là chủ Công ty GRA Inc, có 20 nhân viên toàn thời gian và 50 nhân viên bán thời gian. Theo Iwasa, trực giác và kinh nghiệm của người nông dân không phải lúc nào cũng mang đến kết quả thu hoạch tốt. Vì thế, điều quan trọng là phải nắm bắt được vững kiến thức về công nghệ và tự động hóa để sử dụng nó tăng năng suất.
Theo Kazunuki Ohizumi, Giáo sư danh dự của Đại học Miyagi, người đã nghiên cứu xu hướng nông nghiệp Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua, những doanh nghiệp nông nghiệp với quy mô lớn như vậy sử dụng công nghệ chính là tương lai của nông nghiệp Nhật Bản. “Những người nông dân quy mô lớn” là những người có thể tái tạo, phục dựng nền nông nghiệp Nhật Bản và sẽ thay đổi đáng kể. Nhật Bản đang có sự thay đổi hướng đến các trang trại có công ty quản lý. Số lượng này đã tăng từ 8.700 trong năm 2005 lên đến 20.800 trong năm ngoái.
Tất nhiên, số lượng thanh niên làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang tăng. Giáo sư Ohizumi dự đoán, doanh số từ các trang trại quy mô lớn – trên 50 triệu yên – sẽ tăng được 3/4 vào năm 2030, tức tăng 41% từ năm2015. Đặc biệt, trong vòng hai năm trở lại đây, hàng loạt công ty danh tiếng trong ngành công nghệ cao và sản xuất máy móc công nghiệp tại Nhật Bản đã đồng loạt tham gia lĩnh vực nông nghiệp như nhà sản xuất đồ điện tử Nhật Bản Fujitsu đã tạo nên bước đột phá trong công nghệ trồng rau siêu sạch, khi cải tạo một nửa nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở tỉnh Fukushima thành nhà máy trồng rau…

Nhật Bản là một nước công nghiệp, tuy nhiên Thủ tướng Shinzo Abe trong chính sách phát triển kinh tế đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và gấp đôi thu nhập của nông dân Nhật Bản trong vòng 10 năm cũng như đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Những thay đổi như vậy đã góp phần thúc đẩy cải cách nền “nông nghiệp ẩn náu” của Nhật, nơi mà chỉ phát triển ưu thế ở các khu đất nhỏ và những người nông dân có độ tuổi trung bình trên 66 tuổi và sự đóng góp của ngành này cho nền kinh tế đã giảm đến 25% kể từ khi lên đến đỉnh điểm vào năm 1984. Nông dân Nhật Bản tin rằng công nghiệp hóa ồ ạt sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trên phạm vi toàn cầu và với việc đầu tư vào nông nghiệp ngay lúc này, Nhật Bản có thể chuẩn bị cho những kịch bản xấu trong các thập kỷ sắp tới.

Nguồn: Báo Saigongiaiphong được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hiện nay trên cả nước đã bước đầu hình thành một số mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm tiền đề cho việc phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao như mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh; mô hình trồng hoa, rau an toàn công nghệ cao tại Bắc Ninh; mô hình sản xuất nấm quy mô trang trại tại Vĩnh Phúc; mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa xuất khẩu, mô hình nuôi cá tra sạch tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nhiều địa phương chưa có kế hoạch cụ thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chưa đầu tư cho công tác quy hoạch và xây dựng vùng nông nghiệp và khu nông nghiệp công nghệ cao.

Đại diện một số địa phương cũng cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư khá lớn, công nghệ lại quá hiện đại khiến cán bộ nông nghiệp và nông dân không dễ để học hỏi, cập nhật.

Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội kiến nghị Bộ cần nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, trong đó có nguồn kinh phí để chủ động phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị, trong Dự thảo Thông tư về phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao và khu nông nghiệp công nghệ cao sắp ban hành, tiêu chí công nhận các vùng và khu nông nghiệp công nghệ cao cần xác định quy mô diện tích phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Tại hội nghị, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao Giấy chứng nhận doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho 2 đơn vị là Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Agrivina (Dalat Hasfarm).

Theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, chứng nhận này có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là sự công nhận đầu tư chất xám, trí tuệ của doanh nghiệp cho ngành nông nghiệp.

Các địa phương thời gian tới cần nghiên cứu kỹ các văn bản, chính sách để góp ý kiến cho Bộ, hướng tới việc có chính sách tốt hơn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Ngành nông nghiệp sẽ sử dụng tem để truy xuất nguồn gốc thực phẩm?

Không riêng thịt heo vừa được Sở Công thương TPHCM cho phép truy xuất nguồn gốc bằng smartphone và sẽ áp dụng thí điểm bắt đầu từ ngày mai (16/12), Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (viết tắt DAA), thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết cũng sẽ áp dụng công nghệ này trong các sản phẩm nông nghiệp.

Thông tin trên được ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch DAA cho biết tại cuộc họp báo công bố Hội nghị “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam”. Theo ông Hùng, hội nghị này sẽ diễn ra vào ngày 18/12 tại TPHCM với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng như sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, đại sứ quán và doanh nghiệp trong nước.

“Chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ cho áp dụng mô hình “tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao”, trong đó có việc ứng dụng công nghệ “Sử dụng tem thông minh DAA Stamp truy xuất nguồn gốc và kiểm soát quy trình sản xuất thực phẩm sạch, an toàn”, ông Hùng nói.

Tại hội nghị, các đại biểu sẽ được trực tiếp học hỏi những kinh nghiệm thành công trong ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân…

 Ngành nông nghiệp cần chú trọng áp dụng công nghệ để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường

Ngành nông nghiệp cần chú trọng áp dụng công nghệ để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường

Số liệu thống kê từ DAA cho thấy, trong những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta có những bước tiến nhảy vọt. Nhiều công ty từ mô hình sản xuất nhỏ nhưng nhờ áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất tôm giống nên đã vươn lên trở thành doanh nghiệp đạt chuẩn công nghệ cao. Có doanh nghiệp sở hữu 6 cơ sở sản xuất tôm giống được đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ Mỹ, năng lực sản xuất tôm giống 10 – 12 tỷ con giống/năm và 30 ao nuôi tôm thịt diện tích 30 ha. Mỗi năm, cung cấp cho thị trường 6 tỷ con giống và gần 1.000 tấn tôm thịt.

Không chỉ trong chăn nuôi, ngay cả một loại cây trồng ít ai nghĩ đến sẽ mang lại giá trị cao như chuối cũng đã cho… “quả ngọt”. Điển hình là một doanh nghiệp ở Long An, từ mô hình kinh doanh cá thể đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu chuối lớn bậc nhất Việt Nam và là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu chuối sang Nhật nhờ những sáng tạo đổi mới trong cách nghĩ, cách làm…

Thế nhưng, theo báo cáo phát triển Việt Nam có chủ đề “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào” do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố mới đây cho thấy ngành nông nghiệp của chúng ta chưa thật sự khai thác hết lợi thế, tiềm năng.

Theo báo cáo, khoảng 90% đất nông nghiệp thuộc các hộ nông nghiệp và các trang trại, 6% thuộc các doanh nghiệp, số còn lại thuộc các cơ sở khác. Đa phần các hộ nông nghiệp có quy mô rất nhỏ, diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 0,34 ha, chỉ bằng hơn một nửa (0,6-0,8 lần) so với Campuchia, Myanmar hay Philippines.

Báo cáo này cũng cảnh báo xu hướng chung gần đây cho thấy GDP nông nghiệp Việt Nam đang giảm, tốc độ tăng năng suất đang chậm lại, trong khi khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp đang nới rộng.

Từ những số liệu nêu trên, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng đã đến lúc nông nghiệp Việt Nam không thể “làm theo cách cũ” cần thay đổi để vượt qua những thách thức, đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thăm Trung tâm tảo tươi của một doanh nghiệp và đánh giá cao về những nỗ lực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tôm giống của công ty
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thăm Trung tâm tảo tươi của một doanh nghiệp và đánh giá cao về những nỗ lực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tôm giống của công ty

 

Theo DAA, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Theo đó cần thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại cuộc sống khỏe mạnh, an toàn và sung túc hơn cho người dân và cung cấp cho thị trường nguồn lương thực, thực phẩm sạch.

Và thực tế, chưa bao giờ nhu cầu cần phải thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp lại cấp bách như bây giờ. Đòi hỏi người nông dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phải hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

“Việc làm này không chỉ đơn thuần doanh nghiệp vì lợi nhuận, mà nó còn mang ý nghĩa duy trì nòi giống, tạo ra cuộc sống khỏe mạnh, an toàn cho con người Việt Nam, khi cung cấp cho thị trường một nguồn lương thực, thực phẩm sạch”, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch DAA nói.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Đà lạt sẽ là trung tâm rau số 1 đông nam á

Ngày 26/12, tin từ UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, đơn vị vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Thành ủy Đà Lạt về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, TP Đà Lạt sẽ phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao toàn diện, bền vững với hướng tiếp cận đa ngành, cải thiện môi trường đầu tư… góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm sản xuất rau số 1 của Đông Nam Á và cũng là điểm du lịch nông nghiệp số 1 tại Việt Nam.

 Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại Lạc Dương (Lâm Đồng)

Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại Lạc Dương (Lâm Đồng)

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 sẽ có khoảng 65% – 70% diện tích rau ứng dụng công nghệ cao (tương đương khoảng 7.000 ha), giá trị sản phẩm bình quân đạt hơn 350 triệu đồng/ha/năm; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 4.346 tỷ đồng; trong đó tỷ lệ xuất khẩu rau, hoa chiếm khoảng 20% tổng sản lượng; xây dựng từ 3 – 5 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, Đà Lạt xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với phát triển du lịch – dịch vụ nông nghiệp, hình thành chuỗi du lịch tham quan, kết nối theo tuyến vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với các điểm danh lam thắng cảnh…

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam