Nhà nông Thanh Đa trồng rau an toàn, thu 600 triệu đồng/ha

Tham gia mô hình trồng rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP, hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ (TP.Hà Nội) không chỉ nâng cao thu nhập mà góp phần đưa xã nhà thành địa chỉ sản xuất, cung ứng RAT uy tín trên địa bàn thành phố.

Thu nhập tăng, sức khỏe đảm bảo

Là 1 trong những chủ vựa rau lớn ở thôn Phú An, xã Thanh Đa, ông Nguyễn Đình Thân cho biết: “Trước kia, người dân chủ yếu canh tác rau theo phương thức truyền thống, tự phát, cơ cấu cây trồng, mùa vụ không rõ ràng, thiếu định hướng nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi chuyển sang làm RAT, mỗi sào rau đem lại cho nông dân 15 – 20 triệu đồng/năm, nhờ đó cuộc sống khấm khá hơn nhiều. Từ nguồn thu nhập được coi là phụ, hiện nay, rau đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ trong xã”.

Thời gian tới, TP.Hà Nội tập trung phát triển chuỗi RAT gắn sản xuất với sơ chế, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm

Sở NNPTNT Hà Nội sẽ tham mưu thành phố có thêm cơ chế, chính sách về sản xuất, tiêu thụ RAT, theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ RAT; chuyển giao, tập huấn kỹ thuật cho nông dân sản xuất tốt hơn.

Cũng ở thôn Phú An, bà Nguyễn Thị Thủy trồng 2 sào RAT các loại. Bà Thủy cho biết, để phòng trừ sâu bệnh, bà sử dụng các loại bẫy bả sinh học, dẫn dụ bướm và các loại côn trùng vào bẫy. Mỗi sào ruộng, bà đặt 7 miếng bẫy (giá 10.000 đồng/miếng), nhiều bướm sâu tơ, ruồi đục quả, bọ phấn… bị thu hút và dính bẫy. Diệt bướm là biện pháp tốt nhất để không phát sinh sâu hại cây trồng và giảm sử dụng thuốc trừ sâu.

Không chỉ có hộ gia đình ông Thân, bà Thủy, hàng trăm hộ dân ở Thanh Đa đều có cuộc sống khấm khá hơn hẳn khi chuyển từ canh tác truyền thống sang trồng RAT. Chủ tịch UBND xã Thanh Đa Nguyễn Văn Mạnh cho hay: Nằm ven sông Hồng, khu đất Bãi Nổi tại thôn Phú An thường xuyên được phù sa bồi đắp màu mỡ nên rất thuận lợi cho trồng RAT. Năm 2009, xã tiến hành quy hoạch 30ha tại khu đồng Bãi Nổi để trồng rau.

Bắt tay vào thực hiện, xã được thành phố quan tâm hỗ trợ vật tư nông nghiệp, hạt giống rau, tập huấn kỹ thuật thông qua các lớp IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp) cho các hộ sản xuất. Đặc biệt, thành phố còn đầu tư hơn 19 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng quy hoạch sản xuất RAT, gồm: 7km bêtông nội vùng, xây dựng nhà sơ chế, trạm bơm, bể chứa, trạm điện và hệ thống đường dây, lắp đặt hệ thống tưới đến từng ruộng. Đến nay, sau hơn 9 năm triển khai, vùng RAT thôn Phú An đã tăng lên 50ha với 330 hộ tham gia sản xuất. Hiệu quả kinh tế đạt trung bình trên 600 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa và trồng rau truyền thống.

Theo ông Mạnh, để duy trì và nâng cao hiệu quả sản xuất vùng RAT, xã thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, giám sát quá trình sản xuất của nông dân; hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại, cách ly đúng thời gian, bỏ bao bì vào thùng chứa đúng nơi quy định… Điều đáng mừng là RAT thôn Phú An đã được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp chứng nhận chất lượng RAT, được đăng ký mã số, mã vạch để quản lý, bước đầu tạo được uy tín, thương hiệu tại thị trường Thủ đô.

Trước nhu cầu sử dụng rau sạch tăng cao, nhiều hộ dân Phú An đã mạnh dạn xây dựng hệ thống nhà lưới để nâng cao năng suất, chất lượng rau. Xã Thanh Đa chỉ đạo HTX Nông nghiệp Phú An, các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cây, con giống mới vào sản xuất. UBND xã cũng đang liên kết với các công ty, doanh nghiệp triển khai hệ thống nhà kính sản xuất RAT.

Thêm cơ chế hỗ trợ phát triển RAT

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP.Hà Nội đã có hơn 5.000ha diện tích rau được chứng nhận an toàn, hơn 300ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và hàng trăm ha trồng rau hữu cơ.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề khó khăn đối với sản xuất, kinh doanh RAT nói riêng và các sản phẩm nông sản an toàn theo chuỗi nói chung là cần phải có nguồn vốn lớn. Trong khi đó, hệ thống hỗ trợ, phân phối sản phẩm nông sản chưa đủ mạnh, giá thành sản phẩm còn cao… gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này.

Để RAT phát triển mạnh trong thời gian tới, ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, Sở sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh theo hướng giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thảo dược để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ RAT truy xuất nguồn gốc đến hộ gia đình gắn với hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng; siết chặt công tác quản lý vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Hướng dẫn trồng rau sạch tại nhà.

Hiện nay, tình trạng thực phẩm bẩn do một số người chạy đua theo năng suất và lợi nhuận đã lạm dụng, sử dung không đúng cách thuốc BVTV gây tồn dư chất độc hóa học trên nông sản, đang xuất hiện tràn lan và đầy rẫy trên thị trường, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.. Vậy tại sao chúng ta không tự cứu lấy mình thoát khỏi vấn nạn này bằng cách trồng rau sạch tại nhà để sử dụng?

HƯỚNG DẪN TRỒNG RAU SẠCH

1.Chuẩn bị giống rau:

Bạn nên tìm đến những cửa hàng giống cây trồng uy tín nơi mình sinh sống, để tìm mua những giống rau năng suất cao chất lượng tốt.Tránh tình trạng mua phải những giống kém chất lượng, ảnh hưởng đến sự phát triển cây rau, gây giảm năng suất và chất lượng của vườn rau.

2. Chuẩn bị đất trồng:

a. Đất vườn:

Đất thích hợp để trồng rau là những loại đất như đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa. Đất cao, dễ thoát nước tránh ngập úng.

Đối với những bạn có diện tích đất vườn rộng thì nên làm đất cày bừa kỹ, tơi xốp và phơi ải dưới ánh nắng mặt trời để làm giảm mầm mống sâu bệnh trong đất.

Sau đó lên luống (liếp) tạo điều kiện cho rễ phát triển, dễ dàng trong chăm sóc và để thoát nước chống úng. Luống có chiều rộng 1-1,2 m, cao khoảng 15cm, luống cách luống từ 20-25cm.

Luống rau.

Bón lón 1 – 2kg/1m2 phân bón hữu cơ vi sinh dành cho rau màu. Những loại phân này cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết nhất cho rau màu phát triển.

b. Trồng trong khay, thùng xốp (thường áp dụng với những người có diện tích đất hẹp như ở thành phố trồng trên sân thượng, ban công,…)

Thùng xốp có đục lỗ để thoát nước.

Vật liệu cần chuẩn bị:
– Thùng xốp, khay nhựa,…có đục lỗ ở đáy để thoát nước, nên tận dụng các vật dụng trong gia đình để tiết kiệm chi phí.
– Giá thế, chất độn (như xơ dừa, mùn cưa, phụ phẩm nông nghiệp,…)
– Đất trồng chọn những loại đất sạch, không bị ô nhiễm và tốt, giàu chất hữu cơ như đất phù sa, đất thịt nhẹ…
– Nơi đặt thùng xốp cần thông thoáng, có đủ ánh sáng (sân thượng, ban công,…) để cho rau sinh trưởng phát triển.
– Lót một lớp giá thế (xơ dừa, mùn cưa, phụ phẩm nông nghiệp,…) dưới đáy thùng rồi đổ đất lên trên (dày khoảng 10-15cm) trộn thêm 2 kg/thùng phân chuồng hoai mục hoặc từ 1 -2kg/thùng phân hữu cơ vi sinh.
Lưu ý : tùy vào kích thước của thùng to hay nhỏ mà bổ sung thêm phân bón cho hợp lý.

3. Xuống giống:

Thời vụ : có thể trồng quang năm với nhiều loại rau khác nhau, luân canh nhau để đảm bảo có rau cung cấp trong suốt một năm, không cần phải đi mua vừa tiết kiệm chi phí vừa an toàn cho sức khỏe của gia đình.

Gieo hạt
– Để hạt rau nảy mầm đồng đều, tỷ lệ nảy mầm cao cần ngâm hạt giống trong nước ẩm với tỷ lệ 2 sôi – 3 lạnh trong khoảng từ 2-6 giờ.Sau đó vớt ra và rửa sạch, để ráo nước rồi đem đi gieo lên đất đã chuẩn bị sẵn. Hoặc có thể ủ trong khăn từ 12-48h khi thấy hạt giống nứt vỏ thì đem đi gieo (thường áp dụng khi trồng trong thùng xốp).

– Rải đều hạt giống với mật độ vừa phải, không gieo với mật độ quá dày và dùng một lớp đất mỏng hoặc rơm rạ phủ lên hạt giống để giữ độ ẩm giúp hạt giống nảy mầm tốt hơn.

Trồng cây con
Cây con mua tại các cửa hàng có uy tín, giống có chất lượng tốt, giống khỏe và sạch bệnh hoặc có thể tự gieo hạt để lấy cây con (giống như gieo bằng hạt, sau khi rau mọc được 3 lá thì đem trồng). Mật độ khoảng các trồng tùy từng loại rau.Nên đa dạng hóa vườn rau (rau cải, rau xà lách, rau muốn, ớt, hành, tỏi, ngò,…) để bữa ăn trong gia đình thêm đa dạng và phong phú.

4. Chăm sóc:

Khi cây rau được 3 lá (đối với rau gieo bằng hạt) và sau trồng 5-6 ngày (đối với rau trồng bằng cây con) thì bón thêm 0,5 – 1kg/1m2 (0,5kg/thùng xốp) phân bón hữu cơ vi sinh.
Tùy vào thời gian sinh trưởng của từng loại rau mà bón phân cho hợp lý, để ý nếu lượng phân còn đủ cho cây sử dụng thì có thể kéo dài thời gian giữa 2 lần bón cho phù hợp.

Tưới nước : Nếu trời nắng nên tưới ngày 2 lần (sáng sớm và buổi chiều tối). Trời mưa thì không cần tưới và chú ý chống úng. Để ý không nên tưới quá nhiều nước rau sẽ dễ bị bệnh, luôn giữ độ ẩm thích hợp cho đất, không để đất khô hoặc quá ướt.

Rau trồng quá dày cần tỉa thưa.

Đối với rau gieo bằng hạt khi rau có từ 2-3 lá với mật độ dày thì cần tỉa thưa, vừa lấy để làm rau ăn sống vừa để tập trung dinh dưỡng, tạo độ thông thoáng và không gian cho những cây còn lại sinh trưởng và phát triển.

Xới đất để cho đất thông thoáng và nhổ bỏ cỏ dại. Thường xuyên kiểm tra phát hiện sâu có thể dùng tay bắt giết sau hại, có thể trồng xen với một số cây gia vị như hành, tỏi, gừng,… có tác dụng xua đuổi để hạn chế sâu bệnh hại.

5. Thu hoạch:

Thời điểm và cách thu hoạch tùy thuộc vào từng loại rau và mục đích sử dụng (rau ăn lá, rau mầm, hay ăn củ…).

Không thu hoạch khi quá non hoặc quá già như vậy sẽ làm giảm chất lượng và làm giảm hương vị của rau ăn sẽ không ngon.

Nguồn: Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

 

“Đột nhập” trang trại rau sạch

Trang trại trồng rau rộng hơn 4.000m2 nhưng chỉ có 2 công nhân phụ trách chăm sóc, thu hoạch; muốn vào thăm phải qua nhiều lớp cửa, phải khử trùng giày dép bằng vôi bột; vừa tham quan vừa vặt rau, trái thưởng thức ngay tại vườn, không cần rửa… Đó là những trải nghiệm của chúng tôi sau một ngày ở Trang trại trồng rau sạch công nghệ cao Vifarm (48, đường en Biển, phường 12, TP.Vũng Tàu).

Anh Cao Xuân Mạnh, một trong hai người đồng sáng lập Vifarm kiểm tra chỉ số dinh dưỡng cung cấp cho rau cải.

Ăn rau không cần rửa

Theo đúng hẹn, 7 giờ 30, chúng tôi có mặt tại Vifarm. Chị Trần Ngọc Trinh, kỹ sư của Vifarm dẫn chúng tôi đi qua 3 lớp cửa – trong đó có một đoạn rắc vôi bột – mới vào được nơi trồng rau. Chị Trinh giải thích, vôi bột để diệt vi khuẩn, mầm bệnh từ ngoài theo giày, dép của khách vào. Bình thường, trang trại có 2 công nhân đảm nhận các khâu chăm sóc, thu hoạch rau, nhưng hôm chúng tôi đến, chỉ có một người làm vì khoảng 1/3 diện tích đang trong giai đoạn khử trùng để chuẩn bị cho mùa rau Tết.
Trước mắt chúng tôi là hệ thống 52 giàn chữ A trồng rau thủy canh hồi lưu. Mỗi giàn đều có bảng ghi đầy đủ thông tin như: tên cây trồng, xuất xứ, ngày ngâm hạt, ngày gieo, ngày lên giàn (dự kiến), ngày thu hoạch (dự kiến), mã vạch truy xuất… Chị Trinh cẩn thận kiểm tra từng giàn cây, ghi chép các thông số vào sổ. Thấy một cây xà lách Ý có biểu hiện sâu trên lá, chị Trinh lật qua lật lại lá rau và bắt được con sâu gần bằng đầu đũa rồi chị tách cây riêng ra vị trí khác để theo dõi. Sau đó, chị cẩn thận lật từng lá của những cây xà lách xung quanh để kiểm tra đến khi thấy “an toàn” mới thôi.

Chị Nguyễn Thị Tài thu hoạch dưa leo tại trang trại Vifarm.

Sau khi thăm quan khu vực trồng rau thủy canh, chúng tôi đến khu vực trồng rau theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Khoảng 100 gốc dưa leo Hà Lan và 500 gốc cà chua bi đang ra trái. Dưa leo đã trồng được hơn 1 tháng, nhiều cây trĩu quả, đạt trọng lượng chừng hơn 200 gram/trái. Chị Nguyễn Thị Tài, công nhân của trang trại cho biết, nếu để thêm vài ngày nữa khi hoa ở cuống trái rụng, dưa leo có thể đạt trọng lượng 300 gram/trái. Tuy nhiên, thời điểm này trang trại đã thu hoạch vì dưa đang rất ngon. Chị Tài mời tôi nếm thử một số rau, trái trong vườn mà không cần rửa. Thấy khách chần chừ, chị Trinh đưa trái dưa leo lên ăn trước, như để chứng minh cho khách rằng rau, quả ở đây bảo đảm an toàn tuyệt đối. Xong, chị bốc nắm đất trồng cải cầu vồng để kiểm tra độ ẩm. “Trồng theo phương pháp tưới nhỏ giọt, cải cầu vồng phát triển tốt hơn, năng suất cao hơn và nhìn bắt mắt hơn. Chúng tôi tiếp tục thử nghiệm để đưa ra phương án trồng tốt nhất”, chị Trinh vừa ghi vào cuốn sổ tay vừa cho biết.

Học sinh tham quan trang trại Vifarm.

Hướng đến thị trường xuất khẩu

Khác với cách trồng rau thông thường, ở Vifarm, rau được trồng trong nhà lưới, nhà màng với hệ thống tưới tiết kiệm bán tự động bằng công nghệ của Israel. Rau được trồng trên giá thể xơ dừa hoặc thủy canh hồi lưu, không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất nào. Việc bổ sung dinh dưỡng cho rau được tính toán trên máy vi tính, căn cứ vào công thức đã tính toán xong, kỹ thuật viên mới đưa dưỡng chất vào nước cung cấp cho rau. Thời gian từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch rau từ 30-60 ngày như phương pháp trồng rau truyền thống. Trồng rau công nghệ cao có mức đầu tư ban đầu khá cao, nhưng bù lại, năng suất ổn định, ít bị sâu bệnh, được giá và dễ tiêu thụ. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, 3 cơ sở của Vifarm cung cấp 10 tấn rau, trái cho 500 khách hàng, là các hộ gia đình tại BR-VT và một số công ty cung cấp suất ăn chất lượng cao, nhà hàng tại TP.Hồ Chí Minh. Không tiết lộ tổng chi phí đầu tư ban đầu, nhưng anh Cao Xuân Mạnh, một trong hai người đồng sáng lập Vifarm lạc quan, sau 2 năm trang trại có thể thu hồi vốn và bắt đầu có lãi.
Anh Mạnh chia sẻ, vì lo ngại trước tình trạng thực phẩm bẩn ngày càng gia tăng, năm 2015, anh cùng người bạn là Cao Nhật Anh Tú – kỹ sư của một công ty dầu khí – rủ nhau làm trang trại trồng rau sạch để sử dụng trong gia đình. Sau nhiều ngày tìm hiểu, bàn thảo, hai người quyết định chọn công nghệ trồng rau của Israel, đặt mua hệ thống thiết bị tự động điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, tưới tự động và nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Vũng Tàu. Xơ dừa được mua từ các tỉnh miền Tây, một số loại hạt giống của Việt Nam, còn lại đa số phân vi sinh và hạt giống đều được nhập khẩu. Anh cũng thuê kỹ sư nông nghiệp phụ trách kỹ thuật. Vừa làm vừa học hỏi và tự rút kinh nghiệm nên việc trồng rau của các anh khá thuận lợi. “Ban đầu, chúng tôi trồng thử nghiệm một số loại rau để xem có phù hợp với điều kiện tự nhiên hay không, có đạt năng suất như kỳ vọng hay không, khi thấy hiệu quả mới mở rộng và trồng đại trà”, anh Mạnh chia sẻ. Từ ý tưởng ban đầu là trồng rau sạch tự cung tự cấp cho gia đình, anh Mạnh và anh Tú đã quyết định mở rộng diện tích trồng rau để cung cấp cho thị trường. Theo đó, năm 2016, họ đã mở thêm cơ sở tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu (2ha) và năm 2017 mở thêm cơ sở tại tỉnh Kon Tum (30ha, đang canh tác 2.600m2).
Trồng rau hiệu quả, anh Mạnh, anh Tú cũng chủ động thuê người quản lý và giới thiệu, bán sản phẩm qua mạng Internet. Ngoài facebook, zalo, Vifarm còn có website riêng: vifarm.org, giới thiệu quy trình trồng rau, các sản phẩm hiện có và giá thành của hơn 20 sản phẩm trên các trang web này để người tiêu dùng nắm được và đặt hàng. “Các sản phẩm của Vifarm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn rau an toàn, được kiểm nghiệm và xác nhận bởi Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.Hồ Chí Minh và Sở NN-PTNT. Sản phẩm có mã vạch để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc và quá trình tăng trưởng của cây. Chúng tôi đang làm thủ tục để sản phẩm của Vifarm được cấp chứng nhận GlobalGAP (bộ tiêu chuẩn về Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu). Chúng tôi đã làm việc với các đối tác tại Singapore, Nhật Bản, Mỹ để sau khi được cấp chứng nhận GlobalGAP, sẽ xuất khẩu rau ra nước ngoài”, anh Mạnh cho biết.
Giá rau của Vifarm từ 35.000-100.000 đồng/kg, tùy loại. Một số mặt hàng đã có thương hiệu như: cải bó xôi, cải Kale, cải cầu vồng, xà lách Ý, cà chua bi socola, cà chua đen… Ngoài cung ứng rau, Vifarm còn nhận lắp đặt giàn rau thủy canh hồi lưu, hệ thống trồng tưới nhỏ giọt cho rau, cây ăn trái cho các hộ gia đình. Đặc biệt, chỉ cần liên hệ trước, các cơ quan, đơn vị, trường học, có thể đến thăm quan, tìm hiểu mô hình trồng rau theo công nghệ tiên tiến tại Vifarm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phương pháp trồng dưa leo thủy canh

Khi thực phẩm bẩn là một trong những mối lo ngại của người dân hiện nay thì mọi người có xu hướng tìm đến rau an toàn.

Thủy canh là phương pháp trồng rau an toàn không còn xa lạ với nhiều ưu điểm: không cần đất, không cần tưới, trồng được nhiều vụ, sản phẩm sạch…Sau đây Fman xin giới thiệu phương pháp trồng thủy canh không hồi lưu cây dưa leo:

Cây dưa leo trồng theo phương pháp thủy canh

1.Chuẩn bị vật liệu

  • Hộc thủy canh

Hộc thủy canh dưa leo có thể làm bằng gạch, hộp xốp đựng trái cây hoặc những vật liệu tương tự. Hộc có bề dày từ 5 – 6 cm để giữ cho nhiệt độ dung dịch được thấp.

  • Nắp hộc

Nắp hộc (nắp đậy) là nơi đặt giá thể trồng cây, nắp hộc được đục lỗ tròn tương ứng với kích thước của rọ nhựa. Vật liệu sử dụng nhẹ như tấm xốp, hoặc nhựa tổng hợp,…

  • Túi để cây (rọ nhựa)

Giá thể được sử dụng là vỏ trấu hoặc vermiculite. Rọ nhựa có đục lỗ cho rễ mọc ra và để chìm trong dung dịch dinh dưỡng chừng 1 – 3 mm để giữ ẩm cho giá thể, tạo điều kiện cho cây hô hấp.

  • Lưới bao quanh hệ thống thủy canh

    Cây trồng thủy canh được bố trí trong nhà lưới đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh như mưa gió, sâu bọ, côn trùng gây hại,…

  • Thiết bị tự động điều khiển mực nước

    Thiết bị phao nổi: Dung dịch dinh dưỡng được chứa trong hộc hoặc thùng xốp (50 x 35 x 35cm). Dung dịch dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ bên trong thùng xốp, rễ cây được hoàn toàn chìm trong đó. Phao nổi được đặc cách mặt thùng từ 3-4 cm, để khi dung dịch đã giảm đi vài centimet, nước sẽ được cung cấp tự động từ nguồn nước để khôi phục lại mực nước ban đầu.

Thiết bị phao nổi là một giải pháp để khắc phục nhược điểm của hệ thống thủy canh không hồi lưu.

  • Môi trường thủy canh

  • Hạt giống

Dưa leo chỉ cần 2 tuần để nẩy mầm từ hạt. Kể từ khi cấy đến khi tạo quả là 30 ngày. Thời gian thu hoạch là 90 ngày sau đó.

Khi gieo, tốt nhất nên để hạt nằm sâu trong giá thể nhưng không nên quá sâu làm cản trở sự nẩy mầm của hạt. Trước khi gieo, hạt nên được bao quanh bởi mẩu giấy hoặc bông thấm nước, nó sẽ giúp nhiệt độ quanh hạt được ổn định. Nhiệt độ tốt nhất để hạt nẩy mầm là 24ºC (29ºC hạt sẽ chết).

2. Cách tiến hành:

  • Chuẩn bị mặt bằng, giá đỡ

Có thể đặt thùng thủy canh trực tiếp trên nền xi măng, ban công, sân nhà…hoặc làm giá bằng tre, gỗ, nhựa và cũng có thể bằng xốp. Tuy nhiên khi chọn địa điểm để trồng nên chọn nơi có ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt.

  • Chuẩn bị hộc trồng

Hộc trồng hoặc hộp xốp phải có sơn đen bên trong hoặc lót ni long đen để đựng dung dịch (nhằm tránh ánh sáng khuếch tán tác động lên bộ rễ).

Hộc trồng được sơn đen

  • Khoan lỗ nắp đậy

Dùng ống nước bằng nhựa (có đường kính tương đương miệng rọ) đục lỗ trên nắp hộp khoảng cách các lỗ khoảng 5-10cm

Đục lỗ trên nắp đậy

2.4 Chuẩn bị rọ gieo hạt

Dùng xơ dừa nhồi dưới đáy rọ, nhồi tro trấu bên trên, đặt rọ vào các lỗ đã đục trên nắp hộp.

Rọ nhựa và gieo hạt

2.5 Pha dung dịch dinh dưỡng

Dinh dưỡng cô đặc đựng trong chai, lắc thật đều đổ vào thùng xốp,thêm đủ lượng nước theo hướng dẫn, sau đó khuấy đều. Mực nước cách miệng thùng ít nhất 2 cm
Pha dung dịch dinh dưỡng

2.6 Gieo hạt

Gieo 2-3 hạt vào mỗi rọ ở độ sâu khoảng 1cm hoặc cấy cây con vào

Gieo hạt

Cấy cây con

2.7 Kết thúc

Đặt nắp hộp có sẵn rọ nhựa đã gieo hạt lên trên hộp xốp chứa dụng dịch dinh dưỡng, sao cho đáy rọ nhựa ngập trong dung dịch từ 1-2 cm.

Kiểm tra mực nước

Chú ý: lắp thêm ống thông hơi để đảm bảo thông thoáng cho hệ rễ của cây, theo dõi mực nước trong hộp xốp, cần pha dinh dưỡng thêm vào khi mực nước thấp hơn bộ rễ

Theo dõi và chăm sóc

  • Từ khi gieo đến khi rễ cây có khả năng hút dung dịch cần chú ý phun tưới thường xuyên để giữ đủ ẩm cho hạt nảy mầm. Nếu trời quá lạnh, có xương muối hoặc quá nắng nóng đều phải che phủ cho cây.
  • Khi cây bắt đầu bén rễ có khả năng hút dinh dưỡng thì có thể bổ sung dinh dưỡng vào thùng, khuấy cho dinh dưỡng phân tán.
  • Nếu có điều kiện mỗi tuần một lần tiến hành sục khí làm thoáng dung dịch khi cây còn nhỏ và 4-5 ngày khi cây lớn, cây sẽ phát triển tốt hơn. Cần chú ý không để bong bóng khí quá lớn có thể gây tổn thương rễ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

  • Trong suốt quá trình phát triển của cây cần thường xuyên thăm nom quan sát tình hình sâu bệnh hại để phát hiện và có biện pháp phòng trừ sớm.
  • Trong quá trình chăm sóc rau chúng ta phải thường xuyên kiểm tra hộp trồng rau để tránh rò rỉ dung dịch dinh dưỡng; cần bổ sung nước sạch cho đến khi thu hoạch, cần bổ sung thêm lượng dinh dưỡng bằng 30% lượng dinh dưỡng dung dịch mẹ cho ban đầu sau mỗi lần thu hoạch
  • Theo dõi hàng ngày nếu có sâu thì bắt bằng phương pháp cơ học; bổ sung và thay thế những cây xấu, kém, những cây chết, chuyển đổi vị trí cho rau đủ ánh sáng và dinh dưỡng; cắt bỏ lá gốc, lá vàng, tỉa nhánh rễ, vệ sinh hộp sau mỗi lần thu hoạch, mùa hè cần che nắng bằng lưới đen từ 10 giờ đến 16 giờ

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Quy trình sản xuất rau bắp cải an toàn

An toàn thực phẩm là một vấn đề nhức nhối và được xã hội quan tâm. Xu hướng càng ngày càng có nhiều người tìm đến nguồn rau sạch, an toàn cho sức khỏe.

Khác với sản xuất rau thông thường, sản xuất rau an toàn (RAT) đòi hỏi yêu cầu khắt khe trong cả quá trình sản xuất. Ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn về đất trồng, nước tưới, khâu giám sát đầu vào, quy trình gieo trồng chăm sóc, đến khâu thu hoạch tiêu thụ sản phẩm đều phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định, vi vậy đòi hỏi phải có một mô hình trồng RAT thích hợp mới đảm bảo được các tiêu chuẩn quy định.

 1. Điều kiện sản xuất rau an toàn:

  • Chọn đất không bị ô nhiễm, không chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, bệnh viện và các nguồn ô nhiễm khác.
  • Nguồn nước tưới là nước sạch: nước sông có dòng chảy luân chuyển không bị ô nhiễm hoặc nước giếng khoan sạch.
  • Không sử dụng phân chuồng tươi hoặc nước phân tươi để bón hoặc tưới.
  • Thu hoạch đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật.

2. Qui trình sản xuất:

2.1. Thời vụ :

  • Các tỉnh phía Bắc có 3 thời vụ:

– Vụ sớm: Gieo hạt vào tháng 7, trồng tháng 8.
– Vụ chính: Gieo hạt tháng 8, trồng tháng 9.
– Vụ muộn: Gieo hạt tháng 11, trồng tháng 12.

  • Các tỉnh phía Nam, gieo tháng 10, trồng tháng 11.

2.2. Vườn ươm và yêu cầu kỹ thuật:

  • Đất vườn ươm: chọn đất thịt nhẹ, cao, dễ thoát nước. Tiến hành dọn sạch cỏ dại, làm đất kỹ. Lên luống cao 25 cm, rộng 0,8 – 1m, rãnh rộng 25 cm.
  • Bón lót phân: Mỗi ha bón 20 – 25 tấn phân chuồng mục và 10 – 15 kg phân lân super, phân rải đều khắp mặt luống, dùng cào đảo đều trộn lẫn phân với đất. Vét đất ở rãnh lấp phủ lên mặt luống một lớp đất dày 1,5 – 2 cm.
  • Lượng hạt giống: hạt giống có tỷ lệ nảy mầm > 85%, gieo 0,28 – 0,30 kg hạt và thu được 3 – 4 vạn cây đủ trồng cho 1 ha. Lượng hạt gieo 1,5 – 2,0g/m2.
  • Gieo hạt: Gieo hạt xong cào nhẹ hoặc dùng tay xoa nhẹ, đều trên mặt luống cho đất phủ kín hạt. Dùng trấu phủ kín mặt luống, tưới nước đủ ẩm.

  • Tưới nước: Sau khi gieo hạt phải tưới nước liên tục 3 – 5 ngày đầu, 1 – 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Khi hạt đã nảy mầm ngừng tưới 1 – 2 ngày, sau đó cách 1 ngày tưới 1 lần. Trước khi nhổ cây đem trồng, ngừng tưới nước 3 – 4 ngày để luyện cây con. Trước khi nhổ cây trồng phải tưới nước trước 4 – 5 giờ để khi nhổ cây không bị đứt rễ.
  • Bón phân thúc: Sau khi cây có 2 lá thật dùng phân chuồng ủ mục ngâm nước pha loãng tưới cho cây con (lượng phân 1,5 – 2,0 tấn/ha).
  • Tỉa cây: Khi cây có 1 lá thật thì tỉa lần 1 ở những chỗ cây quá dày. Khi cây có 3 lá thật tỉa lần 2, để cây cách cây 5 – 6 cm.
  • Tiêu chuẩn cây giống tốt: cây con 25 – 30 ngày tuổi, có 5 – 6 lá thật, phiến lá tròn, đốt sít, mập, lùn.

2.3. Làm đất, trồng, chăm sóc bắp cải:

  • Yêu cầu đất trồng: Đất tơi nhỏ, sạch cỏ; luống rộng 100 – 120 cm, cao 15 – 20 cm, rãnh luống 20 – 30 cm. Vụ sớm, làm mặt luống mui luyện để thoát nước. Vụ chính và vụ muộn, làm luống phẳng.
  • Mật độ trồng: Cây trồng hai hàng kiểu nanh sấu.
    – Vụ sớm: mật độ 33.000 – 35.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 40 cm.
    – Vụ chính và vụ muộn: mật độ 27.000 – 30.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 50 cm.
  • Lượng phân và cách bón:
    – Lượng phân bón cho 1ha: 20 – 25 tấn phân chuồng hoai mục, 350 – 400 kg super lân, 300 kg đạm urê, 200 kg phân kali.
    – Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân. Rạch hai hàng trên mặt luống bón phân, sau đó lấp đất hoặc bón theo hốc trồng cây.
    – Bón thúc lần 1: Thời kỳ hồi xanh, sau trồng 7 – 10 ngày, bón 70 kg urê và 60 kg kali sunfat hoà tưới vào gốc kết hợp xới vun làm cỏ vét rãnh.
    – Bón thúc lần 2: Thời kỳ trải lá bàng, sau trồng 20 – 25 ngày, bón 150 kg urê và 80 kg kali sunfat, bón cách gốc 20 cm kết hợp xới xáo làm cỏ lấp phân.
    – Bón thúc lần 3: Thời kỳ cuốn bắp, sau trồng 30 – 35 ngày, bón nốt lượng phân còn lại, có thể bón vào gốc hoặc hòa nước tưới.

Chú ý: Trước khi thu hoạch 30 ngày ngừng bón phân đạm.

  • Tưới nước: Sau khi trồng, tưới đủ ẩm vào buổi sáng và chiều mát cho đến khi cây hồi xanh. Sau khi vun, bón thúc đợt 1 và 2, tưới rãnh cho nước ngấm 2/3 rãnh, sau đó tháo hết nước.

  • Bảo vệ thực vật: Thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM).
    – Trước khi trồng cây phải vệ sinh đồng ruộng, cày lật đất sớm để diệt nguồn sâu non và nhộng của các loại sâu khoang, sâu xám, sâu xanh.
    – Có thể trồng xen với cà chua hoặc hành tỏi để giảm mật độ sâu tơ.
    – Luân canh với lúa nước (2 vụ lúa và 1 vụ rau), nếu ở vùng chuyên canh rau nên luân canh với cây họ đậu, họ cà và họ bầu bí để tránh bệnh sương mai và thối nhũn.
    – Trước khi trồng cây: xử lý đất bằng thuốc hạt Basudin với liều lượng 25 kg/ha; xử lý cây giống bằng dung dịch thuốc Sherpa 20EC nồng độ 0,1% hoặc Regent 800 WG nồng độ 1g/10 lít nước, trong 5 – 10 giây rồi vớt ra để khô nước mới đem trồng.
    – Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu xám, giết các ổ trứng sâu khoang, sâu xanh.
    – Nếu có nhiều sâu tơ và rệp, sử dụng luân phiên giữa các nhóm thuốc: thuốc sinh học (BT, Delfin 32 BIU, Dipel 3.2WP, Aztron 700 DBMU, Xentari 35 WDG…); thuốc hoá học (Sherpa 20 EC, Atabrron 5EC, Regent 800WG, Pegasus 500SC) và thảo mộc (HCĐ 95 BTN, Rotenone, Nembon A-EC, Nimbecidin 0,03EC…) để tránh sự quen thuốc của sâu. Khi xuất hiện các bệnh sương mai, thối nhũn, nhổ bỏ cây bị bệnh, vệ sinh đồng ruộng tránh lây lan.


– Ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch 20 ngày.

2.4. Thu hoạch và bảo quản:

– Thu hoạch khi bắp cuốn chắc, khối lượng trung bình 1 – 2,5 kg/cây, tuỳ theo giống, đủ độ tuổi sinh trưởng. Loại bỏ lá già, lá ngoài, lá giập nát, không ngâm nước.
– Cải bắp bảo quản nhiệt độ 0 – 2 độ C, độ ẩm 92 – 95% trong thời gian 4 – 8 ngày.

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Rau sạch theo công nghệ israel là cực kỳ an toàn? không hẳn

Người Israel ăn rau quả được tưới bằng nước thải tái chế đang gia tăng sự phơi nhiễm với chất có trong thuốc động kinh.

Chúng ta đều biết rằng Israel có một nền nông nghiệp phát triển ở trình độ cao. Rất nhiều công nghệ và quy trình hiện đại được đất nước này áp dụng trong trồng trọt để khắc phục sự bất lợi về điều kiện canh tác, điển hình là thiếu nước ngọt.

Tuy nhiên, một trong số những công nghệ này đang bộc lộ sự mất an toàn. Cụ thể, tình trạng khan hiếm nước ngọt đang khiến Israel tăng cường sử dụng nước thải tái chế để tưới cho cây trồng. Đồng thời, điều này cũng gia tăng sự phơi nhiễm hóa chất trong thực phẩm của họ.

Mới đây, một nhóm nghiên cứu đa ngành đến từ Đại học Hebrew và Trung tâm Y tế Hadassah của Israel đã phát hiện: người ăn rau quả trồng trong đất tưới bằng nước thải tái chế bị phơi nhiễm với một chất hóa học có tên carbamazepine. Hợp chất này có nguồn gốc từ một loại thuốc chống động kinh, và xuất hiện nhiều trong nước thải.

Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Environmental Science & Technology.

“Israel là quốc gia tiên phong trên thế giới sử dụng nước thải thu hồi và tái chế trong lĩnh vực nông nghiệp”, giáo sư Benny Chefetz của Khoa Nông nghiệp và thực phẩm môi trường, Đại học Habrew cho biết. Vì vậy, sẽ là cần thiết để thực hiện các nghiên cứu đánh giá sức khỏe của người tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sử dụng nước thải tái chế có bị ảnh hưởng. Công trình của giáo sư Chefetz là nghiên cứu đầu tiên hướng đến mục đích cụ thể này.

“Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên, chúng tôi đã chứng minh rằng những người khỏe mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tưới bằng nước thải tái chế có sự xuất hiện của carbamazepine và các chất chuyển hóa trong nước tiểu. Trong khi đó, người ăn rau quả tưới bằng nước sạch hầu như không phát hiện mức độ carbamazepine”, giáo sư Ora Paltiel, hiệu trưởng Trường Y tế động đồng thuộc Đại học Hebrew nói.

Nghiên cứu theo dõi 34 người cả nam và nữ, được chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu tiên được định hướng tiêu thụ rau quả tưới bằng nước thải tái chế trong 1 tuần, sau đó chuyển sang sản phẩm tưới bằng nước sạch. Nhóm thứ 2 thực hiện theo thứ tự ngược lại.

Các tình nguyện viên tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp gồm: cà chua, dưa chuột, ớt và rau diếp. Ngoài ra, họ ăn theo một chế độ bình thường và uống nước đóng chai được đồng bộ hóa suốt thời gian nghiên cứu.

Ý tưởng của nghiên cứu được trình bày trong báo cáo.Ý tưởng của nghiên cứu được trình bày trong báo cáo.

Các nhà khoa học thực hiện đo nồng độ carbamazepine trong sản phẩm tươi đầu vào và trong nước tiểu của tình nguyện viên sau khi tiêu thụ chúng. Thời điểm ban đầu trước khi ăn rau quả tưới bằng nước thải tái chế, carbamazepine không được phát hiện, hoặc nếu có đều ở nồng độ rất thấp. Sau 7 ngày, những người ở nhóm thứ nhất đã phát hiện mức định lượng rõ ràng của carbamazepine, nhóm thứ 2 không có sự thay đổi.

“Sản phẩm nông nghiệp sử dụng nước thải tái chế cũng trưng bày một mức độ carbamazepine cao hơn đáng kể so với sử dụng nước sạch”, giáo sư Paltiel nói. “Rõ ràng những người tiêu thụ sản phẩm trên đất được tưới bằng nước thải tái chế đang gia tăng sự phơi nhiễm với chất có trong thuốc động kinh này. Mặc dù mức độ phát hiện của nó thấp hơn nhiều so với bệnh nhân sử dụng thuốc thực sự”.

Thêm vào kết luận, giáo sư Chefetz cho biết: “Đây là bằng chứng cho ý tưởng người tiêu dùng đang phơi nhiễm với các hợp chất trong dược phẩm thông qua tiêu hóa sản phẩm nông nghiệp thương mại”. Dữ liệu cung cấp trong nghiên cứu có thể giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá mức độ rủi ro cho vấn đề này. Trong tương lai, nhiều nghiên cứu tương tự cũng sẽ phải được thực hiện.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Lưu ý khi trồng rau mầm tại nhà

Trồng rau mầm tại nhà, vừa cung cấp rau xanh cho bữa cơm gia đình, vừa là thú vui giúp chúng ta giải tỏa bớt những áp lực trong cuộc sống. Rau mầm được biết đến với những ưu điểm : dinh dưỡng cao, thời gian gieo trồng ngắn, và có thể trồng mọi lúc mọi nơi. Rau mầm rất dễ gieo trồng, tuy nhiên để có được một khay rau mầm chất lượng, chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau :

rau mầm tại nhà

1.Ánh sáng

Trồng rau mầm cần ánh sáng vừa đủ, rau mầm cần được gieo nơi thoáng mát, nhưng không đặt ngoài trời nắng, trời mưa. Tùy theo sở thích của từng người mà lựa chọn hạt giống rau mầm, rau mầm lá to hay lá nhỏ, mầm dài hay ngắn, mùi vị cay nồng hay không.

2. Tưới nước

Tưới phun sương hàng ngày vừa đủ ướt mặt khay. Tưới rau mầm bằng nước sạch. Tưới vào buổi sáng và chiều mát, không tưới vào chiều tối.

3.Đảm bảo yếu tố “sạch”

Giá thể trồng rau mầm phải sạch , không sử dụng đất trồng bình thường, thường sử dụng xơ dừa đã qua xử lý diệt mầm bệnh, Khay trồng rau mầm phải được vệ sinh sạch sẽ. Rau mầm có thời gian sinh trưởng ngắn nên đã hạn chế đến mức thấp khả năng rau mầm bị nhiễm sâu bệnh. Hạt giống kém chất lượng , rau mầm dễ bị nhiễm sâu bệnh, khi khay rau mầm bị nhiễm bệnh thì hủy bỏ ngay, rửa sạch khay đem phơi nắng, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Mô hình trồng rau sạch trên sân thượng

Mô hình trồng rau sạch trên sân thượng – Trồng rau sạch tại nhà luôn là một lựa chọn khá thú vị với những người yêu thích thiên nhiên, yêu không gian xanh và làm đẹp nhà cửa. Nếu như việc làm một khu vườn tại nhà ở các vùng quê khá đơn giản vì đất rộng, không gian phù hợp để trồng rau tại nhà khá nhiều.

Mô hình trồng rau trên sân thượng

Nhưng những người đang sống ở các thành phố, đô thị thì ngược lại. Diện tích trống ít, không gian nhỏ hẹp cùng với các điều kiện môi trường, tự nhiên không tốt là những khó khăn trở ngại cho việc trồng rau sạch. Giải pháp tốt nhất ở đây là sử dụng mô hình trồng rau sạch tại nhà và trên sân thượng.

Mô hình trồng rau sạch trên sân thượng là một trong những giải pháp trồng rau sạch tại nhà phổ biến hiện nay tại những nhà phố khi mà diện tích trồng trọt có hạn. Một phần là do sở thích, một phần là do lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm khi mà trên thị trường xuất hiện nhiều loại rau không an toàn do lạm dụng sử dụng quá nhiều chất kích thích, chất bảo quản thực vật, thuốc trừ sâu…đang dần đầu độc chúng ta

Vì sao sân thượng là nơi lí tưởng để trồng rau thủy canh?

Mô hình trồng rau sạch trên sân thượng – làm một lợi mười. Khi bạn làm vườn trên sân thượng bạn sẽ có một không gian xanh, một khu vườn nhỏ xinh. Giúp ngôi nhà chống nóng, có thực phẩm sạch, là sân chơi, nơi lao động, giúp mọi người quây quần lại bên nhau.

Sân thượng luôn có diện tích trống từ 30 — 95% diện tích mặt bằng ngôi nhà.Vậy nghĩa là sân thượng có diện tích nhỏ nhất bằng 1 căn phòng và lớn nhất là mặt bằng của 1 tầng. Nếu để lựa chọn một vị trí thích hợp để trồng rau sạch tại nhà, thì sân thượng sẽ là lựa chọn số 1.

Là nơi có đầy đủ ánh sáng, thậm chí có nhiều ánh sáng nhất trong ngôi nhà của bạn. Khi trồng rau, đất, nước, ánh sáng luôn là điều quan trọng. Nên việc trồng rau trên sân thượng là một lựa chọn hợp lý.

Gần nguồn nước, khi bạn trồng rau trên sân thượng, thì mặc định, khu vườn của bạn sẽ rất gần với nguồn nước, điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền và công sức để thi công hệ thống tưới. Nếu bạn lo lắng về việc áp lực nước hay vấn đề nước không lên được thì bạn có thể sử dụng các bộ tăng áp và tưới tự động.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Dùng kính phủ nano kích thích tăng trưởng rau xanh

Kính nano sẽ chuyển màu ánh sáng sang xanh và đỏ, giúp cây trồng dễ quang hợp và mau lớn.

Trường Bách khoa Nanyang Polytechnic (NYP) và tập đoàn sản xuất kính an toàn Singapore Safety Glass (SSG) hợp tác phát triển loại kính ứng dụng công nghệ nano nhằm mục đích nâng cao năng suất nông nghiệp.

Qua thử nghiệm, loại kính trong suốt không màu dùng làm nhà kính trồng xà lách, rau mùi và xà lách rocket đã giúp các loại rau này tăng chiều cao nhanh gấp 3 lần so với thông thường, diện tích lá cũng lớn hơn 40% mức trung bình.

Đội ngũ nghiên cứu của NYP đã tạo nên một hỗn hợp chứa các hạt nano có khả năng thay đổi màu sắc ánh sáng mặt trời thành màu xanh và đỏ, giúp cây dễ quang hợp hơn. Các hạt nano được nhúng vào một lớp polymer tích hợp trong tấm kính an toàn.

Ông Gan Geok Chua – Giám đốc Điều hành Tập đoàn SSG cho biết sự phát triển nhanh chóng của dân số và biến đổi khí hậu trên thế giới sẽ khiến nguồn lương thực sẽ không đủ cung cấp trong vòng 10-20 năm tới. Do đó việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp rất cần thiết để góp phần giải quyết vấn đề này.


Công nghệ mới này giúp tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời mà không cần dùng đến nguồn điện.

Công nghệ kính mới mang tên Nano Glo-n-Grow giúp tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời mà không cần dùng đến nguồn điện. Nhờ vậy giá thành sản xuất rẻ hơn nhiều so với những phương pháp tăng cường sinh trưởng cây trồng đang thực hiện như dùng hệ thống đèn LED chiếu sáng màu đỏ và xanh dương.

“Dự kiến chúng tôi sẽ thương mại hóa phát minh này trong vòng 1-3 năm nữa sau khi nghiên cứu hoàn thiện vật liệu hiệu quả hơn”, ông Gan Geok Chua chia sẻ.

Bà Hannah Gardner – giảng viên cao cấp tại NYP, người đứng đầu dự án, từ chối tiết lộ các thành phần chi tiết của loại kính này. Tuy nhiên bà nói rằng việc sản xuất không quá phức tạp, nguyên liệu dễ kiếm và giá rẻ, có thể mua được ngay ở các cửa hàng tạp hóa bình thường.

Các nhà nghiên cứu phát triển hạt nano bằng phản ứng hóa học và nhiệt độ. Đường kính mỗi hạt trong khoảng từ 3-20 nanomet, tùy thuộc vào mục đích chuyển màu sắc ánh sáng. Đây là kích thước nhỏ hơn bề rộng của một sợi tóc người khoảng 10.000 lần. Các hạt nhỏ này sẽ chuyển đổi bước sóng ánh sáng ngắn hơn hoặc tạo màu xanh hơn.

Dự án này thu hút nhiều sinh viên năm cuối tại NYP tham gia như một đề tài nghiên cứu về khoa học vật liệu mới. Các thành viên gặp nhiều khó khăn trong việc kết hợp giữa chất hóa học và nhiệt độ để cho ra vật liệu lý tưởng. Tuy nhiên sau 12 tuần thử nghiệm, họ đã thành công trong việc dùng kính nano để chuyển đổi màu sắc ánh sáng.

“Cách làm này giúp sinh viên thêm tính sáng tạo, giúp họ có thêm nhiều kiến thức hữu ích có thể ứng dụng trong nền kinh tế tri thức và nông nghiệp sạch sau này”, Tiến sĩ Choo Keng Wah – Phó giám đốc NYP nhấn mạnh.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam