Kỹ thuật trồng cúc vàng

Cây cúc vàng vụ đông có thêm 2 – 4 nhánh cành lộc, thân cây thẳng mập, bộ lá xanh đẹp, có hoa nở, hoa nụ, sẽ rất dễ bán và bán được giá cao…

1. Thời vụ trồng:

1 – 5/10. Cần theo dõi dự báo thời tiết, nếu vụ đông rét ít thì trồng muộn hơn so với thời vụ 3 – 5 ngày. Nếu vụ đông rét nhiều trồng sớm hơn 2 – 3 ngày.

  1. Đất trồng:

hoa cúc vàng

Cát pha hoặc thịt nhẹ giàu mùn, tưới tiêu thuận lợi.

  1. Tiêu chuẩn cây giống:

Cần mua cây giống từ các cơ sở nhân giống hoa cúc uy tín (Viện Nghiên cứu Rau quả) để có được cây giống trẻ về tuổi sinh lý và mập khỏe, sạch bệnh, tối thiểu có 4 – 6 rễ, cây cao 6 – 8cm.

  1. Phân bón/1 sào Bắc bộ:

800 – 1.000kg phân chuồng hoai; 25 – 30kg lân supe; 4 – 5kg clorua kali; 20 – 25kg vôi bột; 2 – 3kg đạm urê và 6-7kg NPK Đầu trâu xanh 16-16-13

5. Kĩ thuật trồng, chăm sóc:

Ruộng cày phơi ải 7 – 10 ngày, làm nhỏ đất, lên luống rộng 1 – 1,2m, cao 20 – 25cm, rãnh luống 30cm. Rẽ đất mặt luống trồng cây, hàng cách hàng 14cm, cây cách cây 10cm, mật độ 1,5 – 1,7 vạn cây/sào. Trồng chìm toàn bộ phần rễ cây, nén nhẹ gốc cây, tưới nước ngày 2 lần (sáng, tối) tới khi cây bén rễ hồi xanh.

Phân bón lót: Vôi bột bón kết hợp cày lật đất. 50% phân chuồng + 50% phân lân trộn đều với đất mặt luống, san phẳng, tiến hành trồng cây.

Bón thúc lần 1: Khi cây bén rễ hồi xanh phun bón lá Siêu lân 2 lần cách nhau 7 ngày.

Bón thúc lần 2 (sau trồng 10 ngày): 100% lượng đạm urê + 100% lượng clorua kali pha loãng tưới.

Bón thúc lần 3 (sau trồng 25 ngày): 100% lượng NPK Đầu trâu, rắc mặt luống kết hợp tưới nước.

Bón thúc lần 4 (sau trồng 40 ngày): Hết số phân chuồng, phân lân còn lại.

Ngoài ra, từ sau trồng đến cây phân hóa mầm, định kỳ 7 ngày/1 lần phun bón lá Atonik.

Suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của ruộng cúc không được xới xáo mặt luống.

Khi cây cao 25 – 30cm tiến hành làm giàn lưới dây nilon ô vuông (mỗi cây hoa trong 1 ô lưới), giữ cho cành hoa thẳng, tránh đổ ngã. Kéo căng các đầu dây lưới nilon buộc níu chặt vào hệ thống cọc tre cắm cố định trong đất ở đầu và mép luống hoa).

Thường xuyên ngắt bỏ các mầm nhánh phát sinh từ lách lá, chỉ để lại 3 – 4 mầm nhánh cho phát triển thành các cành nhánh phụ.

Các cành nhánh phụ cần được chọn từ những mầm nhánh liên tiếp mọc từ lách lá thứ 7 – 11 (tính từ lá cuối cùng ngọn cây). Các cành nhánh phụ này phát triển đến cuối vụ sẽ sinh thêm nhiều nụ hoa – dân dã gọi là cành lộc, có ý nghĩa về phong thủy, được người người tiêu dùng ưa chuộng.

Khi cây cúc chuyển sang phân hóa mầm hoa, chiều cao cây còn thấp dưới 55cm, cần bón bổ sung chế phẩm GA3 kích thích cây tăng trưởng (1 gram GA3 hòa tan trong 40 – 50 ml cồn 70 độ rồi pha loãng với 20 lít nước sạch phun/1 sào). Trước và sau phun GA3 khoảng 4 – 5 ngày, phải bón thêm cho mỗi sào cúc 2 – 3kg NPK Đầu trâu xanh để cây hoa tăng trưởng cân đối.

  1. Điều chỉnh hoa nở đúng thời vụ

Nếu ruộng cúc sinh trưởng khỏe, mà chậm phân hóa mầm hoa, hoa nở muộn hơn so với thời vụ, cần dừng tưới nước, hãm ruộng khô. Trong khi hãm ruộng khô nếu thời tiết có mưa, bón kali hoặc xới xáo nhẹ làm đứt 12 – 15% bộ rễ cây, cây cúc sẽ chuyển sang phân hóa mầm hoa.

Nếu sau trồng 20 – 25 ngày đã thấy các ngọn cúc có dấu hiệu chùn lại, lá nhỏ và xếp mau hơn, nhiệt độ không khí xuống dưới 13 độ C, cần thắp bóng điện 75W từ 17 – 21 giờ tối 20 – 25 ngày liên tục (mỗi tối thắp 3 – 4 giờ). Bóng điện treo cao hơn ngọn cúc 0,8 – 1m. 5 – 6m2 thắp 1 bóng.

  1. Phòng trừ sâu bệnh

Phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo khuyến cáo của cán bộ BVTV chuyên ngành. Chú ý 1 số đối tượng gây hại nguy hiểm như bệnh sương mai, sâu xanh, sâu khoang, sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bọ trĩ… Có thể phối hợp 1 số loại thuốc Ridomil 72MZ, Pegasus, Sumicidin, Carbamec… Phun định kỳ 15-20 ngày/ 1 lần từ sau trồng đến trước thu hoạch hoa 15 ngày.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Mô hình trồng huệ trắng

Mạnh dạn chọn cho mình hướng đi riêng, đến nay, ông Đỗ Văn Bảy đã thu về hơn 100 triệu đồng/tháng nhờ mô hình trồng huệ trắng. Ông Bảy (65 tuổi, ngụ ấp Trường Thạnh A, xã Trường Thành, H.Thới Lai, TP.Cần Thơ) cho biết trước đây, ông từng làm ruộng, trồng rẫy, nuôi tôm… nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Trong hoàn cảnh đó, ông luôn trăn trở tìm một loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao để giúp gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu.

Năm 2010, một lần đi Đồng Tháp, ông thấy người dân trồng bông huệ trắng bán được giá cao, đầu ra ổn định nên có ý định trồng thử. “Ban đầu tôi cũng băn khoăn không biết cây huệ trắng có thích nghi với vùng đất này hay không, rồi tới lúc thu hoạch biết bán cho ai.

trồng hoa huệ trắng

Nghĩ tới lui tôi vẫn quyết tâm trồng vì mình không có gan thì sao làm giàu”, ông Bảy chia sẻ.

Sau chuyến đi, ông về quê vay vốn cải tạo 3 công đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng huệ trắng. Lúc này ở địa phương chưa có ai trồng huệ trắng nên ông Bảy phải tự tìm mua giống, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây. Thời gian đầu, hầu như suốt ngày ông ở ngoài ruộng theo dõi sự phát triển của cây huệ để kịp thời phát hiện sâu bệnh, bổ sung các loại phân bón cho cây. Sau 4 tháng, ruộng huệ của ông phát triển tốt, cho bông thẳng, đẹp. Đợt thu hoạch đầu tiên, ông bán được gần 10 triệu đồng.

Thấy trồng bông huệ đem lại hiệu quả khả quan hơn các loại cây khác, 3 người con trai của ông Bảy cũng theo cha phát triển diện tích trồng huệ. Từ 3 công ban đầu, sau 6 năm, gia đình ông đã mở rộng lên gần 4 ha trồng bông huệ. Ông Bảy cho biết, đối với bông huệ, khâu làm đất rất quan trọng. Đất trồng cần màu mỡ, được lên liếp cao tránh ngập úng; đồng thời phải đào hệ thống mương dẫn để cung cấp nước tưới và thoát nước trong mùa mưa lũ. Trước khi trồng phải cày xới đất cho tơi xốp để tăng lượng ô xy trong đất, giải phóng khí độc và bón lót một số loại phân. Củ huệ trước khi vùi xuống đất được ông phơi khô, khử các mầm bệnh để khi lớn, bụi huệ sẽ nảy nhanh hơn, bông to đẹp, không bị chai cứng. Mỗi bụi huệ ông trồng từ 4 – 5 củ, cách nhau khoảng 40 cm. Trong thời gian trồng bón thêm phân u rê, DAP giúp cây phát triển tốt; đồng thời phun các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ các loại bệnh úng lá, sâu đục bông… Đặc biệt, người trồng cần thường xuyên kiểm tra gốc để tránh bệnh nấm gốc dẫn đến thối củ.

Thời gian trồng huệ tính từ lúc vùi củ đến thu hoạch khoảng 4 tháng. Đặc điểm của huệ trắng là ra bông quanh năm, từ 3 – 4 ngày nhổ bông một lần. Huệ sẽ cho bông liên tục khoảng 3 – 4 năm mới phải trồng lại đợt mới. Hiện huệ loại 1 có giá 3.000 đồng/cành, loại 2 khoảng 2.000 đồng/cành. Vào những ngày rằm, giá huệ từ 4.000 – 5.000 đồng/cành, riêng dịp Tết Nguyên đán giá tăng lên 10.000 – 12.000 đồng/cành. Thay vì đi qua khâu trung gian, ông cùng các thành viên trong gia đình liên hệ trực tiếp với bạn hàng để bán được giá cao hơn. Mối hàng của ông Bảy có ở khắp nơi, từ TP.Cần Thơ đến các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Trung bình mỗi đợt ông giao khoảng 25.000 cành, riêng dịp lễ tết có thể lên đến 100.000 cành/đợt. Tính ra trung bình mỗi tháng, gia đình ông Bảy thu về hơn 100 triệu đồng.

Mô hình trồng hoa huệ trắng của ông Bảy vài năm qua trở thành điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nông dân trong, ngoài tỉnh. Ông cũng thực hiện được ước mơ thoát nghèo, xây được nhà cửa khang trang và giúp các con lập nghiệp.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật thâm canh hoa lay ơn

Lay ơn là cây ưa sáng nhưng không chịu được cường độ ánh sáng mạnh. Trong thời kỳ phân hoá mầm hoa, nếu không đủ ánh sáng thì hoa mù và hoa tự héo, cây rất dễ bị nhiễm bệnh…

  1. Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh

Ánh sáng: Lay ơn là cây ưa sáng nhưng không chịu được cường độ ánh sáng mạnh. Trong thời kỳ phân hoá mầm hoa, nếu không đủ ánh sáng thì hoa mù và hoa tự héo, cây rất dễ bị nhiễm bệnh.

thu hoạch hoa lay ơn

Nhiệt độ: Lay ơn ưa khí hậu mát mẻ, không chịu được nắng nóng. Trước khi phân hoá hoa và khi cây phân hóa hoa cần nhiệt độ mát mẻ 15 – 20 độ C (nếu không hoa bị mù, tỷ lệ hoa nở thấp).

Độ ẩm: Lay ơn cần nước trong suốt quá trình sinh trưởng, giai đoạn cây bắt đầu ra lá thứ 3 đến lá thứ 7 là thời kỳ cần nhiều nước nhất, thiếu nước ảnh hưởng đến phân hoá hoa. Độ ẩm đất thích hợp cho layơn từ 80 – 90%, độ ẩm không khí từ 75 – 80%.

Đất: Đất thích hợp trồng layơn là loại đất phù sa, thịt nhẹ, cát pha, pH từ 6 – 7, thoát nước tốt. Lay ơn rất mẫn cảm với muối kim loại nặng, đặc biệt là lượng chì cao. Khi trồng layơn cần chú ý không nên trồng 2 vụ lay ơn liên tiếp trên cùng một mảnh đất.

Không khí: Lay ơn khá mẫn cảm với không khí, đặc biệt là khí Clo và Flo. ở những nơi có nồng độ Clo và Flo cao, layơn bị khô đầu lá. Do vậy, khi chọn địa điểm trồng nên tránh những nơi gần khu công nghiệp, lò gạch…

  1. Kỹ thuật làm đất

Biện pháp thủ công: Ngả đất sớm, bón thêm vôi bột, vừa có tác dụng khử trùng, vừa cung cấp thêm canxi cho cây. Lượng bón: 20 – 25kg/sào, rắc đều trên mặt luống sau đó xới xáo 1 lượt.

Biện pháp hoá học: Dùng CuCl2 phun nồng độ 0,2 – 0,3%.

Lên luống: Chiều cao luống 20 – 30cm, rộng luống 1 – 1,2m, rãnh luống 25 – 30cm.

Đánh rạch: Dùng cuốc đánh rạch theo chiều ngang của luống, độ sâu rạch: 10 – 15cm.

Kĩ thuật trồng: Sau khi rạch hàng, bỏ phân, lấp đất mỏng thì đặt củ giống lên trên, sau đó phủ một lớp đất 4 – 5cm (đất sét lấp mỏng hơn đất thịt, mùa hè nhiệt độ cao lấp dày hơn mùa đông).

Tưới nước: Nếu thiếu nước, cây sinh trưởng yếu dẫn đến chất lượng hoa giảm, do vậy phải thường xuyên giữ độ ẩm đất từ 70 – 75%. Thông thường cứ 2 – 3 ngày tưới một lần, trời nắng khô 1 ngày tưới 1 lần.

Bón phân (lượng bón cho 1 sào Bắc bộ): Phân chuồng hoai mục 500kg, phân lân 20kg, phân kali 20kg, phân đạm 20kg urê, phân vi sinh 20 – 30kg.

+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + 3/4 lượng lân + 1/2 phân vi sinh. Đánh rạch, trộn đều các loại phân với nhau và bón xuống rạch, sau đó lấp một lớp đất mỏng rồi đặt củ giống lên trên.

+ Bón thúc: Lượng phân còn lại chia đều cho các lần bón, cứ 7 – 10 ngày bón một lần kết hợp với tưới phân chuồng loãng. Riêng phân vi sinh, bón khi cây được 3 lá.

Ngoài ra có thể sử dụng phân bón lá Komix, phun vào giai đoạn cây có từ 2 – 5 lá hiệu quả rất cao.

Vun xới, tỉa mầm: Sau trồng 7 – 10 ngày, mầm mọc khỏi mặt đất, thường 1 củ có 1 mầm, nhưng có những củ mọc ra 2 – 3 mầm, khi đó ta cần tỉa bỏ những mầm phụ, chỉ để lại 1 mầm chính. Khi tỉa, một tay ấn chặt gốc, 1 tay tỉa mầm, tránh làm lay gốc cây.

Khi cây được 3 lá, tiến hành vun đợt 1, sau đó khi cây có 5 lá tiến hành vun đợt 2, đợt này cần vun cao để chống đổ. Sau vun đợt 2 cần cắm cọc định cây, để cây không bị đổ. Nếu loại cây thấp chỉ cần cắm 1 số cọc cắm ở mép luống, mỗi cọc cắm cách nhau từ 1,5 – 2m, sau đó dùng dây chăng và buộc cây. Loại cây cao, trồng những nơi gió nhiều thì khoảng cách cắm cọc dày hơn, khoảng 1m cắm 1 cọc.

  1. Thu hoạch và bảo quản

Thời gian thu hoạch: Trên gốc hoa tự có 1 – 2 hoa nhú màu, nên cắt vào buổi sáng.

Vị trí cắt: Chừa lại 2 – 3 lá hoàn chỉnh trên cây để cây tiếp tục quang hợp nuôi củ. Dùng dao sắc cắt vát 15 độ để tăng khả năng hút nước của hoa. Sau khi cắt hoa xong nên cắm ngay vào nước. Phân loại theo độ tuổi, cấp hoa để thuận tiện cho vận chuyển, tiêu thụ và bảo quản.

Dùng dây cao su hoặc nilon buộc chặt gốc, dùng giấy bao lại để bảo vệ hoa. Hoa xếp thành từng lớp, trở đầu đuôi trong thùng và xếp cách thành thùng 8cm để tránh xây xát.

Bảo quản hoa bằng hóa chất: Sử dụng các dung dịch glucoza, sacaroza 3-5%, AgNO3, Chrysal RVB….

Bảo quản trong kho lạnh: Hình thức bảo quản này hiện đại và hiệu quả nhưng chỉ có ở những cơ sở sản xuất lớn mới có điều kiện áp dụng vì chi phí cho hệ thống bảo quản này là rất lớn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Xử lý chanh ra hoa rải vụ

Giải pháp SX trái cây rải vụ (nghịch vụ) để bán được giá giúp nhà vườn ở ĐBSCL thu về một khoản lợi nhuận rất cao.

Xử lý chanh ra hoa rải vụTrồng chanh xử lý cho ra hoa rải rụ sẽ “hốt bạc”

Điển hình là gia đình gia đình anh Nguyễn Hoàng Vũ, ấp Tân An, xã Tân Hội, TP Vĩnh Long (Vĩnh Long). Nhờ xử lý cho cây chanh ra hoa rải vụ, năm 2014, trên diện tích 3.000 m2 anh Vũ đã thu hoạch 9 tấn chanh với giá bán 12.000 đ/kg cho thu nhập 108.000.000 đ.

Anh Vũ chia sẻ: “Mùa mưa giá chanh thường rất rẻ, thậm chí không đủ chi phí thu hoạch nên người trồng có khuynh hướng điều khiển cho cây ra hoa nghịch vụ để thu hoạch trong mùa khô, nhất là dịp tết sẽ bán được giá. Việc xử lý ra hoa là yêu cầu kỹ thuật rất quan trọng đối với người trồng chanh”.

Nhờ áp dụng thành công kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ trên cây chanh 5 năm tuổi, anh Vũ từ khó khăn vươn lên khá giàu.

Anh Vũ cho biết cách thực hiện như sau: Đầu tiên, sau khi thu hoạch tháng 7 – 8 âm lịch khoảng 15 ngày (áp dụng cho cây 5 năm tuổi), cung cấp dinh dưỡng cho cây phục hồi bằng cách: Bón gốc cho cây 1 – 2 kg NPK 20-20-15; 10 kg phân hữu cơ hoai mục trộn với 20 gram nấm Trichoderma. Tiến hành cắt tỉa các đoạn cành đã mang trái, cành già cỗi, sâu bệnh… Quét vôi hay Bordeaux lên thân, cành phòng ngừa nấm; đồng thời kết hợp phun thuốc trừ sâu 2 lần (7 ngày/lần) giúp cây phát triển tốt chuẩn bị sức ra hoa.

Để có được kết quả như hôm nay, anh Vũ cho biết không chỉ áp dụng đúng kỹ thuật, bán được giá cao mà còn phải có tính cần cù chịu khó ham học hỏi.

Khoảng thời gian 1,5 tháng sau khi cây ra đọt non bón 0,5 kg DAP + 0,5 kg kali. Phun F.Bo 2 lần (7 ngày/lần) phun ướt đều 2 mặt lá. Khi lá đủ già (khoảng 3 tháng) bắt đầu xiết nước 1 – 2 tuần tùy theo thời tiết.

Quan sát lá chanh héo (lá gần như cuốn lại) thì bắt đầu tưới đẫm cho ướt đều 3 ngày liên tục. Sử dụng chế phẩm C.A.T + F. Bo xịt ướt đều 2 mặt lá ( 5 ngày 1 lần). Sau đó, hoa nở nhanh và nhiều. Cũng như các loại cây có múi khác, khi xử lý ra hoa nghịch vụ, cây chanh cũng bị một số loại dịch hại tấn công do phải phòng trị kịp thời để bảo vệ tốt năng suất và chất lượng trái.

Ngoài biện pháp xử lý ra hoa bằng cách xiết nước anh Vũ còn áp dụng xử lý hóa chất Thioure làm rụng lá nồng độ 0,5%, 0,3% kết hợp với ure nồng độ 4,6%.

Trên đây là cách làm giàu của anh Vũ các nhà vườn có thể nghiên cứu và áp dụng biện pháp xử lý chanh cho ra hoa nghịch vụ để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, đồng thời cũng phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật bảo quản các loại đậu đỗ

Các loại đậu đỗ nói chung có lớp vỏ mỏng nên khả năng bảo vệ kém, lại chứa nhiều protein và chất béo (2 – 20%) nghĩa là những chất dễ phân giải. Mặt khác đậu đỗ lại là nguồn thức ăn rất tốt cho vi sinh vật và côn trùng phá hoại mạnh, rất dễ bị mốc, oxy hoá, lượng axit béo tăng lên, phẩm chất của đậu đỗ giảm xuống. Nếu thuỷ phần của hạt 15 – 16% và bảo quản trong điều kiện nhiệt độ cao sẽ rất dễ dẫn đến hiện tượng tự bốc nóng.

                                              Kỹ thuật bảo quản các loại đậu đỗ

Nếu trong khối hạt lẫn nhiều tạp chất hoặc sâu hại nước nghiêm trọng thì khả năng biến chất của hạt tương đối lớn. Từ sự biến hoá hình thái của hạt có thể nhận ra mức độ biến chất của hạt. Ví dụ nếu thuỷ phần của hạt là 13%, ở nhiệt độ cao 20 độ C có thể quan sát thấy màu sắc của tử diệp đậm. Còn nếu bộ phận hạt không chín đều, thuỷ phần 13% và ở nhiệt độ bảo quản là 23 độ C thì mặt sau tử diệp màu phớt hồng.

Để khống chế những hiện tượng biến chất của hạt cần phải chú ý những yếu tố sau đây:

  •  Thuỷ phần: Phải luôn luôn giữ cho thuỷ phần của đậu đỗ ở giới hạn < 12% thấp hơn các loại hạt chứa nhiều tinh bột như thóc, gạo. Nếu như thuỷ phần vượt quá 12% ví dụ ở mức độ là 14% thì hạt bị mềm, tỷ lệ axit béo tăng nhanh, có mùi chua, mốc…
  •  Nhiệt độ khối hạt giữ ở mức độ bình thường, nếu cao quá sẽ làm phẩm chất giảm. Do vỏ hạt mỏng và dễ bị nứt, nên khi phơi cần tránh ánh nắng buổi trưa quá mạnh nên có thể phơi trong bóng mát, tốt nhất là sau khi thu hoạch phơi cả cây thì hạt đậu được bảo vệ bởi vỏ quả không dễ phát sinh hiện tượng nứt.
  • Độ nguyên vẹn của hạt và độ chín của hạt phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn loại bỏ hạt xanh lép, vỡ…

Nói chung đối với hạt đậu đỗ người ta áp dụng phương pháp bảo quản kín hoàn toàn là tốt nhất; cách bảo quản tương tự như khi bảo quản khoai và sắn.

Khi nhiệt độ không khí không vượt quá 15 độ C thì căn cứ vào thuỷ phần khác nhau của hạt mà có thể xếp hạt như sau:

– Nếu thuỷ phần của hạt < 12% để hạt rời có độ cao 1,5 m, để trong bao và xếp 8 tầng.
– Nếu thuỷ phần từ 12 – 14% để hạt rời cao 1,0 m và đóng bao 6 tầng.
– Nếu thuỷ phần từ 14 – 16% để hạt rời cao 0,7 m và đóng bao 4 tầng.
– Nếu thuỷ phần từ > 16% để hạt rời cao 0,5 m và đóng bao 2 tấng.

Về mùa hè do thời tiết nóng nực nên độ cao hạt để rời nên giảm đi 1/3 và số tầng bao không quá 2 tầng bao. Với lượng hạt ít có thể dùng chum vại có lót tro bếp để hút ẩm, bỏ đậu vào và đậy kín. Không nhập kho lúc nóng.

Theo tài liệu nghiên cứu của Trung Quốc thì đậu nành nhập kho khi hạt nguội sau 10 tháng tỷ lệ nẩy mầm trên 50%. Nếu nhập kho lúc nóng thì tỷ lệ nẩy mầm chỉ còn 4%.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

 

Hà nội phát triển giống đậu tương cho năng suất cao

Để tạo điều kiện tốt nhất cho việc hình thành vùng sản xuất đậu tương tập trung theo hướng hàng hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất phát triển và tiêu thụ giống đậu tương, đồng thời yêu cầu các địa phương cần sớm hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp nông dân tiết kiệm chi phí lao động, tăng thu nhập.

Năm 2015, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã triển khai mô hình sản xuất đậu tương giống vụ Hè Thu với diện tích 210ha giống DT84, tại 5 hợp tác xã nông nghiệp Hát Môn, Vân Nam, Thuấn Nội (xã Tam Huấn) huyện Phúc Thọ, hợp tác xã nông nghiệp Trung Châu 1, Trung Châu 2 (xã Trung Châu, huyện Đan Phượng).

Hà Nội phát triển giống đậu tương DT84 mới cho năng suất caoTrồng đậu tương vừa cho hiệu quả kinh tế cao, lại không tốn nhiều công chăm sóc.

Nhằm đảm bảo chất lượng hạt giống, cán bộ kỹ thuật Trung tâm đã chú trọng hướng dẫn nông dân thực hiện tốt khâu kỹ thuật về khử lẫn cây khác dạng, khác giống trên đồng ruộng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, năng suất đạt trên 2,35 tấn/ha (có nơi năng suất đạt từ 2,5-2,6 tấn/ha), cho sản lượng từ 490-495 tấn.

Chị Trần Thị Loan ở xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ) cho biết trồng đậu tương vừa cho hiệu quả kinh tế cao, lại không tốn nhiều công chăm sóc. Vụ này được Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội hỗ trợ giống đậu tương DT84, gia đình chị trồng hơn 4 sào, dự kiến cho thu hoạch hơn 3 tạ. Với giá bán 18.000-20.000 đồng/kg đậu tương giống, gia đình có thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/vụ, trừ chi phí, lãi 4 triệu đồng/vụ.

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, giống đậu tương DT84 có khả năng kháng chịu sâu bệnh tốt hơn các giống đậu tương khác, thời gian sinh trưởng, phát triển ngắn

Hiện DT84 là giống đậu tương tốt nhất cả về chất lượng cũng như năng suất. Bộ giống này có thể triển khai đại trà, tiến tới phủ kín diện tích trồng đậu tương của các huyện ngoại thành Hà Nội, nhất là đáp ứng nhu cầu đậu tương của thị trường trong nước.

Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cho biết thời gian tới, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội sẽ tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần tăng năng suất, đảm bảo chất lượng hạt giống cấp xác nhận, thực hiện tốt công tác thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch.

Từ nay đến cuối vụ, Trung tâm còn phối hợp chặt chẽ với cơ sở để chuẩn bị tốt công tác thu hoạch giống, phối hợp với doanh nghiệp thu mua và cung ứng giống đậu tương cho các vùng trồng đậu tương trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phân bón sản xuất bằng ánh sáng mặt trời

Các nhà khoa học Mỹ phát hiện cách thức sử dụng ánh sáng Mặt Trời để tổng hợp amoniac, thành phần quan trọng trong việc sản xuất phân bón.

Theo UPI, hiện nay có hai cách chính để tổng hợp amoniac (NH3) từ khí nitơ (N2). Đầu tiên là biện pháp sinh học, vi khuẩn có trong nốt sần của rễ cây họ đậu và một số loài cây khác sử dụng protein nitrogenase biến đổi nitơ thành amoniac. Cách thứ hai dựa trên quy trình công nghiệp Haber – Bosch, gồm nhiều phản ứng hóa học ở điều kiện nhiệt độ và áp suất cao.

Phân bón đóng vai trò quan trọng giúp tăng năng suất cây trồng.Phân bón đóng vai trò quan trọng giúp tăng năng suất cây trồng. 

Các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia (NREL) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ hợp tác với Đại học Colorado, tìm ra quy trình tổng hợp mới, khai thác tiềm năng sinh hóa của nitrogenase trên quy mô sản xuất công nghiệp.

Nhóm nghiên cứu kết hợp nitrogenase với tinh thể nano của hợp chất cadmium sulfide (CdS). Năng lượng ánh sáng Mặt Trời kích thích các electron trong tinh thể nano, tạo ra sự chuyển đổi nitơ thành amoniac. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science hôm 22/4.

“Bí quyết nằm ở chỗ kết hợp các tinh thể nano bán dẫn có khả năng hấp thụ năng lượng ánh sáng Mặt Trời với nitrogenase, chất xúc tác tự nhiên giúp chuyển đổi nitơ thành amoniac”, Gordana Dukovic, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Hiện nay, sản xuất phân bón là một quy trình tốn nhiều năng lượng, chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Công nghệ mới mang đến hy vọng sản xuất phân bón theo cách bền vững hơn.

“Sử dụng ánh sáng Mặt Trời để thực hiện những phản ứng hóa học xúc tác khó mở ra tiềm năng chế tạo các hóa chất mới và sản xuất nhiên liệu hiệu quả hơn”, Katherine Brown, nhà nghiên cứu tại NREL, chia sẻ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nông trại rau trong nhà cho năng suất cao

Con người đã trải qua hơn 10.000 năm lịch sử nông nghiệp và biết rõ một đợt thiên tai như hạn hán, lũ lụt có thể quét sạch công sức của họ trong năm. Vì vậy, điều chỉnh nhịp tăng trưởng của cây trồng, tránh bớt thiên tai là điều con người luôn hướng tới.

Để hiện thực hóa ý tưởng trên, nhà sinh học Shigeharu Shimamura đã thiết lập một trang trại quy mô lớn trong một nhà máy ở Nhật Bản. Được kiểm soát chặt chẽ bằng cách sử dụng hệ thống đèn LED thiết kế đặc biệt, trang trại trong nhà mới mở hồi đầu tháng 7 được cho là có khả năng sản xuất 10.000 cây rau diếp mỗi ngày, theo Daily Mail.

Nông trại trong nhà cho năng suất cao                                        Nông trại trong nhà cho năng suất cao

Trang trại có kích cỡ bằng một nửa sân bóng đá, được xây dựng trong một nhà máy trước đây từng sản xuất chất bán dẫn của tập đoàn Sony ở Kashiwa, tỉnh Chiba, Nhật Bản. Trang trại sử dụng 17.500 đèn LED trải rộng trên 18 kệ trồng cao 16 tầng, các đèn chiếu sáng để giả lập ngày và đêm.

Bằng cách giám sát quá trình quang hợp một cách cẩn thận và chi tiết, hệ thống giúp rau diếp phát triển nhanh hơn so với rau diếp trồng tại các trang trại ngoài trời với tốc độ 2,5 lần. Nó không chỉ giúp giảm 40% chất thải mà năng suất cũng tăng lên chóng mặt.

Ý tưởng rau sạch, tăng trưởng nhanh, tránh thiên tai đến với Shimamura khi ông làm việc tại tỉnh Miyagi ở miền đông Nhật Bản, nơi này đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh và sóng thần hồi năm 2011. Thảm họa này đã xóa sổ các cây trồng, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực.

Theo Shimamura, trang trại này chỉ sử dụng một lượng nước rất nhỏ, khoảng 1% so với trang trại ngoài trời. Ngoài ra, nó còn giúp điều chỉnh lượng khoáng chất và vitamin trong cây.

Các nhà khoa học tin rằng những trang trại trong nhà như thế này sẽ góp phần đắc lực giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực trên thế giới. Kế hoạch sắp tới sẽ là phát triển thêm trang trại tại một số nước trong đó có Hồng Kông.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng mãng cầu xiêm cho năng suất cao nhất

Mãng cầu xiêm là thực phẩm qúy nhờ giàu chất khoáng: lân, canxi và rất nhiều Vitamin B 1, B2 ,P,C có vị chua ngọt rất ngon khi làm nước sinh tố và được người dân rất ưa chuộng.

Trái mãng cầu xiêm lớn hơn mãng cầu ta rất nhiều, nặng trung bình từ 1-2 kg có khi lớn hơn nữa, vỏ ngoài nhẵn chỉ phân biệt múi nọ với múi kia nhờ mỗi múi có một cái gai cong, mềm vì vậy còn có tên là mãng cầu gai. Nếu biết kỹ thuật trồng cây mãng cầu xiêm sẽ cho năng suất rất cao.

Nhân giống

Kỹ thuật trồng cây mãng cầu xiêm không khó để có năng suất cao nhất
Kỹ thuật trồng cây mãng cầu xiêm không khó để có năng suất cao nhất

Mãng cầu xiêm thường nhân giống bằng hạt, song nó cũng có thể trồng bằng cây đã lớn được bứng lên cẩn thận, bằng chiết cành, ghép mắt và ghép cành. Có thể gieo hạt trong các bầu hay trên líp đất có hơi pha cát. Gieo hạt sâu chừng 1cm và cách nhau 2 – 2,5cm. Che nắng cho hạt và tưới giữ ẩm thường xuyên. Hạt tốt có thể nảy mầm từ 85 – 90% trong 20 – 30 ngày.

Cách trồng và khoảng cách trồng

Đào hố rộng 30 – 50cm, sâu 30 – 50cm, tùy cây lớn nhỏ. Nếu trồng luôn bầu cây thì hố phải rộng hơn nhiều so với kích thước của bầu để không ép rễ cây con. Lấp trở lại lớp đất mặt khi đặt cây con và tưới nước ẩm ngay. Cây mãng cầu xiêm nên trồng với khoảng cách 3 – 4m, trồng theo kiểu nanh sấu hoặc theo hàng. Nên trồng khoảng cách 3 x3 m, một số nơi trồng 2,5 x2,5m tận dụng tối đa diện tích mặt đất

Mãng cầu xiêm thường được trồng bằng hạt
Nếu biết kỹ thuật trồng cây mãng cầu xiêm sẽ cho năng suất rất cao.

Phân bón

Cần bón cân đối NPK nên chọn các loại phân 10-10-10 với loại phân trên năm 1 bón 100g, năm thứ 2 bón 400 g, năm thứ 3 bón 800g, năm thứ 4 bó 1,2 kg/cây. Khi cây lớn bon gia giảm từ 2-3 kg/cây/năm. Nếu đất xấu hoặc trên đất cát nên bổ sung thêm 10-20 kg phân chuồng /cây/năm. Chia làm 2-3 lần bón, sau thu hoạch (cuối mưa) và khi cây nuôi quả (đầu + cuối mùa mưa).

Quả mãng cầu có rất nhiều công dụngQuả mãng cầu có rất nhiều công dụng

Sâu bệnh hại chính

Sâu gây hại phổ biến nhất vẫn là rệp sáp và các loại rầy miệng chích hút khác, làm giảm chất lượng, sản lượng. Trị bằng nhiều loại thuốc như Supracid, Bi 58ND, Sumithion, Suprathion. Rệp và rầy ngoài việc chích hút nhựa làm hại trái, còn tạo điều kiện thuận lợi cho một số bệnh xâm nhập, nhất là bệnh thán thư gây những vết đốm đen. Phòng trừ bệnh bằng các loại thuốc Benlat C, Kasuran BTN, Aliette 80 BTN

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Chọn tạo giống lúa mới, năng suất cao

Tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai (Viện Cây lương thực, thực phẩm thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp) cho biết đã chọn, tạo được giống lúa mới cho năng suất cao.

                                        Chọn tạo giống lúa mới, năng suất cao

Giống lúa mới có tên gọi HTY100, cho gạo ngon, cơm mềm, có mùi thơm nhẹ, đã được đăng ký thương hiệu độc quyền Thiên Hương HYT100.

Đặc biệt, giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 125–130 ngày vụ xuân muộn; 105–110 ngày với vụ mùa sớm. Chiều cao của cây là 95–100cm, đẻ nhánh khoẻ, bộ lá xanh vừa, góc lá đứng, khả năng chống đổ, chịu rét và chống sâu bệnh khá tốt, năng suất cao: vụ xuân 75–90 tạ/ha; vụ mùa 65–70 tạ/ha.

Được biết, giống lúa mới HYT100 được công nhận là giống lúa tạm thời từ năm 2005, hiện đã được trồng khảo nghiệm ở các địa phương như: Thanh Hóa, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Yên Bái, Hải Dương.

Kết quả khảo nghiệm tại các vùng trên cho thấy, giống lúa nói trên cho năng suất cao, chất lượng hạt đều.

Theo PGS, TS Nguyển Trí Hoàn – Viện trưởng Viện Cây lương thực và thực phẩm thì việc phát triển và nhân rộng giống lúa lai 3 dòng HYT100 đã và đang góp phần vào việc phát triển thị trường lúa gạo, đảm bảo hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác của người nông dân và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Trong thời gian tới giống lúa lai 3 dòng HYT100 sẽ được nhân rộng chủ yếu là vùng Đồng bằng sông Hồng và trong tương lai sẽ nghiên cứu thổ nhưỡng của các vùng miền khác để đưa giống lúa vào gieo trồng” . PGS, TS Nguyển Trí Hoàn cho biết.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam