Tin vắn ngành thủy sản địa phương trong tuần 10 năm 2018

Đồng Nai: Quy hoạch nuôi thủy sản tập trung tại Nhơn Trạch

Những tin chính bao gồm: Bạc Liêu: Tăng cường kiểm tra chất lượng tôm giống, Bạc Liêu: Chọn 30 cơ sở cung cấp giống post nuôi phục vụ tôm xuất khẩu, Đồng Nai: Quy hoạch nuôi thủy sản tập trung tại Nhơn Trạch.

Bạc Liêu: Tăng cường kiểm tra chất lượng tôm giống

Hiện nay, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang tích cực triển khai những khâu cuối để chuẩn bị thả tôm vụ mới. Nhằm đảm bảo vụ mùa thành công, ngành chức năng cũng tích cực vào cuộc với những đợt thanh, kiểm tra quy mô lớn.

Theo đó, ngay từ trước Tết, Sở NN&PTNT Bạc Liêu kết hợp với các lực lượng khác tổ chức kiểm tra, kiểm dịch 90 xe nhập tỉnh với gần 819 triệu tôm post; kiểm dịch 944 triệu con giống sản xuất trong tỉnh, không phát hiện tình trạng nhiễm bệnh. Qua đó, cấp 1.714 giấy kiểm dịch cho các lô tôm giống.

Cùng đó, ngành chức năng tỉnh cũng tiến hành kiểm tra 865 con tôm giống bố mẹ nhập khẩu, tất cả đạt yêu cầu; giám sát thời gian sinh của hơn 3.600 tôm bố mẹ tại các cơ sở sản xuất giống; hủy 1.300 con tôm bố mẹ không đạt yêu cầu.

Mặt khác, thực hiện thu 28 mẫu tôm sú, 28 mẫu tôm thẻ chân trắng thương phẩm, 2 mẫu nước ương tôm giống để gửi kiểm tra, phân tích để kiểm soát dư lượng; xét nghiệm mẫu tôm giống, tôm thịt, mẫu nước… Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư, thuốc thú y thủy sản để tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lọt ra ngoài thị trường…

Bạc Liêu: Chọn 30 cơ sở cung cấp giống post nuôi phục vụ tôm xuất khẩu

Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh vừa tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch giám sát dịch bệnh trên tôm phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chi cục đang phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát chọn 30 cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng, đảm bảo các tiêu chí để tham gia chương trình cung cấp giống tôm pots nuôi phục vụ xuất khẩu.

Đồng Nai: Quy hoạch nuôi thủy sản tập trung tại Nhơn Trạch
Chương trình này nằm trong dự án “Quy hoạch chi tiết khu nuôi thủy sản tập trung huyện Nhơn Trạch giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030” mà tỉnh Đồng Nai vừa ký quyết định ban hành.

Mục đích của Quy hoạch này nhằm phát triển nghề nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh. Dự án chú trọng phát triển theo chiều sâu gắn với quản lý chặt chẽ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hai đối tượng chính nằm trong chương trình này là tôm thẻ chân trắng và hàu nước lợ. Cụ thể, diện tích nuôi tôm thể chân trắng đến năm 2020 là khoảng 360 ha, đến năm 2030 là 682 ha (trong đó, 602 ha nuôi tôm công nghệ cao). Sản lượng giai đoạn 1 trên 16.000 tấn và giai đoạn 2 là 30.600 tấn; Với hàu nước lợ, giữ ổn định 21 ha (khoảng 343 bè nuôi), sản lượng trên 2.000 tấn.

Dự án được chia làm 7 tiểu vùng, mỗi tiểu vùng tối thiểu 50 ha; dự kiến tổng vốn đầu tư trên 4.400 tỷ đồng; trong đó, vốn thu hút đầu tư chiếm 99,6%.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sản xuất tôm giống: Lượng và chất chưa song hành

Hiện nay, nếu xét về năng lực, các công ty sản xuất tôm giống trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng đủ để cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt đó là vẫn còn một lượng lớn tôm giống không bảo bảo chất lượng cung cấp cho người nuôi.

Năm 2017, cả nước có hơn 2.422 cơ sở sản xuất tôm giống

Đủ lượng, thiếu chất

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2017, cả nước có hơn 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; trong đó 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và khoảng 561 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, với sản lượng ước hơn 100 tỷ con. Những con số này cho thấy, công suất của các cơ sở sản xuất giống cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi.

Ông Phan Tuấn Cự, Giám đốc DNTN Tuấn Cự (Bình Thuận) cho biết, theo tính toán, muốn sản xuất được 100 tỷ con tôm thương phẩm thì nhu cầu giống phải có 400 – 500 tỷ con chất lượng. Các công ty sản xuất tôm giống trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được đủ con giống cung ứng cho thị trường. Thậm chí, nếu nhu cầu thị trường cần thì các doanh nghiệp sản xuất tôm giống trong nước có thể sản xuất được nhiều hơn con số trên. Song chất lượng vẫn là bài toán khó khi vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không đạt tiêu chuẩn đang sản xuất và cung ứng giống ra thị trường.

Trong buổi Tọa đàm trực tuyến “Những vấn đề đặt ra trong sản xuất và cung ứng tôm giống” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty N.G Vietnam cho biết: “Số lượng cơ sở sản xuất tôm giống của ta hiện nay đủ về mặt số lượng nhưng ít về mặt chất lượng, như vậy nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến công cuộc phát triển ngành tôm”.

“Tất cả cơ sở sản xuất tôm giống hiện nay đều có hai đặc điểm hạn chế chung. Thứ nhất, nguồn tôm bố mẹ hầu hết được lấy từ hai nguồn. Một là khai thác, đánh bắt ngoài biển, đối với Việt Nam chúng ta là đánh bắt tại Vịnh Thái Lan. Hai là, nguồn tôm bố mẹ, như tôm thẻ chân trắng, được nhập khẩu tới hơn 90%. Có một số đơn vị trong nước đã tiến hành cung cấp tôm bố mẹ đã được gia hóa. Tuy nhiên, nguồn tôm có uy tín cũng đều là tôm nhập từ nước ngoài về. Thứ hai là vấn đề tổ chức sản xuất. Tất cả cơ sở sản xuất tôm giống hiện nay đều có hạ tầng kỹ thuật yếu kém, chưa đồng bộ. Hạ tầng phần mềm, tức là khả năng tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất con giống cũng hạn chế, dẫn đến việc chưa chủ động sản xuất ra được tôm giống chất lượng cao”, ông Xuân chia sẻ thêm.

Rất cần giống tốt

Ông Vũ Hải Đường, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Thủy sản Bình Minh (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) – một doanh nghiệp đang nuôi tôm công nghệ cao mùa đông cho biết: “Hiện, Công ty đang có 10 ao nuôi (8 ao rộng 1.800 m2, 1 ao 900 m2 và 1 ao 700 m2). Ngoài ra, còn có 2 ao ương với diện tích 500 m2/ao. Đối với nuôi tôm, có rất nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng phải đối diện với nhiều rủi ro, trong đó quan trọng nhất là vấn đề con giống. Công ty đang sử dụng tôm giống của Công ty C.P Bình Định. Nhìn chung, chất lượng tôm giống khá tốt, phát triển nhanh, tránh được các bệnh dịch; từ đó giúp Công ty nuôi tôm thành công với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay”.

“Công ty rất thận trọng trong việc lựa chọn con giống bởi đây là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành bại của một vụ nuôi. Chúng tôi sẵn sàng đặt hàng doanh nghiệp sản xuất tôm giống riêng cho Công ty dù phải mua với giá cao hơn, miễn sao chất lượng được đảm bảo”, ông Đường chia sẻ thêm.

Trên thị trường hiện nay, chất lượng tôm giống không đồng đều, thật giả lẫn lộn, giá mỗi nơi một kiểu. Với sản xuất công nghiệp quy mô lớn, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất có đủ điều kiện, khả năng liên kết chặt chẽ với nơi sản xuất giống để mua được con giống tốt; Nhưng với những người dân nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít thì khó tiếp cận với cơ sở sản xuất giống tốt. Vậy làm thế nào để người dân không mua phải giống trôi nổi, giống chưa qua kiểm tra?

Nhiều chuyên gia cho rằng, người nuôi tôm nên mua giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín trên thị trường; cần phải liên kết với nhau để mua với số lượng lớn mà không cần qua trung gian. Việc liên kết này vừa giúp giảm chi phí đầu vào, vừa đảm bảo sẽ tiếp cận được với tôm giống chất lượng. Song song đó, các cơ quan quản lý nhà nước nên tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất thường xuyên và đột xuất, từ đó có phân loại theo dạng cơ sở sản xuất giống đạt chứng chỉ A hay B hay C. Chứng nhận đó là cơ sở quan trọng để người dân phân biệt được chất lượng của cơ sở sản xuất giống và giá thành có tương ứng với chất lượng giống mình đang sử dụng hay không.

Từ đầu năm đầu năm 2016 đến nay, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Tổng cục An ninh (A86) – Bộ Công an và Công an kinh tế các địa phương (PA81) thành lập đoàn thanh tra đột xuất và tiến hành xử phạt nghiêm đối với nhiều cơ sở sản xuất tôm giống vi phạm ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận… Với những hành động quyết liệt này, hy vọng chất lượng tôm giống sẽ ngày càng được nâng cao, giúp người nuôi tôm hân hoan với những vụ nuôi thắng lợi, hoàn thành tốt các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra với ngành tôm Việt Nam.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Khoa học đánh thức nuôi trồng thủy sản miền Trung

Ngoài nghiên cứu thành công về cá giống bố mẹ, gần đây Viện III đã tiến hành nghiên cứu sản xuất giống các đối tượng nhuyễn thể như trai ngọc nữ, trai tai tượng…

Tôm giống 

Những năm gần đây, với nhiều công trình nghiên cứu khoa học công nghệ nổi bật có ứng dụng cao trong thực tiễn, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã giới thiệu những giống mới, quy trình kỹ thuật nuôi mới giúp các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ngày một đa dạng hơn về đối tượng nuôi.

Tiến bộ trong sản xuất thức ăn

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS III (Viện III) cho biết, khu vực các tỉnh miền Trung (từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Thuận) hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên 60.000ha với điều kiện thiên nhiên ưu đãi (độ mặn cao và ổn định quanh năm). Các loại hình thủy vực, đối tượng nuôi, hình thức nuôi khu vực này đang ngày một đa dạng hơn, tuy vậy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn nơi đây.

Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường về sản phẩm hải sản ngày càng tăng cao, nghề nuôi hải sản ở nước ta đang có xu hướng phát triển nhanh chóng. Trong đó hình thức nuôi công nghiệp đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm định hướng đầu tư, mở rộng diện tích nuôi hải sản công nghiệp ở các địa phương. Do vậy, nhu cầu thức ăn công nghiệp cho nuôi hải sản với số lượng lớn là xu thế tất yếu trong thời gian trước mắt và tương lai.

Mới đây, Viện đã nghiên cứu thành công đề tài “Công nghệ sản xuất thức ăn ương nuôi cá chình” góp phần đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp trong các doanh nghiệp nuôi lớn và một phần sẽ cung cấp thức ăn cho các trang trại có quy mô nhỏ ở các địa phương.

Hiện nay việc nuôi cá chình chủ yếu dựa vào thức ăn tươi, cá tạp tự chế biến (ước tính 100.000 tấn/năm) mang lại tác động xấu đến môi trường cũng như hiệu quả kinh tế. Một số trang trại tiến hành nhập khẩu thức ăn công nghiệp từ nước ngoài, tuy nhiên giá thành cao, thủ tục phức tạp và không chủ động nguồn thức ăn.

Theo ông Ninh, việc nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn nuôi cá chình từ enzyme và một số nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam là một tiến bộ mới, là bước đột phá trong việc ứng dụng, phát triển ngành sản xuất thức ăn nuôi thủy sản nói chung và lĩnh vực chế biến thức ăn cá chình nói riêng. Do từ trước đến nay chưa có nghiên cứu ứng dụng, công ty hoặc cơ sở nào sản xuất thức ăn cho cá chình từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước có bổ sung enzyme.

Ứng dụng enzyme để sản xuất thức ăn tổng hợp góp phần đảm bảo nghề nuôi phát triển bền vững. Sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước để sản xuất thức ăn, giảm sự phụ thuộc vào thức ăn nhập khẩu, tạo ra sản phẩm hàng hoá có tính cạnh tranh cao (giá thành thấp hơn 20 – 25% so với thức ăn nhập ngoại), làm tăng hiệu quả kinh tế, tăng lợi nhuận cho người nuôi, tiến tới thay thế thức ăn cá tạp nuôi cá chình, góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá chình ở nước ta phát triển theo hướng công nghiệp, bền vững.

Ngoài ra, Viện đã xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất thức ăn nuôi cá chình, tạo ra được công thức thức ăn có hiệu quả kinh tế cao, hoàn thiện mô hình thiết bị dây chuyền sản xuất thức ăn công suất 500 kg/giờ, thay thế việc nhập máy móc từ nước ngoài.

Bên cạnh hiệu quả về nghiên cứu tạo ra thức ăn tổng hợp cho cá chình, mới đây Viện III đã xây dựng thành công quy trình nuôi thương phẩm tôm hùm bông bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống bể sử dụng nước tuần hoàn.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho hay, sau 2 năm thực hiện, Viện đã thiết kế và vận hành hiệu quả hệ thống nuôi gồm bể nuôi và bể lọc sinh học, và chọn lựa được các thiết bị phụ trợ như máy bơm, máy xử lý nước, máy ổn định nhiệt độ môi trường nuôi, máy cung cấp ô xy nguyên chất, thiết bị lọc…

Bể lọc sinh học sử dụng vật liệu sẵn có trong nước có hiệu suất lọc khá tốt, duy trì ổn định các yếu tố môi trường nuôi phù hợp cho tôm hùm bông phát triển, với tỉ lệ sống của tôm hùm bông nuôi trong bể đạt 70%.

Đến nay, nhóm tác giả bước đầu đã chủ động sản xuất được thức ăn công nghiệp dạng viên sử dụng 100% nguyên liệu sẵn có trong nước, thay thế hoàn thức ăn tươi. Chi phí thức ăn để sản xuất 1kg tôm hùm bông ước tính 300.000 – 400.000 đồng/kg tùy vào cỡ tôm.

Ông Ninh cho biết thêm, nuôi tôm hùm trong bể tuần hoàn nước bằng thức ăn công nghiệp là mô hình nuôi tiên tiến, chủ động kiểm soát chất lượng đầu vào (nước, thức ăn) do đó giúp giảm thiểu dịch bệnh và tạo sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình nuôi trong bể giúp hạn chế được rủi ro như bão, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, ít lệ thuộc vào thiên nhiên là hướng đi phù hợp để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm của Việt Nam.

Phát triển công nghệ di truyền và sản xuất giống

Bên cạnh việc nghiên cứu cải tiến các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất thức ăn, thì việc ứng dụng công nghệ trong di truyền chọn giống là rất cần thiết nhằm nâng cao tỷ lệ sống và độ tăng trưởng cho các loại thủy sản nuôi.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho biết, ở Việt Nam, từ thập niên 90 các nghiên cứu về sinh sản nhân tạo cá chẽm đã bắt đầu nghiên cứu, đến nay công nghệ sản xuất giống cá chẽm đã đạt những kết quả nhất định. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đang lưu giữ đàn cá bố mẹ là sản phẩm của đề tài di truyền chọn giống cá chẽm.

Đàn cá này có tốc độ tăng trưởng nhanh so với đàn cá bố mẹ trước đây từ 10 – 15%, đã và đang được sử dụng cho việc sản xuất giống với công suất trại giống 2 – 3 triệu cá giống 3 – 5 cm/năm.

Sản xuất thành công giống cá vua song

Bên cạnh sản xuất thành công giống cá chẽm, mới đây, Viện III đã hợp tác nghiên cứu với Philippines và Úc phát triển công nghệ sinh sản nhân tạo cá song vua (cá mú nghệ), với mục tiêu xây dựng quy trình sản xuất giống ổn định và đạt hiệu quả cao để góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá song vua tại Việt Nam.

Ông Ninh cho rằng, một trong những khó khăn trong việc phát triển nghề nuôi cá mú nghệ chủ yếu do số lượng con giống sản xuất ra trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi nên vẫn còn phụ thuộc vào nguồn giống nhập ngoại. Hiện nay, trong khu vực chỉ có Đài Loan có thể sản xuất giống đối tượng này với số lượng lớn và xuất giống đi các nước.

Đề tài phát triển công nghệ sinh sản nhân tạo cá song vua đã nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ. Cá bố mẹ đưa vào thuần dưỡng và nuôi vỗ có trọng lượng từ 20 – 35kg, tuổi cá từ 3 – 4 năm, được tuyển chọn từ đánh bắt ngoài tự nhiên. Thức ăn cho cá bố mẹ là các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao như cá tươi, mực, cua, ghẹ…

Ngoài nghiên cứu thành công về cá giống bố mẹ, gần đây Viện III đã tiến hành nghiên cứu sản xuất giống các đối tượng nhuyễn thể như trai ngọc nữ, trai tai tượng…

Chuyên gia thực hiện kỹ thuật cấy ngọc vào trai ngọc nữ

Từ tháng 7/2017, trong khuôn khổ hợp tác với Úc, dự án phát triển nuôi trai cấy ngọc bán cầu tại bắt đầu thực hiện tại Viện III đã được các chuyên gia từ Úc và cán bộ Viện III tiến hành cho trai sinh sản. Kết quả thu được 5 triệu ấu trùng chữ D, và thu được 400 ngàn con giống điệp quạt với kích cỡ 1 – 3mm, hiện con giống đang được ương nuôi tại Viện III.

Ngoài ra, dự án cũng thử nghiệm cấy ngọc và thu được 71 viên ngọc bán cầu. Dự kiến trong năm 2018, dự án sẽ thực hiện việc ương giống, cấy ngọc quy mô lớn và chuyển giao công nghệ đến người dân và doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho biết, với những chức năng và nhiệm vụ chính như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, hợp tác quốc tế, tư vấn dịch vụ về bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản… trong giai đoạn 2013 – 2016, Viện Nghiên cứu NTTS III đã chủ trì thực hiện 53 nhiệm vụ KHCN các cấp (11 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 18 cấp Bộ, 18 cấp Tỉnh và 6 nhiệm vụ nhánh) và 9 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Trong đó, tập trung vào các vấn đề chính như chọn giống, sản xuất giống, thức ăn trong nuôi trồng thủy sản…

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Chất lượng tôm giống Nam Trung bộ đứng đầu!

Tôm giống SX tại Nam Trung bộ được người nuôi trồng thủy sản đánh giá đứng đầu cả nước. Để không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín và thương hiệu tôm giống “ra lò”, các DNSX tôm giống đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, phát triển theo hướng công nghệ cao, hiệu quả và bền vững.

“Thủ phủ” tôm giống lâu đời

Các tỉnh Nam Trung bộ được xem là thủ phủ tôm giống lớn nhất cả nước. Hàng năm, các cơ sở SX tại khu vực này cung cấp khoảng 50% lượng tôm giống nước lợ cho người nuôi tôm khắp các tỉnh, thành, số còn lại SX tại các tỉnh ĐBSCL (Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang,…) cùng một số tỉnh phía Bắc.

Tôm giống sản xuất tại Nam Trung bộ được người nuôi tôm ưa chuộng

Nghề SX tôm giống ở Bình Thuận bắt đầu hình thành từ những năm 1990 với vài cơ sở nhỏ lẻ ở khu vực Bực Lỡ, xã Vĩnh Tân (Tuy Phong). Sau đó bung ra rất mạnh giai đoạn 1996-1998, và đến nay toàn tỉnh đã có 133 cơ sở SX giống thủy sản, với hơn 600 trại giống, tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Tân. Hiện Bình Thuận đóng góp sản lượng tôm giống chiếm 20% thị phần cả nước nhưng chiếm 70-80% về con giống chất lượng.

Ông Lưu Quyết Tiến, Phòng Quản lý nuôi trồng, Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết, sở dĩ tôm giống ở đây có chất lượng hàng đầu bởi ngoài điều kiện thiên nhiên ưu đãi như nguồn nước sạch, độ mặn nước biển ổn định, thì các DN còn có truyền thống, kinh nghiệm làm tôm giống nhiều năm, tâm huyết với nghề, chịu đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng KHKT…

Trong đó, có nhiều cơ sở quy mô khá lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại với đội ngũ cán bộ kỹ thuật lành nghề, coi trọng chất lượng, uy tín, thương hiệu tôm giống, như Cty CP Thủy sản Việt Úc Bình Thuận (thuộc Tập đoàn Việt Úc), Cty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, Cty Thông Thuận, Cty Đại Thịnh, DNTN Trần Hậu Điển, DNTN Tuấn Cự… Mỗi năm tỉnh SX trên 20 tỷ con tôm giống chất lượng cao, kháng bệnh tốt, nuôi mau lớn.

Còn tại Ninh Thuận, ông Nguyễn Xuân Thọ, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, toàn tỉnh có gần 500 cơ sở nhân ương, kinh doanh tôm giống, với hơn 1.200 trại tôm. Trong đó 2 vùng SX giống tập trung lớn nhất đã được quy hoạch ở xã An Hải (Ninh Phước) và xã Nhơn Hải (Ninh Hải); ngoài ra còn có khu vực SX giống nhỏ lẻ ở Cà Ná, Ninh Chữ, Tri Hải…

Hàng năm Ninh Thuận xuất ra thị trường khoảng 25- 30 tỷ con tôm giống, đáp ứng cho nhu cầu nuôi nội địa 30-40%, còn lại bán đi các tỉnh ngoài. Về chất lượng, tôm giống ở đây cũng đứng tốp đầu, được người nuôi ưa chuộng.

Không ngừng nâng tầm chất lượng

Để nâng cao chất lượng, các DN tôm giống ở cả 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đã không ngừng nâng cấp, mở rộng quy mô SX. Các cơ sở đều chú trọng đầu tư, tìm kiếm những công nghệ SX con giống sạch bệnh, kháng bệnh, nuôi đạt tỷ lệ sống cao nhất, không sử dụng kháng sinh mà chỉ dùng men vi sinh.

Ông Phan Tuấn Cự, GĐ DNTN Tuấn Cự, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận chia sẻ: Trong lúc này, nếu các DN tôm giống không tự nâng cao trình độ, tạo ra con giống tốt thì người nuôi sẽ quay lưng lại, tôm giống nhập khẩu về nhiều sẽ “bóp chết” các cơ sở trong nước. Xác định được như vậy, các DN tôm giống ở Bình Thuận đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật.

Thứ nhất, thường xuyên tu sửa, nâng cấp các bể ươm nuôi. Thứ 2, áp dung quy trình xử lý nước và lọc nước để có nguồn nước biển sạch nhất; áp dụng quy trình nuôi tảo tươi, men vi sinh, đặc biệt không dùng kháng sinh. Thứ 3, chọn lựa tôm giống bố mẹ tốt, chất lượng cao, không nuôi tôm bố mẹ quá thời gian quy định. Thứ 4, nguồn thức ăn mua của các Cty, tập đoàn uy tín, đảm bảo tôm ăn đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.

Còn ông Nguyễn Xuân Thọ, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Ninh Thuận cho biết để không ngừng nâng cao chất lượng tôm giống, các cơ sở SXKD ngoài việc đáp ứng các điều kiện cần thiết cho SX thì chất lượng tôm bố mẹ nhập từ nước ngoài cũng hết sức quan trọng.

Do đó các cơ sở tôm giống trong tỉnh đều nhập tôm bố mẹ từ Mỹ, Singapore, Indonesia, Thái Lan là những nước có quy trình giám sát, gia hóa, lai tạo, chọn lọc gen di truyền, ứng dụng công nghệ chọn giống tôm bài bản để cho ra đời những đàn giống chất lượng.

Dẫn chúng tôi tham quan sở sở tôm giống của mình, ông Phan Tuấn Cự cho biết, hiện DN đã quy hoạch khu nuôi tôm bố mẹ và tôm giống thành các khu SX riêng biệt. Để có nguồn nước nuôi ương tốt nhất, DN đã mua 2 máy lọc nước UF, đầu tư trang thiết bị, phòng xét nghiệm riêng, hiện đại cùng đội ngũ nhân viên, kỹ sư giàu kinh nghiệm.

DN chỉ chọn nhập tôm bố mẹ sạch bệnh, kháng khuẩn tốt; áp dụng công nghệ vi sinh (không có kháng sinh) trong SX để cho ra đời những mẻ con giống tốt nhất. Hàng năm DN cung cấp cho người nuôi trên 1 tỷ con giống, hang SX ra đến đâu bán hết đến đó, thậm chí cháy hàng.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận khẳng định: Chúng tôi quyết giữ vững chất lượng tôm giống hàng đầu cả nước. Ngoài tăng cường kiểm soát đầu ra, đảm bảo con giống đạt tiêu chuẩn cao nhất, chúng tôi khuyến khích các DN ứng dụng công nghệ cao để chất lượng tôm giống không ngừng nâng lên. Đồng thời tháo gỡ các bất cập, đơn giản thủ tục hành chính và tạo điều kiện tốt nhất cho các DN.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sản xuất giống thủy sản ở Ninh Hòa (Khánh Hòa): Khó gượng dậy sau bão

Trong cơn bão số 12, các vùng sản xuất giống thủy sản ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) với hàng trăm trại ương nuôi bị tàn phá hoàn toàn. Các chủ trại như đang ngồi trên đống lửa khi của cải bị mất hết, con giống chết và đối mặt với cảnh nợ nần.

Thôn Ninh Tịnh (xã Ninh Phước) là vùng sản xuất giống thủy sản chủ lực của thị xã Ninh Hòa. Toàn vùng có khoảng 140 trại sản xuất con giống ốc hương và ngao để cung cấp cho các cơ sở nuôi trong và ngoài tỉnh. Sau bão, bên cạnh hàng trăm hộ nhà bị tốc mái, thì cả một vùng sản xuất giống thủy sản đã bị xóa sổ hoàn toàn. Ông Ngô Đình Đức – chủ một trại sản xuất giống ốc hương cho biết: “Nhà tôi có 5 trại giống bị thiệt hại hoàn toàn. Riêng cơ sở vật chất thiệt hại 1 tỷ đồng, cùng với 15 triệu con ốc giống chưa kịp bán bị cuốn trôi, ước thiệt hại 750 triệu đồng”. Trại sản xuất giống của ông Ngô Văn Huân gần đó cũng bị bão đánh tan tành. Ông Huân là hộ bị thiệt hại nhiều nhất trong vùng với 7 trại sản xuất bị đổ sập, hơn 10 triệu con ốc giống bị chết, ước thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng.

Vùng sản xuất giống thủy sản thôn Ninh Tịnh tan hoang sau bão

Ở vùng ương nuôi cá bớp giống tại thôn Tân Thành và thôn Tân Đảo (xã Ninh Ích), hàng chục cơ sở sản xuất cũng rơi vào cảnh hoang tàn. Ông Nguyễn Văn Tình – chủ một cơ sở cho biết, khi bão vào, ao ương bị sạt lở, máy móc thiết bị bị bão cuốn bay. Mưa lớn khiến cho nước trong đìa ương bị ngọt hóa đột ngột nên toàn bộ cá giống hơn 20.000 con gần xuất bán bị chết, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ông Phạm Ngọc Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết: “Trên địa bàn có 30 hộ ương nuôi cá bớp giống. Các cơ sở này đều bị thiệt hại hoàn toàn sau bão. Một vấn đề đặt ra đối với công tác khôi phục sản xuất của các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn là ngoài lồng bè bị đánh tan, ao đìa bị sạt lở nghiêm trọng, các hộ khôi phục xong cũng không tìm đâu ra giống để tái sản xuất”.

Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã Ninh Hòa cho biết: “Cơn bão số 12 đã khiến cho ngành Thủy sản Ninh Hòa bị thiệt hại nặng. Về diện tích nuôi trồng có 856ha, chủ yếu nuôi tôm, cá, ốc hương bị thiệt hại; 166 bè nuôi thủy sản bị đánh tan; 240 chiếc tàu thuyền bị chìm. Riêng đối với sản xuất giống, trên địa bàn thị xã có 110 cơ sở sản xuất ốc hương giống, 35 trại sản xuất tôm giống, 30 cơ sở sản xuất cá bớp giống, 2 cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt, tất cả đều tan hoang sau bão. Giống ương nuôi, chuẩn bị xuất bán gặp mưa, bão đã chết sạch. Việc khôi phục sản xuất của các cơ sở nói riêng và khôi phục sản xuất thủy sản trên địa bàn thị xã nói chung phải mất một thời gian dài nữa mới hồi phục”.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chủ cơ sở sản xuất giống cho biết, tuy thiệt hại nặng nề nhưng họ vẫn phải gắng gượng, dọn dẹp những gì tan hoang sau bão để tổ chức lại sản xuất. Khó khăn hiện nay là nhân công, vật tư để xây dựng lại các trại khan hiếm, điện để chạy máy chưa có nên trước mắt chưa thể tổ chức sản xuất được. Các cơ sở sản xuất giống đang rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Nguồn: Vietlinh.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Công nghệ ozone cho nuôi tôm

Công nghệ ozone từ lâu đã được sử dụng trong nuôi tôm với những tác dụng hữu ích trong sản xuất giống, nuôi vỗ bố mẹ, thuần dưỡng tôm giống, nuôi tôm thương phẩm…

Sử dụng công nghệ ozone trong sản xuất tôm giống

Lợi ích

Ozone là chất khí có công thức hóa học là O3 có khả năng ôxy hóa cực mạnh, tốc độ diệt khuẩn cao gấp 3.100 lần so với Clo. Nhờ đó, mà nó có thể phá vỡ màng tế bào và phá hủy enzyme của vi sinh vật. Khả năng khử trùng của O3 cũng rất rộng, chúng có thể xử lý cả vi khuẩn, virus, nấm men, nấm mốc và các bào tử. Hơn nữa, O3 lại là chất không bền vững, phân hủy rất nhanh trong không khí và nước để tạo thành ôxy phân tử nên tôm cá ít bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, O3 còn có khả năng làm vô hiệu hóa các chất vô cơ và các kim loại nặng trong nước như sắt, mangan… Do đó, O3 được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản với những hiệu quả chính như:

• Tiêu diệt vi khuẩn, loại bỏ virus gây bệnh, khử màu các chất vô cơ và hữu cơ;

• Khử mùi hóa chất có trong nước, mùi chất hữu cơ lên men hôi thối, mùi tanh của động vật thủy sản

• Tăng nhanh môi trường ôxy hóa giúp môi trường nước không còn ô nhiễm

• Tăng tốc độ sinh trưởng, diệt mầm bệnh, giảm chất hữu cơ trong nước

• Tăng hiệu suất sử dụng thức ăn của tôm nuôi

• Sát khuẩn; tiêu độc; làm sạch; điều chỉnh độ pH

• Hạn chế thay nước, giúp tránh rủi ro do mầm bệnh từ ngoài đưa vào

• Giúp giảm lượng khí NH3, H2S dưới đáy ao và gia tăng lượng khí ôxy hòa tan

• Giúp giảm thiểu sử dụng hóa chất hay các chế phẩm khác

Việc sử dụng khí O3 trong nuôi trồng thủy sản đã được sử dụng phổ biến tại Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ… Tuy nhiên, công nghệ O3 chưa được áp dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam bởi công nghệ này có giá bán rất đắt (Một máy ozone có công suất 3 – 4g O3/giờ (xử lý 3 m3 nước/giờ) lắp ráp tại Mỹ để dùng cho một trại tôm giống có quy mô trung bình 10 – 15 bể, có giá bán khoảng 10.000 USD, loại công suất 5 g O3/giờ là 12.000 USD.

Các ứng dụng trên tôm

Sản xuất tôm giống

O3 hoàn toàn có thể thay thế Chlorine dùng để khử trùng trại giống và xử lý nước trong các bể ương nuôi. Theo Thạch Thanh và cộng sự (2003), ozone hoàn toàn có thể thay thế Chlorine trong xử lý nước  trước khi thả ương ấu trùng. Tuy nhiên, cần phải được lắng lọc kỹ càng trước khi xử lý. Nếu nước biển có độ đục cao thì có thể kết hợp O3 với Chlorine liều nhẹ (7 – 15 ppm) để làm trong nước nhanh và khử trùng hiệu quả. Sử dụng O3 xử lý nước có thể thay thế hóa chất, kháng sinh, hạn chế dịch bệnh, chất lượng nước được cải thiện rõ rệt, ấu trùng tôm cá phát triển nhanh, đồng đều, nâng cao chất lượng con giống.

Ozone còn ứng dụng xử lý nước bể đang ương ấu trùng bằng cách, kết hợp Ozone với bộ tách đạm trong hệ thống tuần hoàn và xử lý định kỳ 1 – 2 ngày/lần trực tiếp vào bể ương ấu trùng. Mục đích duy trì chất lượng nước nhờ khả năng ôxy hóa các chất thải của tôm và thức ăn dư thừa trong bể ương đồng thời hạn chế sự phát triển của mầm bệnh. Ngoài việc khử trùng nước, ozone cũng được dùng để khử trùng không gian trong trại giúp hạn chế lây lan vi khuẩn gây bệnh trong không khí trên bề mặt bể ương nuôi.

Phương pháp xử lý nước cho các trại sản xuất tôm, cá giống bằng công nghệ ozone đã được áp dụng nhiều nơi trên thế giới. Tại nước ta, Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản III đã áp dụng thành công công nghệ ozone xử lý nguồn nước đầu vào và công nghệ sinh học trong suốt quá trình sản xuất tôm giống cho kết quả khả quan, tôm post to và khỏe hơn so với phương pháp truyền thống. Thực tế thử nghiệm tại Đại học Cần Thơ cũng cho thấy các chỉ tiêu chất lượng nước trong sản xuất tôm giống được cải thiện rõ rệt. Ấu trùng tôm biến thái, chuyển giai đoạn đồng loạt hơn.

Nuôi vỗ tôm mẹ

Trong nuôi tôm, cá bố mẹ, O3 xử lý nước giúp hạn chế được dịch bệnh do virus, vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, ứng dụng ozone trong nuôi vỗ tôm mẹ đến nay vẫn chưa được phổ biến mà mới chỉ dừng ở các thử nghiệm. Tại trại sản xuất tôm giống thực nghiệm của Khoa Thủy sản – Đại học Cần Thơ bước đầu cho thấy trên sử dụng O3 để xử lý các bệnh trên tôm bố mẹ như ký sinh trùng, mòn đuôi, hoại tử, đen mang so với sử dụng hóa chất (formaline…) có kết quả tốt hơn. Tôm mẹ nuôi vỗ có xử lý ozone cũng có biểu hiện bên ngoài rất tốt so với tôm nuôi vỗ thông thường.

Nuôi tôm thương phẩm

Đối với nuôi tôm thương phẩm, O3 làm tăng lượng ôxy hòa tan, phân hủy độc tố trong nước (NH3, H2S) và hạn chế tối đa việc thay nước. Có thể đưa khí O3 vào đường hút khí của máy thổi khí nhằm tạo ra bọt khí O3 nhỏ để tăng diện tích tiếp xúc và thời gian lơ lửng trong nước giúp sát trùng được hiệu quả. Tuy nhiên, do giá thành máy cao, việc ứng dụng ozone chỉ có thể thực hiện trong hình thức nuôi tôm công nghiệp. Xử lý nước ao nuôi tôm thịt có thể tiến hành một cách có hiệu quả bằng cách đưa khí O3 vào đường hút khí của máy thổi Ventury dùng trong ao tôm (còn gọi là máy ôxy nhủi hay máy hỏa tiễn).

Nguyên tắc chung là phải tạo bọt khí ozone càng nhỏ càng tốt để tăng hiệu quả tiếp xúc và lơ lửng trong nước. Một máy ozone 4 g/giờ được thiết kế để sục cho 2.500 m3 nước ao nuôi tôm công nghiệp. Cho đến nay, vẫn chưa có cứ liệu khoa học đầy đủ cho việc ứng dụng ozone trong hệ thống nuôi tôm thâm canh.

Tại Thái Lan, một số thử nghiệm ban đầu cho thấy khi sục ozone vào ao nuôi tôm biển ở mức 0,1 – 2 ppm trong khoảng thời gian 18 giờ/ngày, sẽ làm giảm tổng số vi khuẩn, NO2- và NO3- trong nước ao và tăng trọng của tôm nuôi tỷ lệ thuận với liều lượng ozone sục vào ao.

Tại nước ta, Công ty Cổ phần Ứng dụng và Phát triển công nghệ mới ADNT đã triển khai mô hình thí nghiệm nuôi tôm càng xanh thương phẩm có ứng dụng công nghệ ozone tại Nam Định. Với diện tích ao nuôi 750 m2, mật độ thả 40 con/m2, sử dụng công nghệ O3 xử lý nước trước và trong quá trình nuôi. Kết quả thu được: Tỷ lệ tôm sống cao, sau 3,5 tháng tỷ lệ tôm sống đạt tới 70%; Sản lượng ước tính đạt 550 kg tương đương với năng suất 7.000 kg/ha; Chi phí cho con giống, thức ăn, điện vào khoảng 16 triệu đồng với năng suất nêu trên lợi nhuận đạt được 17 triệu đồng/750 m2. Đây là năng suất tôm cao chưa từng có từ trước đến nay tại địa bàn tỉnh Nam Định cũng như các địa phương khác trong cả nước.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam