Từng ao nuôi Cá Tra được mã hóa như thế nào?

Xuất khẩu cá tra chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đặt ra các điều kiện mới, trong đó có việc cấp mã số để có thể truy xuất nguồn gốc. Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, trong 2 năm qua ở ĐBSCL hoàn tất cấp mã số ao nuôi cá tra.

 

Theo người nuôi cá tra và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL, việc mã hóa ao nuôi cá tra là điều kiện bắt buộc cần có trước khi ký hợp đồng liên kết sản xuất.

Thu hoạch cá tra từ vùng nuôi được kiểm soát tốt.

 

Điều kiện cần

Đến tháng 8/2019, theo số liệu Tổng cục Thủy sản, việc tiến hành xác định cấp mã số ao nuôi cá tra tại ở các tỉnh ĐBSCL đạt hơn 5.200/5.400 ha ao nuôi.

Ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, đến nay Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố trong vùng hoàn tất cấp mã số ao nuôi cá.

Hoạt động nghề nuôi cá tra bắt đầu SX theo kế hoạch. Vào đầu mỗi vụ nuôi được cập nhật, kiểm soát chặt chẽ từng ao nuôi về tiến độ thả giống cho đến cuối vụ số ao nuôi cá sắp thu hoạch. Mỗi tháng nhu cầu số lượng con giống, sản lượng cá sắp thu hoạch được thống kê và điều tiết nhịp độ SX cung cầu theo thị trường để có dự báo tốt hơn. Đặc biệt qua truy xuất nguồn gốc cá tra được nuôi trong môi trường có kiểm soát tốt càng tạo thêm niềm tin và uy tín với khách hàng.

Ông Trần Văn Hai nuôi cá tra ở Cù lao Tân Lộc và ao cá 1 ha đã cấp mã số ao nuôi.

 

Theo chuỗi giá trị SX, khâu đầu tiên là con giống. Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ cơ sở SX giống thủy sản, chuyên ương dưỡng cá tra giống cá giống tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: Điều kiện trước nhất là cơ sở SX phải có giấy phép kinh doanh và vùng ao nuôi đạt điều kiện tiểu chuẩn, được Chi cục Thủy sản địa phương cấp mã số ao. Quá trình kiểm tra nếu SX đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ cấp giấy chứng nhận.

Đối với các cơ sở ương dưỡng giống nhập cá bột, nguồn gốc từ cơ sở nào cũng phải có giấy chứng nhận. Hồ sơ ghi nhận từng đợt SX cá giống sẽ được các hộ nuôi cá hay DN thu mua cá giống SX cá tra thương phẩm sau này căn cứ vào đó để biết rõ sản phẩm đạt chất lượng hoặc truy nguyên nếu phát hiện sự cố xảy ra ở khâu nào.

 

Cung cách làm ăn mới

Nhiều năm qua cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực quốc gia. Ở ĐBSCL ngành hàng cá tra hình thành chuỗi giá trị sản xuất từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến, đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thưc phẩm tới bàn ăn. Mối liên kết SX định hình cung cách làm ăn mới. Hiện có hàng ngàn hộ nuôi cá tra theo hợp đồng liên kết với nhà máy chế biến.

Cá tra Việt Nam đã xuất khẩu hiện diện trên thị trường 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó các thị trường chủ lực như Mỹ, EU và Trung Quốc – Hồng Kông mới nổi lên, tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt Trung Quốc đang áp dụng truy xuất nguồn gốc các mặt hàng thủy sản, trong đó có cá tra.

Theo các hộ nuôi cá tra thương phẩm hợp đồng liên kết với công ty Sao Mai-IDI kèm theo yêu cầu bắt buộc SX theo tiêu chuẩn VietGAP: Ao nuôi cá phải nằm trong quy hoạch vùng nuôi thủy sản và đã cấp mã số. Nếu không đáp ứng các điều kiện trên, phía công ty sẽ không ký hợp đồng.

Ông Út Anh, chủ hộ nuôi cá tra ở Cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, nói: “Tôi có 5 ao nuôi cá ký kết hợp đồng liên kết với công ty Sao Mai-IDI.

Mỗi ao nuôi cá phải áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật, từ loại thức ăn đến cách dùng thuốc phòng ngừa bệnh cá phải đúng theo hướng dẫn của công ty.

Hơn một năm qua cán bộ thủy sản địa phương đến khảo sát và cấp mã số gắn thẻ cho mỗi ao với tên chủ hộ nuôi cá. Tôi cho đây là điều kiện tốt để hướng tới làm ăn bài bản hơn, không chỉ đáp ứng yêu cầu từ phía công ty mà bảo vệ quyền lợi cho cho người nuôi cá.

Qua mã số định vị và công nghệ số là phương thức kiểm soát từng ao nuôi, cốt yếu bảo vệ uy tín sản phẩm và danh tiếng cá tra trên thị trường xuất khẩu thế giới”.

Thu hoạch cá tra

 

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Từ năm 2018 Chi cục bắt đầu tiến hành khảo sát, kiểm tra cấp mã số ao nuôi cá tra và đến nay đã hoàn tất gần 600 ha ao nuôi cá tra trên địa bàn thành phố.

Đa số các hộ nuôi về thủy sản có hiểu biết luật, chấp hành quy định quản lý nhà nước và đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi cá tra trong ao – điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và ATTP.

Khi đã chuẩn hóa vùng nuôi sẽ kiểm soát, quản lý và theo dõi tình hình dịch bệnh ở vùng nuôi tốt hơn. Các DN chế biết thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL cũng thừa nhận: Trên thực tế việc cấp mã số, chuẩn hóa vùng nuôi không khó thực hiện để đáp ứng theo yêu cầu và hiện đã có nhiều DN đáp ứng đủ điều kiện XK cá tra chính ngạch vào TQ.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Thiếu hụt trầm trọng giống cá Tra

Cuốn theo cá tra xuất khẩu đang hút hàng ở ĐBSCL, từ sau tết đến nay cá giống tăng giá mạnh. Người nuôi gọi tìm mua cá giống khắp nơi.

Tìm mua cá giống

Ông Chương Văn Khanh (Út Anh), theo đuổi nghề nuôi cá tra 18 năm qua, với 5ha ao nuôi ở cù lao Tân Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho hay: Do mấy tháng cuối năm vừa qua thị trường xuất khẩu tốt nên các doanh nghiệp tiêu thụ cá được giá cho người nuôi. Phần tôi nuôi cá cung ứng theo hợp đồng liên kết với Cty Sao Mai-IDI nuôi gia công lấy công làm lời. Nhưng đối với một số ít người nuôi cá tra riêng lẻ, nếu hộ nào có cá xuất ao lúc này có bao nhiêu doanh nghiệp mua hết bấy nhiêu. Cá tra đang có giá cao kỷ lục 29.000 đ/kg, người nuôi có lãi từ mức 6.000 đ/kg trở lên.

Được mệnh danh “cù lao cá”, dân nuôi cá tra ở Tân Lộc từng chịu nhiều cảnh thăng trầm, nhất là mấy năm qua cá tra dội chợ, xuống dốc. Cú sốc lỗ lã khiến nhiều người nợ nần bỏ ao chuyển sang nghề khác. Số còn trụ lại chiếm phần nhiều là các hộ tính đường “cầm chắc” theo hợp đồng gia công với doanh nghiệp. Bây giờ thị trường cá tra sống dậy, người nuôi thấy ham nhưng ít có mấy người dám phiêu lưu, vì ngại vốn đầu tư lớn, rủi ro cao. Hơn nữa lúc này tìm mua được cá giống đạt chất lượng thật chẳng dễ.

Một chủ hộ nuôi cá tra ở phường Thới An, quận Ô Môn cho biết, trước tết một số hộ nuôi cá dọc theo bờ sông Hậu thu hoạch xong, vệ sinh ao chờ qua mùng ba tết gọi điện các trại giống thân quen, tìm tới cơ sở ương nuôi cá tra đặt mua. Nơi nào cũng nhẹ nhàng từ chối vì không đủ số lượng cung cấp. Thậm chí một số ao nuôi trong vùng “tự chủ” nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu còn cho người chạy ra ngoài tìm cá giống mua thêm. Vậy mà họ không tìm mua đủ cá giống nên vẫn còn ao để không. Trước tết giá cá giống 50.000 đ/kg (cỡ cá 30 con/kg) đến nay tăng vọt lên 70.000 đ/kg.

Chuyển biến chậm

Từ nhiều năm trước, hầu hết các hộ nuôi cá tra trong vùng mua cá giống chủ yếu từ các cơ sở ương nuôi cá ở 2 tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp và An Giang. Trải qua những năm tháng khi đắt hàng lúc dội chợ, vì khó đoán để bắt nhịp nguồn cung nên thường xảy ra tình trạng cá giống mất cân đối cung – cầu. Có lúc cá tra giống dư thừa, từ cá bột ương nuôi tới lớn 2 – 3 phân mà không có người mua. Mặt khác về yếu tố chất lượng con giống phụ thuộc rất lớn vào đàn cá bố mẹ. Vì vậy đã có một số người giỏi nghề có xu hướng tản mát về một số tỉnh vùng hạ lưu như Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang tìm thuê ao nuôi mới để lấy nguồn nước ít ô nhiễm, nâng cao tỉ lệ ương nuôi con giống có chất lượng.

Ông Út Anh nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt (Cần Thơ)

Ông Trần Ngọc Hải, người nuôi cá tra có nghề ở phường Thới An, quận Ô Môn hiện nay cùng nhóm bạn thân hữu thuê đất 20ha ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ lập trại sản xuất giống cá tra, chạch bùn, trê vàng… Qua mấy mùa sản xuất ổn định với mức bình quân xuất 100 tấn cá tra giống/năm (5 – 10 tấn/tháng).

Ông Hải nhìn nhận: Cá tra giống vào thời điểm nào cũng có xuất bán, còn hiện nay giá tăng cao và không đủ bán là do nguồn cung ít. Nhu cầu tái thả cá sau khi thu hoạch ở một số địa phương đang tăng lên. Ngoài ra thêm một nguyên nhân khác nữa, tỉ lệ ương nuôi cá bột lên cá giống hiện đạt rất thấp, khoảng 5 – 7% và có đạt lắm cũng chỉ từ 10% trở xuống. Thông thường vào mùa khô tỉ lệ cá ương nuôi đạt cao hơn vào những tháng mùa mưa.

Ai cũng hiểu rằng nuôi cá tra điều kiện đầu tiên phải có giống tốt. Trong khi người nuôi cá thương phẩm vẫn còn than vãn tình trạng chất lượng cá tra giống kém dẫn tới hao hụt tỷ lệ cao tới 30 – 50% càng đặt ra vấn đề sớm hình thành những trung tâm sản xuất, tạo nguồn cung cá giống chất lượng cao. Các nhà chuyên môn lĩnh vực thủy sản nước ngọt phân tích, muốn đảm bảo chất lượng con giống tốt cần có nhiều yếu tố. Trước tiên là thị trường tiêu thụ cá tra giống tương đối ổn định theo quy hoạch, kế hoạch sản xuất từ vùng nuôi. Từ đó có thể dự đoán, cân đối nguồn cung. Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên ngành nghiên cứu thủy sản để cung cấp nguồn con giống bố mẹ khỏe và thiết kế vùng ao nuôi, ương cá có nguồn nước ao tốt, sạch…

Trong thời gian qua ở một số địa phương trong vùng đã tính toán, quy hoạch vùng sản xuất cá tra bắt nhịp đồng điệu từ trung tâm giống – mạng lưới cơ sở nhân giống – nuôi cá thương phẩm. Thế nhưng chuyển biến còn rất chậm.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó giám đốc Trung tâm giống cây trồng vật nuôi, thủy sản TP Cần Thơ: Hiện nay Trung tâm có vùng SX giống 20ha, vừa nhập giống cá tra bố mẹ từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II về cho sinh sản, ương nuôi. Dự kiến từ tháng 5 đến tháng 6/2018 sẽ cung ứng giống ra thị trường. Năng lực sản xuất ước khoảng 8 triệu con giống/năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự kiến năm 2018 xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch khoảng 1,85 tỷ USD. Năm 2017 xuất khẩu cá tra đạt 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so năm 2016.

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.