Nuôi biển ở Sông Cầu, Phú Yên – Phần 2 : Giải pháp phát triển bền vững

Nhận ra được những nguyên nhân dẫn tới việc nuôi biển không hiệu quả, tỉnh đã đề ra những giải pháp để nuôi trồng thủy sản mặt nước biển bền vững như sau :

Triển khai lập Qui hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển, trên cơ sở đó triển khai công tác giao, cho thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản gắn với việc quản lý chặt chẽ mật độ lồng, bè nuôi và môi trường vùng nuôi.

 – Lập Quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển phù hợp với quy hoạch khu du lịch quốc gia để có cơ sở giao, cho thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản gắn với việc quản lý chặt chẽ các vùng nuôi.

– Trong khi chờ lập các quy hoạch nêu trên, kiến nghị với UBND Tỉnh cho chủ trương tiếp tục quản lý nuôi trồng thủy sản mặt nước biển theo 06 Phương án phân vùng đã được phê duyệt.

Quy hoạch lại vùng nuôi là điều cần thiết

Chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát sự gia tăng về lồng, bè NTTS mặt nước biển.

– Tập trung kiểm soát chặt chẽ nguồn giống tôm hùm từ bên ngoài nhập về thị xã Sông Cầu (nhất là nguồn giống nhập từ nước ngoài),

+  Rà soát, thống kê toàn bộ các hộ kinh doanh giống tôm hùm trên địa bàn để tăng cường công tác quản lý giống tôm hùm nhập về theo quy định pháp luật.

+ Phổ biến, tuyên truyền các hộ nuôi không nên mua, thả giống tôm hùm không rõ nguồn gốc và tuân thủ việc thả nuôi tôm hùm với mật độ thả nuôi trong lồng và mật độ lồng tối đa là 60 lồng trên 01 hecta mặt nước biển.

+ Thường xuyên kiểm tra các đầu mối nhập tôm hùm giống về địa phương theo quy định của pháp luật.

+ Kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT không cho phép nhập tôm hùm giống trái vụ.

– Kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới bè, lồng nuôi trồng thủy sản.

+ Kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới lồng, bè nuôi trồng thủy sản, không để phát sinh thêm lồng, bè và hộ nuôi mới.

+ Triển khai quản lý đối với lồng, bè nuôi trồng thủy sản phân cấp của UBND tỉnh Phú Yên;

– Vận động, hướng dẫn người nuôi tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản.

Củng cố, kiện toàn Ban Quản lý vùng NTTS mặt nước biển và các Tổ quản lý cộng đồng NTTS ở tất cả các vùng nuôi, đảm bảo hoạt động hiệu quả để quản lý chặt chẽ vùng nuôi theo qui chế đã đề ra.

–  Trong Quy chế quản lý vùng nuôi cần lưu ý đến chế độ thông tin, báo cáo kịp thời diễn biến tình hình thả nuôi các đối tượng thủy sản và dịch bệnh trên vật nuôi thủy sản.

Củng cố, kiện toàn các Tổ quản lý cộng đồng NTTS ở tất cả các vùng nuôi để thực hiện các nhiệm vụ: Quản lý và bảo vệ môi trường vùng nuôi; quản lý về mật độ nuôi, mật độ lồng nuôi; đảm bảo an ninh trật tự vùng nuôi; hỗ trợ giúp nhau phát triển sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp kịp thời các thông tin về NTTS, quan trắc môi trường… của các cơ quan quản lý nhà nước đến người nuôi thủy sản biết để thực hiện.

Vùng nuôi tránh xâm lấn vùng vịnh du lịch

Triển khai quyết liệt các giải pháp về Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản mặt nước biển

– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động gây ô nhiễm môi trường biển.

– Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, trung ương thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh và hướng dẫn các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu tác hại do ô nhiễm môi trường gây ra đối với NTTS mặt nước biển.

Triển khai quyết liệt công tác vận động, tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản mặt nước biển. Trong đó:

+ Trách nhiệm của người nuôi: gom chất thải NTTS hàng ngày và để trên bè của mình để tàu đến thu gom; nộp tiền hàng tháng để chi trả cho đội tàu thu gom chất thải;

+ Trách nhiệm của nhà nước: Qui hoạch các điểm tập kết chất thải trên bờ  và Bãi chứa chất thải. Huy động xe rác của thị xã tiến hành thu gom và chuyển chất thải về các bãi chứa rác thải.

Tuân thủ các quy định về nuôi thủy sản để phát triển bền vững

Vận động, hướng dẫn người nuôi tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản

– Vận động, sắp xếp nuôi theo đúng phương án phân vùng đã được phê duyệt, đảm bảo số lượng lồng nuôi và mật độ tôm nuôi theo qui định (với mật độ thả nuôi trong lồng tối đa 40 con/lồng tôm có kích cỡ ≥ 0,3 kg / 01 lồng nuôi và mật độ lồng tối đa là 60 lồng trên 01 hecta mặt nước biển).

– Kê khai, đăng ký hoạt động NTTS ban đầu tại UBND các xã, phường theo qui định..

– Vận động, hướng dẫn người nuôi phải tuân thủ các quy định về lịch thời vụ, quy trình nuôi bền vững, về phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản, về vệ sinh an toàn thực phẩm… do các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành.

– Người nuôi phải tham dự đầy đủ và thực hiện đúng nội dung đã hướng dẫn tại các buổi tập huấn kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh NTTS.

– Không tư ý cắm cọc tre, sử dụng lốp xe… để nuôi vẹm, hàu và các vật nuôi thủy sản khác làm cản trở quá trình lưu thông nước của vùng nuôi.

– Cung cấp đầy đủ và trung thực các thông tin về số lượng lồng nuôi, về môi trường, bệnh dịch cho cán bộ kỹ thuật và các cơ quan chức năng khi được yêu cầu. Khi có bệnh dịch xảy ra, phải kịp thời báo cáo và phối hợp chặt chẽ với UBND xã, phường hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y để xử lý kịp thời.

– Thu gom rác thải, chất thải để tại nơi được quy định. Tuyệt đối không được vứt chất thải (đặc biệt là xác vật nuôi thủy sản bị chết) ở trong vùng nuôi. Kịp thời ngăn chặn và phản ảnh với UBND các xă, phường khi phát hiện những cá nhân có hành vi sai phạm.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm hùm.

Xúc tiến thành lập Hiệp Hội tôm hùm thị xã Sông Cầu, nhằm liên kết giữa đại diện người nuôi với các doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ tôm hùm để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro và phát triển tôm hùm bền vững, an toàn môi trường và an toàn thực phẩm.

– Phối hợp với Cục sở hữu Trí truệ và sở KHCN Phú Yên xây dựng nhãn hiệu tôm hùm bông của thị xã Sông Cầu.

Nuôi biển ở Sông Cầu, Phú Yên- Phần 1 : tràn lan nhưng thiếu hiệu quả.

Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông được bao bọc bởi các đảo và bán đảo nên mặt biển ít động, rất phù hợp để phát triển nuôi lồng bè trên biển. Từ lâu nơi đây đã phát triển ngành nuôi trồng thủy sản biển, nhưng càng lúc càng nhiều làm ô nhiễm vùng nuôi và khó quản lý.

Những tồn tại, yếu kém trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mặt nước biển.

Trong thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm đã được UBND thị xã quan tâm chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, như: các vùng nuôi tôm hùm trọng điểm đều đã được quy hoạch phân vùng gắn với thành lập Ban quản lý vùng nuôi và các Tổ quản lý cộng đồng NTTS để sắp xếp, bố trí và quản lý số lượng lồng nuôi; định kỳ hàng tháng thông báo kết quả quan trắc môi trường và hướng dẫn nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn, triển khai hoàn thành công tác đăng ký, đánh số lồng, bè NTTS mặt nước biển; thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật NTTS cho người nuôi…

Tôm hùm chết do mưa bão

Tuy nhiên công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mặt nước biển trên địa bàn thị xã còn nhiều tồn tại, yếu kém; nhất là Công tác quản lý, sắp xếp lồng, bè nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, không có giải pháp hiệu quả để kiểm soát sự gia tăng số lượng lồng nuôi, dẫn đến tình trạng thả nuôi tràn lan, mật độ lồng bè một số vùng nuôi dày đặc, thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, số lượng lượng lồng nuôi đã vượt gấp nhiều lần so với quy định của Phương án phân vùng đã được phê duyệt, ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi ngày càng nghiêm trọng; đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình dịch bệnh trên tôm hùm nuôi xảy ra thường xuyên trong thời gian qua.

Hiện trạng nuôi trồng thủy sản mặt nước biển lồng, bè:

Trên địa bàn thị xã hiện có 2.142 hộ nuôi tôm hùm với 1.229 bè (có đăng ký).

Theo thống kê của các xã, phường trong 6 tháng đầu năm 2017 có 7.700 lồng ươm tôm hùm giống các loại, trong đó tôm hùm bông 3.200 lồng và các loại tôm hùm khác (như tôm xanh, tôm sỏi, tôm đỏ,…) 4.500 lồng.

Đối với tôm hùm thịt nuôi từ năm 2016 chuyển sang: trong 6 tháng đầu năm 2017 đã xuất bán 6.600 lồng tôm hùm thịt các loại với sản lượng đạt 190 tấn (bằng 66,7% so với cùng kỳ và bằng 31,7 % so với kế hoạch); số lượng lồng tôm hùm thịt niên vụ 2016 – 2017 còn lại 8.900 lồng tôm các loại (Sản lượng, năng suất tôm hùm giảm mạnh so cùng kỳ là do ảnh hưởng bởi đợt mưa, lũ cuối năm 2016 và  sự cố tôm hùm nuôi chết hàng loạt từ cuối tháng 5/2017).

Đối với tôm hùm thịt thả nuôi trong 6 tháng đầu năm 2017 (từ lồng ươm giống tôm hùm sang lồng nuôi tôm hùm thịt) là 12.000 lồng, trong đó tôm hùm bông 5.800 lồng và tôm hùm khác 6.200 lồng, bằng 2,26 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân nguồn tôm giống nhập từ nước ngoài về nhiều trong khi tôm giống không xuất bán được và được người nuôi chuyển sang nuôi thịt.

Về Nuôi thủy sản mặt nước biển khác: Nuôi cá bớp lồng, bè 250 lồng; nuôi hầu, vẹm xanh xen với ghép trong các vùng nuôi tôm hùm ước khoảng 50 ha; nuôi ốc hương có 5 ha.

Từ giữa năm 2016 đến nay, nghề nuôi tôm hùm lồng, bè ở Sông Cầu bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh và sự cố ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Cụ thể:

+ Đợt nắng nóng vào tháng 6/2016 ở vùng nuôi xã Xuân Phương thiệt hại 24.849 kg (tương đương 31.061 con tôm hùm bông), 14.394 kg (tương đương 47.980 con tôm hùm xanh);

+ Đợt mưa, lũ tháng 11 năm 2016: Có 598 hộ nuôi tôm hùm bị thiệt hại 751.423 con (trong đó 21.355 tôm bông/ tương đương 399 lồng và 730.068 tôm các loại/ tương đương 4.675 lồng) và 33 hộ nuôi cá bị thiệt hại 8.463 con.

+ Đợt dịch bệnh sữa trên tôm hùm nuôi ở các xã Xuân Cảnh, Xuân Thịnh, Xuân Phương từ tháng 1-3 năm 2017 đã làm thiệt hại 20% tổng đàn tôm hùm nuôi.

+ Đặc biệt sự cố tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt từ cuối tháng 5/2017 ở 02 xã, phường (Xuân Phương, Xuân Yên) có 1.100 người nuôi thủy sản bị thiệt hại với 2.325.242 con tôm hùm chết, 32.358 con cá (mú, bớp).

Tôm hùm chết do dịch bệnh

Nguyên nhân của việc nuôi nhiều nhưng kém hiệu quả

Để xảy ra tồn tại, yếu kém nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết, thì nguyên nhân chủ quan là do trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước và ý thức, trách nhiệm của người nuôi tôm hùm.

Trách nhiệm quản lý nhà nước:

– Chưa có Qui hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển và chưa ban hành qui định trình tự, thủ tục giao, cho thuê mặt nước biển để NTTS.

– Chưa có giải pháp hiệu quả để kiểm soát sự gia tăng số lượng lồng, bè nuôi, nhất là không kiểm soát được số lượng giống tôm hùm rất lớn từ nước ngoài, dẫn đến nguồn tôm giống thả nuôi không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, đây là nguyên nhân chính làm gia tăng nhanh số lượng lồng nuôi và gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi trong thời gian qua.

– Chưa triển khai quyết liệt công tác vận động, tuyên truyền cho người dân nhận thức việc tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản và vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản mặt nước biển.

– Chưa quản lý được việc mua, bán thức ăn tươi sống cho hoạt động NTTS, nhất là tình trạng các xe tải chở thức ăn mua, bán công khai ở các tuyến đường giao thông trên địa bàn thị xã.

– Các Tổ quản lý cộng đồng NTTS đã được thành lập, nhưng chưa thường xuyên chỉ đạo để củng cố, kiện toàn, dẫn đến hoạt động không hiệu quả, nên vùng nuôi chưa được quản lý chặt chẽ theo qui chế đã đề ra, nhất là chưa quản lý được số lượng lồng nuôi, mật độ và bảo vệ môi trường vùng nuôi, nhất là việc thu gom, xử lý chất thải từ hoạt động NTTS.

– Công tác phổ biến, truyền đạt thông tin về hoạt động nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là các thông tin về quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh, hướng dẫn NTTS, chưa được truyền đạt kịp thời, sâu rộng đến với người nuôi.

Bè nuôi kín mặt vịnh Xuân Đài

Trách nhiệm của người nuôi tôm hùm.

– Ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường vùng nuôi còn nhiều yếu kém là nguyên nhân cơ bản gây nên tình hình dịch bệnh trên các vật nuôi thủy sản trong những năm qua.

– Người nuôi chưa tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản; nhất là:

+ Công tác quản lý số lượng lồng nuôi, mật độ nuôi chưa được người nuôi quan tâm, làm gia tăng nhanh số lượng lồng nuôi thời gian qua.

+ Nhiều hộ dân tự phát cắm cọc tre, sử dụng lốp xe để nuôi vẹm, hàu làm cản trở quá trình lưu thông nước.

+ Hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản đều không kê khai, đăng ký hoạt động NTTS ban đầu tại UBND các xã, phường theo qui định; làm khó khăn trong công tác quản lý và xác định mức độ thiệt hại để hỗ trợ do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

– Công tác tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi và phòng, trị bệnh tôm hùm chưa được người nuôi quan tâm, tỉ lệ người tham dự các buổi tập huấn nuôi tôm hùm đều rất thấp so với số lượng triệu tập; sau khi tập huấn không thực hiện theo qui trình kỹ thuật đã được hướng dẫn.