Nuôi đà điểu cho hiệu quả kinh tế cao

Nuôi đà điểu hướng phát triển kinh tế triển vọng

Gọi là vật nuôi “đặc biệt” bởi trước ông Lượng ở Hòa Bình chưa có ai chăn nuôi đà điểu. Nhớ lại ngày đầu bắt tay nuôi đà điểu, ông Lượng chia sẻ: “Vận động mãi vợ con mới nhất trí đầu tư mua đà điểu giống song ngày mang về, hàng xóm đến xem rất đông. Nhiều người lắc đầu vì “chỉ thấy nó ở trên ti vi”. Tôi càng thêm quyết tâm phải nuôi bằng được đà điểu”.

Trước đó, với bản tính cần cù, chịu khó, nhưng ông Lượng vẫn luôn trăn trở một điều, đó là dù đã gắn bó cùng nhiều nghề mà kinh tế gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tình cờ một lần đọc Báo Nông nghiệp Việt Nam, thấy giới thiệu mô hình nuôi đà điểu thành công ở một số địa phương như Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, ông Lượng đã nhanh chóng bị lôi cuốn.

Sau khi dành nhiều thời gian để nghiên cứu về đặc tính sinh học, đặc điểm sinh trưởng và kinh nghiệm nuôi đà điểu trong sách, báo, đầu năm 2010, ông Lượng khăn gói tìm đến trại đà điểu Thiên Lan (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để tìm hiểu và quyết định đầu tư mua con giống với giá 5 triệu đồng/đôi.

Sau khi đưa con giống về nhà nuôi, ông Lượng cũng thường xuyên trở lại trang trại để tiếp tục học hỏi về cách chăm sóc, kỹ thuật phòng, trị bệnh… cho đà điểu.

Cũng theo ông Lượng, từ những kết quả khả quan bước đầu, thời gian tới gia đình ông sẽ tiếp tục xuất bán đà điểu để quay vòng vốn, đầu tư mở rộng đàn.

Nhờ chịu khó chăm sóc đúng quy trình do các kỹ thuật viên của trại đà điểu Thiên Lan hướng dẫn nên đà điểu của gia đình ông Lượng sinh trưởng khá tốt và không bị bệnh tật. Nhận thấy triển vọng của loại vật nuôi mới, cuối năm 2010, ông Lượng lại đầu tư mua thêm 1 cặp đà điểu giống. Đến nay, đàn đà điểu của gia đình ông Lượng đã phát triển lên tới 10 con lớn, nhỏ.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực chuồng nuôi đà điểu được ông Lượng thiết kế khá đơn giản. Ngoài một lán dựng bằng gỗ bạch đàn và tre, nứa có lợp ngói proxi-măng là khu vực chăn thả tương đối rộng rãi được rào chắc chắn bằng hệ thống cọc tre cao khoảng 1,5 – 2 m kết hợp với lưới các loại vì khi phát triển đến khoảng 30 kg là chủ yếu đà điểu chỉ chạy nhảy ngoài trời.

Theo kinh nghiệm của ông Lượng, do là loại động vật hoang dã mới được thuần chủng nên thời gian đầu, đà điểu con khá nhát. Ngoài vốn đầu tư ban đầu khá lớn thì chi phí nuôi đà điểu không tốn như các loại vật nuôi khác bởi thức ăn chủ yếu của nó là rau, cỏ, ngô, khoai, sắn, thóc… chứ không phải mua cám công nghiệp đắt tiền.

Hơn nữa, công nuôi cũng không mất nhiều vì trên thực tế, mỗi ngày ông Lượng chỉ dành khoảng 2 giờ để chăm sóc đàn đà điểu. Mặt khác, đà điểu là loại động vật hoang dã nên có sức đề kháng tốt, có khả năng chịu nóng, chịu rét và rất ít khi bị bệnh dịch. Nếu chăm sóc đúng quy trình, bảo đảm tốt về dinh dưỡng thì đà điểu sau khi nuôi từ 12 – 14 tháng là có thể xuất bán với trọng lượng trung bình đạt trên 1 tạ đối với con đực và khoảng 90 – 95 kg đối với con cái.

Tìm hiểu được biết, hiện nay nhu cầu thịt đà điểu của thị trường là khá lớn và ổn định. Tại Hòa Bình, thịt đà điểu đang được thu mua với giá tương đối cao để chế biến các món ăn đặc sản tại các nhà hàng, khách sạn. Riêng năm 2014, với việc xuất bán 2 con đà điểu thương phẩm, gia đình ông Lượng đã thu về gần 50 triệu đồng.

                                    Nuôi đà điểu cho hiệu quả kinh tế cao

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Chất làm chín trái cây ethephon an toàn với sức khỏe con người

Nhiều loại nông sản được nhứng vào dung dịch hóa chất pha loãng, trái cây từ xanh sẽ chín chỉ trong vòng 1-2 ngày nhanh gấp nhiều lần so với chín tự nhiên. Vậy dung dịch hóa chất đó là gì, có ảnh hưởng gì tới sức khỏe của con người không?

Nguốn gốc thật của hóa chất làm chín trái

Trong thời gian qua, hình ảnh nhiều loại nông sản được nhúng vào nước được cho là hoá chất và chữ “nhúng” đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng.

Theo tìm hiểu của các cơ quan báo chí và nhà khoa học trong nước, hóa chất thúc trái cây mau chín mà chủ vườn và thương lái hay sử dụng là ethephon, hay còn gọi bằng tên thương mại là ethrel.

Ethephon có danh pháp khoa học là 2-chloroethylphosphonic acid (C2H 6ClO3P), được phát hiện vào năm 1965 và đăng ký sử dụng đầu tiên tại Mỹ vào năm 1973.

Đây là chất điều hòa tăng trưởng thực vật được sử dụng rộng rãi trên bông, lúa mì, cà phê, dứa, nho, táo và nhiều loại trái cây khác.

Ngâm chuối trong nước pha hóa chất để thúc chín
Ngâm chuối trong nước pha hóa chất để thúc chín

Ethephon đã làm gì để quả chín?

Thông thường, các loại trái cây như chuối, táo, lê, mít… muốn chín cần phải có một chất: ethylene – chất được xem như hormone “lão hóa” ở thực vật.

Ethylene sẽ chịu trách nhiệm cho sự “thay da đổi thịt” ở hoa quả khi chín: làm quả mềm ra, đổi màu…

Ethephon hoạt động dựa trên chính cơ chế này. Sau khi thấm vào trái cây, ethephon sẽ bị phân giải thành ethylene, qua đó thúc đẩy quá trình chín nhanh ở trái cây. Càng nhiều ethylene được tạo thành thì trái cây càng mau chín.

Ethephon có gây hại gì không?

Nghe đến việc ăn một thực phẩm được ngâm hóa chất chắc nhiều người không khỏi chùn tay. Liệu những hóa chất này có gây độc cho cơ thể không? Thậm chí, có ý kiến cho rằng nó có thể gây ung thư nữa.

Tuy nhiên, theo khẳng định giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh học Nông nghiệp, từ lâu các nước trên thế giới đã sử dụng rộng rãi Ethephon trong ngành trồng trọt cả trong và sau thu hoạch để kích thích sự chín đều và đồng loạt của các loại quả, tạo điều kiện cho công nghệ sau thu hoạch.

Cách đây 20 năm, Nhà nước cũng đã cho tiến hành dự án “Chuyển giao sản xuất thử nghiệm và ứng dụng chế phẩm Ethephon từ Cộng hòa Liên bang Nga vào Việt Nam”.

Tiến sỹ khoa học Trần Hạnh Phúc, Viện sinh học nhiệt đới, chủ nhiệm dự án cấp Nhà nước “Sản xuất thử nghiệm Ethephon” cũng khẳng định, tất cả những sản phẩm trái vụ, dài vụ hiện nay đều do Ethephon mang lại. Kết quả xuất khẩu các loại trái cây như xoài, mít… cũng là nhờ có Ethephon. Ethephon cũng được sử dụng trong ngành chế biến của tất cả các nước và đã mang lại giá trị lớn cho nền công nghiệp hàng hóa.

Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Ý, Chile, Australia,… đã cấp phép sử dụng ethephon như chất làm chín trái cây hợp pháp trong nông nghiệp.

Tất cả những sản phẩm trái vụ, dài vụ hiện nay đều do Ethephon mang lại.
Tất cả những sản phẩm trái vụ, dài vụ hiện nay đều do Ethephon mang lại.

Việc phát triển nông nghiệp hiện đại không thể thiếu những ứng dụng của công nghệ sinh học. Trong ngành chế biến nông sản, không ai có thể chờ từng trái cây chín rồi mới đưa vào sản xuất, nhất là các loại trái rất khó chín đều như mít, sầu riêng, chuối.

Lượng chất sử dụng trên thực vật sẽ nhanh chóng chuyển hóa thành các sản phẩm không độc là phosphate, ethylene, và clorua, hoặc bay hơi hết trong quá trình vận chuyển trái cây.

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cũng khẳng định, Ethephon không gây độc hại nếu sử dụng đúng liều lượng, đúng giai đoạn, sử dụng sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Theo đó, không nên dùng Ethephon ép chín trái cây quá nhanh. Cụ thể, thay vì ép chín trong 1 ngày, nông dân nên sử dụng liều lượng cho quá trình chín trong 3-4 ngày. Đồng thời, chế phẩm này cũng có thể loại bỏ dễ dàng bằng cách rửa sạch, nên người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm.

Theo tiến sỹ Nguyễn Văn Phong, Viện cây ăn quả miền Nam, nguyên nhân chất Ethephon bị hiểu sai là do hóa chất trôi nổi nhập lậu từ Trung Quốc với nhãn mác tự dán cũng ghi chất thúc chín trái cây.

Mặt khác, một số doanh nghiệp kinh doanh không lành mạnh, không ghi đúng chức năng phù hợp của chất Ethephon, họ trộn với nhiều loại hóa chất khác quảng cáo có thể dùng trong nhiều mục đích từ phân bón, đển giấm chín trái cây… với mục đích chỉ để bán được sản phẩm của mình.

Do đó, tiến sỹ Nguyễn Văn Phong đề nghị cơ quan chức năng cần quản lý chặt các sản phẩm cho chứa chất Ethephon trong các hóa chất sinh học dùng trong nông nghiệp.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Cách chữa trị dê chướng bụng

Khi phát hiện dê bị chướng bụng đầy hơi thì việc can thiệp kịp thời là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần xác định nguyên nhân gây chướng bụng đầy hơi, mức độ chướng bụng đầy hơi để can thiệp kịp thời, đồng thời loại bỏ triệt để nguyên nhân gây bệnh.

Khi phát hiện dê bị chướng bụng đầy hơi thì việc can thiệp kịp thời là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần xác định nguyên nhân gây chướng bụng đầy hơi, mức độ chướng bụng đầy hơi để can thiệp kịp thời, đồng thời loại bỏ triệt để nguyên nhân gây bệnh. 

      Cách chữa trị dê chướng bụng

Chướng hơi cấp tính: Nguyên nhân có thể do dê bị dị vật chặn ở vùng thực quản, dạ dày làm cho dê không ợ hơi được dẫn đến chướng bụng. Can thiệp bằng cách luồn ống cao su xông dạ cỏ để thoát hơi và loại bỏ dị vật, hoặc dùng trôca chuyên dụng hay kim dài 16 để chọc trô ca vùng hõm hông bên trái để thoái hơi ra ngoài (lưu ý khi trọc thoát hơi dạ cỏ cần để hơi thoát từ từ).

Chướng hơi do thức ăn: Cho dê đứng ở nơi thoáng mát, đầu cao hơn mông. Đồng thời phải chống sự tạo khí và thoát hơi ra khỏi dạ cỏ bằng cách dùng rượu tỏi chà xát vùng dạ cỏ nhiều lần. Dùng nõn chuối hơ nóng cho mềm sau đó ngoáy vào cuống họng kích thích phản xạ ợ hơi và cho dê uống 300 – 500 ml dầu ăn, hoặc 20 – 50 ml rượu tỏi (uống 1 đến 2 lần/con/ngày). Cho dê hoạt động sau khi uống dầu hoặc rượu tỏi sẽ làm giảm sự tạo bọt và tăng cường thoát hơi. Nếu dê bị tê liệt thì nên xoay tròn dê hoặc xoa vuốt vùng dạ cỏ có thể giúp cho dầu phân đều trong dạ cỏ, chống tạo bọt.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật nuôi cừu phan rang

Chuồng trại

Nên làm chuồng kiểu sàn: mặt sàn cách mặt đất 0,8-1 m tạo độ thoáng và đủ độ cao để vệ sinh quét dọn dễ dàng, khe hở mặt sàn 1,5 cm. Máng ăn bố trí sát mặt ngoài sàn (ở phía trước chuồng) để cừu thò đầu ra ăn. Chuồng nuôi phải bảo đảm vệ sinh, quét dọn phân hằng ngày. Mỗi tháng tẩy uế chuồng 1 lần bằng vôi bột hoặc Dipterex.

Thức ăn, nước uống

Cừu ăn được nhiều loại thức ăn như cỏ tươi, rơm, các loại dưa, bí, cà rốt, củ cải, ngô ủ chua… Để tăng cường dinh dưỡng cho cừu, ngoài thức ăn thô xanh, hằng ngày cho ăn thêm 0,1 – 0,3 kg thức ăn tinh (bột ngô, khoai, sắn…).

Vào mùa thức ăn tươi đầy đủ, trong thức ăn thường đầy đủ các yếu tố khoáng và vitamin, song vào mùa đông khô và rét, thức ăn tươi hiếm, khẩu phần ăn cần bổ sung canxi và các vitamin A, D…, tránh tình trạng dê nuôi bị thiếu dinh dưỡng, đẻ non, đẻ con yếu, ít sữa nuôi con, niêm mạc mắc khô, mắt mờ… Hằng ngày nên bổ sung 6- 9g canxi, 3-5 g phốtpho, vitamin D 4.000 – 10.000 đơn vị/ngày. Có thể mua (hay làm lấy) tăng urê-mật rỉ để bổ sung khoáng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cừu.

Cần có đủ nước sạch để cừu uống tại chuồng. Không cho cừu uống nước tù đọng tránh cừu bị nhiễm giun sán.

Cừu Phan Rang – giống cừu duy nhất của Việt Nam

Kỹ thuật chăm sóc

Đối với cừu mẹ: Một con cừu cái tốt có đặc điểm đầu rộng hơi dài, mình nở, ngực sâu, lưng thẳng, hông rộng, lông mượt, bộ phận sinh dục nở nang, bầu vú phát triển, vú có da mềm nhão nhưng khi bầu vú căng sữa sẽ tiết sữa nhiều, gân sữa nổi rõ trên bầu vú. Tỷ lệ đực/cái trong đàn nên duy trì 1/25, thường xuyên thay đổi đực để tránh thụ tinh đồng huyết.

Chu kỳ động dục cừu cái là 16-17 ngày. Sau khi phối giống, qua 16-17 ngày không thấy động dục trở lại là cừu cái có chửa. Cừu mang thai 146-150 ngày. Căn cứ vào ngày phối giống để chú ý đỡ đẻ cho cừu, tránh đẻ bất ngờ làm chết cừu con.

Cừu cái chửa cho ăn thêm thức ăn tinh, rau cỏ non. Khi có dấu hiệu sắp đẻ như bầu vú căng, xuống sữa, âm hộ sưng to, cào bới sàn… thì nhốt riêng, chuẩn bị ổ cho cừu đẻ.

Sau khi cừu đẻ, dùng khăn mềm, sạch, ẩm để lau nước nhầy ở miệng, mũi cho cừu con, lấy dây chỉ sạch buộc rốn (cách rốn 5- 6cm), rồi dùng kéo cắt cách vết buộc 2 cm. Bôi cồn iốt để sát trùng. Đẻ xong, cừu mẹ khát nước nhiều, pha nước đường 1% + muối 0,5% cho cừu mẹ uống thoải mái.

Nuôi cừu con: Sau khi sinh ra, cừu con cần được bú sữa đầu là sữa chứa nhiều dinh dưỡng và giúp cho cừu sau này chống chịu được bệnh tật. Trong 10 ngày đầu sau đẻ cho cừu con bú mẹ tự do; từ 11-20 ngày tuổi, cừu con bú mẹ 3 lần/ngày, đồng thời tập cho cừu con ăn thức ăn tinh, rau cỏ xanh; 80-90 ngày tuổi, cho cừu con cai sữa.

Đối với cừu nuôi thịt: Gồm các cừu đực đã cai sữa và con giống loại thải. Cừu nuôi bán thịt phải nhốt riêng, tránh quậy phá đàn, hư hỏng chuồng trại. Trước khi xuất chuồng hai tháng cho ăn khẩu phần tăng cường để tăng trọng lượng lúc bán. Thức ăn bổ sung có thể là thức ăn tinh, cỏ, rau xanh, củ quả, phụ phẩm nông nghiệp…

Phòng trị bệnh

Cừu thường bị mắc một số bệnh sau:

  • Bệnh đậu cừu: Do virus gây nên. Bệnh làm xuất hiện các nốt phỏng to bằng hạt đậu trên các vùng da mỏng, sau vỡ thành mụn nước mầu rỉ sắt, khô đi thành vẩy rồi thành sẹo. Con vật ngứa ngáy, có thể ỉa ra máu và chết. Bệnh tiêm phòng bằng vaccine.
  • Bệnh viêm miệng lở loét: Rửa miệng và các vết loét bằng nước muối rồi chấm iốt. Nếu bị bệnh nặng, con vật có thể có biến chứng ở phổi và đường ruột. Điều trị bằng kháng sinh Penixilin và Streptomycin. Cho cừu uống nước ấm, ăn thức ăn mềm, bổ sung tinh bột.
  • Bệnh viêm phổi cấp tính: Bệnh có thể gây tử vong. Cần giữ chuồng ấm, sạch, cho ăn tốt. Khi con vật bị bệnh, tiêm Penixilin hay cho uống Tetracyclin.
  • Bệnh giun sán đường tiêu hóa: Để phòng trị, cho uống Phenothiazin lúc 5-12 tháng tuổi với liều 0,5-1g/kg thể trọng. Sau khi uống thuốc, nhịn ăn 3 giờ.
  • Ngoài ra, cừu còn mắc một số bệnh khác như bệnh thối móng, ỉa chảy, bệnh giun phổi… Cần theo dõi, phát hiện và chữa trị kịp thời, bảo đảm cừu ăn uống, sinh trưởng và phát triển bình thường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Quản lý chăm sóc bê

Quản lý chăm sóc nuôi dưỡng bê là một phần quan trọng trong chăn nuôi bò sữa. Một bê con được chăm sóc nuôi dưỡng phù hợp sẽ là bò cái tốt trong tương lai.                                                               Bê con

Một bê con được chăm sóc nuôi dưỡng phù hợp sẽ là bò cái tốt trong tương lai.

Mục đích nuôi bê là để bê phát triển tốt về cơ thể (bộ khung) và dễ dàng đẻ ở lứa đẻ đầu tiên. Để đạt được điều này, người nông dân cần chú ý một số điểm như sau:

Ba ngày đầu sau khi bê đẻ

Nên cho bê uống sữa đầu là sữa được vắt ra từ bò mẹ ngay sau khi đẻ. Cần cho bê bú sớm (trong vòng nửa giờ sau khi sinh), nhiều (ít nhất 4 lít trong 2 ngày đầu) và thường xuyên (4–6 lần/ngày). Người nông dân nên lưu ý dụng cụ cho bê uống phải luôn được vệ sinh sạch sẽ vì đây là giai đoạn bê còn yếu, sức đề kháng kém. Nếu các dụng cụ không được vệ sinh tốt sẽ là cơ hội cho các vi khuẩn tấn công, bê dễ dàng mắc bệnh và tăng trưởng kém.

Từ ngày thứ 4 đến khi cai sữa

Từ ngày thứ 4, ta có thể sử dụng sữa thay thế cho bê ăn thay vì cho bê ăn sữa bò mẹ. Trong giai đoạn này, chúng ta nên tập cho bê ăn cám, cỏ và thường xuyên cung cấp nước sạch. Đối với cám nên có tỉ lệ đạm khoảng 18%. Khi bê đạt 9 đến 10 tuần tuổi, trọng lượng cơ thể từ 75 đến 85kg, chúng ta có thể cai sữa hoàn toàn cho bê và lúc này bê phải ăn được khoảng 1kg cám/ngày.

Từ khi cai sữa đến 6 tháng tuổi

Trong giai đoạn này, sự phát triển bộ khung là quan trọng nhất. Để đạt được điều này, phải cho bê ăn thức ăn có chất lượng tốt nhất, khẩu phần phải cân đối giữa tinh – thô để dạ cỏ của bê phát triển. Trong giai đoạn này, tùy theo chất lượng của cỏ mà số lượng cám cho bê ăn dao động từ 2-3kg/ngày/con. Nông dân nên cung cấp cỏ và nước sạch thường xuyên để bê có thể tự do ăn theo nhu cầu. Nếu đến 6 tháng tuổi, bê đạt 195kg là đạt tiêu chuẩn.

Từ 6 đến 12 tháng tuổi

Trong giai đoạn này luôn cho bê ăn cỏ chất lượng cao và 1kg cám hỗn hợp/bê/ngày. Từ 10 tháng tuổi trở lên cần quan tâm đến điểm thể trạng. Nếu bê quá mập do khẩu phần cung cấp nhiều năng lượng thì bê kém phát triển và sẽ gặp trục trặc về sinh sản. Do đó cần phải điều chỉnh khẩu phần ăn để bê đạt chiều cao 125cm và trọng lượng 340kg là phù hợp.

Từ khi gieo tinh lần đầu và sau khi đậu thai

Bê đạt trọng lượng 400kg (bò HF thuần), 300kg (bò lai HF) ở 16 tháng tuổi là lúc thích hợp để gieo tinh cho bê. Nên lựa chọn tinh đực giống phù hợp để gieo tinh, tránh đẻ khó ở lứa đẻ đầu tiên. Khi bê đã đậu thai nên cung cấp đầy đủ cỏ có chất lượng tốt. Trong thời gian này cần chú ý đến thể trạng của bê. Nếu chuồng nuôi bê tách riêng biệt với đàn thì tốt nhất chuồng nuôi nên có đặc điểm, môi trường giống như chuồng bò vắt sữa, cạn sữa.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Những lưu ý khi trộn thức ăn hỗn hợp cho heo thịt

Trộn thức ăn cho heo là phương pháp nuôi heo thịt hiệu quả được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng thành công và dưới đây là những lưu ý cần nắm rõ để có thể vận hành tốt một vụ chăn nuôi hiệu quả.

Khi tự trộn thức ăn hỗn hợp cho heo thịt, bà con cần lưu ý đến nhóm chất dinh dưỡng có trong thức ăn

Đảm bảo đủ nhóm dinh dưỡng thiết yếu

Khi tự trộn thức ăn hỗn hợp cho heo thịt, bà con cần lưu ý đến nhóm chất dinh dưỡng có trong thức ăn nhằm đảm bảo cho heo phát triển và tăng trọng đều, nhanh chóng. Các nhóm chất chính là bột đường, chất đạm, béo, chất xơ, muối khoáng và vitamin.

Trộn theo tỷ lệ thích hợp

Sau khi chọn được loại nguyên liệu phù hợp, đảm bảo đủ nhóm dinh dưỡng, bà con cần trộn theo tỷ lệ thích hợp. Tỷ lệ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp heo tăng trọng đều, nuôi heo theo hướng nạc và giá trị dinh dưỡng trong thịt heo thành phẩm cao.

Thức ăn nuôi heo thịt thay đổi tỷ lệ phù hợp với giai đoạn phát triển của heo. Mỗi giai đoạn phát triển của heo cần được điều chỉnh tỷ lệ cho phù hợp, nhằm tối ưu tốt nguồn thức ăn, tăng trọng nhanh và giúp heo khỏe mạnh, tránh những bệnh lý nghiêm trọng.Trộn thức ăn nuôi heo với khối lượng đúng

Heo ở từng thể trạng, cân nặng cần lượng thức ăn khác nhau, đồng nghĩa với việc cần thay đổi khối lượng các nguyên liệu khi trộn cho heo. Trước khi trộn cần tính trước khối lượng cho 1 heo ăn 1 ngày để trộng cho phù hợp.

Cách phối trộn thức ăn cho heo thịt đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho heo, sẽ giúp bà con tự trộn thức ăn mà có thể thay thế thức ăn công nghiệp.

Lợi ích từ việc cho heo ăn thức ăn tự trộn

Dễ tìm nguyên liệu chăn nuôi, tận dụng được các sản phẩm nông sản có trong gia đình, tối ưu tốt mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt, sẽ rất phù hợp với những hộ chăn nuôi vừa và nhỏ.

Tiết kiệm chi phí thức ăn, sử dụng được nguồn nguyên liệu giá rẻ tại địa phương, xác minh được nguồn gốc TĂCN để chọn ra nguồn thức ăn đảm bảo tiêu chuẩn, không bị hỏng, giá trị dinh dưỡng cao.

Phối trộn thức ăn sẽ dễ dàng thay đổi, điều chỉnh tỷ lệ dinh dưỡng cho heo cho phù hợp với giống heo và giai đoạn phát triển của heo hơn.

Nhờ đó, có thể kiểm soát được mức độ tăng trọng của heo. Thức ăn cho heo thịt cần kiểm soát tốt cả về chất lượng và khối lượng nhằm đảm bảo heo tăng trọng tốt và đều.

Nguyên liệu chuẩn bị trộn thức ăn hỗn hợp cho heo thịt

Nguyên liệu cần chuẩn bị trước khi trộn cần đảm bảo cung cấp đủ các nhóm chất dinh dưỡng, thức ăn cần mới, tươi và đảm bảo, không sử dụng thức ăn đã biến chất, biến màu, biến mùi, đổi vị hay đã xuất hiện nấm mốc, không nên tận dụng nguồn thức ăn đã bị xuống dinh dưỡng.

Nguyên liệu thức ăn nuôi heo giàu bột đường, bao gồm các thức ăn giàu tinh bột như tấm gạo, cám gạo, bột ngô, khoai, sắn, lúa mì,…

Nhóm thức ăn cho heo thịt giàu chất đạm: Những thức ăn hỗn hợp cho heo thịt giàu chất đạm bao gồm bột cá, tôm, bột thịt, đạm thực vật như đậu tương, các loại khô dầu, lạc, dừa,…

Thức ăn giàu chất béo: Có trong các loại đỗ đậu, khô dầu, bánh dầu thực vật.

Thức ăn giàu vitamin và chất xơ: Các loại rau xanh, ngoài ra, trong các loại cám, tinh bột cũng chứa nhiều vitamin và chất xơ.

Cách chế biến và trộn thức ăn hỗn hợp cho heo thịt

Nguyên liệu cần được nghiền nhỏ hoặc cắt nhỏ trước khi trộn thành thức ăn nuôi heo thịt. Thông thường, thức ăn nên được phơi khô và nghiền thành bột nhỏ. Riêng các loại ra xanh có thể cho ăn ngoài dạng tươi sau khi đã cho heo ăn thức ăn hỗn hợp.

Chia khối lượng và tỷ lệ thức ăn theo bảng dinh dưỡng. Bà con cần căn cứ theo các lưu ý phối trộn thức ăn phía trên để trộn thức ăn nuôi heo. Khối lượng nguyên liệu cần được cân theo khối lượng càng chính xác càng tốt.

Cách trộn dựa trên thành phần, tỷ lệ và giai đoạn

Heo tách sữa đến 30kg: Trộn 43% cám gạo, 20% tấm, bỗng rượu 18%, bột cá 8%, khô dầu đậu tương 10%, bột xương 1%. Tổng giá trị dinh dưỡng hỗn hợp là 3100 Kcal và khoảng 15% chất đạm.

Heo từ 30kg tới 60kg: Trộn 42% cám gạo, 40% bỗng rượu, 6% bột cá, khô dầu đỗ tương 6%, bột xương 2%. Giá trị dinh dưỡng tổng bao gồm 3000 Kcal, 15% chất đạm.

Heo từ 60kg tới xuất chuồng: Trộn thức ăn nuôi heo gồm 40% cám gạo, bỗng rượu 46%, khô dầu đậu tương 7%, bột xương 1%. Tổng năng lượng là 2900 Kcal, chất đạm 13%.

Cách trộn thức ăn này đã giúp bà con chăn nuôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí TĂCN heo, chăn nuôi heo hiệu quả và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là cách trộn thức ăn hỗn hợp cho heo thịt được áp dụng nhiều tại các hộ gia đình chăn nuôi heo hiệu quả tại các địa phương.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Bổ sung sắt cho heo con bao nhiêu là đủ?

Thông tin mới nhất từ A. Kubik thuộc trường Đại học Guelph cho rằng, hiện nay những heo lớn và tăng trưởng nhanh tại thời điểm cai sữa trong cùng một đàn thường bị thiếu sắt và thiếu máu, điều này có thể ảnh hưởng xấu đến hiệu suất sau cai sữa.

Mở đầu và mục tiêu

Bổ sung sắt là việc làm cần thiết trong thực tiễn chăn nuôi ở trang trại và cần phải được thực hiện từ khi heo con đang bú sữa nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu sắt và thiếu máu.

         heo con

Có 4 lý do giải thích tại sao cần bổ sung sắt trong tuần đầu tiên trong quá trình sống của heo con.

– Lúc mới sinh nguồn sắt dự trữ có giới hạn.

– Hàm lượng sắt trong sữa heo nái/sữa đầu thấp.

– Heo con không tiếp cận với những nguồn cung cấp sắt.

– Nhu cầu sắt cao do tốc độ tăng trưởng của heo con rất nhanh.

Bổ sung sắt bằng cách tiêm bắp với liều 200mg trong tuần đầu tiên sau khi sinh đã được công nhận là phác đồ chuẩn trong nhiều năm qua.

Mục tiêu của nghiên cứu này là điều tra xem phác đồ bổ sung sắt hiện hành có đáp ứng đủ nhu cầu của heo con hiện nay qua việc xác định tỉ lệ thiếu máu hoặc thiếu sắt ở heo con tại thời điểm cai sữa và để xác định xem hàm lượng sắt tại thời điểm cai sữa ảnh hưởng đến hiệu suất sau cai sữa.

Phương pháp

Nghiên cứu thực hiện tại 20 trang trại nuôi heo ở Ontario, tất cả những trang trại này đều tiêm sắt bổ sung ở tuần đầu tiên, cụ thể là sử dụng dextran hoặc gleptoferron.

Trong mỗi trang trại, ba loại heo con (nhỏ, vừa, lớn) trong mỗi lứa đẻ được chọn để nghiên cứu, khoảng 60 con heo được lấy mẫu. Thời điểm lấy mẫu là trước khi cai sữa 1 – 2 ngày. Mỗi con heo được cân riêng và lấy mẫu máu. Các mẫu máu được gửi đến phòng thí nghiệm thú y (AHL) trường đại học Guelph để phân tích.

Ba tuần sau đó tiến hành cân lại và lấy mẫu máu lần thứ 2 để phân tích nồng độ haemoglobin. Nồng độ haemoglobin của mỗi heo con được xác định: bình thường > 110g/lit, thiếu săt 90 -110g/lit, thiếu máu <90g/lit.

Các nhà chăn nuôi cũng hoàn thành bảng câu hỏi ngắn về tập quán chăn nuôi cùng các phương pháp bổ sung sắt của họ.

Phân tích thống kê được sử dụng để đánh giá sự liên kết và đánh giá hoạt động của trang trại, tình trạng hemoglobin lúc cai sữa và ba tuần sau cai sữa trọng lượng.

Kết quả

Khi cai sữa tỉ lệ thiếu sắt và thiếu máu hiện hành tương ứng là 28 % và 6%.

Heo bị thiếu máu đã giảm 0,81kg trọng lượng cơ thể trong 3 tuần sau cai sữa so với trọng lượng của heo con bình thường khi cai sữa.

Ngoài ra heo mắc bệnh thiếu máu khi cai sữa đã giảm 0,68 kg trọng lượng cơ thể trong 3 tuần sau cai sữa so với heo thiếu sắt khi cai sữa.

Heo con lớn nhất khi cai sữa có hàm lương hemoglobin thấp hơn so với heo nhỏ. Heo sữa tăng trưởng nhanh nhất sẽ có lượng máu lớn nhất, do đó nồng độ hemoglobin của chúng bị pha loãng, do đó những con heo này đòi hỏi nhu cầu cao nhất trong tất cả các chất dinh dưỡng.

Như vậy heo con tăng trưởng nhanh chóng khi cai sữa có nhu cầu về sắt cao hơn heo con nhỏ.

Các kết quả từ nghiên cứu này khẳng định tiêm 200mg sắt trong tuần đầu tiên không đủ để ngăn chặn tình trạng thiếu máu và thiếu sắt đối với sự phát triển của heo.

Bệnh thiếu máu lúc cai sữa sẽ làm giảm tăng trưởng trong ba tuần đầu sau cai sữa. Điều ngạc nhiên là, heo con thường vẫn bị thiếu máu hay thiếu chất sắt trong thời gian ba tuần sau cai sữa mặc dù khẩu phần giai đoạn khởi động cũng đã được bổ sung thêm sắt.

Hiểu rõ những hậu quả của tình trạng thiếu sắt và thiếu máu là rất quan trọng đối với ngành chăn nuôi heo nói chung và người sản xuất nói riêng để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Dự án này đã chứng minh rằng những con heo tăng trưởng nhanh thường thiếu sắt và thiếu máu sau cai sữa và điều này là có ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi sau cai sữa.

Nhà sản xuất thịt heo cần phải đánh giá lại chương trình bổ sung sắt của mình để mang lại hiệu quả chăn nuôi tối đa.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Hiện tượng sinh sản kém ở bò liên quan tới nhiễm sắc thể y

Theo một nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), một lý do tại sao một số con bò không thể mang thai là có thể trong ADN của chúng có đoạn nhiễm sắc thể Y. Hiệu quả sinh sản là đặc điểm quan trọng nhất về kinh tế trong sản xuất giống bê.

Khi một con bò không sinh ra được một con bê thì người chăn nuôi sẽ không có lợi nhuận, nhưng vẫn phải trả chi phí thức ăn, nhân công và các chi phí khác. Với sự giúp đỡ của nhà chăn nuôi bò, nhà di truyền học Tara McDaneld của Cơ quan Nghiên cứu nông nghiệp (ARS) và các đồng nghiệp của ông là Roman L. Hruska – Trung tâm Nghiên cứu Thịt động vật của Mỹ (USMARC) tại Clay Center, Nebraska đã kiểm tra dữ liệu sinh sản ở khoảng 6.400 con bò cái từ đàn gia súc ở Colorado, Florida, Nebraska và USMARC.

trang trại bò sữa

Nhóm nghiên cứu bao gồm: nhà sinh học phân tử John Keele và nhà di truyền học Larry Kuehn sau đó đã lập kiểu gien cho các động vật nuôi này, sử dụng một phương pháp sàng lọc di truyền tiết kiệm chi phí gọi là phương pháp tổng hợp ADN kết hợp ADN của các loài động vật đơn lẻ vào một tổ hợp duy nhất.

Những con bò cái thường kế thừa một nhiễm sắc thể X từ bố mẹ chúng (XX), trong khi những con bò đực lại thừa hưởng một nhiễm sắc thể X và một Y (XY). Trong nghiên cứu này, chỉ có những con bò cái được kiểm nghiệm. Các nhà nghiên cứu tìm thấy các đoạn nhiễm sắc thể đực Y duy nhất trong tổ hợp ADN từ những con không mang thai. Tất cả các kết quả đáng nhẽ phải là XX trong số các con bò cái, McDaneld cho biết.

Để xác minh những phát hiện của mình, các nhà khoa học đã sử dụng một kiểm nghiệm bổ sung được gọi là phản ứng chuỗi polymerase (PCR) – một phương tiện hiệu quả và ít tốn kém để xác định các đoạn nhiễm sắc thể Y. Trong số các con vật có hiệu quả sinh sản thấp, nghiên cứu PCR cho thấy 25% bò cái trong quần thể bò của Florida và 20% trong đàn của USMARC có ít nhất một marker di truyền đoạn của nhiễm sắc thể Y. Không có con vật nào trong số các con vật có khả năng sinh sản cao có các marker này, cho thấy rằng những con bò cái không mang thai bởi chúng mang đoạn nhiễm sắc thể Y.

Các nhà khoa học của USMARC là những người đầu tiên xác định sự xuất hiện của các marker di truyền nhiễm sắc thể Y ở những con bò có khả năng sinh sản thấp.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Bí quyết nuôi thỏ sinh sản

Chuồng nuôi thỏ gồm 2 ô liên kết nhau theo chiều ngang, nhiều ô liên kết theo chiều dọc, tạo thành dãy chuồng kép…

* Rắc 4kg muối ăn/1m2 trấu lót nền nuôi, sẽ hết mùi khai từ phân và nước tiểu của thỏ

  1. Thiết kế chuồng

Nhà nuôi thỏ phải cao ráo, kín gió, có ánh sáng tự nhiên, có nhà nuôi thỏ sinh sản riêng, thỏ hậu bị riêng.

Bằng cách nuôi này, chỉ với hơn 100 thỏ sinh sản, mỗi tháng anh Nguyễn Văn Tiền ở huyện Văn Giang, Hưng Yên có lãi ròng hơn 10 triệu đồng.

Nền nhà phải bằng phẳng không thấm nước và dốc đều 15 độ xuôi theo rãnh gom nước thải ra bể xử lý bên ngoài.

Xây các lối đi cao 25cm, rộng 70cm. Khoảng cách giữa 2 lối đi rộng 1,2m là nơi kê đặt cho dãy chuồng nuôi thỏ.

Chuồng nuôi thỏ gồm 2 ô liên kết nhau theo chiều ngang, nhiều ô liên kết theo chiều dọc, tạo thành dãy chuồng kép, đặt cố định trên các cột ống nhựa lõi bê tông cốt thép, cao cách mặt nền 70 – 80cm.

Kích thước ô chuồng đơn, dài x rộng x cao = 80 x 50 x 40cm; ô chuồng kép 160 x 100 x 40cm.

Vật liệu làm chuồng là các nan thép hàn thưa, sao cho thỏ đứng không lọt chân, phân thỏ dễ rơi lọt xuống nền nhà.

Làm máng ăn bán tự động, để thỏ có thể dễ dàng lật máng vào ăn, người nuôi ngửa máng đổ thức ăn hoặc làm vệ sinh thuận lợi.

Tận dụng các vỏ chai nhựa coca cola loại 1,5 lít, lắp thêm van nước tự động cho thỏ uống, mỗi ô chuồng đơn treo 1 chai.

Có thể làm máng lõm trên mặt chuồng để chứa thức ăn thô xanh, khi thỏ ăn sẽ không dẫm đạp lên rau cỏ.

Dùng trấu lót sàn nền để hứng phân. Sau nuôi thỏ nuôi 4 – 5 ngày, rắc đều 4kg/1m2 trấu, sẽ khử hết mùi khai phân, nước tiểu và diệt khuẩn. Thay mới trấu và muối 2 tháng/1 lần.

Dùng rổ nhựa làm ổ cho thỏ đẻ (thỏ sẽ không cắn). Kích thước rổ: dài x rộng x cao là 40 x 30 x 15cm.

  1. Chọn con giống

     nuôi thỏ sinh sản

+ Con đực phải đạt trọng lượng trên 3kg, ngoại hình cân đối, khoẻ mạnh, không khuyết tật, tai rộng và cân, chân săn chắc, 2 tinh hoàn đều. Khi phối giống thỏ đực phải ghì chặt thỏ cái, sau giao phối thỏ đực đổ nằm xuống sàn chuồng, nhưng các chân vẫn ghì chặt thỏ cái đổ nằm theo.

+ Con cái cũng phải có thân hình cân đối, nhanh nhẹn, không dị tật, tai vểnh, lông mượt…

+ Khi phối giống, cho 2 thỏ đực thay nhau giao phối 1 thỏ cái cùng thời gian, sẽ đảm bảo phối giống thành công, rất hiếm khi phải phối lại. Thỏ mẹ sau đẻ 10 – 12 ngày có thể tiếp tục cho phối giống mang thai. Mỗi thỏ mẹ chỉ khai thác 7 – 8 lứa con thì dừng, thay mới bằng giống đã nuôi hậu bị. Cần tránh chọn giống bố mẹ cận huyết. Thỏ bố mẹ phải nuôi riêng, mỗi con 1 chuồng. Tỷ lệ đực cái đàn thỏ nuôi sinh sản là: 8 – 10 thỏ đực/100 thỏ cái, nhưng chỉ nuôi 10 thỏ cái cần 3 – 4 thỏ đực.

Thỏ đực nuôi sau 7 tháng, thỏ cái gần tháng mới cho phối giống. Kiểm tra thấy bộ phận sinh dục cái của thỏ chuyển màu đỏ tía (đã phát dục), thì cho giao phối.

Sau phối giống 28 – 32 thỏ sẽ sinh. Thỏ con sau sinh 25 – 30 ngày thì tách mẹ.

  1. Thức ăn

Thức ăn cho thỏ bao gồm rau củ quả phế thải từ nông nghiệp như, cà rốt, su hào, cỏ voi, thân cây ngô, lá rau các loại… Các loại thức ăn thô xanh phải rửa sạch để ráo nước mới cho ăn.

Tuyệt đối không cho thỏ ăn các loại rau còn dính sương, thỏ sẽ bị tiêu chảy.

Riêng cà rốt giàu dinh dưỡng, thỏ nhỏ chỉ cho ăn 1 củ/1 con/1 ngày, thỏ lớn cho ăn gấp đôi.

Thỏ cái sau sinh, ngoài thức ăn thô xanh, cám công nghiệp, cần cho ăn thêm mía hoặc uống nước đường nhạt 3 ngày liên tục để tăng sữa. Cám công nghiệp cách 1 ngày cho ăn 1 lần vào ban đêm, định lượng 0,2kg/1 con/1 ngày. Thời kỳ mang thai, cho ăn như trên, nhưng lượng cám công nghiệp giảm 1/2, ăn nhiều thỏ sẽ lú, đẻ kém.

Thỏ đực mỗi ngày 1 con cho ăn 0,1kg cám công nghiệp thỏ hoặc gà. Tuyệt đối không dùng cám công nghiệp của lợn và vịt, thỏ ăn sẽ bị tiêu chảy.

Thỏ con tách mẹ chỉ cho ăn công nghiệp, định lượng 0,1kg cám gà mảnh/5 con/ngày. Khi thỏ đạt 1 kg/1 con mới cho ăn rau và cám viên công nghiệp. Tuân thủ cách nuôi này đàn thỏ sẽ bảo toàn 100%.

  1. Phòng ngừa dịch bệnh

Vacxin xuất huyết thỏ cho thỏ sơ sinh, tiêm nhắc lại sau 6 tháng (thỏ hậu bị). Thỏ mẹ ngay sau đẻ tiêm kháng sinh Gentreks + thuốc bổ B12, tiêm nhắc lại 2 thuốc trên 2 tháng 1 lần.

Kiểm tra mỗi ngày, nếu chuồng nào có thỏ không ăn, uống phải cách ly ngay để chữa trị.

 

Hành vi của bò thay đổi cho thấy dấu hiệu của sự suy giảm sức khỏe

Một con bò sữa trở nên bồn chồn trong bốn giờ sau khi bị viêm vú do nhiễm vi khuẩn. Đồng thời, các triệu chứng khác của viêm nhiễm tăng triển như tăng nhiệt độ cơ thể và sưng vú trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, một người chăn nuôi chu đáo có thể phát hiện các dấu hiệu của một tình trạng chớm nhiễm trong sữa hai tiếng đồng hồ trước đó, theo luận án tiến sĩ của Jutta Kauppi, người đứng đầu Nghiên cứu Sản xuất Động vật tại Cơ quan Nghiên cứu Nông phẩm MTT của Phần Lan (MTT Agrifood Research Finland).

“Nghiên cứu cho thấy rằng, triệu chứng đầu tiên của một căn bệnh có thể được phát hiện trong sữa, trong khi những thay đổi trong hành vi của con bò lại được bộc lộ như một chỉ báo cho sự thay đổi về sức khỏe của bò”, Jutta Kauppi cho biết. 

                                                        chăm sóc bò

Tuy nhiên, rất khó để phát hiện những thay đổi hành vi và sự thay đổi trong chất lượng sữa đủ sớm. Tại một chuồng nuôi bò lấy sữa truyền thống, bệnh viêm vú thường được phát hiện muộn, chẳng hạn như trong một đợt vắt sữa, và khi sử dụng một hệ thống robot vắt sữa, trong trường hợp xấu nhất, khi một con bò không kết nối được với robot vắt sữa hoặc khi nó đã có một số thất bại trong nỗ lực vắt sữa trước đây. Luận án tiến sĩ của Kauppi tìm cách xác định các điểm quan trọng trong hành vi của con bò hướng vào sự suy giảm sức khỏe của bò.

“Những thay đổi trong hành vi của con bò, bao gồm bồn chồn, chứng minh cho những chỉ báo về một sự thay đổi mới chớm trong tình trạng sức khỏe của bò. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, những thay đổi trong thành phần sữa đã được xác định trước khi các triệu chứng trở nên rõ ràng, trong khi một máy ảnh hồng ngoại có thể phát hiện những thay đổi cho chứng viêm trong bầu vú bốn giờ sau khi tình trạng viêm xảy ra”,Jutta Kauppi nói.

Nghiên cứu cũng khảo sát những thay đổi trong hành vi của con bò liên quan đến hoàn thành các quy trình vắt sữa bằng robot một cách thành công, cũng như trong các hoạt động quản lý sữa và những thay đổi trong phương pháp vắt sữa.

Bên cạnh việc người chăn nuôi phải có quan sát tốt đối với gia súc, chuồng nuôi bò hiện đại hiện đang sử dụng công nghệ cho gia súc ăn, đảm bảo hoàn thành thành công việc vắt sữa, theo dõi sức khỏe và mức độ hoạt động của bò. Bởi vì một số con bò hoạt động nhiều hơn so với những con khác, chỉ riêng công nghệ thôi là không đủ để phát hiện sự suy giảm sức khỏe của một con bò.

“Chúng tôi có một loạt các ứng dụng phần mềm và công nghệ sản xuất hữu hiệu, nhưng chính người chăn nuôi là người hiểu được gia súc của họ và có vai trò quan trọng trong việc giải thích các tín hiệu mà các công cụ kỹ thuật tạo ra và trong việc đưa ra quyết định liên quan đến điều trị”, Jutta Kauppi nói.

“Trong đàn gia súc lớn, các chuồng nuôi bò hiện đại và công nghệ cao, kỹ năng của người chăn nuôi và tương tác chức năng giữa người chăn nuôi, bò và công nghệ trở nên rõ rệt”.

Nghiên cứu về sức khỏe vật nuôi và công nghệ về sức khỏe sẽ hướng mục tiêu vào phát hiện sớm các dấu hiệu dự báo một vấn đề sức khỏe của con vật. Điều này sẽ cho phép đưa ra các biện pháp phòng ngừa ở giai đoạn sớm hơn so với trước đây, gây ảnh hưởng cho quá trình nhiễm bệnh của một con bò và rút ngắn thời gian phục hồi.

“Viêm vú là căn bệnh gây thiệt hại cho người nông dân và bò. Khi tình trạng viêm ở mức nhất định, con bò bị bệnh nặng. Sữa được lấy từ bò bị bệnh cũng không phù hợp cho các dây chuyền sản xuất thực phẩm, gây thiệt hại đáng kể do việc điều trị bằng thuốc kháng sinh. Liên quan đến sức khỏe của bò và tác động tài chính gây ra bởi căn bệnh này, các tín hiệu cảnh báo sẽ giúp ngăn chặn sớm và toàn diện nhất có thể”, Jutta Kauppi kết luận.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam