Phòng tránh tôm chết hàng loạt

Tôm chết hàng loạt do mắc bệnh là tình trạng thường gặp trong quá trình nuôi tôm theo hình thức công nghiệp. Do đó việc phòng tránh hiện tượng tôm chết hàng loạt để đảm bảo năng suất là điều cực kỳ quan trọng.

Một số nguyên nhân, cách phòng tránh tôm chết hàng loạt:

Môi trường bị ô nhiễm do phèn hóa

Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tôm chết hàng loạt. Trước hết, có thể là do nguồn nước nuôi tôm bị nhiễm phèn. Trong đó, phèn cũng có hai loại phèn sắt (phèn nóng) và phèn nhôm (phèn lạnh), cũng có khi do hỗn hợp của cả hai loại phèn này, trong điều kiện pH của môi trường nước thấp. Phèn thường xuất hiện khi ta xử lý ruộng, đào kinh, lên liếp, bao ví thành vuông tôm mà không tuân thủ đúng kỹ thuật nuôi tôm và đào ao nuôi tôm. Đặc biệt, đất vùng nuôi tôm chủ yếu là vùng đất mặn trên nền phèn tiềm tàng.

Đặc tính nổi bật của loại đất này là trong điều kiện có nước mặn, nước lợ thường xuyên trên mặt, sẽ khống chế, đất không bị phèn hóa, ruộng tôm vẫn an toàn. Nhưng nếu ta đào đắp hay xáo trộn đất hay để đất tiếp xúc với oxy trong không khí thì quá trình phèn hóa xuất hiện và phát triển nhanh chóng. Kết quả của quá trình này là các chất như: Al3+, Fe2+, SO4(-2) sẽ xuất hiện rất nhanh và rất nhiều. Còn trình tự xuất hiện trước hết là Fe2+ rồi đến SO4(-2) và cuối cùng, khi pH xuống thấp thì giải phóng ra rất nhiều Al3+ từ các lớp đất sét. Lúc này, nồng độ các độc chất tăng nhanh, đột ngột, có thể từ 0ppm (phần triệu) tăng lên đến hàng trăm và có thể hàng ngàn ppm. Tuy nhiên, khả năng chịu đựng của tôm với các chất độc này rất thấp, nhất là với nhôm, chỉ 4,5 – 10,5ppm là có ảnh hưởng tới tôm, nhất là đối với tôm con. Cho nên, khi xây dựng ruộng thành vuông tôm thì người nuôi phải chú ý, tuân thủ kỹ thuật nuôi tôm và đào ao nuôi tôm để không cho quá trình phèn hóa xảy ra.

Mặt khác, những người nuôi tôm ở vùng này phải chú ý tránh không cho nước rỉ ra từ bờ đắp chảy vào vuông tôm, sau những ngày mới đắp và nhất là sau những trận mưa đầu mùa hay trận mưa nghịch mùa (giữa mùa khô). Bởi vì, trong nguồn nước này chứa rất cao nồng độ độc chất Al3+, Fe2+ và SO4(2-) có thể gây tình trạng tôm bị chết hàng loạt. Một điều rất đặc biệt trong trường hợp này người nuôi tôm rất khó nhận biết hiện tượng. Bởi vì, nó xuất hiện rất nhanh, sau đó liền bị khỏa lấp bởi nước triều lên. Với những người chưa có kinh nghiệm nuôi tôm thì rất khó phát hiện đúng nguyên nhân gây bệnh, do đó kết luận là virus.

Virus

Khi tôm bệnh do virus tôm sẽ chết rất nhanh và khó kiểm soát, nhất là nuôi tôm trong mùa mưa.

Nguyên nhân tôm thường bị chết hàng loạt là do người nuôi mua phải giống tôm nhiễm virus từ nguồn cung cấp trôi nổi không được kiểm soát do đó việc tuân thủ kỹ thuật nuôi tôm chọn tôm giống ban đầu là cực kỳ quan trọng và cần thiết.

Bên cạnh đó, cũng có ruộng tôm, giống tốt không bệnh nhưng sau một thời gian chúng bị nhiễm bệnh virus ngay trong ruộng hay lây nhiễm từ ruộng bên cạnh, từ nguồn nước ô nhiễm chứa virus. Tôm ở mọi lứa tuổi khi bị nhiễm, nổi lên vật vờ rồi chết. Cần có sự theo dõi sát sao và làm chỉ dẫn của các chuyên gia.

Nhiễm độc hữu cơ

Một nguyên nhân khác làm cho tôm chết hàng loạt là tôm bị nhiễm độc hữu cơ từ đáy ao. Điều này thường xảy ra ở vuông tôm sau 3 – 4 năm nuôi trồng. Bởi chất hữu cơ từ thức ăn thừa lắng xuống đáy ao, kết hợp các loại rong tảo chết, phân giải yếm khí, sản sinh nhiều độc tố như khí hydro sunfua hay mêtan hoặc các hợp chất dạng cơ kim. Tôm có thói quen vùi mình trong các lớp trầm tích ở đáy ao để ngủ nghỉ hay tránh nắng nóng, khi gặp độc chất này thì gây chết rất nhanh.

Vì vậy, người nuôi phải nghiên cứu kỹ các yếu tố môi trường, nắm vững kỹ thuật nuôi với những điều kiện từng nơi. Bên cạnh đó, cần thận trọng hơn trong việc nuôi tôm ruộng lúa đã ngọt hóa, trong rừng ngập mặn và nhất là những ruộng nằm trên nền đất phèn tiềm tàng.

Nguồn: ConTom được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Tại sao trị bệnh cho tôm khó?

Tôm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao tuy nhiên rủi ro cũng rất lớn. Nhiều nhà nông đã trở thành triệu phú nhưng cũng có nhiều người đổ nợ vì con tôm. Đặc biệt khi tôm đã bị bệnh thì rất khó phát hiện và chữa trị. Do đó người dân cần có kiến thức để phòng tránh, nhận biết và chữa trị một cách nhanh chóng, kịp thời nhất.

Dưới đây là một số nguyên nhân giải thích vì sao chữa bệnh cho tôm lại khó khăn:

Đặc điểm của tôm

Nuôi tôm khác với nuôi các loài động vật trên cạn vì phương pháp chữa bệnh cho tôm chủ yếu trộn vào thức ăn chứ không phải tiêm trực tiếp như động vật trên cạn. Do đó việc điều trị bệnh cho tôm không thể kiểm soát chính xác liều lượng thuốc được đưa vào từng cá thể tôm. Vì phần lớn thuốc bị hấp thu vào nước và liều đưa vào mỗi cá thể không xác định được do con ăn nhiều, con ăn ít, con không ăn.

Hơn nữa, tôm sống ở trong ao nên bình thường người nuôi khó quan sát. Khi đã tôm đã chết hoặc bơi lên bờ thì mới phát hiện nhưng lúc này đã quá muộn.

Tôm sú nổi đầu bơi vào gần bờ

Thay đổi thời tiết

Tôm là động vật biến nhiệt nên nhiệt độ cơ thể không ổn định mà phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường nước. Khi thời tiết thay đổi bất thường làm cho tôm bị yếu và có thể bị bệnh.

Nếu nắng nóng kéo dài (nhiệt độ nước trên 32oC): Tôm bắt mồi nhanh nhưng thải nhiều phân sống làm nước ô nhiễm. Vi khuẩn có hại hoạt động mạnh thường gây ra dịch bệnh phân trắng.

Vào mùa lạnh (nhiệt độ nước dưới 25oC): Tôm bắt mồi yếu, thậm chí ngưng ăn. Virus hoạt động mạnh thường gây ra dịch bệnh đốm trắng.

Mầm bệnh lây lan nhanh

Do sống trong môi trường nước nên mầm bệnh xuất hiện rất dễ lây lan và không cách lý được. Tôm bị bệnh chết đi trở thành thức ăn của tôm khỏe và ngoài ra việc sử dụng sục khí, quạt nước góp phần phát tán mầm bệnh nhanh chóng.

Sức đề kháng kém

Tôm là động vật bậc thấp, không có hệ miễn dịch đặc hiệu nên khả năng đề kháng mầm bệnh kém, không có vaccine phòng bệnh. Tôm yếu rất dễ bị bệnh virus (đốm trắng, Taura) và vi khuẩn (Vibrio).

Thuốc không vào được tôm bệnh

Tôm bệnh thường bỏ ăn. Thuốc được trộn vào thức ăn sẽ không vào được cơ thể tôm bệnh. Vì thế, sử dụng thuốc chủ yếu là phòng bệnh cho tôm vừa chớm bệnh hay tôm còn khỏe.

Nhiều tác nhân cơ hội

Khi tôm bị bệnh, cơ thể yếu, không còn sức đề kháng, các mầm bệnh cơ hội trong nước đồng loạt tấn công khiến tôm càng yếu nhanh. Thực tế, hầu hết tôm bệnh khi kiểm tra đều nhiễm nhiều loại vi khuẩn, kí sinh trùng, virus, nấm và các yếu tố môi trường bất lợi (khí độc, ôxy hòa tan thấp…) nên sẽ khó xác định tác nhân chính gây bệnh và kéo dài thời gian xét nghiệm.

Cách xử lý những ao tôm bệnh

Nếu chẳng may ao có tôm bị bệnh, việc phát hiện càng sớm thì cơ hội trị bệnh càng cao và cách ứng phó hiệu quả là:

  • Tăng cường quạt nước: cung cấp nhiều ôxy cho tôm, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh phân hủy chất thải và giải phóng khí độc.
  • Cắt giảm mạnh thức ăn thừa: giảm áp lực chất thải gây ô nhiễm môi trường ao, giảm khí độc tích tụ, giảm mật độ vi khuẩn gây bệnh phát triển.
  • Chữa bệnh đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian: tùy loại thuốc mà sử dụng buổi sáng hay buổi chiều (xử lý vi sinh vào giữa buổi sáng), tùy thời gian đào thải ra cơ thể tôm mà sử dụng bao nhiều lần (sau 6 giờ thì cứ 6 giờ bổ sung 1 lần theo các cữ ăn; sau 12 giờ thì bổ sung vào 1 cữ sáng và 1 cữ chiều; sau 24 giờ thì bổ sung vào 1 cữ ăn trong ngày).
  • Tăng cường sức đề kháng và phục hồi biến dưỡng cho tôm: bổ sung vitamin C, hoạt chất butaphosphan, các vitamin và khoáng chất khác .
  • Không thay nước từ nguồn bên ngoài: tránh lây lan và tạp nhiễm thêm mầm bệnh.
  • Kết hợp cải thiện chất lượng môi trường: đây là việc cấp thiết trong can thiệp xử lý ao tôm bệnh. Sử dụng vi sinh để phân hủy chất thải, xử lý khí độc; khoáng giúp cho nước ao tăng hệ đệm, ổn định độ kiềm, pH và tảo.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam