Tham khảo mô hình nuôi trùn quế hiện đại ở nước bạn

Nước ta còn nghèo, thiếu thốn cơ sở vật chất nên nhiều hộ cũng chỉ đầu tư ngắn hạn để phục vụ cho những mục đích lâu dài, nên chi phí đầu tư nhiều, mất nhiều thời gian và công sức, lại không thể có được những mô hình bài bản đúng kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.

Đây là một mô hình nuôi trùn quế thu phân bón ở nước bạn, nhìn rất hiện đại và đầu tư rất bài bản, ô nuôi được cách mặt đất một khoảng không gian, thành ô nuôi được gia cố bằng sắt khá chắc chắn, và được áp dụng máy móc vào để tiết kiệm công sức và thời gian chăm sóc thu hoạch.

Các nước bạn không chú trọng vào sản lượng sản phẩm lắm, mà tập trung vào chất lượng sản phẩm với cách sử dụng, họ biết cách sử dụng sản phẩm phân bón từ ô nuôi như thế nào cho hiệu quả nên không cần bón nhiều, mà dùng đúng cách sẽ mang lại hiệu quả lớn.

Chúng ta đang sử dụng phân trùn quế như là một loại phân bón thông thường để bón cho cây, nên phải dùng với liều lượng rất lớn, nhưng nếu chúng ta dùng phân trùn quế như một môi trường sinh khối để cải tạo đất, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển để phục vụ cho đất trồng, thì hiệu quả phân trùn quế mang lại rất cao, mà không cần phải dùng quá nhiều phân trùn quế.

Phân trùn quế có thể ví như là một loại men tiêu hóa cho cây, để cây hấp thu và tiêu hóa tốt dinh dưỡng cung cấp cần bón bổ sung phân trùn quế. Không nên chỉ bón phân trùn quế thôi mà không bón thêm gì khác, vì nếu làm như thế phải bón rất nhiều phân trùn quế cho cây để cây đầy đủ dinh dưỡng. Nên sử dụng phân trùn quế như một loại phân bón bổ sung cho cây, để mang lại hiệu quả kinh tế.

Mô hình nuôi trùn quế hiện đại

Và đây là mô hình nuôi trùn quế có thể dành cho các hộ trồng trọt, có thể thu phân trùn quế để bón cho khu vườn của mình, nếu trồng rau thì chỉ cần 0,5kg/m2 cho mỗi vụ. Nếu trồng cây ăn trái thì mỗi gốc chỉ cần 1kg/3 tháng. Ta có thể nuôi trùn quế từ phụ phẩm nông nghiệp nào có thể phân hủy được và phù hợp với trùn quế, muốn biết phù hợp hay không hãy cho ăn thử.

Các nước bạn đã nuôi khá lâu và đầu tư rất tốt, vì họ biết rằng trùn quế mang lại những giá trị rất lớn cho họ, vậy còn chúng ta thì sao, chỉ vì chưa phát hiện ra giá trị lớn của trùn quế nên chúng ta chưa dám đầu tư bài bản. Thiếu tầm nhìn cũng khiến chúng ta e ngại mà không dám đầu tư lâu dài. Hãy cùng mở rộng tầm nhìn với các nước bạn để có thể đầu tư đúng là đủ hơn giống vật nuôi này.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật thu hoạch giun quế

Thu hoạch là khâu cuối cùng của toàn bộ quá trình nuôi. Tuỳ theo mục đích sử dụng của từng hộ gia đình mà chúng ta có thể lựa chọn những phương pháp thu hoạch sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.

Hiện nay, một số tài liệu đã đưa ra rất nhiều phương pháp thu hoạch giun quế khác nhau như: thu hoạch bằng nhử mồi, bằng đe doạ, bằng ánh sáng, bằng điện… nhưng chúng tôi nhận thấy 2 phương pháp thu hoạch đơn giản và hiệu quả hiện nay đang được áp dụng nhiều nhất đó là:

1. Phương pháp thu hoạch bằng ánh sáng

Đây là phương pháp thu hoạch hiện nay đang được áp dụng nhiều nhất. Ưu điểm của phương pháp thu hoạch này là đơn giản và có thể lấy được kiệt giun, tuy nhiên nó có nhược điểm là mất khá nhiều thời gian nếu lượng chất nền lớn và với điều kiện giun đã ăn hết phân trên lớp bề mặt chất nền. Trước khi thu hoạch 1 ngày ta phải kiểm tra xem Trùn đã ăn hết lượng phân trên bề mặt của chất nền chưa. Chúng ta chỉ khai thác khi giun đã ăn hết lượng phân này

Ta có thể sử dụng 1 tấm bạt hoặc tấm ni lông có khổ rộng trải ra trên mặt đất. Lưu ý là nơi thu hoạch cần phải có nhiều ánh sáng nhưng tốt nhất không nên để trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời vì tia tử ngoại của ánh sáng mặt trời rất có hại cho giun và có thể làm chết giun. Dùng tay mở tấm đậy ra, bới và bóp nhỏ lớp chất nền trong luống nuôi cho tơi xốp vì trong quá trình nuôi lượng phân giun đã đóng thành từng khối, từng tảng. Xúc phân giun và giun ở trong luống ra đổ thành đống trải đều giữa tấm bạt hoặc tấm ni lông (tốt nhất nên dùng các đồ vật bằng nhựa để xúc, không nên sử dụng các vật nhọn và sắc như: quốc, xẻng…vì nó có thể làm chết hoặc đứt giun). Do giun thường tập trung nhiều trên bề mặt của luống nuôi vì vậy để khai thác nhanh, chúng ta nên chia khối chất nền ra làm hai phần: phần chất nền ở phía trên đổ riêng về 1 phía, phần còn lại đổ sang phía đối diện.

Sau khi xúc phân xong, dùng tay bóp nhỏ những phần phân đóng thành tảng xót lại và vun lên thành ngọn. Dưới tác động của ánh sáng, giun sợ sẽ chui xuống bên dưới. Ta dùng tay bới lớp phân giun ở trên ngọn và hai bên thành đống gạt sang hai bên. Giun lại tiếp tục chui xuống dưới, ta lại tiếp tục bới như trên đã làm, cứ làm như vậy sẽ loại hết được phân giun ra và lấy được toàn bộ lượng giun ở dưới đáy.

2 Phương pháp nhử mồi

Phương pháp này cũng cũng áp dụng khá nhiều trong thực tiễn, người ta thường sử dụng phương pháp này khi muốn san ô nuôi để làm giảm bớt mật độ giun và khối lượng chất nền hiện có ở trong luống. Tuy nhiên, nếu muốn lấy sạch giun trong ô nuôi thì không thể sử dụng phương pháp này mà phải dùng phương pháp thu hoạch bằng ánh sáng.

Khi quan sát thấy luống nuôi đã hết thức ăn, ta rải 1 lượt mỏng thức ăn mới lên trên bề mặt của khối chất nền. Giun sẽ lập tức tập trung tấn công vào lượng thức ăn mới này. Theo dõi đến khi Trùn ăn gần hết lượng thức ăn này, mở tấm đậy và hớt lấy lớp phân trên bề mặt ta sẽ thu được rất nhiều giun.

Nguồn: Giun quế Ba Vì được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Ứng dụng của trùn quế trong ao nuôi tôm

Người nuôi tôm hiện nay đang gặp nhiều rủi ro về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Việc tìm ra phương pháp nuôi cải tiến giúp tôm khỏe mạnh, mau lớn, tăng sức đề kháng được chú trọng hơn cả.

Trùn quế có tên khoa học là Perionyx excavatus, chi Pheretima, họ Megascocidae

Với hàm lượng chất dinh dưỡng cao, trùn quế được xem như là một món ăn tự nhiên khoái khẩu trong môi trường nước ngọt (ao, hồ, sông suối,..) đối với các loài cá, kì nhông, tôm, nhện nước, tôm hùm và một số loài bọ nước. Có thể sử dụng trùn trong cả môi trường nước lợ.

Tác dụng của trùn quế

Trong thịt trùn tươi chứa hàm lượng Protein cao, nhiều vi khuẩn có lợi Bacillus, các chất dinh dưỡng như đạm, khoáng, axit amin, Vitamin B, B3, B6, B12… Vì vậy trùn quế là loại thức ăn rất tốt cho tôm, bổ sung vi khuẩn Baccilus kích thích tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh đường ruột và bệnh về gan. So với thức ăn thông thường thì thức ăn có trộn dịch trùn giúp tôm sú phát triển nhanh hơn, sức đề kháng mạnh hơn. Phân trùn là loại hữu cơ sinh học, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong phân trùn quế có chứa những vi sinh vật có hoạt tính cao, là chất xúc tác sinh học như: vi khuẩn, nấm mốc, đặc biệt là hệ vi khuẩn cố định đạm tự do, vi khuẩn phân giải lân, phân giải cellulose. Đặc điểm chính của phân trùn làm môi trường ao nuôi trong sạch, tảo ổn định do tác dụng của các vi khuẩn có lợi có trong phân trùn: Vi khuẩn cố định đạm, vi khuẩn nitơ hóa… các chỉ tiêu môi trường ao nuôi ổn định giúp tôm khỏe mạnh, nhanh lớn.

Tỷ lệ chất béo/protein của trùn quế là lý tưởng nhất (chất béo thấp, protein cao)

Kỹ thuật nuôi trùn quế

Phương pháp nuôi trùn quế khá đơn giản, chỉ cần sử dụng thùng gỗ có kích thước 0,2 – 0,4 m2, chiều cao 0,3 m, hoặc có thể tận dụng thau, chậu có sẵn. Các thùng được đặt nơi hạn chế ánh sáng và phải có các lỗ thoát nước. Chất nền để nuôi trùn yêu cầu tơi xốp, sạch, giàu dinh dưỡng.

Trùn giống được mua ở một số trại giống về sau 2 ngày thì bắt đầu cung cấp thức ăn cho trùn. Trùn quế thường sử dụng mùn bã hữu cơ như phân gia súc làm thức ăn. Lượng thức ăn tùy thuộc vào mật độ trùn hiện có. Chỉ bổ sung lượng thức cho trùn khi thức ăn cũ đã hết hoặc còn ít.

Quy trình nuôi tôm

Ao nuôi tôm được chuẩn bị, cải tạo đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật theo những mô hình nuôi tôm thông thường.

Sử dụng lượng phân trùn từ 15 – 20 kg/1.000 m2 để gây màu nước hoặc cải thiện màu nước trong ao nuôi tôm. Khi sử dụng phân trùn quế để gây màu nước thì động vật phù du phát triển rất mạnh. Sinh khối lượng thức ăn tự nhiên cho tôm nhiều, đặc biệt là copepoda, một loại thức ăn ưa thích cho tôm nuôi.

– Tôm được nuôi với mật độ 40 – 50 con/m2.

– Trong 7 – 10 ngày nuôi đầu tiên, tôm sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên trong ao nên không cho tôm ăn.

– Sau 10 ngày nuôi, sử dụng trùn quế băm nhỏ, cho vào sàng ăn đưa xuống ao để tôm ăn. Trùn quế trước khi làm thức ăn cho tôm cần được ngâm trong nước khoảng 2 giờ rồi rửa sạch.

– Trong thời gian 20 – 40 ngày nuôi, bắt đầu bổ sung thức ăn công nghiệp với lượng 30%, thịt trùn 70%. Thịt trùn được xay nhuyễn trộn với thức công nghiệp, dùng sàng cho tôm ăn.

– Trong thời gian nuôi 40 – 60 ngày, bổ sung thức ăn công nghiệp với lượng 50%, thịt trùn 50%.

– Trong thời gian nuôi từ 60 ngày đến khi thu hoạch, sử dụng 70% lượng thức ăn công nghiệp, 30% thịt trùn.

– Thường xuyên theo dõi sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm nuôi phù hợp. Sang tháng nuôi thứ 2, lượng chất thải hữu cơ gia tăng. Sử dụng chế phẩm sinh học EM liều lượng 2 lít/1.000 m3, loại bỏ các chất lơ lửng, làm sạch môi trường ao nuôi, tăng cường vi khuẩn có lợi,  hạn chế sự phát triển của vi sinh vật gây hại.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Chế phẩm sinh học từ trùn quế

Các nhà khoa học ở Viện Sinh học nhiệt đới đã tạo ra 3 chế phẩm sinh học từ trùn quế để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và phân bón cho cây. Với công nghệ đơn giản, các hộ nông dân nghèo ở các vùng xa xôi có thể áp dụng dễ dàng.

Trong nông nghiệp, trùn quế được coi là loại thức ăn đạm cao cấp cho vật nuôi. Các loài cá, baba, tôm, ếch, lươn, cua biển… đều rất thích ăn trùn. Đối với gia súc, gia cầm, trùn là loại thức ăn bổ dưỡng. Tuy nhiên, trùn quế tươi chỉ có thể để không quá một ngày ở nhiệt độ thường nên rất khó lưu trữ.

Từ thực tế đó, TS Võ Thị Hạnh cùng các cộng sự thuộc Phòng Vi sinh Viện Sinh học nhiệt đới đã tạo ra 3 chế phẩm sinh học từ trùn quế để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, làm phân bón cho cây… Các chế phẩm này có thể được bảo quản, lưu trữ trong thời gian dài, từ 6-10 tháng.

Một ưu điểm nổi trội của các chế phẩm này là vẫn giữ nguyên mùi trùn tươi, các chất dinh dưỡng không bị mất đi hoặc biến chất theo thời gian. Chế phẩm đầu tiên là BIO-T, dùng làm thức ăn cho tôm sú, cá tra, gà lương phượng và vịt xiêm. Điều đáng nói là nếu sử dụng trùn quế tươi phải cần một lượng nhiều gấp 10 lần so với BIO-T mới có hiệu quả tương tự. BIO-T được sản xuất bằng cách sử dụng trùn quế tươi phối trộn với hỗn hợp vi khuẩn hữu ích và enzyme tiêu hóa dùng trong chăn nuôi, lên men tạo sản phẩm có mùi trùn, giàu dinh dưỡng (đạm protein và amin cao), enzyme tiêu hóa, vi khuẩn hữu ích và các chất kháng sinh…

Chế phẩm thứ hai là BIO-BL, đã được dùng để bón cho cây trà ô long và một số cây hoa màu, cây kiểng… Kết quả sau khi sử dụng cho thấy búp trà tươi, màu sắc đẹp hơn, mùi hương của trà cũng thơm hơn. BIO-BL được tạo thành từ trùn quế tươi phối trộn với hỗn hợp vi sinh vật hữu ích và enzyme dùng trong trồng trọt, lên men tạo sản phẩm có mùi trùn, giàu đạm protein và amin cao, enzyme tiêu hóa có hoạt lực cao, vi khuẩn hữu ích…

Chế phẩm BIO-PT được tạo ra bằng cách dùng phân trùn ủ lên men, sản phẩm làm ra có mùi thơm, độ ẩm 40%, đạm tổng 2%, chất hữu cơ, kháng sinh và hỗn hợp vi khuẩn hữu ích. BIO-PT dùng để gây màu và xử lý nước ao nuôi tôm dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Nhóm tác giả cho biết ưu điểm của phương pháp chế biến trùn quế bằng công nghệ vi sinh là không cần dùng thiết bị đông lạnh hay thiết bị sấy nên không tốn chi phí điện, năng lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với công nghệ đơn giản, các hộ nông dân nghèo ở các vùng xa xôi có thể áp dụng dễ dàng. Việc có thêm các chế phẩm sinh học mới có giá thành rẻ góp phần làm cho ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt phát triển tốt hơn.

 

 

Các hình ảnh về trùn quế và chuồng nuôi trùn quế

Nguồn : Báo NLĐ, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam