Nuôi tôm thẻ chân trắng thành công bằng vi sinh + tỏi

Trong điều kiện như hiện nay, việc nuôi tôm (đặc biệt là tôm thẻ chân trắng) ngày càng khó, nhiều người trắng tay trước những biến động của thời tiết, mùa vụ. Tuy nhiên, cũng không ít người thành công sau nhiều phen mạo hiểm mang đầm tôm ra “thử nghiệm”.

Farmtech Vietnam xin chia sẻ kinh nghiệm của anh Nguyễn Ngọc Tuấn (Tấm) ở ấp Trí Đồ, xã Bình Đông, thị xã Gò Công, Tiền Giang  đã nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) thành công bằng vi sinh kết hợp với chanh và tỏi.


Tỏi là chất kích thích miễn dịch tự nhiên cho tôm, với rất nhiều hoạt tính kháng vi khuẩn gram âm và dương, hoạt tính kháng virus, kháng nấm, tăng cường hệ miễn dịch cho động vật thủy sản. Tỏi kích thích quá trình thực bào, đại thực bào. Việc bổ sung tinh dầu tỏi cho động vật thủy sản nuôi có thể gia tăng chỉ số hồng cầu, lượng hemoglobin, bạch cầu và tiểu cầu. Như vậy tỏi dùng trong nuôi thủy sản có thể coi như một chất thay thế kháng sinh và các yếu tố trị liệu hóa học.

Allin và Allicinase là hai chất có sẵn trong tỏi, khi tỏi bị đập dập, hai chất này sẽ kết hợp với nhau tạo thành chất Allicin (một kháng sinh tự nhiên có khả năng kháng khuẩn và nấm). Allicin có khả năng kháng khuẩn bằng 1/5 thuốc Peniciline và bằng 1/10 thuốc Ocytetracylin. Ngoài ra, thành phần của tỏi còn chứa diallyl disulfide, chất này có tác dụng nhanh và mạnh hơn hai dòng kháng sinh Erythromycin và Ciprofloxacin. Bên cạnh đó, tỏi còn có công hiệu trị sán, giun kim, các bệnh nấm.

Sử dụng tỏi để phòng và trị bệnh trên tôm an toàn, hiệu quả

Phương pháp sử dụng

Phòng bệnh phân trắng và chết sớm bằng tỏi

Lấy 10 kg tỏi, lột sạch vỏ rồi giã nhuyễn, để trong 24 giờ đến khi tỏi có màu vàng nghệ. Lấy 10 kg rượu 450 trộn chung với tỏi rồi xay nhuyễn, sau đó cho vào bình đậy kín nắp, 7 ngày sau vắt lấy nước cho tôm ăn. Liều lượng: 10 ml/kg thức ăn, ngày 3 cữ, cho ăn từ lúc mới thả giống đến khi thu hoạch.

Phần bã tỏi trộn với vi sinh E.M và rỉ đường. Liều lượng: 6 kg bã tỏi + 1 lít E.M gốc +1,5 kg rỉ đường, cho vào bình 20 lít, rồi đổ đầy nước sạch. Sau 30 ngày, vắt lấy nước cho tôm ăn với liều lượng 20 ml/kg thức ăn/ngày. Sau quá trình nuôi tôm sử dụng tỏi, thấy đường ruột tôm lớn, tôm không mắc bệnh chết sớm và bệnh phân trắng, TTCT 88 ngày đạt kích cỡ 45 con/kg; tỷ lệ sống 100%, năng suất 15 tấn/ha.

Phòng đục cơ cong thân bằng trái chanh

Chanh có chứa nhiều chất có lợi như axit xitric, canxi, magiê, Vitamin C, flavonoid sinh học, pectin, limonin, kali 248 ml các chất hỗ trợ miễn dịch và kháng khuẩn. Cách sử dụng: Dùng khoảng 50 g chanh trộn với 3 kg thức ăn (hoặc lấy 5 ml nước cốt chanh trộn với 1 kg thức ăn) cho tôm ăn ngày 3 lần.

Vi sinh E.M: E.M là tập hợp các loại vi sinh vật gồm khoảng 80 – 120 loài cả kỵ khí và hiếu khí thuộc 10 chi khác nhau. Chúng bao gồm các vi khuẩn quang hợp (tổng hợp chất hữu cơ từ CO2 và H2O), vi khuẩn cố định Nitơ (sử dụng chất hữu cơ của vi khuẩn quang hợp để chuyển N2 trong không khí thành các hợp chất hữu cơ), xạ khuẩn (sản sinh chất kháng sinh ức chế vi sinh vật gây bệnh và phân giải chất hữu cơ), vi khuẩn Lactic (chuyển hóa thức ăn khó tiêu thành dễ tiêu), nấm men (sản sinh vitamin và các axit amin), các vi sinh vật trong E.M tạo ra một hệ thống vi sinh thái với nhau, chúng hỗ trợ lẫn nhau, cùng sinh trưởng và phát triển.

Trị tảo lam: Sử dụng 30 lít E.M cấp 2 + 10 kg rỉ đường dùng cho 2.000 m3, xử lý 3 ngày liên tục.

Cách làm E.M cấp 2: Sử dụng 1,5 lít E.M cấp 1 + 3 kg rỉ đường cho vào bình chứa 30 lít, để trong mát 7 ngày. Hạn sử dụng E.M cấp 2 từ 3 đến 6 tháng và E.M cấp 1 từ 6 đến 12 tháng.

Để giảm khí độc NH3, H2S và ổn định môi trường nước, sử dụng 30 lít E.M cấp 2 + 6 kg rỉ đường dùng cho 2.000 m3, 2 ngày/lần. Sau khi thu hoạch tôm thấy lượng bùn đáy giảm. Phân tích thấy mật độ vi khuẩn có lợi nhiều, ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm

Sử dụng chế phẩm sinh học (hay còn gọi men vi sinh) trong nuôi trồng thủy sản được xem là một giải pháp góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong ao, giảm thiểu tình trạng vật nuôi bị nhiễm bệnh, gia tăng sản lượng…

Thu hoạch tôm tại vùng nuôi xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc)

Gần 1 năm nay, ông Nguyễn Đăng Nhân, chủ đùng tôm tại ấp Ông Tô, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) đã sử dụng chế phẩm sinh học trong các ao nuôi tôm thẻ. So với việc sử dụng kháng sinh hay hóa chất, việc sử dụng chế phẩm sinh học giúp tôm hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, lớn nhanh, khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh. Chi phí sử dụng chế phẩm sinh học cũng thấp hơn, chưa đến 1 triệu đồng/ao nuôi, trong khi sử dụng kháng sinh chi phí lên đến 4-5 triệu đồng/ao nuôi. Sản phẩm tôm thương phẩm khi xuất bán luôn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu.

Tại phường 12, TP.Vũng Tàu, hiện đã có 28 hộ nuôi tôm sú theo mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học. Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ đùng tôm ở địa chỉ 1708 đường 30-4, phường 12 cho biết: Với mô hình nuôi tôm sú sử dụng chế phẩm sinh học, trước khi nuôi phải cải tạo ao đầm. Sau đó, sử dụng chế phẩm sinh học để tạo môi trường, giúp tôm khỏe, hay ăn, chóng lớn, tăng sức đề kháng, chất lượng tôm ngon hơn, sản lượng tăng 20% so với mô hình nuôi tôm thông thường.

Theo ông Vũ Đức Chính, Trạm phó Trạm Khuyến ngư huyện Xuyên Mộc, chế phẩm sinh học là những vi sinh vật có lợi, sống ở trong nước. Những vi sinh vật này khi sống ở trong nước sẽ tiết ra chất xúc tác sinh học giúp phân hủy các chất hữu cơ độc hại, chất thải dư thừa trong ao, giúp ao nuôi được sạch hơn. Khi sử dụng chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh hoặc hóa chất có thể hạn chế được việc ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Tuy nhiên, người nuôi cần lưu ý, không được sử dụng chế phẩm sinh học cùng với các loại hoá chất có tính diệt khuẩn như thuốc tím, Chlorine, i-ốt, kháng sinh; đồng thời không được sử dụng khi các chất trên đang hiện diện trong môi trường nước hay trong thân tôm. Ngoài ra, chế phẩm sinh học thực chất cũng là vi sinh vật, vì vậy không nên sử dụng quá mức cho phép, sẽ dẫn đến việc cạnh tranh oxy trong ao nuôi, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của vật nuôi. Người nuôi phải thường xuyên theo dõi khay thức ăn và kiểm tra bùn đáy ao để xử lý liều vi sinh thích hợp.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Trồng cây lạc dại bổ sung hữu cơ và vi sinh vật tốt cho đất

Để đủ dinh dưỡng cho cây trồng và bảo vệ đất, ngoài tăng cường bón các loại phân hữu cơ, người ta còn phải sử dụng biện pháp phủ bổi (multring) bằng thân xác thực vật và trồng cây phủ đất

Lịch sử cây lạc dại

Ở Việt Nam, cây lạc dại được biết đến và trồng lần đầu tiên thẹo dự án nghiên cứu hệ thống nông nghiệp miền núi phía Bắc từ năm 1999 và bắt đầu nghiên cứu ứng dụng tại Bắc Kạn, được Bộ NN & PTNT công nhận công nhận tiến bộ kỹ thuật.

Theo Lê Quốc Doanh, năm 2007 Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã làm thí nghiệm với kết quả: trồng cây lạc dại trong một số vườn mận trên vùng sườn đồi tại huyện Mộc Châu có khả năng làm giảm 72,4% lượng đất bị xói mòn và năng suất mận tăng 25% khi thảm lạc dại đã phát triển mạnh. Trong những tháng khô hạn thì ẩm độ đất dưới thảm lạc dại bao giờ cũng cao hơn so với đối chứng từ 10 đến 50% tuỳ thuộc vào độ dày của thảm che phủ và điều kiện đất đai.

Sau khi trồng cây lạc dại được 6 tháng, tỉ lệ che phủ vườn đạt 100% và lượng chất khô thu được là 4.800 kg/ha. Năng suất xanh cây lạc dại ước đạt hơn 136 tấn/ha/năm tương đương 20 – 25 tấn chất khô. Hàm lượng đạm tổng số 2,87%, lân tổng số 0,95%, kali 1,78%. Cây lạc dại có khả năng cố định đạm từ 200 – 300 kg N/ha/năm hoặc với lượng chất xanh trên một năm cây lạc dại có thể trả lại cho đất lượng dinh dưỡng rất cao (595 kg N/ha, 140 kg P O /ha và 200 kg K O/ha).

 Kiểm tra một số chỉ tiêu của đất trong vườn tiêu, so sánh giữa lô có trồng lạc dại và lô đối chứng không trồng lạc dại, số liệu khảo sát một số chỉ tiêu của đất và biến động số lượng tuyến trùng trong đất trong sáu tháng mùa khô cho thấy:

  • Độ ẩm đất trong lô trồng lạc dại suốt trong mùa khô luôn cao hơn nhiều so với lô không trồng lạc dại
  •  Hợp chất hữu cơ đất được tăng dần trong lô trồng lạc dại

 Qua thực tiễn trồng cây lạc dại phủ đất trong vườn cây ở các nơi, chúng ta có nhận xét: Cây lạc dại có tranh dinh dưỡng với cây trồng, nhưng cuối cùng cây lạc dại đã bảo vệ, chống rữa trôi, giữ ẩm đất và đưa lại cho đất một khối lượng hữu cơ lớn.

Công dung của cây lạc dại

  •  cây lạc dại cố định lượng phân đạm rất lớn cho đất và cây trồng
  • Trồng cây phủ đất, đặc biệt là cây lạc dại, trong vườn cây là hình thức bón phân hữu cơ và bảo vệ đất rất hiệu quả cho cây trồng
  • Trồng cây lạc dại đã làm phong phú, đa dạng hóa sinh học có lợi
  • Làm giàu quần thể vi sinh vật có ích, vi sinh vật đối kháng
  •  Là tác nhân rất quan trọng, tăng sức sống và độ phì đất, làm tăng sức sống và sự đề kháng của cây trồng và quản lý dịch hại có hiệu quả

Thực trạng hiện nay

Trồng lạc dại xen lẫn cây tiêu

Hiện nay, có người còn phân vân rằng cây lạc dại cũng có sâu bệnh, nếu trồng xen sẽ lây bệnh cho cây trồng. Ý kiến này đúng, tuy nhiên kinh nghiệm trong nước và trên thế giới cho thấy, trồng cây lạc dại trong vườn cây đều đem lại lợi lớn cho cây trồng hơn là mặt có hại. Ở nước ta, việc trồng xen cây lạc dại đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Từ những lợi ích nói trên, trong vườn cây không nên làm sạch cỏ. Nên trồng cỏ có định hướng để bảo vệ và làm giàu cho đất. Không nên dùng thuốc trừ cỏ trong vườn cây. Thuốc trừ cỏ gây hại cho đất nhất là làm suy giảm hệ vi sinh vật, làm giảm đa dạng hóa sinh học đất. Sử dụng biện pháp trừ cỏ “lợi bất cập hại”.

Tiến bộ kỹ thuật trồng cây phủ đất trong vườn cây lâu năm đưa vào nước ta đã rất lâu, nhưng những nghiên cứu và khai thác còn quả hạn chế.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam