Phát triển nhiên liệu sinh học không tổn hại nông nghiệp việt nam

“Nhiên liệu sinh học được sản xuất từ sản phẩm nông nghiệp, nhưng lại đang bị tách khỏi nền nông nghiệp. Đất cho vùng nhiên liệu sinh học gần như không còn”. Viện trưởng Viện KH Vật liệu ứng dụng trao đổi về việc thiết lập, bảo tồn mối quan hệ nhiên liệu sinh học – nông nghiệp Việt Nam.

                  Phát triển nhiên liệu sinh học không tổn hại nông nghiệp Việt Nam 

Trao đổi của PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng xung quanh sự nghiệp phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH) ở Việt Nam, đặc biệt là việc thiết lập và bảo tồn mối quan hệ NLSH – nông nghiệp.

PGS.TS Hồ Sơn Lâm cho biết, NLSH (còn gọi là nhiên liệu xanh) được sản xuất từ nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác nhau. Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về mối quan hệ NLSH – nông nghiệp.

Song hành vĩnh cửu

– Là người nghiên cứu lâu năm về NLSH, xin ông cho biết thêm về mối quan hệ giữa NLSH với nông nghiệp?

Mối quan hệ qua lại của tất cả các tác động lên vạn vật bao giờ cũng có hai mặt: Tốt và xấu. Sự khác biệt chỉ là tốt ít hay tốt nhiều, xấu ít hay xấu nhiều. Làm sao cho cái tốt nhiều, giảm thiểu cái xấu đến một mức độ có thể, luôn là mục tiêu của KH&CN.

NLSH cũng vậy, nó cũng có hai mặt. Nếu sử dụng đất nông nghiệp (đất tốt để sản xuất lương thực, thực phẩm) cho mục đích nhiên liệu, thì ta được lợi về mặt nhiên liệu, nhưng phía sau đó là ta phải nhập lương thực, thực phẩm, rau quả. Như vậy, lợi ít mà hại nhiều. Nếu sử dụng đất hoang hóa, đất bị bạc màu để trồng cây lấy dầu thì lợi nhiều mà hại ít. Nếu trên các nương đồi chỉ trồng sắn (củ mỳ), thì ta sẽ được tinh bột cho lương thực và làm nhiên liệu, nhưng ta đang khai tử vùng đất đó. Phải nhiều năm sau, cỏ mới mọc lại trên vùng đất đó, mà chủ yếu là cây cỏ tranh mới đủ sức sống ở đó.

Nông nghiệp trong đó có lúa gạo, khoai sắn, ngô, đậu là nguồn sống chính của người và gia súc. Các dạng thức ăn lên men công nghiệp cho gia súc có thể tăng nhanh số lượng, nhưng kèm theo đó là sự tăng trưởng đến chóng mặt của các loại bệnh lạ, làm hại đến sức khỏe của người. Nếu chúng ta nhớ lại hai, ba chục năm trước đây, khi chưa có thức ăn công nghiệp, gia súc của chúng ta hầu như không có các loại bệnh nan y. Sở dĩ như vậy, vì thức ăn của người và gia súc xuất phát từ nông nghiệp tự nhiên. Cho nên, nếu vì một lý do nào đó mà chúng ta thu hẹp diện tích nông nghiệp tự nhiên, sống dựa vào nền nông nghiệp lai tạo và chất kích thích tăng trưởng, ta sẽ là nạn nhân của chính chúng ta.

– Vậy, việc sử dụng nhiên liệu sinh học ảnh hưởng tới nông nghiệp như thế nào?

NLSH có nghĩa là nhiên liệu được sản xuất ra từ sản phẩm của nền nông nghiệp. Mà sản phẩm của nền nông nghiệp là loại sản phẩm có thể tái tạo. Sự tái tạo ở đây không phải là sự “sống lại”, mà là sự lặp lại chu kỳ sinh trưởng tự nhiên. Do đó, nguyên liệu cho NLSH sống mãi với nền nông nghiệp, không mất đi như dầu mỏ, chỉ mất đi khi nền nông nghiệp bị tiêu diệt! Vì vậy, chiến lược phát triển NLSH phải đi đôi và đồng bộ với chiến lược phát triển nông nghiệp.

Thật phi lý khi bộ Công thương lập chiến lược phát triển NLSH, trong khi Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn, nơi chỉ đạo và QLNN về nền nông nghiệp lại chỉ là cơ quan phối hợp! Điều này chứng tỏ chúng ta chưa thực sự hiểu hết về nhiên liệu sinh học, hay nói cách khác, chúng ta vẫn tách NLSH khỏi nền nông nghiệp. Đây là một sai lầm rất lớn và sẽ phải trả giá, nếu không thay đổi quan điểm.

– Nói như thế có nghĩa là NLSH ở ta chưa thực sự phát triển. Vậy, nguyên nhân chính là do đâu?

Theo tôi, nguyên nhân chính là do cách quản lý và thực hiện của ta có vấn đề. Nếu đọc kỹ đề án phát triển NLSH của Việt nam đến năm 2025, chúng ta sẽ thấy nhiều con số rất ấn tượng. Nhưng các con số này chưa nêu được những biện pháp cụ thể, trong đó, cần chỉ rõ đất ở đâu, vùng nào trồng cây gì… Đất nông nghiệp (tạm xem là đất ở vùng có khả năng cải tạo để sử dụng cho mục đích sản xuất lương thực, thực phẩm) đang dần biến thành khu công nghiệp, sân golf, du lịch sinh thái… Vậy lấy đâu ra đất để qui hoạch vùng NLSH?

Điều các nhà khoa học, các nhà sản xuất NLSH, các doanh nghiệp trồng nguyên liệu quan tâm là ngày nào, tháng nào, năm nào, NLSH sẽ được chính thức hóa ở Việt nam? Cơ quan nào có trách nhiệm kiểm định chất lượng? Cơ quan nào có trách nhiệm cung ứng? Thì không biết đến bao giờ mới có? Nếu không có những căn cứ cụ thể đó, ai dám xây dựng một nhà máy vài trăm tỷ rồi ngồi chờ đến lúc được phép sử dụng! Có những người dám đầu tư hàng trăm ngàn hec ta đất để trồng nguyên liệu, vì họ hiểu rằng, dầu là vàng! Nhiều nước sẵn sàng mua hết, kể cả mỡ cá với giá cao! Không biết đến năm 2025, ta có nguyên liệu để sản xuất NLSH hay không?

Phát triển NLSH: Lắng nghe thiên nhiên, bảo vệ đất

– Chúng ta nên làm gì để có thể phát triển nguồn NLSH một cách bền vững?

Có nhiều cách để phát triển NLSH (cả xăng và dầu diesel sinh học), chứ không chỉ có mía, sắn để làm cồn, đậu tương biến đổi gel để làm dầu… Cần phải lắng nghe và đồng cảm với thiên nhiên của ta. Đừng vội phá hoại nó cho một mục đích trước mắt để tạo ra nhiên liệu sinh học mà phá vỡ đi sự hài hòa của thiên nhiên và nông nghiệp Việt Nam.

Đừng thấy người Brazin trồng nhiều mía và trở thành cường quốc của NLSH, rồi ta cũng phá ruộng trồng mía. Đừng thấy Mỹ trồng bắp lai có năng suất cao rồi ta cũng bắt chước trồng bắp lai. Đừng thấy Ấn Độ trồng jatropha rồi ta cũng chặt cây sở, cây trẩu, cây cao su để trồng jatropha.

Các nhà sinh vật học vẫn cho rằng Việt Nam là một quốc gia đa dạng sinh học. Hãy tôn trọng điều đó và từ đó, tìm cho mình một hướng đi để phát triển NLSH. Tất cả những gì thái quá đến cực điểm, sẽ có mẫu số chung là thảm họa. Nhìn thấy trước thảm họa để tránh, hơn là khắc phục thảm họa.

– Vậy thì, phát triển NLSH nên dựa trên những nguyên tắc nào, theo ông?

Thứ nhất, tất cả các cơ sở sản xuất NLSH phải được xây dựng trên nguyên lý công nghệ không bã thải.

Thứ hai, vùng nguyên liệu mới chỉ nên phát triển ở vùng đất kém hiệu quả kinh tế, đồng thời, phải bố trí đan xen các lọai nguyên liệu khác nhau, không độc canh. Trồng để cải tạo và phát triển chứ không trồng để bóc lột đất.

Thứ ba, hãy tạo điều kiện để tất cả mọi người, đặc biệt nhân dân vùng sâu, vùng xa tham gia sản xuất nguyên liệu cho NLSH. Triết lý “góp gió thành bão” chính là cơ sở lý luận của công nghệ không bã thải.

Thứ tư, luôn nhớ rằng, NLSH có tính nhân văn, không phải để làm giàu, mà để bảo vệ trái đất, để xóa đói giảm nghèo, để trái đất xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn.

Từ những nguyên lý đó, dẫn đến việc bố trí trồng nguyên liệu sao cho phù hợp với từng khu vực và trồng những cây gì để hài hòa sinh thái, để bảo vệ đất. Điều này, các nhà khoa học nông nghiệp hiểu rất rõ.

Việc sử dụng một cách hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên (trong đó có tài nguyên thực vật và sản phẩm nông nghiệp) sẽ tạo ra một mạng lưới nguyên liệu cho NLSH. Chỉ có thể phát triển bền vững, nếu ta kết hợp một cách hài hòa lợi ích của thiên nhiên với lợi ích của con người

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Rau sạch theo công nghệ israel là cực kỳ an toàn? không hẳn

Người Israel ăn rau quả được tưới bằng nước thải tái chế đang gia tăng sự phơi nhiễm với chất có trong thuốc động kinh.

Chúng ta đều biết rằng Israel có một nền nông nghiệp phát triển ở trình độ cao. Rất nhiều công nghệ và quy trình hiện đại được đất nước này áp dụng trong trồng trọt để khắc phục sự bất lợi về điều kiện canh tác, điển hình là thiếu nước ngọt.

Tuy nhiên, một trong số những công nghệ này đang bộc lộ sự mất an toàn. Cụ thể, tình trạng khan hiếm nước ngọt đang khiến Israel tăng cường sử dụng nước thải tái chế để tưới cho cây trồng. Đồng thời, điều này cũng gia tăng sự phơi nhiễm hóa chất trong thực phẩm của họ.

Mới đây, một nhóm nghiên cứu đa ngành đến từ Đại học Hebrew và Trung tâm Y tế Hadassah của Israel đã phát hiện: người ăn rau quả trồng trong đất tưới bằng nước thải tái chế bị phơi nhiễm với một chất hóa học có tên carbamazepine. Hợp chất này có nguồn gốc từ một loại thuốc chống động kinh, và xuất hiện nhiều trong nước thải.

Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Environmental Science & Technology.

“Israel là quốc gia tiên phong trên thế giới sử dụng nước thải thu hồi và tái chế trong lĩnh vực nông nghiệp”, giáo sư Benny Chefetz của Khoa Nông nghiệp và thực phẩm môi trường, Đại học Habrew cho biết. Vì vậy, sẽ là cần thiết để thực hiện các nghiên cứu đánh giá sức khỏe của người tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sử dụng nước thải tái chế có bị ảnh hưởng. Công trình của giáo sư Chefetz là nghiên cứu đầu tiên hướng đến mục đích cụ thể này.

“Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên, chúng tôi đã chứng minh rằng những người khỏe mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tưới bằng nước thải tái chế có sự xuất hiện của carbamazepine và các chất chuyển hóa trong nước tiểu. Trong khi đó, người ăn rau quả tưới bằng nước sạch hầu như không phát hiện mức độ carbamazepine”, giáo sư Ora Paltiel, hiệu trưởng Trường Y tế động đồng thuộc Đại học Hebrew nói.

Nghiên cứu theo dõi 34 người cả nam và nữ, được chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu tiên được định hướng tiêu thụ rau quả tưới bằng nước thải tái chế trong 1 tuần, sau đó chuyển sang sản phẩm tưới bằng nước sạch. Nhóm thứ 2 thực hiện theo thứ tự ngược lại.

Các tình nguyện viên tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp gồm: cà chua, dưa chuột, ớt và rau diếp. Ngoài ra, họ ăn theo một chế độ bình thường và uống nước đóng chai được đồng bộ hóa suốt thời gian nghiên cứu.

Ý tưởng của nghiên cứu được trình bày trong báo cáo.Ý tưởng của nghiên cứu được trình bày trong báo cáo.

Các nhà khoa học thực hiện đo nồng độ carbamazepine trong sản phẩm tươi đầu vào và trong nước tiểu của tình nguyện viên sau khi tiêu thụ chúng. Thời điểm ban đầu trước khi ăn rau quả tưới bằng nước thải tái chế, carbamazepine không được phát hiện, hoặc nếu có đều ở nồng độ rất thấp. Sau 7 ngày, những người ở nhóm thứ nhất đã phát hiện mức định lượng rõ ràng của carbamazepine, nhóm thứ 2 không có sự thay đổi.

“Sản phẩm nông nghiệp sử dụng nước thải tái chế cũng trưng bày một mức độ carbamazepine cao hơn đáng kể so với sử dụng nước sạch”, giáo sư Paltiel nói. “Rõ ràng những người tiêu thụ sản phẩm trên đất được tưới bằng nước thải tái chế đang gia tăng sự phơi nhiễm với chất có trong thuốc động kinh này. Mặc dù mức độ phát hiện của nó thấp hơn nhiều so với bệnh nhân sử dụng thuốc thực sự”.

Thêm vào kết luận, giáo sư Chefetz cho biết: “Đây là bằng chứng cho ý tưởng người tiêu dùng đang phơi nhiễm với các hợp chất trong dược phẩm thông qua tiêu hóa sản phẩm nông nghiệp thương mại”. Dữ liệu cung cấp trong nghiên cứu có thể giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá mức độ rủi ro cho vấn đề này. Trong tương lai, nhiều nghiên cứu tương tự cũng sẽ phải được thực hiện.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Ngành nông nghiệp sẽ sử dụng tem để truy xuất nguồn gốc thực phẩm?

Không riêng thịt heo vừa được Sở Công thương TPHCM cho phép truy xuất nguồn gốc bằng smartphone và sẽ áp dụng thí điểm bắt đầu từ ngày mai (16/12), Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (viết tắt DAA), thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết cũng sẽ áp dụng công nghệ này trong các sản phẩm nông nghiệp.

Thông tin trên được ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch DAA cho biết tại cuộc họp báo công bố Hội nghị “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam”. Theo ông Hùng, hội nghị này sẽ diễn ra vào ngày 18/12 tại TPHCM với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng như sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, đại sứ quán và doanh nghiệp trong nước.

“Chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ cho áp dụng mô hình “tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao”, trong đó có việc ứng dụng công nghệ “Sử dụng tem thông minh DAA Stamp truy xuất nguồn gốc và kiểm soát quy trình sản xuất thực phẩm sạch, an toàn”, ông Hùng nói.

Tại hội nghị, các đại biểu sẽ được trực tiếp học hỏi những kinh nghiệm thành công trong ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân…

 Ngành nông nghiệp cần chú trọng áp dụng công nghệ để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường

Ngành nông nghiệp cần chú trọng áp dụng công nghệ để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường

Số liệu thống kê từ DAA cho thấy, trong những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta có những bước tiến nhảy vọt. Nhiều công ty từ mô hình sản xuất nhỏ nhưng nhờ áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất tôm giống nên đã vươn lên trở thành doanh nghiệp đạt chuẩn công nghệ cao. Có doanh nghiệp sở hữu 6 cơ sở sản xuất tôm giống được đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ Mỹ, năng lực sản xuất tôm giống 10 – 12 tỷ con giống/năm và 30 ao nuôi tôm thịt diện tích 30 ha. Mỗi năm, cung cấp cho thị trường 6 tỷ con giống và gần 1.000 tấn tôm thịt.

Không chỉ trong chăn nuôi, ngay cả một loại cây trồng ít ai nghĩ đến sẽ mang lại giá trị cao như chuối cũng đã cho… “quả ngọt”. Điển hình là một doanh nghiệp ở Long An, từ mô hình kinh doanh cá thể đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu chuối lớn bậc nhất Việt Nam và là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu chuối sang Nhật nhờ những sáng tạo đổi mới trong cách nghĩ, cách làm…

Thế nhưng, theo báo cáo phát triển Việt Nam có chủ đề “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào” do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố mới đây cho thấy ngành nông nghiệp của chúng ta chưa thật sự khai thác hết lợi thế, tiềm năng.

Theo báo cáo, khoảng 90% đất nông nghiệp thuộc các hộ nông nghiệp và các trang trại, 6% thuộc các doanh nghiệp, số còn lại thuộc các cơ sở khác. Đa phần các hộ nông nghiệp có quy mô rất nhỏ, diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 0,34 ha, chỉ bằng hơn một nửa (0,6-0,8 lần) so với Campuchia, Myanmar hay Philippines.

Báo cáo này cũng cảnh báo xu hướng chung gần đây cho thấy GDP nông nghiệp Việt Nam đang giảm, tốc độ tăng năng suất đang chậm lại, trong khi khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp đang nới rộng.

Từ những số liệu nêu trên, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng đã đến lúc nông nghiệp Việt Nam không thể “làm theo cách cũ” cần thay đổi để vượt qua những thách thức, đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thăm Trung tâm tảo tươi của một doanh nghiệp và đánh giá cao về những nỗ lực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tôm giống của công ty
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thăm Trung tâm tảo tươi của một doanh nghiệp và đánh giá cao về những nỗ lực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tôm giống của công ty

 

Theo DAA, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Theo đó cần thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại cuộc sống khỏe mạnh, an toàn và sung túc hơn cho người dân và cung cấp cho thị trường nguồn lương thực, thực phẩm sạch.

Và thực tế, chưa bao giờ nhu cầu cần phải thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp lại cấp bách như bây giờ. Đòi hỏi người nông dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phải hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

“Việc làm này không chỉ đơn thuần doanh nghiệp vì lợi nhuận, mà nó còn mang ý nghĩa duy trì nòi giống, tạo ra cuộc sống khỏe mạnh, an toàn cho con người Việt Nam, khi cung cấp cho thị trường một nguồn lương thực, thực phẩm sạch”, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch DAA nói.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam