Thanh long ‘nữ hoàng’ trên đất Thủ đô tạo ra ‘tiếng vang’ bất ngờ

Với giá bán bình quân hiện nay là 25.000 đồng/kg, 1ha thanh long trồng trên đất Thủ đô sẽ cho doanh thu khoảng 300 – 400 triệu đồng trong đó lãi được khoảng 1/2.

Gần đây tại các cuộc triển lãm hay hội chợ hàng nông sản của Hà Nội, mỗi khi xuất hiện loại thanh long ruột đỏ hay còn gọi là thanh long nữ hoàng thì đều nhanh chóng thu hút được sự chú ý của khách thăm quan không phải chỉ bởi độ ngon ngọt hiếm có của nó mà còn bởi được đảm bảo về độ an toàn chuẩn VietGAP.

Tại sao một loại cây tưởng chừng là đặc sản đã xuất hiện ở Việt Nam nhiều năm nay, được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam như Bình Thuận, Tiền Giang, Tây Ninh lại gây được tiếng vang lớn đến thế khi được di thực ra Bắc, trồng ngay ở giữa Thủ đô?

Năm 2010, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì lần đầu tiên trồng thử nghiệm thanh long ruột đỏ và thành công. Sau đó, nhằm đưa cây thanh long ruột đỏ trở thành một trong những cây có hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất đồi gò của Hà Nội, từng bước tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất đã triển khai mô hình trồng theo hướng sản xuất an toàn tại xã Yên Bình.

Diện tích quy mô ban đầu khá khiêm tốn chỉ 2ha với số hộ tham gia là 5 hộ nhưng do điều kiện khó khăn về kinh tế nên các hộ này cũng không thể thực hiện hết diện tích theo kế hoạch.

Chỉ sau năm thứ 3 cho thu hoạch, thấy quả thanh long ruột đỏ trồng trên đất đồi Yên Bình ăn ngon, bán được giá, bà con trong và ngoài vùng mới đến tham quan học tập trực tiếp. Chính họ là những người đánh giá chi tiết nhất hiệu quả kinh tế của thanh long ruột đỏ so với các cây ăn quả khác, chủ động học hỏi trau dồi kiến thức để tự đầu tư trồng và nhân rộng diện tích.

Cho đến thời điểm hiện tại có tới hàng trăm hộ trên địa bàn xã Yên Bình nói riêng và các xã trong huyện nói chung tham gia trồng thanh long với tổng diện tích đạt trên 30ha.

Điều đáng mừng là tốc độ tiêu thụ sản phẩm rất tốt bởi nông dân áp dụng đúng theo quy trình sản xuất sạch. Cụ thể, hàng năm toàn bộ các hộ trên địa bàn huyện được Trạm Khuyến nông thông báo tập huấn kỹ thuật khâu chăm sóc sau khi thu hoạch đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi theo dõi thấy xuất hiện một số loại sinh vật hại và bệnh chính trên thanh long như kiến đỏ, ốc sên, thối thân, đốm nâu, nám cành… đơn vị đã chỉ đạo các hộ dùng các biện pháp thủ công để bắt ốc sên và dùng các loại thuốc trong danh mục như Regent 800WP, Ridomil phun trừ và cách ly an toàn đầy đủ.

Do cây thanh long là cây lâu năm, năm thứ 2 mới cho quả bói, từ năm thứ 3 bắt đầu cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha, có những hộ thâm canh tốt còn đạt tới trên 20 tấn. Thanh long ruột đỏ khi trồng ở miền Bắc cho thu hoạch từ tháng 4 – 10 âm lịch, quả chín có thể giữ lại trên cây 15 – 20 ngày, khi thu hái vẫn bảo quản được 7 – 10 ngày nên rất tiện lợi cho vận chuyển và tiêu thụ.

Hơn thế nữa do đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng khác biệt nên thanh long ruột đỏ miền Bắc tuy nhỏ quả nhưng ăn đậm đà và ngọt hơn hẳn thanh long ruột đỏ miền Nam nên rất được thị trường ưa chuộng.

Ngoài bán tươi ngay tại vườn, sản phẩm chủ yếu được phân phối tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch cũng như các siêu thị lớn trên địa bàn Thủ đô và một số tỉnh, thành phố lân cận. Hiệu quả về kinh tế và môi trường cho địa phương sản xuất thì đã rõ ràng bởi làm thay đổi nhận thức của người dân vùng đồi gò, nâng cao thu nhập, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp. Còn hiệu quả nữa là tạo cho xã hội một sản phẩm sạch với gốc gác Thủ đô.

Với giá bán bình quân hiện nay là 25.000 đồng/kg, 1ha thanh long sẽ cho doanh thu khoảng 300 – 400 triệu đồng trong đó lãi được khoảng 1/2.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp, duyệt bởi Farmtech VietNam

Rau quả vào Top 4 mặt hàng nông lâm sản chủ lực

Là mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng mạnh nhất trong suốt mấy năm qua, năm 2017, rau quả tiếp tục tăng trưởng vượt bậc để không chỉ lần đầu vượt mốc 3 tỷ USD mà còn đứng vào nhóm 4 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị XK cao nhất.

Bưởi da xanh – một loại trái cây đang được XK tốt

So với nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực, rau quả là mặt hàng “đi sau” trong việc tham gia vào CLB XK tỷ đô (những mặt hàng có giá trị XK từ 1 tỷ USD/năm trở lên). 5 năm trước, khi kết thúc năm 2012, trong ngành nông nghiệp đã có 7 mặt hàng XK đạt giá trị từ hơn 1 tỷ USD trở lên, gồm thủy sản, gỗ, gạo, cà phê, cao su, hạt điều và sắn, thì giá trị XK rau quả mới đạt 827 triệu USD. Trong bảng xếp hạng 11 sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực năm 2012, rau quả đứng hàng thứ 8, chỉ trên hạt tiêu và chè.

Tuy “đi sau”, nhưng kể từ khi lọt vào CLB XK tỷ đô vào năm 2013, rau quả đã rất nhanh chóng vượt qua những mốc XK khác, đồng thời vượt qua nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Năm 2014, rau quả vượt qua sắn về giá trị XK. Năm 2015, rau quả tiếp tục vượt qua cao su. Năm 2016, rau quả vượt mốc 2 tỷ USD (đạt 2,457 tỷ USD) và lần đầu tiên vượt qua gạo về giá trị XK.

Trong năm 2017, rau quả tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao và vượt mốc 3 tỷ USD chỉ trong 11 tháng đầu năm. Đồng thời, với giá trị XK như vậy, rau quả đã vượt qua cà phê để đứng hàng thứ 4 sau thủy sản, gỗ và điều trong số những mặt hàng nông lâm thủy sản XK chủ lực.

Cần lưu ý rằng cao su, gạo và cà phê đều là những mặt hàng từng đạt giá trị XK tới hơn 3 tỷ USD từ nhiều năm trước (gạo từ 2010 – 2012; cao su 2011; cà phê vào các năm 2012, 2014 và 2016). Điều đó càng cho thấy ý nghĩa và vai trò đặc biệt của sự tăng trưởng trong XK rau quả những năm qua, trong bối cảnh nhiều mặt hàng chủ lực sau khi đạt đến đỉnh cao đã không còn có thể duy trì được lợi thế, thậm chí giảm mạnh về giá trị XK do gặp phải những khó khăn lớn về mặt thị trường. Nhiều khả năng rau quả sẽ tiếp tục vượt qua điều trong thời gian ngắn sắp tới để đứng vào Top 3 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị XK lớn nhất.

Phân loại thanh long xuất khẩu

Với kết quả XK đã đạt được trong 11 tháng (3,177 tỷ USD), XK rau quả của cả năm 2017 có thể đạt kỷ lục mới là hơn 3,4 tỷ USD. Với giá trị 2,404 tỷ USD trong 11 tháng và chiếm khoảng 76% tổng giá trị XK rau quả của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò là thị trường quan trọng nhất, có tính quyết định tới sự tăng trưởng mạnh của XK rau quả nước ta.

Trong 11 tháng, giá trị rau quả XK sang Trung Quốc tăng tới 54,88% so cùng kỳ 2016. Mức tăng trưởng đó của thị trường Trung Quốc cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của XK rau quả trong 11 tháng là 44,1%. Đặc biệt, trong năm 2017, XK rau quả sang Trung Quốc đánh dấu lần tiên vượt mốc 2 tỷ USD, cao hơn 2 lần so với năm 2015 là năm mà XK rau quả sang Trung Quốc lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD (đạt 1,195 tỷ USD).

Nhiều thị trường quan trọng khác, tuy thị phần cũng như giá trị còn khá khiêm tốn so với Trung Quốc, nhưng cũng đã tăng trưởng tốt, góp phần vào thành công của XK rau quả năm 2017. Trong 11 tháng đầu năm 2017, XK rau quả sang Nhật Bản đạt 116,707 triệu USD, tăng 70,63% so cùng kỳ 2016; Mỹ đạt 92,568 triệu USD, tăng 21,24%…

Trồng rau VietGAP ở Lâm Đồng

Nhìn chung phần lớn các thị trường XK của rau quả Việt Nam đều có mức tăng trưởng so cùng kỳ 2016. Nỗ lực mở cửa thị trường cho nhiều loại trái cây vào các thị trường khó tính đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng ở những thị trường này. Đến nay, đã có 6 loại trái cây tươi Việt Nam được phép XK sang Mỹ gồm vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa và xoài. Thanh long và xoài được phép XK sang Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand…

Theo dự báo của FAO, thị trường rau quả toàn cầu sẽ tăng trưởng 8% trong giai đoạn 2017 – 2020 và đạt 320 tỷ USD vào năm 2020. Các nước phát triển đang tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau quả nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ.

Với thị trường Trung Quốc, dự báo của FAO cho hay, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ trên bình quân đầu người với sản phẩm rau quả cũng tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2017 – 2020. Lượng rau quả tiêu thụ ở Trung Quốc sẽ chiếm tỷ trọng 15,1% tổng tiêu thụ của thế giới, cao hơn Nhật Bản, EU và Mỹ. Thị hiếu tiêu dùng rau quả ở Trung Quốc cũng khá rõ nét: Người Quảng Tây ưa dùng thanh long ruột đỏ, nhãn, vải trái vừa phải, vị ngọt đậm; người miền Bắc Trung Quốc ưa dùng thanh long trái to, dưa hấu trái vừa phải (3 – 4 kg/quả), ngọt đậm…

Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương), cho hay, thị trường các nước Trung Đông đang có nhu cầu lớn với nhiều loại nông, lâm thủy sản Việt Nam, trong đó có trái cây, đặc biệt là chuối, dứa, chanh… Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nên 80% nhu cầu lương thực thực phẩm của Trung Đông phụ thuộc vào NK. Năm 2016, NK lương thực, thực phẩm của Trung Đông là 40 tỷ USD, dự kiến tăng lên 70 tỷ USD vào 2025.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Thanh long Bình Thuận sụt giá kỷ lục

Bình Thuận là địa phương có diện tích trồng cây thanh long lớn nhất cả nước với trên 27.000 ha, sản lượng hằng năm trên 500.000 tấn. Hiện tại, phần lớn sản lượng loại trái cây này được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Thanh long Bình Thuận đang vào đợt thu hoạch trái vụ. Chi phí trồng thanh long mùa này rất cao vì người dân phải chong đèn suốt đêm trong thời gian dài để kích thích cây ra hoa. Do đó, giá bán phải đạt khoảng 14.000 – 15.000 đồng/kg thì người trồng mới có lời. Thế nhưng, hiện tại thương lái thu mua tại các nhà vườn ở mức giá chừng 6.000 – 8.000 đồng/kg, đây là mức giá giảm sâu kỷ lục trong nhiều năm qua.

Hàng tấn thanh long Bình Thuận đang rớt giá trầm trọng

Theo nhiều người dân nơi đây, cứ 1 tấn thanh long bị loại 1 tạ hàng dạt. Tổng mức đầu tư cho lứa thanh long chong đèn mất khoảng 25 – 30 triệu đồng/1.000 trụ nhưng số tiền bán thanh long hiện nay dao động 6.000 – 8.000 đồng/kg chỉ thu được xấp xỉ 15 triệu đồng khiến người trồng thua lỗ.

“Gần 1.000 trụ thanh long chong đèn cho ra khoảng hơn 3,5 tấn trái. Trong vòng 3 tháng chăm sóc cùng với tiền điện, tiền phân tro đầu tư cao nhưng nếu bán với giá hiện tại tính ra lỗ rất lớn. Nhưng không bán thì không được vì đã đến thời điểm thu hoạch, để lâu thanh long sẽ bị hỏng” – một nhà vườn chuyên canh tác thanh long ở thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), chua xót nói.

Người dân lao đao vì thanh long sụt giá

Theo một số thương lái, nguyên nhân giá thanh long giảm mạnh là do thời tiết hiện tại của Trung Quốc đang lạnh, tuyết rơi nhiều nên việc vận chuyển, tiêu thụ loại trái cây này gặp nhiều khó khăn.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Dự báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (20.11.2017)

Ở các tỉnh thành phía Nam, rầy nâu phổ biến tuổi 3 – 5, rải rác có rầy trưởng thành di trú do lúa thu đông đang thu hoạch rộ.

Bệnh đạo ôn phát triển, có thể gia tăng nhiễm trên trà lúa đông xuân giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ. Ngoài ra, cần lưu ý ốc bươu vàng đối với các trà lúa mới gieo sạ, bệnh bạc lá ở giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng.

1. Các tỉnh phía Bắc

– Cây ngô, rau màu: Các đối tượng gây hại phát sinh nhẹ đến trung bình.

– Cây mía: Bệnh chồi cỏ có xu hướng tăng.

– Cam, chanh, bưởi: Bệnh chảy gôm, loét, sẹo… gây hại các vườn cây già cỗi, chăm sóc kém.

– Cây nhãn: Nhện lông nhung tiếp tục gây hại.

– Cây sắn: Nhện đỏ, rệp sáp, bọ phấn… hại cục bộ trên đồng ruộng.

2. Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên

– Cây lúa: Trên lúa đông xuân cực sớm, lúa mùa đẻ nhánh – làm đòng, bệnh đạo ôn hại lúa nhẹ. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước và gây hại diện rộng sau mưa lũ.

– Cây trồng khác: Cây cà phê rệp sáp, rệp vảy, bệnh khô cành, gỉ sắt, đốm mắt cua,… hại tăng. Cây tiêu: Rệp sáp, bệnh chết chậm… hại tăng. Cây điều: Sâu đục thân, bọ xít muỗi, nấm, thán thư… tiếp tục gây hại. Cây mía: Bệnh trắng lá do phytoplasma… hại cục bộ vùng ổ dịch. Cây dừa: Bọ cánh cứng, đốm lá, thối nõn… tiếp tục gây hại. Cây sầu riêng: Bệnh nứt thân xì mủ, nấm hồng, thán thư… tiếp tục gây hại.

3. Các tỉnh phía Nam

– Cây lúa: Rầy nâu phổ biến tuổi 3 – 5, rải rác có rầy trưởng thành di trú do lúa thu đông đang thu hoạch rộ. Bệnh đạo ôn phát triển, có thể gia tăng nhiễm trên trà lúa đông xuân giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ. Ngoài ra, cần lưu ý ốc bươu vàng đối với các trà lúa mới gieo sạ, bệnh bạc lá ở giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng.

– Cây trồng khác: Cây thanh long bệnh đốm nâu tăng diện tích nhiễm. Cây hồ tiêu: Tuyến trùng hại rễ, bệnh chết nhanh và chết chậm tăng diện tích nhiễm. Cây điều: Bệnh thán thư tăng. Cây cà phê: Rệp sáp tăng nhẹ diện tích nhiễm.

Nguồn: Cục bảo vệ thực vật được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Trồng thanh long công nghệ mới Israel, năng suất có thể đạt 80 – 100 tấn/ha

Một số nông dân ở vùng chuyên canh thanh long huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) và huyện Châu Thành (Long An) mạnh dạn đầu tư SX thanh long theo công nghệ Israel nhằm tiết kiệm diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng trái hướng tới xuất khẩu sang thị trường khó tính…Thanh long leo giàn sắt

Chợ Gạo thời điểm này đang mùa xông đèn thanh long. Anh Nguyễn Hữu Phúc ở ấp An Thị, xã Mỹ Tịnh An chia sẻ: “Trồng thanh long theo phương pháp truyền thống bằng trụ bê tông mỗi trụ cách nhau tới 3m, nay áp dụng kỹ thuật mới trồng theo giàn chữ T, mỗi gốc chỉ cách nhau 0,4m, vừa tiết kiệm diện tích đất lại giảm công chăm sóc”.

Áp dụng biện pháp bao trái thanh long nhằm tránh sâu bệnh hại

Theo anh Phúc, mô hình trồng thanh long theo giàn được Viện Cây ăn quả miền Nam hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật. Trước đó, với mỗi công đất (1.000m2) trồng trụ bê tông chỉ trồng được khoảng 440 hom. Nay áp dụng phương pháp mới có thể trồng được tới 1.170 hom/công. Hơn nữa, cùng diện tích này trồng kiểu truyền thống chỉ thu lãi khoảng 5 triệu/công, còn trồng giàn cho lãi 12 triệu đồng/công.

Ưu điểm của mô hình trồng thanh long kiểu chữ T có sự khác biệt so với kiểu trồng truyền thống là hệ thống cành phân tán đều, ít bệnh hơn. Lượng hom giống ban đầu gấp đôi so với bình thường nên cành nhiều hơn, năng suất cũng cao hơn. Ước tính ban đầu đạt khoảng 80 tấn/ha/năm.

Do mô hình trồng thanh long leo giàn mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh Phúc tiếp tục mở rộng thêm 2.500m2 trồng thanh long ruột đỏ và cải tiến kỹ thuật phù hợp hơn nhằm tiết kiệm chi phí.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở ấp Long Hòa, xã Long Trì, huyện Châu Thành cũng trồng thanh long ruột đỏ (685 trụ) trên diện tích 5.000m2, trong đó 2.000m2 áp dụng công nghệ giàn sắt.

Ông Minh giới thiệu về giàn sắt hình chữ A sau khi cải tiến từ giàn chữ T trồng thanh long

Ông Minh tâm sự: “Lúc đầu tôi cũng chỉ trồng theo kiểu truyền thống nhưng sau khi tham khảo phương pháp trồng mới, tôi đã quyết định đầu tư áp dụng theo công nghệ giàn sắt và lắp đặt hệ thống phun tưới tự động nhỏ giọt bằng đường ống”.

Từ mô hình trồng thanh long bằng trụ bê tông và giàn sắt hình chữ T, ông Minh đã tự điều chỉnh thiết kế bằng giàn sắt hình chữ A cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội, năng suất cao hơn so với trồng trụ, hạn chế sâu bệnh, thu hoạch thuận tiện hơn và tránh được bão gió.

Hướng sản xuất mới

Một trong những mô hình mới đang được nông dân quan tâm là trồng thanh long ruột đỏ bằng giàn theo công nghệ Israel.

Vườn thanh long của gia đình ông Minh lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm

Hàng chục năm nay, với 16.000m2 đất, ông Trần Văn Năm ở xã Long Trì, huyện Châu Thành chỉ tập trung canh tác thanh long ruột trắng. Gần đây thanh long ruột trắng giá thấp, đầu ra bấp bênh nên ông mạnh dạn chuyển hơn 6.000m2 sang trồng thanh long ruột đỏ theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel.

Ông Năm cho biết, đến nay toàn bộ diện tích thanh long ruột đỏ của gia đình đều được áp dụng công nghệ tưới phân, nước nhỏ giọt tự động có kiểm soát. Trên vườn mỗi trụ cho từ 30 – 35 trái. Mùa vụ vừa qua, thanh long ruột đỏ có giá 45.000 đồng/kg cho gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng, gấp đôi so với thanh long ruột trắng.

SX thanh long CNC là hướng đi mới

Ông Nguyễn Văn Đà ở ấp Long Thuận, xã Long Trì có 7.000m2 trồng thanh long (khoảng 1.000 trụ thanh long ruột trắng) tâm sự: “Công nghệ cao làm giàn sắt đầu tư kinh phí khá cao nên chờ thêm thời gian xem hiệu quả thực tế ra sao thì bà con mới dám làm”.

Tuy nhiên, Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo, nếu nông dân mạnh dạn áp dụng mô hình này thì khả năng sẽ cho năng suất cao hơn từ 2 – 3 lần so với trồng trụ bê tông, có thể đạt từ 80 – 100 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Hôn, cán bộ UBND thị trấn Tầm Vu cho biết: “Địa phương đang khuyến khích nông dân trồng thanh long theo công nghệ mới, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng những thị trường khắt khe về chất lượng. Việc quy hoạch vùng trồng, áp dụng công nghệ cao SX thanh long leo giàn sắt đang mở ra hướng sản xuất mới, giúp nông dân thu nhập khá hơn”.

Ông Minh điều khiển hệ thống tưới tự động cho vườn thanh long

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng thanh long sạch đón đầu thị trường đẳng cấp

Bình Thuận xác định đây là hướng đi tất yếu và bền vững để nâng cao chất lượng và giá trị thanh long của địa phương.

Hiện nay, để tránh lệ thuộc vào thị trường truyền thống, nhiều nông dân ở tỉnh Bình Thuận đã mạnh dạn đầu tư trồng thanh long theo tiêu chuẩn an toàn GlobalGAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Ngành nông nghiệp Bình Thuận xác định đây là hướng đi tất yếu để nâng cao chất lượng và giá trị của loại nông sản lợi thế này của địa phương.

Gia đình ông Nguyễn Quốc Nguyên Vũ ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam gắn bó với nghề trồng thanh long từ hơn 20 năm qua. Nhận thấy giá cả thanh long canh tác theo lối truyền thống lên xuống thất thường, 3 năm trước, ông Vũ đã quyết định chuyển hướng qua sản xuất thanh long sạch.

Thanh long Bình Thuận đã trở thành thương hiệu

Trang trại thanh long sạch Phúc An của ông Vũ hiện có 25 ha đã cho thu hoạch xuất đi các nước New Zealand, Hàn Quốc và Cananada… Ông Vũ vừa xúc tiến trồng thêm 20 ha, nâng tổng diện tích thanh long trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP của trang trại lên 45 ha.

“Người trồng nên chủ động làm cho thanh long đạt chất lượng cao hơn, từ đó nâng giá thành sản phẩm lên bằng cách sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc theo hướng hữu cơ. Sản phẩm trồng theo tiêu chuẩn sẽ không phụ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống”, ông Vũ cho biết.

Quy trình sản xuất GlobalGAP đòi hỏi kỹ thuật cao và có sự quản lý nghiêm ngặt, từ khâu chăm sóc đến khâu thu hoạch và đóng gói xuất khẩu. Theo quy trình này, vườn canh tác GlobalGAP hoàn toàn khác với vườn bình thường. Diện tích đất trong vườn phân ra thành từng khu, từng lô theo thứ tự có đánh số cụ thể để dễ dàng chăm sóc và quản lý cũng như truy nguyên nguồn gốc khi có sự cố dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc mầm bệnh xảy ra.

Tại trang trại Sơn Trà, huyện Hàm Thuận Nam, với diện tích hơn 20 ha, các nhân công chăm sóc vườn theo một kế hoạch bài bản. Các công đoạn làm vườn như bón phân, cắt cành, tưới nước… đều được người phụ trách kỹ thuật ghi chép cẩn thận theo từng khu vực và quy trình chặt chẽ.

Anh Nguyễn Hữu Phương, quản lý kỹ thuật tại Trang trại Sơn Trà cho biết, thanh long sạch trồng và chăm sóc khó hơn, trong khi các thị trường khó tính luôn đòi hỏi yêu cầu chất lượng từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển. Tuy nhiên khi đáp ứng được các yêu cầu này, sản phẩm thanh long sẽ có giá cao hơn.

Hiện nay, ngoài 2 trang trại lớn có tiếng là Hoàng Hậu và Rau quả Bình Thuận, hơn 10 trang trại khác ở tỉnh Bình Thuận cũng đang đẩy mạnh sản xuất thanh long sạch cho hiệu quả kinh tế cao, đáng kể đến như Gia Thành, Phúc An, Sơn Trà… Hầu hết sản lượng làm ra đều được xuất qua các thị trường khó tính như Đức, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… với giá ổn định xấp xỉ trên dưới 30.000 đồng/kg.

Theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 220 ha thanh long trồng theo tiêu chuẩn. Ngành nông nghiệp địa phương định hướng, từ nay đến năm 2020 phải tập trung sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn an toàn để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Ngành nông nghiệp Bình Thuận đang khuyến khích nông dân sản xuất thanh long theo hướng an toàn

Mới đây, Chính phủ Australia cũng vừa chấp nhận cho phép nhập khẩu sản phẩm thanh long Việt Nam. Điều này đã mở ra thêm cơ hội cho người trồng thanh long sạch.

Kỹ sư Phạm Hữu Thủ, Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, để xuất thanh long vào thị trường Australia phải cần có nguồn gốc xuất xứ rất rõ ràng, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác kiểm dịch, kiểm soát côn trùng. “Sở đang tiếp tục vận động bà con nông dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh thực hiện sản xuất theo quy trình GAP và GlobalGAP”, Kỹ sư Phạm Hữu Thủ thông tin.

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 27.000 ha thanh long, sản lượng khoảng nửa triệu tấn/năm, nhưng chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Nhìn vào bức tranh chung, diện tích sản xuất thanh long theo hướng an toàn GlobalGAP còn ít so với tiềm năng hiện có. Nhưng đứng trước xu thế hội nhập, đây là hướng đi vững chắc. Những nông dân tiên phong thay đổi tập quán, mạnh dạn đầu tư canh tác theo hướng nông nghiệp an toàn, đang mở ra hướng đi mới cho loại nông sản lợi thế này của tỉnh Bình Thuận.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Các loại bệnh thường gặp ở cây thanh long

  1.  BỆNH THỐI CÀNH
    Bệnh xuất hiện quanh năm, phát triển nặng trong điều kiện nóng ẩm và thường tấn công trên những cành đã trưởng thành. Đầu tiên là những vết sũng nước màu nâu, lây lan rất nhanh, làm thối cành mở đường cho vi khuẩn tấn công và có mùi hôi, sau đó phần mô này bị mất chỉ còn lại phần lõi gỗ ở giữa, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Bệnh nặng làm cho cả trụ thanh long bị chết.
    2. BỆNH THỐI ĐẦU CÀNHNấm gây hại trên đầu các cành non. Đầu tiên phần đầu cành chuyển sang màu vàng, vết bệnh mềm, thối và sũng nước. Bệnh nặng làm cho cây bị chết ngọn và cành không thể phát triển được.3. BỆNH ĐỐM NÂU THÂN CÀNHDo nấm. Vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ màu nâu có viền màu nâu đậm hơn, sau đó lớn dần tạo thành những đốm gần tròn như mắt cua. Vết bệnh này có thể lớn rộng và lan dài dọc thân. Gặp điều kiện ẩm độ cao, buổi sáng có sương mù nhiều bệnh phát triển rất nhanh.4. BỆNH NÁM CÀNHNắng nóng làm bỏng mô cây tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển. Vết bệnh đầu tiên là vết cháy nắng sau đó tại chỗ cháy nắng có một màng mỏng màu xám tro, nhám do nấm lớp mốc phát triển.

    5. BỆNH THÁN THƯ

    Do nấm. Trên cành vết bệnh bắt đầu từ mép cành lan dần vào bên trong. Vết bệnh dạng gần tròn hay bất định, tâm có màu nâu đỏ đặc trưng bởi những vòng đồng tâm màu nâu sậm. Trên trái vết bệnh là những đốm tròn hoặc gần tròn, có tâm màu nâu đỏ, lõm xuống, xung quanh có những vòng đồng tâm màu nâu sậm. Bệnh nặng có thể gây thối khô trái.

B/ NHỮNG LOẠI SÂU HẠI THƯỜNG GẶP CỦA THANH LONG

  1. KIẾN LỬAKiến có màu nâu đỏ, ấu trùng không gây hại. Thành trùng cắn, đục phá các cành non, cành già và làm hư hom giống. Tấn công trên trái và tai lá làm giảm giá trị thương phẩm. Vườn cây lâu năm kiến lửa đục phá cả phần gốc ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.2. KIẾN RIỆNThành trùng màu nâu đen, loài này thường sinh sản và trú ẩn ở các cành khô và vỏ thân của các cây trụ. Kiến riện đục phá nụ hoa, trái non và trái chín làm giảm giá trị thương phẩm.3. NGÂU (BỌ CÁNH CỨNG)Thành trùng là loài bọ cánh cứng màu nâu đen, rất bóng, trên cánh có những mảng màu trắng rất đặc trưng. Thành trùng gây hại bằng cách đục phá cành non, cành già và cả nụ hoa làm ảnh huởng đến tỷ lệ đậu trái.4. RỆP SÁP

    Rệp chích hút nhựa ở tất cả các bộ phận của cây: cành non, nụ hoa, trái, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và tỷ lệ đậu trái. Chất thải của rệp tạo điền kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Rệp tấn công dưới rễ làm cho cây bị vàng, còi cọc, trái nhỏ, giảm năng suất.

    5. BỌ TRĨ

    Bọ trĩ thường tấn công trên hoa và trái non. Gây hại bằng cách chích hút nhựa cây làm ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu trái và giảm giá trị thương phẩm.

    6. RẦY MỀM

    Rầy mềm có nhiều loại gây hại trên hoa và trái chích hút nhựa làm hoa bị rụng. Trên trái để lại những vết chích nhỏ, khi chín bị mất màu đỏ tự nhiên, giảm giá trị thương phẩm. Khí hậu khô nóng làm gia tăng mật số gây hại của rầy mềm.

    7. RUỒI ĐỤC TRÁI

    Gồm nhiều loài, gây hại chủ yếu trên hoa và trái, đặc biệt trên trái sắp thu hoạch. Mật số cao làm trái bị rụng, ảnh hưởng đến năng suất.

    8. TUYẾN TRÙNG

    Tuyến trùng chích hút hoặc chui vào trong rễ làm cho rễ cây phình ra tạo thành các khối u (bướu rễ), làm cho cây chậm phát triển, còi cọc. Những vết chích tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập vào trong cây.

    9. ỐC SÊN, ỐC BƯƠU

    Tập trung nhiều ở phần gốc cây, cạp vỏ cây, leo lên thân và cạp thân, trái làm giảm năng suất, giá trị thương phẩm.

CÁCH PHÒNG TRỊ BỆNH:

Theo các nhà khoa học và theo kinh nghiệm của các nhà vườn thì phòng bệnh vẫn là biện pháp quan trọng hàng đầu, chúng tôi xin giới thiệu với bạn:

1/ PHÒNG SÂU BỆNH:

Trước hết cần tuân thủ trồng thanh long theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Đào mương lên luống để trồng. Tùy theo độ cao của đất mà thiết kế mô để cây phát triển tốt, kích thước mô 80 x 30 cm, khoảng cách trồng 3 x 3 m (khoảng 1.000 trụ/10.000 m2). Trồng cây xung quanh chắn gió nhằm hạn chế mầm bệnh lan vào. Nên dùng trụ bê tông xi măng cao 2 – 2,5 m, ngang 12 – 15 cm, chôn sâu 0,5 m phía trên có que sắt để đỡ cành. Nên hạn chế dùng các loại phân vô cơ nhất là lạm dụng nhiều để kích cho hoa trái…Bón nhiều phân hữu cơ vi sinh và các loại vi lượng phù hợp, cung cấp thêm vôi trước và sau mùa mưa. Tủ gốc giữ ẩm cho cây bằng rơm rạ, cỏ khô, tủ cách gốc 5 – 10 cm, hoặc trồng cây lạc dại vào gốc thanh long để giữ độ ẩm mà không cần phủ bằng rơm.

  1. TRỊ SÂU BỆNH:

Khi phát hiện sâu bệnh phải nhanh chóng chữa trị, nên phun thuốc trừ nấm, trừ sâu có bán trên thị trường, lựa chọn các chủng loại phù hợp… Nên phun thuộc phòng sâu bệnh sau khi thu hoạch trái và sau khi cắt tỉa để làm giảm áp lực mầm bệnh, phun lần thứ 2 khi cây ra nụ hoa. Dùng thuốc phun vào gốc khi vừa đậu trái. Sau khi thu hoạch, ngâm trái vào nước nóng 40oC trong thời gian 10 phút không làm tổn thương trái và giảm thiểu đáng kể mầm bệnh sau thu hoạch. Trái nào có bệnh nên loại bỏ, không để chung với các trái khác để tránh sự lây lan.

 Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam