Kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi

Trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong nghề nuôi tôm nước lợ hiện nay, việc thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường là hết sức quan trọng. Việc kiểm tra này giúp người nuôi nhận biết, có đánh giá thực tế về môi trường ao nuôi với các thông số pH, độ kiềm, độ mặn, oxy hòa tan v.v.. từ đó có sự điều chỉnh sao cho phù hợp. Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi, ngoại trừ các trại sản xuất con giống là có quan tâm đến vấn đề này, còn lại phần lớn các hộ nuôi tôm chưa biết đến lợi ích của việc kiểm tra này.
Nhằm giúp bà con đo các yếu tố môi trường ao nuôi chính xác, bài viết xin đề cập một số vấn đề cần lưu ý như sau:

Nguyên tắc chung:

Các điểm thu mẫu để đo phải đại diện và phản ánh đúng chất lượng nước trong từng ao nuôi và toàn khu nuôi.
Các điểm thu mẫu trong khu nuôi bao gồm: Nước nguồn, ao lắng, ao nuôi, ao xử lý chất thải, mương thải. Đảm bảo sau khi đo xong, người nuôi sẽ có cái nhìn toàn diện về tình hình môi trường trong cả khu vực nuôi.
Đối với công tác thu mẫu ở từng ao nuôi, có 2 cách đo như sau:
Cách 1: Trong mỗi ao, chọn ra 3 điểm theo đường chéo, đưa máy xuống đo sau đó lấy trung bình

Các vị trí lấy mẫu nước trong 1 ao nuôi

Cách 2: Thu mẫu ở 3 điểm theo đường chéo vào lọ, trộn đều sau đó đưa máy vào đo 1 lần. Cách này có thể sẽ tiết kiệm hóa chất (nếu sử dụng hóa chất để phân tích).

Chọn thông số và xác định chu kỳ theo dõi:

Để đánh giá chất lượng nước người nuôi có thể quan sát bằng các giác quan, trên cơ sở màu sắc, mùi vị kết hợp với đo các thông số chất lượng nước bằng các máy móc, thiết bị.
Các chỉ tiêu môi trường cần theo dõi trong ao nuôi: Nhiệt độ, pH, độ kiềm, oxy hòa tan, độ mặn, độ trong, màu nước, NH3, H2S. Đây là các chỉ tiêu có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe của tôm, nếu các chỉ số môi trường đều ở trong ngưỡng cho phép tôm sẽ bắt mồi mạnh, mau lớn, tỷ lệ sống cao, ít bị bệnh tật.

Các thông số như nhiệt độ, pH, oxy hòa tan, độ trong, độ sâu, màu nước: theo dõi và đo 2 lần/ngày vào lúc 5-6 giờ sáng và 2-3 giờ chiều. Các thông số khác như NH3, H2S, độ kiềm, độ mặn: định kỳ đo 2 lần/tháng, đồng thời kiểm tra đột xuất khi tôm có dấu hiệu bất thường, giá trị pH trong ngày biến động mạnh.

Quy chuẩn quốc gia về thông số môi trường trong ao nuôi tôm nước lợ (QCVN 02 – 19 :2014/BNNPTNT)

Phương pháp đo một số chỉ tiêu môi trường:

Nhiệt độ
Dụng cụ phổ biến nhất để đo nhiệt độ trong ao nuôi là nhiệt kế thủy ngân, bên cạnh đó một vài máy đo oxy hòa tan cũng có tích hợp chức năng đo nhiệt độ.
Đối với nhiệt kế thủy ngân: Nhúng ngập nhiệt kế xuống nước, để khoảng 3 phút, sau đó nghiêng nhiệt kế và đọc kết quả. Chú ý không nên rút nhiệt kế lên khỏi mặt nước trong quá trình đọc kết quả vì như vậy sẽ không chính xác.
Đối với máy đo: Đầu tiên cần phải khởi động máy và hiệu chỉnh theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau đó nhúng điện cực xuống vị trí cần đo, lắc hoặc rê đầu điện cực trong nước cho tới khi các số trên màn hình ổn định (không nhảy) thì dừng lại. Đọc kết quả và ghi vào sổ nhật ký, sau đó rửa đầu đo bằng nước sạch, đậy nắp.
pH
Để đo pH ao nuôi có thể sử dụng máy đo pH hoặc bộ test kit pH.
Cách sử dụng test pH và máy đo pH theo hướng dẫn nhà sản xuất. Thao tác sử dụng máy đo pH tương tự thao tác đã hướng dẫn ở phần đo nhiệt độ.
Yếu tố pH trong ao nuôi phụ thuộc vào thổ nhưỡng của đất, lượng vôi bón, mật độ tảo và chế độ thay nước.
Độ mặn
Người nuôi có thể sử dụng khúc xạ kế để đo độ mặn trong ao nuôi. Khi dùng khúc xạ kế, đầu tiên cần phải kiểm tra máy bằng nước cất, hiệu chỉnh độ mặn về 0. Lấy 1 giọt nước nhỏ lên đầu đọc, đậy nắp sao cho giọt nước lan đều khắp mặt kính. Đưa máy về phía có nguồn sáng, đọc kết quả và ghi vào sổ nhật ký, sau đó lau đầu đọc bằng khăn sạch, đậy nắp.
Oxy hòa tan
Để đo oxy hòa tan trong ao nuôi bà con có thể dùng máy đo oxy hoặc bộ test kid oxy. Muốn quản lý tốt oxy hòa tan cần phải duy trì được màu nước tốt và sử dụng linh hoạt máy sục khí. Cần tăng cường quạt nước vào ban đêm, khi trời âm u hoặc khi nhiệt độ nước ao nuôi tăng cao.
Độ trong
Thiết bị đo độ trong thường sử dụng là đĩa secchi.

Thả đĩa theo phương thẳng đứng, hạ từ từ xuống nước cho tới khi không phân biệt được 2 màu đen/trắng trên mặt đĩa. Đọc kết quả trên dây hoặc thước, đó chính là độ trong của nước ao (đơn vị là cm).
NH3, H2S
NH3 và H2S là các khí độc, tác động đến hô hấp của tôm, nếu xuất hiện dài ngày sẽ làm giảm sinh trưởng, tôm còi cọc chậm lớn, nồng độ cao sẽ gây chết tôm. NH3 sẽ độc hơn khi pH cao, còn khi pH thấp thì H2S sẽ độc hơn. Trên thị trường có bán các bộ test kit để đo nồng độ NH3, H2S trong ao nuôi, với ưu điểm nhỏ gọn, giá thành rẻ bà con có thể mua về sử dụng.
Để phòng ngừa tác hại của NH3 và H2S: cần phải có nguồn nước cấp sạch và chủ động, có hệ thống máy quạt nước đầy đủ. Trong quá trình nuôi cần tăng cường sử dụng zeolite và các chế phẩm vi sinh xử lý môi trường.
Độ kiềm
Độ kiềm có vai trò quan trọng trong việc tạo vỏ, lột xác của tôm. Độ kiềm liên hệ mật thiết tới sự biến động của giá trị pH và sự ổn định màu nước (tảo). Trong khoảng độ kiềm thích hợp pH rất ít khi dao động. Nuôi tôm ở độ mặn thấp, độ kiềm thường xuyên thay đổi. Cần hết sức chú ý bón vôi định kỳ để tăng độ kiềm của ao. Dụng cụ thường dùng để đo độ kiềm trong ao nuôi là các bộ test kit có bán trên thị trường.

Ngoài cách đo thông thường, có thể sử dụng thiết bị công nghệ cao, tích hợp nhiều chức năng để nhiều thông số môi trường cùng một lúc. Điển hình như các sản phẩm của công ty Farmtech Vietnam :

Hệ thống mạng cảm biến môi trường không dây (Environment Wireless Sensor Network).

Ứng dụng rộng rãi trong việc giám sát môi trường theo thời gian thực hiện tại đã có thể giám sát 54 chỉ tiêu về không khí và nước (Bao gồm việc đo các Ion trong nước), các chỉ số khác. Hệ thống sử dụng các công nghệ kết nối mạng để có thể tổng hợp số liệu từ nhiều điểm tổng hợp số liệu môi trường tốt nhất trước khi gửi kết quả cho người sử dụng.
Tại thời điểm hiện tại hệ thống ứng dụng công nghệ mạng không dây mới nhất, tiết kiệm điện năng và sử dụng các công nghệ cảm biến nhạy nhất xuất xứ từ Châu Âu.

Hệ thống mạng cảm biến môi trường không dây (Environment Sensor Network) là hệ thống gồm những thiết bị thu thập dữ liệu có thế kế nhỏ, cơ động, sử dụng điện năm thấp và các công nghệ không dây như : Bluetooth, Wifi, 802.15.4, Zig bee, Lora để kết nối truyền, tổng hợp dữ liệu, tính toán dữ liệu tại chỗ trước khi truyền về hệ thống trung tâm.

Trọn bộ AE Sensor, giúp quản lý môi trường ao nuôi toàn diện

Phao giám sát môi trường (Floating Wireless Environment System)

Phao giám sát môi trường ao nuôi cho phép giám sát các thông số môi trường trong ao nuôi như oxy trong nước, nhiệt độ. Pin năng lượng mặt trời giúp phao có thể tự hành mà không cần nguồn điện, bình dự phòng đủ thời gian cho phao hoạt động 3 ngày trong điều kiện không có ánh sáng mặt trời. Thiết bị có khả năng truyền dữ liệu về bộ thu thập dữ liệu với khoảng cách tối đa 15 km.

Hệ thống phao giám sát môi trường

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Sát thủ giấu mặt gây chết ở tôm – H2S

Trong quá trình nuôi tôm, lượng chất thải hữu cơ tạo ra được tích tụ trong đáy ao bị vi khuẩn phân hủy kị khí thành  H2S. Đây là loại khí độc nguy hiểm nhất trong ao, có thể gây chết tôm ở bất cứ thời điểm nào. Do đó cần khống chế loại khí này trong toàn vụ nuôi.

Trong vụ nuôi, chất thải được lắng đọng xuống nền đáy, quá trình phân hủy xảy ra 2 trường hợp. Trường hợp phân giải kỵ khí (không có ôxy) nên vi khuẩn khử lưu huỳnh tạo ra H2S, nằm ở phía dưới lớp bùn đáy và thường có màu đen. Trường hợp phân giải hiếu khí (có ôxy) các phản ứng ôxy hóa xảy ra ở bề mặt lớp bùn đáy nên lớp bùn này có màu sáng. Lớp bùn sáng này tuy mỏng nhưng có tác dụng như lớp màng ngăn, hạn chế khí độc thoát ra ngoài môi trường nước.

Khí độc H2S có mùi trứng thối, càng nhiều bùn đen thì càng nhiều khis độc H2S. Nó được gọi là “sát thủ” vì độ độc H2S cao gấp nhiều lần so với NH3 và NO2, chỉ cần 0,01 ppm là có thể giết chết tôm. Còn “giấu mặt” vì cho đến nay, vẫn chưa có dụng cụ kiểm tra hàm lượng khí độc H2S trong ao nuôi.

Khí  H2S nguy hiểm với tôm như thế nào?

Khí độc H2S sẽ kết hợp với Hemoglobin ngăn cản việc vận chuyển ôxy trong máu, ngăn không cho tôm lấy ôxy, gây stress và giảm sức đề kháng. Nó cũng có thể gây phá hủy mô, tổn thương các cơ quan mềm như mang, ruột, thành dạ dày và gan tụy. Nếu tiếp xúc H2S trong thời gian ngắn, tôm yếu dần, bơi chậm chạp, dễ tổn thương và nhiễm bệnh. Trường hợp tiếp xúc với lượng lớn H2S, tôm sẽ chết nhanh hàng loạt.

Các triệu chứng tôm bị ảnh hưởng bởi độc tính H2S

Tôm sú bị mềm vỏ khi tiếp xúc lâu với H2S, dẫn đến stress và giảm ăn

Miệng và mang tôm thẻ bị đen do tiếp xúc với H2S khi tìm kiếm thức ăn ở khu vực đáy ao

Những điều kiện thuận lợi sinh ra H2S

  • Ao nước trong trước khi thả giống, ánh sáng chiếu xuống làm cho rêu đáy phát triển. Sau một thời gian, tảo phát triển và ngăn ánh sáng chiếu xuống đáy ao làm cho rêu đáy chết, gây ô nhiễm đáy ao
  • Ao đáy cát và đất xốp, chất thải rút sâu vào lòng đáy, tạo môi trường yếm khí sinh ra H2S
    Đối với ao lót bạt, bên dưới lớp bạt là môi trường thiếu ôxy, H2S được sinh ra khi chất hữu cơ thấm xuống bên dưới lớp bạt theo vết rò rỉ
  • Ao có mực nước sâu, thiếu oxy sẽ tạo điều kiện cho H2S sản sinh
  • Ao bị tảo tàn và nhiều thức ăn thừa, cũng như ao phèn có pH thấp và nhiều chất thải rất thuận lợi tạo ra H2S
  • Ao chứa các chất hữu cơ lơ lửng, khi các chất này lắng lại ở đáy ao sẽ tạo điều kiện thuận lợi sinh ra H2S

Một số trường hợp và cách khắc phục

  • Mưa lớn

Trong cơn mưa lớn, các thông số nước sẽ thay đổi, thúc đẩy việc tạo ra H2S. Mưa làm giảm nhiệt độ, ôxy hòa tan và pH. Mưa còn làm giảm khoáng chất và độ kiềm trong nước. Âm thanh và sóng tạo ra bởi gió cũng khiến tôm stress và phải di chuyển xuống đáy và khu vực chất thải. Các yếu tố này làm tôm chết.

Người nuôi nên xử lý như sau: Ngưng cho ăn khi có mưa

– Kiểm tra pH nước và tạt vôi để duy trì điều kiện tối ưu

– Bật quạt nước chạy xuyên suốt

– Bổ sung khoáng vào nước và trộn khoáng với thức ăn sau những cơn mưa

– Sử dụng vi khuẩn tiêu thụ H2S để kiểm soát H2S

  • Tảo tàn

Khi tảo tàn, pH ngay lập tức hạ thấp, lượng chất hữu cơ tăng lên đột ngột tiêu thụ một lượng lớn ôxy hòa tan. Khí độc sản sinh và vi khuẩn tăng lên nhanh chóng. Người nuôi phải xử lý theo các bước sau đây:

– Cắt giảm 50 – 60% thức ăn

– Tạt vôi để duy trì độ pH

– Chạy quạt để gom chất hữu cơ về khu vực giữa đáy ao

– Si-phông bùn đáy giữa ao, thay nước mới

– Sử dụng các chế phẩm phân hủy chất hữu cơ để làm sạch nước ao

– Sử dụng vi khuẩn tiêu thụ H2S để kiểm soát H2S

  • Thời tiết lạnh

Khi thời tiết trở lạnh, tôm khỏe có khả năng chống chịu tốt hơn và tránh xa khu vực chất thải. Trong khi đó, tôm yếu chịu lạnh kém sẽ tiến đến khu vực chất thải (nhiệt độ ấm hơn) và bắt đầu nhiễm độc bởi khí H2S. Khi thời tiết ấm trở lại, vi khuẩn phân hủy chất thải với tốc độ nhanh hơn và tiêu thụ một lượng lớn ôxy. Hàm lượng ôxy thấp sẽ làm cho tôm sống ở khu vực này bị nhiễm độc bởi khí H2S. Cách khắc phục:

– Khi thời tiết trở lạnh (25 – 26oC), lượng thức ăn nên được giảm 20 – 30%.

– Tăng cường quạt nước để cung cấp đầy đủ ôxy trong cả ngày.

– Trộn vitamin, khoáng vào thức ăn để hỗ trợ tôm khỏe hơn.

– Rải vôi quanh vùng rìa đống chất thải.

Đáy ao bị xáo trộn

Bình thường bề mặt của đống chất thải được tiếp xúc đủ ôxy nên tạo ra lớp bùn sạch. Lớp này rất mỏng, có màu tương đối sáng, bao phủ bùn đen thiếu ôxy bên dưới và hạn chế khí độc H2S ở bùn đen thoát lên. Nhưng khi lớp bề mặt này bị trốc ra, một lượng lớn khí độc H2S đột ngột thoát vào nước. Những con tôm ở gần đó sẽ chết do bị nhiễm bởi khí độc này. Để hạn chế trường hợp này cầ chú ý:

– Không nên khuấy động đống chất thải ở đáy ao

– Cố gắng kiểm soát pH nước (bón vôi)

– Cắt giảm thức ăn (60 – 70%)

– Tăng cường quạt nước tối đa để cung cấp ôxy và ngay lập tức đưa vi sinh PondDtox® 2 kg/ 10.000 m2 xuống ao.

Ngăn ngừa khí độc H2S

  • Duy trì ôxy hòa tan ở đáy ao cao hơn 3 ppm có thể giúp ngăn cản việc sinh ra H2S
  • Kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn
  • Không nên nuôi ở vùng đất xốp, đáy cát và khu vực xì phèn nặng
  • Khu vực miền Tây cần lưu ý đáy ao phần lớn nằm trong vùng xì phèn, người nuôi cần xử lý đáy bằng vi sinh định kỳ để kìm hãm sự phát triển của H2S
  • Giữ pH trong khoảng 7,8 – 8,3 trong suốt vụ nuôi. Khoảng dao động pH trong ngày phải nhỏ hơn 0,4. Vùng đất xì phèn, pH khu vực giữa ao luôn thấp hơn so với ven bờ
  • Người nuôi nên cẩn thận và phải có hành động kịp thời khi mưa lớn, tảo tàn và lột xác

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Ngộ độc dinh dưỡng trên cây trồng và biện pháp xử lí

1. Các dạng cây bị ngộ độc

  • Bị cháy phân: Tương tự như da người bị cháy do nắng, do tắm biển. Đây là dạng ngộ độc trực tiếp, cấp tính lên một bộ phận của cây mà có thể trên tổng thể với lượng phân đó thì chưa xảy ra dư thừa khiến cho cây bị ngộ độc.  Ví dụ, khi bị ngập nước thì rễ cây bị ngộp, đua nhau ngoi lên mặt đất để tìm kiếm oxy, khi nước rút đi nếu mình bón phân ngay thì phân tan ra và lớp rễ cám sẽ bị cháy, mặc dù lượng phân bón không nhiều.
  • Mất cân đối: Cây bị ngộ độc trong trường hợp lượng phân bón chưa dư nhưng do các chất sẽ ảnh hưởng lẫn nhau nên khi có mặt chất này sẽ gây thiếu chất kia. Ví dụ như với kali. Kali là yếu tố giúp cây chắc, ít sâu bệnh và cây cũng có thể hấp thu nhiều kali mà không bị nhiễm độc. Tuy nhiên khi nhiều kali thì sẽ ức chế khiến cho cây không hấp thu được canxi và manhê khiến cho cây có triệu chứng như bị ngộ độc.
  •  Ngộ độc thực sự: Là trường hợp bón quá nhiều so với nhu cầu và ngưỡng chịu đựng của cây. Ví dụ như nếu bón quá nhiều phân đạm thì sẽ làm cho lá cây bị vàng, rũ xuống.

2. Biện pháp xử lí

Trong cả 3 trường hợp trên, khi phát hiện được cần có những biện pháp xử lý ngay càng sớm càng tốt

  •  Đầu tiên, phải ngưng ngay việc bón phân và sau đó là dùng nước để rửa bớt. Với cây mọc dưới nước thì việc thay nước là giải pháp cần làm ngay. Với cây trồng cạn thì tưới nước sẽ làm cho phân bị loãng ra và trực di xuống tầng dưới.
  • Nếu bị ngộ độc bởi vi lượng thì có thể bón thêm vôi, lân. Việc bón thêm vôi hoặc lân sẽ làm cho pH tăng lên. Khi pH tăng thì sẽ làm giảm khả năng ảnh hưởng của vi lượng.
  • Việc bón phân hữu cơ cũng có tác dụng làm giảm tác dụng độc của việc dư thừa phân bón, bởi khi bón phân hữu cơ sẽ làm cho hệ đệm hoạt động hiệu quả hơn, nhất là nguồn hữu cơ từ phân trùn quế giúp nhanh chóng điều hoà pH đất.
  • Cây trồng cũng là sinh vật sống nên khi bị nhiễm độc thì sẽ có những phản vệ nhằm hạn chế nhiễm độc. Với người, phản xạ đầu tiên có thể là nôn, thì với cây chúng cũng sẽ được thải nhanh qua mép lá. Nếu kết hợp được khả năng tự vệ củacây với các giải pháp trợ giúp của con người thì việc nhiễm độc sẽ được giảm thiểu.

 

Biểu hiện của lá khi bị ngộ độc dinh dưỡng

Giải pháp tránh cho vườn cây bị ngộ độc tốt nhất là mỗi nhà nông phải tự trang bị kiến thức cho mình, hiểu nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây, từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của nó, cũng như phải cập nhật hàm lượng các chất có trong đất của ruộng nhà mình bằng các phân tích thổ nhưỡng chuyên ngành làm sao sử dụng phân bón vừa đủ, mang lại hiệu quả kinh tế cao và không lo cây trồng bị ngộ độc.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam